Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2017

Thử tìm cách đối lại vế ra của cụ Nguyễn Khoa Vy

Thử tìm cách đối lại vế ra của cụ Nguyễn Khoa Vy: "Tết tới túng tiền tiêu, tính toán toan tìm tay tử tế"

TRỐNG ĐÃ RA THỦ ĐÔ ĂN TẾT

Từ khi công bố câu đối thách cách nửa thế kỷ của nhà thơ Nguyễn Khoa Vy, tòa soạn đã đi từ trạng thái hồi hộp, lo lắng đến… bối rối.
Con gà trống đã ra thủ đô ăn Tết
Lúc đầu cứ sợ không ai hưởng ứng và “số phận” con gà trống chắc vẫn phải quẩn quanh trong vườn nhà chị Bội Lan, con gái của nhà thơ, ở Vỹ Dạ, (điều mà chắc chị Bội Lan cũng sẽ rất buồn lòng). Nhưng đến khi đón nhận sự hưởng ứng quá sức nồng nhiệt của bạn đọc từ khắp nơi trong nước (nồng nhiệt đến nỗi cả nhà văn Phó tổng biên tập của SH cũng lén lút nhảy vào cuộc thi bằng cách dấu tên nhưng không may bị tòa soạn lật “tẩy” qua nét chữ, thì tòa soạn đâm ra hết sức bối rối. Bối rối bởi lẽ là: Câu đối hay thì nhiều, quá nhiều mà gà thì chỉ có một! Đến nay, nghĩa là khi người Sông Hương viết những dòng này, tòa soạn đã nhận được tất cả 352 câu được gửi đi từ khắp các địa phương trong cả nước, từ thủ đô Hà Nội đến miền sông nước Cửu Long xa xôi và cả tận bên Pari. Thực tình đã có lúc Người Sông Hương tính đến nước liều, đề nghị tòa soạn thôi thì… lờ đi cho đỡ nặng gánh, có nghe phê bình thì đành chấp nhận thương đau vậy. Tất nhiên là không ai dám công khai cái chước mười mươi gian lận này, thế nhưng xét chọn câu hay xứng đáng nổi bật trong số câu hay thì người nào cũng… líu lưỡi. Cuối cùng may mắn làm sao, trong một ngày cuối năm đẹp trời (có lẽ là một ngày đẹp trời nhất trong những ngày đẹp trời ở Huế), đối với Người Sông Hương tòa soạn nhận được một lá thư kèm với một bài viết dài 5 trang đánh máy của một nhà ngôn ngữ học quen biết, giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, từ Hà Nội gửi vào. Bài viết có nhan đề: Thử tìm cách đối lại vế ra của cụ Nguyễn Khoa Vy và cả lá thư thân tình cụ cũng bảo là chỉ dám “thử” thôi, chứ không tham gia vào cuộc thi, vì câu thách của nhà thơ quá “đắt” còn con gà trống của nhà thơ thì cụ đề nghị hãy cứ để cho nó nhảy tung tăng trong vườn nhà chị Bội Lan. Đọc xong lá thư và cả bài viết của nhà ngôn ngữ học nổi tiếng vốn đã đọc câu thách đối từ nửa thế kỷ trước, Người Sông Hương và cả tòa soạn thở ra nhẹ nhõm. Thế là tai qua nạn khỏi! và dù giáo sư Nguyễn Tài Cẩn không muốn, Người Sông Hương cũng xin được thông báo với toàn thể bạn đọc tin vui: Con gà trống của nhà thơ Nguyễn Khoa Vy đã lên tàu Thống Nhất ra thủ đô Hà Nội ăn tết, đồng thời xin gửi đến tất cả các bạn đã hưởng ứng cuộc thi lời cám ơn chân thành của tòa soạn và của chị Bội Lan, con gái của nhà thơ.
Dưới đây xin giới thiệu với bạn đọc một số câu đối hay tòa soạn đã nhận được và bài viết của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn mà Người Sông Hương hy vọng rằng các bạn đã sẽ rất đồng tình với quyết định của Sông Hương.
NGƯỜI SÔNG HƯƠNG


THỬ TÌM CÁCH ĐỐI LẠI VẾ RA CỦA CỤ NGUYỄN KHOA VY
                                       GS. NGUYỄN TÀI CẨN

Sông Hương số 25 đã cho tôi những phút thật thú vị: “gặp lại” vế ra “quen biết” của cụ Nguyễn Khoa Vy, đồng thời lại được đọc 7 câu gần đây anh chị em các nơi gửi về, xin đối lại. Nói “gặp lại”, “quen biết cũ” là vì câu Tết tới túng tiền tiêu, tính toán toan tìm tay tử tế là một câu, cách đây gần nửa thế kỷ, tôi đã từng được nghe, hồi tôi còn học ở Huế. Một số thầy giáo của tôi hồi đó như cụ Bửu Cân, cụ Hồ Đắc Bích thường hay nói chuyện về nhà thơ Nguyễn Khoa Vy, kể một số giai thoại văn học có liên quan đến nhà thơ, và tất nhiên, trong các mẩu chuyện thú vị đó thì có cả câu chuyện về cái vế thách đối nổi tiếng vừa nói trên. Tôi cũng còn nhớ mang máng hình như hồi ấy, ở Ngày nay hay Phong Hóa gì đó, đã có câu đối lại: Xuân sang xong xổ số, say sưa sắm sửa sẵn xu xài. Câu này, theo tôi, chỉ là một câu đối đùa cho vui, nhân dịp tết, chứ “túng tiền tiêu” mà đối “xong xổ số”, “tay tử tế” mà đối “sẵn xu xài” thì quả chưa ổn. Hơn nữa, cho lẫn lộn S, X theo giọng Bắc thì cũng là điều có phần gượng ép.
Sông Hương đưa câu của cụ Nguyễn Khoa Vy ra thách đối, thu hút được sự chú ý của nhiều bạn đọc. Tôi thấy hứng thú, cũng muốn bắt đầu “nhảy vào cuộc”, thử gợi lên một hướng đi, gọi là để góp vui.
Là người làm công tác nghiên cứu ngôn ngữ học, chúng tôi không thể chỉ ngồi chờ mong vào cái tài ứng đối mẫn tiệp, cái tài trước kia đã bao lần được nói đến ở chuyện các thần đồng, các vị đi sứ v.v… hiện tại còn ghi lại ở các mẩu giai thoại văn học. Nếu chỉ chờ ở tài năng, nhỡ trời không phú cho chúng ta cái tài năng ấy thì biết ngồi chờ đến bao giờ? Cho nên phải mất thì giờ, không phải là ngồi để rung đùi, chờ hứng đến; cũng không phải là để bắt óc, khai thác những gì dễ nổi lên trong trí nhớ, mà là để phân tích các yêu cầu ở vế ra, rồi sau đó là để làm việc với các bộ từ điển tra theo từng phụ âm: lập danh sách danh từ, động từ, tính từ: từ đơn tiết từ đa tiết; cố gắng xếp theo khả năng này, ghép theo khả năng nọ v.v…và.v.v…
Với cách làm ấy, chỉ sau một thời gian sơ bộ khảo sát 5 phụ âm đầu C (K, Q), Đ, L, X chúng tôi thấy cũng đã hiện lên khá nhiều khả năng. Chẳng hạn:
I. Nếu coi vế ra là vế tả cuộc đời một kẻ hàn nho, thì có thể tạm đối lại:
1. Bằng cuộc đời một kẻ sung túc, no đủ, có điều kiện tập bạn bè đánh bạc, tổ chức đồng bóng hay gọi cô đầu đàn hát.v.v…
Ví dụ:
– KỴ QUA, CÒN CỖ CÚNG, KỲ KÈO CỐ KÉO CÁNH CÒ QUAY (HOẶC CÒ CƯA)
– KỴ QUA, CÒN CỖ CÚNG, QUÂY QUẦN QUẤY CỢT CÁNH CẦM CA
– KỴ QUA, CÒN CỖ CÚNG, QUẦN QUANH QUÂY QUẤY CÁNH CẦU KỲ
(Cò quay: một trò đánh bạc; cò cưa: chơi kiểu đàn nhị, chơi không hay (xem từ điển Thanh Nghị); nếu sự cầm ca có nghĩa quá rõ, không khớp với tử tế thì có thể thay bằng cò cưa hoặc ca cơ hoặc ca công, cam ca (xem từ điển Đào Duy Anh), cầu kỳ ngoài nghĩa thông thường còn có từ đồng âm với nghĩa là cầu đảo (xem từ điển Đào Duy Anh)
2. Hoặc bằng cuộc đời một kẻ giàu có nhưng keo kiệt, sợ cảnh cháu con, khách khứa ở lâu, ăn bám:
– KỴ QUA, CẤT CỖ CÚNG, QUANH CO CỐ CẢN CÁNH CÀ KÊ
– KỴ QUA, CẤT CỖ CÚNG, QUANH CO QUAY CẢN CÁNH CÀ KÊ (có thể thay quanh co bằng cáu co; cản bằng cấm hay cắt hoặc quát)
3. Hoặc bằng cuộc đời một kẻ quyền thế, tham nhũng, lại móc ngoặc với bọn làm ăn phi pháp (loại tiêu cực mà báo chí hiện chống!)
– QUYỀN CAO, QUƠ CỦA CẤT, QUANH CO CÒN KẾT CÁNH CÔN QUANG
– QUYỀN CAO, CÓ CỦA CẤT, QUANH CO CÒN QUỊT KẺ CÙNG CƠ
– QUỸ CÒN, KIẾM CÁCH CUỖM, KIỂM KÊ CỐ CÃI CỚ QUANH CO
– CỬA QUA (qua hải quan!), CÓ CỦA CẤM, KIỂM KÊ CÒN KIẾM KẾ QUANH CO.
(Có thể thay còn kết bằng còn cậy hay cố kết; quịt bằng cuỗm hay cướp; cùng cơ có thể thay bằng cùng cư (ở nơi cùng tịch, ở vào cảnh cùng khốn, theo Đào Duy Anh); kẻ cùng cư cũng có thể tạm cho là còn có nghĩa thứ hai: kẻ cùng “ở”. Có thể thay quỹ còn bằng quỹ quên hay quỹ quen; cãi bằng kế)
II. Nếu coi vế ra là vế tả cảnh tết nhất, thì có thể đối lại bằng:
1. Cảnh hội hè, đình đám:
– ĐÁM ĐƯA, ĐÔNG ĐOÀN ĐIẾU, ĐẢM ĐƯƠNG ĐỪNG ĐỂ ĐỨA ĐUỀNH ĐOÀNG.
– ĐÁM ĐI, ĐÔNG ĐOÀN ĐIẾU, ĐÓN ĐƯA ĐỪNG ĐỂ ĐỨA ĐUỀNH ĐOÀNG
– ĐÁM ĐI, ĐÔNG ĐOÀN ĐIẾU, ĐẮN ĐO ĐÀNH ĐUỔI ĐỨA ĐONG ĐƯA.
(Có thể thay điếu bằng đến)
2. Cảnh tiệc tùng:
– TIỆC TAN, TÀN TỐI TIỄN, TỈ TÊ TÌM TỎ TÍ TÂM TƯ
– TIỆC TÀN, TÚM TAY TIỄN, TỈ TÊ TÌM TỎ TÍ TÂM TƯ
(Nếu nghĩ đến một buổi tiễn đưa ở nước ngoài thì cũng có thể đổi thành Tuyết tan, tàn tối tiễn…)
Nhưng đó là với nhân vật chính. Còn với tay chân nhân vật chính thì:
– TIỆC TAN, TÀN TỐI TIỄN, TỈ TÊ TÌM TÁN TỤI TÙY TÙNG
– TIỆC TÀN, TÚM TAY TIỄN, TỈ TÊ TÌM TÁN TỤI TÙY TÙNG
3. Cảnh mùa màng thời tiết:
– LỤT LÊN, LO LÚA LÚT, LĂM LE LIỄU LỘI LỐI LÀM LẦY
(Có thể thay lo bằng lấy; lúa bằng lạc; lăm le bằng lấm lem)
Nhưng nếu không phải bản thân người lao động mà là một ông gia đình, chủ trại.v.v… thì lại có thể:
– LỤT LÊN, LO LÚA LÚT, LU LOA LA LỐI LŨ LÂU LA
(Có thể thay lâu la bằng lầm lỳ; lâu la có hai nghĩa: chậm trễ và bọn bộ hạ).
III. Còn nếu coi vế ra là một tự vịnh (tự trào, tự thán) của bản thân nhà thơ Nguyễn Khoa Vy thì cũng có thể đối lại bằng cảnh tự vịnh của một nhân vật khác, ở một tình thế khác. Ví dụ:
1. Cảnh tự vịnh của một xã viên hợp tác xã, một công nhân công trường… khi gặp chuyện không may:
– XUÂN XONG, XIÊU XƯỞNG XÁT, XỞ XOAY XIN XỎ XÃ XUÊ XOA
– XUÂN XONG, XẸP XE XÚC, XỞ XOAY XIN XỎ XƯỞNG XUÊ XOA
(Có thể thay xuê xoa bằng xuề xòa)
2. Đối với cánh đi nghiên cứu, điều tra điền dã thì:
– XUÂN XONG, XIN XÃ XÉT, XỞ XOAY XÔNG XUỐNG XÓM XA XÔI
– XUÂN XONG, XOAY XẮC XÁCH, XÁO XÔNG XIN XUỐNG XỨ XA XÔI
3. Còn đối với trường hợp như tác giả mấy dòng này, một người từng bị trộm cướp hành hung, phải chống lại, thì:
– CỬA CÀI, CÓ KẺ CẠY, KIÊN CƯỜNG QUYẾT QUẬT CÁNH CÔN QUANG
(Hoặc quang côn, theo từ điển Khai Trí Tiến Đức)
– CƯỚP QUÂY, QUƠ CỌC QUẤT, KIÊN CƯỜNG QUYẾT QUẬT CÁNH CÔN QUANG
(Có thể thay quơ cọc quất bằng quay quyền cán hay kiếm cách cản hoặc còn kế cản; quật bằng quét; côn quang bằng kình côn. Cánh kình côn có thể hiểu là cánh thú dữ, mà cũng có thể tạm hiểu là cánh đang giương côn lên đánh; đối với cánh côn quang cánh quang côn cũng vậy)
Rõ ràng trong các khả năng phác thảo trên đây, chưa có một khả năng nào có thể làm chúng ta vừa ý, đang được coi là đối chỉnh. Đã có một số cố gắng nhất định, ví dụ:
a) Cố gắng đối cho được những cụm từ rất tự nhiên ở đoạn đầu, như:
Tết tới, túng tiền, tiền tiêu, túng tiền tiêu, tiêu Tết (Tết… tiêu) đối lại bằng:
– KỴ QUA, CÒN CỖ, CỖ CÚNG, CÒN CỖ CÚNG, CÚNG KỴ (KỴ… CÚNG) hoặc – cửa cài, có kẻ, kẻ cạy, có kẻ cạy, cạy cửa (cửa… cạy)
b) Cố gắng đối cho được những quan hệ xoắn xuýt giữa những yếu tố gần nghĩa, liên đới về nghĩa ở đoạn giữa, như:
TÍNH TOÁN, TÍNH TOÁN TOAN
Đối lại bằng:
– QUẦN QUANH, QUẤN QUANH QUÂY
hoặc
– KIÊN CƯỜNG, KIÊN CƯỜNG QUYẾT
Nhưng chất lượng bên đối còn thua xa bên ra. Nhất định… còn cần phải khổ công tiếp tục tìm tòi thêm nữa: tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn về 5 phụ âm trên đây: tiếp tục khảo sát thêm về 17 phụ âm còn lại: B, CH, D, G, H v.v… Rồi đây chúng ta có sẽ đạt được một câu ưng ý hay không, điều này còn tùy thuộc vào khả năng mà ngôn ngữ cho phép, nhưng muốn biết khả năng đó như thế nào thì không có con đường nào tốt hơn là ngồi mở từ điển ra, tra từ đầu chí cuối!
***
“Xuất đối dị, đối đối nan”, lẽ thường xưa nay là như vậy. Hồi năm 1965, xem bảng thống kê từ lấp láy của một đồng chí nghiên cứu ngôn ngữ khi gặp từ lâm thâm, tôi bỗng nghĩ đến câu Da trắng vỗ bì bạch và đối lại: Rừng sâu mưa lâm thâm. Câu ra có nét nghịch ngợm rất rõ, lộ ra chủ yếu ở mặt tượng thanh, câu đối lại cũng không phải là không ngầm có tý nghịch ngợm, nếu nghĩ đến mặt hình tượng. Hơn nữa, may mắn lại có thâm để đối lại với bạch. Ấy thế mà anh em bạn bè vẫn chưa cho là được.
Cho nên, lần này tôi cũng nghĩ vậy: khó mà đối được với câu ra của cụ Nguyễn Khoa Vy, một cách thật là ưng ý. Cái khổ ở đây không phải chỉ ở chỗ tìm cho được một câu có ý nghĩa, gồm 12 tiếng cùng phụ âm đầu, ứng được với vế ra về các mặt bằng trắc, từ loại, cấu tạo từ… mà còn phải tìm cách đối cho được – như trên đây đã nói – những cụm từ rất tự nhiên ở đoạn đầu và những quan hệ xoắn xuýt ở đoạn giữa. Hơn nữa, quan hệ giữa tính và toán, giữa toan và tìm, giữa tử và tế cũng không thể đánh đồng đều: giữa toan và tìm, là quan hệ lóng, có tính chất cú pháp; giữa tính và toán, giữa tử và tế là quan hệ chặt, có tính chất tự pháp hay gần với từ pháp. Nhưng tính và toán là hai tiếng rõ nghĩa và cùng nghĩa; tử + tế lại là một tổ hợp gốc Hán hiện nay đã chuyển nghĩa đi quá xa, mọi yếu tố không còn giúp ta hiểu được nghĩa của tử tế nữa. Mà đó là chưa nói đến một số điểm lắt léo khác làm cho câu ra thêm khó, ví dụ ở tử tế còn có hiện tượng đồng âm: tay tử tế vừa có nghĩa là người tốt bụng, vừa có thể tạm hiểu với nghĩa là bàn tay của con (= tử) và rể (= tế)…
Cho nên, theo tôi không dễ đâu! Mà đã như vậy thì đành phải để con gà tiếp tục gáy ở nhà chị Nguyễn Khoa Bội Lan. Hơn nữa dẫu sau này có tìm được câu khá ưng ý thì cũng cứ nên để cho chị Bội Lan nuôi nó tiếp tục gáy vì nó còn gáy thì còn làm cho chúng ta mãi mãi tìm tòi.
                                                                                             N.T.C.

Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

Giáo dục Việt Nam thời kỳ thuộc địa, qua tài liệu và tư liệu lưu trữ( 1858-1945)


Giáo dục Việt Nam thời kỳ thuộc địa, qua tài liệu và tư liệu lưu trữ( 1858-1945)










NỘI DUNG

1.      
Décision No 89 du 8 mai 1862 du Contre-Amiral commandant en chef relative à l’institution du collège annamite.
Quyết định số 89 ngày 08-5-1862 của Chuẩn Đô đốc về việc thành lập Trường Thông ngôn An Nam.
(Nguồn: J 4, BOC 1862, tr. 147-150)
Trường Thông ngôn An Nam thành lập tại Sài Gòn dưới sự bảo trợ của Chuẩn Đô đốc và sự giám sát của Quan Bố tỉnh Gia Định. Trường ra đời với mục đích đào tạo đội ngũ thông ngôn.
Chức hiệu trưởng Trường Thông ngôn được giao cho thầy Croc với sự hỗ trợ của ông Thu, giám mục người An Nam và 2 giáo viên khác được lựa chọn trong số «học viên - thông ngôn».
1. Điều kiện tuyển sinh và phương pháp học tập tại Trường Thông ngôn An Nam
Học viên - thông ngôn là những người (gốc Âu) phiên chế trong quân đội hoặc hải quân. Họ sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ và có khả năng học tiếng An Nam. Họ tham gia thi tuyển trước một hội đồng khảo thí và hội đồng có trách nhiệm đề xuất lên Chuẩn Đô đốc những trường hợp đạt hay không đạt.
Sau 3 tháng thực tập, học viên nào không đủ khả năng theo học hoặc tỏ ra lười biếng sẽ bị trả lại quân ngũ.
Theo quy định, số học viên - thông ngôn không được quá 10 người, hưởng lương quân ngũ và khẩu phần ăn trị giá 6 đồng Đông Dương/tháng từ ngân sách bản xứ.
Hai giáo viên của trường hưởng phụ cấp trị giá 2 đồng Đông Dương/tháng và thêm 2 đồng Đông Dương nữa nếu tham gia giảng dạy cho người bản xứ.
Kết thúc khóa học, học viên - thông ngôn trải qua một kì thi trước hội đồng khảo thí và nếu được công nhận đủ khả năng làm việc trong các ban thanh tra bản xứ, họ có thể nghỉ làm công việc trước đây vĩnh viễn hoặc gia hạn tùy theo từng trường hợp. Chuẩn Đô đốc cấp bằng Phụ tá thông ngôn và chỉ định đơn vị tiếp nhận thông ngôn. Trong trường hợp ngược lại, học viên bị trả lại quân ngũ hoặc trả về quê nếu bị giải ngũ.
2. Thứ bậc và cách thức nâng bậc của thông ngôn người Pháp
Đội ngũ thông ngôn người Pháp gồm:
Thông ngôn hạng 1
60 (đồng Đông Dương/tháng)
Thông ngôn hạng 2
50
Phụ tá thông ngôn
40
Ngạch công chức này có thể thay đổi tùy theo nhu cầu công việc. Tuy nhiên, theo quy định, chỉ những thông ngôn có hạnh kiểm xấu mới bị sa thải sau khi điều tra và theo lệnh của Chuẩn Đô đốc.
Phụ tá thông ngôn thành thạo tiếng An Nam làm việc tối thiểu 1 năm có thể dự tuyển chức danh thông ngôn hạng 2. Hội đồng khảo thí sẽ nhóm họp để thảo luận về việc tuyển học viên vào ngạch này theo lệnh triệu tập của Tổng Tham mưu trưởng, dưới sự chủ trì của Tổng thanh tra các công việc nội chính bản xứ và ông Thu với tư cách là trợ tá.
Thông ngôn hạng 2 được nâng bậc lên thông ngôn hạng 1 nếu có thời gian công tác tối thiểu 1 năm tại vị trí này.
2.      
Décision No 44 du 31 mars 1863 du Vice-Amiral gouverneur de la Cochinchine relatif au rétablissement de l’instruction publique en Cochinchine.
Quyết định số 44 ngày 31-3-1863 của Phó đô đốc, Thống đốc Nam Kì về việc tái lập nền học chính tại Nam Kì.
(Nguồn: J 4, BOC 1862-1863, tr. 310-313)
Theo đó, các hạt giáo dục cũ tại ba tỉnh Nam Kì thuộc Pháp chính thức được tái lập.
Tổ chức của các hạt giáo dục và quy định quyền hạn của viên chức bản xứ
Đứng đầu hạt giáo dục của mỗi tỉnh là một đốc học, có quyền tổ chức và tập trung mọi vấn đề liên quan đến chương trình giảng dạy tại các phủ, huyện và xã trong tỉnh; tổ chức các kì thi hàng quý cho học sinh; theo dõi việc duy trì chế độ đãi ngộ đối với nho sĩ và học sinh tại các xã; khuyến khích nho sĩ tham gia học tập; đưa ra các đề xuất liên quan đến kì thi tuyển dụng thơ lại đang khuyết thiếu trong bộ máy chính quyền của từng tỉnh.
Đốc học đặt dưới quyền chỉ đạo trực tiếp của chủ tỉnh và ăn nghỉ ngay tại tỉnh lị. Đốc học giúp việc cho chủ tỉnh trong việc đôn đốc các viên chức, giáo thụ và huấn đạo tại các tiểu khu thực thi nhiệm vụ được giao.
Mỗi phủ có một giáo thụ và mỗi huyện có một huấn đạo. Tại tiểu khu trực thuộc, những viên chức này có quyền hạn như đốc học ở cấp tỉnh. Tuy thuộc quyền quản lí của Đốc học song giống như trước đây, các viên chức này vẫn chịu sự chỉ đạo của quan huyện, quan phủ và thanh tra tiểu khu. Theo tập quán của người bản xứ, những viên chức này còn có thể đại diện cho quan phủ, quan huyện trong tiểu khu trực thuộc khi cần thiết, giám sát việc thành lập và duy trì hoạt động của các trường học cấp xã.
Đốc học quản lí một trường học gồm những học sinh giỏi nhất trong tỉnh do đốc học tuyển chọn từ các kì thi tuyển khác nhau, nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành học chính, với tỉ lệ như sau: Sài Gòn 10 học sinh; Mĩ Tho: 6 và Biên Hòa: 6. Trong số học sinh này có thể gồm cả tú tài hoặc cử nhân.
Những kì thi lớn từng được tổ chức tại Sài Gòn ba năm/lần được mở lại tại ba tỉnh thuộc Pháp theo cách thức cũ. Kì thi Hương đầu tiên diễn ra vào thượng tuần tháng 9 của năm Giáp Tí (tháng 10-1864). Sau mỗi kì thi, văn bằng tú tài và cử nhân được trao cho những học sinh xứng đáng của ba tỉnh. Các kì thi hàng năm diễn ra vào mùa xuân và mùa thu (tháng 4 và tháng 10) được tổ chức như trước theo lệnh của đốc học. Đốc học có quyền đề xuất với chủ tỉnh về việc áp dụng một số ưu tiên đối với thí sinh dự thi như: miễn quân dịch, làm xâu…
Một số tú tài và cử nhân có thể được cử tới làm việc tại một đơn vị trong chính quyền trung ương, ở phủ hoặc huyện để tìm hiểu về chính quyền. Số lượng tú tài và cử nhân nói trên không vượt quá số lượng tiểu khu tại mỗi tỉnh. Để phổ cập việc học tiếng bản xứ được viết bằng hệ thống kí tự của người Âu (chữ Quốc ngữ), mỗi giáo thụ sẽ có một thông ngôn hạng 1, hạng 2 hoặc hạng 3 giúp việc. Việc học chữ Quốc ngữ là không bắt buộc, nhưng trong các kì thi tuyển vào những vị trí khuyết vắng, nếu năng lực ngang nhau, ứng viên biết chữ Quốc ngữ sẽ được ưu tiên. Cùng với ngôn ngữ viết chính thức, việc học chữ Quốc ngữ mang tính bắt buộc và miễn phí đối với tất cả viên chức mới hưởng thù lao từ nguồn ngân sách của chính phủ. Tại các xã, đội ngũ thầy đồ vẫn đảm nhiệm việc dạy học theo tục lệ đương thời của xứ.
Lương, thứ bậc và nâng bậc của viên chức bản xứ
Có 3 hạng đốc học: hạng 1 hưởng lương không phải đóng thuế là 70 đồng Đông Dương/tháng; hạng 2: 65 đồng Đông Dương/tháng; hạng 3: 60 đồng Đông Dương/tháng.
Giáo thụ hưởng lương không phải đóng thuế là 30 đồng Đông Dương/tháng.
Huấn đạo hưởng lương không phải đóng thuế là 20 đồng Đông Dương/tháng.
Thông ngôn giúp việc cho giáo thụ và huấn đạo hoặc nho sĩ hưởng lương theo hạng. Tú tài và cử nhân tập sự hưởng lương không phải đóng thuế là 10 đồng Đông Dương/tháng. Học sinh giúp việc cho các đốc học hưởng lương không phải đóng thuế là 5 đồng Đông Dương/tháng, nếu chưa có bằng cấp.
Mọi viên chức, kể cả học sinh đều do Thống đốc bổ dụng trực tiếp hoặc theo đề nghị của chủ tỉnh. Các đốc học chuyển từ hạng thấp lên hạng cao hơn sau 3 năm làm việc. Để nâng ngạch, họ không nhất thiết phải trải qua 3 hạng nêu trên.
Đốc học được chọn từ các quan phủ có khả năng nhất. Chức giáo thụ và huấn đạo được chọn ngẫu nhiên hoặc qua kì thi tuyển tú tài và cử nhân tập sự.
Một nửa vị trí thơ lại hoặc nho sĩ hạng 1 và hạng 2 do các tú tài hoặc cử nhân đảm nhiệm. Số vị trí còn lại cũng như số vị trí nho sĩ hạng 3 do các nho sĩ được đánh giá có năng lực đảm nhiệm (không cần bằng cấp).
Nghỉ phép và trợ cấp hưu trí
Viên chức bản xứ được nghỉ phép do ốm đau hoặc sức khỏe yếu. Thời gian nghỉ phép có thể vô thời hạn, nhưng chỉ hưởng 1/3 lương làm việc trong 6 tháng đầu nghỉ phép.
Tất cả viên chức bản xứ hưởng trợ cấp hưu trí theo thâm niên làm việc, sau 30 năm làm việc thực tế; trợ cấp sẽ theo tỉ lệ công việc hoàn thành.
Đi lại và phương tiện
Các chức danh sẽ dần được bổ sung khi có ứng viên đủ năng lực và dựa trên nhu cầu về số lượng học sinh cũng như sự phát triển của các trường học. Sau kì thực tập, những viên chức ngành học chính được đánh giá về năng lực để xét nâng bậc. Ba tháng một lần, đốc học hoặc người tạm quyền giữ chức vụ này phải trình quan chủ tỉnh bản báo cáo về số lượng trường học, số học sinh, kết quả đạt được cũng như đề xuất sáng kiến cải tiến liên quan đến các trường. Sau đó, quan chủ tỉnh tiếp trình báo cáo lên Thống đốc.
Một khoản trợ cấp sẽ được trích từ nguồn thu của các tỉnh để triển khai hoạt động của các trường học. Các tổng cũng phải đóng góp tuỳ theo điều kiện nhằm tạo thuận lợi cho ngành giáo dục phát triển.
3.      
Ordre No 60 du 16 juillet 1864 du Contre-Amiral gouverneur de la Cochinchine portant création d’écoles primaires pour apprendre aux indigènes à écrire leur langue en caractères européens.
Lệnh số 60 ngày 16-7-1864 của Chuẩn Đô đốc, Thống đốc Nam Kì về việc thành lập một số trường tiểu học để dạy tiếng Pháp cho người bản xứ.
(Nguồn: J 6, BOC 1864, tr. 81-82)
Theo đó, Chuẩn Đô đốc cho phép mở một số trường tiểu học tại những trung tâm quan trọng để dạy thanh thiếu niên bản xứ phương pháp dịch từ chữ Quốc ngữ sang tiếng Pháp. Mỗi lớp học sẽ do một thông ngôn phụ trách.
Vào đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm nộp danh sách học sinh cho thanh tra công việc nội chính bản xứ.
Sau 2 tháng, viên chức này tiến hành thanh tra các trường tiểu học nhằm đánh giá kết quả đạt được và đề cử những giáo viên xứng đáng nhận phần thưởng theo quy định như sau:
Đối với mỗi học sinh biết đọc, biết viết, giáo viên được nhận 1 phơ-răng, và 50 xu đối với học sinh biết đọc.
Học sinh biết đọc, biết viết cũng được thưởng 1 phơ-răng và nhiều phần thưởng khác, tuỳ theo năng lực.
Những người chứng minh có đủ kiến thức, năng lực có quyền mở trường tại các làng lân cận.
Thanh tra công việc nội chính bản xứ chịu trách nhiệm tổ chức những trường học này, được cấp văn phòng phẩm, mẫu sổ sách cũng như giấy tờ cần thiết để mở trường tại mỗi tiểu khu.
Mọi chi phí liên quan trích từ khoản 3, chương III thuộc ngân sách địa phương do Chuẩn Đô đốc thông qua.
4.      
Décision No 126 du 10 juillet 1871 du Contre-Amiral qui institue à Saigon une école normale coloniale.
Quyết định số 126 ngày 10-7-1871 của Chuẩn Đô đốc về việc thành lập Trường Sư phạm thuộc địa tại Sài Gòn.
(Nguồn: J 19, BOC 1871, tr. 230-232)
Quyết định gồm 6 điều, với một số nội dung chính sau:
Điều 1. Quyết định thành lập một trường cao đẳng mang tên Trường Sư phạm thuộc địa để đào tạo giáo viên tiểu học cho các trường bản xứ và nhân viên công sở, đặc biệt là nhân viên ngành địa chính.
Điều 2. Nhân sự phụ trách giảng dạy và giám sát học sinh của trường gồm có:
Hiệu trưởng với mức lương quy định là 6000 phơ-răng; 3 giáo viên người Pháp với mức lương lần lượt là 3600, 3000 và 2400 phơ-răng cùng các phụ cấp khác theo quy định. Họ được tuyển dụng trong số những người có bằng đại học, chứng chỉ năng lực nghiệp vụ hoặc của hội đồng thông ngôn, hoặc của hội đồng phụ tá thông ngôn;
Ba viên giám học bản xứ với mức lương trị giá 1000, 1400 và 1800 phơ-răng được lựa chọn trong số ứng viên có bằng tiểu học hạng 1 và tạm thời đã có chứng chỉ năng lực nghiệp vụ.
Điều 3. Dưới quyền của Giám đốc Nha Nội chính, Hiệu trưởng Trường Sư phạm thuộc địa chịu trách nhiệm về chương trình học; đảm bảo duy trì trật tự và kỉ luật liên quan đến học sinh cũng như giáo viên, giám học hay nhân viên biệt phái công tác tại trường.
Theo định kì và thể thức quy định, hiệu trưởng trình lên Giám đốc Nha Nội chính bản báo cáo về tình hình chung của trường, trình độ năng lực của giáo viên, giám học, tình hình học tập, sự tiến bộ, hạnh kiểm của học sinh; đề xuất hình thức kỉ luật đối với nhân viên biệt phái.
Hiệu trưởng có quyền quyết định các hình thức kỉ luật đối với học sinh, trừ quyết định đuổi học và tuyển sinh phải nhận được sự đồng ý của Giám đốc Nội chính.
Điều 4. Giáo viên và giám học phụ trách giảng dạy và giám sát học sinh dưới sự chỉ đạo của hiệu trưởng. Ngoài ra, họ còn quản lí sổ sách và giải quyết các công việc có liên quan theo quy định và chỉ thị của hiệu trưởng. Hiệu trưởng và một số ít giáo viên, giám học ăn ở tại trường.
Điều 5. Tổng số học sinh Trường Sư phạm thuộc địa quy định tạm thời là 60. Học sinh ăn ở tại trường và hưởng trợ cấp trị giá 20 phơ-răng/tháng để trang trải chi phí ăn uống và quần áo.
Điều 6. Để theo học tại trường, thanh thiếu niên phải ở độ tuổi từ 16 đến 25 tuổi, đậu kì thi tuyển sinh theo chương trình do Giám đốc Nha Nội chính quy định theo đề nghị của hiệu trưởng. Giám đốc Nha Nội chính có thể miễn điều kiện về tuổi đối với những trường hợp do hiệu trưởng đề xuất.
5.      
Arrêté No 202 du 29 août 1873 du Gouverneur et Commandant en chef p.i portant organisation du collège des stagiaires et fixant les programmes examens à subir par les candidats.
Nghị định số 202 ngày 29-8-1873 của Thống đốc, quyền Tổng Tư lệnh về việc tổ chức Trường Tập sự và quy định chương trình thi tuyển.
(Nguồn: J 26, BOC 1873, tr. 297-302)
Nghị định gồm 5 phần, 21 điều, trong đó có:
Phần I. Trường Tập sự
Điều 1. Các lớp học của Trường Tập sự khai giảng vào ngày 01-01 hàng năm và kết thúc vào ngày 15-11 của năm sau.
Điều 2. Kì thi tốt nghiệp diễn ra vào ngày 15-12 hàng năm.
Điều 3. Chương trình giảng dạy của trường gồm giáo trình chữ Quốc ngữ, chữ Hán, chính quyền An Nam, xây dựng thực hành, thực vật học, tiếng Cao Miên.
Riêng giáo trình tiếng Cao Miên có thêm một số bài học về địa lí, lịch sử và tổ chức xứ Cao Miên.
Điều 4. Ngoại trừ môn thực vật học, còn lại đối với những môn học khác, giáo viên đều phải nộp lại cho hiệu trưởng của trường bản thảo giáo án cho mỗi bài giảng. Sau đó, bài giảng này được in nguyên cảo và phát cho học sinh.
Điều 5. Kì thi cuối năm đề cập tới tất cả các môn học. Ngoài ra, cán sự tập sự còn thi vấn đáp liên quan đến khái niệm về kinh tế chính trị, sau khi nghiên cứu các tác phẩm:
- Khái niệm về kinh tế của tác giả Baudrillart;
- Lời nguỵ biện về kinh tế của Bastiat;
- Sách chuyên luận về kinh tế chính trị của Joseph Garnier.
Điều 6. Kì thi cuối năm gồm thi viết và vấn đáp.
Môn thi viết bao gồm: câu hỏi về kinh tế chính trị dựa trên ý tưởng lấy từ 1 trong 3 cuốn sách trên; dịch đoạn văn xuôi từ chữ La-tinh sang chữ Quốc ngữ; lập bản vẽ và dự toán cho một công trình xây dựng theo hướng dẫn của giám khảo.
Môn thi vấn đáp gồm: dịch một bản kiến nghị từ chữ Quốc ngữ sang tiếng Pháp; dịch một trang sách trong một tác phẩm viết bằng chữ La-tinh sang chữ Quốc ngữ; trả lời bằng tiếng Pháp các câu hỏi về ngôn ngữ cũng như nội dung đề cập trong giáo trình dạy tiếng Cao Miên; đọc và phân tích một cuốn sổ thuế viết bằng chữ Hán; đọc hiểu một giao kèo mua bán, biên lai, giấy thông hành, hợp đồng cho thuê, trái phiếu viết bằng chữ Hán; trả lời các câu hỏi về tổ chức chính quyền An Nam và về thực vật học.
Điều 7. Hàng năm, vào dịp khai giảng khoá học, Thống đốc ban hành nghị định ấn định số vị trí cán sự hạng 3 dành cho học sinh thi đậu cả 2 hạng bài thi trên.
Điều 8. Thành phần hội đồng giám khảo được quy định theo nghị định ban hành ngày 01-12 hàng năm. Hội đồng này phân loại học sinh theo số điểm đạt được trong kì thi.
Phần II. Chương trình thi dành cho cán sự hạng 3
Điều 9. Để lên thứ hạng cao hơn, cán sự hạng 3 phải thi viết và thi vấn đáp.
Môn thi viết gồm: luận cương về kinh tế chính trị theo công trình nghiên cứu của các nhà kinh tế hiện đại; dịch ngược và dịch xuôi.
Môn thi vấn đáp gồm: đọc, dịch báo Gia Định và các tác phẩm của Pétrus Ký hoặc của một số nhà văn An Nam; giải thích một bài chính văn bằng chữ Hán trích từ các tác phẩm Đại học và Mạnh Tử; giải thích và dịch một số giấy tờ thông dụng sang chữ Hán như: hợp đồng, giao kèo các loại mà người An Nam thường dùng; trả lời câu hỏi về lịch sử An Nam dựa trên các tác phẩm nổi tiếng của Pháp và lịch sử các xứ thuộc địa của Pháp, Java, Ma-ni-la và đế chế Ấn Độ từ khi người Bồ Đào Nha đến; hỏi đáp về luật hành chính An Nam và cách thức lập biểu thuế tại An Nam, Pháp và Nam Kì Lục tỉnh; bảo vệ luận cương về kinh tế chính trị trước công chúng.
Phần III. Chương trình thi dành cho cán sự hạng 2
Điều 10. Để trở thành cán sự hạng 1, các cán sự hạng 2 phải dự thi theo chương trình sau:
Môn thi viết: dịch xuôi một bản chính văn trích từ Tứ thư; dịch một hối phiếu hoặc một hoá đơn sang chữ Hán; dịch xuôi.
Môn thi vấn đáp: hội thoại bằng tiếng Việt với một người bản xứ; giải thích, đọc và thảo luận về một đạo luật của người An Nam viết bằng chữ Hán; giải thích và đọc một văn bản đơn giản bằng tiếng Cao Miên hoặc theo yêu cầu của thí sinh, có thể thay bằng một tác phẩm nào đó liên quan đến một trong những thứ tiếng mà người Đông Dương sử dụng; nhận xét về nguồn gốc của đạo Bà la môn, nghi lễ Phật giáo và việc tuyên truyền cải cách tôn giáo thế kỉ 16 từ bán đảo Đông Dương đến Trung Hoa và Nhật Bản; nhận xét về dân tộc học và lịch sử của Ấn Độ, lịch sử và văn học Trung Hoa dựa vào các bản dịch và tác phẩm hiện đại.
Phần IV. Chương trình thi tạm thời dành cho thanh tra viên hạng 3 và 4 nhậm chức trước khi ban hành Sắc lệnh ngày 10-02-1873, và trở thành cán sự phụ hạng 2 và 3 theo sắc lệnh trên.
Điều 11. Từ ngày 01-01-1874, tranh tra viên hạng 3 và 4 nhậm chức trước khi ban hành Sắc lệnh ngày 10-02-1873 trở thành cán sự phụ hạng 2 và 3 theo sắc lệnh trên, có quyền dự thi để trở thành cán sự chính ngạch tại thứ hạng của họ hoặc ở hạng thấp hơn, theo chương trình tạm thời trên đây có hiệu lực trong vòng 3 năm.
Điều 12. §3 điều 5 trong Sắc lệnh ngày 10-02 quy định những sĩ quan và viên chức ngành Hải quân khi theo học lớp tập sự cũng được áp dụng các quy định nêu trong Sắc lệnh ngày 15-6-1870, theo đó, những sĩ quan biệt phái trong ngành công nghiệp có thể được nghỉ phép không lương từ 3 đến 6 năm tính từ thời điểm họ trở thành cán sự chính ngạch.
Điều 13. Thí sinh thi lên ngạch cán sự chính ngạch hạng 3 phải thi viết và vấn đáp.
Môn thi viết gồm: dịch xuôi và dịch ngược bằng chữ Quốc ngữ; thảo luận về một vấn đề nào đó liên quan đến tổ chức, hành chính hoặc tài chính thuộc địa.
Môn thi vấn đáp: các câu hỏi về chữ Quốc ngữ; trả lời câu hỏi bằng tiếng Pháp; đọc một cuốn sổ thuế bằng chữ Hán; câu hỏi về tập quán của nước An Nam liên quan đến quyền sở hữu và thừa kế.
Điều 14. Thí sinh thi lên ngạch cán sự chính ngạch hạng 2 phải đáp ứng chương trình thi tuyển sau:
Môn thi viết gồm: dịch xuôi và dịch ngược văn bản bằng chữ Quốc ngữ; câu hỏi về kinh tế chính trị theo quan điểm của các tác giả hiện đại; thảo luận về một vấn đề nào đó liên quan đến tổ chức, hành chính hoặc tài chính thuộc địa.
Môn thi vấn đáp: hội thoại bằng tiếng Việt với một người bản xứ; dịch một đoạn văn xuôi bằng chữ Quốc ngữ; dịch một cuốn sổ thuế sang chữ Hán; đọc hiểu một biên lai, giấy thông hành, hợp đồng cho thuê, giao kèo mua bán viết bằng chữ Hán.
Điều 15. Từ ngày 01-01-1877, chương trình thi này không áp dụng đối với thanh tra viên trở thành cán sự phụ theo quy định tại Sắc lệnh ngày 10-02.
Những cán sự phụ được bổ nhiệm sau khi ban hành sắc lệnh trên không được hưởng chương trình này mà phải tham dự các kì thi chuyên môn theo thứ hạng, theo quy định tại điều 31 của Sắc lệnh.
Phần V. Quy định chung
Điều 16. Vào ngày 10-01 hàng năm, một tiểu ban nhóm họp tại Sài Gòn để tiến hành kiểm tra các cán sự chính ngạch hạng 2 và 3 để được nâng lên hạng cao hơn. Tiểu ban này cũng là đơn vị tổ chức thi nâng ngạch cho các cán sự phụ, những người muốn trở thành cán sự chính ngạch theo điều 10 của Nghị định hiện hành.
Điều 17. Thí sinh gửi đơn dự thi trước ngày 15-12 hàng năm với điều kiện phải đủ 2 năm trong ngạch bậc, tính đến cuối năm đó.
Cán sự chính ngạch hạng 2 chỉ làm đơn xin dự thi, nếu có chứng chỉ năng lực nghiệp vụ về Luật, bằng Tú tài hoặc bằng Cử nhân Luật.
Điều 18. Những thí sinh thi đỗ được ghi tên vào danh sách riêng và được nâng lên hạng cao hơn.
Cán sự phụ hạng 2 và 3 được xếp hạng cùng lúc với cán sự chính ngạch theo điểm số đạt được trong kì thi.
Điểm 19. Bài thi được chấm điểm từ 0 đến 20. Hệ số mỗi môn thi quy định như sau:
Chữ Quốc ngữ
12
Giải thích các bài chính văn bằng chữ Hán
10
Tiếng Cao Miên
6
Hành chính An Nam
10
Xây dựng thực hành
6
Kinh tế chính trị
8
Lịch sử
6
Thực vật học
6
Điều 20. Thí sinh chỉ được công nhận thi đậu nếu đạt một nửa tổng số điểm trên toàn bộ bài thi. Thí sinh có câu trả lời hoặc bài thi bị điểm 0 sẽ bị loại.
Trong trường hợp này, cán sự tập sự bị hoãn thi trong vòng 6 tháng, những thí sinh khác tham dự ở kì thi sau.
6.      
Décision du 17 novembre 1874 du Contre - Amiral Gouverneur p.i de la Cochinchine règlementant le service de l’Instruction publique dans la colonie.
Quyết định ngày 17-11-1874 của Chuẩn đô đốc, quyền Thống đốc Nam Kì về việc đặt quy chế cho ngành học chính tại Nam Kì.
(Nguồn: J 973, Courrier de Saigon, No 23 du 5 décembre 1874)
Quyết định gồm 4 phần, 23 điều:
Phần I. Quy định chung
Điều 1. Tại các trường thuộc địa, chương trình giảng dạy cho người châu Á hoàn toàn miễn phí và mang tính tự nguyện.
Điều 2. Đội ngũ giáo viên tiểu học người Âu và người bản xứ phụ trách giảng dạy phải đáp ứng các tiêu chuẩn về đạo đức và năng lực.
Điều 3. Trường tư thục chỉ được mở khi chính quyền cho phép. Bất kì cá nhân nào xin cấp phép mở trường đều phải đáp ứng điều kiện về đạo đức và năng lực theo quy định.
Tất cả các trường tư thục đều đặt dưới sự giám sát của chính quyền.
Điều 4. Các trường công lập đã thành lập và hoạt động hợp pháp tại thuộc địa được miễn quy định về giấy phép như tại điều 3 gồm:
- Trường của Hội Thừa sai và các trường phụ thuộc;
- Trường Tabert do các giáo sĩ thành lập tại Sài Gòn;
- Trường Adran (Trường Bá Đa Lộc) và những trường học khác do các thầy dòng Cơ đốc giáo điều hành;
- Một số trường nữ sinh do các nữ tu Saint Paul de Chartre điều hành;
- Trường tỉnh Sài Gòn.
Những trường học này chịu sự giám sát của chính quyền. Ngoài ra, miễn quy định về giấy phép đối với các trường tiểu học tư thục dạy chữ Hán tại các làng. Ngoài việc dạy chữ Hán, giáo viên giảng dạy tại các trường trên còn dạy thêm chữ La-tinh và hưởng tiền thưởng 200 phơ-răng/năm.
Điều 5. Giám đốc Nội chính điều hành Sở Học chính Nam Kì cũng như các viên chức và nhân viên của Sở.
Tại những tiểu khu hành chính có các trường tiểu học, quan cai trị phụ trách công việc bản xứ giám sát các trường tiểu học đó dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Nội chính. Ngoài ra, quan cai trị còn phụ trách một số công việc sau:
- Thường xuyên thanh, kiểm tra các trường học trên;
- Yêu cầu hiệu trưởng, giáo viên cung cấp thông tin, nếu xét thấy cần thiết.
- Không tự ý ra chỉ thị hay làm thay đổi chế độ hoạt động của các trường học, trừ khi Giám đốc Nội chính cho phép.
- Trình Giám đốc Nội chính bản báo cáo đặc biệt theo quý.
- Kí quyết định tiếp nhận, đuổi học học sinh hay ban hành quyết định xử phạt đối với giáo viên bản xứ.
Những quy định trên không áp dụng đối với trường bản xứ đặt dưới quyền điều hành và giám sát trực tiếp của Giám đốc Nội chính.
Điều 6. Quyết định thành lập một uỷ ban thường trực chịu trách nhiệm nghiên cứu các vấn đề liên quan đến học chính và thanh tra các trường học, với thành phần như sau:
- Giám đốc Nội chính hoặc Tổng thư kí: Chủ tịch;
- Các thanh tra công việc bản xứ;
- Quan cai trị Sài Gòn;
- Quan cai trị Chợ Lớn;
- Cha xứ Sài Gòn;
- Chánh văn phòng Nha Nội chính;
- Hiệu trưởng trường bản xứ;
- Ông Pétrus Trương Vĩnh Ký, giáo viên tiếng phương Đông.
- Một thông ngôn chính.
Điều 7. Uỷ ban thường trực đề nghị với Giám đốc Nội chính về thành phần uỷ ban đặc biệt phụ trách sát hạch học sinh của các trường tiểu học và thí sinh dự thi lấy các loại văn bằng, chứng chỉ.
Điều 8. Chương trình giáo dục ở Nam Kì do các trường tiểu học đặt tại trung tâm của các tiểu khu hành chính và một trường trung học hoặc một trường bản xứ đặt tại Sài Gòn đảm nhiệm.
Phần II. Giáo dục tiểu học
Điều 9. Về nguyên tắc, các trường dạy chữ La-tinh tại thuộc địa phải đóng cửa. Học sinh đang theo học trường này nếu có nguyện vọng sẽ được theo học tại các trường tiểu học giảng dạy theo chương trình phù hợp.
Tạm thời, chỉ có các trường tiểu học thành lập tại Sài Gòn, Chợ Lớn, Mĩ Tho, Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng được mở cửa. Ở những tiểu khu khác, trường dạy chữ La-tinh của các làng sáp nhập thành một trường đặt tại huyện lị và tiếp tục hoạt động cho tới khi có hướng dẫn mới.
Điều 11. Tổ chức nhân sự của các trường tiểu học thành lập tại huyện lị được quy định như sau:
1. Một hiệu trưởng người Âu được chọn trong số thông ngôn hạng 1, các thư kí Nha Nội chính có ít nhất bằng tú tài văn chương hoặc khoa học, nếu không, phải chứng minh năng lực trước một uỷ ban được thành lập cho vấn đề này. Ứng viên phải biết tiếng An Nam và chữ Quốc ngữ.
Quyền hạn của hiệu trưởng các trường tiểu học trên do chính quyền quy định.
2. Các giáo viên tiểu học bản xứ biết tiếng Pháp, số lượng tuỳ thuộc quy mô của từng trường.
Điều 12. Học sinh theo học tại các trường tiểu học với tư cách là học sinh nội trú hoặc ngoại trú tùy theo nguyện vọng của bản thân hoặc của cha mẹ.
Việc tuyển sinh do quan cai trị tiểu khu hành chính quyết định và chỉ được tiến hành khi năm học mới bắt đầu.
Học sinh nội trú hưởng trợ cấp ăn, mặc 10 phơ-răng/tháng trích từ ngân sách thuộc địa. Số học bổng dành cho mỗi trường được quy định hàng năm trong ngân sách. Thời gian học là 3 năm. 10 học sinh xuất sắc nhất của mỗi lớp được ghi danh trên bảng danh dự tại phòng trưng bày của mỗi trường.
Điều 13. Cuối mỗi năm học, học sinh năm thứ 3 của các trường tiểu học tham dự kì thi chung.
Nội dung các môn thi đề cập tới kiến thức đã học tại các trường tiểu học. Học sinh trường tư thục có quyền dự thi với điều kiện đăng kí đúng hạn.
Điều 14. Kì thi gồm các môn thi viết và thi vấn đáp. Môn thi viết do uỷ ban chấm và việc xếp hạng do Nha Nội chính thực hành. Kết quả được công bố trên Gia Định báo. Nếu có nguyện vọng đặc biệt và được hội đồng cho phép, những học sinh xếp hạng đầu được nhận vào học tại trường trung học bản xứ Sài Gòn. Những học sinh khác nếu đủ điểm đỗ sẽ được hội đồng thi cấp chứng nhận, có thể được bổ dụng vào chức danh thấp trong các chính quyền ở thuộc địa với mức lương không quá 360 phơ-răng/năm.
Phần III. Giáo dục trung học
Điều 15. Quyết định bãi bỏ Trường Sư phạm Sài Gòn.
Trường trung học bản xứ được thành lập để giảng dạy chương trình trung học trong 3 năm. Học sinh trường bản xứ tuân thủ chế độ nội trú và được chu cấp hoàn toàn về chi phí ăn mặc 20 phơ-răng/tháng/học sinh trích từ ngân sách địa phương. Học sinh ngoại trú được phép theo học nếu đáp ứng các điều kiện thi cử và xếp hạng như quy định trên đây.
Chỉ tiêu tuyển sinh học sinh nội trú do uỷ ban khảo thí quy định từng năm nhưng không quá 100 học sinh/năm.
Trường bản xứ do một viên chức người Âu điều hành đồng thời quản lí các giáo viên trực thuộc là người Âu và người bản xứ.
Điều 16. Vào cuối năm học sẽ có một kì thi liên quan đến các môn đã học. Học sinh không đủ điều kiện sẽ bị đuổi học, trừ những học sinh vắng mặt vì lí do sức khoẻ có giấy chứng nhận và những học sinh được phép lưu ban. 10 học sinh đứng đầu bảng xếp hạng sau kì thi được ghi danh trên bảng danh dự tại văn phòng của trường.
Điều 17. Học sinh thi tốt nghiệp vào cuối năm thứ 3. Học sinh thi đỗ được cấp bằng tú tài theo quy định tại các điều 3 và 5 của Nghị định ngày 08-04-1874. Học sinh trường tư thục có thể tham dự kì thi trên.
Điều 18. Học sinh đạt điểm cao trong kì thi được cử sang Pháp để hoàn tất việc học. Mọi chi phí do thuộc địa chi trả.
Điều 19. Từ ngày 01-01-1879, bằng tú tài là điều kiện cần thiết để được bổ dụng làm giáo viên tiểu học (lương 600 phơ-răng), thư kí, thông ngôn và nho sĩ trợ tá  hạng 1 (lương 1.000 phơ-răng/năm) như quy định tại các điều 3 và 5 của Nghị định ngày 08-4-1874.
7.      
Décision du 17 novembre 1874 du Contre-Amiral Gouverneur p.i de la Cochinchine fixant le programme de l’enseignement public.
Quyết định ngày 17-11-1874 của Chuẩn Đô đốc, quyền Thống đốc Nam Kì quy định chương trình giáo dục công.
(Nguồn: J 973, Courrier de Saigon, No 23 du 5 décembre 1874)
Quyết định gồm 3 điều:
Chương trình giáo dục công tại Nam Kì được quy định như sau:
* Giáo dục tiểu học
Học đọc và viết chữ Quốc ngữ, chữ Hán, tiếng Pháp, số học sơ cấp, hình học sơ đẳng, khái niệm đo đạc sơ đẳng, khái niệm chung về địa lí và lịch sử.
* Giáo dục trung học
Lí luận tiếng Pháp, khái niệm cơ sở về văn học Pháp, tập làm văn bằng tiếng Pháp, chữ Quốc ngữ, chữ Hán, khái niệm chung về lịch sử cổ đại và hiện đại trong đó đề cập đến vai trò của nước Pháp, địa lí đại cương, khái niệm về vũ trụ học, số học theo chương trình do uỷ ban cấp cao quy định, khái niệm cơ sở về đại số, hình học, đơn vị đo diện tích và thể tích, đo đạc và vẽ sơ đồ, vật lí và hoá học sơ cấp, khái niệm lịch sử tự nhiên, quản lí sổ sách, vẽ.
Mỗi năm, uỷ ban Học chính cấp cao quy định chi tiết chương trình học cho các trường tiểu học và trung học theo quy định trên đây.
8.      
Décision du 17 novembre 1874 du Contre- Amiral Gouverneur p.i de la Cochinchine fixant les cadres du personnel enseignant.
Quyết định ngày 17-11-1874 của Phó Đốc đốc, quyền Thống đốc Nam Kì quy định các ngạch công chức của nhân sự giảng dạy.
(Nguồn: J 973, Courrier de Saigon, No 23 du 5 décembre 1874)
Quyết định gồm 4 điều:
Ngạch công chức của nhân sự người Âu và người bản xứ làm việc tại các trường học ở Nam Kì quy định như sau:
Trường bản xứ

Nhân sự người Âu
1 hiệu trưởng
Lương: 6.000 phơ-răng
6 giáo viên
Lương: 3.600 phơ-răng + 1.060 phơ-răng trợ cấp ăn ở


Nhân sự bản xứ
2 giáo viên chữ Hán
Lương: 1.000 phơ-răng
2 giáo viên tiểu học bản xứ hạng 1
Lương: 1.000 phơ-răng
1 giáo viên tiểu học bản xứ hạng 2
Lương: 600 phơ-răng
Trường tiểu học

Nhân sự người Âu
6 hiệu trưởng
Lương: 3.600 phơ-răng + 1.060 phơ-răng trợ cấp ăn ở


Nhân sự bản xứ
6 giáo viên chữ Hán
Lương: 600 phơ-răng
6 giáo viên tiểu học bản xứ hạng 1
Lương: 1.000 phơ-răng
12 giáo viên tiểu học bản xứ hạng 2
Lương: 600 phơ-răng
Trường học tại các tiểu khu
Nhân sự bản xứ
14 giáo viên chữ Hán
Lương: 600 phơ-răng
14 giáo viên tiểu học hạng 2
Lương: 600 phơ-răng
Nhân sự tạp vụ của trường bản xứ gồm:
- Một bảo vệ kiêm nhân viên chạy giấy hưởng lương 720 phơ-răng;
- Một đầu bếp hưởng lương 400 phơ-răng;
- Bốn lao công hưởng lương 480 phơ-răng.
Tổng chi phí cho nhân viên tạp vụ là 102.160 phơ-răng.
Số suất học bổng cấp cho mỗi trường học tại Nam Kì như sau:
- 5 suất học bổng tại Pháp, mỗi suất trị giá 1.100 phơ răng;
- 100 suất học bổng ở trường bản xứ, mỗi suất trị giá 240 phơ-răng;
- 540 suất học bổng cho 6 trường tiểu học, mỗi suất trị giá 120 phơ-răng (mỗi trường tiểu học được cấp 90 suất).
Tổng giá trị học bổng: 94.300 phơ-răng.
9.      
Arrêté No 55 du 17 mars 1879 du Gouverneur et Commandant en chef portant nouvelle organisation du service de l’instruction publique en Cochinchine.
Nghị định số 55 ngày 17-3-1879 của Thống đốc Nam Kì về việc tổ chức Sở Học chính Nam Kì.
(Nguồn: J 36, BOC 1879, tr. 85-100)
Nghị định gồm 7 phần, 47 điều, trong đó có:
Phần I. Các trường học
Điều 1. Về nguyên tắc, chương trình giáo dục công tại Nam Kì hoàn toàn miễn phí và mang tính tự nguyện tại các trường học.
Điều 2. Trường tư thục chỉ được mở khi chính quyền cho phép. Bất kì cá nhân nào xin giấy phép mở trường đều phải đáp ứng điều kiện về đạo đức và năng lực theo quy định. Trường tư thục chịu sự giám sát của chính quyền.
Điều 3. Các trường công lập đã thành lập và hoạt động hợp pháp tại thuộc địa được miễn giấy phép theo quy định tại điều 2, gồm:
-  Trường của Hội thừa sai và những trường phụ thuộc;
- Trường Tabert do các giáo sĩ thành lập tại Sài Gòn;
- Trường Adran (trường Bá Đa Lộc) và những trường khác do các thầy dòng Cơ đốc giáo điều hành;
- Một số trường nữ sinh do các nữ tu dòng Saint Paul de Sartre điều hành;
- Trường tỉnh Sài Gòn và các trường tư dành cho nam nữ sinh.
Những trường này chịu sự kiểm soát của chính quyền. Ngoài ra, miễn giấy phép đối với các trường tiểu học dạy chữ Hán đã hoặc sẽ mở tại các làng. Quan cai trị, Thanh tra các công việc nội chính bản xứ và Chánh Sở Học chính chịu trách nhiệm kiểm tra những trường tiểu học trên.
Ngoài chữ Hán, giáo viên các trường học này còn dạy chữ La-tinh và khái niệm về tiếng Pháp và hưởng tiền thưởng theo số lượng và học lực của học sinh.
Điều 4. Xoá bỏ hệ thống trường tiểu học và trường trung học thành lập theo Nghị định ngày 17-11-1874 và thay bằng các trường cấp 1, 2 và 3.
Điều 5. Tại mỗi trung tâm như: Khu thanh tra Sài Gòn, Chợ Lớn, Mĩ Tho, Sóc Trăng, Bến Tre, Biên Hoà, Long Xuyên, Gò Công, Trảng Bàng, Cần Thơ, Trà Vinh, Sa Đéc, Tân An, Châu Đốc, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Rạch Giá, Hà Tiên và Cái Bè, cho mở một trường cấp 1.
Trường cấp 2 cũng được mở tại các trung tâm như: Khu thanh tra Sài Gòn, Chợ Lớn, Mĩ Tho, Vĩnh Long, Sóc Trăng và Bến Tre.
Điều 6. Trường Chasseloup - Laubat chuyển thành trường cấp 3. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi lệnh mới, tạm thời, trường vẫn tiếp tục dạy chương trình cấp 2.
Điều 7. Tại những trung tâm có cả trường cấp 1 và 2 trong cùng toà nhà, những trường học này chịu sự quản lí của cùng một hiệu trưởng. Các lớp tiếng Pháp có chung giáo viên giảng dạy ở cả hai cấp, tuỳ theo nhu cầu công việc.
Điều 8. Những trường do các tu sĩ Cơ đốc giáo quản lí trở thành trường cấp 1 và cấp 2. Trường Adran đào tạo học sinh ở cả 3 cấp học.
Phần II. Điều kiện tuyển sinh
Điều 9. Những trường do giáo viên Pháp điều hành nhận cả học sinh nội và ngoại trú. Trường do giáo viên bản xứ quản lí chỉ nhận học sinh ngoại trú.
Điều 10. Học sinh nội trú được chu cấp chi phí ăn mặc. Ngoài số học sinh nhận học bổng, trường còn tuyển học sinh nội trú có đóng học phí.
Điều 11. Học sinh chỉ theo học tại một trong những trường ở Nam Kì, với tư cách là học sinh nội trú hoặc ngoại trú, nếu thi đậu kì thi tuyển. Kì thi diễn ra vào cuối mỗi năm học trong điều kiện quy định dưới đây:
Điều 12. Kì thi tuyển sinh vào trường cấp 1:
Kì thi diễn ra tại những trung tâm có trường cấp 1. Thí sinh bắt buộc phải biết chữ Hán. Chữ Quốc ngữ không mang tính bắt buộc nhưng là điều kiện để xếp loại thí sinh.
Thí sinh đăng kí tại văn phòng tham biện sở tại, nộp đơn xin dự thi có chữ kí của phụ huynh trong đó có nêu tên trường mà thí sinh muốn thi tuyển. Đơn dự thi cũng như danh sách thí sinh được chuyển tới Giám đốc Nha Nội chính.
Thí sinh xin học bổng tuổi từ 10 đến 14.
Điều 13. Kì thi tuyển sinh vào trường cấp 2:
Kì thi diễn ra tại những trung tâm có trường cấp 2. Nội dung thi đề cập tới tất cả các môn học ở cấp 1. Thủ tục đăng kí giống như thủ tục dự thi vào trường cấp 1. Học sinh trường tư thục cũng có quyền dự thi. Ngoài ra, thí sinh xin học bổng phải đủ 12 tuổi và không quá 17 tuổi.
Điều 14. Đối với kì thi tuyển sinh vào trường cấp 3.
Kì thi diễn ra tại Sài Gòn dành cho học sinh đã tốt nghiệp cấp 2. Thí sinh xin học bổng độ tuổi từ 14 đến 20.
Thể lệ dự thi giống như đối với trường cấp 1. Bất kì cá nhân nào cũng có quyền dự thi với điều kiện đăng kí đúng hạn. Ngoại trừ thí sinh xin học bổng, học sinh ngoại trú và học sinh đóng học phí được miễn điều kiện về tuổi ở cả ba cấp học.
Phần III. Chứng chỉ nghiệp vụ
Điều 15. Có hai loại chứng chỉ nghiệp vụ: bằng sơ đẳng và bằng cao đẳng.
Bằng sơ đẳng cấp cho thí sinh thi đậu kì thi tuyển sinh vào trường cấp 3.
Kì thi lấy bằng cao đẳng diễn ra tại Sài Gòn vào cuối năm học, đề cập tới các môn học ở cấp 3. Cá nhân nào cũng có quyền dự thi với điều kiện đăng kí đúng hạn.
Những người có bằng sơ đẳng được bổ dụng vào chức vụ thấp hơn trong chính quyền thuộc địa, trừ nho sĩ, thông ngôn và thư kí chính ngạch làm việc tại Nha Nội chính và các ban thanh tra có thể được sử dụng làm giáo viên tiểu học hạng cuối cùng và thư kí, thông ngôn và nhà nho không chính ngạch hạng cuối cùng. Những người có bằng cao đẳng có thể làm thông ngôn, thư kí, nho sĩ chính ngạch, giáo viên bản xứ.
Thí sinh đạt điểm cao ở kì thi lấy bằng cao đẳng được gửi sang Pháp để hoàn tất chương trình học bằng nguồn kinh phí của thuộc địa.
Điều 16. Xoá bỏ chứng chỉ nghiệp vụ. Tuy nhiên, những người đang sở hữu chứng chỉ này có quyền thi tuyển vào các vị trí cho đến ngày 01-01-1883. Bằng sơ đẳng là điều kiện cần thiết để được bổ dụng làm giáo sư, theo Quyết định ngày 17-11-1874.
Từ ngày 01-01-1883, ứng viên thi tuyển vào chính quyền thuộc địa phải có bằng sơ đẳng hoặc bằng cao đẳng, theo quy định của Nghị định hiện hành.
Phần IV. Hình thức thi tuyển
Điều 17. Kì thi đề cập tại điều 11 và những điều dưới đây gồm thi viết và thi vấn đáp.
Đối với phần thi viết, Hội đồng Học chính tại Sài Gòn gửi câu hỏi tới các trung tâm tổ chức thi. Kì thi các cấp diễn ra trong cùng một ngày.
Phần thi vấn đáp:
Để vào trường cấp 1, thí sinh thi vấn đáp trước một tiểu ban khảo thí với thành phần như sau: Giám đốc Nha Nội chính - chủ tịch; 2 giáo viên trường Thế tục dành cho thí sinh thế tục, hoặc 2 giáo viên trường Giáo đoàn dành cho thí sinh giáo đoàn.
Đối với trường cấp 2, thí sinh thi vấn đáp trước một tiểu ban khảo thí với thành phần như sau: Giám đốc Nha Nội chính - chủ tịch; hiệu trưởng; 2 giáo viên trường Thế tục dành cho thí sinh thế tục, hoặc 2 giáo viên trường Giáo đoàn dành cho thí sinh giáo đoàn.
Kì thi lấy bằng sơ đẳng và vào trường cấp 3 diễn ra trước thành viên Hội đồng Học chính thường trực, với sự trợ giúp của các giám khảo do hội đồng chỉ định.
Các tiểu ban khảo thí có trách nhiệm gửi danh sách xếp hạng thí sinh lên Giám đốc Nha Nội chính. Kết quả được công bố trên báo Gia Định.
Điều 18. Nếu không đạt điểm trung bình, thí sinh thi lấy bằng sơ đẳng và cao đẳng không được dự thi vấn đáp và thi lại ở năm sau.
Điều 19. Học sinh thi trượt ở kì thi cuối năm chỉ được học lại khi Giám đốc Nha Nội chính chấp thuận.
Phần V. Chương trình giảng dạy
Điều 20. Tại Nam Kì, chương trình giảng dạy và thời gian học tại các cấp quy định như sau:
Trường cấp 1, hệ 3 năm:

Lớp tiếng Pháp
Khái niệm về tiếng Pháp
Số học: 4 phép tính, hệ mét, tương quan hệ thống đo lường Pháp - Việt

Lớp chữ Hán  và Quốc ngữ
Tứ thư
Tập đọc và tập tường thuật bằng chữ Quốc ngữ.
Trong năm thứ 3, giáo viên chú trọng tới tiếng Pháp nói và có thể đưa bộ môn này vào chương trình của lớp tiếng Pháp.
Các lớp học phân chia theo tỉ lệ như sau: 3 lớp tiếng Pháp, 2 lớp chữ Hán và Quốc ngữ.
Trường cấp 2, hệ 3 năm:




Lớp tiếng Pháp
Tiếng Pháp: văn phạm, tập đọc, tập viết, tường thuật, luận, dịch ngược, dịch xuôi, đặc biệt là dịch từ chữ Quốc ngữ sang tiếng Pháp và tập nói
Số học: 4 phép tính, phân số, quy tắc tam suất, phép chiết khấu, phép tính lợi tức
Hình học: đo diện tích và thể tích
Địa lí: khái quát về 5 châu, đặc biệt là địa lí nước Pháp và các thuộc địa của Pháp
 Vẽ

Lớp chữ Hán và Quốc ngữ
Tứ thư
Luận, bài tập tường thuật bằng chữ Hán hoặc chữ Quốc ngữ
Lịch sử và địa lí An Nam
Hàng tuần, có 2 lớp dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ, những lớp còn lại dạy tiếng Pháp.
Các trường cấp 3, hệ 3 năm:






Lớp tiếng Pháp
Tiếng Pháp
Số học
Hình học phẳng
Đại số
Lượng giác
Kĩ thuật đo đạc
Vẽ
Quản lí sổ sách
Địa lí
Vũ trụ học
Hoá học
Vật lí
Lịch sử tự nhiên

Lớp chữ Hán và Quốc ngữ
Tứ thư
Nghiên cứu các kiểu văn bản của người An Nam (hợp đồng v.v...)
Lịch sử và địa lí An Nam
Mỗi tuần có một lớp dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ, những lớp còn lại dạy tiếng Pháp.
Điều 21, 22. Chương trình giảng dạy cho mỗi năm học ở cả 3 cấp cũng như tổng điểm quy định để nhận học sinh do Hội đồng Học chính cao cấp quy định.
Phần VI. Nhân sự Sở Học chính
Điều 23. Giáo viên người Pháp và người An Nam phụ trách giảng dạy tại các trường phải có đủ tư cách đạo đức và đáp ứng điều kiện về năng lực theo quy định nêu trong Nghị định hiện hành.
10 Nhân sự giảng dạy người Pháp
Điều 24. Nhân sự người Pháp gồm: Chánh Sở Học chính, hiệu trưởng và các giáo sư.
Điều 25. Chánh Sở Học chính tập trung và chỉ đạo công việc theo lệnh của Giám đốc Nha Nội chính. Ngoài ra, Chánh Sở còn đảm nhiệm một số công việc sau:
- Kiểm soát tất cả các trường học tại Nam Kì, chủ yếu là những trường được duy trì hoặc tài trợ bằng ngân sách địa phương; thanh tra các trường học theo định kì; thăm dò ý kiến của học sinh cũng như báo cáo về sự tiến bộ, thái độ và nhu cầu của họ; thanh tra trang thiết bị, sách vở và đồ dùng học tập;
- Đảm bảo rằng hiệu trưởng và giáo viên các trường làm tròn bổn phận, tuân thủ các chỉ thị của Chánh Sở, áp dụng đúng chương trình và cư xử đúng mực với học sinh;
- Sau mỗi chuyến công tác, Chánh Sở Học chính Nam Kì gửi báo cáo lên Giám đốc Nha Nội chính, đưa ra nhận xét và đề xuất để giải quyết công việc;
- Trình Giám đốc Nha Nội chính báo cáo tổng hợp về tình hình và diễn tiến công việc của Sở Học chính sau mỗi quý.
Hiệu trưởng, giáo sư, giáo viên tiểu học người Âu và người bản xứ chịu sự chỉ đạo của Chánh Sở Học chính. Chánh Sở có quyền phạt cảnh cáo đối với nhân sự người Âu và phạt cảnh cáo, giữ 4 ngày lương đối với nhân sự bản xứ.
Đối với những lỗi vi phạm nghiêm trọng, Giám đốc Nha Nội chính là người đưa ra quyết định xử lí.
Điều 26. Được lựa chọn trong số giáo sư theo quy định tại điều 29, hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm trước Chánh Sở Học chính về những việc sau:
- Chỉ đạo tổ chức chương trình học;
- Chăm lo đời sống, thái độ của học sinh;
- Quản lí tài sản và đảm bảo vệ sinh trong trường học;
- Phụ trách trang thiết bị, giáo trình giảng dạy, đồ dùng học tập và hoạt động kế toán khi không có người quản lí chi tiêu;
- Quản lí giáo sư và giáo viên tiểu học dưới quyền;
- Trình báo cáo tháng lên Chánh Sở Học chính theo mẫu quy định do Giám đốc Nha Nội chính ban hành.
Điều 27. Dưới quyền kiểm soát và giám sát của hiệu trưởng, giáo sư chịu trách nhiệm giảng dạy, hỗ trợ hiệu trưởng trong hoạt động giảng dạy và an ninh trong trường.
Điều 28. Tiền lương, cách thức nâng bậc và thứ bậc của giáo viên Pháp biệt phái của Sở Học chính quy định như sau:
Chánh Sở Học chính
12.000 (phơ-răng)
Giáo sư hạng 1
8.000    
Giáo sư hạng 2
7.000      
Giáo sư hạng 3
6.000      
Giáo sư hạng 4
5.000     
Giáo sư tập sự
3.600      
Điều 29. Để được bổ dụng làm giáo sư tập sự, ứng viên phải có bằng cao đẳng tiểu học của Chính quốc hoặc văn bằng có giá trị tương đương.
Để trở thành giáo sư hạng 4, ứng viên phải giảng dạy tại Nam Kì với tư cách là giáo sư tập sự trong thời gian tối thiểu 1 năm và thi đậu kì thi phụ tá thông ngôn.
Việc nâng hạng cho giáo sư chỉ diễn ra sau ít nhất 2 năm làm việc tại hạng và công tác tại Nam Kì trong thời gian tối thiểu 1 năm.
Hiệu trưởng các trường được lựa chọn trong số giáo sư do Giám đốc Nha Nội chính bổ nhiệm, theo đề xuất của Chánh Sở Học chính.
Với cương vị này, hiệu trưởng trường cấp 2 và cấp 1 lần lượt hưởng phụ cấp lương trị giá 500 phơ-răng và 250 phơ-răng/năm.
Điều 30. Hình thức kỉ luật áp dụng đối với giáo sư gồm: phạt cảnh cáo, khiển trách, treo chức, cách chức.
Điều 31. Đội ngũ giáo sư hiện tại vẫn giữ nguyên chức vụ. Việc nâng ngạch chỉ diễn ra đối với giáo sư đáp ứng điều kiện về bằng cấp theo quy định nêu trong Nghị định hiện hành hoặc thi lấy bằng cao đẳng tiểu học trước một tiểu ban khảo thí đặc biệt.
20 Nhân sự giảng dạy người bản xứ
Điều 32. Tiền lương, cách thức nâng bậc và thứ bậc của giáo sư bản xứ biệt phái của Sở Học chính quy định như sau:
Giáo sư hạng 1
2.400 (phơ-răng)
Giáo sư hạng 2
2.200
Giáo sư hạng 3
2.000
Giáo sư hạng 4
1.800
Giáo viên tiểu học hạng 1
1.400
Giáo viên tiểu học hạng 2
1.200
Giáo viên tiểu học hạng 3
1.000
Điều 33. Để trở thành giáo viên Sở Học chính, ứng viên phải đủ 21 tuổi, có bằng sơ đẳng và tư cách đạo đức tốt. Tuy nhiên, từ ngày 01-01-1883, chứng chỉ nghiệp vụ được thay bằng bằng sơ đẳng.
Sau 1 năm công tác, giáo viên tiểu học có thể được nâng lên hạng cao hơn. Việc nâng hạng diễn ra trong điều kiện quy định tại điều 29 đối với giáo sư người Âu.
Điều 34. Để được bổ dụng làm giáo sư hạng 4, ứng viên phải có bằng cao đẳng. Từ ngày 01-01-1883, những giáo viên tiểu học hạng 1, không có tấm bằng này được bổ nhiệm làm giáo sư hạng 4, nếu thi đậu kì thi quy định tại điều 13 và các quy định tại điều 5 trong Quyết định ngày 07-02-1876.
Các giáo sư hạng 3 và 4 được nâng lên hạng cao hơn, sau 2 năm công tác tại ngạch trong điều kiện quy định tại điều 29.
Giáo sư hạng 2 và 3 có quyền thi lên ngạch giáo sư hạng 1, theo chương trình quy định tại điều 16 trong Quyết định ngày 07-02-1876.
Kì thi lên ngạch giáo sư hạng 1 diễn ra hàng năm vào cùng thời điểm như kì thi thông ngôn, nho sĩ và thư kí trước một hội đồng khảo thí đặc biệt.
Điều này tương tự như kì thi dành do ứng viên thi lên hạng 4, trong điều kiện quy định tại §1 của điều khoản này cho đến ngày 01-01-1883, thời điểm chính thức xoá bỏ các kì thi này.
Điều 35. Chỉ những giáo sư hạng 1 mới được bổ dụng để giảng dạy cấp 2 và 3.
Việc bổ dụng giáo sư tại Trường Chasseloup - Laubat và trường cấp 3 diễn ra sau kì thi tuyển giữa các giáo sư ở hạng này, với môn thi tương tự như đối với kì thi giáo sư hạng 1. Việc bổ dụng diễn ra theo thứ hạng được lập sau kì thi. Danh sách thứ hạng có giá trị trong vòng 1 năm.
Giáo sư biệt phái tại trường cấp 3 hưởng phụ cấp từ 200 đến 600 phơ-răng/năm.
Điều 36. Hình thức kỉ luật áp dụng đối với giáo sư và giáo viên tiểu học bản xứ bao gồm: phạt cảnh cáo, khiển trách, giữ lương tối đa trong vòng 15 ngày, giáng chức, treo chức, cách chức.
Điều 37. Giáo sư bản xứ hạng 1 có quyền thi lên ngạch giáo sư tập sự với tư cách là công dân Pháp, với điều kiện có chứng chỉ nghiệp vụ liên quan đến vị trí này.
Giáo sư bản xứ mang tư cách là công dân Pháp hưởng các điều kiện nâng lương và thứ bậc như giáo sư người Pháp.
Điều 38. Đối với những bậc đòi hỏi một kì thi trước đó, việc nâng bậc diễn ra theo danh sách xếp hạng do hội đồng khảo thí lập, có tính đến điểm số đặc biệt dựa trên giá trị đạo đức và nghề nghiệp, được chấm từ 0 đến 20, trong đó hệ số quy định là 10. Chánh Sở Học chính là người đưa ra hệ số điểm này.
Phần VII. Nhân sự giảng dạy
Điều 39. Hàng năm, vào thời điểm lập ngân sách, nhân sự giảng dạy của Sở Học chính Nam Kì được ấn định theo số trường và số học sinh, theo quy định dưới đây:
10 Các trường cấp 1 gồm có: 1 giáo sư người Pháp hoặc mang tư cách công dân Pháp, hiệu trưởng và 2 giáo sư hoặc giáo viên tiểu học bản xứ, trong đó có 1 giáo sư dạy chữ Quốc ngữ, 1 giáo sư hỗ trợ hiệu trưởng trong việc dạy tiếng Pháp. Trường hợp thiếu giáo sư người Pháp hoặc mang tư cách công dân Pháp, các lớp tiếng Pháp sẽ do một giáo sư bản xứ đảm nhiệm và người này giữ chức hiệu trưởng.
20 Các trường cấp 2 gồm: 2 giáo sư Pháp hoặc mang tư cách công dân Pháp phụ trách các lớp tiếng Pháp, trong đó 1 người giữ chức hiệu trưởng. Ngoài ra, còn có thêm 1 giáo sư hoặc giáo viên tiểu học bản xứ phụ trách dạy chữ Quốc ngữ.
30 Các trường cấp 3: 3 giáo sư người Pháp phụ trách dạy tiếng Pháp, 1 giáo sư bản xứ dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ, 1 giáo sư dạy vẽ.
Giáo sư hoặc giáo viên tiểu học bản xứ đóng vai trò là người phụ tá cho giáo sư người Pháp tại những trường học khác.
Điều 40. Danh sách nhân sự tại các trường được ấn định tuỳ theo số lượng học sinh của mỗi năm học thấp hơn hoặc bằng 45 người. Khi con số này cao hơn 45 nhưng dưới 90 người, số giáo sư phải tăng lên gấp đôi và nói chung, mỗi nhóm có tối thiểu là 30 học sinh và tối đa là 45 sẽ được tăng thêm một nhóm giáo sư.
Số lượng giáo sư chữ Hán và chữ Quốc ngữ được xác định theo tỉ lệ 1 giáo sư cho mỗi nhóm tối thiểu gồm 50 học sinh và tối đa là 75 học sinh. Nhóm gồm 45 học sinh sẽ có 1 thầy đồ.
Hội đồng Học chính cao cấp
Điều 42. Quyết định thành lập một hội đồng học chính cao cấp chịu trách nhiệm nghiên cứu các vấn đề liên quan đến học chính và thanh tra các trường học. Hội đồng nhóm họp ít nhất 3 tháng/lần và biên bản họp do Giám đốc Nha Nội chính trình lên Thống đốc.
Thành phần của Hội đồng quy định như sau:
- Chủ tịch: Giám đốc Nha Nội chính, hoặc nếu thiếu thay bằng Tổng thư kí;
- Các thành viên gồm: Đốc lí thành phố Sài Gòn; Chánh Sở Học chính; các thanh tra công việc nội chính bản xứ; quan cai trị Sài Gòn và Chợ Lớn; Hiệu trưởng Trường Chasseloup - Laubat; Hiệu trưởng Trường Adran; cha xứ Sài Gòn; 1 bác sĩ hải quân do Chánh Sở Y tế chỉ định; 1 giáo sư bản xứ dạy tiếng phương Đông; 1 thông ngôn chính người Âu; Chánh Văn phòng Nha Nội chính.
Điều 44. Hội đồng Học chính cao cấp chịu trách nhiệm đề xuất lên Giám đốc Nội chính về thành phần tiểu ban khảo thí phụ trách sát hạch học sinh các cấp học và thí sinh dự thi lấy văn bằng, chứng chỉ.
Hội đồng lập danh sách nâng bậc theo quy định tại điều 29, 33 và 34.
Hoạt động giám sát trường học về phương diện hành chính.
Điều 45. Tại những địa hạt có các trường cấp 1, 2 và 3, tham biện sở tại chịu trách nhiệm quản lí về phương diện hành chính đối với các trường học đó, dưới sự điều hành của Giám đốc Nha Nội chính. Ngoài ra, tham biện còn phụ trách một số công việc sau:
- Thường xuyên thanh kiểm tra các trường học trên;
- Yêu cầu hiệu trưởng, giáo sư, giáo viên tiểu học cung cấp thông tin cần làm rõ, nếu xét thấy cần thiết;
- Không tự ý thay đổi chế độ hoạt động của các trường học, trừ khi Giám đốc Nha Nội chính cho phép;
- Trình Giám đốc Nha Nội chính bản báo cáo đặc biệt theo quý;
- Kí quyết định đuổi học đối với học sinh, đồng thời báo cáo sự việc lên Giám đốc Nha Nội chính.
Những quy định này không áp dụng đối với Trường Chasseloup - Laubat do trường này chịu sự kiểm soát trực tiếp của Chánh Sở Học chính.


1.      
Arrêté du 06 février 1945 du Gouverneur général de l’Indochine portant réorganisation de l’école d’Architecture de l’école supérieure des beaux-arts.
Nghị định ngày 06-02-1945 của Toàn quyền Đông Dương về việc tổ chức lại Trường Kiến trúc trực thuộc Trường Cao đẳng Mĩ thuật.
(Nguồn: J 1246, JOIF 1945, tr. 459-468)
Nghị định gồm 26 điều:
Điều 1. Các quy định nêu tại Nghị định ngày 22-10-1942 liên quan đến Khoa Kiến trúc thuộc Trường Cao đẳng Mĩ thuật chính thức bị bãi bỏ.
Trường Kiến trúc trực thuộc Trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương được nước Pháp trao quyền đào tạo để cấp văn bằng Kiến trúc sư. Văn bằng này được công nhận có giá trị tại Pháp và Đông Dương theo quy định của Chính quốc và thể thức đặc biệt dưới đây:
Phần I. Quy định chung
Điều 2. Mục đích
Chương trình đào tạo nhằm mục đích giúp sinh viên phát hiện và phát triển năng khiếu nghệ thuật, tích lũy kiến thức về kĩ thuật và thực hành để đủ điều kiện thi lấy bằng Kiến trúc sư. Theo Luật ngày 31-12-1940, cá nhân muốn hành nghề kiến trúc sư bắt buộc phải có văn bằng này.
Điều 3. Tổ chức chung
Chuyên ngành kiến trúc được giảng dạy tại Trường Kiến trúc trực thuộc Trường Cao đẳng Mĩ thuật.
Điều 4. Chương trình giảng dạy được thực hiện:
1. Tại các xưởng thực hành nơi sinh viên học và thực hành chung dưới sự hướng dẫn trực tiếp của giáo viên bộ môn.
2. Thông qua các buổi nói chuyện đối với những môn chuyên ngành đăng ký trong chương trình và qua một số bài giảng.
Chương trình giảng dạy được chia thành 2 ban:
1. Ban dự bị: thời gian học kéo dài 1 năm.
2. Ban chính thức: 3 năm.
Sinh viên Ban dự bị được lựa chọn thông qua thi tuyển, theo chỉ tiêu do Toàn quyền ấn định mỗi năm. Để vào Ban chính thức, sinh viên phải trải qua kì thi điều kiện.
Trong thời gian học, sinh viên phải tham gia đầy đủ các kì thi theo quy định và được xếp hạng. Kết thúc năm thứ 3, sinh viên nào đạt thứ hạng tối thiểu hoặc điểm số quy định, trước khi thi lấy bằng Kiến trúc sư, phải thực tập tại văn phòng kiến trúc sư của tư nhân hoặc của nhà nước trong thời gian 1 năm dưới sự kiểm soát của ban thực tập.
Điều 5. Điều kiện tuyển sinh
Để đăng kí dự thi, thí sinh phải nộp cho ban thư kí các giấy tờ sau:
- Giấy khai sinh hoặc chứng thư công tri thay thế;
- Bản cam kết của cha mẹ hoặc người đỡ đầu nếu thí sinh là trẻ vị thành niên;
- Giấy xác nhận thi đỗ tú tài phần I trường trung học, chứng chỉ năng lực tương đương bằng tú tài, bằng cao đẳng hoặc bằng bổ túc trung học.
Ngay khi vào học, sinh viên được cấp sổ học bạ trong đó có ghi thông tin về hộ tịch, quá trình học, môn học và các kì thi.
Sinh viên được cấp thẻ miễn phí. Thẻ sinh viên có giá trị 4 năm và được gia hạn hàng năm. Trên thẻ có ảnh của học sinh và dấu của trường.
Trường hợp thiếu chỉ tiêu tuyển sinh, sinh viên nước ngoài có thể theo học tại trường với điều kiện có chứng chỉ học tập) tương đương với một trong những văn bằng được yêu cầu đối với sinh viên người Pháp và người Đông Dương. Họ có thể được cấp bằng Kiến trúc sư nhưng chỉ hành nghề tại Pháp và Đông Dương nếu đáp ứng quy định tại đoạn 2, điều 2, Luật ngày 31-12- 1940 quy định về việc hành nghề kiến trúc sư.
Điều 6. Chuyển hồ sơ
Về nguyên tắc, học sinh phải hoàn thành tất cả chương trình học. Tuy nhiên, trường hợp ngoại lệ, nếu được Giám đốc Nha Học chính cho phép, học sinh có thể được chuyển đến một trường tương tự tại Pháp và vẫn bảo lưu kết quả các kì thi. Học sinh bị đình thi chỉ được phép chuyển trường nếu đưa ra được lí do đặc biệt.
Điều 7. Năm học bắt đầu ngày 01-10 và kết thúc vào ngày 30-6 hàng năm. Các ngày nghỉ lễ gồm:
- Từ tối ngày 23-12 đến sáng ngày 03-01. Nếu ngày 23 hoặc ngày 03 trùng vào ngày chủ nhật, học sinh được nghỉ ngày trước hoặc sau đó.
- Ba ngày trước và ba ngày sau Tết.
- Từ ngày thứ 6 trước Lễ Phục sinh đến ngày chủ nhật sau đó.
Phần II. Nhân sự
Điều 8. Điều hành
Việc điều hành nhà trường được giao cho một kiến trúc sư DPLG (kiến trúc sư được cấp bằng nhà nước), được lựa chọn trong số giáo sư chính ngạch - phụ trách xưởng kiến trúc của trường.
Hiệu trưởng do Toàn quyền bổ nhiệm theo đề xuất của Giám đốc Nha Học chính và Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mĩ thuật.
Quyền hạn của hiệu trưởng giống như quyền hạn của hiệu trưởng các trường học tương tự ở Pháp nhưng không được trái với các quy định về quản lí hành chính, tài chính ở Đông Dương và những quy định nêu trong Nghị định hiện hành.
Điều 9. Nhân sự giảng dạy.
Nhân sự giảng dạy gồm các giáo sư chính ngạch hoặc hợp đồng và phụ trách bộ môn hoặc giảng dạy.
Tùy theo môn học, giáo sư được lựa chọn trong số kiến trúc sư DPLG, giáo sư trường trung học, giáo sư ngành kĩ thuật hoặc giáo sư ngành hội hoạ người Đông Dương. Đội ngũ giáo sư này chịu sự quản lí của nhà trường và được giữ nguyên khung công chức trước đó.
Chức danh phụ trách bộ môn hoặc giảng dạy có thể giao cho các giáo sư của trường hoặc các chuyên gia xuất sắc về năng lực và công việc, nếu thiếu. Người phụ trách bộ môn hoặc giảng dạy được Toàn quyền chỉ định hàng năm theo đề xuất của Giám đốc Nha Học chính sau khi có sự thống nhất của Hiệu trưởng Trường Mĩ thuật và Hiệu trưởng Trường Kiến trúc.
Điều 10. Hội đồng nhà trường.
Hội đồng nhà trường gồm hiệu trưởng, giáo sư chính ngạch và giáo sư đương chức do hiệu trưởng làm chủ tịch. Hội đồng họp bàn về tất cả những vấn đề được trình lên và có thể đưa ra các thỉnh nguyện liên quan đến tổ chức học tập.
Điều 11. Nhân sự phụ tá gồm thư kí hoặc nhân viên đánh máy chữ, nhân viên chạy giấy, nhân viên tạp vụ công nhật và bảo vệ để đảm bảo cho hoạt động của nhà trường.
Phần III. Chế độ học tập
A. Ban dự bị
Điều 12. Kì thi tuyển sinh
Hàng năm, Giám đốc Nha Học chính ra quyết định ấn định thời gian và địa điểm thi, theo nguyên tắc từ ngày 01-10.
Hồ sơ đăng kí thi phải gửi cho Giám đốc Nha Học chính muộn nhất là trước ngày 20-9.
Trường hợp thí sinh đăng kí thi ít hơn số chỉ tiêu tuyển sinh thì không tổ chức thi và thí sinh mặc nhiên được tuyển.
Kì thi gồm các môn thi viết theo chương trình lớp nhất trường trung học:
Môn thi thứ 1: Bài luận bằng tiếng Pháp. Thời gian 3 giờ, hệ số 3.
Môn thi thứ 2: Toán. Thời gian 3 giờ, hệ số 3.
Môn thi thứ 3: Lịch sử đại cương. Thời gian 3 giờ, hệ số 2.
Môn thi thứ 4: Vẽ trang trí hoặc vẽ phác thảo có kích thước. Thời gian 3 giờ, hệ số 2.
Thí sinh bị điểm dưới 8/20 môn toán sẽ bị loại.
Thí sinh có bằng tú tài trường trung học (Ban Toán) có thể được miễn thi.
Điều 13. Hội đồng giám khảo do Giám đốc Nha Học chính chỉ định theo đề xuất của Hiệu trưởng Trường Mĩ thuật, bao gồm:
- Chủ tịch: Hiệu trưởng Trường Mĩ thuật hoặc người đại diện;
- Phó chủ tịch: Hiệu trưởng Trường Kiến trúc;
- Thành viên: 1 giáo sư kiến trúc của trường, 1 giáo sư toán học, 1 giáo sư tiếng Pháp và 1 giáo sư lịch sử.
Điều 14. Thời gian học
Sinh viên Ban dự bị học trong thời gian 1 năm, sau đó có thể tham dự kì thi điều kiện để vào Ban chính thức.
Sinh viên chỉ dự thi vào Ban chính thức nếu theo học đầy đủ các môn học và đạt tối thiểu từ 8/20 đối với mỗi môn học. Thí sinh đủ điều kiện chỉ được dự thi 3 lần và không bị giới hạn về tuổi.
Điều 15. Miễn học dự bị
 Sinh viên các Trường Bách khoa, Trường Bách nghệ, Trường Cầu Đường, Trường Mỏ, Trường Nông nghiệp, Trường Hàng hải, Trường Thuỷ Lâm được miễn thực tập tại Ban dự bị, có thể trực tiếp tham dự kì thi điều kiện vào Ban chính thức của trường và được cộng 80 điểm.
B. Ban chính thức
Điều 16. Hàng năm, kì thi vào Ban chính thức diễn ra vào tháng 6 gồm các môn thi viết và thi vấn đáp.
Các môn thi viết gồm:
1. Môn kiến trúc: Gồm 2 bài thi
- Bài thi thứ 1: Thực hành vẽ phác thảo bản thiết kế kiến trúc lô-gi-a trên 1/2 khổ giấy lớn. Thời gian thi: 16 giờ (2 ngày). Hệ số 12.
- Bài thi thứ 2: Thực hành vẽ các chi tiết kiến trúc trên 1/2 khổ giấy lớn. Thời gian thi 12 giờ (1 ngày). Hệ số 15.
Thí sinh chỉ được phép làm bài thi thứ 2 nếu đạt yêu cầu ở bài thi thứ 1.
2. Môn vẽ trang trí và hình họa
- Bài thi thứ 1: Thực hành vẽ trang trí. Thời gian 8 giờ (1 ngày). Hệ số 10.
- Bài thi thứ 2. Thực hành vẽ hình hoạ. Thời gian 8 giờ (1 ngày). Hệ số 10.
3. Nặn tượng: Thực hành nặn tượng hoặc đắp phù điêu. Thời gian 8 giờ (1 ngày). Hệ số 10.
4. Lịch sử nghệ thuật đại cương: Một môn thi viết kèm theo bản vẽ. Thời gian 6 giờ. Hệ số 14.
5. Khoa học: Bản vẽ hình học hoạ hình. Thời gian 8 giờ. Hệ số 10.                                                                                                                                                                                                      
Các môn thi vấn đáp gồm:
1. Lịch sử nghệ thuật đại cương: Hệ số 1
2. Khoa học:
- Môn toán đại cương: hệ số 10
- Môn hình học hoạ pháp: hệ số 10
Các môn thi được chấm theo thang điểm 20. Thí sinh có điểm dưới 8 bị loại.
Sinh viên có bằng tú tài toàn phần được cộng 80 điểm.
Thí sinh đạt điểm tối thiểu 1050 điểm được tuyển vào Ban chính thức.
Điều 17. Thành viên hội đồng giám khảo do Giám đốc Nha Học chính chỉ định theo đề xuất của Hiệu trưởng Trường Mĩ thuật, gồm:
- Chủ tịch: Hiệu trưởng Trường Kiến trúc làm chủ tịch;
- Các thành viên: 3 kiến trúc sư người nước ngoài (môn kiến trúc); 1 hoạ sĩ, 1 nhà điêu khắc và 1 kiến trúc sư (môn hội hoạ và nặn tượng); 1 giáo sư lịch sử và 1 kiến trúc sư (môn lịch sử nghệ thuật đại cương); 1 giáo sư toán học và 1 kiến trúc sư (môn toán).
Điều 18. Chương trình giảng dạy kéo dài 3 năm.
Sinh viên phải theo học và tham gia đầy đủ các môn thi viết và thi vấn đáp bắt buộc.
Không có kì thi cuối năm song sinh viên phải đạt mức điểm quy định và thứ hạng tối thiểu mới đủ điều kiện để lên lớp.
Bảng xếp hạng tổng được lập hàng năm theo số hạng và điểm số đạt được.
Điều 19. Thành phần hội đồng giám khảo trong năm gồm:
- Chủ tịch: Hiệu trưởng;
- Các thành viên: Phụ trách xưởng thực hành của Ban dự bị hoặc Ban chính thức; giáo sư dạy lí thuyết; giáo sư thực hành; kiến trúc sư nước ngoài; giáo sư hội hoạ; giáo sư nặn tượng; phụ trách xưởng kiến trúc; kiến trúc sư; hoạ sĩ; nhà điêu khắc và giáo sư phụ trách các môn học.
Phần IV. Thực tập và bằng cấp
Điều 20. Trong 3 năm học, sinh viên đạt thứ hạng tối thiểu và điểm số yêu cầu hàng năm phải hoàn thành khoá thực tập 1 năm mới được thi tốt nghiệp.
Khoá thực tập có thể diễn ra tại Đông Dương hoặc tại Pháp. Trường hợp thực tập tại Pháp, sinh viên phải làm đơn và được Toàn quyền chấp thuận.
Sinh viên thực tập tại văn phòng kiến trúc sư của tư nhân hoặc của nhà nước trong thời gian 1 năm dưới sự kiểm soát của ban thực tập.
Việc xem xét đánh giá kết quả thực tập của sinh viên dựa trên báo cáo, bản vẽ thi công, bài viết, công lệnh và việc kiểm tra bản kê hàng ngày (bản kê chi tiêu của một công trình). Những giấy tờ này được kiến trúc sư hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính hướng dẫn thực tập sinh chứng thực và chuyển đến hội đồng giám khảo kì thi tốt nghiệp trước khi đánh giá. Trường hợp kiến trúc sư hướng dẫn xác nhận khống cho thực tập sinh, họ sẽ bị truy xét trước đoàn kiến trúc sư tại Pháp theo đơn khiếu nại của quốc vụ khanh (bộ trưởng) hoặc trước ban thực tập tại Đông Dương theo đơn khiếu nại của Giám đốc Nha Học chính. Sau đó vụ việc do Toàn quyền quyết định.
Thực tập sinh chỉ dự thi tốt nghiệp khi toàn bộ tài liệu của thực tập sinh đó được chứng thực.
Điều 21. Kì thi tốt nghiệp
Kì thi tốt nghiệp được tổ chức tại Trường Kiến trúc và không giới hạn độ tuổi của thí sinh. Sinh viên đạt mức tối thiểu về điểm số, thứ hạng trong quá trình học tập và hoàn thành khoá thực tập được phép dự thi.
Thí sinh thuyết trình đồ án thi công theo chương trình chung cho tất cả các trường và theo thể thức quy định.
Đồ án phải nộp trước ngày thi vấn đáp (thuyết trình đồ án) 15 ngày và được chấm theo thang điểm 20, gồm:
 - Phần viết đồ án, hệ số 5;
- Nghiên cứu và trình bày, hệ số 3;
- Các phần khác, hệ số 3.
Mỗi sinh viên được gọi lên thuyết trình đồ án trước ban giám khảo và trả lời câu hỏi liên quan đến đồ án của mình. Phần thi vấn đáp được chấm theo thang điểm 20, hệ số 2.
Thí sinh phải đạt tổng điểm tối thiểu là 120 ở môn thi thứ 1 này mới được vào vòng thi tiếp theo với các môn thi như sau:
- Thi viết về lịch sử nghệ thuật, hệ số 1;
- Thi vấn đáp về kĩ thuật thực hành liên quan đến khóa thực tập, hệ số 2;
- Thi vấn đáp về kĩ thuật xây dựng, hệ số 2;
- Thi vấn đáp về luật xây dựng, hệ số 1;
- Thi vấn đáp về kế toán xây dựng và tổ chức nghề nghiệp, hệ số 1.
Tổng số điểm của 5 môn thi sau khi nhân hệ số phải đạt từ 70 điểm trở lên.
Thí sinh đậu kì thi này được cấp bằng và mang chức danh kiến trúc sư (cử nhân).
Điều 22. Thành phần hội đồng thi tốt nghiệp gồm:
- Phần thi thứ nhất (đồ án thi công): 3 kiến trúc sư.  Phụ tá cho 3 kiến trúc sư là: 1 giáo sư xây dựng, 1 giáo sư tĩnh học, 1 kĩ sư chuyên gia về thiết bị xây dựng.
- Phần thi thứ 2: 1 kiến trúc sư được lựa chọn trong số 3 kiến trúc sư nêu trên, 1 giáo sư lịch sử, 1 giáo sư luật hay 1 quan toà hoặc cựu quan toà, 1 kiến trúc sư.
Phần V. Các quy định khác
Điều 23. Học bổng cao đẳng được cấp theo quy định tại Nghị định số 6328 ngày 12-12-1933.
Điều 24. Chế độ kỉ luật được điều chỉnh theo Nghị định ngày 18-9-1924, sửa đổi và bổ sung ngày 18-2-1926, ngày 02-7-1926 và ngày 14-5-1930.
Điều 25 gồm một số quy định tạm thời.
Điều 26. Phó Toàn quyền, Giám đốc Học chính Đông Dương và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Kèm theo Nghị định này là Chương trình học tập. Chương trình quy định chi tiết cho từng năm học và từng môn học cụ thể.
2.      
Arrêté du 9 mai 1945 du Gouverneur général de l’Indochine portant création d’une école des Fonctionnaires indochinois.
Nghị định ngày 09-5-1945 của Toàn quyền Đông Dương về việc thành lập một trường đào tạo viên chức Đông Dương.
(Nguồn: J 1248, JOIF 1945, tr. 30-31)
Nghị định gồm 10 điều với các nội dung chính như sau:
Điều 1. Trường Đào tạo Viên chức Đông Dương chịu sự kiểm soát của Giám đốc Nha Học chính Đông Dương có nhiệm vụ đào tạo viên chức người Đông Dương làm việc tại các cơ quan hành chính và tư pháp.
Điều 2. Trường đào tạo 2 trình độ sơ cấp và cao cấp.
Điều 3. Thời gian học là 3 năm. Với lớp đặc biệt, thời gian học được quy định riêng.
Điều 4. Điều kiện dự tuyển vào trường quy định như sau:
a. Lớp sơ cấp:
1. Cựu học sinh bậc trung đẳng, cao đẳng (gồm cả viên chức đương nhiệm) đã học hết chương trình cao đẳng tiểu học (4 năm) hoặc học trung học năm thứ 3.
2. Học sinh học cao đẳng tiểu học năm thứ 4 hoặc học trung học năm thứ 3 bị gián đoạn trong niên khoá 1944-1945.
3. Những người được Giám đốc Nha Học chính công nhận trình độ căn cứ vào bằng cấp.
b. Lớp cao cấp
1. Sinh viên và cựu sinh viên trường đại học (gồm viên chức đang tại nhiệm).
2. Cựu học sinh trung học (gồm viên chức đang tại nhiệm) đã học môn triết học hoặc môn toán sơ cấp.
3. Học sinh trung học năm thứ 1 bị gián đoạn niên khoá 1944-1945.
4. Thí sinh được Giám đốc Nha Học chính công nhận trình độ tương đương theo bằng cấp.
Điều 5. Thí sinh dự thi phải làm đơn gửi Giám đốc Nha Học chính kèm theo bản trích lục giấy khai sinh, bản sao văn bằng hoặc giấy chứng nhận học đường. Độ tuổi quy định đối với thí sinh là từ 18 đến 30 tính đến ngày 01-01 của năm tổ chức thi.
Điều 6. Thí sinh được tuyển chọn vào trường sau khi đậu kì kiểm tra vấn đáp và kiểm tra sức khỏe. 
Điều 7. Sinh viên của trường được ở nội trú.
Điều 8. Các môn học quy định như sau:
a. Lớp sơ cấp gồm các môn: đạo đức; khái niệm cơ bản về khoa học tư pháp; khái niệm cơ bản về cai trị; giáo dục thể chất và kỉ luật; môn chuyên ngành; bài tập thực hành về hành chính.
b. Lớp cao cấp gồm các môn: đạo đức; công pháp Đông Dương; luật hành chính Đông Dương; nguyên tắc về các sở y tế; công chính; lao động; luật hình sự và tố tụng hình sự áp dụng tại Đông Dương; luật dân sự và tố tụng dân sự áp dụng tại Đông Dương; giáo dục thể chất và kỉ luật, môn chuyên ngành; bài tập thực hành.
3.      
Suppression de la Direction de l’Instruction publique en Indochine 1945.
Xoá bỏ Nha Học chính Đông Dương 1945.
(Nguồn: DABI - 1534)
Hồ sơ gồm 6 tờ, trong đó có:
Nghị định số 1047 ngày 15-8-1945 của Toàn quyền Đông Dương về việc xoá bỏ Nha Học chính Đông Dương kể từ ngày 15-8-1945. Theo đó, toàn bộ tài liệu lưu trữ và tư liệu của Nha Học chính sẽ được chuyển sang lưu giữ tại Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương. Các loại tài sản khác được chuyển về Nha Tài chính.










 

 

 

 





[1] Vào các năm 1950, 1956, 1979.
[2] Vào các năm 1986, 2000, 2014.
[3] Nguồn http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/254711/cong-bo-du-thao-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-tong-the.html
[4] PGS.TS Phạm Văn Quyết (Đại học KHXH & VN thuộc Đại học Quốc gia HN), Những trăn trở cho đổi mới giáo dục đại học Việt Nam (Nguồn: Dantri.com.vn, ngày 7/8/2007).
[5] GS.TS Nguyễn Thị Mĩ Lộc, Giáo dục đại học Việt Nam - Những vấn đề chất lượng và quản lí (nguồn: https://vnu.edu.vn/btdhqghn/?C1987/N14616/Giao-duc-dai-hoc-Viet-Nam-Nhung-van-de-chat-luong-va-quan-ly.htm).

[6] Paul Beau chính thức nhậm chức Toàn quyền Đông Dương ngày 15-10-1902.
[7] Albert Sarraut được bổ nhiệm làm Toàn quyền Đông Dương hai lần. Lần thứ nhất được bổ nhiệm theo Sắc lệnh ngày 01-6-1911, chính thức nhậm chức ngày 15-11-1911 và lần thứ hai được bổ nhiệm theo Sắc lệnh ngày 7-11-1916, chính thức nhậm chức ngày 22-1-1917.
[8] Người Pháp gọi Nam Kì là Cochinchine française” (tức Nam Kì thuộc Pháp).
[9] Courrier de Saigon, No 23 du 5 décembre 1874.
[10] BOCF, 1879, tr. 85-100.
[11] H. Marc et Cony: “Indochine française” - Paris 1946, tr. 12 (dẫn theo Phan Trọng Báu: Giáo dục Việt Nam thời cận đại, Nxb KHXH, H, 1994, tr. 55).
[12] Theo báo cáo số 706 ngày 26-6-1890 của Thanh tra Doumoutier (phụ trách Sở Học chính Trung - Bắc Kì). Tài liệu phông Tòa Đốc lí Hà Nội (Fonds de la Mairie de de Hanoï - MHN), hs: 5126.
[13] Direction de l’Instruction Publique - C. Mus, Directeur de l’Ecole supérieure de Pédagogie de l’Université Indochinoise: La Première Université Indochinoise, Hanoï, 1927, tr. 2.
[14] JOIF, 1906, tr. 807-810.
[15] RHD, hs: 3756.
[16] JOIF, 1906, tr. 1634-1640.
[17]La Première Université Indochinoise, sđd, Hanoï, 1927, tr. 2.
[18] JOIF, 1906, tr. 807-810.
[19] RST, hs: 20345.
[20] JOIF, 1918, tr. 607-684.
[21] JOIF, 1927, tr. 1927-1928.
[22] JOIF, 1935, tr. 2862-2864.
[23] JOIF, 1938, tr. 416-430.
[24] Direction de l’Instruction publique: Règlement général de lEnseignement supérieur, 2ème édition, Hanoï-Haiphong, Imprimerie d’Extrême-Orient, 1921.
[25] Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/bo-truong-phung-xuan-nha-muc-tieu-cua-giao-duc-khong-phai-la-bang-cap-3384392.html 



 Giáo dục Việt Nam thời kỳ thuộc địa, qua tài liệu và tư liệu lưu trữ( 1858-1945)  Nxb thông tin và truyền thông. H.2016