Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2017

“Đông Dương được tạo nên từ sắt và tiền bạc: sắt từ đường ray và tiền bạc từ ngân sách chung”



“Đông Dương được tạo nên từ sắt và tiền bạc: sắt từ đường ray và tiền bạc từ ngân sách chung”[1].
                                                                                                                             DHA

Ngay từ cuối thế kỉ 19, người Pháp đã chủ trương xây dựng một hệ thống đường sắt cho toàn Đông Dương vì mục đích kinh tế và chính trị của mình. Bản cáo cáo ngày 10/12/1897 của Uỷ ban đường sắt thuộc Hội đồng Tối cao Đông Dương nhấn mạnh đến xây dựng một tuyến đường sắt nối các xứ thuộc Liên bang Đông Dương, nhằm tăng cường khai thác thuộc địa, xuất khẩu nông sản, tăng khả năng ứng cứu khi xảy ra binh biến tại các xứ. Bản báo cáo bày tỏ mối quan tâm đến tình hình phát triển của Trung Quốc, cho rằng xây dựng tuyến đường sắt đến biên giới Trung Quốc giúp Pháp thâm nhập vào thị trường này, giống như việc người Anh đã nhanh chóng xây dựng tuyến đường sắt quan trọng tại Miến Điện.
Ở phía nam, nếu mở đường sắt, tỉnh Bình Thuận, nơi có nông nghiệp phát triển, sẽ kết nối với Sài Gòn, được coi là thủ phủ thực sự của Đông Dương, đồng thời thu hút tài nguyên của các xứ thuộc Liên bang, nhờ vào cảng Sài Gòn. Từ Sài Gòn, các sản phẩm của Đông Dương có thể xuất khẩu sang châu Âu.
Từ trước đến nay, sông Mê Kông là tuyến giao thông thuận lợi nhưng tàu tải trọng lớn không thể hoạt động. Tàu lớn chỉ có thể đi lại trên đoạn sông dài 700km, từ Sampana ở tây Vien-Tian đến Savanakek. Tất cả các sản phẩm của vùng đất trù phú nhất của Lào gặp khó khăn khi vận chuyển bằng đường sông hoặc bằng đường bộ qua Xiêm chạy dọc bờ phải sông Mê Kông để tới Bangkok. Do đó, báo cáo đề nghị nối đoạn sông quan trọng này với Huế và Đà Nẵng bằng tuyến đường ngang xuất phát từ Savanakek.
Phía bắc Nam Kỳ vào thời đó gần như bị bỏ hoang. Tại Thủ Dầu Một, Tây Ninh là vùng đất đỏ trù phú, cần đưa vào khai thác. Do đó, bản báo cáo đề nghị đoạn đường sắt từ Mỹ Tho phải được kéo dài tới tận bờ trái sông Bassac, đối diện với Cần Thơ, xây dựng tuyến đường sắt nối Cần Thơ với Pnom-pênh đi qua Long Xuyên và Châu Đốc.
Tại miền Bắc, báo cáo nhận định hai tuyến đường sắt Hà Nội- Hải Phòng và Hà Nội- Nam Định chạy qua các khu vực đông dân cư sinh sống nên sẽ nhanh chóng đem lại lợi nhuận, giống như tuyến Đà Nẵng- Huế. Giao thông đường thuỷ nối Hà Nội với các vùng núi phía bắc không thuận lợi nên việc mở tuyến đường sắt Hà Nội- Lào Kay cũng rất cần.
Để tăng nguồn thu đem về 3 triệu phơrăng phục vụ cho xây dựng đường sắt, chính quyền Pháp cần tăng thuế đánh vào muối và rượu. Một nghiệp đoàn các ngân hàng lớn của Pháp đề nghị được giao xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội- Hải Phòng (92 km) và Hà Nội- Nam Định (90 km). Tuyến Đà Nẵng- Huế sẽ được tiến hành đồng thời với hai tuyến đường sắt trên.
Các tuyến đường sắt được xây dựng đầu tiên tại Đông Dương:
-        Sài Gòn- Mỹ Tho: Đường sắt được làm sớm nhất ở Đông Dương là đoạn Sài Gòn- Mỹ Tho. Năm 1880, tuyến đường này được dự kiến nằm trong chương trình xây dựng tuyến Sài Gòn-Vĩnh Long với các đoạn kéo dài tới Sóc Trăng và Long Xuyên, Châu Đốc và Pnom-penh. Tuy nhiên, khi trình Bộ trưởng Hải quân Pháp phê chuẩn, dự án chỉ được chấp nhận ở đoạn Sài Gòn-Mỹ Tho.
Việc xây dựng và khai thác được nhượng quyền năm 1881 cho một công ty tư nhân của chủ thầu Joret. Tuyến đường đưa vào sử dụng ngày 20/07/1885 nhưng kết quả khai thác thu về không mấy khích lệ. Năm 1888, Thoả thuận 1881 bị huỷ bỏ, việc khai thác được giao cho Công ty tàu điện hơi nước Nam Kỳ. Hợp đồng này hết hạn cuối năm 1911, quyền khai thác trực tiếp được giao cho xứ thuộc địa.
Tuyến đường nằm hoàn toàn trong khu vực đông dân cư của Nam Kỳ, nối hai thành phố lớn là Sài Gòn và Mỹ Tho, chạy qua khu vực Chợ Lớn. Do xây dựng trên nền đất yếu, bị chia cắt bởi các dòng nước nên kinh phí xây dựng toàn tuyến lên đến 11.600.000 phơrăng cho 70 km đường sắt (165.000 phơrăng/km đường sắt).
-        Phủ Lạng Thương – Lạng Sơn: Ở phía bắc, tuyến đường sắt Phủ Lạng Thương đi Lạng Sơn được khởi công xây dựng năm 1889, năm 1902 khánh thành đường Hà Nội- Đồng Đăng với việc hoàn thành cầu Long Biên (cầu Paul Doumer) bắc qua sông Hồng cũng trong năm đó.
Sự hiện diện của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, người đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng tuyến đường sắt Đông Dương:
Liên bang Đông Dương được thành lập theo đề nghị của toàn quyền Paul Bert, gồm xứ thuộc địa Nam Kỳ (chiếm đóng năm 1859), 4 xứ bảo hộ Cao Miên (1863), Trung Kỳ, Bắc Kỳ (1883) và cuối cùng là Lào (1893), sau 30 năm xâm lược của thực dân Pháp.
Ngày 12/02/1897, Paul Doumer nhậm chức Toàn quyền  Đông Dương. Theo chỉ thị của André Lebon- Bộ trưởng Bộ thuộc địa, Toàn quyền Doumer được giao sứ mệnh đưa Đông Dương ra khỏi tình trạng bấp bênh về tài chính cũng như thiết lập một chính quyền ổn định.
Trong 7 điểm chính của bản báo cáo đề ngày 22/03/1897 về chương trình của tân toàn quyền, có 1 điểm nhấn mạnh đến việc xây dựng một tuyến đường sắt. “Cần mang lại cho Đông Dương một công cụ lớn về kinh tế, đường sắt, cầu đường, cảng cần thiết cho việc khai thác thuộc địa” (Báo cáo toàn thể của Toàn quyền Đông Dương năm 1897- Trung tâm lưu trữ hải ngoại, tài liệu lưu trữ của Bộ Thuộc địa, seri địa lý Đông Dương).
Ý nghĩa của việc mở các tuyến đường sắt và quá trình xây dựng:
1.       Hà Nội –Sài Gòn
Sau chưa đầy 1 năm nhậm chức toàn quyền Đông Dương, Paul Doumer trình lên Quốc hội Pháp một chương trình quy mô xây dựng đường sắt ở Đông Dương và được thông qua trong đạo luật ngày 25/12/1898. Do ngân sách có hạn, đạo luật này cho phép chính quyền thuộc địa phát hành quốc trái, vay 200 triệu phơrăng với lãi suất 3,5%, hoàn trả trong 75 năm.
Hạn chế về ngân sách buộc toàn quyền Paul Doumer phải cho tiến hành xây dựng ba đoạn đường sắt tách biệt: Hà Nội-Vinh, Đà Nẵng- Quảng Trị, Sài Gòn- Nha Trang. Đoạn đường sắt Hà Nội-Vinh (320 km), khánh thành năm 1905, chạy qua đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hoá đến Vinh- đầu mối phát triển giao thông sang Lào, với kinh phí là 43 triệu phơrăng (13.000 phơrăng/km đường sắt). Đoạn thứ hai được cho thi công tiếp là Đà Nẵng-Đông Hà, thông xe năm 1908, đi qua đèo Hải Vân đến Huế.
Theo phân tích của báo chí Pháp, việc xây dựng đoạn đường này vừa giúp Pháp tăng cường hoạt động khai thác thuộc địa, đẩy mạnh thông thương nhưng cũng gia tăng ảnh hưởng, văn hoá “mẫu quốc” trong khu vực. Miền Trung khó khăn về giao thông, chỉ có một cảng duy nhất là Đà Nẵng để tiếp cận kinh đô của triều đình Huế, như nhận định của tờ Le Temps số ra ngày 27/11/1898.
Song song với các công trình đó, Pháp cũng cho xây dựng đoạn đường Sài Gòn-Nha Trang (409 km), khánh thành năm 1913.
Cuối năm 1910, khoản quốc trái 200 triệu phơrăng đã được sử dụng hết, Toàn quyền Đông Dương, khi đó là Albert Sarraut, được phép phát hành thêm quốc trái trị giá 90 triệu phơrăng. Một phần số tiền được dùng để xây dựng đoạn Vinh- Đông Hà, khởi công năm 1913, bị gián đoạn trong Đại chiến thế giới I và đến năm 1921, đoạn đường được làm tiếp và đưa vào khai thác năm 1927.
Đoạn đường cuối cùng trên tuyến đường sắt Hà Nội- Sài Gòn là Đà Nẵng- Nha Trang (545km) thì phát sinh nhiều tranh cãi liên quan đến lộ trình và thiết kế. Sau khi công du thực địa, Bộ trưởng Thuộc địa Paul Raynaud nhận thấy phải nhanh chóng hoàn tất con đường “xương sống” này. Kết quả là chính quyền Pháp đã thông qua đạo luật ngày 22/02/1931 cho phép Đông Dương đấu thầu khởi công xây dựng theo khảo sát thiết kế từ trước.
Ngày 16/01/1935, đoạn đường sắt đầu tiên từ Đà Nẵng- Qui Nhơn (dài 137km)  được khánh thành, ngày 01/07/1935, đoạn Quảng Ngãi- Bồng Sơn- Qui Nhơn (178km) được đưa vào khai thác.
Sáu tháng sau, ngày 07/01/1936, đoạn đường sắt từ Diêu Tri (Qui Nhơn)- Tuy Hoà (102km) cũng được đưa vào sử dụng. Ngày 01/10/1936, những đoàn tàu xuất phát từ Hà Nội và Sài Gòn gặp nhau tại ga Hảo Sơn, phía nam Tuy Hoà trong lễ khánh thành tuyến đường sắt Bắc-Nam, gần 40 năm sau khi bắt đầu khởi công năm 1898.
Tuyến Hà Nội- Sài Gòn có vài đoạn đường nhánh nhỏ Vinh- Bến Thuỷ dài 5 km, Diêu Trì- Quy Nhơn dài 10km, Mường Mán-Phan Thiết dài 12km. Ngoài ra, phải kể đến đoạn Hòn Gai- Cẩm Phả phục vụ chuyên chở than cũng như cho mục đích quân sự bảo vệ vịnh Hạ Long và 7km đường sắt ở Cù lao Khôn trên sông Mê Kông để trung chuyển tàu bè qua thác ghềnh ở khúc sông này.
 Không chỉ quan tâm đến lợi ích thu về từ tuyến đường “xương sống” này, chính quyền Pháp còn chú trọng đến thiết kế kiến trúc mang đậm phong cách châu Âu cho công trình cơ sở hạ tầng phục vụ như:
Ga Hà Nội:  Công trình nhà ga do kỹ sư Boreil thiết kế ban đầu vào năm 1898 và được Toàn quyền Đông Dương thông qua. Tuy nhiên, kiến trúc của toà nhà sau đó đã được thay đổi khá nhiều, đặc biệt là phần mái dốc kiểu Á Đông được thay bằng mái Mansard và phần bố trí mặt bằng chung. Ga Hà Nội ở số 120 Lê Duẩn hiện nay được sửa chữa và cải tạo nhiều lần
2.       Tuyến đường Hải Phòng- Lao Kay
Do địa hình cản trở giao thông giữa các tỉnh Bắc Kỳ với Vân Nam, chính phủ Pháp và Trung Quốc đã quyết định mở tuyến đường sắt Đông Dương- Vân Nam. Từ năm 1895, một thoả thuận ngoại giao đã được ký kết liên quan đến việc nối dài tuyến đường sắt đang được xây dựng ở Bắc Kỳ tới tận Vân Nam của Trung Quốc.
Năm 1897, Bộ ngoại giao Pháp gửi một phái bộ dưới sự điều hành của Kỹ sư trưởng cầu đường Guillemoto và Kỹ sư hầm mỏ Leclere đến khảo sát chuẩn bị cho xây dựng tuyến đường, nghiên cứu về địa chất và hầm mỏ trong vùng.
Ngày 9 và 10/4/1898, một thoả thuận đã được ký tại Bắc Kinh, theo đó chính phủ Trung Quốc đồng ý cho chính quyền Pháp hoặc công ty do chính phủ Pháp chỉ định được quyền xây dựng tuyến đường sắt từ biên giới Bắc Kỳ đến Vân Nam. Chính phủ Trung Quốc chỉ có nghĩa vụ giao đất xây dựng. Ngày 29/10/1905, quy chế chính thức liên quan đến các vấn đề về đường sắt được ký giữa đại diện chính phủ Pháp và chính phủ Trung Quốc.
Tuyến đường sắt Hải Phòng- Lao Kay nằm trong tuyến đường tổng thể nối liền Hải Phòng - Côn Minh (Vân Nam) dài 850 km, hoàn thành năm 1910, do Công ty đường sắt Đông Dương và Vân Nam, thuộc một nhóm tư bản ngân hàng lớn của Pháp đứng ra kinh doanh. Năm 1903 khánh thành đoạn đường Hà Nội- Việt Trì, năm 1904, đoạn Việt Trì- Yên Bái, và tháng 02/1906, thông xe toàn tuyến.
Tuyến đường sắt Hải Phòng- Lao Kay: được xây dựng không hề gặp bất kỳ khó khăn đặc biệt nào. Nó gồm hai đoạn, đoạn một từ cảng Hải Phòng tới Hà Nội- thủ đô hành chính của Đông Dương (102 km), và đoạn hai, từ Hà Nội đến Việt Trì, nơi hợp lưu của sông Đà, sông Lô vào sông Hồng, chạy qua vùng đồng bằng châu thổ phì nhiêu.
Trở ngại lớn nhất là xây dựng các cầu thép qua sông, đặc biệt là cầu Paul Doumer (1850), tại Hà Nội, nối hai bờ sông Hồng. Ngoài ra, từ Hải Phòng- Việt Trì còn có 5 cầu khác dài hơn 50 m, hai trong số đó là được thiết kế với nhịp cầu xoay giúp tàu bè đi lại trên sông thuận tiện. Các cầu cũng được sử dụng phục vụ giao thông đường bộ, với hệ thống an toàn là các thanh chắn trên đường, tín hiệu báo hiệu đường sắt.
Cầu Paul Doumer (nay là cầu Long Biên): Ngay sau khi nhậm chức, Toàn quyền Paul Doumer đã đưa ra ý tưởng xây dựng một cây cầu bắc qua sông Hồng dài 1.600m và vấp phải nhiều ý kiến cho rằng ý tưởng này điên rồ và không thể thực hiện được. Tuy nhiên, lễ khởi công xây dựng cây cầu vẫn được tiến hành ngày 12/09/1898 với sự hiện diện của Paul Doumer và các quan chức người Pháp, người Việt.
Cây cầu do hãng Daydé & Pillé thiết kế và thi công theo đồ án B với kinh phí dự thầu là 5.116.334 phơrăng, chiều dài 1.682m, thiết kế theo kiểu dầm chìa. Kỹ thuật này được sử dụng trong xây dựng cầu Tolbiac trên tuyến đường sắt từ Paris đến Orléans của Pháp. Tổng kinh phí cho công trình lên đến 6.200.000. phơrăng, tiêu tốn hết 30.000 m3  đá và 5.300 tấn thép. Cầu khánh thành năm 1902 và được đặt theo tên của cha đẻ ý tưởng xây dựng là Doumer.
Từ Việt Trì (Km 72 từ Hà Nội) đến Lao Kay (Km 396 từ Hà Nội), tuyến đường được xây dựng quanh co len lỏi giữa các gò đồi đến tận sông Hồng nhằm tiết kiệm chi phí xây dựng. Theo Thoả thuận nhượng quyền, tuyến đường Hải Phòng- Lao Kay sẽ được trao cho công ty được nhượng quyền từ ngày 01/04/1905, nhưng thực tế, phải đến ngày 01/02/1906 mới có chuyến tàu đầu tiên đến Lao Kay.
Tuyến Hải Phòng- Lao Kay dài 383 km cộng với 11 km chung với tuyến Hà Nội- Lạng Sơn có kinh phí 78 triệu phơrăng (200.000 phơrăng/km đường sắt, tương đương với 58,6kg vàng ròng lúc bấy giờ).
Tuyến Lao Kay- Vân Nam: Công ty nhượng quyền đã giao việc xây dựng tuyến đường Vân Nam với tổng kinh phí 96 triệu phơrăng cho nhà thầu Công ty xây dựng đường sắt Đông Dương, tuy nhiên công ty này đã không lường được hết các khó khăn gặp phải khi thi công. Vùng được chọn xây dựng tuyến đường sắt là ở phía đông nam tỉnh Vân Nam, với hai điểm nút cực là Vân Nam Phủ- thủ phủ tỉnh, và Mông Tử- là ga quan trọng trong xuất khẩu thiếc của Vân Nam. Tuyến Lao Kay- Mông Tử là tuyến đường trung chuyển độc đạo cho xuất nhập khẩu của Vân Nam nhưng có địa hình phức tạp.
Trụ sở “Ban chỉ đạo công trình” dựng ở Mông Tử- trọng tâm của tuyến đường và là nơi tập trung thương mại quốc tế có sự hiện diện công sứ Pháp. Từ Hà Nội, tàu bè di chuyển đến Man-Hao, tiếp tục 2 -3 chặng đi bằng ngựa hoặc kiệu từ Man-Hao đến Mông Tử, ở độ cao 2.120m nên phải mất gần 1 tháng mới tới nơi. Đội tàu của Công ty xây dựng đường sắt trên sông Hồng gồm 50 ghe, 2 tàu sà lúp chạy bằng hơi nước và một ca nô gắn động cơ.
Khó khăn trong vận chuyển phục vụ xây dựng tuyến đường chỉ được khắc phục khi tuyến đường Hà Nội- Lao Kay chính thức đi vào hoạt động ngày 01/02/1906. Việc tiếp tế cho các đơn vị rải rác suốt dọc tuyến đường cũng rất khó khăn, do 250 người Âu đảm trách, trong điều kiện địa hình khó khăn.
Tháng 2 và 3/1903, các công trình trên toàn tuyến được đem ra đấu thầu với 12 nhà thầu, nhưng đến năm 1906, con số này đã lên đến 54. Tuyến Vân Nam bắt đầu xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1910 với chi phí xây dựng là 87.700 đồng bạc/km đường sắt đoạn Hải Phòng-Lao Kay và 147.300 đồng/km đường sắt đoạn Lao Kay- Vân Nam Phủ. Tổng chi phí cho cả tuyến đường lên đến 102 triệu đồng bạc, tương đương với 243.500.000 phơrăng tính theo tỷ giá của các năm xây dựng. Các khoản thu gộp trong năm 1915 đạt 2.770.000 đồng bạc, năm 1921 tăng lên 3.540.000 đồng bạc, năm 1924 đạt tới 4.228.000 đồng bạc đánh dấu mức tăng trung bình năm là 162.000 đồng bạc.

3.       Tháp Chàm-Đà Lạt
Đà Lạt, một thành phố du lịch nổi tiếng, nằm ở độ cao 1.500 m trên cao nguyên Langbian. Người Pháp đã khám phá ra điểm du lịch này từ rất sớm, nhưng do địa thế tự nhiên nên giao thông gặp nhiều khó khăn. Phương tiện lên Đà Lạt lúc đó chủ yếu bằng ô tô, nên hạn chế số lượng du khách. Do đó, từ năm 1898, chính phủ Pháp đã tính đến việc xây dựng một tuyến đường sắt lên cao nguyên Langbian nhằm khai thác hiệu quả du lịch trên vùng rộng lớn này.
Đường sắt Langbian, từ Krongpha (Sông Pha) lên Đà Lạt nằm trong tuyến nhánh Tháp Chàm - Đà Lạt dài hơn 80 km. Vì lý do tài chính nên đến 1921, tuyến Langbian mới được nghiên cứu xây dựng. Ngày 26/2/1921, Toàn quyền Đông Dương ký hợp đồng với Công ty thầu khoán châu Á để nghiên cứu xây dựng tuyến Sông Pha - Đà Lạt (tuyến Langbian) dài gần 40 km.
Tuyến đường này chủ yếu chạy qua những khu vực có độ cao 1.500 m so với mực nước biển và có nhiều đoạn đèo, dốc nên người ta đưa ra phương án dùng các đoạn đường răng cưa cho đường đèo dốc. Cả tuyến cần 2 đoạn đường răng cưa như vậy, dài gần 14 km: hơn 8 km đoạn Krongpha - Bellevue (Sông Pha - Đèo Ngoạn Mục) và 5 km đoạn Da Nhim - Bosquet ( Dran - Trạm Bò).
Sau khi có kết quả nghiên cứu, khảo sát, ngày 13/01/1923, Tổng thống Pháp ra sắc lệnh thông qua việc xây dựng đường sắt Langbian (Sông Pha - Đà Lạt). Cùng ngày, Bộ trưởng các vùng giải phóng, được cử tạm giữ chức Bộ trưởng Bộ thuộc địa, ban hành nghị định cho phép Toàn quyền Đông Dương mời các công ty xây dựng nước ngoài tham gia thầu cung cấp vật liệu và thiết bị để xây dựng đoạn đường sắt răng cưa trong tuyến Langbian.
Công trình đường sắt Langbian hoàn thành và đi vào khai thác năm 1931. Đây là tuyến đường quan trọng mở đường lên cao nguyên Langbian. Sau khi hoàn thành và thông tuyến, số lượng khách lên Đà Lạt tăng lên đáng kể. Năm 1931, lượng khách đi đến ga Đà Lạt là 7643 lượt. Đến năm 1938, con số này lên đến 58410 lượt.
Đường sắt răng cưa Sông Pha-Đà Lạt được thiết kế theo kiểu Thuỵ Sĩ, có 3 đường ray. Một nằm giữa được thiết kế có răng cưa để tàu có thể leo dốc an toàn. Đây là kiểu đường sắt chỉ có ở Đà Lạt và Thuỵ Sĩ. Đầu máy hơi nước nhập từ Thuỵ sĩ do hãng Fuca sản xuất. Loại đầu máy này hoạt động trên cả đường răng cưa và đường sắt thường. Cả tuyến Langbian được trang bị 6 đầu máy hơi nước và chiếc đầu máy duy nhất còn lại đến nay đã được chính hãng Fuca mua lại.
 Đây là một tuyến đường độc đáo về thiết kế trong lịch sử đường sắt Việt Nam. Hiện nay, cả tuyến đường sắt Đà Lạt không còn dấu tích các đoạn răng cưa mà chỉ còn 7km từ ga Đà Lạt đến Trại Mát được khôi phục và đưa vào phục vụ du khách.
4.       Tân Ấp-Thakhek
Cách thành phố Vinh khoảng 100km về phía Nam, đến ga Tân Ấp, là đoạn đường nhánh đi Xóm Cục. Đây là đoạn đầu được xây dựng năm 1933 để phát triển đường sắt đến Tha-khẹc (Thakhek) của Lào, dài 186 m, kinh phí ước tính lên đến 15 triệu đồng bạc. Trong khi chưa làm tiếp đường sắt, Pháp đã xây dựng đoạn đường dây cáp treo dài 46km từ Xóm Cục đi Ban-na- phao, do một công ty của Đức cung cấp thiết bị và xây lắp.


5.       Sài Gòn- Phnom-Penh- Mongkolbory
Chương trình năm 1921 đặt vấn đề xây dựng con đường sắt Sài Gòn đến biên giới Thái Lan nối liền với Bangkok dự kiến đi hết 22 giờ xe lửa. Đầu tiên khởi công xây dựng đoạn Phnom-pênh đi Battambang, vì từ Sài Gòn đi thủ đô Campuchia bằng đường thủy và bộ điều bất tiện. Đoạn đường này tháng 12/1932 thông xe đi Batttambang và tháng 06/1933 thì đến Mongkolbory. Tuyến đường sắt này đi dọc theo Biển hồ qua thị xã Puốc-xát, Battambang rồi đến thị trấn Mongkolbory gần biên giới Thái Lan.
Với số dân hơn 20 triệu người và diện tích hơn 70.000km2, toàn Liên bang Đông Dương có 2.767 km đường sắt  (không kể 464 km thuộc địa phận Vân Nam), ở Đông Dương tính trung bình mới có 1km đường sắt cho 8.000 dân và 253 km2 đất đai. Tỷ lệ này là thấp so với một số nước ở Đông Nam Á. Từ năm 1927, Thái Lan đã có 1km đường sắt với 3510 người dân và 161km2 đất đai, Mã Lai: 1km đường sắt cho 1610 người dân và 80 km2 đất đai.
Một số thống kê kinh doanh của đường sắt Đông Dương. Năm 1937, tuyến đường Na Sầm- Hà Nội- Sài Gòn- Mỹ Tho với các đường nhánh có tổng chiều dài 2. 116km, tổng số nhân viên là 8.200 người trong đó có 136 người Âu, doanh thu cả năm: 6.196.028 đồng bạc Đông Dương so với kinh phí là 380.195 đồng. Năm 1941, với tổng số nhân viên là 12.300 người trong đó có 172 người Âu với doanh thu 20.127.712 đồng, tiền chi phí là 11.571.424 đồng, lãi trên 8 triệu đồng.
Sự ra đời của tuyến đường sắt trong thế kỷ 20 đã làm thay đổi hẳn bộ mặt giao thông Đông Dương, vốn chỉ phụ thuộc vào đường cái quan cũng như đường sông. Sau hơn nửa thế kỷ kể từ năm 1881, những chuyến tàu ngược xuôi trên tuyến “cột sống” Sài Gòn - Hà Nội hay lên phía bắc tới biên giới Trung Quốc kết nối văn hoá giữa các cộng đồng người Việt. Đường sắt Việt Nam thế kỷ 21 đang đứng trước lựa chọn hoặc nâng cấp, phát triển hệ thống đường sắt lịch sử này hoặc thay thế bằng hệ thống tàu cao tốc hiện đại như ở các nước châu Âu.

Đến năm 1945, đường sắt ở Đông Dương có các tuyến đường sau:
Hà Nội- Sài Gòn: 1.730 km
Hải Phòng- Lao Kay: 387 km
Hà Nội- Na Sầm: 179 km
Tân Ấp- Xóm Cục: 18 km
Tháp Chàm- Đà Lạt: 81 km
Sài Gòn- Mỹ Tho: 70 km
Sài Gòn- Lộc Ninh: 135 km
Phnom-Penh- Mongkolbory: 331 km

Ngày 15/01/1946, chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh huỷ quyền nhượng quyền khai thác tuyến đường sắt Hải Phòng-Vân Nam ký giữa chính phủ Pháp vì lợi ích của Công ty Hoả xa Vân Nam theo thoả thuận ngày 16/06/1901. Quyền sở hữu và hưởng lợi từ tuyến đường sắt này cũng như các động sản và bất động sản phụ trợ chuyển thuộc chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Kể từ ngày sắc lệnh trên được ký, chính phủ Việt Nam tiếp quản tuyến đường sắt Hải Phòng-Vân Nam, giao cho Bộ Giao thông và Công chính quản lý.
Tuyến đường này được sáp nhập vào tuyến Hà Nội-Sài Gòn (Mạng lưới đường sắt không nhượng quyền) cũng thuộc sở hữu của chính phủ để thống nhất chế độ quản lý. Bộ Giao thông và Công chính có thể quyết định trưng dụng nhân sự của Công ty Hoả xa Vân Nam, thiết bị, tài sản thuộc sở hữu của Công ty trong trường hợp xét thấy cần thiết cho việc tái cơ cấu tổ chức các tuyến đường sắt.
Tuyến đường sắt Vân Nam được mở lại vào năm 1993, theo thoả thuận song phương giữa chính phủ Việt Nam và Trung Quốc, tuy nhiên đoạn biên giới giữa trạm hải quan Lào Kay (VN) và Hà Khẩu (TQ) hoàn toàn phải đi bộ.
Cho dù là lựa chọn nào đi chăng nữa, những tài liệu đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia là nguồn tri thức quý giá trong nghiên cứu cả về mặt lịch sử cũng như chuyên ngành, một tài sản cần kế thừa để xây dựng, cải tạo các công trình đường sắt hiện nay.





[1] Tạp chí La Quinzaine coloniale ngày 25/5/1902

Thứ Năm, 6 tháng 4, 2017

KIẾN TRÚC TRƯỜNG TỒN, THỂ CHẾ BỀN LÂU: LAO ĐỘNG, ĐÔ THỊ HÓA, HÌNH THÁI NHÀ NƯỚC SỚM Ở BẮC VIỆT NAM VÀ XA HƠN

KIẾN TRÚC TRƯỜNG TỒN, THỂ CHẾ BỀN LÂU:  LAO ĐỘNG, ĐÔ THỊ HÓA, HÌNH THÁI NHÀ NƯỚC SỚM Ở BẮC VIỆT NAM VÀ XA HƠN 
NAM C. KIM∗ ∗∗ ∗  
Giới thiệu
Nghiên cứu khảo cổ học Đông Nam Á được tiến hành hơn nửa thế kỷ qua khi hòa bình trải rộng khắp vùng này (Higham 2011: 652). Tuy nhiên, những tư liệu mới của Đông Nam Á vẫn ít ảnh hưởng phương Tây hơn nghiên cứu được tiến hành ở Cận Đông, Trung Mỹ và Đông Á. Không giống với các nền văn minh được biết đến trong lịch sử như Angkor, Champa và Dvaravati, các xã hội tiền sử Đông Nam Á rất thiếu vắng trong các tranh luận so sánh. Mặc dù tình thế dần được cải thiện, nhưng nhiều các giải pháp mang tính tổng hợp, so sánh giữa các nền văn hóa về sự hình thành nhà nước vẫn còn bỏ qua vùng này (Cowgill 2004; Glover 1992: 7; Miksic 2000; Stark 2006a: 408), cho dù có một số trường hợp ngoại lệ đáng lưu ý (Bayard 1992; Higham 2002; Higham and Thosarat 2000; Manguin 2004; Miksic 1991; Mudar 1999; O’Reilly 2000, 2003; Wheatley 1983; White 1995; Wisseman Christie 1995). Trường hợp sơ xuất rõ ràng này là chưa may, khi có những ẩn ý quan trọng trong dữ liệu của khu vực.
Cách đây 3 thập kỷ, Wheatley (1983: 419) đã cho rằng vào khoảng 2.000BP, cấp độ cao nhất về tập trung                                        

* GS. TS. Đại học Wisconsin, Madison, Mỹ

Ghi chú :  Khu vực phân bố của hơn 100 di tích Đông Sơn   Khu vực tập trung các di tích Đông Sơn đậm đặc hơn Hình 1. Bản đồ vùng Bắc Bộ và lưu vực sông Hồng của Việt Nam. Cổ Loa có vị trí phía Bắc Hà Nội ngày nay qua sông Hồng, và nó là di tích cư trú lớn nhất thời Đông Sơn (Nguồn tư liệu: Higham 2002: 171; Bảo tàng Lịch sử Tp. Hồ Chí Minh. Nguồn bản đồ: Tegan McGillivray)
Kh¶o cæ häc, sè 4-2016 26

hóa chính trị ở bất kỳ nơi đâu ở Đông Nam Á không vượt quá nơi được coi thủ lĩnh quốc (chiefdom). Mới gần đây, các nhà nghiên cứu tiếp tục cho rằng các nhà nước sớm nhất ra đời trong thiên niên kỷ I AD, với sự phát triển mà đã thiết lập thời kỳ cho các nền văn minh được biết đến nhiều hơn và muộn hơn của vùng này như là Angkor và Pagan (Stark 2006a: 407; Higham 2002: 170; Higham 2009; Moore 2007). Trong khi những quan điểm này rõ ràng thừa nhận sự phân tầng về chính trị xã hội nảy sinh ở Đông Nam Á, tôi có thể đưa những khẳng định này tiến thêm một bước nữa, lập luận rằng chứng cứ mới từ Việt Nam cho thấy, những hình thái thậm chí sớm hơn của cả vấn đề đô thị hóa và thể chế nhà nước.
Trong những thế kỷ cuối cùng trước Công nguyên, vùng đồng bằng sông Hồng (cũng được gọi là Bắc Bộ) cho thấy thời kỳ hưng thịnh của một xã hội cấp nhà nước được đô thị hóa, như thể hiện ở di tích Cổ Loa (Hình 1-2). Cổ Loa là trung tâm của một xã hội tập trung về mặt chính trị trong thế kỷ III BC, được thiết lập trước một số trong số các xã hội trong vùng được biết đến về mặt lịch sử (Kim 2010). Bao phủ 600ha, Cổ Loa là một trong những khu cư trú tiền sử lớn nhất ở Đông Nam Á; hầu hết hệ thống di tích công sự tường thành bằng đất vẫn còn nguyên vẹn đến ngày nay. Cổ Loa mang tính biểu tượng của hình thức đô thị hóa của Đông Nam Á lục địa, được ghi dấu bởi các công trình kiến trúc bằng đất và hệ thống dẫn nước. Với gốc rễ tiền lệ khác nhau về văn hóa có niên đại vào đầu thời kỳ đồ Sắt sớm (khoảng 500BC), loại di chỉ cư trú lớn hơn này có thể được mô tả như là một truyền thống di chỉ cư trú có hào lũy, với những sự tương đồng trong quản lý nguồn nước ở các nơi cư trú hạt nhân ở Campuchia, Lào, Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam. Với những hiểu biết của chúng ta về đô thị hóa của Đông Nam Á vẫn còn khiếm khuyết hiện nay (Junker 2006: 229-230), đô thị hóa Cổ Loa và truyền thống được thừa hưởng của các công trình đắp đất cho thấy một dịp may để nghiên cứu sâu hơn nữa về vấn đề đô thị hóa ở Đông Nam Á và sự phức tạp về mặt chính trị xã hội.
Trong bài viết này, tôi bàn luận về di tích Cổ Loa trong bối cảnh Đông Nam Á với sự hình thành đô thị hóa và nhà nước. Tôi đề cập đến các nhân tố kích thích những thay đổi về chính trị xã hội ở Bắc Bộ trong thời đại Kim khí, những biến tố đóng góp vào sự ra đời của chính thể Cổ Loa. Thêm vào đó, tôi đề cập đến tính hoành tráng và chi phí lao động có liên quan của hệ thống vòng thành Cổ Loa, đặt Cổ Loa vào những tranh luận lớn hơn về các xã hội được đô thị hóa, cấp nhà nước, trong khu vực và trên toàn thế giới. Kích cỡ và quy mô của công trình xây dựng hệ thống tường thành chắc có lẽ là cần những chi phí lao động khổng lồ và các hình thức tổ chức phức tạp, và bằng chứng hiện nay cho thấy nỗ lực xây dựng được duy trì và tập trung cao trong một thời gian tương đối ngắn. Cả quá trình xây dựng và tính chất lâu bền đặc biệt của di tích phản ánh độ đàn hồi về thể chế của chính thể Cổ Loa. Cuối cùng
Hình 2. Ảnh Cổ Loa qua vệ tinh (Nguồn: Digital Globe and ArchaeoTerra)

Nam C. Kim - Kiến trúc trường tồn, thể chế…

27
thì các nhà lãnh đạo ở Cổ Loa đã vận dụng sức mạnh tổng hợp chưa từng có tiền lệ ở trong khu vực, và kích cỡ, quy mô của Cổ Loa cần thiết có một chủ quản có khả năng để tập trung các nguồn tài nguyên to lớn và sự chung sức trong một nỗ lực tổng hợp được duy trì thường xuyên cho xây dựng và bảo dưỡng.
Sự phức tạp của Đông Nam Á
Đông Nam Á lục địa thường được xác định là một khu vực địa lý có sự đa dạng cao và nhìn chung gồm phần lớn Campuchia, Lào, Malaysia, Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam ngày nay (Hình 3) (O’Reilly 2007:2-3). Trước giữa những năm 60 của thế kỷ trước, nhiều nhà nghiên cứu giải thích sự phát triển của các xã hội phân tầng ở Đông Nam Á bằng cách cho thấy ảnh hưởng của cả hai nền văn minh “tân tiến” hơn, văn minh Ấn Độ và Trung Hoa cổ, và chuyển giao kỹ thuật tiên tiến và các mô hình chính trị bằng sự truyền bá, di cư, hoặc sự áp đặt về quân sự và văn hóa đơn giản (Bayard 1992: 13). Có lẽ bị ảnh hưởng bởi lịch sử của chủ nghĩa thực dân gần đây hơn, những quan điểm về truyền thống từ đầu thế kỷ XX cho thấy các xã hội Đông Nam Á như là những phát sinh của xã hội Trung Hoa và Ấn Độ đương thời. Tuy nhiên, nghiên cứu khảo cổ học trong các thập kỷ gần đây cho thấy một mô hình đơn giản về sự ảnh hưởng đơn tuyến và sự tương tác có rất ít giá trị. Chắc chắn là, các cộng đồng khắp Đông Nam Á đã có giao tiếp trực tiếp và gián tiếp với nhau cũng như với các cộng đồng gần gũi trong thế giới văn minh Ấn - Hoa. Thế nhưng các quốc gia Ấn Độ và Trung Quốc như ngày nay không tồn tại cách đây 2.000 năm. Vùng này là kính vạn hoa của các xã hội, và các mô hình của sự tương tác và những thay đổi xã hội như hệ quả là phức tạp, đa chiều và đa phương. Các xã hội tham gia vào các hình thức giao tiếp quan trọng, trong đó có buôn bán từ xa xôi rộng lớn, sự di chuyển của các tộc người và ý tưởng, và chu kỳ chiến tranh. Do vậy, sự phức tạp trong vùng có thể qui cho sự phát triển của văn hóa, địa phương, phối hợp với ảnh hưởng quốc tế và tương tác giữa các vùng. Để thực hiểu tiến trình của những nền văn hóa mà đã sản sinh những nền văn minh lịch sử nổi tiếng của khu vực, các nhà nghiên cứu cần đánh giá các khuynh hướng và sự phát triển diễn ra trước thời đại Đồ đá mới và thời đại Kim khí. Các nhà nước cổ và các nền văn Hình 3. Bản đồ về Đông Nam Á lục địa, với một số di tích  lựa chọn được đề cập trong bài viết (Nguồn bản đồ: Tegan McGillivray, University  of Wisconsin, Madison)
Kh¶o cæ häc, sè 4-2016 28

minh đô thị hóa của khu vực như nền văn minh Angkor, Champa, Dvaravati và Pyu (hay Tircul), có niên đại vào thiên niên kỷ thứ nhất và thứ hai đầu Công nguyên và được biết đến qua sự kết hợp các chứng cứ khảo cổ học, các văn khắc và các tư liệu thu thập nguyên bản.
Khi khu vực này được dẫn chứng với bằng chứng về đô thị hóa và các chính thể chính trị phân tầng, các trường hợp thường là từ khối lịch sử chung này (Mudar 1999: 1). Ví dụ, Kealhofer và Grave (2008: 200) vẫn khẳng định rằng, chứng cứ tốt nhất về các thành phố sớm này được tìm thấy ở Thái Lan, nơi được gọi là trung tâm Dvaravati của cuối thiên niên kỷ I đầu Công nguyên. Dẫu vậy, tôi muốn cho rằng nền móng sớm hơn của các xã hội đô thị và phân tầng có niên đại vào những thế kỷ cuối cùng trước Công nguyên. Những hình thức đô thị hóa như vậy là rất rõ ràng ở Cổ Loa và Khao Sam Kaeo (Bán đảo Thái - Malaysia; Hình 3). Có hai lý do chính tại sao tính phân tầng và đô thị hóa thời tiền sử không được thừa nhận một cách đầy đủ. Thứ nhất là, khu vực này thiếu các thông tin về nơi cư trú toàn diện, một kẽ hở đã làm cho nghiên cứu so sánh về sự phát triển đô thị hóa mang tính thách thức. Thứ hai là, sự nhấn mạnh hơn là ở kiến trúc đồ sộ của các di tích lịch sử hiện còn. Các thành phố như Angkor, Bagan, Beikthano, Halin, My Son, Nakhon Pathom, Óc Eo, Sri Ksetra và Trà Kiệu, trong số các thành phố khác, đã thu hút sự chú ý của cả các nhà khảo cổ học chuyên nghiệp và nghiệp dư, đặc biệt là sự hiện diện của các văn khắc tại nhiều di tích. Vì vậy, đô thị hóa và tính phân tầng, dễ phát hiện và xác định với các trường hợp này hơn là các trường hợp trước.
Tình thế này có vai trò trong việc làm xuất hiện trường phái tư duy chủ đạo có liên quan đến các xã hội tiền sử. Cụ thể là nhiều nhà nghiên cứu khẳng định rằng “nhà nước” không tồn tại ở Đông Nam Á trước kỷ nguyên lịch sử (Bacus 2004; Higham 1996, 2002; Junker 1999; Murowchick 2001; O’Reilly 2007; Tessitore 1989; Wheatley 1983). Ví dụ, Wheatley (1983: 93) công nhận sự tồn tại của chế độ tộc trưởng có trung tâm Cổ Loa, một cảm nhận lập lại bởi Higham (2002: 170) trong việc đề cập đến chế độ tộc trưởng ở đồng bằng sông Hồng. Những viễn cảnh này xuất hiện có thể hiểu được là do sự thiếu tư liệu đáng tin cậy nói chung từ những nơi như Cổ Loa, cho đến tận gần đây. Với tư liệu sẵn có ngày càng nhiều, tôi tin rằng bây giờ cần thiết phải suy nghĩ lại quan điểm này đối với các xã hội có niên đại như Stark (2006b: 147) đề cập là thời kỳ lịch sử sớm (khoảng 500BC - AD500).
Các thể chế phân tầng, lớn hơn, và nổi tiếng hơn, được ghi dấu bởi quyền lực, các thể chế, chế độ quan liêu có bản chất lâu dài hơn, được đề cập đến như là nhà nước cổ xưa, nhà nước - thành phố, nhà nước địa phương, và các đế chế (Haas 2001; Stanish 2010; Trigger 2003; Wright and Johnson 1975; Yoffee 2005). Ngoài tính chất cấp bậc, trung tâm hóa và chuyên môn hóa, chính quyền của chính thể nhà nước cần cho thấy quyền lực lâu dài và sự bền lâu của các thể chế. Nói chung, các xã hội loại trung, phi nhà nước hoạt động trên nguyên tắc cấp bậc và đặc quyền, nhưng những thể chế chính trị thường không duy trì được sau khoảng một thế hệ, và những xã hội này thiếu các loại cấu trúc quan liêu, lâu dài mà thường liên quan đến nhà nước. Đối với Đông Nam Á, tôi cho rằng Cổ Loa cho thấy tính lâu bền của các thể chế chính trị trong các thế kỷ cuối trước Công nguyên.
Chắc chắn là, sự tập trung về chính trị, đô thị hóa và số dân cao không phải điều kiện tiên quyết cho tính phân tầng. Tính phức tạp đối với những phần khác của Đông Nam Á có thể có đặc trưng bởi cấu hình không phân cấp, đặc biệt là những nơi có mật độ dân số thấp hơn (O’Reilly 2003; White 1995), hay có cấu trúc chính trị tập trung hóa yếu hơn (Junker 2004: 226). Tuy nhiên, tính phức tạp ở đồng bằng sông Hồng theo một đường tiến triển khác, vì nó là nơi cư trú cho mật độ cư dân cao hơn đáng kể. Mãi đến những thế kỷ gần đây, hầu hết Đông Nam Á, với ngoại trừ có thể là Bali, Java, và những phần ở miền Trung và miền Nam Việt Nam, có mật độ dân số quá thấp liên quan đến đất đai và nguồn tài nguyên (Junker 2004: 229-230; Reid 1988, 1992). Tóm lại, Cổ Loa có thể cung cấp tư liệu cho những biến số hiểu biết quan trọng trong phát triển tính phức tạp về mặt xã hội ở các nước Đông Nam Á và xa hơn.
Nam C. Kim - Kiến trúc trường tồn, thể chế…

29
Những nơi cư trú có hào bao quanh của Đông Nam Á
Một đặc tính quan trọng chung của nhiều thành phố thời kỳ cổ xưa và lịch sử sớm của Đông Nam Á lục địa là việc quản lý nước. Các di tích như Angkor, Beikthano và Nakhom Pathom nhìn chung cho thấy có liên quan đến việc quản lý nước, cùng với sự hiểu biết rất tinh tế về những yêu cầu kỹ thuật. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì kiểu mưa, tính chất gió mùa, đặc biệt ở những vùng đồng bằng ngập lụt và vũng trũng, gây ra những đợt có lượng mưa cao thấp khác nhau. Trong suốt lịch sử của mình, vùng Đông Nam Á đã chứng kiến nhiều kiểu loại kiến trúc cấp thoát nước, từ những hệ thống quy mô nhỏ với các đập nước đơn giản, đến hệ thống các kênh quy mô lớn (Wolters 2007: 209). Ví dụ, một loạt các thành phố có hào bao quanh ở đồng bằng miền Trung Thái Lan trong thời kỳ Dvaravati (khoảng thế kỷ VI - XII AD) (Indrawooth 2004: 132; Mudar 1999). Nhiều trong số các loại hình cư trú này là gần nguồn nước để có thể cung cấp nước cho các thành lũy (Indrawooth 2004: 125-126). Ở Miến điện vào thiên niên kỷ 1 đầu Công nguyên, hệ thống thủy lợi tinh vi ghi dấu các nhà nước - thành phố của Pyu hay Tircul là Beikthano, Halin, Kyaikkatha và Sri Ksetra (Moore và Win 2007; O’Reilly 2007: 7-31). Ở Campuchia, quyền lực của đế chế Khmer (khoảng thế kỷ VIII - XVI) đã dựa trên sự tinh thông về quản lý nước (Moore 1992: 26), cùng với các nơi cư trú như Angkor được phân loại là thành phố “thủy lợi” (Groslier 1960).
Những hệ thống quản lý nước phức tạp này không bỗng nhiên xuất hiện sau một đêm, nguồn gốc của chúng có thể được tìm thấy trong các hình thức cư trú trước đó rải rác khắp vùng. Các nơi cư trú như Angkor tiêu biểu cho đỉnh cao của việc phát triển đô thị diễn ra hơn một thiên niên kỷ. Đối với các di tích cư trú tiền Angkor, kiểu có hào bao là rõ ràng ở các di tích thuộc giai đoạn của chính thể được gọi là Phù Nam ở những khu vực dẫn nước sông Mêkông của Đông Nam Campuchia và Nam Việt Nam ngày nay (O’Reilly 2007: 99-108; Stark 2006c). Những di tích này có thể bao gồm những nơi quan trọng như trung tâm Angkor Borei của khu vực và thương cảng Óc Eo, những ví dụ của đô thị hóa thời lịch sử sớm (Stark 2006b).
Những tài liệu vật chất của thiên niên kỷ I BC đã cho thấy kiểu loại chung của những thứ tương tự, những thiết kế và thử nghiệm thậm chí còn sớm hơn. Các loại hình cấu tạo hạt nhân khác nhau diễn ra trong những khu vực, nơi quản lý nước là rất quan trọng cho cách sống và “truyền thống” cư trú có hào bao này, có thể đã xuất hiện trong thời đại Sắt sớm (khoảng 500BC), nếu không phải là sớm hơn. Hầu hết các di tích hình tròn thời tiền sử ở Đông Nam Á lục địa, có niên đại từ 500BC đến thế kỷ IX AD, cho thấy một cách điển hình về một loại hình có thể so sánh của các thành lũy, vùng trũng và khu cư trú bên trong (Dega 2002: 14). Hàng trăm các ví dụ chứng thực cho bản chất then chốt của việc bảo tồn và điều khiển nguồn nước (Moore 1992: 26). Nhiều di tích cư trú lớn có thành lũy và hào bao quanh của thiên niên kỷ I BC được tìm thấy nhiều nơi ở Campuchia, Miến Điện, Thái Lan và Việt Nam ngày nay, mặc dù chức năng và niên đại chính xác của một số nơi là chưa rõ ràng (Albrecht và nnk 2000; Dega 1999; Fletcher và nnk 2008; Higham 2002; McGrath and Boyd 2001; Moore 1988, 1989, 1992, 2007). Những nơi cư trú này, cho thấy mức độ của tính biến đổi quan trọng, như là một phần của một loại rất phổ biến mà trong đó các cộng đồng địa phương tận dụng rộng rãi các công trình đắp đất và các thành phần hào bao. Các di tích này có thể có chức năng như những nơi cư trú kiểu đô thị sơ khai, gồm nơi ở, sản xuất và tổ chức nghi lễ.
Về cơ bản, truyền thống nơi cư trú có hào bao là rõ rệt vào nửa sau thiên niên kỷ I BC. Tôi sử dụng thuật ngữ “truyền thống” ở đây một cách nôm na, đề cập đến sự thích nghi để giải quyết các vấn đề chung về quản lý nước. Các kỹ thuật thay đổi cảnh quan tiêu biểu cho một hình thức đáp ứng về mặt cơ khí tối ưu cho việc quản lý nguồn nước, với hoàn cảnh môi trường, nguồn tài nguyên và công nghệ sẵn có. Tất nhiên, không phải tất cả các cộng đồng nằm trong phạm vi truyền thống này đều trực tiếp giao tiếp với nhau. Chắc chắn là, các hình thức và việc sử dụng các nơi cư trú này là rất khác nhau qua thời gian và không gian, vì các bối cảnh văn hóa và tính địa phương của chúng cũng rất khác nhau.
Kh¶o cæ häc, sè 4-2016 30

Tuy nhiên, rõ ràng là, khi xem xét vô số các địa điểm cư trú được qui hoạch và xây dựng một cách có ý thức, sử dụng nhiều thay đổi để giải quyết những việc liên quan đến việc sử dụng và tín ngưỡng về nước.
Trong phạm vi vùng thượng Miến Điện, nhân tố sinh thái chủ đạo nhất là sự khô cằn giữ một vai trò trong ứng lực kỹ thuật về nước ở các di chỉ có tường bao như Beikthano (Moore and Win 2007: 202). Trái lại, các di chỉ ở vùng hạ Miến Điện, chẳng hạn như Thaton và Kyaikkatha, có lượng mưa cao cùng với ngập lụt nước mặn (Moore and Win 2007: 204). Sự đa dạng này về môi trường đã dẫn đến đa chức năng của các công trình có hào bao. Sự thay đổi cảnh quan trọng đại bắt đầu với sự xuất hiện các di tích có tường bao tiền thân (khoảng 200BC - AD900) có liên quan đến nhóm Pyu Tạng - Miến và nhóm tộc người Môn Nam Á (Moore 2007: 10). Moore và Win (2007: 207) tin rằng, những tường thành đầu tiên của vùng là những vòng thành tự nhiên được hình thành trong môi trường cảnh quan nhất định. Nếu như vậy, hình thức sớm hơn của truyền thống nơi cư trú có hào bao có thể được cảm hứng từ những thành tạo diễn ra một cách tự nhiên, với các đặc tính kiểm soát nước hiển nhiên đã sẵn có.
Các biến tố của truyền thống nơi cư trú có hào cũng có thể được thấy ở phía tây của Nam Á, cho thấy mức độ nào đó của sự giao tiếp và ảnh hưởng lẫn nhau. Các di tích thời đại đồ Sắt (khoảng 700 - 350BC) ở Ấn Độ như Kausambi, Varanasi, và Pataliputra, cũng có những đường đê đắp đất và hào bao (Indrawooth 2004). Các chức năng giả định của những công trình này có thể đầu tiên là để kiểm soát lũ lụt, với những sửa đổi để làm công sự sau đó (Indrawooth 2004: 133). Các di tích có tường bao khác ở Ấn Độ cũng có niên đại từ thiên niên kỷ I BC, chẳng hạn như Sisupalgarh, Rajgir, và Satanikota, cho thấy một công trình có các vòng thành bao quanh trước khi chính thể của khu vực này phát triển (M. L. Smith 2003: 278). Trong nhiều trường hợp, các giai đoạn xây dựng tường thành đầu tiên bằng bùn lấy từ hào kế cạnh, với gạch xây vững chắc được thêm vào ở các thời kỳ sau.
Gần với Việt Nam hơn, một số di tích có hào bao được phân bố ở cao nguyên Khorat ở Đông Bắc Thái Lan (Hình 3). Các di tích này có những nơi cư trú trong phạm vi thung lũng sông Mun, chẳng hạn như Non Dua, Noen U-Loke và Non Muang Kao, cũng như trong thung lũng Chi, chẳng hạn như Non Chai và Ban Chiang Hian (Higham 1996: 214-215; 2002: 193-204; Moore 1988, 1992; Welch and McNeil 1991). Nhiều trong số các di tích này có đồi gò lớn bao phủ 50ha, được bao quanh bởi cái mà được diễn giải là hào bao (Higham and Thosarat 2000: 28). Nhiều trong số các công trình có hào bao có niên đại trong giai đoạn ngắn từ giai đoạn giữa đến cuối thời kỳ đồ Sắt (khoảng AD 1 - 600) (McGrath và Boyd 2001).
Với nghiên cứu phạm vi rộng về các di tích có nước bao quanh ở cao nguyên Khorat, Moore (1988, 1992: 28) chỉ rõ các loại di tích được bao kín nói chung kéo dài từ thời đại Đá mới qua thời đại đồ Sắt gồm có: loại đồi - hào không định chuẩn, loại không định chuẩn về mặt bình đồ và loại hình chữ nhật. Loại đầu tiên với đặc điểm có mặt cắt hình đồi - hào lũy và hào bao có hình dạng theo chu vi của đồi gò cư trú. Loại thứ nhất tiêu biểu bao gồm gần 100 di tích, đó là vùng đất được bao quanh bởi công trình đất đắp bên ngoài có diện tích trung bình là 25ha. Các ví dụ về loại 2 có xu hướng rộng hơn về kích cỡ, lên tới 89ha. Loại thứ 3, có bình đồ đồng đều hơn, gồm có một loạt kích cỡ từ 1 - 100ha (Moore 1992: 28). Đó là các di tích khép kín có hình chữ nhật, các di tích này có thể nhìn thấy được trong không ảnh như đường nét chính hoặc là dạng hình khối đặc; rõ ràng rằng nhiều trong số khu đất có rào vây này là di tích cư trú lâu đời trước khi xây dựng các công trình hình chữ nhật ở đó (Moore 1992: 30-31). Nhìn chung, Moore (1992: 43) đã nhận thấy trong cái thế liên hoàn chắc chắn này có một điểm nối chung trong việc sử dụng nước, cũng như các mô hình chuyển đổi có liên quan đến đô thị hóa, nghệ thuật và tôn giáo.
Nam C. Kim - Kiến trúc trường tồn, thể chế…

31
Ở những nơi khác, số lượng lớn các di tích đắp “đất đỏ” hình tròn ở Đông Nam Campuchia và Nam Việt Nam, chẳng hạn như Krek 52/62, cũng có những đường đê và hào bao quanh có lẽ có niên đại vào thiên niên kỷ I BC (Albrecht et al. 2000: 43; Dega 1999, 2002). Hơn 30 công trình đắp đất tròn trong khu vực này theo ghi chép là vùng thượng nguồn từ châu thổ sông Mêkông, chạy suốt 55km dọc theo cao nguyên đá basalt, hơi lệch hướng nam - bắc (Dega 1999: 184). Các nơi cư trú, được xem là các làng bản trồng lúa, có đường đê đắp đất hình tròn đồng tâm bao quanh hào, hay vùng trũng bên trong và các di tích có đường kính từ 200m đến hơn 250m (Albrecht et al. 2000). Ví dụ Krek 52/62 có đường kính bên ngoài là khoảng 255m (Albrecht et al. 2000: 28). Dựa trên những phát hiện từ Krek 52/62 và nơi khác, các di chỉ này có lẽ có niên đại vào thiên niên kỷ I BC; chúng có thể là di tồn của một thực thể kinh tế, xã hội, văn hóa và thậm chí là cả chính trị nữa (Albrecht et al. 2000: 41, 43). Nhìn chung, các di tích đắp đất đỏ hình tròn của Campuchia và Việt Nam tương phản với các di tích ở Đông Bắc Thái Lan (Albrecht et al. 2000: 30; Dega 1999: 188). Các di tích đắp đất hình tròn ở Campuchia và Việt Nam mang dấu ấn bởi các bố trí đặc trưng và đồng nhất; còn các dạng di tích tương tự ở Thái Lan có thể bắt nguồn từ các bản sao đặc điểm phong cảnh tự nhiên và cho thấy khả năng biến đổi cao về hình thể và kích cỡ. Các di tích của Thái Lan cũng lớn hơn đáng kể (diện tích trung bình là 30ha), trái lại di tích đất đỏ lớn nhất là dưới 5ha.
Trên bán đảo Thái Lan - Malaysia, một ví dụ khác về truyền thống này là Khao Sam Kaeo (khoảng thế kỷ IV - II BC). Di tích này có hệ thống đường đê và đường cống rãnh phức tạp, cho thấy ranh giới của đô thị (Bellina-Pryce and Silapanth 2006). Có một số nét giống với hệ thống công sự ở Cổ Loa, hệ thống công trình đất đắp phức tạp của Khao Sam Kaeo bao kín những khu vực sản xuất thủ công chuyên môn hóa, và là bằng chứng cho sự trao đổi (Bellina-Pryce and Silapanth 2006: 286). Nói chung, di chỉ này là một chính thể sớm quan trọng có các dấu hiệu của đô thị hóa và trao đổi qua vùng châu Á với những dấu ấn Ấn Độ hóa (Bellina-Pryce and Silapanth 2006: 285). Tuy có sự khác biệt mang tính tiểu vùng, địa phương, tranh luận ngắn này cho thấy một mô hình cư trú chung bao quanh bởi nước, với hàng trăm các ví dụ theo tư liệu (Kim and Carter, tư liệu chưa công bố). Nhìn chung, Moore (1992: 26) đã nhận ra một quá trình phát triển của nơi cư trú có nước bao quanh, những khu đất khép kín với đồi gò - hào không đồng đều, từ có thể là khu bao quanh gò - hào tự nhiên không định hình đến các di tích dạng vùng miền và sau đó là hình chữ nhật, lớn hơn, quy mô hơn. Hình như có một số loại hình tiểu vùng và địa phương của truyền thống lớn hơn này (ví dụ, đông bắc Thái Lan, Nam Campuchia/Việt Nam, Miến Điện và các khu vực khác ở Đông Nam Á). Công tác điền dã trong tương lai ở các khu vực khác nên tìm thêm các trường hợp nữa thuộc loại di tích này, ví dụ như ở Lào. Hình 4. Ban Chiang Hian qua vệ tinh (Nguồn: Internet)
Kh¶o cæ häc, sè 4-2016 32

Di tích Cổ Loa là một bản mẫu quan trọng có lẽ được sinh ra từ truyền thống chung này, có thể có điểm tương tự lớn hơn - mặc dù trên một quy mô lớn hơn nhiều - với các khu bao quanh có hình dạng không đồng đều của Đông Bắc Thái Lan, như Ban Chiang Hian (Hình 4). Hệ thống các hào rãnh đầy nước theo mùa ở Cổ Loa có lẽ sẽ tạo thuận tiện cho giao thông và di chuyển khắp địa điểm này. Nếu tin vào truyền thuyết, có lẽ các lực lượng hải quân cũng như các nhà buôn, nông dân và các thành viên khác của cộng đồng đã sử dụng hệ thống này (Lại Văn Tới, thông tin cá nhân 2009; Larew 2003: 15). Căn cứ vào môi trường, một trong những chức năng của hệ thống có thể là để điều chế nước lũ theo mùa và cung cấp nước cho nông nghiệp. Trong môi trường phát triển đô thị Đông Nam Á, với các di tích như Angkor thuộc thời kỳ gần hiện đại hơn, trong khi đó nhánh đô thị Cổ Loa ở điểm giữa chuyển tiếp dọc theo diễn tiến lịch sử từ những di tích có hào bao nhỏ hơn của thời đại Sắt sớm đến các đô thị có nước lớn của kỷ nguyên lịch sử (Stark 2006a: 417-418). Với diện tích 600ha, Cổ Loa ngang tầm quan trọng với các di tích hơi muộn hơn, thuộc sơ sử hay lịch sử sớm như Angkor Borei và Óc Eo, với các khu vực được bao kín là 300ha (Angkor Borei ) và 450ha (Óc Eo). Đối với thời đại Sắt sớm, Cổ Loa là di tích lớn nhất trong hệ thống cư trú tương đương trong phạm vi truyền thống được ghi dấu bởi việc quản lý nước và các công trình đất đắp và khu vực được bao quanh quy mô lớn, cho thấy xu hướng tiến tới hình thức đô thị hóa mạnh hơn và phân tầng hóa chính trị có thể là sau đó trong thời kỳ lịch sử sớm. Như đã nói, quy mô của loại hình quản lý nước của Cổ Loa là lớn hơn nhiều so với các các di tích cư trú thời lịch sử cùng thời khác. Nhân tố nào đã góp phần vào hiện tượng Cổ Loa, và làm thế nào để nó có thể thông tin những điều đáng lưu tâm hơn về đô thị hóa phôi thai và sự hình thành nhà nước? tôi ngờ rằng sự gần gũi với các sự kiện chính trị xã hội quan trọng ở miền Bắc có thể là một trong những biến số quan trọng; những điều này sẽ được khám phá ở mục sau.
Cổ Loa: bối cảnh lịch sử và những phát hiện gần đây
Các nền văn hóa sơ khai của Việt Nam đã làm thành một phần không thể thiếu các đường chuyển và phát triển của lịch sử và văn hóa địa phương ở vùng đồng bằng sông Hồng. Tiền - Sơ sử của khu vực, đặc biệt trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn thời đại Sắt (khoảng 600BC - AD200), khẳng định sự tồn tại của một xã hội phân tầng sớm, bằng chứng cho điều này đã được trình bày trong các công trình khác (Higham 1996: 134, 2002; Kim 2010; Miksic 2000; Murowchick 2001; Phạm 1996, 2004; Tessitore 1989; Wheatley 1983: 278-279). Công tác khảo cổ học đang được triển khai ngày càng làm sáng tỏ cho sự phát triển xã hội thời Đông Sơn, nơi mà các chính thể phân tầng đã thống trị dân số lớn đáng kể sống trong những khu sản xuất nông nghiệp năng xuất cao trong vùng cao và vùng đồng bằng thấp hơn của đồng bằng sông Hồng (Miksic 2000; Stark 2006a; Tessitore 1989; Wheatley 1983). Sự phân tầng xã hội phát triển và tính phức tạp đạt đỉnh điểm trong củng cố quyền lực chính trị ở những thế kỷ cuối trước Công nguyên tại di tích Cổ Loa, một trung tâm của xã hội mang chính tên nó (Kim 2010; Kim et al. 2010).
Cổ Loa cách Hà Nội ngày nay 17km về phía bắc, với hầu hết các tường thành của nó vẫn tồn tại trong tình trạng hư nát khác nhau, ở một số nơi chiều rộng lên tới 30m ở phần chân và 10m chiều cao. Hệ thống tường thành bao gồm 3 vòng thành bằng đất, với vòng ngoài cùng có chu vi xấp xỉ 8km, bao quanh gần 600ha. Thành Trung và Thành Nội có chu vi lần lượt là gần 6,5km và 1,65km (Nguyễn and Vũ 2007). Khu vực này liên tục có người ở kể từ cuối thời đại Đá mới (Lại Văn Tới 2004).
Trong nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu đã tranh luận những điều kiện xây dựng đầu tiên của di tích và các vòng thành, cơ bản dựa vào tư liệu của Trung Quốc và các truyền thuyết của Việt Nam (O’Harrow 1979). Điểm tranh cãi chính là nhận dạng văn hóa của xã hội chịu trách nhiệm cho việc thành lập Cổ Loa và xây dựng các vòng thành của nó và việc xây dựng này là do dân bản địa hay những kẻ xâm chiếm nước ngoài thực hiện. Cụ thể là, các nhà nghiên cứu từ lâu đã băn khoăn liệu công trình hoành tráng của di tích Cổ Loa được xây dựng sau việc củng cố sự thống trị của người Hán phong kiến ở trong vùng hay không (khoảng thiên niên kỷ I AD), hay có lẽ chúng được xây dựng bởi các xã hội bản
Nam C. Kim - Kiến trúc trường tồn, thể chế…

33
địa trước khi bị người Hán thôn tính. Không ngạc nhiên khi các tư liệu của Trung Quốc cho thấy rằng, nhà Hán đã đụng độ với người thổ dân man rợ ở đồng bằng sông Hồng và cần phải “văn minh hóa” cư dân địa phương, những người thiếu sự tinh tế về nông nghiệp, luyện kim và chính trị (Cherry 2009: 130; Higham 1989, 2004; O’Harrow 1979; Taylor 1983; Tessitore 1989). Trái lại, truyền thuyết của Việt Nam có liên quan đến sự ra đời của những vương quốc bản địa hùng mạnh trước khi người Hán tới, xác nhận rằng Cổ Loa có chức năng như là một thủ đô của một chính thể phân tầng của người Việt trong thế kỷ III BC (Miksic 2000; Taylor 1983: 20-23; Tessitore 1989; Wheatley 1983: 91-93). Tư liệu của người Hán và truyền thuyết của Việt Nam là vấn đề cho các nguyên nhân có liên quan đến định kiến phong kiến, tự hào dân tộc và độ tin cậy vào thông tin chịu sự thay đổi khi chúng được truyền lại qua một thiên niên kỷ. Do vậy, tư liệu vật chất vẫn là thiết yếu để làm sáng tỏ.
 Tôi đã tiến hành điều tra điền dã ở Cổ Loa năm 2007 và 2008. Dự án Thành Trung và Hào lũy Cổ Loa, cuộc khai quật có hệ thống và quy mô lớn đầu tiên về các địa điểm công sự của nó, đã xem xét tường thành bằng đất và hào/rãnh bao bên ngoài để thu thập bằng chứng văn hóa và niên đại. Tôi đã trình bày các phát hiện chính chi tiết ở công trình khác (Kim 2010; Kim et al. 2010) và chỉ tóm tắt thông tin thích hợp dưới đây.
 Trong khu vực khai quật, dạng tồn tại cuối cùng của vòng thành là cao xấp xỉ 4,3m và rộng 26m ở chân thành. Đại đa số đất sử dụng để xây dựng vòng thành được lấy trực tiếp từ hào ở mặt tiền bên ngoài của nó, điều đó đã được khẳng định bằng phân tích địa tầng và kiểm tra lõi khoan (Kim 2010). Có thể nhìn thấy rõ trong phạm vi địa tầng một vài chuỗi lớp xây dựng với các kỹ thuật xây dựng khác nhau, bao gồm đất đắp đơn giản cùng với các hình thức đất đắp lên. Nói chung, các lớp đất xây dựng có thể nhóm lại thành 3 giai đoạn chính (sớm, giữa và muộn) dựa trên các giai đoạn xây dựng chính với một số giai đoạn. Những sự kiện xây dựng chính này được xác định qua phân tích địa tầng, các hiện vật tại chỗ, và chuỗi xác định niên đại radiocarbon và nhiệt huỳnh quang, với Phân khúc 1 rơi vào thời kỳ sớm, Phân khúc 2-4 tương ứng với thời kỳ giữa và Phân khúc 5 vào thời kỳ cuối (Kim et al. 2010). Thích hợp với tranh luận trong bài này là Phân khúc 2-4 của việc xây dựng thành Trung, thời kỳ xây dựng với khối lượng lớn.
Tài liệu địa tầng và phép đo phóng xạ đã cho thấy một cách rõ ràng rằng, phần lớn tường thành này (giai đoạn giữa: Phân khúc 2-4) được xây dựng mà không có sự gián đoạn nào. Mười mẫu than củi từ Phân khúc 2-4 đã được phân tích để xác đinh niên đại C14 cho thấy, chuỗi niên đại xấp xỉ 300 - 100 cal BC (Kim và nnk 2010: 1021). Các niên đại sớm hơn có vị trí ở các địa tầng thấp hơn và niên đại muộn hơn có vị trí ở Phân khúc 4, gần với bề mặt hơn. Có sự thiếu vắng của các lớp có thể nhận thức rõ là địa tầng tự nhiên hay sự phơi trần trên bề mặt lâu dài mà có thể hy vọng là những khoảng trống về thời gian giữa các thời kỳ. Trên Phân khúc 4, phương pháp xây dựng và hiện vật cho thấy các lớp trên của thành Trung tương ứng với giai đoạn muộn (Phân khúc 5) và có lẽ được tiến hành bởi một xã hội hay một thực thể chính trị khác như là một phần trong các chỗi sự kiện của thời kỳ tân trang lại thành.
Việc xây dựng tường thành bắt đầu với nền móng bằng đất đào lấy từ khu vực hào rãnh, nơi các tảng đất được đào lên, trung chuyển và đắp lên tạo mặt nền phẳng. Các lớp đắp đầu tiên bao gồm những gì cho thấy là lớp đất mặt của các ruộng lúa (Kim và nnk 2010). Quan trọng là điều này ám chỉ việc trồng trọt lúa gia tăng trong phạm vi khu vực Cổ Loa trước khi xây dựng tường thành. Việc xây dựng tường thành (Phân khúc 2) có lẽ bắt đầu khoảng cuối thế kỷ IV - đầu thế kỷ III BC. Hầu hết các hiện vật của giai đoạn giữa, bao gồm ngói mái và đá, thu được từ Phân khúc 4 ở khoảng 1m dưới bề mặt thành hiện tồn (Kim 2010). Những viên ngói này là một phần của di tồn vật chất của hoàng gia hay tầng lớp quan lại của văn hóa Cổ Loa, tương tự với vật liệu tìm được trong các cuộc khai quật năm 2004 - 2005 ở khu Thành Nội (Kim 2010; Kim và nnk 2010; Lại Văn Tới 2005). Vật liệu liên quan đến văn hóa Cổ Loa chỉ được tìm thấy trong dải đất của di tích Cổ Loa, trong khi đó các hiện vật của thời kỳ văn hóa Đông Sơn
Kh¶o cæ häc, sè 4-2016 34

khoảng cùng thời được tìm thấy trong khắp khu vực Bắc Bộ trong các bối cảnh khác nhau. Vì sự khác biệt then chốt này, tôi đề cập đến thời kỳ giữa (khoảng 300BC - 100BC) là thời kỳ Cổ Loa. Các cuộc điều tra chỉ ra rằng, ngói mái nằm ở toàn bộ chiều dài của Thành Ngoài và Thành Trung, trong cùng một địa tầng (Kim 2010).
Các cuộc điều tra của các khu vực thành đã sụp đổ cho thấy loại hiện vật này cung cấp nhiều trong số thông tin về thành Trung có thể áp dụng được cho toàn bộ hệ thống thành. Bằng chứng hiện có cho thấy vòng thành thời kỳ giữa đang được xây dựng trong thế kỷ III BC và có thể được hoàn thành vào giữa thế kỷ II BC, nếu không phải là sớm hơn. Sau đó, khối tường thành có thể được đặt trong khung tối đa của 2 thế kỷ; sự giải thích không chắc chắn này ở mức độ nào đó phù hợp với truyền thuyết của Việt Nam. Những căn cứ niên đại này xác định rằng, có một chính thể duy nhất, gọi là Vương quốc Âu Lạc, chịu tránh nhiệm về sự hình thành Cổ Loa và việc xây xựng thành lũy của nó (Bellwood 1992: 125; Tessitore 1989: 36). Như đã nói, tôi giả định tính chất cùng thời tương đối cho hệ thống tường thành như điểm khởi đầu cho việc đánh giá và định lượng của những yêu cầu về xây dựng hệ thống.
Các nhà khảo cổ học đã nhận biết từ lâu tính hữu dụng của năng lượng học của kiến trúc trong việc đưa ra những đầu mối về quyền lực chính trị và sự phân tầng về mặt chính trị xã hội trong việc lượng hóa chi phí lao động cho việc xây dựng các công trình, các dinh thự, và các đặc điểm đặc trưng (Abrams 1994; Abrams and Bolland 1999; Arco and Abrams 2006; Craig et al. 1998; Erasmus 1965; Joyce 2004; Kaplan 1963; Kirch 1990; Sherwood and Kidder 2011; Trigger 1990). Tất cả các loại xã hội ở các cấp độ phức tạp khác nhau đã tham gia vào việc xây dựng công trình. Tất nhiên, có các trường hợp khảo cổ học và nhân chủng học có quy mô nhỏ hơn, các xã hội phi nhà nước tham gia vào kiến trúc công trình, nơi mà các công trình công cộng được xây dựng có tính cộng đồng và trải qua quá trình hoàn thiện dần trong các thời kỳ dài lâu với các thành phần công việc có tầm cỡ và không cần sự quản lí hay thúc ép cấp nhà nước (Craig et al. 1998; Erasmus 1965: 278; Kaplan 1963; Milner 2004: 302; Parkinson 2002). Nói chung, tính hoành tráng phi nhà nước, thậm chí cả khi trên quy mô lớn, có xu hướng lớn dần một cách tự nhiên, diễn ra qua những khoảng thời gian dài và với các đặc điểm kiến trúc đôi khi dẫn các sản phẩm không định trước như các quyết định, các động cơ thúc đẩy và chương trình khác nhau. Tuy nhiên, ở Cổ Loa, hệ thống tường thành bằng đất không chỉ được ghi dấu bởi quy mô vĩ đại, mà việc xây dựng đều ấn tượng hơn với tính khẩn trương rõ ràng của quá trình xây dựng  trong phạm vi 2 thế kỷ, chứ không phải là vài thế kỷ hay thiên niên kỷ.
Hầu hết hệ thống tập trung của Cổ Loa cho thấy có liên quan trong thiết kế nói chung, dựa trên bằng chứng hiện có và các manh mối từ truyền thuyết gợi cho thấy sự sáng tạo có suy nghĩ trước và có kế hoạch trung tâm hơn. Thiết kế nói chung của Cổ Loa và tính táo bạo của công trình cho thấy ý định rằng hệ thống tường thành, một khi được đặt đúng chỗ, sẽ tiếp tục tồn tại qua thời gian, phục vụ nhiều
Hình 5. Các số đo chung của Thành Trung ở Cổ Loa
Nam C. Kim - Kiến trúc trường tồn, thể chế…

35
chức năng khác nhau. Ngoài hệ thống ngăn chặn và phòng thủ, các vòng tường có thể tiếp tục cho thấy tính lâu bền của quyền lực chịu trách nhiệm cho phận sự và công việc nó đảm nhiệm. Sự bền bỉ như thế chắc chắn cần phải có sự đầu tư nguồn lực và lao động liên tục để duy trì, kéo dài các chi phí xây dựng vô hạn định. Đây là điểm nổi bật, đặc biệt là khi chúng ta xem xét bản chất của nguyên vật liệu được sử dụng - đất trồng và đất sét so với các dạng lâu bền hơn như đá và gạch. Tính khẩn trương tương đối của dự án xây dựng và những đòi hỏi cần thiết cho việc bảo quản vô hạn định kết hợp cho thấy: (1) Tầm nhìn tập trung hóa và việc thực hiện kế hoạch lớn hơn; (2) Việc quản lý được duy trì và định hướng các nỗ lực xây dựng và các nguồn lực cần thiết; (3) Sự sẵn có của lao động và nhân sự ngoài việc xây dựng để duy trì vô thời hạn và (4) Việc sẵn có của lực lượng quân sự quy mô lớn cho các vị trí người phòng thủ. Những đặc điểm này cho thấy mức độ quản lý tập trung, có thể qua tự nguyện, nô lệ, hoặc lao động khổ sai. Những dấu hiệu của việc đưa ra quyết định, quản lý, hay cai trị tập trung hóa cho thấy bộ máy chính trị được củng cố, thể chế hóa mạnh mẽ và tập trung trong tay của một số rất ít người.
Loại nguồn lực và các đòi hỏi lao động gì mà vòng thành cần có? Higham (1996: 122) ước tính khoảng 2.000.000m3 vật liệu được vận chuyển trong xây dựng hệ thống phòng thủ Cổ Loa. Tôi sử dụng những đo đạc vòng thành đã được biết để đưa ra những tính toán độc lập, bao gồm các kích cỡ quan sát ở vị trí khai quật Thành Trung gần đây (Hình 5). Các kích cỡ nói chung cho cả 3 vòng thành dựa trên các cuộc điều tra thực địa gần đây và các báo cáo được công bố (Kim 2010; Nguyễn 1970; Nguyễn and Vũ 2007). Tuy nhiên những ước tính không bao gồm bất kỳ một đòi hỏi nào về vật liệu hay lao động nào để xây thêm các tòa nhà và các công trình đặc trưng của chúng mà có thể ghi dấu cảnh quan của khu trung tâm đô thị này. Do vậy, những sự ước tính được đưa ra ở đây là sự đánh giá tối thiểu, và khiêm tốn về những nhu cầu xây dựng cuối cùng của di tích (Kim 2010).
Tổng cộng lại, sự ước tính khiêm tốn cho lượng đất được vận chuyển để xây dựng vòng thành có thể xấp xỉ 1.057.100m3 cho cả 3 vòng thành. Những ước tính này không thể tính đến các thế kỷ của sự phân hủy và tình trạng bỏ hoang có thể làm giảm các kích cỡ nói chung, hoặc chưa tính đến các thành phần kiến trúc nói chung chẳng hạn như là đài quan sát, trạm gác, ụ hỏa hồi, lối đi, mái che (có thể có), cổng, mặt tiền bằng gạch hay đá, khóa nước..., tất cả có thể làm tăng chi phí xây dựng nói chung. Tính đến những kiến trúc xây thêm, quan trọng là hơn 1.000.000m3 nguyên liệu có thể đã được vận chuyển để xây dựng hệ thống đầu tiên. Như đã đề cập, hơn 1.000.000m3 là điểm khởi đầu thích hợp để tranh luận.
Để quyết định một tỷ lệ xây dựng thích hợp, quá trình và hoạt động xây dựng cần phải xem xét, bao gồm cả sự khai thác và thu mua, chuyên chở và tập kết nguyên liệu, và các kỹ thuật xây dựng thực tế. Có một tài liệu quan trọng về các trường hợp lịch sử và khảo cổ từ việc xác định niên đại và địa lý thể hiện sự ước tính chi phí lao động cho các công trình xây dựng khác nhau qua việc phân loại các kỹ thuật xây dựng và đào đất (Abrams và Bolland 1999; Arco và Abrams 2006; Bachrach 2000; Billman 2002; Burke 2008; Chantaratiyakarn 1984; Coningham 1995; Erasmus 1965; Erdosy 1988; Moore 1988). Ở một nghiên cứu khác (Kim 2010), tôi đã xem xét tư liệu về các trường hợp so sánh này như là điểm khởi đầu để quyết định việc thiết lập tỷ lệ công việc hợp lý trong vùng nhiệt đới. Tôi cho rằng ngày làm việc 5 giờ đồng hồ có thể là hợp lý cho các lao động có cường độ cao với việc xây dựng - khai thác triền miên vì những rủi ro của việc quá sức và suy kiệt vì nóng. Hơn nữa, tôi tranh luận một cách dè dặt rằng, một người có thể khai quật 1m3 đất mỗi ngày, và cần 2 người nữa để chuyển đất lên bờ và đến nơi tập kết. Điều này đặc biệt thành vấn đề với hố đào sâu. Thêm vào đó, cần phải tính đến ít nhất là 2 người để xây dựng các lớp của thành, đặc biệt các công đoạn đầm đất, việc mà có thể bao gồm cả việc xây dựng các trụ gỗ để đổ đất đầy vào. Với những đòi hỏi này, tôi cho rằng sự ước tính khiêm tốn, an toàn là 5 người/m3 đất một ngày cho toàn bộ quá trình khai thác và xây dựng. Dựa trên sự ước tính 1.057.100m3
Kh¶o cæ häc, sè 4-2016 36

cho toàn bộ khối lượng tường thành, điều này có thể lên tới tổng cộng 5.285.500 người/ngày để xây dựng hệ thống thành.
 Giả sử rằng công việc có thể được tiến hành quanh năm mà không hề ngừng nghỉ, một tỷ lệ khiêm tốn là 5 người/m3 cho dự án xây dựng bao gồm 1.000.000m3 đất có thể đòi hỏi xấp xỉ 150 năm, 15 năm và 1,5 năm cho lực lượng lao động tương ứng là 100 người, 1.000 người, và 10.000 người. Tuy nhiên, những hạn chế tiềm tàng có nguồn gốc từ các nhân tố kinh tế và xã hội, cùng với điều kiện thời tiết, cần phải được tính đến. Các nhân tố xã hội như vậy có thế có liên quan đến tín ngưỡng về các khoảng thời gian lao động thích hợp, lao động có liên quan đến nông nghiệp, sự dao động trong số lượng lao động, và nhiều các biến tố và hoàn cảnh có thể khác. Làm việc quanh năm là không thể. Một kịch bản có thể hơn là những năm lao động cục bộ, có thể có ảnh hưởng quan trọng đến thời gian hoàn thành dự án. Ví dụ, sự ước tính 175 ngày trên một năm làm việc có thể đáp ứng được những đòi hỏi xấp xỉ 300 năm, 30 năm, và 3 năm cho lực lượng lao động tương ứng từ 100 người, 1.000 người, và 10.000 người (Bảng 1)
Bảng 1. Yêu cầu về lao động để xây dựng vòng thành trong các năm*
Số lao động (người)
Số người/ngày Số năm (quanh năm)
Số năm cục bộ (173 ngày/năm)
Số năm cục bộ (100 ngày/năm)
100 52.855 148,0 302,0 529,0
1.000 5.286 15,0 30,0 53,0
10.000 529 1,5 3,0 5,3
(*) Chi phí lao động xây dựng vòng thành, giả định cần 5 người 1 m3 đất một ngày bao gồm đào đất, chuyển đất, tập kết và xây dựng. Tổng số lượng đất nguyên liệu giả định là 1.057.000m3 trên 5.285.500 người/ngày.
Nói chung, có lý khi cho rằng lực lượng lao động từ 1.000 đến 10.000 người có thế có khả năng hoàn thành nhiều việc xây dựng tường thành ở bất cứ đâu từ 3 đến 50 năm, và điều này giả định một tỷ lệ dè dặt là 5 người/m3. Tôi thừa nhận rằng khung thời gian tổng thể là 2 đến 3 thế hệ mới có thể đủ để hoàn thiện đại đa số hệ thống tường thành.
Tổ chức xã hội thể hiện bằng xây dựng
Những di tồn của các thành phố cổ và kiến trúc vĩ đại của chúng là trong số những biểu hiện vật chất đáng kể nhất của các nhà nước và các nền văn minh tiền công nghiệp (Nichols 2006: 334). Đại đa số các trường hợp nơi mà năng lượng học về kiến trúc được áp dụng có thể là một phần, nhưng là theo kinh nghiệm, mô tả sự phức tạp của xã hội qua phép đo quyền lực, chính quyền và những liên quan về mặt lãnh thổ như được phản ánh bởi chi phí xây dựng đồng thời và quy mô (Abrams and Bolland 1999: 271). Kiến trúc vĩ đại có thể cho thấy lao động dư thừa có thể được các hoạt động khác cuốn hút, cùng với một tổ chức chính trị xã hội với khả năng để bố trí đủ cho xây dựng (Carneiro 2010). Sự phức tạp chính trị xã hội lớn của các chính thể kinh điển của Đông Nam Á trong kỷ nguyên lịch sử được chứng thực rõ ràng bởi quy mô kiến trúc hoành tráng được thể hiện ở những nơi cư trú như Angkor, Nakhon Pathom, và các thành phố, các di chỉ khác được ghi dấu bởi hệ thống dẫn nước tinh vi và các công trình tôn giáo hoành tráng. Đối với nhiều di tích cư trú có hào lũy thời đại Sắt sớm có niên đại từ một đến hai thiên niên kỷ sớm hơn, quy mô xây dựng và khu cư trú là hoàn toàn khác nhau. Đối với phần lớn Đông Nam Á lục địa, những di tích cư trú tiền hay sơ đô thị xếp loại theo không gian khép kín từ vài héc ta đến vài chục héc ta. Có khả năng là các xã hội nhỏ hơn này có thể xây dựng các hệ thống đê và hào lũy khác nhau trong phạm vi các di tích nhỏ hơn này, hầu hết các nhà nghiên cứu đều
Nam C. Kim - Kiến trúc trường tồn, thể chế…

37
miễn cưỡng nhìn nhận những di tích cư trú thời Sắt sớm này của thiên niên kỷ I BC như là đã được đô thị hóa hoặc có liên quan đến sự phân tầng xã hội quan trọng.
Tuy nhiên, ở đồng bằng sông Hồng, tôi khuyến nghị rằng hệ thống các vòng thành và hào lũy của Cổ Loa đòi hỏi một hình thức về qui hoạch hóa trung tâm và định hướng tinh vi hơn nhiều. Các vòng thành Cổ Loa không bao gồm kết tập đất đơn giản, để đóng khuôn và định hình về sau. Mỗi chuỗi xây dựng là rất phức tạp và cho thấy sự lo xa và sự hiểu biết cần thiết về kết cấu đất và những yêu cầu về kỹ thuật. Sự phức tạp về địa tầng trong việc xây dựng các công trình bằng đất có thể tiết lộ sự phức tạp trong qui hoạch hóa với các yếu tố được cân nhắc như sự chuẩn bị địa điểm, sự khai thác các nguyên vật liệu khác nhau và sự phân bố lao động… (Sherwood and Kidder 2011). Thậm chí, sự lựa chọn và chuyên chở đất và bùn cát cho thấy các quyết định có liên quan đến tổ chức lao động, nhịp độ xây dựng và sự hiện diện của các đường nét kiến trúc (Sherwood and Kidder 2011: 69). Những dự án như vậy đòi hỏi những kiến thức, kỹ năng, qui hoạch, điều phối đáng kể và có lẽ cả sự chú ý vào ý nghĩa biểu tượng và nghi lễ. Mỗi một bước của quá trình xây dựng cần cả loạt quyết định có liên quan đến chuẩn bị đất đai, sự chuẩn bị vật liệu xây dựng, phân bố lao động và các kỹ thuật xây dựng thực tế. Những bước xây dựng này và những lựa chọn về văn hóa có liên quan mã hóa thông tin về một xã hội cũng như nền kinh tế, chính trị của nó, và vốn văn hóa của những nhà xây dựng (Sherwood and Kidder 2011: 69). Vì vậy, điều quan trọng là các nhà nghiên cứu nhìn nhận vật liệu xây dựng và các quá trình xây dựng như là “di vật”,  điều mà Sherwood và Kidder (2011) đã đưa ra.
Khi các lớp xây dựng ở vòng thành Cổ Loa được nhìn nhận như là một di vật, cấp độ quản lí và qui hoạch định hướng có thể là cực kỳ quan trọng; điều đặc biệt như vậy là, với chuỗi radiocarbon trong phạm vi phần chính của vòng thành, cho thấy việc xây dựng nhanh chóng, chứ không phải là xây đựng dần dần thêm vào. Cấp độ cao của sự điều phối có thể là cần thiết cho các giai đoạn chuẩn bị, xây dựng và bảo dưỡng khác nhau. Rất có thể là vòng thành này được ủy thác và xây dựng theo kiểu liên tục, với phạm vi và quy mô ám chỉ đến qui hoạch trung tâm và sự tinh thông về sự tập trung lao động khổng lồ. Lực lượng lao động cộng đồng của một xã hội phi nhà nước, quy mô nhỏ có số lượng 100 người có thể đòi hỏi hơn 300 năm (một phần) với tỉ lệ 5 người/m3 một ngày, và điều này giả định một công việc liên tục không ngừng nghỉ quanh năm trong 3 thế kỷ. Khung thời gian này không nhất quán với bằng chứng niên đại C14 và địa tầng. Tôi thấy điều không thể rằng hệ thống công sự là kết quả của đồ quyên tặng của cộng đồng và các gia đình. Sự khởi đầu, định hướng và hoàn thiện có thể cần một thể chế hùng mạnh hơn.
Lao động đã được tổ chức như thế nào để xây được những vòng thành này? Mặc dù có những trường hợp mà việc tham gia vào xây dựng công trình đồ sộ có thể là bắt buộc thay vì “hành động được ghi nhận về mặt xã hội” (Sherwood and Kidder 2011: 84), với bản chất của việc xây dựng như công sự và tính chất khẩn trương, đại đa số những người lao động của Cổ Loa có lẽ là bị bắt buộc, có thể ở các cấp độ khác nhau. Tuy nhiên, điều này không loại trừ một khả năng rằng, một số người có thể tham gia tự nguyện như là một phần ý thức trách nhiệm hơn với sự đồng nhất của một đô thị chung. Cơ chế mang lại sự ưng thuận tham gia, một cơ chế có tính ép buộc theo bản chất và cơ chế khác có tính hợp tác hơn và được thuyết phục bởi sự hấp dẫn quan điểm trách nhiệm chia sẻ, là không một chút nào loại trừ nhau. Đối với khu vực di tích Poverty Point ở Bắc Mỹ, Gibson (2004: 267) cho rằng, khả năng của “nghĩa vụ làm từ thiện”, ở những nơi mà các cộng đồng được lợi về mặt tinh thần từ quyền lực với sự hiện diện của những di tích đồi gò đất đắp có thể có ước muốn trả lại món nợ này thông qua hiến tặng lao động. Cảm nhận về trách nhiệm này có thể áp dụng cho các biểu tượng vũ trụ học như các công trình đắp đất, tuy nhiên vì có rất ít
Kh¶o cæ häc, sè 4-2016 38

bằng chứng rằng các vòng thành Cổ Loa vốn được nhận thức như là một phần cảnh quan có ý nghĩa về nghi lễ hay vũ trụ học - mặc dù điều này không ngăn ngừa được ý nghĩa vũ trụ học ngày càng tăng cho các vòng thành đang được hoàn thiện. Tuy nhiên, sự thúc đẩy cơ bản cho việc xây dựng chúng có lẽ bắt nguồn từ động cơ chính trị hay quân sự, như được tranh luận dưới đây.
 Ví dụ, về việc xây dựng tường thành ở thành phố Trịnh Châu, Thorp (2006: 85) xác định sự ổn định kinh tế và xã hội quan trọng, song song với qui hoạch lâu dài, đòi hỏi phải giữ một dự án quy mô như vậy liên tục nhiều năm và một yếu tố bắt buộc có thể cần thiết thế nào để thực hiện việc hoàn thiện một nhiệm vụ đầy thử thách to lớn như vậy. Một thành phần quản lý tập trung cao độ có lẽ là cần thiết, củng cố thêm ý tưởng rằng mầm mống cấp nhà nước là thích hợp từ khi bắt đầu cho đến hoàn thiện. Một sự diễn giải như vậy là thích hợp cho Cổ Loa, vì một mức độ xây dựng được duy trì và kiên định để bảo đảm việc hoàn thiện nhanh chóng, cùng với việc cung cấp các dụng cụ và phương tiện sinh sống cần thiết cho hàng ngàn công nhân, có thể cần phải có một tổ chức rất quyền lực và tập trung hóa, một tổ chức mà sở hữu những phương tiện để ép buộc và thúc ép. Cơ bản mà nói, việc xây dựng thời kỳ Cổ Loa, có nhiều những đòi hỏi to lớn về lao động, tương ứng với một xã hội cấp nhà nước, tập trung chính trị và rất phân tầng. Một xã hội như vậy có thể sở hữu quyền lực và quản lý cần thiết để khởi hành, thực hiện và hoàn thành việc xây dựng với quy mô khổng lồ và chưa từng có tiền lệ trong một thời gian được giao như vậy.
Ước tính số dân thời đại Sắt cho khu vực châu thổ sông Hồng
Vì sự khan hiếm tư liệu về định cư, các nhà khảo cổ quan tâm đến Đông Nam Á tiền sử không có cơ sở vững chắc để lập biểu đồ về sự thay đổi dân số theo thời gian. Trường hợp của châu thổ sông Hồng cũng không khác gì. Tuy nhiên, Cổ Loa có thể minh họa sự kết hợp nguồn lực và các phương pháp tiếp cận có thể cung cấp điểm khởi đầu cho việc xem xét các cấp độ dân số tiền sử như thế nào. Ngày nay, đồng bằng sông Hồng lấy làm kiêu hãnh về một trong những số dân đông nhất Đông Nam Á hiện đại (Nishimura 2005: 99). Trường hợp trong thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên là gì? Những nghiên cứu về nơi cư trú được tiến hành ở nơi cư trú, các hộ gia đình và các cấp độ vùng miền có thể cho sự ước tính sáng suốt về kích cỡ, sự phát triển và suy thoái của các mức số dân của các xã hội cổ đại, đặc biệt khi sử dụng điều tra có hệ thống trên quy mô lớn (Fang et al. 2004: 79). Không may, không có cuộc điều tra của vùng miền một cách toàn diện nào được thực hiện ở khu vực Cổ Loa, và chúng ta hiện tại đang thiếu tư liệu về cư trú và di tồn cấu trúc nơi cư trú ở di chỉ và vùng xung quanh. Đây là vấn đề của Đông Nam Á nói chung. Vì vậy, để nhằm trả lời các câu hỏi có liên quan đến dân số, tôi dựa vào 2 nguồn thông tin chính, đó là ghi chép văn bản và so sánh về giao lưu văn hóa. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh rằng những khẳng định có liên quan đến ước tính số dân của Cổ Loa và vùng lân cận được thừa nhận là cơ bản và có tính suy đoán cao. Thêm vào đó, tôi không cố gắng để cho thấy những thay đổi số dân cụ thể theo thời gian, vì ý định của tôi đơn giản là cung cấp một góc nhìn mang tính minh họa.
Bằng chứng văn bản
Suy diễn về kích cỡ dân số thời đại đồ Sắt của vùng Bắc Bộ được hỗ trợ bằng tư liệu điều tra dân số của thời Hán thu thập trong thế kỷ II cho mục đích thu thuế và cống nộp, mặc dù những số liệu này có thể có định kiến hoặc không chính xác. Tuy nhiên, những tư liệu như vậy cung cấp điểm bắt đầu có giá trị, và theo như ước tính của nhà Hán, vùng Bắc Bộ là vùng có dân số đông nhất ở thời nhà Hán phía Nam sông Dương Tử, với tổng số dân ước tính cho lãnh thổ thời sơ sử của Việt Nam là 981.735 người trong 143.643 hộ gia đình (O’Harrow 1979: 156). Quận Giao Chỉ (Chiao-chi) trải dọc theo biển Đông 1.000 dặm (1.600km) từ Hương Cảng ngày nay đến Huế ở miền Trung Việt Nam, là trung tâm nhân khẩu học của vùng biển Đông, có lẽ giúp giải thích tại sao người Hán lại khó nhọc để
Nam C. Kim - Kiến trúc trường tồn, thể chế…

39
thôn tính Bắc Bộ trong thế kỷ I AD, vì họ không thể kiểm soát được nền kinh tế của vùng biển Đông, và bảo đảm sự tiếp cận không giới hạn đến các tuyến đường buôn bán phía Nam, trừ khi họ thống trị được khu vực chiến lược này và cư dân sơ sử Việt Nam những người làm chủ về mặt nhân khẩu học ở vùng này (Taylor 1983: 54). Vào thế kỷ II, vùng này đã là một trung tâm buôn bán sầm uất với các hộ gia đình buôn bán hàng ngoại nhập và kiểm soát các tuyến đường buôn bán với miền Nam xa xôi (Holmgren 1980: 71).
Nếu việc tính toán dân số thậm chí chính xác một chút thôi, thì hợp lý là hàng chục nghìn người nếu không phải là hàng trăm nghìn người, sống ở châu thổ sông Hồng 3 thế kỷ sau khi Cổ Loa được thành lập. Một phần mức độ dân số gia tăng là do người Hán nhập cư. Tuy nhiên, sự di cư chắc chắn không thể tính đến cho số lượng lớn con người ở vùng này. Có bằng chứng cho thấy rằng mức số dân ở Bắc Bộ không bị ảnh hưởng đột biến bởi dòng người từ phương Bắc tràn vào cho đến tận thế kỷ II (Holmgren 1980: 66). Thật hợp lý là trung tâm đô thị của Cổ Loa và vùng xung quanh nó có thể hỗ trợ một cách dễ dàng cho số dân tối thiểu hàng ngàn người. Dựa trên tư liệu hiện vật, các xã hội Đông Sơn của giữa đầu thiên niên kỷ I BC tham gia vào sản xuất nông nghiệp thâm canh. Một nền sản xuất như thế, với sự xuất hiện của lưỡi cày kim loại, bò kéo chắc chắn sẽ mang lại dư thừa và có thể bảo đảm cho mật độ dân số đáng kể cho khu vực. Bằng chứng của thời kỳ Cổ Loa cho thấy nền sản xuất tập trung hóa bằng lưỡi cày đồng, cho thấy hơn nữa việc thâm canh nông nghiệp (Nguyễn và Nguyễn 1983). Việc cày bừa như thế đại diện cho sự thay đổi cấp tiến, tạo khả năng dư thừa lương thực nhiều hơn nhu cầu sinh tồn (Higham 2002: 177). Ở đầu thời kỳ Cổ Loa (khoảng 300BC), khu vực này có thể có số dân lớn sinh sống.
Ước tính số dân bằng cách sử dụng phép so sánh tiền sử
Khi bàn đến việc ước tính dân số mang tính định lượng trong giao lưu văn hóa cho các nhà nước cổ xưa, sự thiếu vắng các số liệu nhân khẩu học có thể so sánh được, thiếu sự nhất trí trong các vấn đề như vậy, và hàng loạt ước tính kích cỡ khổng lồ (Feinman 1998: 97-98). Thiếu sự đồng thuận có thể qui cho những thách thức trong việc thu thập số liệu đáng tin cậy qua các phương pháp và các nguồn nhất quán. Trái lại, những nhận thức văn hóa cụ thể về không gian và nơi cư trú có thể rất khác nhau giữa các trường hợp, cùng với tiềm năng và năng suất nông nghiệp. Mặc dù các thách thức đó, việc sử dụng yếu tố giao lưu văn hóa có thể cho những ranh giới rất chung cho việc so sánh và có thể là phương thức độc lập để thẩm định những bằng chứng khác chẳng hạn như sự đồng thuận cổ xưa. Vì vậy, tôi sử dụng các dữ liệu so sánh để ước tính các mức và mật độ dân số của Cổ Loa và vùng lân cận, so sánh riêng biệt kích cỡ và quy mô địa lý của Cổ Loa với các trung tâm đô thị khác.
Theo sự trình bày của Yoffee (2005: 43) về sự ước tính kích cỡ và dân số cho số lượng lớn các thành phố sớm nhất trên thế giới, tôi đã lập một bảng về các địa điểm đô thị (Bảng 2). Bảng này cung cấp thông tin cơ bản có liên quan đến kích cỡ các địa điểm và tư liệu nhân khẩu học cho các địa điểm đô thị được chọn lọc, được xem xét như là một phần của các thể chế phân tầng hay tập trung hóa trong các vùng khác nhau của thế giới. Không may, những loại ước tính nhân khẩu học tương tự không được tiến hành đối với các nơi sinh sống của Đông Nam Á thế kỷ I BC.
Do đó, cách thực hiện này liên quan đến Cổ Loa là điểm khởi đầu để đưa các trường hợp của Đông Nam Á, và tiềm năng là loại hình nơi cư trú có thành lũy của Cổ Loa vào tranh luận. Điểm phác thảo cơ bản này ít tham vọng hơn tài liệu biên soạn của Yoffee, chỉ phục vụ như thiết bị khám phá để có cái nhìn hiểu thấu được mức độ dân số của Cổ Loa. Những ước tính về dân số này cũng chỉ như những bức ảnh chụp đúng lúc thôi. Những mức dân số đỉnh cao đáng ngờ được liệt kê cùng với mật độ dân số được tính toán dựa vào khu vực và ước tính đỉnh cao cung cấp bởi nhiều nguồn khác nhau.  
Kh¶o cæ häc, sè 4-2016 40

Bảng 2. Các trung tâm đô thị cổ chọn lọc với dân số ước tính
Nam C. Kim - Kiến trúc trường tồn, thể chế…

41
Nghiên cứu của Yoffee (2005: 62) cho thấy rằng, vùng cốt lõi của các thành phố sớm, thường khoảng 150ha hoặc hơn, tương ứng với trung tâm nghi lễ và các quận huyện cư trú trung tâm của tầng lớp giàu có. Sự ước tính số dân cho những trường hợp này là từ 10.000 đến hơn 100.000. Như đã chỉ ra trong Bảng 2, số đông các trường hợp khảo cổ học về nơi cư trú đô thị nổi trội đối với các xã hội tập trung hóa được ghi dấu bởi quy mô khu vực mở rộng và sự ước tính số dân cao. Qua các phương pháp mà bởi chúng các ước tính số dân tương ứng phát sinh của các trường hợp là khác nhau, chúng thường được dựa trên điều tra về nơi cư trú và mật độ ước tính trên một dặm vuông (hay km2). Những nơi cư trú lớn nhất, An Dương và Teotihuacan, bao quanh 2.000 - 3.000ha, hay 20 - 30km2, và dân số đỉnh cao theo ươc tính là hơn 100.000, với mật độ dân số từ 3.000 đến 5.000 người/km2. Đối với các trường hợp còn lại, các quy mô khu vực từ hàng trăm hécta đến trên 1.000ha (10km2) đối với trường hợp của Cahokia; số dân đỉnh cao theo ước tính từ 5.000 đến 50.000. Dãy số ước tính cho từng di tích có thể khác xa nhau, với các phương pháp tính toán khác nhau. Ví dụ, trong khi các nhà nghiên cứu thấy cỡ số dân của Cahokia đạt tới 10.000 - 16.000 (Pauketat 2004), thì những người khác thấy số dân ít hơn 10.000 (Milner 1998: 123). Về mặt mật độ dân số, chúng ta có thể ước tính từ dưới 1.000 người/km2 đến hơn 10.000 người/km2 cho Mohenjo-daro và Uruk. Những loại giá trị cao hơn này ngang tầm với một số trung tâm đông dân hơn của kỷ nguyên hiện đại như Cairo, Jakarta, Mumbai, Seoul và Tokyo.
Những dãy số và ước tính này kể gì cho chúng ta về Cổ Loa và môi trường của nó? Ở đây, có thể là hữu ích khi cân nhắc các đặc tính của Tiwanaku. Đối với Tiwanaku, Janusek và Blom (2006: 240) đề nghị chấp nhận các dãy số thấp hơn trong các tài liệu của Trung Mỹ về mật độ số dân được biết đến để tính đến thực tế rằng các tỷ lệ quan trọng của địa điểm này bao gồm các nơi và các hoạt động phi cư dân. Các nhà nghiên cứu vì vậy tính đến một tỷ lệ 25% theo ước tính của di tích là dành cho những công trình phi cư dân như đền, nghĩa địa, khu đổ rác và các lưu vực chứa nước và 20% khác của những nơi cư trú mà từng không có người ở vào lúc nào đấy. Đây có thể là thời điểm khởi đầu của Cổ Loa, bởi vì các khu vực của quy mô rộng 600ha của Cổ Loa là để dành cho các cánh đồng lúa, khu biệt thự, các cấu trúc hành chính, doanh trại quân sự và các xưởng thủ công. Điều này không phải là không có lý, vì một vài trường hợp trên khắp thế giới cổ của các thành phố có những không gian hở và các vùng hoạt động nông nghiệp trong phạm vi thành phố (Storey 2006: 22). Hơn nữa, là hữu ích khi xem xét các phần của Đông Nam Á và Nam Á, nơi cư trú được tìm thấy phía ngoài không gian có tường bao ở các di tích tiền sử và lịch sử sớm như Óc Eo ở Nam Việt Nam (O’Reilly 2007: 105), U-Thong và Nakhon Pathom ở Thái Lan (Bellina-Pryce and Silapanth 2006: 276) và Sisupalgarh ở Ấn Độ (Lal 1949).
Vì hiện nay không thể phỏng đoán tỷ lệ số dân nào đã thực sự sống trong phạm vi các vòng thành của di tích so với các khu vực xung quanh, hay không rõ tỷ lệ lãnh thổ nào trong phạm vi không gian có thành bao của Cổ Loa là được dành cho các khu vực và hoạt động xã hội khác nhau, tôi ủng hộ việc sử dụng dãy số mật độ dân số Cổ Loa thấp hơn. Trigger (2003: 121) lưu ý rằng, chủ yếu các tầng lớp trên và các nhà chuyên sản xuất phi lương thực, các nhân sự hành chính và các quan chức chính trị sinh sống ở nhiều thành phố của các nền văn minh sớm. Ví dụ, Great Zimbabwe, bao gồm 720ha, có thể là nơi cư trú của các cư dân tầng lớp trên trong phạm vi vòng tường thành bằng đá bên ngoài, và số dân thường và chư hầu sống vùng xung quanh tạo thành tổng dân số là 11.000 - 18.000 (Kusimba 2008: 243). Đối với Cổ Loa, sử dụng vòng thành ngoài cùng của nó như là vùng giới hạn bao gồm 600ha hay 6km2, trung tâm đô thị này có thể có mật độ số dân từ 167 người/km2 (giả định dân số 1.000), đến 833 người/km2 (giả định dân số 5.000), tới 1.667 người/km2 (giả định dân số 10.000). Thật thú vị, dân số của vùng đô thị Hà Nội ngày nay là 6.500.000, mật độ dân số xấp xỉ chỉ dưới 2.000 người/km2. Tất nhiên, đây chỉ là những ước tính mang tính phỏng đoán, và các con số không tính đến mật độ của vùng xa ngoài vòng thành. Các giá trị bằng số như vậy sẽ phải chờ kết quả của nghiên cứu quan trọng trong tương lai. Trong thời điểm hiện tại, tôi cho rằng mật độ dân số cho di tích này có thể dưới 1.000 người/km2. Storey (2006: 22-23) cho rằng, đối với các
Kh¶o cæ häc, sè 4-2016 42

trung tâm đô thị thực sự, mật độ dân số không cần thiết phải cao đến 1.000 người/km2. Một thành phố thực sự với các loại hoạt động và không gian đô thị có thể có mật độ dân số thấp khoảng hàng trăm người trên km2, nếu toàn bộ di tích rộng hàng chục km2, với dãy số tiềm năng trong khoảg 5.000 - 10.000 người hoặc hơn.
Tóm lại, những ước tính cho các mức độ và mật độ dân số đỉnh cao của Cổ Loa được tự nhận là mang tính phỏng đoán và các cuộc điều tra trong tương lai chắc chắn có thể cải thiện được sự hiểu biết của chúng ta về nhân khẩu học thời đại đồ Sắt trong khu vực. Ví dụ, chúng ta có thể yêu cầu tư liệu về cấu trúc khu ở và các khu vực cho hoạt động trong phạm vi Cổ Loa, cũng như bản chất của mối quan hệ giữa trung tâm Cổ Loa và các khu vực nông thôn quanh nó. Tuy nhiên, cho đến khi những di tồn cấu trúc như thế được tìm thấy, những ước tính này sẽ đầy đủ hơn. Như điều kiện tư liệu hiện tại, cho thấy dân số thời đại đồ Sắt đáng kể có mặt ở vùng này, có lẽ với tỷ lệ hàng ngàn người ở thành phố và hàng chục ngàn người ở khu vực lân cận. Trong thời điểm hiện tại, tôi ước tính là khoảng 5.000 cư dân sống ở vùng đô thị. Những ước tính này có vẻ có lý dựa trên tư liệu dân số của thời Hán. Các con số này có thể đủ dành riêng cho lao động xây dựng hệ thống thành lũy trong phạm vi vài thế hệ như khung niên đại đã cho thấy. Webster và Kirker (1995: 383) lưu ý rằng, các quy mô ấn tượng của các công trình đồ sộ không tự động ám chỉ dân số lớn. Tôi đồng ý, nhưng với nhịp độ xây dựng tương đối nhanh, tôi thừa nhận rằng Cổ Loa có đủ dân số. Nói chung, bằng chứng cung cấp sự minh chứng cho ý niệm rằng lao động là vừa dồi dào và vừa đủ cho quyền lực tập trung cao để chỉ đạo trong một dự án xây dựng ồ ạt và tương đối gấp gáp. Khi được kết hợp với các yêu cầu về bảo dưỡng hệ thống, chính quyền được thể chế hóa của xã hội đó cho thấy là bền vững và đa thế hệ về bản chất.
Cổ Loa là một trung tâm đô thị và nhà nước cổ
Nghiên cứu về đô thị hóa của Đông Nam Á ở mức nào đó đang phôi thai. Vì vấn đề bảo tồn kém và thiếu các di tích kiến trúc có thể thấy được, điều kiện thực địa khó khăn và sự khan hiếm tư liệu nơi cư trú nói chung, chúng tôi hiện biết rất ít về đô thị hóa đã xảy ra khi nào và như thế nào ở các khu vực của Đông Nam Á (Junker 2006: 229-230). Chúng tôi có được những tư liệu khá tốt về di tích mộ táng và sinh kế của thời đại Đá mới và thời đại Kim khí, nhưng hầu như không có thông tin gì về qui hoạch nhà cửa trong các nơi cư trú (Bellwood và Glover 2004: 11). Sự thiếu vắng của các nguồn tư liệu gây nên khó khăn trong việc tiếp cận vấn đề đô thị hóa theo chiều lịch đại. Mặc dù hầu hết những dấu vết về sự tập trung đô thị có thể thấy được về mặt khảo cổ học với mật độ cao các mảnh gạch ngói vỡ vụn đổ nát của nơi cư trú, nhưng nhiều trong số công nghệ của Đông Nam Á nhiệt đới là thuộc các chất liệu không bền lâu và thường không để lại dấu vết gì, chẳng hạn như tre, gỗ, mây tre, thừng chão… (Junker 2006: 219). Những vấn đề về bảo tồn như vậy, kết hợp với việc thiếu tư liệu từ các cuộc điều tra trong vùng có hệ thống, làm cho công việc khảo cổ học tập trung và xác định và khai quật khu cốt lõi của các trung tâm đô thị sớm được biết đến về mặt lịch sử “không hiệu quả về việc thu hút sự chú ý” (Junker 2006: 222). Về mặt này, sự hiện diện của Thành Ngoại có thể là một điểm khởi đầu hữu hiệu trong nghiên cứu về đô thị hóa Đông Nam Á, và nghiên cứu từ miền Bắc Việt Nam có thể có cái nhìn thấu đáo.
Một vài thập kỷ trước đây, Winzeler (1976: 623) đã bình luận rằng “bằng chứng đầu tiên của đô thị hóa và sự hình thành nhà nước ở Đông Nam Á không xuất hiện trước các thế kỷ đầu Công nguyên, và rằng cái diễn ra đầu tiên thường được gán cho, hoặc đúng hoặc sai, ảnh hưởng từ bên ngoài”. Mật độ dân số nhỏ hơn và thưa hơn được viện dẫn như một nguyên nhân có thể cho sự thiếu vắng sự phát triển chính trị quan trọng tiến tới nhà nước; thay vào đó lại có những thực thể chính trị siêu địa phương ngắn ngủi, nhỏ lẻ (Winzeler 1976: 626). Cũng tương tự, Wheatley (1983: 367) tranh luận rằng, thậm chí nếu có giá trị thì các truyền thuyết của Việt Nam có liên quan đến các xã hội lưu vực sông Hồng trong thiên niên kỷ thứ nhất trước Công Nguyên là chế độ tù trưởng quốc chứ không phải là các nhà nước đích thực. Wheatley (Wheatley 1979: 292, 1983: 420-421) thực sự xác nhận rằng, thậm chí trong các thời nhà Hán, đô thị hóa
Nam C. Kim - Kiến trúc trường tồn, thể chế…

43
diễn ra trong đồng bằng Sông Hồng có thể bị ảnh hưởng đáng kể bởi người Trung Quốc, và rằng hệ thống đô thị của Việt Nam có nguồn gốc riêng của nó và các đặc điểm khác biệt với sự áp đặt của các kiểu loại quyền lực của Trung quốc. Nói chung, các viễn cảnh này cho thấy sự thiếu vắng của các diễn biến của đô thị ở bản địa hay địa phương và các thể chế chính trị như nhà nước đối với Đông Nam Á nói chung và miền Bắc Việt Nam nói riêng, trước thiên niên kỷ I đầu Công nguyên. Quan điểm chung này có thể có lý trong vài thập kỷ trước đây, với sự thiếu hụt về các tư liệu khảo cổ học đáng tin cậy để tranh luận, nhưng đây không còn là trường hợp ngày nay. Như đã đề cập ở trên, loại hình nơi cư trú của Cổ Loa là có gốc rễ, ít nhất là một phần, trong truyền thống nơi ở có hào lũy tìm được ở nhiều nơi của Đông Nam Á mà bắt đầu ở các thế kỷ sớm hơn. Bằng chứng về khảo cổ học đã làm rõ rằng, sự áp đặt của nước ngoài không phải là lý do đô thị hóa xảy ra ở Cổ Loa. Bác bỏ ý niệm về sự áp đặt, Davidson (1979: 306-307) lưu ý rằng, các kiểu đô thị của Trung Quốc diễn ra trong kỷ nguyên lịch sử, xếp gộp vào các loại hình bản địa phát sinh đô thị là hiển nhiên với các di tích như Cổ Loa.
Một số nhà nghiên cứu như Miksic (2000: 109), xem Cổ Loa như một loại hình đô thị sớm của Đông Nam Á, mặc dù vẫn cần có thêm tư liệu để làm rõ hơn loại đô thị này. Mặc dù sự kết nối với các di tích có hào lũy sớm hơn ở Đông Nam Á, chúng tôi không thể hoàn toàn bác bỏ mối liên kết với các xã hội phía Bắc. Tôi có thể tranh luận rằng loại hình đô thị của Cổ Loa ra đời không chỉ từ truyền thống của Đông Nam Á mà còn cho thấy sự giống nhau về cấu trúc với các xã hội trong những phần của văn minh Trung Hoa nổi trội. Các loại hình đô thị hóa sớm của Trung Quốc cũng tương tự được ghi dấu bởi các vòng thành làm bằng đất, thường có liên quan đến hào lũy bên ngoài. Điều này là rõ ràng trong các di tích như Chengziyai ở tỉnh Sơn Đông có niên đại 2.500BC (Steinhardt 2000: 419). Trong thời Long Sơn của Trung Quốc (khoảng 3.000 - 2.000BC), các địa điểm đô thị phôi thai đều có tường bao. Thực tế, trong tiếng Trung, ký tự này thường được dịch là “tường” (cheng) thì hầu hết lại được dịch là “thành phố” (Steinhardt 2000: 421). Theo von Falkenhausen (2008: 209), nghĩa của từ Cheng là “thành phố” gần như chắc chắn là phát sinh từ nghĩa của nó là “tường thành”, một nghĩa thứ 3 có liên quan đến nghĩa “pháo đài”. Tương tự, trong tiếng Việt, từ “thành phố” khi được tách ra và dịch thì mang nghĩa tương tự với một khu đô thị hay trung tâm được bao quanh bởi một tường thành bảo vệ. Khi mở rộng tầm nhìn của chúng ta về đô thị cổ ngoài Đông Nam Á, hiển nhiên là từ các các ghi chép khảo cổ học và lịch sử mà có mối tương quan giữa các bức tường và một số ví dụ về không gian đô thị sớm nhất. Một số nơi cư trú sớm nhất của thế giới mà các nhà khảo cổ học thường xem như là thành phố cũng là các thành phố sớm nhất được biết đến là có tường bao, bao gồm Jericho, Catal Hoyuk, Sumer và Harappa (Tracy 2000: 1).
Có nhiều loại hình nơi cư trú mà có thể cấu thành “thành phố” cổ. Không cần có bất kỳ một định nghĩa hay nguyên mẫu nào, và nghiên cứu chỉ ra rằng các loại nơi cư trú hạt nhân với kích cỡ, bố cục, chức năng và mật độ dân số qua thời gian và không gian khác nhau. Mặc dù sự khác biệt đó, có một số các đặc tính hình thể và chức năng chung nổi bật. Soja (2000: 4) tranh luận rằng, một số trong các trường hợp về đô thị hóa sớm nhất theo lối sống là các nơi như Jericho và Catal Hoyuk. Sử dụng thêm khái niệm hóa về đô thị, Soja nhìn nhận môi trường sinh sống đông đúc như là một đặc tính cơ bản của đô thị hóa sớm, ở nơi mà các thành phố sớm nuôi dưỡng sự phát triển của nông nghiệp quy mô đầy đủ và chăn nuôi gia súc có tổ chức. Không kể đến việc thuần hóa động vật có trước hay sau cấu tạo hạt nhân về dân số, có thể cho thấy rằng loại hình cấu tạo hạt nhân về dân số quy mô lớn nằm ở cốt lõi của đô thị hóa sớm. Yoffee (2005: 42) thấy rằng, các trung tâm đô thị sớm trên thế giới có thể phát triển như các vũ đài trung tâm, trong đó các quá trình phân hóa, hội nhập và xung đột tranh xã hội xảy ra trong quá trình hình thành xã hội cấp nhà nước cổ. Smith (2010: 138) nhìn nhận nơi cư trú đô thị là nơi có chức năng như là sự sắp đặt cho các thể
Kh¶o cæ häc, sè 4-2016 44

chế và thực thi có ảnh hưởng đến các vùng lân cận rộng lớn hơn. Định nghĩa này cho phép bao gồm cả các nơi cư trú có mật độ thấp với các kiến trúc hoành tráng quy mô lớn, như là Classic Maya hay các kinh đô chính trị của Khmer (Smith 2010: 138). Trong tranh luận về Cahokia, Pauketat (2007: 138) đưa ra một mô tả súc tích: “thành phố là sự tập trung người tương đối đông được bố trí theo cách như để thể hiện các nguyên tắc tổ chức trung tâm hơn là quan hệ thân thuộc”. Từ quan điểm này, Cahokia định tính thành phố như là trong phạm vi khoảng 100 năm dựa trên các đặc điểm nổi bật nhất định, chẳng hạn như quy mô lớn của nó và sự gần kề của cư dân, cùng với các mức dân số cao theo ước tính của nó. Ở Tây Âu, các công trình đất đắp có liên quan đến Oppidum (thành phố văn hóa Xentơ được củng cố vững chắc) tại Camulodunum (khoảng thế kỷ I) với diện tích hơn 16km2 được ghi dấu bởi hệ thống đê điều dày đặc và các tuyến phòng thủ bởi sông, suối, và các đặc điểm phong cảnh khác bao quanh khu định cư (Hill và Wileman 2002: 67). Các nơi như Camulodunum, như thị trấn Colchester ngày nay ở  Essex, nước Anh, có lẽ có chức năng như sự khởi đầu của cuộc sống đô thị ở Anh Quốc.
Đối với một số thành phố sớm nhất của thế giới ở Nam Mesopotamia (khoảng thiên niên kỷ IV BC), hình thức đầu tiên của các địa điểm đô thị rõ nét có thể xác định được chủ yếu bởi kích cỡ của chúng (hơn 50ha), các công trình đồ sộ, sự giàu có tương đối và sự đa dạng về di tồn vật chất của chúng (Adams 2004: 45). Theo Cowgill (2004: 527), các thành phố là các trung tâm tôn giáo, chính trị, kinh tế điển hình đối với lãnh thổ bao quanh và là những nơi cho các loại hình sản xuất và dịch vụ chuyên môn hóa rộng hơn nơi khác trong vùng. Đối với nhiều trường hợp của các trung tâm dân số của khu vực và địa phương, có dấu hiệu kiểm soát nông nghiệp tập trung cao và việc sử dụng đất đai mang đến sự dư thừa. Đối với Cowgill (2004: 526), “thành phố”, “địa điểm đô thị”, “xã hội đô thị” và “đô thị hóa” là thường được lý thuyết hóa không đầy đủ và rất khó đồng ý với định nghĩa về thành phố có thể áp dụng được theo cách giao thoa văn hóa. Tuy nhiên, ông ta tranh luận rằng, chúng ta không thể làm được nếu thiếu hoàn toàn các định nghĩa, và không có một tiêu chí duy nhất, chẳng hạn như chỉ là kích cỡ hay sử dụng văn bản là đủ. Cowgill (2004: 526) “mơ hồ”  xác định một thành phố như là nơi cư trú lâu dài trong phạm vi lãnh thổ lớn hơn của một xã hội được coi là nhà bởi số lớn đáng kể các cư dân có các hoạt động, vai trò, thực hành, kinh nghiệm, định dạng và thái độ khác một cách đáng kể với các thành viên khác của xã hội, những người đồng cảm gần gũi với đất đai “nông thôn” bên ngoài những nơi cư trú đó. Stark (2006a: 417) chỉ ra một cách ngắn gọn rằng, sự đồng thuận về “sự lâu dài của nơi cư trú, sự khác biệt rõ ràng giữa đô thị - nông thôn, và đặc điểm chung của đô thị.”
Dựa vào các tiêu chí trên, đặc biệt là những tiêu chí Cowgill và Stark đưa ra, tôi mô tả một “trung tâm đô thị” như là nơi cư trú với cấu tạo hạt nhân về dân số đáng kể, và sự phân tầng xã hội rõ ràng, và sự phân biệt giữa các vùng cảnh quan đô thị và nông thôn. Cổ Loa rất thích hợp với loại đô thị hóa nói chung, với các công trình xây dựng đồ sộ, dân số tầm cỡ, các bằng chứng về nông nghiệp tăng thâm canh và các khu vực được bao quanh rất rõ ràng của nó. Các thành phố là những nhân tố tham gia tích cực vào việc xây dựng cảnh quan chính trị (Campbell 2009: 822). Như là trung tâm đô thị, Cổ Loa bao gồm việc xây dựng tích cực và sự vận dụng cảnh quan vật thể và chính trị, và sự vận dụng đó đã thay đổi một cách nhanh chóng bởi sự tăng cường và khai thác nguồn lực. Kealhofer và Grave (2008) viết rằng, việc sử dụng đất và các chiến lược phát triển nông nghiệp có thể là những bằng chứng mạnh mẽ cho những nỗ lực tập trung và có định hướng có tính chất gợi ý về những xã hội phân tầng. Phạm vi không gian của các công trình của Cổ Loa là tiêu biểu cho sự sửa đổi cảnh quan có ý nghĩa, với các đường sông được làm chệch hướng một cách có mục đích qua hệ thống kênh rạch phức tạp chảy vào hồ chứa bên trong của di tích và hệ thống hào lũy nằm bên sườn lớp vòng thành (Kim 2010).
Von Falkenhausen (thông tin cá nhân, 2011) đưa ra khả năng rằng, Cổ Loa có thể là thành phố nghi thức hay nghi lễ hơn. Nếu vậy, có thể là hợp lý hơn khi được nhìn nhận như là cái mà Miksic (2000) mô tả như là một thành phố trực sinh, nơi mà dân số nhỏ hay cộng đồng của các nhà chuyên môn
Nam C. Kim - Kiến trúc trường tồn, thể chế…

45
hay tầng lớp ưu tú sinh sống trong phạm vi các vòng thành và đại đa số dân số sống ở khu vực lân cận. Sự diễn giải như vậy xem Cổ Loa như là một ví dụ của đô thị hóa có mật độ thấp (Fletcher 1995: 93, 121), một khả năng được Fletcher gợi ra (thông tin cá nhân, 2011). Những trường hợp có nhiều các địa điểm đô thị mật độ thấp như thế ở các khu vực của châu Mỹ và châu Phi (Fletcher 1995, 2009; Kusimba et al. 2006), những ví dụ mà nhìn chung là tương phản với các trung tâm đô thị có dân cư đông đúc của vùng Cận Đông cổ xưa. Cũng có thể Cổ Loa là một ví dụ của nơi cư trú đô thị có trồng trọt, nói chung được xem như là thuộc loại các thị trấn đông đúc nhỏ từ 20 - 30ha lên tới khu vực rộng lớn, phát tán khoảng 100km2 hoặc hơn (Fletcher 1995: 188). Đô thị hóa mật độ thấp có đất trồng trọt là chủ đạo của các khu vùng đất trũng ở Trung Mỹ, Sri Lanka, và Đông Nam Á lục địa giữa thiên niên kỷ I BC và giữa thiên niên kỷ II AD, có thể đại diện cho một con đường khu biệt tới cuộc sống đô thị ở các môi trường rừng nhiệt đới (Fletcher 2009). Nói chung, các thành phố mật độ thấp có đất trồng trọt trong phạm vi không gian đô thị, trực tiếp ảnh hưởng tới môi trường địa phương, và họ thường ở những vùng rừng nhiệt đới với sự khác biệt đáng kể lượng mưa theo mùa (Fletcher 2009: 15). Mặc dù cần có thêm bằng chứng cho sự khẳng định này, có một khả năng rõ ràng rằng Cổ loa có thể chỉ hoạt động trong khả năng như vậy, đặc biệt khi chúng ta xem xét rằng các hào lũy và kênh rạch có thể phục vụ chức năng bổ sung cho việc phòng thủ, giao thông, điều tiết lũ lụt và thủy nông.
Những nền văn minh cổ có xu hướng trùng khớp ngẫu nhiên với các trung tâm dân cư lớn với các lợi thế về nhân lực lớn (Adams 2001: 353). Như Smith (2006: 27) lưu ý, “việc vận dụng và chuyển đổi không gian nằm ở cốt lõi của việc nhà nước hoạt động như thế nào”. Vì vậy, Cổ Loa cũng có thể thông tin cho việc suy xét sự phức tạp vì nó có thể là trung tâm và khu vực của quyền lực cho một nhà nước. Cổ Loa như là một trung tâm đô thị không nhất thiết phải có nghĩa là xã hội Cổ Loa được tổ chức như là một xã hội cấp nhà nước. Xã hội đô thị và các nhà nước không phải luôn luôn là một và giống nhau (Cowgill 2004: 526), thậm chí nếu chúng thường được kết nối một cách chặt chẽ. Đối với Stein (2004: 61), đô thị hóa như là một hệ thống kinh tế và nhà nước như là các hệ thống chính trị thường quyện chặt nhau. Đây là điểm quan trọng, tôi không tranh luận thực thể Cổ Loa là nột nhà nước dựa trên các đặc điểm đô thị của nó mà thay vào đó, tôi bàn luận rằng cả hai việc đô thị hóa và củng cố chính trị là cùng đồng thời và rõ ràng ở di tích đó.
Nơi cư trú đô thị, được xem như là hạt nhân của các nhà nước mới ra đời, thúc đẩy sự phát triển của các nền kinh tế quy mô lớn cho phép sự tập trung dân số chưa từng có tiền lệ, gồm cả lực lượng quân sự và lực lượng lao động khổ sai để xây dựng các công trình thủy nông, phòng thủ và dân sự (Adams 2004: 45). Mudar (1999) bàn luận về sự phân tầng các kích cỡ nơi cư trú cho các nơi ở có hào lũy của trung tâm Thái Lan trong thời Dvaravati mà cũng chủ yếu dựa vào nông nghiệp lúa nước. Trong phạm vi kiểu này, Nakhon Pathom được coi là trung tâm đầu tiên duy nhất, với diện tích 602ha và là di chỉ lớn nhất trong các mẫu kiểu này (Mudar 1999: 7). Chúng tôi hiện đang thiếu tư liệu để tiến hành nghiên cứu vùng toàn diện tương tự ở miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, với kích cỡ của Cổ Loa và những điều chúng ta biết về các di tích Đông Sơn, Cổ Loa có lẽ là một trung tâm đầu tiên lớn chưa từng có. Tôi hy vọng rằng, những cuộc điều tra di chỉ cư trú trong tương lai sẽ khẳng định vị trí cao nhất của Cổ Loa trong phạm vi hệ thống thành lũy nhiều lớp của khu vực. Cụm di tích hiện tại của hơn 100 các di tích thời Đông Sơn đương thời rải rác khắp lưu vực sông Hồng đã gợi ý sự phân tầng nơi cư trú, với sự phân bố các di tích Đông Sơn trên khắp các bối cảnh khác nhau gợi ra một khả năng của một cấu trúc chính trị bao quát toàn bộ. Tư liệu về mộ táng Đông Sơn từ các vùng lân cận cho thấy cấp độ cao của sự phân biệt địa vị xã hội (Chu 1973; Murowchick 2001; Phạm 2004), gợi thêm một sự phân tầng có thể của nơi cư trú.
Có vô số các định nghĩa nhân chủng học và khảo cổ học về sự phân tầng chính trị xã hội, về các nền văn minh và các xã hội phân tầng, có liên quan đến các chính thể theo truyền thống gọi là “chế độ tù trưởng quốc” và “nhà nước” (Blanton 1998; Carneiro 1970, 1981, 1998, 2003; Cowgill 2004; Fried 1967;
Kh¶o cæ häc, sè 4-2016 46

Haas 2001; Johnson and Earle 2000; Parkinson and Galaty 2007; Pauketat 2007: 143; Sassaman 2004; Service 1975; A. Smith 2003; Smith 2006; Stanish 2004; Trigger 2003; Wright and Johnson 1975; Yoffee 2005). Đặc biệt, “nhà nước” đã được viện dẫn trong quá nhiều trường hợp. Với thể loại đa dạng này, việc sử dụng thuật ngữ này của các nhà khảo cổ không thể không có vấn đề của nó (Campbell 2009). Tuy nhiên, khái niệm không thể không hữu dụng, vì ở mức độ tối thiểu nó cung cấp các phương tiện mà thông qua đó các nhà khảo cổ có thể đề cập đến các hình thức nhất định của các thể chế phân tầng quy mô lớn, vì thế đưa chúng vào so sánh mang tính giao thoa văn hóa. Tôi sử dụng thuật ngữ này để mô tả sự cấu thành về mặt chính trị xã hội có liên quan với chính thể Cổ Loa.
Điểm mấu chốt của nó là sự đồng thuận nào đó về các nhà nước cổ đặt trọng tâm vào việc sự bất bình đẳng và hành vi chi phối xã hội có liên quan đến nông nghiệp sớm và dân số gia tăng như thế nào. Ở đây, sự xuất hiện của các quy mô nhóm lớn và mật độ các tương tác giữa con người lớn hơn quan hệ mật thiết với việc sắp đặt xã hội mới và phức tạp (Price và Feinman 2010: 3). Sự hình thành một xã hội phân tầng phức tạp đòi hỏi một số lượng người đủ, và đối với Claessen (2004: 77) số lượng nhà quản lý, người phục vụ, các cận thần, các nhà tu, người lính, nông nghiệp, các nhà buôn… có thể được tìm thấy chỉ trong dân số tính đến hàng ngàn. Những thỏa thuận khác bao gồm khả năng của nhà nước để mã hóa và làm cho luật pháp có hiệu lực, hợp pháp hóa việc sử dụng vũ lực cả ở tương tác trong phạm vi xã hội (giữa trật tự) và ngoài xã hội (chiến tranh), và khả năng của nó để thu đồ cống hay thuế dưới hình thức thặng dư nông nghiệp, đồ biểu tượng quyền thế (prestige), hay các dịch vụ như sản xuất thủ công hay lao động khổ sai (Billman 2002; Carneiro 1981). Mối quan hệ thân tộc điển hình giữ vai trò ít hơn trong tương tác chính trị hơn là sự phân biệt dân số thành các tầng lớp xã hội. Trong việc khái niệm hóa nhà nước cổ, cũng có sự đồng thuận rộng lớn về các các mức độ quan trọng của các hình thức lãnh đạo được thể chế hóa, tương đối lâu dài và không cai trị phù du bởi các nhà lãnh đạo uy quyền (Billman 2002: 372). Cơ bản được gói gọn trong tiêu chí cuối cùng là cảm nhận về tính lâu bền, ở đó quyền lực hợp pháp và được thể chế hóa tồn tại qua các nguồn lực và việc sử dụng vũ lực tuyệt đối. Stark (2006b: 146, Feinman 1998) định nghĩa nhà nước theo nghĩa rộng là “một chính thể có đặc điểm ít nhất là 2 tầng lớp xã hội, trong đó chính phủ là tập trung và chuyên hóa”.
Sử dụng định nghĩa của Stark như điểm khởi đầu, tôi muốn thêm vào một nhân tố của tính lâu bền được thể chế hóa, được ghi dấu bởi sự trường tồn và dài lâu. Một nhà nước là được ghi dấu ở mức cơ bản nhất bởi sự phân tầng xã hội và quyền lực được thể chế hóa. Quyền lực được thể chế hóa là quyền lực chính trị lâu bền mà được rộng rãi công nhận và chấp nhận ở cả trung tâm chính trị và khu vực ngoại vi của nó. Trong cách nhìn này, quyền lực là lâu dài và không có “tính tình thế” (Stanish 2010: 97), thoảng qua hay phù du.
Sự lãnh đạo lâu bền và đa thế hệ để giữ cho một chính thể trải qua các thời kỳ không ổn định của chu kỳ giữa hội nhập và phân quyền (Tejada 2008: 88) hay giữa sự củng cố và phân rã (Marcus 1998). Như Marcus (1998: 94) lưu ý, nhiều trường hợp các cấu trúc chính trị quy mô lớn, không đối xứng là dễ sụp đổ và không ổn định. Với kế hoạch hóa tập trung, việc xây dựng được duy trì trên quy mô đồ sộ, và việc bảo dưỡng lâu dài liên quan đến riêng hệ thống tường thành, tôi bàn luận chính thể Cổ Loa nắm giữ quyền lực chưa từng có tiền lệ đối với khu vực, mặc dù cũng như tất cả các ví dụ về các chính thể và các nền văn hóa phức hợp, cấu trúc chính trị xã hội của nó là sản phẩm của tiến trình lịch sử và các sự kiện của địa phương. Cả hệ thống tường thành và các thể chế cần thiết để định hướng và tổ chức việc xây dựng của nó là triệu chứng của sự hiện diện nhà nước cổ.
Sự kiên trì của các dự án xây dựng ở Cổ Loa có thể đòi hỏi sự tồn tại của hình thức quyền lực chính trị mền dẻo, một quyền lực mà hy vọng không chỉ thấy các dự án cho đến khi hoàn thành mà còn để duy trì các cấu trúc kiến trúc vô hạn định, sắp đặt các nguồn lực khổng lồ và điều phối số lượng nhân sự. Ngoài việc bảo dường vô hạn định, nhân sự quân sự cũng có thể cần thiết đối với việc sắp đặt người bảo
Nam C. Kim - Kiến trúc trường tồn, thể chế…

47
vệ khi cần thiết. Không nghi ngờ gì, loại hình về quyền lực lâu dài này có thể không những nắm quyền điều hành tập hợp người và nguồn lực khổng lồ, mà còn có thể thúc đẩy một cảm nhận mạnh mẽ về cộng đồng tập trung quanh cảnh quan đô thị được xây dựng. Chính thể Cổ Loa hoạt động như là một trung tâm của khu vực, một hạt nhân kinh tế và chính trị xã hội trong khu vực lân cận rộng lớn hơn, nơi mà các chức năng chuyên môn hóa được chú trọng và thực thi. Những chức năng này có thể có từ sự quản lý hành chính về chính trị đến cả việc giữ trật tự xã hội và bảo vệ quân sự ngoài xã hội. Cổ Loa cũng có thể là trung tâm của các hoạt động tín ngưỡng và lễ hội do nhà nước bảo trợ.
Khả năng rằng Cổ Loa đại diện cho một nhà nước cổ xưa trong thời văn hóa Đông Sơn, như là một trung tâm chính trị, tư tưởng, kinh tế học, chuyên môn hóa thủ công và các mối quan hệ xã hội, được gợi ý trước (Nguyễn 1984; Phạm 1996: 330-331; Tessitore 1989). Người Việt được nhìn nhận trong thời đại Kim khí, từ thiên niên kỷ II BC, sự hình thành nền văn minh bản địa và sự sáng tạo ra một nhà nước hay các nhà nước chính trị thuộc lãnh thổ, với kỹ năng nghệ thuật và kỹ thuật cao (Glover 2006: 26). Các phát hiện khảo cổ học từ các di tích Đông Sơn trên khắp khu vực cho thấy sự quản lý chuyên nghiệp của những người thuộc tầng lớp cao, ở nơi mà các loại đồ đồng tinh xảo như trống đồng và các loại đồ đựng lớn, các nông cụ và vũ khí đúc (Higham 2004: 58). Theo Phạm Minh Huyền (thông tin cá nhân, 2005), các chuyên gia thủ công tại các nơi cư trú Đông Sơn và ở Cổ Loa có thể dưới quyền kiểm soát của một chính thể duy nhất. Ý tưởng này được ủng hộ bởi những phát hiện từ nhiều cuộc khai quật được tiến hành ở Cổ Loa đã cho thấy một nền sản xuất thủ công chuyên môn hóa đối với việc chế tạo vũ khí bằng đồng, ngói mái bằng gốm, và các dụng cụ nông nghiệp (Kim và nnk 2010: 1015; Lại 2004; Nguyễn và Nguyễn 1983; Phạm 2005). Về cơ bản, tầng lớp các nhà chuyên môn thủ công ở Cổ Loa đã tận tâm với nền sản xuất dụng cụ bằng đồng và các sản phẩm cho nghi lễ, mà rất nhiều trong số đó là gắn với những người ở tầng lớp cao. Chế tạo đồ đồng có thể đòi hỏi một lực lượng lao động chuyên nghiệp mà không phải vướng bận bất kỳ một loại sản xuất để sinh sống nào, những người mà trông nom tất cả các hoạt động chuyên môn từ việc khai thác và thu mua đến việc chuẩn bị hợp kim và khuôn đúc tinh xảo đề đúc và gia công sản phẩm (Nguyễn 1984: 185).
Các nhân tố cho sự phân tầng ra đời và sự hình thành nhà nước
Higham và Thosarat (2000: 28) thảo luận rằng, sự quá độ lên nhà nước ở Đông Nam Á lục địa bắt đầu từ các thế kỷ đầu Công nguyên. Dựa trên các bằng chứng hiện nay từ miền Bắc Việt Nam, tôi cho rằng sự quá độ lên cả đô thị hóa và sự phân tầng cấp nhà nước bắt đầu sớm hơn một chút, trong thiên niên kỷ I BC. Sự phát hiện mới đây của các đặc điểm trong Phân khúc 1 ở Cổ Loa cũng gợi ý một khả năng rằng, hệ thống hoành tráng các công trình đất đắp nằm trên các công trình xây dựng của một xã hội lớp trung, có quy mô nhỏ mà có thể là một phần của truyền thống nơi ở có hào lũy, một truyền thống mà đã chuyển thành loại hình phức tạp hơn trong thế kỷ III BC. Nếu Cổ Loa là kết quả dẫn tới kiểu cấu tạo hạt nhân về mặt dân số được xác lập trong phạm vi nơi ở có hào lũy rộng khắp khu vực, khi đó một vấn đề quan trọng để xác định tại sao một nơi cư trú có quy mô lớn như vậy phát triển ở châu thổ sông Hồng trong các thế kỷ cuối trước Công nguyên, mà không có một di chỉ nào khác ở Đông Nam Á đạt được với cấp độ so sánh của sự phân tầng xã hội và sự tinh xảo về mặt kỹ thuật cho đến tận các thế kỷ sau này. Số lượng lớn các biến số giải thích nguyên nhân của sự phân tầng xã hội phôi thai và sự hình thành nhà nước ở lưu vực sông Hồng. Tôi đã trình bày những bàn luận chi tiết ở những công trình nghiên cứu khác (Kim 2010; Kim và nnk 2010) nhưng nhấn mạnh chúng ở đây.
Như đã đề cập ở phần đầu bài viết, các mô hình truyền thống giải thích sự ra đời của chế độ thủ lĩnh quốc, vương quốc, nhà nước nhỏ và các dạng khác của xã hội phân tầng của Đông Nam Á nhấn mạnh các ảnh hưởng bên ngoài từ nền văn minh Trung Quốc và Ấn Độ. Về cơ bản, sự phân tầng xã hội của Đông Nam Á được xem như là sản phẩm phụ hay là phát sinh của ảnh hưởng nước ngoài. Mặc dù các thập kỷ gần đây, các nghiên cứu khảo cổ học đã làm suy yếu quan điểm này, nhưng những mô hình
Kh¶o cæ häc, sè 4-2016 48

truyền thống này không hoàn toàn vô căn cứ. Các cộng đồng thời đại Đá mới và Kim khí ở Đông Nam Á không tồn tại trong chân không, và các ghi chép bằng hiện vật đã chỉ rõ cấp độ to lớn của các tương tác, trao đổi văn hóa, và sự dịch chuyển trong khắp vùng. Sự tương tác giữa các vùng đã khuyến khích trao đổi văn hóa, thúc đẩy ảnh hưởng và thi đua đa phương diện, có lẽ trong phạm vi của loại hình nào đó của một mô hình chính thể tương đương (Renfrew 1986). Điều này diễn ra ở vùng giao thoa với các nhân tố bên trong và các xu hướng bản địa, bao gồm sự tăng cường nông nghiệp, sự phát triển dân số và sự tạo lập hạt nhân, và sự sử dụng các chiến lược lãnh đạo có liên quan đến sự cạnh tranh và ép buộc. Với sự mạo hiểm của sự quá đơn giản hóa, các biến tố này được kết hợp để mang lại sự thay đổi về văn hóa trọng yếu và sự phân hóa xã hội đang phát triển trong thời đại Kim khí, như một quyền lực chính trị, địa vị cao, tính hợp pháp, và sự giàu có được tập trung trong tay của một số ít người chọn lọc.
Sự tăng cường nông nghiệp
Vì các cộng đồng ở lưu vực sông Hồng bắt đầu lối sống làm nông và ít di chuyển hơn trong thời đại Đá mới (khoảng sau 3.000BC), những hạt giống cho phân tầng xã hội được gieo trồng. Phát triển mối quan hệ văn hóa, chính trị và kinh tế được tăng cường bởi trao đổi trong vùng ở thời hậu Đá mới và thời Kim khí sớm (khoảng thiên niên kỷ II và I BC) (Kim 2010), và sự truyền bá đổi mới về luyện kim thúc đẩy những thuận lợi trong việc cải thiện cảnh quan cho mục đích nông nghiệp. Điều này có ảnh hưởng tới việc phát triển thời kỳ quá độ rộng hơn, mà trong đó các làng mạc tự trị bắt đầu kết thành nhóm trong các chính thể tập trung hóa trong khu vực. Vào thời Đông Sơn, cộng đồng thời đồ Sắt tham gia vào nông nghiệp thâm canh, mang lại thặng dư và phát triển dân số. Rất có thể rằng, hệ thống được phân bố lại để quản lý thặng dư đang phát triển; một sự ám chỉ lớn rằng các chính thể thời Đông Sơn, đặc biệt là chính thể tập trung ở Cổ Loa, hẳn phải định hướng nông nghiệp thâm canh để hỗ trợ cơ sở số dân lớn chưa từng có. Bằng chứng về các dự án nông nghiệp được nhà nước tài trợ không chỉ dưới hình thức của hệ thống quản lý nước mở rộng mà còn trong việc phục hồi lưỡi cày đồng chuẩn mực được sản xuất hàng loạt (Nguyễn và Nguyễn 1983).
Theo Wheatley (1983: 278), sự phức hợp kỹ thuật lúa nước đại diện cho sự tăng cường trồng trọt và sự đầu tư tương đối lớn hơn vào lao động nông nghiệp. Hơn nữa, có thể suy diễn sự khác biệt quan trọng trong năng xuất và sự bất bình đẳng trong giá trị đất nông nghiệp, cùng với sự phát triển phân tầng xã hội (Wheatley 1983: 278). Sự kết hợp dân số cao với mức độ điều phối cần thiết cho đầu vào nông nghiệp có liên quan đến nông nghiệp cường độ cao thêm ủng hộ ý tưởng rằng việc đưa ra quyết định được tập trung hơn và rằng các nhà lãnh đạo có khả năng thuyết phục hay bắt buộc, huy động lao động quy mô lớn. Việc xây dựng ruộng lúa nước thậm chí đơn giản nhất cũng ít nhất bao gồm sự quản lý nước tối thiểu nhất, thậm chí nếu tính đến một phương tiện di chuyển lượng nước mưa vượt trội ở những mùa nhất định trong năm (Wheatley 1983: 279). Với giá trị của việc thay đổi đất có thể trồng trọt được, có lẽ không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy các dải đất phì nhiêu được hệ thống tường thành bao quanh ở Cổ Loa.
Sự tương tác giữa các khu vực và sản xuất kim loại
Việc phát triển và kiểm soát mạng lưới trao đổi giữa các vùng là nhân tố quan trọng có liên quan đến việc hình thành chính thể và sự phức tạp nảy sinh ở nơi những thành phần ưu tú nhất có thể có quyền lực và giàu có từ việc điểu khiển và tiếp cận các hàng hóa ngoại lai, phi địa phương và nguyên liệu hiếm có giá trị đặc quyền cao (Brumfiel and Earle 1987; Clark and Blake 1994; DeMarrais et al.1996; Earle 1997; Tejada 2008). Từ các thế kỷ đầu Công nguyên, các cảng biển Nam Trung Quốc, bờ biển Việt Nam, vùng vịnh Thái Lan, dải Malacca, và Bán đảo Thái - Malaysia được nối với vịnh Bengal và cuối cùng là Ấn Độ cho thấy sự trao đổi nguyên liệu và hàng hóa với các xã hội Địa Trung Hải (Bellina
Nam C. Kim - Kiến trúc trường tồn, thể chế…

49
và Glover 2004). Loại trao đổi này có nguồn gốc của nó từ sớm hơn thiên niên kỷ I BC, làm gia tăng các hoạt động thương mại ở dải Malacca và ở biển Java, bao gồm Đông Nam Á lục địa, đặc biệt là vùng Đông Sơn của miền Bắc Việt Nam (Stark 2006a: 414). Các khu vực nội địa và ven biển được nối với nhau, khuyến khích sự thành lập các nơi khai thác nguồn lực ở đất liền và vùng cao (Stark 2006a: 417). Một phần là bởi vì môi trường địa lý, xã hội của đồng bằng sông Hồng có vai trò tích cực trong trao đổi lâu dài. Các tương tác giữa các vùng, bao gồm dòng chảy đa phương hướng của đổi mới, con người và vật liệu, có thể đóng góp vào quá trình cùng thời và tương hỗ của việc làm gia tăng sự phân tầng chính trị xã hội trên khắp vùng (Kim 2010).
Các cộng đồng lưu vực sông Hồng nằm dọc các tuyến đường buôn bán quan trọng, cả đường sông lẫn đường biển, có thể có lợi từ việc tiếp cận lớn hơn với việc di chuyển của hàng hóa, nguồn tài nguyên và các ý tưởng. Vào thời đại đồ Sắt, các xã hội Đông Sơn tham gia vào mối quan hệ trao đổi trực tiếp hoặc theo các tuyến buôn bán với các cộng đồng trên khắp miền Trung Việt Nam, Nam Trung Quốc và các khu vực khác của Đông Nam Á. Các xã hội Đông Sơn có liên quan đến xã hội thuộc văn hóa Điền của cao nguyên Vân Nam và Tây Nam Trung Quốc (Yao 2010). Ảnh hưởng to lớn là lưu thông sản phẩm và nguyên vật liệu có liên quan đến công nghệ đồ đồng mới ra đời giữa khu vực Vân Nam và khu vực sông Hồng, cuối cùng kết nối các vùng này với các xã hội khác xa hơn qua việc buôn bán. Tầng lớp thượng lưu dọc sông Hồng có thể tích lũy của cải đáng kể và sự đầu tư chính trị qua việc trao đổi các hàng hóa đặc quyền bằng đồng trong phạm vi buôn bán giữa các vùng có kết nối với các xã hội qua hệ thống ven sông (Allard 1999; Phạm 1996; Stark 2006a: 414). Cũng có bằng chứng vật chất dồi dào cho thấy sự trao đổi văn hóa với các cộng đồng của văn hóa Sa Huỳnh của miền Trung Việt Nam. Ở thung lũng Thu Bồn của miền Trung Việt Nam, các xã hội phân tầng sớm ra đời giữa thiên niên kỷ I BC, có lẽ là kết quả của sự hòa trộn của việc mở rộng buôn bán, sự kết nối với các cộng đồng bên ngoài như cộng đồng Đông Sơn, và sự phát triển văn hóa địa phương (Lam 2009). Ví dụ, nguyên vật liệu Đông Sơn được tìm thấy trong các di chỉ mộ chum Sa Huỳnh dọc ven biển miền Trung (Lam 2009: 74).
Đồng có giá trị không chỉ đối với việc cải tiến về mặt kỹ thuật mà còn đối với sự giàu có và địa vị có liên quan với các kỹ năng, nguồn lao động và các mối quan hệ buôn bán cần thiết cho mối quan hệ sở hữu và sản xuất. Việc sử dụng đồng trên khắp Đông Nam Á cho thấy, có mối liên hệ quan trọng với sự phát triển của các xã hội phân tầng, và vũ khí, đồ đựng, và đồ trang sức kim loại có lẽ được trao đổi giữa các tầng lớp quí tộc trong vùng cho các mục đích liên minh và hôn nhân lẫn nhau (Bellwood 1992: 116). Ví dụ, trống đồng Đông Sơn nổi tiếng, có thể có chức năng như hàng hóa sang trọng của tầng lớp cao, được tìm thấy từ các địa điểm phân tán khắp Campuchia, Thái Lan và một phần bán đảo Mã Lai. Trong một số trường hợp, các sản phẩm này được chuyên chở qua đường biển từ đó vào các con đường trao đổi được thiết lập từ lâu đời dọc các con sông (Bellina và Glover 2004: 70). Vào các thập kỷ trước và đầu Công nguyên, trống đồng quy mô lớn trải khắp dọc chiều dài Indonesia, đặc biệt là dọc các hòn đảo của chuỗi Sunda và cuối cùng là đến tận Bird’s Head của Tân Guinea (Bellwood 2004: 37). Sở hữu trống đồng, hay các vật liệu và kỹ năng chuyên môn hóa cần thiết cho sản xuất chúng, có thể góp cho sự gia tăng bất bình đẳng xã hội.
Tóm lại, mạng lưới trao đổi rộng khắp hậu thuẫn cho sự ra đời của sự không cân xứng về của cải và phân tầng xã hội mà ở đó các thành phần xã hội mới ra đời thâu tóm những đặc quyền và địa vị lớn hơn, như đã các tài liệu mộ táng cho thấy. Các tài liệu tác tục thời Đông Sơn chứa đựng nhiều thông tin đặc biệt, như được thể hiện trong các phát hiện ở các di tích mộ táng Đông Sơn: di tích Đông Sơn, Làng Cả, Việt Khê, Châu Can, Xuân La và Minh Đức, trong đó có sự khác biệt đáng kể về của cải và địa vị (Murowchick 2001: 175). Trái lại, các mộ táng đương thời của các cộng đồng lân cận thiếu số
Kh¶o cæ häc, sè 4-2016 50

lượng đáng kể các hiện vật đồng. Những mộ táng Đông Sơn cho thấy mức độ cao về của cải, bao gồm phát hiện đồ đồng phong phú (rìu, mũi giáo lưỡng kim, dao, dao găm, kiếm, thạp thố và trống), đặc biệt là sau khoảng 500BC (Chử 1973). Các loại hình trao đổi và luyện kim, kết hợp với năng xuất nông nghiệp của khu vực, cung cấp các cơ hội to lớn cho một bộ phận dân cư có thể sản sinh dư thừa và của cải giàu, có có thể thao túng về mặt chính trị (Higham 2004). Đồ đồng, đặc biệt là trống đồng, có thể là một phần của hệ thống hàng hóa đặc quyền mà trong đó sự thao túng về sản xuất và trao đổi, trao quyền cho số người làm nhất định và làm cho họ có lợi về mặt chính trị. Nếu như vậy, các loại hình trao đổi của tầng lớp của Đông Sơn cho thấy đồng dạng với mạng lưới làm việc hay một hình thức duy nhất của chiến lược kinh tế - chính trị (Blanton và nnk 1996).
Sự cạnh tranh, ép buộc và chiến tranh
Theo Adams (2001: 353), hầu hết các trường hợp về sự phát triển của các trung tâm nguyên thủy trên khắp thế giới cổ là quá nhanh đến nỗi không thể có nguyên nhân chỉ từ việc tăng dân số tự nhiên. Sự đổ dồn từ các vùng lân cận phân tán đến các trung tâm có thể có liên quan đến yếu tố thuyết phục, nếu không phải là bắt buộc. Việc xem xét lại tư liệu hiện vật giữa thiên niên kỷ I BC cho thấy một cách đầy đủ về sự gia tăng cạnh tranh, sự đe dọa bạo lực và tầm quan trọng của quyền lực ép buộc đối với miền Bắc Việt Nam (Kim 2010; Kim và nnk 2010) và các khu vực khác của Đông Nam Á (Higham 2002: 195, 208; Higham and Thosarat 2000: 28; Moore 1988: 145; Moore and Win 2007).
Một số bằng chứng từ miền Bắc Việt Nam cho thấy sự thịnh hành của cạnh tranh và chủ nghĩa quân phiệt trong thế kỷ I BC. Đầu tiên, truyền thuyết mô tả một cách rõ ràng sự ra đời của vương quốc Âu Lạc, chính thể khai sáng có chủ đích Cổ Loa như là một kinh đô, thông qua chiến tranh xâm lược (Taylor 1983: 20-23). Thứ hai là, dù sao chăng nữa truyền thuyết này không thể được chấp nhận ở tầm vĩ mô, chúng chỉ được ủng hộ một phần bằng bằng chứng vật chất bao gồm vũ khí thời đại đồ Sắt và các mô tả bằng biểu tượng về người lính chiến trên trống đồng (Kim 2010: 189-193; Higham 2004: 58; Pham 2004: 190, 199). Nhiều trống đồng Đông Sơn mô tả người lính chiến có lông vũ trên những chiếc thuyền thanh tao có buồng lái, đôi khi với người bị giam cầm (Higham, 2002: 178). Trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn điển hình, việc phát triển phân tầng xã hội và sự cạnh tranh đã dẫn tới sự gia tăng hoạt động tín ngưỡng và quân sự; hầu hết các loại này được phản ánh về mặt khảo cổ học với những hiện vật thu được từ vô số các mộ táng và các di tích nghĩa địa ở trong vùng (Murowchick 2001: 175). Thứ ba là, chúng ta có thể cân nhắc bằng chứng từ trực tiếp Cổ Loa. Các cuộc khai quật năm 2004 - 2005 cho thấy rằng, Cổ Loa đang sản xuất hàng loạt các cung nỏ thần bằng đồng trong khu vực sản xuất phía trong Thành Nội trong thế kỷ III BC (Lại 2005). Các cuộc khai quật ở Mả Tre (trong phạm vi Cổ Loa) đã phát hiện chiếc trống đồng lớn nhất trong vùng và bên trong nó chứa khoảng 200 hiện vật bằng đồng (Nguyễn Giang Hải và Nguyễn Văn Hảo 1983; Phạm 1982), bao gồm lưỡi cày, cuốc và nhiều loại vũ khí. Việc cất giữ hiện vật như vậy là rất hiếm và nơi cất giữ hiện vật tìm được ở trong trống Cổ Loa có thể là độc nhất, cung cấp một bằng chứng về đồ đồng được lưu thông trong các thế kỷ cuối cùng trước Công nguyên (Higham 1996: 122). Nguyễn Giang Hải và Nguyễn văn Hảo (1983) nghi ngờ rằng, chiếc trống này được chôn và giấu một cách chủ ý do sự đe dọa tấn công và chiến tranh. Tại di tích Cầu Vực ở ngay ngoài lối vào chính phía nam của Cổ Loa, cũng tìm thấy được một nơi cất giấu khoảng 10.000 mũi tên đồng có ngạnh (Phạm 2004: 199). Cuối cùng, công trình xây dựng có các đặc điểm công sự cho thấy mối quan hệ lành mạnh cho an ninh và phòng thủ. Nói chung, bằng chứng đã ám chỉ rất rõ ràng về sự cạnh tranh đang gia tăng và việc sử dụng lực lượng quân sự ở giữa thiên niên kỷ I BC, với quyền lực vật chất giữ vai trò then chốt trong việc củng cố quyền lực chính trị.
Mặc dù tôi cho rằng, công trình xây vòng thành Cổ Loa đầu tiên có nguồn gốc từ động cơ phòng thủ, nhưng điều này không loại trừ các khả năng sử dụng khác. Các trường hợp đô thị hóa khác
Nam C. Kim - Kiến trúc trường tồn, thể chế…

51
nhau về niên đại và địa lý rõ ràng cho thấy một loạt các chức năng khác nhau của tường thành (Smith 2003: 278). Các chức năng phòng thủ và phi phòng thủ của các vòng thành cổ trên khắp thế giới không khi nào loại trừ lẫn nhau và chúng có thể thay đổi nhiều theo không gian và thời gian (Arkush and Stanish 2005; Hill and Wileman 2002; Keeley 1996: 55-58; Keeley et al. 2007; Marcus and Sabloff  2008: 325-326; Milner 1999, 2000: 51; Moore 1988, 1992; Moore and Win 2007; Parkinson and Duffy 2007; Roscoe 2008; Schroeder 2006; Underhill 2006). Đối với Bắc Mỹ, Schroeder (2006: 117) lưu ý rằng, chiến lược lãnh đạo để thương thuyết, tranh đua và tái thương thuyết các mối quan hệ bên trong và bên ngoài bao gồm việc xây các tường thành xung quanh các cộng động. Tường thành phục vụ sự liên kết của các vấn đề xã hội, chính trị, tư tưởng và biểu tượng, một điều trong số này đôi khi cũng làm lu mờ các chức năng phòng thủ. Đối với các thành phố Lưỡng Hà (Mesopotamian), các vòng thành có cả 2 chức năng là hợp nhất hóa và phân chia, và tất cả các thành phố Lưỡng Hà chính đều được bao quanh bởi hệ thống công sự phân tách thành phố với vùng lân cận của nó (Stone 1997: 19). Đối với di chỉ Jenne-jeno thuộc thiên niên kỷ I đầu Công nguyên ở châu Phi, McIntosh (1993: 632) lưu ý rằng, các chức năng của các vòng tường là để điều tiết lũ và xác định thành phố. Viết về thời kỳ lịch sử sớm của các di chỉ ở Nam Á, Smith (2003: 279) lập luận rằng khi thiếu bằng chứng thuyết phục cho chiến tranh kinh niên, các giải thích khác cho việc phát triển các thành phố có tường thành là không hợp lý, bao gồm cả việc điều chế lũ. Với vô số các ví dụ lịch sử và khảo cổ học về nơi cư trú có thành bao, không nghi gì nữa là các tường thành có nhiều chức năng, một số thì có tính đồng qui, số khác thì tiến triển theo thời gian.
Mặc dù một loạt tính biểu tượng, sự thúc đẩy chính cho các vòng thành tiền sử có liên quan đến phòng thủ. Xem xét lại toàn diện về đô thị hóa cổ, Yoffee (2009: 281) khẳng định rằng các nhà nghiên cứu nên cân nhắc xem sự căng thẳng, các cuộc chiến, xung đột và chiến tranh có ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của cư dân thành phố và nhà nước như thế nào. Đối với một số tiền thân của các thành phố đô thị Đông Nam Á trong thiên niên kỷ I BC, những liên quan đến cạnh tranh và sự bùng nổ của bạo lực tập thể xảy ra không thường xuyên được chỉ ra bởi chức năng được nghi là phòng thủ đối với một những nơi cư trú có hào lũy trong vùng, mặc dù không phải là tất cả. Moore (1988: 145) cho thấy tiềm năng phòng thủ của các hào lũy đối với nhiều di chỉ ở Đông Bắc Thái Lan. Khi đầy nước, các hào lũy có thể phòng thủ, và các công trình đất đắp có thể được trồng tre, bụi cây và trồng rau rậm rạp ở trên, và thậm chí có cả lớp hàng rào nữa. Các cư dân đấu tranh cho sự sống còn có thể sử dụng những đặc trưng để ngăn chặn hoặc đẩy lùi các lực lượng xâm lăng thù địch (Moore 1988: 145). Các sơ đồ của di chỉ cho một số trong các nơi cư trú có hào lũy này không một chút nào là không giống với các vòng bao có hào rãnh mang tính công sự được tìm thấy trong bối cảnh thời kỳ Đá mới và đồ Đồng của các nơi cư trú được phòng thủ ở Châu Âu (Parkinson and Duffy 2007), gợi ý rằng sự phòng thủ có thể là cân nhắc quan trọng tại một số vị trí trong lịch sử nơi cư trú và xây dựng.
Các di tích ở miền Bắc của thung lũng Chao Phraya của Thái Lan có vị trí ở đỉnh đồi và có hào lũy sâu với tường dốc đứng. Những đặc điểm này cho thấy sử dụng tiềm năng của chúng như là những khu vực có phòng thủ đối với cư dân địa phương khi có cướp bóc và chiến tranh (Vallibhotama 1992: 123). Các trung tâm đô thị có hào lũy và tường thành có thể là những nơi lý tưởng để tị nạn trong trường hợp có xung đột, cung cấp phương tiện để hội nhập con người trong phạm vi lãnh thổ của họ và cho họ sự sẻ chia trong cuộc sống kinh tế, tôn giáo và chính trị thời bình (Vallibhotama 1992: 123). Sự ra đời và quyền lực của chính thể Phù Nam - một chính thể mà văn bản lịch sử của Trung Quốc mô tả có quyền lực về quân sự - trong các thế kỷ đầu Công nguyên có thể đòi hỏi sự phòng thủ cho các chính thể cấp làng và đô thị trong khắp vùng (Vallibhotama 1992: 126-127). Ở chỗ khác, các chức năng nguyên thủy của các công trình đắp đất của Hạ Miến Điện đầu tiên là quản lý nước, nhưng các chức năng bổ sung như phòng thủ là được thêm vào theo thời gian (Moore và Win 2007).
Kh¶o cæ häc, sè 4-2016 52

 Các đại diện sau này và lớn hơn của truyền thống nơi ở có hào lũy, như Cổ Loa, phổ biến và tập trung về mặt chính trị hơn. Với các di tích này, các công trình xây dựng được nhà nước tài trợ có thể được trợ giúp trong quản lý nước cho việc tăng cường làm nông nghiệp cũng như trong nỗ lực bảo vệ và ngăn ngừa. Do đó, động cơ bề ngoài, đầu tiên cho việc xây dựng hệ thống công phu các tường thành và các đường cống rãnh và hào lũy kết nối nhau là phòng ngự quân sự. Mặc dù bản chất và đặc điểm của những sự đe dọa tiềm năng vẫn không rõ ràng ở vấn đề này, chúng có thể đến từ những kẻ thù địa phương và các hàng xóm quyền lực ở phương Bắc. Và việc các tường thành có chức năng phòng thủ là có khả năng cao, không kể đến liệu các đe dọa cảm nhận được là ở địa phương hay từ xa.
Khi quyền lực và sự giàu có đang được củng cố ở Cổ Loa, mối liên quan đến phòng thủ chống lại các thù địch tiềm năng ở địa phương có thể là nhân tố then chốt trong việc thúc đẩy sự hình thành nhà nước và việc xây dựng hệ thống tường thành ở Cổ Loa. Tôi đã tranh luận ở nơi khác rằng, quá trình củng cố quyền lực ở vùng về chính trị ở Cổ Loa có thể xảy ra với quyền lực có tính ép buộc, chủ nghĩa quân sự, và chiến lược lãnh đạo giữ vai trò cốt yếu, kết hợp với các nhân tố phi quân sự và các xu hướng quan trọng khác (Kim 2010: 312-313; Kim và nnk 2010: 1024). Khi các nhà cầm quyền mới xuất hiện sử dụng các chiến lược đe dọa, áp dụng bạo lực, hoặc ít nhất là sự đe dọa của việc áp dụng như vậy, bảo vệ sự hợp nhất của chính quyền mới được củng cố có thể là cấp bách. Tôi cho rằng an ninh và sự ổn định trong vùng có thể đòi hỏi công trình xây dựng mang tính tích cực và sự duy trì hòa bình. Tính ổn định như vậy không phải là trạng thái tự nhiên hay sự cân bằng cho các mối quan hệ và tương tác, đặc biệt là trong phạm vi khu vực có dân số cao, và “hòa bình” được tạo ra và cấu trúc bởi đa nhân tố và bè phái. Cấu trúc xã hội thúc đẩy tính ổn định đôi khi được bảo hiểm bởi việc sử dụng, áp dụng và đe dọa quyền lực bắt buộc trước đây, và đôi khi hoàn toàn là bạo lực, có thể là dự án từ bên ngoài (chiến tranh) hoặc là được tập trung bên trong (kiểm soát).
 Các tường thành có lẽ mang đến cảm giác về tính ổn định. Qua khả năng phòng thủ và ngăn chặn, tường thành có thể bảo vệ sự ổn định và lợi ích của xã hội Cổ Loa một cách trọn vẹn, nhờ đó giúp gìn giữ hòa bình trong vùng. Sự ngăn chặn xâm lược và những thách thức cho chính quyền Cổ Loa có thể là cách chi phí hữu hiệu để tăng cường ổn định trong vùng miền rộng lớn hơn, truyền sự tin tưởng trong chính thể. Tính ổn định như vậy có thể giúp bảo vệ lối sống cho cư dân ở trong tâm đô thị và khu vực lân cận. Những bức tường dựng đứng có thể truyền một dáng vẻ “kinh doanh như bình thường”. Vì vậy, các bức tường Cổ Loa rất có thể cung cấp sự bảo vệ về mặt vật chất, biểu tượng và tâm lý cho nhà cầm quyền đang mới nhú lên và dân cư của nó, ngăn chặn những đe dọa tiềm năng và có thể nhận thức được. Theo ý nghĩa đó, chúng cũng có thể có khả năng như là một biểu tượng, thể hiện cảm nhận quyền lực. Như là một hậu quả về mặt xã hội sản sinh ra những tường thành và đạt được khả năng để bảo vệ đầy đủ chiếc ghế quyền lực, xã hội Cổ Loa cũng có thể cho thấy khả năng hiển nhiên thể hiện sức mạnh ra nước ngoài khi cần thiết. Những công sự không chỉ cho thấy khả năng bảo vệ mà còn cho thấy khả năng thể hiện sức mạnh, thông điệp này có hoặc không có tính chủ đích (Pauketat 2009: 255). Những vòng tường thành và các rãnh/hào nước có thể vì thế được cảm nhận như mối đe dọa đối với nước láng giềng, xác định lại một cách tiềm năng toàn bộ cảnh quan chính trị và xã hội bằng cách định hình lại tính không gian của sức mạnh tấn công và phòng thủ.
Ngoài những đe dọa của địa phương, điểm quan trọng để xem xét là việc xác định thời gian cho việc xây dựng hệ thống tường thành. Các cư dân của khu vực sông Hồng có thể nhận thức được mối đe dọa tiềm năng từ xa trong thế kỷ III BC, trong những khoảnh khắc cuối cùng của thời kỳ Chiến Quốc của Trung Quốc. Các xã hội lưu vực sông Hồng có thể nhận thức sự bất ổn và sự phát triển chính trị bên ngoài vùng núi ở miền Bắc khi sự xâm chiếm và hợp nhất xảy ra (Higham 2002: 170). Von Falkenhausen lưu ý rằng (2008: 211-212), thời kỳ Chiến Quốc cũng tương ứng với giai đoạn tiên tiến (khoảng 600 - 221BC) của đô thị hóa đối với nền văn minh Trung Hoa ở vùng cốt lõi của các triều đại hoàng gia sớm như là ở
Nam C. Kim - Kiến trúc trường tồn, thể chế…

53
các lưu vực sông Hoàng Hà, sông Hoài, miền Trung sông Dương Tử và bán đảo Sơn Đông. Các sự kiện này có thể có ảnh hưởng đến quan niệm và lối sống ở khu vực Cổ Loa.
 Trong viễn cảnh này, có thể là sự kết hợp của các nhân tố trong và ngoài dẫn tới sự hình thành nhà nước Cổ Loa. Sự gần gũi với nền văn minh Trung Quốc kết thành khối và quyền lực hoàng gia có thể có hai hệ quả quan trọng cho lối sống ở lưu vực sông Hồng. Đầu tiên, một mối quan tâm đủ mạnh về phòng thủ có thể làm động cơ thúc đẩy công trình xây dựng to lớn như vậy. Thứ hai là, có thể là các lãnh đạo mới và tham vọng hữu dụng hóa chiến lược cạnh tranh mà trong đó sự hấp dẫn được tạo ra đối với loại hình từ xa và ngoại lai của quyền lực chính trị mà đã được sử dụng để thay thế các biểu tượng quyền lực địa phương và trruyền thống (như Đông Sơn). Higham (2004: 59) cho rằng, sự ganh đua có tính cạnh tranh có thể được coi là một nhân tố đóng góp cho sự phân tầng gia tăng. Hậu quả là, chính thể và nơi cư trú Cổ Loa là đại diện tiềm năng cho trường hợp giao thoa, tiếp biến, với văn hóa Cổ Loa cho thấy sự giống nhau với cả Đông Nam Á và các truyền thống “Trung Hoa”. Nói chung, các phương pháp và kiểu cách xây dựng ở Cổ Loa cho thấy không chỉ sự tiếp tục của một truyền thống Đông Nam Á mà còn những dấu hiệu của ảnh hưởng phương Bắc, mà không lấy làm ngạc nhiên với vị trí địa lý của Cổ Loa gần bờ biển và cũng như là một trung tâm giữa văn minh Trung Quốc mới ra đời và các cộng đồng Đông Nam Á. Sự cá biệt hóa các biểu tượng về vật chất của quyền lực và lãnh đạo các thể chế được thấy dưới những bằng chứng nhất định. Việc xây dựng tường thành Phân khúc 3 có liên quan đến kỹ thuật đầm nện đất mà có sự giống nhau nào đó đối với phương pháp xây dựng bằng đầm đất ở một số nơi của Trung Quốc thời đại Đá mới và thời đại Kim khí (Kim và nnk 2010: 1023). Phương pháp này thường được sử dụng để xây dựng tường thành và nền móng các tòa nhà ở các di tích Long Sơn (khoảng 3.000 - 1.800BC), Thương (khoảng 1.600BC - 1.046BC), và các di tích sau này (Chang 1980: 90-92, 273). Mặc dù việc sử dụng đất đầm cho các dự án xây dựng không chỉ duy nhất có ở Trung Quốc, sự hiện diện của nó ở Cổ Loa gợi cho thấy sự ganh đua. Sự giống phương Bắc cũng được chỉ ra ở ngói mái của Cổ Loa, mà có thể so sánh về phong cách hoa văn với mái ngói của Hán (Kim 2010). Cuối cùng, tôi đề xuất rằng các nhà cầm quyền bản địa đã chiếm dụng các biểu tượng và phương pháp lãnh đạo như là một phần của chiến lược lớn hơn để củng cố quyền lực và duy trì nó. Loại hình ganh đua này không cần phải trực tiếp, khi sự hấp dẫn đối với loại hình quyền lực từ xa có thể là một phần của sự bắt chước lan truyền nơi các thực thể vật chất được chấp nhận với sự hiểu biết về quyền lực họ nắm giữ. Hiện tượng như vậy có thể thấy với sự lan tỏa của truyền thống nhà Thương về sự bói toán trên giáp cốt ở khắp Đông Á (Flad 2008: 418).
Kết luận
Sự đóng góp tiềm tàng của Đông Nam Á tiền sử vào những vấn đề lớn hơn về phát triển chính trị xã hội, sự hoành tráng và đô thị hóa là rõ ràng. Như là một hậu duệ của mô hình nơi cư trú tiền đô thị có hào lũy được thấy trên khắp Đông Nam Á, đô thị hóa sớm ở miền Bắc Việt Nam ở một mức độ nào đó là khác biệt một phần vì sự gần gũi với các láng giềng hùng mạnh ở phương Bắc, vị trí nút thắt trong phạm vi mạng lưới trao đổi giữa các vùng miền, và mật độ dân số tương đối cao hơn các khu vực khác ở Đông Nam Á. Tư liệu tương tự chỉ ra sự ra đời của chính thể cấp nhà nước của địa phương và bản địa trong thời Cổ Loa (khoảng 300 - 100BC). Tất nhiên, còn cần thêm nhiều công tác điền dã để tăng sự hiểu biết của chúng ta về các chức năng khác nhau của trung tâm đô thị, sự phác họa không gian, và các bảng niên đại cùng thời.
Bây giờ, rõ ràng là với sự dư thừa của cải đáng kể được sản sinh ra trên những khu đất màu mỡ của châu thổ sông Hồng, Cổ Loa nổi lên như một trung tâm của kinh tế chính trị của vùng thống trị các cộng đồng Đông Sơn khác nhau. Các vòng thành và hào lũy có liên quan không chỉ kiểm soát nước và quyền lực biểu tượng mà còn liên quan đến quyền lợi được bảo vệ, cả về vật chất lẫn biểu tượng. Các tường thành bao quanh con người và không gian quan trọng về mặt chính trị hay thiêng liêng có chức năng như là vật ngăn chặn chống sự đe dọa tiềm năng. Ngoài các vị trí quyền lực và sự giàu có vật chất dưới
Kh¶o cæ häc, sè 4-2016 54

dạng các sản phẩm đồng và công xưởng chế tác, thu hoạch vụ mùa và thặng dư có thể có giá trị trợ cấp cho các công xưởng quan trọng. Tường thành có thể vì vậy là ranh giới của sự cảm nhận về không gian hạn chế và sở hữu - không phải ai cũng có thể tiếp cận được các đồng ruộng và hoa lợi nông nghiệp.
Tường thành Cổ Loa vẫn sừng sững như một bằng chứng lặng lẽ cho quyền lực của một xã hội phân tầng tồn tại trong các thế kỷ cuối cùng trước Công nguyên của châu thổ sông Hồng. Với việc thiết lập địa điểm này trong thế kỷ III BC, những nhà cầm quyền của chính thể sáng lập sở hữu quyền lực chính trị tập trung theo một trật tự chưa từng thấy trong vùng. Được chứng tỏ bằng những yêu cầu xây dựng đồ sộ, một phiên bản đặc biệt mang tính lịch sử và địa phương về đô thị hóa và quyền lực chính trị của Cổ Loa cho thấy mức độ đáng kể của quyền lực được củng cố, ra đời trong những thế kỷ trước các chính thể đô thị hóa được ghi chép về mặt lịch sử mang tính kinh điển của Đông Nam Á. Kích cỡ và quy mô đầy đủ của các vòng thành Cổ Loa rõ ràng thể hiện quyền lực của chính thể, cùng với khả năng huy động lao động, các nguồn lực khai thác và duy trì sự nghiệp xây dựng đa phương diện và ồ ạt từ khi khởi đầu cho đến khi hoàn thiện. Sự ưu thế hơn của bằng chứng gợi ý rằng, một nhà cầm quyền chính trị đa thể chế đơn lẻ đã xây dựng hệ thống tường thành. Tài liệu về chi phí lao động ngụ ý rằng một nhà cầm quyền tập trung hóa chịu trách nhiệm cho việc xây dựng trong khung thời gian được chỉ ra bởi xác định niên đại C14. Thậm chí ngoài việc hoàn thiện tường thành, có thể nhà cầm quyền Cổ Loa lường trước một cách đầy đủ sự cam kết lâu dài hơn về nỗ lực và nguồn lực để duy trì hệ thống tường thành và tính chất chức năng của nó, và họ tin tưởng vào khả năng trong tương lai của họ tiếp tục điều khiển những tài sản tất yếu. Sau đó, theo cách này, việc bảo dưỡng lâu dài hệ thống công phu phản ánh sự lâu bền của bộ máy trách nhiệm.
Loại thể chế tồn tại lâu bền đa thế hệ này tương phản với động lực học về mặt chính trị xã hội được nhìn nhận trong các trường hợp đan xen thay thế nhau của các tổ chức chính trị. Một quyền lực được thể chế hóa mang tính nhà nước là cái mà phân biệt nó với các chính thể tầm trung. Sau này, chính quyền có thể đến và đi phụ thuộc vào quyền lực về kinh tế chính trị, hay tôn giáo, tư tưởng và sự hợp pháp của mỗi người hay mỗi nhóm người mà phẩm chất lãnh đạo của họ không nhất thiết cho phép sự kiểm soát của thể chế tồn tại. Ví dụ, ở Đông Nam Woodlands của Bắc Mỹ, Milner và Schroeder (1999: 103) mô tả một cảnh tượng chính trị đa thế hệ mà trong đó các xã hội liên tục trải qua việc thay đổi các mối quan hệ chính trị xã hội và phân phối dân số. Chế độ thủ lĩnh quốc riêng biệt và các chính thể tầm trung trải qua các thời kỳ hình thành, hưng thịnh và phân tách (Milner and Schroeder 1999: 103), một quá trình được Anderson (1996) gọi là “chu kỳ”. Ở miền Bắc Việt Nam, sự kết thúc của chính thể Cổ Loa không đến từ sự phân tách như vậy, mà thay vào đó là từ sự thôn tính của phong kiến Hán.
Cổ Loa vì vậy cho thấy những biểu hiện bên ngoài của một xã hội cấp nhà nước sớm, một xã hội mà được ghi dấu bởi sự lâu bền của quyền lực tập trung và kiểm soát về chính trị, một cấu hình về chính trị xã hội đa thế hệ. Quyền lực được củng cố có thể được rèn đúc dưới thời hưng thịnh nhất của chính quyền quân sự, như được chỉ thị bởi các công sự hoành tráng, các truyền thuyết và các dấu vết vật chất khác đối với xung đột và chiến tranh. Việc xây dựng kiến trúc hoành tráng của trung tâm đô thị có lẽ đòi hỏi cấp độ nào đó của sự ép buộc hay bắt buộc của một số lượng người khổng lồ thông qua việc sử dụng quyền lực của một số ít người. Sự bắt buộc như vậy hầu như chắc chắn xảy ra với sự ủng hộ của quyền lực vật chất, có lẽ là kết nối theo một cách nào đấy với hệ thống niền tin theo ý thức hệ. Sự nhượng lại của sự tự chủ về mặt chính trị của địa phương của các cộng đồng xung quanh, mà có thể cần thiết cho một tổ chức tập trung hóa về mặt chính trị ra đời và tồn tại, không thể xảy ra nếu không có sự hỗ trợ của quyền lực vật chất và sự ép buộc, thực sự được áp dụng hay chỉ để dọa dẫm một cách khéo léo. Đây là điều rất đặc biệt, xét vì sự mau lẹ và tính chất không gián đoạn của quá trình xây dựng. Các cộng đồng Đông Sơn có thể đã quen với việc xây dựng các công trình của cộng đồng quy mô nhỏ, nhưng chẳng gì có thể so sánh được với quy mô của Cổ Loa đã từng được thử trước đó. Nói chung, việc xây dựng của một địa điểm
Nam C. Kim - Kiến trúc trường tồn, thể chế…

55
đô thị cho thấy một cơ cấu chính trị phân tầng mà những người cầm quyền của nó đòi hỏi có được một lực lượng quân sự để giành được và duy trì.
Thêm vào đó, việc xây dựng các tường thành cổ và các đặc điểm kiến trúc hoành tráng khác thường là một phần của đầu tư xã hội, đôi khi giúp vật chất hóa quyền lực chính trị của chính quyền. Hệ thống tường thành Cổ Loa làm thay đổi nhiều lần cảnh quan tồn tại từ trước; chính quá trình này có thể có nhiều sự phân nhánh xã hội quan trọng. Ngoài việc hoạt động như là những căn cứ quân sự, các tường thành đầy đủ vẫn tồn tại như một biểu tượng vật chất tiềm năng của quyền lực có chủ quyền, để gây ấn tượng và đe dọa cả những người bên trong lẫn những người bên ngoài. Trong khả năng như vậy, tường thành và kinh đô mà nó bao bọc có thể có ảnh hưởng mang lại các mặt khác nhau của xã hội Cổ Loa dưới dạng hình chung của sự nhận dạng xã hội. Các tường thành có thể vì vậy là chủ chốt trong việc hợp pháp hóa quyền lực của trung tâm chính trị, có lẽ là tăng cường sự chia tách xã hội và các ý tưởng do nhà nước ủng hộ về tôn ti trật tự, vũ trụ học hay hệ tư tưởng. Thực chất là, chính thể Cổ Loa có thể có chức năng như một mấu chốt về quyền lực trong phạm vi khung ý thức hệ mà đã thống nhất được các cộng đồng cư dân bên trong (đô thị) và các cấp độ khác nhau của cộng đồng cư dân bên ngoài (ngoại ô và nông thôn).
Hành động xây dựng tường thành cũng chắc chắn có một ảnh hưởng quan trọng đến những người trực tiếp tham gia vào các hoạt động xây dựng, không kể đến vai trò, chuyên môn và sự tinh thông ngành nghề. Yoffee (2009: 281) thúc giục các nhà nghiên cứu phải xem xét “tính hàng ngày của cuộc sống xã hội, các cảnh quan đô thị là các công trình xây dựng chủ đạo như thế nào, cái gì có nghĩa là vật chất trong đời sống của con người…”. Mặc dù khó có thể kết luận ai cụ thể có liên quan đến như là nhà kế hoạch hóa, nhà quản lý, thợ thủ công, và người lao động, nhưng chúng ta có thể suy đoán sự tham gia của cộng đồng như thế nào trong nỗ lực to lớn như vậy có thể gây ra sự cảm nhận nào đó về các mối liên kết, thậm chí nếu những người lao động là nghĩa vụ, và ở mức độ nào đó bị bắt buộc hay bị ra lệnh phải tham gia. Điều này có thể có chức năng như là hoạt động xây dựng cộng đồng, hợp nhất các cá thể trong mối quan hệ thân thuộc nhận diện chung rộng hơn tới sự liên kết hay cấu kết về mặt xã hội (Abrams 1994: 92). Nhìn nhận theo sự hiểu biết này, các cuộc điều tra khảo cổ học các công trình xây dựng hoành tráng cấp nhà nước có thể diễn ra ngoài những xem xét về người cầm quyền và các nhà chính trị khác nhau của một xã hội, xem xét kỹ hơn sự môi giới và sự tham gia lao động của các kỹ sư, nông dân, người lính, nô lệ và những người không có địa vị cao trong dự án xây dựng, ảnh hưởng của một dự án như vậy có thể có trong đời sống của họ, và ý nghĩa biểu tượng mà các bức tường thành có thể có. Phương pháp tiếp cận từ dưới lên như vậy có thể cho cái nhìn sâu bên trong tính hoành tráng đã tạo nên và ảnh hưởng tín ngưỡng và cách nhìn của thế giới đối với các thành phần xã hội như thế nào. Chắc chắn, sự biến đổi cảnh quan địa phương có thể có ảnh hưởng sâu sắc đối với tất cả các thành phần tham gia thực thi, để lại dấu ấn còn mãi trên cả lĩnh vực vật chất và và tinh thần tập thể.
Cuối cùng, sự nhận biết một cách thành công về công trình xây dựng hoành tráng chắc chắn có lợi cho những ai hình thành và chỉ đạo dự án để củng cố và định vị vị trí chính trị của họ. Việc thực sự thực hiện một dự án xây dựng như vậy có thể cung cấp sự xác nhận vật chất về kỹ năng tổ chức của nhà cầm quyền (Abrams and Bolland 1999: 268). Hoạt động xây dựng có thể chỉ quan trọng để xem xét như chính các công trình xây dựng (Pauketat 2009: 255). Thêm vào đó, các hoạt động có liên quan đến việc bảo dưỡng và sự phục hồi qua thời gian này có thể có chức năng như là các cách thức nghi lễ để củng cố nguyên trạng (Pauketat 2007: 98). Như Trigger (1990: 127) lưu ý, sự cần thiết thể hiện quyền lực qua phương tiện trung gian là kiến trúc hoành tráng có thể lớn hơn trong các giai đoạn hình thành các nền văn minh sớm hay khi mà cấp độ quyền lực tập trung đang tăng lên, gợi ý rằng các công trình xây dựng lớn nhất và công phu nhất có xu hướng được thực hiện sớm trong lịch sử của một chính thể. Viết về các xã hội Mississippy, Milner (2000: 66) nhấn mạnh rằng, con người bị hút về phía các nhà lãnh đạo quyền lực, bỏ
Kh¶o cæ häc, sè 4-2016 56

trống những nơi giữa các chính thể cạnh tranh. Trong khía cạnh này, các tường thành ấn tượng của Cổ Loa cũng có thể quảng cáo quyền lực trên quy mô lớn và theo cách mà có thể thu hút những người ủng hộ và những người tuân theo, nhờ đó mà giữ độc quyền lao động dư thừa ở khu vực nhất định. Sự hoàn thiện công trình xây dựng có phạm vi rộng lớn có thể củng cố trật tự chính trị đang thịnh hành và non trẻ và tính hợp pháp của nó, có lẽ làm gia tăng quyền lực, ảnh hưởng và đạt tầm ý thức hệ của nhà nước. Sự tồn tại của hệ thống tường thành trong nền cảnh vật chất rõ ràng ghi dấu và biểu tượng hóa sự dịch chuyển trong nền cảnh chính trị xã hội.
Các định hướng tương lai
Tôi hy vọng các cuộc điều tra trong tương lai sẽ cung cấp thêm tư liệu và làm rõ những diễn giải mà tôi trình bày trong bài viết này, hay các giải thích khác hiện nay. Nếu có thể, nghiên cứu trong tương lai sẽ xem xét các mối quan hệ về không gian giữa những nơi ở trong các khu vực có tường bao và khu vực xung quanh. Điều vẫn còn chưa rõ là nơi chính xác mà các bộ phận dân số định cư. Có thể là các khoảng không gian khép kín của Cổ Loa là dành cho phức hợp các chức năng và hoạt động hành chính, nghi thức, chính trị, lễ nghi và nông nghiệp và không cần thiết cho thường dân, vì thế làm cho khu vực nội đô của chính di tích mật độ dân số thấp hơn là vùng ngoại vi. Tuy nhiên, dân số ngoại vi lớn cũng chắc chắn có thể bền vững nhờ có tiềm năng nông nghiệp của các cánh đồng lúa quan trọng của vùng châu thổ sông Hồng, nơi sản xuất vài vụ mùa một năm ngày nay. Đô thị Cổ Loa được xác định bởi không gian có tường bao với ngoài tường thành tới một chừng mực nào?
Nói chung, kích cỡ cho các thành phố sớm thường phụ thuộc vào quyền lực của nhà cầm quyền đối với vật triều cống, nguồn lực và lao động thiết yếu ở vùng ngoại vi (Kusimba et al. 2006: 158). Sự hiểu biết thực sự về kinh tế vùng của chính thể Cổ Loa cần sự thẩm định về mối quan hệ tương tác của trung tâm với các cộng đồng nông thôn xa xôi. Bằng chứng vùng nông thôn cần phải được bổ sung để xem xét về bản chất của dân số đô thị, vì vùng kề cận nông thôn có thể đại diện các cơ sở quyền lực về chính trị xã hội, kinh tế và ý thức hệ (Small 2006: 328). Vì vậy, các di tích ở nông thôn cần phải được xem xét tìm các dấu hiệu của xu thế mà có thể hoặc là có tính cạnh tranh hay tính bổ trợ chính thể Cổ Loa.
Thêm vào đó, cần có sự hiểu biết lớn hơn về vùng lân cận và các khu vực của chính trung tâm đô thị. Có các khu vực như vậy không? Liệu Cổ Loa là trung tâm nghi lễ hay là “thành phố vườn” (Rice 2006: 267; Tourtellot 1993: 222), với những phần mở rộng cho các ruộng lúa? Chúng ta có thể xác định nơi chợ búa, doanh trại quân sự, mồ mả hay các đền thờ với các dấu vết của đồ thờ cúng, như thông tin từ truyền thuyết không? Angkor thể hiện một đặc tính đô thị rộng lớn và mật độ thấp, bao gồm hệ thống các đặc tính theo tuyến tính như đường đê và các kênh rạch chồng lên các khu gò nhà ở nằm rải rác trên diện rộng với sự phân bố rõ ràng là tùy tiện trên khắp cảnh quan (Fletcher 2003: 109, 2009). Sự phân tích không gian gần đây cho thấy sự phân bố rộng khắp của các cụm đồi gò nhà ở trên khắp toàn vùng và không chỉ trong phạm vi khu vực có tường bao, và có thể là rất nhiều dân chúng sống trên nhiều dạng cảnh quan và trong bất cứ loại hình cư trú nào liên quan đến sản xuất lúa (Fletcher 2003: 109, 116). Mặt khác, nghiên cứu của Clayton (2011) về sự diễn giải của sự nhận dạng, vai trò về giống loài và các hệ ý tưởng của nghi lễ chôn cất ở Teotihuacan xem xét sự khác biệt giữa các quần thể đô thị và nơi định cư ở khu vực xung quanh. Những phát hiện chỉ ra phân tích chi tiết về nơi cư trú và tư liệu mai táng có thể cho cái nhìn sâu vào sự phân hóa giai cấp, về nhân khẩu học của xã hội nông thôn như thế nào. Những điều tra trong tương lai ở Cổ Loa có thể có lợi từ những dạng câu hỏi nghiên cứu và tư liệu tương tự; chúng có thể có khả năng cung cấp cho chúng ta những chi tiết thiết yếu có liên quan đến khu vực không gian và đô thị trong phạm vi Cổ Loa, cùng với cái mà Michael Smith (2010: 138) gọi là nghiên cứu khảo cổ học vùng lân cận, với một loạt các
Nam C. Kim - Kiến trúc trường tồn, thể chế…

57
khu vực khác, bao gồm khu trung tâm hành chính và trung tâm đô thị. Khảo cổ học về nơi cư trú, cho dù thách thức như thế nào, cũng có thể làm phương tiện để nâng cao hiểu biết của chúng ta về đô thị hóa ở Cổ Loa.
Cuối cùng, và có thể đến một chừng mực nào đó, những nghiên cứu trong tương lai cũng nên khám phá tính hiệu quả và sự tiếp cận quyền lực tư tưởng và chính trị của Cổ Loa trong phạm vi cấu hình thuộc của các cộng đồng nhỏ hơn trong vùng, cùng với các cảm nhận khác nhau về sự định dạng chung hoặc khác biệt trên khắp trung tâm đô thị và cùng lân cận nó. Những nghiên cứu nên phải có hai hướng, với một hướng nghiên cứu khám phá các loại hình nơi cư trú của vùng hoặc rộng hơn và hướng thứ hai là xem xét hệ thống tư liệu chuyên biệt hơn về di tích này. Đối với hướng đầu tiên, Kowalewski (2008: 236-237) lưu ý rằng, những bước tiến quan trọng trong nghiên cứu nhà nước cổ được tiến hành sử dụng phương pháp mang tính khu vực, mặc dù đây là trường hợp cho các khu vực nhất định trên thế giới (ví dụ như Trung Mỹ, Peru, và Mesopotamia) hơn là cho các nơi khác, chẳng hạn như Đông Á và Đông Nam Á. Những phân tích so sánh mang tính vùng đang diễn ra từ các truyền thống văn hóa khác nhau cho thấy rõ ràng là cần thiết. Những điều tra trên quy mô nhỏ hơn có thể tăng sự hiểu biết về quyền lực được tập trung, thương thuyết và tranh luận trên khắp khu vực như thế nào, nhận ra sự khác biệt giữa các làng và các gia đình. Chúng ta còn lâu mới có thể tiếp cận được các chủ đề này với các tư liệu hiện có có trong tay, nhưng nghiên cứu tập hợp cho đến nay cung cấp những đầu mối hấp dẫn rằng những nguồn thông tin mới đang chờ đợi trong lòng đất.
Lời cảm ơn
Phần lớn tư liệu quan trọng hình thành điểm then chốt của các diễn giải và tính toán trong bài này bắt nguồn từ các phát hiện trong cuộc điều tra điền dã hợp tác tiến hành ở Cổ Loa. Vì vậy, tôi rất biết ơn các thành viên của nhóm hợp tác bao gồm Viện Khảo cổ học (Việt Nam), Đại học Illinois ở Chicago, và Trung tâm Bảo tồn thành cổ Cổ Loa - Hà Nội, cũng như những nhà tài trợ cho dự án này, đó là Hội đồng các xã hội học thuật của Mỹ, Hội Triết học của Mỹ, Tổ chức Henry Luce, và Tổ chức Khoa học Quốc gia (American Council of Learned Societies, the American Philosophical Society, the Henry Luce Foundation, and the National Science Foundation). Trong khi soạn thảo những bản nháp của bài viết này, tôi rất biết ơn nhiều học giả - những người cung cấp những lời khuyên nghiên cứu vô giá và những người mang đến cho tôi thêm tài liệu liên quan. Tôi cám ơn Francis Allard, Elisabeth Bacus, Rowan Flad, Roland Fletcher, Laura Junker, Lawrence Keeley, Mark Kenoyer, T. R. Kidder, Marilynn Larew, Billy Parkinson, Sissel Schroeder, Jim Stoltman, Lothar von Falkenhausen, và Alice Yao. Tôi cũng cám ơn Elliot Abrams, Ben Marwick, và 5 nhà phê bình vô danh những lời nhận xét hữu ích và sâu sắc. Tôi đặc biệt biết ơn đối với sự giúp đỡ và bình luận của các biên tập viên do Gary Feinman và Linda Nicholas cung cấp, và tôi cám ơn cả Gary và Doug Price vì cơ hội viết bài này. Bất kỳ lỗi nào trong bài đều là của tôi.
 Dịch tiếng Anh sang tiếng Việt: Đào Tuyết Nga