Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

Việt Nam từ Nho giáo đến chủ nghĩa cộng sản



Việt Nam từ Nho giáo đến chủ nghĩa cộng sản 
Trịnh Văn Thảo

Chương Một
Dẫn nhập vào khoa xã hội học lịch sử :
khái niệm “thế hệ trí thức”
1. Từ diễn viên đến hoạt động xã hội : Diện mạo người trí thức
Theo sử gia Georges Duby, tập đoàn trí thức chỉ xuất hiện với tư cách chủ thể lịch sử “Trong một thời gian lịch sử ngắn ngủn, xáo trộn náo động, xúc động quần chúng vì lý do chính trị hay tôn giáo, dao động trong dư luận, âm hưởng sau một lời kêu gọi, một bài thuyết giáo, sự thăm viếng của một nhân vật phi thường mà chỉ cần sự có mặt thôi cũng đủ sức mạnh động viên nhiệt huyết, thức tỉnh dân trí còn u mê, thành công của một quyển sách trong xã hội bé nhỏ tập hợp những nhà bác học và tư tưởng, xì can đan của một bức tranh trong giới nghệ sĩ. Nó chỉ hiện diện trên nấc thang “lịch sử vĩ mô” mốc nối đoàn thể với cá nhân : phản ứng của tập thể trước hành đông cá nhân, phản ứng cá nhân trước áp lực bên ngoài”[1].
Dù dưới dạng nào - nhân vật “đã được… xếp hạng” (Karl Mannheim) hay “kẻ không thể xếp hạng được” trong xã hội (François Châtelet), trí thức vẫn là diễn viên hành động trong thực tại (conjoncture) theo nhiều nghĩa của nó : để “tô điểm”, làm “môi giới” hay “điều hòa” tùy hoàn cảnh. Là một khái niệm vừa hiện thực vừa tạo dựng qua câu chuyện kể lịch sử (le récit historique), tầng lớp trí thức như bộ phận xã hội không có thực chất tự nó và cho nó khi bị tách rời ra khỏi các phong trào hay biến cố lịch sử trong đó họ đóng vai trò vừa diễn viên vừa đối tượng.  
Ngược lại, dưới ánh sáng của thời sự, những tài liệu không có màu sắc bè phái, vô tư như Những quy tắc của phương pháp xã hội học (Les règles de la méthode sociologique, Emile Durkheim) hay Người bác học và chính trị (Le savant et la politique, Max Weber) nằm trong lô gích dấn thân cụ thể của người trí thức[2].
Theo triết gia François Châtelet, trên tiêu chuẩn tư sản xã hội xuất phát từ tri thức, trí thức hoạt động trên một lĩnh vực khác với lớp lãnh đạo cầm quyền (chính trị) : “Trí thức không hẳn là triết gia, bác học, hay nghệ sĩ. Trí thức luôn luôn hiện diện trong mọi xã hội trí tuệ mà đồng thời vượt lên trên nó. Vì vậy mà họ có uy tín và trọng trách cao quý hơn”[3].
2. Trí thức Việt Nam dưới khía cạnh lịch sử qua các thời sử cận đại
Như đã nói trên, tầng lớp trí thức chỉ xuất hiện thông qua các phong trào đấu tranh cụ thể trong các nước dân chủ hiện đại chứ họ không có khả năng tự phát và hướng dẫn lịch sử. Bên Pháp, lịch sử trí thức hiện đại bắt đầu thành hình và phong trào trí thức chỉ phát triển từ vụ án Đại úy Dreyfus cuối thế kỷ XIX, Mặt Trận Dân chủ chống phát - xít những năm 1930 cho đến Tòa án Bertrand Russel xét xử việc người Mỹ can thiệp vào Việt Nam trong những năm 60 chứng tỏ điều đó. Suốt thời kỳ thực dân ở Đông Nam Á, trí thức các nước bị trị cũng đóng một vai trò quan trọng trong các phong trào chính trị và xã hội tại xứ họ. Tại Việt Nam, có thể xem “không gian xã hội văn hóa” (Georges Condominas) giữa hai nửa thế kỷ XIX và XX như sự tiếp nối của ba thời kỳ hay ba thời đại đánh dấu sự tan vỡ của xã hội Nho giáo (thời kỳ 1), chia cắt lãnh thổ và phân hóa xã hội dưới áp lực của Tây phương (thời kỳ 2) và hoàn thành tự chủ và thống nhất quốc gia (thời kỳ 3) trong quá trình dài chuyển tiếp từ chế độ Quân chủ Nho giáo đến Chủ nghĩa Cộng sản.
Tại sao đánh giá cao vai trò của người trí thức trong giai đoạn lịch sử này ? Vì sao, trước công cuộc xâm chiếm của phương Tây, sĩ phu Nho giáo cảm thấy có trách nhiệm lịch sử hơn thời đại kháng chiến chống Cường quốc phương Bắc? Phải chăng vì cuộc tranh chấp giữa Nam triều với Bắc triều ngày xưa chỉ giới hạn trong việc tranh giành chủ quyền chính trị giữa hai nước “đồng văn đồng khí” trong khi xung đột với các cường quốc Tây phương sau này mang nặng sắc thái dân tộc và văn hóa ? Vì trước mắt kẻ sĩ sống vùng Đông Á đầu thế kỷ XX, thực chất mâu thuẩn với các nước Tây Âu không phải chính trị, kinh tế… mà tô đậm sắc thái đấu tranh văn hóa, tinh thần và tôn giáo (Kulturkampf) như chiều hướng ý thức hệ của phong trào Cần Vương cho ta thấy rõ ?
Thử nhận định những khúc quanh và các giai đoạn (séquence) lịch sử tiếp nối nhau trong suốt hai nửa thế kỷ (XIX-XX) dựa lên trên tiêu chuẩn tương quan lực lượng, hình thức, nội dung và đối tượng tranh chấp.

2.1. Thời kỳ 1 và thời thế năm 1862
Trái với cách phân đoạn của nhiều sử gia, chúng ta sẽ không chọn năm người Pháp chiếm Gia Định (1858) làm cái mốc lịch sử trong bang giao Pháp - Việt mà là năm 1862 sau khi Triều đình nhà Nguyễn ký kết Hòa ước Bonard nhường cho đội quân xâm lược ba tỉnh miền Đông Nam kỳ, nghĩa là bắt đầu thời kỳ “hoàng hôn” (Nguyễn Thế Anh), gần nửa thế kỷ hấp hối và sụp đỗ của triều Nguyễn (1862-1896). Nó được nhà nho Phan Bội Châu chỉ định và tóm tắt dưới cụm từ “Việt Nam vong quốc sử”. Khởi sự bằng trận hải chiến Đà Nẵng (15/4/1847), cuộc xâm lược kéo dài qua nhiều chặng từ năm 1858 đến năm 1896 cho đến ngày lực lượng Đế quốc làm chủ trên toàn cõi đất nước.
Như cuộc chinh phục Tây Ban Nha của Napoléon, quân đội chiếm đóng xứ ngoài phải đương đầu cùng một lúc với hai cuộc chiến : Chiến tranh chính thức do quân đội chính qui và triều đình điều động ; Chiến tranh du kích của vô số chiến sĩ “vô danh” xuất phát từ nhân dân. Rút bài học lịch sử xưa, quân đội xâm lược đặt dưới lãnh đạo của một số tướng tá lỗi lạc như Galliéni hay Lyautey đã khôn khéo phối hợp hành động quân sự với đàm phán ngoại giao, hòa với chiến nhằm chia rẻ, làm dao động hàng ngũ đối phương, không để bị sa lầy trong một cuộc chiến kéo dài và toàn diện như ngày trước ! Nhờ biết áp dụng chiến lược “tầm ăn dâu” mà người Pháp đã thôn tính gọn Nam Kỳ Lục Tỉnh, kết liễu đau đớn định mệnh một viên quan đại thần miền Nam Phan Thanh Giản!
Sau một thời gian hưu chiến ngắn ngủi (Hiệp ước 1872) và lợi dụng tình trạng phân hóa trầm trọng trong Triều giữa nhóm “nghị hòa” và “chủ chiến”, còn lại là phần đông do dự, bảo thủ và thụ động mặc dù những bài “điều trần” kêu gọi minh tân cải cách của Nguyễn Trường Tộ, nước Pháp trở lại tái chiếm miền Bắc lần thứ hai (1884). Phong trào kháng chiến Cần Vương của nho sĩ và nông dân Trung - Bắc khởi sự 1885 và kéo dài hơn mười năm[4]. Với nó, người Việt giữ vững truyền thống chiến tranh du kích lâu dài, động viên toàn dân và toàn lực để đối phó với một quân đội chiếm đóng hùng mạnh… Dù cuối cùng thất bại vì thái độ nhu nhược đầu hàng của triều đình Huế, phong trào Cần Vương đã làm nổi bật khả năng chỉ huy và tổ chức động viên của lớp sĩ phu như Phan Đình Phùng, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Phạm Tuân, Tống Duy Tân… hay các tướng lãnh như Trương Công Định, Đề Thám, Cao Thắng.
2.2. Thời kỳ 2 và thời thế 1907
Trong thời gian này, triều Nguyễn đã căn bản thất bại và vua quan trao chủ quyền đất nước cho ngoại bang. Quyền hành thâu tóm trong tay các Thống soái dân sự người Pháp từ ngày chế độ Đô đốc trị chấm dứt và đặt ba “Xứ” Việt Nam và hai vương quốc Miên, Lào trong hệ thống Liên Bang Đông Dương thuộc Pháp. Dần dần guồng máy cai trị thuộc địa thay đổi cơ cấu xã hội các thuộc địa mặc dù Pháp cố tìm cách bảo tồn trong chừng mực có thể truyền thống văn hóa, di sản ý thức hệ và thế giới tượng trưng. Chẳng hạn như chế độ thi cử vẫn cứ theo lệ ba năm lại tổ chức thi Hương một lần, triều đình vẫn ưu đãi những khoa hoạn mặc dù bộ máy hành chính quan quyền bảo hộ đã suy yếu, một số đông tân khoa không muốn hay không được thu dụng như xưa và nhà trường Khổng Mạnh không còn sức hấp dẫn như ngày trước !
Ý chí bảo tồn Nho giáo để giữ gìn trật tự xã hội vì vậy không thể tồn tại lâu dài trước sức công phá của chủ nghĩa thực dân. Bản Di chúc của vua Khải Định (1925) thực sự đánh dấu một cách vĩnh viễn cảnh thay thầy đổi chủ. Nó chấm dứt trên nguyên tắc chế độ bảo hộ bằng cách giao trọn cho Toàn quyền Đông Dương và các công chức thuộc địa các cấp uy quyền trực trị hai miền Trung Bắc, đưa lớp quan lại người Việt rơi vào hàng thuộc cấp !
Đồng thời chế độ giáo dục thuộc địa đã dần dần đẩy nền giáo dục Khổng Mạnh vào ngõ hẻm, khoa thi Hương cuối cùng được tổ chức năm 1915 tại Nam Định và thi Đình tại Huế năm 1919. Có lẽ vua Khải Định cũng nghĩ như vậy khi ông đưa ra đề tài bài luận văn Tiến sĩ : “Văn minh ?”. Dù sao một cơ chế giáo dục hơn mười thế kỷ không thể sụp đổ nhanh chóng và sức hấp dẫn của chế độ học đường thuộc địa cũng còn giới hạn một phần vì trở ngại ngôn ngữ, tâm lý « học để làm quan » vẫn còn tiềm tàng trong giới sĩ phu và con cháu họ, khoa nhân văn và văn học vẫn còn lấn áp khoa học kỹ thuật từ châu Âu mang lại.
Tuy nhiên, khi áp lực kinh tế đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn phát triển, dù thuộc địa là một lãnh thổ bị chiếm và các dân tộc bản xứ trở thành “dân bảo hộ” nhưng bán đảo Đông Dương ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong thế cờ kinh tế và chính trị của Pháp. Trong mục tiêu khai thác tài nguyên và nhân lực, hệ thống giao thông và đô thị lớn được mở mang nhanh dù kinh tế thuộc địa biểu hiện nhiều khuyết điểm : năng suất canh nông vẫn còn thấp so với các nước khác vùng Đông Á và Đông Nam Á, áp lực dân số còn mạnh, phát triển bất đồng và chênh lệch địa phương (miền Bắc không đủ ăn trong khi lúa gạo miền Nam lại xuất khẩu). Trong khi cơ cấu xã hội mang tính chất một xã hội chuyển tiếp với sự ra đời của những giai cấp mới (thợ thuyền, công và tư chức, trưởng giả nông nghiệp và công nghiệp…), thời sự chính trị chứng kiến cảnh tượng Hồi Sinh của các nho sĩ Duy Tân đi tìm con đường dung hòa quyền lợi hai nước Pháp-Việt. Nó bộc phát mạnh mẽ và bất ngờ giữa lúc Toàn quyền Paul Doumer - nhân vật điển hình của Đệ Tam Cộng Hòa phối hợp lý tưởng “nhân bản” và tham vọng bá quyền của châu Âu - đang uy hiếp một triều đình dễ sai khiến với những ông vua con (Thành Thái rồi Duy Tân) và những quan Nhiếp Chính thân Pháp như Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân, Nguyễn Hữu Bài…!
Đúng ra, Duy Tân trước hết là sản phẩm của phong trào cải lương Nho giáo đang lên ở Trung Quốc sau cuộc chiến thắng của hải quân Nhật đánh tan hạm đội Nga Hoàng tại eo biển Tsoushima và của Lục quân tại Mãn Châu (cảng Arthur) năm 1905. Biến cố quân sự làm chấn động dư luận nhân dân châu Á, đặc biệt trong giới sĩ phu Trung Quốc. Nó nhắc lại kỷ niệm bại trận của Lý Hồng Chương năm 1895 trước hỏa lực của tàu chiến Nhật Bản. Đã đến lúc sĩ phu phải lĩnh hội bài học Minh Trị để sửa đổi triều chính theo gương người Nhật học cái hay của Tây phương, tránh tệ sách “bế quan tỏa cảng” của Mãn Thanh, lấy kỹ thuật khoa học làm phương tiện cải tiến theo phương châm « Tây học thực dụng, Đông học thực thể ».
Dù họ không đại diện số đông trong tầng lớp nho học, các lãnh tụ Duy Tân Việt Nam hầu hết là những nhà đại khoa bảng, thức thời và quả quyết hành động. Họ không ngần ngại thoát ly ra khỏi quan trường của chính quyền bảo hộ để chủ trương cuộc cách mạng “văn hóa” thực sự theo khẩu hiệu của Tân nho Trung Quốc : Khai dân trí, chấn dân khí, đào tạo nhân tài. Họ thực hiện một chương trình chính trị vừa cấp tiến, vừa thiết thực từ phong trào cắt tóc ngắn, ăn mặc gọn như người Âu, “Việt Nam hóa” chữ Quốc ngữ thành chuyển ngữ dễ học làm phương tiện giáo dục tuyên truyền, mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục tại Hà Nội theo chương trình Khánh Ứng Học Hiệu của Minh Trị, phát động phong trào Đông Du[5] gửi học sinh sang Tàu sang Nhật, khuyến khích người trong xứ đầu tư công và thương nghiệp để cạnh tranh với người nước ngoài ! Trong cái nhìn của Phan Châu Trinh chẳng hạn, công cuộc chấn hưng văn hóa là một sự nghiệp lâu dài để xây dựng một xã hội công dân theo tư tưởng của Montesquieu và tinh thần cách mạng Pháp và phù hợp với quan niệm Chính Giáo của Nguyễn Lộ Trạch. Lợi dụng phong trào kháng thuế miền Trung, chính quyền thuộc địa “ném đá dấu tay”, dùng bộ máy đàn áp của Nam Triều để dập tắc phong trào cải lương Nho giáo. Phản ứng bạo lực và cuộc khủng bố “trắng” đã tiêu diệt mọi mầm mống hòa giải Pháp - Việt. Vô tình hay hữu ý, dưới con mắt kẻ sĩ thời đại và con cháu họ, thất bại của phong trào Duy Tân sẽ củng cố xu hướng quân sự, vũ trang như giải pháp giải phóng đất nước duy nhất.
Tuy nhiên, để đối phó với những lực lượng đối lập tập trung bên kia biên giới Trung Quốc như Việt Nam Quang Phục Hội của Phan Bội Châu[6], người Pháp tìm cách “mơn trớn thoa dịu” thành phần trí thức cũ mới bằng cách khuyến khích họ tham gia vào các phong trào văn học, khuyến khích phát hành báo chí có xu hướng ôn hòa và thân Pháp như Đông Dương Tạp chí (1913-1919) của Nguyễn Văn Vĩnh (một người đồng hành của nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục ngày trước) và Nam Phong Tạp chí của Phạm Quỳnh. Tuy hai tạp chí này sẽ để lại một dấu ấn sâu sắc trong nền văn học hiện đại, nó không làm lu mờ uy tín của hai người lãnh đạo tượng trưng của Duy Tân, hai nhà nho lỗi lạc mặc dù rất khác nhau về tính khí, xu hướng và phương cách hành động : Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu (xem sau).
Trong khi đó, chính sách khai thác kinh tế Đế quốc ở Đông Dương đã bắt đầu thấy rõ tại Việt Nam cũng như trên toàn cõi Liên bang. Đông Dương trở thành mảnh đất màu mở, hấp dẫn tư bản tài phiệt đầu cơ làm giàu nhanh như Ngân hàng Pháp-Hoa và Ngân hàng Đông Dương và Kênh Suez. Một xã hội mới bắt đầu thành hình với cảnh quan hiện đại (công xưởng chế tạo súng đạn, sửa tàu chiến, xí nghiệp kỹ nghệ, vườn trồng cây cao su, xây cất đô thị, đường xá, tầu hỏa, xe hơi…) và những diễn viên mới xuất đầu lộ diện (lao động thành thị và nông nghiệp, tiểu tư sản, điền chủ khai thác vựa lúa miền Tây Nam bộ, trí thức Tây học làm nghề tự do…). Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế này chỉ mang lợi cho « một vài nghìn người » (theo sử gia Maurice Crouzet) được chế độ ưu đãi[7].
2.3. Thời kỳ 3 và thời thế 1925
Đây là đoạn đường cuối của hành trình lịch sử đánh dấu thời kỳ khủng hoảng gay gắt của xã hội thuộc địa, được thể hiện qua những hình thức tranh chấp xã hội, kinh tế, chính trị triền miên cho đến lần thử thách quyết định (1945-1954) còn ghi khắc trong trí nhớ tập thể người Việt.
Nó được mở màn bằng những phong trào đấu tranh “vĩ đại” chưa từng thấy suốt hai năm 1925-1926 còn ghi sâu trong ký ức kẻ đương thời, dù họ là diễn viên hay chứng nhân, và đã thay đổi căn bản cuộc diện chính trị Việt Nam. Sau vụ Phạm Hồng Thái ném bom ám sát hụt Toàn quyền Merlin tại Quảng Đông và để đáp lại yêu cầu thực hiện nguyện vọng nới rộng chủ quyền các nước thuộc địa đã đóng góp tài nguyên nhân lực trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, lần đầu tiên mẫu quốc chỉ định một đảng viên SFIO (đảng Xã hội theo xu hướng Cải lương) Alexandre Varenne sang làm Toàn quyền Đông Dương và hứa hẹn sẽ mở kỷ nguyên mới trong mối bang giao Pháp - Việt. Lần đầu tiên trong lịch sử cận đại, dân chúng thành phố Sài Gòn, rồi lần lượt Huế và Hà Nội, già trẻ bé lớn, viên chức, học sinh, thợ thầy… rầm rộ xuống đường tuần hành, bãi học, trưng biểu ngữ, hô to khẩu hiệu đòi người Pháp tôn trọng lời hứa ngày trước, phản đối việc bắt nhốt thị uy một trí thức Tây học (nhà báo Nguyễn An Ninh), việc tòa Đại Hình Hà Nội kết án Phan Bội Châu chung thân khổ sai và, biến cố quan trọng nhất trong thời điểm này, tổ chức ngày “quốc tang” của Phan Châu Trinh vừa qua đời sau nhiều năm lưu vong bên Pháp.
Đây là lần đầu tiên mà nhà cầm quyền trở thành nạn nhân chính sách tuyên truyền của chính họ, phải đương đầu với một cơn giông lịch sử. Sau một thời gian im lặng chờ đợi, bộ máy đàn áp bắt đầu hành sự, hàng trăm học sinh bãi khóa bị đuổi ra khỏi trường, cấm học (?) và cấm cả đi làm việc cho Nhà nước thuộc địa ngoại trừ một số nhỏ được khoan hồng trở lại trường cũ sau khi phải chịu, trước cái nhìn khẩn khoản của phụ huynh, khấu đầu tạ tội ! Một số không ít phần tử “cứng đầu” từ đây phải giả từ gia đình, đoạn tuyệt với xã hội và trật tự thuộc địa để đi vào cách mạng theo tiếng gọi của Nguyễn Ái Quốc và Thanh Niên Cách mạng Đồng chí hội (TNCMĐCH) vừa mới được ông thành lập tại Quảng Đông năm 1925.
Tuy nhiên, tiếng bom Sa Diện và sự hy sinh của Phạm Hồng Thái cũng nhắc lại sự có mặt của một tổ chức dân tộc có xu hướng quốc gia rất gần với đảng Trung Hoa Quốc Dân của Tôn Dật Tiên. Đứng đầu tổ chức đối lập này là một cựu sinh viên trường Đại học Hà Nội - Nguyễn Thái Học. Trong khi TNCMĐCH nhắm thành phần nông dân đặc biệt ở các vùng Thanh Nghệ, VNQDĐ hướng về các thành phần trung lưu thành thị chung quanh các tỉnh lớn miền Bắc như Nam Định, Hà Nội... Cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 1930 tạo điều kiện thuận lợi cho toàn bộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Trước cuộc nổi dậy của binh lính Yên Bái và tiếp theo đó phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, lực lượng đàn áp của nhà nước thuộc địa phải gặp nhiều vất vả để lập lại trật tự an ninh.
Khoảng cách thời gian (tháng 2 - tháng 9/1930) và không gian (Bắc - Trung) nói lên thực tế lưỡng diện, tính hai chiều vừa quốc gia vừa cộng sản, liên hệ biện chứng trong chủ nghĩa dân tộc Việt Nam. Bằng cớ rất thuyết phục là sau khi phong trào bạo động thất bại, hậu thân của VNQDĐ vẫn tiếp tục sự nghiệp đấu tranh chính trị thông qua các phong trào văn học văn hóa dưới hình thức văn đoàn, hiệp hội hoạt động công khai chung quanh những trí thức lớn như Khái Hưng, Nhất Linh,… phần đông họ là sinh viên học sinh xuất thân các trường Trung học và Đại học Hà Nội trong khi cán bộ Thanh Niên thu mình trong nông thôn điền dã gần vùng biên giới Việt - Hoa, áp dụng chiến lược cách mạng nông dân của Mao Trạch Đông. Tình trạng nói trên giải thích tại sao các cuộc đấu tranh của thợ thầy, công nhân tại Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn và vùng ven đô chịu ảnh hưởng của trí thức Tây học miền Nam phần đông có xu hướng cấp tiến và Mác-xít (Trotski) trong phong trào La Lutte (1933-1937) hơn là Đảng Cộng sản.
Sau khi Mặt Trận Bình Dân lên nắm chính quyền bên Pháp, các tổ chức đối lập người Việt nắm thời cơ để kêu gọi hợp tác chuẩn bị “Hội nghị Đông Dương”[8], thảo luận và biên soạn một Hiến Chương phản ánh nguyện vọng chung của dân tộc. Một phần vì áp lực của chính quyền, một phần vì chia rẻ nội bộ, dự án không thực hiện được và cho tới ngày Chiến tranh thế giới lần thứ hai, lịch sử Đông Dương hội nhập và tùy thuộc ảnh hưởng và tốc độ biến đổi chung của lịch sử thế giới : bùng nổ chiến tranh giữa phe Trục và Đồng Minh, chiến thắng ban đầu của Đức - Nhật, Pháp bại trận và bị chiếm đóng, đặt bán đảo Đông Dương dưới hai tròng Pháp - Nhật, phản công thắng lợi của phe Đồng Minh và kéo theo nó biến cố Nhật đảo chính lật Pháp ngày 9 tháng 3 năm 1945, mở màn cuộc tranh chấp giành chính quyền giữa hai phe Quốc Cộng và các cường quốc đứng đằng sau giật dây.
3. Thử định nghĩa khái niệm “thế hệ lịch sử”
Khái niệm “thế hệ lịch sử” được sử dụng trước hết trong môn khoa học xã hội thông qua các công trình nghiên cứu lịch sử xã hội của sử gia Philippe Ariès vì chính tác giả này đã chịu ảnh hưởng của Maurice Halbwachs khi nhà xã hội học chuyên về giai cấp thợ thuyền nhấn mạnh quan hệ hữu cơ giữa kinh nghiệm sản xuất, văn hóa xí nghiệp, biểu tượng xã hội và ý thức hệ… trong sự thành hình của cái ông chỉ định dưới cụm từ “trí nhớ tập thể” (mémoire collective). Tuy cùng xuất thân từ một giai cấp lao động, các thế hệ tiếp nối nhau trong quá trình kỹ nghệ tư bản Pháp không sản xuất một loại hình văn hóa giai cấp đồng nhất vì họ được trui rèn, « xã hội hóa » khác nhau : thời tiền kỹ nghệ (protoindustriel), nửa nông thôn nửa thành thị, thời cách mạng cơ khí và đô thị hóa, thời cách mạng điện lực, điện ảnh[9]… đó là chưa nói đến những kinh nghiệm chính trị như các cuộc Cách mạng Dân chủ Anh, Mỹ, Pháp trong đó giai cấp thợ thuyền có vai trò ngày càng trọng yếu vì họ là diễn viên đông đảo.
Vì thế, theo sử gia Gérard Noiriel, khái niệm “thế hệ lịch sử” rất thích hợp để soi sáng động cơ và lô gích xã hội của các “nhóm chính” (groupe central) đại diện các thế hệ thợ thuyền[10]. Nó là sản phẩm lý thuyết của khoa Nhân học có xu hướng Mác xít bên Anh (Edward và Dorothy Thompson, Eric J.Hobsbawn) trong mục đích tìm hiểu “văn hóa (hay ý thức) giai cấp lao động” trong một thời gian lịch sử lâu dài (nhiều thế kỷ) và một cách toàn diện (tiến trình nhân số, quan hệ dân tộc, sinh hoạt chính trị, văn hóa, di sản tôn giáo và thế giới tâm linh). Chỉ có nhân học lịch sử và văn hóa mới cho phép nhận định, giải thích và so sánh xu hướng lâu dài của giai cấp này bên Anh (nguồn gốc của “chủ nghĩa lao động”) hay bên Pháp (nhịp độ kỹ nghệ hóa rất chậm so với nước Anh, sức nặng của phương thức sản xuất tiền công nghệ và văn hóa tiểu nông tiểu công) : “Vượt qua tiêu chuẩn sinh học máy móc như tuổi tác, từ “thế hệ” rất thích hợp khi đối tượng nghiên cứu là một cộng đồng gồm những cá nhân đã từng trải qua những thử thách lịch sử căn bản và được xã hội hóa giống như nhau”.
Áp dụng vào hoàn cảnh trí thức Việt Nam để phân tích quá trình xã hội hóa và sinh hoạt văn hóa của trí thức dân tộc qua các chặng đường thử thách lịch sử bằng cách phối hợp yếu tố nguồn gốc xã hội với kinh nghiệm xã hội, nhận xét những hoàn cảnh và thời thế đã biến một tập thể tự nó (virtuel) trở thành diễn viên cho nó thực sự ít nhất dưới hình dạng các “nhóm chính” (groupe central) đại diện những “thế hệ lịch sử”.
3.1. Thế hệ 1862 : Chân dung người trí thức cổ điển
Hầu hết các nhà nho thế hệ 1862 sinh ra vào nửa đầu thế kỷ XIX thuộc thành phần nho sĩ với những đặc thù của nó như trọng văn học, xem việc thi cử đỗ đạt là cứu cánh của sự nghiệp văn chương, kính quan trường, nặng nghĩa vua tôi. Như Max Weber khẳng định, giai cấp nho học Khổng Mạnh phối hợp tiêu chuẩn kinh tế, nghề nghiệp với tác phong văn hóa và tư sản tượng trưng. Trong lịch sử xã hội của thế giới văn minh, ít có giai cấp thống trị nào “toàn chân toàn thiện” hơn kể cả thời Thượng cổ Ai cập, Cổ Đại Hy La. Yếu tố lịch sử, thời gian ngự trị hơn mười thế kỷ của chế độ quan quyền bên Tàu và các nước chung quanh nằm dưới ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc giải thích tính chất gần như thuần nhất của trí thức Nho giáo. Mặc dù thuyết “dân vi quý” của Thầy Mạnh đôi khi đưa họ theo con đường cách mạng - từ này đã có từ lâu trong ngôn ngữ Khổng Mạnh - khi triều đình mục nát, luân thường đảo lộn, thói thường nho sĩ bao giờ cũng quý trọng trật tự gia đình và xã hội trên hết. Mặc dù dưới thời Tự Đức không ít nhà nho (Cao Bá Quát, Đoàn Hữu Trừng…) có dính liếu đến nhiều cuộc nỗi loạn, phần đông giai cấp nho sĩ khó vượt qua khỏi nguyên tắc “Đại Thuận” làm nền tảng cho Nho giáo (Nguyễn Khắc Viện).
Vì thế, ngay trong khi nước nhà rối loạn, vua tôi hoang mang trước hiểm họa mất nước thấy rõ, nhùn nhằn không lựa chọn dứt khoát giữa xu hướng bảo thủ và cải lương, duy tân theo đề nghị của Nguyễn Trường Tộ, thái độ đối lập chính trị chỉ giới hạn trong nhóm cận thần nhà vua và biểu hiện một cách tượng trưng gián tiếp (“oblique” theo Fr. Jullien) như phản đối tệ nạn khoa cử, hay phê phán tính chất huyền bí, câu nệ, hình thức của Tống Nho. Hiện tượng khủng hoảng Nho giáo Việt Nam không toát ra được ngoài vài bài Điều Trần cung kính của một trí thức công giáo và triều đình nhà Nguyễn không phải đương đầu với các chính biến nghiêm trọng như cuộc Nội biến năm 1895 của nhóm Lục quân tử theo Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu.
Các nhân vật thuộc “nhóm chính” của thế hệ 1862 đã lớn lên và trưởng thành khi đất nước Việt Nam bị quân đội ngoại bang xâm lược và chịu đựng những thử thách của lịch sử. Với tư thế nhà nho trong thời loạn dù làm quan to trong triều hay ông đồ dạy học nơi hương thôn, dù cầm binh khiển tướng hay đóng vai trò lại thuộc, họ đã trả giá đắt trách nhiệm sĩ phu khi phải đối đầu với một quân đội võ trang hùng hậu có đại pháo, tàu chiến, cơ khí : chiến bại, chết chóc, tù đày hay bị truy nã suốt thời đấu tranh của phong trào Cần Vương (1885-1896). Nói chung, số phận nho sĩ thời đại 1862 bị dao động, chao đão, thất thế sa lầy tuy cũng có người nắm thời cơ được ngoại bang mua chuộc đưa lên làm quan mà không phải thi cử hay được mời mọc tham gia triều chính. Tuy nhiên, cũng có những hoàn cảnh ngoại lệ của một số người Công giáo miền Nam xuất thân từ các trường Tu trong nước và hải ngoại, làm thông ngôn hay công chức cho chánh quyền thuộc địa. Nhờ có năng khiếu riêng, một vài người trở thành những nhà Ngôn ngữ học lỗi lạc, biên soạn từ điển, viết sách làm báo, đóng góp một cách tích cực vào sự trưởng thành của chữ Quốc ngữ.
3.2. Thế hệ 1907 : Trí thức của hai thế giới
 Nước Pháp đã an bài trong dài hạn số phận các nước trên bán đảo Đông Dương sau khi dập tắc phong trào Cần Vương, củng cố chính quyền thuộc địa bằng cách thiết lập Liên Bang Đông Dương đặt dưới uy quyền của Bộ Thuộc Địa và cơ chế Toàn quyền. Thế hệ 1862 lùi dần vào bóng tối để nhường chỗ cho lớp người sau. Rút bài học Cần Vương, phong trào đấu tranh của các nhà nho cải lương (Duy Tân) đặt ưu tiên vào mục tiêu chính trị và văn hóa, tìm cách thỏa hiệp với người Pháp để tạo điều kiện xây dựng một xã hội dân chủ hiện đại theo mô hình Trung Nhật.
Dù đấu tranh quân sự không hẳn hoàn toàn chấm dứt kể cả sau thất bại của Đề Thám (Hà Thành đầu độc năm 1908, khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917), thế hệ này cũng không khỏi bị mất mát nhiều nhất là trong cuộc khủng bố “trắng” của chính quyền thuộc địa và triều đình Bảo hộ năm 1908. Hàng trăm nhà nho Trung  - Bắc cùng chia sẻ số phận với Tiến sĩ Trần Quý Cáp (bị giết), Phó bảng Phan Châu Trinh (bị đày) sau vụ Kháng Thuế miền Trung. Nó phản ánh một phần nào tình trạng phân hóa cùng cực của thành phần nho sĩ Việt Nam.
Tranh chấp không nhân nhượng giữa cũ và mới, truyền thống và hiện đại kết thúc bằng sự thắng thế cua phe cải lương không những tại Việt Nam mà trên toàn cõi Đông Á. Thời thế những năm đầu thế kỷ XX đánh dấu sự trổi dậy của xu hướng nho giáo đổi mới nhưng đó chỉ là thắng thế nhất thời, thời sự Á Đông những năm 1905 bắt chính quyền thực dân nhượng bộ tạm thời trước khi trở mặt đàn áp.
Thất bại chính trị của phong trào Duy Tân và các lãnh tụ lớn như hai cụ Phan kết thúc vai trò lịch sử của Nho giáo sau hơn năm thế kỷ ngự trị và mở màn một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên trí thức Tây học. Nó phản ánh tình trạng khủng hoảng hay ít ra sự phân hóa sâu sắc trong hàng ngũ trí thức nho học và đồng thời tiêu diệt mọi ảo ảnh cộng tác hòa bình với Tây phương để tìm con đường giải phóng đất nước, mở mang kinh tế, hiện đại văn hóa.
3.3. Thế hệ 1925 : Xuất hiện của Trí thức Tây học
Ba yếu tố chính trị và văn hóa định nghĩa tình thế mới :
1)     Cách mạng Bôn sơ vít ở Nga và sự bành trướng nhanh chóng của chủ nghĩa quốc tế vô sản ở châu Á từ năm 1917 trở đi
2)     Phong trào Ngũ Tứ ở Trung Quốc (5/1919) và liên kết chiến lược giữa dân tộc và xã hội chủ nghĩa qua khẩu hiệu “bài phong phản đế”
3)     Riêng trên địa bàn Đông Dương và Việt Nam, sự thay thế nền giáo dục Khổng Mạnh bằng chế độ Nhà trường người Pháp năm 1918[11] 
 Năm sáu năm sau phong trào Ngũ Tứ, đến phiên lớp trí thức mới ở Việt Nam xuất đầu lộ diện qua các cuộc tuần hành rầm rộ của dân chúng và thanh niên Tây học trên các đường xá trung tâm thành phố lớn từ Nam chí Bắc. Bên cạnh đám thầy thợ, phần đông họ còn là học sinh Trung học vì chế độ Đại học còn manh nha, ấu trĩ. Tuy nhiên, phong trào đấu tranh của tuổi trẻ báo hiệu tình trạng bế tắc thực sự của chế độ thuộc địa, những lo âu và thất vọng của thanh niên trước viễn ảnh tương lai đất nước và của chính họ nữa. Chính sách đàn áp thô bạo của chính quyền sau đó đẩy một số không ít vào ngõ hẻm, hoặc cúi đầu chịu tội hoặc đi theo cách mạng[12].
Giai cấp Nho sĩ không còn nữa, lớp Tây học chưa có tiêu chuẩn khách quan hay chủ quan để trở nên một thành phần xã hội, trong xứ chỉ còn lại những người “lao động trí óc” có liên hệ đến phạm vi tri thức như viết báo, làm văn, dạy học, xuất bản sách vở, dịch thuật… Xã hội thuộc địa cũng không bảo đảm cho chính sản phẩm của nhà trường mới một chỗ đứng xứng đáng. Nhà nước thực dân chỉ tuyển chọn một ít công chức phụ tá nhân viên các cấp của hệ thống cai trị người Pháp, phần đông còn lại - kể cả sinh viên du học và xuất thân các trường cao đẳng mẫu quốc - phải tự tìm phương kế sinh nhai trong một xã hội công dân còn yếu ớt. Có thể tạm xem đó là thành phần trí thức trung lưu thành thị.
Như đã nói trên, diễn tiến chính trị và kinh tế giải thích vì sao, trong hoàn cảnh nào, thế hệ trí thức 1925 đã bị phân hóa sâu sắc để biến thành hai phe Quốc gia và Cộng sản, hai nguồn văn hóa trí thức đối kháng xung khắc tìm cách lôi cuốn số đông không có chính kiến hay màu sắc đảng phái rõ rệt.
4. Xã hội học lịch sử[13] : Từ thế hệ lịch sử đến “nhóm chính hay nhóm đại biểu”
Lược đồ sau đây chỉ muốn biểu hiện quan hệ hữu cơ giữa khoa sử và khoa xã hội học : Thời đoạn (lịch sử) èPhong trào xã hội (xã hội học) è nhóm đại biểu (xã hội học) è Văn hóa hay ý thức thế hệ/giai cấp (xã hội học lịch sử)
è ở đây có nghĩa là “soi sáng, phát giác, biểu lộ”
Muốn tìm hiểu ý nghĩa xã hội của biến cố lịch sử (hay của thời đại lịch sử), phải nhận chân sự có mặt của những phong trào xã hội đi theo hầu nhận diện diễn viên và tập thể diễn viên (nhóm đại biểu) và văn hóa giai cấp mà nó đại diện.
Xã hội học lịch sử là một phương pháp phân tách cho phép vượt qua những giới hạn của sử học cổ điển bằng cách áp dụng những kỹ thuật quan sát thực địa, chất vấn diễn viên và nhân chứng còn sống sót hay con cháu, sưu tầm văn khố và tài liệu tư nhân, đối chứng tài liệu về lý lịch gia cảnh, quá trình ăn học và qui chế nghề nghiệp… để tìm hiểu những yếu tố xã hội soi sáng quan hệ cụ thể giữa cá nhân với hoàn cảnh, quan hệ giữa quá trình xã hội hóa và phương thức dấn thân trong những điều kiện không gian và thời gian nhất định.
 Việt Nam từ Nho giáo đến chủ nghĩa Cộng sản là một tiểu luận (essai) bàn về sự chuyển hóa của thành phần trí thức dân tộc trong suốt một thế kỷ bằng cách nhận diện và phân tích ý nghĩa xã hội các phong trào lịch sử được sử sách (cận và hiện đại) ghi chép lại. Sau khi tham khảo, danh sách 650 nhân vật lịch sử đại diện giai cấp sĩ phu trí thức Việt Nam thời cận đại (1862-1945) được thu thập qua các sách vở có uy tín khoa học các ngành khoa học nhân văn và khoa học xã hội trong nước và ngoài nước[14].
Các nhân vật[15] đã đóng góp vào biến cố lịch sử theo Georges Duby - trí thức là sản phẩm của thời thế và đồng thời diễn viên tạo tác biến cố - qua phần kể chuyện (récitatif) và suy diễn (interprétation) của sử gia; nó kết tinh nhiều loại hình « trí nhớ »[16] lúc phù hợp, khi trái ngược: “trí nhớ lịch sử” (mémoire historique) hay trí nhớ chính thức[17] của nhà nước, “trí nhớ tập thể” (mémoire collective) phản ánh những nguồn dư luận, quan điểm, ý thức hệ của các tập thể khác nhau xuất phát từ xã hội công dân. Nhiệm vụ của sử gia là dung hòa nguyên tắc không thiên vị đề cao thần tượng với tinh thần khoa học chân chính nghĩa là không bỏ sót những nhân vật quan trọng dù họ đứng bên nầy hay bên kia chính quyền nhà nước. Tiêu chuẩn quan trọng thứ yếu là hội tụ đầy đủ sự kiện tiểu sử nghĩa là các nhân vật lựa chọn phải phối họp yếu tố lý lịch tương đối đáng tin cậy phát nguồn từ nhiều tư liệu về ngày sinh/tử, tháng sinh/ tử, quê quán, nguồn gốc của cha mẹ và dòng họ, học hàm và học vị, chức phận, tác phẩm thi, văn, nghệ thuật… Rốt cuộc, từ 650 nhân vật danh sách đầu chỉ còn sót lại 222 nhân vật trong danh sách cuối cùng đại diện ba “nhóm chính” đại diện ba thế hệ trí thức.
-         nhóm I gồm 60 nhân vật tên tuổi có liên hệ đến phong trào Cần Vương và thời kháng chiến chống Pháp
-         nhóm II gồm 40 nhân vật có liên hệ đến phong trào Duy Tân
-         nhóm III gồm 122 nhân vật có liên hệ đến phong trào trí thức Tây học thành thị chống chế độ thuộc địa[18].




[1] G.Duby trong Lịch sử và phương pháp lịch sử/L’histoire et ses méthodes, Pleiade, 1961, tr. 949.
[2] Xem số XVII-1976 và XX-1979 của Tạp chí Revue Française de Sociologie và W.Mommsen, Max Weber et la politique allemande, PUF, 1985.
[3] F. Châtelet, bài đã dẫn.
[4] Và vẫn tiếp tục sau khi vua Hàm Nghi bị rơi vào tay giặc.
[5] Xem Gilles de Gantes và Nguyn Phương Ngc (chủ biên), Thời đoạn Duy Tân/Vietnam le moment Moderniste, PUP, 2009.
[6] Và những cuộc bạo đông Thái Nguyên (1917) do Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến cầm đầu, trong Nam với cuộc tấn công Khám Lớn do nhóm Thiên Địa Hội tổ chức (1916).
[7] Thời hiện đại đi tìm một nền văn minh mới/L’époque contemporaine à la recherche d’une civilisation nouvelle, Paris, PUF, 1957, tr.589.

[8] Theo gương Quốc Hội (Etats Généraux) Versailles đã lật đỗ chế độ Quân chủ bên Pháp năm 1789.
[9] Sử gia phong trào thợ thuyền bên Pháp có thể nhận chân dễ dàng sự cách biệt giữa hai thế hệ trước và sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai qua hai nhân vật lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp: Maurice Thorez (thợ mỏ, tự học, sùng bái Staline và Đệ tam quốc tế) và Georges Marchais (cán bộ trung cấp chuyên môn, có học thức, dung hòa lý tưởng xã hội với cách mạng dân chủ năm 1789). Họ đại diện hai thế hệ lịch sử lao động khác nhau.
[10] G.Noiriel, Giai cấp thợ thuyền trong xã hội nước Pháp/Les ouvriers dans la société francaise, Paris, Seuil-Histoire, 1986, tr.195.
[11] Xem Trịnh Văn Thảo, Nhà trường Pháp ở Đông Dương/ L’école francaise en Indochine, Hà nội, NXB Thế Giới, 2008.
[12] Xem Trịnh Văn Thảo, sách đã dẫn.
[13] Không nên nhầm lẫn với sử xã hội (histoire sociale).
[14] In lại note 11 tr.20 bản in lần thứ 2, 2007.
[15] 275 nhân vật xuất xứ từ các Thư mục sau đây :Trần Văn Giáp và nhiều tác giả (NTG), Lược truyện các tác gia Việt Nam (hay LT), q.1-1962 ; q.2-1972, Hà Nội, NXB Khoa học Xã hội; Nhiều tác giả, Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ XIX (1858-1900) hay Thơ văn yêu nước, Hà Nội, NXB Văn học, 1976; Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân VN (1932-1941), Paris, in lại, 1985; Durand và Nguyễn Trần Huân, Introduction à la Littérature vietnamienne, Paris, Larose-Maisonneuve, 1967 (Durand-NTH). Thêm vào số 275 tác giả nói trên, danh sách 375 nhân vật lịch sử khác rút từ:
-          Jean Chesneaux, Contribution à l’histoire de la nation vietnamienne, Paris, Les éditions sociales, 1955.
-          Philippe Devillers, Histoire du Việt Nam de 1940 à 1952, Paris, Seuil, 1952.
-          Daniel Hémery, Révolutionnaires vietnamiens et pouvoir colonial en Indochine, Paris, F. Maspero, 1975.
-          Huỳnh Kim Khánh, Vietnamese Communism, 1925-1945, London, Cornell university Press, 1982.
-          Nhiều tác giả (NTG), Từ điển văn học, 2 q., Hanoi, NBX Khoa học Xã hội, 1983-1984.
-          NTG, Lịch sử cận đại Việt Nam, Hà Nội, NXB Giáo dục, q.3 (1961).
-          Nguyễn Quang Thắng, Từ điển các tác gia Việt Nam, TP Hồ Chí Minh, 1999.
-          N.Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vât lịch sử Việt Nam, TP HCM, 1999.
-          Phan Cự Đệ và Hà Minh Đức, Nhà văn Việt Nam (1945-1975), Hanoi, NXB Đại học,q.1 (1979).
-          Võ Phiến, Văn học miền Nam. Tổng quan, 1986.
[16] Theo nhà xhh M.Halbwachs, sđd.
[17] Thể hiện dưới dạng những sách giáo khoa, kinh điển do các cơ quan nhà nước hay chính đảng nắm độc quyền tư tưởng biên soạn.
[18] Xem tiểu sử và ảnh chụp 222 nhân vật (tr.23-69) trong phụ lục sách.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét