NHẬN THỨC VỀ QUỐC NGỮ Ở VIỆT NAM
VÀ VIỆT NGỮ HỌC Ở VIỆT NAM THỜI CẬN ĐẠI
Vũ Đức Nghiệu
1. Bối cảnh ngôn ngữ của tiếng Việt qua các phân kì lịch sử.
1.1. Hiện nay, tiếng Việt
là Quốc ngữ (National language) của Việt
Nam .
Hệ thống chữ viết cho nó hiện nay là bảng chữ Latin (được sáng tạo tác từ thế
kỉ XVII).
Tiếng Việt là ngôn ngữ của
người Việt (Kinh) - dân tộc đông người nhất của Việt Nam , một quốc gia có nhiều tộc
người. Về nguồn gốc, Việt ngữ thuộc tiểu chi Việt Mường (cũng có người gọi là
tiểu chi Việt Chứt hoặc Vietic), ngành
Môn Khme, ngữ hệ Nam Á [x. 1. 2. 3. 4. 8. 12].
Lịch sử tiếng Việt kể từ
khi ngôn ngữ Việt-Mường chung rạn nứt, chia tách, trở thành hai ngôn ngữ riêng
(vào khoảng thế kỉ VIII - IX, do tác động, ảnh hưởng rất mạnh mẽ và sâu sắc từ
tiếp xúc với tiếng Hán ), có thể được phân kì như sau [9]:
1) Giai đoạn tiếng Tiền Việt: khoảng thế kỷ VIII
- IX.
Lúc này vẫn là thời kì Bắc
thuộc. Đất nước chưa độc lập, xã hội có hai ngôn ngữ: tiếng Hán của tầng lớp
cai trị và tiếng Việt của người Việt. Chữ viết có một hệ: chữ Hán.
2) Giai đoạn tiếng Việt tiền cổ: khoảng thế kỷ X
- XI - XII.
Lúc này có hai ngôn ngữ: tiếng
Việt - ngôn ngữ nói của dân bản địa; tầng lớp cai trị cũng sử dụng; và văn ngôn
Hán. Chữ viết có một hệ là chữ Hán.
3) Giai đoạn tiếng Việt cổ: khoảng thế kỷ XIII -
XIV - XV - XVI.
Có hai ngôn ngữ: Tiếng
Việt và văn ngôn Hán. Chữ viết có hai hệ: chữ Hán và chữ Nôm (chữ viết do người
Việt dùng chất liệu là chữ Hán sáng tạo ra, để ghi âm tiếng Việt).
4) Giai đoạn tiếng Việt trung đại: khoảng thế kỷ
XVII-XVIII- nửa đầu thế kỷ XIX.
Có hai ngôn ngữ: Tiếng
Việt và văn ngôn Hán. Chữ viết có ba hệ: chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ (bảng chữ
Latin, hình thành nhờ các nhà truyền giáo người châu Âu)
5) Giai đoạn tiếng Việt
cận đại: nửa sau thế kỉ XIX và nửa đầu thế kỉ XX.
Việt Nam thuộc Pháp. Trong xã hội có ba
ngôn ngữ: Việt, Pháp, văn ngôn Hán và bốn hệ chữ viết: chữ Pháp, chữ Hán, chữ
Nôm, chữ Quốc ngữ. Ba ngôn ngữ, bốn hệ văn tự đó cùng tồn tại nhưng hành chức
không bình đẳng. Tiếng Việt dùng trong giao tiếp khẩu ngữ hàng ngày.
Người Pháp lật đổ vai trò
của chữ Hán, chữ Nôm, để thay vào đó là tiếng Pháp, chữ Pháp và hệ thống chữ
Quốc ngữ theo mẫu tự Latin .
6) Tiếng Việt hiện nay: từ 1945 trở lại đây.
Ngôn ngữ quốc gia: tiếng
Việt; và một hệ chữ viết: chữ Quốc ngữ.
1.2. Mấy nhận xét về tình
thế tồn tại, phát triển của Việt ngữ.
1.2.1. Trong lịch sử
hình thành và phát triển của mình, tiếng Việt có quá trình tiếp xúc rất
lâu dài và sâu sắc với các ngôn ngữ Thái và đặc biệt là tiếng Hán, rồi về sau là
tiếp xúc với tiếng Pháp. Trên cơ tầng Môn-Khmer (Monkhmer substrate) của mình, Việt ngữ đã vay mượn rất nhiều từ ngữ
(mặt từ vựng) và chịu ảnh hưởng rất sâu sắc về mặt hình thái từ các ngôn ngữ
Hán và Thái (khoảng 65% từ vựng của Việt ngữ có nguồn gốc Hán) .
1.2.2. Từ tiếng Việt tiền cổ (khoảng thế kỷ X - XI -
XII), phát triển liên tục qua các giai đoạn cho đến tận ngày nay, Việt ngữ luôn
luôn là một ngôn ngữ thống nhất, kể cả trong quá trình mở đất về phương Nam,
hình thành các phương ngữ, lẫn khi đất nước bị ngoại bang trực trị hay bị chia
cắt trong những khoảng thời gian khá dài. Có hai biểu hiện rõ ràng của tính
thống nhất đó, là:
Thứ nhất, năm 938, với nền
độc lập giành được từ tay người phương Bắc, các triều đại Việt Nam :
Ngô, Đinh, Lý, Trần , Lê... nối nhau cai quản đất nước. Công cuộc mở rộng bờ
cõi làm cho biên giới nước Đại Việt bắt đầu từ đời Lý, Trần mở dần về phương Nam ;
và kèm theo đó, người Việt (Kinh) cũng
tiến dần vào những vùng đất mới.
Người Việt mở cõi đến đâu,
tiếng Việt sẽ có tiếp xúc với những ngôn ngữ bản địa đến đó, vửa ảnh hưởng tới các ngôn ngữ đó, lại
vừa tiếp thu những cái mà nó cần, để bổ sung cho chính mình. Sự tiếp xúc, hoà
trộn, tác động, ảnh hưởng ngôn ngữ với những mức độ không giống nhau đã góp
phần làm nảy sinh các phương ngữ.
Về sau này, khi có các
cuộc di dân giữa các vùng miền khác nhau diễn ra thì sự tiếp xúc, hoà trộn
tiếng nói giữa các vùng miền đó cũng tiếp tục như vậy.
Điều quan trọng phải nhấn
mạnh ở đây là các phương ngữ trên lãnh thổ Việt Nam chủ yếu khác biệt nhau ở
một bộ phận ngữ âm, phần nhỏ nào đó là từ vựng (điều này là tất yếu), nên không
có sự gián cách trong giao tiếp giữa dân cư ở các vùng phương ngữ và vùng địa
lý khác nhau.
Thứ hai, trong lịch sử,
đất nước Việt Nam có hai lần thực sự bị chia cắt: lần thứ nhất, từ khoảng giữa thế
kỉ XVI đến cuối thế kỉ XVIII chia thành Đàng Ngoài do vua Lê, chúa Trịnh cai
quản, thủ đô là Thăng Long và Đàng Trong do các đời chúa Nguyễn cai quản; lần
thứ hai từ 1954 đến 1975.
Trong thời gian bị chia
cắt lần thứ nhất, thực tiễn ngôn ngữ, văn hoá và văn tự, là: Bộ máy nhà nước và
các giao tiếp hành chính vẫn sử dụng văn ngôn (tiếng Hán Việt, chữ Hán) và coi
đó là ngôn ngữ viết chính thống trên bình diện hành chính quốc gia. Các loại
sách (y học, lịch sử, sáng tác thơ văn…) đều được viết bằng chữ Hán, tạo nên
nền Hán văn Việt Nam
thời Lê, Nguyễn rất lớn và phát triển tới đỉnh cao của nó. Trong khi đó, ngôn
ngữ nói hàng ngày của toàn xã hội ở cả hai xứ vẫn là tiếng Việt.
Lần bị chia cắt thứ hai thành
hai miền Nam, Bắc, với hai thể chế chính trị khác nhau, thực trạng ngôn ngữ và
chữ viết trên toàn cõi Việt Nam vẫn là: một ngôn ngữ chính thức mang tính quốc
gia ở cả hai miền - tiếng Việt; và một chữ viết chính thức - chữ Quốc ngữ.
Khi đất nước tái thống
nhất (1975), việc thống nhất ngôn ngữ gần như không phải là vấn đề cần phải đặt
ra vì tính thống nhất tự thân của tiếng Việt; còn sự đa dạng về hình thức trong
các biến thể địa phương có những dị biệt nào đó, đều là “tiểu dị” không gây khó
khăn đến mức cản trở cho giao tiếp trên phạm vi toàn xã hội. Tất nhiên, chính
sách giáo dục ngôn ngữ để phát triển ngôn ngữ dân tộc và xây dựng chuẩn mực
ngôn ngữ vẫn là những can thiệp mang tính định hướng cần thiết.
1.3. Sự nhận thức xã hội
về vị trí và vai trò của Việt ngữ.
Sự nhận thức về vai trò,
địa vị xã hội của Việt ngữ trong xã hội Việt Nam , vừa có mặt đơn giản lại vừa có
mặt phức tạp. Điều đó thể hiện ở mấy điểm sau:
1.3.1. Đối với ngôn ngữ (tiếng
nói).
- Trong tâm thức người
Việt cũng như trong thực tế lịch sử xã hội, từ trước tới nay, tiếng Việt bao
giờ cũng là ngôn ngữ chính được sử dụng trong giao tiếp xã hội, giao tiếp liên
nhân hàng ngày của mọi người dân. Tuy nhiên, ngôn ngữ chính thức trong giao
tiếp hành chính, chính thống, mang tính quan phương của nhà nước, lại là một
vấn đề khác.
- Quá trình bị người Hán
trực trị và sự tiếp xúc Hán - Việt trên dưới một nghìn năm đã đem đến cho tiếng
Việt những tác động ngôn ngữ cực kì to lớn, sâu sắc và đem đến cho người Việt
những tâm thế ứng xử về mặt ngôn ngữ - xã hội đối với tiếng Hán (văn ngôn) hết
sức đặc biệt. Trải qua các giai đoạn lịch sử, kể cả khi đã giành được độc lập,
người Việt (do chính sách của các tầng lớp cầm quyền và định hướng tâm lý của
giới trí thức) vẫn coi và sử dụng văn ngôn là ngôn ngữ chính thống trong các
giao tiếp quốc gia, trong ngoại giao với phương Bắc, trong giáo dục đào tạo,
thi cử, học hành, hành chính, pháp luật ... cho đến tận đầu thế kỉ XX, khi văn
ngôn Hán dần dần bị tiếng Pháp và hệ chữ viết Latin chiếm ngôi.
- Sau văn ngôn (Hán), đến
lượt tiếng Pháp, trong thời gian Việt Nam thuộc Pháp, được quy định bắt buộc sử dụng làm ngôn ngữ
chính thức trong các giao tiếp hành chính quốc gia; và từng bước, là chữ Quốc
ngữ (ghi tiếng Việt) .
- Từ năm 1945, khi nước
Việt Nam
mới, độc lập ra đời, tiếng Việt thực sự giữ địa vị chính thức của ngôn ngữ quốc
gia.
1.3.2. Đối với văn tự.
- Chữ Hán (đọc theo âm Hán
Việt) được sử dụng sớm nhất, chiếm vị trí chính thống lâu nhất. Việt Nam
hiện còn cả một kho tàng lớn các trước tác bằng Hán văn đời Lý, đời Trần, đời
Lê (thường được gọi chung hơn là nền Hán văn Lý, Trần và Hán văn đời Lê). Đó là
một kho tài sản có giá trị văn hoá rất cao trong nền văn hiến của dân tộc.
- Chữ Nôm tuy được sáng
tạo ra và sử dụng sớm hơn chữ quốc ngữ rất nhiều, nhưng chưa bao giờ được coi
là hệ văn tự mang tính chính thống, mặc dù nền văn học sáng tác bằng tiếng
Việt, viết bằng chữ Nôm thời cổ, trung đại phát triển rực rỡ với nhiều tác phẩm
có giá trị hàng đầu của đất nước.
- Chữ Quốc ngữ chỉ có được
vị trí là văn tự chính thức của quốc gia từ khi tiếng Việt được xác định là giữ
vị trí này. Khi chữ Nôm, rồi chữ Quốc ngữ ra đời, cùng với chữ Hán, và cả chữ
Pháp về sau (tuy vai trò của chữ Pháp có ít hơn nhiều), tất cả các hệ thống này
đều cùng hoạt động, cùng được sử dụng, nhưng với những vai trò khác nhau và chủ
thể sử dụng không giống nhau.
Từ giữa thế kỉ XX đến nay,
tiếng Việt và chữ Quốc ngữ giữ vai trò ngôn ngữ và chữ viết quốc gia; nhưng vẫn
có một bộ phận dân chúng, trí thức được đào tạo để sử dụng chữ Hán, chữ Nôm với
tư cách là hai hệ thống cổ tự để khai thác, giữ gìn, phát huy giá trị của kho
tàng văn hoá cổ được lưu giữ tại những văn bản được ghi chép bằng hai hệ thống chữ
viết này.
1.3.3. Về việc xác định tiếng Việt chuẩn.
Cho đến nay, chưa có một
qui định chính thức nào về tiếng Việt chuẩn; mà nếu coi tiếng Việt theo chính
tả là chuẩn thì lại phi thực tiễn. Giữa các tiếng địa phương, ngữ pháp đã thống
nhất từ lâu, chỉ có một số dị biệt về từ vựng và những dị biệt về ngữ âm. Người
Việt ở các địa phương khác nhau không hề bị gián cách giao tiếp bởi tiếng nói địa
phương. Các tiếng địa phương trên lãnh thổ Việt Nam
có thể được qui thành ba vùng phương ngữ lớn: Phương ngữ Bắc với trung tâm là
Hà Nội, phương ngữ Nam
với trung tâm là Sài Gòn và phương ngữ Trung. Phương ngữ Bắc và phương ngữ Nam lớn
hơn cả và phương ngữ nào cũng có mặt mạnh, mặt khiếm khuyết của nó.
Từ trước đến nay, trong
tâm lý xã hội, tiếng Kẻ Chợ - Thăng Long - Hà Nội vẫn thường được coi như có uy
tín xã hội hơn cả, vì mấy lý do chính sau đây:
- Nó thể hiện được tất cả
các vần, toàn bộ sáu thanh điệu và chỉ bị mất đối lập ở một số phụ âm đầu.
- Nó đã và đang tiếp tục
giữ vị trí hàng đầu trong vai trò làm chất liệu cho ngôn ngữ văn học và thể
hiện vai trò chính cho một hình dung về tiếng Việt “phổ thông”.
Tuy nhiên, việc xác định
và xây dựng một ngôn ngữ chuẩn khó lòng thực hiện được bằng các loại mệnh lệnh.
Hiện tại, trên phương diện hành chính quốc gia và trên các phương tiện truyền
thông cũng như lĩnh vực dạy tiếng Việt, phương ngữ Bắc (đại diện là tiếng Hà
Nội) thường được lựa chọn; và bên cạnh đó, phương ngữ Nam (đại diện là tiếng
Sài Gòn) cũng vẫn được sử dụng một cách tự nhiên và bình thường.
2. Việt ngữ học thời cận đại.
Thời cận đại mà chúng tôi nói đến ở đây là khoảng thời gian từ giữa
thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX, ứng với giai đoạn tiếng Việt cận đại.
Trên thực tế, từ giữa thế kỉ XIX trở về trước, nghiên cứu về Việt
ngữ học gần như chưa có thành tựu gì đáng kể. Từ khi người Pháp cai trị Việt Nam (khoảng
80 năm, vào nửa sau thế kỉ XIX, nửa đầu thế kỉ XX) quá trình tiếp xúc Việt -
Pháp diễn ra. Trường học Pháp được mở tại Việt Nam , nhất là từ sau khi Quy chế chung của Bộ quốc dân giáo dục ở Đông dương được Albert
Sarraut kí ban hành ngày 21. 12. 1917 [x. 11].
Trong bối cảnh đó, một số học giả người châu Âu nói chung, người
Pháp nói riêng bắt đầu nghiên cứu về Việt Nam , trong đó có Việt ngữ học. Các
học giả, trí thức người Việt cũng lưu tâm hơn trong nghiên cứu về văn hoá và
ngôn ngữ của dân tộc mình.
2.1. Việt ngữ học nửa cuối
thế kỉ XIX.
Trong giai đoạn này, những
nghiên cứu về Việt ngữ học bắt đầu được các học giả người Pháp thực hiện. Lĩnh
vực có kết quả đáng kể, chủ yếu thuộc về từ điển học, sách dạy - học tiếng, một
số khảo cứu về ngữ âm, ngữ pháp, chữ viết. Một vài học giả ở ngoài Việt Nam cũng
đã đề cập đến việc nghiên cứu nguồn gốc tiếng Việt.
2.1.1. Lĩnh vực và những
kết quả đầu tiên cần được kể đến trong giai đoạn này là một loạt từ điển song
ngữ được biên soạn để phục vụ nhu cầu dạy và học tiếng. Ví dụ, 6 từ điển Pháp -
Việt hoặc Việt – Pháp đã được biên soạn nhờ công sức của những người như: G.
Aubaret (1867), G. Pautier (1867), Theurel
(1877), Ravier (1880), J.F.M. Genibrel (1898), Jean Bonet (1899) ...
Các học giả Việt Nam ,
một số tiếp tục biên soạn tự điển Hán - Việt theo truyền thống cũ như: Nhật dụng thường đàm (Phạm Đình Hổ, 1851).
Đại Nam
quốc ngữ (Nguyễn Văn San,
1899). Nam
phương danh vật bị khảo (Đặng
Xuân Bảng, 1901). Tự Đức thánh chế tự học giải nghĩa ca (gọi tắt là Tự
học giải nghĩa ca) (vua Tự Đức, 1898).
Một số khác cũng bắt đầu biên soạn từ điển đối chiếu song ngữ Pháp - Việt hoặc
Việt – Pháp. Ví dụ: Petit Dictionaire
Francais - Annamite (Trương Vĩnh Ký. Saigon ,
Impr. De la Mission. 1884). Vocabulaire
Annamite - Francais. Mots usuels, noms techniques, scientifiques et termes
administratifs. (Trương Vĩnh Ký. Saigon , Rey
et Curiol, 1887).
Những từ điển do các học
giả trên đây biên soạn, tuy mới chỉ là từ điển cỡ nhỏ, nhưng rất có ý nghĩa cả
về thực tiễn lẫn lý luận đối với việc hình thành và phát triển của từ điển học,
Việt ngữ học ở Việt Nam .
Riêng Huình Tịnh Paulus Của biên soạn bộ tự điển Đại Nam quấc âm tự
vị có qui mô khá lớn (Saigon Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4, rue d’
Adran, 4. 1895-1896), là một thành công rất đáng kể trong từ điển học Việt Nam .
2.1.2. Song song với việc
biên soạn các từ điển là việc biên soạn các sách dạy tiếng và biên khảo, miêu
tả, phân tích về tiếng Việt. Mặc dù lúc này tại Việt Nam chưa phát triển về lý
luận của khoa học dạy tiếng, nhưng các học giả Pháp và Việt Nam đã rất chú ý
đến việc biên soạn các sách dạy thực hành tiếng, biên khảo những sách nghiên
cứu về cấu trúc của Việt ngữ, đặc biệt là nghiên cứu ngữ pháp, ngữ âm và một số
lĩnh vực khác của nó. Ví dụ: G. Aubaret (1864). Trương Vĩnh Ký (1868, 1894). A.
Cheon (1901) ...
Một
số nghiên cứu về Việt ngữ nói chung và ngữ pháp tiếng Việt, về chữ viết ... như
các công trình của Trương Vĩnh Ký, C. Guill et Martion, Gouzien Dr Paul ... cũng đã được
thực hiện và công bố. Ví dụ:
Grammaire de la langue annamite.
G. Aubaret. Paris, 1864. Cours pratique
de langue annamite. Trương Vĩnh Ký.
Saigon Imp.1868. Cours d’annamite
parlé (vulgaire). Trương Vĩnh Ký.
Saigon, 1894. Cours de langue
annamite. A. Cheon. Hà Nội, 1901. Abrégé de grammaire Annamite. Trương Vĩnh Ký. Saigon, 1867. Grammaire de la langue Annamite. Trương Vĩnh Ký. Saigon , C.
Guill et Martion, 1883. L’intonation et
la prononciation annamite. Gouzien Dr Paul. Paris, 1897. Méthode de langue annamite (dialecte
tonkinois) . Ed. Nordeman. Hanoi, 1898. Ecriture en Annam. Trương
Vĩnh Ký. Bulletin de la Société dé Estudes Indochinoises de Saigon, 1888.
Nhìn
chung, từ việc nghiên cứu xây dựng từ điển đến việc nghiên cứu, biên soạn sách
dạy tiếng, nghiên cứu miêu tả và phân tích tiếng Việt ở bước khởi đầu này của
Việt ngữ học, phần nhiều là do các học giả người châu Âu khởi xướng, thực hiện.
2.1.3.
Cũng trong giai đoạn cuối thế kỉ XIX, vấn đề nguồn gốc tiếng Việt đã được một số học giả người nước ngoài, ở ngoài Việt Nam
đề cập; nhưng thực ra, vấn đề đó chưa được
nghiên cứu một cách độc lập trong những công trình khảo cứu chuyên biệt. Vì
thế, nguồn ngữ liệu nghiên cứu về nguồn gốc tiếng Việt hoàn toàn chưa
đầy đủ và nhiều nhận xét, kết luận, ít nhiều mới chỉ được nêu ra như một giả thuyết. Ví
dụ, các nghiên cứu của J.R. Logan (1882): Ethnology of the Indo-Pacific
Islands và của C.J.S. Forbes (1881),
Himly (1884), Fr. Muller (1888, 1905),
E. Kuhn (1889), W. Schmidt (1905) [x. 6].
2.2.
Việt ngữ học đầu thế kỉ XX.
Sang
đầu thế kỉ XX, các nghiên cứu về Việt ngữ học được đẩy mạnh hơn. Mặc dù nghiên
cứu và đào tạo về Việt ngữ học lúc này chưa được tổ chức một cách có hệ thống
trong các cơ sở giáo dục, đào tạo và nghiên cứu, nhưng các học giả Việt Nam đã
rất quan tâm đến lĩnh vực này. Họ đã có được những thành quả khá đa dạng và rất
đáng trân trọng, được công bố trên những tạp chí lớn phổ biến nhất thời đó như Nam phong, Tri tân, Thanh nghị. Ví dụ: Trên
Nam phong tạp chí [13] (viết tắt; NP),
210 số, từ năm 1917 đến 1934, có đến trên
40 bài về Việt ngữ học. Trên Tri tân [14]
(viết tắt: TrT), 112 số, từ năm 1941 đến 1945 và 02 số năm 1946, có trên
60 bài (trong đó có những bài đăng trong nhiều số liên tục). Dưới đây, chúng
tôi xin nêu một số công việc và dung nghiên cứu cụ thể.
2.2.1.
Bên cạnh việc tiếp tục biên soạn các từ điển như ở giai đoạn trước, đến giai
đoạn này, các nghiên cứu về từ, từ điển học, sáng tạo từ mới và xây dựng thuật
ngữ cho các ngành khoa học; các ý kiến thảo luận về lý luận và phương pháp biên
soạn từ điển ... (tuy chưa thật chuyên sâu như khi các lý luận hữu quan đã phát
triển mạnh về sau này), đã bắt đầu được chính một số học giả Việt Nam khởi
xướng. Ví dụ, trên Nam phong có 03
bài của Phạm Quỳnh, một bài của Trúc Pha, trên Tri tân có khoảng trên 20 bài của các học giả như Nguyễn Văn Tố, Hoa Bằng, Nguyễn Trọng Thuyết, Lê Thanh, Phiên Thúc, Trần Cảnh Hảo, Đào Trọng
Đủ ...
2.2.2.
Biên soạn các sách dạy - học tiếng và nghiên cứu về ngữ pháp.
a
) Đầu thế kỉ XX, sách dạy - học tiếng và những nghiên cứu về ngữ pháp, ngữ âm
tiếng Việt, vẫn chủ yếu do các học giả người Pháp biên soạn. Điều này có lẽ
xuất phát từ truyền thống và nhu cầu của chính họ. Công nghệ dạy và học ngoại
ngữ, biên soạn các tài liệu dạy và học tiếng vốn có truyền thống lâu đời từ
chính châu Âu và nước Pháp. Dần dần về sau, các sách dạy-học tiếng đó hẳn đã
tác động và ảnh hưởng tới các học giả Việt Nam khi họ tiếp thu kinh nghiệm và
chịu ảnh hưởng (cách này hay cách khác) từ các công trình và xu hướng nghiên cứu của
châu Âu, mà đại diện cụ thể là người Pháp. Kết quả là hàng loạt sách dạy-học
tiếng của các tác giả như: A. Chéon (1904), A.
Bouchet (1908), J. Roux (1909),
M. Dubois (1910), V. Barbier (1925), G. Cordier (1932), Lê văn Lý (1948), R.
Bulteau (1950) ... đã được biên soạn và công bố.
b
). Đối với những nghiên cứu chuyên biệt về ngữ pháp tiếng Việt, một lĩnh vực
cực kì quan trọng, cần phải nói rằng, trong nửa đầu thế kỉ XX, những thành tựu
về lí thuyết và thực tiễn nghiên cứu còn rất ít và cũng gần như chủ yếu là do
các học giả người châu Âu thực hiện. Họ đã đem khuôn mẫu ngữ pháp các ngôn ngữ
châu Âu áp dụng vào nghiên cứu tiếng Việt và cố “ép” ngữ liệu Việt vào khuôn
mẫu đó. Các học giả Việt Nam, đến lượt mình, tiếp thu lý thuyết ngữ pháp châu
Âu, cũng làm như thế, nên nội dung miêu tả cơ cấu ngữ pháp tiếng Việt cũng
không có khác biệt gì đáng kể. Kết quả là, tất cả các khung lý thuyết trong các
công trình nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt đó đều không thoát ra ngoài khung
lý thuyết ngữ pháp châu Âu (lấy từ làm đơn
vị trung tâm của các phân tích, phân loại từ và xác định từ loại theo những đăc
trưng hình thái của chúng, xác định câu và thành phân câu, phân loại các kiểu
câu theo cấu trúc ...).
Có
thể kể ra những công trình nghiên cứu tiêu biểu ở đây như: Eléments de grammaire annamite (Ed. Diguet; Imp. Nationale, Paris, 1904) Études
sur la langue annamite (M. Grammont, Le Quang Trinh; M. S. L.; Paris 1911)
; Sách mẹo tiếng Nam (Nguyễn Hiệt
Chi, Lê Thước, Hà Nội, 1935) ; Việt nam văn phạm (Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Phạm Duy Khiêm; Hà nội,
1940) ; Khảo cứu về tiếng Việt Nam
(Trà Ngân - Lê Ngọc Vượng; Hà Nội, 1942 - 1943) ; Lược khảo Việt ngữ (Lê Văn Nựu; Hà Nội, 1942) ; Cours d’ annamite (B. Bulteau; Paris, Larouse, 1950) ...
Đầu thập kỉ 40 của thế kỉ XX, tạp chí Tri tân cũng công bố một số bài nghiên
cứu về ngữ pháp như: Mẹo
tiếng ta (Vệ Thạch Đào Duy Anh. TrT, S.2), Phác sơ về mẹo tiếng ta (Đào Duy Anh.
TrT, S. 2, S.10, S.13, S.14, S.15), Lược
khảo Việt ngữ (Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố. TrT, S.79), Khảo về tiếng ta (Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố. TrT, S.125), Một kiến giải về tiếng ta (Long Điền.
TrT, S.136) …
Từ khoảng năm 1945 trở về sau, tình hình nghiên cứu
ngữ pháp tiếng Việt có được cải thiện và đổi mới hơn ở công trình Le parler
Vietnamien (Imp. esd. Hương Anh.
Paris, 1948) của Cụ Linh mục Lê văn Lý; và tiếp sau đó là Việt ngữ nghiên cứu của Phan Khôi năm 1955.
2.2.3.
Nghiên cứu thảo luận về vị trí, vai trò của tiếng Việt đối với nền giáo dục,
văn hoá, văn học dân tộc, (bao hàm trong khái niệm quốc văn Việt Nam).
Trong
bối cảnh và tình thế ngôn ngữ tay ba giữa tiếng Việt (cùng với chữ Quốc ngữ) -
tiếng Pháp (chữ Pháp) - chữ Hán (văn ngôn), người Việt phải có những lựa chọn
thích hợp cho mình. Xã hội Việt Nam lúc đó vừa có xu hướng muốn bảo toàn nền
quốc văn truyền thống của mình, lại vừa có xu hướng muốn canh tân, đổi mới theo
châu Âu, nên thái độ đối với nền quốc văn Việt Nam, nền giáo dục theo chữ Hán
truyền thống, nền giáo dục theo tiếng Pháp do chính phủ bảo hộ Pháp quyết định,
thái độ đối với chữ quốc ngữ … đã được đặt ra và thảo luận khá sôi nổi.
Trên Nam phong tạp chí, Tri tân,
có tới hàng chục bài nghiên cứu, thảo luận về những vấn đề như:
-
Vị trí và vai trò của tiếng Việt, chữ Quốc ngữ đối với nền quốc văn Việt Nam, trong
đời sống văn hoá, văn học Việt nam.
-
Quốc văn Việt Nam và giáo dục và phát triển quốc văn Việt Nam.
-
Khuyến khích bảo toàn và phát triển Việt ngữ.
-
Thái độ đối với tiếng Pháp, chữ Hán, trong việc duy trì, phát triển tiếng Việt
và quốc văn Việt Nam ...
Trong
nhận thức về quốc ngữ và nền quốc văn của dân tộc mình, giới học giả Việt Nam
trong nửa đầu thế kỉ XX đã thấy rõ vai trò của chữ Hán trong đó, đồng thời, họ
cũng đã sớm nhận ra rằng không thể đưa tiếng Pháp vào thay vị trí của tiếng Hán
Việt và chữ Hán trong việc xây dựng và phát triển nền quốc văn Việt Nam; tiếng
Pháp, chữ Pháp không thể làm quốc văn cho Việt Nam; và thậm chí có người còn tỏ
ý kiến loại bỏ tiếng Pháp. Phong trào Đông
kinh nghĩa thục kêu gọi toàn dân học chữ Quốc ngữ, là một cuộc vận động xã
hội đặc biệt, có ý nghĩa lớn trong tư tưởng canh tân đất nước và trong nhận
thức về vai trò, vị trí của chữ Quốc ngữ đối với đời sống chính trị, văn hoá
của đất nước.
2.2.4.
Những nghiên cứu khác.
Trên
thực tế, Việt ngữ học Việt Nam đầu thế kỉ XX chưa phát triển chuyên biệt, nhưng
bên cạnh các nghiên cứu về từ điển, về sách dạy - học tiếng và ngữ pháp, nhiều nghiên
cứu về các bình diện khác của Việt ngữ như: ngữ âm, phương ngữ, địa danh, phiên
âm các từ ngữ nước ngoài, chữ viết, nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, phong cách học...
cũng đã được thực hiện. Ví dụ:
a
) Nghiên cứu, thảo luận về quốc ngữ (ngôn ngữ chung cho cả nước) và phương ngữ (phương
ngôn), so sánh, phát hiện những đồng nhất và khác biệt, để “đính ngoa” (sửa những
cái “sai”) theo quốc ngữ. Những nét dị biệt được miêu tả, rất có ý nghĩa về mặt
phương ngữ học cũng như ngôn ngữ học địa lý.
b
) Các nghiên cứu về ngữ âm tiếng Việt, âm Hán Việt, chữ Quốc ngữ, chữ Hán, về
nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, về dịch thuật, phiên âm tiếng nước ngoài, về địa
danh, thậm chí cả nghiên cứu so sánh Pháp Việt cũng đã được đề cập.
c
) Nghiên cứu về nguồn gốc tiếng Việt: Trên
thực tế, công trình E’tude sur la phonetique historique de la
langue annamite. Les initiales của H. Maspero [7] là công trình về nguồn gốc
tiếng Việt và lịch sử ngữ âm tiếng Việt có giá trị nhất và có tầm ảnh hưởng
nhất trong khoảng thời gian đầu thế kỉ XX. Về sau, trên tạp chí Tri tân, học giả Đào Trọng Đủ cũng công
bố kết quả nghiên cứu về nguồn gốc tiếng Việt Nam (theo cách gọi của ông) trong bài Bàn
góp về nguồn gốc tiếng Việt Nam trên hơn một chục số tạp chí liên tục (Số 129,
137, 142, 146, 151, 152, 158, 159, 168, 170, 172, 181, 192).
3. Kết
luận.
Đến
đây, nếu nhìn lại để đánh giá sự nhận thức về quốc ngữ (ngôn ngữ dân tộc) của
Việt Nam và sự phát triển của Việt ngữ học trong thời cận đại, chúng tôi thấy có
thể nêu một vài nhận xét khái quát như sau:
1.
Từ khoảng giữa thế kỉ XX (năm 1945) trở về trước, Việt ngữ chưa bao giờ được sử
dụng ở vị thế ngôn ngữ hành chính nhà nước, ngôn ngữ của giáo dục, thi cử ...
nhưng sử dụng trong giao tiếp liên nhân hàng ngày của toàn dân thì lại luôn
luôn là vai trò và chức năng của chính nó. Đặc biệt hơn, trong quá trình xây
dựng và phát triển nền văn hoá của mình, người Việt đã sáng tạo, xây dựng được
một nền văn học tiếng Việt rất phong phú và đạt được những thành tựu to lớn
(nền văn học Nôm - viết bằng chữ Nôm).
Trong
bối cảnh lịch sử, chính trị và bối cảnh văn hoá, xã hội thời cận đại, mặc dù bị
chèn ép bởi tiếng Hán (văn ngôn), tiếng Pháp, bị mất vị thế của ngôn ngữ hành
chính quốc gia, nhưng vai trò làm ngôn ngữ giao tiếp liên nhân cho toàn dân
trong xã hội của nó cũng vẫn không bị mất.
Từ
năm 1945 Việt ngữ đã giành được vị thế, vai trò và chức năng đầy đủ của nó
trong bối cảnh của một nước Việt Nam độc lập.
2.
Từ trước đến nay, người Việt luôn có nhận thức rất rõ về một ngôn ngữ thống
nhất trong sự đa dạng tiếng địa phương (phương ngữ) của họ. Ngay trong bối cảnh
đất nước bị chia cắt làm đôi trong thời gian lâu (từ khoảng giữa thế kỉ XVI đến
cuối thế kỉ XVIII và từ 1954 đến 1975), với hai chế độ chính trị, kinh tế khác
nhau, thì đối với người Việt, vẫn luôn luôn chỉ có một thứ tiếng Việt thống
nhất trong toàn cõi. Chính vì vậy, khi đất nước tái thống nhất sau lần bị chia
cắt từ 1954 đến 1975, vấn đề thống nhất ngôn ngữ ở Việt Nam không cần phải đặt
ra, mà chỉ có vấn đề bàn thảo để định hướng xử lý, hiệu chỉnh một số dị biệt
thuộc bình diện từ vựng, và ngữ âm, chính tả ... giữa các vùng phương ngữ.
3.
Cho đến nay, tại Việt Nam chưa có một qui định chính thức nào về việc xác định
tiếng chuẩn, vùng ngôn ngữ chuẩn của tiếng Việt. Tuy nhiên, theo quan niệm và
thói quen truyền thống, phương ngữ Bắc bộ với vùng lõi là Hà Nội thường được
coi là tiêu biểu; và điều này được các phân tích ngôn ngữ học về nhiều phương
diện thực sự ủng hộ.
4.
Về sự xây dựng và phát triển của Việt ngữ học thời cận đại, có thể dễ thấy
rằng, những thành tựu đầu tiên của nó vốn xuất phát từ việc nghiên cứu, biên
soạn các sách dạy-học tiếng và xây dựng các từ điển đối chiếu. Vào khoảng cuối
thế kỉ XIX, sang đầu thế kỉ XX, các nghiên cứu chuyên biệt về ngữ âm, phương
ngữ, chữ viết, ngữ nghĩa, ngữ pháp mới bắt đầu được thực hiện và dần dần từng
bước phát triển, đạt được những thành tựu đáng kể, tạo đà cho những bước phát
triển tiếp theo.
5.
Chính trên nền tảng được xây dựng như thế, từ giữa XX đến nay, Việt ngữ học đã
có những bước phát triển khá mạnh mẽ. Nhìn trên đại thể, trong thời gian vừa
qua, Việt ngữ học đã chú ý phát triển nghiên cứu một số lĩnh vực như:
- Về ngữ âm: Tập trung cứu cấu trúc âm tiết, thanh điệu, ngữ điệu, các vấn đề về
âm vị học, các giải thuyết âm vị học cho tiếng Việt, những vấn đề âm vị học lý
thuyết, nghiên cứu ngữ âm thực nghiệm ...).
- Về phương ngữ học: Quan tâm nghiên cứu lý
thuyết phương ngữ học, các nguyên tắc miêu tả, nhận diện và phân vùng phương ngữ,
phát hiện những biến đổi ngôn ngữ để góp phần nghiên cứu lịch sử tiếng Việt trong
quá trình hình thành, phát triển của dân tộc.
- Về ngữ nghĩa học, từ điển học: Quan tâm
nghiên cứu các vấn đề lý luận về ngữ nghĩa, các lý thuyết và phương pháp phân
tích nghĩa, các lý thuyết và phương pháp từ điển học, xây dựng các loại từ điển
khác nhau.
- Về ngữ pháp: Quan tâm các vấn đề về từ và
từ loại, về đơn vị ngữ pháp, miêu tả hệ thống ngữ pháp, đặc biệt chú ý ứng dụng
các lý thuyết cú pháp khác nhau để miêu tả và phân tích câu, phân tích hệ thông
cú pháp Việt ngữ.
- Về lịch sử tiếng Việt: Quan tâm những vấn
đề như: vị trí và quan hệ của nó trong
nhóm Vietic, ngành Môn-Khmer, nghiên cứu lịch sử ngữ âm, lịch sử từ vựng và những
vấn đề ngữ pháp của Việt ngữ trong quá khứ lịch sử.
- Bên cạnh đó, Việt ngữ học hiện nay (từ giữa
thế kỉ XX) cũng tiếp tục quan tâm nghiên
cứu về phong cách học, về văn tự, về nghệ
thuật ngôn từ, ngôn ngữ tác giả, tác phẩm, về thành ngữ, phương pháp dạy tiếng
Việt ... với những cách tiếp cận khá đa dạng.
Sự phát triển nhanh chóng của Việt ngữ học
từ giữa thế kỉ XX đến nay, tất nhiên có phần tác động và ảnh hưởng tích cực của
ngôn ngữ học thế giới, bên cạnh việc tổ chức đào tạo, nghiên cứu và nỗ lực của
các nhà khoa học trong và ngoài Việt Nam. Vì thế, những khuynh hướng nghiên cứu
ngôn ngữ học gần đây như chức năng luận, tri nhận luận ... cũng đã nhanh chóng
đến với những người nghiên cứu Việt ngữ học Việt Nam ./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[ 1 ] Bright, W. (Editor
in chief). Encyclopedia of Linguistics; Oxford University
Press, 1992.
[ 2 ] Diffloth G. Vietnamese
as a Mon - Khmer language. Papers from the first anual meeting of the
Southeast Asian linguistics society 1991. pp. 125 - 139.
[ 3 ] Ferlus M. Sur l’origine geographique des langues Viet -
Muong. MKS. XVIII - XIX, 52 - 59 pp.
[ 4 ] Haudricourt A.G. Vị trí của tiếng Việt trong các ngôn ngữ Nam Á. Ngôn ngữ, số 1, 1991, tr. 19 - 22.
[ 5 ]. Hoàng Thị Châu. Tiếng
Việt trên các miền đất nước (Phương ngữ học). Nxb. Khoa học Xã hội; Hà nội,
1989.
[ 6 ] Hồ
Lê. Những sự nghiên cứu và tranh luận của nớc ngoài xung quanh vấn đề nguồn
gốc tiếng Việt. Ngôn ngữ, số 4 - 1971, tr. 42 - 59.
[ 7 ] Maspero. H., E'tude sur la phone'tique historique de la langue
Annamite. Les initiales. BEFEO,
vol. XII, No. 1, Paris - Hanoi, 1912.
[ 8 ] NguyÔn Tµi CÈn : Gi¸o tr×nh lÞch sö ng÷ ©m
tiÕng ViÖt. Nxb. Gi¸o dôc. Hµ néi, 1995.
[ 9 ] Nguyễn Tài Cẩn. Một số chứng tích về
ngôn ngữ, văn tự và văn hoá. Nxb. ĐHQG Hà
Nội, 2001.
[ 10 ] Nguyễn Thiện Giáp (chủ biên). Lược sử Việt ngữ học. Nxb.
Giáo dục. Hà Nội, 2005.
[ 11 ] Triều Anh. Những trang sử cuối cùng của chữ Hán - Nôm. Nxb.
Tổng hợp, Đồng Nai, 1999.
[ 12 ] Encyclopedia Britanica
CD 98.
[ 13 ] Nam
phong tạp chí. DVD - ROM. Viện Việt học. Westminster ,
CA. USA .
[ 14] Tạp chí Tri tân. Bản CD. Hà Nội, 2008.