Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2020

NGUYỄN TÀI CẨN_DANH MỤC CÔNG TRÌNH (Cập nhật ngày 31/05/2012, chưa đầy đủ)[1].


NGUYỄN TÀI CẨN_DANH MỤC CÔNG TRÌNH
(Bản Tuệ Thành soạn. Cập nhật ngày 31/05/2012, chưa đầy đủ)[1].

1.      Sách và bài tạp chí tiếng Việt:
1.1. Sách, cá nhân:
1975. Ngữ pháp tiếng Việt: tiếng, từ ghép, đoản ngữ. Nxb Đại học và Trung học Chuyên nghiệp, Nxb Đại học Quốc gia (tái bản nhiều lần). Hà Nội.
1975. Từ loại danh từ trong tiếng Việt hiện đại. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội.
1979. Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt. Nxb Khoa học Xã hội, Nxb Đại học Quốc gia (tái bản nhiều lần). Hà Nội.
1995. Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo). Nxb Giáo dục. Hà Nội.
1998. Ảnh hưởng Hán văn Lí Trần qua thơ và ngôn ngữ thơ Nguyễn Trung Ngạn. Nxb Giáo dục. Hà Nội.
1998. Tìm hiểu kỹ xảo hồi văn liên hoàn trong bài Vũ Trung Sơn Thủy của Thiệu trị. Nxb Thuận Hóa. Huế.
2001. Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hóa. Nxb Đại học Quốc gia. Hà Nội.
2002. Tư liệu Truyện Kiều: bản Duy Minh Thị 1872. Nxb Đại học Quốc gia. Hà Nội.
2004. Tư liệu Truyện Kiều: từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu. Nxb Văn học. Hà Nội.
2008. Tư liệu Truyện Kiều: thử tìm hiểu bản sơ thảo Đoạn Trường Tân Thanh. Nxb Giáo dục. Hà Nội.
2011. Tuyển tập công trình về Hán Nôm. Nxb Giáo dục. Hà Nội.

1.2. Sách, đồng tác giả, chủ biên:
1974. (& Đoàn Thiện Thuật, Bùi Khánh Thế, Đinh Văn Đức). Hỏi đáp về ngữ pháp tiếng Việt. Nxb Giáo dục. Hà Nội.
1981. Một số vấn đề ngôn ngữ học Việt Nam (Kỷ yếu hội thảo). Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Hà Nội.
1985. (với sự cộng tác của N.V. Xtankevich). Một số vấn đề về chữ Nôm. Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Hà Nội.
2008. (& Nguyễn Tài Chất). Khảo sát về thơ Đinh Nhật Thận qua Thu Dạ Lữ Hoài Ngâm. Nxb Đại học Quốc gia. Hà Nội.

1.3.Sách, đồng tác giả, thành viên:
Đinh Gia Khánh (chủ tịch hội đồng biên tập). 1981. Tổng tập văn học Việt Nam. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội.
Lâm Mỹ Dung, Hoàng Văn Khoán, Đỗ Đức Hùng...2000. Thực chất của “Đối thoại sử học”. Nxb Thế giới. Hà Nội.
Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên). 2007. Lược sử Việt ngữ học. Nxb Giáo dục. Hà Nội.
Trần Văn Giàu, Vũ Kim Bảng...2010. Hà Nội: những vấn đề ngôn ngữ văn hóa. Nxb Thời đại. Hà Nội.

1.4. Bài tạp chí:
1965. Một vài nhận xét về danh từ chỉ quan hệ thân thuộc trong tiếng Việt hiện đại. Thông báo khoa học Đại học Tổng hợp Hà Nội. Số 1, tr 144-145.
1965. Một vài suy nghĩ xung quanh vấn đề quan hệ giữa mooc-phem và âm tiết trong   tiếng Việt. Thông báo khoa học Đại học Tổng hợp Hà Nội. Số 2, tr. 88-93.
1969. Dựa vào đoản ngữ để cải tiến công tác phân định từ loại, tiểu loại. Thông báo khoa học Đại học Tổng hợp Hà Nội. Số 4, tr.131-136.
1971. Cứ liệu ngữ âm lịch sử với vấn đề thời kỳ xuất hiện chữ Nôm. Ngôn ngữ. Số 1, tr.26-43.
1972. Bổ sung thêm một số cứ liệu ngữ âm lịch sử có liên quan đến thời kỳ xuất hiện của chữ Nôm. Thông báo khoa học Đại học Tổng hợp Hà Nội. Số 5, tr.124-140.
1972. Một cứ liệu mới về ngữ âm lịch sử bản: “ Cao thượng ngọc hoàng bổn hạnh tập kinh âm thích”. Ngôn ngữ. Số 1, tr.1-15.
1972. Về một số ván in đầu thời kỳ Lê Sơ (1434-1443) vừa phát hiện được ở Linh Tiên Quán. Khảo cổ học. Số 11-12, tr.123-138.
1973. (& Stankievich, N.V.) Góp thêm một số ý kiến về vấn đề hệ thống đơn vị ngữ pháp. Ngôn ngữ. Số 2, tr.1-13.
1974. Thử tìm cách đọc Nôm hai chữ “ song viết”. Tạp chí Văn học. Số 2, tr. 77-93.
1975. Bàn thêm về “song viết”, “song biết”, “song kiết”. Tạp chí Văn học. Số 6, in lại trong Một số vấn đề về chữ Nôm, 1985, tr 210-227.
1976. (&Stankievich, N. V. ) Điểm qua vài nét về tình hình cấu tạo chữ Nôm. Ngôn ngữ. Số 2, tr.15-25, Số 3, tr.14-24.
1977. Về một vài hiện tượng đặc biệt trong quá trình diễn biến từ các âm môi tiếng Hán trung cổ sang cách đọc Hán Việt hiện nay. Ngôn ngữ. Số 4, tr.12-22 .
1978. Quá trình hình thành thể đối lập giữa ba từ : “được, bị, phải”. Ngôn ngữ. Số 2, tr.19-22.
1978. Xuất phát điểm của hệ thống vần Hán Việt. Ngôn ngữ. Số 4, tr.35-41.
1980. (& Vũ Đức Nghiệu) Một vài nhận xét bước đầu về ngôn ngữ trong thơ Nguyễn Trãi ( qua số liệu thống kê). Ngôn ngữ. Số 3, tr 15-21.
1981. Một vài nhận xét về cách gieo vần trong thơ chữ Hán ở Việt Nam ( trên cứ liệu thơ Nguyễn Trãi). Ngôn ngữ. Số 1, tr.21-24.
1981. Lăm và nhăm, một và mốt. Giữ gìn sự trong sang của tiếng Việt về mặt từ ngữ. Tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, tr.386-391.
1981. (& N.V. Stankevitch). Chữ Nôm, một thành tựu văn hóa của thời đại Lí – Trần, in trong: Viện Sử học, Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lí – Trần, Nxb Khoa học Xã hội, tr 476 – 516.
1982. (&Stankievich, N.V.) .Một vài kết quả bước đầu trong việc nghiên cứu ngôn ngữ Nguyễn Đình Chiểu. Tổ quốc. Số 6, tr.12-13.
1983. Một vài nhận xét thêm về tình hình diễn biến của chữ Nôm. Ngôn ngữ. Số 4, tr.35-41.
1984. (& N.V. Stankevitch). Khảo sát quá trình diễn biến của chữ Nôm thông qua mô hình ngữ âm của chữ. Nghiên cứu Hán Nôm. Số 1, tr 102-111.
1985. Trong chừng mực nào có thể dùng bản Nguyễn Trãi – Quốc Âm Thi Tập của Dương Bá Cung để nghiên cứu về chữ Nôm đầu thế kỷ 15? Ngôn Ngữ. Số 4, tr.40-42.
1985. Một vài suy nghĩ xung quanh vấn đề đọc Nôm, phiên Nôm. Nghiên cứu Hán Nôm. Số 1: tr 38-49.
1986. Điểm qua vài nét về tình hình nghiên cứu chữ Nôm ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Những vấn đề ngôn ngữ học về các ngôn ngữ phương Đông. Nxb Viện Ngôn ngữ học, tr.215-223.
1988. Hồ Chủ Tịch với vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ. Ngôn ngữ trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nxb Khoa học Xã hội, tr.234-243.
1988. (& Võ Bình) Thử bản thêm về thể thơ lục bát. Văn hóa dân gian. Số 3+4, tr.51-56.
1991. Một vài nhận xét thêm rút ra từ cách đọc cổ Hán Việt. Ngôn ngữ. Số 4, tr.1-4.
1996. Một bức thư cuối thế kỷ XVII, triều đình Lê Trịnh gửi vua nước Pha Lan Sa. Tạp chí Hán Nôm. Số 3. Tr 75-76.
1998. Thử phân kì lịch sử 12 thế kỉ của tiếng Việt. Ngôn ngữ. Số 6.
2001. Về tên gọi con Rồng của người Việt. Diễn đàn. Số 94. In lại trong Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hóa. 2001, tr 20-29.   
2004. Rông vát và song viết. Ngôn ngữ và đời sống. Số 9, tr 1-3.
2004. Về hai bản Kiều Thái Bình. Tạp chí Hán Nôm. Số 6, tr 74-77.
2005. Thử tháo gỡ một vài điểm đáng băn khoăn trong các bản Kiều Nôm cổ. Nghiên cứu Văn học. Số 3, tr 3-13.
2005. Lịch sử Truyện Kiều, về khoảng 900 câu khởi thảo đầu tiên. Nghiên cứu Văn học. Số 11, tr 16-26.
2005. Về hai giả thuyết: trong các bản Kiều Nôm cổ đang còn lưu lại một số vết tích kị húy đời Lê Trịnh và chắc Truyện Kiều đã được cơ bản hoàn thành khoảng 1786 - 1790. Ngôn ngữ. Số 4, tr 1-6.
2005. (& Đào Thái Tôn). Sự đóng góp của bản Liễu Văn Đường trong việc tìm ra niên đại Truyện Kiều. Tạp chí Hán Nôm. Số 3, tr 7-24.
2006. Bàn lại với anh Nguyễn Quảng Tuân về niên đại Truyện Kiều. Nghiên cứu văn học. Số 5, tr 119 – 123.
2007. (& Phan Anh Dũng). So sánh các bản truyện Kiều các miền Nam, Bắc và Huế. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển. Số 3, tr 102 – 108.
2009. Về quốc hiệu đời nhà Đinh. Báo cáo hội thảo quốc tế Nghiên cứu giảng dạy ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam – Trung Quốc ở Đông và Đông Nam Á lần thứ 2, tháng 11/2009, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội. Đăng lại trong “Diễn đàn forum”.

 
2.      Sách, bài tạp chí tiếng nước ngoài:
2.1. Sách:
Bưxtrov I.X, Nguyễn Tài Cẩn, Xtankêvich N.V. 1975. Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb Nauka (tiếng Nga).

2.2. Bài tạp chí:
1960. Danh ngữ trong tiếng Việt (tiếng Nga).
1960. Phạm trù danh từ trong tiếng Việt (tiếng Nga).
1963. Về vấn đề loại từ trong tiếng Việt (tiếng Nga).
1976. Về các cấu trúc kiểu “danh từ chỉ đơn vị đo lường + danh từ” (tiếng Nga).
1980. Phép đối trong tiếng Việt- sự thể hiện của những đặc điểm cấu trúc cơ bản của ngôn ngữ (tiếng Nga).
1982. Lịch sử hình thành thế đối lập Được, Bị, Phải (tiếng Nga).
1982. Về nguồn gốc hệ thống vần trong cách đọc Việt các chữ Hán (tiếng Nga).
1985. Some new remarks on the evolution of Nôm. Vietnam Social Sciences. 4/1985, pp.60-65.
1987. Văn hóa chữ Hán và ngôn ngữ Việt Nam (tiếng Nhật). Hán tự dân tộc quyết đoán. Tokyo, in lại bằng tiếng Việt trong: Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hóa. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001, tr 424 – 439.  






[1] Nguồn tham khảo:
1.     Mục lục Tạp chí Hán Nôm online: http://hannom.org.vn/?CatID=7&Lang=VN
2.     Mục lục tạp chí Nghiên cứu Văn học http://vienvanhoc.org.vn/content/mucluc/index.aspx?page=7
3.     Thư mục online của Thư viện quốc gia Việt Nam: http://www.nlv.gov.vn/
4.     Nguyễn Như Ý.1994. Thư mục ngôn ngữ học Việt Nam. Nxb: Văn hóa.

Thứ Tư, 18 tháng 3, 2020

KIỂM THẢO VỀ ĐẠI DANH TỪ

PHAN KHÔI:
KIỂM THẢO VỀ ĐẠI DANH TỪ
Tôi thường lấy làm lạ sao trong tiếng nói hiện hành của ta không có một thứ đại danh từ trung lập, nghĩa là không trọng, không khinh, ai nấy dùng mà xưng mình, xưng người đều được cả, như đại danh từ của tiếng Pháp: je, tu, il, nous, ils; của tiếng Tàu: ngã, nễ, tha, ngã môn, nễ môn, tha môn, bất kỳ hạng người nào cũng dùng một cách phổ thông, không phân biệt đằng nào là khinh, đằng nào là trọng.
Tôi muốn đi tìm đến tiếng nói của người Việt Nam nguyên thủy xem sao. Xưa hơn hết là tục ngữ ca dao, hoặc giả có giấu trong đó ít nhiều đại danh từ tối cổ. Thì đã tìm thấy những câu:
Đông có mầy, tây có tao.
Mầy bằng tao, ao bằng giếng.
Cha nó lú có chú nó khôn.
Một đời ta, ba đời hắn
Đố bay con rết mấy chân, cầu ô mấy nhịp, chợ Dinh mấy người.
Không biết còn có nữa chăng, tôi tìm được trong trí nhớ chỉ có bấy nhiêu.
Dầu sao tôi cũng mạnh đạn đặt ra một cái giả thuyết: Tiếng Việt Nam đời xưa, vào đời Hồng Bàng (?) chẳng hạn, vốn có đại danh từ trung lập: Số một tự xưng là tao, đối xưng là mày, tha xưng là nó hay hắn; số nhiều: tự xưng là ta, đối xứng là bay, tha xưng tất nhiên là chúng nó.
Tôi giả định lúc bấy giờ Mỵ Nương đối diện với vua cha gọi bằng mầy, xưng mình bằng tao, gọi Lạc Hầu chồng mình bằng nó; còn bọn dân cày Lạc điền chẳng những sau lưng các quan lang gọi họ bằng chúng nó, mà ngay trước mặt cũng gọi bằng bay, xưng mình bằng ta. Ấy vậy mà mọi người đều coi là tự nhiên, không có ý gì là hỗn xược cả, vì nó là đại danh từ trung lập và phổ thông.
Nếu quả thật như thế và nếu giữ mãi được như thế cho đến bây giờ thì tiện lợi biết bao. Ngặt một điều là chúng ta càng ngày càng văn minh ra, ăn nói càng lịch sự ra, làm cho trong tiếng nói ngày nay gọi là đại danh từ không hẳn là đại danh từ nữa, mà chỉ là một mớ xưng hô táp nham lộn xộn.
Cái giả thuyết trên đây không phải là không có một ít chứng cứ.
Trong kinh thánh người Hê-bơ-rơ viết ra bốn năm ngàn năm về trước, gọi Giê-hô-va (Đức Chúa Trời) bằng một chữ Hê-bơ-rơ đúng nghĩa là mày, Kinh Thánh bằng tiếng Pháp dịch là tu, bằng tiếng Tàu dịch là nhữ, đều nghĩa là mầy cả. (Riêng Kinh Thánh bằng tiếng Việt Nam của Công giáo hay của Tin lành cũng vậy, không dám dịch là mầy mà dịch là Ngài hay Chúa! Người Hê-bơ-rơ tôn kính ai cho bằng tôn kính Giê-hô-va, thế mà gọi bằng mày, đủ biết chữ mầy ở đời xưa không có ý gì là khinh miệt cả.
Bên Trung Quốc hơn bốn ngàn năm trước, vào đời Nghiêu, Thuấn cũng thế. Trong Kinh Thư, còn chép lại, bây giờ tôi gọi vua bằng nhữ (mầy), xưng mình bằng trẫm (ta), vua đối bầy tôi cũng thế, không hề có phân biệt cách xưng hô giữa bề trên đối với bề dưới và bề dưới đối với bề trên.
Dựa vào hai cái chứng cứ chắc chắn ấy, tôi có thể giữ vững cái giả định trên kia được lắm. Vì Giê-hô-va, Nghiêu Thuấn, gọi bằng mầy được, thì Lạc Long Quân hay Hùng Vương, Lạc Hầu hay các quan lang, sao lại không gọi bằng mầy bằng nó bằng bay được?
Hoan hô đại danh từ của đời Hồng Bàng (?)! Đại danh từ của đời Hồng Bàng muôn năm! Nhưng than tôi, nó có được muôn năm đâu!
Tiếng nói của loài người cứ dần dần thay đổi, của dân tộc nào cũng thế. Tiếng Pháp, tôi không biết rõ lắm, chỉ thấy đại khái có phân biệt khinh trọng giữa chữ tu và chữ vous. Nhưng tiếng Tàu, nói đúng là chữ Hán, thì cái sự thay đổi rõ ràng lắm.
Ở đời Nghiêu Thuấn, vua tôi gọi nhau bằng mầy như vậy, mà đến đời Khổng Tử đã khác rồi. Khổng Tử gọi học trò mình bằng nhĩ (bay), nhữ (mày) mà học trò gọi Khổng Tử thì phải bằng phu tử, hay tử, nghĩa là thầy. Đến Tần Thủy Hoàng choán chữ trẫm làm của riêng, chỉ thiên tử mới được dùng nó tự xưng. Từ đó về sau, vua gọi bầy tôi bằng nhĩ, nhữ là thường, còn bầy tôi gọi vua phải bằng bệ hạ, bằng thánh thượng, còn bằng những cái quái gì nữa.
Hai ngàn năm nay, viết bằng chữ Hán, văn ngôn, nếu là bậc ti ấu xưng mình đối với bậc tôn trưởng thì chữ ngã (ta) hầu như không được dùng đến nữa. Đối với cha, con tự xưng là nhi; đối với vua, bầy tôi tự xưng là thần; đối với đàn ông, đàn bà tự xưng là thiếp. Đại để là phải biểu lộ trong sự xưng hô cái ý kẻ ti ấu phải cúi mình sát đất đội kẻ tôn trưởng lên đầu. May ra trong bạch thoại, tiếng nói thường ngày của dân chúng, mới còn giữ lại thứ đại danh từ trung lập, ngã, nễ, tha, ngã, môn, nễ môn, tha môn như trên đã nói.
Cách xưng hô bị thay đổi ở nước ta cũng giống như ở Trung Quốc mà có lẽ còn hỗn tạp hơn.
Sự thay đổi ấy do trong xã hội càng ngày càng chia ra giai cấp. Giai cấp đây không phải tư bản và vô sản mà là thượng và hạ, tôn và ti, quý và tiện, trưởng và ấu. Và chính do cái sự chia ra giai cấp ấy chúng ta đã nhận cho xã hội càng văn minh ra, ăn nói càng lịch sự ra.
Không biết bắt đầu từ bao giờ, những người lớn kể cả xứ ta đã choán lấy chữ tao chữ ta làm của riêng để xưng mình cũng như Tần Thủy Hoàng đã choán lấy chữ trẫm. Rồi thì những người dưới kẻ bé phải tìm một chữ hèn hạ nhất để tự xưng: chữ tôi, nghĩa là tôi tớ.
Rất đỗi một mụ trùm đĩ nói với một cô con gái:
Con kia đã bán cho ta, nhập gia phải cứ phép nhà tao đây.
Lão kia có giở bài bây, chẳng văng vào mặt mà mày lại nghe?
Và cô con gái kia đáp lại:
Nhưng tôi còn sá chi tôi, phận tôi đành vậy, vốn người để đâu!
Thật là tách bạch lắm. Tao, ta là tiếng tự xưng của những kẻ có quyền làm gió làm mưa trên kẻ khác và gọi kẻ khác ấy bằng mầy; còn tôi là tiếng tự xưng của những kẻ chịu đè bẹp dưới quyền kẻ khác và phải gọi kẻ khác ấy bằng người, người đây có ý nghĩa tôn kính, ý nghĩa đặc biệt của nó.
Do đó đã nảy ra một cái thành ngữ trong tiếng Việt Nam là “mày tao mi tớ”, và đồng thời cái thành ngữ ấy cũng là cái luật xưng hô giữa xã hội chúng ta nữa: Người nào đã có quyền gọi kẻ khác bằng mầy thì tự xưng bằng tao; người nào đã bị gọi bằng mi thì phải tự xưng bằng tớ. Điều sau đây đã thông hành giữa hoàng phái ở Huế, người hoàng phái gọi kẻ dưới họ bằng mi, những kẻ này xưng mình bằng tớ. (Tớ đây tỏ ý hèn hơn tôi nữa, khác với chữ tớ dùng tự xưng ở miền Bắc).
Chữ tao, chữ ta đã trở nên hách dịch, chữ mầy phải trở nên hèn hạ, rồi những chữ nó, hắn, bay, chúng nó cũng theo đó mà trở nên hèn hạ nốt. Rốt lại, những chữ ấy chỉ dùng để xưng hô hạng người cặn bã trong xã hội và loài vật như con trâu, con chó, và trong tiếng ta không còn có đại từ trung lập và phổ thông xứng với cái tên nó nữa. Chúng ta phải tạm bợ, lấy danh từ làm đại danh từ.
Những chữ như cụ, ông, bác, chú, cậu, anh, bà, cô, dì, mợ, em, cháu là những danh từ để chỉ các hạng người cùng trong huyết thống với mình, hoặc đồng thế hệ, hoặc khác thế hệ. Chúng ta đã chẳng những lấy những chữ ấy trùm lên một cái tên như ông Nguyễn Du, bà Nguyễn Thị Điểm, mà khi đối diện nói với ông bà ấy cũng xưng họ là ông là bà để thay cho cái đại danh từ mầy đời xưa. Vả lại phải nhìn đúng đắn bậc nào gọi theo đấng bậc ấy, nếu đáng gọi cụ mà gọi ông, đáng gọi bà mà gọi cô, sẽ có lỗi lớn. Thật là phiền phức vô cùng và rối trí người ta lắm lắm.
Đã thế mà lại còn vẽ ra thêm nhiều điều để càng phiền phức và rối trí hơn.
Con, chính cha mẹ đẻ ra, vì lẽ gì đó, không gọi cha mẹ bằng cha mẹ, lại gọi cha mẹ bằng cậu mợ, vợ chồng cũng gọi nhau bằng cậu mợ, đầy tớ cũng lại gọi chủ nhà bằng cậu mợ. Đối với người ngoài, ông bà nội ngoại gọi cháu mình bằng cháu, cha mẹ khi đối với người ngoài cũng gọi con mình bằng cháu, người ngoài cũng lại gọi con cháu nhà người ta bằng cháu.
Cùng một danh từ mà có khi trọng khi khinh khác nhau. Bọn ông nghè, ông bảng, ông cử, ông tú, gọi nhau bằng anh, bằng bác, cũng lại gọi người nấu bếp kéo xe bằng anh, người thợ mộc thợ rèn bằng bác. Nữ học sinh, gọi bằng cô, đào hát, cũng gọi bằng cô. Vợ bạn, gọi bằng chị, người bán hàng cá hàng rau, cũng gọi bằng chị. Đừng thấy gọi giống nhau mà tưởng là đối đãi bình đẳng, lầm chết đi đấy; thực ra thì trong đó có hai hạng anh, hai hạng bác, hai hạng cô, hai hạng chị, phân biệt rành rọt lắm.
Chỉ một chữ có thể dùng cho ba ngôi là chữ ông, xưng mình bằng ông, xưng người đối diện bằng ông; còn xưng người không có mặt bằng ông nữa. Chữ ông thứ ba này tức là ông ấy, mà khi nói ông ấy người ta thấy không được tôn kính mấy cho nên bỏ chữ ấy đi. Một điều đáng buồn cười là khi người đàn bà nổi tam bành lên cũng xưng mình bằng ông. Thật là một nồi xáo, một nồi hẩu lốn! Ở miền Trung Nam lại còn chuyển ông ấy thành ra ổng, bà ấy thành bả, rồi những ảnh, chỉ, cẩu, mở... một cách rất dễ dàng tùy tiện.
Phải để riêng một đoạn nói về chữ cụ. Cụ, nguyên dùng để xưng người có tuổi ngang với tuổi cụ sinh ra ông mình, vả lại người ấy có khi còn có đức vọng phẩm giá giữa xã hội nữa. Nhưng càng ngày người ta càng làm cho cái tôn xưng ấy hóa ra rẻ rúng: mới bốn mươi lăm tuổi đã tưng nhau lên cụ rồi, nếu là quan, còn thêm: cụ lớn.
Cái danh từ này nguyên chỉ có ở miền Bắc. Ở Huế cũng có cụ mà là một thứ cụ khác. Cụ ở đây là một người trai trung niên, làm thuê ngày, cuốc đất gánh phân chẳng hạn. Tức như cụ Ngáo, tay đao phủ có tiếng, được gọi bằng cụ không phải vì có tuổi mà vì làm cái nghề ấy cũng coi như cuốc đất gánh phân.
Ở đó trước kia dầu là một vị đại thần già cả người ta cũng chỉ gọi bằng quan lớn. Từ ngày có hai vị đại thần Cao Xuân Dục và Cao Xuân Tiếu(1) là cha con đồng triều, người ta đã gọi con là quan lớn rồi, không lẽ cũng gọi cha bằng quan lớn, bèn theo thói Bắc mà gọi là cụ lớn. Sau đó ở Huế lần lượt có các vị thượng thư là Phạm Văn Thụ, Phạm Quỳnh, Bùi Bằng Đoàn, đều người Bắc cả, cái danh từ cụ lớn mới thạnh hành. Trước năm 1945, khắp cả miền Trung, tỉnh nào cũng rặt những cụ lớn là cụ lớn, không cứ gì phải là thượng thư, tổng đốc.
(Tôi biết những người ở thời trước như các bậc Phạm Phú Thứ, Nguyễn Thuật ở Quảng Nam, tuy làm quan lớn, đến nay người trong tỉnh nhắc tới cũng gọi là quan Thượng Đông (Phạm làm tổng đốc Hải Dương), quan Thượng Hà Đình (Nguyễn) chứ không gọi bằng cụ).
Thấy một cái tôn xưng rẻ tiền quá như thế, dơ lắm, có kẻ từ chối không nhận người khác gọi mình bằng cụ, nhưng nào có được, vì gọi cũng chẳng mất chi, người ta cứ gọi. Nhưng cũng lại có kẻ không được gọi bằng cụ thì đâm ra hằn học, căm tức, thôi thì chẳng nên gây thù chuốc oán làm chi, người ta cứ gọi cho. Vì vậy mà tiếng cụ ngày nay lan tràn ra cả nước, hoặc giả chỉ Nam Bộ tuy có mà chưa được phổ biến.
Nghề thế, đã tôn bợ người khác lên càng cao thì tự mình lại hạ xuống thấp và càng thấp. Xưng mình bằng tôi, nghĩa là tôi tớ, đã nhũn nhặn lắm và đê tiện quá rồi, còn chưa lấy làm đủ, xưng là con là cháu. Trong khi không gọi người đẻ ra mình bằng cha mẹ, gọi bằng anh chị, cậu mợ, chú thím, mà lại xưng con xưng cháu trước mặt những kẻ không đẻ ra mình, không đẻ ra cha mẹ mình, gẫm mà xem, có đáng tủi thân không?
Đàn bà sao lại tự xưng em trước mặt đàn ông? Xưng em, chỉ có vợ xưng với chồng; ngoài ra, cô đào xưng với quan viên, nhà thổ xưng với kẻ làng chơi, mỗi đằng có ý nghĩa riêng của nó. Còn bất cứ một người đàn bà nào đối với bất cứ một hay nhiều người đàn ông nào, việc gì lại phải xưng như thế? Xưng như thế chỉ để mà thú nhận rằng mình yếu đuối thấp kém, đành một phận làm người dưới kẻ bé, không dám nói chuyện bình quyền bình đẳng với các “anh” đó thôi.
Nói cho đúng ra, trong tiếng ta hiện nay không có đại danh từ. Phải làm thế nào chứ không thể để mãi mãi như thế được. Việc ấy cũng sẽ phải thảo luận lần nữa trong một bài khác.
VIẾT THÊM VỀ SAU
Có người nói, người Việt Nam lấy những tiếng xưng hô trong thân thuộc làm đại danh từ mà xưng hô khắp cả người trong nước như thế, là một thói tục tốt. Đó là suy rộng cái chủ nghĩa gia tộc ra trong toàn quốc, coi hết thảy người trong nước là họ hàng bà con với nhau, nhân đó càng thương yêu nhau. Thói tục tốt thì nên giữ, sao lại công kích?
Tôi cũng nhận thấy hình như có cái ý nghĩa ấy. Nhưng ý nghĩa là một chuyện, mà hiệu quả là một chuyện khác. Thử hỏi cái thói tục tốt ấy có làm cho tốt thói tục không, nghĩa là có hiệu quả gì không, thì thật là không có gì cả.
Trong gia đình, anh em có thể kiện nhau, mẹ chồng nàng dâu có thể chống báng nhau, thì ra giữa xã hội, cái sự tranh quyền đoạt lợi nhau, bóc lột hãm hại nhau, là sự rất thường. Bởi vì cái chủ nghĩa gia tộc đã chẳng tốt gì thì khi suy rộng nó ra giữa xã hội cũng không tốt gì cả, đã không có ích gì, mà chỉ có hại cho ngữ ngôn.
Ta gọi bằng chủ nghĩa gia tộc đó, tức là chế độ tông pháp, cái chế độ lập ra để giữ cho chế độ phong kiến được bền vững.
Tông pháp, nói nôm, tức là cái lề lối chia ra con trưởng, con thứ, con chi, chi nhánh trong gia tộc, do đó lập nên cái quyền gia trưởng, tộc trưởng, những kỷ luật nghiêm ngặt trong một nhà một họ. Theo tông pháp thì hầu hết người ta không là cá nhân độc lập nữa, ai ai cũng đều là con cháu, em, thuộc dưới quyền ông, cha, anh và chú bác. Nói rằng nó giữ cho chế độ phong kiến được bền vững là ở chỗ đó: Vua cai trị một nước không xuể, mới lập ra chế độ tông pháp để tộc trưởng gia trưởng cai trị thay cho, mỗi khi có việc biến động gì thì trách cứ vào những người tộc trưởng gia trưởng là yên tất cả. Thực dân Pháp, năm 1930 còn đặt thêm vai trò “tộc biểu” trong mỗi họ ngoài tộc trưởng gia trưởng, để đàn áp phong trào cộng sản, là họ thông hiểu và kính trọng cái thói tục tốt ấy của người Việt Nam lắm lắm!
Do tông pháp mới có những sự mấy đời ở chung trong một nhà và đặt hương hỏa, chia gia tài, và do những sự này mới có những sự rầy rà, thù ghét, kiện cáo nhau trong gia đình. Trong khi đó thì những tiếng xưng hô thân mật trong ruột thịt với nhau như anh, em, con cháu, chú bác cũng không còn có giá trị gì cả.
Chính bản thân cái chủ nghĩa gia tộc đã là không tốt đẹp gì thì khi đem những tiếng xưng hô trong gia tộc áp dụng ra cả xã hội cũng không tốt đẹp gì. Nói rằng coi hết thảy người trong nước là bà con họ hàng với nhau, nhân đó càng thương yêu nhau, là chỉ nói thế thôi, nói nghe cho lịch sự thế thôi.
Hiện nay nước ta đang xây dựng để đi đến chủ nghĩa xã hội, thì chính bản thân cái chế độ tông pháp phải tiêu diệt đi luôn với cái chế độ phong kiến. Nếu đã là một xã hội xã hội chủ nghĩa thì cái lối xưng hô theo chủ nghĩa gia tộc cũng không thích dụng nữa. Có điều rất khó là những tiếng xưng hô ấy đã ăn sâu trong ngôn ngữ rồi, muốn cải cách đi, chế tạo ra cho được một thứ đại danh từ trung lập và phổ thông để thay vào, cũng còn phải mất một thời gian lâu lắm. Tuy vậy, tôi tưởng rằng chúng ta không phải không có thể làm được. Hễ khi mọi người đều thấy cái lối xưng hô như thế không còn thích dụng nữa, thì tự nhiên nó bị đào thải đi mà có lối khác mọc lên, tức là đại danh từ trung lập và phổ thông.
Trên kia nói có hại cho ngôn ngữ, thế nào là có hại?
Có hại là như cứ theo lối xưng hô gia tộc ấy, nó sẽ làm mất cái ý khách quan và bình đẳng trong lời nói hay bài văn.
Đại khái như ta muốn viết một cái ký sự mà thuần dùng khách quan đối đãi với những nhân vật trong đó thì khó cho đạt được cái ý ấy của ta lắm, bởi vì trong khi xưng hô những nhân vật ấy không thể nào không dùng những đại danh từ (tức là danh từ) khác nhau, hoặc cụ, hoặc ông, hoặc anh, hoặc bà, hoặc cô, hoặc chị, thế là đã phải lập định chủ quan của ta rồi.
Còn như sự mất tinh thần bình đẳng dễ thấy nhất là trong khi dịch sách nước ngoài. Một cuốn tiểu thuyết bằng chữ Pháp hay chữ Hán, trong đó người ta dùng đại danh từ một loạt như nhau, mà mình dịch ra theo lối xưng hô tiếng ta thì thành ra như có chia tôn ty thượng hạ. Tôi từng vấp phải sự khó khăn ấy. Khi dịch cái tiểu thuyết Ánh lửa đằng trước, những chỗ cán bộ quân sự cao cấp và binh sĩ đối thoại với nhau, nguyên văn đều dùng chữ “nễ”, tôi đều dịch là “anh” để giữ cho còn cái tinh thần bình đẳng. Đối xưng, làm như vậy cũng tạm được rồi, nhưng đến tha xưng, nguyên văn đều dùng chữ “tha”, đáng lẽ dịch là “hắn” hay “nó” mà không dám dịch, cũng lại dùng chữ “anh” nữa. Thành ra ngôi thứ hai và ngôi thứ ba cùng chung một chữ là “anh”, không phân biệt, rất là bất tiện cho người đọc.
Lại còn có khi gặp một chữ mà không biết dịch là gì cho phải nữa. Ông Ehrenburg (1) có lần hỏi một người trẻ tuổi mới tập viết văn bằng hai câu, bảo phán đoán thử câu nào có lực lượng hơn, hai câu ấy, theo tiếng Pháp là: Je t’aime với Je t’aime beaucoup; theo chữ Hán là: Ngã ái nễ với Ngã hẫn ái nễ. Thế thì hai chữ “t’ ” và hai chữ “nễ” đó nên dịch là gì? Nếu dịch phứt đi là “mầy” thì đúng và tiện lắm, nhưng tiếng Việt hiện tại không cho phép. Vậy trước hết phải biết cái tánh biệt của đại danh từ “t’ ” và “nễ” ấy thì mới dịch được, vì theo tiếng Việt hiện tại, khi đối xưng hô trong gia tộc, nhưng còn phải phân biệt nam tánh và nữ tánh. Thật là dễ bí! May còn có thể đoán mà biết được nhờ ở hạ văn. Hạ văn: người trẻ tuổi trả lời rằng cố nhiên câu thứ hai có lực lượng hơn. Ông Ehrenburg cười và bảo, thế thì anh đánh giá từ ngữ còn kém các cô thôn nữ. Nhờ đó, ta có thể đoán cái đại danh từ ấy là nữ tánh. Nhưng còn ngần ngại không thể dứt khoát trong ba lối dịch này: Tôi yêu cô; Tôi yêu cô lắm; Tôi yêu em; Tôi yêu em lắm; hay là Tôi yêu mình; Tôi yêu mình lắm? Rắc rối thay, ba chữ “cô”, “em”, “mình” đó phải đặt cho đúng từng trường hợp, chứ có phải dễ đâu?
Vì những lẽ trên đây, tôi phải đặt vấn đề về đại danh từ tiếng Việt. Tôi tin rằng khi tiếng Việt có đại danh từ trung lập và phổ thông thì văn học Việt Nam mới tiến lên mức cao.
(Hà Nội, 12.1.1955)
Nguồn:
Phan Khôi: Việt ngữ nghiên cứu, Nxb. Văn nghệ, Hà Nội, 1955, tr. 105-117.

MẤY VẤN ĐỀ VỀ VĂN HOÁ TRONG CÁCH XƯNG HÔ CỦA NGƯỜI VIỆT

Cao Xuân Hạo
MẤY VẤN ĐỀ VỀ VĂN HOÁ TRONG CÁCH XƯNG HÔ CỦA NGƯỜI VIỆT
Ai nấy đều biết rằng tiếng Việt không có một đại từ nhân xưng (hay hồi chỉ) trung hoà. Không phải tiếng Việt không có những đại từ nhân xưng chính danh. Tao, mày, nó, hắn (chúng tao, chúng mày, chúng nó) và họ, có thể coi là những đại từ nhân xưng và hồi chỉ chính danh. Nhưng trừ họ (đại từ hồi chỉ ngôi thứ ba số phức) ra, tất cả các đại từ này đều được cảm thụ như không được lễ độ, và không thể dùng trong khi giao tiếp với người dưng trong khuôn khổ xã giao bình thường, và ngay cả họ cũng không phải lúc nào cũng dùng được (chẳng hạn không thể dùng thay cho cha mẹ hay người thân tộc ở bậc trên so với người nói).
Tất cả các từ thường được dùng để xưng hô trong những điều kiện giao tiếp bình thường đều là những danh từ, trước hết là những thuật ngữ chỉ quan hệ thân tộc (trừ dâu, rể, vợ, chồng, ông nhạc, bà nhạc, v.v1) rồi đến những thuật ngữ chỉ những chức vụ hay cương vị có ít nhiều màu sắc tôn vinh như thầy, giáo sư, chủ tịch, bác sĩ, bộ trưởng, sư ông, sư cụ, thủ trưởng, sếp, rồi các cấp bậc quân đội, - nếu không kể một vài trường hợp dùng danh từ chỉ người nhà như vú.
Ngày nay có thể coi một vài danh từ như tôi đã trở thành một “đại từ” gần như trung hoà, có thể dùng với bất cứ người nào không có quan hệ thân tộc với người nói. Ít nhất cái sắc thái khiêm tốn do nghĩa gốc (“tôi tớ”, “tôi đòi”, “bề tôi”) để lại thì kể cho đến nay gần như đã mất hẳn, nhất là khi tôi hầu như không bao giờ dùng một mình như một đại danh từ nữa, mà chỉ dùng trong những ngữ đoạn (đẳng kết như tôi tớ, hay chính phụ như bề tôi). Trong khi đó, chữ tớ, vống đồng nghĩa với tôi, lại phải được dùng trong những điều kiện khác hẳn, và có những sắc thái tuyệt nhiên không thích hợp với những cuộc giao tiếp với người dưng.
Cũng cần phải nêu rõ rằng các từ thân tộc chỉ dùng để xưng hô, nghĩa là để chỉ ngôi thứ nhất hay ngôi thứ hai, chứ không bao giờ được dùng như đại từ hồi chỉ, nghĩa là để chỉ ngôi thứ ba thay cho danh ngữ, như một vài tác giả trước đây đã từng ngộ nhận. Điều này có thể thấy rõ qua cách đánh trọng âm của các từ hữu quan khi được dùng như danh từ và khi được dùng như đại từ: khi được dùng như đại từ (ngôi thứ nhất hay ngôi thứ hai), những từ này bao giờ cũng mất cái trọng âm mà nó có thể có khi được dùng như danh từ. Chúng tôi đã thực nghiệm điều này trong nhiều lớp tiểu học qua những trò chơi “đố các em đoán ra ai là người nói những câu có mẹ, con, bố như “Con nhớ ủ cơm cho nóng để mẹ về mẹ ăn”
hay “Đừng nghịch máy tính, không bố về bố mắng cho đấy”: nhờ trọng âm, học sinh lớp 1 không bao giờ nhầm khi người làm thí nghiệm đố các em biết “ai là người nói câu ấy” (được diễn viên kịch nói thu vào băng ghi âm).
Như vậy, có thể tin rằng đã hình thành một hệ thống đại từ nhân xưng, hay ít nhất là đã có một quá trình ngữ pháp hoá cá đại từ tương tự như quá trình ngữ pháp hoá (hư hoá) các danh từ chỉ “phía” trên, dưới, trong, ngoài thành những giới từ đánh dấu vai định vị (locative) và quá trình ngữ pháp hóa các vị từ có ý nghĩa di chuyển như lên, xuống, ra, vào, qua, sang, đi, về, lại, đến, tới thành những giới từ chỉ đích (target hay goal), cũng được khu biệt với các thực từ gốc bằng tiêu chí “mất trọng âm” – một phương tiện chung của tiếng Việt để khu biệt hư từ với thực từ.
Thế nhưng, khác với các vị từ (“động từ”) khi chuyển thành giới từ chẳng hạn, các danh từ chỉ quan hệ thân thuộc khi chuyển thành đại từ nhân xưng không có dấu hiệu gì mất nghĩa từ vựng một cách đáng kể như khi vị từ cho chuyển thành giới từ cho mà ta có thể quan sát khi so sánh hai câu Lấy tiền cho bạn [ 0111] Có nghĩa là “lấy tiền để biếu bạn” (cho là vị từ hành động) và Lấy tiền cho bạn [0101] có nghĩa là “lấy tiền giùm bạn” (cho là giới từ chỉ vai “người hưởng lợi” – beneficiary). Sự thay đổi về nghĩa ở đây không đưa đến một sự chuyển hoá về từ loại làm cho cấu trúc cú pháp của câu khác hẳn đi như trong hai câu trên, mà chỉ tương đương với một sự chuyển đổi từ “nghĩa đen” sang “nghĩa bóng” (nghĩa ẩn dụ) của chính những danh từ ấy: từ chỗ biểu thị một quan hệ thân tộc đích thực, danh từ ấy biểu thị một một mối quan hệ mà người nói dường như coi là”gần giống” với quan hệ thân tộc. Nghĩa là người nói làm như thế người nghe (hay người được nói đến), tuỳ theo lứa tuổi tương đối so với người nói, được mình coi như có quan hệ thân tộc với mình. Rốt cục, như nhiều nhà văn hoá học đã nêu lên, người Việt trong khi giao tiếp làm như thể họ coi nhau như người có quan hệ thân tộc.
Tôi đã được nghe nhiều diễn giả ca ngợi cách xưng hô này của người Việt, cho thấy một mối thâm tình gắn bó toàn dân lại thành một gia đình. Và mặt khác, trong một cuộc hội nghị quốc tế về các giá trị văn hoá phương Đông tôi cũng đã chứng kiến sự thích thú vô hạn của những nhà văn hoá học ngoại quốckhi tôi miêu tả những tình huống khác nhau có thể diễn ra khi một người con trai chuyển từ cách xưng hô tôi/cô với một người bạn gái cùng cơ quan (một cách xưng hô gần như trung hoà giữa những người lạ cùng một lứa tuổi) sang cách xưng hô anh-em mà tôi thuyết minh như một mưu toan thay đổi (an attempt at a change) mối quan hệ giữa hai người về phía thân mật hơn ( vì đó là cách xưng hô của những đôi tình nhân hay những đôi vợ chồng), và trong những điều kiện nhất địnhcó thể có giá trị như một lời tỏ tình không úp mở, và những cách phản ứng đa dạng mà người con gái có thể có, với những ý nghĩa có rất nhiều sắc thái khác nhau của nó. Mặt khác, khi một người chồng thay cách xưng hô thường ngày (anh/em) bằng cách gọi vợ là cô và tự xưng là tôi, ta có thể thấy ở người chồng ấy một thái độ không bình thường. Nếu đó không phải là một cách nói có sắc thái đùa bỡn, thì thường thường đó là dấu hiệu của một sự rạn nứt nào đó trong quan hệ gia đình.
Tôi cũng có viết và nói một số bài về cái mà tôi coi là một tệ nạn khi một nhà báo chỉ vì lớn tuổi hơn người được phỏng vấn (một chiến sĩ hải đảo, một ngôi sao bóng đá, một hoa hậu, một nghệ sĩ lỗi lạc vừa được tặng một giải thưởng quốc tế đáng tự hào cho bất cứ dân tộc nào) mà tự thấy mình có quyền gọi người ấy bằng “em” hay bằng “cháu”. Và, lạ thay, người ấy cũng vui lòng chấp nhận cách xưng hô ấy và xưng , xưng cháu với nhà báo, không hề nhớ mình là ai [2]. Tôi cũng đã tự hỏi xem liệu cách xưng hô “gia tộc chủ nghĩa” như thế có còn để lại một khe hở nào cho một quan hệ có tính chất dân chủ trong các cơ quan nữa không. Dù sao cũng không thể nào chấp nhận được thái độ kẻ cả của một người tự cho mình cái quyền gọi một công dân là em hay là cháu chỉ vì mình hơn người ta mười mấy tuổi. ngay trong nhà trường trung học (cấp hai) thời Pháp thuộc, tôi cũng chưa thấy một giáo viên nào dùng tu, toi (ngôi thứ hai số đơn) để gọi học sinh. Bao giờ giáo viên cũng gọi học sinh bằng vous (ngôi thứ hai số phức) như với người lớn. Thế mà ngày nay, ngay cả trong trường chuyên khoa (cấp ba) và cả trường đại học nữa, phần nhiều các giảng viên dám gọi học sinh, sinh viên bằng em. Cách xưng hô này không thể không đi đôi với một quan hệ bất bình đẳng và một thái độ bắt nạt có thể bị lạm dụng trong nhà trường, nơi lẽ ra có nhiệm vụ giáo dục ý thức công dân cho các thế hệ sau.
Rốt cuộc tôi thấy cách xưng hô này rõ ràng là có hai mặt trái nhau, trong đó có mặt tiêu cực khó lòng có thể thua kém mặt tích cực về tỷ trọng: một mặt, nó có thể làm cho những người dưng nhích lại gần nhau hơn; còn một mặt khác, nó đưa đến một không khí gia tộc hoàn toàn nhân tạo trong những môi trường không cần đến không khí gia tộc, thậm chí không thể chấp nhận thứ không khí này, vì nó quá thuận lợi cho chủ nghĩa con cháu (nepotism) và cho những thái độ kẻ cả của người này và thái độ khúm núm, nịnh bợ của người kia.
Về phương diện lịch sử, người ta dễ có xu hướng giải thích hiện tượng này bằng cái dĩ vãng phong kiến của dân tộc ta. Nhưng chế độ phong kiến đã từng tồn tại ở Trung Quốc, ở Nhật Bản và ở nhiều nước khác trong một thời gian dài hơn ở ta nhiều, mà sao trong ngôn ngữ của các nước này vẫn có được những cách xưng hô không bao hàm một mối quan hệ thân tộc nào, và do đó cũnng không bao hàm một sự bất bình đẳng nào? Hay đó là một phản ánh của một xã hội mà tế bào cơ bản là thị tộc? Tôi không đủ thẩm năng đệ phán đoán về vấn đề này. Dù sao cách xưng hô “không có đại từ trung hòa” này không phải không đẻ ra những vấn đề nan giải.
Tôi trước đây đã từng làm phiên dịch trong một thời gian khá dài, và trong khi dịch những tác phẩm văn học cỡ lớn vẫn phải dành khá nhiều thì giờ ( có nhiều hơn cả thì giờ dành cho việc chuyển nghĩa) để nghĩ cách dùng đại từ sao cho khỏi rơi vào tình trạng lố bịch, và rốt cục phải thú nhận rằng trong rất nhiều trường hợp mình đã thất bại thảm hại. Quả nhiên khi viết bằng tiếng Việt không có cách gì có được một thái độ khách quan, trung lập đối với các nhân vật, nhất là trong những văn bản đòi hỏi một thái độ như thế. Chẳng hạn trong khi dịch Chiến tranh và Hoà bình, tập thể dịch giả đã phân vân rất nhiều trong khi đi tìm một thái độ hồi chỉ (“ngôi thứ ba”) thích hợp cho nhân vật Napoléon Bonaparte, vốn bị tác giả khinh miệt và chế riễu ra mặt. Tôi còn nhớ là giáo sư Đào Duy Anh cách đây 50 năm khi viết và giảng trên lớp giáo trình lịch sử Việt Nam đã thử dùng đại từ ngôi thứ ba nghỉ cho tất cả các nhân vật lịch sử, dù đó là Trần Hưng Đạo hay Toa Đô. Nhưng tôi và các bạn học hình như không ai thấy ổn, và cuối cùng hình như chính Giáo sư cũng đành từ bỏ cuộc thí nghiệm.
Trong cuộc Hội nghị quốc tế về các giá trị văn hoá phương Đông ở Hà Nội năm 1999, sau khi nghe báo cáo của tôi, một nữ giáo sư đã quở trách tôi không có được một thái độ dứt khoát đối với một hiện tượng mà bà (cũng như tôi) coi là một tệ nạn xã hội. Dạo ấy tôi nhân danh sự thận trọng của người làm ngôn ngữ học để không can thiệp vào những sự kiện tự nhiên của ngôn ngữ, vốn thuộc thẩm quyền của số đông những người bản ngữ: như trong câu cách ngôn nổi tiếng của một nhà ngữ học Mỹ, “Người bản ngữ, cũng giống như người khách hàng, bao giờ cũng đúng” (“The native speaker, like the customer, is always right”). Nay tôi nghĩ rằng nhà nước vẫn có thể quy định một nguyên tắc chung về cách xưng hô dùng trong giờ hành chính ở các cơ quan của nhà nước [3], nhất là về cách xưng hô của các đại diện của cơ quan truyền thông đại chúng với những người được phỏng vấn. Còn trong sinh hoạt bình thường, tôi e rằng không có cách gì can thiệp vào đây được. May ra cũng chỉ có thể hy vọng vào ý thức của những người cấp trên như thủ trưởng cơ quan hay phân xưởng, giảng viên hay huấn luyện viên thể thao, cố ý xưng hô với người “dưới” đã đủ tuổi công dân, dù người đó là học trò hay thuộc hạ của mình, bằng những đại từ nêu rõ quan hệ bình quyền giữa các công dân của một nước Cộng hòa và từ đó giáo dục ý thức tự trọng của lớp trẻ.
Và có lẽ phải đợi vài ba thế kỷ nữa mới có thể thấy trong các đại từ nhân xưng xuất hiện những từ trung hòa, không có những sắc thái phân biệt thân/sơ và trên/dưới như hiện nay.
Báo cáo tại Hội nghị về Các vấn đề Văn hoá Việt nam
Tại Tp. Hồ Chí Minh tháng 8 năm 2000.
Chú thích:
[1] Chúng tôi không hiểu tại sao những từ này không bao giờ dùng làm đại từ nhân xưng như các danh từ chỉ quan hệ thân tộc khác, cũng không bao giờ dùng làm hô ngữ hay làm “loại từ” đặt trước tên riêng (người ta nói bác ơi, bácBa, chị ơi, chị Ba thậm chí thầy, vú, bác sĩ, tuy không phải là danh từ chỉ thân tộc cũng có thể dùng như thế (vú ơi, thầy Ba), nhưng không thể nói chồng ơi, chồng Ba được. Câu trả lời nghe rất có lý mà nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương mách cho tôi cách đây hai mươi năm (“vợ, chồng, dâu, rể không phải là người cùng huyết tộc, chỉ do hôn nhân mà thành”) không đứng vững được, vì thím, dượng cũng hệt như thế nhưng lại có thể nói thím ơi, dượng Ba được. Cho đến nay chúng tôi chưa biết có ai giải đáp được vấn đề hóc búa này.
[2] Một ngoại lệ hiếm hoi là Đặng thái Sơn. Trong khi trả lời một ông giám đốc đài truyền hình gọi anh bằng “cháu” và tự xưng là “bác”, nghệ sĩ này một mực tự xưng là “tôi” và gọi ông giám đốc là “ông”, chứ không hưởng ứng cách xưng hô kẻ cả mà ông giám đốc , vì quen thân với gia đình Đặng Thái Sơn, tự thấy mình có quyền dùng, quên mất rằng trước công chúng xem đài, mình chỉ là một cán bộ đại diện của đài đóng vai trò trung gian giữa người được phỏng vấn với công chúng. (x. thêm bài “Văn hoá trong cách xưng hô” đăng trên bán nguyệt san Kiến thức ngày nay, số 225, năm 1996).
[3] Sau cách mạng Tháng Tám, cán bộ ta đã bắt đầu quen với cách gọi nhau bằng “đồng chí”. Tôi không hiểu tại sao cách xưng hô này dần dần ra khỏi tập quán của cán bộ công chức. Có lẽ vì cách xưng hô này có phần quá trang trọng hay quá đậm màu chính trị chăng? Có người còn nói rằng khi trong cơ quan người ta sắp “thịt nhau” thì mới gọi nhau bằng “đồng chí”. Tại sao tình hình lại có thể đi đến nông nỗi ấy?