TỔ QUỐC VÀ ĐỨC TIN
Đỗ Hải Phong
Bộ phim tài liệu nghệ thuật “Anna: từ 6 đến 18 tuổi” của đạo diễn Nga Nikita Mikhalkov ra mắt người xem vào năm 1993. Ngay trong năm 1994, bộ phim đoạt giải “Bồ câu bạc” tại “Liên hoan phim tài liệu quốc tế” tổ chức tại Leipzig, giải “Dũng sĩ vàng” tại “Diễn đàn điện ảnh các dân tộc Slave và Chính giáo”, giải “Phim hay nhất” tại liên hoan phim hậu xô viết “Mùa lá rụng – 1994”.
Người xem tìm đến với bộ phim không phải chỉ vì nó được thực hiện với một “trình độ bậc thầy”, mà còn vì nó là “lời bộc bạch chân thành” của một người Nga trăn trở với nỗi đau của đất mẹ, của nhân dân, của gia đình trong quá khứ, hiện tại, và nỗi lo âu, hy vọng vào tương lai.
Phim được xây dựng trên một cái cốt giản dị: từ năm cô bé Anna lên 6 đến năm cô 18 tuổi, hằng năm người cha hỏi cô những câu hỏi lặp đi lặp lại, những câu hỏi tưởng như đơn giản nhất: - “Bây giờ con yêu thích nhất điều gì?”; - “Con ghét điều gì nhất?”; - “Con sợ điều gì nhất?”; - “Con mong đợi điều gì nhất?”... Năm đầu tiên cô bé trả lời ngay rất hồn nhiên rằng cô sợ nhất là mụ phù thủy Baba Yaga với “cái mũi dài”, cô ghét nhất “súp bắp cải” và điều cô mong muốn nhất là có được “một con cá sấu còn sống nguyên”. Nhưng khi lên bảy, sắp bắt đầu tới trường, cô bé ngập ngừng hơn khi trả lời rằng cô yêu nhất là “thiên nhiên”, ghét nhất là “những người xấu”, sợ nhất là “những đám đánh nhau”, muốn trở nên “thông minh”, “ngoan ngoãn”, và muốn nhất bây giờ là “trả lời sao cho đúng”. Câu trả lời làm người cha trăn trở: “Nỗi sợ trả lời không đúng, tôi biết nó rất rõ. Tôi thuận tay trái và ở trường học người ta dạy tôi bỏ thói quen đó. Tôi nhớ nỗi sợ khủng khiếp khi mình cố viết bằng tay phải không thuận, vội vã, bỏ sót chữ nọ chữ kia, gạch xóa, mà cả lớp thì đã viết xong rồi, chỉ còn chờ mỗi một mình mình. Nỗi sợ mình không giống như mọi người – đó là nỗi sợ cơ bản mà người ta dạy mỗi người trên đất nước chúng tôi từ nhỏ”.
Cô bé lớn dần lên theo năm tháng, những câu hỏi tưởng như đơn giản ngày một trở nên khó trả lời hơn. Có những câu trả lời tưởng như lặp đi lặp lại, mà thực ra sắc thái đã đổi thay. Năm Tổng bí thư L.I.Breznev qua đời, cô bé trả lời cha rằng cô “muốn cả nhân dân Liên Xô không bao giờ quên L.I.Breznev”, cô “sợ xảy ra chiến tranh”, cô yêu thích nhất khi “có bố ở nhà” và mong “Năm Mới đến mau”. Hơn một năm sau, khi Tổng bí thư I.V.Andropov từ trần, cô bé muốn đất nước “có một nhà lãnh đạo tốt”, muốn tổng bí thư K.O.Tchernenko “có thể quan tâm chăm sóc cho mọi người ở đây và trên toàn thế giới”; cô thích nhất là khi “cả nhà ngồi với nhau bàn luận về mọi điều”; cô ghét nhất là “sự bất hòa trong gia đình và trên toàn thế giới”. 13 tháng sau, khi K.O.Tchernenko qua đời, cô bé chỉ còn lại mong muốn “tất cả đều còn sống, khỏe mạnh, hạnh phúc... và cả thế giới được bình yên, không có chiến tranh hạt nhân”.
I.S.Gorbachov lên nắm quyền. Bất chấp Mặc cảm khải huyền của người cha về một “thế giới đã già đi”, về cuộc chiến tranh Apganistan dường như xảy ra ở đâu đó thật xa, về sự nhộn nhạo trên sàn diễn của một thời đại “không có Chúa”, trước mắt cô bé chỉ quan trọng việc cô em gái mới chào đời và công cuộc Cải tổ (perestroika) với những hy vọng vào một cuộc sống mới “toàn màu hồng”, “thú vị hơn... tốt hơn...”. Bởi vậy mà những gì cô thích trở nên nhiều hơn đến khó chọn lựa: “Con yêu thích nhiều điều... Con yêu cha mẹ, thích hát, nhảy, đọc sách... thích quan sát”.
Năm 1988, bà nội của Anna qua đời, sự cố Tchenobyl và động đất ở
Bất chấp cả lời trích dẫn Pushkin của Gorbachov “Chào mặt trời! Quét sạch bóng đêm đen!”, bất chấp cả lời hát trẻ thơ “Hãy để mặt trời luôn chiếu sáng!”, thế giới trở nên đáng buồn và đáng sợ hơn: chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Iran, xe tăng trên quảng trường Thiên An Môn ở Trung Quốc, tường thành Berlin sụp đổ, Liên Xô tan vỡ, tượng Lenin bị dỡ bỏ... Thần tượng cũ mất giá, thần tượng mới được tung hô: “Trong lúc kẻ tụng ca, người chà đạp lên thần tượng, nhân dân nhẫn nại đợi chờ một ngày người ta để cho họ được sống yên lành và lao động bình yên”.
Anna tròn 16 tuổi. Cô thiếu nữ ngần ngại không muốn trả lời cha nữa. “Tại sao trước đây con trả lời thoải mái, mà bây giờ lại như e ngại? – Có lẽ vì trước đây con không phải nghĩ nhiều khi trả lời, còn bây giờ con lại cứ phải nghĩ mãi về những điều con nói. – Con sợ gì nhất? – Có lẽ bây giờ con sẽ không trả lời là sợ chiến tranh nữa... – Con muốn có con không? – Tất nhiên. Nhưng bố biết đấy, nếu trước đây con không phải nghĩ gì thì bây giờ con phải nghĩ việc ấy sẽ làm con bị ràng buộc, bận bịu thế nào, phải có trách nhiệm ra sao...”
I.S.Gorbachov lên làm tổng thống của một Liên bang mới. Trong cuộc Chính biến tháng 8/1991, 3 người ngã xuống trong công cuộc cứu vãn cái Liên bang mới chỉ 3 tháng sau là hoàn toàn bị sụp đổ. Khi Gorbachov nói xong lời từ chức, người ta không đem ra cho ông ta ngay cả một tách trà. Eltsin lên nắm quyền: “Thời Cải tổ đã hết. Đất nước được tuyên bố là dân chủ. Nhưng dân chủ được hiểu theo một cách riêng”. Đó là thời đại “khi người ta ru ngủ lòng tự trọng, đánh mất khái niệm danh dự, huân chương có thể được mua bán ngoài chợ bằng tiền...”. Trên TV, những thầy tu Công giáo ngoại quốc giảng đạo và hát theo nhịp điệu của thời hiện đại, còn ở nơi xưa kia là nhà thờ Chính giáo đã bị dỡ bỏ, những người phụ nữ nông dân lần tới hôn những gốc cây một thời là chứng nhân của Đức tin, những đứa trẻ còn chưa có khái niệm gì về Đức tin đó cố giữ cho ngọn nến trên tay không tắt...
Ngày 5/9/1991, cuộc hỏi đáp cuối cùng diễn ra trong cảnh đồng cỏ trải dài với con đường bụi dẫn về ngôi nhà nhỏ thân thương, nơi người cha gọi là “Tổ quốc nhỏ bé” của mình, nơi từng diễn ra cuộc hỏi đáp khi Anna mới lên 7 tuổi. Anna bây giờ đã tròn 17. Cô sắp sang Thụy sĩ du học.
“- Con sợ nhất điều gì?
- Lúc này đối với con quan trọng là không để mất thế giới nội tâm của mình... Lúc này con hiểu tất cả những gì con có, VD như Tổ quốc, con có thể mất nó trong chốc lát.
- Vì sao?
- Vì ở nước ta không có gì là không thể, và có một nguy cơ mất mát rất lớn, nguy cơ đánh mất nội tâm như cái cốt lõi ở trong ta...
- Con hình dung Tổ quốc thế nào?
- Đó là một cái gì đó to lớn, rất đẹp... con cũng không biết nữa...
- Con muốn sống ở đâu?
- Ở đây, tất nhiên.
- Vì sao?
- Vì con không nghĩ khác...
- Con sợ sẽ nghĩ khác ư?
- Không, vì tất cả các nước đều giống nhau.
- Có thể ta không giống họ vì nơi ta ở tệ hơn?
- Không, nơi ta ở tốt hơn.”
Anna khóc khi trả lời câu hỏi cuối. Và người cha so sánh nữ nhân vật của mình với nhân vật Iliusha Oblomov trong cuốn phim “Mấy ngày trong cuộc đời I.Oblomov” mà ông thực hiện từ năm 1979 dựa theo giấc mơ của nhân vật “người thừa có trái tim vàng” Oblomov trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của I.Goncharov từ thế kỷ XIX. Điểm khác biệt lớn nhất giữa đứa trẻ Nga từ thế kỷ XIX với cô con gái của ông ở thế kỷ XX là Đức tin và không có Đức tin. Nhưng điểm khác biệt ấy không thể dập tắt được tình yêu đối với Tổ quốc, “tình yêu mẫu tử đau đớn đến rơi lệ của cái mà thế giới gọi là “tâm hồn Nga bí ẩn”.
Phim kết thúc bằng cuộc hỏi đáp của người cha đối với “nữ nhân vật mới” Nadia, cô bé mang tên Hy vọng, em gái của Anna:
“- Con yêu thích gì nhất?
- Con yêu cái gì đẹp.
- Con sợ gì nhất?
- Con sợ nhất là trường học.
- Thế nào là Tổ quốc?
- Đó là khi nó thật đẹp.
- Đẹp thế nào cơ? Thật to á?
- Không, bé thôi.
- Bé thế nào?
- Thế này này... “
Cô bé xòe tay ra để diễn tả cái “thế giới trong lòng tay” được gọi là Tổ quốc ấy.
Đúng Tổ quốc không phải là một Đế chế, không phải là cái gì quá to lớn mà ta không cảm nhận được hết, đó là cái gì đó thật gần gũi quanh ta, nó có thể buồn, làm ta rơi lệ, nhưng nó bao giờ cũng đẹp bởi tình yêu của ta đối với nó. Chỉ cần không đánh mất ý niệm về Cái đẹp, chỉ cần có một Đức tin, một niềm Hy vọng,. Đó là điều cả I.Goncharov, L.Tolstoy, A.Chekhov... của nước Nga xưa từng tâm niệm. Đó cũng là điều N.Mikhalkov muốn nói với người xem về Tổ quốc của mình.
Bộ phim để lại những dư âm...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét