MỘ PHÁCH
Phùng Cung
Ông ơi! – tiếng gọi thì to – cái thằng mặt dầy sang làm gì đấy? – tiếng hỏi thì nhỏ dần. Bà Khuê vợ ông Tư Chản vừa từ chợ Phùng về đến lối rẽ đầu bờ ao, nhìn thấy người mà bà không ưa, từ sân nhà bà qua lối bờ ruộng khoai sọ nhà thím Vượng đi tắt lên thẳng gốc gạo đầu xóm. Ông Tư Chản, đang bận tay phía sau nhà, ông quành về đứng đầu hỏi lại:
- Ai? Thằng mặt dày nào? – Vừa hỏi ông Tư Chản vừa nhăn nhăn nhìn vợ.
Bà Khuê tuy vẫn còn bực, nhưng lại tủm tỉm pha trò:
- Thằng nào ăn béo thì mặt dày! Nó đến hỏi gì nhà này?
- À thằng Đáng con nhà Thước; bà nói gì mà nặng lời thế!
Ông Tư Chản vốn dịu dàng, nói chuyện với bất kỳ ai ông cũng cười cười xã giao – tính bẩm sinh, tính gia truyền, thói quen nghề nghiệp tạo thành. Từ lâu nay; nhất là từ sau cải cách, ông ít khi đi đâu, ít nói, gần như lù đù, nhút nhát; vợ ông cũng thấy thế. Ông nói thằng Đáng vừa qua đây, nó đi họp xã, tiện rẽ vào hỏi thăm xem thằng Thuyên nhà này, từ bữa trở về đơn vị, đã thư từ gì về chưa? Hai thằng vừa là bạn học với nhau, vả lại cũng còn là anh em nội, ngoại. Ông không muốn vợ nói nặng như vậy; chả gì nó cũng đang là cán bộ, lỡ nó nghe tiếng lại nghĩ nhà mình thế nọ, thế kia, thêm phiền. Ông cũng cứ băn khoăn chưa rõ vì sao mà vợ ông có ác cảm với thằng Đáng; và ông vẫn khuyên vợ không nên thế. Chưa dứt lời khuyên của chồng, bà Khuê đã gạt đi, bực bội nói là ông không đi họp, ông không biết. Từ sau Cải cách, nó được vào Đảng; nhất là từ khi làm ủy viên ủy ban xã; úi chà! gặp ai nó cũng vác cái mặt lên, ra điều ta đây cán bộ. Ngay những lần họp thôn, họp xóm. Nhìn thấy bà nó có thèm mở miệng chào một lời Bà còn nhận xét : xem y,ù ngay mẹ nó cũng đang lên mặt... Bạn bè, họ hàng gì lúc này! Một sự bực bội vừa có cớ. Nó được hình thành trong bối cảnh cần sự đoàn kết, cần sự chia rẽ! Bà Khuê từ một người nhanh nhảu, vui tính, hiền dịu, dần dần trở nên kí cảu, có lúc nặng lời, thậm chí tục tĩu, nghĩ lại và tự thấy ngượng ngùng. Cái môi trường sinh sống nó quan trọng thật! Nó nhẹ nhàng vần đi, vần lại, biến đổi, phân hoá, nó kiểm dấu chìm, dấu nổi giai cấp lên chỗ dễ tìm thấy, lên mặt từ già lão đến trẻ thơ!
Hai vợ chồng tư Chản hễ va vào cái việc nho nhỏ, na ná như hôm nay, ông cũng nói, bà cũng nói nhưng cuối cùng ông lại mở rộng lỗ tai dễ tính để bà giót vào những điều bực bội. Ông chỉ gật gật đầu « Ra thế đấy» – Nhưng ông chẳng muốn để vào bụng làm gì. Từ sau Cải cách đến giờ, ông đã tự khép bớt lỗ tai, xung quanh người ta cho là ông nghễnh ngãng. Vợ ông vẫn hay cười nói vui là ông giả nghễnh ngãng để trốn họp, đùn cho vợ phải cáng đáng những việc tổ, xóm. Ông công nhận, lấy tiếng cười thay lời nói; vợ chồng kể là già, vui vẻ, nương nhường nhau. Năm nay ông tư Chản mới năm mốt, hơn vợ sáu tuổi. Từ ngày bị gãy nghề thì hai cái tên kép Chản, đào Khuê cũng gãy theo! Hai người đội chung danh «ông bà Tư Chản » hoặc «vợ chồng Tư Chản » hoặc « nhà Chản », gọn thế thôi.
Cái tên làng Vân Cốc quê ông bây giờ nghe nó xa xôi lắm! Ngày trước, biết tên Vân Cốc là biết đến họ Thẩm nhà ông. Biết họ Thẩm là biết đến nghề ca trù nổi tiếng lâu đời. Khi cái tên Vân Cốc được đổi thành Toàn Thắng – Toàn Thắng lên ngôi son! Tất cả những cái gì trước nó đều được quét sạch; huống hồ là họ Thẩm với ca trù. Hai vợ chồng lấy làm thương lắm! Thảng thốt nhớ lại, tựa hồ nhớ lại một bản án bất lương với bao nhiêu tiền sự mà đều do tiếng đàn, tiếng phách gây nên; nếu không muốn nói rõ tội danh là kéo lùi, thì cũng là ghìm chân của bước đi lịch sử! tất cả đã được ghi rõ trong sổ đen của thời điểm! tất cả đã được treo, bêu lủng lẳng trên giá xử giảo của dư luện! Những gì được mệnh danh là xấu xa, mà cứ âm thầm nuối tiếc, có khác gì đưa đầu vào bẫy – dại dột nhường này thì ắt là số mệnh, là «Nghiệp».
Vợ chồng kép Chản, đào Khuê lặng buồn, trăn trở thầm kín, nuối tiếc – không phải là sự thất thoát lưng cơm, manh áo, mà là sự đổi thay từ dáng dấp đến vẻ mặt, đến lời ăn tiếng nói của cả vợ chồng. Tư Chản rầu rĩ thương nghề, thương vợ mà không một lời phàn nàn ra miệng. còn đâu cái hình hài mảnh mai, uyển chuyển! Còn đâu cái nhìn lặng lẽ u huyền trên nụ cười duyên dáng quay đi đúng lúc. Còn đâu cái giọng ngọc trong trẻo khi cất tiếng nối dây tơ dạo một khổ sòng đầu! Lòng thương cảm như một ly rượu uống chung – nài ép, nhường nhau, im lặng – nói lên bao điều sau, trước e lệ từ tiền duyên. Tất cả phải chấp nhận như một sự mất cắp giữa chợ. Thời gian đang tiếp tay câu thúc nặng nề, như một khối đá hộc liền phiến không thể san gánh khổ sai mà phải cùng ghé vai è cổ chung đòn khênh chẳng biết đến bao giờ! Cô đào Khuê họ Triệu – bà Tư Chản – của hôm nay, đang thoi thóp với những hoài niệm – từ lúc chập chững hướng nghề, được bà ngoại nắn tay xóc dùi tập đập phách buổi đầu dạo khúc « gửi thư ». Đất Ái Vũ quê mẹ của đào Khuê cũng nằm trong vùng bão tố. Từ Vân Cốc đến Ái Vũ, khoảng cách có bao xa, đều kề hai bên tả, hữu ngạn sông Hồng. Tiếng sáo diều hóc gió bên này, bên kia còn nghe rõ. Bà tư Chản ngậm ngùi cái cảnh hai quê hôm nay, chỉ còn là mồ hôi và nắng cháy, cách trở biền biệt... Những hồi tưởng đều nghiễm nhiên tự mình quản thúc ngặt nghèo!
Còn ai mà chia sẻ? Đất Ái Vũ cũng như đất Vân Cốc một thời năm, sáu cây đàn đáy so dây, tản đi bao ngả. Cách mạng vùng lên; giặc tràn về lập bốt; cách mạng trở về chiếm lại. Tình nguyện và không tình nguyện, bao tay đàn đã chuyển sang cầm súng. Du kích và ngụy quân đã nhằm vào mặt nhau mà nhả đạn! Khuyên nhủ, dụ dỗ và cưỡng bức, họ hàng, thậm chí ruột thịt reo hò cầm lửa đốt lẩn nhau. Và những cây đàn đáy đã biến thành nạn nhân của khói lửa. Chỉ nói riêng làng Vân Cốc; những tay đàn họ Thẩm thù địch của hôm nay đã cùng nằm sâu dưới lòng đất. Chỉ còn mỗi mình tư Chản đương nhiên thay mặt nghề nghiệp họ Thẩm hứng lấy mọi điều sau thời khói lửa. – Tình nguyện run tay ký vào bản án khai tử và bản giao kèo, truy nã tận cùng cái nghề nghiệp ca trù! Xấu lắm! Xấu đến ngàn năm chư a hết xấu! lời khẳng định của bàn tay dựng xây hạnh phúc; giải phóng mọi gông xiềng; san bằng mọi lồi lõm bất công cho hôm nay và cho muôn đời sau!
Những ngày đất chuyển : giảm tô – cải cách – tiêu diệt – lột xác – tái sinh.
Hai vợ chồng đào Khuê, kép Chản trước bà con thôn xóm; trước mặt đội cải cách – người đang cầm trong tay sinh mệnh mọi người. Tiếng đàn, tiếng hát được cạo bỏ từ một đêm học tập – như một tín đồ đạo Phật được nhận lễ phát tóc trước đèn hương Tam bảo. Nét mặt kép Chản ngơ ngác, sợ hãi, tựa kẻ gian dâm bị cạo nhẵn tóc, nhẵn lông mày! Từ đấy, nếu ai còn lỡ miệng nhắc đến hai tiếng đào, kép thì bản thân vợ chồng Tư Chản đều cúi đầu lang lảng; mà kẻ lỡ miệng cũng cảm thấy mình như tòng phạm chính sách. Hai vợ chồng Tư Chản được học tập, được giáo dục, được xác định chỗ đứng, bước đi trong thôn xóm, trong cả cuộc đời, mà bước đầu lẫm chẫm từ đây – Trung nông lớp dưới – Tiểu tư sản nông thôn – cũng nhẹ nhàng trong thành phần giai cấp nhưng lại rất nặng cân. Học tập, học tập và học tập, hai vợ chồng phải thấy được, phải tự nói lên được cái bản cáo trạng – tự thuật – về mình, về những người lớp trước mình đàn, phách giao du ... Chẳng phải phong kiến, quan lại, không có nợ máu, không có chiếm hữu bóc lột. Nhưng cái nghề ca trù, đàn hát chỉ để làm vui cho bọn quan lại, lý hào, họn bóc lột – kiếm miếng cơm, manh áo là nhờ ăn theo lũ ăn bám mồ hôi nước mắt, xương máu của bà con nông dân lao động. có buổi bà Tư Chản tỏ ý né tránh ít nhiều lời chân lý nặng nề; yếu ớt biện hộ : tiếng đàn, tiếng hát cũng còn để kính thờ nơi đền, phủ tôn nghiêm nhà thần nhà thánh... Lời ngoan cố được chặn lại, gây một chuỗi cười tập thể. Một bài học phụ của chính khoá cho vợ chồng Tư Chản củng cố thêm: Thần nào? Thánh nào? Đền, phủ nào? Tóm lại chỉ là mê tín, dị đoan nhảm nhí, do bàn tay kẻ bóc lột bày đặt, mà kẻ tiếp tay cho chúng vẫn hôn mê. Hai vợ chồng Tư Chản giật mình bừng tỉnh. Vậy là từ nay cái nghề ca trù càn rỡ dông dài phải tự tay đào sâu, chôn chặt, không để nấm mồ, không luyến tiếc. Mai mốt sẽ tạo cho mình một suy nghĩ mới, một thói quen mới, một cách làm ăn mới – lột xác, đổi đời.
Ngoài một sào vườn nguyên cư, vợ chồng Tư Chản được nhận thêm nửa sào ruộng – ruộng của chùa bớt lại – để được đổ thêm mồ hội, tự cải tạo bản thân để cùng đội ngũ nông dân lao động nhịp bước trên con đường mới vinh quang! Những lời vàng ngọc của thời điểm vàng ngọc, vợ chồng Tư Chản bước đầu thấm nhuần, vẫn còn rất lo lắng; trong đội ngũ vẫn còn để một khoảng cách vì vợ chồng chân yếu, tay mềm, lại quá nặng căn lẽo đẽo theo không kịp – Biết đến bao giờ cho kịp – Tuổi đời có hạn, thời gian không chờ đợi. Hai vợ chồng Tư Chản còn ngơ ngác trước một không gian quá mới. Vẫn lũy tre làng, vẫn đường đi, lối lại này, vẫn cái ao nhỏ trước nhà này, cả đến nếp nhà bánh tẻ ba gian, chính tay vợ chồng tạo nên; cái tổ ấm đã sinh hai con; một gái, một trai cũng đều trở thành lạ lẫm. Tư Chản đã bới được một điều may, ông rỉ rả với vợ : «Hai đứa trẻ nhà mình chưa bén sâu đàn phách!» Cái dự định của vợ chồng từ lúc mang thai con Nhiễu, thằng Thuyên nay quả là một điều dại dột – xẩy chân xéo vào hiểm hoạ khó lường! Nếu không thì làm sao chúng được nhẹ bước trong đội ngũ mới, có chăng chúng chỉ bị ảnh hưởng trong cái nôi xuất thân Tiểu tư sản nông thôn.
Mỗi lần thấy chồng nhấm nháp cái điều may mắn ngẫu nhiên, vợ ông lại nhơm nhớm nước mắt. Cái thói quen của giọng ngọc – khi may mắn cũng có nước mắt. Nước mắt đa cảm chảy ba bốn chiều trong tuyến lệ bẩm sinh. Phút lặng trầm ấy, Tư Chản chỉ thở dài; vậy mà dần dần được nhiễm ít nhiều thói quen mới. Nhiễu, đứa con gái đầu, đã sớm được đứng trong đội ngũ thanh niên xung phong, đã thoát ly, đã lấy chồng, cưới theo đời sống mới, đã bận con và nay đang làm ruộng tại quê chồng tận Mai lĩnh – Hoà Bình; mỗi năm cũng đôi lần qua thăm cha mẹ; thường là về vào mùa dứa.Thằng Thuyên, con trai độc nhất, khi nó mới biết lẫy, ông đã nắn ngắm bàn tay của nó và lấy làm mãn nguyện. Ngón tay dài, ắt hẳn dài hơn ngón tay bố, mai ngày nhẹ nhàng nhấn, vuốt dây tơ...Thời thế đổi thay, bối cảnh đã tạo cho nó nhìn cây đàn đáy gia truyền như nhìn vào cây sung, cây ổi. Năm ngoái thằng Thuyên đã được đi bộ đội, tự hào, hãnh diện trong quân binh tiền phong. Thằng con trai cầm súng thay đàn cũng là một điều mừng của hai vợ chồng Tư Chản; nhưng cũng không phải đã hủy cái ám ảnh buông đàn, cầm súng của mấy người họ Thẩm ngày trước! Thằng Thuyên đang đóng tại Cao bằng. Mấy tiếng «Nước non Cao bằng» nó chập chờn của lời ru từ miệng cô đào Khuê rót vào tai thằng Thuyên ngày nào như là một dự báo xa xôi, cách trở, đẹp và buồn... Nhớ con bà Tư Chản nhớ đến những ngày bế, ẵm nhiều hơn nhớ đến một người lính hôm nay.
Con cái ở xa, nhà vắng lắm! Sân, hiên mưa cấy rêu xanh. Lá cây xung quanh nhận giờ chung cuộc, cây gió gửi thân – Vườn, sân nơi đây, một nghĩa trang lá rụng! – Thần thánh có khi còn nhầm, huống hồ chiếc lá! Nhà có người mà như hoang vắng từ lâu. Hai vợ chồng lúi húi quanh vườn, bới đất, lật cỏ, luống rau, hốc bí. Sự vắng lặng này có chịu trách nhiệm gì không? Nhịp đàn tiếng phách, lời ca đã được tập thể chứng kiến đào sâu chôn chặt; hai vợ chồng lại lén lút bới lên để nhận mặt – linh hồn, hồi tưởng – Hai tâm hồn yếu đuối, níu lấy hồi tưởng làm nơi ẩn náu, làm gối, gối đầu trong canh khuya cho đến ngày tắt bóng. Hai vợ chồng chẳng muốn đi đâu, cũng chẳng muốn ai đến nhà, chỉ thỉnh thoảng tiếp người đưa thư của con trai từ đơn vị gửi về. Chợ búa loanh quanh, hoặc bán mớ rau, hoặc mua tí thức ăn; dầu thắp, mắm muối đã có vợ đảm nhiệm. May thay xung quanh bà con ngày càng gán thêm cho Tư Chản chẳng những nghễnh ngãng; cái gì cũng ngờ ngợ, điều gì cũng ngần ngừ. Trong sổ sách nhân khẩu, đã được ghi nhận là một gia đình đang tiến bộ – Con gái thanh niên xung phong, con trai bộ đội – gia đình quân nhân cách mạng – Nét son đang tìm lối vào nhà! Người dẫn đường chỉ lối lại là cháu họ. Nhưng bà Chản bằng mặt mà không bằng lòng với Đáng. Hai vợ chồng Tư Chản chẳng chịu hiểu sâu, đó là trách nhiệm được trên giao cứ xấn vào nhà giúp đỡ giáo dục, dìu dắt để gia đình khỏi sa chân vết cũ – quyết đào tận gốc trốc tận rễ nghề ca trù.
Đáng thật lòng, tận tình; sự thăm hỏi bị ngộ nhận là dòm ngó. Lời chì, tiếng bấc may cũng chưa đến tai cán bộ ; giả dụ có nghe tiếng thì cũng là điều tất yếu, cũng sẵn sàng ngơ đi. Vì một sự hiểu lầm không lớn mà bà Chản thấy mình xấu tính với riêng hắn; biết vậy mà bà chưa sửa được. Cả hai vợ chồng đã quên đi mẩu chuyện đời đã nhiều lần nghe kể : Một người đóng vai lính trên chiếu chèo, đang cắp dáo hầu vua, bỗng nhìn thấy một người bà con trong đám người xem mà lại cất tiếng chào để tỏ lòng tôn ái thì tích diễn sẽ ra sao? Nhố nhăng là một nhẽ, phường hội đánh giá; miếng cơm manh áo sẽ ra sao? Vậy mà đang trong buổi họp, đường đường là một cán bộ – đã được định nhiệm – đại diện cho cả ba lực lượng : Đảng, Chính quyền, Quốc hội, thì dẫu có cố tình thất thố, đáng được thể tất , thì lại bị gom nhặt để thành oán trách. Thành ra lòng tốt của Đáng bị khước từ. Đáng nạn nhân của tinh thần tích cực đương kim!
Nghề ca trù tưởng như đã đủ thời gian cải táng. Một cây đàn đáy gia truyền đã nằm ngủ từ lâu. Đàn này của cụ kép thân sinh của Tư Chản để lại. Cụ kép Điều đã thành người thiên cổ; khi cụ kép chọn gỗ, thuê thợ Kim Sa đóng cây đàn này lúc Tư Chản mới tám tuổi. Đáy đàn bằng gỗ dâu vàng, cần đàn bằng gỗ xâng chun, trục vặn bằng gỗ sứa. Phần trên của đáy đàn, hai khoáy gỗ đối nhau như hai con mắt. Cây đàn lên tiếng ngân vang gần một nửa thế kỷ. Khi cụ kép sắp quy tiên, Tư Chản được trao nhận làm gia bảo. Cây đàn đã được bàn tay hai thế hệ buông nhẵn dây tơ. Gỗ đã lên nước bóng một màu cánh gián soi gương. Theo cụ kép Điều kể lại, lấy làm tự hào về cây đàn. Thời tiết thi nhau đổi mùa khắc nghiệt mà không khuất phục nổi âm thanh bẩm sinh. Ví như người dày dạn nắng mưa. Ba ngôi âm thanh của đàn đáy «Tiếng tòng! Tiếng dụng! Tiếng dênh!» hợp thành đựng trong bầu đáy; nhà nghề gọi là ``hồn đàn bất tử! »
Tư Chản quan tâm cây đàn nằm đây như nâng giấc một người cha ốm. Trên bàn thờ sát vách bên trái, - cố để khuất mắt người lạ – Cây đàn được nằm trong tư thế, dày, trục nghiêm trang. Trên đáy phủ tấm khăn the màu hoàng yến, nay đã ngả màu lõi mít che bụi và che tất cả. Ngày nào ông cũng hai lần nâng tấm khăn, nhìn kỹ toàn cây đàn. Sóc, vọng hai lần mỗi tháng; vào buổi tối, ông đều lau bụi, và bàn tay lại chạm khẽ lên dây tơ, lặng nghe tiếng xa xưa vọng lại. Ông đứng ngẩn ngơ, quên, nhớ mông lung. Trước khi quay lưng ông không quên chắp tay thành kính vái cây đàn đủ bốn vái. Hồi tưởng những ngày nhẹ gót giữa xuân thu, tri âm chờ đợi. Từ xưa truyền lại lớp kế tiếp lưu giữ, lấy hai ngày : mười bảy tháng giêng và mười bảy tháng tám hàng năm cúng tổ nghề – đêm bắt đầu trăng khuyết. Âm thanh của ca trù chỉ chịu vang vọng từ những đêm trăng khuyết. Hay nhất là vào những đêm trăng hạ tuần, hay hơn nữa là lúc trăng tà – trăng ngả màu hoa lý. Vầng trăng đang giờ yểu mệnh! Phút lặng yên lưu nhớ của ca trù vẫn là tiếng ai oán, nổi, chìm, bi lụy, thanh tao! Phải chăng ca trù từ cái nôi ấy thoát thai?
Nhớ dồn, thương góp, từ sau khi được xác định thành phần. Vợ chồng ông Chản, hai kỳ chọn một, âm thầm lấy đêm mười bảy tháng tám cúng tổ – tiễn thu. Tháng tám năm nay, từ đêm mười ba, vợ chồng dấm dúi hồi sinh. Hai người thận trọng, thay nhau, người ngồi đàn, người đi ra ngoài, người đập phách cất tiếng ca, người đi ra ngoài tai đong đo âm vục để biết chừng mà hạn chế. Tóm lại tiếng đàn, tiếng phách, tiếng ca chỉ được bay liệng trong sân, vườn. Hôm nay, đúng ngày mười bảy, hai vợ chồng đều tắm gội nước thơm hương nhu, lá sả từ chiều. Chờ lúc trăng khuya, trên bàn thờ thành kính đèn nhang hoa quả. Kép Chản, đào Khuê nghiêm trang cùng đứùng vái. Cô đào Khuê nhìn chồng khăn đóng, áo lương, trẻ lại. Kép Chản nhìn vợ khăn nhung, áo sa tanh, quần lĩnh hơi nhàu, hai vai áo vợ đã ố vàng; kép Chản bỗng lòng se lại. Mỗi người đều thấy mình đã gặp lại chính mình, lặng lẽ nhìn nhau, ngẩn ra một lúc. Trên gương mặt cô đào Khuê ảo não, nước mắt đã có giọt lăn trên ngực áo! Giữa phút hương bay, đèn sáng, cô đào Khuê ngồi lên giường khép nép, tay vân vê dùi phách, đưa mắt đợi tay đàn lên một tiếng «dênh! ».
Cổng đã cài then. Ngoài sân vườn im ắng, ánh trăng tà chênh chếch phía bờ ao. Cả một vườn rau bí trăng ủ màu cốm non, đợi gió. Tiếng đàn, chen tiếng phách nổi chìm nâng giọng ca da diết gọi về những đêm xa xưa. Tiếc thay! mất đi tiếng trống chầu vịn nhịp, âm thanh của đàn phách có hụt hẫng; sự bù đấp bằng tiếng thở dài, khẽ lắc đầu ngao ngán. Khúc «Cung bắc» đang chơi vơi như đò chưa cập bến. Bỗng tiếng chó sủa rộ từ phiá nhà thím Vượng hắt sang. Đàn phách im bặt. Hai linh hồn đang rong ruổi quá khứ vụt trở về thực tại. Chó vẫn sủa dai dẳng. Ngờ đâu tiếng tơ, tiếng phách đã leo rào, lọt đến tai người, va vào miệng chó.
Quả nhiên sáng hôm sau, thím Vượng qua mua rau bí, thì thầm vào tai bà Tư Chản : miệng nói, mắt nhìn truớc nhìn sau – đêm qua ủy viên văn hoá xã đứng nghe...Cả hai vợ chồng ông Tư Chản giật mình như vừa nghe nhận một bản án chung thân! Hiểm hoạ rình mò, chim cất tiếng gọi đàn ngợi ca trời đất cũng đồng thời gọi cả mũi tên!
Đêm ca bất hạnh! Hai vợ chồng xót xa nhặt lên tay những âm thanh dập nát. Những suy nghĩ còn ở trong lòng mà vẫn phải nhìn trước nhìn sau. Hai người nhìn nhau chứa chan nước mắt, nuối tiếc cái thời bước chân của đàn phách in dấu mọi nẻo đường bời bời nỗi nhớ tri âm. Nhớ một khách du xa lạ, cái buổi gặp gỡ ông giáo Minh họ Chu trong đêm ca cuối tháng chín năm ấy tại nhà một ông giáo – nay đã quên tên – bên xóm Quan đài vùng Sen hồ Phủ-lạng-Thương. Cách đây, trên dưới ba chục năm, chẳng bao giờ muốn quên.
Đêm ấy, mưa rươi hơi nặng hạt, sau mấy khúc «mưỡu», «nơi», mấy ông giáo tiếng trống non tay, nghe còn mũi rãi; đàn, phách còn phải khổ công chăm dắt. Đàn, phách phải biết cầm chừng. Tay kép Chản chỉ nhẹ nhàng nhấn vuốt. Theo thẩm định của những bậc thầy cầm đàn thì nhấn, vuốt chỉ phát những âm thanh phù phiếm. Tiếng buông cũng chỉ là tiếng đãi khách. Tiếng đục mới thật là tiến nghề – Chìm lăn trong đáy đàn chờ bật dậy hồi sinh nâng lời ca cất cánh... Lúc nghiêng khuya, mọi người chờ tiếp khúc «Tỳ bà» Đến lượt ông giáo Minh cầm trống. Khuôn mặt điềm đạm, bàn tay hào hoa ra roi mở đầu ba tiếng chơi vơi. Cả một đời đào,kép mấy khi gặp được tiếng trống ưu nhã rất mực phong lưu – Hiếm lắm! – Bắt gặp tiếng trống ấy thì đàn nổi hết cung, bậc, tiếng tơ hào phóng tãi âm; phách đổ từng cơn, nổi, chìm, khoan, nhặt, chồm, vấp điêu luyện. Khi lảy phách, cất giọng ca,tiếng trống buông đuổi giữa nhịp. Tiếng ca uốn lượn chập chờn, bay mỏi quanh một khổ sòng – Phách hoạt tay xóc ngọc – đàn dùng dằng đợi chờ – trống chút xuống cuối phách chặn bớt tiếng ca, chờ cùng đổ hồi «vớt nhịp ». Một lũ âm thanh đòi giây phút xuất thần – trải dài đúng cự ly, tràn đầy khung nhịp, tưởng như chồng chéo mà rất riêng lẻ. Cuối khổ sòng, tất cả mọi người đều ngẩn ngơ một lúc. Tất cả đều chợt tỉnh còn muốn tìm nghe những âm thanh đang tan bay quanh quất. Chỉ còn nước mắt bi lụy từ nguồn ca đọng lại trên gò má, đó là tiếng «mệnh » có trong câu chót khúc Tỳ bà!Từ cái đêm tri âm kỳ ngộ ấy đã hẹn nhau vào cuộc những năm sau. Lần nào cũng vậy, cuối khúc Tỳ bà, cô đào Khuê còn đầm đìa nước mắt hơn cả Tư mã Giang Châu.Nghe nói ông giáo Minh đã ghé vai vào quốc sự, đã bị lưu đầy, đã bị thủ tiêu từ nơi nào xa lắm! Khiến vợ chồng kép Chản rất đỗi ngậm ngùi, tội nghiệp ông giáo Minh, một con người đôn hậu, một tay trống lãng du tài hoa nghiệp chướng!
Vọng nhớ chuyện cũ mà cô đào Khuê ngày ấy, trưa nay lại rân rấn nước mắt trên khuôn mặt thanh tú vương buồn bẩm sinh, giờ đây không ít nếp nhăn , để kép Chản ngày ấy, nay mái tóc đã nốm hoa râm, thảng thốt nhìn mơ hồ xa mỏi! Lát nữa cũng trở về với danh mới – Vợ chồng Tư Chản – trong thành phần tiểu tư sản nông thôn, lừng chừng, bấp bênh, yếu đuối; lại đón nhận sự dìu dắt của bàn tay cán bộ Đáng – người cháu họ. Nắng chiều đã lùi khỏi hàng giọt tranh, hai vợ chồng Tư Chản lại nón lá xùm xụp trên đầu, quai căng thẳng dây diều dưới cằm; lại khoác tuổi chiều xéo lên bóng nhau lúi húi vườn rau; lại ngóng tin con gái, đợi thư con trai; lại nghe gió lào xào trên cây lá – hết ngày...
Ra tết, đang mùa của ngày xưa hội hè lễ bái, du xuân – gió chạy quanh trời, mây trắng lững thững đi, về muôn ngả. Không gian đang doạ một cái rét nàng Bân. Đáng ta mới tí tuổi đời, từ bữa được vào đảng ủy xã – cờ đến tay thằng nào cũng phất – lời đầu lưỡi vụng trộm của xóm làng – nay xem ra cũng tạo vẻ mặt chững chạc, cũng nghiêm nghị, cũng xuề xoà, cũng cười khẩy, đầu khi lắc, khi gật có trọng lượng, đủ tư cách một tín đồ có hạng của đạo mới, đủ khả năng chăn dắt đàn dân... Bà con hàng xóm đến nhà cán bộ sớm tối, hỏi chuyện nọ bọ chuyện kia; có người gọi là bác Đáng, người thì gọi ông Đáng, để tỏ lòng tôn trọng đảng ủy, tôn trọng chính quyền, tôn trọng cán bộ. Mẹ Đáng – bà Thước – tất nhiên lấy làm hãnh diện, còn luôn miệng phàn nàn trước mọi người, về con trai mình trên trao nhiều việc, cơm chẳng kịp ăn, ngủ không ngon giấc. Bà thường một mình ngán ngẩm tiếc chồng bà không sống đến ngày nay!...
Từ chiều hôm qua, bà Chản lúc lúc lại máy mắt. Hai vợ chồng đồ đoán : hoặc con Nhiễu bế con về chơi, hoặc thằng Thuyên về phép. Bà Chản nghĩ thương con Nhiễu neo đơn, vất vả chắc chắn chả về được dịp này; có chăng chỉ là Thằng Thuyên. Trong nămThuyên có gửi thư về báo tin được nghỉ phép vào dịp tết; không biết lại bận công tác gì mà mãi đến ngày nay chưa thấy về, cũng không thư từ gì. Nỗi băn khoăn thông thường nhưng cứ lẽo đẽo trong mong đợi của vợ chồng ông bà Tư Chản. Một lúc sau có tiếng chân người từ ngõ vào. Cả hai vợ chồng Tư Chản đều nghến phiá cổng. Bà Chản mau miệng thốt lên : - Ôi! Thằng Thuyên đã về.
Vợ chồng Tư Chản hớn hở, lại thấy một người đi sau Thuyên, thì ra lại là cán bộ Đáng, khiến niềm vui của vợ chồng, nhất là vợ, bỗng xệ xuống. Ông Chản vội nói nhỏ với vợ : «Thôi cứ nên vui vẻ bà ạ! ». Bà Chản biết ý nên vợ chồng chung vui niềm nở đón con, đón khách.
Thuyên và Đáng vừa vào trong nhà, ông bà Chản bắt đầu bận tay, bận chân, tíu tít hỏi han câu nọ xéo lên câu kia; tuy trước mặt có khách nhưng ông bà Chản vẫn ý tứ nhìn con trai từ đầu đến gót – vừa kiểm tra sức khoẻ, vừa xem quần áo...
Ông bà Chản làm sao biết được trước khi Thuyên về nhà đã tìm gặp Đáng – thường trực đảng ủy xã. Hai người đã hỏi han, trao đổi với nhau, xung quanh vấn đề vợ chồng ông Chản còn lạc hậu, còn nặng căn lắm! Thật lòng Đáng là mong Thuyên sớm được kết nạp Đảng, vừa là chỗ anh em bà con, vừa là tình bạn học. Vả lại Đáng vốn rất mến tính nết của Thuyên : lành hiền, hay nhường nhịn bạn, ít nói, chân thực. Đáng còn nghĩ xa hơn một bước cho tương lai của Thuyên; nếu như sau này Thuyên không muốn theo binh nghiệp; đảng viên qua nghĩa vụ, trở về, tình đồng chí gắn chặt. Anh em sẽ cùng nhau trong hàng ngũ tiên phong, đưa làng xóm vững bước trên con đường vinh quang của đảng. Đáng cũng thổ lộ cho Thuyên biết : dạo trong năm trên đơn vị của Thuyên có cử người về xã điều tra, Đáng vừa mừng vừa buồn – mừng vì Thuyên đang là đối tượng kết nạp đảng, buồn vì gia đình; chính tai Đáng đã nghe tiếng đàn, tiếng hát của hai bác trong nhiều đêm. Trước cương vị thường trực đảng ủy xã; mặc dù Đáng có ít nhiều che chắn, nhưng không thể có những nhận xét khác được : - gia đình chấp hành chủ trương, chính sách tương đối không có gì đáng khiển trách. Thành phần chưa được thay đổi qua đại hội bà con nông dân; chưa hăng hái trong công ciệc chung của thôn xóm, nhất là họp hành, học tập. Tóm lại là đang còn an phận bảo thủ, đảng và chính quyền đang cố gắng giúp đỡ để vươn lên... Đáng thay mặt đảng ủy ghi những điều nhận xét vô tư trả lời cho cán bộ điều tra của đơn vị.
Thuyên đã biết những điều địa phương phản ánh về gia đình nên Thuyên mới tìm đến gặp Đáng, để trực tiếp được nghe lời của Đáng về cha mẹ mình. Mặt khác Thuyên cũng nói lên điều mong mỏi Đáng tận tình giúp đỡ, động viên giáo dục gia đình; cũng chính là giúp đỡ bản thân – Thuyên tin đảng, ngày đêm mơ ước được đứng trong hàng ngũ đảng; tin Đáng một càn bộ cơ sở nhiệt tình vì đảng. Gặp nhau ít phút, hai thanh niên chan hoà quấn quýt, nhưng vẫn có một khoảng cách. Đáng còn lắc đầu than phiền về cách cư xử chì bấc lộ ra mặt của mẹ Thuyên với Đáng. Đáng lại thông báo với Thuyên trong phiên họp huyện ủy năm ngoái có nêu một vấn đề thôn Cẩm La một gia đình chồng cung văn, vợ hầu bóng ngày xưa chuyên lả lướt đền này, phủ nọ; nay tuy không dám đàn địch, khăn áo công khai, lượn đảo nơi đền phủ mê tín ; nhưng đêm đêm còn réo rắt tiếng chầu văn. Đã nhiều lần chính quyền khuyên bảo, giáo dục, họ đã hứa đủ điều rồi lại vẫn tiếp tục. Chỉ việc nhỏ ấy mà đoàn thể và chính quyền cơ sở mất thi đua. Cuối cùng chính quyền phải ra tay dùng biện pháp cứng rắn, họ mới chịu dứt điểm. Chuyện ấy thì có, nhưng không hoàn toàn như thế ; Đáng quả có tô vẽ thêm. Vả lại, nếu như không có mà Đáng cho mọc chuyện như vậy thì cũng không ai không tin vì, lời từ miệng đảng viên, từ miệng cấp ủy mà; chung quy cũng là một động cơ tốt. Đã bước lên hàng ngũ lảnh đạo thì đương nhiên chẳng thiếu khôn ngoan. Đáng phóng lên câu chuyện cũng một phần để tỏ ra rất quan tâm đến cha mẹ Thuyên, một phần đẩy cây, đẩy đũa khiến Thuyên phải nhắc nhủ gia đình; nhất là đối với cha mẹ – một đối tượng kiềng tránh của Đáng. Chẳng biết có thật thế hay không, Thuyên còn được Đáng rót thêm vào tai những điều tình cảm; Đáng bảo sở dĩ địa phương chưa phải dùng biện pháp cứng rắn với gia đình này vì Thuyên đang trong hàng ngủ quân nhân cách mạng; mặt khác nhiều người tuy không ai công khai nói ra miệng nhưng, cũng không ít thì thầm cho là gia đình Thuyên có cháu đang trong hàng ngũ lãnh đạo thôn xã.
Sau chén nước chè xoàng, vợ chồng ông Chản băn khoăn mời; Đáng ý tứ đưa mắt cho Thuyên; bằng nhãn quan tiền phong của đảng, cặp mắt Đáng ném lên phiá cây đàn đáy. Chẳng hay ông Chản có biết thế không? – Chắc là có biết – Nét mặt ông trở nên ngơ ngơ, hai bàn tay xát nhẹ vào nhau, như người đang sắp sửa nói lên một điều tự thú. Đáng mỉm cười, nhìn mặt Thuyên để dò xét sự đồng cảm, Thuyên chẳng những không cười, răng khẽ cắn vào môi dưới ẩn ý : vừa đồng cảm, vừa hơi xấu hổ. Ý Đáng muốn nhấn mạnh coi cây đàn là một vật cản trên bước đường tiến bộ của Thuyên, của giai cấp vô sản, của Đảng, Đáng muốn «đào tận gốc trốc tận rễ » mà chưa tìm được phương án tối ưu. Một lát sau, Đáng cáo từ ra về. Ông Chản đứng dậy cũng xoa tay nhưng nhẹ nhõm. Bà Chản đang bận tay trong bếp, thính tai, lên nhà, gượng cười, buông một tiếng chào rơi :
- Anh Đáng chả ở lại chơi đây với em! – bà cố làm ra vẻ thân mật – ở lại đây ăn với em bữa cơm rau đã nào! mỉa mai chen trong vồn vã. Bây giờ thì chắc bác chả mời được cháu ở ăn cơm!
Nhận đủ tinh thần sâu, nông của lời mời, Đáng hơi đỏ mặt, nhưng vẫn tỏ vẻ thân mật, thoái thác ra về, viện cớ đang bận nhiều việc. Thuyên theo tiễn chân Đáng ra mãi ngoài cổng. Hai người còn đứng lại lâu lâu, nói với nhau những gì, vợ chồng ông Chản chẳng ai nghe rõ. Nhưng nói chung cả hai vợ chồng đều không bằng lòng, nhất là bà Chản. Bà khẽ phàn nàn bên chồng : « Chuyện gì mà xập xí, xập ngầu! ». Ông Chản chỉ nhìn ra cổng cười cười chiếu lệ. Bà Chản vốn không ưa Đáng, nhất là từ cái đêm hắn đứng bên cổng nhà thím Vượng nghe ngóng đánh hơi. Nhưng hễ gặp mặt Đáng, bà Chản lại giả bộ vui vẻ, tựa như người bất dắc dĩ nhúng quần áo bẩn xuống nước mà giặt giũ – lấy nước làm sạch.
Nghe người ta nói đài báo lại gió mùa đông bắc – Cái rét nàng Bân ập đến – Chiều xuống nhanh hơn mọi ngày. Mưa bụi cùng với bóng tối đổ xuống. Cả ba người trong nhà chuyện gần, chuyện xa tàn dần trong cái không khí lạnh đột ngột. Thuyên vẫn băn khoăn chưa tìm được cách mở đầu, giãi bầy ý mình với bố mẹ. Bà Chản đang xột xoạt làm cái gì đó ở đầu nhà, thỉnh thoảng lại nói vọng vào đôi tiếng, rồi lại nói một mình như đang tiếp chuyện với người nào đó. Ông Chản đang loay hoay ngoài hè, tìm cách rút lại quai dép cao su của con trai bị bật ra. Thuyên cảm thấy mỗi khi mình từ đơn vị về, thì từ việc nhỏ nhặt mà ngày chưa đi bộ đội, bố mẹ vẫn sai bảo mình làm nay bất luận việc gì Thuyên muốn mó tay, bố mẹ đều giành lấy làm cả, kể cả việc quét nhà. Thuyên không muốn như vậy. Ngay từ lúc về nhà, Thuyên đã quan sát sức khoẻ của bố mẹ. Chỉ mới hơn một năm, bố thì có phần chậm chạp đi; mẹ còn nhanh chân, nhanh tay nhưng đuôi mắt đã vẽ nhiều nếp nhăn hơn trước. Thỉnh thoảng Thuyên lại thấy bố cười một mình, rồi lại nhăn nhó ngơ ngác. Tuồi bố mới ngoài năm mươi nhưng rõ ràng đang bị đẩy nhanh vào già nua. Thỉnh thoảng Thuyên lại thấy bố hỏi một câu đột ngột ví dụ :«Thuyên có bị ghẻ không? sao đêm đêm thấy gãi nhiều thế? » Những câu hỏi đại loại như vậy Thuyên trả lời hay chưa kịp trả lời, bố cũng không hỏi lại.
Giữa lúc trong nhà chỉ có một mình, Thuyên lại gần bàn thờ, khẻ kéo tấm khăn the phủ đáy đàn, vừa định nhấc đàn lên cũng vừa lúc bố quay vào nhà. Nhìn Thuyên, ông Chản nhắc con :« Hai dây đều xuống cả đấy! » Ông Chản kéo điếu hút thuốc rồi lại bước ra cửa. Thuyên cũng không nâng đàn lên, chỉ nhìn xem như nhìn lại một kỷ niệm; hay thăm mộ một người quá cố, kính cẩn, bâng khuâng.
Cây đàn này ngày trước Thuyên được bố cầm từng ngón tay mình đặt trên dây dạy bảo cách rung, cách nhấn, cách cắt tiếng v.v... Bây giờ thì sao? Bất giác Thuyên nhìn lại tay mình, hai bàn tay đã nổi chai cầm súng. Thuyên vừa thầm nghĩ về quá khứ : tai hẳn đã nghe tiếng đàn từ khi biết lẫy biết bò. Tuổi đời dần lớn lên, ngày Thuyên bắt đầu học vỡ lòng ở trường làng, thì cũng là lúc bố bắt ngồi nghe bố gảy đàn – vỡ lòng nghề nghiệp. Đến lúc choai choai, bố đã bấm tuổi, chọn ngày làm lễ tổ, để Thuyên được ôm hẳn cây đàn. Cây đàn thì to, đáy đàn gần ngập vai Thuyên; bố nắn cho cả cách ngồi chững chạc. Bố nói ngày ấy là ngày hệ trọng; nhất nhỡ là phạm tội vong bội tiền nhân.
Thuyên nhớ những khi bố mẹ đi đám về; thôi thì sôi nén, đùi gà, lòng lợn, hai chị em Thuyên thả sức. Chị em Thuyên lớn lên nhờ lộc tổ – mẹ Thuyên thường nói thế – lúc tay chị Nhiễu đã gần ngoan phách; tay đàn của Thuyên, được bố khen tiếng đàn đã nổi rõ «chùm chín, chùm xanh » thì cách mạng về giải phóng. Rồi đội về giảm tô, cải cách. Ông Tư Huân bạn cùng nghề với bố, ở bên quê mẹ có lần sang chơi, miệng mếu máo than thở :«Nghề nghiệp nhà chúng mình như mảnh đất thổ cư, cha ông để lại, nay đã lở xuống sông!»
Thời thế đã đổi thay! tất tất lộn tùng phèo! những lời nói vô chính trị, lạc hậu, chỉ xuất hiện như ma trơi ở những nơi vắng vẻ; lực lượng cách mạng đang ra công săn lùng thủ phạm – lùng dễ bỡn – ai là thủ phạm chả được! Cửa miệng của Đáng cũng như bao cán bộ khác : «Còn phải dày công giáo dục». Thuyên ngẫm nghĩ nhiều về Đáng những lời thật lòng đối với gia đình Thuyên . Thuyên rất lo lắng đến tiến bộ bản thân, đến sự vươn lên của gia đình. Thuyên nhất trí với nhận xét của Đáng : Ca trù đàn phách nó dính chặt vào da thịt như một vật liền thân dứt ra là chảy máu ! Thuyên nghĩ đến chính ủy trung đoàn trình độ có thừa, trước việc gia đình lạc hậu, không dễ gì một lúc thuyết phục được. Bài thơ của lãnh tụ tối cao đã dạy «không có việc gì khó », ``«chỉ sợ lòng không bền»...Một bài «Thánh thi » , cẩm nang cho mọi công việc trong toàn đảng, toàn dân. Quân nhân cách mạng là một danh thơm! Thuyên lấy làm tự hào. Thuyên đã phấn đấu hết mình ở đơn vị : đã được cảm tình đảng chỉ chờ kết nạp, Thuyên vẫn được đơn vị bầu là đầu tàu gương mẫu. Thuyên tự hài hước «Cái đầu tầu này lại chết máy khựng lại ở đây thì còn ra thế nào nhỉ? »- Thuyên lấy sổ tay ra đọc lại những lời dạy của chỉ huy, Thuyên ghi được trong những buổi học tập.
Ngoài trời, mưa bay, rét ngậm, cặp gà nhép – gà mẹ Thuyên chọn mua về làm giống – rét rầm cho đít đỏ au như gấc, co ro đầu hồi,rên lên khe khẽ. Thuyên định qua nhà Đáng, vẫn còn nằm đọc sổ tay. Bà Chản đang nhẩm tính túi tiền ít ỏi để mua bán thức ăn cho con; kẻo ở đơn vị không có cá trê om củ chuối hột rồi, bún nộm cần rồi, củ mỡ nấu cá rồi, bánh trôi cũng rồi. Bà Chản muốn mua con gà để trước buổi con trả phép sẽ làm mâm cơm trước là để cúng ông bà ông vải sau nữa để cả nhà liên hoan tiễn chân con. Bà Chản cứ loanh quanh trong vòng túng bấn không thoát ra được mà không tiện nói. Ông Chản nhìn trời, chỉ hút thuốc lào vặt. Ông nghĩ bụng : «Trời ngoặc lại cái rét nàng Bân, đàn dễ xuống dây, vào những năm xửa, năm xưa, mỗi khi gặp rét này, ông luôn phải đổi dây mới cho đàn mà tiếng nhẩn vẫn cứ đuôi đuổi, tưng tức...» Ông gật gật đầu một mình miên mang nhớ lại những thời cầm đàn. Ông Chản quay nhìn lên cây đàn, đi lại đầu bàn thờ, tay mân mê tấm khăn phủ, phù phù thổi bụi.
Thuyên nhổm dậy nhìn bố; mạnh dạn gợi chuyện để khỏi đột ngột :
- Gì đấy bố? – Miệng chờ nói tiếp, môi đang mấp máy.
Không! – Ông Chản chỉ trả lời mỗi tiếng, quay lại giường hút thuốc.
Thuyên cảm thấy bố có ý lảng tránh chuyện cây đàn, không muốn bắt chuyện. Thuyên ghép lại trong đầu những lời của Đáng về gia đình mình; nhất là về mẹ mình hay khóe cạnh. Cái mâu thuẫn ngấm ngầm giữa hai bên khó mà hoà giải. Không sớm hoà giải thì phần thiệt thòi tất nhiên, gia đình Thuyên, bản thân Thuyên phải hứng đựng hậu quả.
Nghiền kỹ sổ tay – cẩm nang quân nhân – Thuyên như người đang ngủ bừng tỉnh. Thuyên coi đây là một cuộc đấu tranh, đấu tranh giai cấp. Mà đã là đấu tranh giai cấp thì phải có lập trường. Mình là một quân nhân cách mạng thì dứt khoát mình phải đứng trên lập trường Cách mạng, lẽ đương nhiên phải có hy sinh, phải có đổ vỡ đó là quy luật tất yếu. Thuyên thao thao trong đầu như đọc lại bản thu hoạch – đã được tập thể và cấp trên góp ý bổ xung – của mình trong các đợt học tập về đấu tranh cách mạng mà Thuyên đã được tham dự lý luận càng đọc càng ngấm, khí thế càng bừng bừng : Đã là con người của Cách mạng, tuyệt nhiên không để những tình cảm phi giai cấp níu khố, chi phối :«Cái gì lợi cho cách mạng là phải làm bằng được!» - Thuyên tự trang bị cho mình một «ý chí quyết đấu!» Thuyên tự hạ «quyết tâm thư» : «phải đánh gục!» đánh gục mọi cản trở của cách mạng. Thuyên cần đến sức hỗ trợ của Đáng. Thuyên đang mơ ước cuộc đời của Đáng hiện nay. Thuyên đã nghe mẹ kể : Bố Đáng đã chết trước thời tổng khởi nghĩa bốn nhăm, đến ba, bốn năm. Cũng là một tay bán giời không văn tự, lêu lổng, cờ rong bạc ruổi, quần tam tụ ngũ với bọn trộm cướp Trung hà, Thọ lão; bị thua bạc, phải bán cả nhà, cái khố không còn; đến lúc làm mẹ mìn, lừa cõng trẻ con lên bán cho Mường, Mán, tận Đồng Văn , Phó bảng; chả may một lần vào tháng ba năm – không nhớ rõ năm – bị người ta tóm được, đánh cho thừa sống thiếu chết, bị trói giải lên huyện; nghe nói bị lính tỉnh, lính huyện quá tay, nên bỏ xác trong tù...
Đáng không giống bố, lớn lên bằng công sức làm thuê làm mướn của mẹ. Đáng khôn ngoan, nết na, dễ bảo; chẳng mấy lúc mẹ con dẫu chưa được no ấm bằng người nhưng cũng không đến nỗi phải đói khổ. Những lúc giáp bát, khó khăn, mẹ Đáng vẫn phải nhờ nhọi mẹ Thuyên khi đấu, khi bát. Bố Thuyên và mẹ ĐaÙng anh em con cô, con cậu. Đáng rất mến Thuyên, khi đi học, có lúc Đáng thiếu vở xin là Thuyên cho ngay. Cái thời thơ ấu, lòng thảo của Thuyên với Đáng, không bao giờ Đáng quên được. Hôm đó về buổi chiều, bố mẹ Thuyên đi đám về; Đang sang chơi gặp chị em Thuyên đang ăn xôi thịt gà. Đáng mới đến cửa nhìn thấy,vội quay ra về. Thuyên chạy theo gọi, Đáng đã chạy xa. Một lúc sau Thuyên dấu bố mẹ thu thu trong gói lá chuối cho Đáng cả một cái đùi gà còn nguyên chưa gặm một miếng nào..Đáng trố mắt, sung sướng, sợ sệt.. . Hồi giảm tô, cũng là lúc Đáng trưởng thành. Mẹ con Đáng được xác định thành phần cố nông – cốt cán. Bố của Đáng được đánh giá là nạn nhân của chế độ phong kiến thối nát. Sau cải cách đợt một – Đáng được trên đề bạt, trở thành đội viên cải cách – Sau cải cách, sau sửa sai, Đáng trở thành cán bộ lãnh đạo cơ sở, có khả năng, có kinh nghiệm đấu tranh giai cấp – Đáng đã nên người, nên ông! Và hiện nay, đang là một cán bộ tin cậy của đảng ủy xã của chính quyền xã.
Thuyên gấp quyển sổ tay nhét cẩn thận vào ba lô, chụp mũ lên đầu, trước khi kéo quai mũ xuống cằm, Thuyên lại nhắc mũ xuống chỉnh lại ngôi sao vàng ngay ngắn rồi mới đội lại, chân xỏ nhanh vào dép, dáng vội vã – Thấy con sắp sửa đi đâu mà không giắng mình, ông Chản hỏi vội :
- Đi đâu vội thế con?
Thuyên chưa kịp trả lời bố; bà Chản đang trong bếp nói ra :
- Đi đâu thì liệu mà về sơm sớm – Bà Chản nhắc con ngụ ý không muốn Thuyên gần Đáng, nhưng cũng thông cảm tính thanh niên : đi xa thì nhớ nhà, về nhà thì nhớ bạn.
Thuyên kéo nốt quai gót dép chân phải bước vội xuống sân :
- Hết phép rồi, con phải đến ủy ban lấy chứng nhận kẻo mai người ta lại bận gì không có người ký thì trở ngại lắm – Thuyên khôn khéo lảng chuyện, bước mau thẳng ra cổng.
Hai vợ chồng ông Chản nhìn theo anh bộ đội cụ Hồ mà lòng phớn phở.
Chừng một lúc lâu, Thuyên trở về – Bà Chản mau miệng hỏi con xem có gặp người ta không? Thuyên gật đầu – phát tín hiệu được việc. Thuyên đã tranh thủ gặp Đáng, đã cùng nhau tìm ra cách giải bài toán khó. Thuyên đang chờ Đáng.
Mưa đã dứt giọt, gió bấc nổi mạnh hơn, quét nốt những hạt nước đọng trên lá cây. Thình lình Thuyên nghe tiếng mẹ chào mời Đáng phiá đầu nhà. Vẫn cái thói quen xông xáo, ngang tắt tiện việc,thân mật của Đáng. Trong bụng Thuyên đã nhanh mở điểm tập kết chuẩn bị xung cuộc; nhưng ngoài mặt lại tỏ ra như là sự tình cờ. Thuyên vờ hỏi ra :
- Ai đấy mẹ! – Thuyên chỉ ngồi hỏi chứ không đứng dậy.
Chả biết bà Chản có nghe tiếng không, hay chưa kịp trả lời thì Đáng đã bước từ sân lên hè chào cả nhà rồi lên tiếng dõng dạc dựng lời như thật :
- Cháu vừa bận việc thôn bên, về qua trụ sở được đồng chí Lâm chủ tịch cho biết Thuyên nhà ta vừa ra xin chứng nhận; công việc nhiều sợ trước lúc Thuyên về đơn vị, anh em không gặp nhau, nên cháu tranh thủ vào thăm em .
Trong không khí vui vẻ, cả bốn người đều suýt chén trà nóng. Bất giác, Đáng đặt chén xuống, nhìn lên tấm ảnh bác Hồ treo cao trên vách gần sát thượng lương nhà. Tấm ảnh lệch vẹo sang một bên, hơi có gió là lắc đi, lắc lại như mảnh vở trẻ con làm diều giấy không bằng. Đáng bước tới, kiễng chân, với nắn lại khung ảnh cho được ngay ngắn. Tất cả mấy cặp mắt đều dính vào tay Đáng. Ông Chản không nói, nom sắc mặt biết là đang tỏ ra ân hận trước mặt cán bộ là mình quả sơ xuất. Bà Chản chỉ mấp máy môi, chờ đón lời của Đáng. Chưa hề trê trách nửa lời, đầu Đáng cứ lắc qua, lắc lại. Chỉ riêng cử chỉ đó khiến ông Chản đủ vãi đái ra quần! dẫu cứng rắn hơn chồng nhưng ít nhất bà Chản cũng tái mào đi! – Thế là trúng kế! – Thuyên nhập vai cũng khéo, chẳng những cũng lắc đầu như Đáng mà còn thở dài thượt. Vợ chồng ông Chản bây giờ mới có dịp nhìn kỹ tấm ảnh nhem nhuốc bẩn thỉu, thấy mình càng có lỗi. Không dám hé lời nhưng trong bụng vợ chồng ông Chản, chỉ mong được thanh minh, bày tỏ : Tấm ảnh trước đây quắc thước, tinh khôi là thế, lũ thạch sùng bò lên rồi tùy tiện bậy ra, tự tay mình đâu dám gây những hành vi bất kính đâu cơ chứ. Dù thế nào thì cũng nghịch mắt lắm! Đáng vẫn không nói,mặt hiện vẻ bị xúc phạm, Đáng đeo nỗi xúc phạm trên mặt, nghiêm túc nhìn lên vợ chồng ông Chản, lạnh lùng cáo từ. Đáng chỉ bắt chặt tay Thuyên.
Vợ chồng ông Chản bối rối quên không có lời mời Đáng ở lại như lần trước. Thuyên kín đáo mỉm cười, thầm khen Đáng sắm vai tuyệt vời! đúng chỗ, đúng lúc – Thật xứng đáng một cán bộ dày dạn – chỉ hơn mình hai tuổi, mình nhiều mặt thua xa. Đứng về gốc độ quân sự mà nhìn nhận, Thuyên đánh giá Đáng là một chiến sĩ chủ công khai hoả dập một cú phủ đầu đích đáng mở đầu cho chiến thắng.
Lần này thì cả bà Chản cùng chồng đưa chân Đáng ra mãi bên ngoài cổng quay về, hai người cứ cằn nhằn lẫn nhau, tại nọ, tại kia. Vào trong nhà mà ông Chản vẫn còn hai tay thu bọc, mặt xần gai gà, rõ nhất phía dưới hai mang tai. Bà Chản, thỉnh thoảng đưa hai bàn tay rửa mặt khen. Biết bố mẹ quá lo lắng lòng Thuyên bỗng thắt lại - mềm yếu – Thuyên nhớ những ngày tấm bé : mỗi lần tắm, rửa, gội đầu cho mình, bố mẹ nắc nỏm cười với nhau khen mình có da, có thịt. Lại những lần nghe tiếng bố mẹ bàn nhau may áo mới cho mình, từng ngày, mong mình khôn lớn. Mỗi lần mình trái nắng dở trời hết bố đến mẹ luôn ngồi kề bên giường xoa nắn, canh tuần...Hôm nay, mình đã lớn, đã cầm súng trong tay vẫn dược bố mẹ coi còn thơ ấu!... Thuyên càng nhớ lại, càng kh6ng bằng lòng với mình. Bố mẹ phải sợ hãi, phải cúi đầu khổ lụy thì dẫu trước mắt, trong tay là lợi, là chức quyền, là gì gì đi nữa thì cũng là không người : Một kẻ nhẫn tâm, một tên lừa dối, một tên bất hiếu. Thuyên vật vã, mệt mỏi rồi thiếp đi lúc nào không biết.
Tiếng chó sủa xô xát làm Thuyên bừng tỉnh – chắc bên nhà thím Vượng có khách lạ – Nhanh nhớ lại nhanh quên, những điều Thuyên nghĩ về cha, mẹ còn vương vãi ít nhiều trong đầu khiến Thuyên ngơ ngác. Thuyên nhổm hẳn dậy với chiếc gương có khung gỗ trên mặt tẩu cạnh bàn thờ soi đi, ngắm lại một mình; gương cũ mờ, ố, nhưng vẫn rõ từng nét lớn trên mặt : lông mày đen to, dưới gò má bên trái, hai nốt ruồi gần nhau, một to, một nhỏ, thấy còn đù đờ ngái ngủ. Thuyên nhìn kỹ mặt mình trong gương, Thuyên lắc đầu : chưa sắc sảo, chưa tỉnh; phải tỉnh cả trong khi ngủ; «Chưa đáng mặt Cộng sản!» Tự mình «ốp đồng» lấy lại khí thế; trong điều kiện đang sống; trong môi trường đang sống; kẻ cầm súng, đeo đạn đặt cho mình những lời hỏi, đáp nhanh gọn : « Hiếu với ai ? – với dân! Trung với ai? – Với Đảng!» Lời vàng ngọc của bác Hồ, quên sao được, trừ khi cái đầu đã rơi.
Sự giác ngộ lý luận, được bấm nút bừng nổ dây truyền hai được bốn; bốn được mười sáu ... khiến Thuyên can đảm mạnh mẽ; bằng cách nhìn mới, bằng tư cách mới, Thuyên tách được làm đôi : Con người và tư tưởng. Con người là rất đáng quý! – bố mẹ là con người – Nhưng tư tưởng ung nhọt, thì bằng mọi cách phải mổ, xẻ. Phương pháp «Trị bệnh cứu người» trong đấu tranh giai cấp, đấu tranh cách mạng đã trở thành kinh điển. Thuyên tự phê phán nghiêm khắc đồng thời cũng tự động viên, trót bị dao động tình cảm, suýt nữa ngã lòng. Thuyên khẳng định : đây là một trận tuyến đấu tranh tư tưởng, không thể lùi bước, chỉ được phép thắng và toàn thắng. Có những điều không thể nói ngay được mà phải cảnh giác dù là tình cha con, anh em hay vợ chồng. Một phương án tối ưu được Đáng và mình bàn bạc kỹ; chiến thuật khai triển xét cho cùng trên thực tế chưa có gì vấp hữu khuynh. Bố mẹ sợ sệt, lo âu là lẽ đương nhiên, là biết mình lầm lỗi, đó là thắng lợi? Lãnh tụ vẫn dạy : «Đã làm là có sai, nều sai lại sửa » ngắn gọn thế thôi! Bố mẹ đang như người đi đêm mất phương hướng, ta dùng ánh sáng của đảng chỉ đường mở lối.
Biết Bố, mẹ chưa hết phàn nàn về sự vô ý, vô tâm của mình, Thuyên đưa lời đúng lúc :
- Con biết bố, mẹ đang có điều lo lắng; lo lắng thế là phải. Việc này tưởng như đơn giản nhưng nó quan trọng lắm, nhất là thành phần nhà ta. Bác Hồ vĩ đại, vị lãnh tụ cao nhất, tôn kính nhất nước, còn lũ lãnh tụ quốc tế cùng tầm cỡ bác Mao...
- Bậy nào! – Ông Chản trót thốt ra hai tiếng, và biết là mình vội lời, đưa mắt nhìn Thuyên, nhìn vợ – Thuyên bỗng ngơ ngác không hiểu ý bố nói thế nào. Nỗi lo đang vây quanh, bà Chản không thể không cúi đầu, tủm tỉm hóm hỉnh. Chả là chuyện kín của hai vợ chồng ông Chản. Ông ít đi họp, khi nghe người ta nói bác Mao, bác Mao ông cho là người ta nhầm, chắc là Mâu chứ Mao Mao thì nghe nó nghịch tai. Hai vợ chồng đã có lần nhờ đó được trận cười vụng tưởng vỡ bụng
Thuyên hơi lấy làm lạ, liền hỏi lại bố :
- Làm sao? Cái gì đấy?
- Không, không, không có gì – mặt ông Chản nhanh trở nên nghiêm túc – Con cứ nói.
Bà Chản nhìn chồng, vẻ mặt bà còn nghiêm túc gấp rưỡi, nhắc theo :
- Thuyên cứ nói, bố tưởng con nói lầm gì đấy – bà nhìn chồng, nhìn con. Thuyên nói tiếp đi – với ý kín đáo bà vờ trách chồng – tai ông hình như dạo này nghễnh ngãng hơn trước đấy!
Thuyên bỏ qua sự nghễnh ngãng của bố và nói to hơn:
- Nhà ta lại để hình ảnh Người đến như vậy! Cũng còn là may! anh Đáng kịp chỉnh lại, tuy không nói nhưng đó là ngầm cảnh cáo con, cảnh cáo bố, mẹ đấy!
Hai vợ chồng ông Chản nở nụ cười sung sướng; thấy con đã lớn hơn mình nhiều. Ông Chản tràn nỗi vui sướng, nghĩ Đáng là người có trước có sau, tử tế, mà vợ chưa hiểu cạn; ông trách vợ trong tiếng cười : « Đấy, tôi đã bảo mà! » Bả Chản lại thêm lời khen con : « Đi một ngày đàng học một sàng khôn», các cụ ngày xưa chẳng nói câu nào sai. Thuyên sung sướng, bước thẳng vào thực tế vấn đề :
- Mẹ lên ngay cửa hàng hợp tác xã mua bán, chọn xem tấm nào không có vết về thay thế cho trong nhà nó uy nghiêm. Có ai vào nhà người ta không «đánh giá!».
Bà Chản chưa khép hết nỗi vui về việc sắm ảnh bác, như người vừa cất khỏi gánh nặng. Bà cười, tự hỏi :
- Chả biết trên cửa hàng dạo này còn không ?
- Ối ra đấy! – Ông Chản mau miệng.
Thuyên lấn sang chuyện Đáng, nhìn mẹ :
- Con biết mẹ không ưa anh Đán; lý do vì sao thì con không biết.
- Sao con lại buộc cho mẹ như thế! – Bà Chản nửa ngại, nửa bực – Có gì mà ưa hay không ưa.
- Có đấy mẹ ạ! Bữa trước anh Đáng có phàn nàn với con về mẹ.
Ông Chản ngồi nghe, đầu gật gật chẳng rõ ra công nhận lời con hay lời vợ.
Thuyên nghiêm trang, nhìn bố mẹ :
- Phải công nhận anh Đáng là người tốt, rất tốt với nhà mình. Anh Đáng đã thố lộ với con tất cả – Nói đến đây, Thuyên nhìn nhanh, cân não, dò xét thái độ biểu hiện của bố mẹ.
Hình như vợ chồng ông Chản cũng thầm đoán được chuyện gì nhưng vẫn còn ngờ ngợ, chờ lời con xem : tất cả là tất cả cái gì? Hai vợ chồng giật mình, biết việc làm của mình đã ghi trong kho nhớ của đảng của chính quyền. Trời đang lạnh mà cả hai người toát mồ hôi. Như hai tội danh trước tòa sơ thẩm; sẽ có ngày ra trước vành móng ngựa đại hình – nơm nớp...Cũng không đến nỗi như sự chỉ tay day mặt, nhưng Thuyên đanh thép :
- Thỉnh thoảng đêm bố mẹ vẫn còn đàn phách!
Hai vợ chồng đưa mắt nhìn nhau, mặt dại đi. Đang có khí thế, Thuyên bỗng thấy xốn sang, nhìn lên gương mặt bố mẹ. Thuyên dịu giọng mở lối thoát tình cảm, khẳng định :
- Bố mẹ có công nhận với con là anh Đáng rất tốt với gia đình ta không?
Hai vợ chồng ông Chản vẫn im lặng như phật tử nghe kệ. Điều tốt của Đáng, sâu tận đâu thì chưa nói, nhưng ít nhất cũng đang làm tổ trong tai vợ chồng ông Chản. Thuyên sợ nguội lời, dõng dạc tiếp :
- Phải người khác thì bố, mẹ đã bị ủy ban gọi ra cảnh cáo, còn bị xử lý bằng biện pháp cứng rắn, có đâu lại để yên. Đàn phách lúc này là lạc hậu lắm! tiếp tay cho tư tưởng phản động! Anh Đáng nói, tiếng đàn, tiếng phách trong đêm, dấu được ai; anh có muốn che đi cũng không che nổi – Thế đấy!
Bà Chản thở dài :
- Trăm tội!
Ông Chản liếm môi liên tục, mặt rung ngang, rung dọc tỏ ý công nhận lời con, công nhận tất cả. Được thể, Thuyên nhấn mạnh :
- Cả nhà ta nên biết ơn anh Đáng. Bố mẹ bình tĩnh nghĩ xem, việc làm lạc hậu ấy, nó kìm hãm bước tiến của con. Có lẽ đâu gia đình của một quân nhân Cách mạng lại như vậy. Bố mẹ vẫn tự cùm chân mình trong thành phần tiểu tư sản nông thôn. Con chậm kết nạp đảng là vì vậy : là vì cây đàn! Thuyên hất cằm phiá cây đàn trên bàn thờ.
- Thì bỏ!
Được lời bố như đã nhúng tay ký cam kết; đúng hơn là ký bản đầu hàng! Thuyên phấn khởi, tựa một chiến sĩ đang múa lá cờ chiến thắng quang vinh trên đỉnh đồn giặc. Đầu Thuyên ánh lên một nước mạ quân sự; Chiến thắng là bao gồm nhiều vấn đề; diệt đồn không chỉ là bắt tù binh, hàng binh, mai táng tử trận, thu nhặt vũ khí, quân trangv.v... mà phải phá đồn, phải làm mất đi cái sừng sững trước mắt. Nó còn đòi hỏi lượng khoan dung của bàn tay chiến thắng...Thuyên lưu loát bài bản «đồng thuộc». Tiêu diệt toàn bộ cũng còn nhiều cách nói cho kỳ được hai tiếng khoan dung – Chỉ có ngữ ngôn là kẻ đau đớn hơn hết : bị cưỡng bức đeo mặt nạ đương kim : Đương nhiên ví dụ đang còn là ví dụ; phải xông thẳng vào hiện thực; phải áp dụng bền bỉ, chiến thuật với «chiến thuật đỉa đói» dai dẳng bám khố kẻ thù để tiêu diệt kẻ thù! Trước mắt, đồn địch là cây đàn đáy : - Thuyên khẳng định.
Đã quá nửa đêm, ngoài trời tối bưng, cái lạnh bên ngoài gió vào nhà, đòi quân bình khí hậu. Vào những đêm đầu năm, đầu tháng này rất lợi thế cho những hành động bất lương!... Bà Chản lên tiếng giục đi ngủ để cho Thuyên mai có sức lên đường. Thuyên vẫn chưa muốn đi ngủ và lại ngỗn ngang nghĩ về bố, nghĩ đến cây đàn. Cây đàn là bạn của bố – bố nói vậy từ ngày xửa, ngày xưa – Tiếng đàn còn là cái gì hệ trọng hơn nữa. Thuyên thoắt nảy ra một ý hay! – muốn chuyển đổi cho bố một cây đàn hợp thời, tiến bộ; để mỗi khi nhớ cái cũ, bố có cái mới làm bầu bạn. Vả lại tiếng đàn mới vang đến tai xung quanh, chỉ có tiếng khen giội lại. Thuyên dạm ý bố; cố tạo vẻ hồn nhiên :
- Bố có thích ghi ta không nào?
Ông Chản vừa buồn ngủ, vừa miên man trăm thứ trong đầu, chưa nghe rõ, ông hỏi lại :
- Cái gì?
Thuyên vui, tủm tỉm chưa kịp hỏi lại; mẹ đã nhanh miệng :
- Cái đàn văn công ấy mà? bố đánh thế nào được đàn ấy, những dây là dây! – Bà Chản nhắc con – Thì cứ hỏi lại bố xem.
Thuyên nhắc lại câu hỏi lần nữa :
- Bố có thích đàn văn công không? đàn ghi ta ấy mà; thỉnh thoảng gảy cho đỡ buồn tay.
Ông Chản trả lời mỗi tiếng :
- Thôi!
Tiếng «thôi» nặng nề, đầy thất vọng. Ý nghĩ yếu đuối, ngấm đòn, lăn lóc trong ngõ cụt lầy lội thâu đêm trằn trọc, lập lòe điếu đóm...
Sáng nay, Thuyên phải lên đường trở về đơn vị. Thời gian tuy gấp rút nhưng kế hoạch hành động «diệt đồn» đã đâu vào đấy. Ánh mắt chủ công của Thuyên đã quật lên cây đàn đáy. Thắng lợi không phải còn trong tầm tay mà ở trong lòng bàn tay. Đồn địch – Cây đàn đáy – Bộc phá đã đặt sẵn chỉ còn châm ngòi – Nồøi nước tắm đang chờ củi nỏ! Bà Chản, dậy sớm nhất, bấm túi tiền quá eo hẹp, băn khoăn nhẩm tính, đảo ra chợ Hiệp mua mớ cá riếc, rô láo nháo về nấu dấm tiễn con. Trong bếp, bà Chản đang làm món ăn, thỉng thoảng lại nói hắt lên nhà, câu thì nói với chồng, câu thì nói với con, nhưng đều không có tiếng đáp lại. Thuyên lặng lẽ lấy thùng đun nước tắm. Trong lòng vang ngân câu thơ «bất hủ» của một nhà thơ cách mạng- Con họa mi đầu đàn của đảng... «Đồng chí ta ơi!... Trước mắt đồn thù ngon như dĩa thịt bò tươi!... » Trong bếp khói ung, Thuyên mỉm cười một mình : thời tiết đang ủng hộ mình! Ông Chản ngồi trên nhà nghe tiếng hai mẹ con bàn nhau ra bẻ phên rào rau làm nòm. Ông Chản liền ra ngoài có ý kiếm tìm xem còn có cái gì sau nhà có thể làm củi được. Ông lắc đầu nhìn que, cọc đều bị mưa còn ướt chảy nước cả. Cuối cùng, ông bẻ cả cây sào phơi ải đem vào bếp cho Thuyên và dự tháo nốt mấy đoạn tre nâng cuối hàng lá lợp hiên sau. Củi ướt, bếp càng khói, ông Chản vừa vào đến cửa bếp lại quay ra, tai đầy tiếng cằng nhằn của vợ vì củi ướt, vì khói. Mấy phút sau, Thuyên mang lên nhà vẻ mặt đỏ lựng, dằng dụa nước mắt, nước mũi bị khói đánh. với ý nghĩ «phát hoả» Thuyên chớp chớp mắt; chặc lưỡi trước mặt bố :
- Đã quyết định bỏ cây đàn kia, thì bố đập cho con, còn để làm gì!
Ông Chản nhướng mày lên, không nói được thành lời, hai môi bặm vào nhau, run run... Tuy nói là bỏ, nhưng bỏ như thế nào thì ông chưa nghĩ tới. Với ý chí quyết thắng, Thuyên nghĩ : đây mới là dứt điểm của mọi vấn đề. Nếu không mình đi khỏi sự việc lại có thể diễn biến theo một kiểu khác.
Vương vấn là đúng; dứt điểm lại càng đúng hơn. Lính có suy nghĩ kiểu lính, sẵng giọng áp đảo :
- Bố đã nói bỏ thì còn giữ làm gì?
Ông Chản như bị cứng lưỡi, không dám nhìn lại con, ngơ ngác; đi lùi lại hai bước; vẫn không cất nên lời. Thuyên giục bố :
- Bố cứ đập quách nó đi!
Ông Chản nhìn lên cây đàn, mặt nhợt đi, miệng lắp bắp lạc giọng :
- Thôi! Mày đập đi Thuyên ạ!
- Vâng, để con! – Mắt Thuyên long lên.
Nói chưa buông mồm, Thuyên hăng hái nhảy tới bên cạnh bàn thờ, tóm lấy cây đàn đáy – Cây đàn va vào vách «Cang!» một tiếng từ đáy đàn vọng ra như một tiếng kêu cứu thất thanh! một tội nhân đến giờ hành quyết. Cây đàn đại diện cho nghề tổ – Thuyên, lớp con cháu nghĩ gì? - Chẳng kịp nghĩ gì hết, đang nhơn nhơn say máu vì «đại nhiệm», cách mạng, cứu nhà, cứu nước, cứu bản thân, - lợi ích liên hoàn!
Biết mình vô hiệu, ông Chản đi thoắt ra ngoài, không dám nhìn lại, mà có nhìn cũng chẳng thấy gì nữa - «Choác!» một tiếng trước cửa bếp – Thuyên mắm môi, quắc mắt, tay đập, chân đạp vào cần vào đáy đàn khiến cây đàn biến thành củi. Ngoài sân, ông Chản bưng tai như nghe sét đánh, liêu xiêu bước ra ngõ – Bà Chản thoái dạ, mắt hoa lên, mọi vật trước mắt quay cuồng, bà Chản phải chống hai tay xuống đất để giữ được thế ngồi « cóc vái giời». Bà cố định thần để nhận biết việc xẩy ra đã xẩy ra. Bà cúi mặt khóc rấm rứt. Nước mắt đứt, nối, keó dài cả một quá khứ tiêu tan trong giây lát.
Lửa cháy vù vù dưới thùng nước tắm. Ông Chản đang loạn bước ngoài ngõ, ngoài vườn, xéo nát cả luống rau mới cấy. Tai ông nghe lửa réo; và ngửi thấy mùi đàn cháy khen khét như một vật có xương, có thịt. Ông thảng thốt nghe rõ tiếng đàn từ trong cháy phi ra. Phải chăng tiếng đàn chỉ đến với tai ông. Ông Chản đờ ra như người mất vía. Trên đầu ông lất phất mưa bay.
Trong lúc Thuyên đang tắm phía đầu hồi, ông Chản lững thững vào bếp, cứ trố mắt nhìn hết cái này cái khác. Bà Chản đang dọn bữa, bà nhắc chồng ngồi sưởi cho đỡ lạnh. Ông Chản kéo ghế con ngồi ôm lấy bếp than đã vạc, tay cầm que dời đi, dời lại trong đống tro than. Ông hỏi vợ có nghe tiếng gì không? Bỗng bà Chản ngạc nhiên hỏi lại chồng xem tiếng gì; ông Chản nói trong tiếng thở dài :
- Thôi đừng hỏi nữa!
Thấy chồng vẫn bới bới, gảy gảy, bà Chản nghĩ được hay có cái gì bỏ quên trong đáy đàn : gặng hỏi chồng; bỗng nghe tiếng trầm trầm như rên «tìm mấy tiếng đàn » . Bà Chản nhìn chồng giật mình thấy vẻ mặt chồng khác hẳn trước đây, cười cười, mếu mếu đứng dậy, miệng lảm nhảm, đi lên nhà; bà không nghe rõ gì cả. Bước ra khỏi cửa bếp, ông Chản còn ngoái đầu lại nhìn, chẳng biết nhìn cái gì? Tâm hồn đồng cảm không qua lời nói; bà Chản thấy hết. – Một con người mau nước mắt là thế mà giây phút này chỉ nhìn sau lưng chồng; chắc là nước mắt đang xối xả bên trong!...
Bà Chản thờ thẫn, bưng mâm lên nhà; mặc dù mùi riêu cá bốc thơm; bà Chản nhìn mâm cơm cảm thấy lạnh lẽo. Cảnh tang tóc âm thầm chen giữa mâm vui – Bà Chản rùng mình ngao ngán trong lòng : « Vì đâu mà có cảnh này?» Trong bữa ăn, ắt chỉ có một mình Thuyên là ngon miệng; vừa ăn vừa pha trò dốc chuyện vào tai bố, tai mẹ – dốc bằng hết kẻo mình lại sắp xa nhà. Thuyên thấy bố mẹ đều rười rượi; ăn, gắp đểnh đoảng mà sức pha trò không phục lên được. Mọi lời rôm rả từ miệng Thuyên thu hẹp, rời rạc, rồi cũng tắt lặng. Ông Chản suốt bữa không nói được một câu. Ông chỉ ăn mỗi lưng, lấy cớ váng đầu, đứng dậy, nhưng không quên nhắc Thuyên ăn no mà lấy sức đi đường. Nghe tiếng nói của bố trầm , khàn, Thuyên nhìn bố. Lúc lúc ông Chản lại vuốt mặt, nhìn lại nơi để cây đàn mất đi không bao giờ còn nhìn thấy! Bà Chản cố ghìm nén, che chở để khỏi sây xát sự lư u luyến trước lúc chia tay.
Thuyên hơi nao nao, cái nao nao của công tác hậu quả chiến trường; mai táng đối phương tử trận. Cuốc xẻng chiến thắng trong tay; tính tư tưởng không được phép; tính người vụng trộm vài giây. Biết bao ngôn từ viện trợ « đả thông », «đánh thông», «khai thông »; cùng với chân thực, dối trá xáo trộn, bị động thành chủ động; chủ động thành bị động. Nó làm cho Thuyên vướng mắc lùng nhùng; chỉ có thể thoát ra bằng những lời động viên thời thượng :
- Bố mẹ buồn thì con vui sao được. Con biết bố mẹ vì chúng con mà phải chịu đựng, hy sinh nhiều mặt. Con mong muốn bố mẹ giũ bỏ được tất cả những cái cũ nặng nề để thanh thản đứng trong hàng ngũ nền tảng của cách mạng. Con chắc chắn rằng nay mai, bố mẹ sẽ vui hơn ngày xưa và hôm nay nhiều lắm. Con nói trước để bố mẹ mừng cho con – Thuyên ngừng lời tươi tắn nhìn bố mẹ – chắc chắn lần này con được kết nạp đảng.
Vợ chồng ông Chản lại tìm thấy một đứa con; nó đang trước mặt mình, đang nói những lời mà tấm lòng cha mẹ đang chọn nhặt lấy những điều hiếu đễ; cái hiện tại đang thèm lùi về quá khứ...Hai người tiễn con ra tận cổng ngoài. Bà Chản tiếng to, tiếng nhỏ trong nước mắt dặn dò con không dứt lời; ông Chản nghẹn ngào rưng rưng khoé mắt vịn vai con, không nói được thành lời. Hai vợ chồng đứng nhìn theo con chưa khuất lối rẽ lên đường lớn, mà lòn g đã thấp thỏm nghĩ đến bước rủi, bước may của con. Khi quay về, hai người lại chung một cảm giác mong đợi da diết như chưa gặp con. Bà Chản đi trước, ông Chản chìm bước đi sau, khi đã vào đến sân, ông Chản lại quay ra khép cổng như thường lệ vào lúc nhá nhem tối. Bà Chản lấy làm lạ, vội nhắc chồng sao laị khép cổng. Ông Chản không trả lời, hoặc không nghe tiếng vợ bởi trong lòng bất định rối bời.
Từ bữa Thuyên trở về đơn vị, ông Chản trở nên ít nói, lặng lẽ tha thẩn quanh sân, quanh vườn. Trước đây mỗi ngày ông chỉ một lần đến với cây đàn, sờ dây, thổi bụi; nay cứ một lúc lại đến chỗ cây đàn, lại ngơ ngác. Đàn không còn, con đi xa; vắng con, vắng bạn, và như vắng cả bản thân. Một tâm hồn ba cấp cô đơn.Thấy chồng buồn phiền, chán cơm ngày một phờ phạc, thỉnh thoảng bà mua lạng thịt về băm nấu cháo, nhưng ông Chản cũng chỉ húp vài lưng.
Rét nàng Bân đã qua. Bầu trời trở lại nguyên xanh, lác đác tụm mấy tụm mây trắng bã bừa, trôi đi, dạt lại. Chim tu hú đã mở miệng phóng giọng báo mùa trên ngọn những cây xa, gần. Nắng hoa cau vung lưới. Người ta kháo nhau : vải đầu mùa đã có bán, đắt như vàng giả. Trên đường xóm thỉng thoảng xuất hiện một con chó ghẻ trụi lông, lưng trát đầy bùn, ngứa da, vừa chạy vừa ngoãy dưới nắng mới. Xóm trong, xóm ngoài gà mái nhảy ổ đẻ, tiếng ``cục tác!`` nối nhau ran ran nghe dán dát tai, tạo một không khí rất ngày xưa và cũng rất hôm nay – cái vỏ làng bằng an thịnh vượng!...
Bà Chản thấy chồng xọm quá, Bà lo ngày, lo đêm, ruột gan thắt thẻo; mấy luống rau cũng chẳng buồn mó tay, cỏ mọc chen lấn. Bà mẩm bụng còn đôi hoa tai rỗng – một đồng cân rưỡi – đem cầm lấy tiền thuốc men, mua thêm cái ăn, cái uống cho chồng; lúc nào trời cho khá lại chuộc về. Bà Chản cũng tự biết là mình đang dối mình, chứ cơ cảnh này thì biết đến bao giờ mọc mặt. Đôi hoa này của người dì út đánh làm quà cho bà ngày lấy chồng – nó là một quá khứ long lanh trên vành tai trong hội hè đình đám. Bà đã tháo nó khỏi tai sau nửa ngày đội phát động giảm tô kéo quân về làng. Từ đó, mỗi năm nhiều lắm cũng chỉ đôi lần bà đeo vào tai để vợ chồng, đàn phách vụng trộm sống lại một đêm xưa; rồi lại tháo ra cất kỹ trong đáy hòm.Phiên chợ trước bà đã đem đôi hoa tai lên phố Phùng nhờ người bạn kiếm khách cầm tạm; nhưng người ta chỉ chịu cầm có một phần ba thời giá, tính ra được độ mươi đồng. Bà Chản phân vân, nửa muốn cầm đôi hoa, nửa muốn về bên quê ngoại dật tạm họ hàng; rồi lại chợt nghĩ ra : quê ngoại cũng cảnh như mình, nên lại thôi.
Chiều nay, thím Vượng ghé tai bà Chản nói : có người bên Hiệp vừa mới qua Mai Lĩnh về, cho biết con cháu Nhiễu dạo này ốm lắm, cháu bé cũng quặt quẹo, nó nhắn bà lên chơi. Bà Chản bồn chồn thương con gái; nó biết bố mẹ nghèo túng, chẳng dám ngỏ lời xin xỏ; nó nhắn lên chơi cũng là có ý đấy. Bà quyết định bán đứt đôi hoa! Bà nghĩ : cái thời thế này đến giữ cây đàn trong nhà còn nơm nớp sợ mang vạ. Còn vui còn thú gì, còn đình đám gì, còn hoa hoét làm gì, «Thân còn chả tiếc, tiếc gì đến duyên!». Bà bấm đốt ngón tay nhẩm tính : Hai chục đồng, gần hai chục đồng. Bà cho hẳn con gái mười đồng. Bà than phiền con gái bà dại dột, đua thời, đua thế đi thanh niên xung phong về lại bận con bận cái năm ngoái về chơi, người chả ra người, tong teo dẹo dọ! – Khi nó lấy chồng bà cũng chẳng có gì cho nó; lúc nó đẻ con, bà cũng chẳng có gì cho nó – Nó cũng không dám tủi thân. Mười đồng cho nó chắc nó mừng lắm đấy. Còn mười đồng nữa buộc đấy để còn thuốc men cơm cháo cho chồng. Bà nghĩ mình cũng còn may mắn, còn níu được vào đôi hoa.
Cầm tiền trong tay mừng mừng, tiếc tiếc bà Chản lại muốn để chồng lên thăm con gái, mang theo cho nó món tiền – cũng là chút thảo lòng với con; cũng là sĩ diện với rể – Trước hết chồng bà đang buồn, đi chơi với con cho khuây khoả, cho người nó khoẻ ra. Vả lại, từ ngày con Nhiễu lấy chồng, ông cũng chưa một lần lên thăm, biết chỗ ở của con gái; đã nhiều lần ông dắng đi mà chưa có dịp. Lần này, ông Chản cũng vẫn cứ đắùn đo vì không muốn bà ở nhà một mình; tiếng thế nhưng bà là người nhát tối. Bà Chản khuyên nhủ hết điều ông mới bằng lòng ra đi. Tính cẩn thận, ôngChản đi được một quãng, ông còn quay về đầu cỗng gọi vợ dặn dò : có việc gì cần đỡ tay thì nhờ thím Vượng; hạt dền, hạt mướp, ông cất kỹ trong ống nứa, nút lá chuối khô, gác trên gác bếp gần vách bên trái. Ông Chản nhắc đi nhắc lại : phải nhổ cải muộn, làm đất kịp thời để có rau dền cấy, để có mướp đầu mùa.
Cái nắng quái sau loáng mưa chiều nó làm cho người ta rầu rĩ,; nhất là gặp cảnh người đi, người ở. Chiều nay, một mình bà Chản đang lúi húi trong vườn, lòng ngỗn ngang, nghĩ xa nghĩ gần; nghĩ toàn những điều gở dại mông lung. Bà Chản lại tủm tỉm một mình, tưởng tượng lúc hai bố con gặp nhau. Con Nhiễu lại có tiền chi tiêu giữa lúc đang bấn quẫn. Bà nhẩm tính thấm thoắt chồng đi thăm con đã qua ba phiên chợ – Nhà vắng quá.
Giữa lúc bà Chản đang nhổ nốt luống cải muộn đã nhú ngồng để làm dưa, thì chợt thấy thím Vượng rẽ tắt phía đầu nhà thẳng vào vườn rau; vừa đi vừa xùi xụt. Gặp bà Chản thím Vượng ôn chầm lấy bà, oà lên khóc, báo tin dữ :
- Bác trai đã mất rồi!
Bà Chản ngả vật trên luống rau, ngất đi, không hỏi được điều gì khác! Thím Vượng dìu bà vào nhà. Bà Chản vật vã đầy miệng nước mắt. Thím Vượng kể tiếp sự tình : Vợ chồng cháu Nhiễu nhắn người quen mãi trên Phụng Thương đã đến mấy hôm rồi. Người Phụng-Thương lại nhắn ông Thảo ở dốc Gạch; trưa nay thím Vượng đi chợ Gạch mới được người ta nói cho biết. Ông Chản chết về sáng; sau khi lên nhà con độ hơn tuần. Mẹ con cháu Nhiễu cũng vẫn đang ốm, chẳng biết được ai suôi mà nhắn tin. Nghe đâu ở trên ấy người ta chôn cất theo lối đời sống mới, không kèn trống, không rơm mấn, xô gai gì hết. Thím Vượng ngừng lại, gạt nước mắt, đay lại : « Thế là chết sớm chôn chiều! Chết cũng đời sống mới! » Thím Vượng nói xong, bỗng chột dạ, quay nhìn tứ phía như một thói quen trong lúc thay quần áo. Thím Vượng im bặt – sợ vách có tai – Thím Vượng vốn chân lấm tay bùn, thành phần bần nông, không biết khéo mồm khéo miệng. Những tiếng nói kiểu mới thím kiêng tránh như lời tục tĩu, bất đắc dĩ thím phải nói lên đôi tiếng trong khi họp tổ; thường là nói sai, mua cười cho buổi họp. Vợ chồng thím Vượng đối vợ chồng bà Chản là chổ láng giềng, tối đèn tắt lửa giữa hai nhà kể cả thời tạm chiếm, thời giảm tô, cải cách cho đến nay, vẫn như bát nước đầy không hề có điều tiếng gì. Thím Vượng không bao giờ dám nhận những lời dạy khôn của bất kỳ ai; nhất là trong học tập giảm tô và cải cách. – Trong lòng một người chân lấm, đầu lấm, mà sự sàng lọc xấu, tốt còn nhạy bén hơn nhiều kẻ khác. Những trường hợp đứng trước lời dạy bảo thím Vượng phải vâng, dạ; cũng là vâng, dạ để bụng. Ăn có, nói không thím không quen, thím sợ. Thím cũng không biết làm sao mà không quen, làm sao mà sợ. Chồng thím lại còn nhút nhát gấp mấy lần vợ. Chú ta mặt mũi khôi ngô sáng sủa như mặt thầy giáo; nhưng tính nết củ mỉ cù mì – động nghe tiếng xô xát dẫu không có liên quan gì nhưng cũng run sợ, mặt cắt không ra máu. Giả sử có kẻ vu oan cho điều này điều khác, mà kẻ phân xử lại chỉ trông mặt bắt tính, bắt tướng quyết đoán thì chỉ có chết. Ngay trong suốt hai đợt học tập giảm tô và cải cách; cả xóm, cả làng đều biết, chú Vượng không hề mở miệng nói một lời. Cán bộ ra sức vực dậy, cũng đều vô hiệu. Ngày ấy cán bộ mệnh danh chú Vượng là «đồng chí câm »; bà con nông dân tiến bộ gọi là «Vượng cấm khẩu» - bần nông vẫn cứ là bần nông, thiệt thòi trong chia chác quả thực – Chú Vượng thường nói : « của ăn không nó có ma!» nếu như cần giúp đỡ ai chú Vượng sẵn sàng dốc sức dăm ba buổi; nhưng là tiền thì một đồng cũng không bao giờ bỏ ra...
Trước cảnh ngộ tang tóc của bà Chản, thím Vượng chia sẻ nỗi đau, khóc lóc như bản thân gặp bất hạnh. Bà Chản lau nhanh nước mắt, đứng phắt dậy, ngơ ngác trong cặp mắt thất thần. Bà Chản lấy chìa khoá cửa trao cho thím Vượng, nhờ thím coi nhà. Trong túi sẳn còn gần nửa tiền bán đôi hoa, chưa tiêu khuyết đồng nào. Bà Chản chụp vội lên đầu chiếc nón cũ – Chiếc nón của chồng vẫn đội làm vườn ngoắc ngay trên đinh vách bên cửa – quai nón đầy mùi mồ hôi cũ, bà Chản lại òa lên khóc! – Quần áo cũng không kịp thay. Bà Chản rảo bước quăng mình ra cổng; chiếc nón cũ gió hất xuống lắc lư sau vai, cọ vào tấm áo cánh cũ, một ống tay xé cộc lên đến khuỷu. Bước cun cút thất thểu, trên con đường quan – vừa đi vừa ngóng xe. Ví phỏng người quen cũ có gặp mặt, làm sao nhận được cô đào Khuê hôm nay.
Đi hôm trước, chiều hôm sau bà Chản đã về; đến đầu xóm thì trời đã nhá nhem, Chỉ mới qua hai ngày mà dốc đi mất nửa người. Hai mắt lõm sâu, tiếng nói khản đặc, bà Chản nghẹn ngào nói lại với thím Vượng đúng như lời thím được nghe người ta nhắc trước đây. Di vật của chồng bà mang về chỉ là một chiếc bật lửa cũ, bà vẫn cầm chặt trong tay. Ngay đêm đó, bà Chản đèn hương. Chiếc bật lửa được đặt cạnh bát hương. Nỗi đau dồn thắt, bà Chản một mình ngồi khóc thâu đêm, thỉnh thoảng lại với tay cầm chiếc bật lửa rồi tự đặt lên bàn thờ – Vật vã đay đi đay lại :``Chết không gặp nhau! không gửi lại điều gì trong phút lâm chung!...
Sáng hôm sau, nắng hoe một lúc, lối vào cổng nhà tang in đầy dấu chân đoàn thể – dấu chân «bộ tứ », «bộ ngũ » ( đảng, chính, nông, thanh v.v...). Người nào người nấy vẻ mặt đau buồn thăm viếng. Bà Chản mắt sưng húp đang khóc dưới đèn hương, đứng dậy đón đoàn. Trong số đó, bà Chản chỉ nhận ra được ông Phú chủ tịch xã và anh Đáng còn đều là người thôn khác. Một bà phụ nữ ôm theo một bó hoa huệ ngát hương. Tất cả đều vây quanh bàn thờ, tất cả đều đăm chiêu lặng lẽ. Ông chủ tịch xã, xúc động nhân danh thay mặt đảng ủy, thay mặt chính quyền, thay mặt đoàn thể các ngành các giới trong toàn xã nói lời chia buồn thống thiết, - ông rút khăn tay chấm mắt, nhiều người trong đoàn làm theo – ông ân cần khuyên nhủ bà Chản và với cả mọi người có mặt : «Tổn thất của gia đình cũng là tổn thất chung của mọi người!» Ông không quên nhấn mạnh :«biến đau thương thành hành động cách mạng!» Ông hứa :«Đảng, chính quyền, có trách nhiệm tích cực giúp đỡ gia đình để giảm bớt những khó khăn...!»
Bà Chản, xúc động, tay vuốt phẳng ống quần – thói quen lịch sự trước mặt người lạ – cúi đầu lĩnh nhận những lời cao trọng đạo đức.
Thưa bạn đọc, thật ra đoạn viếng thăm là không có. Tôi phịa thêm – Tự thấy cũng không có thiệt hại gì – Xin bạn đọc thể tất!
Đôi đũa gãy một chiếc! Bà Chản suy xụp chẳng còn lòng dạ đâu nghĩ đến làm ăn. Mảnh vườn để hoang, chỉ còn lại dấu chân loạn bước của ông Chản từ bữa cây đàn đáy bị đập làm củi đun nước tắm. Cứ nhìn vào vườn, bà Chản lại nhìn vào những dấu chân ấy mà giàn giụa nước mắt. Tiền bán đôi hoa còn lại, bà Chản chi dần vào đèn nhang, ngày nào cũng như ngày nào, bà cũng mua thêm tí thịt, hoặc cá, hoặc đậu, thổi lưng bát gạo để cúng cơm bữa. Bốn mươi mấy ngày rồi, bà Chản chưa biết miếng cơm nóng. Cúng xong, bà hạ xuống thom thỏm một mình vừa ăn vừa khóc. Bà giành giụm để nay mai chi vào ngày «bốn chín ».
Thật ra, bà Chản chẳng biết nghi thức cúng bái thế nào trong ngày ấy và cũng chẳng biết hỏi ai. Bên cạnh có vợ chồng thím Vượng nhưng cũng không biết gì hơn. Bà Chản còn muốn đi gọi hồn chồng để được nghe lời dặn dò; kẻo âm dương cách biệt quá! Cô đồng, thầy cúng, thầy bói, xa gần đều đã bị cưỡng bức giải nghệ. Có người đang còn nằm trong trại tù, trại giam. Ý bà Chản phải đưa được vong linh chồng lên chùa nương bóng Phật, để chồng được mát mặt, để bà được thoả nguyện giữa kẻ còn người khuất, gọi là chút nghĩa trong cõi thác sinh.
Khốn nạn thay! Chùa đình của làng cái còn, cái mất. Du kích, dân quân đã phá hủy đình, chùa, ngay từ lệnh tiêu thổ kháng chiến, sợ giặc tràn đóng bót. Dấu tích của đình chỉ còn mỗi cái giếng, tảng đá ong rỗ rỗ, mặt nước đầy bèo tấm. Ngôi chùa cổ kính đẹp là thế; du kích dân quân đang phá dở, thì giặc kéo đến tiếp tay đốt phá tan hoang, chỉ còn lại gian «chuôi vồ» sau đại bái. Sư Phúc đã hồi tục về tận xứ đông xứ đoài. Tượng Phật chẳng còn pho nào vách trong, vách ngoài gian còn lại, kẻ đầy những khẩu hiệu, và những nét vẽ tục tĩu – của những trẻ con mất dạy để lại – Cố tình lọt lưới dăm điều dạy bảo tổng hợp dễ nhớ.
Bà Chản những lo lắng băn khoăn tối ngày không có hoàn cảnh để được làm trọn bổn phận. Mặt khác bà Chản cũng lo lắng dở dói đền hương tránh sao khỏi con mắt của xung quanh dòm ngó; chuốc vạ vào thân và còn làm nhục đến vong linh. Bà Chản tâm tâm niệm niệm cầu trời khấn phật rủ lòng đại xá – Cảnh khốn cùng «Tâm động quỷ thần chi! »
Thấm thoát đã đến ngày bốn chín. Lòng thành kính, lễ nghi đạm bạc; bà Chản bày trên bàn thờ hai bát hương; trên Phật, dưới vong, chờ tối xuống. Bóng nắng uể oải kéo qua ngọn vối bờ ao. Bà Chản ra chĩnh nước bên gốc cau, múc nước cúng. Thoáng thấy bóng mình trong khoanh nước lặng; không nhận ra mình, mái tóc hoa râm sác sơ, tàn tạ. Chờ lúc sẩm tối bà Chản mới đốt hương đèn trên bàn thờ. Nôm na, than thở những lời cay đắng. Bà Chản cứ ngồi lặng, cái bóng héo hon treo trên vách, ánh đèn thờ lắc đi, lắc lại vật vờ.
Đã quá nửa đêm, mọi nhà đã yên giấc trong tiếng chó sủa cầm chừng, Bà Chản muốn cúng chồn g bằng lời ca, tiếng phách – Chỉ có lời ca, tiếng phách hy vộng vợ chồng được gần gụi trong khoảng cách âm dương – bà nghĩ như vậy. Bà Chản lấy cỗ phách trong hòm ra. Nhìn cỗ phách, bà thấy như được gặp ruột thịt, cùng bà chia sẻ nỗi đau. Tay run run dở vuông nhiễu điều áo phách, bà Chản với lên bàn thờ lấy chén rượu thải xuống lau phách; vùa lau vừa tìm lại những kỷ niệm từ thưở mười hai.…Năm ấy là năm gì nhỉ. Đêm tháng tám, có trăng chiều. vợ chồng người cậu bày đèn hương trên bàn thờ tổ, cháu gái Âu thị Khuê được nhận phách tập – cũng như độ tuổi con trai buổi đầu nhận đàn – Ngay từ đêm đó, dì Huyền nắn từng ngón tay Khuê, dạy cách so dùi dạo phách...Trời phú cho Khuê có nét cười duyên dáng, hễ cười là cúi đầu nghiêng nhìn e lệ. Đêm ấy Khuê ngồi tập phách bên dì Huyền mãi đến lúc trăng tà. Khuê luôn tủm tỉm, sung sướng thấy mình lớn lên trong tiếng khen của dì Huyền. Đời Khuê bất hạnh từ thưở nhỏ; năm Khuê bảy tuổi bố mẹ đều mất - mẹ mất bảy tháng sau khi bố mất, trong cùng một năm. – Trên đầu tuổi thơ đã hai lần khăn tang! Khuê được bà ngoại đem về nuôi trong tình thương của bà ngoaiï, của cậu mợ và của dì Huyền. Cả hai bên nội, ngoại đều có nghề ca trù từ tổ tiên truyền kế.
Tiếng phách đã chập chững đòi giội ngọc, qua mấy năm công phu luyện tập. Năm Khuê mười lăm tuổi, đã được theo cậu mợ, theo dì Huyền lưu ca nhiều nơi. Khuê và dì Huyền giống nhau như hai chiếc lá cùng nhành. Khuê lại được số phận ban cho giọng ca rầu rĩ não lòng với cái dáng thanh tú, buồn buồn của đóm sao chiều; khiến nội ngoại đều lấy làm hãnh diện.Năm Khuê mười bảy tuổi, sau nguyên tiêu, đêm giỗ tổ nghề; ông sáu Lục, ngưòi cao mai nhất trong họ và là một kép đàn cừ khôi – Làm chủ mọi cây đàn đáy – Chọn giờ Thân, giờ tuổi của Khuê – đó là tục lệ của nghề nhà – Chính thức trao cho Khuê cỗ phách «bản mệnh». Và tên Khuê được ghép thêm tiếng đào – đào Khuê.
Đào Khuê được chọn mầu áo để mọi người so sánh. Mọi cặp mắt ngắm nghiá đều thấy đào Khuê chỉ ưa vận đồ thâm. Ông Sáu Lục ban khen hết lời nhưng, không khỏi ngậm ngùi kín đáo.Cỗ phách là của dì Huyền. Khi đào Khuê đưa tay nhận phách, hai dì cháu đều rưng rưng trao nhận cả nước mắt. Dì Huyền bốn mốt, hơn đào Khuê đúng hai giáp. Trước kia tiếng hát của dì Huyền đã một thời khiến bao khách tình rơi lệ! Bất hạnh thay! cuối mùa hè năm kia, chẳng may dì Huyền lâm bệnh thương hàn; mấy tháng sau mới bình phục. Tóc bị rụng, giọng ca bị gãy! Dì Huyền đành trao lại cỗ phách cho cháu gái mồ côi, mà dì thương mến nhất.
Đào Khuê họ Âu nhận phách của họ Dương, đó là điều khác biệt với lệ thường. Đào Khuê được dì Huyền kể lại về lai lịch cỗ phách.
Phách bằng trúc; loại trúc ngà này chỉ ở trên đỉnh Thạch Bàn núi Tam Đảo mới có. Trúc mọc trên đá, phiá sau đền Tây Thiên. Hẳn vì quanh năm mây trắng bao phủ nên từ thân đến lá đều mầu trắng ngà; nhờ chọn gió đỉnh cao quanh năm, từng thớ trúc nhiễm sức bay xa của gió nên khi giội phách, âm thanh lượn lờ linh vọng. Người ta truyền ngôn từ xưa các triều vua, chúa đã chọn lấy trúc đó về làm phách ngự cho cung nữ. Người dân mãi sau này mới dám sử dụng – Vì lẽ gì thì chẳng biết – Nghề ca trù nhiều vùng đều ao ước; có lẽ người ta cậy vào nơi sinh trưởng của trúc mà đặt cho tên đẹp là «tiên phách ». Không phải ai muốn lấy trúc cũng được. Hẳn phải có sự cấm kị, ngăn cản của sơn thần. Muốn lên lấy trúc phải tính tuổi như làm nhà vậy; lại phải xem ngày, phải tu lễ dâng cúng tại đền Tây Thiên; phải gieo đủ mười hai tiền xuống dòng suối giải oan; phải xin âm dương được quẻ mới dám động thủ phạt mộc.
Phải chăng việc lấy trúc làm phách đã qua nghiệm chứng mà người người truyền miệng, hay chỉ là lời tầm phào đơm đặt nên chuyện. Thời bà ngoại của đào Khuê còn đang tuổi thanh xuân, cụ ông kỳ công thuê một tay thợ vùng Vĩnh tường đứng tên cụ dâng lễ lên núi xin trúc. Thợ phải tựa vào mắt đốt lần đám qua bốn trục «Sinh – Lão – Bệnh – Tử » trọn lấy một đốt cuối Tử đầu Sinh.Có nghĩa là cỗ phách nằm giữa hai cõi Tử, Sinh. Cỗ phách được bào chuốt, bóng lọng màu ngà. Ông cụ còn muốn dựng cỗ phách kiểu phách của cung nữ đời hậu Tống nên đã thuê thợ kim hoàn cẩn vào hai đầu dưới lòng phách một nửa phân vàng mười chia đôi – Và cũng đặt cho cỗ phách quý này cái tên sang trọng là «Kim phách».
Quả thật, hàng năm cứ vào quãng cuối thu, kim phong chập chùng lay mỏi, mỗi lần dạo phách, thấy thoát lên lanh lảnh tiếng ngọc va ngọc. Cái âm ngọc ấy nó chọn tai người nghe!
Bà ngoại nâng niu cỗ kim phách được vừa trăm ngày thì lâm bệnh! Xem ra là xung mệnh; buộc phải rời tay khỏi phách. cỗ kim phách được cất kỹ, mãi sau được trao cho dì Huyền – Tuổi Thân – Mệnh kim. dì Huyền sau đó lại trao cho đào Khuê, cũng tuổi Thân – Hợp mệnh.Cỗ kim phách truyền tay ba đời. Cỗ kim phách, đào Khuê gìn giữ bằng tình cảm tâm gia – Coi là «phách mệnh ». Tiếng phách lần giao âm ngọc với ngón đàn của kép Chản so dây.
Mấy chục năm gắn bó, phút chốc nghề nghiệp sa cơ! Làng ca trù ngao ngán, buộc quay lưng với đàn ca, quay lưng với tri âm; quay lưng với chính bản thân!...Dưới ánh đèn con trên bàn thờ tãi sáng chập chờn yếu. Bà Chản dằng vặt duyên phận; chẳng biết vì đâu mà lúc âm dương chia cách, vợ chồng không được nhìn nhau lần cuối! – Người ra đi vì sao không gửi lại cho nhau được nử a lời!? Vẫn chiếc áo thâm ăn dáng, hứng nước mắt chưa khô lại ướt. Bà Chản run tay đập phách; nghẹn ngào, mấy lần không cất nổi tiếng ca – lời dã biệt cuối khổ sòng mà vợ chồng rất tâm đắc, lúc canh tàn, tiễn bạn...
Tiếng phách luôn vấp nhịp; tan dọc, tan ngang nhỏ dần; như từ Thiên cung vọng xuống, như từ sâu thẳm vọng lên chờ đợi tiếng ca. Bà Chản chỉ thốt lên được mấy tiếng cuối khúc, cuối câu :« ... Lúc phân trình rầu rĩ lắm ai ơi!.. » Quen tay đập mạnh phách cắt nhịp. Bỗng phách câm đột ngột. Bà Chản không tin ở tay mình, vội xóc hai dùi đơn, kép đập lại. Phách chỉ phát ra tiếng bồm bộp, như đập vào tre ải. Hương đòi tàn, đèn muốn tắt! Bà Chản sửng sốt, cầm phách lên tay nhìn kỹ; phách vẫn nguyên dáng; màu ngà đang phai dần, ngả hẳn sang màu sáp ong dưới ánh đèn leo lét, lạnh lẽo vây quanh. Bà Chản rùng mình, quay nhìn quanh quất. Hai bàn tay khô héo đan chặt vào nhau. Linh mệnh thầm nhủ, bà Chản nhận biết «Bạn cũng ra đi» Phải chăng kim phách có tiền oan! Mảnh áo thâm đang khoác điều tiền định : duyên mệnh! Lại một lần nữa như bị xẩy chân trên bờ vực thẳm! Bà Chản khóc không ra tiếng, cúi nhận thêm một cái tang – Tang bạn!
Hôm sau, mặt tàn tạ chúi trong nón cũ, với cái dáng tiều tụy trên đường gió đẩy, hai vai chĩu nặng thê lương, bà Chản vươn bẻo chợ Phùng, mua về ba vuông vải trắng làm đồ khâm liệm bạn.
Sau bữ a cúng cơm chiều, bà Chản lấy phách ra lau rượu lần cuối; mùi rượu dâng men cuốn theo cả cái mùi tục lụy của dĩ vãng đăng đắng tan bay. Bà Chản gói kín phách trong ba vuông vải trắng, bên ngoài bọc vuông nhiễu điều. Khâm liệm xong, bà Chản nâng phách lên đặt cạn bát hương, đốt thêm ba nén, có ý để vong linh chồng chứng cảnh. Bà Chản lại hạ phách xuống khâm liệm lại; vuông nhiễu điều áo phách được gói bên trong, vãi trắng gói bên ngoài; vẫn cứ băn khoăn, bối rối không biết thế nào là phải.
Chờ lúc chạng vạng, bà Chản mang cỗ phách ra phía bờ ao, tìm nơi mai táng. Nách bên trái ủ chặt phách; tay phải cầm một cái sén cấy rau, bà Chản vừa khóc vừa cạy đất. Cạy đến hai, ba chỗ, chưa thấy yên lòng, lại lấp đi, lại đào tiếp một huyệt, lấp đất và nói xuống huyệt : «Bạn không ở lại, đời đào Khuê chả biết ngày mai ra sao? Đào Khuê đặt bạn nằm yên đây để bạn khỏi bơ vơ!» - Hai bàn tay bóp đất, vun một nấm mộ nhỏ vừa bằng chiếc gối đầu để có thể ở trong nhà vẫn nhìn thấy. Ngồi lặng bên mộ phách một lúc lâu, bà Chản đứng dậy liêu xiêu vào nhà. Trong nhà, bóng tối đã tràn ra ngoài cửa. Đứng trước hiên lùi lại vài bước, bà Chản cảm thấy lạ lẫm, trống rỗng; ngơ ngác không biết mình đang ở đâu?
Nghề ca trù mất – bàn tay nào mưu toan bức tử? Nghiệp ca trù vẫn còn đeo đẳng trong linh hồn, chờ vận hội tái sinh. Phải chăng âm thanh của lời ca, của đàn, phách không chịu khuất phục, không chịu nhục nhã quỳ gối trước công đường lầy lội nhớp nhơ – Nhất loạt tự sát! – Bởi không còn thấy một chân trời nào có thể đặt bước lưu vong.
Hà-nội 12-58
( Tư liệu do Lại Nguyên Ân cung cấp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét