Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

TỔ CHỨC BỘ MÁY CÁC CƠ QUAN TRONG CHÍNH QUYỀN THUỘC ĐỊA Ở VIỆT NAM (1862-1945)




TỔ CHỨC BỘ MÁY CÁC CƠ QUAN TRONG CHÍNH QUYỀN THUỘC ĐỊA
Ở VIỆT NAM (1862-1945)



  1. Tổ chức chính quyền thuộc địa từ 1862-1886
1.Tổ chức chính quyền ở Nam Kì 1862-1886
            Ngày 29 tháng 11 năm 1861, Phó Thuỷ sư - Đô đốc Charner giao quyền lại cho Chuẩn đô đốc Bonnard làm đại diện toàn quyền cho Hoàng đế Pháp và Tổng Tư lệnh chỉ huy tại Nam Kì[1]. Ngày 5 tháng 6 năm 1862 sau khi chiếm được 3 tỉnh Nam Kì, một Hiệp ước được kí kết giữa một bên là triều đình nhà Nguyễn và một bên là chính phủ Pháp và Tây Ban Nha. Theo tinh thần Hiệp ước, ba tỉnh miền Đông Nam Kì trở thành “xứ thuộc địa” (colonie) trực thuộc Bộ Hải quân và Thuộc địa. Đứng đầu “xứ thuộc địa” là viên Đô đốc - Toàn quyền chịu trách nhiệm cả về dân sự và quân sự. Chế độ “võ quan” này kéo dài đến năm 1879 và chuyển sang chế độ “văn quan”, đứng đầu xứ thuộc địa là viên Thống đốc.[2] Dưới Thống đốc Nam Kì là 3 chức danh cao cấp: Tổng Biện lí (Procureur général) chịu trách nhiệm về mặt pháp chế; Chánh chủ trì (Ordonnateur) chịu trách nhiệm về vấn đề tài chính và Giám đốc Nha Nội chính.
            Chức Giám đốc Nha Nội chính được lập năm 1862 và được giao cho Trung tá hải quân Gareau. Nha Nội chính được thành lập theo Quyết định ngày 09 tháng 11 năm 1864 của Thống đốc Nam Kì gồm Ban Tổng Thư kí, Ban Hành chính và Hoà giải, Ban Canh nông -Thương mại. Dưới quyền Giám đốc Nha Nội chính là các Tham biện (Inspecteur des affaires indigènes) chịu trách nhiệm chỉ đạo đội lính cơ trong khu vực quản lí.
      Thời kì này, Nam Kì được chia thành bốn khu vực hành chính (circonscription administrative) là Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long và Bát Xác. Mỗi khu vực hành chính được chia thành các tiểu khu hành chính (arrondissement administratif) gồm các tổng. Tiểu khu được đổi gọi là tỉnh năm 1900. Đứng đầu tiểu khu hành chính là viên quan người Pháp ngạch quan cai trị (administrateur). Mỗi tiểu khu được chia thành một số đơn vị là Trung tâm hành chính (centre administratif), đứng đầu là quan chức người Việt với chức danh là Đốc phủ sứ, Tri phủ hoặc Tri huyện. Đây là đơn vị hành chính ở Nam Kì tương đương cấp phủ, huyện ở Bắc và Trung Kì.
            Thành phố Sài Gòn (thành phố cấp I) được thành lập theo Sắc lệnh ngày 08 tháng 01 năm 1877. Thành phố Chợ Lớn (thành phố cấp II) được thành lập theo Nghị định ngày 20 tháng 10 năm 1879 của Thống đốc Nam Kì. Đứng đầu thành phố là Đốc lí có quyền hạn như quan cai trị chủ tỉnh. Phụ tá cho Đốc lí là Hội đồng thành phố (Conseil municipal) có chức năng thảo luận lấy biểu quyết, rồi ra quyết định đối với những vấn đề của thành phố, góp ý về những vấn đề mà cấp trên yêu cầu và đề đạt mọi nguyện vọng liên quan đến lợi ích của thành phố lên cấp trên.
            Bên cạnh các cơ quan kể trên, thực dân Pháp còn lập ra các hội đồng phụ tá có quan hệ chặt chẽ với bộ máy cai trị như: Hội đồng tư mật (Conseil privé) được thành lập theo Sắc lệnh ngày 21 tháng 8 năm 1869 của Hoàng đế Pháp; Hội đồng thuộc địa Nam Kì (Conseil colonial de la Cochinchine) thành lập theo Sắc lệnh ngày 08 tháng 02 năm 1880 của Tổng thống Pháp; Hội đồng tiểu khu (Conseil d’arrondissement) thành lập theo Nghị định ngày 15 tháng 5 năm 1882 của Thống đốc Nam Kì, sau là Hội đồng hàng tỉnh (Conseil provincial). Mỗi tiểu khu hành chính được chia thành các tổng gồm nhiều xã. Chánh, Phó chánh tổng do các viên thanh tra chỉ định được xếp ngạch nhân viên hành chính. Xã trưởng và phó lí là quan chức cấp xã làm trung gian giữa cấp xã và chính quyền cấp trên.
2.Tổ chức chính quyền ở Trung - Bắc Kì (1867-1886)
            Năm 1867, sau khi đánh chiếm được toàn bộ Nam Kì, thực dân Pháp thiết lập hệ thống tổ chức chính quyền cai trị tại Trung Kì và Bắc Kì. Theo Hiệp ước ngày 15 tháng 3 năm 1874, chức Đại biện (Chargé d’affaire), phái viên ngoại giao do Chính phủ Pháp đặt ra được xếp bậc ngang với Thượng thư triều đình và được đóng tại Huế (điều 20).
            Ngày 25 tháng 8 năm 1883, Chính phủ Pháp đặt chức Tổng uỷ viên Cộng hoà Pháp (Commissaire général de la République Française) là người đại điện Chính quyền Pháp tại Trung Kì và Bắc Kì đóng tại Bắc Kì.
            Sau đó một năm, Chính phủ Pháp đặt ra chức “Tổng trú sứ Trung - Bắc Kì”, người thay mặt Chính phủ Pháp để cai trị và điều khiển nền “bảo hộ” tại Trung - Bắc Kì, thay cho Tổng uỷ viên Cộng hoà Pháp (điều 5, Hiệp ước năm 1884). Ngày 27 tháng 1 năm 1886, Tổng thống Pháp ra Sắc lệnh về việc tổ chức chính quyền ở Trung và Bắc Kì. Theo đó, người đứng đầu Chính quyền Bảo hộ là viên Tổng Trú sứ, người đại diện nước Pháp bên cạnh triều đình Huế trực thuộc Bộ Ngoại giao và được bổ nhiệm theo Sắc lệnh của Tổng thống Cộng hoà Pháp. Tổng trú sứ là người đại diện quyền lực của nước Pháp tại Trung và Bắc Kì đóng tại Huế. Chế độ Tổng trú sứ tồn tại đến năm 1889[3]. Hai chức vụ Thống sứ Bắc Kì và Khâm sứ Trung Kì dưới quyền Tổng Trú sứ được đặt ra. Thẩm quyền của hai viên chức này do Tổng Trú sứ quy định bằng Sắc lệnh được sự phê chuẩn của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp.
            Đứng đầu các tỉnh là viên Công sứ Pháp. Ở Bắc Kì, chức Công sứ được thiết lập theo Hiệp ước ngày 25 tháng 8 năm 1883. Điều 12, 14, 16 và 18 của Hiệp ước quy định: chức Công sứ được lập ở Hà Nội, Hải Phòng, một trong các thành phố biển sẽ thành lập sau đó và ở tỉnh lị của các tỉnh lớn. Ở tỉnh lị của các tỉnh nhỏ có viên chức người Pháp dưới quyền Công sứ của các tỉnh lớn theo hệ thống các đơn vị hành chính của Bắc Kì. Công sứ người Pháp chỉ kiểm soát công việc cai trị của quan lại hàng tỉnh người bản xứ mà không trực tiếp cai trị, khi thấy viên quan người Việt nào có thái độ chống đối thì Công sứ có quyền chuyển viên quan đó đi nơi khác.
            Về mặt tư pháp, Công sứ chịu trách nhiệm xét xử các vụ án dân sự, thương mại và án tiểu hình xảy ra giữa người Âu với người Âu, người Âu với người Việt hoặc người châu Á, hoặc giữa người Việt với người Châu Á.
Về mặt tài chính, Công sứ phụ trách và kiểm soát việc thu thuế và sử dụng tiền thu thuế với sự hỗ trợ của Bố chánh người Việt.” [4]
            Đối với các tỉnh Trung Kì, chức Công sứ được lập theo Quy ước ngày 30 tháng 7 năm 1885. Chức năng của Công sứ các tỉnh Trung Kì chưa được quy định cụ thể như đối với Bắc Kì nhưng qua Hiệp ước ngày 25 tháng 8 năm 1883 ta thấy Công sứ Pháp là người nắm giữ các vấn đề về thương chính và công chính còn quan chức hàng tỉnh người Việt vẫn tiếp tục cai trị như trước mà không phải chịu một sự kiểm soát nào của nước Pháp (điều 6, Hiệp ước năm 1883) [5].
            Bên cạnh đó, ở các tỉnh Bắc và Trung Kì còn tồn tại chính quyền bản xứ cấp tỉnh do người Việt quản lí. Đứng đầu cấp tỉnh là Tổng đốc hoặc Tuần phủ Phụ tá cho Tổng đốc và Tuần phủ là Bố chánh và Án sát. Mỗi tỉnh được chia thành các phủ, huyện hoặc châu, đứng đầu là Tri phủ, Tri huyện hoặc Tri châu.
  1. Tổ chức bộ máy chính quyền từ sau khi thành lập Liên bang Đông Dương đến 1945
1.Tổ chức bộ máy các cơ quan trung ương
            Trong báo cáo của hai Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa và Bộ Ngoại giao gửi Tổng thống Cộng hoà Pháp kèm theo bản dự thảo Sắc lệnh về việc thành lập Liên bang Đông Dương đã nêu rõ mục đích và sự cần thiết phải thành lập một tổ chức quản lí chung cho cả Đông Dương. Với những lí do đặc biệt thuyết phục như việc thống nhất trong quản lí hành chính và chính trị, chỉ huy các lực lượng lục quân và hải quân, thống nhất trong việc quản lí về thuế, phí bưu điện cũng như trong hệ thống toà án tại Đông Dương. Việc thành lập Liên bang sẽ đem lại những lợi ích đáng kể như: tiết kiệm nhân lực; tăng các nguồn thu nhờ việc mở rộng việc thu thuế trên toàn Đông Dương; giảm chi ngân sách từ chính quốc cho quân đội; tập trung được lực lượng quân đội tinh nhuệ của các xứ thuộc Liên bang để gìn giữ hoà bình, tuyệt đối chống lại những thế lực thù địch; phát triển công, nông nghiệp và thương mại. Kết quả là ngày 17 tháng 10 năm 1887 Tổng thống Cộng hoà Pháp ra Sắc lệnh thành lập Liên bang Đông Dương, đứng đầu Toàn quyền Đông Dương. Toàn quyền là viên chức cao cấp Pháp được bổ nhiệm bằng Sắc lệnh của Tổng thống Pháp, thông qua Hội đồng Bộ trưởng Pháp. Quyền hạn của Toàn quyền Đông Dương được quy định theo Sắc lệnh ngày 17 tháng 10 năm 1887 và hoàn thiện bổ sung bằng Sắc lệnh ngày 12 tháng 11 năm 1887,  ngày 9 tháng 5 năm 1889 và ngày 21 tháng 4 năm 1891. Theo Sắc lệnh năm 1891, Toàn quyền Đông Dương “là người được uỷ nhiệm thi thành quyền lực của nước Cộng hoà Pháp tại Đông Dương”.
            Các Sắc lệnh của Tổng thống Cộng hoà Pháp ngày 20 tháng 11 năm 1911 thể hiện sự cải tổ lớn trong chính sách tổ chức bộ máy cai trị Đông Dương chuyển từ chính sách “trung ương tập quyền” sang chính sách  ‘‘trung ương tản quyền’’ và “địa phương hoá phân quyền”. Theo các Sắc lệnh năm 1911, Toàn quyền Đông Dương vẫn là “người được uỷ nhiệm thi hành quyền lực của nước Cộng hoà Pháp tại Đông Dương(điều 2); là “người nắm quyền chỉ đạo tối cao và quyền kiểm soát tất cả các công sở dân sự ở Đông Dương(điều 3); là “người tổ chức và chịu trách nhiệm về những hoạt động của các công sở dân sự”. Toàn quyền Đông Dương là người trực tiếp chỉ đạo các viên chức đứng đầu cấp kì trong Liên bang Đông Dương.
            Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, để tiến hành một cách có hiệu quả công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai về kinh tế, Chính phủ Pháp đã chú trọng tới việc củng cố bộ máy các cơ quan quản lí thuộc địa trên tất cả các lĩnh vực. Các cơ quan chỉ đạo thuộc địa ở Chính quốc gồm Bộ Thuộc địa, Tổng Đại diện các thuộc địa tại chính quốc, Hội đồng Cấp cao thuộc địa. Bộ Thuộc địa được tổ chức lại theo Sắc lệnh ngày 29 tháng 6 năm 1919. Theo Sắc lệnh này, Bộ thuộc địa được tổ chức độc lập nên có nhiều quyền hạn hơn trong việc điều hành các công việc của thuộc địa. Bộ Thuộc địa gồm Văn phòng Bộ (Ban Thư kí), Ban Chỉ đạo các vấn đề chính trị, Ban Chỉ đạo các vấn đề kinh tế, Ban Chỉ đạo các vấn đề nhân sự và tài vụ, Ban chỉ đạo quân sự, Ban Kiểm tra. Mỗi bộ phận phụ trách một lĩnh vực chuyên môn riêng. Tổng Đại diện các thuộc địa tại chính quốc, tiền thân là Cục Thuộc địa, thành lập theo Sắc lệnh ngày 29 tháng 6 năm 1919, là cơ quan trung gian thông tin về kinh tế, sản xuất, thương mại giữa thuộc địa và chính quốc. Hội đồng Cấp cao thuộc địa được thành lập từ năm 1883 và tổ chức lại theo Sắc lệnh ngày 28 tháng 9 năm 1920. Hội đồng Tối cao được hình thành từ ba hội đồng thành viên: Hội đồng Cấp cao thuộc địa, Hội đồng Kinh tế thuộc địa và Hội đồng Pháp chế thuộc địa.
            Những thay đổi trong tổ chức bộ máy điều hành thuộc địa thể hiện ý đồ tăng cường vai trò của chính quốc với thuộc địa, đồng thời mở rộng việc khai thác thuộc địa bằng việc giám sát chặt chẽ các hoạt động của thuộc địa. Những thay đổi trên cũng ảnh hưởng đến tổ chức bộ máy chính quyền thuộc địa ở Việt Nam cũng như ở Đông Dương nói chung.
            Phụ tá cho Toàn quyền Đông Dương có các tổ chức cơ quan cao cấp. Hệ thống các cơ quan này rất đa dạng và được thiết lập theo chủ quan của người cầm quyền và những điều kiện khách quan tại Đông Dương. Nhiệm vụ chính của các tổ chức này là cố vấn cho Toàn quyền Đông Dương trong việc đề xuất đường lối, chính sách, những nghị định cụ thể về mọi lĩnh vực thuộc quyền lực và chức năng của Toàn quyền. Một số tổ chức phụ tá lớn như: Hội đồng Tối cao Đông Dương (1887); Hội đồng Phòng thủ Đông Dương (1902); Uỷ ban tư vấn về mỏ (1913); Hội đồng tư vấn học chính Đông Dương (1917); Ban chỉ đạo kinh tế (1911) …
            Bên cạnh tổ chức trên, các sở chuyên môn cũng được thành lập để giúp Toàn quyền Đông Dương thực hiện các nhiệm vụ cụ thể về nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội như:
- Nha Nông - Lâm và Thương mại Đông Dương;
- Nha Địa lí Đông Dương;
- Tổng Thanh tra Công chính Đông Dương;
- Nha Tiếp tế và Vận tải biển Đông Dương;
- Nha Tài chính Đông Dương;
- Nha Kiểm tra tài chính Đông Dương;
- Nha Thuế quan và Độc quyền Đông Dương;
- Nha Trước bạ, Tài sản và Tem Đông Dương;
- Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương;
- Tổng Thanh tra vệ sinh và Y tế công cộng Đông Dương;
- Ban Chỉ đạo hạm đội Đông Dương;
- Nha Học chính Đông Dương;
- Ngân khố Đông Dương v.v…

2.Tổ chức bộ máy các cơ quan địa phương
            Kể từ Sắc lệnh ngày 05 tháng 9 năm 1889 của Tổng thống Cộng hoà Pháp về việc bãi bỏ chức Tổng Trú sứ Trung - Bắc Kì, hệ thống chính quyền ở Việt Nam được phân thành 3 kì độc lập: Bắc Kì, Trung Kì và Nam Kì. Đứng đầu hệ thống chính quyền Bắc Kì là Thống sứ Bắc Kì; Trung Kì là Khâm sứ Trung Kì; Nam Kì là Thống đốc Nam Kì.
a.Bắc Kì
            Thống sứ Bắc Kì là người chịu trách nhiệm đảm bảo thi hành luật và sắc lệnh, Nghị định được ban bố tại Đông Dương, đề xuất biện pháp cai trị và cảnh sát chung trên lãnh địa quản lí, điều hành, quản lí nhân sự trong thẩm quyền… Thống sứ là người chịu trách nhiệm trước Toàn quyền Đông Dương về mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính, văn hoá, giáo dục … của Bắc Kì. Thống sứ Bắc kì thông qua Công sứ để nắm các hoạt động của cấp tỉnh trở xuống. Phụ tá cho Thống sứ Bắc Kì là các tổ chức như Phủ Thống sứ Bắc Kì, Hội đồng Bảo hộ Bắc Kì, Hội đồng Hoàn thiện giáo dục Bắc Kì, Các Phòng Thương mại, Phòng Canh nông Bắc Kì, Uỷ ban tư vấn kì hào bản xứ, Hội đồng lợi ích kinh tế và tài chính của người Pháp ở Bắc Kì và các Sở chuyên môn.
            Tổ chức bộ máy cai trị cấp tỉnh
            Đứng đầu bộ máy cai trị cấp tỉnh ở Bắc Kì là viên Công sứ hoặc Phó Công sứ người Pháp. Đối với tỉnh quan trọng do cả hai viên quan trên cai trị. Các chức danh này được đặt ra theo tinh thần Hiệp ước ngày 25 tháng 8 năm 1883. Từ khi thiết lập chức Thống sứ Bắc Kì, ngày 27 tháng 01 năm 1886, các viên Công sứ đều thuộc quyền lãnh đạo trực tiếp của Thống sứ Bắc Kì. Công sứ là người nắm bắt và báo cáo tình hình của tỉnh về mọi mặt với Thống sứ thông qua hệ thống quan lại người Việt. Ở mỗi tỉnh Bắc Kì có một Toà Công sứ và các tổ chức phụ tá như: Hội đồng hàng tỉnh và một số sở chuyên môn.
            Ở Bắc Kì có hai thành phố (municipalité, thành phố cấp I) là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hải Phòng được thành lập theo Sắc lệnh ngày 19 tháng 7 năm 1888 của Tổng thống Cộng hoà Pháp. Đứng đầu Thành phố là viên Đốc lí do Toàn quyền Đông Dương bổ nhiệm có quyền hạn tương đương Công sứ chủ tỉnh. Phụ tá cho Đốc lí là Hội đồng thành phố và một số sở chuyên môn. Ngoài ra, một số thị xã được chuyển lên thành Thành phố (Commune, thành phố cấp III) như thành phố Hải Dương (12 tháng 12 năm 1923), thành phố Nam Định (17 tháng 10 năm 1921). Đứng đầu thành phố cấp III là viên Công sứ - Đốc lí. Mỗi thành phố cấp II và III có một Uỷ ban thành phố do Công sứ Đốc lí làm Chủ tịch.
            * Tổ chức đạo quan binh ở Bắc Kì: Đây là hình thức đặc biệt của bộ máy thống trị của thực dân Pháp ở miền Bắc Việt Nam thời kì này. Để thực hiện chính sách vừa bình định vừa chiếm đóng, ngày từ năm 1888, thực dân Pháp chia địa bàn miền Bắc thành 14 Quân khu (Régions militaires), mỗi quân khu do một viên sĩ quan cao cấp trực tiếp chỉ huy. Mỗi quân khu được chia thành các tiểu quân khu (Cercles militaires) gồm các đồn binh (postes militaires). Các sĩ quan chỉ huy chỉ có quyền về dân sự nên nảy sinh sự bất đồng trong chỉ đạo giữa chính quyền quân sự và chính quyền dân sự trên cùng địa bàn. Do đó, ngày 06 tháng 8 năm 1891, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định bãi bõ các Quân khu cho thiết lập các đạo quan binh (Territoires militaires), đứng đầu là viên Tư lệnh có quyền quân sự và dân sự trên địa bàn quản lí. Về quyền quân sự, Tư lệnh được độc lập chỉ huy và tổ chức mọi cuộc hành quân đánh chiếm trong phạm vi đạo quan binh và chịu sự chỉ đạo tối cao của Tổng Tư lệnh lực lượng quân đội viễn chính Pháp tại Đông Dương. Về quyền dân sự, Tư lệnh chịu sự chỉ đạo tối cao trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương ngang với Thống sứ Bắc Kì. Mỗi đạo quan binh được chia thành các Tiểu quân khu, đứng đầu là viên sĩ quan có quyền hành như Công sứ chủ tỉnh dân sự, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Tư lệnh đạo quan binh theo Nghị định ngày 24 tháng 8 năm 1891 của Toàn quyền Đông Dương.
            Tổ chức cai trị tại các đạo quan binh được cải tổ theo Nghị định ngày 16 tháng 4 năm 1908 của Toàn quyền Đông Dương. Theo đó, đạo quan binh được tổ chức ngang với đơn vị cấp tỉnh, đứng đầu là Tư lệnh có quyền hành chính, tư pháp ngang với Công sứ chủ tỉnh và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thống sứ Bắc Kì. Ngoài ra, Tư lệnh đạo quan binh phải chịu sự chỉ đạo trực tiếp về các hoạt động quân sự của Tổng chỉ huy lực lượng đóng chiếm Bắc Kì. Mỗi đạo quan binh được lập một số Đại lí (Délégation), không phải là Tiểu quân khu như trước. Mỗi đạo quan binh cũng có Hội đồng hàng tỉnh như các tỉnh dân sự. Địa bàn các đạo quan binh cũng có nhiều biến động cùng với những biến động của tình hình chính trị từng thời điểm.
b.Trung Kì:
            Toà Khâm sứ Trung Kì thiết lập theo Sắc lệnh ngày 03 tháng 02 năm 1886 của Tổng thống Cộng hoà Pháp. Đây là cơ quan chỉ đạo và tổng hợp cấp cao về mọi mặt hoạt động của chính quyền địa phương ở Trung Kì. Phụ tá cho Khâm sứ Trung Kì có các tổ chức như: Hội đồng Bảo hộ; Phòng Tư vấn liên hiệp thương mại canh nông Trung Kì, thành lập theo Nghị định ngày 04 tháng 5 năm 1897 của Toàn quyền Đông Dương; Hội đồng hoàn thiện giáo dục bản xứ Trung Kì thành lập theo Nghị định ngày 16 tháng 5 năm 1906 của Toàn quyền Đông Dương (sau đổi thành lập Hội đồng Học chính Trung Kì thành lập theo Nghị định ngày 18 tháng 9 năm 1923); Hội đồng lợi ích kinh tế và tài chính của người Pháp ở Trung Kì; Uỷ ban khai thác thuộc địa Trung Kì
            Tổ chức bộ máy cai trị cấp tỉnh ở Trung Kì
            Theo Quy ước ngày 30 tháng 7 năm 1885, chính quyền thuộc địa đã chính thức đặt chức Công sứ người Pháp tại mỗi tỉnh Trung Kì để nắm bắt các vấn đề về thương chính và công chính trong tỉnh. Đối với tỉnh quan trọng hoặc địa bàn rộng có thêm chức Phó Công sứ và đặt thêm một trung tâm hành chính hoặc Sở Đại lí. Ở mỗi tỉnh có một Toà Công sứ và Hội đồng hàng tỉnh phụ tá cho Công sứ thực hiện chức trách của mình.
            Ở Trung Kì có một thành phố cấp II là thành phố Đà Nẵng, đứng đầu là Đốc lí. Phụ tá cho Đốc lí có Uỷ ban thành phố. Giai đoạn sau, ở Trung Kì có thêm các thành phố cấp III là Thành phố Đà Lạt (năm 1920), Thành phố Vinh (năm 1927), Thành phố Thanh Hoá (năm 1929), Thành phố Huế (năm 1929), Thành phố Quy Nhơn (năm 1930), Thành phố Phan Thiết (năm 1933). Đứng đầu thành phố cấp III là viên Công sứ - Đốc lí. Mỗi thành phố có một uỷ ban thành phố do Công sứ Đốc lí làm Chủ tịch.
c.Nam Kì:
            Giai đoạn này, bộ máy cai trị ở Nam Kì vẫn được tổ chức như trước. Đứng đầu vẫn là Thống đốc Nam Kì. Tuy nhiên, kể từ khi thành lập Liên bang Đông Dương, Thống đốc Nam Kì chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương có quyền hành tương đương với Thống sứ Bắc Kì và Khâm sứ Trung Kì. Bên cạnh Thống đốc Nam Kì có các tổ chức phụ tá chính như: Toà Thống đốc Nam Kì (từ năm 1887, Soái phủ Nam Kì được đổi gọi là Toà Thống đốc Nam Kì); Hội đồng Tư mật thành lập từ năm 1869 vẫn tiếp tục tồn tại và có chức năng tương đương Hội đồng Bảo hộ ở Bắc Kì và Trung Kì; Hội đồng thuộc địa thành lập ngày 08 tháng 02 năm 1880 tiếp tục tồn tại và có chức năng tương tự Viện Dân biểu ở Bắc Kì và Trung Kì; Phòng Thương mại Nam Kì thành lập ngày 30 tháng 9 năm 1869; Phòng Canh nông Nam Kì thành lập ngày 30 tháng 4 năm 1897; Hội đồng Học chính Nam Kì thành lập ngày 18 tháng 9 năm 1923; Uỷ ban khai thác thuộc địa Nam Kì thành lập ngày 28 tháng 12 năm 1937 và nhiều cơ quan khác.
            Tổ chức bộ máy cai trị cấp tỉnh
            Từ khi thành lập Liên bang Đông Dương và bãi bỏ chức Giám đốc Nha Nội chính, các “Khu vực hành chính” bị xoá bỏ. Từ  ngày 01 tháng 01 năm 1900 Nam Kì được chia thành 20 tỉnh và 2 thành phố lớn (Thành phố Sài Gòn - cấp I và Thành phố Chợ Lớn - cấp II). Đứng đầu thành phố cấp I và II là viên Đốc lí và Phó Đốc lí. Đứng đầu tỉnh là viên quan cai trị người Pháp. Mỗi tỉnh có một Sở Tham biện, Hội đồng hàng tỉnh phụ tá cho viên quan cai trị chủ tỉnh.
            Khác với Bắc Kì và Trung Kì, ở Nam Kì không tồn tại hệ thống chính quyền cấp tỉnh của người Việt. Do đó, các quan cai trị chủ tỉnh ở Nam Kì quản lí và điều hành trực tiếp công việc với dân bản xứ. Tại một số tỉnh, thực dân Pháp cho thiết lập các trung tâm hành chính hoặc Sở Đại lí.
3.Tổ chức hành chính cấp xã
            Thực dân Pháp đã rất ý thức về việc tổ chức bộ máy hành chính cấp xã tại Việt Nam ngay từ những năm đầu hiện diện tại đây. Chính quyền thực dân thực hiện chính sách “cải lương hương chính” để can thiệp vào tổ chức quản lí cấp xã tại Nam Kì, Bắc Kì và Trung Kì.
            Từ Nghị định đầu tiên ngày 27 tháng 8 năm 1904 đến Nghị định cuối cùng ngày 05 tháng 01 năm 1944 của Toàn quyền Đông Dương về việc tổ chức chính quyền bản xứ cấp xã, thực dân Pháp đã thể hiện rõ âm mưu có tính chiến lược đó là: công khai đưa giai cấp địa chủ phong kiến được “tân học hoá” lên cương vị thống trị độc tôn ở nông thôn để thay thế tầng lớp nho sĩ “địa chủ hoá” trước đó. Điều này thể hiện rất rõ trong các điều khoản về tiêu chí lựa chọn vào tổ chức quản lí cấp xã trong các Nghị định.
            Tổ chức hành chính cấp xã chịu sự giám sát và kiểm soát tối cao của chính quyền cấp tỉnh về nhân sự cũng như mọi hoạt động của xã. Lí trưởng, xã trưởng là người trung gian giữa xã và chính quyền cấp tỉnh. Lí trưởng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu tổ chức quản lí cấp xã. Tổ chức quản lí cấp xã với các tên gọi khác nhau như Hội đồng kì mục, Hội đồng Tộc biểu, Hội đồng Đại Kì mục và các uỷ ban thường trực hợp thành công cụ thống trị cấp cơ sở của chính quyền thuộc địa.
            Những thay đổi trong tổ chức bộ máy điều hành thuộc địa thể hiện ý đồ tăng cường vai trò của chính quốc với thuộc địa, đồng thời mở rộng việc khai thác thuộc địa bằng việc giám sát chặt chẽ các hoạt động của thuộc địa. Những thay đổi trên cũng ảnh hưởng đến tổ chức bộ máy chính quyền thuộc địa ở Việt Nam cũng như ở Đông Dương nói chung.

Đỗ Hoàng Anh



Nội dung một số văn bản trong cuốn sách
Disposition du 31 mai 1862 du Contre - Amiral Bonard portant attributions du directeur des Affaires civiles.
Quy định ngày 31 tháng 5 năm 1862 của Chuẩn Đô đốc Bonard quy định về quyền hạn của Giám đốc Nha Nội chính.
(Nguồn: J 4, BOC 1862, tr. 160-162)
Theo quy định này, Giám đốc Nha Nội chính chịu trách nhiệm theo dõi việc tổ chức các khối dân cư người Âu tại Sài Gòn, do Tổng Tư lệnh chỉ đạo về mặt quân sự. Ngoài ra, Giám đốc Nha Nội chính còn phụ trách một số việc như sau:
+        Thi hành nghị định, quyết định và mệnh lệnh của Tổng Tư lệnh; góp ý và đề xuất các quy định cũng như biện pháp vì lợi ích của dân cư người Âu;
+        Quản lí hoạt động của các thương cảng, thường xuyên thông báo cho Tổng Tư lệnh về tình hình tàu thuyền ra vào cảng và lập bảng kê xuất nhập khẩu theo quý;
+        Nghiên cứu nguồn tài nguyên khu vực Nam Kì Lục Tỉnh cũng như nhu cầu và thị hiếu của người dân khu vực này phục vụ lợi ích thương mại của chính quốc; lập bảng kê hàng năm về tình hình tiêu thụ và sản phẩm cho từng tỉnh theo chủng loại, chất lượng và số lượng;
+        Đảm bảo hoạt động thu, chi ngân sách;
+        Giám sát các bệnh viện dân sự và phòng khám chữa bệnh;
+        Chỉ đạo Sở Điện báo và quản lí hoạt động về bưu điện, điện báo;
+        Duy trì trật tự và quản lí nhân sự làm việc trong các nhà tù;
+        Giúp việc cho Giám đốc Nha Nội chính là một cơ quan an ninh đảm bảo duy trì trật tự công cộng và theo dõi những biến động trong dân chúng;
+         Giám đốc Nha Nội chính chịu trách nhiệm xử lí các vụ vi phạm và tranh chấp bằng tài phán trong thẩm quyền khi chưa có tổ chức tư pháp hoàn thiện;
+        Trình Tổng Tư lệnh kế hoạch tổ chức thành phố phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người Âu và dự thảo luật thương mại cho phép thương nhân có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình dưới sự giám sát của chính quyền…

Disposition du 31 mai 1862 du Contre-Amiral Bonnard, Commandant en chef concernant le Gouvernement des indigènes par l’autorité française.
Quy định ngày 31 tháng 5 năm 1862 của Chuẩn Đô đốc  Bonard, Tổng Tư lệnh về việc chính quyền Pháp tổ chức cai trị người bản xứ.
(Nguồn: J 4, BOC 1862, tr. 162-164)
Theo quy định này, chính quyền Pháp đã sử dụng chính hàng ngũ quan lại người bản xứ để cai trị người bản xứ. Những viên chức này vẫn giữ các chức vụ cũ như quan phủ, quan huyện đồng thời chịu trách nhiệm quản lí tư pháp, quản lí khu vực nằm ngoài đồn binh Pháp và thu thuế dưới sự giám sát của Tư lệnh tỉnh, với sự hỗ trợ của thanh tra công việc nội chính bản xứ (thường gọi là tham biện).
Văn bản này còn quy định, trong báo cáo hàng năm của thanh tra viên gửi Tư lệnh có nhận xét đánh giá về viên chức người bản xứ, đồng thời đề xuất với Tổng Tư lệnh phương pháp tái lập hệ thống tổ chức của người bản xứ một cách hiệu quả và kinh tế.
Dưới quyền của Tư lệnh tỉnh, thanh tra công việc nội chính bản xứ đảm nhiệm các quyền hạn của Quan án trong những vụ kiện mà thẩm phán cấp phủ, huyện xét xử sai; có quyền hạn của một người thu thuế và phụ trách tuyển dụng lính cơ cũng như giám sát Quan bố. 
Thanh tra công việc nội chính bản xứ tỉnh Gia Định được trực tiếp liên hệ với Tổng Tư lệnh; giám sát trường Thông ngôn Pháp và hai trường học Adran và Sainte Enfance tại Sài Gòn.
Một viên thanh tra đặc biệt quản lí Khu Chợ Lớn của người Hoa trực tiếp liên hệ và thường xuyên báo cáo lên Tổng Tư lệnh về những vấn đề mà Tổng Tư lệnh quan tâm.
Dưới quyền của Tổng Tư lệnh, Tổng Thanh tra các công việc của người châu Á sống tại Sài Gòn có nhiệm vụ tìm biện pháp khôi phục chính quyền An - nam, dựa trên nền tảng cũ và từng bước khắc phục sai lầm của chính quyền này…

Décision du 16 juin 1862 du Contre-Amiral Bonard portant institution d’un Comité consultatif des Affaires indigènes.
Quyết định ngày 16 tháng 6 năm 1862 của Chuẩn Đô đốc Bonard về việc thành lập Hội đồng Tư vấn các công việc nội chính bản xứ.
(Nguồn: J 4, BOC 1862, tr. 175-176)
Theo Quyết định này, Hội đồng Tư vấn các công việc nội chính bản xứ được thành lập tại Sài Gòn. Thành phần của Hội đồng gồm có:
+         Tổng Thanh tra các công việc của người châu Á;
+         Sĩ quan hậu cần của Tổng Tư lệnh phụ trách công việc nội chính bản xứ tại Bộ Tổng tham mưu;
+         Quan bố - Thanh tra công việc nội chính bản xứ của tỉnh Gia Định;
+         Thanh tra đặc biệt tại Chợ Lớn của người Hoa;
+         Thư kí của Tổng Tham mưu trưởng.
Hội đồng có chức năng thảo luận và quyết định về các vấn đề liên quan đến việc tổ chức, quản lí người An - nam và người châu Á nói chung.
Hội đồng Tư vấn nhóm họp dưới sự chủ trì của Tổng Tư lệnh, Tổng Tham mưu trưởng hoặc Tổng Thanh tra các công việc của người châu Á. Thư kí thông báo thời gian triệu tập và lí do cuộc họp để các thành viên Hội đồng có thể thu thập những thông tin liên quan đến vấn đề sẽ được bàn thảo. Thư kí chịu trách nhiệm ghi chép tóm tắt các nghị quyết và quyết định của Hội đồng Tư vấn. Tuy nhiên, những quyết định này chỉ có hiệu lực khi có chữ kí của Tổng Tư lệnh.

Décision du 12 août 1862 du Commandant en chef réglant l’organisation provisoire de l’administration des Annamites et des Asiatiques dans la province de Gia Dinh.
Quyết định ngày 12 tháng 8 năm 1862 của Tổng Tư lệnh quy định về việc tạm thời tổ chức hành chính của người bản xứ và người châu Á tại tỉnh Gia Định.
(Nguồn: J 4, BOC 1862, tr. 210-216)
Tỉnh Gia Định do Tổng Tư lệnh chịu trách nhiệm chỉ huy trực tiếp được chia thành 3 phủ và mỗi phủ chia thành 3 huyện. Các huyện do quan huyện người bản xứ quản lí. Quan huyện chịu sự chỉ đạo của Quan phủ.
Tổ chức cai trị của người bản xứ tại tỉnh Gia Định được quy định như sau:
+        Phủ Tân Bình gồm huyện Bình Dương, huyện Tân Lãnh, huyện Phước Lộc.
Quan phủ Tân Bình sống tại Sài Gòn, chịu trách nhiệm chỉ đạo việc quản lí huyện Bình Dương và giám sát việc tổ chức của hai huyện Tân Lãnh và Phước Long.
Quan huyện Tân Lãnh sống tại Chợ Lớn chịu sự giám sát của Thanh tra các công việc người Hoa tại thành phố Chợ Lớn.
Quan huyện Phước Lộc sống tại Cần Giuộc chịu sự giám sát của Tư lệnh tỉnh.
Quan huyện Bình Dương quản lí về chính trị và dân sự dưới sự giám sát của Quan bố.
+        Phủ Tây Ninh gồm huyện Tân Ninh, huyện Quang Hoá, huyện Bình Long.
Phủ Tây Ninh do một Tư lệnh sống tại Tây Ninh chỉ đạo về dân sự, chính trị và quân sự và quản lí ba huyện Tân Ninh, Quang Hoá và Bình Long.
Quan huyện của Tân Ninh và Quang Hoá sống tại Tây Ninh, chịu trách nhiệm quản lí hai huyện này.
Quan huyện Bình Long sống tại Hóc Môn.
+        Phủ Tân An gồm huyện Cửu An, huyện Tân Thạnh, huyện Tân Hoà.
Quyết định này cũng quy định chi tiết việc quản lí đối với các khu dân cư người châu Á ở tỉnh Gia Định.












[1] BOC 1861, No1, tr. 2
[2] DƯƠNG KINH QUỐC, Chính quyền thuộc địa ở Việt Nam trước cách mạng tháng Tám năm 1945, tr. 71-93.
[3] DƯƠNG KINH QUỐC, Chính quyền thuộc địa ở Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, tr. 89.
[4] Hiệp ước ngày 25 tháng 8 năm 1883 (Traité de Hué du 25 Août 1883)                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        
[5] DƯƠNG KINH QUỐC, Chính quyền thuộc địa ở Việt Nam trước cách mạng tháng Tám năm 1945, tr71-93.




Décret du 27 janvier 1886 du Président de la République francaise portant organisation du Protectorat de l’Annam et du Tonkin.
Sắc lệnh ngày 27 tháng 01 năm 1886 của Tổng thống Cộng hoà Pháp quy định cơ cấu tổ chức của Chính quyền Bảo hộ Trung - Bắc Kì.
(Nguồn: J 47, BOC 1886, tr. 191-196)
Sắc lệnh gồm 14 điều với các nội dung chính sau:
Đối với chính quốc, Chính quyền Bảo hộ Trung - Bắc Kì là đơn vị tự trị đặc biệt, có cơ cấu tổ chức, ngân sách và khả năng tài chính riêng. Mọi chi phí của lực lượng Bộ binh và Hải quân, đội tàu, chính quyền dân sự và quân sự tại Trung - Bắc Kì sẽ do ngân sách của Chính quyền Bảo hộ đảm nhận. Viên chức và nhân viên các loại do chính quốc cử tới làm việc trong Chính quyền Bảo hộ sẽ được tính là làm việc biệt phái và hưởng các quyền lợi theo luật định.
Người đứng đầu Chính quyền Bảo hộ là Tổng Trú sứ. Tổng Trú sứ đại diện cho Cộng hoà Pháp bên cạnh triều đình Huế và trực thuộc Bộ Ngoại giao Pháp. Tổng Trú sứ do Tổng thống Cộng hoà bổ nhiệm bằng sắc lệnh, báo cáo tại Hội đồng Bộ trưởng.
Tổng Trú sứ là người thực thi các quyền của Cộng hoà Pháp tại Trung - Bắc Kì. Tổng Trú sứ có các quyền hạn theo công ước và hiệp ước đã kí với triều đình Huế. Tổng Trú sứ chủ trì quan hệ đối ngoại của Trung Kì cũng như các quan hệ giữa các cấp chính quyền bản xứ với các cấp chính quyền Pháp. Để có hiệu lực, các văn bản pháp luật của vua triều đình Huế phải có chữ kí chuẩn y của Tổng Trú sứ và sẽ do Toà án Pháp thi hành.
Tổng Trú sứ ra chỉ thị cho Tư lệnh các lực lượng Bộ binh và Hải quân, đội tàu và các cơ quan thuộc Chính quyền Bảo hộ. Tổng Trú sứ ban hành nghị định tổ chức và quy định quyền hạn của các cơ quan, có sự phê chuẩn của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Tổng Trú sứ bổ nhiệm các chức danh dân sự, ngoại trừ chức danh Khâm sứ, Thống sứ, Công sứ và người đứng đầu các cơ quan chính, các chức danh này do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao bổ nhiệm. Trường hợp khẩn cấp, Tổng Trú sứ có thể bổ nhiệm hoặc treo chức đối với những người đang giữ các chức vụ trên bằng các quyết định tạm thời được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phê chuẩn.
Tổng Trú sứ có trụ sở chính đặt tại Huế và có thể lưu trú tại các thành phố khác của Trung - Bắc Kì theo yêu cầu của công việc. Phụ tá cho Tổng Trú sứ là Khâm sứ ở Huế và Thống sứ ở Hà Nội. Trường hợp Tổng Trú sứ vắng mặt hoặc không thể đến, thay mặt cho Tổng Trú sứ bên cạnh triều đình Huế là Khâm sứ. Quyền hạn của Khâm sứ và Thống sứ sẽ do Tổng Trú sứ quy định tại các nghị định tiếp theo, được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phê chuẩn.
Hội đồng Chính quyền Bảo hộ được thành lập bên cạnh Tổng Trú sứ, do Tổng Trú sứ làm Chủ tịch. Theo yêu cầu của công việc, Hội đồng có thể đóng trụ sở tại Huế hoặc Hà Nội. Trường hợp Tổng Trú sứ vắng mặt hoặc không thể đến, Hội đồng sẽ do Khâm sứ hoặc Thống sứ chủ trì tuỳ theo địa điểm nhóm họp. Thành phần và quyền hạn của Hội đồng sẽ được quy định bằng sắc lệnh đặc biệt theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và được Tổng Trú sứ chấp thuận.
Tổng Trú sứ là người duy nhất trong Chính quyền Bảo hộ Trung - Bắc Kì có quyền trao đổi thông tin với chính phủ Cộng hoà Pháp, các bộ khác trong chính phủ thông qua Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Những vấn đề về chính trị, tổ chức và Hành chính tổng hợp thuộc quyền hạn của nhiều bộ khác nhau, những vấn đề có thể làm thay đổi dự toán ngân sách chỉ được xử lí thông qua Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Tổng Trú sứ được phép thông tin trực tiếp với Thống sứ Nam Kì và người đại diện của Cộng hoà Pháp tại Bắc Kinh, nhưng không được phép tiến hành bất kì hành động chính trị hay ngoại giao nào, ngoài Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Ngoài quy định tại điều 6, Tư lệnh các lực lượng Bộ binh và Hải quân và đội tàu có thể trao đổi thông tin trực tiếp với các Bộ trưởng Bộ chiến tranh và Hải quân về những vấn đề kĩ thuật và trong giới hạn được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho phép, hoặc trường hợp bất đắc dĩ không thể trao đổi thông qua Tổng Trú sứ. Tổng Trú sứ phải nắm rõ tất cả các trao đổi thông tin trực tiếp trên.
Không chiến dịch quân sự nào được tiến hành nếu không có sự đồng ý của Tổng Trú sứ, trừ trường hợp khẩn cấp cần đẩy lùi một cuộc tấn công. Tổng Trú sứ được trao quyền chỉ huy các chiến dịch quân sự.
Các đạo quan binh có thể do Tổng Trú sứ quyết định, sau khi được chính quyền quân sự đồng ý và tuân theo quân pháp. Chế độ dân sự tại các xứ sẽ tái lập theo quyết định của Tổng Trú sứ. Các quyết định về thành lập hoặc phá bỏ chế độ quân sự phải báo cáo với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Mỗi năm, tại Hội đồng Chính quyền Bảo hộ và sau khi có ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền, Tổng Trú sứ lập ngân sách thu chi của Chính quyền Bảo hộ cho năm tiếp theo. Trong phần chi có thể bổ sung khoản trợ cấp theo yêu cầu của chính quốc để đảm bảo cân đối ngân sách. Dự thảo ngân sách và hồ sơ giải trình được gửi tới Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ngân sách do Tổng thống Cộng hoà Pháp phê chuẩn bằng sắc lệnh, báo cáo tại Hội đồng Bộ trưởng và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01.
Sau ngày 31 tháng 3 hàng năm, Tổng Trú sứ quyết toán tài khoá năm kèm theo chứng từ gửi tới Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Báo cáo quyết toán phải được phê chuẩn bằng sắc lệnh và báo cáo tại Hội đồng Bộ trưởng.
Ở một số thời điểm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cử các đại biện tới Trung Kì và Bắc Kì để nghe báo cáo về tình hình Chính quyền Bảo hộ. Các đại biện có rộng quyền nghiên cứu, theo hướng dẫn nhận được từ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Tổng Trú sứ phải thông tin trực tiếp với các đại biện. Các đại biện không can dự vào công việc của chính quyền, chỉ tham gia đóng góp đánh giá với Tổng Trú sứ.

Arrêté du 12 février 1887 du Résident général de la République française en Annam et au Tonkin réorganisant le Service des Travaux publics en Annam et au Tonkin.
Nghị định ngày 12 tháng 02 năm 1887 của Tổng Trú sứ Trung- Bắc Kì về việc tổ chức lại Sở Công chính Trung - Bắc Kì.
(Nguồn: J 140, MBAT 1887, tr. 124-126)
Nghị định gồm 12 điều với các nội dung chính sau:
Sở Công chính Trung - Bắc Kì gồm hai bộ phận:
+       Bộ phận trung ương trực thuộc Tổng Trú sứ, phụ trách các công trình phúc lợi ích chung, đặc biệt liên quan đến đường sắt, hầm mỏ, chế độ chung về các nguồn nước, cảng và bờ biển.
+       Bộ phận phụ trách vùng trực thuộc các Công sứ, phụ trách các công trình lợi ích địa phương, đặc biệt liên quan đến đường sắt, đê điều và các công trình dân sự.
Nhân sự bộ phận trung ương gồm: một kĩ sư trưởng, các kĩ sư phụ tá, các đốc công công trình.
Kĩ sư trưởng nghiên cứu và chuẩn bị sơ đồ cho các công trình phúc lợi trình Tổng Trú sứ phê chuẩn và cho thi công các dự án được duyệt. Kĩ sư trưởng và các kĩ sư phó chỉ đạo nhân viên cấp dưới thi công các công trình được cấp phép. Ngoài ra, các kĩ sư của bộ phận trung ương được giao kiểm tra các dự án trình qua Tổng Trú sứ. Trường hợp cần thiết, Tổng Trú sứ có thể cho phép kĩ sư trưởng trưng tập các nhân viên thuộc bộ phận phụ trách vùng để giám sát các công trình được giao.
Nhân sự bộ phận phụ trách vùng gồm: kiến trúc sư lục lộ; đốc công công trình; giám sát viên công trình. Những nhân viên này do Công sứ và Phó Công sứ quản lí.
Sơ đồ do các kiến trúc sư lục lộ thiết kế được Công sứ hoặc Phó Công sứ trình Tổng Trú sứ phê chuẩn, trừ trường hợp miễn đặc biệt. Nhân viên các loại do Tổng Trú sứ bổ nhiệm và cách chức, trừ kĩ sư trưởng do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao bổ nhiệm trực tiếp. Việc cách chức các kĩ sư, lục lộ-kiến trúc sư và đốc công công trình được quyết định sau khi có ý kiến của Hội đồng Chính quyền Bảo hộ. Ngoài ra, các đối tượng trên có thể bị Tổng Trú sứ quyết định treo chức không hưởng lương. Thời hạn treo chức không quá 1 tháng.
Việc nâng hạng chỉ được tiến hành có lựa chọn sau ít nhất 1 năm làm việc tại hạng thấp hơn. Sau hai năm làm việc tại một hạng, các nhân viên được nâng lên hạng cao hơn. Đối với những đối tượng bị treo chức, thời hạn tăng gấp đôi.
Để được bổ dụng làm đốc công hạng 3, nhân viên giám sát công trình phải thi đỗ một kì sát hạch kĩ thuật trước một uỷ ban đặc biệt và có ít nhất 1 năm làm việc.
Để được bổ dụng làm kiến trúc sư lục lộ hạng 3, đốc công công trình hạng 1 phải có ít nhất ba năm làm việc ở vị trí đốc công.
Mức lương nhân viên Sở Công chính quy định như sau:
Chức danh
Lương
(phơ-răng)
Phụ cấp
(phơ-ră
g)
Kĩ sư trưởng
24.000
6.000
Kĩ sư phó
từ 12
00 đến 15.000
3.000
Kiến trúc
sư lục lộ hạng 1
9.000
2.000
Kiến trúc sư lục lộ hạng 2

8.000
2.000
Kiến trúc sư lục lộ hạng 3
7.000
2.000
Đốc công hạng 1
6.000

1.000
Đốc công hạng 2
5.000
1.000
Đốc công hạng 3
4.000
1.000
Giám sát viên hạng 1
3.500
500
Giám sát viên hạng 2
3.000
500


Arrêté du 20 juin 1887 du Résident général de la République française en Annam et au Tonkin réorganisant les Services de la Résidence générale.
Nghị định ngày 20 tháng 6 năm 1887 của Tổng Trú sứ Trung-Bắc Kì về tổ chức lại các phòng, ban thuộc Toà Tổng Trú sứ.
(Nguồn: J 140, MBAT 1887, tr. 211-214)
Theo Nghị định, các đơn vị thuộc Toà Tổng Trú sứ được tổ chức như sau:
Văn phòng Tổng Trú sứ phụ trách:
+       Tiếp nhận và phát công văn, lưu điện tín, công việc tối mật và chuyên biệt, nhân sự Toà Tổng Trú sứ, nhân sự bản xứ, bổ dụng, thuyên chuyển, nghỉ phép, hồi hương, trưng dụng các loại, công việc và nhân sự cảnh sát, công việc bản xứ, hình thức khen thưởng.
+       Tư pháp, hộ tịch, nhập quốc tịch, chế độ cầm cố, thừa kế vô chủ, đăng kí, chế độ nhà tù, phát vãng, ân xá, các Uỷ ban Tư vấn thành phố, báo chí, công bố, các phiên toà.
+       Thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, nhập cư, sở hữu công nghiệp, hàng giả.
+       Đồ dùng văn phòng, in ấn.
Phòng Quân sự phụ trách:
+       Công văn liên quan đến nhân sự và thiết bị của sư đoàn chiếm đóng cũng như các chiến dịch quân sự, gửi các sự vụ của sư đoàn về Bộ Ngoại giao, hồi hương binh sĩ, cách li kiểm dịch, đề nghị tặng thưởng Nam Long bội tinh.
+       Dân vệ, tổ chức, nhân sự, trang phục, vũ khí, doanh trại.
+       Công văn liên quan đến nhân sự và thiết bị của sư đoàn Hải quân, hoạt động của đội tàu, thuyền của các Toà Công sứ, chỉ đạo pháo binh Hải quân, các hợp đồng thuê tàu chở hàng, vận tải, hoạt động của những người kéo thuyền.
Ban Chỉ đạo Kiểm tra tài chính phụ trách: các công việc về kế toán ngân sách và thuế các loại. Ban Chỉ đạo gồm:
Phòng 1 phụ trách lệnh chi trả và kế toán:
Lệnh chi trả, chuẩn bị và lập ngân phiếu, bảng kê phát đi, bản sao kê các khoản chi theo từng chương và mục của ngân sách, tổng hợp và phân loại kế toán của các chánh chủ trì thuộc các Bộ Chiến tranh và Hải quân, giám sát nhân sự, các đại lí.
Phòng 2 phụ trách:
+       Công chính, công trình dân sự, đường sá, đê điều, hải đăng, công trình thuỷ nông, đường sắt, cảng, phê chuẩn các báo giá, hầm mỏ, nhượng địa, công sản, rừng, bệnh viện, vệ sinh công cộng, chợ, lò mổ, trưng dụng.
+       Giáo dục: thành lập trường học, thiết bị trường học, vật dụng các loại, nhân sự, bổ dụng, thuyên chuyển, cách chức, trường thông ngôn, thư viện, thanh tra giáo dục.




Décret du 17 octobre 1887 du Président de la République française relatif à l’organisation de l’Indochine française.
Sắc lệnh ngày 17 tháng 10 năm 1887 của Tổng thống Cộng hoà Pháp quy định cách thức tổ chức Đông Dương thuộc Pháp.
(Nguồn: J 989, JOIF 1887, tr. 1090-1091)
Sắc lệnh gồm 13 điều với các nội dung chính sau:
Chính quyền trung ương của thuộc địa Nam Kì và các xứ bảo hộ Bắc Kì, Trung Kì và Cao Miên được trao cho viên Toàn quyền Đông Dương.
Các công việc của Đông Dương được phân bổ cho 5 quan chức sau:
+       Tư lệnh tối cao các lực lượng viễn chinh;
+       Tư lệnh tối cao lực lượng Hải quân;
+       Phó Toàn quyền;
+       Giám đốc Tư pháp;
+       Giám đốc Nha Thuế quan và Độc quyền
Theo chỉ đạo trực tiếp của Toàn quyền, Giám đốc Ngân khố được giao điều hành hoạt động ngân khố phục vụ các sở Đông Dương. Giám đốc Ngân khố cũng chịu trách nhiệm về Ngân khố Nam Kì và các xứ bảo hộ.
Thống đốc Nam Kì, Tổng Trú sứ Trung - Bắc Kì và Khâm sứ Cao Miên đại diện cho chính quyền chính quốc đặt dưới quyền chỉ đạo của Toàn quyền, thực thi các quyền được trao theo Đạo luật ngày 15 tháng 6 năm 1885 về phê chuẩn Hiệp ước Huế và theo Đạo luật ngày 17 tháng 7 năm 1885 phê chuẩn Hiệp ước kí với quốc vương Cao Miên. Thừa uỷ quyền Tổng thống Cộng hoà Pháp, Toàn quyền ra quyết định về ân xá.
Thống đốc, Tổng Trú sứ và Khâm sứ nhận chỉ thị từ Toàn quyền và đảm bảo việc thực thi các chỉ thị trên của các viên chức, nhân viên trong cơ quan.
Toàn quyền thông tin trực tiếp với Bộ trưởng Ngoại giao Pháp tại Trung Quốc, các Lãnh sự và Phó Lãnh sự tại Batavia, Hồng Kông, Singapo, Xiêm và Luang- Prabang. Toàn quyền không được tiến hành các hành động chính trị hay ngoại giao khi chưa được Chính phủ nước Cộng hoà Pháp cho phép.
Các cơ quan tài chính tại Đông Dương chịu sự thanh tra của chính quốc; báo cáo của các thanh tra viên đồng thời được chuyển tới Bộ trưởng Bộ Tài chính và Toàn quyền Đông Dương.
Tất cả chi phí phục vụ các đơn vị bộ binh và hải quân của Pháp hoặc bản xứ, chi phí cho đội tàu, công sự, Phủ Toàn quyền, bưu điện và điện tín, thuế gián thu và thuế đoan sẽ do ngân sách Đông Dương đảm nhiệm.
Các khoản thu bao gồm thuế bưu điện và điện tín, thuế ở Nam Kì và các xứ bảo hộ theo quy định tại nghị định của Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa, và trợ cấp của chính quốc.
Ngân sách do Toàn quyền chuẩn bị và được Hội đồng Tối cao Đông Dương thảo luận thông qua. Hội đồng Tối cao Đông Dương gồm:
Toàn quyền: Chủ tịch;
Thống đốc Nam Kì;
Tổng Trú sứ Trung- Bắc Kì;
 Khâm sứ Cao Miên;
Và 5 quan chức: Tư lệnh tối cao các lực lượng viễn chinh; Tư lệnh tối cao lực lượng Hải quân; Phó Toàn quyền; Giám đốc Tư pháp; Giám đốc Nha Thuế quan và Độc quyền.
Ngân sách được Hội đồng Bộ trưởng phê chuẩn bằng nghị định, theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa. Các loại thuế áp dụng tại Nam Kì và các xứ bảo hộ được ghi như các khoản chi bắt buộc trong ngân sách địa phương.
Thuế gián thu và thuế đoan do Nha Thuế quan và Độc quyền thu cho các ngân sách địa phương; với danh nghĩa phí thu thuế phục vụ ngân sách Đông Dương, các loại thuế trên sẽ bị khấu trừ theo tỉ lệ do Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa quy định theo đề nghị của Toàn quyền.



Arrêté du 22 janvier 1888 du Gouverneur général de l’Indochine promulguant le décret du 7 décembre 1888 portant la réorganisation du Conseil supérieur de l’Indochine.
Nghị định ngày 22 tháng 01 năm 1888 của Toàn quyền Đông Dương ban hành Sắc lệnh ngày 07 tháng 12 năm 1888 quy định việc tổ chức lại Hội đồng Tối cao Đông Dương.
(Nguồn: J 55, BOIF 1889, no1, tr. 68 - 71)
Sắc lệnh gồm 10 điều với các nội dung chính sau:
Hội đồng Tối cao Đông Dương gồm: Toàn quyền - Chủ tịch, Tổng Tư lệnh quân đội viễn chính Pháp ở Đông Dương, Tổng Tư lệnh sư đoàn Viễn Đông và các lực lượng Hải quân đóng ở Đông Dương, Tổng Trú sứ Trung - Bắc Kì, Giám đốc phụ trách sở địa phương Nam Kì, Khâm sứ Cao Miên, Chưởng lí - Giám đốc Tư pháp.
Toàn quyền quyết định ngân sách địa phương của Nam Kì sau khi được Hội đồng Thuộc địa thảo luận thông qua.
Hội đồng Tối cao cho ý kiến về:
+       Ngân sách cho Bắc Kì và Trung Kì;
+       Ngân sách cho Cao Miên;
+       Các vấn đề thuộc thẩm quyền của Toàn quyền;
Ngân sách của Bắc - Trung Kì và Cao Miên sẽ được thông qua bằng sắc lệnh.
Thống sứ Bắc Kì tham dự các cuộc họp của Hội đồng Tối cao Đông Dương, với quyền biểu quyết về ngân sách của Trung Kì và Bắc Kì, các vấn đề khác liên quan đến xứ Bảo hộ. Giám đốc các cơ quan hành chính của Bắc -Trung Kì, Nam Kì và Cao Miên tham gia Hội đồng Tối cao có quyền biểu quyết các vấn đề trong phạm vi quyền hạn.
Viên chức thanh tra Thuộc địa làm việc tại Đông Dương tham dự các phiên họp của Hội đồng Tối cao có quyền phát biểu ý kiến trong các cuộc thảo luận.
Trong trường hợp Tổng Tư lệnh sư đoàn Viễn Đông và các lực lượng Hải quân đóng ở Đông Dương vắng mặt hoặc gặp trở ngại, Tư lệnh Sư đoàn Hải quân Nam Kì sẽ thay thế biểu quyết về các vấn đề liên quan đến Nam Kì và Cao Miên và Tư lệnh Sư đoàn Hải quân Bắc Kì biểu quyết về các vấn đề liên quan đến Bắc Kì hoặc Trung Kì.
Hội đồng Tối cao Đông Dương nhóm họp ít nhất mỗi năm một lần, theo triệu tập của Toàn quyền hoặc tại Sài Gòn hoặc tại một thành phố khác theo chỉ định của Toàn quyền.


Arrêté du 11 janvier 1889 du Gouverneur général de l’Indochine organisant les bureaux de la Résidence générale de l’Annam et du Tonkin.
Nghị định ngày 11 tháng 01 năm 1889 của Toàn quyền Đông Dương quy định tổ chức các phòng thuộc Phủ Tổng Trú sứ Trung Bắc Kì.
(Nguồn: J 55, BOIF 1889, tr. 50 - 52)
Nghị định gồm 2 điều với các nội dung chính sau:
Phủ Tổng Trú sứ bao gồm 1 văn phòng và 3 phòng: phòng quân sự; 1 phòng chính trị và hành chính; 1 phòng kế toán.
Một bộ phận của phòng quân sự tách ra và sáp nhập vào Phủ Thống sứ
Quyền hạn của văn phòng và các phòng như sau:
Văn phòng: Đăng kí, xử lí công văn đi, đến; phân công công việc, tập hợp công việc của các phòng, công việc mật và chuyên biệt; nhân sự người Âu và người bản xứ ở các sở; bổ nhiệm; thuyên chuyển; nghỉ phép; hồi hương, khen thưởng danh dự; đăng kí danh bạ và mật vụ; cảnh sát chung; thanh toán và trả bằng ngân phiếu cho chi phí nhân sự; lương và phụ cấp; các phái bộ; phí đi đường và lưu trú của nhân sự bản xứ; bệnh viện và kho lương; Toà Trú sứ ở Huế.
Phòng Quân sự: Thư tín liên quan đến nhân sự và trang thiết bị của sư đoàn chiếm đóng cũng như các chiến dịch quân sự; giải quyết công việc do sư đoàn chuyển về; binh sĩ hồi hương; cách li kiểm dịch; đề nghị tặng thưởng Long Bội tinh; dân vệ; quân phản nghịch; quân nổi loạn.
Thư tín liên quan đến nhân sự và trang thiết bị của phân hạm đội; hoạt động của các hạm đội; tàu của các toà công sứ; chỉ đạo pháo binh hải quân - tiếp tế; vận tải; dịch vụ kéo thuyền.
Phòng Kế toán: Công tác kế toán công chính; phê chuẩn báo giá; điều kiện đầu thấu và cung cấp vật tư; thanh toán chi phí cho trang thiết bị; phí vận tải; thức ăn cho tù nhân - thiết bị và văn phòng phẩm; quản lí bệnh viện bản xứ ở Huế; xác nhận ngân phiếu về quỹ trung ương.
Công tác kế toán tổng hợp; chuẩn bị và lập dự thảo ngân sách; tập trung các tài liệu liên quan; phân bổ kinh phí; kiểm tra và giám sát sổ thuế điền thổ tại các khu nhượng địa Pháp ở An - nam; giảm thuế; công tác kế toán quỹ tạm ứng; công tác kế toán các dinh chưởng ấn; chế độ tiền tệ.
Phòng Chính trị và Hành chính:
Công tác quản lí hành chính và chính trị chung;  quan hệ với chính quyền An-nam; quan hệ với các hội truyền giáo Thiên chúa giáo; tập hợp báo cáo của các toà công sứ, toà hoà giải hành chính.
Thuế gián thu; thuế quan; bưu điện và điện tín; dịch vụ phu trạm; độc quyền và trưng thuế; lập và kiểm tra các sổ thuế; mỏ; các mỏ và rừng; công chính; đường sá; thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định về các loại thuế bản xứ, theo điều 11 của Hiệp ước ngày 06 tháng 6 năm 1888.
Thống kê; mỹ thuật; phái bộ; thương mại; nông nghiệp; công nghiệp; thẩm cứu tín dụng; báo chí; học chính; đề nghị nhập quốc tịch; nhượng đất...

Arrêté du 10 février 1889 du Gouverneur général de l’Indochine établissant les pouvoirs et attributions du Résident général en Annam et au Tonkin et ceux du Résident supérieur au Tonkin.
Nghị định ngày 10 tháng 02 năm 1889 của Toàn quyền Đông Dương quy định thẩm quyền của Tổng Trú sứ Trung - Bắc Kì và của Thống sứ Bắc Kì.
(Nguồn: J 55, BOIF 1889,  no 2, tr. 163 - 173)
Nghị định gồm 2 phần, 10 điều với các nội dung chính sau:
Phần I. Thẩm quyền của Tổng Trú sứ Trung - Bắc Kì
Tổng Trú sứ là người đại diện Chính quyền Bảo hộ Pháp tại Trung và Bắc Kì chịu sự chỉ đạo của Toàn quyền Đông Dương. Tổng Trú sứ quản lí nhân sự bản xứ và người Âu ở Trung Kì và Bắc Kì, điều hành nhân sự ở Bắc Kì thông qua Thống sứ Bắc Kì.
Tổng Trú sứ được uỷ nhiệm thực hiện các quyền hạn sau:
1.     Về nhân sự:
+  Trung Kì và Bắc Kì
Tổng Trú sứ có quyền bổ nhiệm nhân sự người Âu ở mức lương không quá 4000 phơ-răng; bổ nhiệm, nâng bậc và quyết định thay đổi về trang phục cũng như trang thiết bị cho nhân sự người Âu thuộc đội dân vệ bản xứ; thuyên chuyển Phó Công sứ và Chưởng ấn dưới quyền; giám sát các thành viên thuộc cơ quan tư pháp; kỉ luật và cách chức đối với nhân viên và công chức thuộc quyền bổ nhiệm; cho nghỉ phép và hồi hương theo quy định.
+  Riêng ở Trung Kì
Tổng Trú sứ được quyền thuyên chuyển nhân sự người Âu trừ Công sứ, Phó Công sứ và Chưởng ấn; bổ nhiệm, thuyên chuyển, kỉ luật và cách chức nhân sự người bản xứ; xử lí tất cả các vấn đề về dân vệ.
2.     Về tài chính:
Tổng Trú sứ chuẩn bị dự thảo ngân sách, tập hợp tài liệu liên quan và trình bày dự thảo trước Hội đồng Tối cao; cho phép điều chỉnh mức kinh phí được duyệt và phê duyệt các khoản chi cho chính quyền bản xứ; thanh toán các khoản chi cho các sở dân sự ở Trung Kì; quyết định biểu thuế; tập hợp các đề nghị cấp kinh phí của Thống sứ, Cảnh sát trưởng, Chánh Sở Hành chính và trình Toàn quyền thông qua; phán quyết về thuế gián thu trong các cuộc thoả hiệp giữa chính quyền và người vi phạm nếu giá trị thấp hơn 1.000 đồng; kí kết các giao kèo cung ứng và công chính tại Trung Kì; nghiệm thu các giao kèo có giá trị không quá 20.000 phơ-răng và thông qua các tập điều kiện đấu thầu giá trị trên 10.000 phơ-răng do Thống sứ và Chánh Sở Hành chính kí kết; thông qua các tập điều kiện đấu thầu công khai; cho phép nhượng đất không quá 100 ha ở Trung Kì và Bắc Kì; thực hiện các thẩm quyền về mỏ quy định tại Sắc lệnh ngày 16 tháng 10 năm 1888…
3.     Về hành chính
Tổng Trú sứ chịu trách nhiệm điều hành và giám sát chính quyền bản xứ theo lệnh của Toàn quyền; phê chuẩn các bản án tử hình ở Bắc Kì của các toà án bản xứ; cho phép khai quật và di dời hài cốt người Âu về Pháp; đề xuất việc xếp hạng đường sá và xem xét các dự án xây mới; thông qua các giấy tờ về hộ tịch làm tại Trung Kì; đề xuất sửa đổi về tổ chức và quyền hạn của các Hội đồng Thành phố, các uỷ ban tương đương cũng như các Phòng Thương mại; cấp phép mở trường trung học và cơ sở đào tạo tương tự cũng như đóng cửa các trường học khi cần thiết…
4.     Vấn đề bản xứ.
Tổng Trú sứ có quyền phê chuẩn hoặc phản đối việc bổ nhiệm nhân sự của Bắc Kì tối đa tới cấp huyện; thông qua các phán quyết hành chính đối với người bản xứ.
Tổng Trú sứ còn chịu trách nhiệm đề xuất với Toàn quyền Đông Dương về việc:
+       Nhập quốc tịch cho người bản xứ và người nước ngoài;
+       Miễn phí bưu điện và điện tín;
+       Nâng lương trên 4000 phơ-răng;
+       Trợ cấp, tặng thưởng, hưu trí, kỉ luật đối với nhân viên cấp dưới;
+       Thuyên chuyển các Công sứ và Phó Công sứ…
Tổng Trú sứ trình Toàn quyền tất cả các vấn đề về chế độ tiền tệ, thanh toán….
Phần 2. Thẩm quyền của Thống sứ Bắc Kì
Thống sứ Bắc Kì được đặt dưới quyền Tổng Trú sứ, có quyền hạn như viên quan đứng đầu Nam Kì, trừ một số thay đổi trong Nghị định này.
Thống sứ được uỷ nhiệm thực hiện các quyền hạn sau:
1.     Về nhân sự:
Thống sứ Bắc Kì có quyền quyết định việc thuyên chuyển từ cấp chưởng ấn trở xuống; thuyên chuyển đối với nhân sự người Âu thuộc đội dân vệ và bổ nhiệm, thuyên chuyển đối với nhân sự người bản xứ thuộc đội dân vệ; chịu trách nhiệm giám sát quản lí dân vệ, tình hình an ninh hàng ngày, bổ nhiệm và thuyên chuyển nhân sự bản xứ của Chính quyền Bảo hộ.
2.     Về tài chính:
Thống sứ Bắc Kì chịu trách nhiệm thanh toán mọi khoản chi của các sở dân sự ở Bắc Kì; nghiên cứu và lập dự toán ngân sách và trình Tổng Trú sứ; kiểm tra giám sát sổ thuế, chế độ thuế bản xứ và giám sát ngân quỹ tỉnh; phán quyết về thuế gián thu trong vụ tranh chấp giữa chính quyền và người vi phạm có giá trị thấp hơn 1000 đồng; thông qua và cho thực hiện các giao kèo cung ứng và xây dựng do các cơ quan thành phố kí kết; kí kết các giao kèo cung ứng và công chính có giá trị không quá 10.000 phơ-răng; nhượng đất không quá 500 ha…
3.     Về hành chính:
Thống sứ Bắc Kì cho phép khai quật và di dời hài cốt người Âu về Pháp; phê chuẩn sổ hộ tịch; bổ nhiệm, triệu tập Hội đồng Thành phố, các uỷ ban tương đương, ấn định các kì họp và quyết định về các vấn đề bàn luận,
4.     Về chính quyền bản xứ:
Thống sứ đề xuất lên Tổng Trú sứ các việc như: ấn định số lượng các đồn, sở, lập các xã và thay đổi các khu hành chính; chịu trách nhiệm về nhân sự bản xứ, tập hợp thông tin về phản loạn….
5.     Về quân sự:
Thống sứ đề xuất các biện pháp trấn áp lực lượng phản nghịch với sự hỗ trợ của chính quyền quân sự.
6.     Về giải quyết tranh chấp:
Thống sứ đại diện cho Chính quyền Bảo hộ Trung Kì và Bắc Kì trước toà và có quyền xử lí các vụ kiện có giá trị dưới 1000 đồng.
Hàng quý, Thống sứ Bắc Kì phải gửi báo cáo về tình hình chính trị lên Tổng Trú sứ; đề xuất lên Tổng Trú sứ các vấn đề như thuyên chuyển các Công sứ, Phó Công sứ, Chưởng ấn; nâng bậc cho nhân sự người Âu; lập hay xoá bỏ các bến bãi đường sông.
Thống sứ Bắc Kì trình Toàn quyền Đông Dương các công văn liên quan đến các công việc ở Bắc Kì gửi Bộ Hải quân và Thuộc địa trừ các công việc phải trình Tổng Trú sứ theo quy định.


Arrêté du 7 juillet 1889 du Gouverneur général de l’Indochine fixant les attributions des Résidents supérieurs en An- Nam et au Tonkin.
Nghị định ngày 07 tháng 7 năm 1889 của Toàn quyền Đông Dương quy định quyền hạn của Khâm sứ Trung Kì và Thống sứ Bắc Kì.
(Nguồn:  J 55, BOIF 1889, no 7, tr. 238 - 247)
Nghị định gồm 4 phần, 14 điều với các nội dung chính sau:
Phần I. Quyền hạn của Khâm sứ Trung Kì
Theo điều 4 Sắc lệnh ngày 17 tháng 10 năm 1887, thừa ủy quyền và dưới quyền của Toàn quyền, Khâm sứ Trung Kì là người đại diện chính phủ Cộng hoà Pháp thực thi các quyền hạn tại Trung Kì.
Phần II. Quyền hạn của Thống sứ Bắc Kì.
Thống sứ Bắc Kì thực hiện quyền hạn của Tổng Trú sứ Trung- Bắc Kì, tại các tỉnh từ Ninh Bình trở ra Bắc, cụ thể như sau:
+       Thống sứ chịu trách nhiệm quản lí hành chính bản xứ ở các cấp theo quy định chung của Toàn quyền.
+       Giám sát và phê chuẩn những văn bản pháp quy về nhân sự chính quyền bản xứ do Kinh lược Bắc Kì quản lí. Các văn bản liên quan đến nhân sự hàng Tổng đốc hoặc cấp cao hơn do Toàn quyền Đông Dương phê chuẩn.
+       Quản lí hồ sơ nhân sự của chính quyền bản xứ. Quản lí Hành chính tổng hợp, phê chuẩn các giấy tờ chứng thư chính thức cũng như chỉ thị của Kinh lược gửi quan lại cấp tỉnh.
+       Phê chuẩn các quyết định thành lập, thay đổi đơn vị hành chính, các bản án của toà án hỗn hợp liên quan đến quân nổi dậy hoặc quân phiến loạn. Tập trung thông tin tình báo liên quan đến cướp bóc, xử phạt các làng xã.
+       Sử dụng biện pháp trấn áp các hoạt động nổi dậy, giám sát việc thu thuế cũng như hoạt động của các quỹ bản xứ của các tỉnh, quyết định giảm thuế không quá 10.000 đồng mỗi tỉnh.
Thống sứ thừa uỷ quyền của Toàn quyền thực thi quyền hạn sau:
+       Phê chuẩn tập điều kiện đấu thầu, biên bản đấu giá các công trình, quân dụng có giá trị không vượt quá 100.000 phơ-răng. Quyền hạn này chỉ được thực hiện đối với các công trình trong chương trình được Toàn quyền phê duyệt và Thống sứ đề nghị tái thực hiện.
+       Tập trung và trình các đề nghị của uỷ viên lên Toàn quyền, người đứng đầu cơ quan hành chính về phân phối hàng tháng cũng như thu hồi tín dụng ghi trong chương XIV (quân sự và quân đội) và chương XV (hàng hải) trong ngân sách của Chính quyền Bảo hộ.
+       Thừa uỷ quyền và thừa lệnh Toàn quyền phê duyệt các biên bản thất thoát quân sự, cho phép bán đồ và vật dụng không còn sử dụng.
+       Cấp chứng nhận nghỉ dưỡng bệnh cho sĩ quan thuộc các lực lượng ở mọi cấp bậc. Cấp các giấy tờ cần thiết cho các sĩ quan nghỉ phép hồi hương.
Ngoài ra, Thống sứ còn có các quyền sau: Chủ tịch Hội đồng Bảo hộ, giám sát các thành viên Sở Tư pháp, giám sát giáo dục, cấp phép mở trường hoặc yêu cầu đóng cửa trường ở mọi cấp học, giám sát các cửa hàng lớn, kho cảng, quan hệ với các hãng vận tải biển, đề nghị Toàn quyền cho thành lập hoặc xoá bỏ các trạm trung chuyển vận tải đường sông tuỳ điều kiện ngân sách.
Phần III. Quyền hạn chung của Khâm sứ Trung Kì và Thống sứ Bắc Kì
Khâm sứ và Thống sứ điều hành mọi công việc dân sự và đề nghị ban hành các nghị định về các công việc này. Khâm sứ Trung Kì và Thống sứ Bắc Kì có quyền hạn như sau:
-         Về nhân sự:
Bổ nhiệm nhân sự người Âu vào các vị trí có mức lương không quá 4.000 phơ-răng theo quy định; cách chức, sa thải, đề nghị nâng bậc với các nhân viên có lương trên 4.000 phơ-răng, đưa ra các hình thức kỉ luật đối với nhân viên có mức lương bằng hoặc dưới 7.000 phơ-răng và đề nghị Toàn quyền khiển trách các nhân viên hưởng lương trên 7.000 phơ-răng; bổ nhiệm nhân sự người Âu trong lực lượng Lính Khố xanh trừ các thanh tra do Toàn quyền bổ nhiệm. Lập bảng nâng bậc, giám sát dân vệ, quân luật và quản lí hành chính các đơn vị, tiếp tế quân dụng, hoạt động của các đoàn hộ tống: quân số, phân bổ và các trạm. Thuyên chuyển nhân sự các Phủ Thống sứ và Khâm sứ, trừ các đơn vị thuộc quản lí của các tỉnh và Toàn quyền quyết định. Quyết định thuyên chuyển trong các sở, trừ các nhân viên có lương từ 4.000 phơ-răng trở xuống, trừ Sở Công chính được quy định bởi nghị định đặc biệt. Phê chuẩn nghỉ phép, hồi hương theo quy định, cấp các giấy xuất trình cần thiết, tiếp nhận các uỷ quyền, giải quyết tranh chấp giữa các viên chức Chính quyền Bảo hộ, đề nghị khen thưởng, kỉ luật, hưu trí, lương hưu trình Toàn quyền. Giúp Giám đốc các sở trong nhận xét, đánh giá các viên chức, nhân viên.
-         Về tài chính:
+       Chuẩn bị ngân sách, tập trung hồ sơ trình Hội đồng Tối cao;
+       Đệ trình Toàn quyền nghị định phân bổ kinh phí hàng tháng cho các cơ quan dân sự, vấn đề về tín dụng, các khoản chi phát sinh ngoài ngân sách; chi trả chi phí của các cơ quan dân sự, phân bổ kinh phí ngân sách năm cho các cơ quan dân sự;
+       Thông qua các giao kèo về cung ứng và các công trình xây mới ở Trung- Bắc Kì, có hiệu lực trừ các trường hợp sau: các giao kèo cung ứng có thời hạn trên 1 năm hoặc giá trị trên 100.000 phơ-răng, các công trình có ước tính vượt quá định mức hoặc không có trong chương trình được Toàn quyền phê chuẩn (giao kèo này phải được Toàn quyền phê chuẩn);
+       Thông qua tập điều kiện đấu thầu, biên bản đấu thầu, trình Toàn quyền các báo cáo và đề nghị liên quan đến chế độ tiền tệ, giám sát kế toán Hội đồng Thành phố, ngân khố, thuế quan, bưu điện và điện tín và các quỹ tạm ứng;
+       Phụ trách vấn đề cung ứng thiết bị, giám sát thuế gián thu, độc quyền, trang trại; giám sát thu hồi các khoản thu có trong ngân sách, trình Toàn quyền các biện pháp thu hoặc lập các khoản thu mới; quy định về độc quyền và thuế gián thu…;
+       Thừa uỷ quyền và thừa lệnh Toàn quyền phê chuẩn các biên bản thất thoát hoặc loại thải đồ không còn sử dụng, cho phép bán đồ cung ứng và các vật dụng không còn sử dụng;
+       Giám sát bệnh viện và kho lương theo uỷ quyền thường trực của Toàn quyền.
-         Về an ninh chung, hành chính hoặc y tế:
+       Chịu trách nhiệm về an ninh chung;
+       Thực thi các sắc lệnh trục xuất và giam giữ người châu Á nếu xét thấy nguy hiểm cho an ninh và trật tự trị an, trình Toàn quyền các sắc lệnh trục xuất người châu Âu nếu thấy cần thiết;
+       Đề nghị Toàn quyền thực hiện các biện pháp cấm lưu hành các tờ báo hoặc ấn phẩm có nội dung nguy hại đối với an ninh, trấn áp lạm dụng báo chí, ra lệnh cấm và bóc dỡ áp phích, tranh vẽ có nội dung nguy hiểm;
+       Giám sát nhà tù, cho phép sử dụng tù nhân làm tại các công trường và nhà xưởng theo quy định của luật pháp và của Toàn quyền;
+       Cho phép thành lập, bãi bỏ, giải tán các hội;
+       Trình Toàn quyền thay đổi các nghị định, quy định liên quan đến sự lưu trú của người châu Á; cấp giấy thông hành, giấy phép lên tàu và lưu trú;
+       Kiểm soát và quy định về sông ngòi, hoạt động đánh bắt;
+       Quy định về cơ sở nhà xưởng nguy hiểm, độc hại cũng như việc bốc dỡ và nhập kho các chất gây nổ;
+       Ban hành các nghị định chung hoặc đặc biệt về khu nhà ở độc hại;
+       Các quy định áp dụng cho thành phố hoặc nhà dân để đảm bảo vệ sinh công cộng, ban hành quy định về thời gian, địa điểm xây dựng các trại phong, trại cách li…;
+       Cho phép khai quật, di dời về Pháp hài cốt của người Âu, cấp giấy phép hành nghề tại Trung - Bắc Kì cho các bác sĩ quân y và dược sĩ không phục vụ quân dịch đã hoàn tất các thủ tục.
-         Về hành chính:
+       Bổ nhiệm uỷ viên các Hội đồng Thành phố hoặc uỷ ban thay thế, triệu tập đại hội, ấn định thời gian kì họp, mục tiêu thảo luận, giám hộ hành chính và thực hiệnc ác quyền hạn theo quy định tại Nghị định 19 tháng 7 năm 1888;
+       Phụ trách các Phòng Thương mại, đề nghị Toàn quyền thay đổi tổ chức, quyền hạn của các Hội đồng Thành phố hoặc uỷ ban thay thế, Phòng Thương mại cũng như đình chỉ hoạt động hoặc giải tán các cơ quan này;
+       Giám sát đăng kí hộ tịch, nhận thực chữ kí của viên chức, xem xét và trình lên Toàn quyền các đề nghị nhập quốc tịch của người nước ngoài và người bản xứ, các hiến tặng tài sản có giá trị trên 3.000 phơ-răng; trình Toàn quyền phê chuẩn các giấy tờ pháp hoá (ngoại lệ cũng như tạm thời);
+       Cấp giấy phép đi biển;
+       Đề nghị thành lập các công ti vô danh, thực thi quyền hạn về hầm mỏ, nhượng đất trong giới hạn diện tích 500 hécta; theo dõi thực thi các điều kiện và phí tổn của những người được nhượng đất; giải quyết bảng giá vận chuyển bằng xà lan, thuyền tại các cảng và vũng của Chính quyền Bảo hộ;
+        Trình Toàn quyền miễn trừ phí bưu điện và điện tín, thành lập hoặc bãi bỏ các phòng thuế quan, bưu điện và điện tín. Ban hành nghị định công bố liên quan đến các công trình thành phố hoặc công cộng trong giới hạn chương trình trong năm được Toàn quyền phê chuẩn, xếp hạng hoặc giáng hạng các quốc lộ, thẩm tra các dự án công trình xây mới;
+       Ban bố có phê chuẩn của Toàn quyền các giấy chuyển nhượng bất động sản của Chính quyền Bảo hộ, mua hoặc trao đổi bất động sản có giá trị trên 50.000 phơ-răng;
+       Thống kê dân số, nông nghiệp hàng năm, bản kê xuất nhập khẩu trình lên Toàn quyền.
-         Về quân sự:
+       Trao đổi với Tổng Tư lệnh về các vấn đề quân sự ở Trung - Bắc Kì;
+       Đề xuất với Toàn quyền Đông Dương những biện pháp trấn áp với sự hỗ trợ của chính quyền quân sự.
-         Về các tranh chấp:
+       Đại diện cho Chính quyền Bảo hộ tại Trung - Bắc Kì trước toà nếu được sự đồng ý của Toàn quyền khi tranh chấp có giá trị trên 10.000 đồng;
+       Bảo lưu trong khi chờ giấy phép…
Phần IV. Quan hệ giữa Khâm sứ và Thống sứ với Toàn quyền.
Khâm sứ Trung Kì và Thống sứ Bắc Kì trình Toàn quyền mọi vấn đề đặc biệt không quy định trong nghị định này. Hàng quý, Khâm sứ Trung Kì và Thống sứ Bắc Kì trình lên Toàn quyền báo cáo về tình hình chính trị, tài chính, thương mại, nông - công nghiệp của địa bàn quản lí.
Khâm sứ và Thống sứ trao đổi thư từ về các vấn đề chung trong công việc, bàn bạc về việc thuyên chuyển nhân sự giữa Trung - Bắc Kì, trình Toàn quyền đề nghị thuyên chuyển đối với các nhân viên hưởng lương bằng hoặc hơn 10.000 phơ-răng và Toàn quyền chỉ can thiệp khi có bất đồng.
Thống sứ Bắc Kì, nếu xét thấy cần thiết có thể đề nghị Khâm sứ Trung Kì giúp đỡ về các thủ tục tại Triều đình Huế và Viện Cơ mật cũng như các đề nghị được chuyển đến liên quan đến chính quyền ở Bắc Kì, trừ những vấn đề trình trực tiếp Toàn quyền Đông Dương.




Décret du 8 février 1892 du Président de la République française réorganisation le Service de la Trésorerie du Protectorat de l’Annam et du Tonkin.
Sắc lệnh ngày 08 tháng 02 năm 1892 của Tổng thống Cộng hoà Pháp về tổ chức lại hoạt động của Sở Ngân khố của Chính quyền Bảo hộ Trung Kì và Bắc Kì.
(Nguồn: J 1008, JOIF 1892, tr. 282)
Sắc lệnh gồm 9 điều với các nội dung chính sau:
Từ ngày 01 tháng 01 năm 1892, Sở Ngân khố Bắc Kì sẽ do Giám đốc Sở Ngân khố điều hành, chịu sự quản lí của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Thuộc địa. Giám đốc Sở Ngân khố được Tổng thống Cộng hoà Pháp bổ nhiệm bằng sắc lệnh theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, sau khi có ý kiến của Bộ trưởng Bộ Thuộc địa. Tiền kí quỹ của viên chức này do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định bằng nghị định.
Giám đốc Sở Ngân khố tiến hành các hoạt động liên quan đến tài chính của chính quốc, thực thi các điều khoản liên quan đến tiền bạc theo quy định của Sắc lệnh ngày 26 tháng 6 năm 1878.  Giám đốc Sở Ngân khố phụ trách các Kho quỹ, quản lí thu chi ngân sách Chính quyền Bảo hộ Trung Kì và Bắc Kì, tập trung mọi hoạt động kế toán địa phương là nguồn thu của ngân sách trên. Giám đốc Sở Ngân khố Bắc Kì thuộc quyền xét xử của Toà Kiểm toán (Thẩm kế Viện) đối với các hoạt động liên quan đến chính quốc.
Các khoản thu và chi ngân sách của Chính quyền Bảo hộ Trung Kì và Bắc Kì được ghi trong sổ sách của Giám đốc Sở Ngân khố trong một tài khoản vãng lai luôn có số dư tài khoản. Việc thực hiện công việc riêng của Chính quyền Bảo hộ, phân loại thu và chi được báo cáo trong báo cáo quyết toán.
Hoạt động ngân khố Bắc Kì do nhân viên thuộc mọi bậc, hạng của Ngân khố An-giê-ri và Đông Dương theo các quy định tại các Sắc lệnh ngày 15 tháng 5 năm 1874 và 15 tháng 3 năm 1889 hoặc các nhân viên được đào tạo ngay tại địa phương, tuyển chọn theo quy định tại điều 4 của Sắc lệnh ngày 15 tháng 5 năm 1874 đảm trách. Số lượng nhân viên chính quốc cũng như lương và trợ cấp các loại của những đối tượng này do Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Thuộc địa phối hợp quy định. Tạm thời, nhân viên thuộc các cơ quan khác nhau của chính quốc được biệt phái tới làm việc trong Sở Ngân khố của Chính quyền Bảo hộ được giữ nguyên chức vụ. Mọi chi phí hoạt động của Sở Ngân khố (nhân sự, chuyển quỹ, phí thương lượng và đổi tiền…) sẽ do ngân sách của Chính quyền Bảo hộ chi trả.

Arrêté du 1er avril 1892 du Gouverneur général de l’Indochine fixant les attributions des Résidents supérieurs en Annam et au Tonkin.
Nghị định ngày 01 tháng 4 năm 1892 của Toàn quyền Đông Dương quy định quyền hạn của Khâm sứ Trung Kì và Thống sứ Bắc Kì.
(Nguồn: J 1008, JOIF 1892, tr. 139-141)
Nghị định gồm 4 phần, 73 điều với các nội dung chính sau:
Phần I. Quyền hạn của Khâm sứ Trung Kì
Theo điều 4 Sắc lệnh ngày 17 tháng 10 năm 1887, thừa ủy quyền và dưới quyền của Toàn quyền, Khâm sứ Trung Kì là người đại diện chính phủ Cộng hoà Pháp thực hiện các quyền hạn tại Trung Kì.
Phần II. Quyền hạn của Thống sứ Bắc Kì
Thống sứ Bắc Kì điều hành, giám sát chính quyền bản xứ theo quy định tại điều 7 Hiệp ước ngày 06 tháng 6 năm 1884. Thống sứ phê chuẩn các văn bản chính thức liên quan đến nhân sự chính quyền bản xứ, do Kinh lược quản lí. Thống sứ phải trình lên Toàn quyền về những vấn đề sau:
+        Bổ nhiệm vào các chức danh tổng đốc hay Chánh Chủ tỉnh;
+       Bổ nhiệm, cách chức, giáng chức hoặc treo chức các quan hàm tứ phẩm trở lên.
Nhân danh Toàn quyền, Thống sứ chuẩn y bản án của các toà án hỗn hợp liên quan đến quân nổi loạn và cướp phá, phê chuẩn và ra quyết định về tiền phạt và hình phạt khác đối với các làng, trường hợp giải tán một làng sẽ do chính quyền bản xứ đề nghị. Thống sứ thực thi quyền giám sát cao đối với các thành viên Sở Tư pháp.
Thống sứ cho phép các khoản chi của chính quyền bản xứ, thông qua các sổ thuế, giám sát thu thuế, quyết định các trường hợp giảm thuế bản xứ theo khu vực không liên quan đến toàn vùng. Tiền giảm thuế không quá 5.000 đồng/tỉnh. Thống sứ được giao giám sát tổng kho và kho cảng Hải Phòng.
Thống sứ giám sát Sở Học chính, cấp giấy phép mở trường học các loại và ra lệnh đóng cửa các trường vì lợi ích về tinh thần hay trật tự công cộng.
Phần III. Quyền hạn chung của Khâm sứ Trung Kì và Thống sứ Bắc Kì
1.     Nhân sự:
Khâm sứ và Thống sứ có các quyền hạn sau:
+       Điều hành ở cấp cao tất cả các cơ quan dân sự trực thuộc và đề nghị Toàn quyền ban hành nghị định liên quan đến cơ quan này.
+       Quyết định các hình thức kỉ luật là treo chức 15 ngày đối với nhân viên hưởng lương ở mức 6.000 phơ-răng trở xuống của các cơ quan trên và đề nghị Toàn quyền quyết định hình thức kỉ luật đối với nhân viên hưởng lương từ 6.000 phơ-răng trở lên, mọi trường hợp phải báo cáo với Toàn quyền.
+       Đề nghị nâng bậc của nhân sự người Âu trong các cơ quan dân sự và quyết định thuyên chuyển, trừ thuyên chuyển Công sứ và Phó Công sứ do Toàn quyền quyết định, thuyên chuyển nhân viên hưởng lương dưới 4.000 phơ-răng sẽ do trưởng các đơn vị quản lí trực tiếp quyết định.
+       Đề nghị khen thưởng cũng như hưu trí, các trường hợp hưởng nửa lương và trợ cấp lên Toàn quyền.
+       Trình Toàn quyền Đông Dương đánh giá, nhận xét hạnh kiểm và năng lực của nhân viên dưới quyền do người đứng đầu các cơ quan, chính quyền trình lên.
+       Bổ nhiệm và cách chức nhân sự bản xứ của Chính quyền Bảo hộ theo uỷ quyền, trừ nhân sự Phủ Toàn quyền. Người đứng đầu các cơ quan dân sự đặt dưới quyền chỉ đạo trực tiếp và chỉ thông tin với Khâm sứ và Thống sứ.
2.     Tài chính.  
Khâm sứ và Thống sứ có các quyền hạn như sau:
+       Trình Toàn quyền nghị định phân bổ kinh phí hàng tháng cho các cơ quan dân sự Trung Kì và Bắc Kì, tiến hành phân bổ kinh phí cho các cơ quan thuộc thẩm quyền.
+       Trình quyết toán của Trung Kì và Bắc Kì.
+       Trình Toàn quyền phê chuẩn các khoản chi cung ứng và công trình có dự toán được ghi trong hoặc ngoài ngân sách. Khâm sứ và Thống sứ được phép quyết định các khoản chi cung ứng và công trình trong giới hạn 1.500 phơ-răng thuộc các dự toán ngân sách.
+       Thông qua và cho phép thực hiện các giao kèo cung ứng và công trình thi công ở Trung Kì và Bắc Kì trừ một số trường hợp đặc biệt.
+       Phê chuẩn các sổ thuế được lập liên quan đến đấu thầu cung ứng và công trình cũng như biên bản của các buổi đấu thầu này.
+       Tập trung thông tin và gửi tới Toàn quyền đề nghị xử lí liên quan đến chế độ tiền tệ cũng như giám sát công tác kế toán thành phố, kế toán ngân khố, thuế quan, bưu điện và điện tín, kế toán các quỹ kí trước.
+       Chịu trách nhiệm về cung ứng thiết bị, giám sát công việc về thuế gián thu, độc quyền và trưng thuế.
+       Giám sát các khoản thu có trong ngân sách, đề nghị với Toàn quyền biện pháp truy thu hoặc lập các khoản thu mới.
+       Phê chuẩn các biên bản thất thoát, loại thải của các cơ quan dân sự và cho phép thanh lí hàng cung ứng và vật dụng của các cơ quan dân sự không còn giá trị sử dụng.
+       Thừa ủy quyền thường trực Toàn quyền, Khâm sứ và Thống sứ được giao giám sát bệnh viện và kho lương thực.
3.     Kiểm soát Hành chính tổng hợp hoặc y tế
Khâm sứ và Thống sứ có các quyền hạn sau:
+       Kiểm soát chung về hành chính và y tế.
+       Trục xuất và giam giữ các người châu Á bị coi là phần tử nguy hiểm đối với an ninh và trật tự công cộng; trục xuất những người Âu nếu cần thiết.
+       Ra lệnh cấm treo biển, tranh ảnh bị coi là nguy hại đối với an ninh công cộng và có thể ra lệnh tháo bỏ nếu cần thiết.
+       Giám sát nhà tù; nếu xét thấy cần thiết có thể cho phép sử dụng những người bị kết án lao động ở các công trường, nhà xưởng và ban hành quy định điều kiện sử dụng loại lao động này theo luật định và hướng dẫn của Toàn quyền.
+       Lập, bãi bỏ, giải tán các tiểu quân khu.
+       Cấp giấy xuất cảnh, giấy phép lên tàu và lưu trú theo quy định.
+       Quy định và kiểm soát sông ngòi; quy định về hoạt động đánh bắt và định rõ phạm vi được đánh bắt.
+       Quy định điều kiện xây dựng nhà xưởng có tính chất nguy hiểm, không vệ sinh và những biện pháp áp đặt đối với các thành phố hoặc cá nhân vì lợi ích vệ sinh công cộng.
+       Ban hành các nghị định chung hoặc đặc biệt liên quan đến các khu nhà ở không hợp vệ sinh, khu nhà dùng để bốc dỡ tàu thuyền và nhà kho chứa chất nổ; cho phép hoặc ra lệnh cấm tàu biển cập cảng, cho phép lập hoặc dỡ bỏ các khu cách li kiểm dịch, ấn định thời gian cách li; quy định rõ địa điểm lập các trại hủi cũng như các khu cách li khác…
+       Cấp giấy phép hành nghề ở Trung Kì và Bắc Kì cho các viên chức y tế, dược sĩ không thuộc diện biệt phái, đã hoàn tất thủ tục theo quy định.
4.     Các công việc hành chính thuần túy
Khâm sứ và Thống sứ có quyền hạn:
+       Đảm bảo thi hành các quyết định liên quan đến các Phòng Thương mại, đặc biệt là Nghị định ngày 16 tháng 02 năm 1889.
+       Sửa đổi quy định về cơ cấu tổ chức và quyền hạn của Hội đồng Thành phố hoặc ủy ban thành phố cũng như các Phòng Thương mại.
+       Quyết định tạm dừng hoạt động của các hội đồng hoặc ủy ban thành phố, các phòng Thương mại, giải tán các cơ quan trên nếu xét thấy cần thiết vì lợi ích duy trì trật tự và an ninh công cộng.
+       Giám sát việc bảo quản sổ đăng kí hộ tịch và khoá sổ đăng kí hộ tịch vào cuối năm; hợp pháp hoá chữ kí của viên chức.
+       Hướng dẫn và trình Toàn quyền các đề nghị nhập quốc tịch của người nước ngoài và người bản xứ.
+       Đề nghị Toàn quyền quyết định về việc nhận một số loại tài sản hiến tặng và di tặng cho Chính quyền Bảo hộ …
+       Phê chuẩn các văn tự pháp hoá ngoại lệ hoặc tạm thời để cấp giấy đi biển trong giới hạn và theo thể thức quy định.
+       Trình Toàn quyền các đề nghị nhượng đất nông nghiệp hoặc hầm mỏ và cho tiến hành thủ tục ban đầu theo quy định.
+       Theo dõi việc tuân thủ những quy định và thực hiện trách nhiệm quy định đối với những người được nhượng đất hoặc mỏ, trường hợp không thực hiện, đề nghị Toàn quyền truất quyền của người được nhượng đất hoặc mỏ.
+       Quyết định thành lập và bãi bỏ các phòng thuế quan, bưu điện và điện tín.
+       Ban hành các nghị định nêu rõ công ích liên quan đến các công trình của thành phố, công trình công cộng cũng như các công trình trong giới hạn chương trình đã được Toàn quyền phê chuẩn cho năm hiện tại.
+       Quyết định xếp hạng và giáng hạng các tuyến đường lớn và thẩm cứu công trình xây mới liên quan với các tuyến đường trên.
+       Phê chuẩn các văn tự chuyển nhượng, mua ban, trao đổi bất động sản của Chính quyền Bảo hộ.
+       Lập thống kê dân số, thống kê nông nghiệp và bảng kê xuất nhập khẩu hàng năm trình Toàn quyền.
+       Liên hệ với các hãng vận tải đường sông và đường biển; đề nghị với Toàn quyền thành lập hoặc bãi bỏ các trạm trung chuyển của các hãng vận tải đường sông.
5.     Tài phán
Được sự cho phép của Toàn quyền, Khâm sứ và Thống sứ đại diện cho Chính quyền Bảo hộ Trung Kì và Bắc Kì trước các toà án khi tranh chấp có giá trị trên 10.000 đồng.  Khâm sứ và Thống sứ cho tiến hành các trưng mua cần thiết phục vụ thi công các công trình công cộng.
Phần IV. Quan hệ giữa Khâm sứ, Thống sứ và Toàn quyền
Khâm sứ Trung Kì và Thống sứ Bắc Kì trình Toàn quyền xem xét các vấn đề đặc biệt không quy định trong nghị định này.
Ba tháng một lần, Khâm sứ và Thống sứ báo cáo lên Toàn quyền về tình hình chính trị, tài chính, thương mại, nông nghiệp và công nghiệp của Trung Kì và Bắc Kì. Khâm sứ và Thống sứ trao đổi thông tin về nhu cầu công việc chung, phối hợp trong thuyên chuyển nhân sự giữa hai xứ. Khâm sứ và Thống sứ đồng đề nghị lên Toàn quyền quyết định liên quan đến nhân sự người Âu.
Décret du 9 janvier 1895 du Président de la République française sur l’organisation de la Garde indigène de l’Annam et du Tonkin.
Sắc lệnh ngày 09 tháng 01 năm 1895 của Tổng thống Cộng hoà Pháp về cơ cấu tổ chức của lực lượng Lính Khố xanh Trung Kì và Bắc Kì.
(Nguồn:  J 1020, JOIF 1895, tr. 142)
Sắc lệnh gồm 12 điều với các nội dung chính sau:
Lính Khố xanh Trung Kì và Bắc Kì là lực lượng kiểm soát an ninh đặt dưới quyền của Thống sứ và Khâm sứ. Nhân sự người Âu trong lực lượng Lính Khố xanh Trung Kì và Bắc Kì gồm:
Giám binh hạng 1 (Thanh tra hạng 1);
Giám binh hạng 2;
Giám binh hạng 3;
Chánh cai đội hạng 1 (lính gác chính);
Chánh cai đội hạng 2;
Chánh cai đội hạng 3;
Chánh cai đội được tuyển dụng theo quy định sau:
+        Trong số hạ sĩ quan đang tại ngũ, phục vụ Chính quyền Bảo hộ, được tuyển dụng theo quy định trong Sắc lệnh ngày 29 tháng 4 năm 1890.
+       Trong số hạ sĩ quan thuộc lực lượng quân dự bị hoặc đã giải ngũ. Một nửa trong số các chức danh chánh cai đội hạng 3 dành cho các hạ sĩ quan đăng kí lại, được sắp xếp để xin vào một chức danh dân sự.
Các hạ sĩ quan đang tại ngũ, thuộc lực lượng quân dự bị hay đã giải ngũ hoặc được sắp xếp vào một chức danh dân sự chỉ bắt đầu từ ngạch chánh cai đội hạng 3 trong lực lượng Lính Khố xanh. Toàn quyền bổ nhiệm tất cả các chức danh trong lực lượng Lính Khố xanh.
Giám binh được chọn trong số chánh cai đội hạng 1 có ít nhất hai năm làm việc. Các cựu sĩ quan Bộ binh và Hải quân có thể được tuyển dụng vào Lính Khố xanh và được bổ nhiệm ở chức danh giám binh hạng 3.
Các hình thức kỉ luật áp dụng với nhân sự người Âu thuộc lực lượng Lính Khố xanh được quy định như sau: khiển trách, treo chức, giáng hạng hoặc cách chức do Toàn quyền quyết định. Hình thức treo chức kèm theo cắt giảm ½ lương không kéo dài quá 2 tháng.
Giáng chức, giáng hạng hoặc cách chức chỉ được quyết định sau khi có kết luận của Ủy ban Điều tra, đối tượng có liên quan nếu yêu cầu có thể giải trình trước Hội đồng. Toàn quyền ban hành nghị định nêu rõ lí do và xác nhận kết luận của Uỷ ban Điều tra. Nghị định cách chức chỉ có hiệu lực sau khi có phê chuẩn của Bộ trưởng Bộ Thuộc địa.
Các Sắc lệnh ngày 12 tháng 12 năm 1889 và 28 tháng 01 năm 1890 quy định trợ cấp đi đường và lưu trú, lương và phụ cấp lương cũng được áp dụng đối với nhân sự người Âu thuộc lượng lực Lính Khố xanh.
Arrêté du 11 octobre 1895 du Gouverneur général de l’Indochine réorganisation le Service des Travaux Publics de l’Annam et du Tonkin.
Nghị định ngày 11 tháng 10 năm 1895 của Toàn quyền Đông Dương quy định tổ chức lại Sở Công chính Trung Kì và Bắc Kì.
(Nguồn:  J 1020, JOIF 1895, tr. 618-624)
Nghị định gồm 15 phần và 56 điều với các nội dung chính sau:
Phần I. Quyền hạn và nhân sự
Sở Công chính Trung và Bắc Kì có quyền hạn sau:
+       Nghiên cứu và xây dựng các công trình phục vụ lợi ích chung, các tuyến đường lớn, đường sá, đường sắt, đê, kênh rạch, sông, hải đăng và cọc tiêu, cảng và kè, tưới tiêu…; khai thác đường sắt do Chính quyền Bảo hộ tiến hành; kiểm tra và giám sát hầm mỏ; các dự án và công trình xây dựng dân dụng.
+       Cho ý kiến và được tham vấn về mọi dự án công chính hàng tỉnh, kể cả đối với các dự án lấy kinh phí từ các quỹ của ngân sách tỉnh nếu tổng giá trị công trình thi công vượt quá 2.000 phơ-răng.
+       Quản lí, giám sát các công trình do Hội đồng Thành phố thi công với kinh phí trích từ quỹ trợ cấp của Chính quyền Bảo hộ.
Nhân sự người Âu của Sở gồm: Giám đốc Sở là một kĩ sư; kĩ sư trưởng, kĩ sư phó, đốc công, kiểm soát viên hầm mỏ, tham tá, giám sát viên; thanh tra khai thác, trưởng ga, trưởng trạm, trưởng kho, trưởng tàu, thợ cơ khí và bưu tá; thủy thủ và lính gác hải đăng và cọc tiêu; 1 kĩ sư trưởng các bộ phận, thanh tra, tham tá và giám sát viên. Ngoài ra, còn có nhân sự bản xứ: thông ngôn, thợ vẽ, người sao văn bản, công nhân sửa đường, gác cổng…
Phần II. Kĩ sư - Giám đốc Sở Công chính
Kĩ sư - Giám đốc Sở trực chịu sự chỉ đạo của các Khâm sứ Trung Kì và Thống sứ Bắc Kì, được giao quản lí nhân sự, công việc của Sở Công chính.
Về kế toán, Giám đốc Sở không phải là phó chánh chủ trì, không được ủy nhiệm, chỉ có quyền ghi nhận các khoản chi và kiểm tra các thanh toán.
Giám đốc Sở được bổ nhiệm bằng Sắc lệnh theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thuộc địa và trình Toàn quyền. Giám đốc Sở được bổ nhiệm theo các điều kiện sau:
1° Là kĩ sư trưởng hoặc kĩ sư hạng 1 ngành cầu đường hoặc mỏ;
2° Có bằng kĩ sư do trường Quốc gia Cầu Đường hoặc Đại học Mỏ Paris hoặc trường Tổng hợp Paris (Trường Kĩ sư bá nghệ - Ecole des Arts et Manufactures) cấp, có ít nhất 10 năm làm việc tại một bộ phận Công chính hoặc một hãng xe lửa của Pháp;
3° Là kĩ sư trưởng bộ phận ở Trung Kì và Bắc Kì, có ít nhất 5 năm làm việc.
Phần III. Kĩ sư trưởng bộ phận
Giúp việc cho Kĩ sư - Giám đốc Sở Công chính là một hoặc nhiều kĩ sư trưởng bộ phận, được phân bổ theo xứ thuộc địa hoặc theo công việc, được giao nghiên cứu và xây dựng công trình cầu đường, hầm mỏ do Sở Công chính điều hành.
Các kĩ sư trưởng bộ phận có vai trò và quyền hạn như kĩ sư cầu đường, hầm mỏ như ở Pháp. Về phương diện kế toán, kĩ sư trưởng bộ phận chỉ có quyền kiểm tra các khoản chi, chuyển lên Giám đốc Sở những giấy tờ cần thiết phục vụ kiểm tra việc thanh toán các khoản chi trên.
Kĩ sư trưởng bộ phận do Toàn quyền bổ nhiệm, theo đề nghị của Giám đốc Sở. Nơi ở và công việc được giao sẽ do Toàn quyền quy định bằng nghị định. Kĩ sư trưởng bộ phận phải đáp ứng một trong ba điều kiện sau:
+       Là kĩ sư cầu đường hoặc kĩ sư hầm mỏ;
+       Có bằng kĩ sư do trường Quốc gia Cầu Đường hoặc Đại học Mỏ Paris hoặc trường Tổng hợp Paris cấp, có ít nhất 5 năm làm việc ở Sở Công chính hoặc một hãng xe lửa của Pháp;
+       Thi đỗ kì sát hạch ở Hà Nội. Các kĩ sư phó hoặc đốc công làm việc dưới 5 năm ở Trung Kì và Bắc Kì không được phép tham gia kì sát hạch này.
Các kĩ sư trưởng bộ phận được phân thành ba hạng với mức lương quy định như sau:


Lương châu Âu
( phơ-răng)
Lương
thuộc địa
( phơ-răng)
Phụ cấp
( phơ-răng)
Kĩ sư trưởng bộ phận
Hạng 1
11.000
22.000
8.000
Hạn
 2
9.000
18.000
7.000
Hạng 3
7.500
15.000
5.000
Các kĩ sư cầu đường và hầm mỏ biệt phái làm việc ở thuộc địa thuộc sự quản lí của Toàn quyền, được bổ nhiệm theo hạng ở chính quốc, được nâng ngạch bậc theo thời gian và thủ tục như ngạch công chức chính quốc. Các chức danh khác bắt đầu ở hạng 3 và chỉ được đề nghị nâng bậc sau 5 năm làm việc tại mỗi hạng.
Phần IV. Kiến trúc sư, trưởng bộ phận Xây dựng dân dụng
Kiến trúc sư, Trưởng bộ phận Xây dựng dân dụng phụ trách các công trình xây dựng dân dụng theo chỉ đạo của kĩ sư - Giám đốc Sở Công chính. Kiến trúc sư - Trưởng bộ phận xây dựng dân dụng chịu trách nhiệm lập dự án, điều hành thi công các công trình và xem xét giấy tờ cần thiết chuyển tới Giám đốc Sở để xác nhận thanh toán. Liên quan đến xây dựng dân dụng, kiến trúc sư có vai trò và quyền hạn giống như kĩ sư trưởng phòng trong các nghiên cứu và công trình cầu đường, hầm mỏ.
Kiến trúc sư do Toàn quyền bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Sở Công chính. Lương và mức phụ cấp làm việc được quy định như sau:


Lương châu Âu
( phơ-răng)
Lương thuộc địa
( phơ-răng)
Phụ cấp
( phơ-răng)
Kiến trúc sư Trưởng bộ phận
Hạng 1
7.500
15.000
3
000
Hạng 2

.000
12.000
3.000
Hạng 3
5.000
10.000
3.000

Kiến trúc sư trưởng bộ phận được bổ nhiệm bắt đầu từ hạng 3 và phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:
+        Là kiến trúc sư, có bằng của trường Mỹ thuật Paris và từng làm việc ở vị trí kiến trúc sư ít nhất 5 năm trong một công sở;
+       Là thanh tra chính về xây dựng dân dụng ở Trung Kì và Bắc Kì ít nhất trong 5 năm.
Phần V. Phó kĩ sư, đốc công và kiểm soát viên hầm mỏ
Các kĩ sư phó, đốc công và kiểm soát viên hầm mỏ có chức năng và quyền hạn của đốc công cầu đường và kiểm soát viên hầm mỏ ở Pháp, được giao điều hành, giám sát các nghiên cứu và công trình do Sở Công chính quản lí hoặc giám sát các công trình cấp tỉnh.
Đối với các công trình do Sở Công chính quản lí, đốc công và kiểm soát viên chịu sự chỉ đạo của Giám đốc Sở và kĩ sư trưởng bộ phận trực thuộc. Đối với những công trình lớn, một hay nhiều đốc công có thể thuộc quyền quản lí trực tiếp của một kĩ sư phó và do kĩ sư trưởng bộ phận quản lí trực tiếp.
Đối với trình cấp tỉnh, các kĩ sư phó, đốc công và kiểm soát viên hầm mỏ chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Sở, kĩ sư trưởng bộ phận trong các nghiên cứu và công trình cầu đường, hầm mỏ; dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các kiến trúc sư trưởng bộ phận trong các nghiên cứu và công trình xây dựng dân dụng đang thi công tại tỉnh lưu trú. Các kĩ sư phó, đốc công và kiểm soát viên cũng chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Công sứ hoặc Phó Công sứ trong những dự án và công trình công ích của tỉnh.
Kĩ sư phó, đốc công và kiểm soát viên hầm mỏ do Toàn quyền bổ nhiệm. Giám đốc Sở quy định về nơi lưu trú và công việc đối với những người không tham gia các công trình cấp tỉnh. Nơi ở của những người được giao phụ trách công trình cấp tỉnh sẽ do Khâm sứ Trung Kì hoặc Thống sứ Bắc Kì quy định bằng nghị định, theo đề nghị của Giám đốc Sở, sau khi có kết luận của Công sứ hoặc Phó Công sứ của tỉnh lưu trú.
Đốc công hoặc kiểm soát viên hầm mỏ phải đáp ứng một trong ba điều kiện sau:
+       Là đốc công cầu đường hoặc kiểm soát viên hầm mỏ.
+       Là cựu sinh viên các trường Bách khoa, trường Quốc gia Cầu Đường hoặc trường Mỏ Paris hoặc trường Mỏ Saint - Etienne, trường Tổng hợp Paris hoặc một trường Kĩ thuật và Dạy nghề và thi đỗ các kì sát hạch tốt nghiệp.
+       Thi đỗ các kì sát hạch ở Hà Nội quy định tại Nghị định ngày 07 tháng 9 năm 1880 về điều kiện gia nhập hội đốc công cầu đường ở Pháp và trước 1 tiểu ban gồm Giám đốc Sở Công chính, 1 kĩ sư trưởng bộ phận và 1 kĩ sư phó.
Nếu xét thấy cần thiết, Toàn quyền sẽ triệu tập và cho hoạt động tiểu ban trên. Ứng cử viên được nhận vào làm sau kì sát hạch trên có quyền vào làm ở các vị trí đốc công đang khuyết.
Đốc công cầu đường và kiểm soát viên hầm mỏ biệt phái tới làm việc ở thuộc địa và chịu sự quản lí của Toàn quyền Đông Dương được bổ nhiệm theo ngạch và hạng mà họ đang hưởng tại Pháp. Các đốc công và kiểm soát viên này có thể được cất nhắc lên các ngạch và hạng cao hơn so với ngạch công chức chính quốc. Ngạch, hạng và lương của các kĩ sư phó, đốc công và kiểm soát viên hầm mỏ được quy định như sau:
Ngạch và hạng
Lương châu Âu
( phơ-răng)
Lương thuộc địa
( phơ-răng)
Phó kĩ sư Công chính
Hạng 1
7.000
14.000
Hạng 2
6.500
13.000
Hạng 3
6.000
12.00
0
Đốc công chính và kiểm soát viên chính hầm mỏ
Hạng 1
5.500
11.000
Hạng 2
5.000
10.000
Đốc công
à kiểm soát
viên hầm mỏ
Hạng 1
4.000
8.000
Hạng 2
3.500
7.000
Hạng 3
3.000
6.000
Hạng 4
2.500
5.000
Thời gian làm việc tối thiểu tại mỗi ngạch và hạng để được đề nghị nâng bậc quy định như sau:
Đốc công hạng 4 và hạng 3: 18 tháng; hạng 2: 2 năm.
Đốc công hạng 1, đốc công chính hạng 2: 30 tháng
Đốc công chính hạng 1 và kĩ sư phó hạng 2 và hạng 3: 3 năm.
Phần VI. Thanh tra xây dựng dân dụng
Dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư trưởng bộ phận, các thanh tra dân sự giữ vai trò và đảm nhiệm chức trách của kĩ sư phó và đốc công phụ tá cho kĩ sư trưởng bộ phận.
Thanh tra nếu được bổ nhiệm phải đáp ứng một trong ba điều kiện sau:
+       Là kiến trúc sư và tốt nghiệp trường Mỹ thuật;
+       Từng làm việc ở vị trí nhân viên đo kiểm ít nhất trong ba năm tại một công sở;
+       Thi đỗ các kì thi sát hạch ở Hà Nội do Bộ trưởng Bộ Công chính quy định trong Nghị định ngày 07 tháng 9 năm 1880 về điều kiện gia nhập hội đoàn đốc công cầu đường ở Pháp và trước một tiểu ban gồm Giám đốc Sở Công chính, kiến trúc sư trưởng bộ phận và một thanh tra chính … Tuy nhiên, việc sát hạch các thanh tra cũng có một số thay đổi. Nếu xét thấy cần thiết, Toàn quyền triệu tập và cho phép sát hạch.Ứng cử viên được công nhận sau kì sát hạch trên có quyền vào làm việc ở các vị trí khác đang khuyết ngoài vị trí thanh tra, trong thời gian chờ việc có thể được bổ dụng vào vị trí tham tá.
Các thanh tra được phân bổ theo hạng và ngạch, lương được quy định như sau:
Ngạch và hạng
Lương châu Âu
( phơ-răng)
Lương thuộc địa
( phơ-răng)
Thanh tra chính
Hạng 1
5.000
10.000
Hạng 2
4.500
9.000

Thanh tra
Hạng
3.500
7.000
Hạng 2
3.000
6.000

Hạng 3
2.500
5.000


Các thanh tra bắt đầu từ hạng 3 của ngạch. Thời gian làm việc tối thiểu tại mỗi ngạch, hạng để được đề nghị nâng bậc quy định là 18 tháng đối với thanh tra hạng 3; 3 năm đối với thanh tra hạng 2: 2 năm đối với các hạng và ngạch khác
Phần VII. Tham tá Công chính
Tham tá tại các văn phòng kĩ sư hoặc trợ lí kĩ sư phó, đốc công và thanh tra được giao nghiên cứu và giám sát công trình, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của cấp quản lí. Các tham tá có thể được bổ dụng làm trợ tá kĩ sư phó hay đốc công hoặc biệt phái trực tiếp làm việc tại các cơ quan cấp tỉnh.
Tham tá do Toàn quyền bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Sở. Giám đốc Sở Công chính quy định nơi lưu trú và giao việc cho tham tá. Đối với tham tá biệt phái tới làm việc ở các cơ quan cấp tỉnh, nơi ở của họ chỉ được quyết định sau khi có kết luận Công sứ hoặc Phó Công sứ của tỉnh được cử tới làm việc và theo nghị định của Khâm sứ Trung Kì và Thống sứ Bắc Kì. Tham tá được bổ nhiệm phải được công nhận có khả năng hoàn thành công việc, sau kì sát hạch về kĩ năng sau: chữ viết; quy tắc tiếng Pháp; số học sơ cấp; trình bày hệ mét, trọng lượng và đo lường, khái niệm hình học liên quan đến đo góc, diện tích và hình khối; các yếu tố hình hoạ đường nét.
Kì sát hạch diễn ra trước tiểu ban gồm 1 kĩ sư trưởng bộ phận hoặc kiến trúc sư trưởng bộ phận và 2 kĩ sư phó hoặc đốc công chính. Nếu xét thấy cần thiết, Toàn quyền triệu tập họp uỷ ban. Tham tá cầu đường và hầm mỏ biệt phái thuộc ngạch công chức chính quốc, ứng cử viên có bằng cử nhân khoa học hoặc giảng dạy đặc biệt, ứng cử viên được công nhận ngạch đốc công hoặc thanh tra và những người đủ điều kiện để được nhận vào một chức danh thuộc ngạch này được miễn thi kì sát hạch trên.
Tham tá cầu đường và hầm mỏ ngạch công chức chính quốc được biệt phái tới làm việc ở thuộc địa và đặt dưới quyền của Chính quyền Bảo hộ được miễn mọi kì sát hạch và được bổ nhiệm vào ngạch và hạng đang hưởng ở chính quốc. Ngay khi chuyển sang thuộc quyền của Toàn quyền Đông Dương, các tham tá này cũng có thể được cất nhắc vào ngạch hoặc hạng cao hơn nếu có thời gian làm việc đáp ứng yêu cầu ở chính quốc theo quy định.
Tham tá ngạch công chức chính quốc, không thuộc ngạch cầu đường và hầm mỏ, bắt đầu từ ngạch và chức danh tham tá tập sự trong thời gian 6 tháng. Tham tá được phân bổ theo hạng và ngạch, lương như sau:
Ngạch và hạng
Lương châu Âu
( phơ-răng)
Lương thuộc địa
( phơ-răng)
Tham tá chính
Hạng 1
3.500
7.000
Hạng 2
3.000
6.000

Tham  tá
Hạng 1
2.500
5.000
Hạng 2
2.250
4.500
Hạng 3
2.000
4.000
Tập sự
1.750
3.500

Thời gian làm việc tối thiểu tại mỗi ngạch và hạng để được nâng bậc như sau: 18 tháng đối với tham tá hạng 3 và hạng 2; 2 năm đối với tham tá hạng 1; 3 năm đối với tham tá chính hạng 2.
Phần VIII. Giám sát viên Công chính
Theo chỉ đạo của các kĩ sư phó, đốc công thanh tra và tham tá, giám sát viên công chính được giao theo dõi chất lượng thi công các công trình cũng như thực hiện nghiêm túc các điều kiện đấu thầu. Nơi lưu trú và công việc được giao do Giám đốc Sở Công chính quyết định tùy nhu cầu công việc.
Các giám sát viên do Toàn quyền bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Sở Công chính với điều kiện đã từng làm công nhân công chính hoặc chứng minh được năng lực điều hành, tiến độ công trình và công trường hoặc công việc từng làm.
Các giám sát viên công chính bắt đầu từ ngạch giám sát viên tập sự trong thời gian 6 tháng và được phân bổ theo hạng, ngạch và lương như sau:
Ngạch và hạng
Lương
châu Âu
( phơ-răng)
Lương
thuộc địa
( phơ-răng)

Giám sát
viên chính
Hạng 1
3.000
6.000
Hạng 2
2.500
5.000

Tham tá
Hạng 1
2.250
4.500
Hạng 2
2.000
4.000
Hạn
 3
1.750
3.500
Tập sự
Lương công nhật là 3 đồng
Thời gian làm việc cần thiết tại mỗi ngạch và hạng để được đề nghị nâng bậc như sau: 18 tháng đối với tham tá hạng 3 và 2; 2 năm đối với hạng 1; 3 năm đối với giám sát viên chính hạng 2.
Ngoài các giám sát viên được giao phụ trách, Giám đốc Sở Công chính có thể được Khâm sứ Trung Kì và Thống sứ Bắc Kì cho phép tuyển thêm giám sát viên thời vụ đối với 1 số công trình nhất định. Các giám sát viên này được trả thù lao 3 đồng/ngày trích từ kinh phí cấp cho công trình, có thể bị Giám đốc Sở sa thải bất kì lúc nào và thôi việc ngay sau khi công trình được giao hoàn thành. Điều kiện tuyển dụng giống như điều kiện tuyển dụng giám sát viên chính thức.
Phần IX. Nhân sự đặc biệt của bộ phận khai thác đường sắt
Nhân sự đặc biệt của bộ phận khai thác đường sắt chịu sự chỉ đạo trực tiếp của kĩ sư trưởng bộ phận gồm thanh tra khai thác, trưởng ga và trưởng trạm, trưởng tàu, trưởng nhà kho, thợ cơ khí và bưu tá.
Thanh tra khai thác đường sắt phụ trách nhân sự của các nhà ga và tàu. Thanh tra có quyền hạn trong tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động của tàu khách, tàu vận chuyển hàng hoá, hoạt động thương mại và phân bổ thiết bị di động.
Trưởng ga phụ trách mọi công việc liên quan đến hoạt động của nhà ga hoặc trạm. Trưởng tàu được giao kiểm soát và theo dõi các đoàn tàu. Trưởng kho điều hành và giám sát công việc của các thợ cơ khí và lái tàu cũng như công việc tại các nhà xưởng, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, toa xe.
Để được bổ nhiệm, thợ cơ khí phải có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trong vận hành máy móc tại một hãng hỏa xa của Pháp hoặc một xí nghiệp công nghiệp tư nhân, có các chứng nhận loại tốt. Trưởng trạm, trưởng tàu hoặc bưu tá được chọn trong số ứng cử viên được đánh giá đủ năng lực đảm nhiệm vị trí sẽ được bổ dụng.
Nhân sự đặc biệt của bộ phận khai thác đường sắt được tuyển dụng ở chức danh tập sự và hưởng lương hạng thấp nhất. Sau 6 tháng tập sự, theo đề nghị của kĩ sư - Giám đốc Sở, nhân sự đặc biệt này sẽ được bổ dụng vào hạng thấp nhất hoặc bị sa thải. Nhân sự đặc biệt của bộ phận khai thác đường sắt được phân bổ theo hạng, ngạch và lương như sau:
Ngạch
Hạng
Lương châu Âu
( phơ-răng)
Lương thuộc địa
( phơ-răng)
Thanh tra
khai thác
1
5.000
10.000
2
4.500
9.000

3
4.000
8.000


Trưởng ga
1
3.500
7.000


3.000
6.000

3
2.500
5.000

4
2.250
4.500

Trưởng trạm, trưởng tàu
và bưu tá
1
2.250
4.500
2
2.000
4.000
3
1.750
3.500
Trưởng kho

3.500
7.000
2
3.000
6.000
3
2.500
5.000
 Thợ nguội
1
3.500
7.000
2
3.000
6.000
3

.500
5.000
4
2.000
4.000

Thời gian làm việc tối thiểu cần thiết tại mỗi ngạch, hạng để được đề nghị nâng bậc như sau: 2 năm đối với thanh tra khai thác, trưởng ga, trưởng kho và thợ cơ khí; 18 tháng đối với trưởng trạm, trưởng tàu và bưu tá.
Phần X. Nhân sự đặc biệt của bộ phận hải đăng và cọc tiêu
Nhân sự đặc biệt ở bộ phận hải đăng và cọc tiêu gồm: nhân sự phụ trách cọc tiêu: các hoa tiêu trưởng, hoa tiêu và hoa tiêu tập sự; nhân sự phụ trách đèn pha: trưởng gác hải đăng và gác hải đăng.
Theo chỉ đạo của quản đốc phụ trách hoa tiêu, hoa tiêu trưởng phụ trách lắp đặt và giám sát cọc tiêu. Giúp việc cho hoa tiêu trưởng là hoa tiêu và hoa tiêu tập sự. Tại mỗi hải đăng, trưởng gác hải đăng và gác hải đăng phụ trách hệ thống chiếu sáng và đèn báo.
Nhân sự của bộ phận này do Toàn quyền bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Sở. Nhân viên được tuyển dụng phải biết đọc biết viết, biết sử dụng điện tín và nắm được các khái niệm cơ bản về số học. Nhân sự bộ phận này được phân bổ theo ngạch, hạng và lương như sau:

Ngạch và hạng
Lương châu Âu
( phơ-răng)
Lương
thuộc địa
( phơ-răng)
Trưởng  hoaa tiêu
Hạng duy nhất
2.750
10.000

Hoa tiêu
Hạng 1
2.
00
5.000
Hạng 2
2.250
4.500
Hạng
2.000
4.000
Hoa tiêu tập sự
Hạng 1
1.750
3.500
Hạng 2
1.500
3.00

Trưởng gác hải đăng
Hạng duy nhất
2.000
4.000

 Gác hải đăng
Hạng 1
1.500
3.000
Hạng 2
1.350
2.700
Hạng 3
1.200
2.400
Trưởng hoa tiêu được chọn trong số hoa tiêu có ít nhất 3 năm làm việc.
Hoa tiêu được chọn trong số học sinh hoa tiêu có ít nhất 2 năm làm việc.
Trưởng gác hải đăng được chọn trong số gác hải đăng có ít nhất 3 năm làm việc.
Thời gian làm việc tối thiểu cần thiết cho mỗi hạng ngạch để được đề nghị nâng bậc là 2 năm.
Phần XI. Nhân viên Công chính biệt phái hoặc nghỉ phép
Các nhân viên Công chính có thể được biệt phái tạm thời đến làm việc tại các Hội đồng Thành phố và theo đề nghị của Công sứ- Đốc lí. Lương làm việc và nghỉ phép cũng như chi phí hồi hương và trở lại Trung Kì và Bắc Kì sẽ do Hội đồng Thành phố chi trả. Đối tượng nhân viên này làm việc theo chỉ đạo trực tiếp của Công sứ- Đốc lí, người đưa ra đánh giá và đề nghị nâng bậc đối với nhân viên biệt phái. Những đề nghị nâng bậc của Công sứ- Đốc lí chỉ được đưa ra sau khi Giám đốc Sở thông qua. Giám đốc Sở hoặc kĩ sư trưởng bộ phận ít nhất mỗi năm một lần phải kiểm tra về mặt kĩ thuật các công trình do các nhân viên trên thi công và lập báo cáo bao gồm cả công tác kế toán các công trình.
Nhân viên biệt phái chỉ được đề nghị nâng bậc với thời gian làm việc tối thiểu gấp đôi so với thời gian quy định đối với nhân viên cùng ngạch, hạng làm việc tại Sở Công chính. Nhân viên biệt phái tiếp tục đóng tiền khấu trừ lương như nhân viên của Chính quyền Bảo hộ vào Ngân khố.
Được Toàn quyền cho phép và theo đề nghị của Giám đốc Sở, nhân viên Sở Công chính có thể nghỉ phép 1 năm không hưởng lương tới làm việc cho một công ti công nghiệp tư nhân ở Trung Kì và Bắc Kì, với điều kiện các nhân viên này không phải là nhà thầu của Sở Công chính hay nhà cung cấp của bất kì hãng nào thuộc Sở Công chính. Trong thời gian nghỉ phép, các nhân viên này tiếp tục đóng tiền vào quỹ hưu trí. Thời gian nghỉ phép không được kéo dài và nhân viên nào không trở lại tiếp tục công việc trước đó trong thời hạn 1 năm sẽ bị coi là từ chức.
Phần XII. Điều kiện chung để được vào làm tại Sở Công chính và các điều kiện nâng bậc
Điều kiện chung để được tuyển dụng làm việc tại Sở Công chính: quốc tịch Pháp (hoặc đã nhập quốc tịch Pháp), có đầy đủ các quyền dân sự và chính trị, đối với nhân viên ngạch công chức địa phương không quá 35 tuổi.
Các đề nghị nâng bậc và khen thưởng do Giám đốc Sở tiến hành, theo kết luận của Công sứ hoặc Phó Công sứ đối với nhân viên được giao phụ trách các công trình cấp tỉnh và theo kết luận của Công sứ-Đốc lí đối với nhân viên biệt phái tới các Hội đồng Thành phố. Toàn quyền quyết định về các đề nghị trên.
Phần XIII. Trợ cấp- Đi lại- Nghỉ phép- Hưu trí
Nhân viên Sở Công chính được hưởng chế độ lộ phí, trợ cấp lưu trú, đi lại và du lịch ở nước ngoài như quy định tại bảng xếp hạng đính kèm Sắc lệnh ngày 12 tháng 12 năm 1889 và sửa đổi bằng Sắc lệnh ngày 15 tháng 3 năm 1894.
Đối với những đối tượng không được quy định trong các Sắc lệnh trên và đặc biệt đối với thanh tra chính bộ phận xây dựng dân dụng, tham tá chính, giám sát viên chính và đối với nhân sự bộ phận khai thác đường sắt theo phê chuẩn của Sở sẽ được sắp xếp theo cách sau:
Hạng 2: Thanh tra khai thác, thanh tra chính bộ phận xây dựng dân dụng;
Hạng 3: Tham tá chính, giám sát viên chính, trưởng ga, trưởng kho, thợ cơ khí, thợ nguội;
Hạng 4: Trưởng trạm, trưởng tàu.
Nhân viên Sở Công chính đang hưởng công tác phí hoặc trợ cấp đi đường sẽ không được hưởng bất kì trợ cấp đi lại, lộ phí hoặc lưu trú nào ở thuộc địa nhưng có quyền được hoàn trả chi phí đi lại thực tế. Giám đốc Sở, kĩ sư và kiến trúc sư trưởng đơn vị chỉ có quyền hưởng công tác phí quy định. Ngoài ra, theo đề nghị của Giám đốc Sở, công tác phí hoặc trợ cấp đi đường của một số nhân viên Sở Công chính thuộc thẩm quyền quyết định của Toàn quyền, đặc biệt là các nhân viên được giao điều hành và giám sát công trình. Công tác phí hoặc trợ cấp đi đường sẽ được cấp từng năm và được quy định tại một nghị định khác. Các phí hoặc trợ cấp trên sẽ được gia hạn trong năm tiếp theo bằng nghị định đặc biệt. Viên chức Sở Công chính được nghỉ theo quy định như đối với viên chức của các sở khác thuộc Chính quyền Bảo hộ. Viêc chức của chính quốc làm việc tại Sở Công chính được coi như đang làm việc biệt phái và tiếp tục nộp tiền trợ cấp dân sự vào Ngân khố theo quy định.
Phần XIV. Các hình thức kỉ luật
Các hình thức kỉ luật gồm: khiển trách và cảnh cáo; treo chức với thời hạn không quá 3 tháng; giáng hạng và loại; cách chức đối với nhân viên thuộc địa và chuyển sang cho Bộ trưởng xử lí đối với nhân viên ngạch công chức chính quốc.
Các hình thức kỉ luật do Giám đốc Sở đề nghị đối với tất cả các nhân viên; do Công sứ và Phó Công sứ đối với các nhân viên phụ trách các công trình cấp tỉnh và do các Công sứ-Đốc lí đề nghị đối với nhân viên biệt phái làm việc tại các Hội đồng Thành phố. Đối với nhân viên biệt phái, các đề nghị kỉ luật phải trình Giám đốc Sở thông qua. Toàn quyền quyết định hình thức kỉ luật.
Hình thức cách chức hoặc chuyển sang cho Bộ trưởng Bộ Công chính xử lí chỉ được quyết định sau khi có kết luận của hội đồng điều tra với thành phần gồm: một nhân viên ngạch cao hơn, một nhân viên cùng ngạch và một nhân viên cùng ngạch thuộc nhân sự các Toà Công sứ, Khâm sứ. Kết luận của Hội đồng được trình Giám đốc Sở. Giám đốc Sở, sau khi xem xét sẽ đưa ra các đề nghị thích hợp.
Arrêté du 16 juin 1900 du Gouverneur général de l’Indochine instituant un Conseil du Protectorat près du Résident supérieur en Annam.
Nghị định ngày 16 tháng 6 năm 1900 thành lập Hội đồng Bảo hộ bên cạnh Khâm sứ Trung Kì.
(Nguồn:  J 1041, JOIF 1900, tr. 618)
Nghị định gồm 9 điều với các nội dung chính sau:
Hội đồng Bảo hộ Trung Kì do Khâm sứ Trung Kì làm Chủ tịch và các ủy viên gồm Giám đốc Sở Công chính Trung Kì, Tư lệnh tối cao quân đội ở Huế, Thanh tra Nha Thuế quan, đại diện Giám đốc Nha Kiểm tra Tài chính Đông Dương ở Trung Kì, đại điện Phòng Tư vấn hỗn hợp Thương mại và Canh nông Trung Kì, hai thành viên Viện Cơ Mật, Chánh Văn phòng Khâm sứ làm thư kí. Hội đồng có chức năng chính là góp ý về việc:
+       Lập và điều chỉnh các loại thuế;
+       Nhượng quyền về độc quyền, công chính, trợ cấp cho cá nhân và công ti cũng như nhượng đất công;
+        Dự án về công chính thi công theo ngân sách xứ Bảo hộ.

Arrêté du 30 octobre 1906 du Gouverneur général de l’Indochine portant organisation du Service de l’Enseignement en Annam.
Nghị định ngày 30 tháng 10 năm 1906 của Toàn quyền Đông Dương quy định việc tổ chức của Sở Học chính Trung Kì.
(Nguồn: J 1055, JOIF 1906, tr. 1634-1635)
Nghị định gồm 3 phần, 25 điều với các nội dung chính sau:
Hệ giáo dục Pháp tại Trung Kì được áp dụng:
+       Tại các trường dành cho nam sinh và các trường hỗn hợp - nơi có số nam sinh cao hơn số nữ sinh, thầy dạy người Pháp nhiều hơn thầy dạy người bản xứ. Thầy dạy người Pháp có chức danh giáo viên, thầy dạy người bản xứ có chức danh giáo viên tiểu học.
+       Tại các trường dạy nữ sinh và trong các trường hỗn hợp nơi có số nữ sinh cao hơn hoặc bằng số nam sinh, có giáo viên tiểu học người Pháp.
Phần I. Nhân sự người Pháp
Thứ bậc và lương của viên chức người Pháp trong Sở Học chính Trung Kì quy định như sau:
Giáo viên:
- Giám đốc Sở: Lương châu Âu: 16.000 - 12.000 phơ-răng, lương thuộc địa: 8.000 - 6.000 phơ-răng.
- Giáo viên chính ngoại hạng: lương châu Âu: 11.000 phơ-răng và lương thuộc địa: 5.500 phơ-răng, giáo viên hạng 1: 10.000 phơ-răng và 5.000 phơ-răng, giáo viên hạng 2: 9.000 phơ-răng và 4.500 phơ-răng.
- Giáo viên hạng 1: lương châu Âu: 8.000 phơ-răng và lương thuộc địa: 4.000 phơ-răng, hạng 2: 7.000 phơ-răng và 3.500 phơ-răng, hạng 3: 6.000 phơ-răng và 3.000 phơ-răng, hạng 4: 5.000 phơ-răng và 2.500 phơ-răng, tập sự: 4.000 phơ-răng và 2.000 phơ-răng.
- Giáo viên tiểu học: hạng 1: lương châu Âu: 6.000 phơ-răng và lương thuộc địa: 3.000 phơ-răng, hạng 2: 5.500 phơ-răng và 2.750 phơ-răng, hạng 3: 5.000 phơ-răng và 2.500 phơ-răng, hạng 4: 4.500 phơ-răng và 2.250 phơ-răng, hạng 5: 4.000 phơ-răng và 2.000 phơ-răng, tập sự: 3.000 phơ-răng và 1.500 phơ-răng.
Ứng cử viên vào chức danh giáo viên tập sự hoặc giáo viên phải đủ năng lực tiếng Pháp, đáp ứng điều kiện tuyển quân hoặc có giấy miễn quân dịch hợp pháp, có giấy chứng nhận hạnh kiểm tốt, giấy khám sức khoẻ chứng nhận năng lực thể chất đáp ứng điều kiện lưu trú tại Đông Dương, tuổi từ 23 đến 30. Các ứng cử viên đủ điều kiện có thể được bổ nhiệm làm giáo viên tập sự nếu có bằng tú tài, bằng cao đẳng tiểu học sơ cấp hoặc bằng giảng dạy tiểu học kèm theo chứng chỉ năng lực sư phạm. Nếu có bằng văn chương hoặc khoa học, có thể được bổ nhiệm trực tiếp làm giáo viên hạng 3.
Ứng cử viên vào chức danh giáo viên tập sự phải đủ trình độ tiếng Pháp, có giấy chứng nhận hạnh kiểm tốt, có giấy khám sức khoẻ chứng nhận năng lực thể chất đáp ứng điều kiện lưu trú tại Đông Dương và đủ 20 tuổi hoặc trên 40 tuổi. Các ứng cử viên đáp ứng đủ các điều kiện trên có thể được bổ nhiệm làm giáo viên tiểu học tập sự nếu có bằng cao đẳng giảng dạy tiểu học hoặc có chứng chỉ sơ cấp kèm theo chứng chỉ năng lực sư phạm.
Giáo viên và giáo viên tiểu học đáp ứng các điều kiện quy định trong Nghị định ngày 30 tháng 12 năm 1903, sửa đổi bằng Nghị định ngày 20 tháng 6 năm 1905 được chu cấp nhà ở hoặc nhận trợ cấp tượng trưng.
Giáo viên hoặc giáo viên tiểu học tập sự chỉ có quyền được nâng bậc ít nhất sau 1 năm làm việc, chỉ được thăng lên hạng cao hơn sau 2 năm làm việc tại hạng, trong đó có 1 năm làm việc thực tại thuộc địa.
Giáo viên phải đủ năng lực tiếng bản xứ khi chuyển từ hạng 4 lên hạng 3.
Về vấn đề đi lại bằng đường biển, giáo viên và giáo viên tiểu học hưởng trợ cấp đi đường và lưu trú theo quy định của Sắc lệnh ngày 03 tháng 7 năm 1897 sửa đổi bằng Sắc lệnh ngày 06 tháng 7 năm 1904, về điều trị ở bệnh viện, theo quy định của Sắc lệnh ngày 09 tháng 10 năm 1897 và Sắc lệnh liên bộ ngày 10 tháng 3 năm 1897.
Các hình thức kỉ luật áp dụng đối với viên chức người Pháp như sau: Cảnh cáo hoặc khiển trách, khiển trách và ghi vào hồ sơ, treo chức, giáng cấp, cách chức. Ba hình thức kỉ luật đầu tiên sẽ do Khâm sứ quyết định, hình thức giáng cấp, cách chức do Toàn quyền quyết định sau khi có kết luận của Hội đồng Điều tra. Thành phần Hội đồng Điều tra như sau: Chủ tịch: quan cai trị dân sự, các uỷ viên: Chánh văn phòng Phủ Khâm sứ, một viên chức có ngạch bậc cao hơn hoặc bằng với viên chức đang bị điều tra.
Giáo viên hoặc giáo viên tiểu học tập sự có thể bị sa thải nếu không đủ năng lực chuyên môn và được bồi thường theo quy định trong điều 13, phần III của Sắc lệnh ngày 23 tháng 12 năm 1897.
Phần II: Nhân sự bản xứ
Giáo viên người bản xứ ngành giáo dục Pháp - Việt được tuyển dụng phải đủ 21 tuổi, có chứng chỉ học bổ sung Pháp-Việt, có giấy chứng nhận hạnh kiểm tốt, bằng cấp chuyên môn tương đương được cấp ở Bắc Kì và Nam Kì. Đối với giáo viên dạy chữ Hán giảng dạy trong các trường Pháp - Việt, chứng chỉ học bổ sung Pháp - Việt có thể thay bằng một trong số các học vị sau: Tiến sĩ, Phó bảng, Cử nhân hoặc Tú tài.
Lương của giáo viên bản xứ được quy định như sau:
+       Giáo viên tiểu học chính hạng 1: 840 đồng, hạng 2: 780 đồng.
+       Giáo viên tiểu học thực thụ hạng 1: 720 đồng, hạng 2: 660 đồng, hạng 3: 600 đồng, hạng 4: 550 đồng, hạng 5: 500 đồng, hạng 6: 450 đồng.
+       Trợ lí giáo viên tiểu học hạng 1: 400 đồng, hạng 2: 350 đồng, hạng 3: 300 đồng, hạng 4: 240 đồng.
Giáo viên tiểu học có bằng sơ cấp hoặc cao đẳng của Pháp hưởng lương theo quy định như sau:
- Giáo viên tiểu học chính hạng 1: 1.400 đồng, hạng 2: 1.300 đồng.
- Giáo viên tiểu học thực thụ hạng 1: 1.200 đồng, hạng 2: 1.100 đồng, hạng 3: 1.000 đồng, hạng 4: 900 đồng, hạng 5: 800 đồng, hạng 6: 720 đồng.
Thời gian làm việc tối thiểu trong mỗi hạng của ngạch công chức bản xứ để được nâng bậc là 1 năm làm việc thực đối với trợ lí giáo viên tiểu học, 2 năm làm việc thực đối với giáo viên tiểu học thực thụ, 3 năm làm việc thực đối với giáo viên tiểu học chính.
Việc bổ nhiệm và nâng bậc của giáo viên tiểu học bản xứ do Khâm sứ Trung Kì quyết định.
Các hình thức kỉ luật quy định trong điều 10 của nghị định này cũng được áp dụng đối với giáo viên tiểu học bản xứ và do Khâm sứ Trung Kì quyết định. Hình thức cách chức được quyết định sau khi có kết luận của Uỷ ban Điều tra do Khâm sứ chỉ định. Thành phần  Uỷ ban Điều tra gồm: Chủ tịch: 1 quan cai trị dân sự và các uỷ viên: 1 thành viên người Pháp và 1 giáo viên tiểu học bản xứ có ngạch bậc cao hơn hoặc bằng với ngạch bậc của người bị điều tra.
Chế độ nghỉ phép hành chính, nghỉ phép không lương và nghỉ phép do ốm đau cũng được áp dụng đối với giáo viên tiểu học, theo các điều kiện như đối với thư kí- thông ngôn và thư lại thuộc ngạch công chức dân sự Trung Kì.
Lương hưu của giáo viên tiểu học tuân theo quy định của Nghị định ngày 15 tháng 09 năm 1898 về lương hưu của quân nhân và nhân viên dân sự bản xứ Đông Dương.
Phần III. Quy định chung
Giáo viên và giáo viên tiểu học thuộc nhân sự người Âu làm việc tại Trung Kì sẽ được xếp vào các khung mức lương mới được hưởng theo học vị. Nếu lương cũ không tương đương với các mức lương mới quy định tại điều 2, giáo viên và giáo viên tiểu học thuộc nhân sự người Âu sẽ được bổ nhiệm vào hạng thấp hơn và tạm thời được hưởng lương hiện thời cho đến khi được nâng bậc theo quy định.
Giáo viên thuộc ngạch công chức Bắc Kì biệt phái đến Trung Kì được xếp vào ngạch công chức mới trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày ban hành nghị định này.
Một Uỷ ban do Khâm sứ chỉ định chịu trách nhiệm tuyển dụng vào biên chế các giáo viên tiểu học bản xứ hiện đang làm việc tại tỉnh dựa trên thâm niên và các đánh giá trước đó.