Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2012

Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt


Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt
                                    Nguyễn Tài Cẩn

Vài lời của tác giả
1. Đây là một tập chuyên luận viết về vấn đề nguồn gốc và vấn đề quá trình hình thành cách đọc chữ Hán ở Việt Nam, cách đọc mà trước nay ta thường quen gọi là cách đọc Hán Việt.
Cơ sở của tập chuyên luận này là một số bài giảng chúng tôi đã đọc mấy năm gần đây cho sinh viên năm thứ 3, thuộc ngành Hán Nôm, Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
2. Những bài giảng này thường được bố trí liền sau giáo trình Lịch sử ngữ âm tiếng Việt - một giáo trình trong đó nhiều phần đã được xây dựng chủ yếu trên cơ sở so sánh các cứ liệu phương ngữ Việt Nam với nhau, cũng như so sánh cứ liệu tiếng Việt với tiếng Mường, cứ liệu tiếng Việt - Mường với cứ liệu các tiếng Môn Khơ-me, các tiếng thuộc nguồn gốc Nam á khác. Mặt khác, các bài giảng này lại thường được bố trí liền trước giáo trình chuyên giảng về nguồn gốc, kết cấu và diễn biến của chữ Nôm. Vì vậy, cứ liệu về phương ngữ, về các tiếng Nam á, cũng như cứ liệu về chữ Nôm, trong tập bài giảng này chúng tôi thường không đề cập đến, hoặc nếu có đề cập đến thì chúng tôi cũng tinh giản đến mức tối đa, để tránh tình trạng gây ra ấn tượng trùng lặp nhiều lần.
3. Cái mới nhất trong những bài giảng này là tri thức về ngữ âm lịch sử tiếng Hán, mà chủ yếu là tiếng Hán vào giai đoạn Đường - Tống. Nhưng đây là một địa hạt vô cùng phức tạp, từ trước đến nay đã có không biết bao nhiêu là tài liệu, sách, báo viết về vấn đề này. Vì vậy, chúng tôi bắt buộc phải có một sự chọn lọc, theo ý kiến chủ quan của chúng tôi. Trên nguyên tắc, chúng tôi chỉ cung cấp những tri thức nào mà chúng tôi xét thấy cần thiết nhất, không có những tri thức đó thì không thể hiểu được về cách đọc Hán Việt - nội dung chính của chuyên luận này. Chúng tôi cũng chỉ trình bày những kiến giải, những luận cứ nào mà chúng tôi cho là hợp lý nhất, theo nhận định riêng của bản thân chúng tôi. Để bù đắp cho sự hạn chế đó, chúng tôi đã tìm cách bổ sung. Chúng tôi đã dành riêng một chương, trình bày về các nguồn cứ liệu gốc mà xưa nay, bất kỳ nhà Hán ngữ học nào nghiên cứu về giai đoạn này cũng phải sử dụng đến : trình bày về vận thư và về vận đồ. Chúng tôi hy vọng rằng, nếu nắm vững được, sử dụng được những nguồn cứ liệu gốc này thì người đọc hoàn toàn có thể tự mình kiểm tra lại được các kiến giải của các nhà nghiên cứu đi trước, và tự mình cũng có thể xây dựng được cho bản thân một hướng suy nghĩ riêng của mình.
4. Đi vào vấn đề nguồn gốc, vấn đề quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, về thực chất là đi vào địa hạt ngữ âm lịch sử. Mà đã đi vào địa hạt này thì thường thường tốt nhất là nên dựa vào hệ thống thuật ngữ, hệ thống kí hiệu phiên âm quốc tế. Nhưng ở đây chúng tôi vẫn có chủ trương hơi khác. Chúng tôi nghĩ rằng đối với người Việt Nam, lại đi sâu vào ngành Hán Nôm, thì một cái vốn tri thức tối thiểu về hệ thống âm vận học cổ truyền là một điều không thể nào thiếu được. Vì vậy trong các bài giảng này, chúng tôi chủ trương kết hợp, vừa cung cấp những thuật ngữ hiện đại, vừa cung cấp những tên gọi cổ truyền : một mặt vẫn ghi bằng những ký hiệu như k, kc, g, ŋ, một mặt vẫn gọi bằng tên gọi các tự mẫu “kiến, khê, quần, nghi như trong thư tịch cổ. Thêm vào đó, khi đưa vào ấn loát thì dùng tên tự mẫu, tên các vận bộ theo lối cổ truyền cũng có mặt lợi của nó: bằng cách này, có thể hạn chế rất nhiều việc sử dụng những ký hiệu phiên âm quốc tế mà các nhà in thường không có.
5. Tập này chuyên viết về cách đọc Hán Việt, thì tất yếu không thể nào tránh khỏi được việc phải sử dụng nhiều các ký hiệu văn tự Hán. Nhưng dùng quá nhiều chữ Hán thì cũng rất phiền cho việc ấn loát. Vì vậy sau đây, chúng tôi bắt buộc phải tự hạn chế, chỉ dùng nhiều chữ Hán ở ba chương VI, VII, VIII, khi nêu cách đọc Hán Việt của từng chữ, từng chữ một. Ở các chương trước, chúng tôi luôn cố gắng dùng cách đọc Hán Việt để thay thế. Đối với tên gọi các tự mẫu, các vận bộ, chúng tôi cũng ghi bằng chữ Quốc ngữ, căn cứ vào cách đọc Hán Việt. Để tránh những sai lầm đáng tiếc, chúng tôi sẽ làm một số bảng đối chiếu riêng, có ghi chữ Hán bên cạnh chữ Quốc ngữ, và ở đầu sách sẽ làm bảng quy ước để bạn đọc tiện theo dõi.
6. Vấn đề nguồn gốc, vấn đề quá trình hình thành cách đọc Hán Việt là một vấn đề đã được nhiều người đi trước bàn đến. Viết tập chuyên luận này, chúng tôi đã dựa rất nhiều vào thành tựu của các bậc đi trước đó. Tuy nhiên, ở rất nhiều vấn đề, chúng tôi đều có cách kiến giải riêng của mình. Nói về điều kiện tiếp xúc giữa tiếng Hán, tiếng Việt, chúng tôi không những chỉ nói đến sự tiếp xúc trong khoảng 8, 9 thế kỷ sau công nguyên, mà chúng tôi còn bàn đến khả năng tiếp xúc sau khi nước nhà đã giành được độc lập, tự chủ. Nói về xuất phát điểm của cách đọc Hán Việt, chúng tôi cũng không tự bằng lòng chỉ dựa vào sự hiểu biết chung chung về tiếng Hán trong toàn bộ thời kỳ gọi là trung cổ, mà chúng tôi cố gắng dựng lên một giai đoạn nhỏ riêng, giai đoạn bao gồm hai thế kỷ VIII - IX. Nói đến hệ thống ngữ âm thời Thiết vận, nói đến quá trình diễn biến của tiếng Hán sau thời Thiết vận, chúng tôi cũng đều có những cách tái lập dựa trên lối suy luận riêng của bản thân chúng tôi. Chúng tôi rất tự biết, vị tất những cách kiến giải của chúng tôi đã có đầy đủ sức thuyết phục, có thể tranh thủ được sự đồng tình của tất cả mọi người. Mặt khác, trong quá trình trình bày cũng không thể nào không gặp phải những chỗ mà tự ngay bản thân chúng tôi, cũng thấy là đang còn có vấn đề cần phải đầu tư tiếp tục suy nghĩ nhiều hơn nữa. Vì vậy, rất mong các anh chị em sinh viên đã từng nghe giáo trình chuyên đề này, cũng như rất mong đông đảo các bạn đọc theo dõi tập chuyên luận này, chỉ cho tác giả những chỗ còn sai sót, và gợi cho tác giả những điều cần phải tiếp tục sửa chữa.
7. Tập tài liệu này sở dĩ ra mắt được bạn đọc trước hết là nhờ có sự giúp đỡ tận tình của đồng chí N.V. Xtankêvich và của Cụ Nguyễn Tài Đức. Đồng chí N.V. Xtankêvich đã dành nhiều thì giờ giúp đỡ chúng tôi trong việc lập hồ sơ, thu thập tư liệu về ngữ âm lịch sử, như lập gần 7.000 phiếu đối chiếu cách đọc Hán Việt với Đường âm, khoảng 6.000 phiếu những chữ Nôm có liên quan đến đề tài, sao lại nhiều phần trong các bộ từ điển cổ v.v... Cụ Nguyễn Tài Đức đã trích Tứ thư, Ngũ kinh, lập cho chúng tôi được một danh sách những chữ Hán thông dụng nhất, có kèm theo cách đọc Hán Việt bên cạnh. Cụ thường xuyên làm cố vấn cho chúng tôi trong những vấn đề có liên quan đến cách học, cách dạy, cách làm văn bài, thi cử thời trước.
Tập tài liệu này sở dĩ ra mắt được bạn đọc lại còn nhờ có sự khuyến khích rất nhiệt tình của các bạn đồng nghiệp trong hai tổ bộ môn Ngôn ngữ và Hán Nôm.
Cuối cùng, trước khi đưa in, tập này cũng đã được ban biên tập Nhà xuất bản Khoa học xã hội, và được các đồng chí Vương Lộc, Phan Huy Lê đọc kỹ và góp cho nhiều ý kiến rất bổ ích. Nhân đây chúng tôi xin ngỏ lời chân thành cảm ơn của chúng tôi.
Tác giảNguyễn Tài Cẩn
(l979)


Quy ước trong việc trình bày
1. Trong tập này, chúng tôi sẽ dùng song song cả hai hệ thống thuật ngữ : thuật ngữ ngữ âm học hiện đại, cũng như thuật ngữ của ngành âm vận học cổ truyền. Về nội dung các thuật ngữ âm vận học cổ truyền, xin xem:
- Vận, tiểu vận             trang 100 - Thanh mẫu, tự mẫu     trang 111
- Vận bộ (vận loại)    trang 104 - Đẳng                     trang 112
- Phiên thiết        trang 105 - Khai khẩu, hợp khẩu   trang 114
- Nhiếp                         trang 114
2. Tên gọi các tự mẫu, các vận bộ chúng tôi đều ghi theo cách đọc Hán -Việt. Để tránh những sự nhầm lẫn đáng tiếc, xin xem bảng đối chiếu với chữ Hán ở các trang sau đây:
- Về tên 61 vận bộ và 206 vận mục                   trang 101, 102
- Về tên 36 tự mẫu                                             trang 115
3. Để bạn đọc tiện theo dõi, nhiều trường hợp chúng tôi sẽ ghi các âm theo chữ Quốc ngữ chứ không theo ký hiệu quốc tế. Những trường hợp đó sẽ dùng chữ cái, in hoa, ví dụ âm B, âm CH, âm A, âm ƯA v.v... Riêng trường hợp âm A, những lúc cần phân biệt với ký hiệu quốc tế A thì sẽ dùng thêm hai ngoặc kép, ví dụ : “A”.
4. Một số ký hiệu thường dùng :
- Ký hiệu / có nghĩa là “đối lập với” hoặc “tương ứng với”.
Ví dụ :        p / b (p đối lập với b)
-m / -p (-m tương ứng với -p)
- Ký hiệu > có nghĩa là “chuyển thành”.
Ví dụ :        s > t (s chuyển thành t)
- Ký hiệu < có nghĩa là “chuyển từ”.
Ví dụ :        t < s (t chuyển từ s đến)
- Ký hiệu // có nghĩa là “tồn tại song song với tư cách là những biến thể”.
Ví dụ:         Ie // I (Ie, I là hai biến thể của một âm vị)



Chương thứ nhất
Mở Đầu

I. Định nghĩa Cách đọc Hán Việt”
1. Chữ Hán (hoặc còn gọi là chữ Nho) vốn là một nền văn tự do người Hán sáng tạo ra cách đây khoảng trên 3.000 năm, khi người Hán đang còn đóng khung địa bàn cư trú của mình trong vùng đất thuộc lưu vực sông Hoàng Hà và sông Vị.
Lúc đầu nó chỉ dùng để phục vụ riêng cho người Hán và các tầng lớp trên trong các khu vực đã bị Hán hoá sớm: ghi chép những chuyện liên quan đến bói toán (giáp cốt văn tự), ghi chép lời nói của những nhân vật nổi tiếng thời thượng cổ (Kinh Thư), ghi chép thơ ca dân gian (Kinh Thi), ghi chép các huyền thoại mà người Hán nghe được trong vùng (huyền thoại về Tam hoàng, Ngũ đế, Nữ Oa v.v...). Tiến lên một bước nữa, nó dùng làm công cụ để bàn bạc về triết học, thảo luận về chính trị (Luận ngữ, Mạnh tử, Trang tử, Tả truyện v.v...) cũng như để sáng tác văn học (Sở từ). Nhờ có chữ Hán, người Hán không những đã ghi chép được thành văn những điều mắt thấy tai nghe liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc mình, mà đi đến đâu, với công cụ sắc bén đó trong tay, người Hán cũng còn thu thập được cả những điều vốn có liên quan đến nền văn hoá của các dân tộc khác, tạo điều kiện để nâng cao thêm nền văn hoá của mình.
Sau đó, song song với việc mở rộng địa bàn cư trú của người Hán và địa bàn ảnh hưởng của nền văn hoá Hán, chữ Hán cũng dần dần lan tràn ra toàn vùng. Nó vượt sông Dương Tử, đi vào đất Ngô, đất Việt. Đến khoảng đầu Công nguyên, một mặt nó tiếp tục đi xa hơn về phía Nam, đi vào tận khu vực đất nước ta, một mặt nó lan tràn lên phía Đông Bắc đi vào đất nước vương quốc Cao Cú Lệ ở Triều  Tiên. Sau đó vài thế kỷ, xuất phát từ vùng bờ biển miền trung Trung Quốc nó lại tràn sang đến hai vương quốc Bắc Tế, Tân La nằm ở phía Nam Cao Cú Lệ. Xa hơn nữa về phía Đông, nó đã vượt biển lan tràn sang đến quần đảo Nhật Bản.
Trong điều kiện của nền văn minh trung cổ thời bấy giờ, cũng như chữ La-tinh và tiếng La-tinh ở vùng Tây âu, dần dần chữ Hán không còn là nền văn tự của riêng dân tộc Hán nữa: nó trở thành một nền văn tự dùng chung cho toàn vùng. Trong địa bàn Đông và một phần Đông Nam á, nó chuyển dần thành một nền văn tự chính thức của nhiều dân tộc khác, hay ít nhất thì cũng trở thành nền văn tự chính thức trong tầng lớp thống trị, tầng lớp trí thức của nhiều dân tộc khác. Ở Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, trong nhiều thế kỷ chữ Hán đã được coi như là văn tự chính thống, được đem giảng dạy ở nhà trường một cách quy mô nền nếp, được dùng vào thi cử, dùng vào công tác hành chính, ngoại giao, và cũng được dùng cả vào địa hạt văn hoá, địa hạt sáng tác văn học.
Nhưng với thời gian qua, cách đọc chữ Hán ở Trung Quốc, cũng như ở những vùng ngoài Trung Quốc đều dần dần thay đổi. Địa bàn mở rộng cũng tạo điều kiện củng cố thêm cho những sự cách xa nhau vốn có trong cách đọc - vì mỗi vùng vay mượn vào một thời kỳ khác nhau, sau đó lại diễn biến theo những chiều hướng khác nhau - làm cho những sự cách xa nhau đó càng ngày càng thêm sâu sắc. Mặt khác, đứng về bản thân chữ Hán mà nói, thì lối chữ này vốn cũng có những đặc điểm thúc đẩy thêm sự xa cách đó: đây là một nền văn tự không ghi từng âm như chữ Nga, chữ Anh, chữ Pháp, hay như chữ Quốc ngữ của chúng ta hiện nay. Qua tự dạng của chữ Hán chúng ta không thể phân tích để rút ra cách đọc một cách dễ dàng như ở các lối chữ ghi theo từng âm. Do tất cả những lẽ đó, dần dần trong vùng hình thành một tình thế như sau: hai người ở hai khu vực cách xa nhau có thể dùng chung một thứ chữ, viết như nhau, xem và biết được nội dung như nhau, nhưng đọc lên thì khác nhau, nói và nghe thì không hiểu được nhau nữa. Chữ Hán trở thành một hệ thống văn tự có nhiều cách đọc.
Hiện nay, nếu không kể những cách đọc khác nhau ở trong các địa phương Trung Quốc, thì ít nhất cũng phải tính đến mấy cách đọc chữ Hán có tầm quan trọng đáng kể sau đây: cách đọc chính thức theo âm Bạch thoại ở Trung Quốc, cách đọc ở Triều Tiên, hai cách đọc Go-on (Ngô âm), Kan-on (Hán âm) ở Nhật Bản, và cuối cùng là cách đọc thường được gọi là Hán Việt ở những vùng thuộc địa bàn văn hoá của người Việt. 
2. Cách đọc Hán Việt thường được giải thích là lối đọc chữ Hán riêng của Việt Nam, người Việt chuyên dùng khi đọc các văn bản tiếng Hán. Kể ra với một nội dung hiểu như thế mà đặt ra thuật ngữ “cách đọc Hán Việt” thì quả cũng có điều chưa thực ổn. Nhưng vì thuật ngữ ấy đã quá quen thuộc nên ta vẫn tạm dùng. Điều cần nói ở đây là ngay bản thân cách định nghĩa trên, tuy đúng nhưng cũng chưa thật thoả mãn chúng ta. Trong định nghĩa chúng ta chỉ mới gắn liền khái niệm “cách đọc Hán Việt” với bản thân người Việt và khu vực đất nước Việt. Thế ngộ nhỡ - về mặt lý luận - ở một địa bàn nào đấy, với một cộng đồng người đọc nào đấy, mà có đến hai ba lối đọc khác nhau thì sao? Như ở Nhật Bản chẳng hạn, người Nhật đứng trước chữ Hán vừa có lối đọc Go-on, vừa có lối đọc Kan-on, đó là chưa kể lối đọc theo Đường âm, theo quán âm, và lối đọc theo nghĩa. Nếu trong định nghĩa chỉ nêu “cách đọc chữ Hán của người Nhật, ở Nhật Bản” thì làm sao phân biệt được Go-on với Kan-on? Ngay ở Việt Nam ta cũng có tình hình phần nào tương tự như vậy. Ít nhất ở ta cũng có một khối lượng đáng kể những chữ hoặc vừa có cách đọc Hán Việt, vừa có cách đọc cổ Hán Việt, hoặc vừa có cách đọc Hán Việt, vừa có cách đọc Hán Việt Việt hoá (cách này tương đương với cách đọc gọi là Quán âm ở Nhật Bản).
Ví dụ về chữ vừa có cách đọc Hán Việt vừa có cách đọc cổ Hán-Việt :

?
vụ
?
Vị
phàm
phòng
mùa
Mùi
Buồm
buồng

Ví dụ về chữ vừa có cách đọc Hán Việt vừa có cách đọc Hán -Việt Việt hoá:
?
can
Cận
?
bổn
?
bản
gan
Gần
vốn
Ván

Cố nhiên, trước nay, theo thói quen, chúng ta không gọi mùa, mùi, buồm, buồng, gan, gần, vốn, ván là những cách đọc chữ Hán. Nhưng xét trên lí thuyết, và căn cứ kinh nghiệm ở những nước khác, thì cũng không có gì ngăn cản chúng ta có thể coi đó như là những cách đọc chữ Hán, có điều đó là những cách đọc khác với cách đọc Hán Việt. Trong trường hợp đó mà nếu chỉ định nghĩa cách đọc thông qua người đọc, địa bàn đọc thì làm sao phân biệt được cách đọc Hán Việt với cách đọc cổ Hán Việt, hay với cách đọc Hán Việt Việt hoá, vì cả ba cách đọc này cũng đều là những cách đọc chữ Hán của người Việt ở Việt Nam cả.
Mặt khác, lối đọc Hán Việt ở thế kỷ XX này (ta tạm ghi tắt là HV/20) lại xuất phát từ những lối đọc cổ hơn của các thế kỷ trước (HV/17, HV/15, HV/13 v.v...), những lối đọc này - theo định nghĩa trên - cũng đúng là những lối đọc Hán Việt cả. Truy xa hơn nữa, ta sẽ tìm ra lối đọc HV/1O, HV/9. Nhưng lúc này ta sẽ lúng túng, vì lúc này cách đọc riêng của người Việt lại chính cũng là cách đọc của người Hán, hay ít nhất thì cũng gần gần như cách đọc của người Hán. Thành thử, trong tình hình hiểu biết hiện nay, khi cần có định nghĩa thật đơn giản, thật dễ hiểu, thì ta dùng định nghĩa như trên là đúng. Nhưng nếu muốn có một tri thức thực sự khoa học, thì rõ ràng là cần phải có sự bổ sung thêm. Chỉ dựa một mình vào đặc điểm người đọc, địa bàn đọc, trả lời rằng đó là cách đọc chữ Hán của người Việt Nam, hoặc cách đọc chữ Hán ở Việt Nam, thì chưa đủ. ít nhất trong miêu tả cũng phải đưa thêm vào hai nội dung nữa, trả lời hai câu hỏi sau đây:
- Đây là một lối đọc bắt nguồn từ đâu? Từ ngữ âm tiếng Hán, nhưng cụ thể là tiếng Hán của thời kỳ nào?
- Đây là một lối đọc hình thành trên cơ sở nào? Trên cơ sở giữ nguyên (hoặc giữ gần nguyên) tiếng Hán trung cổ hay trên cơ sở biến dạng nó đi? Và nếu có biến dạng thì biến dạng theo phương hướng nào? Dưới tác động của những áp lực gì? v.v...
Đây là những câu hỏi không đơn giản, muốn trả lời đầy đủ thì phải có cứ liệu minh hoạ, có biện luận. Tạm thời ta chỉ có thể nói trước, một cách sơ bộ, trên những nét lớn:
- Cách đọc Hán Việt là một cách đọc vốn bắt nguồn từ hệ thống ngữ âm tiếng Hán đời Đường, mà cụ thể là Đường âm dạy ở Giao Châu vào giai đoạn bao gồm khoảng hai thế kỷ VIII, IX;
- Nhưng cách đọc theo Đường âm đó, sau khi Việt Nam giành được độc lập, đã dần dần biến dạng đi, dưới tác động của quy luật ngữ âm và ngữ âm lịch sử tiếng Việt, tách xa hẳn cách đọc của người Hán để trở thành một cách đọc riêng biệt của người Việt và những người thuộc khu vực văn hoá Việt. Đây là một cách đọc tạo thành hệ thống, nghĩa là trên lý thuyết có thể dùng để đọc toàn bộ kho tàng các ký hiệu văn tự Hán, với khả năng gần như cách đọc của bản thân người Hán; nhưng đây lại là một cách đọc độc lập, có đặc trưng riêng, chức năng riêng và có cả một lịch sử diễn biến của riêng mình.
3. Cách đọc Hán Việt đang là một sản phẩm của sự tiếp xúc giữa tiếng Việt với tiếng Hán, và nền văn tự Hán. Nhưng cũng là sản phẩm của sự tiếp xúc này, chúng ta lại đang còn có cả một loạt nhiều hiện tượng khác như những đơn vị gọi là tiếng Hán Việt, những đơn vị gọi là từ Hán Việt, và những đơn vị gọi là yếu tố gốc Hán v.v... Vậy phân biệt như thế nào?
Theo ý chúng tôi, nói đến cách đọc Hán Việt là nói đến cái vỏ ngữ âm mà người Việt Nam gán cho hệ thống văn tự  Hán, bất luận những chữ được đọc đó là những chữ như thế nào: những chữ ghi những tiếng đã được du nhập vào trong tiếng Việt như tuyết, học,cao,tuy, hay những chữ không liên quan gì với tiếng Việt như chẩm?, giá,ma..., Ngược lại, khi nói đến yếu tố gốc Hán là nói đến những yếu tố đã  được du nhập vào trong tiếng Việt, bất luận đó là những yếu tố như thế nào, xét về mặt quan hệ với văn tự: những yếu tố người Việt có thể liên hệ trực tiếp ngay với một chữ Hán như quốc ?, gia ?, sơn ?, thuỷ ?, hay những yếu tố không gây ra sự liên hệ như thế, ví dụ mùa (vốn do vụ ? mà ra), gần (vốn do cận ỹ mà ra), hoặc mì chính (vốn do vị tinh ? mà ra) v.v...
Đối chiếu hai khái niệm cơ bản trên đây với nhau - một khái niệm nặng về ngữ âm, một khái niệm nặng về từ vựng - chúng ta sẽ có sơ đồ như sau:
Cách đọc Hán-        - Việt

 


Yếu tố gốc Hán
                       I      III    II              
            
                                 
         
Trong sơ đồ hình thành 3 khu vực:
a) Trong khu vực I ta sẽ gặp những chữ tuy ta có thể đọc Hán Việt được, nhưng những chữ đó chỉ liên quan đến Hán ngữ chứ không liên quan gì đến tiếng Việt (xem những trường hợp chẩm, giá, ma ở trên).
b) Trong khu vực II là những yếu tố người Việt mượn từ tiếng Hán, nhưng những yếu tố đó lại không trực tiếp liên quan gì đến cách đọc Hán Việt. ở đây có thể có ba trường hợp:
- Trường hợp mượn trước cách đọc Hán Việt như mùa, mùi, buồng, buồm...
- Trường hợp mượn đời Đường, cùng một lần với cách đọc Hán Việt, nhưng sau diễn biến theo một con đường khác với cách đọc Hán Việt. Ví dụ: gan, gần, vốn, ván...
- Trường hợp mượn thông qua một phương ngữ tiếng Hán, ví dụ mì chính, cắc, lú bú...
c) Trong khu vực III là những yếu tố cũng thuộc vào loại mượn từ tiếng Hán, nhưng đó là những yếu tố mượn thông qua cách đọc Hán Việt nên được gọi là yếu tố Hán Việt. Ví dụ: tuyết, học, quốc, gia v.v... Xét về mặt ngữ pháp, có thể chia các yếu tố Hán Việt này thành trường hợp chỉ là tiếng, nhưng không phải là từ (ví dụ : quốc, gia) và trường hợp vừa là tiếng, vừa là từ (ví dụ: tuyết, học).
Phân biệt rành mạch 3 khu vực trên đây là một điều hết sức quan trọng. Chẳng hạn, làm một cuốn tự điển chữ Hán có ghi chú cách đọc Hán Việt cho người Việt thì phải chú ý đến cả khu vực I, cả khu vực III; làm một cuốn từ điển tiếng Hán Việt, từ Hán Việt, thì phải loại trừ khu vực I; để xảy ra một số chỗ lẫn lộn như trước nay thường thấy là một điều rất đáng tiếc.

II. Tầm quan trọng của cách đọc Hán Việt
1. Vấn đề tìm hiểu cách đọc Hán Việt là một vấn đề có tầm quan trọng đáng được đánh giá đúng mức, đối với thực tiễn cũng như đối với lí luận, đối với chúng ta cũng như đối với ngành Đông phương học thế giới.
Xuất phát từ thực tiễn trong nước mà nhìn, ai cũng thấy rằng trong quá trình phát triển, nền văn hoá dân tộc của chúng ta đã có mối quan hệ mật thiết với nền văn ngôn và với chữ Hán. Người Việt Nam trước đây, từ thế hệ này sang thế hệ khác, đã liên tục trong nhiều thế kỷ, sử dụng chữ Hán và lối văn ngôn như một công cụ văn hoá của dân tộc, dùng nó để ghi chép, viết lách, lưu lại đến ngày nay một kho tàng không nhỏ những công trình về sử học, về luật học, về y học, về văn học... Đó là một gia tài quý báu mà chúng ta phải đọc, phải tìm hiểu, phải dịch để giới thiệu lại cho các thế hệ mai sau. Mà rõ ràng là những việc làm này - đối với người Việt - không thể nào tiến hành tốt được nếu không thông qua cách đọc Hán Việt.
Trong kho tàng văn hoá Trung Quốc, cũng có nhiều thành tựu đã trở thành tài sản chung của nhân loại, thế giới cần phải thừa hưởng. Những tác phẩm triết học thời Tiên Tần, những áng Hán văn, Đường thi được coi là thuộc địa hạt tài sản thế giới đó, không lẽ chúng ta lại đọc theo âm Bạch thoại như ở Trung Quốc và Âu Mỹ, trong khi chúng ta đã có sẵn cho riêng mình cách đọc Hán Việt! Cách đọc Hán Việt là một tài sản của riêng dân tộc ta, không lý gì ta lại ruồng bỏ nó. Có dùng nó khi đọc Đạo đức kinh, Kinh Thi, Sở từ... thì mới phù hợp với thói quen dân tộc, tiện lợi cho dân tộc. Theo ý chúng tôi, dùng cách đọc Hán Việt ở những trường hợp này là một điều hết sức phù hợp với khoa học. Đọc theo lối Hán Việt thì dễ hiểu hơn, bởi lẽ ngay trong tiếng Việt đã có khá nhiều tiếng Hán Việt quen thuộc, chỉ đọc lên, nghe được, là hiểu được; đọc theo lối Hán Việt thì cũng thuận tai hơn, bởi lẽ hệ thống phụ âm, nguyên âm Hán Việt đã lọt vào trong hệ thống ngữ âm Việt Nam, trở thành hết sức tự nhiên; hơn nữa, đọc theo lối Hán Việt thì lại càng gần với thực tế lịch sử hơn, dễ dàng bảo tồn được những mặt thanh, vận, niêm, luật cổ, mà âm Bạch thoại ngày nay đã bỏ mất...
2. Nói đến tiếng Việt, lịch sử tiếng Việt, cũng không thể nào không đề cập đến bộ phận có liên quan đến cách đọc Hán Việt. Trong kho từ vựng Việt Nam - như trên đã nói - hiện có một khối lượng khá lớn những tiếng Hán Việt và từ Hán Việt. Đây là một bộ phận không thật xưa lắm, không thật “thuần tuý dân tộc” lắm. Nhưng đây là một bộ phận khá quan trọng, xét cả về mặt số lượng, cả về mặt vai trò mà chúng giữ, ở trong toàn bộ ngôn ngữ nói chung, và đặc biệt là ở trong cái gọi là ngôn ngữ văn hoá, nói riêng. Vì vậy một nhiệm vụ phải đặt ra: phải tìm hiểu toàn diện về lớp đơn vị từ vựng này, mà trước hết là phải tìm hiểu về cái vỏ ngữ âm Hán Việt của chúng.
Ngôn ngữ là một hệ thống. Yếu tố Hán Việt nằm trong lòng tiếng Việt với tư cách là một bộ phận của hệ thống. Cho nên khảo sát về bộ phận này cũng không phải chỉ là để hiểu riêng bộ phận này mà còn là để góp phần soi sáng chung cho toàn bộ hệ thống. Có hiểu được sắc thái ý nghĩa, chức năng tu từ, đặc điểm ngữ pháp của sơn, thuỷ, quốc, gia thì mới góp phần hiểu rõ hơn được sắc thái ý nghĩa, chức năng tu từ, và đặc điểm ngữ pháp của núi, sông, nước, nhà. Cũng vậy, có hiểu được lịch sử hình thành cách đọc Hán Việt, thì mới góp phần hiểu rõ hơn toàn bộ lịch sử diễn biến ngữ âm của tiếng Việt.
3. Ngoài ra, như mọi người đều biết, trước đây ta lại còn có chữ Nôm. Chữ Nôm là một lối chữ dân tộc xây dựng nên trên cơ sở dùng các yếu tố của nền văn tự Hán, đọc với lối đọc Hán Việt. Thế nghĩa là có tìm hiểu được về sự hình thành toàn bộ hệ thống ngữ âm Hán Việt, thì mới giải thích được về vấn đề thời kỳ hình thành toàn bộ hệ thống chữ Nôm; có nắm chắc được về quá trình diễn biến của từng phụ âm, từng nguyên âm, từng vần Hán Việt, thì mới đoán định được thời điểm xuất hiện của từng mô hình chữ Nôm. Trong đa số các kiểu cấu tạo, chữ Nôm đều phải dựa vào cách đọc Hán Việt, muốn đọc Nôm, phiên Nôm, cũng không thể nào không dựa vào cách đọc Hán Việt được.
4. Đứng ở địa hạt Đông phương học thế giới mà nhìn, cách đọc Hán Việt cũng là một cứ liệu quan trọng, luôn luôn được giới nghiên cứu nhắc nhở đến. Nghiên cứu hệ thống ngữ âm tiếng Hán trung cổ, thì rõ ràng là không thể nào không viện dẫn đến cách đọc chữ Hán ở Việt Nam, vì cách đọc này vốn bắt nguồn từ tiếng Hán trung cổ. Nhưng ngay khi nghiên cứu cách đọc Kan-on ở Nhật Bản, hay cả những khi nghiên cứu những cách đọc có nguồn gốc xa hơn như cách đọc Hán - Triều, cách đọc Go-on, thì so sánh với cách đọc Hán Việt lắm khi cũng là một con đường có thể đưa lại những sự gợi ý hữu ích.
Một ví dụ về sự đóng góp của cách đọc Hán Việt: Trong khoảng đầu thế kỷ VII, ở cuốn Thiết vận của Lục Pháp Ngôn có một loạt chữ được quy vào cùng một nhóm với những chữ như hà, hài, hàm, hoạ, hai bên cùng thuộc một thanh mẫu gọi là thanh mẫu hạp. Nhưng đến cuối Đường, đầu Tống, trong bảng Tam thập lục tự mẫu ta lại thấy những chữ đó được xếp cùng với những chữ như do, dư, dĩ và quy thành một thanh mẫu mới gọi là thanh mẫu dụ. Như vậy trong khoảng vài trăm năm, những chữ ấy đã có một sự di chuyển từ thanh mẫu này sang thanh mẫu khác. Một vấn đề được đặt ra:  quá trình di chuyển ấy đã xảy ra theo những bước như thế nào, và xảy ra do những nguyên nhân nào ? Nếu đem loạt chữ đó đọc theo cách đọc Hán Việt, chúng ta sẽ thấy chúng đọc với phụ âm V (ví dụ : vu, vân, viên), một phụ âm vừa không giống với hà, hài, hàm, hoạ, vừa không giống với do, dư, dĩ. Thế nghĩa là chỉ với một mình cứ liệu Hán Việt chúng ta đã có thể:
a) Một mặt, khẳng định thêm những điều mà cứ liệu tiếng Hán đã cung cấp : những chữ này sở dĩ chuyển từ hạp sang dụ, là vì thuộc tam đẳng, mà phần lớn là hợp khẩu, có -iw- ở đầu vần. Quả vậy, V ở tiếng Việt vốn có bắt nguồn từ w, và những chữ ghi với D Quốc ngữ vốn thường bắt đầu bằng J, tái lập cho vu, vân, viên tổ hợp âm lướt -iw- là điều hoàn toàn hợp lý. Chính tổ hợp âm lướt này đã cho phép vu, vân, viên, có điều kiện để, ở tiếng Việt, chuyển sang phụ âm V; còn ở tiếng Hán thì chuyển sang phụ âm J, nhập vào thanh mẫu dụ.
b) Mặt khác, cách đọc Hán Việt vu, vân, viên lại làm sáng tỏ thêm một điều: những chữ này, sau khi tách khỏi thanh mẫu hạp không phải là đã nhập ngay vào thanh mẫu dụ, mà phải kinh qua một bước trung gian, đứng độc lập riêng một đàng, với phụ âm không giống ở hạp cũng không giống ở dụ. Bước trung gian này là bước xảy ra vào khoảng hai thế kỷ VIII và IX.

III. PHƯƠNG HƯỚNG NGHIÊN CỨU CÁCH ĐỌC HÁN -VIỆT
1. Vì tầm quan trọng như trên, dưới đây chúng ta sẽ đi vào chuyên khảo sát cách đọc gọi là Hán Việt đó. Nhưng trước lúc bước vào việc khảo sát, cũng cần phải nói rõ vài điểm có thể coi như là thuộc địa hạt phương pháp, để thống nhất cùng nhau về cách đặt vấn đề, cũng như về đường đi nước bước.
Cách đọc Hán Việt là một hiện tượng thuộc địa hạt ngôn ngữ, nghĩa là một hiện tượng có tính chất xã hội. Vì vậy, nói đến cách đọc Hán Việt, nhất thiết phải dựa vào thói quen của toàn xã hội để định đoạt, tuyệt đối không thể lấy một nhân tố phi xã hội nào để làm cơ sở. Đứng trước một hiện tượng như cách đọc ảo của chữ chẳng hạn, nếu chúng ta căn cứ vào tự điển, căn cứ vào tài liệu ngữ âm lịch sử, thì chúng ta sẽ thấy ngay rõ ràng đó là một cách đọc nhầm. Đọc huyễn, hoạn mới đúng, vì Khang Hy tự điển phiên thiết là “hồ biện”, còn các tài liệu ngữ âm lịch sử khác thì lại cho biết đó là một chữ thuộc thanh mẫu hạp, vận bộ sơn, khứ thanh, hợp khẩu. Nhưng đối với chúng ta, không một cuốn sách nào, không một nhà nghiên cứu nào là có thể bắt ta bác bỏ được cách đọc ảo. Đối với chúng ta, trong vấn đề nghiên cứu ngôn ngữ, chỉ có nhân tố xã hội mới có tiếng nói quyết định. Nếu ta đã chấp nhận cách đọc huyễn, vì  huyễn đã nhập một với   (cũng đọc là huyễn), tạo ra từ huyễn hoặc được dùng rộng rãi, thì ta lại không có lý gì không chấp nhận luôn cả cách đọc ảo khi toàn dân đã quen nói ảo tượng, huyền ảo, hư ảo, ảo thuật, ảo mộng, ảo ảnh v.v... Theo ý chúng tôi, đang ở địa hạt Hán Việt, nếu chỉ căn cứ vào sách vở mà chê cách đọc này là sai, mà đề nghị cách đọc kia phải đọc lại v.v... thì đó là một điều vừa không tưởng, vừa sai lầm. Nói một cách khác, phải chấp nhận bất kỳ cách đọc nào đ được tiếng Việt chấp nhận, vì đó là hiện thực.
Do lẽ đó, chúng ta phải đi đọn một hệ quả là phải hết sức thận trọng, phải cố gắng cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chọn một chữ nào đấy để làm đối tượng khảo sát. Khối lượng chữ Hán vô cùng lớn. Chữ Hán lại thuộc loại văn tự không thể nào cho phép một người có thể đọc được tất cả mọi chữ. Có những chữ nhiều người biết, nhiều người đọc thống nhất từ lâu đời. Bên cạnh lại có những chữ ít khi gặp, ít ai biết đến, nếu có ai đó đọc lên thì cách đọc đó vị tất đã có một cơ sở xã hội thật chắc chắn làm hậu thuẫn. Vì vậy khi nghiên cứu, chúng ta sẽ cố gắng chỉ đi vào trường hợp những chữ có cách đọc thực sự được bảo đảm.
Làm thế nào để có thể biết rằng một chữ nào đấy có cách đọc thực sự được bảo đảm, để chọn lựa dùng làm đối tượng nghiên cứu? Chúng tôi đã tự đề ra mấy tiêu chuẩn dưới đây để hướng dẫn sự chọn lọc:
a) Trước hết phải chọn những chữ mà cách đọc đã đi vào trong kho từ vựng tiếng Việt, làm thành những đơn vị có khả năng vận dụng độc lập của tiếng Việt, ví dụ chọn tuyết, ngọc, cao, học, tuy, hoặc v.v... Đó là những chữ có cách đọc đã Việt hoá cao độ, đã trở thành những từ đơn quen thuộc, ai ai cũng biết.
b) Thứ hai, là chọn những chữ mà cách đọc đã trở thành những hình vị cấu tạo từ khá thông dụng, được dùng để tạo ra hàng loạt từ cho tiếng Việt, ví dụ:
- ái trong ái tình, ưu ái, ái quốc, bác ái, luyến ái, ái hữu, ái ân, nhân ái v.v...
- gia trong gia đình, gia tộc, gia phả, gia sản, gia tư, gia phong, quốc gia v.v...
- quốc trong quốc kỳ, quốc ca, quốc tế, ái quốc, quốc huy, quốc hiệu, quốc vương, vương quốc v.v...
- hải trong hải đăng, hải phận, hải quan, hàng hải, hải lưu, duyên hải...
c) Cố nhiên cũng có thể có trường hợp một tiếng nào đây không dùng để tạo ra nhiều từ, nhưng ta vẫn biết đó là một tiếng được xã hội nhất trí chấp nhận, và ta vẫn chọn được, ví dụ: gia ?. Tiếng này không có sức sản sinh cao. Nhưng tiếng này lại nằm trong những tên riêng quen thuộc như Gia Định, Gia Long... Trong Kiều lại có câu:
“Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh”
ai ai cũng biết đến. Trường hợp chữ húc ? cũng vậy. Trong Hán Việt tự điển, cụ Đào Duy Anh chỉ cho một từ húc nhật, mà ngay từ này cũng ít ai biết đến. Nhưng chúng tôi vẫn chọn vì lẽ rằng đã có tên cầu Thê Húc ở hồ Hoàn Kiếm được báo chí nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
d) Nếu chữ nào không rơi vào ba trường hợp trên thì chúng tôi lại chủ trương dùng phương pháp đối chiếu các tự điển Hán Việt với nhau để làm cơ sở chọn lựa: những chữ nào mà các tự điển đều thống nhất cách đọc thì chúng tôi tin cậy hơn, đưa lên hàng ưu tiên; những chữ nào hễ có tự điển đọc khác thì chúng tôi đánh giá thấp hơn và chỉ dùng khi thật cần thiết.
2. Việc nghiên cứu cách đọc Hán Việt, nếu tiến hành được triệt để, thì có thể đưa đến hai kết quả:
- Thứ nhất là phát hiện ra được những quy luật cơ bản nhất, chi phối cách đ?c của tuyệt đối đa số trường hợp.
- Thứ hai là góp phần giải thích được ngay cả những cách đọc cá biệt, nằm ngoài quy luật (nằm ngoài quy luật, nhưng vì một lý do nào đó, vẫn được toàn xã hội chấp nhận) như trường hợp chữ ảo đã từng có lần đề cập đến ở trên.
Ở Việt Nam cách đọc ngoại lệ không phải là ít. Xin đơn cử một trường hợp sau đây để minh hoạ: trường hợp đọc các chữ thuộc thanh mẫu tâm. Trong bảng điều tra của chúng tôi có 229 chữ thuộc thanh mẫu tâm với 239 cách đọc (vì có những chữ có thể có đ?n 2, 3 cách đọc). Kết quả phân bố như sau:
Tổng                    số
Cách đọc Hán Việt (theo Quốc ngữ)
Khai khẩu
Hợp khẩu
Đẳng 1
2
3
4
1
2
3
4
T
33

90
28
29

37

217
S
4

1

2



7
TH
1

1
2
1



5
D



1


1

2
CH






2

2
TR
1







1
N
1







1
KH



1




1
X


1





1
NH






1

1
H






1

1

Rõ ràng đối với một nhà ngữ văn học thì sự hiểu biết về những cách đọc chỉ gặp một hai lần như H, NH, X, KH, N, TR, CH, D ở trên là vô cùng quý báu. Và đối với nhà ngữ âm học lịch sử nhiều khi những cách đọc ngoại lệ đó cũng rất có ý nghĩa. Nhưng ở đây, trong đợt sơ bộ khảo sát này thì chúng ta chưa thể đi vào giải thích cách đọc của từng chữ một được. Phải đợi đến một đợt sau, trong một công trình khác - ví dụ trong một cuốn từ điển Từ nguyên chẳng hạn - thì ta mới có thể thoả mãn được yêu cầu đó. Ở đây, chúng tôi chỉ mới có hy vọng đứng về mặt ngữ âm lịch sử tìm ra những quy luật cơ bản nhất chi phối cách đọc chính của đa số trường hợp. Cách đọc lệ ngoại cũng sẽ được ghi nhận, nhưng sẽ chưa được giải thích.
3. Cuối cùng, cũng xin nói qua về các bước đi của chúng tôi trong việc trình bày về cách đọc Hán Việt, sau chương mở đầu này.
Trước hết chúng tôi sẽ trình bày hoàn cảnh lịch sử đã dẫn đến sự hình thành cách đọc Hán Việt. Với chương này (chương II) chúng tôi sẽ đi đến kết luận: chính vào giai đoạn thế kỷ VIII, IX, ta có một đợt tiếp xúc với tiếng Hán cực kỳ quan trọng. Đây là thời kỳ đặt nền móng cho cách đọc Hán Việt. Kể ra, muốn xác định điểm xuất phát của cách đọc Hán Việt, thì phải  xác định, dựa đồng thời vào một tổng hợp nhiều cơ sở, trong đó cơ sở ngữ âm lịch sử là quan trọng nhất. Nhưng cơ sở ngữ âm, là vấn đề sẽ bàn ở các chương sau, nếu đưa lên trước, thì sẽ trùng lặp, và cũng sẽ gây ra cả khó khăn cho người đọc. Do đó, ở chương này chúng tôi chủ yếu chỉ đưa điều kiện lịch sử ra để trình bày.
Từ thế kỷ X trở về sau, không phải chúng ta không còn có dịp tiếp xúc với tiếng Hán nữa. Gần đây chúng tôi vừa phát hiện được một chứng tích cho thấy đầu thế kỷ XV vẫn có thời kỳ ở Việt Nam dạy đọc kinh Đạo giáo theo cách đọc của người Hán đời Minh. Chúng tôi sẽ dành toàn bộ một chương (chương III) để phân tích cứ liệu này. Bởi vì phân tích kỹ cứ liệu này chúng ta sẽ có được hai điều thu hoạch hết sức quan trọng :
- Một mặt, chúng ta sẽ thấy rõ được ảnh hưởng của tiếng Hán trong những lần tiếp xúc hậu kỳ, sau khi độc lập.
- Một mặt khác, chúng ta lại sẽ càng thêm xác tín rằng, dầu sao thì đợt  tiếp xúc trong giai đoạn bao gồm hai thế kỷ VIII - IX cũng là đợt tiếp xúc cơ bản nhất, có vai trò quyết định nhất trong việc đặt nền móng cho cách đọc Hán Việt.
Sau hai chương, xác định được hoàn cảnh lịch sử như thế rồi, thì chúng ta sẽ bắt đầu đi hẳn vào vấn đề nguồn gốc, vấn đề xuất phát điểm của cách đọc Hán Việt : vấn đề tìm hiểu tiếng Hán đời Đường. Nhưng muốn khách quan thì phải trình bày cứ liệu trước khi trình bày nhận định. Do đó ở đây chúng ta cũng sẽ có hai chương:
- Chương IV: giới thiệu các cứ liệu dùng để nghiên cứu xuất phát điểm của cách đọc Hán Việt.
- Chương V: giới thiệu về bản thân cái xuất phát điểm đó: hệ thống thanh mẫu, hệ thống vận bộ của tiếng Hán vào khoảng hai thế kỷ VIII, IX.
Sau khi Việt Nam giành được độc lập (905 - 938), cách đọc chữ Hán ở Việt Nam không phải đứng yên một chỗ. Nó luôn luôn diễn biến, mà chủ yếu là diễn biến theo quỹ đạo của quy luật ngữ âm và ngữ âm lịch sử tiếng Việt. Do đó, bước tiếp theo là phải khảo sát các quá trình diễn biến liên tục từ đầu thế kỷ X đến nay, trên đất Việt Nam, để xem thử những quá trình đó đã dần dần, từng bước, làm biến dạng cách đọc của Đường âm như thế nào, để cuối cùng đi đến tình trạng như hiện thấy. Vì địa hạt ngữ âm khá rộng, ít nhất cũng phải chia thành vài khía cạnh nhỏ để trình bày, nên sau chương V, chúng ta sẽ có thêm ba chương tiếp nữa :
- Chương VI: trình bày về quá trình hình thành hệ thống phụ âm đầu Hán Việt hiện nay.
- Chương VII : trình bày về quá trình hình thành hệ thống vần trong cách đọc Hán Việt.
- Chương VIII: trình bày về quá trình hình thành hệ thống thanh điệu.
Cuối cùng là chương tổng kết. Trong chương IX này chúng ta sẽ cố gắng vươn lên, nhìn với một tầm nhìn bao quát hơn để rút ra một vài nhận xét chung nhất.




_

5 nhận xét:

  1. Chào bạn, mình đang muốn tìm mua cuốn sách này, bạn có cuốn đầy đủ hoặc bản điện tử ko, giúp mình nha. Xin cảm ơn và hậu tạ !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình cũng đang tìm mua quyển này, ko biết có bản điện tử ko nhỉ ?

      Xóa
  2. có gì liên hệ với mình email: 3068403905@qq.com hoặc nguyenhuonggiang.hy@gmail.com nha

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. chào giang. không biết bạn có file của quyển nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc hán việt không, vì thấy bạn cmt ở phía trên, nếu bạn có cho mình xin với, gmail của mình là banthancuatoi.96@gmail.com cảm ơn bạn nha

      Xóa
  3. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa