Thứ Tư, 18 tháng 9, 2024

ĐÊN HIỆN ĐẠI TỪ TRUYỀN THỐNG, LỜI TỰA



 

LỜI TỰA

 

            Ban chủ nhiệm chương trình KX 07 có nhã ý cho in những bài viết của tôi liên quan đến nội dung chương trình. Tôi lựa chọn một số bài để đưa vào tập sách. Sau nhiều lần do dự và đắn đo tôi đặt tên cho tập sách là “Đến hiện đại từ truyền thống”.

            Đây là những bài tôi viết rải rác từ năm 1974 đến năm 1993, cách này hay cách khác đụng chạm đến vấn đề “con người” mà chương trình KX 07 nghiên cứu.

Tuy vấn đề đổi mới tư duy được chính thức đặt ra giữa những năm 80, nhưng trước đó hàng chục năm, từ thực tế xã hội và từ những thông tin trong sách báo nước ngoài, nhiều người đã thấy có những chỗ không ổn, có những điều phải suy nghĩ lại. Đối với tôi, vấn đề hiện đại hóa và sự chi phối của truyền thống đã lôi cuốn tôi từ nhiều năm. Cho đến năm 1973, trước thực tế “một số trẻ em không ngoan, trong nhà thì bướng bỉnh với cha mẹ, ra đường thì hỗn láo với mọi người, đến trường thì xấc xược với thầy giáo”, Giáo sư Nguyễn Lân viết bài “Có nên vận dụng phương châm Tiên học lễ, hậu học văn trong việc giáo dục thế hệ trẻ của ta ngày nay không? “ . Bài đăng trên tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 31, tháng 7 năm 1973. Sau khi bài báo công bố trên báo Tiền Phong số 2351, ra ngày 16 - 8 -1973 Thanh Bình viết bài dài “Quét sạch những tàn dư tệ hại của Khổng giáo”. Tôi xin trích đoạn kết luận:

            “Là thế hệ thanh niên của thời đại Hồ Chí Minh, chúng ta đang sống, chiến đấu, lao động và học tập vì độc lập tự do của Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội, chúng ta có trách nhiệm bảo vệ và phát huy những truyền thống quý báu của dân tộc ta, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin đầy sáng tạo. Chính vì thế mà chúng ta không thể dung hòa được với Khổng giáo cùng với hệ tư tưởng phản động và bảo thủ của nó. Vì sự nghiệp cách mạng chúng ta phải kiên trì đấu tranh để quét sạch nó ra khỏi mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như quét sạch những đống rác bẩn vậy.”

            Một chiến dịch truy quét đã được nhen nhóm nhưng bị đình chỉ, không kịp thực hiện. Mấy tháng sau tôi viết bài “Mấy ý kiến bàn về nghiên cứu Nho giáo”. Ý định viết bài đó nảy ra từ hai bài báo trên. Hai bài báo đó đặt ra vấn đề truyền thống và vai trò của Nho giáo trong truyền thống. Nhưng cảm hứng chính lại đến từ phong trào “Bình Pháp phê Nho”, “Phê Lâm phê Khổng” ở Trung Quốc rất rầm rộ vào những năm 1973 - 1974, tiếp sau cao trào đại cách mạng văn hóa tư tưởng phát động từ năm 1966.  Tuy đã bắt đầu từ trước, bài viết hoàn thành vào ngày 4 tháng 5, ngày kỷ niệm Ngũ Tứ vận động, một cuộc cách mạng văn hóa chống Nho giáo và Khổng Tử, không chỉ là kịch liệt hay triệt để. Những suy nghĩ đường xa như vậy cũng ảnh hưởng đến người viết. Bài viết vì quá dài nên khi công bố (trên tạp chí Nghiên cứu Văn Hóa và Nghệ thuật số 1, 2 và 3 năm 1984), ban biên tập có sửa chữa và rút ngắn lại.

            Chưa bao giờ chúng ta coi nhẹ truyền thống. Trái lại, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn kêu gọi bảo vệ và phát huy truyền thống. Nhưng truyền thống dân tộc được chú ý về mặt tinh thần yêu nước, anh hùng bất khuất, sản vật của lịch sử chống ngoại xâm phương Bắc nên đối lập với văn hóa Trung Quốc. Cũng không ai nói trong truyền thống đó không có ảnh hưởng Nho giáo. Nhưng Nho giáo, theo cách nghĩ lúc đó, tự nó là phong kiến, bảo thủ, phản động, lại được quân xâm lược mang theo gót giày của chúng sang nước ta, nên cha ông chúng ta không theo, chống lại. Cũng có theo, nhưng cha ông chúng ta theo Khổng Mạnh chứ không theo Tống Nho. Còn Thanh Niên thế hệ Hồ Chí Minh, được chủ nghĩa Mác-Lênin giác ngộ thì không chịu ảnh hưởng Nho giáo. Các đảng viên, cán bộ, giác ngộ cao hơn tất nhiên không còn ảnh hưởng Nho giáo.

            Bài viết không đặt ra mục đích nghiên cứu Nho giáo (nội dung học thuyết, đánh giá tích cực hay tiêu cực, ảnh hưởng đến mặt này mặt khác…) hay bàn về phương pháp nghiên cứu nó. Nội dung bài viết chỉ là “cắm những tiêu vè”, tức là báo hiệu trên đường nghiên cứu Nho giáo, nói cách khác là tránh một số ngộ nhận, dẫn đến lạc đường. Hiểu Nho giáo không đúng, không rõ thì cũng không thể bàn vấn đề nó còn hay không còn gây ảnh hưởng. Nho giáo ra đời và tồn tại gắn bó với một cơ chế kinh tế - chính trị - xã hội, biểu hiện tập trung là nhà nước chuyên chế phương Đông. Cơ chế đó lựa chọn Nho giáo, một mặt, vạch ra một con đường phát triển, mặt khác, tạo ra một cuộc sống. Bị điều kiện hóa trong đó, con người không chỉ buộc phải thích ứng mà còn tự lựa chọn Nho giáo, sống thành những mẫu người đặc định: vua, quan, lại, hào cường, thân sĩ, nhà Nho, nông dân, tiểu kỷ… Khi cơ chế làm môi trường xã hội đó chưa thay đổi căn bản thì con người vẫn tự động thích ứng theo nó, sống theo những mẫu người cũ, vẫn nghĩ, vẫn sống theo cách Nho giáo hóa. Có nhiều người tự coi là rũ sạch ảnh hưởng Nho giáo, lên án Nho giáo kịch liệt, nhưng vẫn sống, vẫn nghĩ rất “nho”. Trong một thực tế như vậy, Nho giáo không chỉ là còn mà tư tưởng mới từ ngoài vào cũng bị Nho hóa; ở một chỗ nào đó, Nho giáo được coi là đã bị quét sạch thì nó vẫn có khả năng tái sinh. 

             Vào những năm đó, cái ám ảnh tôi là chủ nghĩa Mao, là chủ nghĩa xã hội kiểu Trung Hoa. Tôi hình dung một con đường lịch sử mà bước đi ban đầu chi phối định hướng những bước sau. Con người bị điều kiện hóa trong môi trường xã hội, trong ý thức hệ truyền thống, ra sức vươn lên phía trước, có khi tưởng mình đã hết nợ với quá khứ lại đẩy bánh xe lịch sử trượt vào rãnh mòn của quá khứ! Với truyền thống văn hóa phương Đông mà tôi xác định chịu ảnh hưởng quyết định của Nho giáo, tôi chỉ thấy sức mạnh níu kéo trở ngại cho sự phát triển.

            Giữa những năm 80, có nhiều cuộc hội thảo bàn về chiến lược phát triển, về đặc sắc văn hóa dân tộc. Mối quan tâm lớn là xây dựng kinh tế, dân chủ hóa xã hội và xây dựng con người mới. Truyền thống được chú ý nhiều hơn trước, nhưng trong cách hình dung công việc xây dựng xã hội và con người vẫn là tìm một mô hình lý tưởng và tìm cách áp đặt nó vào thực tế. Truyền thống cũng được hình dung là những mặt hay, mặt dở, để phát huy hay khắc phục. Mà mặt hay thì nhiều hơn mặt dở. Nó mất đi tính sinh động thực tế bám vào những thiết chế xã hội, những con người, tác động vào phong tục tập quán, vào tâm lý xã hội, nói tóm lại là không để tự do lấy bỏ, lựa chọn. Những bài viết về vấn đề dân chủ hóa, về làng họ về gia đình truyền thống đều nhắm phân tích cơ chế xã hội truyền thống, mức độ gắn bó của từng thiết chế với Nho giáo và những mẫu người sản sinh theo cơ chế đó, hoặc là thuộc tầng lớp thống trị, hoặc là thuộc tầng lớp bị trị. Tôi đặc biệt chú ý đến các nhân vật quan, lại, nhà Nho, và nông dân. Trên báo chí nổi lên phong trào chống quan liêu. Nhiều bài thơ trào phúng đả kích được đăng tải. Trong bài “Ông quan liêu, ông quan và việc phát hiện nó theo cách nhìn của thơ trào phúng” tôi chú ý đưa ra sự phân biệt giữa ông quan với người công chức, nhân vật chính của bệnh quan liêu hiện đại. Ông quan, về mặt công việc gắn với “lại” hay sai nha, với lính lệ, và về mặt hệ thống cai trị gắn với vua và hảo cường, là thủ phạm của tệ tham nhũng, hống hách, chứ không phải của tệ giấy tờ, xa thực tế. Nhân vật nhà Nho, người trí thức của xã hội truyền thống, được phân tích trong nhiều bài, nhưng vì được trình bày trong các bài viết nói về văn học, không đưa vào tập này. Còn người nông dân, mà nét nổi bật là “tiểu kỷ”- chứ không phải là cá nhân chủ nghĩa- cũng mới chỉ được trình bày sơ lược trong bài “Tìm mô hình nhân cách và chiến lược phát triển”.

             Trên con đường phát triển, hiện đại hóa không chỉ cần chú ý điểm xuất phát, mà cũng cần chú ý điểm đến, tức là đích. Điểm xuất phát là thực tế kinh tế, xã hội, con người… có tính phương Đông. Còn đích phải đến là những mục tiêu dự kiến cho đầu thế kỉ XXI, những dự kiến có cơ sở, không phải ảo tưởng. Hiện đại hóa là phải giải phóng nền kinh tế, xã hội và con người khỏi cơ chế chuyên chế phương Đông, nhưng lại phải tiến hành với những dữ kiện có sẵn do cơ chế đó để lại. Phải phát huy những cái tốt, mà cũng phải biết cải tạo và lợi dụng những cái sẵn có. Có người góp ý kiến với tôi là không nên dùng chữ “lợi dụng”, nhưng tôi nghĩ có những cái rồi phải vứt bỏ, nhưng hiện tại thì đang có ích, đang dùng được. Với những cái như vậy sử dụng có ý nghĩa lợi dụng.

            Vào những năm 1986, 1988 sự thành công của Nhật Bản, Nam Triều Tiên Đài Loan và cả Trung Hoa lục địa thu hút sự chú ý của nhiều người. Ba bài tôi viết: “Về vấn đề tìm đặc sắc văn hóa dân tộc”, “ Thử suy nghĩ theo hướng khác: Việt Nam đi con đường thích hợp với thực tế phương Đông lên chủ nghĩa xã hội” “Tìm mô hình nhân cách và chiến lược phát triển”, được hoàn thành trong những năm đó. Tôi đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu xã hội hóa trong tiến trình hiện đại hóa. Dân chủ hóa, đô thị hóa và xã hội hóa, đều là những bước tất yếu để hiện đại hóa,  nhưng xã hội hóa là thực chất của chủ nghĩa xã hội. Xã hội hóa là phá vỡ cơ chế xã hội, chỉ tập trung vào hai khâu nhà nước và gia đình. Nhà nước chỉ huy và ban phát, gia đình thành hộ dân cư để đóng góp cho làng, cho nước. Con người, do đó là của cộng đồng, không có nhân cách độc lập, cơ sở để xây dựng chế độ dân chủ. Trên cơ sở con người cộng đồng đẻ ra chủ nghĩa tập thể, còn trên cơ sở những con người xã hội có nhân cách độc lập là sự hợp tác tự nguyện để hình thành những tổ chức tự quản. Để hình thành tư tưởng xã hội hóa như vậy, tôi được gợi ý bởi cách nói của người Nhật: “Chúng tôi không có xã hội, chỉ có hội và xã (các tổ chức kinh tế, xã hội và văn hóa tự nguyện, tự quản) thôi” và chủ trương của những nhà lãnh đạo Nam Triều Tiên: “Hoan nghênh sự hợp tác (coopération), phản đối chủ nghĩa tập thể (collectivisme)”. Xã hội hóa hay khuyến khích hợp tác, hay mở rộng mạng lưới các hội, xã tự nguyện, tự quản cũng là tránh hai xu hướng cực đoan là chủ nghĩa cá nhân của chủ nghĩa tư bản phương Tây và chủ nghĩa tập thể của chủ nghĩa xã hội phương Đông. Với những hiểu biết ít ỏi về kinh nghiệm Nhật Bản và Triều Tiên, tôi cũng bắt đầu hiểu truyền thống văn hóa phương Đông không chỉ là sự níu kéo, sự cản trở công cuộc phát triển hiện đại hóa. Vấn đề là ở chỗ biết nhìn đúng, có biện pháp cải tạo và lợi dụng đúng. Tôi nghĩ rằng Nhật Bản và Nam Triều Tiên - và cả Trung Quốc nữa - đã thành công vì làm tốt công việc đó.

             Trở lại vấn đề Nho giáo; một người bạn, theo dõi sát những bài tôi viết và tìm hiểu hơn tôi về những kinh nghiệm của Nhật Bản và Nam Triều Tiên, đã nhắc nhở tôi xem lại những kết luận về vai trò của Nho giáo trong sự hiện đại hóa của nền kinh tế mà tôi đã phát biểu trong bài “Di hại của Nho giáo trong xây dựng kinh tế” đăng trong tạp chí Xã hội học số 3 năm 1986, tạp chí Triết học số 9 năm 1987 và in lại trong cuốn Nho giáo xưa và nay với tiêu đề đươc Ban biên tập đổi là: “Nho giáo và kinh tế”. Tháng 11 năm 1991 có cuộc hội thảo về Văn hóa và tư tưởng trong khu vực văn hóa dùng chữ Hán ở Yokohama (Nhật Bản); theo yêu cầu của ban tổ chức hội thảo, tôi viết bản tham luận “Nho giáo và nho học Việt Nam. Mấy đặc điểm và vai trò của nó trước thực tế phát triển thời cận - hiện đại”. Trong bài đó tôi nêu lại những cản trở của Nho giáo đối với sự nghiệp dân chủ hóa, đô thị hóa và xã hội hóa, đồng thời cũng nói khả năng cải tạo, lợi dụng Nho giáo để hiện đại hóa. Hơn thế, trong tương lai, khi kinh tế đã phát triển, cuộc sống của loài người đã thế giới hóa cao, thì Nho giáo có thể góp phần tích cực trong việc xây dựng quan hệ tốt đẹp giữa người với người, xây dựng một thế giới hòa mục, trật tự, ổn định.

            Các bài kể trên tuy có bàn đến mặt này, mặt khác của vấn đề con người, nhưng chưa bài nào lấy chính con người làm đối tượng nghiên cứu. Đụng chạm đến vấn đề đó trực tiếp hơn là hai bài: “Tìm mô hình nhân cách…” và “Đổi mới cách quan niệm giải phóng phụ nữ…”.  Tuy vậy, hai bài đó chủ yếu cũng nhằm đặt hai vấn đề trên trong quan hệ với truyền thống. Nhưng vấn đề, do hoàn cảnh mới lúc đó, được bàn ở cạnh khía khác. Sau cuộc vận động đổi mới, những chủ trương thực hiện khoán 10, phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần,  làm VAC …làm cho vai trò gia đình, vai trò cá nhân, được nhìn khác trước. Tình hình “bùng nổ” cần phải nhìn rõ điểm đi đến trong tương lai và tìm trong kho tàng của truyền thống những cái có sẵn để thích ứng với sự đổi thay.

             Vấn đề đổi mới, đổi mới xã hội và đổi mới con người, cũng đã được đặt ra từ đầu thế kỉ. Các nhà Nho duy tân không thiếu lòng yêu nước và nhiệt tình đổi mới, nhưng với cách nghĩ, cách sống nhà Nho của họ, thì ngoài thiện chí vì nước, vì dân và khả năng hi sinh vì cách mạng, họ không có được cái nhìn rõ ràng và những biện pháp thiết thực. Truyền thống không chỉ có yêu nước, anh hung, bất khuất, cần cù lao động, và không phải chỉ có toàn những cái tốt đẹp. Trong truyền thống có những cái dở và cũng không ít cái dở. Cũng không chỉ có như vậy. Truyền thống tồn tại bám vào cơ chế  bám vào thói quen, vào cách sống, cách nghĩ, không dễ bỏ, có nhiều cái không nên bỏ, và quan trọng hơn là phải tìm ra cách lợi dụng nó để phát triển. Cách tiến hành giáo dục trong gia đình và tác dụng của những “ông thầy” là những cái nên cải tạo, sử dụng để hiện đại hóa.

 Trong truyền thống thì chỉ nói đến Nho giáo. Nhưng trong thực tế thì không chỉ có Nho giáo. Còn có Phật giáo, tư tưởng Lão - Trang, Đạo giáo và những cái khác, ảnh hưởng cũng không nhỏ. Tôi muốn nhấn mạnh vai trò chi phối của Nho giáo, hơn thế, tôi còn muốn lưu ý đến con đường của Việt Nam là Đông Á hay Đông Nam Á. Hai bài: “Nghiên cứu các hệ tư tưởng Nho, Phật, Đạo từ góc độ lịch sử tư tưởng và đạo đức học” và “Con người Việt Nam với truyền thống văn hóa Nho giáo hóa”, một mặt nào đó có ý nghĩa điều chỉnh cách nhìn để tránh phiến diện, thường xảy ra do muốn đạt sự nhất quán trong nghiên cứu. Vấn đề con người đã đặt ra trực tiếp nhưng cũng chưa phải được nghiên cứu cụ thể, đi sâu đáp ứng đòi hỏi của hoạt động thực tiễn.

             Con người và giáo dục đào tạo con người là vấn đề đặt ra từ xa xưa, luôn luôn đặt lại theo cách mới, nhưng bao giờ cũng là mênh mông, khó thấy hết. Nhìn con người từ góc độ tính trời, mệnh trời, hay từ góc độ giáo dục, góc độ chính trị, góc độ ý thức hệ, góc độ kinh tế, xã hội, thì hiểu biết về nó cũng từng bước có được nâng lên, nhưng vẫn không tránh được phiến diện. Hoàn thiện con người bằng giáo dục hay bằng những cải cách kinh tế - xã hội cũng vậy. Ngày nay lại có xu hướng nhìn các vấn đề nhân văn và xã hội trong quan hệ giữa con người và thiên nhiên, theo góc độ văn hóa, đó là một cố gắng nhìn vấn đề phát triển con người và xã hội một cách tổng quát hơn. Với sự chú ý đến quan hệ tương tác nhiều chiều và có quy luật, cách nhìn tổng quát theo bình diện văn hóa, vị trí của ý thức hệ sẽ được xác định đúng hơn. Nho giáo, Tam giáo - có lẽ đúng hơn là một cách kết hợp kiểu Việt Nam giữa các thứ ấy - sẽ là một đầu mối để nhìn con đường phát triển, để nhìn con người Việt Nam, con người nhận thức, lựa chọn để thích ứng sáng tạo, tức là làm động lực cho phát triển. Đồng thời con người đó cũng tùy theo truyền thống văn hóa của mình mà chọn những mục tiêu hợp với mình, chi phối hướng đi và cung cách phát triển kinh tế, chính trị, xã hội.

              Những bài được lựa chọn đưa vào tập sách, như đã nói ở trên chỉ có ý nghĩa là tiêu vè, có ý nghĩa đặt vấn đề. Nếu tác giả còn tiếp tục nghiên cứu vấn đề con người, vấn đề con đường từ truyền thống đến hiện đại, thì những bài trên có thêm ý nghĩa chuẩn bị cho hướng nghiên cứu tổng quát theo bình diện văn hóa vừa nói.

            Cuốn sách Đến hiện đại từ truyền thống bao gồm những bài viết trong nhiều năm, không liên tục và cũng không theo một kế hoạch dự định từ trước. Hầu hết là những bài tham luận trình bày trong các cuộc hội thảo khác nhau. Cho nên mỗi bài chịu tác động của một không khí, của hoàn cảnh lúc viết và của mục tiêu cuộc hội thảo. Do thực tế đó  nhìn trong toàn bộ nó có hai nhược điểm là phân tán và có chỗ trùng lặp. Tư tưởng chung là nhất quán. Từng bài một nói rõ một vấn đề  nhưng các vấn đề chung như truyền thống, Nho giáo, con đường phương Đông từ truyền thống đến hiện đại, vấn đề con người… thì chỉ đề cập từng điểm và không giải quyết dứt điểm. Hai mươi năm là một thời gian dài, đã có nhiều đổi thay. Bây giờ nếu viết lại chắc cũng có chỗ viết khác. Song tôi chủ trương in lại quyền nguyên văn như khi viết ban đầu, không sửa chữa để giữ tính lịch sử của hoàn cảnh đặt vấn đề và tư tưởng người viết. Hầu hết các bài đã công bố trên các tạp chí. Khi công bố, nhiều trường hợp do khuôn khổ tờ báo, một số bài có rút ngắn, một số bài thay cả đề mục. Những trường hợp đó, tôi khôi phục lại nguyên văn theo bản lưu của tác giả cho hợp với ý định vừa nói. Tuy vậy, các bài viết không sắp xếp theo thứ tự thời gian được viết, mà theo vấn đề, để người đọc dễ theo dõi.

            Đến hiện đại từ truyền thống, ngày nay đang là hướng quan tâm của nhiều người. Tôi rất mong vì lẽ đó cuốn sách được độc giả chú ý  trao đổi ý kiến và góp ý cho tác giả những chỗ thiếu sót. 

            Cuốn sách được ra mắt bạn đọc lần này là do sự khuyến khích, giúp đỡ của Ban Chủ nhiệm Chương trình KX 07 và nhiều bạn bè. Nhân dịp này chúng tôi xin tỏ lòng cảm tạ đối với sự khuyến khích giúp đỡ đó.

          Hà Nội ngày 18 tháng 9 năm 1993 

                                                                                                      Tác giả.