Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Đại học Đông Dương- sự đoạn tuyệt với quá khứ?



Đại học Đông Dương- sự đoạn tuyệt với quá khứ?[1]

TS. Trần Thị Phương Hoa
           Viện Nghiên cứu châu Âu
Tóm tắt
Bài viết trình bày khái quát về lịch sử hình thành và phát triển của Đại học Đông Dương- thiết chế đại học hiện đại đầu tiên ở Việt Nam. Mặc dù Việt Nam có truyền thống đại học gắn liền với tên gọi có lịch sử ngàn năm- Quốc Tử Giám, di sản của nó dường như không được tiếp nối ở trường Đại học mới. Đại học Đông Dương đã thay đổi cơ cấu nhiều lần trong giai đoạn từ 1907 đến 1945. Sau lần khai giảng đầu tiên năm 1907, trường có một giai đoạn mười năm hoạt động trầm lắng. Lần khai giảng thứ hai năm 1917 mở ra một hình thức mới cho trường- đó là mô hình bách khoa với nhiều trường kỹ thuật.  Giai đoạn thứ ba từ 1932 đến 1945  khẳng định diện mạo của trường với ba thành tố: Trường Y, trường Luật và trường Khoa học. Chương trình giảng dạy hiện đại và trình độ chuyên môn của những trường này ngày càng phụ thuộc vào các trường đại học ở Pari mà ít có dấu vết từ nền học vấn cổ điển của Đại học Việt Nam xưa.

Vào đầu thế kỷ XX, giáo dục Việt Nam trải nghiệm quá trình hiện đại hoá và phương Tây hoá mạnh mẽ. Hệ thống trường Hán học sớm bị bãi bỏ ở Nam Kỳ. Ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, hệ thống trường Pháp-Việt chính thức thay thế các trường Nho học từ năm 1918. Giáo dục đại học cũng đổi mới về căn bản. Năm 1907, một trường đại học kiểu mới được thiết lập ở Hà Nội, cũng là trường đại học duy nhất trên toàn xứ Đông Dương. Đây là bước ngoặt trong lịch sử đại học Việt Nam. Mặc dù ở Việt Nam đã tồn tại một trường đại học có bề dày lịch sử gần ngàn năm (Quốc tử giám), trường Đại học Đông Dương dường như được xây dựn theo mô hình phưong Tây hoàn toàn và không hề có mối liên hệ nào với truyền thống đại học của Việt Nam. Bài viết này xem xét quá trình phát triển của Đại học Đông Dương từ khi thành lập đến năm 1944, đặc biệt chú trọng đến sự cách biệt giữa mô hình đại học mới với nền đại học cổ điển Việt Nam.

1.      Nỗ lực đầu tiên của Đại học Đông Dương  (1907)
Động cơ dẫn tới việc ngày 15/6/1906 Toàn quyền Đông Dương Paul Beau ký
quyết định thành lập Đại học Đông Dương tại Hà Nội hiện vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Ít nhất có ba quan điểm liên quan đến sự kiện này. Học giả Nguyễn Hiến Lê cho rằng quyết định của Toàn quyền Beau là một hành động mang tính thoả hiệp của nhà cầm quyền Pháp nhằm lấy lòng các nho sĩ Việt Nam. Theo Nguyễn Hiến Lê, các nhà sáng lập Đông Kinh nghĩa thục trong đó có cụ Bá Trạc, Trúc Đàm và Chân Thiết đã viết thư  yêu cầu Thống sứ Bắc Kỳ bãi bỏ thi cử kiểu cũ và thiết lập trường Cao đẳng đại học. Việc Paul Beau mở đại học là “kết quả cho sự vận động này”[2]. Một số nhà sử học cho rằng việc Pháp mở trường đại học là nhằm thu hút giới Nho sĩ Việt Nam, hạn chế học sinh Việt Nam sang Nhật theo trào lưu Đông Du đang nổi lên do Phan Bội Châu lãnh đạo[3]. Tác giả Gail Kelly, một chuyên gia về giáo dục Việt Nam thời Pháp thuộc  không nhìn thấy động cơ học vấn trong việc thành lập Đại học Đông Dương và chỉ coi đây là một hành động mang tính hành chính khi nhận định “Beau và người tiền nhiệm của ông ta là Doumer coi trường đại học cũng như các công trình thuỷ lợi ở đồng bằng song Cửu Long, như hệ thống đường sắt, cầu cống, đường xá mà họ xây dựng ở vào thời điểm giao nhau của thế kỷ XIX và XX”[4].
Về mặt chính trị, Beau là người chủ trương ủng hộ hợp tác[5]. Trong quá trình tại vị (1902-1908), Toàn quyền Beau đã lập ra ba cơ quan quản lý giáo dục ở Bắc Kỳ: 1)Hội đồng giáo dục Bắc Kỳ (Conseil Local de l’Instruction publique au Tonkin) (1904); 2) Nha Học chính Đông Dương (Direction Général de l’Enseignement) và các Sở Học chính, bao gồm Sở Học chính Bắc Kỳ (1905) ; 3) Hội đồng Hoàn thiện giáo dục Bản xứ (Conseil de perfectionnement de l’Enseignement indigène en Indochine) (1906). Việc mở trường Đại học Đông Dương năm 1907 thể hiện nỗ lực hợp tác với Nho sĩ và trí thức Việt Nam. Tuy nhiên, không có ghi chép nào cho thấy trường đại học có duy trì truyền thống đại học cổ điển mà các học giả Việt Nam đã theo đuổi gần ngàn năm.
            Mặc dù Đại học Đông Dương được xây dựng trên nền tảng một dự án đầy tham vọng, hoạt động ngắn ngủi của trường cho thấy việc mở trường chỉ mang tính “nghị quyết, giấy tờ” mà thiếu tính thực dụng. Trước khi trường khai giảng cuối năm 1907, các chính trị gia đã đề xuất một chương trình đại học rất đồ sộ. Theo quyết định ngày 15/6/1907của Toàn quyền Beau, đại học Đông Dương gồm năm trường thành viên là trường Luật và Hành chính, trường Khoa học, trường Y, trường Công chính, trường Văn khoa[6].  Ngày 24/9/1907, Toàn quyền Đông Dương đưa ra một dự án mới liên quan đến chương trình Đại học[7]. Theo đó, Đại học Đông Dương sẽ có những khoá học sau: toán, ngành kỹ thuật và vũ trụ, vật lý và hoá học đại cương, hoá công nghệ, động vật học, địa chất, triết học, tiếng Pháp và văn học Pháp, lịch sử đại cương, địa lý đại cương, lịch sử Đông Dương và Viễn Đông, luật của nước Pháp, luật và hành chính Việt Nam, kinh tế chính trị và luật thương mại, khoa học giáo dục, thực hành giáo dục. Ngoài ra, trường đại học phải có ba phòng thí nghiệm vật lý, hoá học và vạn vật học. Tất cả các khoá học được giảng dạy bằng tiếng Pháp. Trường Đại học nhận sinh viên thoả mãn các điều kiện sau: tốt nghiệp trường Chasseloup Laubat[8], hoặc có bằng Bổ túc Trung học (Complémentaire)[9], hoặc Cử nhân, Tú tài biết thành thạo tiếng Pháp. Ứng cử viên không có bằng cấp gì nhưng nếu được Hội đồng trường đại học thông qua cũng có thể được nhận.
Khi Đại học Đông Dương mở năm 1907, chỉ duy nhất có trường Y đang hoạt động (mở từ năm 1902). Học giả Nguyễn Hiến Lê có mô tả lại quang cảnh khai trường năm 1907 như sau “Trường đại học mở thật, không rõ là văn khoa hay luật khoa, y khoa, chỉ biết hôm khai trường, một số nhà tân học và cựu học Đông Kinh nghĩa thục lại nghe, nhưng may lắm chỉ có cụ Tốn, cụ Vĩnh là hiểu lõm bõm được ít, còn thì ù ù cạc cạc cả”[10]. Theo Đinh Xuân Lâm, ngày 10/11/1907 Đại học Đông Dương đã tổ chức lễ khai giảng trọng thể. Năm học đầu trường có 193 sinh viên, gồm 94 sinh viên mới được tuyển chọn, 37 sinh viên trường Y. Đầu tư cho trường là 15 ngàn đồng Đông Dương[11]. Tuy nhiên, nỗ lực đầu tiên lập trường đại học đã thất bại[12].  Trường Đại học đã đóng cửa sau một thời gian ngắn hoạt động do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc không đủ sinh viên theo học[13].

2.      Cốt lõi của Đại học Đông Dương: trường Y và trường Luật
Trường Y và trường Luật là những trường đầu tiên của Đại học Đông Dương và luôn có số sinh viên nhập học đông nhất (Xem hình 1).

Hình 1: Số lượng sinh viên đăng ký theo học tại Đại học Đông Dương- Hà Nội
(1913-1944)

Trường Y thành lập năm 1902 như một nỗ lực nhằm hạn chế cách chữa bệnh truyền thống mà người Pháp cho là nguy hiểm cả về mặt y học lẫn chính trị. Chính quyền Pháp coi các thày lang bản địa là mối nguy do họ không chỉ di chuyển các nơi để chữa bệnh mà còn tìm cách tuyên truyền tinh thần chống Pháp[14]. Trong khi đó, khí hậu nhiệt đới nóng ẩm và thức ăn không đảm bảo vệ sinh chính là nguồn gây bệnh tật nhanh chóng, đặc biệt dễ lây sang người nước ngoài. Do đó, cần áp dụng các phương pháp điều trị của phương Tây để ngăn ngừa bệnh tật và dịch bệnh. Tuy nhiên, hệ thống y tế kiểu mới đòi hỏi các thiết bị và dịch vụ hiện đại, đắt tiền mà ngân sách và nguồn nhân lực  không thể đáp ứng ngay được. Ý tưởng thành lập một trường y đào tạo cán bộ y tế bản xứ được đưa ra khá sớm. Năm 1898 Toàn quyền Doumer đã đề cập đến việc lập trường y “Trường Y Đông Dương sẽ có vai trò khiêm tốn là đào tạo cán bộ bản xứ với những kiến thức sơ đẳng về lý thuyết ngành y, miễn sao họ trở thành những “nhân viên vệ sinh”[15]. Điều đó có nghĩa là trường Y Đông Dương không thể ngang bằng với trường Y ở nước Pháp mà chỉ là một cơ sở đào tạo “công nhân y tế”, thực hiện những công việc đơn giản như tiêm phòng vắc xin hay phổ biến kiến thức vệ sinh tại khu dân cư.
           

Hình 2: Số lượng sinh viên theo học các khoa của Đại học Y Hà Nội (1929-1944)

Ngày 8/1/1902 trường Y Hà Nội (École de Médecine de Hanoi) được thành lập dưới quyền trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương. Đây là trường được thành lập sớm nhất và hoạt động ổn định nhất trong trường Đại học Đông Dương, dù tên và cơ quan quản lý trực tiếp của trường có một vài thay đổi qua các thời kỳ. Năm 1907, trường đổi tên thành trường Y Đông Dương. Năm 1909, trường trở lại với tên gọi trường Y Hà Nội và trực thuộc Thống sứ Bắc Kỳ. Năm 1913, Toàn quyền Đông Dương lại nắm quyền giám sát trường Y và trường đổi tên thành trường Y Đông Dương.
Hình 2 cho thấy sự thay đổi cơ cấu của trường Y Đông Dương trong khoảng thời gian từ 1929 đến 1944. Những năm 1932-1935 đánh dấu giai đoạn mới trong sự phát triển của nhà trường. Khoa Y học và Dược học Đông Dương bị xoá bỏ (1934 and 1935). Khoa Y học và Dược học đại cương phát triển thành các khoa đào tạo bác sĩ và dược sĩ. Những khoa này được công nhận là khoa trực thuộc trường Y Paris. Trong vòng 5 năm (1939-1944) số người đăng ký nhập học tăng hai lần, đạt hơn 200 sinh viên vào năm học 1944-1945.
Trường Luật và Hành chính cũng là một thành viên quan trọng trong Đại học Đông Dương. Trường này có mục tiêu đào tạo “các nhân viên cho bộ máy hành chính Đông Dương”, chính là mục tiêu tối thượng của Đại học Đông Dương, theo khảo sát của Gail Kelly về quan điểm của chính quyền Pháp đối với chức năng của ngành đại học Đông Dương[16]. Số lượng sinh viên đăng ký theo học trường Luật lên tới 594 năm học 1943-1944, cao nhất so với sinh viên các trường thành viên còn lại. Tuy nhiên, trong số 594 sinh viên, chỉ có 86 người học để lấy bằng Cử nhân, số còn lại là những người đương chức theo học để nâng cao trình độ phục vụ công việc đang làm.

3.      Đại học Đông Dương- hoạt động trở lại lần thứ hai năm 1917
Mười năm sau thử nghiệm đầu tiên, Đại học Đông Dương mở cửa trở lại, cũng vào
dịp Albert Sarraut lên nhậm chức Toàn quyền lần thứ hai[17]. Ngày 8/7/1917, Nha Cao đẳng (Direction de l’Enseignement Supérieur) thành lập[18]. Nha Cao đẳng có chức năng thiết lập, tổ chức các trường đại học và đề xuất chương trình cho các trường cao đẳng và đại học ở Đông Dương. Tất cả các trường cao đẳng đều quy tụ trong Đại học Đông Dương, đặt tại Hà Nội. Thành viên của Đại học Đông Dương gồm trường Y và Dược, trường Thú Y, trường Bách Khoa (Công Chính, Hoá, Điện, Mỏ, Vật Lý và Khoa học Tự nhiên) , trường Nông Lâm, trường Thương mại, trường Đóng tàu và Đánh bắt cá, trường Luật và Hành chính, trường Sư phạm.

Lễ khai giảng của Đại học Đông Dương (ngày 28/4/1917) đã được mô tả chi tiết trong 15 trang của tạp chí Nam Phong[19]. Theo đó, tới dự lễ khai giảng có những đại diện cao cấp nhất nhất gồm Vua Khải Định, Toàn quyền Albert Sarraut, Giám đốc Đại học Đông Dương- Tiến sĩ Cognacq. Theo diễn văn khai mạc của Tiến Cognacq, Đại học Đông Dương gồm những trường sau: trường Y và Dược, trường Thú Y, trường Nông Lâm, trường Luật và Hành chính, trường Sư phạm.

Tại thời điểm mở cửa trở lại lần thứ hai, Đại học Đông Dương vẫn chưa phải là một đại học được công nhận ngang bằng với các đại học bên Pháp. Ông Phạm Quỳnh coi trường đại học ở Đông Dương chỉ là nơi đào tạo các «kỹ thuật viên lành nghề» chứ chưa phải là « một toà lâu đài hàn lâm» đào tạo nên các học giả »[20]. Một trong những nguyên nhân dẫn tới « đẳng cấp thấp » của Đại học Đông Dương chính là do trình độ của sinh viên.  Phải tới năm 1925, hệ thống trường phổ thông ở Bắc Kỳ mới đào tạo được các tú tài bản xứ (chương trình 12-13 năm)[21]. Trước đó,  học sinh tốt nghiệp  Cao đẳng Tiểu học (10 năm)[22] cũng đã được nhận vào Đại học.
Năm 1926, báo Đông Pháp chỉ trích sự yếu kém của sinh viên Đại học Đông Dương trong đó có đoạn: “Trường Đại học đó chẳng qua là họp mấy trường chuyên môn lại, tương tự như những trường dạy canh nông, cơ khí, thương mại, chứ không phải như Đại học đường Sorbonne, hoặc như Đại học ở Montpellier, Nancy...”[23]. Điểm yếu của Đại học Đông Dương chính là ở việc thiếu nguồn nhân lực, giáo viên cũng như sinh viên, đồng thời kinh phí cho hoạt động của trường cũng còn nhiều hạn chế.

4.      Giai đoạn từ 1932 tới 1945- thu hẹp số lượng trường thành viên nhưng nâng cao chất lượng đào tạo
Cuộc đại suy thoái 1929-1933 gây tác động nặng nề đến kinh tế và xã hội Đông Dương, Đại học Đông Dương cũng không ngoại lệ. Kể từ năm học 1932-1933 một loạt trường trực thuộc Đại học Đông Dương phải đóng cửa, bao gồm trường Sư Phạm[24], trường Công chính, trường Thương mại, trường Nông nghiệp (Xem hình 2). Chỉ còn ba trường hoạt động gồm trường Y, trường Luật và Hành chính, trường Mỹ thuật. Năm 1939, trường Mỹ thuật tách khỏi đại học Đông Dương, đứng độc lập thành Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1941 trường Cao đẳng Khoa học được thiết lập, trực thuộc Đại học Đông Dương. Cùng thời gian này, các trường Cao đẳng như Cao đẳng Nông nghiệp, Cao đẳng Thú y, Cao đẳng Công chính, Địa chính được thành lập như những trường độc lập, nằm ngoài Đại học Đông Dương.
Mặc dù trường đại học hạn chế số lượng trường thành viên, uy tín chuyên môn của Đại học Đông Dương tăng dần. Kể từ năm 1932, trường Y và trường Luật trở thành một phân hiệu của trường Y và Luật Paris. Từ năm 1941, hai trường này được gọi là faculté. Nội dung chương trình của trường Luật chiểu theo  chương trình của trường Luật Paris: năm thứ nhất sinh viên học Luật Dân sự, Luật La Mã và Kinh tế; năm thứ hai học Luật Hình sự, Bộ máy hành chính Pháp; năm thứ ba học Luật Thương mại, Luật Quốc tế và Luật Tố tụng. Sau hai năm đầu, sinh viên qua hết các kỳ thi thì được lấy bằng Tú tài Luật[25] (Bachelier en droit). Tuy nhiên bằng này không có mấy ý nghĩa. Sinh viên phải học hết năm thứ ba để lấy bằng Cử nhân Luật. năm thứ ba, sinh viên tiếp tục học Luật Đông Dương, gồm có hành chính Đông Dương, Luật Dân sự, Luật hình sự và Luật tố tụng Việt Nam, kinh tế Đông Dương. Muốn tốt nghiệp phải trải qua hai kỳ thi viết và hai kỳ thi vấn đáp. Trước năm 1932, sinh viên trường Luật Hà Nội muốn lấy bằng bằng Cử nhân Luật phải sang Pháp. Kể từ năm 1932, hàng năm có một giáo sư từ Paris sang làm chủ tịch Hội đồng chấm thi tốt nghiệp. Sinh viên đ tốt nghiệp được trường Luật Paris cấp bằng. Giáo sư  được cử sang Đại học Đông Dương phải tuân thủ đúng yêu cầu của các trường đại học Pháp, tức là phải có bằng Tiến sĩ Luật và có ít nhất ba bằng Cao đẳng Luật học, đồng thời qua một kỳ chuyên môn đặc biệt tổ chức Paris (aggregation de droit). Từ năm 1933 đã có các giáo sư chuyên môn (agréges) sang Hà Nội giảng dạy. Một số môn học không đ người dạy, trường có thể lấy Tiến sĩ Luật nhưng chưa có đ ba bằng Cao đẳng Luật học. Ngoài ra, có nhiều môn học do giảng viên (chargés de cours) đảm nhiệm. Những người này có thể là các viên chức có bằng Tiến sĩ và có kinh nghiệm thực tiễn (quan toà, quan cai trị..).
Theo chương trình đại học Luật của Pháp, sau khi có bằng Cử nhân, sinh viên mới bắt đầu đi chuyên sâu vào một ngành nào đó, chẳng hạn 1) Công pháp (droit public) gồm có luật hiến pháp, luật cai trị, luật quốc tế; 2)Tư pháp (droit privé) gồm có dân luật, luật hình sự, luật thương mại; 3)Kinh tế học (Economic Politique), 4)Luật La Mã và Lịch sử Pháp luật. Muốn trình Luận án Tiến sĩ, thí sinh phải có ít nhất hai bằng Cao đẳng Luật trong số bốn loại kể trên. Kể từ năm 1941, trường Luật Hà Nội mở thêm ban Cao đẳng Tư pháp. Muốn lấy bằng Tiến sĩ, sinh viên có thể lấy một bằng Tư pháp Việt Nam và  sang Pháp lấy một bằng Cao đẳng Luật nữa đ bảo vệ luận án.
Mặc dù trường Luật Hà Nội phỏng theo đúng mô hình Đại học Luật của Pháp, nguồn nhân lực và cơ sở vật chất còn rất hạn chế. Tạp chí Thanh nghị nhận định như sauNgoài sự thiếu thày chuyên môn, trường Luật Hà Nội còn thiếu thốn nhiều sách vở là những khí cụ tối cần cho bậc học cao. đây hiện nay chỉ có sách giáo khoa và mươi thứ tạp chí chuyên môn thông thường; những sách khảo cứu tường tận về một môn khoa học hay một vấn đ, nhất là các tạp chí chuyên môn uy tín toàn cầu viết bằng tiếng ngoại quốc đều thiếu. Điều khuyết điểm đó đã làm cho vài năm trước đây một vài giáo sư trường Luật cũng ngần ngại khi nói đến việc lập ban Cao đẳng Luật học[26]
           
            Tương tự như trường Luật, chất lượng trường Y Hà Nội cũng dần được công nhận. Thành lập năm 1902, hoạt động sớm nhất trong ngạch cao đẳng, trường Y Hà Nội ban đầu chỉ đào tạo cáccán bộ y tếvà nữ hộ sinh (ban nữ hộ sinh lập năm 1904). Đến năm 1907, trường Y Hà Nội có khoá Y sĩ Đông Dương đầu tiên tốt nghiệp[27]. Người Pháp đã rất thận trọng trong việc đào tạo các bác sĩ. Trường Y hoạt động hơn 30 năm mới có sinh viên tốt nghiệp được công nhận vào ngạch bác sĩ y khoa. Ra đời năm 1902 nhưng tới năm 1923 trường Y mới trở thành một trường Cao đẳng kiêm bị Y Dược (Ecole de Plein Exercice de Médecine et de Pharmacie- trường có đầy đ các khoá học). Giai đoạn này trường vẫn chỉ đào tạo ngạch Y sĩ và Dược sĩ Đông Dương. Kể từ năm 1933, trường có đủ điều kiện để đào tạo ngạch bác sĩ quốc gia (doctorat de E’tat), trường Dược đào tạo dược sĩ hạng nhất (Pharmacien de 1re-classe). Hàng năm giáo sư của Đại học Paris sang chủ toạ kỳ thi tốt nghiệp tại Hà Nội. Năm 1941 trường Y Hà Nội có năm khoa: PCB (Lý-Hoá-Sinh), khoa Y đào tạo bác sĩ đa khoa, khoa Dược đào tạo dược sĩ, Nha khoa, khoa Hộ sinh (Xem hình 2). Ngoài ra còn có 5 phòng thí nghiệm: PCB, phẫu thuật, Dược, Hoá, Vi trùng.
            Tuy nhiên, cơ sở vật chất của trường vẫn rất nghèo nàn, đặc biệt là thư viện và phòng thí nghiệm. Thư viện dành cho giáo viên, tiến sĩ và sinh viên năm cuối chỉ có 5000 cuốn sách, 70 đầu tạp chí và báo, đa phần thuộc lĩnh vực Y khoa, tất cả luận văn và luận án đã được bảo vệ tại các trường đại học Pháp. Thư viện cho sinh viên còn có ít sách hơn, theo Thanh nghị đánh giá là không đáp ứng được yêu cầu của một đại học nghiên cứu[28]
            Năm 1941, trường Cao đẳng khoa học (école superieur des sciences) được thành lập, trực thuộc Đại học Đông Dương, gồm ba khoa: Toán, Vật lý, Khoa học tự nhiên. Chương trình của trường được đánh giá là nghèo nàn và thua xa đại học ở Paris. Khoa Toán ở Hà Nội chỉ dạy môn toán đại cương, Khoa Vật lý dạy môn Hoá đại cương và SPCN (Physique, Chimie, Histoire naturelle). Thanh nghị cho rằng trường Cao đẳng Khoa học chỉ mới dựng nên bộ khung và chưa hoàn thiện[29].

5.      Giáo viên và sinh viên Đại học Đông Dương
 Hình 3&4 cho thấy mức tăng trưởng của số lượng sinh viên đăng ký theo học.  Ở vào
giai đoạn đỉnh cao, năm học 1943-1944, đại học Đông Dương có 1222 sinh viên. Số sinh viên ở các trường Y, Luật và Khoa học lần lượt là 353, 594, 275. Sinh viên Bắc Kỳ chiếm tỉ lệ cao nhất so với bốn xứ còn lại là Nam Kỳ,Trung Kỳ, Lào, Campuchia (Sinh viên Bắc Kỳ chiếm 37% ở trường Y, 48% ở trường Luật, 40% ở trường Khoa học). Số sinh viên Bắc Kỳ chiếm đa số có thể được giải thích do yếu tố gần gũi về địa lý. Ở trường Luật, sinh viên Bắc Kỳ đông gấp  bốn lần so với sinh viên từ Nam Kỳ và gấp sáu lần so với sinh viên Trung Kỳ. Sự chênh lệch này có nguyên nhân Bắc Kỳ là trung tâm chính trị hành chính và nhu cầu đào tạo nhân viên đương nhiệm cao hơn nhiều. Trong khi đó, một khảo sát về số sinh viên Việt Nam tại Pháp cho thấy có đến hai phần ba sinh viên Việt Nam theo học tại Pháp (trong tổng số khoảng 500 người vào những năm 1920) là từ Nam Kỳ[30]. Như vậy sinh viên Nam Kỳ có xu hướng lựa chọn các trường đại học tại Pháp thay vì đại học ngoài Hà Nội.
      Trường Y tập trung nhiều giáo viên nhất so với các trường còn lại, do chương
trình của trường đòi hỏi giờ học lý thuyết và thực hành. Số giáo viên của trường tăng từ 22 người năm học 1921-1922 lên 33 năm học 1943-1944. Trường Luật, dù có số sinh viên đông hơn, lại có ít số giáo viên hơn. Năm học 1943-1944 trường Luật chỉ có 14 giáo viên.  Giáo sư Trịnh Văn Thảo đã tiến hành một khảo sát xã hội học đối với các giáo viên Đại học Đông Dương năm 1937. Ngoài số ít giáo viên người Việt, phần lớn giáo viên đại học Đông Dương là người Pháp. Người Việt duy nhất đảm nhiệm vị trí giaó sư thực thụ là ông Lê Văn Kim, có hai bằng Tiến sĩ (Luật học và Văn học) từ đại học Paris và được nhận làm giảng viên đại học Đông Dương nhờ sự can thiệp trực tiếp của Toàn quyền Varenne. Thể hiện thái độ phản đối sự đàn áp thô bạo đối với phong trào cách mạng năm 1930, ông Lê Văn Kim đã từ nhiệm khỏi vị trí giảng viên đại học và hoạt động như luật sư[31].
Cũng theo khảo sát xã hội học của Trịnh Văn Thảo, có thể chia các giảng viên đại
học Đông Dương làm ba thế hệ. Thế hệ đầu là những người sinh ra vào đúng thời kỳ Pháp đánh chiếm Nam Kỳ và xâm lược Bắc Kỳ lần thứ nhất (1858-1875), tức là có độ tuổi  chừng trên dưới 40 khi Đại học Đông Dương khai giảng lần đầu. Thế hệ thứ hai, đông nhất, sinh vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Thế hệ này là lực lượng chủ chốt của Đại học Đông Dương, đặc biệt trong giai đoạn phát triển nhất của đại học từ 1930 đến 1945. Thế hệ thứ ba, sinh vào khoảng đầu thế kỷ XX, chiếm số ít. Trung bình, giảng viên đại học Đông Dương có thâm niên 14 năm. Người kỳ cựu nhất là Marchal (28 năm thâm niên) và Le Roy des Barres (30 năm). Hai vợ chồng Paul Mus có tổng thâm niên là 44 năm[32].
Nhiều giáo sư của đại học Đông Dương là những nhà khoa học ưu tú như Yersin, Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Y Hà Nội, người đã chế ra vắc xin chống dịch hạch, Calmette, phát minh ra BCG chống lao, thầy thuốc kiêm nhà dân tộc học Huard. Đội ngũ những giáo sư được tuyển chọn kỹ lưỡng cho đại học Y (đa phần là những người đã tốt nghiệp thạc sĩ Y khoa ở Pháp), cũng như sự gắn bó lâu dài của họ với trường Y Đông Dương đã tạo nên danh tiếng cho nhà trường.
Trong khi đó, các khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên được xếp vào nhóm “con nhà nghèo” của đại học Đông Dương. Những người ưu tú nhất đều cống hiến trí tuệ của mình cho các trung tâm tư liệu, thư viện, lưu trữ chứ không phải cho trường đại học[33]. Phía Việt Nam cũng có một số học giả chuyên mảng xã hội và nhân văn đã được Trịnh Văn Thảo kể tên như Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ. Tuy nhiên, đóng góp của họ cho Đại học Đông Dương hết sức mờ nhạt. Các học giả Việt Nam và Pháp đã không thể xây dựng nên một trường đại học Văn khoa hay Nhân văn, thành tố quan trọng tạo nên diện mạo cho nhiều đại học lâu đời trên thế giới. Nền học vấn cổ điển của Việt Nam đã bị giới đại học hiện đại lãng quên hoàn toàn.

Hình 3: Số lượng sinh viên theo học tại trường Y Hà Nội- theo nguồn gốc khu vực.
Hình  4: Số lượng sinh viên theo học tại trường Luật Hà Nội- theo nguồn gốc khu vực.

Kết luận
Đại học Đông Dương là một thiết chế đại học hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam. Trường đại học này không hề có bất cứ một mối quan hệ nào với trường đại học đã tồn tại gần 1000 năm ở Việt Nam (Quốc Tử Giám). Sự phụ thuộc về mặt chuyên môn của đại học Đông Dương và các trường thành viên của nó vào đại học Paris ở Pháp đã cản trở đại học Đông Dương xây dựng diện mạo riêng, đặc biệt trong việc kế thừa các di sản học vấn truyền thống của Việt Nam cũng như của Lào, Campuchia.  Người Pháp đã cương quyết cắt đứt mối dây liên hệ giữa giới trí thức Đông Dương với truyền thống, hướng tới hình thành một diện mạo hoàn toàn mới cho trí thức hiện đại Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung.


Tài liệu tham khảo
Annuaire Statistique de l’Indochine (1927), Premier Volume (1913-1922), Direction des Affaires Économiques, Imprimerie d’Extrême-Orient, Hanoi ; Annuaire Statistique de l’Indochine (1932), Troisième Volume (1930-1931), Gouvernement Général de l’Indochine, Inspection Générale des Mines et de l’Industrie, Service de la Statistique Générale de l’Indochine, Imprimerie d’Extrême-Orient, Hanoi; Annuaire Statistique de l’Indochine (1933), Quatrième Volume 1931-1932. Gouvernement Général de l’Indochine, Inspection Générale des Mines et de l’Industrie. Service de la Statistique Générale de l’Indochine, Imprimerie d’Extrême-Orient, Hanoi; Annuaire Statistique de l’Indochine, Cinquième Volume (1932-1933), Sixième Volume (1934,1935,1936), Neuvième Volume (1939-1940), Dixième Volume (1941-1942), Onzième Volume (1943-1946), Direction des Affaires Économiques et Administratives, Bureau de la Statistique Générale, Imprimerie d’Extrême-Orient, Hanoi, Saigon.

Charles Fourniau, Trinh Van Thao, Gilles de Gantès..., Le contact colonial franco-vietnamien. Le premier demi-siècle (1858-1911", Publications de l'Université de Provence, 1999.

Chương Thâu, Hồ Song, Ngô Văn Hoà, Nguyễn Văn Kiệm, Đinh Xuân Lâm (1999), Lịch sử Việt Nam 1897-1918, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Sử học, Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Đào Thị Diến, Sự ra đời của Đại học Đông Dương qua tài liệu lưu trữ, http://100years.vnu.edu.vn/BTDHQGHN/Vietnamese/C1787/2006/03/N7403/

Đông Pháp  (1926), “Sự giả trá của trường Đại học Đông Pháp”, ngày 26 tháng 4 năm 1926.

Đinh Xuân Lâm, Từ Đại học Đông Dương đến Đại học Quốc gia Hà Nội, http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=3511, ngày 4/10/2010


Kelly, Gail P. (2000), “The Myth of Educational Planning: The Case of the Indochinese University, 1906-1938”, French colonial education: essays on Vietnam and West Africa, AMS Press, York.

Journal Officiel d’Indochine, 1907, s 80, tr.1458.

Lessard, Micheline (1995), Tradition for rebellion: Vietnamese students and teachers and anticolonial resistance, 1888-1931, PhD Dissertation, Cornell University.

Nam Phong (1918), “Về việc ngự giá Bắc tuần”, No11, May 1918, pp. 266-280.

Nguyễn Hiến Lê (2002), Đông Kinh Nghĩa Thục, Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

Pascale Bezancon, (2002), Une colonization educatrice? L’experience Indochinoise (1860-1945), L’Harmatlan, Paris.

Phạm Hồng Tung, 100 năm Đại học Đông Dương-Đại học Quốc gia Hà Nội: khởi đầu của mô hình giáo dục đại học hiện đại Việt Nam, http://vietbao.vn/Giao-duc/100-nam-Dai-hoc-Dong-Duong-Dai-hoc-Quoc-gia-Ha-Noi-Khoi-dau-cua-mo-hinh-giao-duc-dai-hoc-hien-dai-Viet-Nam/45193969/202/ ngày 11/5/2006

Phạm Quỳnh (1917), “Trường Đại học”, Nam Phong, số 3, tháng 7/1917, tr. 145-152.

Thanh nghị, “Trường Cao đẳng Đông Dương”, só tháng 10/1941.

Thanh nghị (1941), “Trường Cao đẳng Đông Dương hiện tại và tương lai”. số tháng 11/1941.

Thanh nghị, “Trường Khoa học Đông Dương”, số tháng 10/1941.

Trần Thị Phương Hoa (2012), Giáo dục Pháp-Việt ở Bắc Kỳ, 1884-1945, Khoa học xã hội.

Trịnh Văn Thảo, Nhà trường Pháp ở Đông Dương, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội.



·         Bài viết này dựa trên báo cáo đã được trình bày tại Hội thảo Quốc tế “Internationalization of higher education: North-South perspectives” do Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức vào tháng 6/2012. Bài đã được xuất bản trên Tạp chỉ Khoa học, Khoa học xã hội và Nhân văn, Tập 28, số 4,2012
[2] Xem Nguyễn Hiến Lê (2002), Đông Kinh Nghĩa Thục, Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.101-103

[3] Xem Chương Thâu, Hồ Song, Ngô Văn Hoà, Nguyễn Văn Kiệm, Đinh Xuân Lâm (1999), Lịch sử Việt Nam 1897-1918, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Sử học, Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[4] Gail P Kelly (2000), “The Myth of Educational Planning: The Case of the Indochinese University, 1906-1938”, French colonial education: essays on Vietnam and West Africa, AMS Press, York, tr.28
[5] Đồng hoá (assimilation) hay hợp tác (association)  với người bản xứ là hai quan điểm cơ bản trong đường lối cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam. Xem thêm Trần Thị Phương Hoa (2012), Giáo dục Pháp-Việt ở Bắc Kỳ, 1884-1945, Khoa học xã hội, tr. 27-30
[6] Xem Đào Thị Diến, “Sự ra đời của Đại học Đông Dương qua tài liệu lưu trữ”, http://100years.vnu.edu.vn/BTDHQGHN/Vietnamese/C1787/2006/03/N740

Đinh Xuân Lâm, “Từ Đại học Đông Dương đến Đại học Quốc gia Hà Nội”, http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=3511, ngày 4/10/2010

Phạm Hồng Tung, “100 năm Đại học Đông Dương-Đại học Quốc gia Hà Nội: khởi đầu của mô hình giáo dục đại học hiện đại Việt Nam”, http://vietbao.vn/Giao-duc/100-nam-Dai-hoc-Dong-Duong-Dai-hoc-Quoc-gia-Ha-Noi-Khoi-dau-cua-mo-hinh-giao-duc-dai-hoc-hien-dai-Viet-Nam/45193969/202/ ngày 11/5/2006


[7] Xem Journal Officiel d’Indochine, 1907, s 80, tr.1458
[8] Trường Chasseloup Laubat lập năm  1874, là trường Trung học đầu tiên lập ra ở Nam Kỳ, lúc đầu là trường Pháp nhưng sau có thêm các lớp Pháp-Việt
[9] Giai đoạn này, trường Thông ngôn là trường duy nhất được gọi là Complementaire ở Bắc Kỳ
[10] Nguyễn Hiến Lê, dd, tr. 103-104
[11] Đinh Xuân Lâm, dd
[12] Hiện có nhiều ý kiến khác nhau về việc Đại học Đông Dương hoạt động bao lâu trong lần đầu tiên. Theo trang Web chính thức của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Đông Dương khai giảng lần đầu tháng 11/1907 và đóng cửa sau đó một năm, xem  http://100years.vnu.edu.vn/BTDHQGHN/Vietnamese/C1787/2006/03/N7403/; Nguyễn Hiên Lê thì cho rằng thời gian hoạt động của trường rất ngắn ngủi, khoảng một tuần, Xem Nguyễn Hiến Lê (2002), dd, tr.101; Theo  Charles Founiau et al, trường khai giảng ngày 4/11/1907 và đóng cửa trước khi kết thúc năm học thứ nhất, xem Charles Fourniau, Trinh Van Thao, Gilles de Gantès..., Le contact colonial franco-vietnamien. Le premier demi-siècle (1858-1911", Publications de l'Université de Provence, 1999, tr. 227
[13] Trường chỉ dạy bằng tiếng Pháp, trong khi số sinh viên đủ trình độ để theo các môn học còn rất hạn chế.
[14] Xem Pascale Bezancon, (2002), Une colonization educatrice? L’experience Indochinoise (1860-1945), L’Harmatlan, Paris, tr.72
[15]  Pascale Bezancon, (2002), dd, tr.73
[16] Gail P Kelly (2000), “The Myth of Educational Planning: The Case of the Indochinese University, 1906-1938”, French colonial education: essays on Vietnam and West Africa, AMS Press, York, tr.37

[17] Albert Sarraut đảm nhận hai nhiệm kỳ Toàn quyền Đông Dương. Lần đầu từ năm 1911-1913, lần thứ hai từ năm 1917 đến 1919.
[18] Năm 1924 Nha Cao đẳng sáp nhập với Nha Học chính
[19] Nam Phong (1918), “Về việc ngự giá Bắc tuần”, No11, May 1918, pp. 266-280.
[20] Phạm Quỳnh (1917), “Trường Đại học”, Nam Phong, số 3, tháng 7/1917, tr. 145-152.
[21] Năm 1921, các trường Trung học ở Nam Kỳ đã có các tú tài bản xứ tốt nghiệp nhưng số lượng rất ít
[22] Chương trình phổ thông gồm 6 năm Tiểu học (lấy bằng Tiểu học Pháp-Việt, còn gọi là bằng Cơ thuỷ), 4 năm Cao đẳng tiểu học (lấy bằng Thành chung) và 2 đến 3 năm Trung học (lấy bằng Tú tài)
[23] Đông Pháp  (1926), “Sự giả trá của trường Đại học Đông Pháp”, ngày 26 tháng 4 năm 1926.
[24] Các lớp của trường Sư phạm được chuyển sang trường Bảo Hộ
[25] Thuật ngữ dùng theo Thanh nghị, “Trường Cao đẳng Đông Dương”, só tháng 10/1941, tr.5
[26] Thanh nghị (1941), “Trường Cao đẳng Đông Dương hiện tại và tương lai”. số tháng 11/1941, tr.4
[27] Theo Thanh nghị 11/1941, dd, tr.5
[28] Thanh nghị, 11/1941, dd, tr. 5
[29] Thanh nghị, “Trường Khoa học Đông Dương”, số tháng 10/1941, tr.2-3
[30] Xem Micheline Lessard (1995), Tradition for rebellion: Vietnamese students and teachers and anticolonial resistance, 1888-1931, PhD Dissertation, Cornell University, tr. 191
[31] Trịnh Văn Thảo, Nhà trường Pháp ở Đông Dương, Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, tr.296
[32] Trịnh Văn Thảo, dd, tr. 295
[33] Xem Trịnh Văn Thảo, dd, tr. 291