Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2017

MỘT BẢN DICH NÔM ĐẦU ĐỜI LÝ : BẢN “PHẬT THUYẾT ĐẠI BÁO PHỤ MẪU ÂN TRỌNG KINH


                                  MỘT BẢN DICH NÔM ĐẦU ĐỜI LÝ :
               BẢN “PHẬT THUYẾT ĐẠI BÁO PHỤ MẪU ÂN TRỌNG KINH “   / 1 /
                    
                                                                                    ---Nguyễn Tài Cẩn ---

1/ Về bản kinh Hán dich Nôm này giới nghiên cứu đã bỏ nhìều công sức tìm hiểu / 2/ .Một số lớn chi tiết đã được mô tả khá tỉ mỉ , nhất là về tính chất cổ kính của nó Cổ kính hơn bất kì văn bản Nôm nào hiện biết . Nhưng về mặt  niên đại cụ thể của nó thì , tiếc thay , chưa ai xác định được rõ !
     Chúng tôi cũng đã có 2 bài  đưa ra về vấn đề này, nhưng do viết còn nhiều sơ hở , sai lầm nên nay tự thấy cần phải đính chính lại .

2/ Bản kinh dài khoảng  90 trang ,gồm hai phần chính: phần chữ Hán tương đối thống nhất trong toàn  vùng và phần dich Nôm do người Việt Nam thực hiện .  Phần chữ Hán thường giúp cho người đọc  luận ra ngữ nghĩa cổ và.kết cấu cổ của từ ngữ  Việt ; phần Nôm là một kho tàng về các tự dạng cần tìm hiểu : những lối viết chữ xa lạ với  số lượng khá nhiều , với cấu trúc 2 mã ; những tổ hợp ghép ; những mã đơn các lọai ;và các kiểu viết  tắt thế này thế nọ v.v.
   Nhưng ngoài ra ,cũng cần phải kể thêm một phần nữa , mà theo ý riêng , chúng ta phải đặc biệt coi trong và nghiên cứu tiếp :  đó là phần sửa chữa của người hiệu đính. Sửa chữa có khi sai ,có khi đúng , nhưng cái quí nhất là người hiệu đính rất tôn trọng văn bản cổ ,ít khi  tiến hành xóa bỏ hẳn một chữ nào .
    Cọng cả ba phần trên đây , nhìn chung , chúng ta cũng đã có tí chút vốn liếng , hi vọng có thể soi sáng ít nhiều cho vấn đề niên đại.


3/ Trong phần  chữ Hán khắc nét to  rõ ràng có 3 chữ thỉnh thoảng khắc theo lối đặc biệt :
---Chữ LỢI
                   *** 3 lần khắc bình  thường ở trang 25/b , ở trang  44/a và ở trang 45/a ;
                   *** 2 lần khắc hơi lạ , ở trang 25/a và ở trang  41/b ;
                   *** và 1 lần khắc  chắc chắn theo lối kiêng húy ở trang 6/a ( đảo vị trí +
                        gia dạng )
---Chữ TRẦN
                   *** 1 lần khắc bình thường ở trang 22/b ;
                   ***  2 lần khắc thành dạng ĐÔNG+VĂN  để kị húy ở trang 42/b và 43/a.

---Và chữ có thể đọc CAN  hay  CÀN :
                   ***  3 lần khắc bình thường ở 2 dòng trang 14/a và ở 1 dòng  trang 41/b ;
                   *** và 3 lần thay bộ phận KHẤT bên phải  bằng một sổ đứng đá móc lên   
                       ở trang 11/b,trang 18/a và trang  34/a .      

4/ Theo ý chúng tôi :
--- Dạng kị  húy của chữ LỢI  rõ ràng là vết tích của một bản khắc cổ đời Lê ;
--- Đầu đời Lê cũng có lệnh kiêng húy  chữ TRẦN nhưng kiêng bằng cách đổi chữ
     TRẦN thành chữ  TRÌNH , để dân chúng quên dần họ TRẦN đi. Ở đây có chủ
      trương  khác  : dùng lối kị húy đặc biệt “ ĐỒNG +VĂN “ để tôn trọng cái tên của
      dòng họ cầm quyền . Vậy  ĐỒNG +VĂN là vết tích kị húy của một bản  khắc đời
     Trần ;
--- Đời Trần cũng có chữ húy có thể  đọc CAN , hay CÀN  . Nhưng đời Trần
     CÀN là một chữ húy thứ yếu thuộc bên họ ngoại , Toàn Thư cho phép khi làm
     văn có thể chỉ viết bỏ bớt nét ;
         Trái lại , đời Lí  có 2 lần dùng chữ CÀN làm  tên húy  cổ hơn ,  sử sách đều  đã
          có ghi rõ : 
     a)Trong Toàn thư ,CÀN là chữ thứ 2 trong tên tước  PHỤNG CÀN VƯƠNG
         của Trần Liễu, tước hiệu này ông được ban từ khi còn làm quan dưới trìều Lý ;
     b)Trong Thiền uyển tập anh , lại có 2 chỗ nói đến một người đời Lí trùng tên tước 
         với Trần Liễu : đó là PHỤNG CÀN VƯƠNG  Lý Nhật Trung  con vua Lý Thái
         Tông ( 1028--1054  )../3/
     So sánh 3 trường hợp ,  tên húy một người con của  vua Lý , lại là hoàng tử duy nhất được phong tước vương ,thì rõ ràng đó là tên húy quan trọng hơn cả . Hơn nữa, vị hoàng tử này --Lý Nhật Trung -- lại là một nhân vật chính trị , sử  sách đã mấy lần  phải nói đến .Theo Toàn thư tên tước PHỤNG CÀN VƯƠNG của ông  được đặt ra năm 1035. Vậy CÀN chắc chắn là  tên húy nổi bật nhất của khoảng  đầu đời Lý  .

5/Đinh niên đại của chữ CÀN  như vậy  ,theo ý chúng tôi , cũng là gợi lên hướng xác  định niên đại của toàn bộ bộ kinh .Có chữ CÀN  kị húy tức là có việc dịch kinh,việc in kinh . Chữ CÀN đã gắn với khoảng đầu thế kỉ 11 thì toàn bộ bản kinh cũng vậy .Đây phải  là một bản kinh cổ , cơ bản dich đầu đời Lý, mang phong cách từ ngữ và văn tự của đầu đời Lý  .
Đến đời Trần ,  đời Lê ,khi cần chép lại , người ta vẫn hầu như chép nguyên như cũ.
Lệ ngọai cũng có  nhưng đó chỉ là sự thay đổi cách viết ở đôi ba chữ để kiêng húy .
Cũng có thể  đã để xảy ra  một số  thay đổi lẻ tẻ nào đó nữa , nhưng điều  đó không có tác động  gì đáng kể về mặt niên đại .  

6/ Nếu  phần chữ Hán trên đây đã giúp chúng ta xác định niên đại  bằng chữ húy thì phân Nôm và phần đính chính lại giúp chúng ta  đoán ra niên đại  bằng đặc điểm các từ ngữ của chúng .
 Theo thống kê của một nhà chuyên môn  Nhật Bản, thì trong bản Kinh này :
---có  19 tổ hợp phụ âm ( 20 trừ 1 lệ ngọai ) với  cách ghi Nôm cụ thể ,độc nhất vô nhị ,không còn đâu gặp nữa , ví dụ:
     *** Bl     : như ở  BA LỮ         (=blở > trở )
     *** Khl   : như ở  KHẢ LIỆT   ( =Khlắt /Rục /  >sắt )
     *** Phl   : như ở  PHA LẬT    (= blat /A.D.Rhodes />trật )
     *** Ml     : như ở   MA LÂN    (= plăn / RỤC / >lăn )
     *** Kl     :  như ở  CỰ LĂNG  (  sưng )
---Và  khoảng gần 50 từ song âm ( cũng gọi là“ từ hai mã” ) mà tuyệt đai đa số ( chỉ
trừ 2 lệ ngọai ! ) đều chưa từng  gặp  một cách trùng lặp trong bất kỳ  tác phẩm  một trìều  đại nào ,kể từ đời Nguyễn,  đến các đời Lê,Trần   ,ví dụ như:

    ***(CON ) RẮN  ghi Nôm là PHÁ TÁN ( so sánh vơi TẮN của Nghệ Tĩnh , THẮN 
         hoặc XẮN của  Mường ; hoặc  PUXI-NH  của Rục )
    ***MĂNG  trong MẮNG TIN  với nghĩa là “nghe”: ghi Nôm là  XA MÃNG ( ở Rục là
         CHA-MĂNG)
    ***THẦY  ghi Nôm là XẤ LẠI  ( so sánh với XƠ RƠI âm cổ  chữ SƯ trong tiếng
         Hán )
    ***VUI  ghi Nôm là  TƯ BÔI ( so sánh với BUI của HUÊ, hoặc  BUI, PUI,PHUI
         Mường ). Ở Rục là TA  PUI

Vậy  gần  70 cách ghi Nôm hiểm hóc , hiếm có trong 2 danh sách này là từ đâu mà
ra ? Tất nhiên là từ các  cây bút sáng tạo của các nhà sư giỏi Hán-Nôm .Nhưng như đã nói, đó phải là các nhà sư đời Lý với những  phong cách viết  Nôm khác hẳn   3 giai đọan Nguyễn ,Lê, Trần.   Khác , vì  đây  có lẽ là 70  trường hợp chính sư nhà Lý đã tự nghĩ ra đầu tiên , rồi các đời sau đổi cách viết  đi , chỉ bắt chước theo kiểu Lý ở đôi ba chữ lẻ tẻ mà thôi .
     Nói sư đời Lý  cũng dễ hiểu  . Họ  Lý xuất thân từ cửa Phật .Họ đã cử người  đi xin kinh Tam Tạng (1020) ,đã xây chùa (1024), tổ chức việc chép kinh (1027 ) ,đúc quả chuông vạn cân (1033)  , đã dựng kho Trùng Hưng để chứa kinh.(1934).thì  chắc chắn họ cũng rất quan tâm đến cả.việc dịch kinh ..
    Rất có thể, năm 1035 ,khi hoàng tử Lý Nhật Trung được phong tước PHUNG CÀN VƯƠNG , ông đã  được giao cho  tổ chức việc dích kinh , in kinh ,nên các nhà sư kính nể ,  đã đưa chữ CÀN của ông vào kị húy trong bản dich.

7/Cuối cùng cũng cần nhắc nhở nhau một điều là :chữ Nôm thời Lý mới hình thành, chưa có nhiều kiểu lọai văn bản pha tạp : chữ TRẢ // GIẢ bao giờ cũng viềt thành BẢ
( < Blả); chữ TRONG bao giờ cũng viết thành CÔNG ( < Klong ). Nếu so sánh 93 chữTRONG của bản PHẬT THUYẾT với cách viết TRONG ở các đời sau ( thơ QUỐC ÂM của Nguyễn Trãi ,CHỈ NAM NGỌC ÂM v.v. ) thì  ai cũng dễ  nhận thấy bản PHÂT THUYẾT có một phong cách viết  CÔNG > TRONG  hết sức thống nhất ,
hết sức nhất quán , có thể tạm gọi đó là phong cách NÔM ĐỜI LÝ /5/ . Hễ thấy một tài liệuTRONG khi viết CÔNG , khi  viết cả NỘI + LONG hoặc LONG + TRUNG v.v.  thì biết chắc đó không còn là một văn bản thế kỷ 11, 12 nữa .


8/Đến đây xin tạm có một  vài kết luận :
Bản PHẬT THUYẾT ĐẠI BÁO PHỤ MẪU ÂN TRỌNG KINH  mà ta hiện có là một bản quí ở cả phần Hán  ở cả phần Nôm . Quí nhiều mặt , nhưng ở đây chúng tôi chỉ tạm xin nhấn mạnh 2 điểm :
---Phần chữ Hán quí ở chỗ nó còn giữ lại cho chúng ta ba hiện tượng kị húy do ba lần in và sao chép đã đưa lại : kị húy chữ CÀN lần dịch đầu đời Lý ,; kị húy chữ TRẦN lần chép đời Trần và kị húy chữ LỢI lần chép  lại đầu Lê .
---Phần chữ Nôm lại quí ở chỗ nó còn giữ được về cơ bản một bóng dáng về ngôn ngữ và về văn tự  Vịêt Nam của khoảng thế kỉ 11 hay  nói rộng ra hơn của khoảng
từ đầu độc lập đến đầu đời Lý,
Từ nay chúng ta có thể không cần nói đến truyền thuyết về Hàn Thuyên , Nguyễn Sĩ Cố hay Chu Văn An  về sự xuất hiện của chữ Nôm nữa .Vì hiện nay chúng ta đã có trong tay bản PHẬT THUYẾT....một văn bản Nôm , một hệ thống chữ Nôm sớm hơn vài thế kỷ.

==============================
CHÚ THÍCH :
1/Bản này ,vào những năm 1922--1924 G.S. Demieville đã mua được và mang về Pháp .
 Hiện nó được giữ tại Hội Á châu học , với kí hiệu   PD. 2350.
Anh  Tạ Trọng Hiệp đã có công lớn bồi dán lại rồi sao chụp , mang nó về nước  năm 1979.
2/ Xin xem chẳng hạn hai công trình :
---Hoàng Thi Ngọ --Chữ Nôm và tiếng Vịêt qua bản giải âm PHẬT THUYẾT ĐẠI BÁO PHỤ MẪU ĂN TRỌNG KINH --Hà Nội ,1999
---Masaaki SHIMIZU --On the CHU NOM characters  contained in Sino-Vietnamese
text of PHAT THUYET DAI BAO PHU MAU AN TRONG KINH bản tiếng Nhật , năm 1996
3/Xin xem :Ngô Đức Thọ--CHỮ HÚY VIỆT NAM QUA CÁC TRIỀU ĐẠI--Hà Nội ,1997.
Ngô Đức Thọ  cho rằng 3 dạng kị húy của chữ CÀN khá bất thường ,nhưng ta có thể lập luận như sau :3 trường hợp ấy  căn cứ ý nghĩa trong câu đều phải kết luận vốn là 3 chữ CAN ( phải dịch  Nôm  là “ khô ráo “ ). Mà về mặt tự  dạng  thì rõ ràng  CAN không khác CÀN !


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét