PHÁP DU HÀNH TRÌNH NHẬT KÝ
Phạm
Quỳnh
Tôi đi Tây chuyến này, định quan sát
được điều gì hay, khi trở về sẽ biên tập thành sách để cống hiến các đồng bào.
Song đợi đến khi về nhà thời lâu lắm; vậy trong khi đi, tôi có giữ quyển nhật
ký, ngày ngày ghi chép, được tờ nào gửi về đăng báo trước, toàn là những lời kỷ
thực, không có văn chương nghị luận gì; chẳng qua là những tài liệu để đến khi
về nhà làm sách vậy.
I
Giữa bể, trên tàu
Armand Béhic, ngày 16 Mars 1922.
Tôi được quan Thống sứ Bắc kỳ cử sang Đại Pháp thay mặt cho Hội Khai
trí tiến đức để dự cuộc đấu xảo Marseille,
lại được quan Toàn quyền đặc phái sang diễn thuyết tại mấy trường lớn ở Paris,
ngày 9 tháng 3 Tây năm 1922 (tức là ngày 11 tháng 2 ta), xuống Hải Phòng để đáp
tàu Armand Béhic về Pháp.
4 giờ chiều ngày 10 tháng 3, tàu mới cất neo chạy. Trong khi đợi tàu ở
Hải Phòng, các ngài thân hào tỉnh ấy tiếp đón khoản đãi một cách rất ân cần. Số
các phái viên Bắc kỳ đi dự đấu xảo Marseille
cả thảy có bảy người: quan tuần Cao Bằng Vi Văn Định[1],
quan huyện Phong Doanh Trần Lưu Vị, thay mặt cho quan trường Bắc kỳ; ông Nguyễn
Văn Vĩnh[2],
ông Phạm Duy Tốn[3], thay
mặt cho Tư vấn nghị viện; ông Hoàng Kim Bảng, thay mặt cho các nhà thương mại;
ông Nguyễn Hữu Tiệp, thay mặt cho các nhà canh nông, và tôi là đại biểu của Hội
Khai trí tiến đức. Trong bảy ông phái viên ấy, chỉ có bốn ông đi chuyến tàu Armand
Béhic, là quan tuần Vi Văn Định, quan huyện Trần Lưu Vị, ông Nguyễn Văn
Vĩnh và tôi; còn ba ông nữa xin ở lại đi chuyến tàu sau.
10 giờ ngày mồng 9 tháng 3 tới Hải Phòng, được đích tin rằng tàu Amand
Béhic ở Hương Cảng lại đến trưa mới tới bến và chiều ngày mai mới chạy. Ông
Nghị trưởng Nguyễn Hữu Thu mời ăn cơm trưa ở nhà Hôtel du commerce. Buổi chiều
đi lấy giấy thông hành (passeport) và đổi giấy đi tàu của Nhà nước (réquisition
de passage) lấy vé tàu của công ty. Theo lệ mới thi hành trong một năm nay
thì phàm người dân Đông Pháp muốn đi lại trong bản xứ hay là xuất dương sang
Đại Pháp cùng những xứ thuộc về quyền chính của Đại Pháp, chỉ phải đem theo một
cái thẻ căn cước (titre d'identité) là đủ; thẻ căn cước ấy do các quan
hành chính các địa phương phát, như ai ở tỉnh nào thì xin quan Sứ tỉnh ấy, phải
có lý trưởng làng mình nhận thực. Thẻ căn cước ấy không những dùng để xuất hành
mà thôi, chính là một cái chứng chỉ về bản thân mỗi người, dùng được nhiều việc
lắm: lĩnh tiền ở các kho các sở, ký nhận thơ từ hàng hóa của nhà Giây thép,
v.v… Duy khi nào muốn xuất hành ra ngoài địa phận Đông Pháp thời phải đem theo
thẻ căn cước đến lấy chữ quan chánh sở Cảnh sát ký nhận. Ấy theo lệ hiện hành
thời chỉ có thế là đủ, và người An Nam đi sang Đại Pháp không cần phải giấy
thông hành khác nữa. Nhưng từ Đông Pháp về Đại Pháp, tàu phải đỗ ở mấy nơi cửa
bể thuộc về người Anh cai trị: Singapore ,
Colombo , Port
Said . Muốn xuống chơi những cửa bể ấy – ba mươi ngày
trên tàu, tới đâu mà chẳng muốn xuống, – thì một cái thẻ căn cước của ta không
đủ, vì người Anh không công nhận. Bởi thế nên ai đi sang Pháp ngoài thẻ căn
cước của mình, xuống đến Hải Phòng cũng phải lấy một cái giấy thông hành nữa.
Giấy này do Toà Đốc lý Hải Phòng phát, không lấy tiền. Được giấy thông hành ở
Toà Đốc lý rồi, phải đem ra sở Cảnh sát để ghi vào sổ. Đoạn rồi lại phải đem ra
sở Lãnh sự nước Anh ký nhận cho phép lên các cửa bể thuộc quyền cai trị nước
Anh. Lãnh sự nước Anh là ông quản lý chi điếm công ty (Denis frères) ở
Hải Phòng. Lấy chữ ký này phải mất 0$40 lệ phí; nghe nói trong khi chiến tranh,
tiền lệ phí ấy tới bốn năm đồng bạc.
Các phái viên An Nam đi đấu xảo Marseille, được Chánh phủ chịu tiền
tàu, và đi tàu thời được đi hạng nhì. Trước khi đi, sở Tài chánh ở Hà Nội đã
phát cho mỗi ông phái viên một cái giấy đi tàu, gọi là “tống phiếu” (réquisition),
nghĩa là giấy của Nhà nước tống đòi công ty tàu bể phải chở không, rồi sẽ tính
tiền với Nhà nước sau. Giấy “tống phiếu” ấy, tới Hải Phòng phải đem lại công ty
hàng hải Messageries maritimes
là công ty có tàu Armand Béhic, để đổi lấy vé tàu. Ông Nguyễn Văn Vĩnh,
ông Trần Lưu Vị và tôi cùng lấy vé một phòng thuộc về hạng nhì; quan Tuần Vi
Văn Định thời chịu trả thêm tiền để đi hạng nhất. Theo lệ thường các quan Tuần
phủ, Tổng đốc đều được đi hạng nhất cả; sở hữu ti lần này lại đặt quan Tuần vào
hạng nhì cùng với các phái viên khác, cũng là một sự sơ ý; bởi thế nên ngài
phải trả thêm tiền để đi hạng nhất cho rõ sự sơ ý ấy.
Tối ngày mồng 9, ông Bạch Thái Bưởi, ông Nguyễn Hữu Thu, cùng mấy ông
thân hào ở Hải Phòng đặt tiệc ở nhà Hôtel
de la marine để đãi các phái viên đi Pháp. Tiệc có nhà trò hát, bát âm
kèm, vui vẻ lắm.
Trưa ngày mồng 10 lại dự tiệc ở nhà ông Hàn Hinh, là nghị viên Hải
Phòng.
2 giờ chiều ngày mồng 10, đem hành lý xuống tàu. Phòng hạng nhì của
chúng tôi có 6 giường, hiện đã có ba người đi tự Hương Cảng lại, chiếm mất ba
giường, là hai ông cố và một con nít 10 tuổi. Hai cố là cố Robert, phó quản lý Hội Truyền giáo
Viễn Đông ở Hương Cảng, người danh giá và đạo đức lắm, mới được Chánh phủ Đại
Pháp thưởng Bắc Đẩu bội tinh, và cố Perreaux, trước giảng đạo ở Bình
Định (Trung kỳ), gần đây sang Hương Cảng, nay đổi về Sài Gòn. Đứa con nít là
con một nhà kỹ sư ở Hương Cảng, theo cố Robert,
về Pháp để sang học bên Tỉ-lợi-thì (Belgique). Đi bể xa khơi, gặp được hai bậc
đạo nhân làm bạn, cũng là một sự may.
Kể trong các tàu của công ty Messageries
maritimes thời tàu Armand Béhic này là vào bậc trung bình, không
được lịch sự như các tàu Porthos, André Lebon hay là Paul
Lecat, nhưng cũng không bé nhỏ chật hẹp như nhiều tàu khác. Nói về sức chạy
thời có lẽ vào bậc nhất nhì, tốc độ thường là 13 hải lí (noeuds). Nhưng
phải một cái tật, là chạy xóc lắm: ra tới bể hễ hơi có sóng gió một chút thời
mở cuộc “khiêu vũ” ngay, nào nhẩy, nào múa, nào nghiêng, nào lượn, uốn éo trên
mặt sóng, chẳng hay người đứng ngoài trông có đẹp mắt không, chớ người ở trong
thời thật là khó chịu. Lần này tôi mới biết say sóng là cái gì. Trước đi Sài
Gòn cũng đã từng say sóng mất nửa ngày, nhưng chửa thấm vào đâu với lần này.
Tàu ra chửa khỏi Đồ Sơn đã bắt đầu “múa” rồi: bấy giờ thấy đầu lảo đảo, bụng
xôn xao, rồi oẹ, rồi nhổ, có gì trong bụng nôn ra hết. Từ Hải Phòng tới Sài
Gòn, tàu chạy có ba đêm hai ngày, mà phải mất hai đêm một ngày say sóng, nằm dí
trong phòng, không cất đầu lên nổi, và ba bữa không ăn uống một tí gì. Nhưng
bệnh say sóng này cũng lạ: đương lúc say thời tưởng không có gì khổ bằng; qua
lúc say thấy người tỉnh táo, khoẻ mạnh và ngon miệng muốn ăn ngay; bấy giờ như
quên hẳn, không nhớ gì đến những khó chịu lúc trước nữa.
Say sóng dữ nhất là vào quãng ngang Tourane ,
Quy Nhơn. Gần tới Sài Gòn thời bể yên, tàu vững, người lại bảnh bao như thường.
5 giờ sáng ngày 13, tàu tới Sài Gòn, yết bảng đến 4 giờ sáng ngày 15
chạy về Singapore ,
đỗ ở Sài Gòn 48 giờ.
Thừa được thời giờ dài rộng như thế, bèn bỏ tàu xuống bộ, dạo chơi
thành phố và thăm hỏi bạn bè. Nhưng trước khi đi chơi, anh em rủ nhau vào chào
quan Thống đốc Nam kỳ Dr. Cognacq, ngài chính là quan đại lý trông coi về việc
đấu xảo ở bên Đông Pháp; ngài tiếp tử tế lắm, và chúc cho các phái viên vượt bể
được bình yên, mạnh khoẻ. Nhân quan Toàn quyền Long cũng ở Sài Gòn, các phái
viên muốn xin vào chào ngài, nhưng bữa ấy ngài bận nhiều khách, không thể tiếp
được, có hẹn đến 11 giờ hôm sau là ngày 14 lại. Hôm sau, đúng giờ ấy, các phái
viên vào chào ngài, ngài hỏi han và nói chuyện ân cần lắm, nói rằng ngài sẽ gặp
các phái viên ở bên Pháp, vì cách vài tuần nữa ngài cũng xuống tàu về Pháp.
Trưa ngày 13, anh em cùng nhau về Chợ Lớn, trước là xem phố phường, sau
là thử vào ăn cơm một hiệu cao lâu ở đấy xem cách người Khách ở Nam kỳ tiếp
người An Nam thế nào. Cách đó thật là lãnh đạm vô cùng. Người Khách ở Chợ Lớn
tựa hồ như không cần gì người An Nam cả; mà những hàng trí thức trong Lục tỉnh
ngày nay, đối lại với họ cũng lạnh nhạt như thế. Coi đó thời biết hai giống
người ác cảm nhau đã sâu lắm; cái ác cảm ấy có lẽ cũng là một sự hay cho đường
kinh tế nước ta sau này.
Chiều ngày 13, các ông Bắc kỳ buôn bán ở Sài Gòn đặt tiệc tại nhà ông
Đắc là đại lý của hiệu Đào Huống Mai ở Sài Gòn để đãi các phái viên. Ông Đắc
mới ra Hà Nội vắng, nhưng các bạn Bắc kỳ đến dự tiệc cũng đông, thật là tỏ ra
cái cảm tình người đồng quận.
Tiệc đoạn ở hiệu Đào Huống Mai, thời các bạn Nam kỳ cho xe hơi đến đón
đi xem trò “xiếc” (cirque) của người đồng bào mình mới mở tại Sài Gòn
được vài bữa. Bọn xiếc này đặt tên là “Xiếc Tân Nam Việt” (Cirque du jeune
An Nam), tài tử toàn là người An Nam cả, mà đứng chủ là ông André Thận, năm
trước đã sung phái bộ ra xem Hội chợ ở Hà Nội. Bọn này mới tập có mấy tháng mà
làm trò đã tài lắm, leo dây, múa rối, chẳng kém gì các bọn xiếc của người Mỹ
người Ý đã sang làm trò ở bên ta. Có mấy vai tài tử xuất sắc nhất, tưởng sánh với
người các nước cũng không thua, nhất là vai thầy Hào và vai cô Mão. Đàn bà An
Nam ta mà làm trò xiếc trước nhất: chắc là cô Mão này.
Xong trò xiếc lại diễn thêm một bài tân kịch đề là “Vợ ngoan làm
quan cho chồng” của ông Hồ Văn Lang đặt để giúp cho việc cổ động cuộc công
thải 6 triệu đồng. Bài kịch soạn khéo, người diễn cũng giỏi. Trước tôi vẫn biết
trong Nam kỳ mấy năm nay mới xuất hiện một lối kịch mới gọi là “tuồng cải
lương” thịnh hành lắm, nhưng chưa hiểu cải lương ra thế nào. Nay được xem bài
kịch này mới rõ. Tuồng “cải lương” là một lối kịch đặt theo kiểu mới của Âu
Tây, nhưng vẫn giữ cái phong vị cũ của tuồng ta, là đương khi các vai nói
chuyện như thường, lại pha thêm mấy đoạn hát theo điệu đàn, thành ra vừa là kịch, vừa là ca bản tân, bản cựu, tưởng cũng là một lối tuồng hợp với trình độ
người mình hiện bây giờ. Ngoài Bắc ta có muốn cải lương diễn kịch, có lẽ cũng
phải theo một lối ấy trong ít lâu, rồi mới mong tìm được một cái thể khác thích
đáng hơn. Nếu thế thì đồng bào ta trong Nam Kỳ đã thí nghiệm rồi, ta cứ việc
nhân đấy mà châm chước.
Trưa ngày 14, ông Nguyễn Phú Khai, nguyên quản lý báo Tribune
indigène, hiện làm chủ hiệu buôn nhập cảng Thuận Hòa, mời ăn cơm ở nhà riêng ông đường Pellerin. Ông Nguyễn
cũng có thể cho là một tay lãnh tụ trong “Tân Nam Việt” ta ở Nam Kỳ, người
thông minh, linh lợi, lại có cái tư tưởng cao về quốc gia, về xã hội, cách giao
thiệp ôn hoà nhã nhặn, rõ ra một người có tư cách khác thường. Tân học mà được
như ông cả, ấy mới thật là xứng đáng.
3 giờ chiều, ông Trương Văn Bền là một nhà công nghiệp to ở Chợ Lớn,
năm trước cũng có ra xem Hội chợ ở Hà Nội, đem xe hơi ra đón các phái viên Bắc
Kỳ về xem nhà máy dầu và máy gạo của ông ở Chợ Lớn. Xem qua cái công cuộc ông
gây dựng lên đã to tát như thế, mà chúng tôi thấy hưng khởi trong lòng, mong
mỏi cho đồng bào ta ngày một nhiều người như ông ngõ hầu chiếm được phần to
trong trường kinh tế nước nhà và thoát li được cái ách người Tàu về đường công
nghệ thương nghiệp.
5 giờ chiều cùng mấy ông ngoài ta đi xem vườn Bắc Kỳ nghĩa trang, cách
thành phố Sài Gòn 6-7 cây-lô-mét. Đó là nơi nghĩa địa của người Bắc ở Sài Gòn.
Số người ngoài ta vào lập nghiệp trong ấy ngày một nhiều, mà hướng lai không có
một khu đất nào riêng để chôn những người bất hạnh mất đi. Nay nhờ có mấy ông hữu
tâm xướng xuất lên, mua được một khu đất chừng mười mẫu, kinh doanh làm thành
một vườn nghĩa địa, hiện nay đã có vài ba cái mộ mới chôn. Tình đồng quận,
nghĩa tử sinh, thật là một việc đáng khen lắm.
7 giờ tối thời các bạn Nam Kỳ đặt tiệc tại nhà Saigon Palace Hôtel để đãi phái viên Bắc Kỳ. Dự tiệc bữa ấy,
ngoài mấy anh em chúng tôi, có những vị như sau này: ông Nguyễn Phú Khai, ông
Trương Văn Bền, ông Lương Văn Mỹ (công chính kỹ sư ở Chợ Lớn), quan Đốc phủ Chợ
Lớn Nguyễn Tấn Sử, ông Nguyễn Phan Long, ông Nguyễn Chánh Sắt, ông Lê Hoằng
Mưu, ông Nguyễn Tử Thức, ông Lê Đức, ông Nguyễn Văn Thường, ông Hồ Văn Lang,
ông Tự An (ở báo Tribune indigène), ông Nghiêm. Tiệc thật là vui vẻ lắm,
rõ hiểu cái tình liên lạc kẻ Bắc người Nam . Khi uống champagne, ông
Nguyễn Phú Khai thay mặt các bạn Nam Kỳ chúc phái bộ Bắc Kỳ vượt bể bình yên và
sang bên Đại Pháp quan sát được nhiều điều ích lợi cho đồng bào. Ông Nguyễn Văn
Vĩnh thay mặt các phái viên Bắc Kỳ cám ơn các bạn Nam Kỳ.
Tiệc xong, ông Trương Văn Bền và ông Nguyễn Phú Khai đem xe hơi riêng
đưa các phái viên đi chơi phố phường, về Chợ Lớn, rồi ra Sài Gòn theo đường bờ
sông cho đến nơi gọi là La Phù, một bên thuyền bè đậu, một bên dẫy đèn điện dài
nhấp nhánh như sao sa, trên trời, mặt trăng chiếu rọi, thật là một cảnh ngoạn
mục.
Buổi tối này là một buổi tối cuối cùng của anh em chúng tôi còn để chân
trên đất nước nhà, trước khi dời mình sang những phương xa cõi lạ. Từ Hải Phòng
đến Sài Gòn, tuy lênh đênh trên mặt bể, nhưng vẫn chưa ra khỏi hải phận nước
nhà; từ đây trở đi mới thật là băng miền dị vực. Cho nên trước khi từ biệt các
bạn Nam Kỳ để xuống tàu, ai nấy cũng thấy có chút cảm động trong lòng, cảm động
vì cái tư tưởng cố quốc tha hương.
4 giờ sáng ngày 15, tàu cất neo chạy về Singapore (Tân Gia Ba). Ra khỏi Vũng
Tàu (Cap Saint Jacques), lại gặp sóng to, say sóng mất non một ngày, mãi đến
hôm nay 16, mới tỉnh dậy, ăn được một bữa, thấy người hơi khoan khoái, vào
trong phòng khách, viết mấy dòng này.
II
4 giờ sáng ngày 15 Mars, tàu dời bến Sài Gòn chạy về Singapore (Tân Gia Ba). Tự Sài Gòn
ra đến bể có sáu chục cây-lô-mét tàu đi khúc khuỷu theo con sông Sài Gòn; đến 8
giờ sáng thì vừa tới Cap Saint Jacques (Vũng Tàu), địa thế chỗ này cũng hiểm
trở và cảnh trí cũng ngoạn mục: hai bên núi bao bọc như cái tay ngai, giữa một
cái vũng to, nước nửa xanh, nửa đỏ, nước đỏ là nước sông chảy ra, nước xanh là
nước bể dồn vào; ngoài xa là bể khơi man mác. Trên núi trông xa xa thấy những
nhà lầu trắng xoá ở giữa đám cây xanh um tùm: đó là nhà biệt thự (villas)
của các quý quan mùa nóng ra nghỉ mát, vì nơi Vũng Tàu này chính là một sở nghỉ
hè như Đồ Sơn, Sầm Sơn ở Bắc Kỳ vậy. Trong Nam Kỳ nói đi chơi “Ô Cấp” (Au Cap) cũng là một cách phong lưu
lịch sự như ngoài Bắc nói đi tắm Đồ Sơn vậy.
Ô Cấp không những là một nơi nghỉ chơi, lại là một cái chiến cảng để
giữ cửa Sài Gòn và cả miền hải phận Nam Kỳ, và là nơi sở tại của một quan đại
lý thuộc về tỉnh Bà Rịa. Nên ngoài những nhà mát của các quý quan, lại còn
những toà sở khác nhiều lắm, và thường khi có tàu chiến đậu. Đi ngoài trông
vào, không khác gì một nơi tỉnh thành lớn.
Tự Sài Gòn ra Tân Gia Ba có đi ngang qua quần đảo Côn Lôn (Poulo Condore) nhưng đi tận ngoài xa,
không trông rõ.
Mới ở Vũng Tàu ra, bể hơi có sóng gió, lại say sóng mất quá nửa ngày
nữa, nhưng ra quá bên ngoài thời yên ngay, và cho đến tận Singapore đều được
bình tĩnh như thường.
8 giờ sáng ngày 17 Mars, tàu tới Singapore . Đáng lẽ tới từ 4 giờ
đêm, vì tự Sài Gòn đến Singapore đi có hai ngày tròn, nhưng nghe đâu người Anh
có lệ không cho tàu ngoại quốc xuất nhập đương đêm. Cho nên tàu đến trước cửa Singapore
tự nửa đêm mà còn phải đậu ở ngoài xa, đến sáng rõ mới quay mũi vào bến.
Mặt trời mới mọc, trông vào bến Singapore , không cảnh gì đẹp bằng,
như một bức tranh sơn thủy vậy. Lần này mới được trông thấy một nơi hải cảng là
lần thứ nhất, thật là một cái cảnh tượng to tát. Cửa Hải Phòng, cửa Sài Gòn của
ta kể cũng khá to, nhưng sánh với cửa Singapore này còn kém xa nhiều. Bến
liền nhau với bể, chạy dài đến mấy nghìn thước, tàu đỗ không biết cơ man nào mà
kể, tàu của khắp các nước đi tự Á Đông sang Ấn Độ và Âu Tây đều phải qua đấy.
Cửa Singapore
này là đặt ở trên một cái đảo ở cuối bán đảo Malacca, ngay đầu eo bể Malacca,
địa thế thật là tiện lợi cho đường buôn bán, và cũng tiện lợi cho sự quân bị.
Người Anh ở Á Đông, phía trên giữ được cửa Hồng Kông (Hương Cảng), phía dưới
giữ cửa Singapore, thật là chiếm được hai nơi then chốt ở cõi Á Đông này, địa
thế hiểm yếu không đâu bằng. Mà hai nơi ấy trước kia là hai cái đảo nhỏ cùng
tịch, bỏ hoang không ai đi đến bao giờ; nhất đán vào tay người Anh kinh doanh
trong mấy chục năm, trở nên hai nơi hải cảng và thương phụ nhất nhì trong thế
giới: cái nghị lực của giống người Anh cũng khả kinh vậy.
Bây giờ bao nhiêu tàu bể của các nước đi qua lại bên Á Đông này, tất
phải do qua hai cửa Singapore và Hồng Kông; hai cửa ấy lại theo cái chế độ “tự
do mậu dịch” của nước Anh, đồ hàng hoá các nước đem vào không phải thuế thương
chánh, nên cái phong trào buôn bán thật là có vẻ phồn thịnh hơn các cửa bể khác
nhiều.
Trước khi tàu ghé bến, phải đợi cho quan thầy thuốc Anh xuống khám xem
hành khách có ai mắc bệnh truyền nhiễm không. Đến khi tới nơi, hành khách chưa
được xuống vội, phải đợi cho quan cảnh sát lên khám giấy thông hành. Trong khi
chiến tranh thì ai muốn xuống bến cũng phải trình giấy thông hành cả, nhưng bây
giờ thì chỉ người nào đỗ hẳn ở Singapore mới phải trình giấy mà thôi; còn các
hành khách khác xuống chơi vài ba bốn giờ rồi lại về tàu thời được tự do đi
lại; lệ có khoan hơn trước nhiều.
Trên bến thấy mấy viên quan cảnh sát Anh và lính cảnh sát toàn là người
Mã Lai và người Ấn Độ cả. Còn những phu chở hàng và mang đồ hành lý thì phần
nhiều là người Tàu và người Mã Lai.
Vào đến trong phố thời nghiễm nhiên là một nơi đô hội của người Tàu,
chẳng kém gì thành phố Chợ Lớn. Phố xá đông đúc, san sát những hiệu Khách cả,
có mấy dãy phố toàn những nhà tửu lâu khách sạn, ngày đêm tấp nập những khách
ăn chơi, người đi lại. Đi lại trong phố phường, có xe kéo và xe hơi, xe kéo
người Khách kéo, xe hơi người Khách cầm máy. Đại để, công việc gì cũng là người
Khách làm cả, từ bán cháo rong cho đến làm chủ hiệu, tựa hồ như người Anh mở
mang đất này riêng cho người Tàu đến sinh lý, còn thổ dân là giống Mã Lai thời
bị khu trục ra ngoài cái sinh hoạt giới tuyến vậy. Coi đó cũng đủ biết cái nghị
lực của người Tàu, kể không kém gì người Anh vậy. Người Anh có cái tài sáng tạo
kinh doanh, người Tàu có cái sức thừa hành lao động, người Anh là cái óc sắp
đặt, người Tàu là cái tay làm lụng, hễ đâu có hai giống người ấy tất là nơi
sinh hoạt phồn thịnh.
Ngoài các phố phường buôn bán, đến những nơi nhà ở riêng, làm theo lối
“biệt thự” (villas) của người Anh, nhà xây ở chỗ đất cao, chung quanh
vườn rộng, xe hơi chạy lùng khắp được. Những nhà ấy phần nhiều của người Anh,
nhưng cũng có nhà của các chủ hiệu Khách lớn; ban ngày xuống phố làm việc,
chiều tối về nhà riêng nghỉ.
Xe hơi ở Singapore ,
thật không biết cơ man nào mà kể, nào xe riêng, nào xe thuê, cả ngày chạy như
mắc cửi. Vào đến Sài Gòn, thấy xe hơi chạy đường Catinat đã lấy làm nhiều,
nhưng xe hơi ở Singapore lại còn nhiều hơn nữa, và ở Singapore đường phố nào
cũng như đường Catinat hết thảy.
Ở trên tàu xuống, anh em đi dạo qua mấy phố gần bến, mỗi người đổi mấy
đồng bạc Đông Pháp lấy tiền Singapore
để tiêu dùng cho dễ. Bạc Đông Pháp, nhất là bạc đồng, ở đây chuộng lắm; mỗi
đồng bạc của ta, trừ tiền cáp còn được một đồng năm xu bạc Singapore ; coi đó thời biết rằng
bạc ta có giá trị, vì lệ thường đem tiền mình đi dùng ở xứ khác, chỉ có thiệt,
không có lợi bao giờ.
Đi chơi vừa đến trưa, không trở về tàu ăn cơm, rủ nhau vào một hiệu cao
lâu Khách, gọi là Shanghai Hôtel; cách bày biện tiếp đãi ở trong các cao
lâu khách đây có ý lịch sự hơn các cao lâu ở Chợ Lớn nhiều. Khách trong cao lâu
là người Quảng Đông cả; nhân trong bọn chúng tôi có quan tuần Vi thông tiếng
Quảng Đông, nên nói năng giao thiệp cũng dễ. Người Khách không biết chúng tôi
là người An Nam ,
vì trước khi xuống bến anh em đã nhất luật cải Âu phục cả. Họ hỏi có phải là
khách Thượng Hải mới ở Mỹ về không. Chúng tôi cũng đáp rằng phải, và hiện nay
đi du lịch sang nước Pháp. Coi đó thời biết rằng người Tàu hễ khác tỉnh thời
không nhận biết được nhau nữa, vì ngôn ngữ bất đồng, người Quảng Đông với người
Thượng Hải đối nhau cũng bớ ngớ như người khác nước vậy.
Người Khách ở Singapore chỉ có người Quảng Đông buôn bán to và người
Phúc Kiến, Triều Châu làm các nghề nghiệp nhỏ; còn người Thượng Hải ít lắm; cho
nên trong khi đi dạo chơi các phố Khách, người Khách nào cũng cho bọn chúng tôi
là người Thượng Hải.
Ăn cơm xong, anh em thuê hai cái xe hơi để đi dạo quanh khắp tỉnh thành
một lượt trước khi tàu chạy. Xe hơi chạy thuê ở đây nhiều và rẻ lắm: ở các đầu
phố thường đỗ hàng chục cái, giá thuê giờ thứ nhất là ba đồng, giờ thứ nhì hai
đồng, đi hai giờ thời chạy vòng quanh được thành phố Singapore một lượt, đi tự
dưới bến, qua các phố Khách phố Tây, men các đồi cao su ở sau bến, vào xem vườn
hoa, rồi lại quay về bến, vừa đúng ba giờ, xuống tàu nghỉ chơi một lúc thời tàu
chạy.
Tự Singapore đến Penang tàu chạy phải 36 giờ, chừng sớm mai thì tới nơi. Penang cũng là một cái cửa bể ở về phía tây bán đảo
Malacca. Người ta nói rằng tự Singapore
ra Penang có đường xe lửa liền, đi mất chừng
10, 12 giờ. Hành khách xuống chơi Singapore ,
có lỡ không về tàu kịp thời cứ xe lửa ra Penang ,
rồi đợi tàu ở đấy cũng được. Người làm trong tàu có khuyên chúng tôi nên làm
như thế, cũng là một cách du lịch hay, nhưng nghĩ đến ngồi trong xe lửa 10, 12
giờ ở một xứ xa lạ mình không biết tiếng, tưởng cũng không có thú gì, nên anh
em đúng giờ trở về tàu cả.
III
Chủ nhật, 19 Mars
1922.
8 giờ sáng hôm nay tàu đến Penang , đỗ
6 giờ, đến 2 giờ chiều lại chạy. Tàu không ghé áp tận bến, đứng cách xa ngoài
chừng một nghìn thước, hành khách muốn vào bến phải đi bằng cái “sà lúp” của
công ty, hay là thuê thuyền chở vào. Khách lên xuống ở bến này cũng ít, phần
nhiều là người Chà Và (Ấn Độ).
Đến Penang có một nơi thắng
cảnh tuyệt thú, khách du lịch ai cũng phải đến xem. Đến xem một nơi ấy cũng
đáng công tự trên tàu xuống bộ. Nơi ấy là chùa “Cực lạc” của người Tàu đặt ở
trên một ngọn núi, cảnh trí đã đẹp, đứng trên núi cao trông xuống dưới biển,
kiến trúc lại công phu và có một cái vẻ cực kỳ tráng lệ. Tự dưới đi lên, xẻ
thành đợt đá, như cái thang rộng, càng bước lên càng thấy những lầu những các,
những đình những tạ, chồng chất lên nhau, trông thật là nguy nga. Ngoài những
nhà thờ Phật, thờ Tổ, thờ các vong linh, lại có những nhà khách, nhà mát, chỗ
thưởng ngoạn phong cảnh, cùng những núi giả, vườn hoa, cầu bắc ngang, suối nước
chảy. Chỗ nào có mảnh đá lớn lại có những chữ đề vịnh của các văn nhân du khách
đã qua đấy. Có mảnh đá đề bốn chữ lớn 勿 忘 故 國 Vật vong cố quốc[6], thật là tỏ được cái chí của người Hoa
kiều đã xây dựng ra cõi chùa này. Người Khách dời bỏ nước nhà mà đến lập
nghiệp ở đây, may làm nên giàu có, không có quên tổ quốc, muốn gây nên một nơi
cảnh trí phảng phất có cái phong vị nước nhà để làm chỗ du ngoạn cho di dưỡng
tính tình. Vào đến cảnh chùa này không thể không cảm phục nghị lực khác thường
của người Tàu, đi đến đâu cũng gây nên sự nghiệp cơ đồ lớn, nghiễm nhiên làm
chủ nhân ông trong đất nước người ta, mà giữa cái cảnh phong lưu phú quý ấy
không hề bao giờ quên cố quốc, đến đâu cũng cố giữ lấy cái phong vị cũ của nước
nhà.
Ở Penang còn có một cái đền Ấn Độ của
người Chà thờ thần Siva, Vishne. Trong đền cũng không có cái gì lạ, chỉ thấy
trên trần treo lủng liểng những đèn cốc bằng thủy tinh nhuộm xanh nhuộm đỏ, và
ở giữa thì có một cái buồng kín, đóng dóng sắt như một cái chuồng, trong có cái
tượng thần bằng vàng.
Đến Penang, mấy anh em cũng cùng nhau thuê một cái ô tô đi chơi khắp
mọi nơi như ở Singapore .
Giá ô tô ở đây cũng giống như ở Singapore và tiền tiêu cũng một thứ như
Singapore (Straits Settlements money), có điều lạ là ô tô ở đây đều chạy
về tay trái cả, không chạy tay phải như bên ta, mới trông cũng lạ mắt.
Vừa đi quanh đảo Penang được một lượt
thời vừa đến giờ tàu chạy, vội vàng thuê một cái thuyền của người Chà để chở tự
bến ra tàu. Ra đến nơi tàu vừa cất thang, đúng 2 giờ chạy về Colombo .
Quãng đường tự Penang đến Colombo
dài lắm, phải bốn ngày ròng rã mới tới nơi. Bốn ngày đêm nằm trong tàu, bồng
bềnh giữa bể Ấn Độ Dương, chung quanh không trông thấy mảnh đất nào, thật cũng
chồn thay! Ấy là không biết bể có yên lặng cho hay không, hay lại sóng gió mà
say sóng nữa thời khổ quá!
Trên tàu, thứ tư, 22 Mars.
Bể không sóng gió, nước vẫn phẳng lặng, thế mà tàu lúc lắc, đầu đảo
điên, thế mới lạ. Ở bể Ấn Độ Dương này, tuy trên mặt không có sóng, mà ở dưới
có những “sóng đáy” (lames de fond), tự dưới đáy bể lên, sức lại càng
mạnh lắm, làm cho cái tàu khi thì chồng chềnh bên này sang bên kia, khi thì
nhảy chồm đàng sau ra đàng trước, chỉ lung lay có một phía thì còn chịu được,
nếu vừa chồng chềnh hai bên lại vừa nhảy chồm hai đầu thì người mạnh đến đâu
cũng phải say sóng. Nhà thuyền viên có tiếng riêng để chỉ những khi sóng dữ như
thế: gọi là casserole, nghĩa là tàu nghiêng lộn như cái chảo đương đun
nấu ở trên lò. Từ bữa nọ tới nay, tuy chưa hôm nào phải “làm chảo” như thế, nhưng
mà bể có sóng đáy cũng khó chịu lắm; phải nằm luôn trên ghế dài, hễ ngồi dậy
thời đầu lảo đảo ngay, thành ra mấy hôm nay không cầm bút viết được một dòng
nào cả.
Cứ như thế mà nằm bốn ngày luôn ở trên tàu, lại từ Colombo đến
Djibouti, nghe đâu còn phải 8 ngày nữa, chà chà! Nghĩ mà dài ghê! Mấy ngày đầu
ở trên tàu còn thấy vui rồi sau chán quá!
Ngày nào cũng ăn rồi lại nằm, nằm rồi lại ăn, bể lặng còn có thể đi
bách bộ quanh tàu được, bể sóng thời đành nằm dí trên ghế, nói chuyện mãi rồi
cũng đến hết chuyện, đọc sách thời nhiều khi váng đầu không đọc được, cứ thế
luôn trong một tháng trời, phỏng có chán không?...
IV
Giữa bể, khỏi
Colombo, ngày 24 Mars.
Tàu tự Penang đi 2 giờ chiều ngày 19, đến 12 giờ trưa ngày 23 tới
Colombo, chạy vừa đúng bốn ngày. Bốn ngày ròng rã ở trên tàu, nghe đã thấy
chồn, nên tới nơi vội vã lên bộ ngay. Từ đây mới bắt đầu được thưởng cái nóng
của mặt trời nhiệt đái. Thật là nóng như rang, nắng như lửa, cho nên người xứ
này đen hơn củ súng.
Tàu đến đây cũng như đến Penang , không
vào áp bến, nghe đâu vì nước không đủ sâu, nên đứng ngoài xa, hành khách muốn
xuống bộ phải đi sà lúp hay đi đò vào. Bến Colombo này, ở về phía tây nam đảo
Ceylan (Tích Lan), cũng là một nơi hải cảng và một chốn thương phụ to, ở giữa
khoảng con đường giao thông Đông Á với Tây Âu, các tàu lớn đi lại tất phải qua
đó. Lúc tàu mới đến, đứng ngoài biển trông vào, cũng có một cái cảnh tượng vĩ
đại, vì cái đê lớn nó bao bọc bên ngoài bến như một con trường xà nằm quanh
trên làn sóng biếc. Nguyên cửa Colombo ở vào trung độ con đường hàng hải Ấn Độ
Dương, vị trí thật là tốt, nhưng địa thế không phải là một nơi hiểm yếu, đủ làm
một chốn hải cảng kín đáo cho tàu bè đậu được. Phàm hải cảng phải ở vào giữa
một cái vũng bể sâu, chung quanh kín cả, chỉ có một cái cửa cho tàu đi lại.
Thành Colombo này ở ngay trên bờ biển, sóng rạt đến tận chân bến, những khi
sóng gió không đủ làm chỗ ẩn nấp cho các tàu bè. Bởi thế nên người Anh mới xây
một cái đê dài bằng đá, chạy thẳng ra bể, bao lấy hai mặt, làm thành ở giữa như
một cái vũng bể nhân tạo cho tàu bè đậu được. Đó thật là một cái công trình to
lớn, mắt trông cũng đủ biết. Tàu đến thì vào đậu ở trong đường đê, đã có sẵn
những cọc bằng đá và bằng sắt để bỏ neo, rồi sà-lúp và đò ra đón hành khách vào
bến. Hôm ấy, đậu ở trước cửa Colombo có một chiếc chiến hạm Anh cũng khá to, và
nhiều các tàu biển khác nữa, hết thảy đều kéo cờ xí nhiều lắm, xanh đỏ trắng
vàng, phấp pha phấp phới, coi rất ngoạn mục. Tàu chúng tôi vào đến trước bến
cũng kéo cờ như các tàu khác. Hỏi ra mới biết thành Colombo vừa làm lễ nghênh
tiếp Hoàng Thái tử nước Anh hiện đương đi kinh lược Ấn Độ. Vào đến thành phố
còn thấy những cửa khải hoàn, những rạp điểm binh, hãy còn mới mẻ cả, vì Thái
tử mới dời Colombo được mấy bữa, hiện ở Kandy, cách đây non một trăm cây-lô-mét.
Thành phố Colombo lớn hơn Penang, hơn Singapore nhiều, và có một điều
khác lạ khác hai nơi đó là suốt trong phố phường không có một hiệu Khách nào,
bao nhiêu nghề nghiệp buôn bán ở tay người bản xứ là người Chà hết thảy. Khách
du lịch đã qua Singapore và Penang, an trí rằng đâu có đất cắm dùi, tất có
người Khách ở, đến đây không thấy một chú Chiệc nào, không khỏi lấy làm lạ, và
tự hỏi vì cớ sao. Vì cớ rằng trong thế giới chỉ có hai giống người có cái sức
sinh hoạt mạnh ngang nhau, là giống Chi Na non bốn trăm triệu và giống Ấn Độ
ngoại ba trăm triệu người. Hai giống người ấy không đủ sinh hoạt ở đất nước
mình, thường phải di cư ra ngoài, làm các nghề nghiệp, bất cứ sang hèn, nghề gì
kiếm ăn được thời thôi, dù kéo xe cũng được; cho nên những xứ nào người thổ dân
lười biếng hay nhu nhược, không đủ giữ được lợi quyền, tất thấy người Chà và
người Chiệc đến lập nghiệp nhiều lắm. Ở Singapore
và Penang thời hai giống ấy chia nhau mà ăn
hại người thổ dân là người Mã Lai. Nhưng ở đây là xứ sở của người Chà thì không
còn dư địa đâu cho người Chiệc ở nữa. Bởi thế nên trong suốt thành phố Colombo không có một hiệu
Khách nào; nghe đâu chỉ có một vài tiệm hút thuốc phiện là của người Khách mà
thôi.
Người Chà ở Colombo lại nhũng hơn là ở Penang và Singapore, hễ thấy
khách lạ mặt thời sán đến tận nơi, kèm ngay bên cạnh, bám lấy không dời, đuổi
không đi nữa; đứa thì mời đổi bạc, đứa thì chào đi xe, đứa thì gạ gẫm đi chơi,
đứa thì nằn nì hút thuốc. Có mấy đứa cứ theo hoài để mời vào tiệm, dùng thuốc
phiện, nói rằng chánh phủ Anh có lệnh cấm thuốc phiện, nhưng tiệm hắn đã có
giấy phép riêng, xin mời cứ vào, không có ngại gì, vừa ngon, vừa rẻ! Nói vừa
tiếng Anh, vừa tiếng Chà, lại pha mấy tiếng Pháp, dáng bộ gật gù, coi thật khả
ố. Giống người Chà này thật là một giống đáng ghét. Người đen như củ súng, mặt
thì nhăn nhăn nhở nhở, anh nào cũng như bộ gạ gẫm muốn “xoáy” tiền của khách
lạ. Không biết làm sao người Anh lại dung túng những thói nhũng nhiễu như thế,
vì những thói ấy đủ làm cho khách chán không muốn xuống bộ.
Tệ nhất là bọn Chà chở đò. Tàu
không đỗ áp bến, và công ty chỉ có một chiếc sà-lúp để chở khách tự tàu vào bến
và từ bến ra tàu nhiều khi chờ đợi lâu lắm phải dùng đò. Bọn Chà chở đò chở đến
nửa chừng đòi thêm tiền, không thời cứ nhùng nhằng đứng đấy, khách sợ nhỡ tàu
nhiều khi đòi bao nhiêu cũng phải cho.
Tiền tiêu ở đây là tiền roupies,
có quan tiền Pháp hay bạc giấy Đông Pháp phải đổi ra roupies mới tiêu
được. Đổi như thế thì thiệt lắm, bọn Chà đổi bạc ăn tiền cáp nhiều quá. Theo
thời giá mỗi đồng roupies là ba quan, nhưng mười quan chỉ đổi được ba roupies
mà thôi, mất hẳn một quan tiền cáp.
Chưa lên đến bến đã thấy một
lũ Chà làm công của mấy hiệu ô tô đưa giấy mời lên xe đi chơi phố. Chúng
tôi thuê một cái xe 6 chỗ ngồi của hiệu Colombo tourist office đi dạo
quanh phố phường trong 3 giờ đồng hồ, lại vào nghỉ mát uống nước trà ở nhà
khách sạn lớn trên núi Livinia, ở ngay trên bờ biển; cách Colombo bẩy
cây-lô-mét; cả thảy mỗi người 6 roupies, 6 người 36 roupies (hơn
20 đồng bạc ta).
Ở Colombo , không có cái gì lạ, chỉ nhiều
người, nhiều phố, nhưng cảnh trí không đẹp bằng Penang .
Duy có một dải bờ biển, sóng dạt mãi đến tận bên cạnh đường, chiều đến diễu xe
đi chơi mát tưởng cũng thú.
Nhân Hoàng tử Anh sang chơi, thành Colombo có mở đấu xảo các kỹ nghệ của người
bản xứ, đặt thành như hội chợ ở bên ta, mỗi người vào xem phải mất một roupie,
xem qua một lượt không thấy nghề gì là xuất sắc lắm, tưởng cũng không hơn gì
các kỹ nghệ của ta.
Chúng tôi lại vào xem một cái chùa thờ Phật. Đạo Phật vốn phát nguyên
từ Ấn Độ, tức là đất Thiên Trúc đời xưa, vậy mà ngày nay trong suốt cõi Ấn Độ,
không còn đâu thờ Phật nữa, duy có ở đảo Ceylan (Tích Lan) này mà thôi. Trong
chùa có một cái tượng Phật nhập Nát bàn to chật cả một gian chùa, chung quanh
treo những tranh vẽ về sự tích Phật. Vào xem phải rút giầy bỏ mũ ở ngoài, và
mỗi người cầm một cái hoa để dâng trước Phật đài. Cửa Phật là chỗ thanh tịnh từ
bi, thế mà cũng có một lũ Chà ngồi đấy để chực kiếm tiền của khách du lịch.
Khách vào đến nơi, đứa nọ dắt đi bên này, đứa kia lôi đi bên nọ, chỉ trỏ huyên
thiên, nói năng líu lường, đến lúc ra là nhất loạt ngửa tay xin tiền, cho một roupie
không nghe, cho hai roupies cũng chưa bằng lòng. Giống buôn thánh bán
thần, thật ở đâu cũng có!
Tối đến các cửa hàng trong thành phố, thắp đèn điện sáng trưng, đứng
ngoài bến trông vào, coi rất ngoạn mục.
Đến 12 giờ đêm ngày 23, tàu cất neo chạy về Djibouti , chừng một tuần lễ
nữa mới tới.
Giữa bể, ngày 27
Mars.
Quãng đường này là quãng đường dài nhất. Tàu đi tự Colombo
đã hơn ba ngày, còn chừng bốn ngày nữa mới tới Djibouti ,
càng chạy tàu càng lúc lắc, tàu càng lúc lắc đầu càng lao đao. Không say sóng
lắm như mấy bữa đầu nhưng đầu nặng như đá, không thể ngồi mà viết lách hay đọc
sách được. Viết mấy dòng này cũng phải nằm mà viết bằng bút chì. Cả ngày chỉ
nằm dài, thật là buồn quá. Mong sao cho chóng tới nơi!
V
Giữa bể, ngày 28
Mars.
Muốn biết ngày giờ dài là dường nào, phải đi tàu bể trong một tháng;
ngồi trong tàu, chỉ trên trời, dưới nước, đằng đẵng hằng ngày không trông thấy
bờ, mỗi ngày coi dài bằng một tuần. Lại thêm tàu lúc lắc, người lừ đừ, làm gì
không được, đọc sách cũng chán, mới lại càng buồn nữa. Cứ ngày ấy sang ngày
khác, ngày nào cũng như ngày nào, ăn rồi lại nằm, nằm rồi lại ăn, người nhẫn
nại đến thế nào rồi cũng phải chán.
Chỉ thỉnh thoảng trông thấy lũ cá bay, – gọi là cá bay, nhưng kỳ thực
không phải là cá bay, chính là những cá bể thường bị sóng đánh bắn lên như ta
đánh thia lia, – hay là gặp chiếc tàu khác đi ngang, là còn chuyện vui một
chút. Lại chiều chiều đến, lúc mặt trời lặn, lên trên boong mà chực xem “lục
quang tuyến” (les rayons verts), cũng thấy trong tàu rộn rịp được một
lát, nhưng ai cũng chực xem lục quang tuyến, mà hồ dễ đã ai trông thấy lục
quang tuyến. Người ta thường truyền rằng, giữa lúc mặt trời lặn xuống ở giữa
bể, hễ trên trời không mây mù gì, thì trông thấy trong loáng một giây đồng hồ ở
ngay chỗ mặt trời sụt xuống, một thứ ánh sáng riêng sắc xanh lục, gọi là “lục
quang tuyến”, và thứ quang tuyến này chỉ thấy ở trong bể Ấn Độ Dương mà thôi.
Song ít thấy lắm, vì không mấy khi là trời thực quang đãng, không có chút mây
mù nào. Cho nên ai đã được trông thấy một lần, thời cho là một sự may mắn không
gì bằng, và tin rằng có ảnh hưởng đến sự hạnh phúc của mình. Ấy là người ta
tương truyền như thế, nhưng xét ra có lẽ cũng là một sự mơ tưởng hay một sự
quáng mắt mà thôi, vì ai cũng nói lục quang tuyến, mà hỏi ra chưa ai trông thấy
lục quang tuyến bao giờ. Ngày nào, cứ đến khoảng 6 giờ chiều mặt trời lặn, cả
tàu ra ngóng trông mà tịch không có ai trông thấy, khi trời tạnh cũng như khi
trời ám.
Ngày hôm qua thứ hai 27 Mars, trong tàu có mở một cuộc đàn ca, trước là
mua vui trong quãng đường dài, sau là giúp cho những việc làm phúc cho các con
bồ côi lính thủy. Cuộc này do mấy ông hành khách hạng nhất khởi xướng ra, mời
quan chánh coi tàu là ông Carré làm chủ toạ. Buổi chiều mở một cuộc rút số lấy
đồ (tombola), tối thời các ông Tây bà đầm kẻ đờn người hát, rồi sau nhảy
đầm vui vẻ lắm. Hay nhất là lúc hai bà đầm hát bài Quốc ca Đại Pháp (La
Marseillaise), một ông Tây đánh đờn nhịp, cử toạ đều đứng dậy hạ mũ nghe,
đến những đoạn hay lại đồng thanh hát nhịp theo, thật là cảm động, tưởng như
cái hồn oanh liệt của Đại Pháp truyền khắp cả những người đứng đấy, dù là người
quý quốc hay người nước ngoài, ai nghe cũng thấy như hưng khởi, phấn chấn tinh
thần lên. Ôi! Mạnh thay là cái lòng ái quốc!
29 Mars.
Hôm qua, hôm nay, được hai ngày tốt quá: bể bình tĩnh, tàu yên lặng,
lại có gió hiu hiu mát, không ngờ gần đến Hồng Hải là nơi có tiếng nóng xưa nay
mà lại được cái khí hậu êm ái như thế này.
Bèn mở tập nhật ký để biên. Nhưng ngồi trong tàu giữa khoảng trời nước
mênh mông như thế này, còn có chuyện gì mà biên chép. Lại từ đầu đến giờ biên
được tờ nào gửi về báo cả rồi, không biết còn có chuyện gì quên chưa chép
không. Mà những tờ gửi về ấy, cũng không hay có tới nơi cả không, vì những khi
đỗ tàu ở Singapore, Penang, Colombo, phải gửi vào nhà dây thép Anh để đợi có
chiếc tàu nào chạy Đông Pháp mới chuyển giao, chắc không khỏi thất lạc.
Nhớ kỹ lại, nghe đâu trong mấy tờ trước quên chưa nói đến các ông phái
viên Nam Kỳ cũng đi sang Đấu xảo một chuyến tàu này và xuống tàu từ Sài Gòn
ngày 14 Mars. Số phái viên Nam Kỳ đi đấu xảo Marseille nhiều lắm, nghe đâu tới ngót ba mươi ông, phần nhiều
là những tay điền chủ giàu có, tự xuất gia si để đi chơi. Nhưng chuyến này đi
cùng với chúng tôi chỉ có bốn ông, là: ông Lương Khắc Ninh, thưởng thụ ngũ đẳng
Bắc Đẩu bội tinh, có chân Hội đồng cố vấn Nam Kỳ (Conseil privé de
Cochinchine), ông vốn làm chủ mấy rạp hát ở Sài Gòn, có đem theo một bọn hát
bội ba đào ba kép; ông Trương Minh Giảng, tri huyện tòng sự ở Phủ Thống đốc Nam
Kỳ; ông Võ Văn Chiêu, điền chủ, hiện làm cai tổng, tổng Hoà Đồng Hạ, tỉnh Gò
Công; ông Võ Văn Cang, điền chủ, nguyên làm xã trưởng làng Tân Niên Tây, tỉnh
Gò Công, người còn thanh niên, trước đã học qua một năm ở trường Cao đẳng Pháp
chánh Hà Nội; ông tự xuất gia si đem bà vợ và một đứa con gái đi theo, một nhà
cùng du lịch, tưởng cũng là một cái khoái sự, ngoài Bắc ta chưa từng thấy bao
giờ.
Bốn ông toàn là những người danh giá trong Lục châu, những khi lui tới
chuyện trò, cũng có nhiều điều thú.
VI
31 Mars.
Hôm qua là 30 Mars, – giữa mồng 3 tháng 3 ta, – 2 giờ rưỡi chiều, tàu
đến Djibouti .
Ngồi tàu đã hơn một tuần lễ, ai cũng thấy mỏi mệt. Lại từ Sài Gòn đến mấy cửa
bể đậu (Singapore , Penang, Colombo ), toàn là cửa bể
của người Anh cả, nay mới đến một cửa của Đại Pháp nên ai cũng có cái hứng muốn
xuống bộ.
Tàu không đỗ áp bến, đứng tận ngoài xa, có những thuyền của người thổ
dân ra đón khách vào bến.
Cửa Djibouti là một
nơi hải cảng của Đại Pháp mới đặt được ba mươi năm nay ở ngay cửa bể Hồng Hải
(Mer Rouge), đối với cửa Aden
của người Anh. Cả một miền hải tần này là nơi cùng tịch, toàn thị là sa mạc
hết, mà khí hậu nóng như lửa đốt, cả năm không có được mười ngày mưa. Trông xa
chỉ cực mục một vùng cát trắng, không có một cái cây, không có một ngọn cỏ.
Thật là một nơi thiên cùng thủy tận. Thổ dân lại là một giống dã man hung hãn,
không có một chút văn hoá gì. Thế mà quý quốc trong khoảng hơn hai mươi năm gây
dựng thành một nơi đô hội cũng khá to, thế thì đủ biết người Đại Pháp có cái
công khai thác, có cái tài kinh doanh mạnh bạo là dường nào. Đem Djibouti mà sánh với Colombo ,
với Penang, với Singapore ,
thì không bằng thật. Nhưng phải biết rằng ba cửa bể của người Anh đó thành lập
đã lâu, lại ở vào những nơi đất tốt, người đông, của nhiều, cho nên dễ phát đạt
lên to. Cứ xem như cái cảnh tượng một đảo Penang ,
khác nào như một cái rừng rậm xanh um toàn những cau cùng dừa cả. Nhà cửa của
người ta như ủ ê dưới bóng mát cây xanh, mặt trời có chói lọi, khí nóng có nồng
nàn, mà bóng cây gió bể làm cho sự sinh hoạt vẫn có vẻ êm đềm mát mẻ. Đến như Djibouti
này thì thật là một cõi đất cháy. Người ta nói rằng cách hai mươi năm nay, bấy
giờ Djibouti đã có đường phố nhà cửa rồi, trong suốt thành phố không có một cây
nào, chỉ trong dinh quan Thống đốc có trồng một cây chà là bằng sắt tây sơn
xanh để hình tượng loài thực vật mà thôi!
Thế mà bây giờ không những trong dinh quan Thống đốc có một cái vườn
cũng khá xinh, mà trong đường phố nhiều nơi đã trồng cây hai bên, có chỗ trồng
rặt một giống trúc đào, hoa tươi đỏ ói. Coi đó thời đủ biết cái công phu gây
dựng khó nhọc là dường nào.
Bây giờ ở Djibouti các dinh thự công sở đã dựng lên san sát, nhà buôn
cũng có dăm ba nhà lớn, còn những tiệm buôn nhỏ phần nhiều của người Chà (Indiens),
người Do Thái (Juifs), người Hy Lạp (Grecs), người Ả-rập (Arabes).
Người bản xứ là giống Somalis thì toàn làm những nghề đê tiện như đánh xe gánh
đểu. Có người nói rằng giống này là giống hèn lắm, chỉ ăn trộm, ăn cắp, làm
biếng, nói dối, không thể nào khai hoá cho được; đành là một giống bỏ đi, như
giống da đỏ ở Bắc Mỹ, giống thổ dân ở Úc châu vậy. Nhận kỹ đứa nào cũng gầy
còm, không được mấy đứa mập mạp, và trông những con trẻ mười đứa thì đến tám
đứa sâu quảng ở hai ống chân. Thế mà lại hung hãn nữa, hay làm giặc ăn cướp;
người ta nói mấy năm về trước phải đặt lính đi tuần luôn ở chung quanh Djibouti ,
người thường mà ra ngoài địa phận mấy ngàn thước có khi bị giặc cướp bóc lột.
Không biết ngày nay đã khỏi những sự nhũng nhiễu ấy chưa.
Ở Djibouti
này có một hạng con trẻ lặn tài lắm. Hễ tàu đến bến thì nó lặn từ trong bến ra,
lượn chung quanh tàu, xin hành khách cho tiền, rồi lặn xuống cho xem. Đứng trên
tàu ném đồng xu hay đồng hào xuống, nó liền lặn xuống đón lấy được đồng xu đồng
hào lên, mười lần không trượt lần nào, vì đồng tiền xuống không bao giờ mau
bằng nó lặn. Lại có đứa lặn qua gầm tàu, tự bên này sang bên kia; lại có đứa
nhẩy tự trên nóc tàu xuống; nhanh nhẹn dung dị lạ lùng, tưởng như một loài ếch
loài cá chi, chứ không phải là giống người nữa.
Tàu đến bến, người thổ dân thường đem đồ lên bán, như ốc tù và, và lông
đà điểu (autruche). Mua bán ở đấy có thứ tiền riêng của bản xứ, nhưng
dùng tiền Phật lăng của Đại Pháp cũng được.
Trong thành phố, không có gì lạ mà xem, đi dạo qua độ một giờ đồng hồ
thì hết. Đi trong phố bằng một thứ xe ngựa, có mui, giá mỗi người mỗi giờ từ
một đến hai Phật lăng, tùy số người nhiều ít.
Lạ nhất là mấy phố của người bản xứ và người Ả-rập ở, nhà làm đều không
có mái, chỉ có gác sân ở trên, vì xứ này không có mưa mấy khi. Mấy hôm trước
khi tàu đến, nghe như có mưa một chút, vì đường phố còn nơi có dấu bùn, và khí
hậu xem chừng có mát hơn những ngày thường.
Có một chỗ nên xem nữa, là nơi “Chợ củi” (Marché de bois). Một
xứ không có cây cối như thế này, củi chắc là một vật quý lắm. Người bản xứ phải
dùng lạc đà (chameaux) đi kiếm củi những nơi xa đem về họp chợ bán. Củi
cũng không thành thân củi, toàn là những cành cây khô, tưởng đánh cái lửa thời
cháy vèo hết.
Ở Djibouti
này còn một trò để hiến các khách hiếu kỳ: là trò đàn bà múa bụng, theo nhịp
thanh la ưỡn bụng mà quay tít. Nhưng bọn đàn bà này toàn là những con gái điếm
cả, khách hiếu kỳ cũng phải nên cẩn thận.
Tàu đỗ ở Djibouti có 8 giờ, từ 3 giờ chiều đến 11 giờ đêm, nửa đêm ngày
30 thời đã cất neo chạy.
Qua eo bể Bab-el-Mandeb, thời vào Hồng Hải. Người ta thường nói vào đến
đây thời nóng lắm, nhưng tôi thấy cũng không nóng hơn gì ở ngoài Ấn Độ Dương,
có lẽ mùa này đương mùa mát chăng?
Qua Hồng Hải phải mất bốn ngày, một ngày thứ năm qua sông Suez , rồi mới tới
Port Said.
VII
2 Avril.
Ở Djibouti
vào là bể Hồng Hải (Mer Rouge).
Cứ nghe người ta nói thì vào đến Hồng Hải trời nóng như luộc, không thể nào
chịu được. Nhưng lần này vào không những là mát, mà lại có ý lạnh, có lẽ là vì
có gió bắc nên thế.
Tại làm sao bể này gọi là Hồng Hải? Nước cũng xanh biếc như các bể
khác, mà khí hậu thì không lấy gì làm nóng hơn ở ngoài. Duy ở hai bên bờ có
những núi đá trơ trọi, mặt trời ánh vào như có sắc đỏ, có lẽ bởi thế nên bể gọi
là Hồng Hải chăng. Nhưng bể tuy trông trong địa đồ hẹp, mà thực có quãng rộng
tới hơn 300 cây-lô-mét, tàu đi ở giữa không mấy khi trông thấy bờ.
Trong Hồng Hải, ngay tự Djibouti
đi, có một giống vịt trời, lội nước được, bay theo tàu từng đàn, ai ném miếng
bánh miếng thịt thời sà xuống nước để ăn.
Lạ nhất trong quãng bể này là đêm đến thường thấy những đom đóm bể (phosphorescences),
tàu đi giữa sóng rạt ra hai bên, sáng quắc như hai làn điện, trông đẹp lắm.
Người ta nói rằng trong nước bể có vô số những con vật rất nhỏ có lân chất (phosphore)
bị sóng đánh sát vào nhau bật lên lửa, bởi thế thành ra đom đóm bể; không biết
có phải không, nhưng giữa đêm tối trông thấy ánh sáng như thế cũng đẹp.
Qua Hồng Hải mất hơn ba ngày, trời bể bình tĩnh, không có sóng gió gì
cả, duy càng đi càng thấy có khí lạnh.
Bắt đầu đi tự Djibouti 12 giờ đêm ngày 30 Mars, đến sớm ngày 3 Avril
thì vào vụng Suez (golfe de Suez), chợt thấy trời gió to, sóng nổi lên
cuồn cuộn đánh tạt cả vào trong phòng tàu, mà gió thì lạnh ngắt, như gió đông
vậy. Ai nấy phải mở hòm mở rương, lấy áo dạ áo nỉ ra mặc. Sóng gió như thế,
tưởng tàu chồng chềnh khó chịu lắm thì phải, nhưng lạ thay không thấy gì cả,
người ta nói có lẽ tại sóng gió tự đàng mũi lại, nên không việc gì, đi bể chỉ
sợ nhất là sóng hai bên dồn lại và sóng đàng sau đẩy đi.
5 giờ chiều ngày 3 Avril, tàu đến Suez .
5 Avril.
Đến Suez ,
tàu đậu ở ngoài xa, không vào áp bến. Vả cũng không đậu lâu, nên hành khách
không ai lên bến. Nhưng đứng trên tàu trông xuống cũng biết Suez
là một thành phố khá lớn, song phần nhiều các nhà lầu là những ty sở của công
ty sông Suez
cả.
Khi tàu đến trước Suez
thì có một cái sà-lúp trong bến ra cắm cờ Hồng thập tự: đó là các quan viên
thầy thuốc lên tàu khám xem có người nào mắc bệnh truyền nhiễm không. Nghe nói
đó là phái viên của một hội đồng vệ sinh vạn quốc đặt ra ở Suez để phòng bị cho các bệnh nguy hiểm khỏi
truyền nhiễm sang Âu châu, vì đây tức là nơi cửa ngõ của châu Âu vậy.
Tàu đỗ có 3 giờ đồng hồ, tự 5 giờ đến 8 giờ tối thì chạy. Từ đây trở đi
là vào địa phận sông Suez .
Trước khi chạy phải buộc trước mũi tàu một cái đèn chiếu điện (projecteur
électrique) mạnh lắm để soi đường ban đêm. Tàu đi trong sông phải đi rất
chậm, vì lòng sông hẹp (chừng 50 thước tây), tuy số tàu đi lại rất nhiều mà chỉ
đi được cái một, khi nào hai cái gặp nhau thì một cái phải đứng lại áp vào bờ
cho cái kia chạy. Thường thường có những chỗ đào vũng vào trong đất gọi là
“ga”, để cho tàu lớn tránh nhau.
Tiếc rằng tàu đi qua sông Suez
giữa đêm, nên không được xem phong cảnh hai bên bờ, như làng Ismalia, như mấy
cái hồ nước mặn, v.v…
Nhưng sáng hôm sau cũng còn được xem ít nhiều cảnh tượng sông Suez , vì mãi đến 10 giờ
tàu mới tới Port-Said. Bờ sông về bên Á châu (Arabie) thì thấy những đất cát
cây cằn, đủ biết là cõi sa mạc; bờ về bên Phi châu (Egypte), nhờ có những ngòi
nước ngọt, nên có chỗ nhiều cây cối xanh tươi. Chạy ngang với bờ sông, áp ngay
bên sông, có một con đường xe lửa tự Suez đến Port-Said, thỉnh thoảng lại có
một cái nhà ga, đến nhiều chỗ phong cảnh vui mắt, người ngồi trong tàu tưởng
tượng như ngồi một cái “ghe” chạy trong cái kênh nào ở Nam kỳ vậy.
10 giờ sáng ngày 4 Avril đến Port-Said.
Port-Said thật là một nơi tụ họp đủ các giống người phần nhiều là người
Italiens và người Grecs. Nhưng ở đây tiếng nói thông dụng nhất là tiếng Pháp,
không phải tiếng Anh, mà nói tiếng Pháp ai cũng hiểu, dễ giao thông lắm. Nhật
báo của người Ai Cập cũng bốn năm tờ làm bằng chữ Pháp, coi đó thì biết chữ
Pháp ở Ai Cập thịnh hành là dường nào.
Bọn con buôn ở đấy thời cũng nhiều và hay lừa người chẳng kém gì ở Colombo . Mới ở tàu lên,
đã có bọn “đưa đường” (guides) đến hiến công, đi bộ một giờ đồng hồ đòi
năm sáu quan.
Tiền tiêu ở đây cũng gọi là piastres như đồng bạc ta, nhưng giá
chỉ bằng nửa quan tiền Tây (0f.50). Tôi đi vào một cửa hàng hỏi mua cái
cravate, người bán hàng nói giá: mười đồng (10 piastres), tôi lấy làm
kinh ngạc, sau hỏi ra mới biết rằng giá là năm quan (5 francs). Ở đây
tiền nước nào tiêu cũng được, vì đầu phố nào cũng có người đổi bạc, nhưng người
lạ đổi nhiều khi họ bắt cáp nặng lắm.
Port-Said chia ra làm hai phần: một phần phố Tây, một phần phố Ả-rập.
Phố Tây thời nhiều nhà cao đường rộng, người các nước Âu châu mở những cửa hàng
lớn để buôn bán, gần bờ bể lại có nhiều những nhà mát để ra hóng gió bể. Phố
Ả-rập thời chật hẹp hơn, toàn những người Ả-rập ở. Nhà Ả-rập lạ lắm: mái toàn
bằng gác sân, và tường thời hình như có khung gỗ cả. Người đàn bà Ả-rập, cách
ăn mặc hình như cũng kỳ lắm: chùm một tấm vải đen kín cả đầu, cả mặt, cả người,
chỉ có hai con mắt và mũi thì che bằng một cái ống đồng, trông không biết rằng
già hay trẻ, xấu hay đẹp. Nghe nói theo tục Ả-rập, phàm nhà sang trọng đều phải
ăn mặc như thế, chỉ trừ đàn bà con gái hạ lưu mới phải để hở mặt để đi làm ăn.
Người ta thường nói đến Port-Said mua sắm đồ gì cũng rẻ, vì đồ hàng vào
không có thuế thương chánh. Nhưng tôi hỏi nhiều thứ thấy cũng đắt chẳng kém gì
các nơi khác; có lẽ thấy khách lạ nhà hàng nói thách chăng.
Ở đây có một thứ mứt làm bằng các thứ quả, gọi là lucum, tương
truyền là ngon lắm. Người bản xứ thấy tàu ngoại quốc đến, khách du lịch qua,
đem đến bán từng hộp, vừa bán vừa rao: Rahatlucum! Rahatlucum!! (Rahat
là tên hiệu), nói mau như tiếng Tây đen, nghe buồn cười lắm. Ăn thử chỉ thấy
ngọt lự, và chất nó giống như kẹo hồng ta.
Lại có một thứ cà phê, gọi là “cà phê turc”, là cà phê pha để
uống cả cặn.
Dạo qua phố phường mấy giờ, đến chiều thì về tàu, 6 giờ tàu chạy về Địa
Trung Hải.
Ở đầu đê, ngoài cửa bến có cái tượng ông Ferdinand de Lesseps đứng chỉ
tay vào sông Suez ,
như chỉ đường cho các tàu ở Âu châu đi lại.
Nghe hành khách trong tàu nói chuyện đã biết tiếng Địa Trung Hải là dữ,
sóng tuy nhỏ không bằng ở ngoài đại dương, mà hay sốc sáo, làm cho tàu bè điên
đảo. Nay vào đến Địa Trung Hải lấy làm lo lắng vô cùng. Hẵng biết được một ngày
hôm nay vô sự, không biết tự mai trở đi thế nào.
6 Avril.
Say sóng dữ, nằm cả ngày.
7 Avril.
Cả buổi sáng vẫn còn say sóng.
Đến quá trưa thấy bớt sóng, là vì tàu đã đi đến gần đất, trông đàng xa
thấy hai bên có bờ cả.
3 giờ chiều thời qua eo bể Messine, một bên là đất Italie, một bên là
đảo Sicile, hai bên làng xóm phố xá đông đúc, trông thật đẹp mắt, chiếu ống
nhòm xem không khác một bức hoạ. Đất toàn là đất núi mà người ở không có sót
một chỗ nào, đâu đâu cũng có nhà cửa; nhìn mắt không tựa hồ như những vết vôi
trắng vẩy trên sườn núi, mà chiếu ống nhòm thấy toàn là nhà người ở cả. Coi đó
thời đủ biết những xứ này dân cư phồn thịnh là dường nào. Tàu đi khí xa bờ quá,
nên trông không rõ; nhưng người ta nói rằng những khi đi áp bờ và đi vào ban
đêm, thời không cảnh tượng gì vui bằng. Trên bờ đèn thắp như sao sa, có khi
nghe thấy tiếng đàn hát, tiếng người nói ồn ào.
5 giờ chiều đi ngang núi lửa Stromboli ,
nhưng đi xa, phải chiếu ống nhòm mới trông rõ, núi hình chữ kim, trên miệng
ngày đêm phun tro, khói, lửa, trông xa còn thấy ngùn ngụt lưng chừng trời, thật
là một cái lò bất tuyệt. Đêm đến, lửa phun lên, đi xa còn trông thấy sáng, như
một cái cột đèn bể (phare) ở tận tịt mù vậy.
8 Avril.
Tàu ra xa đất lại trông thấy sóng.
Hôm nay đi qua eo bể Bonifacio cách đảo Corse với đảo Sardaigne.
Sáng sớm mai thời đến Marseille, ai nấy tấp nập sửa soạn hành lý để mai
lên sớm.
Mai là 9 Avril; tàu đi tự Hải Phòng ngày 10 Mars, thế là vừa tròn một
tháng.
Tuy trong một tháng trời lênh đênh giữa bể, cũng nhiều khi nhọc nhằn vì
sóng gió, nhưng nay đã tới nơi bình yên vô sự, thật cũng đáng mừng. Mà đáng
mừng thật, vì mùa này chính là mùa đi bể tốt đó; người ta nói đi vào tháng bảy
tháng tám, nhiều khi gặp bão bể còn khổ hơn nhiều, không những hành khách,
thuyền viên đã quen bể cũng say sóng, mà sóng dữ đến nỗi người ta nằm trên
giường bị đánh lăn xuống phản tàu!
Nay đã qua khỏi cái nạn say sóng, nghĩ đến chuyện say sóng mà nực cười;
lại sực nhớ đến đoạn sách của ông Jules
Renard mình đã đọc qua.
Ông nói rằng:
“Tôi đã từng đi chơi nhiều thứ tàu bể khác nhau, chủ ý nghiên cứu bệnh
say sóng.
“Đi chơi lúc chưa ăn uống gì thời lần thứ nhất tôi nôn mửa, lần thứ nhì
không, nhưng lần thứ ba lại nôn.
“Năm lần ăn cơm rồi, lại uống rượu sâm banh, cho khoẻ quân, thời ba lần
nôn mất hết, còn được hai lần không.
“Đi đàng mũi tàu nôn, đi đàng lái không thấy nôn, nhưng đứng ở giữa lại
nôn, ấy là lưng đã thắt cái thắt lưng bằng nỉ, có lẽ vì thắt chặt quá chăng?
Lại có lúc, thân thể khinh khiêu, tinh thần hoạt bát, đi chơi bách bộ, mắt nhìn
trời bể, theo như lời dặn, cố ý tư tưởng những sự tốt lành mạnh bạo cho nó
khuây khoả phấn chấn, những lúc ấy thời có khi không thấy gì cả, mà có khi nôn
mửa hết”[7]…
Ấy đó. Đố ai biết bệnh say sóng là cái gì?
Tôi đi bể một tháng trời, say sóng đến mười bận, thật không hiểu được
say sóng là cái gì. Cho nên không lấy gì làm tức mình bằng thấy những ông may
không bị say sóng trông thấy người ta say, làm ra mặt vững vàng bạo dạn, cứ nói
hoài: “Phải phấn chấn lên!… Phải đi bách bộ!… Phải ra mũi tàu!… Phải ra lái
tàu!… Phải ăn đồ ngọt!… Phải uống sâm banh!… Phải thắt lưng chặt!… Phải thở cho
mạnh!… Phải ăn cho nhiều! v.v…”.
Ai đi bể không say sóng là người ấy may; ai bị say, cũng là sự không
may; chỉ có thế thôi, còn những bộ bạo dạn, những lời nói “hươu” là khoác lác
cả!
IV[8]
Marseille,
Chủ nhật, mồng 9 tháng 4 Tây.
Chín giờ sáng hôm nay, tàu đến bến Joliette ,
thành Marseille.
Thế là từ nay đã bước chân tới đất
Pháp rồi. Bấy lâu ao ước được mục kích cái cảnh tượng văn mình của quý quốc,
nay thật là lòng sở ước đã được thành. Nhưng cái cảnh tượng ấy lớn lao phiền
phức vô cùng, ví như bức tranh trăm nghìn thước, không thể nhìn một lượt mà thu
quát được hết; phải tế nhận từng phần, suy xét cho kỹ, thời thưởng giám mới
được hết, phẩm bình mới khỏi sai. Đương khi du lịch, thường không đủ thì giờ,
chưa đủ tài liệu mà quan niệm phán đoán cho đích đáng được. Sau khi về nhà,
bình tâm tĩnh trí, hồi tưởng những việc đã qua, mới thu quát được hết các
phương diện, lý hội được hết cái ý nghĩa.
Tập thuật ký này chẳng qua là ghi chép
những việc hằng ngày, một cách bình thường giản dị, để nhớ lấy về sau, chưa
phải là sách tổng thuật về cuộc Âu du của tôi vậy. Cho nên không có nghị luận,
không có văn chương gì cả, xin các bạn đọc báo coi như là một quyển sổ tay gặp
việc gì biên việc nấy, không phải là một tập du ký có đầu đuôi mạch lạc vậy. Tập du ký ấy, xin sau này sẽ soạn để cống hiến các
ngài[9].
Tàu gần đến bến, đứng trên tàu trông
xuống thành phố thấy chồng chất những nhà cửa một sắc xám xì, mới coi khác hẳn
cái cảnh tượng các thành phố bên ta. Là vì nhà lầu bên này xây toàn bằng đá cả,
trông xa không có cái mầu sáng sủa như các nhà gạch quét vôi trắng của ta.
Nhưng càng đến gần trông rõ mới càng biết to lớn là dường nào. Nhìn kỹ thấy
trong bến và các nơi đường phố lớn có những vật gì như con sâu dâu bò từ từ ở
giữa đường: hỏi ra mới biết là những đường xe điện chạy vậy. Nghe đâu thành
Marseille nay là một nơi đô thị có nhiều đường xe điện nhất ở Pháp, cả thảy đến
ngót một trăm đường chạy khắp các phố phường và ra cả các nơi phụ cận chung
quanh cho tới một vòng 20, 25 cây lô mét.
Tàu Armand Béhic kỳ này tới đỗ ở bến Joliette là bến gần thành phố hơn nhất.
Nguyên cái cảng Marseille thời to lớn lắm, ngoài có một dải trường đê ngữ sóng,
trong chia ra từng khu, mỗi khu là một cái bến cho tàu đậu: có bến Joliette, bến Lazarel, bến Arenc, bến Gare
Maritime, bến National, bến Pinède, bến Madrague. Những tàu của công ty
Messageries Maritimes thời thường đậu
ở hai bến Joliette và Pinède Còn nơi gọi là
Bến Cũ (Vieux Port) thời chỉ để cho các thuyền nhỏ đậu, tàu lớn không vào bến
được.
Tàu
ghé đến áp bờ Joliette vừa đúng chín giờ sáng.
Trên tàu vừa bỏ thang xuống thời thấy
vô số những người làm công của các sở vận tải đến xin lĩnh các đồ hành lý của
hành khách để đem về trọ. Nguyên tôi đã đọc trong các sách “chỉ nam” (guides) về thành Marseille biết tên
công ty Duchemin là một sở vận tải to
và chắc chắn, tôi bèn nhằm trong đám những người làm công ấy có người ở cánh
tay đeo dấu hiệu của công ty Duchemin,
giao cho cả các đồ hành lý để lo liệu các việc khám xét trong sở Thương chánh
và đem về tận nhà trọ. Khi ở trên tàu vẫn lo đến Marseille không có trọ mà ở,
vì thường nghe người ta nói rằng nhân hội Đấu xảo các khách sạn ở Marseille có
lẽ chật khách hết, nếu không đánh điện giữ buồng sẵn thì có khi đến không có
buồng mà ở. Nhưng tàu đến bến có quan công sứ E. trong sở Đấu xảo phái ra tiếp
các phái viên mới đến, hỏi thăm ngài mới biết rằng các nhà khách sạn còn dư
phòng nhiều. Nhân có người mách nhà Hôtel Saint Louis, bèn bảo người làm công sở vận tải đem đồ hành lý về đấy. Còn mình
với các anh em cùng lên xe điện đi về trước. Ở trên xe điện mới bắt đầu giao
tiếp với người dân Marrseille, xét ra tính khí tự nhiên và vui vẻ lắm.
Nhà khách sạn Saint Louis này ở ngay vào giữa thành phố, một nơi đông người và vui vẻ lắm.
Kể cũng vào bậc khách sạn trung bình, nhưng buồng ở sạch sẽ và nhà lại có tiếng
là cẩn thận. Lại được một điều tiện nữa, là ngay bên cạnh có đặt hàng cơm. Ông
chủ nhà này nguyên trước có làm việc với lục bộ ở Nam Kỳ, về hưu đã lâu năm,
nên đã quen biết người Việt Nam
ta lắm và trong cách tiếp đãi cũng có ý ân cần.
May cả bọn phái viên giữ được mấy cái
phòng liền nhau ở về từng gác thứ nhì, lại ngảnh mặt ra đường phố, tiện mà xem
xét cái cảnh tượng phố phường.
Ăn cơm trưa, nghỉ ngơi ít lâu, rồi đi
dạo chơi các đường phố.
Nguyên vẫn biết tiếng ở Marseille có
con đường Cannebière là đường phố đông đúc và đẹp đẽ nhất, như đường Catinat ở
Sài Gòn, phố Paul Bert ở Hà Nội. Vậy bắt đầu đi chơi phố, ra đường Cannebière
trước. Đường này tuy không dài lắm, nhưng quả là một nơi vui vẻ sầm uất nhất
trong thành phố, người dân Marseille vẫn thường lấy làm tự cao, cho khắp trong
thiên hạ, không có đâu bằng. Đã có câu khôi hài nói rằng: “To đẹp như Paris , cũng chửa bằng
Marseille. Ví Paris có một đường phố Cannebière thời Paris cũng mới bằng một Marseille nhỏ” (Si Paris
avait une Canebière, ce serait un petit Marseille).
Xét
lịch sử thời con đường Cannebière đã
có từ khi mới có thành Marseille. Chính tên ấy là do tiếng la tinh Can-nabis, đọc ra tiếng “Provencal” (là tiếng thổ âm ở đất Provence , vùng
Marseille) là cannebe, nghĩa là dây
thừng bằng đay, tức là phố làm thừng chão bằng đay ngày xưa, cổ lai vẫn là một
xóm có tiếng ở Marseille. Vì cửa bể Marseille này không phải là một cái bến tân
tạo. Vốn phát tích từ 600 năm trước Gia tô giáng sinh, do người dân đất Phocée
bên Hy Lạp (Grèce) sang di cư ở đấy, lập thành cái xóm ở bờ biển, đặt tên là Marseille (tức là Marseille ngày nay).
Từ đấy biến thiên duyên cách cũng đã nhiều, nhưng mỗi ngày một mở mang to lớn
ra, kịp đến ngày nước Pháp chiếm lĩnh được đất Algérie mà khuếch trương thế lực
trên Bắc bộ Phi châu, cùng người Pháp đào thông được eo đất Suez cho tiện đường
giao thông Tây Âu với Đông Á, thời cửa Marseille nghiễm nhiên thành nơi thương
cảng thứ nhất của nước Pháp. Ngày nay đứng vào bậc thứ chín trong các hải cảng
lớn trong thế giới, số hàng hóa xuất nhập mỗi năm hơn 8 triệu tấn, số tàu bè
của các nước đi lại trong năm 1920 là 14.459 chiếc (trong số, ngoài tàu Pháp,
có tàu Anh, Nhật, Ý, Tây Ban Nha, Na Uy, Hòa Lan). Nước Pháp giao thông Đông
phương, vừa Cận Đông vừa Viễn Đông, đều là do một cửa Marseille này, cho nên
sách Tây đã có câu nói: “Marseille là cửa của Đông phương” (Marseille
est la porte de l’Orient). Coi đó thời
biết cửa bể này là một nơi quan yếu trong cuộc sinh hoạt của nước Pháp vậy.
Đường Cannebière đi thẳng xuống là nơi “Bến Cũ” (le
Vieux Port). Nguyên bến Marseille ngày xưa cho đến năm 1844 chỉ mới có một
chỗ này và tàu bè đều đến đậu cả ở đấy. Diện tích được ngót 27 hectares, đường bến dài là 3547 thước và
nước sâu trung bình là 6 thước. Xưa thế đã là to lắm rồi, nhưng ngày nay số tàu
đi lại nhiều, sức tàu trọng tải nặng, vào đây nông chật quá không thể dung
được; bởi thế mới lập ra các bến mới như trên kia đã nói. Bây giờ trong bến cũ
chỉ có những thuyền cá, thuyền chơi, những “ca nô” chạy bằng máy tự động (canots-automobiles) để dẫn khách du lãm
các bến trong bến ngoài cùng mấy hòn cù lao có thắng tích ở chung quanh đấy như
(như Chateau d’If, v.v…).
Cảnh
tượng nơi “Bến Cũ” này thật không gì vui mắt bằng. Trong bến thời lố nhố những
cột buồm như một cái rừng cây trụi lá. Ngoài xa cái “Cầu sang ngang” (le pont transbordeur) bắc tự bến này
sang bến kia, đứng trong phố trông ra như một cái cửa võng treo bằng những sợi
dây thép nhỏ trên hai cái cột sắt cao ngất trời, hay là như một mảnh mạng nhện
to lớn dị kỳ chăng ở giữa khoảng không vậy. Cầu này cũng là một cái kỳ công
trong nghề kiến trúc bằng sắt gang đời nay. Trên bến thời nhà cửa san sát, nhất
là hàng cơm hàng rượu, xe điện chạy như mắc cửi, kẻ đi người lại tấp nập như
ngày hội, đủ các giống người, đủ các thứ tiếng, từ bác phu tàu, chú “bắt tê”
chửi nhau như ăn gỏi, cho đến ông phú thương tất tả, chị hàng cá đong đưa,
khách du lịch ngẩn ngơ, gái giang hồ nhắm nháy, thật là cái cảnh tượng “tứ
chiếng quần cư”, có cái vẻ bác tạp, nhưng trông cũng vui mắt như một bức tranh
sặc sỡ vậy.
Các đường phố ngoắt ngoéo ở chung
quanh “Bến Cũ” coi cũng vui lắm. Nghe đâu đấy chính là cái phần cổ nhất trong
thành phố Marseille, nhưng bây giờ có tiếng là chỗ chơi bời hỗn tạp lắm, bao
nhiêu những trai côn gái điếm thường hay tụ họp ở đây, tối đến không nên vào.
Nhân trời đã sẩm tối, định đến bữa khác ban ngày sẽ dạo xem, và trở gót về quán
ăn cơm.
Thứ
hai, mồng 10.
Sáng dậy sớm dạo chơi các phố phường.
Bữa qua mới tự đường Cannebière xuống Bến Cũ. Nay định đi ngược lên các
đường lớn ở chung quanh. Trọ ở nhà khách sạn Saint Louis này thật là tiện cho sự đi lại lắm, vì nơi này chính là nơi trung
tâm trong thành phố, bao nhiêu đường phố lớn cũng bắt đầu từ đây, bao nhiêu
đường xe điện đều có đỗ tại đây.
Khách du lịch đến đây, muốn đi xem
chơi cho khắp và khỏi lạc đường, tất phải mua một quyển “chỉ nam” (guide) về thành Marseille, có địa đồ và
mục lục các đường phố, số hiệu các xe điện, v.v… Sách này ở các quán bán nhật
báo ngay các đầu phố đều có bán cả, giá không mấy mà tiện lợi cho sự du lịch
nhiều lắm. Cứ xét trong một thành phố Marseille có tới non một nghìn bảy trăm
các đường phố lớn nhỏ, thời đủ biết nếu không có địa đồ chỉ dẫn, tất đến sai
lạc mê lý.
Trong các thành phố Tây, đường phố chia ra nhiều hạng, khách du lịch
cần phải biết phân biệt: đường phố thường thời gọi là rue; đường phố lớn gọi là boulevard;
đường thông cù rộng rãi và hai bên thường có trồng cây, gọi là allée; chỗ mấy đường đấu lại, lưu một
khoảng không rộng rãi, đặt thành công trường, gọi là place; chỗ công trường mà hình tròn gọi là rond point, tức là viên trường; chỗ công trường mà ở giữa có đặt
cái vườn nhỏ, hoặc có dựng đình tạ, gọi là square,
tức là tiểu công viên. Ở Marseille lại còn có một thứ đường phố riêng gọi
là cours, là những đường rộng thường
có cây mà không có thông thẳng với một đường lớn khác, hoặc là hai đầu đâm
ngang vào một đường khác, hoặc là chạy dọc vào một đường hẹp nhỏ kém.
Tự đường Cannebière đi thẳng lên là đường Noailles, đường này nhiều nhà buôn lớn, khách
sạn to và cửa hàng lịch sự; đi thẳng lên nữa có một con đường bộ du đẹp lắm,
gọi là Allées de Meilhan, đường rộng
đến mấy chục thước, giữa đặt một cái lối đi to có cây cao bóng rợp cho khách bộ
hành đi chơi, ngày chủ nhật thường có hàng hoa đến bán và ngày nào buổi sớm
buổi chiều cũng có xe chóng trẻ con đến chơi đông lắm. Đi hết đường thời đến
ngã rẽ, mấy đường phố đổ lại: đấy có cái tượng kỷ niệm những nghĩa sĩ thành
Marseille bị chết trận năm 1870; góc bên tay hữu, có một tòa nhà thờ nguy nga,
tức là nhà thờ Saint Vincent de Paul, dựng
từ năm 1849 đến năm 1899 mới xong, theo kiểu gothique về thế kỷ thứ XIII, trên có hai cái tháp nhọn đầu, cao 75
thước, dưới có hầm để chôn người chết.
Đi tha thẩn một đường Meilhan này cũng
mất đến một giờ đồng hồ. Bèn quay trở lại để về trọ cùng anh em đi vào trường
Đấu xảo tiếp mặt các quan chức coi về việc Đấu xảo, vì bữa qua mới đến là ngày
chủ nhật chưa được gặp các ngài.
Tự Cours Saint Louis là nơi nhà trọ đến trường Đấu xảo chỉ
đi một đường thẳng, nhưng dài tới bốn, năm cây lô mét. May đường xe điện đi Đấu
xảo lại đỗ ngay trước cửa khách sạn. Lên xe điện tự đấy, phải đi hết một dọc
đường Rome, đến nơi gọi là trường
Castellane, giữa có dựng cái cột đá
cao 30 thước, trên có cái tượng đàn bà hình thành Marseille, dưới chân làm
thành bể nước có tượng đá phun nước, đục chạm khéo lắm, do tay nhà điêu khắc
Allar chạm cho ông Cantini trong năm 1910-1911, rồi tự ông tặng thành phố
Marseille để đặt ở giữa nơi công trường đó. Tự đấy trở đi là đường thông cù
Prado, đường này rộng rãi khang trang
nhất thành Marseille, xe ngựa chạy giữa, hai bên có hai con đường trồng cây um
tùm cho khách bộ hành đi, lại hai dẫy phố nữa, thành ra cả thảy năm con đường
chạy song song, và bốn dẫy cây thẳng một mực; chạy xe ở giữa, trông cực mục một
đường thẳng băng trong hai đám xanh rì, thật là ngoạn mục.
Đến ngã rẽ, nơi gọi là viên trường
Prado (le Rond - Point), về bên tay
tả tức là trường Đấu xảo.
Xét ra trường Đấu xảo năm nay cũng
cùng một chỗ như năm 1906, nhưng chu vi rộng hơn năm trước nhiều. Năm 1906 diện
tích có 23 hectares, năm nay tới hơn
36 hectares.
Trường
Đấu xảo định đến ngày 16 tháng 4, - nghĩa là sáu bữa nữa, - làm lễ khánh thành
và mở cửa cho thiên hạ vào xem, thế mà bữa nay coi còn lổng chổng lắm; vôi,
gạch, gỗ, gióng, còn ngổn ngang cả các đường lối. Về phần các thuộc địa khác
thời đã tiềm tiệm xong, mà về phần Indochine ta thời còn bề bộn lắm. Chỉ mới có
những nhà sở lớn là làm xong, còn các nhà nhỏ như trong “phố Hà Nội”, còn đương
vôi gạch bề bề cả, và chưa đâu bày biện chỉnh đốn hết. Hiện nay phu thợ đương
làm riết, nhưng chửa chắc đến ngày khánh thành đã được thập phần chỉnh bị.
Khi tiếp chuyện các viên chức coi về
việc Đấu xảo rồi, bèn dạo qua một lượt trong trường Đấu xảo; kể thời chưa cái
gì đáng xem cả, nhưng đi một lượt cho biết qua cái vị trí các nhà sở của các
thuộc địa, cùng cái qui mô trong trường Đấu xảo thế nào.
Mặt trước đi vào, có vườn rộng cây cao
bóng mát, lại có nhiều thứ cây các xứ nóng. Nguyên nơi Prado này vốn là một nơi công viên, nên cây cối nhiều lắm. Cứ thẳng
con đường chính ở giữa đi vào, bên hữu là sở của bộ Thuộc địa (Palais du Ministère des Colonies),
trong đó bày những thư tịch đồ họa của các tơ tào trong bộ thuộc địa cùng những
tài liệu đủ hồi thuật các đoạn lịch sử của nước Pháp đi chinh phục cùng chiếm
lĩnh thuộc địa ở các nơi.
Gần đấy, cách có cái vườn hoa nhỏ và
cái nhà kèn, đến hai sở Algérie và Tunisie,
dựng theo kiểu các miếu điện của hai xứ ấy, có tháp cao, có mái tròn, có
cửa cuốn.
Ở đấy ra, đi thẳng vào thời đến một
cái không trường lớn để những khi mở hội, trưng đèn, rước sách. Sau sân thời
sừng sực một tòa nhà lớn, tức là nơi “Sở lớn” (le Grand palais), để đấu xảo những công nghệ của Đại Pháp có quan
hệ với các thuộc địa.
Bên hữu cái quảng trường ấy là sở của
một thuộc địa Afrique Occidentale Francaise (Thuộc Pháp Tây Phi châu), một tòa
nhà lực lưỡng như một cái thành đắp bằng đất đỏ, theo kiểu các thành quách cùng
các miếu đường của những dân tộc ở phía Tây Phi châu. Nghe nói trong trường Đấu
xảo, thứ nhất đẹp là ở sở của Indochine, mà
thứ nhì chính là sở của thuộc địa Phi châu này.
Bên trong sở Afrique Occidentale
Francaise thời có sở Afrique
Équatoriale Francaise (thuộc Pháp Trung Phi châu), có ý nhỏ hẹp kém.
Đi trở ra, rẽ về bên tay phải, tức là
sở của Indochine ta. Suốt trong
trường Đấu xảo có sở này là lớn nhất, ai cũng công nhận như thế. Người An Nam
ta sang bên này gặp người quý quốc, thường được khen rằng xứ ta giàu có thật đã
chiếm bậc nhất trong cuộc Đấu xảo. Lời khen ấy, tưởng cũng là đích đáng lắm, vì
bao nhiêu những nhà sở nguy nga, kiến trúc to tát như thế kia, kinh phí đều là
do bên ta phải chịu cả. Sổ chi thu Indochina gánh vác về việc Đấu xảo này, kể có mấy
triệu, trong số đó lãng phí ra ngoài tưởng cũng không ít. Vậy mà Nam Bắc có vài
chục người phái viên Chính phủ sai sang để “đấu xảo”, ngoài suất tàu đi về, sở
Đấu xảo không cho được một đồng xu phụ cấp trong khi ăn ở bên này, sự tiết kiệm
ấy tưởng cũng là quá đáng vậy.
Khu Indochina có một sở chính, làm theo kiểu đền Đế Thiên Đế Thích (Angkor ) của Cao Miên, qui mô thật cũng hoằng vĩ. Nghĩ
dựng một tòa này, phí bao nhiêu công phu, tổn bao nhiêu tiền bạc, mà trong cốt
gỗ ngoài đắp vôi, xong sáu tháng Đấu xảo lại phá đi. Thật cũng tiếc quá; thế là
bạc muôn bạc triệu thành ra mây gió cả, mà sự lợi ích về đường quảng cáo ắt hẳn
có phụ cho không? – Ngoài sở chính ấy là lớn nhất, còn các sở phụ, như một tòa
đình An Nam, bên ngoài lại phóng dựng một cái “Chùa Một Cột” nhỏ, người Tây lấy
làm xinh và nhã lắm; lại đặt hẳn một dẫy phố gọi là “phố Hà Nội” (la rue de Hanoi), để cho các nhà buôn
bán công nghệ ta bày các đồ hàng bán, ý nghĩ cũng khéo. Song những các sở nhỏ
này, đến nay cũng còn lổng chổng cả, chưa đâu xong hẳn. Không biết đến ngày
khánh thành có xong cả được không.
Người An Nam ta sang bên này về việc
Đấu xảo kể có hàng mấy trăm con người, nào là thợ các nghề, nào là các ông chủ,
nhà buôn, nhà nghề, v.v… Người nào phong lưu ăn ở ngoài thời không kể, còn
những thợ thuyền cùng người làm công làm việc phải ăn ở trong Đấu xảo, ai cũng
phàn nàn rằng ăn kham khổ, ở chật hẹp quá. Mà thật, vào xem cái dẫy nhà gỗ của
sở Đấu xảo dựng tạm cho người mình ở, thật không lấy gì làm vui mắt cả. Còn
cách ăn uống thời bất nhẫn nói. Hoặc có người bảo rằng đó là tạm thời mà thôi,
vì các viên chức coi việc Đấu xảo còn đương bận việc khác, chưa thể trông nom
đến được. Cũng mong là tạm thời, chớ nếu cứ như thế thì cực khổ thật. Thế mà
bọn phái viên mình, khi sắp sửa đi, những rắp định rằng sang bên này nếu ăn ở
đắt đỏ lắm thời sẽ vào ở trong Đấu xảo cho đỡ tốn: cách ở như thế này thì ở đến
một giờ tôi cũng xin kiếu…
Xem xong khu Indochine, rẽ sang bên tả, đi lượt qua các khu
của Madagascar, Maroc, sở máy (palais des machines), sở các mỹ thuật xứ Provence (tức là vùng Marseille), v.v… Mỗi sở
đều có vẻ đẹp khả quan, nhưng quả không đâu to lớn đẹp đẽ bằng sở Indochine. Nhiều tiền làm chi mà chẳng được: chỉ
khó là phải dùng tiền cho chánh đáng mà thôi…
V
Marseille, Thứ
ba, 11 tháng tư.
Tối hôm qua, nghe diễn thuyết ở Hội Nhân quyền. Có ông giáo K. ở Paris xuống, diễn về Hội
Nhân quyền đối với việc chiến tranh và việc nghị hòa. Ông này nói mới hay chứ!
Lời lẽ lưu loát, nghe như rót vào tai. Hai tay cắp sau lưng, cứ đi ngang đi dọc
trên sân khấu mà vừa đi vừa nói trong hơn hai giờ đồng hồ, không vấp một chữ
nào, không ngừng một lúc nào. Tôi chưa từng được nghe người Tây nào diễn giỏi
bằng ông giáo này. Mà không phải là những lời hư văn đầu miệng đâu, những câu
sẵn thuộc lòng đâu, toàn là những lời nghị luận, biện bác, công kích, chứng
giải, đón trước rào sau, dự sẵn những câu người ta có thể bẻ mình được mà phản
đối trước. Giỏi thật, giỏi quá! Mà giỏi nhất là dùng chữ không có miễn cưỡng.
Thường những anh nói lém thì cứ nói tràn đi, người ngoài nghe tựa hồ như lưu
loát lắm, nhưng tế nhận ra thời lời nói loạn xạ, chữ dùng bậy bạ, râu ông nọ
cắm cằm bà kia, và trước sau không có quán xuyến gì cả. Đó là những tay hùng
biện giả. Nhưng nghe ông này nói, tôi đã có ý nhận kỹ, chữ nào dùng cũng nghĩa
chữ ấy, lời với ý xứng nhau như in, tưởng giá dùng cách tốc ký mà biên lấy thời
những lời ứng khẩu ấy không khác gì lời văn viết vậy.
Nghe người ta diễn thuyết mà hồi tưởng đến người mình, không những nghề
diễn thuyết chưa biết, mà đến nói câu chuyện cho có đầu đuôi manh mối, cũng ít
người nói được. Chưa từng thấy ai nói cái gì chỗ đông người mà nói luôn được
trong mươi phút, không vấp váp. Khi hội đồng thời chẳng khác gì như họp việc
làng, tranh nhau mà nói, ồn ào lộn xộn, mà ít ai nói được câu gì có nghĩa lý,
chỉ bẻ hành bẻ tỏi nhau những cái vặt vặt chẳng đâu đâu. Khi yến tiệc thời
đương câu chuyện vui, gặp có tiếng gì buồn cười, nhất là tiếng nói bẩn, thời
ông nào to miệng cả tiếng thở ra một cái cười hà hà, thế là cử tọa đều cười ầm
cả lên đến vỡ đổ nhà; thế là câu chuyện tan. Chỗ công môn thời ông quan nói,
muốn ra oai mặt sắt, chỉ nói nhát gừng, cách một vài câu lại điểm những tiếng: Nghe
chưa?... nghe chưa?; thằng
dân thưa thời gãi tai gãi đầu, chỉ nghe thấy những Bẩm, bẩm, dạ, dạ, nói
không ra lời. Mấy cậu thiếu niên thời Toa, toa, moa, moa, ngậu sị cả
đường phố, nhưng nghe câu chuyện, không những vô vị mà thường bất thành ngôn
nữa… Gia chi dĩ thời buổi nhố nhăng, ngữ ngôn bác tạp, anh bồi, chú bếp, con
bạc, làng chơi, ả giang hồ, cậu công tử, Tây không ra Tây, Tàu không ra Tàu, ta
không ra ta, có nhiều cái “xã hội” không biết họ nói thứ tiếng gì. Thử tìm khắp
trong nước, được mấy người là biết nói năng lịch sự? Thật ít quá… Thôi, về khoa
ngôn ngữ thì người mình kém thật. Vẫn biết rằng “xảo ngôn lệnh sắc”[10]
không phải là một sự hay, và nói nhiều làm ít, lại là dở lắm. Nhưng Trời đã cho
cái lưỡi, những khi nên nói cũng phải nói cho ra lời; huống đời này lại là đời
nhiều khi cần phải thiệt chiến. Dẫu lý phải mà nói không vỡ lẽ thời phải cũng
ra trái, thẳng cũng hóa cong. Người mình cần phải tập nói lắm.
Hôm nay gặp cụ Phan Tây Hồ[11],
là một nhà chí sĩ nước ta, nay biệt xứ bên quí quốc. Hồi cụ khởi nghiệp, tôi
còn nhỏ tuổi, nên chỉ biết tiếng mà không được biết người. Nay sang đến đây mới
được gặp cụ, trong lòng ngổn ngang nhiều nỗi, không sao nói xiết. Cùng nhau đàm
luận trong mấy giờ. Việc cụ làm chánh đáng hay không chánh đáng, tôi đây không
muốn phẩm bình, nhưng xét cái thân thế cụ, dẫu ai có chút lương tâm cũng phải
ngậm ngùi. Ừ, làm người ai chẳng muốn vợ đẹp, con nhiều, cửa cao, nhà rộng, bạc
đầy tủ, thóc đầy kho; thế mà có người không muốn như thế, thời con người ấy,
dẫu hay dở thế nào, tưởng làm kẻ quốc dân cũng không nên a dua nhẹ miệng mà gia
tiếng thị phi vậy…
Thứ tư 12.
Ở Marseill có cảnh đẹp nhất là nhà thờ “Đức bà Bảo hộ” (Notre Dame
de la Garde), xây trên cái đống cao 150 thước, trấn hám cả địa thế thành
Marseille; thờ Đức bà bảo hộ cho con nhà đi bể, khác nào như bà Thiên hậu của
người Tàu. Một tòa nhà thờ chon von ở giữa cái đống cao, trên đỉnh gác chuông
lại có một cái tượng Đức bà lực lưỡng cao ngót mười thước, nặng hơn bốn nghìn
năm trăm cân, những buổi mây quang trời tạnh, đứng khắp thành Marseille ở đâu
cũng trông thấy, rõ như bức tranh vẽ, thật cũng là một cái kỳ quan. Tự dưới phố
đi lên nhà thờ, hoặc đi chân thời phải theo đường thang khuất khúc, hoặc đi
bằng một thứ thang máy làm theo kiểu ròng rọc có khấc (système à crémaillère).
Lượt lên đi bằng thang máy, phải mất tiền, lượt xuống đi chân, qua những ngõ
xóm hẻo lánh của bọn bình dân ở, biệt ra một cái cảnh riêng ở thành Marseille.
Tối nghe diễn thuyết ở Hội Diễn thuyết thành Marseille. Ở Marseille
này, trong một tuần lễ không có mấy ngày là không có diễn thuyết. Trong nhật
báo đã có một mục riêng để báo các ngày giờ diễn thuyết ở các nơi, có ngày hai
ba bốn nơi diễn thuyết về đủ các vấn đề: cách trí, văn chương, lịch sử, chính
trị; lại có nơi gọi là “Maison de Provence”, là nhà hội quán của những văn sĩ
viết bằng tiếng provençal là tiếng thổ âm của vùng Marseille, ở đấy
thường diễn thuyết bằng tiếng Provençal. Nghe nói ở Paris sự diễn thuyết lại còn thịnh hành hơn
nhiều. Người Tây tiện cách học tập như thế, không trách cái trình độ trí thức
cao hơn người mình.
Tối hôm nay là một bà nữ bác sĩ diễn thuyết về nước Nga. Bà vừa đi du
lịch ở nước Nga về, bà thuật lại những sự kiến văn khảo nghiệm của bà về cái
phong trào cách mệnh và cái chủ nghĩa quá khích ở nước Nga. Nghe bà nói đủ biết
bà là một người nhiệt thành về chủ nghĩa ấy. Người đến nghe cũng phần nhiều là
người thuộc về các đảng cấp tiến. Cho nên cuộc diễn thuyết này có một cái phong
vị riêng. Ta thường đọc sách đọc báo chỉ thấy công kích cái phong trào quá
khích ở nước Nga, cũng nên nghe có người tán dương cổ đãng cái phong trào ấy,
mới có thể chiết trung mà phán đoán cho đúng được. Ở đời này muốn quan niệm về
một sự gì cho chánh đáng, thật là khó quá; tỉ như một cái chủ nghĩa quá khích
đó, người nói xấu biết bao nhiêu mà kể, mà người nói tốt cũng nói tốt quá; nghe
bọn trên thời tưởng nước Nga bây giờ là nơi âm ti địa ngục gì, chớ không phải là
cõi nhân thế trần gian nữa, nghe bọn dưới thời ngờ là chốn bồng lai lạc địa.
Đến khi mối lợi quyền đã mâu thuẫn, lòng tham dục đã xung đột nhau, thời công
lý, công nghĩa không biết đâu mà dò nữa. Gặp những khi như thế mà lại càng tiếc
cái đạo “trung dung” của đứng Thánh nhân phương Đông ta đời xưa. Nhưng đạo ấy
đời nay có dùng được nữa không? Ngoài sự lý tưởng, đạo ấy có thể đem ra thực
dụng ở cái thế giới cạnh tranh này không? Tưởng cũng khó quá.
Trong bài diễn thuyết bà nữ bác sĩ có nói tới vấn đề nữ quyền; có một
đoạn bà nói về cái quyền người đàn bà được trụy thai, kể quá khích thời đến thế
cũng là quá khích thật. Đại khái bà nói rằng luật pháp nước nào cũng cấm sự
trụy thai, thế là không công bằng; đàn ông là một giống tối duy kỷ, họ chỉ biết
cái sướng của họ, họ quyến rũ đàn bà con gái, đến lúc thai dựng họ bỏ họ đi;
người đàn bà nếu không muốn đẻ con hay không có thể nuôi con được, thời phải
cho người ta có quyền được trụy thai; trụy thai không phải là hại mạng người,
không cho là tội giết người được, vì cái thai chưa phải là người, v.v… Mình
nghe mấy câu ấy cũng hơi thấy sửng sốt trong người: có lẽ là cái óc mình hãy
còn trần hủ mà chưa biết cảm những cái lý tưởng tối tân ấy chăng? Xét những
người nghe chung quanh mình, ai cũng điềm nhiên cả, tựa hồ như cho là một sự tự
nhiên vậy...
Diễn giả nói xong thời người nghe ai muốn phản đối hay chất vấn điều
gì, được quyền nói. Bà nữ bác sĩ này nói cũng giỏi, tuy không được hùng biện
như ông giáo mình nghe tối nọ, nhưng lời lẽ rõ ràng và lưu loát; ai biện nạn [7]
câu gì, bà trả lời lập tức, và nhiều khi trả lời khéo quá, không còn bẻ vào đâu
được nữa.
Nữ bác sĩ tuổi trạc ba mươi, học thức rộng thật, biện thuyết giỏi thật,
nhưng nhan sắc thời quyết không phải vào bậc tuyệt trần. Nghe diễn thuyết xong,
trở về trọ, mình vừa đi vừa nghĩ trong bụng rằng: “Người này thời chắc không sợ
đàn ông nào quyến rũ được, chắc không bao giờ thi hành đến cái quyền “ám sát”,
– vì nói khéo thế nào thì nói, chớ trụy thai tức là một cách ám sát, – đã hết
sức chống chế vừa rồi...”.
Thứ sáu, 14.
Gặp ông văn sĩ G. L. Ở Paris
xuống. Ông nguyên làm hội trưởng “Hội các văn hữu nước Pháp” (Société des
Gens de lettres), hiện có viết trong mấy cái báo lớn ở Paris . Nhân xuống Marseille xem Đấu xảo, ông
muốn quen biết mấy người học thức ở Indochine để phỏng vấn về tình thế bên ta
thế nào. Các viên chức trong Đấu xảo có giới thiệu cho biết Nguyễn quân[12]
và tôi. Ba người nói chuyện trong giờ lâu. Xem ra ông có ý muốn biết việc bên
ta lắm, nhưng coi chừng ông về “phái chánh phủ”, phàm những việc sở biết là
theo những lời bá cáo của chánh phủ cùng những lời tự thuật của các quan lại
Tây ở bên ta về; cho nên cách nghị luận lại biệt ra một phương diện riêng. Song
nếu có dịp năng nói chuyện với bọn mình luôn thời cũng cải chính được nhiều
điều thiên kiến.
Thứ bảy, 15.
Gặp cậu P. M. ở Toulouse
lại. Cậu người Trung Kỳ, sang tòng chinh bên này, rồi khi chiến tranh xong xin
ở lại học, hiện theo học ở ban Cách trí Hóa học tại trường Đại học Toulouse . Cậu xem ra
người có chí lắm, nhưng ngặt vì không có tư lực, không biết có thể theo học
được đến cùng không. Hiện nhờ được một vị phu nhân người quí phái có bụng yêu
giúp đỡ cho, nhưng cậu nói không dám phiền người ta quá. Ấy cái tình cảnh học
sinh ta bên Tây, người có chí học được thường không có tư lực, người có tư lực
thời lại thường không có chí học; những hội học bên ta, - nhất là Hội Pháp học
Bảo trợ, - phải kiếm những người thuộc vào hạng trên đó mà tư trợ thời mới
phải.
Nhân nói về cách giúp đỡ các học sinh sang Pháp học, tưởng đó là một
việc quan hệ lắm, hội "Pháp học Bảo trợ" ta ở Hà Nội phải nên đặt
phương kế mà thi hành cho đến nơi đến chốn và nên mở mang cho rộng rãi thêm ra.
Kén học sinh sang Tây phải chọn người thật có tư cách, trước khi đi phải dặn dò
cho kỹ, trong khi ở bên Tây phải có cách giám đốc sự học hành và chỉ bảo mọi
điều cho không được sai cái phương châm đã định, và đến khi về phải học cho
thành tài. Như thế thì phải đặt một tòa thông tin ở Paris, hoặc là nhờ hội nào
của người quí quốc đương cho việc ấy cũng được, nhưng nếu hội chánh ở Hà Nội có
đủ sức đặt hẳn một nhánh ở Paris, thỉnh thoảng phái người sang điều tra giám
sát và báo cáo về cho Hội chánh biết, thời hay hơn nhiều. Phải tổ chức thành
một Hội du học thật to, thật có thế lực, vì bây giờ nước ta đương buổi cần đến
nhân tài, mà nhân tài tất phải đào luyện tự các trường Đại học bên Pháp mới
được, chớ Đại học bên ta không có đủ sức mà dạy đến nơi được.
Chủ nhật, 16.
Hôm nay mở Đấu xảo. Tuy chửa được thập phần hoàn thành, nhưng cũng mở.
Tuy hãy còn nhiều chỗ luôm nhuôm, nhưng cũng mở. Vì ngày đã định từ trước rồi,
cho nên dù xong dù chưa xong, cũng làm lễ khánh thành và mở cửa cho thiên hạ
vào xem, còn đâu sẽ làm nốt. Người vào xem, thấy nhiều chỗ bày biện còn chưa
đủ, dẫu có không bằng lòng, – vì vào xem mất tiền, chớ không phải xem không, –
cũng chẳng hề gì.
Khánh thành là hai quan Thuộc địa bộ và Thương nghiệp bộ Thượng thư ở Paris xuống, đi xem qua
một lượt các sở, rồi ăn tiệc, diễn thuyết.
4 giờ chiều thời quan Sarraut đến khu Bắc kỳ, vào dẫy phố An Nam, gọi
là phố Hà Nội. Bọn phái viên mình phải bày hàng đứng đón đó; các ông chủ hiệu,
các thợ cũng họp cả đấy, cả thảy mấy chục người. Anh em có cử mình ra chúc mừng
quan Thượng thư. Văn chương thù tạc, xưa nay mình vẫn không hứng, nhưng, thôi,
cũng phải nói dăm ba câu cho tắc trách, vì không thời sang đây làm gì? Nói
rằng: “Bẩm quan Thượng thư, tôi xin thay mặt các anh em đồng xứ, là những nhà
thương mại, công nghệ và thân hào Bắc Kỳ có mặt tại đây, chúc mừng Ngài bước
chân vào dẫy phố An Nam này. Những nhà tổ chức cuộc Đấu xảo đặt ra một dẫy phố
An Nam ở giữa thành Marseille này, kể cũng là khéo nghĩ thật. Vừa vui vừa lạ
con mắt cho người đi xem, mà lại vừa bày tỏ được cái xảo nghệ mĩ thuật của nước
chúng tôi. Bọn chúng tôi sang đến đây, ở giữa cái thành phố Marseille to lớn
này, bỡ ngỡ như người xa lạ, nhưng đến khi bước vào khu Bắc Kỳ này, thời phảng
phất như có cái cảnh sắc chốn quê hương. - Quan lớn trước khi trọng nhậm chức
Thượng thư, ngài đã từng làm Toàn quyền bên Indochine, ngài trông thấy cảnh này
chắc ngài lại nhớ lại thủa trước. Tôi xin nhân dịp đây thay lời anh em đồng xứ
tỏ lòng kính mến ngài là quan Toàn quyền cũ của chúng tôi”. - Ấy văn chương
“nước ốc” như thế mà cũng có người cho là nghe được, thời đủ biết người ta cũng
dễ tính quá.
Thứ hai, 17.
Tối hôm nay đi xem rạp hát Alcazar
hát một tích tả phong tục dân Marseille, bày cảnh diễn trò hiển nhiên như thực.
Lối kịch này gọi là revue, là một lối tạp kịch buồn cười, lược thuật
những việc hằng ngày xẩy ra. Xem trò này mà biết rõ được tính tình phong tục
của bọn bình dân ở xứ này. Có đoạn diễn cái cảnh chợ hàng cá ở Marseille, các
chị hàng cá chửi nhau ỏm tỏi, thầy “đội xếp” khệnh khạng chạy lại làm biên bản,
thầy cứ biên mà họ cứ chửi, đến xông vào đánh nhau xé quần xé áo, rồi bị đưa
lên sở Cảnh sát, đi đường vẫn không thôi, v.v…; trông rõ ra cái cảnh tượng các
chợ hàng rau hàng cá, và rõ ra cái tâm lý các chị hàng rau hàng cá ở bên mình.
Thế mới biết kẻ bình dân ở nước nào cũng vậy, trình độ như nhau cả. Các xã hội,
các dân tộc hơn kém nhau là ở một số ít người trung lưu thượng lưu, còn trong
dân gian thời đâu cũng như đâu vậy. Tôi thường đi chơi ngoài bến, đi chơi những
xóm xa, thấy cách sinh hoạt làm ăn của bọn lao động, đại khái cũng không khác
gì ở bên mình. Duy có một điều hơn, là thường thường họ không lam lũ lắm bằng
người mình; làm ăn khó nhọc đến đâu, ngày chủ nhật cũng có được cái áo sạch sẽ
đi chơi các phố phường, các công viên, hoặc ra ngoài giao dã. Tuy vậy, còn có
một cái tật này cũng nguy, là tật uống rượu. Một thành phố Marseille, không
biết mấy nghìn nhà bán rượu, gọi là bars, thường thường không có chỗ ngồi,
khách qua đường vào mua cốc rượu đứng tợp một hơi rồi ra; ấy là không kể những
nhà cà phê lớn, có bàn ghế hẳn hoi, cho khách lịch sự ngồi, vừa hút thuốc đọc
báo, vừa nhắp cốc rượu hay cốc nước để tiêu khiển, quanh mình lại những ả mày
ngài ngồi chờ “mệnh lệnh”, hạng cà phê đó cũng đến mấy trăm sở. Không biết
trong một ngày thành phố Marseille dùng hết mấy mươi vạn chai các thứ rượu
nước. Tưởng chất đống lên có lẽ cao bằng mấy đầu người...
Thứ ba, 18.
Xem nhà “Thương nghiệp công quán” (la Bourse) thành Marseille.
Nhà này ở đầu đường Canebière, là của Hội Thương mại (Chambre de Commerce)
thành Marseille dựng ra tự năm 1852 đến năm 1860. Nhà lầu nguy nga; ngoài hiên
đi vào, hai bên có hai cái tượng đá thật lực lưỡng, là tượng Thần Hàng hải, và
tượng Thần Công thương. Vào trong thời có gian chính giữa rộng thênh thang, tức
là chỗ ngày ngày các lái hối đoái (agents de change) đến định giá các
giá phiếu (cote des valeurs), cứ tự trưa đến bốn giờ chiều, người đông
nghìn nghịt, kẻ xướng người gọi, tiếng om cả nhà, không cảnh gì vui bằng.
Hội Thương mại thành Marseille có đã lâu lắm, tự năm 1650; hồi đầu có
mở ra công ti Phi châu (Cie d'Afrique) để buôn bán với các dân Bắc bộ
Phi châu, công ti này có từ trước công ti Ấn Độ (Cie des Indes) là một
hội buôn trứ danh ngày xưa, giao thiệp với Ấn Độ và Đông phương, làm môi giới
cho nước Pháp khuếch trương thế lực sang cõi Á Đông về sau này. Hội Thương mại
Marseille hồi xưa đã có thế lực lắm, trực tiếp thơ từ với các vua nước Pháp, tự
chế binh thuyền chiến hạm để đánh các giặc biển Phi châu. Lại chính hội này đã
xướng ra trước nhất đặt Lãnh sự ở các nơi; cái chế độ Lãnh sự bây giờ nước nào
cũng có, hồi đầu là khởi điểm tự đó.
Ngày nay các tơ tào của Hội Thương mại cũng to bằng một bộ thự của Nhà
nước, và chức Hội trưởng tưởng cũng quan trọng chẳng kém gì các chức quốc vụ
tổng trưởng vậy. Ấy cái thế lực của các đoàn thể riêng nhiều khi mạnh như thế.
Trong việc tổ chức cuộc đấu xảo Marseille,
Hội Thương mại thành ấy cũng có một phần to.
Thứ tư, 19.
Cả ngày hôm nay đi chơi Aix,
cách Marseille 36 cây-lô-mét, ở về phía Bắc, đi xe điện mất ngót 2 giờ đồng hồ.
Marseille là nơi đô hội buôn
bán và chốn hải cảng cho tàu bè các nước đỗ, công nhiên là chỗ thủ phủ của xứ Provence, nghĩa là cả miền Đông Nam
nước Pháp; nhưng về đường trí thức thời không có gì cả, chỉ có một trường trung
học mà thôi. Phải đi lên Aix mới có trường Đại học, có hai ban văn học
và luật học có tiếng lắm; cho nên người ta nói thành Aix là chốn thủ đô
về đường trí thức của xứ Provence .
Ở Marseille đến đây,
thấy cái khí vị khác hẳn; dưới kia náo nhiệt bao nhiêu thời trên này bình tĩnh
bấy nhiêu, rõ ra cái phong vị một chỗ học hành và một nơi cổ tích. Vì tra sử
nước Pháp thời thành Aix này chính là nơi người La Mã sang ở nước Gaule trước nhất, là nơi được hưởng
thụ cái văn minh La Mã sớm nhất, cho nên ngày nay còn nhiều những di tích về
đời bấy giờ, như cầu, cống, v.v…
Đi dạo chơi trong thành phố thời buồn dứt vắng tanh, nhưng có cái thú
êm đềm tĩnh mịch. Những người ưa yên ổn, cùng những người làm việc bằng trí
não, ở Marseille quyết là không
được; ở đây thời phải lắm.
Ở giữa thành phố có một cái công trường rộng và đẹp, gọi là “công
trường Mirabeau”, hai bên trồng
cây, ở giữa có tượng đá và bể nước; ở đầu có tượng Thần Công nghệ và Thần Học
vấn, ở giữa có mấy cái bể nước chảy cả ngày, một cái chảy ở cái ôn tuyền ra,
nước nóng. Hai dẫy phố hai bên, phần nhiều là những nhà lầu về thế kỷ thứ 17 và
18, có nhiều nhà kiểu đẹp lắm.
Nhưng lạ nhất ở thành Aix, là có một tòa nhà thờ cổ (Cathédrale Saint -Sauveur) và một sở
bảo tàng những tấm thảm và đồ gỗ cũ. Nhà thờ dựng tự thế kỷ thứ 11 và 12, qui
mô thời cũng không có gì đẹp hơn nhà thờ cổ các nơi khác, duy ở trong có mấy
bức tranh cổ của mấy nhà danh họa Hòa Lan về thế kỷ thứ 15 diễn về các tích
Thánh, tương truyền là đẹp lắm, và mấy tấm cửa giữa bằng gỗ dẻ Tây, chạm nổi
tích bốn ông Tiên tri (Prophètes) và mười hai mụ Vu nữ (Sibylles),
chạm công tế và tinh thần lắm, cũng thuộc về cuối thế kỷ thứ 15 đầu thế kỷ thứ
16; ngoài có một lần cửa phụ đóng áp kín lấy, muốn xem phải hỏi người thủ tự mở
khóa ra mới xem được; cạnh nhà thờ có một cái đạo viện (cloitre) nhỏ
kiểu lô-măng (roman), coi cũng cổ kính lắm. Nhà bảo tàng thời ở vào cung
giám mục cũ; đấy có một sắp những thảm kiểu Bô-ve (Tapisserie de Beauvais),
to bằng mấy chiếc chiếu một, dệt những tích Đông-ki-sốt (Don
Quichotte) và những tích truyện cổ đẹp và tinh tế không khác gì vẽ vậy.
Đến 6 giờ chiều mới trở về Marseille.
Thứ năm, 20.
Tối hôm nay lại đi nghe diễn thuyết. Đọc nhật báo thấy có một hội
“Thiếu niên Văn sĩ” mới lập, mở một cuộc diễn thuyết về văn chương và mĩ thuật.
Đọc lời bá cáo thời như rồng như phượng cả, mà đến nghe thời chán như cơm nếp
nát. Diễn giả, hội trưởng, phó hội trưởng, thư ký, cùng các ngài trị sự trong
Hội, toàn trạc trong và ngoài hai mươi tuổi cả. Ngài nọ đứng lên giới thiệu
ngài kia, ngài kia đứng lên cám ơn ngài nọ, ngài thì đọc lời bá cáo, ngài thì
tuyên bài phi lộ “bí beng” một lúc, chẳng biết ngài nào là ngài nào cả, vì toàn
là những “danh sĩ” chưa ai từng biết tên bao giờ.
Đến khi diễn giả đăng đàn thời cầm tập giấy đọc một hồi như người tụng
kinh, tiếng đã nhỏ mà giọng lại có tật, đọc cứ phều phào, chẳng ai nghe ra cái
gì cả. Đọc độ ba khắc đồng hồ xong, thời một người thiếu niên, – chừng là ngài
hội trưởng, – lên thay mặt Hội cám ơn diễn giả vừa cho nghe một bài văn hùng
hồn như thế! Ngài hội trưởng nói cũng hơi lắp bắp và lời cầu kỳ mà không được
thông. Cử tọa vỗ tay một hồi lâu… (cơ trong đó chắc có nhiều quan viên hàng hội
và bè bạn của diễn giả).
Đoạn rồi, mấy ngài thiếu niên văn sĩ nữa lên sân khấu ngâm thơ, ngài
thì ngâm thơ cổ, ngài thì ngâm thơ tự mình làm, vừa ngâm vừa đánh đàn, vừa uốn
éo làm bộ làm dạng, lại “bí beng” một hồi nữa rồi tan cuộc.
Có người ngồi bên tôi ghé tai nói: “Bọn này họ muốn bắt chước phường
hát bội mà bắt chước không nên thân…”.
Coi đó thời biết không những ở nước ta, mà ở quí quốc cũng có hạng văn
sĩ đặc biệt đó. Song nghe nói ở Marseille này là chỗ buôn bán phồn tạp văn học
không có gì, nên những hạng ấy mới xuất lộ ra được, chứ ở Paris thời giống đó
không thể có được, vì nếu có mọc mầm ra cũng bị người ta cười mà phải thui đi.
Thứ bảy, 21.
Ông X. là người đồng xứ ta, có mời các phái viên họp để bàn chuyện lập
một hội thân ái người Pháp và người Nam ở Marseille. Tôi không hiểu ý
ông lập hội để làm gì, vì phần nhiều người An Nam mình chỉ ở đấy trong mấy
tháng đấu xảo, rồi về, còn hội học sinh thời ở Paris nghe đã có đặt rồi. Hỏi
ông đến hội Paris
thời ông nói mục đích không giống. Thế thì mục đích ông muốn gì? Nghe ông nói
không được phân minh lắm. Có người nói ý ông là muốn đặt riêng một hội để bầu
ông làm hội trưởng cho nó tăng thêm cái giá trị riêng của ông. Nếu thế thì cái
tính hiếu danh, cái thói “dĩ công vi tư” của người mình, dẫu sang đến đất văn
minh cũng không quên hết. Song, dù thế nào cũng là người đồng quận, nên ông mời
cũng phải ừ ào cho xong chuyện, ông bảo đóng tiền cũng xin vâng, nhưng anh em
mình ai cũng có ý lạnh nhạt, xem ra ông giận, trách rằng không có bụng nhiệt
thành về việc công. Nhưng chẳng hay việc là việc công, hay việc tư, nhỉ?...
Buổi chiều hôm nay lại đi nghe diễn thuyết. Một ông thày kiện diễn về
ông Mirabeau là một nhà hùng biện về đời Cách mệnh nước Pháp. Nhưng bài diễn
thuyết thời không được hùng biện lắm. Thày kiện mà nói thế thì cũng tầm thường
quá. Nhưng mà ở đâu chẳng có người tầm thường; chỉ phiền là tầm thường mà không
tự biết rằng tầm thường mà thôi.
Chủ nhật, 23.
Hôm nay có thi ngựa. Nhân đi xem thi ngựa, vào nơi công viên Borély, dạo chơi trong vườn và xem
nhà bác cổ quán Borély ngót nửa ngày. Nơi công viên này là chỗ nhàn du rất thú
vị của người Marseille. Rộng ngót năm mươi mẫu tây, chia làm ba phần: phần chính
giữa, ngay nhà bác cổ quán (xưa là một cái biệt trang có tiếng ở Marseille)
trông ra là cái “vườn kiểu Pháp” (jardin Francais), đặc sắc là ngang
bằng sổ ngay, hai bên hai dẫy ngô đồng lá sửa thẳng như đường kẻ, giữa những
tấm cỏ, những bể nước, đứng trên sân nhà bác cổ nhìn ra thấy cực mục như một
cái thảm gấm ngũ sắc, hai bên có hai cái rìa xanh um, trông cũng có khí tượng
lắm; người ta nói ở Paris, còn có nhiều cái “vườn kiểu Pháp” đẹp hơn nhiều; -
bên hữu là trường thi ngựa; - bên tả là cái “vườn kiểu Anh” (jardin Anglais),
đặc sắc là âm u khuất khúc, như các hoa viên của Tàu, có bụi rậm, có thác nước,
có đình tạ, có hồ kiều, có lối đi quanh quất dưới bóng cây, thật là: Có cây
có đá sẵn sàng, - Có hiên "Lãm thúy" nét vàng chưa phai. Vườn
kiểu Pháp thời sáng sủa mà có khí tượng, vườn kiểu Anh thời u sầm mà có phong
thú, hai kiểu cùng đẹp cả mà theo ý tôi thời ưa riêng kiểu Anh, nên vào nơi
biệt tịch trong vườn, ngồi dưới bóng cây, trên phiến đá, đến giờ lâu không thấy
chán. Có một chỗ thú nhất, là cái rừng thông nhỏ, trong có ghế đá ngồi, giữa có
cái tượng đá ông Puget là một nhà điêu khắc có tiếng ở Marseille tự thế kỷ thứ
17, tượng hình đứng, tay cầm cái búa và cái đục, mắt như đương ngắm nghía cái
gì, dưới tượng có khắc một câu rằng: “Đá cẩm thạch trông thấy ta phải rùng
mình” (Le marbre tremble devant moi), nghĩa là cái tay ông chạm khéo đến
nỗi phiến đá trông thấy cũng phải rung động, câu ấy tưởng cũng có ý tứ lắm vậy.
Thứ tư, 26.
Hôm nay tàu André Lebon ở bên ta sang, có ba ông phái viên Bắc
Kỳ ta là ông Phạm, ông Hoàng và ông Nguyễn cũng sang chuyến này. Tàu chuyến này
lại đỗ tại ngoài bến Pinède, là bến xa hơn nhất. Ra đón các ông, hỏi chuyện đi
tàu, chuyện nước nhà, anh em gặp nhau vui vẻ lắm.
Thứ năm, 27.
Nghe diễn thuyết của bọn học sinh thuộc về đảng “Quốc gia hành động” (Étudiants
d'Action française). Đảng này ở nước Pháp, tuy số ít người, mà thế lực mạnh
lắm, vì đảng nhân có kỷ luật và lãnh tụ là những người giỏi cả, nhất là hai ông
Charles Maurras và Léon Daudet, cùng làm chủ bút báo Action française
ở Paris . Đảng
này chính là đảng quân chủ ở Nghị viện, thuộc về bên hữu, chủ ý là muốn lấy
quân chủ thế vào dân chủ, nhưng hiện chưa thực hành được thời hẵng hết sức bảo
thủ những nền nếp cũ trong nước, và thứ nhất là công kích đảng quá khích làm
loạn. Tuy cái chủ nghĩa quân chủ thật là trái với phong trào dân chủ đời nay,
cho nên nhiều người không phục thật, nhưng mà cái chủ nghĩa duy trì trật tự,
bảo tồn quốc túy thời nhiều người lấy làm ưa, và từ khi chiến tranh chi hậu,
quốc dân theo về đảng này càng ngày càng thấy nhiều. Nhưng xét ra đảng này có
thế lực, phần nhiều là nhờ cái tài cổ động của hai người lãnh tụ trên kia, hai
ông viết báo thật hay, dẫu ai không phục cái chủ nghĩa của hai ông cũng phải
chịu hai ông là người không tầm thường. Cách cổ động khéo lắm, chú ý nhất là
bọn học sinh các trường, nhất là các trường trung đẳng và cao đẳng, vì biết
rằng tương lai nước nhà là ở bọn đó. Ông Maurras vốn là người ở gần Marseille,
nên đảng nhân ông ở tỉnh này nhiều; học sinh các trường cũng họp thành một
nhánh nhỏ. Bữa nay là bọn học sinh họp nhau lại để diễn thuyết về cái chủ nghĩa
“Quốc gia hành động”, nghĩa là vì nước mà hành động, tức là cái chủ nghĩa ái
quốc, nhưng ái quốc một cách hoạt động vậy. Tuy là những người thanh niên cả,
nhưng coi ai cũng có vẻ nhiệt thành về một cái chủ nghĩa cao thượng, nên lời
nói thiết thực, không có phiếm như bọn văn sĩ lỏi mình mới nghe diễn thuyết hôm
nọ. Người có chủ nghĩa với người không có chủ nghĩa, không cứ người già hay
người trẻ, coi cái thái độ, sự hành vi có khác nhau lắm.
Thứ bảy, 29.
Nhà “Pháp - Việt phạn điếm” (Restaurant Franco-Annamite) trong
đấu xảo khai trương, có làm tiệc mời các phái viên đến dự vui vẻ lắm. Nhà này
là của mấy người Tây buôn ở Sài Gòn lập tại trường Đấu xảo để dọn cơm An Nam cho
người Tây dùng. Người Tây nếm cơm An Nam nhiều người khen ngon; thứ nhất là
khen nước mắm của ta, nói rằng trong các thứ nước chấm không gì bằng nước mắm
(đây là nói thật nước mắm Phú Quốc, không phải những thứ pha phách như ngoài
Bắc ta). Thế mới biết: “Bụt nhà không thiêng”, đồ ăn của mình, mình cứ khinh
thường, mà người ta lại lấy làm trọng.
Chủ nhật, 30.
5 giờ chiều hôm nay có cuộc diễn thuyết to ở nhà “Vạn quốc kịch trường”
(Théâtre des Nations). Cuộc diễn thuyết này là do Hội “Liên hợp các hội
đảng lớn nước Pháp” (Union des grandes Associations françaises) tổ chức,
không những ở đây, ở khắp các tỉnh thành trong nước Pháp nữa. Diễn giả kỳ này
là quan Đại tướng Mangin ở Paris
xuống. Đại tướng là một tay võ tướng đã có công to trong cuộc chiến tranh vừa
rồi, nhất là trong khi chống giữ thành Verdun . Từ
khi chiến tranh xong thời ngài được Chính phủ đặc phái đi diễn thuyết ở các
nước phía Nam
châu Mĩ, đi đến đâu cũng được hoan nghênh lắm. Lại thường viết bài trong các
báo chí bàn về việc hành quân trong khi chiến tranh, nghị luận tự do, khám phá
được nhiều điều u ẩn và cải chính được nhiều việc sai lầm, thực đã giúp được
nhiều tài liệu quí báu cho nhà sử học sau này nghiên cứu về cuộc chiến tranh
vừa rồi. Trong quân đội ngài có tiếng là một bậc mãnh tướng, quả quyết và can
đảm lắm. Trước khi chiến tranh thời ngài đã phần nhiều lập công ở các thuộc địa
châu Mĩ, biết cái tính chất hiếu võ của những dân da đen ở các thuộc địa ấy
(nhất là dân Sénégalais), nên
đã một hồi ngài xướng lên cái thuyết nên lập một quân đoàn bằng người da đen để
giúp việc phòng bị cho nước Pháp. Ngài thường nói: “Nước Pháp không phải là một
nước chỉ có 38 triệu người mà thôi đâu, nước Pháp chính là một nước có một trăm
triệu người đó”, là có ý kể cả số người các thuộc địa vậy. Coi đó thời biết cái
tính cách của người diễn thuyết hôm nay thế nào. Đại tướng Mangin chính là một
người nhiệt thành về cái “Đế quốc chủ nghĩa” đó, nghĩa là muốn khuếch trương
thế lực nước Pháp cho rất to rất mạnh, khiến cho thành một cái đế quốc lớn trên
thế giới. Ngài là một ông võ tướng, có cái tư tưởng hùng cường thế, cũng không
lấy gì làm lạ vậy. Nay ngài ra diễn thuyết, ta thử nghiệm xem người đến nghe
đối với ngài thế nào, thời tức là dò được cái dư luận nước Pháp đối với cái chủ
nghĩa ấy thế nào vậy.
Một cuộc diễn thuyết của một hội lớn như thế tổ chức thì chắc là chỉnh
bị lắm. Trong ngoài cảnh sát rất là nghiêm ngặt, vì đại tướng cũng là một bậc
yếu nhân của Nhà nước, vả lại trong số những người đến nghe, các quan to ở
Marseille và các trọng yếu nhân vật cũng nhiều. Người vào nghe phải mất tiền
mua vé trước, tùy hạng ngồi, như mua vé xem hát vậy. Nhà kịch trường kể cũng đã
rộng, mà người ngồi các hạng chật hết cả, kể có tới hai nghìn con người.
Đại tướng diễn thuyết về “nguyên nhân và kết quả sự chiến thắng của Đại
Pháp”, đại khái tán dương cái công của nhà quân đã thu hoạch được sự chiến
thắng ấy. Bọn quân nhân và bọn trung lưu xã hội đến nghe nhiều lắm, cho nên đến
những đoạn tán dương như thế thì vỗ tay như pháo ran. Ngài nói cũng bình
thường, không lấy gì làm hùng biện lắm; xét ra vỗ tay phần nhiều vì người hơn
là vì lời nói.
Nói độ chừng một giờ đồng hồ, đọc bài viết sẵn, chớ không phải ứng khẩu
nói. Nói đến chỗ “nước Pháp là một nước có trăm triệu người”, cử tọa vỗ tay một
hồi lâu. Cứ xem như thế thì phần nhiều người nước Pháp còn ưa cái “Quốc gia chủ
nghĩa” lắm. Cái phong trào quá khích mới, tuy cũng có nhóm lên nhiều nơi, nhưng
ngoài bọn lao động, trong dân gian ít người theo. Xét như một cuộc diễn thuyết
hôm nay thì đủ làm minh chứng vậy.
Duy đến khi diễn thuyết xong, đại tướng dời nơi kịch trường lên xe hơi
đi, thời thấy ngoài phố lao nhao, người túm đông túm đỏ, cảnh binh chạy tấp nập
(lúc này trông mới biết lính cảnh sát nhiều), không ai hiểu là chuyện gì, vì
người đông quá. Nhìn kỹ ra thì thấy cảnh binh đương nắm bắt một người mà người
ấy chống cự, không chịu cho bắt. Người đứng xem, kẻ nói ra, kẻ nói vào, kẻ thì
bênh người ấy, kẻ thì nói nên bắt; sau thấy tha, và người ấy lại tự do đi như
thường. Hỏi ra thì đâu là người thuộc về đảng quá khích, khi đại tướng ở nhà
hát ra có lên tiếng thóa mạ, và muốn chạy lại xâm phạm vào người, nhưng bị
người ta đẩy ra. Sau nghe đâu xét trong người không có khí giới, nên cảnh sát
cũng tha. Lại xét một việc này thì biết cái phong trào quá khích cũng nhom nhóm
trong dân gian vậy.
Thứ tư, mồng 3
tháng 5.
Đến thứ bảy này thì quan Giám quốc Millerand đi kinh lược ở Bắc Phi
châu về, sẽ đến Marseille. Nên mấy ngày nay trong thành phố sửa soạn đón tiếp
ngài. Gần nhà trọ mình có làm cái bài phường, chăng đèn điện, tối thắp đẹp lắm.
Mấy bữa nay đi chơi phố buổi chiều vui vẻ lắm. Nước này là nước dân chủ, mà sửa
soạn đón ông Giám quốc cũng linh đình tấp nập như người ta đón ông quân chủ
vậy.
Trong đấu xảo mấy hôm nay cũng thấy làm riết. Vì đến chủ nhật quan Giám
quốc sẽ vào xem đấu xảo. Bọn mình cũng phải sắp sửa áo gấm để hôm ấy ra nghênh
tiếp đây! Chắc là sẽ trọng thể lắm.
Thứ năm, mồng 4.
Chiều hôm nay lại đi nghe diễn thuyết. Ở Marseille này, người diễn
thuyết hay thì ít, nhưng cái phong trào diễn thuyết coi ra thịnh. Từ bữa mình
đến đây tới giờ, đi nghe không biết mấy lần rồi; ấy là chưa đi được khắp đấy.
Nếu cứ xem nhật trình mà đi cho hết thì không tối nào không, mà có tối đến hai
ba nơi cùng diễn một giờ.
Bữa nay là cuộc diễn thuyết của Hội “Nữ quyền” (Ligue Française pour
le droit des femmes). Diễn giả là một bà thày kiện nói về vấn đề “cần phải
cho đàn bà làm quan thẩm phán”. Đàn bà đến nghe đông lắm. Cả tòa trị sự hội
toàn là đàn bà hết. Hội trưởng hay là trưởng chi hội ở Marseille là một bà cụ
đã già, trông đạo mạo, đứng lên trước giới thiệu bà diễn thuyết cho người đến
nghe, nói rõ ràng và mạnh bạo, ra người thông thạo và có tài ngôn ngữ.
Rồi đến diễn giả nói trong một giờ đồng hồ. Diễn giả vốn làm thày kiện,
nên pháp luật thuộc và biện bác giỏi lắm. Nói thong thả mà rõ ràng. Thường nhận
ra đàn bà diễn thuyết bao giờ cũng rõ ràng thong thả, ít khi hùng hồn được như
đàn ông, nhưng thường dịu dàng dễ nghe; đó cũng là sự tự nhiên, song xem đó thì
biết đàn bà diễn thuyết về mĩ thuật văn chương có lẽ hay hơn về chính trị, pháp
luật.
VI
Marseille, thứ
bảy, mồng 6 tháng 5.
Chiều hôm nay quan Giám quốc Millerand đi kinh lược ở Bắc Phi châu về,
đến Marseille, dân thành Marseille đón long trọng lắm. Người ta thường nói nước
Pháp là nước dân chủ mà vẫn còn cái nghi vệ di truyền tự đời quân chủ, thật
thế! Cứ xem cách nghênh tiếp ông quốc trưởng như nghênh tiếp một ông vua thì đủ
biết. Song xét ra chỉ có cái nghi vệ trang nghiêm để cho tráng quan chiêm và
trọng sự thể mà thôi, chớ trong dân gian không có cái lòng sùng bái ông quốc
trưởng như người Đông phương ta mê tín ông vua vậy. Tối hôm nay các phố phường
trưng đèn đẹp lắm, trưng để đón mừng ông Giám quốc thì ít mà nhân tiện để cáo
bạch chiêu hàng thì nhiều. Các tòa, các sở, các nhà buôn được nghỉ cả, nên
người đi chơi đi xem đông lắm. Mình cũng đi lẫn với bọn họ xem cái thái độ họ
thế nào và họ bình phẩm làm sao. Phần nhiều người thời cũng có cái tính háo hức
như người mình, thấy người ta đi xem cũng đi, mà vị tất đã xem thấy gì, chẳng
qua là “người xem người” mà thôi. Mà xem thấy nữa, thì bất quá thấy một ông mũ
cao áo dài, ngồi xe tứ mã, cũng không có gì lạ hơn. Thế mà nhiều người nô nức,
chen nhau cho cố xem lấy được. Cho hay cái tính “ngơ ngáo” (tiếng Tây gọi là badaud)
thật là một cái thông tính của kẻ bình dân, nước nào cũng vậy. Như bên mình, mà
bên này cũng thế, có đám đánh nhau, đám to tiếng, bao nhiêu đàn ông, đàn bà,
trẻ con, người lớn, chạy lại đông như kiến cỏ; để làm gì? để xem; xem cái gì?
nhiều khi không biết! Đám đánh lộn còn vậy, huống chi là quan Giám quốc. Nghe
những người đi xem họ nghị luận với nhau mới biết rằng tuy có nô nức hiếu kỳ
như thế mà người ta không có cái lòng sùng bái kẻ quan quyền như người mình.
Thường nghe thấy người nói: “Quan Giám quốc là gì? Quan Giám quốc cũng là người
như mình, cũng là một kẻ công dân như mình, chớ gì?”.
Quan Giám quốc đi đến đâu, có quân đội và cảnh binh hộ vệ đến đấy, để
phòng sự bất kỳ, vì người bên này họ tự do lắm, không biết sự xẩy ra thế nào.
Vả quan Giám quốc chẳng qua là người một đảng, dẫu đảng ấy số nhiều mà đắc thế,
còn đảng khác số ít mà thất thế, ở một nước tự do bình đẳng, sự đảng tranh
nhiều khi kịch liệt lắm. Không những ông Giám quốc cần phải phòng bị cẩn mật,
mà ông thủ tướng, ông thượng thư, cùng các yếu nhân trong chính giới, quân
giới, v.v... đều như thế cả. Ở các xã hội Tây phương, sự mạo hiểm cũng như sự
hoạt động, là cái tư cách người ta ai cũng phải có.
Chủ nhật, mồng 7.
Bốn giờ chiều hôm nay quan Giám quốc vào trường Đấu xảo xem. Bọn mình
cũng phải mặc áo đẹp ra đóng vai mất ít lâu; nhưng không khó nhọc gì, chỉ phải
đứng dưới thềm trước cái sân lớn sở Angkor , khi quan đến
thời cúi đầu chào, thế mà thôi.
Quan Giám quốc đi cùng với quan Thượng thư Sarraut. Khi đến trước bọn
mình thời quan Thượng thư giới thiệu: “Đây là các thân hào Việt Nam ”, quan Giám
quốc bắt tay vài ba người, bọn mình cúi chào, rồi các quan tiến lên, bọn mình
lui về, thế là xong chuyện. Nhưng khi về nước nhà, thuật lại với bà con, cũng
được cái hãnh diện rằng đã được bắt tay quan Giám quốc!
Chín giờ tối, trong trường Đấu xảo làm hội đêm để mừng quan Giám quốc.
Trưng đèn điện thật nhiều, rất là rực rỡ. Người đến xem có tới mấy vạn con
người, trường Đấu xảo đã rộng như thế mà chỗ nào cũng đông nghìn nghịt.
Hội mở ở trước sở Angkor ; hai bên bắc đèn chiếu thật mạnh, chiếu sáng
vào nơi sở chính, lộng lẫy như một cái cung thủy tinh. Chung quanh những cây
cao bóng tối, đèn điện lấp lánh như sao điểm, người xem chật ních như nêm cối,
tiếng người nói, tiếng kèn thổi, ồn ào rộn rịp, giữa đột lên một đám sáng rực
như thế, thật cũng là một cảnh li kỳ, như cái cung điện trong mộng đem đến giữa
chốn phồn hoa vậy.
Trên cái sân lớn, hai bên có đặt ghế cho người xem ngồi, chỉ người nào
có giấy mời riêng mới được vào. Đúng 9 giờ, xong tiệc ở trong “Sở máy”, quan
Giám quốc, các quan văn võ cùng các khách mời đến giải tọa ở đấy. Đèn chiếu mở
sáng thêm, cảnh tượng lại rực rỡ hơn. Sân cao hơn mặt đất, đứng trên trông
xuống, cực mục như một cái bể người, nhấp nhô như những làn sóng.
Được một lát, thấy im phăng phắc, lặng như tờ, như ai nấy đều ngưng
thần chú ý để đợi một sự gì lạ, mà sự lạ ấy sẽ ở đâu trong đám tối sau cái cung
thủy tinh kia mà ra. ĐÃ nhận phàm cảnh gì xuất hiện ban đêm cũng có cái vẻ li
kỳ huyền bí; dẫu cảnh rất tầm thường cũng vậy. Không trách đời cổ sơ cho đêm là
cái đại bí mật, là cái phần thời gian thuộc về những giống khác giống người,
những giống lị vị võng lưỡng gì, cho nên sự gì xẩy ra ban đêm cũng khiến cho
người ta rùng mình chột dạ. Như tiếng gió thổi trên ngọn cây, tiếng sếu kêu
giữa khoảng trời, ban ngày mấy ai để tai nghe, để ý nhận, mà đêm đến thời thành
những tiếng phong thanh hạc lệ, làm cho người ta lạnh lẽo trong lòng…
Chợt nghe thấy một hồi quân nhạc, rồi đến thứ kèn thổi giục, nghe thật
lạ tai, không biết là hiệu kèn gì. Hỏi ra mới biết là kèn Ả-rập. Ai ai cũng
ngóng trông về phía tiếng kèn, mà chưa thấy gì cả. Bấy giờ lại lặng lẽ hơn lúc
trước nữa. Được một lát thời mới thấy những đèn những đuốc tự đàng xa ngổn
ngang kéo lại, đi tự dưới chân sở Angkor
mà tiến lên, trước còn mập mờ chưa nhận rõ là gì, sau lên đến trên sân, trước
ánh đèn chiếu, mới biết là một đám rước kiểu mới. Có lẽ người đứng đàng xa, tận
bên dưới mà trông, còn đẹp hơn nhiều. Đám rước này là rước các thuộc địa diễn
chào trước mặt quan Giám quốc. Nào là da đen, da vàng, hung hung, nhuôm nhuôm,
đủ các sắc người, đủ các giống người, người Arabes, người Marocains,
người Malgaches, người Sénégalais, người Annamites mình đi sau cùng cả, giống
nào có cái trò gì lạ thì phô ra hết. Trông thật cũng vui mắt, và vào địa vị
người quí quốc, vào địa vị quan Giám quốc ngồi chủ cuộc diễn kịch này, tưởng
ngoài cái cảnh vui con mắt, lại còn có một cái tư tưởng rất tự hào ở trong
lòng, tự hào mình là một cường quốc, dưới chân biết bao nhiêu dân tộc phải thần
phục. Nhưng vào cái địa vị mình đứng đấy thời cái quan cảm nó phiền phức lắm,
khó nói ra được. Trong người các giống kia trẩy trước mắt, quên đi cũng lấy làm
vui, nhưng gần đến lượt người giống mình, thời trong lòng như có ý nơm nớp sợ…
sợ không biết người mình sẽ bày cái trò gì cho người quí quốc xem, mà sợ nhất
là trông thấy những ông mặc áo rộng vái huyên thiên, thì đến chết mất! Bấy giờ
trống ngực đánh thòm thòm, như nghẹn đến cổ. May sao! Đến lượt người mình thời
chỉ có rước một cái kiệu thần không, với mấy cái tàn quạt và trống chiêng, còn
theo sau thời có… phường hát bội của ông Lương Khắc Ninh!...
Thứ hai, mồng 8.
Gặp ông K., cùng với bà vợ mới ở Montpellier
lại.
Ông là người Nam Kỳ, sang học luật khoa ở bên này, lại có đem cả bà
theo. Người có tư tưởng lắm, tôi quen biết từ năm xưa, hồi về chơi Nam Kỳ hơn
một tháng. Trong anh em cho ông là người có chí. Bà lần này tôi mới biết, coi
cũng ra người thông tuệ. Cùng ông bà ăn cơm An Nam ở “Pháp - Việt phạn điếm”
trong trường Đấu xảo, nói chuyện giờ lâu. Trong bọn đồng bào mình ở bên này, ít
gặp ai có thể nói chuyện được như với ông, vì ông cũng có cái tư tưởng về việc
đời vậy. Không những ít gặp người đồng chí, mà trong bọn nghe đâu lại có mấy kẻ
rất khả ố, là cái giống trành. Thật nhiều khi riêng giận một mình mà
không thể không than rằng người Việt Nam mình hèn thật: chỗ nào có đến
mười người An Nam là ở trong có một người thuộc về cái giống đê mạt ấy. Nhưng
họ làm cái nghề ấy, mà thường dốt nát, có biết gì đâu.
Thứ ba, mồng 9.
Mình ở Marseille đã lâu rồi, nóng ruột muốn lên Paris . Sau cuộc nghênh tiếp quan Giám quốc,
định lên ngay, nhưng nghe nói có quan Toàn quyền Long ở bên Đông Dương sắp
sang, nên đình lại mấy ngày nữa, đợi cùng anh em đón ngài rồi mới đi. Nhưng ở
Marseille đã thấy chán rồi. Người ở đây những kẻ trí thức xem ra ít, phần nhiều
là những hạng doanh nghiệp cả, ít quen biết được người hay. Còn cái xã hội An
Nam mình ở trong Đấu xảo, kể số người cũng khá đông, nhưng mà bác tạp lắm, vả
tính cách cũng như bên mình, cũng những cách vận động, cũng những lối úp mở như
thế, dẫu đi xa, vẫn giữ cố thái; giao du thật không có thú gì.
Hôm nay đi chơi Château d'If,
là một cái thành cổ, ở trên cái đảo nhỏ, ngoài bể, cách Marseille mấy dặm. Ra
bến Canebière đã có sà-lúp sẵn, chạy chừng nửa giờ thời đến nơi. Ra đến bể,
trông vào trong bến lố nhố những thuyền tàu, trong phố chồng chất những nhà
cửa, thật là vui mắt.
Tra trong sách, đảo If
này có 290 thước dài, 168 thước ngang, và 850 thước quanh. Tàu đỗ trước một con
đường nhỏ sẻ vào trong đá. Đường gồ ghề khúc khuỷu, trèo lên thời tới thành,
đấy có mấy cái nhà trước dùng làm trại lính, sở pháo binh và kho thuốc đạn; bây
giờ có một hàng cơm cho khách du lịch nghỉ ngơi ăn uống.
Lạ nhất là cái lâu thành (le donjon), ngoài có một cái cầu cất (pont-levis),
có khắc chữ năm 1592, là năm dựng ra thành này. Trông địa thế thời hình vuông,
nhưng bốn góc có bốn cái tháp tròn, ba cái bằng nhau, còn một cái về phía tây
vừa cao vừa tròn hơn.
Thành này dựng ra chủ ý để dùng làm ngục giam của Nhà nước; khác nào
như thành Bastille (Tàu dịch là
Ba-ti-đích) ở phương Nam
vậy. Chính tay vua François thứ I đặt viên đá thứ nhất ngày 20 tháng 12 năm
1524, dưới viên đá ấy có đặt một lọ dầu, một lọ rượu và một hộp sắt đựng lúa mì
và một mảnh da đề ngày tháng khởi công. Năm ấy vua François thứ I ngự du Nam phương để
cám ơn dân Marseille đã có công giúp đánh được kẻ thù của vua là quận công
Bourbon. Dân mở hội mừng vua, đặt ra một cuộc hải chiến, giả lấy quả cam làm
đạn ném; vua chơi đùa vui vẻ lắm, sau về Paris
vẫn còn nhớ buổi hôm ấy, trong sử còn ghi chép.
Ngày nay thành If không
còn dùng gì về việc quân phòng nữa, thiên hạ ai ai muốn vào xem cũng được, ngày
thường phải một quan, chủ nhật và ngày lễ 0f.25. Có người lĩnh trưng phát vé
thu tiền ở đấy, mỗi năm phải nộp vào công quĩ Nhà nước 30.075 quan, như thế thì
hơn bù kém số người đến xem mỗi năm trung bình cũng được từ 5 đến 6 vạn người.
Ở trong lâu thành coi cũng buồn rứt như các nhà ngục khác; ở giữa có
một cái sân vuông cũng khá rộng, chung quanh có 14 cái ngục tối, bây giờ mở
rộng ra hơi có chút khí trời và ánh sáng, chớ xưa kia thời có lẽ không khác gì
cái hầm chôn người sống vậy.
Năm cái ngục ở từng dưới, vào xem đấy trước. Có hai cái tương truyền là
Edmond Dantès và cố Faria trong bộ tiểu thuyết trứ danh đề là Bá tước Monte
Cristo của ông Alexandre Dumas[13],
bị giam ở đấy, một người 14 năm, một người 18 năm.
Cứ xem tường dầy như thế, ngục sâu như thế, thời biết những người phải
giam ở đấy khổ biết chừng nào! Những người nào đã đọc bộ tiểu thuyết của ông
Dumas rồi mà đến xem đấy, thật không khỏi rùng mình.
Người ta có kể chuyện chính ông Dumas một hôm cao hứng muốn đi xem lại
mấy cái ngục ông đã tả trong bộ tiểu thuyết. Bấy giờ coi ở đấy và dẫn khách đi
xem có một lão già tên là lão Grosson. Lão đưa ông đi xem khắp các ngục, đến
cái ngục cố Faria, lão chỉ cho ông xem cái lỗ hổng của cố đục qua tường bằng
một cái xương cá để thông với ngục Bá tước, thuật y như lời trong tiểu thuyết
của ông, rồi nói rằng: “Ông cứ về mua lấy bộ tiểu thuyết của ông Dumas mà xem
thì biết hết chuyện”… Ông Dumas bèn nói: - Chà! Ông Dumas ấy giỏi nhỉ! Thế lão
có biết ông không? - Có, tôi biết lắm, ông là bạn thân của tôi. - Ông Dumas nắm
lấy tay lão, đưa cho hai đồng tiền vàng, cười mà rằng: - Thế thì ông ấy cám ơn
lão nhé! - Lão ngẩn người ra, không hiểu ra làm sao.
Ở cửa ra, về bên tay trái, có một quyển sổ để cho khách du lịch ai muốn
biên gì làm kỷ niệm thì biên. Xem những lời biên trong ấy, nhiều câu lạ lắm. Có
một câu như sau này của ông nghị viên Clovis Hughes biên ngày mồng 4 tháng 9
năm 1894, tưởng đủ diễn được cái cảm giác chung của khách du lịch đến xem đây;
lời rằng:
“Thành này từ xưa đến giờ vẫn dùng làm chốn lao lung cho quyền áp chế.
Ước gì về sau này chỉ trông thấy cái cảnh tượng lòng bác ái chứa chan trong
thiên hạ, cũng như ánh mặt trời chói lọi mặt bể khơi!”.
Ai đến xem đây, khi trở về chắc trong lòng cũng ước ao như vậy.
Thứ tư, mồng 10.
Ăn cơm trưa ở nhà quan cai trị X… Quan ở bên Đông Dương là một tay hách
dịch có tiếng, nay hạ cố mời chúng mình thế này cũng đã là nhũn lắm. Nhưng cái
không khí đây không giống cái không khí bên mình, đây là thuộc về ôn đới, nên
cũng mát mẻ dễ chịu hơn ở nhiệt đới nhiều.
Quan đây có tiếng là người thâm lắm, nhất là đối với bọn quan lại ta.
Thấy nhiều ông quan người mình nhu nhược và đê tiện quá, ông cũng tức thay, và
thường làm lắm cái thủ đoạn “chơi khăm”, kể cũng “điếng” cho bọn kia, mà bọn
kia vẫn không hiểu, vẫn không biết phấn chấn tự cường lên chút nào.
Người Tây thường có tính “hiếu thắng”, nghĩa là mạnh bạo tự cường, muốn
cho kẻ khác đối đãi với mình cũng có cái tính ấy; nhưng người Việt Nam ta đối
lại, - nhất là trong bọn quan liêu, - thời lại nhu nhược rút rát quá, nói không
dám nói lời thẳng, đứng không dám trông ngay mặt, tựa hồ như kính sợ mà kỳ thực
là siểm mị một cách đê tiện; người ngoài người ta trông thấy vô nhân cách như
thế cũng phải tức thay, tức mà sinh ghét, ghét mà muốn nhục đãi cho xấu hổ để
chừa đi, nhưng không biết rằng những kẻ ấy nhiều khi không còn biết xấu hổ là
gì vậy.
Nói ra thời mất lòng người mình, nhưng tưởng trong xã hội ta có nhiều
thứ người đãi đến thế nào cũng đáng.
Thứ năm, 11.
Sáng sớm hôm nay, 6 giờ 30, tàu Amboise ở
Đông Dương sang vừa đến bến. Quan Toàn quyền Long và quan chánh Văn phòng
Châtel đi chuyến tàu này. Vậy cùng anh em dậy sớm ra bến Pinède đón. Lên tàu chào các ngài,
các ngài tiếp chuyện ân cần vui vẻ. Quan Toàn quyền nói ngài chỉ ở Marseille
vài bữa, rồi lên Paris
ngay để thương thuyết với quan Thuộc địa Thượng thư nhiều việc.
Đón quan Toàn quyền rồi, về trọ sửa soạn hành lý để sớm ngày thứ bảy đi
Paris . Trong
bọn phái viên có ba ông cùng đi với mình. Mấy người bàn nếu đi thẳng lên Paris
luôn một ngày thì nhọc lắm, và không được xem thành phố Lyon, là nơi đô hội thứ
nhì của nước Pháp, vậy định hẵng đi từ Marseille lên Lyon, ở đấy mấy bữa, rồi
sẽ lên Paris.
Về phần riêng mình thì từ hôm tới Marseille đến giờ nhận được mấy cái
giấy ở Paris giục lên diễn thuyết, vậy thể nào
cuối tháng này cũng phải có ở Paris , và nếu ở
chơi Lyon cũng không thể ở lâu được. Nói đến
diễn thuyết, lại càng sốt ruột quá. Mình đã chọn mấy cái đầu bài, định soạn
trước từ hôm mới đến đây, vậy mà đã một tháng nay chưa viết được dòng nào cả!
Song sang bên này, sao mà thấy thì giờ nó mau thế: ngày nào cũng đi ăn hai bữa,
dạo chơi mấy vòng, thế là tối ngày. Tối đến cũng phải tiêu dao phố phường, cho
nó biết cái phong vị bên Tây, thành ra không có mấy thì giờ mà nghĩ mà viết cả.
Nhưng mình sang đây là để quan sát, phải đi đây đi đó, xem thấy cho nhiều, nếu
đến đây mà cũng đóng cửa buồng ngồi làm văn như ở nhà thì còn có ích lợi gì.
Thôi, diễn thuyết mặc diễn thuyết, bao giờ đến kỳ sẽ hay.
Thứ sáu, 12.
11 giờ sáng hôm nay, quan Toàn quyền Long vào xem Đấu xảo. Bọn phái
viên ta cũng phải vào đón ngài ở trước sân đình trong phố Hà Nội.
Thôi, lần nghênh tiếp này có lẽ là lần cuối cùng, vì sớm mai mình sẽ
dời thành Marseille mà lên Paris ,
đoạn tuyệt quan hệ với sở Đấu xảo vậy. Mình ở Đấu xảo trong bấy lâu, cũng đã
cùng anh em “đấu xảo” được nhiều lần rồi, và có lẽ hình ảnh mấy bác “thân hào
Việt Nam” ta cũng đã thu trong kính ảnh, in vào “phim” bóng rồi, một ngày kia
sẽ được truyền đi khắp các nước. Bao giờ ảnh chúng mình đem ra chớp bóng ở mấy
rạp bóng Hà Nội hay Sài Gòn, cho bà con nước nhà xem, biết mình đi Tây có công
cán như thế, bấy giờ mới thật là vẻ vang!
Buổi chiều đi từ biệt mọi người để sáng mai đi sớm.
VII
Thứ bảy 13 tháng
5 năm 1922
(Ở khách sạn
Terminus, Lyon ).
Sáng hôm nay dậy sớm để đi chuyến xe lửa 8 giờ 30 lên Lyon .
Tối hôm qua đã thức khuya sửa soạn hành lý. Hồi ở nhà đi đem một cái hòm (cái
rương) lớn đựng quần áo với một cái vali to đựng đồ vặt. Khi lên tàu xuống tàu
mới biết rằng lịch kịch bất tiện quá: đi xa không nên đem hòm lớn, nếu có nhiều
đồ thời để san ra làm mấy cái vali tiện hơn. Vả cũng không nên đem nhiều đồ
quá. Ai cũng tưởng rằng đi xa phải phòng bị cho đủ thứ, nhất là đồ ăn mặc;
nhưng mà giá đi những phương xa lạ đâu đâu, chắc rằng không có đủ những thức
mình cần dùng, thời phòng bị như thế là phải; chứ đi sang Tây thời cần gì? Chỉ
sợ không có nhiều tiền mà sắm đồ thôi, không lo thiếu đồ dùng. Càng kỹ bao
nhiêu thời lại càng phiền bấy nhiêu. Như cả ngày hôm qua lo về đồ đạc hòm đũng
thời đủ biết. Đành là không thể đem cái hòm lên Paris được, phải gửi lại nhà trọ ở Marseille
và mua thêm một cái vali nữa để đựng những đồ cần dùng. Vả những đồ quần áo
trong hòm cũng không dùng đến, vì phần nhiều là quần áo An Nam cả, khi ở nhà
đi, tưởng sang bên này cứ giữ quốc phục, sang đến đây mới biết rằng không tiện.
Mình sang đây là để xem người, không phải cho người xem mình; như vậy mà cứ
thướt tha như anh lễ sinh, đi nghênh ngang ngoài đường phố, thời khác nào như
làm một cái vật “đấu xảo” giong đường cho người quý quốc xem, nghĩ nó cũng dơ
dáng dạng hình quá! Bởi thế nên từ ngày tới Pháp đến giờ, phải bận Âu phục
luôn, trừ những khi dự các hội tiệc thời mặc quốc phục cho trọng thể. Còn nhớ
mấy ngày đầu mới ăn mặc Tây, rõ phiền quá. Tôi bắt đầu thử mặc Tây tự Sài Gòn
đi, để tiện xuống chơi các bến tàu đỗ. Hôm xuống Tân Gia Ba là ngày mặc Âu phục
lần thứ nhất: hôm ấy trời lại nóng nực, mình quen mặc rộng rãi thênh thang, bây
giờ bó buộc như thằng hình nhân, lấy làm khổ quá; nào là quần trong, quần
ngoài, nào là áo “sổ mi”, nào là “bờ-lơ-ten”; khổ nhất là đeo cái “phô-côn” cho
ngay ngắn, thắt cái “cà-vạt” cho dễ coi. “Cà vạt” có thứ đã thắt sẵn, chỉ việc
cài vào mà thôi; có thứ mình phải thắt lấy. Trước khi mua đã phải hỏi ý các ông
sành mặc Tây, ông nào cũng bảo rằng thứ thắt sẵn chỉ để cho các ông già dùng,
còn người trẻ phải thắt lấy mới là lịch sự. Nhưng khốn quá, mình tập thắt mãi
mà nó vẫn cứ nghiêng vẹo, lệch lạc, xô xếch, răn reo, không thấy “lịch sự” một
chút nào cả! Cực nhất là lúc tàu đã đến bến rồi, anh em đợi để lên ăn cơm ở cao
lâu trên phố, mà mình ở trong buồng cứ loay hoay thắt với buộc mãi không xong,
bấy giờ đỏ mặt tía tai lên, muốn quăng cả đi, nghĩ bụng rằng: “Thôi, chẳng Tây
thì đừng Tây, mỗi lần thế này khổ quá”. Sau cũng phải nhờ có tay giúp mới buộc
xong. Nhưng mà cho hay muôn sự tại thói quen cả, hôm đầu khó nhọc như thế, đến
ngày thứ nhì thứ ba đã thấy dễ rồi; cách một tuần lễ thời buộc cái “cà-vạt”,
thấy dung dị như thường, và soi gương coi đã ra vẻ lắm rồi! Khi đến Marseille
thời nghiễm nhiên như ông Tây “đặc”, tưởng hình như mình vẫn mặc Tây đã mấy
mươi năm rồi; không những cách ăn mặc mà dáng bộ cũng hệt: tay bỏ túi quần, tay
cầm gậy “can”, không còn ngượng ngập gì nữa. Nghĩ bụng giá bấy giờ cứ thế mà
hiện hình về giữa phố Hàng Đào Hàng Ngang Hà Nội thời chắc ai cũng phải cho là
một cậu “công tử bột” chân chủng! Lại nghĩ rằng nếu văn mình mà chỉ có thế
thôi, thời cũng dễ quá: chỉ mất sáu trăm quan là được cái lốt văn minh như hệt,
và theo “mốt” tối tân, các “công tử” nước nhà không sao theo kịp: áo thắt ngang
lưng, quần nếp thẳng băng, cổ là bóng nhoáng, giầy sơn đen nháy, lại phủ một
miếng da trắng ở trên cho khỏi bụi (thế mới hợp “mốt” năm nay)… Nhưng mà mình
vẫn biết đã lâu rằng văn minh không phải ở cái lốt ngoài đó. Chẳng qua là đến
đâu phải theo tục đó mà thôi. Nhưng mà có một điều nên biết, là người mình có
tính mềm mại, uyển chuyển, không bắt chước người thì chớ đã bắt chước thì cũng
chẳng kém gì ai, nhất là về cách ăn mặc, có khi người mình ăn mặc Tây lại còn
óng ả riêm rúa hơn nhiều người quí quốc…
Vậy bao nhiêu hành lý để cả Marseille và chỉ đem hai cái vali đựng quần
áo tây với mấy bộ quần áo An Nam để phòng khi dùng đến; còn thiếu cái gì, lên Paris sẽ mua.
Tự Marseille lên Paris, nếu đi luôn thì tự 8 giờ sáng đến 10 giờ đêm
tới nơi, hai bữa ăn ở trên xe lửa cả. Nhưng đi thế nhọc, vả cũng không vội gì
mà phải đi như thế. Bèn định đi làm hai độ: hẵng tự Marseille lên Lyon trước, ở
chơi đấy vài ngày, rồi sẽ đi lên Paris
sau. Vậy mấy bữa trước đã lấy vé xe lửa lên Lyon
rồi, vì ở đây định đi chuyến xe nào về ngày nào phải lấy vé mấy ngày trước và
dặn người ta giữ chỗ cho, nếu chính ngày giờ ấy mới đến lấy vé ở ga thì không
kịp và nhiều khi không còn chỗ. Trong thành phố có đặt ra nhiều sở phát vé
trước như thế, người nào đến lấy vé trước, mất một vài quan tiền hoa hồng, thời
tuỳ ý trong hạng mình muốn chọn ngồi chỗ nào cũng được, vì thường thường ngồi
vào chỗ góc về mặt trông ra ngoài đường thời vừa dựa được và vừa tiện xem phong
cảnh hơn là ngồi về bên lối đi (xe lửa bên này có ba hạng và chỗ ngồi sắp đặt
cũng như hạng nhất hạng nhì xe lửa bên ta, nghĩa là ngồi một bên và một bên có
lối đi, chỉ khác hạng nhất hạng nhì có đệm êm và hạng ba thì không, cũng như
bên ta).
Đi tự Marseille lên Lyon , vào hạng
nhì, giá chừng 60 quan. Muốn ăn cơm ở trên xe thì sau khi lên xe phải lấy một
cái vé giữ chỗ ngồi ăn, giá ăn chừng 10 quan một bữa. Trong xe lửa đã có hai ba
cái toa đặt làm buồng ăn, và có bếp nước đủ cả.
Đường xe lửa tự Marseille lên Paris qua
Lyon gọi là đường Paris - Lyon - Méditerranée, viết tắt là
đường P-L-M) là đường dài nhất và quan trọng nhất ở Pháp, do một công ty lớn
kinh doanh. Những chuyến xe chính, nghĩa là đi qua các tỉnh lớn, không đỗ những
ga nhỏ, như chuyến 8 giờ sáng chạy Lyon và Paris thì chạy mau lắm, đến 80 cây
một giờ, đó gọi là những chuyến xe “thường tốc” (express); lại còn những
chuyến chạy thật mau, gọi là “thượng tốc” (rapides), thường chạy ban
đêm. Ngoài những đường chính đó, chà chạnh ra hai bên, chằng chịt như mạng
nhện, có vô số những đường nhỏ, nối các tỉnh lỵ bé, các huyện, các tổng, các
làng với nhau; hạng xe lửa này gọi là xe lửa nhà quê (trains omnibus),
chạy chừng 20 đến 30 cây một giờ, đến ga nào cũng đỗ, cũng giống như các xe lửa
bên ta.
Tự Marseille lên Lyon đỗ có mấy tỉnh lớn là: Arles , Tarascon, Avignon ,
Orange , Montélimar, Valence ,
Vienne , nhưng mỗi chỗ đỗ có mấy phút, không đủ
xem gì cả. Duy nhận kỹ cái phong cảnh hai bên đường, thời khi đi chừng được non
nửa đường thấy khí vị khác hẳn. Tự Montélimar trở xuống thời khí hậu ấm áp,
phong cảnh sáng sủa, đó là thuộc về Nam phương, có cái cảnh sắc riêng của xứ
Provence, cũng còn phảng phất như ở Marseille. Nhưng càng đi lên thì càng thấy
dịu dần, sắc trời bớt sáng, khí trời bớt ấm, phong cảnh đã hơi có ý đìu hiu;
người đãng trí đến đâu cũng nhận biết ngay rằng đã dời đất nam phương mà chuyển
lên bắc phương vậy.
Đến Lyon vừa đúng 2 giờ rưỡi chiều.
Ngay cạnh nhà ga “Lyon - Perrache”
có một cái khách sạn lớn gọi là Hôtel Terminus của công ty xe lửa P-L-M đặt cho
hành khách trọ. Mấy anh em đều xuống nghỉ cả đấy. Nhà khách sạn này lịch sự lắm
và chỉ nhận những khách đi xe lửa mà thôi.
Nghỉ ngơi một lát, chừng 4 giờ đi chơi phố. Mới ở Marseille lên, thấy
cảnh tượng phố phường ở đây lạ hẳn. Lyon là thành phố thứ ba của nước Pháp,
dưới Paris và
Marseille, thế mà không có cái vẻ sầm uất như ở Marseille. Không phải là thành
phố không to lớn, buôn bán không thịnh vượng - đây chính là nơi tổ nghề tơ lụa
ở nước Pháp, bao nhiêu những đồ tơ lụa có tiếng của nước Pháp đem bán ở các
nước là chế tạo tự đây, xuất cảng tự đây cả, - không phải là dân số ít, - vì
dân đây cũng hơn 50 vạn người chẳng kém gì Marseille, - thế mà đến đây có cái
vẻ bình tĩnh nghiêm trang, không có phiền náo rộn rịp như ở Marseille. Là bởi
cái cảnh tượng bề ngoài với cái tư cách người ta, ở Nam phương với ở đây cách xa nhau
lắm. Lyon tuy chưa hẳn là Bắc phương, nhưng đã
có cái khí vị Bắc phương rồi. Người Marseille hay nói hay cười, hay ba hoa bả
lả, hay ngao du ngoài phường phố, hay tụ tập chỗ đông người, lại hay đùa nhau,
bỡn nhau, chửi nhau, đánh nhau, nên trong thành phố lúc nào cũng ồn ào những
tiếng người, rộn rịp những xe chạy. Lại thêm trời thường sáng sủa, nắng ráo, ấm
áp, bảnh bao, cho nên đầy trong không khí như có cái vẻ vui vẻ tươi cười. Ở Lyon thời thật là khác: người đây trầm tĩnh, điềm đạm, ít
nói, ít cười; coi bộ những người đi ngoài phố như ai cũng có việc gì mới đi,
chứ ít người đi chơi phiếm. Còn cảnh sắc thời thường u ám, hay có sương mù ở
sườn núi mặt sông. Cảnh ấy người ấy làm cho thành phố Lyon
có một cái khí vị nghiêm và buồn.
Địa thế thành Lyon đẹp lắm; ở giữa nơi
hợp lưu hai con sông Rhône và Saône, chung quanh những núi non xanh
rì, nhà lầu chồng chất, trông thật là kỳ tú. Không cảnh gì đẹp bằng đứng trên
bờ sông mà ngắm dải trường giang xanh ngắt, trên có hơn chục cái cầu bắc song
song. Một bên sông Rhône, một bên sông Saône, bao bọc thành phố như hai con
trường xà; những phố phường ở giữa hai sông là nơi đông đúc, đẹp đẽ nhất.
Mấy anh em cùng đi chơi phố, đi bộ từ 4 giờ đến 7 giờ, kể cũng đã nhiều
đường đất. Mình từ khi sang Tây đến giờ, được cái đi bộ giỏi. Ở nước nhà, bước
bước lên xe, sang đây ra đến cửa phải cuốc bộ, nó cũng quen đi. Nhưng phải biết
rằng đi bộ bên này có cái thú riêng, không khổ như bên mình: đường phố rộng rãi
sạch sẽ, hai bên hè rộng bằng đường bên ta, cả năm không bao giờ có cát bụi,
nắng không có nắng to vỡ đầu, mưa không có mưa dầm lầy lội, như thế mà thủng
thẳng cắp cái “can” sau lưng đi dạo các phố phường, khi dừng lại xem các cửa
hàng, lúc vui chân theo khách qua lại, lại lúc ngửng mặt nhìn bức phong cảnh,
ung dung thơ thẩn, không vội vàng gì, như thế chẳng thú lắm dư? Chẳng bù với
bên mình, đường phố đã chật hẹp, lại bẩn thỉu, hai bên đường thời những nước
cống chảy đen xì, mùi hôi tanh, cả năm trừ mùa mưa dầm với mùa nắng hạ bước
chân ra đường là cái tội, duy có mùa tạnh ráo thời lại là mùa hanh, đi ngoài
đường gặp cái xe ô tô chạy qua thời mồm, mũi, tai, mắt như hứng lấy một rổ bụi
ném vào; như thế phỏng còn sướng gì? ở đời không có cái thú gì giản dị và rẻ
tiền bằng cái thú đi thơ thẩn ngoài đường, ngắm người ngắm cảnh. Cái thú ấy ở
nước ta cũng ít khi được hưởng. Ở đây thời sự đi tản bộ ngoài đường phố không
những là một cái thú vui, mà lại là một bài học cho khách du lịch nữa, vì trong
khi đi thơ thẩn như thế, xem xét được nhiều điều hay, và khác nào như hô hấp
sâu được cái không khí riêng của cái nơi mình ở. Rồi sau về nhà hồi tưởng lại,
nhớ đến một cái góc phố kia, một cái cửa hàng nọ, một cái nét mặt người, một
cái giọng cười nói, cũng đủ hình dung được cái cảnh tượng, cảm giác được cái
linh hồn những nơi mình đã qua. Tôi cho là thật người du lịch phải đi bộ, và
nói ra thì có người cho là hủ lậu, nhưng cách du lịch không gì bằng đi võng đi
cáng như các cụ ta đời xa. Đến xem xét một xứ nào mà chạy cái xe hơi vùn vụt,
như muốn cho chóng xong để đi nơi khác, như thế còn có thú vị gì, và còn xem
được gì?
Buổi chiều hôm nay đi tự nhà ga Perrache
đến nơi công trường Bellecour,
rồi lên xe điện ra nơi công viên Tête
d'or, vào trong vườn chơi mãi đến tối mới về. Công trường Bellecour và công viên Tête d'or là hai nơi thắng cảnh đệ
nhất thành Lyon . Công trường Bellecour là một cái sân lớn rộng
thênh thang, hình chữ nhật, bề dài 310 thước, bề ngang 200 thước, trong có
những vườn cây, máy nước, và ở chính giữa có một cái tượng lớn vua Louis thứ 14
cưỡi ngựa. Chỗ này là chỗ họp tập những người sang trọng ở thành Lyon , chiều chiều ra chơi mát, uống rượu, nghe kèn. Người
ta nói nội các công trường (places publiques) trong thế giới, nơi này có
lẽ vào bậc nhất nhì, kiểu cách với bề thế cũng chẳng kém gì nơi Cộng hoà trường
(Place de la Concorde) ở Paris .
Còn công viên Tête d'or thời
tuy gọi là cái vườn nhưng thực là một cái rừng nhỏ, có cây rậm, có hồ trong, có
trại động vật, có trại thực vật, cũng là một chỗ đi chơi thanh thú.
Bẩy giờ rưỡi về khách sạn ăn cơm tối. Chỗ này ăn uống lịch sự, người
hầu hạ rất mực phép tắc, khách ăn cũng toàn người sang cả.
Ăn cơm xong lại đi dạo chơi phố một hồi, cho biết cái cảnh tượng Lyon ban đêm. Sánh với Marseille vào giờ này thì thật
buồn rứt; trừ mấy chỗ có nhà cà-phê còn có người ngồi, đến các nơi khác từ 9
giờ trở đi là vắng tanh. Về trọ ngủ cũng yên lặng và im phăng phắc, không có
tiếng người tiếng xe như ở Marseille…
VIII
Hai ngày hôm nay đi chơi khắp trong thành phố, toàn đi chân cả, trừ chỗ
nào có xe điện không kể.
Hôm qua chủ nhật lại vừa ngày hội Bà thánh Jeanne d'Arc, ngày
hội này bắt đầu từ năm nay đặt thành một ngày quốc hội. Tám giờ sáng có điểm
binh ở công trường Bellecour.
Cả binh lính, cả người xem, kể có vạn con người, thế mà đứng vừa cả, đủ biết
nơi công trường này rộng là dường nào.
Xem điểm binh xong, lên xem nhà thờ lớn Fourvières. Nhà thờ này cũng là một cái kỳ công rất vĩ đại. Xây
ở trên cao nguyên Fourvières là
nơi phát tích thành Lyon, khởi công tự năm 1872 đến năm 1896 mới xong; bề dài
86 thước, bề ngang 35 thước; có bốn cái cột bát giác cao 50 thước. Nhà thờ xây
bằng đá cả, còn kiểu là thuộc về kiểu tạp, vừa có kiểu Hi Lạp, vừa có kiểu byzantin,
vừa có kiểu hình trám (ogival). Cửa tiền có bốn cái cột làm bằng phiến
đá một, cao hơn tám thước, cánh cửa bằng đồng coi lực lưỡng lắm.
Trên đỉnh một cái cột bát giác có đặt nơi gọi là “quan sát đài” (observatoire),
đứng đấy có thể trông được khắp cả các vùng chung quanh, những buổi tạnh trời
trông tới 150 cây-lô-mét xa. Lên đến đấy phải trèo 316 bậc, đã thấy chồn chân.
Ở trên có để một cái “phương hướng biểu” (table d'orientation), biên rõ
cả các nơi có thể chiếu ống kính trông thấy được; về phía Đông, những buổi sáng
trời, trông thấy cả núi Bạch Sơn. Nhưng bữa mình lên thời trời lại u ám, chẳng
thấy gì; đứng trên trông xuống chỉ thấy một đám sương mù toả che cả nơi thành
phố, vì thành Lyon này chung quanh những núi cả, khác nào như ở trong lòng
chảo, ngày nào cũng sương mù trên núi dồn xuống, có khi cả ngày không tan hết.
Vùng này là chỗ phát tích thành Lyon
đời xưa. Năm 43 trước Gia-tô giáng sinh, người La Mã đến di dân ở đây lập ở
trên núi Fourvières một cái
trại đặt tên là Lugdunum. Đến đời vua Auguste nước La Mã đặt đây làm thủ
phủ đất Gaule Celtique về thế
kỷ thứ hai và thứ ba sau Gia-tô. Tỉnh thành hồi bấy giờ hai ba lần bị cháy, dữ
nhất là năm 59 và năm 197 sau Gia-tô. Nhưng sau khôi phục dần lại và mỗi ngày
một bành trướng ra. Nhưng gốc tích là ở trên chỗ cao nguyên này; ngày nay những
di tích còn đầy cả, nào là mảnh bia, mảnh tượng, mảnh tường, nhiều chỗ còn có
từng dòng chữ cổ chưa phai. Đằng sau nhà thờ, có một con đường dốc hẹp đi len
lỏi trên sườn núi, hai bên đường đầy những mảnh đá cổ, khác nào như một cái
vườn bác cổ vậy, tuy bỏ tự nhiên như thế, nhưng cũng có kẻ hữu ti coi việc bảo
tồn cả, vì đất này là một đất có quan hệ đến lịch sử nước Pháp.
Ở đấy ra đi lên nơi gọi là đồn Saint
Irénée, đó là một cái đồn binh cũ nay dùng làm nhà Pháp - Hoa Đại học (Institut
franco - chinois). Trường này có hơn một trăm học sinh Tàu trọ học ở đấy.
Nhân hồi chiến tranh xong, ông nguyên thủ tướng Painlevé nước Pháp có sang Tàu
cổ động cái chủ nghĩa Pháp - Hoa đề huề, tự đấy học sinh Tàu trước vẫn sang học
Đức và Mỹ bèn kéo sang Pháp nhiều lắm. Chính phủ Pháp hiệp ý với chính phủ Tàu
định đặt ra ở Lyon một trường dự bị cho học
sinh Tàu học ở đấy cho đủ biết tiếng Pháp rồi mới phân phát đi các trường đại
học và trường chuyên môn khác. Vậy trường Pháp - Hoa Đại học này là của hai
chính phủ Pháp - Hoa đặt ra, nên có hai ông đốc quản trị, một ông người Tàu,
một ông người Pháp. Vào xem trường này mà nghĩ đến học sinh An Nam mình không
có một nơi nào như thế cả; có lẽ là quý quốc nghĩ rằng đối với người Tàu là dân
một hữu bang thời phải nên biệt đãi một cách ân cần, còn như đối với người Nam
là dân thuộc quốc, nghĩa là con cái nhà, thì thế nào cũng được, ý thế chăng?…
Trường này đã phải một hồi đa sự, là hồi bên Tàu các hội học đồng thanh
với chính phủ ra công cổ động về sự du học Pháp nhiều quá, lại nói rằng học
sinh sang bên Pháp có thể vừa đi học vừa đi làm công để lấy tiền ăn học được,
nên bọn học sinh đua nhau mà sang Pháp, phần nhiều là con nhà nghèo không có
vốn liếng gì, mong đến nơi vừa làm vừa học, nên tự xưng là “cần công kiệm học”.
Nhưng số học sinh sang đông quá, lại không dè rằng khi tới nơi rồi muốn vào làm
công các xưởng, bị bọn thợ Pháp phản đối và ngăn trở, sợ tranh mất việc làm,
thành ra nhiều người bơ vơ làm không có chỗ làm và học cũng không thể học được.
Hồi ấy trường Pháp - Hoa Đại học này đã có rồi, và theo quy tắc chỉ nhận học
sinh do chính phủ Tàu theo chính thức gửi sang và có hội Trung Hoa giáo dục ở
Paris đảm nhận. Còn bọn “cần công kiệm học” kia, phần nhiều là tự ý sang lấy,
thành ra vô thừa nhận. Bọn đó, kể mấy trăm con người, cùng túng quá, dùng cách
ôn hoà xin vào không được, bèn họp nhau lại áp đảo nhà trường, rồi nghiễm nhiên
chiếm cứ, đuổi không đi nữa. Việc này lôi thôi mãi, sau hai chính phủ Pháp -
Hoa hết sức điều đình mới khuyên được bọn đó về nước, và từ bấy giờ không cho
sang thêm nữa.
Cạnh nhà trường có một nhà hàng cơm Tàu, nhân tiện vào ăn cơm đấy. Lâu
nay mới được ăn cơm, lấy làm sướng quá; ăn cơm đây thuần là học sinh Tàu cả, họ
trông thấy mình họ cũng tưởng là người Tàu, nhưng cho là người một tỉnh khác họ
không biết tiếng.
Hôm nay đi chơi nốt các phố phường và vào xem nhà bảo tàng các đồ dệt (Musée
des Tissus), có đủ các kiểu đồ dệt bằng vải cùng bằng tơ lụa của các nước
từ đời xưa đến đời nay.
Tiếp chuyện một ông thanh niên văn sĩ, lại chính là ông diễn thuyết ở
Marseille mấy tuần trước. Ông đã đỗ cử nhân, vừa học trường đại học (để thi Agrégation),
vừa làm thơ vừa làm văn, xem ra ông sính thơ văn lắm, và cũng tự đắc lắm, bình
phẩm các danh sĩ đương thời không cho ai ra gì cả. Cho hay những hạng văn sĩ
lỏi ở nước nào cũng như nước nào.
Xem thành Lyon thế này cũng gọi là tiềm tiệm đủ rồi, vậy anh em định
sớm mai lên Paris
chuyến xe lửa thứ nhất. Chiều hôm nay đã lấy vé sẵn cả rồi.
Thứ ba, 16 tháng
5.
Ngày hôm nay đi xe lửa đã nhọc, đến Paris lại đi dạo phố phường 3, 4
giờ đồng hồ luôn để nhận phương hướng, tối mệt quá, nhưng lạ chỗ cũng không ngủ
được, bèn đem tập nhật ký ra biên. Song cầm bút mà không có hứng viết một chút
nào. Vậy cái cảm giác ngày thứ nhất ở Paris ,
phải để hôm nào tinh thần thư thái hơn sẽ thuật, bữa nay gọi là ghi chép cái
ngày giờ đến đây cho nhớ về sau mà thôi.
Sáng đi chuyến xe lửa 6 giờ 30 tự Lyon lên, chuyến này cũng là chuyến
“thường tốc” (express) như ở Marseille lên Lyon .
Đi hạng nhì giá 71 quan. Trong mấy anh em, có ông Nguyễn, ông Trần và mình đi
bữa nay, còn ông Vi và hai cậu con thời còn ở lại Lyon để lên chơi Macon có người quen, rồi sau này mới
lên Paris. Bữa trước ở Marseille lên Lyon, càng lên phía bắc càng thấy trời hiu
hắt, có khi lạnh; bữa nay ở Lyon lên Paris
thời càng lên lại càng thấy nắng và nóng, cái đó cũng lạ. Là bởi năm nay nghe
chừng mùa hạ ở Paris
nóng khác thường; bây giờ mới là tháng 5, kể còn là xuân, thế mà khí nóng đã
như hạ rồi. Mình vốn yếu chịu lạnh, đến mùa lạnh ở Bắc Kỳ chịu cũng đã khó
thay, nên khi đi vẫn sợ sang bên này gặp lạnh thời đến phát đau mất. Nhưng mà
may sao đến đây giữa vào cuối xuân sang hạ, mà hạ năm nay lại có ý nóng hơn mọi
năm như thế này, thật là trời tựa một anh con xứ nhiệt đới.
Đúng 3 giờ trưa xe lửa đến Paris
đỗ ở nhà ga gọi là Gare de Lyon.
Ngồi trên xe lửa mình đã đọc kỹ cái sổ kê những nhà khách sạn ở Paris,
in trong các sách “Paris chỉ nam”, anh em đã bàn nhau định vào trọ một nhà ở
đường Vaugirard, vì trong sách nói rằng nhà ấy trông ra vườn Luxembourg, cảnh trí đẹp lắm. Nhưng
khi đến nơi, bảo xe ôtô đưa đến đường ấy số ấy thì chẳng thấy nhà khách sạn đâu
cả, không biết là sách in lầm hay là nhà đã dọn đi nơi khác rồi. Thế là mình
rắp định một điều hỏng cả một điều, mà sự không trông hòng thời lại tới. Số là
ông Ng. H. C. là con một vị hưu quan ở Bắc Kỳ ta, được tin anh em đến có ra ga
đón, khi tìm trọ ở đường Vaugirard không xong, ông bèn dắt về chỗ trọ ông, nơi
gọi là “Thế giới khách sạn” (Hôtel du Monde), ở đường Berthollet số 15.
Thế là sang đất lạ lại được ở cùng người đồng quận, cũng là một sự không ngờ.
Thôi đêm đã khuya, cố đi ngủ, để mai đi chơi sớm.
IX
Bấy lâu khao khát được đến Paris ,
nay đã nghiễm nhiên ở Paris
rồi đây. Lúc còn mơ tưởng Paris ,
tưởng được trông thấy mừng rỡ xiết bao. Nay đã đến nơi, thấy điềm nhiên như
không, tựa hồ như mình ở đây đã lâu năm rồi. Sáng ngày thức dậy, mở cửa phòng
trông ra ngoài phố, mơ màng như vẫn ở nước nhà, sực nhớ ra mới biết rằng mình
đương ở một nơi đô thành đệ nhất trong thế giới. Nghĩ người ta cũng lạ: mơ
tưởng cái gì mà chưa được thì bồn chồn háo hức, tưởng được rồi sướng không biết
bao; đến khi được thật, thấy cũng chẳng sướng hơn gì trước, đã sẵn lòng coi
thường, coi rẻ. Không biết rằng sự sướng, sự khổ, sự vui, sự buồn ở đời, không phải
là bừng bừng như lửa cháy, cuồn cuộn như nước lên, vụt phát ra, vụt biến đi,
như trong khi diễn kịch ở trên sân khấu. Phàm tình cảm của người ta, phải dần
dần dà dà, nhật tẩm nguyệt tí, lâu ngày đằm thắm, mới thật là chân tình; còn
ngoại giả là những sự háo hức nhất thời mà thôi, càng nóng nẩy bao nhiêu, lại
càng dễ nguội bấy nhiêu.
Một nơi đô hội lớn như Paris này, chắc là
có một cái tinh thần riêng, một cái “hồn” riêng; cái hồn ấy, không thể trong
một buổi mà cảm giác được. Mà có cảm giác được cái “hồn” ấy, mới thật là biết Paris , chứ không phải xét
cảnh tượng bề ngoài mà đủ biết. Mình còn ở đây lâu, thử cố xem có cảm được cái
“hồn” thiêng của một nơi danh thắng đệ nhất trong hoàn cầu. Chớ nên vội vàng
hấp tấp mà đã xét đoán theo cái cảm giác một buổi đầu.
Đến Paris ,
việc thứ nhất là phải mua một cái bản đồ, và chiếu bản đồ đi chơi mấy buổi để
lấy phương hướng. Cả buổi chiều hôm qua là đi chơi lấy phương hướng (tiếng Tây
gọi là courses d'orientation). Ở Paris có thứ xe điện ngầm
gọi là Métropolitain, nghe nói lạ
lắm. Bèn tự trọ ra nơi đỗ xe gần nhất, cũng cách đến hai phố dài. Chỗ này xe
lại không chạy ngầm mà chạy ở trên cầu, vì là chỗ trũng nhất ở Paris . Lấy vé, rồi vào xe đứng, không đầy một
phút xe chạy, chạy mau vùn vụt như tên bắn vậy, một loáng thời vào đường hầm,
tối như cái đường phố hẹp ban đêm mà có thấp thoáng mấy cái đèn điện. Tuy đi
dưới đất như thế, nhưng cũng thoáng hơi, không đến nỗi hầm lắm, vì mỗi đầu phố
lại có cửa lên xuống, xe đến nơi đỗ độ nửa phút cho khách lên xuống, rồi lại vùn
vụt chạy. Đứng trong xe thấy mỗi chỗ đỗ kẻ lên người xuống tấp nập, mình chẳng
biết đâu vào đâu cả, cứ đứng bên. Sau đứng mãi mỏi chân, đến một chỗ thấy người
ta lên mình cũng lên, thì ra xe đã chạy ngầm dưới sông Seine mà sang bên kia
sông, là chỗ phồn hoa náo nhiệt nhất thành Paris . Sau mới hiểu ra rằng lối xe điện ngầm
này là chạy vòng quanh khắp thành Paris, người nào định đi đâu thì phải chọn
đường mà đi và phải biết trước đến đầu phố nào phải xuống, không thì xe kéo đi
khắp thành phố, ra đến ngoài ô. Cho nên ở Paris này, nếu thuộc địa đồ biết
đường xe nào đối chiếu với đường xe nào, thì đi đâu cũng tiện lắm, vì các đường
sắp đặt rất khéo, đối nhau như in. Nhưng khách lạ bỡ ngỡ như mình, mới trông
vào địa đồ thật là hoa mắt rối trí, đứng trong xe thời cứ thấy chạy bắn đi, mà
nhìn chung quanh tối om như hũ nút, đến chỗ đỗ mình chưa đọc rõ tên chỗ nào, xe
đã chạy vụt đi rồi!
Ở dưới hầm lên, thấy đứng giữa một con
đường thông cù lớn, hai bên nhà cửa nguy nga, hàng quán la liệt. Mở địa đồ xem
mới biết là chỗ này gần dinh quan Giám quốc. Anh em nói đùa nhau rằng bọn mình
đến Paris, không rắp định và cũng không có tư cách vào chào ông quốc trưởng của
Đại Pháp, vậy mà tình cờ đưa chân ngay đến trước cửa dinh ngài, ấy cũng là một
sự không ngờ. Âu là ta đi dạo quanh một lượt xem hình thế cái dinh quan Giám
quốc thế nào, ấy cũng là một cách thi lễ của người khách đối với ông chủ nhà
vậy. Cơ ngơi cũng to tát rộng rãi thật, vườn tược um tùm, nhưng kể đẹp thì
không lấy gì làm đẹp cho lắm, nước Pháp tưởng còn nhiều nơi cung điện đẹp hơn
nhiều. Có lẽ lấy cái tính cách bình đẳng một nước dân chủ, ông quốc trưởng
không nên ở nơi lộng lẫy quá chăng? Xem bề ngoài không có cái gì là đặc biệt
với các nhà lầu khác, duy có mỗi cửa hai tên lính “đầu rồng” (dragons ) đeo
gươm trường đứng canh là hơi có cái vẻ quan cấm một chút. Bên ta chưa được
trông thấy thứ lính “đầu rồng” này bao giờ, chỉ được xem trong tranh, bây giờ
mới mục kích: lính này mặc áo dạ đen nẹp đỏ, đầu đội cái mũ đồng bóng nhoáng có
đuôi dài rủ xuống sau lưng, một tay cầm gươm vác vai, một tay cầm vỏ gươm kéo
xuống đất, mà người nào cũng lực lưỡng cao lớn, trông thật oai vệ. Thứ lính này
chỉ dùng về việc nghi vệ mà thôi.
Cách dinh Giám quốc một ít, lại có một cái
dinh nữa cũng có “lính đầu rồng” canh: hỏi ra mới biết là Bộ Nội vụ, trông ra
nơi công trường Beauveau. Ta thường đọc báo Tây cứ thấy trong báo nói đến các
bộ mà không có nói rõ là bộ gì bộ gì, chỉ gọi tên đường phố mà thôi, như Nội vụ
thì gọi là Place Beauveau, Ngoại vụ là Quai d'orsay, Lục quân là Rue Saint
Dominique, Thuỷ quân là Rue Royale, Bộ Thuộc địa là Rue Oudinot, v.v… cũng là
một cái thói quen riêng của các nhà làm sách làm báo, tức như bên ta gọi người
không gọi bằng tên và họ mà gọi bằng tên làng, như cụ Yên Đổ, cụ Đồng Tỉnh, ông
tú Đông Ngạc, ông đồ Lương Đường, vân vân…
Đi chơi lan man đường nọ ra phố kia, xem đã
thích mắt, nhưng còn ngơ ngác như chú Mán đường ngược xuống chơi Hà Nội vậy. Cứ
thế mà đi suốt đường thông cù Champs Elysées hai lượt, đi bên này phố từ nơi
dinh quan Giám quốc đến cửa Bắc đẩu khải hoàn môn (Arc de triomphe de
l'étoile), rồi lại đi bên kia phố tự cửa Khải hoàn về đến Cộng hoà trường
(Place de la Concorde), hai bên phố cách nhau đến trăm thước, mà con đường dài
cũng tới ngàn thước. Ngắm cảnh tượng con đường thông cù này mới biết thành Paris là lớn là đẹp.
Nhưng chắc còn nhiều cảnh đẹp nữa, ta chớ nên vội hăm hở mà nức nỏm khen như
chú Mán nọ, về chốn kinh kỳ kẻ chợ, thấy cái gì cũng lạ mắt lạ tai, mỗi mỗi kêu
lên: “Úi chà, to! Úi chà, đẹp!”. Người đi quan sát mà đứng trước một cái cảnh
tượng gì, dù to dù đẹp lạ lùng thế nào mặc lòng, không cầm được cái tiếng kêu
“úi chà!” đó, là người chưa đủ tư cách quan sát vậy. Tuy vậy, lúc ghi chép vào
quyển nhật ký này, tưởng tượng đến cái đường thênh thang đó, hai bên hai dãy
cây um tùm, một đầu sừng sững cửa khải hoàn, một đầu chon von cái cột đá (là
cột đá Ai Cập ở giữa Cộng hoà trường), kể cũng đã trang nghiêm, kể cũng đã
tráng lệ, kể cũng có khí tượng, kể cũng có hùng uy, bất giác cũng lẩm bẩm khen
thầm: “úi chà, đẹp!”. Như vậy thời cũng chửa khỏi là chú Mán mà đã dám tự cao…
Tự đường thông cù Champs - Élysées mà không
biết đi quanh đi co, đi luẩn đi quẩn thế nào, lại về đến trước cửa nhà Ga Lyon
là nơi mình xuống xe lửa lúc nãy. Đi đất tự 4 giờ, bây giờ đã hơn 7 giờ, bụng
vừa đói, chân vừa mỏi, gặp hàng cơm ở đường Lyon, vào ăn cơm tối, thế là bữa
cơm thứ nhất ở thành Paris vậy. Bữa này ăn ngon quá, duy nói đến “cơm” mà thèm
“cơm”, vì từ khi sang đây đến giờ chỉ mới được hai lần là ăn cơm gạo thật, còn
tuy gọi là “cơm” mà là “cơm Tây” cả! Cái tiếng “cơm Tây” ấy cũng kỳ; ta nói
thường quen miệng đi, ai cũng hiểu “ăn cơm Tây” là dùng đồ ăn Tây, nhưng nghĩ
ra, - mà có sang đây, không được thường ăn cơm của mình, mới nghĩ đến, - thật
không có nghĩa gì cả; cơm mà của Tây, Tây mà có cơm, thế là cái gì? Cho hay ngữ
ngôn của mỗi nước là đặc biệt cho nước ấy, xét ra cho kỹ, không có một tiếng
một chữ nào là giống nhau như hệt, kháp nhau như in được. Chẳng qua là miễn
cưỡng mà dùng, rồi dùng mãi thành quen mà thôi. Như ăn lối Tây thì gọi là “ăn
cơm Tây”, nằm lối Tây thời gọi là “nằm giường Tây”, nhưng mà “cơm Tây” với
“giường Tây” có gì là giống với cơm ta và giường ta không? Người đã ăn theo lối
Tây, nằm theo lối Tây, thì nói đến cơm Tây, giường Tây, mới hiểu là cái gì, chứ
người chưa từng ăn bánh bột mì, chưa từng nằm giường “lò so”, thì nói đến những
tiếng ấy phỏng có nghĩa lý gì? Nói mà không có nghĩa lý thì dẫu nói luôn miệng
cũng chẳng ăn thua gì. Chẳng qua là truyền khẩu như con yểng mà thôi. Ấy là thí
dụ những tiếng tầm thường về sự ăn sự nằm cũng đã cách xa nhau một vực một trời
như thế; huống những tiếng có ý nghĩa sâu xa u ẩn thì còn cách nhau đến thế
nào! Cứ xét một điều đó thì biết học tiếng ngoại quốc khó là dường nào. Học một
thứ tiếng nước ngoài mà cho đến “nhập diệu”, nghĩa là đọc một chữ lên mà tưởng
tượng hay là suy nghĩ ngay ra cái sự vật hay là cái nghĩa lý nó bao hàm ở trong
chữ ấy, đúng như trong óc một người sinh trưởng trong thứ tiếng ấy, thì phải
đến mấy chục năm, lại phải sinh hoạt theo như người nước ấy, biến hoá tâm tính
theo như người nước ấy, mới có thể được. Còn thời chẳng qua là nhồi óc cho đầy
những cái vỏ chữ của ngoại quốc, mà trong vỏ nhiều khi không có tí ruột nào. Ấy
người mình học chữ Tây đại để như thế. Có công có sức học được thì cứ việc mà
học. Nhưng mà chỉ sợ một điều, là trong khi cố công dùng sức nhồi óc cho đầy
những cái vỏ chữ của người, thì cái ruột chữ của mình mất hết cả, rút cục xôi
hỏng bỏng không, tiếng người chửa biết, tiếng mình đã quên, ấy mới nguy, ấy mới
hại!…
Rõ mình cũng lẩm cẩm thật, nhân chuyện “cơm
Tây” mà nói đến dài dòng văn tự như thế, nhật ký đâu lại nhật ký lôi thôi như
vậy? Nhưng mà trong khi nằm trọ ở chốn tha hương, duy có quyển nhật ký là bạn
liền tay, cả ngày thơ thẩn ở đất nước người, tối đến giở sách ra biên, như nói
chuyện với người bạn thân, gặp chuyện gì nói chuyện nấy, việc gì mà sợ lôi
thôi, ai chê là người lẩm cẩm?
Nhưng mà nói chuyện đâu đâu, đến chuyện
ngày hôm nay vẫn chưa biên, mà đêm thời đã khuya, giấy cũng đã hết rồi.
Thứ năm, 18.
Hai ngày hôm nay cũng được nhiều việc.
Hôm qua thì đi thăm các viên chức ở “Kinh
tế cục” (Agence économique) là sở thay mặt chính phủ Đông Pháp để giao thiệp về
các việc kinh tế ở bên này. Hồi ở nhà đi, có mấy ông quý quan ở bên ta gửi giấy
giới thiệu cho các ông ở Kinh tế cục, vậy phải đến tiếp mặt các ông ấy cho phải
phép. Các ông tiếp đãi ân cần và hứa có cần hỏi han việc gì sẽ hết sức giúp.
Mình cũng cảm ơn cái bụng tốt của các ông, nhưng trong bụng cũng mong rằng
không có việc gì phải phiền đến các ông lắm. Sự giới thiệu vẫn là một sự hay,
vì nhân đó mà được quen biết rộng, đỡ lạ lùng lúc mới đầu. Nhưng mà cũng có khi
phiền, phiền cho người giới thiệu mình, phiền cho người mình được giới thiệu
tới, mà phiền cả cho mình nữa. Đi đến một nơi xa lạ, được một vài chỗ giới
thiệu đích đáng, để giúp cho việc đưa đón hành lý, tìm kiếm trọ ở, chỉ dẫn cho
biết những cách thức ăn ở, giá hạng các đồ, v.v… thế là đủ, còn không cần phải
nhất nhất quấy phiền người ta làm gì. Đến đâu phải tuỳ đáo tuỳ biện, không nên
nhất thiết ỷ lại vào kẻ khác. Phương ngôn ta nói: “Khỏi nhà ra thất nghiệp”, là
nói sai. Người nào mà đến ra khỏi nhà thành thất nghiệp, thì người ấy chỉ nên ở
nhà với “mẹ đĩ”, chẳng nên ra khỏi cửa làm gì. Nhất là người du lịch, lại cần
phải tự do lắm, muốn đi đâu thì đi, muốn xem gì thì xem, gặp đâu có ăn thì ăn,
gặp đâu có nằm thì nằm, phải hơi “bông lông” một tí như thế thì mới thường gặp
được sự bất kỳ. Nếu mỗi bước có người chỉ dẫn, đi đâu cũng phải nhờ kẻ đón
người đưa, như cậu học trò mới ở trường ra, thì sự du lịch mất cả thú, và nhiều
khi thành một sự phiền. Mình nghĩ như thế, nhưng có ông lại không nghĩ thế. Cho
rằng bọn mình là “phái bộ” của Chính phủ đi quan sát quý quốc, thì phải có quan
Nhà nước đưa đi mọi nơi, như ông giáo dắt lũ học trò vậy. Có ông lấy thế làm vẻ
vang, tự mình cho thế khí đê tiện. Mình không phải là lũ trẻ con đi xem hội mà
cần phải có người lớn chỉ cho từng trò, đây là phường múa rối, nọ là lũ leo
dây. Có mắt để mà xem, có tai để mà nghe, có trí để mà nghĩ, hà tất phải ai chỉ
cho vạch cho mới biết. Nếu còn cần phải có người chỉ vạch cho như thế, thì sang
đây mà làm gì? Còn nói rằng đi đâu nên đi cả đoàn, có quan Tây đưa dẫn, trọng
sự thể hơn, thời điều đó tôi lấy làm ngờ lắm. Có lẽ ở bên mình đi theo sau một
vị quý quan, hoặc có điều vẻ vang chăng, vì có thể huyễn diệu được kẻ khác, chứ
ở đây thời họ cho là một lũ mán xá phải có người cai quản hướng đạo. Nhưng mà ở
đời mỗi người một ý, mình cho thế là không nên, họ cho thế là nên, cũng là tuỳ
cái ý riêng của mỗi người, chẳng nên nghị luận làm gì.
Cả ngày hôm qua xem điện Panthéon là nhà kỷ
niệm các danh nhân nước Pháp. Ở trọ đi ra gần lắm, cách có vài phố. Đi qua con
đường d'Ulm, thấy trường Cao đẳng sư phạm (Ecole Normale Supérieure), trong bọn
học sinh thường gọi tắt là “cái nhà đường d'Ulm” (la maison d'Ulm), nhà cũng
thường thôi, không lấy gì làm to lớn đẹp đẽ lắm, nhưng có cái vẻ nghiêm trang
bình tĩnh, thật là một nơi học hành cao thượng. Chung quanh có vườn, cây cao
bóng mát, dưới gốc cây có ghế đá, dưới bóng cây khoác tay thơ thẩn dăm mươi
thày học sinh, người thời vừa đi vừa nói, ra dáng hăng hái nghị luận; người
thời tay để dưới cầm, ra bộ nghĩ ngợi xa xôi; người thời con mắt đăm đăm, ra
tuồng mơ màng tưởng vọng. Nhìn nét mặt các người sinh viên đó, như có cái hào
quang của sự học, trong lòng cảm phục cái chí cao của kẻ thanh niên nước Pháp,
mà lại bùi ngùi cho cái công học hành dở dang của mình. Than ôi! mình không
phải là không có cái lửa nhiệt thành về sự học, nhưng mà sinh trưởng vào giữa
buổi thanh hoàng, học không ra gì cả, Nho đã chẳng ra Nho, mà Tây cũng chẳng
thành Tây. Phàm sự học phải cho đến nơi đến chốn thì sở học sở hành mới điều
hoà dung hợp nhau, mà gây nên cái nhân cách thanh cao. Hễ còn dở dang, còn nửa
chừng, thì không ra con người gì cả. Ông cha mình mấy mươi đời học nho, nghiệp
nhà đến mình là đoạn tuyệt. Bây giờ muốn cầu làm ông đồ cổ, bàn nghĩa tính lý,
ngâm thơ nhà Đường, nhắp dăm ba chén chếnh choáng cho tiêu sầu khiển hứng, bảo
mươi lăm thằng trò chẹt biết dã, giả,
chi, hồ, an nhàn vô sự, ngày tháng vui qua, cũng không được nữa. Nói đến
học Tây, thì chẳng qua học mấy câu tiếng Tây để đi làm thuê, cũng tự biết còn
thiếu thốn, muốn ra công học thêm, nhưng thày đâu sách đâu, ở trường thông ngôn
ra, được học mấy ông hương sư ở Tây sang, thế đã là tột phẩm rồi, nào đã bao
giờ được từng ngồi qua cái ghế một trường Đại học như trường Sư phạm này? Mà đã
không được học đến bậc đó, thì còn mong lập nên sự nghiệp gì về đường học vấn?
Dở dang, dở dang, thôi mình đã đành là một con người dở dang! - mà cả nước mình
cũng là một nước dở dang!… Mỗi lần đi qua những nhà học nghiêm trang như chốn
này, trông thấy những học trò anh tuấn, giáo sư đạo mạo, người nào trong con
mắt cũng hình như mơ màng những sự cao xa, mà “thèm” người ta biết nhường nào!
Tưởng giá phải ăn bánh hẩm, uống nước lã, mà được làm một người trong những
người tha thẩn dưới bóng cây, thấp thoáng trong rào sắt nọ, cũng cam tâm. Nhưng
mà thôi, đã sinh vào buổi lỡ làng thì cũng phải chịu cái phận hẩm hiu vậy, biết
sao bây giờ? Duy phải biết rằng học đã chẳng ra gì, thời làm cũng chẳng nên
chi, vì có gốc mới có lời, vốn ít mong sao được lời to? Cho nên cũng chớ có
mong mỏi những sự to tát quá sức không làm nổi; chỉ nên hinh hương chúc vọng
cho kẻ đến sau này họa được may mắn hơn mình chăng…
X
Thứ năm, 18 tháng 5.
Ở đường d'Ulm đi lại, vừa trông thấy mặt tả
điện Panthéon, sừng sững trước mắt như một cái vách đá trăm thước cao. Quy mô
coi cũng hùng. Điện hình chữ thập, trừ mặt tiền có cột đá, có cửa vào, còn ba
bề bịt bung kín mít, không có một chỗ hở. Tưởng như một cái mả xây bằng đá của
một con thú lớn đời tiền cổ nào. Mà thật điện này chính là một cái mả chung của
danh nhân nước Pháp. Nguyên trước là nhà thờ bà thánh Genevière, là thần bảo hộ
của thành Paris, đời Cách mệnh dùng làm đền kỷ niệm danh nhân, sau lại mấy lần
làm nhà thờ, rồi đến năm 1885 mới định hẳn là đền kỷ niệm. Bây giờ trong đền
chỉ có tượng và tranh mà thôi. Tượng thời cũng thường, không lấy gì làm lạ, duy
tranh có những bức bích họa lớn, khắp từng gian tường, vẽ các tích trong lịch
sử nước Pháp. Nét đan thanh, hồn tổ quốc, tức là những bài sử học hiển nhiên
cho người Pháp đời nay, giục lòng nhớ đến công nghiệp đời trước. Nào tích vua
Charlemagne, nào truyện bà Jeanne D’Arc, đẹp nhất là những bức của ông Puvis De
Chavannes vẽ sự tích bà thánh Geneviève. Ông là một nhà danh họa đời nay, mới
mất mươi lăm năm nay, đọc sách vẫn biết tiếng ông, nay mới được xem bức vẽ của
ông. Người đời nay mà vẽ một người liệt nữ về nghìn năm trước, chắc là không có
bằng cứ gì, chẳng qua là ở sự tưởng tượng cả. Vậy mà tưởng tượng thế nào đến tả
mạc ra hiển nhiên như thực, khiến cho người xem phải cảm động, thật cũng phải
có cái bút tài thế nào mới vẽ được như thế. Bà Geneviève là một người con gái
thành Paris ,
hồi tướng Hung Nô Attila vào đánh phá thành ấy, bà đốc suất dân quân ra chống
cự, kinh thành được thoát nạn. Đời sau Giáo hội phong tặng cho bà lên bậc
thánh. Tức cũng như truyện Hai Bà Trưng nước ta, nửa thực nửa huyền, không gì
bằng cứ. Ngày nay ai biết hình dung mặt mũi Hai Bà Trưng thế nào? Nhưng nếu có
một tay vẽ giỏi, lấy sức tưởng tượng mà tả mạc ra hình ảnh hai bà, hiển nhiên
ra hai người con gái Lạc tướng, con mắt nét mặt như chan chứa cái lòng căm giận
vì nước vì nhà, thế chẳng là phục sinh được người đời trước và giúp cho người
đời sau học quốc sử dư? Thực hay hư, việc đã đến ngoài nghìn năm, không biết
đâu mà đoán định. Bà Geneviève với bà Trưng Trắc có thực như truyện trong sử
thuật lại không? Không thể biết được, và cũng không cần phải biết cho rõ làm
gì. Nhà mĩ thuật có thể bằng không mà sáng tạo ra được, thời há chẳng nên mượn
tích của lịch sử mà tả mạc những người đời xưa, để nuôi lấy tấm lòng yêu nước
của người đời sau dư? Đó là cái nhiệm vụ tối cao của nhà mỹ thuật. Nước ta bao
giờ mới có một tay họa sĩ có tài biết nghĩ đến những sự đó?… Trong mấy bức của
ông Puvis De Chavannes tả về tích bà Geneviève, có một bức tôi lấy làm khéo
lắm, là bức đề là “Bà Geneviève thức đêm
canh cho thành Paris ”.
Bóng trăng chiếu rọi, trong tỉnh thành ai nấy đều ngủ yên cả, duy có một người
thức. Người ấy là ai? Là một người con gái mộc mạc, ở một cái phòng nhỏ, bên
cái góc sân con, ra đứng trước bao lơn, nhìn xuống dưới phố phường, nét mặt đau
đớn, con mắt đăm đăm, trong bụng nghĩ những gì? Chắc nghĩ rằng: “Cái vận mệnh
thành này chỉ còn một sợi tóc, mà người dân trong thành không ai biết lo cả. Âu
là ta phấn nhiên ra cứu cho lũ mê ngủ đó. Nay đêm còn trường, ngày chưa sáng,
ta nên thức mà canh cho bọn đó ngủ…”. Nét vẽ khéo lắm, linh hoạt như người sống
thật.
Xem xong trong điện rồi, xuống dưới hầm;
dưới hầm cũng rộng như trên, có mả của mấy bậc danh nhân ở đấy. Mới đến có cái
điện nhỏ thờ quả tim của ông Gambetta; rồi đến mả ông J. J. Rousseau, ông
Voltaire, ông Soufflot là người họa kiểu dựng ra điện Panthéon này; mộ ông
Lazare và Sadi Carnot, ông Victor Hugo, ông Emile Zola, ông bà Berthelot, v.v…
Xem
xong dưới hầm, trèo lên trên mái. Mái đây là một cái mái tròn, như một cái vung
úp ở trên cái mộ vậy. Cao ngót trăm thước, có thang cuốn đi lên tận trên đỉnh,
trèo hết mấy trăm bậc thang, đã thấy chồn chân. Đứng trên ấy thu quát được cả
cảnh tượng một phần thành Paris .
Có người cho kiểu điện Panthéon này là nặng
nề và nghiêm lặng quá. Tôi tưởng đã là cái đền kỷ niệm, lại là một cái nhà mồ,
thời có cái vẻ nghiêm trang lạnh lẽo là phải. Còn cho là nặng nề quá, tôi tưởng
cũng không phải là không hay; cái mả phải có vẻ vững vàng kiên cố, như thiên
niên bất dịch vậy.
Ra ngoài cửa, ngoảnh lại nhìn, thấy lồng lộng chữ vàng trên biển đá một câu đề rằng: “Nhà nước cảm ơn kẻ danh nhân”.
Ra ngoài cửa, ngoảnh lại nhìn, thấy lồng lộng chữ vàng trên biển đá một câu đề rằng: “Nhà nước cảm ơn kẻ danh nhân”.
Thứ sáu, 19.
Hôm qua gặp ông B. đưa vào xem sách ở nhà
“Đại Pháp Đồ thư quán” (Bibliothèque Nationale). Ông này đỗ văn khoa cử nhân,
đã học đến năm thứ ba trường Cao đẳng Sư phạm, không biết vì cớ gì, nay ở ngoài
làm việc cho một công sở nọ, nhưng vẫn học để thi Agrégation. Người còn trẻ,
mới chừng 24, 25 tuổi, nhưng uyển nhiên là một nhà học vấn nho nhã.
Hai người mới gặp nhau cũng có ý tương đắc.
Trước ông đưa vào qua báo quán Le Temps,
ông có bạn làm việc ở đấy. Nhà báo này tuy có tiếng khắp hoàn cầu, nhưng nhà sở
và cách bày biện không có vẻ trang hoàng lộng lẫy như mấy nhà báo Le Matin, Le Journal. Các nhà báo kia là
những báo phổ thông cho công chúng, dùng những cách cổ động tối tân, để làm cho
thiên hạ chú ý, cho nên nhà cửa nguy nga, tối đến đèn điện thắp như ngày hội,
chữ tên sáng rực một góc trời, đi ngoài phố trông cũng đã rực rỡ thay! Báo Le Temps là báo của bọn thượng lưu học
thức xem, nên không phải dùng những cách quảng cáo lộng lẫy, những cách trang
hoàng loè loẹt, mà có cái vẻ dịu dàng kín đáo, đứng đắn, “quân tử” hơn. Xem
giọng văn đã biết, trông cái cảnh tượng báo quán lại rõ hơn nữa. Nhà báo nào
cũng có một gian rộng để yết các điện tín trọng yếu cho thiên hạ đến xem, gọi
là “phòng tin tức” (salle des dépêches). Phòng tin tức của báo Le Temps thời chỉ có mấy cái bàn lớn,
trên bầy mấy bộ báo đóng thành tập cho khách đến xem, còn tịnh không có trang
sức loè loẹt, không có cả những tranh ảnh, những bức họa, những chùm đèn pha lê
tự trên trần rủ xuống, những ghế ngồi bọc nhung để la liệt hai bên, như các báo
quán lớn kia. Lại người đến xem cũng phần nhiều là các cụ già, người đứng đắn,
chứ không phải là chú đánh xe, cậu hầu bàn, cô đi khâu, thày làm việc, đi qua
rẽ vào xem tranh, xem ảnh cho vui, như mấy nhà báo kia đâu. Lạ thay, mỗi tờ báo
có một cái thái độ riêng, mà thái độ ấy lộ ra khắp cả, từ lời văn trong báo cho
đến cách bầy biện ngoài. Nay đến trông thấy báo quán mới nghĩ ra như thế, nhưng
tưởng cứ đọc báo Le Temps cũng đã đủ
tưởng tượng biết vậy.
Ở báo quán ra, đi thẳng ra nhà sách
Nationale, tức là “Đại Pháp Đồ thư quán”. Nhà thư viện này mình vẫn biết tiếng
là kho sách giàu nhất trong thế giới, có đến hơn 360 vạn quyển sách in, không
kể các tả bản (manuscrits) và các họa đồ (plans, cartes); nay mới được bước
chân vào đây, thật là rừng sách, chứ không phải nói ngoa. Không biết “Tứ khố”
của ông Khang Hi, ông Càn Long bên Tàu ngày xưa được bao nhiêu sách, nhưng kể
cổ kim thư tịch, sưu tập lại thời khắp hoàn cầu không đâu bằng đây, nhà British
Museum ở Luân Đôn đã có tiếng mà cũng chửa bằng. Ở nước văn minh, sự học vấn
của người ta có cách dễ dàng tiện lợi, như thế không trách người ta giỏi hơn
mình. Nghề phổ thông ấn loát đã giúp cho văn minh tiến bộ được một bước lớn,
các thư viện công lại giúp cho sự học tiện biết bao nhiêu, tưởng cũng là một
cái lợi khí cho văn minh. Loài người biết tư tưởng, biết học vấn, kể đã mấy vạn
năm nay; biết chế tác ra văn tự để ghi nhớ lấy những sự học vấn tư tưởng ấy, kể
đã mấy nghìn năm; trong mấy nghìn năm mấy vạn năm ấy, cái óc con người khám phá
cũng đã được nhiều điều hay lẽ phải. Người đời nay tự cho là khôn hơn đời xưa, không
biết rằng có khôn, - nhưng vị tất đã là khôn hẳn, - cũng là nhờ cái công suy
tầm khảo sát của người trước mấy mươi đời tích lũy mới được như bây giờ. Các cổ
thư tịch chính là cái kho chứa sự khôn ngoan của người trước (cũng có khi chứa
cả cái dại, nhưng dại đây cũng là khôn, vì đủ làm gương cho đời sau). Nếu cứ
vài thế kỷ lại xuất hiện ra một kẻ bạc quân như Tần Thủy Hoàng, bao nhiêu sách
vở đời trước đốt sạch, thời sự tiến hoá của nhân quần ắt cũng bị ngăn trở
nhiều. Cổ triết Tây phương đã có câu nói rằng: “Ở dưới bóng mặt trời, không có
sự gì mới”... Về đường vật chất văn minh, có lẽ mỗi ngày một biến báo ra nhiều
sự mới lạ thật, xét cho kỹ chẳng qua cũng là làm phiền cho cuộc đời, làm nhọc
cho thân người mà thôi; nhưng về đường tinh thần thời tưởng bao nhiêu nghĩ lý
cao sâu, người đời nay tự phụ là đã phát minh ra được, các tiên hiền tiền triết
đã từng suy nghĩ tới lâu đời rồi, chỉ vì không còn vết tích lại rõ ràng nên ta
không biết mà thôi. Lại đến tâm lý người ta, xưa nay cũng ít thay đổi lắm: đời nào
cũng có bấy nhiêu kẻ hiền, kẻ ngu, người khôn, người dại, bấy nhiêu kẻ loạn
thần tặc tử, bấy nhiêu người chí sĩ nhân nhân. Lại đến sự biến thiên trong lịch
sử, đời nọ qua đời kia, cũng là theo một điệu bất dịch, là cái điệu trị loạn,
hết trị rồi loạn, loạn chán lại trị, như mặt bể khi phong ba khi bình tĩnh vậy.
Như thế thì ở dưới bóng mặt trời không có sự gì lạ thật, mà sự kinh lịch của
người trước có thể làm bài học cho người sau được. Như thế thì thư tịch là quý
thật, vì thư tịch là cỗ xe để truyền, để chuyển cái đạo học, cái tâm thuật của
cổ nhân cho hậu thế.
Mình là một người “dâm” sách, mê sách như
mê gái đẹp, mà được vào một nơi rừng sách như thế này, sướng biết bao nhiêu!
Còn nhớ năm trước ở trường Bác Cổ, chì vì ham đọc sách mà nhiều khi xao nhãng
cả việc làm, đến bị ông chủ Tây mắng!…
Nhà Đồ thư quán thành Paris này có hai “phòng đọc sách” rất lớn,
mỗi phòng ngồi được tới bốn năm trăm người: một phòng công đồng cho thiên hạ
vào xem, một phòng riêng cho những người đến khảo cứu. Phòng khảo cứu này có
bàn ghế, bút mực, lại la liệt những tủ sách nhỏ và thấp, đựng những bộ tự điển,
bộ tùng thư có nhiều quyển, để tiện cho người ta tra cứu. Vào khảo cứu ở đây
phải có giấy phép của viện trưởng hay phòng trưởng; vào đến nơi, muốn dùng sách
gì thời tra trong thư mục, biên rõ tên sách và số sách vào mảnh giấy, giao cho
người làm việc đi tìm và đem lại cho. Thư viện mở cửa từ 9 giờ sáng đến 4, 5
giờ chiều, trong tịnh không có một ngọn đèn điện nào, là sợ sự hoả hoạn. Duy
mấy phòng đọc sách thời mái bằng mặt kính cả, nên ánh sáng thiên nhiên lại càng
tốt lắm.
Tôi có ý nhận những người đến khảo cứu ở
đây, ra dáng chăm chỉ nhất có mấy ông cụ già đầu bạc phơ, chừng là những ông
giáo học hay là những cụ lão nho đến tìm tài liệu để làm sách; còn người khác,
vừa đàn ông đàn bà, thời có lẽ phần nhiều là những nhà làm sách, những nam nữ
học sinh các trường đại học, đến khảo sách để soạn bài thi cử nhân hay tiến sĩ
gì đó; người ngoại quốc cũng nhiều lắm.
Xem ra mấy ông lão nho chăm lắm, ngồi suốt
từ khi mở cửa đến khi đóng cửa, mình đến đã thấy rồi, mình về chưa đứng dậy.
Bữa trưa ăn ngay trong thư viện, vì ở cạnh phòng sách ấy có một gian nhỏ cho
người lĩnh trưng bán cơm bữa cho khách đọc sách. Các cụ mãi đến một giờ, một
giờ rưỡi trưa, mới ra ăn cơm, coi bộ như bất đắc dĩ mà phải ăn; mà ăn gì? Một
miếng bánh mì, một món trứng, dăm ba miếng giồi lạp, một cốc rượu vang, thế mà
thôi, mà vừa ăn vừa đọc lại những mảnh giấy “nốt” đã biên chép đặc cả, như
không để ý đến miếng ăn nữa. Lúc ấy bọn mình cũng ăn ở đấy, đương gọi nhà bếp
đem món thịt cừu, nghĩ lại mà ngượng thay: ăn ngon cho sướng miệng mà óc cùng
chẳng bằng người, thì cũng xấu hổ thật!…
Trong thư viện không những lắm sách kim, mà
cũng nhiều sách cổ, không những chỉ có sách Tây phương, mà có cả sách Đông
phương nữa: sách Ai Cập, Ba Tư, Ấn Độ, Tây Tạng, Nhật Bản, Tàu… Tôi có xem cái
mục lục những sách Tàu, được hàng mấy nghìn bộ, mà có bộ tùng thư tới mấy nghìn
quyển. Ở Paris
mà muốn khảo cứu về Hán học, về chữ Nho, cũng là thừa có tài liệu.
Nhà Đại Pháp đồ thư chia ra bốn bộ phận
lớn: 1. Sách in và bản đồ; 2. Tả bản (là những sách chép bằng tay, không có in)
và các văn bằng cổ (manuscrits, chartes);
3. Mộc bản (estampes); 4. Huy chương
và kỷ niệm bài (médailles et antiques).
Sách in ngót 4 triệu quyển; tổng mục lục
các tên sách mới đến chữ G mà đã tới 57 quyển rồi.
Các tả bản thời chia ra: sách Đông phương 2
vạn rưởi quyển; sách Hi Lạp 4 vạn 960 quyển; sách La Mã 21 vạn 544 quyển; sách
Pháp 45 vạn quyển; sách bằng các văn tự cận đại của Âu châu 4 nghìn quyển (vì đến
cận đại thì nghề in đã thịnh, nên các tả bản ít dần đi); sách về lịch sử các
châu quận nước Pháp 2530 quyển; các sách linh tinh 8 nghìn quyển. Cộng tới 11
vạn quyển, trong đó có đến vạn quyển có tranh vẽ và các kiểu chữ cổ đẹp lắm.
Những sách này thật không đâu có, vì mỗi quyển chỉ có một bản mà thôi, quý giá
vô cùng.
Số các mộc bản, vừa tranh vừa sách
(estampes) có tới 250 vạn bản.
Các huy chương và kỷ niệm bài thời chia ra
các thời đại và để vào trong tủ kính.
Nhưng gọi là đi lượt qua cho biết mà thôi,
không có thì giờ xem nhất nhất cho tường được. Vả muốn vào mỗi bộ, lại phải có
giấy phép riêng.
Tính mình thích khảo cứu các thư tịch, chỉ
tiếc không được ở Paris
này mà học suốt đời thì sướng biết bao nhiêu.
Hôm qua vào xem thư viện mất cả ngày. Sớm
hôm nay mới có rảnh thì giờ lại thăm quan nguyên soái P., có giấy của một quý
quan bên ta giới thiệu cho. Nguyên soái năm nay đã ngoại bảy mươi, nhưng người
còn mạnh mẽ; ngài về hưu đã lâu và đã từng làm nghị viên mấy khoá. Trong khi
chiến tranh, chính ngài làm chánh Hội đồng ủy viên coi về quân sự ở Hạ nghị
viện, đã có công to trong khi bàn định về việc chiến hoà. Người ôn hoà, cẩn
trọng và rất ân cần. Ngài hứa sẽ giới thiệu cho biết nhiều nhà chính trị có
danh giá, thứ nhất là những ông nghị viên chuyên trị về việc thuộc địa và việc
Đông Dương ta.
Thứ bảy, 20.
Hôm nay thăm ông đốc trường Thuộc địa, ở đường Observatoire.
Mình phải làm một bài diễn thuyết ở trường này, nên phải đến tiếp
chuyện ông để cùng ông định ngày. Ông này người nho nhã, chính là anh em thúc
bá với ông nghị viên Nam Kỳ, nhưng ông đốc coi có
vẻ “trưởng giả” hơn ông nghị nhiều. Ông tiếp đãi một cách rất hoà nhã mà lại
rất trịnh trọng, coi mình như một kẻ văn sĩ nước Việt Nam thật (không biết rằng cái giống văn sĩ Việt Nam đã có giá
trị gì!). Ông nói rằng ông đã được giấy của Đông Dương kinh tế cục báo cho biết
rằng mình sẽ diễn thuyết ở trường Thuộc địa, ông chỉ mong đợi được tiếp mặt để
cho biết đầu bài và định ngày nào. Bèn nói đầu bài cho ông biết sẽ diễn về “Sự
tiến hoá về đường tinh thần của dân Việt Nam từ ngày đặt bảo hộ đến giờ”, còn
ngày diễn thời để tùy ông. Ông nghĩ một lát, rồi định vào chiều ngày thứ tư 31
tháng 5, mình cũng thuận như thế.
Nói chuyện xong rồi ông đưa đi xem cả nhà
trường, qua các lớp học, vào phòng diễn thuyết, phòng đọc sách. Nhác trông thấy
mấy thầy học sinh đi thấp thoáng, tự nghĩ bụng rằng những thầy này độ vài ba
năm nữa tốt nghiệp lại sẽ sang bên mình làm quan cai trị đây. Bấy giờ bất giác
hồi tưởng đến năm xưa có quen một ông phán nọ, hễ gặp quý quan nào cũng cúi đầu
chào, hỏi sao thì ông đáp rằng: “Biết đâu đấy, ngộ nay mai người ta làm quan
cai trị mà mình phải “sú-doóc” người ta thì làm sao?”. Giá bụng mình cũng nghĩ
như ông thì trông thấy các thầy học sinh ở đây phải ngả mũ chào cả mới là phải…
Buổi chiều lại thăm quan cai trị C. là
chánh văn phòng của quan Toàn quyền, ở Kinh tế cục, nói chuyện cho ngài biết
việc diễn thuyết của mình. Ngài lấy làm vui vẻ và có ý ân cần, dặn đi dặn lại
rằng: “Phải nói cho “giỏi” (épatant)
để cho người quý quốc biết người An Nam mới được!”. Vẫn biết thế, giỏi thì cũng
muốn giỏi thật, nhưng ngộ lực bất cập thời thế nào? Cũng xin cám ơn ngài đã có
bụng kỳ vọng cho như thế, nhưng điều đó thì không dám cam đoan trước. Vả lại
còn ngại một nỗi này: là mình lạ nước lạ non, đường đột đến diễn thuyết, ai
biết mình là người thế nào? Chức tước thì không có, xưng là “chủ bút báo Nam phong ”, ai biết báo Nam phong là cái “quái” gì? Hoặc diễn mà
không nên thân, tất họ cho là thằng da vàng học chữ Tây bất thông; diễn mà nghe
được, có lẽ họ lại cho là đọc thuộc lòng một bài của người Tây nào làm gà cho.
Khó quá, khó nghĩ quá! Ông C. thấy mình có ý ngại như thế, cười mà nói rằng:
“Không ngại gì. Ông đốc trường Thuộc địa viết giấy bảo tôi giới thiệu ông bữa
ấy. Tôi sẽ vui lòng lấy tư cách làm chánh văn phòng của quan Toàn quyền, lại
lấy cảm tình riêng của tôi đối với ông mà giới thiệu ông cho thính giả. Vả tôi
cũng là học trò cũ ở trường Thuộc địa, tôi đã quen cả…”.
Thế là mình yên tâm. Bây giờ chỉ còn hì hục
viết cho xong mấy chục trang diễn thuyết, dẫu không được “giỏi” cũng mong rằng
không đến nỗi “tồi” cho lắm.
Tối hôm nay cùng anh em đi đánh bữa cơm
Tàu. Ở Paris có
hai nhà cao lâu Khách; vào ăn ở “Trung Hoa phạn điếm”, đường Des Carmes. Bánh
mì, rượu vang, thịt bò, thịt cừu mãi đã xót ruột, nay được bát cơm rang, bát
canh thịt, vài món xào Tàu, ăn thật thấy ngon! Vào ăn đây phần nhiều là học
sinh Tàu và mấy người Tây người đầm hiếu kỳ muốn nếm đồ ăn Tàu, nhiều người thì
ăn bằng thìa dĩa, nhưng có người muốn tập cầm đũa, trông buồn cười quá. Họ thấy
mình cầm đũa dẻo quẹo, và nhanh thoăn thoắt, họ lấy làm kinh dị lắm, nức nỏm
khen thầm với nhau, như trông một lũ leo dây múa rối làm những trò kỳ lạ vậy.
Ừ, mà mình quen tay quen mắt đi không biết, chứ người ngoại quốc họ trông thấy
mình chỉ có hai chiếc đũa mà gắp gì cũng được, dung dị như không, nghĩ cũng lạ
thật!
Chủ nhật, 21.
Ông C. trước ở bên An Nam cũng là một người
Tây tốt, thường ân cần giao tiếp với người mình. Nên khi sang đến Marseille,
mình có viết thư lên Paris hỏi thăm, lại khi lên
Paris có điện
cho biết trước. Tới nơi lấy làm lạ, không thấy ra ga đón. Ông ở bên ta vốn là
người cẩn thận lắm, không hề sai hẹn bao giờ: có lẽ không tiếp được điện chăng?
Mấy bữa sau đến chỗ ông làm hai ba lần, lần thì người ta bảo ông đi vắng, lần
thì người ta trả lời có ý nhạt nhẽo, tựa hồ như cái lệ trong sở làm không muốn
cho người làm ra tiếp khách mất thì giờ. Mãi đến lần sau mới gặp, thì xét ra
khác khi xưa, không có ý vồn vã như trước, lại có nét mặt như bẽn lẽn, bấy giờ
mới hiểu rằng từ ngày ông về đây cũng là làm việc nhỏ mọn ở sở này, không được
phong lưu sang trọng như bên mình, nên trông thấy anh em cũ có ý thẹn. Ông nói
thoái thác rằng ông nhận được điện chậm quá, không thể đi đón kịp, nhưng mình
đã hiểu ý rồi. Nghĩ cũng ái ngại thay, vì ông vốn bụng tốt, không phải kiêu
căng làm bộ như ai: ở bên An Nam thì nghiễm nhiên làm một ông chủ, lên xe xuống
ngựa, sung sướng biết bao, về đây làm một chân thư ký hay kế toán ở công ty
này, lương nhiều lắm là bẩy tám trăm quan một tháng, lấy đâu nhà cao cửa rộng,
kẻ hầu người hạ như khi xưa? Thôi thời cũng an phận, vì cách sinh họat ở “mẫu
quốc” đây có phần eo hẹp hơn ở “thuộc địa”, nhưng ngờ đâu lại có anh An Nam
sang tận đây mà cố đến tìm mình ở tận chỗ này! Nghĩ cũng hơi ngượng thật. Nhưng
ông cũng cả thẹn quá, chứ mình có ý tò mò hay thóc mách gì đâu, chỉ là vì tình
thật muốn cố đến thăm ông mà thôi. Vả mình cũng là người hiểu biết, có lạ gì
những sự “đổi cảnh” khi ở quý quốc sang bên ta hay khi ở bên ta về quý quốc như
thế, có ai lại cười ai về sự đó…
Hỏi phu nhân và cậu con trai thì nói về quê
ở, vì ở Paris
này tốn kém lắm. Ông ở đây chỉ thuê một cái buồng khách sạn, ở chung với một
người “bạn” gái, chắc là cô đi khâu đi khiếc gì đó. Ông định hôm nay là ngày
chủ nhật cùng anh em họp mặt một bữa cho vui vầy. Mời ăn cơm trưa cùng với cô
“bạn” ông, rồi thuê taxi (là xe ô tô hàng) đi chơi mấy vòng trong rừng
Boulogne, lại mời vào hoa viên uống vài cốc nước mát. Một buổi này cũng phí mất
hơn trăm quan, ở bên An Nam thì chẳng coi vào đâu (vì có 10, 15 đồng bạc),
nhưng ở đây kể cũng là một món to vậy.
Buổi chiều bọn mình mời lại ông và “cô” ăn
cơm Tàu ở cao lâu khách...
XI
Thứ hai, 22 tháng 5.
Lại còn một bài diễn thuyết ở trường dậy
tiếng Đông phương nữa. Mình đã hứa tự Marseille để lên đây sẽ diễn thuyết ở
trường ấy về vấn đề tiếng An Nam, không nghĩ rằng nói về tiếng An Nam ở đây thì
ai là người hiểu mà ai là người nghe. Nhưng đã nhận lời cũng phải y lời. Vậy
hôm nay đến thăm ông Paul Boyer là Chánh đốc trường Đông phương Bác ngữ (Ecole
des langues orientales) để định ngày diễn thuyết. Nhà trường đã sắp nghỉ hè, và
bài diễn thuyết này cũng chỉ để riêng cho mấy người học sinh chuyên trị tiếng
An Nam mà thôi, vậy định làm ngay ngày thứ sáu 26 tháng 5 này.
Ông đốc này người đã có tuổi, coi đạo mạo
lắm, rõ ra một tay bác học. Xét ra trường Đông phương Bác ngữ này chuyên dậy cả
các thứ tiếng ở Đông phương, vừa về Cận Đông, vừa về Viễn Đông. Trường lập từ
năm 1795, xưa nay có tiếng, bao nhiêu những tay chuyên trị tiếng Đông phương
giỏi ở nước Pháp trong ngót một thế kỷ rưỡi nay là xuất thân ở đây cả. Khoa
tiếng Tàu và chữ Nho hiện nay là ông Vissière dậy, bao nhiêu những người muốn
đi làm thông ngôn, làm Lãnh sự ở Tàu phải học qua. Khoa tiếng An Nam thì trước
ông Deloustal, nay ông Przyluski dậy, có một ông trợ giáo người An Nam, trước
là ông Phan Văn Trường, nay là ông Dương Văn Giáo (người Lục tỉnh). Còn nhớ hồi
năm 1909, trường Bác cổ Hà Nội đã cử mình sang làm chức trợ giáo ấy, nhưng bấy
giờ mới lấy vợ, không chịu đi! Giá nhận đi hồi ấy, thì trường Bác cổ không đề
cử ông Phan, và sự nghiệp mình có lẽ lại xoay ra một phương diện khác. Thế nào
gọi là thê tróc tử phọc![14]…
Thứ ba, 23.
Thăm ông M. là Chánh đốc trường Bác cổ trước. Ông từ đầu năm 1914 về
nghỉ bên Pháp, rồi gặp sự chiến tranh, từ đấy không trở lại bên ta nữa. Chính
ông năm xưa (1908) đã đem mình vào làm việc trường Bác cổ. Còn nhớ hồi bấy giờ
mới thi tốt nghiệp ở trường Bảo hộ ra, ông làm Chánh chủ khảo khoa thi ấy. Mình đỗ đầu, đương khét tiếng là “cậu thủ khoa Tây”!
Thậm chí có người nói: - Lương Ngọc[15]
có đất thật, thi chữ Tây cũng đỗ thủ khoa! Các cậu học sinh trường Bưởi bây
giờ, nghe nói thế chắc không khỏi buồn cười, nhưng phải biết rằng hồi bấy giờ
mới đặt ra thi diplôme, trong dân
gian còn lấy làm trọng lắm, trọng hơn là thi Cao đẳng bây giờ. Thôi, cậu nào
mới đỗ ra là coi như ông cử ông tú ngày xưa, trong nhà tâng nhau lên, làng xóm
tâng nhau lên, bạn bè bốc nhau lên, các cậu lại càng phỉnh mũi, coi người bằng
nửa con mắt! Thủ khoa, mà lại thủ khoa Tây, thì còn trời nào biết đâu mà dò sức
học hành ra thế nào nữa! Nói cho công bằng thì mình bấy giờ còn nhỏ dại quá,
cũng chưa biết làm bộ làm tịch như các cậu tân khoa khác, lại thật thà hiền
lành, đến nỗi anh em đã đặt tên cho là “anh lý nhà quê”! Thủ khoa Tây mà chữ
Nho chỉ biết viết nổi hai chữ tên, còn thời mù tịt cả. Kỳ thi có một bài Hán tự
dịch ra chữ Tây (còn nhớ đâu là một bài trong sách 新 國 文[16] của Tàu đề là 温 泉[17] Ôn Tuyền),
dịch giỏi đến nỗi chấm được một nửa điểm (1/2)! Đáng thì phải 0, hỏng “toẹt”
không được đỗ, vì dịch sai cả, làm hẳn một bài chữ Tây khác, không giống gì
nguyên văn chữ Hán cả. Nhưng may ông Chánh chủ khảo có bụng nhân từ, xét các
bài khác được cả, làm ơn cho lên nửa điểm cho khỏi hỏng, lại đến khi cộng “nốt”
quyết cho đỗ thủ khoa, ơn ấy không bao giờ quên vậy… Sau này vào làm việc với
ông ở Bác Cổ, gia công học Hán tự trong mấy năm, những khi ông đưa cho dịch các
sách Nho ra chữ Tây, ông thường tủm tỉm cười nhắc lại cái nửa điểm chữ Nho khi
đi thi. Ông làm việc có tính nghiêm khắc, nhưng biết người, và đối với mình cũng
có bụng yêu, nên vẫn nhớ, định lên Paris
tìm cho được nhà vào thăm.
Gặp ông lấy làm vui vẻ lắm. Người vẫn phì
nộn như xưa, duy hơi có vẻ già một chút. Trong khi chiến tranh ông làm việc ở
Bộ Quân lương, coi việc thu thập và vận tải các lương hướng cho quân lính: nhân
đó, từ khi chiến tranh xong, có ý xoay về đường thực nghiệp. Tôi hỏi ông còn có
nghiên cứu về Đông phương, và thứ nhất là về khoa Nhật Bản học là chuyên khoa
của ông, nữa không? Ông nói rằng hiện không có thì giờ, nhưng các sách vở mới
xuất bản ở Nhật Bản ông vẫn nhận được luôn, khi nào rảnh lại làm việc khảo cứu,
không có ý bỏ hẳn. Nói đến chuyện mình, ông cũng mừng cho nay đã có một cái địa
vị nhỏ trong xã hội An Nam, nhưng lại có ý tiếc rằng không ở trường Bác Cổ, mà
chuyên trị về khoa cổ học nước Tàu nước Nam, vì ông xét ra mình cũng có tư cách
riêng về đường khảo cứu. Điều đó, tự riêng mình đã nhiều khi có ý tiếc, vì tính
mình vốn ưa khảo cứu sách vở, lại không có cái chí gì về đường công danh sĩ
hoạn cả, tưởng giá cứ làm bạn với quyển sách để tiêu dao ngày tháng lại yên ổn
hơn. Vả đương giữa lúc quốc dân nhiệt thành về Âu hóa, đem những chuyện cũ,
việc cũ, cái tinh thần cũ, cái lý tưởng cũ của Đông phương mà bàn bạc, mà nhắc
lại cho người mình biết, tưởng cũng là một sự hay. Song nghĩ đi thì thế, mà
nghĩ lại nước nhà còn đương buổi nhu tài, các việc công ích còn cần phải có
người cổ động, dữ kỳ an thường thủ phận mà làm một nhà khảo cứu có lẽ không
bằng khua môi múa mép mà làm một nhà ngôn luận, dẫu “bí beng” chẳng ăn thua gì,
nhưng cũng khiến cho xã hội có cái vẻ hoạt động một chút… Mình trả lời thế, ông
cũng hiểu thế, song vẫn có ý hoài nghi một chút, và tự mình có lẽ cũng chưa
chắc hẳn rằng chọn đường ấy là phải, là hợp với cái tính cách đạm bạc của mình.
Nói chuyện với ông giờ lâu rồi mới lui về.
Ông hẹn ngày mai đến ăn cơm trưa để nói chuyện thêm nữa.
Trời hôm nay nắng nực quá, mùa hè ở Paris mà không khác gì
mùa hè ở bên ta. Ông ăn mặc quần áo trắng, khi tiễn ra cửa, trông thấy trời
nắng chang chang, cười mà nói rằng: “Tôi mặc thế này là theo lối bên An Nam,
chứ ở đây nắng đến thế nào cũng không ai mặc trắng. Cứ thế này mà ra ngoài phố,
người ta cho là dở hơi, và cười chết mất!”. Mà thật thế, tôi có ý nhận ngoài
đường phố không ai mặc áo trắng, đội mũ trắng cả. Song lại nhận ra cái nắng này
tuy nóng nực thật, nhưng không có gay gắt như bên ta: nắng ôn đới có khác!
Buổi chiều đến thăm ông Chánh sở Đông Pháp
Kinh tế cục. Tự bữa đến Paris ,
hôm nay mới được tiếp mặt, cũng là theo lệ thường đến chào cho phải phép. Ông
này hàm Thống sứ ở bên mình. Tiếp đãi ân cần, nhưng vẫn có cái vẻ quan đại hiến
lắm, trong sự ân cần ấy có cái ý che chở cho kẻ dưới vậy. Mình không thể không
cảm ơn ngài có bụng như thế.
Đi thăm hai chỗ thế là hết cả ngày.
Tối đến, cơm rồi, ngao du phố phường mãi
đến khuya mới về trọ. Buổi tối mát, đi ngoài phố xem người, ngắm cảnh, sướng
lắm. Đường đây lát bằng đá cả, xe ngựa đi không có bụi, không phải cái khổ
“trần ai” như ở Hà Nội mình về mùa này.
Thứ tư, 24.
Ngày hôm nay trời lại nóng dữ hơn hôm qua.
Chỗ không có nắng, hàn thử biểu cũng lên tới 36 độ.
Ăn cơm trưa ở nhà ông M., đường Blanche,
nói chuyện bên ta. Ông ở về từng thứ hai, ba bốn phòng lớn, lịch sự lắm. Ở Paris mà dọn được chỗ ở
thế này là vào bậc phong lưu rồi.
Đi đến đường Blanche, qua một nơi công
trường, ở giữa có nhà thờ Trinité, làm theo kiểu đời Phục hưng, hiện cái tháp
chuông đương chữa, bắc gióng kín cả, không thể vào xem được. Ở đường Blanche
này cũng không có gì lạ, chỉ có một sở câu lạc bộ lớn gọi là Casino de Paris,
mặt trước lại ở về đường Clichy
và mới bị cháy to lắm.
Ở nhà ông M. về, đóng cửa ngồi hầm trong
buồng viết bài diễn thuyết cho trường “Đông phương Bác ngữ”.
Thứ năm, 25.
Hôm nay cũng ngồi hầm ở nhà để viết cho
xong bài diễn thuyết. Sang đến đây mà phải bó chân ngồi một chỗ làm cái nghề
“vẽ voi” như ở nhà, thật cũng buồn quá. Không biết ông Tây nào đã có nói một
câu rằng: “Ở đời không có cảnh gì khổ bằng một cái đầu trống không ngồi đối với
một mảnh giấy trắng xoá”. Chắt óc cho thành chữ, cái khổ ấy là cái khổ hằng
ngày của mình ở nhà, tưởng tránh được xa mà sang đây, ai ngờ sang đến đây cũng
lại phải bưng đầu không ngồi trước mảnh giấy trắng! Tôi lấy làm khen thay những
người làm văn chương trôi như nước chảy, gặp chuyện gì viết cũng được, dễ dàng
như không. Tôi thì phải cái tật hễ trong óc không có gì, không tài nào nặn ra
chữ được, không thể nào viết phiếm cho đầy giấy được. Muốn nói chuyện gì thì
phải nghiền ngẫm kỹ, như “ngấu nghí” trong óc rồi mới xuất ra lời văn được, cho
nên văn mình có ý khắc khổ mà không được lưu loát như văn người ta. Nhưng có lẽ
được cái thành thực, không dám “nói láo”, không dám ‘loè” ai bao giờ. Cũng bởi
thế nên vụng lối văn du hí, văn thù tạc, và những giọng ngâm phong, vịnh nguyệt
thì thật không biết làm bao giờ. Chỉ biết bụng nghĩ thế nào nói thẳng ra như
thế, nhưng phải trong óc có gì mới nói được, không có óc trống rỗng mà cũng cố
nặn ra câu văn bóng bẩy như người ta được…
Tối đi ăn cơm Tàu với ông B., ở Kinh tế
cục.
Thứ sáu, 26.
Thôi, thế là thoát nợ. Còn mấy trang diễn
thuyết, tối hôm qua viết nốt rồi, thế là ngày hôm nay được thư thả đi chơi.
Định lên ăn cơm trưa trên tháp sắt Eiffel.
Mất năm quan một người, đi thang máy lên tận từng thứ ba trên đỉnh tháp, đứng
đấy trông được hết cả thành Paris .
Sẵn có hộp giây thép, có bút mực, mua mấy cái cartes postales viết mấy chữ về
thăm nhà, dưới đề là: “Viết tự 300 thước cao trên thành Paris ”! Trẻ ở nhà nhận được thư có lẽ tưởng
rằng khó nhọc nguy hiểm lắm mới lên được cao như thế, lo thay cho khách du lịch
bạt thiệp gian nan! Có biết đâu rằng khách du lịch chẳng phải động đến gót
chân, cứ đứng vào trong thang máy là tự khắc từ từ lên hết từng ấy đến từng
khác, rồi lại từ từ xuống như thế, chỉ khác khi lên thì càng lên các nhà cửa
đường phố càng nhỏ tít đi như sợi tóc, mà khi xuống thì càng xuống càng to dần ra.
Tháp có ba từng, xem đến từng cao nhất rồi thì xuống từng dưới cùng (cũng cách
đất đến 60 thước) ăn cơm; từng này rộng lắm, như một cái phố nhỏ, có cao lâu,
khách sạn, nhà cà phê, nhà hát, nhà nhẩy đầm, hàng quán bán những đồ vật kỷ
niệm, như tranh, ảnh, sách, ống nhòm, v.v… - Ăn cơm đây mất mỗi người 12 quan,
cũng lịch sự lắm.
Xét ra tháp Eiffel này là cái công trình
kiến trúc cao nhất trong thế giới. Tháp Woolworth Building ở New York cao 229
thước, thạch bi Ai Cập ở Washington cao 160 thước, mà tháp sắt Eiffel này cao
tới 300 thước. Do ông kỹ sư Eiffel nghĩ kiểu đốc công dựng lên, bắt đầu ngày 28
tháng 01 năm 1887, đến ngày 31 tháng 3 năm 1889 mới hoàn công, nặng 7 triệu cân
Tây, có 1 vạn 2 nghìn mảnh sắt nối lại với nhau bằng 2.500.000 cái ốc lớn, nặng
cả thảy là 45 vạn cân; bốn chân mỗi chân to là 26 thước vuông, chôn sâu xuống
đất từ 9 thước đến 14 thước. Tháp có ba từng, từng dưới cách đất 57 thước, từng
giữa cao 115 thước, từng trên cao 275 thước, còn từ đấy lên đến trên ngọn 300
thước có một sở vô tuyến điện, nhưng không được lên xem. Sở vô tuyến điện ấy
cũng mới đặt từ khi có chiến tranh đến giờ… Nghĩ cái chí người Tây họ cũng hùng
thật: bỗng dưng làm một cái tháp sắt ngất trời mà chơi! Chẳng bù với người mình
chơi cây uốn với chơi non bộ!…
5 giờ chiều diễn thuyết ở trường Đông
phương Bác ngữ. Được chừng mươi mống đến nghe! Nói về vấn đề “Sự tiến hoá của
tiếng An Nam” thì thuộc về chuyên môn quá, cả thành Paris
dễ không được mười người chuyên trị tiếng An Nam . Nhưng diễn thuyết ở trường dậy
tiếng Đông phương mà không diễn về ngôn ngữ học thì diễn về cái gì? Nói về một
chuyên khoa thì không mong có nhiều người nghe được. Vả chủ ý mình là mượn cuộc
diễn thuyết này và mượn cái thanh thế của trường Đông phương Bác ngữ để làm một
bài kể về cái tình trạng của tiếng An Nam thế nào và nói rõ cho thiên hạ biết
rằng tiếng An Nam không phải là hèn mạt gì, cũng có cơ tiến hoá được, rồi cho
đăng báo cho người Tây họ biết, kẻo có nhiều người ở bên ta quen miệng cứ công
kích tiếng ta oan quá…
Tuy có ít người như thế, nhưng xem ra họ
cũng chú ý nghe, lấy cái vấn đề tiến hoá tiếng An Nam làm một điều quan hệ nên
khảo cứu.
XII
Thứ bảy, 27 tháng
5.
Hôm nay đã rỗi việc, định đi xem các nhà bảo tàng. Nhà bảo tàng ở Paris
thì biết bao nhiêu mà kể, cứ giở một quyển “Chỉ
nam thành Paris”, về mục “Bảo tàng viện”, trông thấy một dòng dài những tên
cũng đã đủ ngốt rồi. Tựu trung có mấy sở có danh tiếng nhất, như sở Louvre, sở Luxembourg, nhưng các sở đó to lớn lắm, mỗi nơi phải đến mấy
ngày xem mới hết được, và trước khi đi xem phải kê cứu các sách cho kỹ thời xem
mới bổ ích, cho nên chửa dự bị sẵn, chửa dám đến xem. Còn các sở khác thì nhiều
lắm, không biết xem chỗ nào trước chỗ nào sau, thôi thì cứ tiện đâu xem đó, vì
đâu cũng nên xem cả.
Hôm qua chơi tháp Eiffel, đứng trên trông xuống thấy ở giữa vườn hoa
rộng có cái nhà tròn to lớn lạ lùng, hai bên có hai cái tháp Ả Rập cao ngất
trời. Đó là điện Trocadéro, làm
theo kiểu Đông phương, nguyên là nhà Đấu xảo năm 1878. Điện có một cái nhà tròn
ở giữa, hai bên hai đường hành lang chạy vòng như hình bán nguyệt. Nhà giữa nay
làm nhà hội tiệc, hoặc làm nơi diễn kịch cho công chúng xem, có thể ngồi được
6000 người. Hai nhà hành lang hai bên thì từng dưới làm bảo tàng viện về nghề
chạm khắc so sánh của các đời và các nước (Musée de sculpture comparée),
từng trên làm bảo tàng viện về khoa dân tộc học (Musée ethnographique).
Cả buổi sáng hôm nay đi xem hai nơi bảo tàng đó. Nơi bảo tàng về nghề
chạm khắc không phải là bày nguyên những đồ chạm khắc đời xưa đời nay đâu, toàn
là những hình nặn bằng đất về các kiểu chạm khắc và kiểu xây dựng thật đẹp và
thật lạ của nước Pháp cùng các nước ngoài, nhưng nặn khéo đến nỗi trông hệt như
thực. Đi xem qua một lượt thì biết nghề đắp tượng, chạm các kiểu nhà ở Âu châu
đời nọ sang đời kia thay đổi tiến hoá thế nào. Từ thượng cổ cho đến thế kỷ thứ
19, bao nhiêu những kiểu chạm đẹp ở phương Đông, phương Tây là có hình nặn ở
đấy cả, sưu tập thật cũng đã dụng công mà truyền nặn thật cũng đã khéo léo,
khiến cho nhà khảo cứu nhất lãm mà thu gồm được, so sánh được cả mĩ thuật mấy
mươi đời, mấy mươi nước. Các tượng Ai Cập, tượng Hi Lạp, tượng La Mã, những
mảnh tường, mảnh cửa, kiểu mộ, kiểu nhà, hết thảy những lối lăng thuộc về nghề
chạm nặn, nghề xây dựng, đều xếp đặt theo thời đại, theo xứ sở, như một pho sách
hiển nhiên, hết thiên này đến thiên khác, chương nọ đến chương kia, thật là rõ
ràng rành rẽ. Trong nhà bảo tàng lại có mấy gian riêng để bày những hình nặn về
các cổ tượng và di tích của Cao Miên, Diến Điện, Chiêm Thành và cả An Nam ta
nữa. Ấy cách học vấn của người Tây, bất cứ về môn nào, cũng là kỹ càng trọn
vẹn, đến chốn đến nơi như thế, không trách sự học của người ta dễ sâu xa và mau
tấn tới vậy.
Viện bảo tàng về dân tộc học thời bày những kiểu đồ đạc, đồ dùng, nhà
cửa, đồ lễ bái, đồ khí giới, hình thể các giống người, nói tóm lại là hết thảy
những đồ vật gì đủ hình dung được cách sinh hoạt của các dân tộc trên thế giới.
Chia ra từng gian: gian về Mĩ châu, có phần về nước Mexique đời xưa nhiều đồ hơn cả; gian về Âu châu, lại chia ra
từng nước, mà phần nước Pháp thường hơn nhất; gian về Phi châu, về các quần đảo
đại dương. Duy về Á châu thì không thấy có mấy tí đồ. Ý giả vì Á châu đã có
nhiều nhà bảo tàng riêng, như nhà bảo tàng Guimet, nhà bảo tàng Cernuschi
(rồi sau này cũng phải đi xem hết), nên ở đây bày lược thế chăng?
Bảo tàng là nơi chứa những đồ vật quý, nhưng chớ nên tưởng rằng đồ quý
chỉ là vàng bạc châu báu, ngọc thạch kim cương mà thôi đâu. Đối với kẻ học giả,
một mảnh xương người, một miếng đá vỡ về đời thượng cổ còn có giá hơn là hòn
kim cương mấy chục vạn. Nhà bảo tàng chính là một sở học, chứ không phải là một
kho chứa đồ, những đồ bày đó là để giúp cho sự học, vì học không phải ở sách mà
thôi, học còn ở sự vật nữa, mà học đến sự vật gì có hình ảnh ngay trước mắt, đó
mới là học đến nơi. Bởi thế nên ở các nước văn minh, nhà học đường mở ra nhiều
mà nhà bảo tàng đặt ra cũng lắm, môn học nào cũng có nhà trường dạy, lại có sở
trần thiết, về lịch sử học cũng như về vệ sinh học, về văn học cũng như về mỹ
thuật, về binh học cũng như về nông công. Không những các ông giáo các trường
đem học trò đến nhà bảo tàng để giảng nghĩa, lại thường ở các viện bảo tàng lớn
có đặt ra từng phiên giảng công; mỗi tuần lễ hay mỗi tháng mấy lần, khách đến
xem có biên tên trước thời được nghe nhà chuyên môn cắt nghĩa cho rõ ràng về
các đồ vật bày.
Ở viện bảo tàng Trocadéro,
cũng có những phiên giảng như thế, vừa giảng về khoa chạm khắc, vừa giảng về
dân tộc học. Nhưng hôm nay đi xem không trúng vào phiên giảng. Ban chạm khắc
lại có bán cả các hình nặn cho các nhà nghề và cho khách du lịch, để truyền bá
các kiểu đẹp đời xưa đời nay.
Xem xong trong nhà bảo tàng, ra đến ngoài vườn hoa. Vườn rộng thênh
thang, sửa sang than thán, chỗ thì bụi cây, chỗ thì bể nước, còn những tượng
đồng tượng đá la liệt. Có sáu bức tượng lực lưỡng hình sáu đại châu: Âu châu, Á
châu, Phi châu, Bắc Mĩ, Nam Mĩ, Đại Dương châu. Ở một bên lại có cái sở nuôi cá
lớn, mỗi tuần lễ có diễn thuyết về nghề nuôi cá.
Quanh quẩn xem mãi đây, đến quá mười hai giờ trưa mới đi kiếm hàng ăn
cơm. Không muốn về trọ xa quá, định gặp hàng nào ăn ở đấy, để quá trưa lại đi
xem nhà bảo tàng Guimet ở gần đây. Ở nước nhà, mình phải cái thói ngủ trưa, hễ
ăn xong tất phải ngủ nửa giờ một giờ đồng hồ, nhiên hậu mới khoan khoái làm
việc được. Sang đây thời thấy mất hẳn cái thói ấy; một đôi khi cũng có nghỉ
buổi trưa, nhưng đó là theo lệ thường, chứ không phải là một sự cần, khuyết
không được. Đêm có thức khuya thì sáng dậy trưa, nhưng buổi trưa không cần phải
nghỉ ngơi gì, có thể đi chơi hay làm việc luôn cả ngày được. Đó là một sự lợi
thời giờ nhiều lắm, chứ cái cách cắt một ngày ra làm đôi bằng một buổi nghỉ
trưa là cách rất không tiện. Nhưng cái khí hậu xứ mình viêm nhiệt, nếu trưa
không nghỉ thì người uể oải, không có tinh thần đâu mà làm việc cho hết ngày
được. Khí hậu quan hệ cho sinh lý như thế; làm người ở đất ôn đới thật được
nhiều điều sung sướng tiện lợi hơn ở các xứ nóng thật. Cứ nghiệm ngay mình: ở
nước nhà tuy không phải có đau ốm gì quanh năm, nhưng khi nóng khi lạnh trong
người vẫn không được thư thái; thế mà từ khi sang đến bên này, thấy trong người
khoan khoái mạnh khoẻ, tưởng xưa nay không bao giờ được như thế.
Năm xưa làm việc ở trường Bác cổ vẫn đã biết tiếng nhà bảo tàng Guimet, vì sở này chuyên sưu tập
những đồ cổ thuộc về Á Đông, thứ nhất là về các tôn giáo ở Á Đông, và thường
giao thông với trường Bác cổ nhiều. Cả buổi chiều đi xem khắp trong nhà bảo
tàng này. Thôi, biết cơ man nào là những đồ Tàu, đồ Nhật, đồ Cao Ly, Tây Tạng,
Mông Cổ, Mãn Châu, Xiêm La, Cao Miên, Ấn Độ, cùng những tượng thần, tượng Phật,
thật là hằng hà sa số. Đồ sưu tập trong nhà này gấp mấy nhà bảo tàng của trường
Bác cổ ở đường Đồn Thủy Hà Nội, mà trường Bác cổ kể cũng đã nhiều đồ rồi. Lại
những đồ sứ cổ, bức họa cổ, đỉnh cổ, lọ cổ, trông mà đẹp mắt quá. Lạ thay, lấy
con mắt người An Nam mà xem những cổ vật, cổ tượng của Hi Lạp, La Mã, dẫu đẹp
mười mươi, nó vẫn thế nào ấy, không cảm mình tí nào cả; hoặc mình đã đọc sách
qua mà thấy trong sách khen thì cũng cố miễn cưỡng tìm cho ra cái đẹp ở đâu,
chớ cứ tự nhiên mà nhìn qua thì thật không lấy gì làm đẹp cả. Như tượng Vénus,
tranh Joconde, cả thế giới khen là đẹp, mình cũng vâng rằng đẹp, mà
trong lòng trong trí thật chưa từng thấy có cảm giác gì. Thế mà giá đứng trước
một cái lọ sứ đời Minh hay một bức cổ họa đời Đường, thì tự nhiên thấy cảm
ngay, hình như thần trí mình cùng với đồ vật ấy có cái thanh khí thiên nhiên.
Buổi sớm xem ở sở Trocadéro,
dẫu nhiều hình đẹp kiểu lạ thật, nhưng đứng đấy vẫn như bỡ ngỡ, phải gắng sức
mới gọi là thưởng thức được ít nhiều; nay vào đến sở Guimet này, thời như vào chỗ quen thuộc vậy; những cái quý cái
đẹp ở đây, mình thật biết, thật cho là đẹp là quý, không có chút miễn cưỡng gì.
Không nói về văn chương; nói về âm nhạc, về mỹ thuật, tôi tưởng rằng người Nam mình cũng
ít ai nghe khúc nhạc Tây, ngắm bức họa Tây, mà thật có cái “mĩ cảm” như người
Tây. Có lẽ là người mình không có cái “mĩ thuật giáo dục” (Éducation
artistique) như người Tây, sự giáo dục ấy nó khiến cho biết thưởng thức
những hình sắc thanh âm khác lạ với tai mắt mình. Song ở đời đã không có cái gì
là “tuyệt mĩ”, và sự xấu sự đẹp chẳng qua là một sự tập quán, thì ngoài những
kẻ hí tân hiếu kỳ, cố ý lấy cái mới cái lạ làm đẹp, còn phần nhiều người ta
quan sát về mĩ thuật không thể dời bỏ hẳn cái thiên kiến riêng của giống mình
được. Tỉ như một điều sau này: người Tây bình phẩm đàn bà An Nam có thói nhuộm
răng đen thường nói rằng: trông miệng người đàn bà An Nam tối om như cái hố
sâu… Người Tây có lẽ lấy thế làm xấu thật, nhưng ta lại cho thế là đẹp, cô con
gái nào nhuộm răng khéo, đen lánh như hạt huyền, thì tựa hồ như có duyên thêm
lên. Tôi xin thú thật rằng tôi không thể trông được một người đàn bà An Nam để
răng trắng, dẫu đẹp mười mươi mà coi bộ răng đủ chán ngắt rồi! Vì người đẹp là
người thế nào? Là một người hệt với hình ảnh một kẻ “ý trung nhân” của mình. Kẻ
“ý trung nhân” của người An Nam ta là một người đàn bà da trắng tóc dài, hình
dung yểu điệu… mà phải có bộ răng đen nhay nháy mới được. Nếu răng trắng thời
hỏng toẹt, không hệt với người trong mộng nữa! Có lẽ đó cũng là một cái thiên
kiến, và không khỏi có kẻ chê là hủ lậu. Nhưng cái sự đẹp xấu nhiều khi chỉ
quan hệ ở một cái thói quen trần hủ mà thôi…
Nhưng lấy cái phương diện học vấn mà xét, thời người ta ai cũng nên
biết thưởng thức mĩ thuật các nước; xem đồ ngoại quốc dẫu không có cảm mà cũng
phải biết hiểu mới được, hiểu cái đẹp của người ta ở đâu và sở dĩ làm sao người
ta cho là đẹp.
Người Tây thật là có cái trí thông hiểu như thế; xem như cách sưu tập
và xếp đặt những đồ Á Đông ở trong nhà bảo tàng Guimet này thì đủ biết.
Nhà bảo tàng này nguyên là của một ông phú hào tên là Emile Guimet, ông
thường đi du lịch ở các nước Đông Á mua được nhiều đồ cổ đem về bày ở nhà, sau
dần dần mở rộng ra làm một sở bảo tàng, trước còn ở Lyon, rồi đến năm 1888 ông
biếu nhà nước chuyển đem lên Paris, ở đường Iéna bây giờ. Ông mới mất được mấy năm nay; hồi sinh thời ông
ham khảo cứu về các tôn giáo Á Đông đến nỗi rước những sư Tây Tạng, sư Nhật Bản
về nhà mà lập đàn tràng làm các lễ để mời những nhà bác học đến xem.
Viện bảo tàng Guimet đã
có ảnh hưởng to về khoa Đông phương học ở nước Pháp. Ngoài các bộ đồ trần liệt,
lại có một cái thư viện nhiều những sách về Á Đông. Lại xuất bản những sách
nghiên cứu nhiều lắm, gọi tổng danh là “Guimet Bảo tàng viện Tùng thư” (Publications
du Musée Guimet). Mỗi năm trong mấy tháng, cứ mỗi tuần lễ có một phiên diễn
thuyết công về văn chương, mỹ thuật, tôn giáo, triết học các nước Á Đông, do
những tay bác học có tiếng đến diễn và thiên hạ đến nghe đông lắm.
Hội “Đông phương ái hữu” (Société francaise des Amis de l'Orient)
cũng có hội sở ở đấy. Nhân vào xem nhà bảo tàng, có lại thăm chánh thư ký Hội
là cô K. và phó thư ký là ông B. Cô K. cũng là một tay bác học, chuyên trị về
Ấn Độ, lại có tài họa. Ngồi nói chuyện giờ lâu về cái lẽ tương thân của người
Đông phương với người Tây phương. Hội này đặt ra chính là để giúp cho sự tương
thân đó. Hội họp những người Pháp có cảm tình với Đông phương và tiếp những
người Đông phương sang qua chơi bên Pháp. Hội mới rồi có nghênh tiếp nhà đại
văn hào ấn Độ Rabindranath Tagore. Ông B. và cô K. có ngỏ lời muốn mời mình
diễn thuyết cho người trong Hội nghe; mình cũng hứa nhận, nhưng chưa định bao
giờ. Hiện còn đương phải soạn một bài cho trường Thuộc địa, nếu lại phải làm
bài nữa cho Hội Đông phương ái hữu này, thì thành ra bận quá: sang đây để tiêu
dao xem xét mà thành ra cứ phải viết hoài!…
Chủ nhật, 28
tháng 5.
Hôm nay ở trọ, viết nốt bài diễn thuyết cho trường Thuộc địa. Bài này
nghĩ đã mấy tuần nay, thảo cũng được khá rồi. Muốn nói rõ về cái tình cảnh nước
Nam
ta về đường tinh thần thế nào. Đề là “Sự tiến hoá của dân An Nam từ khi đặt Bảo
hộ Pháp”. Trị cái đề này cho cứng và cho ổn cũng khó thật; khó là muốn cho vừa
cứng mà vừa ổn. Nếu ổn quá thì thành ra nịnh rồi, mà nịnh thì mình không mặt
mũi nào; mà nếu cứng quá tất sẵng, mà sẵng cũng không xong. Thật là một sự khổ
tâm. Phải xoay làm sao cho êm thấm mà không hại đến cái chí bình sinh của mình.
Khó, khó quá!…
Thứ hai, 29.
Hôm nay cũng ở nhà, làm cho xong bài diễn thuyết, vì chiều thứ tư này
đã phải diễn đây.
Có ông bạn giới thiệu cho một người thiếu phụ, coi cũng hữu tình. Lấy
chén nước chè làm đầu câu chuyện, chuyện vắn chuyện dài, tối ngày không biết…
Thứ ba, 30.
Buổi sáng đến thăm quan Nguyên soái P., ngài đưa đi xem nhà “Câu lạc
bộ” của các quan võ (Cercle des officiers), lại đưa đến “Phòng khảo sát
về việc Thuộc địa” của mấy ông nghị viên lập ra, và giới thiệu cho biết ông
nghị viên G., là đại biểu một thuộc địa ở Hạ nghị viện. Ông này người lanh lợi
hoạt bát, tiện đây ông có mời đi ăn cơm trưa với ông để nói chuyện cho tiện.
Ông hỏi han nhiều điều về việc chính trị bên ta.
Thứ tư, 31.
Chiều hôm nay là ngày diễn thuyết đây. Nghe đâu trường Thuộc địa có gửi
giấy mời nhiều người.
11 giờ đến thăm quan cai trị C. ở Kinh tế cục. Ngài đọc cho nghe lời
ngài giới thiệu mình chiều hôm nay; có nhiều câu quá khen lắm.
3 giờ chiều ở trường Đại học Sorbonne
có khai hội nghị các nghị viên các nước về thương nghiệp (Conférence
internationale parlementaire du Commerce), ông nghị viên Pháp Chaumet làm
chủ toạ. Trong đại diễn đàn nhà Sorbonne
có tới 3 nghìn người đến xem, mình cũng nhờ người quen cho vé được vào xem. Ông
Chaumet diễn thuyết trước, đại khái nói thương nghiệp ngày nay là một việc rất
quan hệ đến quốc tế, nghị viện các nước nên hiệp lực nhau mà nghiên cứu các vấn
đề về việc giao thông buôn bán trong vạn quốc. Rồi kế đến đại biểu nghị viện
các nước Anh, Mỹ, Ý, Nhật, Tỉ, v.v…, mỗi người tiếp nhau diễn thuyết một hồi,
có người nói bằng tiếng Anh, mình nghe chẳng hiểu gì cả, mà xem chừng những
người ngồi quanh mình cũng thế.
Xem xong, về trọ nghỉ một lát, rồi đi ăn cơm để sửa soạn diễn thuyết
buổi tối. Tối hôm nay quyết ăn mặc quần áo An Nam , lấy quốc phục làm lễ phục, cho
nó thêm trịnh trọng. Nghiễm nhiên ra một anh “đồ” An Nam mà ngồi diễn thuyết
bằng tiếng Pháp, chắc người nghe phải chú ý vào những lời mình nói. Cái bộ áo
“anh đồ” này, ở bên mình khinh thường, chứ ở đây có giá trị lắm…
12 giờ. - Được lắm. Diễn thuyết được lắm. Bắt đầu từ 8 giờ 3/4; người
đến nghe ngồi chật cả các ghế trong phòng diễn thuyết trường Thuộc địa, ước tới
300 người. Trên diễn đàn, mình ngồi giữa, quan đốc Outrey ngồi bên tay phải,
quan cai trị Chatel ngồi bên tay trái. Quan Chatel đọc mấy lời giới thiệu mình
cho thính giả, rồi mình diễn thuyết luôn từ 9 giờ đến 10 giờ rưỡi, kể cũng lâu,
nhưng xem ra người nghe không chán, lại hoan nghênh lắm, vỗ tay luôn. Diễn xong
nhiều người đến nói là: - Được lắm! Được lắm!... Sau cuộc diễn thuyết có chớp
ảnh về
Đông Pháp, mãi quá 11 giờ mới tan.
Thứ Năm, 1 tháng
6.
Được tin chiều hôm nay quan Thủ tướng Poincaré sẽ diễn thuyết ở Hạ nghị
viện. Mỗi lần quan Thủ tướng diễn thuyết, xin được vé vào nghe là khó lắm. Mà
mình thì lâu nay mong mỏi được nghe quan Poincaré, không có lẽ để lỡ mất dịp
này. Nhưng làm thế nào xin được vé bây giờ? Có mấy ông nghị quen thì hỏi không
ông nào có thừa vé cả. Chỉ còn một cách là đến thăm quan Thuộc địa bộ Thượng
thư Sarraut mà cố xin, họa may được chăng.
Vậy sớm hôm nay đến bộ Thuộc địa. Lần này mới biết cái cảnh chầu chực
cửa quan là một. Thường thấy chữ Tây có câu faire antichambre, bây giờ
mới biết là thế nào. Faire antichambre là đứng chực ở phòng đợi cho đến
lượt mình vào, vì lúc ấy đã có sáu bảy người đến trước mình chực vào thăm quan
Thượng thư rồi. Ấy là ít, chứ nghe đâu có ngày đến mấy chục người, ai đến sau
phải đợi mất cả ngày cả buổi. Nhưng hôm nay quan Thượng thư lại vừa đi hội đồng
vắng, chỉ có quan Chánh văn phòng tiếp khách thay ngài mà thôi. Quan Chánh văn
phòng đây chính là quan Touzet, năm xưa mình đã được biết ở Hà Nội. Vậy không
được tiếp mặt quan Thượng thư thì xin vào thăm quan văn phòng vậy. Song cũng
phải đợi, vì những người đến trước mình họ cũng xin vào thăm quan Chánh văn
phòng cả. Ngồi trong phòng đợi đọc không biết mấy chục tờ nhật trình nữa mà
chưa đến lượt mình. Đã thấy mấy tờ nói qua đến cuộc diễn thuyết của mình tối
hôm qua. Đến từ 9 giờ đợi đến 11 giờ mới được tiếp chuyện, nhưng chậm thế mà
lại may, vì nhân đó mà tình cờ được gặp quan Thượng thư.
Quan Touzet tiếp một cách ân cần vui vẻ, hỏi han mọi việc bên ta. Sau
mình mới ngỏ ý muốn xin một cái carte để vào nghị viện chiều hôm nay, ngài có ý
ngần ngại nói rằng: “Quan Thượng thư chỉ còn có hai cái cartes để dành cho
người quen. Không biết ngài có cần dùng đến không; nay ngài đi hội đồng vắng,
tôi không dám tự tiện”. Nghe thấy thế, mình đã lấy làm thất vọng rồi: đến xin
tận đây mà không được thì không còn mong gì nữa. Đương lúc ấy thì nghe tiếng
còi ô tô ở ngoài xa về, quan Chánh văn phòng nói: “Quan Thượng thư đã về kia.
Ông có muốn vào chào ngài mấy phút, để tôi cho người bẩm. Buồng giấy ngài ở
cạnh đây”. Chưa nói xong thì đã thấy quan Thượng thư tay cắp cặp ở ngoài vào.
Ngài trông thấy, có ý vồn vã hỏi han. Bấy giờ quan văn phòng mới tỏ ý tôi muốn
xin carte vào nghị viện cho
ngài biết. Ngài cũng hơi lưỡng lự, hỏi quan văn phòng: “Có phải chỉ còn hai cái
cartes không?…”. Quan văn phòng nói phải; ngài nghĩ một lúc rồi nói rằng:
“Chính chiều hôm nay quan Poincaré sẽ diễn thuyết đây. Tôi đã hứa lấy hai cái cartes cho người quen… Nhưng mà thôi,
để tôi bảo lại người ta, lần khác người ta đi cũng được…”. Rồi ngài ngoảnh lại
quan văn phòng mà bảo: “Ông cứ đưa một cái cho ông Phạm Quỳnh”. - Bấy giờ thật
tôi mừng như được hòn ngọc báu vậy. Cám ơn quan Thượng thư, quan văn phòng, rồi
lui về. Hai ngài đều ân cần dặn rằng còn ở chơi Paris nên năng lại thăm hai
ngài, và có chuyện gì cứ đến mà hỏi, không ngại gì.
Nghị viện đúng 3 giờ khai hội đồng. Ba giờ kém một khắc, mình đã ở đó
rồi: thật là chăm lắm! Tới cửa đã thấy người đông cả: các ông nghị thì đứng tụm
lại chỗ năm người chỗ ba người, nói cãi ồn ào, nhiều ông trông ra dáng hăng
hái. Người đến xem, hoặc là bà con thân thuộc của các ông nghị viên hay các
quan Thượng thư, hoặc người các nước do các toà sứ xin giấy cho vào, ai nấy tấp
nập như muốn đi mau để lấy chỗ. Tự cửa ngoài vào có mấy chặng canh, toàn là
những chân “thừa phái” (huissiers) của nghị viện. Chặng thứ nhất hỏi vé,
rồi xướng lên cho chặng thứ nhì biết; tôi nghe thấy xướng: "Ministres",
nghĩa là có vé của quan Thượng thư cho, chắc là có chỗ ngồi riêng; chặng nọ
xướng cho chặng kia, lên mấy từng gác, rồi mới đến một chỗ có người “thừa phái”
cầm lấy vé, mở cửa chỉ cho vào, mũ gậy phải để ở ngoài cả. Vào đến nơi đã thấy
người ngồi đông, trên mình, dưới mình, quanh mình rặt những người đến xem đông
nghìn nghịt. Nhà nghị viện tựa như kiểu Nhà hát Tây, nhưng rộng lắm. Chỗ sân
khấu là chỗ các ông chánh phó nghị trưởng, chánh phó thư ký và những người có
phần việc ngồi. Còn sàn giữa bày ghế vòng quanh là chỗ các ông nghị ngồi, có
đâu hơn 600 ghế, ông nào đã có ghế nhất định; những người đến xem quen, người
ta đã thuộc cả những chỗ ngồi, thấy chỉ trỏ: “Chỗ này là chỗ ông Daudet, chỗ
kia là chỗ ông Cachin”, v.v... Ở giữa, vào hàng thứ nhất là dẫy ghế các quan
Nội các, tức là các quan Thượng thư. Còn diễn đàn thì đặt ngay chính giữa, dưới
chỗ ông nghị trưởng ngồi. Người xem thì ngồi các từng trên, vòng chung quanh
như các “lô” Nhà hát. Nghe đâu có chia ra từng nào là từng khách của các quan
Nội các, từng nào là từng khách của các ông nghị viên, lại khu nào là khu để
riêng cho các sứ thần ngoại quốc, v.v… Coi cũng có cái vẻ nghiêm trang và uy vệ
lắm. Chỗ này là chỗ bàn bạc những quốc sự của Đại Pháp đây. Một nước dân chủ
thời Nghị viện tức là vua: cái chủ quyền nước Pháp là chung đúc ở chốn này, mà
vận mệnh của nước Pháp cũng ký thác ở chốn này đây. Gặp những cơ hội quan
trọng, thời sự chiến, sự hoà, việc quân cơ, việc quốc phòng là quyết định ở đây
cả. Cái đêm ngày mồng 4 tháng 8 năm 1914, cả nghị viện đồng thanh quyết khai chiến
với Đức, không biết cái cảnh tượng ở chốn này thế nào nhỉ?
Đúng 3 giờ thấy lính đầu rồng đứng hai bên cửa sân khấu, giơ gươm, hô:
“Ngài nghị trưởng” (M. le Président!), rồi ông nghị trưởng Raoul Péret
đội mũ đi vào, bước lên thượng toạ. Bấy giờ các ông nghị ở các nơi mới kéo vào
giải tọa cả. Các ông ngồi chật ních, không sót một chỗ nào. Nghe đâu những buổi
thường thời không mấy khi nghị viên đến đông đủ, nhưng buổi nay có bàn về việc
ngoại giao của chính phủ, quan Thủ tướng Poincaré phải đáp lại lời chất vấn của
đảng phản đối, nên không ông nghị nào vắng mặt cả.
Quan Poincaré nói luôn trong 3 giờ đồng hồ, từ 3 giờ rưỡi đến 6 giờ
rưỡi mới thôi. Trong khi nói, kẻ thì vỗ tay, kẻ thì huýt còi, chốn nghị trường
thành một nơi rất náo nhiệt. Sau bỏ vé quyết nghị thì phần nhiều nghị viên biểu
đồng tình với chính phủ[18]…
Buổi tối cùng ông V. ăn cơm ở nhà quan nguyên soái P., mãi đến khuya
mới về trọ. Quan nguyên soái và quý phu nhân người phúc đức lắm, con cháu đầy
nhà; bữa tiệc rất vui vẻ.
XIII
Thứ sáu, 2 tháng
6.
Hôm qua là tình cờ mà được gặp riêng quan Thượng thư. Hôm nay cả anh em
phái viên Bắc Kỳ rủ nhau công nhiên vào chào ngài, một là cái lễ phải thế, hai
là cái tình đối với ngài là Toàn quyền cũ bên mình. Cũng phải chờ, không được
vào ngay, vì quan Thượng thư còn dở tiếp khách, và trong buồng đợi cũng còn mấy
người nữa đã đến trước mình. Đợi đến nửa giờ đồng hồ thì có người thừa phái ra
mời vào quan Chánh văn phòng tiếp trước. Chuyện trò một lát rồi quan văn phòng
đưa vào quan Thượng thư. Ngài tiếp ân cần vồn vã, hỏi chuyện từng người, rồi
nói về cuộc Đấu xảo của Đông Pháp ta thật đã được thập phần hoàn hảo, ngài lấy
làm bằng lòng lắm; sau hỏi đến anh em phái viên sang chơi bên Đại Pháp này như
thế có lấy làm vui vẻ thoả thích không; chắc ai cũng đồng thanh trả lời rằng
thực được vui thích, bấy lâu ao ước được xem cái cảnh tượng văn minh của quý
quốc, nay được mục kích, thật là thoả lòng. Ngài khuyên nên đi du lịch quan sát
cho nhiều, những nơi thắng cảnh thắng tích ở kinh đô và các vùng phụ cận nên
dạo chơi cho khắp, và nếu lại có thể đi chơi được các tỉnh lớn khác nữa thì lại
càng hay lắm. Ngài lại nói rằng hoặc có cần đến ngài giúp cho trong khi du lịch
các nơi được tiện lợi thời ngài sẽ sẵn lòng. Anh em cũng cảm cái tấm lòng ân
cần của ngài, nhưng nghĩ bụng rằng ở đất văn minh này có thú thật, nhưng đi mỗi
bước là mất tiền, giá quan Thượng thư giúp ngay cho mỗi người dăm bảy nghìn
quan để thêm vào phí du lịch thì hay biết dường nào! Song nghĩ lại một quan
tiền Tây bên này cũng trọng bằng đồng bạc bên ta, và quan Thượng thư tuy vậy
chứ sử dụng đồng Phật lăng của công khố Đại Pháp có lẽ không được ung dung bằng
quan Toàn quyền sử dụng đồng hoa viên của công khố bên ta, nên biết rằng cái
câu ước nguyện anh “keo” đó, chắc hẳn không đắt nào…
Lâu nay vẫn nghe tiếng xóm Bình khang ở đây có lắm thú lạ lùng, nhà Nho
định đi “khảo sát” một hôm xem thế nào. Không có lẽ sang đến Ba Lê mà không
biết cái phong vị ấy. Cơm tối rồi anh em bèn rủ nhau đi “Mông mạc”. Đi xe điện
ngầm métro đến Place Pigalle, đây chính là giữa xóm ăn chơi đây. “Mông mạc” là
gồm cả cái khu ở trong khoảng mấy đường Pigalle,
Blanche, Clichy, Rochechouart, Clignancourt, san sát những tửu lâu trà
quán, đèn điện sáng choang, thật là một nơi “bất dạ thành”; tuy không nghe thấy
những tiếng cắc! tòm! tòm! cắc! như ở Hàng Giấy hay Tân ấp Hà Nội ta,
nhưng trong không khí văng vẳng những tiếng đàn tiếng hát, đủ biết là chỗ ăn
chơi. Trong bấy nhiêu nhà, chửa biết vào nhà nào. Khách tỉnh xa mới về Hà Nội
muốn đi hát một chầu đến Hàng Giấy hay Tân ấp chắc cũng bỡ ngỡ như thế. Chợt
trông thấy hình cái cối xay đỏ sáng loè ở đàng xa, mới nhớ ra quán “Cối xay đỏ”
là nơi có tiếng ở xóm này, có tiếng là chỗ chơi bời phóng túng mà lại có phong
vị hào hoa, những tao nhân mặc khách cũng không nề đến đây ngâm thơ uống rượu.
Nhưng nghe đâu quán này đã bị cháy từ năm 1916, có lẽ mới dựng lại. Anh em định
vào đây. Đến nơi thấy những kẻ ra người vào tấp nập. Vào cửa phải mất tiền.
Trong rộng như cái chợ, đèn thắp rực rỡ, bàn ghế la liệt, dưới sàn toàn rải
thảm đỏ cả, mà trong không khí thời như đầy những sương mù, tức là khói thuốc
lá vậy. Chỗ này uống rượu, chỗ kia đàn ca; thôi, thiếu gì là những “ả mày ngài”
cùng với “khách làng chơi”. Nghe đâu các “tiên” ở đây nhũng lắm, nên anh em đã
dặn nhau vào đến nơi cứ làm mặt “mán xá”, nói toàn tiếng An Nam, ấm ê như không
biết câu tiếng Tây nào, họ muốn cho mình là Ngô Lào gì mặc ý. Vừa kéo ghế ngồi,
bảo hầu sáng dọn các thứ rượu ngọt như nước ngọt và nước đá, thời “tiên” ở đâu
kéo đến từng lũ, thoáng mắt một cái bác nào bác ấy có đôi cả. Chào mời đón hỏi
tươi cười, lũ “mán xá” cứ ngây ngô nhìn nhau, họ cũng tức cười. Họ tưởng mình
là người Tàu hay người Nhật, họ nói tiếng Anh, mình lại càng ngẩn nữa. Bấy giờ
một người mới bập bẹ làm thông ngôn, nói nhiều câu chuyện tầm phơ cũng lý thú.
Rượu chuyện đã vãn, đêm cũng đã khuya, bác nào cao hứng thời theo “tiên”… lên
mây; còn rủ nhau ra về cả, tính ra ngồi nói chuyện “chay” như thế mà mỗi người
cũng mất năm sáu chục quan về tiền nước chanh, nước cam, nước đá, ấy là không
ai nghiện “sâm banh” cả, chứ nếu lại đụng cốc chúc thọ nữa thì chửa biết đến
mấy trăm quan.
Thôi, thế cũng là đủ, gọi là trải qua xem dạng cho biết cái mùi phồn
hoa chốn danh đô một chút.
Xét ra xóm “Mông mạc” này ngày xưa có tiếng lắm. Kẻ thi nhân đến đây để
trợ hứng, nhà họa giả đến đây để tìm kiểu. Bậc đạo đức chắc không dám bước chân
đến, nhưng khách phong lưu thường không nề tới lui. Vì chỗ này cũng có một cái
tinh thần riêng, tiêu biểu một cái trạng thái đặc biệt của chốn danh đô. Thành
Paris không phải là chỉ ở những hội hàn lâm, trường đại học, thành Paris ở cả
những nơi hoa liễu, xóm ăn chơi nữa. Người Paris dẫu khi chơi bời lơi lả cũng
biết điểm thêm một cái vẻ phong thú khác người: những thi ca ngâm vịnh ở xóm
Mông mạc này biết bao nhiêu mà kể, mà bài nào cũng có cái giọng “tự nhiên” như
thơ Xuân Hương vậy. Ai bảo thơ Xuân Hương không phải là biểu hiệu một cái tinh
thần riêng của người An Nam ta?… Nhưng nghe đâu tự mươi lăm năm nay, xóm Bình
khang đây đã giảm giá đi nhiều. Bây giờ cũng thành chỗ ăn chơi như các nơi ăn
chơi khác, không có cái tính cách đặc biệt gì nữa, nghĩa là thô bỉ không đủ nói
vậy.
Trong sách Les Curiosités de Paris của Henri Boutet, đoạn nói về
Mông mạc có câu rằng: “Mông mạc bây giờ là Paris của khách ngoại quốc. Nếu tra
tính danh quốc tịch của những người đến chơi chốn này, sẽ thấy phần nhiều người
là người ngoại quốc, người các tỉnh, chứ không phải là người Paris… Chính người
Paris có bước chân đến đây cũng phải rầu lòng mà tránh cho xa cái phong vị
Paris hủ lạn này… (Le vrai Parisien s'évade mélancoliquement de ce
parisianisme faisandé)” – Có lẽ bởi khách tạp các nước và khách tứ chiếng
đến đây quần tập huyên náo quá, người Paris không đến nữa, nên chốn này mới mất
cái phong vị cũ đi như thế.
Còn nhớ trước có đọc một bài kịch của Pierre Frondaie đề là Montmartre
diễn ở Paris năm 1910. Bài này là chuyện một chàng thiếu niên tài tử, có tính
hào hiệp, phải lòng một ả Mông mạc, âu yếm rất mực. Ả cũng thực tình với chàng
và xem ra cũng là con người có thiên lương, chứ không phải cái căn tính xấu.
Sau chàng làm nên, ra tay tế độ vớt người trầm luân, muốn lấy nàng làm vợ.
Không ngờ nàng tuy bụng dạ khá thật, nhưng cái thói cũ trăng hoa không thể nào
gột rửa cho hết. Ở với nhau ít lâu, rồi gia đình tan nát, sau phải quyết liệt,
nàng lại về xóm cũ như xưa. Tác giả kết luận rằng gái giang hồ không bao giờ
làm vợ chính chuyên được, và cái hoa giữa đường dẫu có cúi xuống nhặt lên bao
giờ cũng không khỏi lấm bụi. Lời kết luận ấy nói cho bên Tây, chứ tưởng nói về
bên ta cũng đúng vậy.
Thứ bảy, mồng 3.
Buổi sớm đi dạo xem các hàng sách, mua được một mớ sách tốt lắm.
Những hàng sách có tiếng như Hachette,
Delagrave, Armand Colin, v.v…, ở bên mình tưởng tượng cho là những cửa
hàng lớn, sách gì cũng có, khách đi lại đông như chợ. Sang đây mới biết phân
biệt hiệu bán sách (librairies) với hãng xuất bản (maisons d'éditions):
Armand Colin, Hachette là những
hãng xuất bản, chỉ bán buôn những sách của nhà mình xuất bản mà thôi, cho nên
nhiều khi không bày cửa hàng, đi ngoài phố không có ý nhận thì không biết. Như
ngày nào cũng đi qua đường Saint
Michel đến mấy lượt mà không trông thấy hàng Armand Colin ở đâu;
sau tra số nhà tìm đến tận nơi thì thấy bên ngoài cũng giống như các nhà khác,
vào tận trong nhà mới biết là hàng sách. Những hãng này chỉ bán buôn cho các cửa
hàng thôi, không bán lẻ cho khách. Muốn mua lẻ thì phải vào các hiệu bán sách.
Những hiệu bán sách ở đây không phố nào là không có, mỗi ngày xem qua ngoài cửa
hàng cũng thấy năm sáu chục quyển mới xuất bản, không kể các nhật báo và tạp
chí. Mình có tính mê sách, trông thấy sách gì hay cũng muốn mua. Tháng trước ở
Marseille cũng đã mua để đầy một hòm, phải gửi lại nhà trọ, không đem theo lên
đây được, nay lại mua mãi để la liệt cả trong buồng thế này thì không biết lúc
về làm thế nào đây?…
Chiều xem chớp bóng ở Salle
Marivaux, đường Italiens.
Đường này là một đường phố lớn, nhiều người đi lại, mà nhà chớp bóng này cũng
là nơi lịch sự, nên khách đến xem coi ra những bậc sang trọng cả.
Chủ nhật, mồng 4.
Hôm nay đi Versailles.
Versailles cách Paris chừng 20 cây-lô-mét, muốn đi bằng xe lửa hay xe
điện cũng được. Lượt đi định đi xe điện, lượt về đi xe lửa. Mãi 11 giờ mới đi,
đến nơi vừa trưa, ăn cơm trưa ở đấy. Ngày chủ nhật này thiên hạ đi xem đông
lắm, và chỉ có một buổi chiều không tài nào xem hết được. Vậy hôm nay hẵng gọi
là thiệp liệp một lượt, rồi lần sau sẽ đi từ sáng sớm mà xem cho kỹ từng nơi
từng sở một.
Versailles tuy là một tỉnh lị cũng khá lớn (6 vạn người), nhưng thiên
hạ đến xem là chỉ xem cung vua Louis thứ 14 và vườn Ngự uyển, là hai nơi thắng
tích đệ nhất của nước Pháp. Chính thể quân chủ trong thiên hạ, đến đời vua
Louis thứ 14 là cực thịnh, cổ kim Đông Tây không có đâu, không bao giờ bằng;
nay đã thành lịch sử rồi, còn di tích lại đó, là nơi hoàng cung và chốn ngự
uyển này, kể cái công kinh doanh kiến trúc của người ta đến như thế là cực kỳ
trang nghiêm tráng lệ vậy.
Xét ra cung Versailles
là tự vua Louis thứ 14 dựng ra, kiểu mẫu là do hai nhà kiến trúc Le Vau và
Mansart. Vườn ngự uyển thì do Le Nôtre vẽ kiểu, công trình đào đắp phải dùng đến
3 vạn 6 nghìn người và 6 nghìn con ngựa, kinh phí xây cung và làm vườn tới một
ngàn triệu livres (tiền Phật lăng ngày xưa). Hiện nay Nhà nước Pháp cũng
phải tiêu mỗi năm tới 62 vạn quan làm tiền phí bảo tồn và tu bổ hoàng cung và
ngự uyển. Vua Louis thứ 14 thiên triều đình và chính phủ ở Paris ra Versailles
năm 1682. Bấy giờ Versailles thành nơi trung tâm chính trị của nước Pháp. Nhà
vua được toàn thịnh và bắt đầu suy dần cũng từ đấy. Năm 1789, phong trào Cách
mệnh nhóm lên, ngày mồng 5 tháng 5, Tam đẳng quốc dân họp đại hội đồng ở thành
Versailles; ngày 20 tháng 6 những đại biểu của thứ dân họp ở trường đánh quần (Jeu
de Paume, ngày nay làm bảo tàng viện về đời Cách mệnh), thề rằng đặt hiến
pháp được cho nước rồi mới giải tán. Ngày mồng 5 tháng 10, công chúng kéo nhau
vào trong cung, bắt vua Louis thứ 16, hoàng hậu và các hoàng tử công chúa đem
về Paris. Cung Versailles bỏ tự bấy giờ và chính thể quân chủ cũng suy tự bấy
giờ.
Hồi thịnh thời, nghĩa là hồi vua Louis thứ 14 mới về ở, sách chép rằng
cung sửa sang rộng có thể dung được hơn một vạn người. Mặt ngoảnh ra vườn dài
tới 580 thước và trổ tới 400 cái cửa và cửa sổ. Đến hồi nhà vua suy, Dân quốc
lập, thời cung suýt bị đem bán, sau bỏ hư hỏng mãi đến đời vua Louis Philippe.
Từ năm 1833 đến năm 1837, vua mới tu bổ lại, đặt làm viện bảo tàng. Hồi trận
Pháp Phổ, vua Guillaume thứ I nước Phổ đóng bản doanh ở đấy từ ngày 5 tháng 10
năm 1870 đến ngày 6 tháng 3 năm 1871, và làm lễ xưng hoàng đế nước Đức cũng ở
đấy. Hồi Dân quân khởi loạn sau khi thua Đức (la Commune), Lâm thời
Chính phủ đóng ở đấy từ ngày 20 tháng 3 đến ngày 28 tháng 5 năm 1871, quốc hội
họp hội đồng và bàn bạc ở trong “phòng hát bội” (salle de l'Opéra). Ngày
25 tháng 2 năm 1875, tuyên bố Dân quốc, mãi đến ngày 18 tháng 6 năm 1879, hai
nghị viện mới quyết nghị thiên về Paris. Ngày nay cứ mỗi bảy năm bầu quan Giám
quốc, hai nghị viện họp thành quốc hội ở Versailles để bầu. Tháng 5 năm 1919,
sau cuộc thế giới đại chiến, đại biểu của các nước Đồng minh cùng với đại biểu
nước Đức họp ở Versailles để nghị hoà. Hòa ước ký ở “Lầu trăm gương” (Galerie
des glaces) ngày 26 tháng 6.
Ấy lịch sử cung Versailles như thế. Trước khi vào xem phải mua một
quyển chỉ nam về Versailles, trong kể tường tất cả. Xem như thế thì cung
Versailles này trong khoảng ngót ba trăm năm thật đã có mật thiết quan hệ với
quốc sử nước Pháp vậy. Xem một nơi cổ tích cũng phải biết qua lịch sử một chút
thời mới có bổ ích. Không biết nhà làm sách nào đã nói rằng những chốn cung
điện lăng tẩm của đế vương cùng những nơi đã xẩy ra các việc lớn trong lịch sử,
đời đời có một cái khí vị riêng, như còn phảng phất cái tàn hồn của các thời
đại đã qua vậy, khiến cho khách du quan không thể cầm lòng điếu cổ. Tôi còn nhớ
năm trước xem các tôn lăng ở Huế đã cảm giác như thế, ngày nay đi thơ thẩn dưới
bóng cây trong vườn ngự uyển này cũng thấy như vậy.
Xem Versailles này phải
đến hai ngày, suốt từ sáng đến chiều, mới gọi là hơi kỹ được. Hôm nay chỉ có
mấy giờ đồng hồ, xem sao cho khắp? Vậy chỉ dạo chơi vườn ở chung quanh cung để
xem các tượng phun nước (chỉ ngày chủ nhật mới mở máy), không dám đi xa ra
ngoài lắm, sợ về không kịp. Xong rồi đi lần lượt xem các cung các sở qua loa
cho biết đại thế, không chỗ nào dám đứng lâu. Trước xem cung Versailles, trong có hai cái lầu: một
cái gọi là “Lầu trăm gương” (Galerie des glaces), trông ra vườn ngự
uyển, dài 72 thước, rộng 10 thước rưỡi, cao 19 thước, hai bên toàn những gương
đứng cao bằng một đầu một với, nạm bằng đồng sáng choang cả, còn tường và trần
thì toàn những tay danh họa đời xưa vẽ những bức chiến đồ (phần nhiều là của
nhà hội họa Lebrun), đứng trên lầu này mà nhìn ra ngoài vườn, thu quát được cả
cái đại thế, thật không cảnh gì trang nghiêm bằng; một cái gọi là “Lầu trăm
trận” (Galerie des batailles), cái này là sửa lại sau (năm 1836), chứ
không phải có tự đời vua Louis thứ 14, kiểu cách và trang sức không được đẹp
bằng cái trên, nhưng dài và rộng lắm (120 thước và 13 thước), hai bên treo toàn
những bức họa về các trận của nước Pháp từ xưa đến nay, và bày tượng các bậc
danh tướng, kể có mấy trăm bức và mấy trăm pho. Lại xem những phòng ngủ của vua
Louis thứ 14, phòng hội đồng, v.v… ở trong cung chính. Còn những cung nhỏ như
Grand Trianon, Petit Trianon, thì chỉ xem bên ngoài, không kịp vào. Sau cùng
xem đến “Kho xe” (Musée des voitures) là một sở bảo tàng những xe cộ của
các đời vua.
Mãi 6 giờ chiều đóng cửa mới ra về. Đi xe lửa về Paris, trong xe chật
những khách đi xem ngày chủ nhật. Lúc nãy ở trong vườn rộng, không biết số
người xem đông đến thế.
Cơm tối rồi đi xem hát ở rạp hát Théâtre
des Capucines, đường Capucines.
Tối hôm nay diễn bài hài kịch: Ce qu'on dit aux femmes (Nói chuyện gì
với các bà) của Tristan Bernard, chuyện hoạt kê, buồn cười lắm. Lối kịch của
Tristan Bernard là lối có cái “Paris phong vị” hơn cả (très parisien).
Thế nào là cái “Paris phong vị”? Cũng khó mà giải cho được. “Paris phong vị” là
cái phong vị hào hoa, thanh lịch, phong nhã, tài tình, có cái dư vị hoạt kê, có
cái tinh thần trào phúng, nhẹ nhàng hoạt bát, phóng túng tự do, tựa hồ như sỗ
sàng mà lịch sự; tựa hồ như dâm đãng mà vẫn kín đáo; nói tóm lại là một cái
phong vị đặc biệt, duy ở Paris mới có, mà không phải ở khắp cả Paris, chỉ ở một
cái xã hội riêng của Paris mà thôi. Xã hội này là xã hội những bọn “tài tử” về
văn chương mỹ thuật, những tay ăn chơi lịch sự, những bậc phu nhân phú quý mà
có cái tính hiếu kỳ. Cái đặc tính của xã hội ấy là cái trí dĩnh ngộ: các tài tử
giai nhân này là những người đã văn minh lọc lõi lắm rồi, sành sỏi sự đời lắm
rồi, không còn có kém cái cạnh cái khoé gì nữa, lấy trò đời làm một cuộc mua
vui, nhưng chuyện đời lâu rồi cũng không có cái thú gì mới lạ nữa, nên phải bày
đặt ra những chuyện oái oăm rắc rối để làm cái món khiển hứng tiêu sầu. Cho nên
phần nhiều những tiểu thuyết kịch bản gọi là có cái “phong vị Paris" ấy,
toàn là những chuyện như thế cả. Người không quen, không tinh, hay là có tính
thật thà, thời đọc những sách ấy, xem những kịch ấy, không khỏi có hại. Người
biết ra thời cũng có một cái phong thú đặc biệt vậy.
Bài kịch như bài này mà nói ra tiếng ta, dịch cho người mình nghe, thì
ít ai hiểu được. Cái tinh thần nó có từng tiếng, từng chữ, từng câu lộng ngữ,
từng cách đối đáp, từng chỗ nói ngầm nói bóng, nói xa nói xôi, thật là “ý tại
ngôn ngoại”, nói một nửa để cho người ta đoán ra một nửa, nếu cố cắt nghĩa cho
ra thì thật không có nghĩa gì. Văn chương này mà muốn dịch ra tiếng ta thì đành
chịu thôi. Vả ta cũng chưa cần đến cái lối văn “yêu quái” ấy vội. Nếu trình độ
chưa tới mà đã vội thâu thái những cái món thượng phẩm văn minh đó thì có hại
chứ không có lợi. Người nào biết thưởng thức hẵng cứ nên thưởng thức một mình,
không nên mong truyền bá ra làm gì. Có muốn truyền bá, còn lắm cái cần hơn
nhiều.
Thứ hai, mồng 5.
Ở Paris có một cái cảnh lạ, là cảnh các hàng bán sách cũ ở bờ sông
Seine. Trong Anatole France đã có tả cái cảnh ấy một cách rất lý thú, vì cụ
thân sinh ra tiên sinh khi xưa có làm nghề bán sách ấy. Nói hàng sách chớ tưởng
là những cửa hàng lồng mặt kính, thắp đèn điện đâu. Số là trên bờ sông Seine có
xây dẫy tường thâm thấp như dẫy bao lơn. Về bên tả ngạn sông, suốt một dọc chạy
dài từ cầu Saint Michel cho đến Cộng hòa trường (la Concorde), những
người buôn sách cũ bày la liệt những sách cùng tranh vào trong những cái tủ dèm
dẹp như hình cái hòm hay cái tráp đóng liền ở trên bao lơn, sáng mở ra, tối lại
khoá lại. Sách bán đây toàn là sách cổ hoặc sách cũ cả, khác nào như ở ngõ Hàng
Quạt Hà Nội ta mấy năm xưa. Người mua là những học trò, những ông lão nho, ông
đồ cổ, những người ham mê các đồ thư cổ bản. Ở đời tàu bay ôtô này mà trông
thấy giữa nơi đô thành phồn hoa náo nhiệt những ông cụ già giương nhỡn kính lên
đứng hàng giờ dở những chồng sách cũ kỹ rách nát, lấy làm khoái lạc đến quên cả
ngày giờ không muốn dứt ra đi nữa, đó là một cái cảnh rất nên thơ cho con nhà
hiếu cổ. Chắc lấy con mắt vô tình của người nông nổi mà xem thời những chồng
sách rách nát ấy không phải là một cái vẻ mĩ lệ gì cho chốn danh đô và không
khỏi làm bề bộn phố phường. Nên nghe đâu hội đồng thành phố Paris có hồi đã bàn
nên cấm không cho hàng sách bày ở bờ sông nữa, bắt phải đem ra ngoại ô. Nhưng
bấy giờ những nhà hiếu cổ, muốn bảo tồn lấy một cái cảnh tượng của Paris cổ
thời, hết sức phản đối, nên lời bàn ấy thôi không thi hành nữa. Ngày nay khách
du quan đến Paris, muốn nghỉ cái cảnh huyên náo những nơi đường phố đông người,
đi dạo qua dẫy bờ sông này mà xem mớ sách cũ, cũng có một cái thú đặc biệt vậy[19].
Cả buổi sáng sớm hôm nay mình thơ thẩn ở chỗ này, đi hết dẫy sách ấy
sang dẫy sách khác, đồng hồ đã điểm mười hai giờ mới sực nhớ đi ăn cơm. Mua
được mấy quyển hay, có một quyển đề là La Guerre du Tonkin (Trận Bắc
kỳ), đã rách nát mất cả bìa, không biết của ai làm, sách thuật tường về việc
nước Pháp can thiệp sang Bắc kỳ ta, đánh với quân nhà vua ta và quân Cờ Đen,
trong có hình vẽ nhiều lắm, như hình Đức Dực Tôn (vua Tự Đức), hình quan Phụ chính
Nguyễn Hữu Độ, v.v…, xem ra thì có lẽ là sách của một viên quan võ Pháp nào đã
tòng quân về trận Bắc kỳ.
Tối đi xem nhà hát Folies -
Bergère, ở đường Richer.
Nhà này là thuộc về hạng music halls (nhạc quán), có tiếng lắm, người
ngoại quốc đến xem rất đông. Có ca nhạc, nhảy múa, trò vè và bày cảnh rất là
trang hoàng. Trong nhà chia ra từng khu một, mỗi khu một trò, vào cửa mất tiền,
rồi xem trò gì lại mất tiền riêng về trò ấy. Người xem trò cũng đông mà người
vào chơi để kiếm chuyện trăng hoa lại nhiều hơn, vì ở đây cũng không khác gì
như ở Mông mạc vậy. Cũng những ả mày ngài, cũng những khách làng chơi, và cũng
một cái không khí khói thuốc lá như vậy. Trò thời ngoài những cuộc đờn ca, là
những trò khỏa thân khiêu vũ, các hoạt kịch chia ra từng cảnh, v.v… Tối hôm nay
diễn bản hoạt kịch đề là Folies sur folies (Hết cái cuồng ấy đến cái
cuồng khác) của Louis Marchand, có hai hồi, 40 cảnh, bản này dài lắm, nhưng chỉ
diễn có một mục về Les Folies du jour (Những cái cuồng hiện đương lưu
hành), là: cái cuồng để cổ trần (la folies des décolletés), cái cuồng
thể thao (la folies des sports), cái cuồng đeo trân châu (la folies
des perles), cái cuồng khiêu vũ (la folies des danses), mỗi cảnh đến
mấy chục con trai con gái tuyệt đẹp ra nhẩy múa, thật là choáng mắt. Lại diễn
một bản hoạt kịch nữa ngắn hơn, đề là “Các cách hôn nhau”: cái hôn vô tình, cái
hôn của vợ chồng, cái hôn của mẹ con, cái hôn của gái kỹ nữ, cái hôn phong
tình, cái hôn dâm dục, cái hôn vũ phu, cái hôn ma quái; toàn bày cảnh hoạt
động, không có lời nói. Đại khái những trò này là chỉ chủ ý làm cho người xem
vui mắt, choáng mắt, chứ không có thú vị văn chương gì, không hiểu tiếng Pháp
cũng xem được, nên người ngoại quốc đến đông lắm. Song vui thì vui thật, choáng
thì choáng thật, mà nó vẫn có cái khí vị tục tằn, không thú gì.
Thứ ba, mồng 6.
Các ông phái viên Nam Kỳ mới đến Paris, hẹn cùng với phái viên Bắc Kỳ
sáng hôm nay vào chào quan Thượng thư. Bọn mình đã đi rồi, nhưng các ông ấy rủ
lại đi nữa cũng bất phương. Tính các ông hay trọng sự thể, như đi chào quan
Thượng thư thời phải đi cùng một quan cai trị Tây, tựa hồ như phải có người bề
trên dắt tay chỉ đường thời mới yên tâm. Nghe nói các ngài trong Nam - Trung
hay có khí khái, nhưng xét cách các ngài đây cử động thời không thấy lộ cái
tính ấy chút nào cả.
Buổi tối cùng các ông phái viên Nam Kỳ đi xem hát ở Odéon, diễn bài Le
Songe d'une nuit d'été (Giấc mộng một đêm mùa hè) của Shakespeare dịch ra
tiếng Pháp. Diễn khéo, cảnh đẹp. Rạp Odéon này là rạp hát của Nhà nước
cũng như rạp Comédie Française, mở từ năm 1782, trong rộng lắm, ngồi
được một nghìn ba trăm người, ngoài làm theo kiểu đền Hi Lạp, có hành lang và
cửa cuốn chung quanh. Dải hành lang này có các hàng sách bán, nhất là hiệu Flammarion. Mặt trước, bên ngoài có
tượng Emile Augier là một nhà soạn kịch trứ danh về cận đại, bên trong có tượng
Molière lúc lâm chung của Allouard chạm, có tiếng là pho tượng đẹp lắm.
XIV
Thứ tư, mồng 7.
Quan sáu L. hồi xưa đã có tòng quân ở bên ta, nay hưu trí. Mới quen
mình từ bữa diễn thuyết ở trường Thuộc địa, hẹn sáng hôm nay đến chơi ở Ligue maritime et coloniale (Hội cổ
động về Hải quân và Thuộc địa), ở số 30 đường Capucines. Hội này tập hợp được nhiều người, nghe như thế lực
cũng mạnh. Chủ ý là cổ động cho quốc dân Pháp chú ý đến việc hải quân và việc
thuộc địa, cho rằng hai khoản ấy có quan hệ to đến vận mệnh nước Pháp. Đổng lý
sự vụ trong Hội là ông Maurice Saint Rondet, quan sáu giới thiệu mình cho ông,
ngồi nói chuyện ít lâu về việc bên ta, rồi ông tặng hai quyển sách của ông xuất
bản trong khi chiến tranh (1916-1917) thuật về cuộc du lịch của ông ở Đông Pháp
mấy năm trước, một quyển đề là: Choses de l'Indochine contemporaine (Sự
vật ở Đông Pháp ngày nay), một quyển đề là: Dans notre Empire Jaune
(Trong cái đế quốc giống da vàng của ta). Ông này làm sách viết báo nhiều, toàn
là về việc du lịch, về quân sự và về thuộc địa cả, chủ ý cổ động truyền bá hai
cái chủ nghĩa đế quốc và quân quốc, khuếch trương cái thế lực nước Pháp trong
thế giới; cứ xem những tên sách của ông như sau này thì đủ biết: La Grande
Boucle. Notes et Croquis de l'ancien Continent et des deux Amériques (Cuộc
du lịch hoàn cầu. Biên chép về tân cựu thế giới), sách được Hội Hàn lâm ban
thưởng; L'Afrique équatoriale française (Đất Trung Phi châu thuộc Pháp);
Dans notre Empire Noir (Trong cái đế quốc giống da đen của ta); L'Avenir
de la France est sur mer (Hậu vận nước Pháp là ở trên mặt bể); Aux
confins de l'Europe et de l' Asie (Giáo giới châu Á với châu Âu); En France Africaine (Ở đất Phi châu
thuộc Pháp)… Mấy quyển đó, quyển nào cũng đến tái bản, tam bản cả. Xem đó thời
biết người Pháp không phải là không thiết đến chuyện thuộc địa, không phải là
không có cái chí chinh phục và cái tính hiếu võ vậy. Ông Maurice Saint Rondet
là một tay trước thuật tiêu biểu rõ nhất hai cái tinh thần đó.
Quan sáu L. cũng vào phái cổ động về thuộc địa. Từ ngày về hưu, thường
viết trong các báo nói về chuyện thuộc địa. Chính trong tạp chí Les Annales một đôi khi
cũng có bài của ngài. Về việc Đông Pháp thì nghe chừng ngài đã xa bên ta lâu
năm, không được am tường về hiện tình lắm. Nhưng việc về ba bốn mươi năm trước
thì ngài biết rõ, nhất là hồi Đức Đồng Khánh mới lên ngôi. Ngài nói ngài có
được bệ kiến tiên hoàng mấy lần.
Ông P. giáo học tiếng An Nam ở trường Đông phương Bác ngữ, trước làm
quan cai trị bên ta, có mời mấy anh em 9 giờ tối đến uống nước chè ở nhà ông,
đường De Luynes, số 9. Đường
này mình chưa đi đến bao giờ, lại đi tối, quanh quẩn mãi không tìm thấy, thuê
cái taxi thì chẳng may gặp bác cầm lái cũng bỡ ngỡ như mình, thành ra mãi đến
10 giờ mới đến, ông giáo và phu nhân có ý đợi. Ông P. năm trước mình đã có quen
gặp ở trường Bác cổ Hà Nội, không những là một người thuộc tiếng An Nam đã sành
mà lại là một tay khảo cứu có công nữa. Ông đã có làm một bài khảo về lễ “động
thổ” và một bài khảo về “vàng trong lễ tục An Nam”, in trong sách biên tập của
trường Bác cổ. Ông người tính khí ôn hoà điềm đạm, ra tư cách một nhà bác học
chứ không phải một quan cai trị thuộc địa. Nghe đâu định chuyên về đường học
vấn, không có chí trở về làm quan bên ta nữa. Ông vừa dạy tiếng An Nam ở trường
Đông phương (nguyên là thay cho ông giáo chính D., nhưng ông này bị đau luôn có
lẽ cũng từ chức, thời ông sẽ được thực thụ) lại vừa kiêm một khoa giảng nghĩa
về cổ văn tự Đông Pháp ở học viện Collège
de France thay quan chánh đốc Finot trường Bác cổ Hà Nội. Nói chuyện về
sự học tiếng An Nam, ông có ý phàn nàn rằng ông dạy học lấy làm khó lắm, vì
không có sẵn sách vừa tầm sức học trò. Ông ước ao rằng có ai biên tập được
những bài nho nhỏ, ngăn ngắn, dê dễ, gồm được đủ các giọng các lối mà phần
nhiều nói về phong tục, cách ăn ở, cách sinh hoạt người An Nam ta, thì giúp đỡ
cho người Pháp ở bên Pháp học tiếng ta nhiều lắm. Mình nghĩ bụng rằng không
những người Pháp học tiếng An Nam không có sách, mà đến người An Nam học tiếng
“mẹ đẻ” cũng là vô sư vô sách nữa, một là bởi chính người An Nam đối với tiếng
nước mình vẫn chểnh mảng, hai là bởi các trường Nhà nước không chịu cho tiếng
An Nam được một địa vị xứng đáng, nên dẫu có nhà làm sách cũng ngại không dám
xuất bản, sợ in rồi bỏ đó không ai mua! Sách giáo khoa đứng đắn, trừ phi sở Học
chính công nhận và bắt học trò phải mua, còn đời nào tiêu thụ được mạnh bằng
những sách tiểu thuyết ngôn tình hay là những sách thi ca bá láp. Nhiều ông ở
bên mình nhiệt thành cứ giục: Sao không lập cuộc tu thư đi? Sao không mở hội
dịch sách đi? Không biết rằng dịch sách với tu thư mà xuất bản độ ba nghìn
quyển, ba năm không bán chạy được năm trăm quyển, thì sớm trưa cũng đến phá sản
mà thôi!
Thứ năm, mồng 8.
Hôm nay quyết đi xem viện bảo tàng Le Louvre. Đã mấy lần rắp đi mà vẫn ngần ngại, sợ hãi, như người
sắp vào một chốn thiêng liêng, chưa chắc mình đã đủ trai giới, đủ kính cẩn mà
dám bước chân vào. Chỗ này là chỗ bao nhiêu cái tinh hoa của văn minh Thái Tây
đã mấy mươi đời nay sưu tập cả ở đây, biết rằng con mắt phàm nhìn vào có hiểu
được không? Cho nên từ khi tới Paris đến giờ, rảnh được chút thì giờ nào thì
đọc những sách, xem những tranh cùng ảnh về nghề họa và nghề tượng ở Âu châu và
nhất là nước Pháp, khảo những bộ “chỉ nam” về Le Louvre, mua những phiến ảnh các danh họa danh tượng họp thành
từng tập dầy, nói tóm lại là dự bị sẵn để cho có đủ tư cách đi xem viện bảo
tàng cho thật ích lợi. Mới đây lại mua được quyển sách: Mes promenades au Musée du Louvre, của J.F. Raffaelli, sách
của một nhà họa giỏi bình phẩm về nghề họa. Xem sách này khám phá được nhiều
điều lạ, lĩnh hội được nhiều lẽ hay về mỹ thuật Âu Tây. Như ông giải cái tâm lý
của nhà mỹ thuật như thế này: “Nhà mỹ thuật có tính hay cảm kích, không thể
không tự phô diễn ra ngoài. Phô diễn ra là vừa phát biểu cái tinh tuý của tạo
vật, vừa phát tiết ra cái tinh anh của riêng mình, kết quả sự đó có nhiều cách.
Sáng nghĩ được một “lối” riêng, thế là phát tiết được cái tinh anh của mình, mà
phát biểu cái tinh túy của tạo vật là suy tôn những cảnh thiên nhiên cho có vẻ
mĩ lệ, lại phụ thêm cái văn vẻ của tính tình mình. Một bên thì biểu dương cho
mình, một bên thời giáo dục cho người: tức là ông thầy dạy đẹp cho đời vậy” (L’artiste se trouve forcé par son
enthousiasme à s’exprimer. Il le fait en exaltant la beauté de la nature autant
qu’en exaltant sa propre beauté. Les effets qui en résultent sont d’ordres
divers. En créant son style, il exalte sa propre beauté, et, en exaltant les
beautés de la nature, il élève à la beauté les spectacles de la nature, à laquelle
il ajoute les beautés de son âme. D’un côté, il travaille à sa gloire. De
l’autre, il est un éducateur: il est un professeur de beauté). - Nay cái đẹp
là cái gì? Làm thế nào cho người đời công nhận một sự hay một vật là đẹp? Ông
thí dụ một việc như sau này ở trong họa sử nước Pháp, đủ chứng về sự phát sinh
ra cái quan niệm “đẹp” ở trong tâm trí người ta. Đời vua Louis thứ 14, có một
nhà họa tên là Téniers dâng vua mấy bức tranh vẽ bọn bình dân cục súc, vua bắt
đi mà nói rằng: «- Đem cất cái lũ khố rách này đi!». Đời ấy các nhà họa không
ai thèm vẽ đến bọn “khố rách”, và trong tư tưởng chung coi bọn đó đáng khinh bỉ
vô cùng. Sau ý kiến mỗi ngày một đổi đi. Kịp đến thế kỷ thứ 18 thì cái lý tưởng
bình đẳng lại thịnh hành lắm. Bấy giờ có một nhà họa tên là Millet, ông là con
nhà quê đất Normandie, trong
những bức tranh của ông chỉ vẽ người nhà quê xứ ông mà thôi: bác thợ cầy, kẻ
chăn bò, toàn là bọn “khố rách” cả, nhưng ông có cảm tình với bọn ấy, ông cảm
kích về tình cảnh bọn ấy, ông không thể không phát biểu cái tinh thần nó ngụ ở
trong nghề lam lũ, tức là ông suy tôn kẻ nhà quê cho đến cái phẩm giá đẹp,
khiến cho người ngoài trông vào cũng phải cảm. Ông làm thế là ông vừa gây được
một “lối” riêng cho nghề họa mình, nghĩa là tìm được một cách để phát tiết cái
tinh anh, tức là cái cảm tình của mình; lại vừa phát biểu được một cái vẻ tinh
túy của tạo vật, trước kia chưa ai biết đến mà từ đấy nhờ ông thiên hạ cảm được
cả. Thế là ông vừa biểu dương được cái tài tình của ông mà lại vừa giáo dục
được sự đẹp cho đời. Đó là cái vinh dự tối cao của nhà mỹ thuật.
Theo cái lý tưởng về mĩ thuật đó thì phàm sự vật gì trong trời đất, bất
cứ sang hèn, đều có ngụ một cái vẻ đẹp cả; nhà mĩ thuật là người biết cảm kích
cái vẻ đẹp ngầm đó mà có tài phô diễn được nó ra, trong khi phô diễn ấy không
những là phát biểu được cái tinh túy của sự vật mà lại phát tiết được cái tinh
anh của mình nữa. Cái lý tưởng về mĩ thuật của Á Đông ta có khác, nhất là về
nghề họa. Nhà họa Tàu hay nhà họa Nhật không chủ phô diễn cái đẹp ngầm ở trong
sự vật, nhưng cốt là tả một cái thái độ của thần trí người ta đối với cảnh vũ
trụ bao la. Mĩ thuật ấy có một cái vị triết lý, một cái vẻ siêu hình, cho nên
không châu tuần ở trong vòng sự vật mà muốn siêu thoát ra ngoài cõi thanh
không. Nhìn một bức thủy mạc Tàu với một bức nhân vật Tây đủ biết hai cái mĩ
thuật khác nhau thế nào. Đó là một vấn đề người An Nam mình cần phải nghiên
cứu, vì có quan hệ to cho sự tiến hoá về đường tinh thần của dân tộc ta. Chuyến
này về, có thì giờ phải nên khảo về họa học của Trung Quốc và của Nhật Bản…
Trước khi xem nhà bảo tàng đã dụng công dự bị như thế, thế mà xem còn
không hiểu thì thật là hủ lậu quá!
Xem viện Le Louvre này
cũng như xem cung Versailles,
không thể một buổi khắp được; phải đến vài ba ngày. Ấy là xem qua cho biết đại
khái mà thôi, chứ nếu muốn nghiên cứu về nghề họa hay nghề tượng cho rành từng
thời đại một hay từng môn phái một, thì không biết mấy tuần mấy tháng cho khắp.
Vì trong một viện bảo tàng này không biết mấy mươi nghìn pho tượng, mấy mươi
vạn bức tranh, tự thượng cổ, qua trung cổ, cho đến cận đại, đời nào cũng có, và
toàn là những kiệt tác trong mĩ thuật Âu Tây cả. Nghe đâu khắp trong thế giới
không có sở bảo tàng nào nhiều đồ quý đồ lạ bằng ở đây. Mà không những đồ chứa
ở trong đẹp, lại cái nhà chứa cũng đẹp nữa. Nhà này là cung các vua nước Pháp
tự thế kỷ thứ 16, đời đời sửa sang và mở rộng mãi ra, đến năm 1857 mới thật là
làm xong như quy mô bây giờ. Sách chép trong khắp thế giới không có nơi cung
điện nào nguy nga tráng lệ và diện tích to rộng bằng sở Le Louvre này; mặt rộng tới 197.000 thước vuông; có sở Vatican là cung đức Giáo hoàng ở La
Mã kể đã là rộng mà mới chỉ bằng chia ba một phần đây mà thôi. Cung Le Louvre bây giờ hình như chữ 門[20],
ở trên lại chồng một chữ 口[21] nữa: phần chữ 口 gọi là “cung cũ” (Vieux Louvre), có bốn điện chạy
quanh, sân rộng ở giữa, xây tự thế kỷ thứ 16 và 17; phần chữ 門 thời về phía Nam chạy dọc
sông Seine, nguyên trước đã có cung sẵn tự thế kỷ thứ 16 và 17, nhưng về thế kỷ
thứ 19 sửa đổi lại nhiều; về phía Bắc thì mới làm tự đời vua Napoléon thứ I,
đến đời vua Napoléon thứ 3 và chính phủ Dân quốc lại làm thêm ra nhiều. Ở giữa
hai vế chữ 門 là nơi công trường Carrousel, một bên có cửa khải hoàn Carrousel của vua Napoléon thứ I dựng
từ năm 1806, một bên có hai tượng ông thủ tướng Gambetta là người đã có công to
lập ra chính phủ Dân quốc, và ông Lafayette là tướng Pháp đã giúp cho nước Hoa
Kỳ trong trận Độc lập. Ngoài nơi công trường là sở công viên Tuileries. Khu này là một nơi thắng
cảnh đệ nhất thành Paris đây; một ngày mình đi đi về về qua biết bao nhiêu lần,
vì ở bên tả ngạn sang hữu ngạn bao giờ cũng đi đường autobus "Gobelins - Notre - Dame de Lorette”
chạy qua ở dưới cửa cung Louvre
này. Mỗi lần trông thấy cung điện sừng sực trước mắt mà tưởng tượng đến cái
công gây dựng văn minh của giống Pháp Lan này, không thể cầm lòng tán thán,
nghĩ bụng rằng cái mục đích của giống người ở trên mặt đất này chẳng qua là tổ
chức lấy cuộc đời cho sung sướng, trang sức lấy cảnh đời cho đẹp đẽ, như thế
thời giống Pháp này đã được hưởng cái sướng cái đẹp đến tuyệt phẩm vậy. Dẫu đời
ấy sang đời khác có kinh qua lắm buổi gian nan nguy hiểm, nhưng đời nào cũng
còn để lại những di tích như chốn này, thật là đủ tô điểm cho non sông rực rỡ
biết dường nào! Làm dân một nước như nước này, mở mắt ra đã được trông thấy
những quang cảnh tráng lệ như thế, khác nào như cái bài học của đời trước
khuyên cho đời sau càng ngày càng làm tốt làm đẹp mãi lên, khiến cho vui lòng
hởi dạ mà dũng dược tinh tiến biết dường nào! Cớ sao cũng một kiếp người mà lại
sinh ra giống khỏe giống yếu, giống mạnh giống hèn, để cho khách du quan mỗi
lần nghĩ đến cái câu “ưu thắng liệt bại” ở đời, bỗng dưng chạnh mối thương tâm,
mà tấc dạ đỗ quyên những khắc khoải đòi hồi!…
Cung Louvre từ đời các
vua ở cũng đã đặt làm sở bảo tàng rồi. Ngày nay thì ở trong chia ra làm bảy
kho, có thể gọi là “thất khố bảo tàng”: 1) Kho các đồ cổ Hi Lạp và La Mã, phần
nhiều là các tượng đá cả; 2) Kho các bức họa và bức vẽ; 3) Kho các đồ cổ Đông
phương và đồ gốm về cổ đại; 4) Kho các đồ chạm và tượng về trung cổ, đời Phục
hưng và cận đại; 5) Kho các đồ mĩ thuật về Trung cổ, đời Phục hưng và Cận đại;
6) Kho các đồ cổ Ai Cập; 7) Kho các đồ cổ về hải quân.
Trong bảy kho ấy có kho họa là quý nhất và nhiều nhất, toàn là những
bức không có hai ở trong thế giới. Chia ra từng phái (écoles), bày thành
từng gian, theo loại mục như trong họa học sử Thái Tây. Có phái nước Pháp, phái
nước Ý, phái nước Tỉ (École flamande), phái nước Hoà, phái nước Tây Ban
Nha, phái nước Đức và phái nước Anh; lại một phái riêng các danh sư ở thành Venise ngày xưa (École Vénitienne).
Đi qua một lượt các gian cũng gọi là thu được cái hình ảnh mường tượng về các
thời đại và các môn phái trong nghề họa Âu châu. Lấy con mắt phàm của mình mà
xem, không mong biết được hơn nữa. Đến trước bức họa nào nhìn đến tên cũng thấy
là tên một danh gia mình đã từng đọc ở trong sách. Về phái nước Pháp là phái
nhiều nhất, thì nào là: Poussin, Claude Lorrain về thế kỷ thứ 17; Watteau,
Fragonard, Greuze, Chardin về thế kỷ thứ 18; David về đời Đại Cách mệnh;
Ingres, Delacroix, Millet, Corot về thế kỷ thứ 18. - Phái nước Pháp, trước thế
kỷ thứ 17, vào hạng gọi là các danh sư tiền cổ (les primitifs) thì có ít
lắm, chỉ có mấy bức của François Clouet về thế kỷ thứ 16 là có giá trị hơn
nhất. Như thế thì nghề họa ở nước Pháp cũng chẳng lấy gì làm cổ lắm, sánh với
nghề họa nước Tàu ngày nay còn giữ được những bức thuộc về thế kỷ thứ 4 thứ 5,
như của Kou K’ai Tche (Cố Khải Chi), kém xa nhiều. Phái nước ý thì có những bức
của Fra Angelico, Pérugin, Léonard De Vinci (vẽ hình mĩ nhân đề là La
Joconde, bức này có tiếng lắm, năm trước bị ăn trộm, rồi lại tìm được), Le
Corrège; riêng về phái thành Venise bày hẳn một gian thì có Titien, Véronèse,
Le Tintoret. Phái Tây Ban Nha, có ít bức thôi: Le Greco, Velasquez, Murillo,
Goya, v.v… Về phái nước Tỉ và nước Hoà thì nhiều lắm, những bức có tiếng nhất
là của Rembrandt, Rubens, Van Dyck, Franz Hals; - Phái nước Đức có ít thôi:
Holbein, Kauffmann, Durer, v.v... Phái Anh cũng vậy: Lawrence, Reynolds, v.v… -
Ngoài những bức chia ra các môn phái như trên, khiến cho nhà khảo về họa học dễ
theo thời đại lưu phái mà xét, lại còn nhiều những bức thuộc về di sản của mấy
bậc phú hào bình sinh sưu tập được, đến khi chết tặng cho nhà nước để vào bảo
tàng, như Legs Duchatel, Collection Chauchard, v.v… lắm bức quý lắm.
Kho tượng cổ thì phần nhiều là những tượng đá của Hi Lạp, La Mã, các
nhà bác học đào được ở dưới đất, có cái sứt vỡ cả, nhưng hình thể tuyệt đẹp.
Đẹp nhất là tượng nữ thần Vénus ở đảo Milo, để trần một nửa người, gẫy mất hai
cánh tay, người Tây cho là thân thể người đàn bà đến thế này là tuyệt xảo, tạo
vật vị tất đã nặn được hình người nào đẹp như thế. Tượng này của Hi Lạp, thuộc
về thế kỷ thứ 4 trước Giatô giáng sinh, mãi đến năm 1820 người ta mới đào được
ở dưới đất lên, cạnh làng Castro
ở đảo Milo. Còn một pho tượng
nữa cũng cho là kiệt tác của nghề chạm Hi Lạp, nay sứt vỡ cả, gọi là tượng
“Thần Chiến thắng” ở Samothrace,
hình người đàn bà có cánh, vẫy cánh bay ở trên cái thuyền trận, nhưng đầu và
một cánh đã gẫy, mất, và cái thuyền cũng không còn hình nữa, thế mà người Tây
khen là hình tượng sự chiến thắng một cách hùng tráng vô cùng.
Nghề tượng ở nước Pháp thì từ thế kỷ thứ 17 cho đến ngày nay không
thiếu một người nào, bắt đầu từ ông Puget cho đến ông Carpeaux.
Còn những gian đồ cổ của Á châu (chỉ về đất Tiểu Á Tế Á nhiều, còn về Á
Đông thì có một ít đồ gốm Tàu, Nhật và Xiêm của ông Grandidier đem về năm xưa
và một mớ những đồ họa và đồ chạm của ông Pelliot đem ở Tân Cương - Turkestan -
bên Tàu về), đồ cổ về Ai Cập, Phi châu, v.v… chỉ đi qua thôi không xem kỹ.
Duy đến năm cái phòng lớn bày toàn những đồ gỗ và những tấm thảm của
Pháp về các đời trước, không thể không dừng lại xem kỹ một lượt. Có đủ các thứ
đồ về đời vua Louis thứ 14, 15, 16, trông thật là choáng mắt. Lại đẹp hơn và
quý hơn nữa là nơi gọi là Galerie d'Apollon, là một cái điện dài, quy mô
hùng vĩ (hơn 60 thước dài, ngót 10 thước ngang, cao 11 thước), trang sức tuyệt đẹp
(có những bức họa sơn về tứ thời, về buổi sớm, buổi chiều, về các tích thần
tiên Hi Lạp, v.v…); trong điện bày toàn những đồ vàng, đồ sứ, cùng những kim
cương bảo thạch, quý giá vô cùng. Có một hòn kim cương gọi là Le Régent
(ông Nhiếp chính), người ta cho là suốt trong thế giới không đâu có hòn kim
cương nào to và đẹp bằng, nặng 136 carats,
trị giá 12 triệu.
Đi xem qua một lượt như thế mà cũng mất ba giờ đồng hồ, vừa đến giờ
đóng cửa nghỉ trưa mới ra về. Định hôm nào đến một buổi xem riêng về các bức hoạ
cho kỹ hơn một chút, chứ như hôm nay sơ lược quá.
Xét ra những bức họa cổ ở viện bảo tàng Le Louvre này, người nước Pháp lấy làm quý báu vô cùng. Có một
hội những nhà ái mĩ, gọi là “Hội các bạn sở Louvre” (Société des Amis du Louvre) lập ra để giúp nhà
nước giữ gìn các bức cổ họa ấy, và tìm cách sưu tập những bức chưa có, cùng mua
thêm cho nhiều ra. Lại người ngoại quốc đến nghiên cứu về nghề họa ở đây cũng
đông lắm. Có người đem giấy bút, bắc giá vẽ, ngồi mà phóng những bức cổ họa, cứ
ngày hai buổi, có khi đến hàng tuần hàng tháng. Sáng hôm nay gặp hai người Nhật
Bản đến phóng như thế. Lại mỗi tuần lễ có một ngày các ông giáo mĩ thuật đến
diễn thuyết và bình phẩm các bức họa cho người đến xem nghe. Những buổi có diễn
thuyết như thế thì phải biên tên trước và nộp tiền mới được vào xem. Vào xem
những ngày thường như hôm nay thời không mất tiền, nhưng nghe nói chính phủ
đương định đặt một cái thuế vào xem các sở bảo tàng công, sắp thi hành nay mai.
Trong sách ông Raffaelli có nói rằng: “Nếu đặt ra cái lệ những ngày nào vào xem
sở bảo tàng phải trả tiền thật đắt, thời bấy giờ thiên hạ mới hiểu rằng được
xem những cái kỳ quan như thế này, đã phải bao nhiêu công phu mới tích lũy
được, mà bày ở trong một nơi cung điện như thế này, là một sự khoái lạc biết
dường nào!” (Si
l’on était obligé de payer très cher le droit de visiter le musée, à certains
jours, le public comprendrait mieux quelle fête c’est de visiter de pareilles
merveilles accumullées au prix de tant d’efforts et présentées dans un pareil
palais!). - Song lại có kẻ bác rằng làm như thế không được bình đẳng, người
có tiền đã đành, còn người thường dân, người nghèo, không cho người ta được
hưởng cái thú mĩ thuật hay sao? Nghe đâu chính phủ muốn châm chước hai phương
diện, định đặt ra lệ lấy tiền, nhưng trừ ngày thứ năm và ngày chủ nhật cho vào
không.
Ngày hôm nay thứ năm có diễn ban ngày ở rạp Comédie Française (bây giờ người ta thường gọi là Théâtre
Française, hay là Française không thôi). Cơm trưa xong đi lấy vé vào
kịp 1 giờ 1/2 vào xem. Những buổi diễn ban ngày như thế này là để cho học trò
các trường và các nhà nền nếp không hay đi chơi buổi tối, cho nên thường diễn
những bài kịch thuộc về cổ điển, nghĩa là hoặc là bài cổ hẳn, như Corneille,
Racine, Molière, v.v…, hoặc là bài mới nhưng kết cấu theo lối cũ, có cái ý tứ,
cái phong vị cũ, chứ không bạo quá như các bài tối tân ngày nay (thí dụ bài Nói
chuyện gì với các bà của Tristan Bernard mình mới xem hôm nọ). Buổi nay
diễn bài Ông cố Constantin, hí kịch có ba hồi, do hai ông Henry Crémieux
và P. Decourcelle trích ở bộ tiểu thuyết L'abbé Constantin của L.
Halévy. Chuyện cũng hay. Đại khái như thế này: Cố Constantin là một người hiền hậu, coi xứ Longueval. Đấy có một cái phủ đệ, chủ
cũ sa sút, vừa mới bán cho hai người đàn bà Mỹ giàu lắm, là Scott phu nhân và em gái là Bettina Percival tiểu thư. Hai
người dọn đến ở đấy, trước tiên lại thăm ông cố. Thiên hạ cũng có đồn rằng tung
tích làm giàu của hai người Mỹ có điều ám muội, nhưng mà người tử tế, nhã nhặn,
lại có tiền sẵn trong tay, thời chuyện gì mà không che đi được. Vậy hai người
đến thăm nhà đạo viện, cúng nhiều tiền bạc để cố giúp cho kẻ nghèo, rồi làm
thân ở lại đấy ăn cơm tối. Cố bấy giờ trong nhà có một người cháu tên là Jean Raynaud, hiện làm quan một pháo
thủ, người đẹp trai lắm, Bettina
tiểu thư trông thấy cũng động tình; ăn xong vui vẻ, ca xướng một lúc, rồi hẹn
một tuần lễ nữa mời cả ông cháu vào phủ uống rượu. Chuyện sau thế nào, đoán
cũng đủ biết: quan một với tiểu thư hai người có tình với nhau, tiểu thư thì
chỉ dốc một lòng muốn lấy quan một, nhưng quan một còn giữ ý, vẫn ngần ngại, sợ
mang tiếng là người tham của. Đương khi ấy lại thêm một chuyện rắc rối, là có
một bà Lavardans phu nhân, có người con trai tên là Paul, là một tay phá gia
chi tử, bà cố vận động để hỏi tiểu thư cho chàng. Bà lại khéo lấy lòng được bà
chị tiểu thư là Scott phu nhân. Tiểu thư còn chống lại chưa thuận, nhưng quan
một Raynaud không tự quyết, lại có ý ghen, muốn đâm ngang để phá đám hẳn. Bấy
giờ tiểu thư mới tức mình, một hôm nhân có tiệc, thuận để cho chàng kia “nhẩy
đầm” với mình. Bà mẹ chàng thừa cơ mới phao tin lên rằng hai bên đã thuận lấy
nhau rồi. Quan một phát phẫn, quyết chí đi theo quân ngay. Nhưng trước khi đi
đến giáp mặt với chàng kia, hai bên nói mát nhau, rồi đến cãi nhau, sau đến đem
nhau ra đấu gươm, nhưng may không bên nào bị thương cả. Bấy giờ tiểu thư nghĩ
lại, biết rằng quan một thực có tình với mình, chỉ vì sợ mang tiếng tham của
nên không dám hỏi làm vợ, tiểu thư bèn tự mình tuyên bố ái tình, và nói khéo
đến nỗi khiến cho quan một phải nhận lời. Thế ra người chỉ vị tình, không tham
của, được cả của lẫn người; còn chàng kia chỉ tham của, không có thực tình,
thành ra xôi hỏng bỏng không…
Bài này diễn khéo lắm, nhiều đoạn rất cảm động. Vai Scott phu nhân, bà
Sorel đóng, bà là một vai đào có tiếng ở rạp Théâtre Française, giọng nói lơ lớ hệt như giọng người Mỹ nói
tiếng Pháp, buồn cười lắm.
Nhân đi xem qua trong rạp hát, thấy vô số những tượng cùng tranh các
nhà danh kịch danh ưu ở nước Pháp từ xưa đến nay. Vì rạp này là một rạp cũ nhất
ở thành Paris, năm 1900 bị cháy nên mới trùng tu lại. Ông Molière khi xưa
thường ra trò ở đây, nên có khi gọi là “nhà ông Molière” (la maison de
Molière). Trong phòng khách có tượng ông Voltaire của Houdon chạm, lại có
một cái lò sưởi có tượng “Các con hát đặt vòng hoa lên đầu ông Molière”; còn
những tượng khác nữa nhiều lắm, không biết đâu mà kể.
Xem hát về, nhận được ba cái thư ở nhà sang. Tin tốt cả.
Tối ra ga Lyon đón anh
N. B. N. ở Marseille lên.
Thứ sáu, mồng 9.
Quan Thuộc địa Thượng thư Sarraut có viết giấy xin phép cho các phái
viên Nam Bắc Kỳ vào xem một nhà “băng” lớn ở Paris, là nhà Crédit Lyonnais. Nhà này ở đường Italiens, là một nhà “trữ kim ngân
hàng” (banque de dépôts), lập
ra từ năm 1863, trước ở Lyon, sau chuyển ra Paris, nay có chi điếm không những
ở khắp các tỉnh lị ở nước Pháp, mà lại ở khắp cả các đô thành lớn trong thế
giới nữa. Vào trong nhà băng này như vào một cái thành phố lớn, các phòng làm
việc hai bên như hai dẫy phố, lại đường ngang, ngõ dọc, từng dưới, từng trên,
thật là mê li, không có người dẫn đường thì lạc. Nhà băng có phái mấy người đưa
đi từng khu từng sở mà cắt nghĩa rõ ràng; lại cho xem các tủ bạc, các hầm để
bạc nữa; thật là kiên cố vô cùng. Đến khi ra về, lại biếu mỗi người một quyển
tiểu sử về nhà Crédit Lyonnais, in năm 1913, hồi làm lễ ngũ thập chu
niên của nhà băng. Xem cách sắp đặt và quản lý một nhà ngân hàng lớn như thế
này, thật không khác gì cách cai trị một nước vậy.
Chiều hôm nay trời mưa, không muốn ra ngoài nữa, bảo chủ trọ dọn đồ ăn
trong phòng, mấy anh em đánh chén với nhau.
XV
Thứ bảy, mồng 10.
Các ngài phái viên Nam Kỳ xử với thượng quan thật là khéo quá[22].
Những cách thù phụng như thế, tự mình không mấy khi nghĩ đến, hoặc có bao giờ
cũng là bất đắc dĩ, vì lấy làm chẳng hay ho gì. Nhưng mình không nghĩ đến, may
đã có các ngài nghĩ cho. Số là các ngài định đặt một bữa tiệc trọng thể để đãi
quan Thượng thư Sarraut và ông nghị viên Nam Kỳ Outrey. Các ngài đã sửa soạn cả
rồi, bèn bảo cho anh em Bắc kỳ biết để dự vào một phần. Tiệc định đặt ở một
hiệu cao lâu lớn ở Versailles. Thế là mình nhân tiện lại được đi xem Versailles
một lần nữa.
Có ăn tất phải có nói, đặt tiệc trọng thể như thế, tất phải có “đít
cua”. Ông L. K. N là ngài phái viên Nam Kỳ cao tuổi nhất, có đọc một bài tán
tụng quan Thượng thư và ông nghị viên, không nhớ nói những gì nữa. Quan Thượng
thư trả lời lại, có ý vỗ về, khuyên lơn, cũng không nhớ rõ những câu gì, nhưng
nói hùng hồn lắm.
Tiệc xong có chụp ảnh làm kỷ niệm. Nhân tiện ở cả buổi chiều đây, để
xem điện Versailles một lần nữa
cho kỹ hơn.
Trước lên xem lại hai lầu “Trăm Gương” và “Trăm Trận”, các phòng của
vua Louis thứ 14, 15, 16, ở trong cung chính, rồi ra xem các cung Đại Trianon và Tiểu Trianon, ở trong ấy các phòng bày
biện như sinh thời các vua chúa. Ngày nay trông còn rực rỡ như thế, huống đương
thời thì lộng lẫy biết bao!
Xem xong các cung rồi ra dạo chơi ngoài ngự uyển, đi lan man đến hai ba
giờ đồng hồ. Chợt đến một chỗ, như hình cái làng lạc vào ở giữa vườn ngự uyển.
Giở sách ra xem mới biết chỗ này tức là cái “xóm quê” (le hameau paysan)
của bà phi Marie Antoinette dựng ra ở cạnh cung để thỉnh thoảng ra ở đấy giả
làm cách nhà quê. Các bà sung sướng quá, không được biết cái thú thôn quê là
gì, nên phải bịa đặt ra thế. Nhưng biết một cái thú quê chưa đủ, phải biết cả
cái khổ sở, cái khó nhọc dân nhà quê nữa. Nghe nói hồi bấy giờ, các cung phi,
các công chúa, những buổi ra ở “xóm quê” cũng làm lụng như người nhà quê, nấu
bếp, vắt sữa, v.v…, nhưng làm chơi với làm thật nó vẫn khác nhau lắm.
Đi chơi trong vườn này có cái vẻ êm đềm lặng lẽ; chim kêu, gió thổi,
cành cây sột sạt, lá cây lác đác, nước chẩy róc rách, thật là cảnh đìu hiu,
bỗng thấy lòng quê lai láng.
Bóng đã xế chiều, gió đã thấy lạnh, mới bước ra về; về tới Paris vừa
tối.
Tối đi xem hát ở Opéra.
Nhà Opéra này là nơi ca trường
sang trọng nhất ở Paris. Hôm nay có Hội Ái hữu các người làm việc Sở Xe lửa mở
một cuộc diễn kịch để quyên tiền cho Hội, mời quan Thủ tướng Poincaré đến chủ
toạ. Cơm tối rồi mới đi lấy vé, vé đã gần hết cả. Hôm nay diễn bài nhạc kịch Faust,
soạn theo bộ tiểu thuyết trứ danh của nhà đại văn hào Đức Goethe, ông Ch.
Gounot nước Pháp đặt ra bài đàn. Lối nhạc kịch này thì mình không sành âm nhạc,
không thuộc ca điệu, không sao hiểu hết; người mình nghe ả đào hát, nhiều khi
cũng không hiểu được cả, nữa là nghe người Tây hát theo giọng điệu của người
ta. Xem ra chính người Tây đi Opéra
lắm khi nghe cũng lỗ mỗ như mình. Nhưng mà cảnh bày đẹp, con hát lịch sự, lại
cái thanh âm dáng điệu thật khéo, dẫu người không sành cũng sướng tai vui mắt.
Bài kịch có năm hồi, mỗi hồi nghỉ lại có họa những khúc danh nhạc xưa nay, như
của Massenet, Saint Saens, v.v…
Giá ở Opéra này đắt hơn các rạp khác: một ghế ở sàn (fauteuil
d'orchestre) giá 30 quan (tính ra bạc 6 quan là 5 đồng bạc bên ta). Nhưng
khách đây toàn là khách lịch sự cả, vào xem phải mặc lễ phục, như đi dự tiệc
buổi chiều vậy. Lệ đó ngày xưa là nhất định và nhất luật cả, nhưng ở một nước
dân chủ lấy bình đẳng làm trọng, không khỏi có người dị nghị, nên bây giờ phải
đặt riêng mỗi tuần lễ mấy ngày, ai vào xem ăn mặc thế nào cũng được. Nhưng nghĩ
cũng lạ, những buổi được ăn mặc tự do như thế, thiên hạ đến xem lại ít, và
những buổi phải có lễ phục mới được vào thì khách lại đông. Thế mới biết người
ta tuy ngoài miệng nói rằng muốn bình đẳng, mà trong bụng bao giờ cũng muốn đặc
biệt với kẻ khác. Cũng có lẽ là đặt ngày riêng như thế thì người nào đi vào
ngày không phải ăn mặc lễ phục tự cho là không sang trọng, nên ít người muốn
đi. Muốn điều hoà sự bình đẳng với cách lịch sự thật cũng khó thay.
Chủ nhật, 11.
Hôm nay nghỉ nhà, không đi chơi đâu.
Các phái viên Nam Bắc Kỳ định cùng nhau tổ chức một cuộc du lịch các
miền chiến địa cũ. Định trước đi Origny
en Thiérache, là quê Đức cha Bách Đa Lộc, làng này bị tàn phá cả, Nam kỳ
đã quyên tiền cho để trùng tu lại; rồi đi ra Soissons, Reims, Verdun, là những miền chiến tranh dữ nhất mấy
năm trước. Ước nhau đến sáng ngày thứ ba đi sớm, đã thương lượng với một công
ty ôtô chở thuê để đón sẵn ở các ga, rồi đưa đi các trận địa. Họp nhau lại vài
chục người đi luôn thể thế này, rẻ hơn là đi riêng một vài người. Các ngài phái
viên Lục tỉnh bàn ra trước, mình lấy làm phải lắm, nhận lời ngay. Cứ thực ra
thì việc này xướng suất tự quan cai trị E. đầu phái bộ Nam Kỳ, nên cũng nhờ một
tay ngài sắp đặt hết.
Thứ hai, 12.
Buổi sớm đi xem sở Sorbonne,
là nơi trường đại học thành Paris ở đấy. Mình đã vào đây mấy lần, một bữa lại
nghe diễn thuyết ở đây, nhưng chưa bao giờ đi xem được khắp. Hôm nay nhờ có bộ
Thuộc địa đã xin phép trước, các phái viên đến xem được người phần việc dẫn
đường và cắt nghĩa tường lắm.
Xét ra sở Sorbonne này có đã lâu lắm, tự năm 1250. Nguyên trước là một
trường chuyên về thần học, do ông Robert De Sorbon, là nhà thấy coi việc lễ bái
trong cung vua Saint Louis, lập ra. Mười năm sau, trường đã đông học trò; đến
thế kỷ thứ 14 thì nổi tiếng khắp Âu châu, về khoa thần học đến các giáo hoàng ở
La Mã cũng thường phải theo ý kiến của các thầy Sorbonne. Sau ông tể tướng Richelieu sai Lemercier xây mấy lớp
nhà, ngày nay chỉ còn cái nhà thờ lại. Đến trường Đại học bây giờ thì mới dựng
từ năm 1885, theo kiểu của ông Nénot. Sách chép bề dài tới 250 thước, bề mặt 83
thước, từng trên và từng dưới có tượng đá hình các khoa học, như Hoá học, Tự
nhiên học, Vật lý học, Số học, Sử học, Địa dư học, Triết học, Khảo cổ học, mỗi
bức tượng của một tay danh sư chạm. Trên bức phá phong lại có hai tượng lực
lưỡng hình Văn học và Khoa học.
Sở Sorbonne bây giờ là
nơi trường Đại học Paris, trừ có hai ban Luật khoa và Y khoa là có nhà riêng.
Trong sở có ban Văn học (29 khoa) và ban Khoa học (25 khoa); lại có trường Cổ
điển, khảo về các sử liệu cũ nước Pháp, viện Cao đẳng nghên cứu, cùng Thư viện
của trường Đại học cũng ở đấy. Sinh viên các khoa đến nghe giảng và đến khảo
cứu ở đây, có tới 2 vạn người. Độ rầy đã bắt đầu nghỉ hè, nên các lớp vắng dần.
Nhân thấy một lớp đương học, người phần việc đưa vào nghe một chốc. Lớp này là
lớp quan giáo Schneider đương giảng về mĩ thuật Pháp, nghe đâu là một lớp riêng
cho người ngoại quốc đến học mấy tháng hè. Ông giáo đương bình phẩm về mấy bức
họa, có chiếu bóng lên cho người nghe xem. - Xong rồi lại vào phòng thí nghiệm
của quan Giáo Lapique. Ngài chuyên dạy khoa thực vật sinh lý học; ngài nói
buồng ngài làm việc đây chính là buồng ông Paul Bert khi xưa, vì ông Paul Bert
trước khi sang làm Thống sứ bên ta có dạy sinh lý học ở trường Đại học Paris.
Trong phòng thí nghiệm đây đương có một cô nữ học sinh khảo về các giống rêu
đổi sắc; cô trông mặt thông minh và lanh lợi lắm, quan Giáo bảo cô thử cho
chúng mình xem, thấy một cây rêu khi ra nắng và khi ở tối đổi sắc hiển nhiên.
Xem xong các phòng học rồi ra đại diễn đường, rộng thênh thang, ngồi
được đến bốn nghìn người. Giữa có một bức hoạ to lớn lạ thường, vẽ "Rừng
học", của nhà danh hoạ Puvis De Chavannes. - Lúc ra về vào xem nhà thờ Sorbonne và mộ tể tướng Richelieu.
Buổi chiều sắm sửa ít đồ hành lý để mai đi chơi sớm.
XVI
Thứ ba 13 đến thứ
năm 15 tháng 6.
Ba hôm nay đi cũng đã nhiều đường đất. Bây giờ về mở địa đồ ra tính mới
biết cái số cây-lô-mét đã khá to. 8 giờ 50 phút sáng ngày thứ ba ở Paris đi
chuyến xe lửa phía Bắc, đến 11 giờ 1/4 tới xã Origny, vừa 192 cây-lô-mét, chạy
trong hai giờ rưỡi đồng hồ, tức là mỗi giờ ngót 80 cây (chẳng bù với xe lửa bên
ta mỗi giờ không chạy được 25 cây). Bốn giờ kém mười, ở Origny về Soissons,
87 cây-lô-mét, chừng hơn một giờ tới nơi. Ngày thứ tư ở Soissons ra Reims,
55 cây, đi ô-tô, mất 2 giờ đồng hồ (xe này là xe chở khách, ngồi đến 20 người
một, nên chạy chậm). Năm giờ rưỡi chiều đi xe lửa tự Reims ra Verdun,
120 cây-lô-mét, đường xe lửa này là đường nhà quê nên chạy chậm, mãi đến 8 giờ
rưỡi mới tới nơi. Hôm sau là thứ năm, cả ngày đi xem các trận địa Verdun, đến 6 giờ 50 phút chiều lên
xe lửa về Paris, chạy thẳng một mạch 280 cây-lô-mét, 10 giờ 1/2 tối tới nơi.
Thế là trong ba ngày đi xe lửa tới 730 cây-lô-mét mà ung dung, còn thừa chán
thì giờ để đi vãn cảnh mọi nơi. Giá bên mình phải đi đến bấy nhiêu đường đất
trong ba ngày thì chỉ những ngồi trên xe mà hết ngày giờ. Ở đây cách giao thông
tiện lợi quá. Nói về xe lửa thì toàn hạt nước Pháp chia ra làm bốn đường chính
hoặc thuộc về Nhà nước, hoặc thuộc về công ty kinh lý: là đường phía Bắc và
phía Đông (Nord et Est), đường phía Tây (Ouest - Etat), đường
Trung ương và phía Nam (Orléan et Midi), đường Đông Nam (Paris - Lyon
- Méditerranée), bốn đường ấy chạy tự kinh đô Paris đến các đô thành lớn.
Tiếp với các đường chính đó thì có những đường chà chạnh, chạy khắp các tỉnh
thành, các đô thị lớn nhỏ, các châu huyện, cho chí các xã, các ấp lớn nữa. Bấy
nhiêu đường chính đường phụ chằng chịt nhau như cái mạng nhện, cứ trông một bản
đồ xe lửa ở nước Pháp thì đủ biết. Mà bấy nhiêu đường đều có đối chiếu nhau hết
cả, hành khách muốn đi đâu giở địa đồ ra tính trước, sắp sẵn cái hành trình của
mình, đến chỗ nào cũng hình như có xe đón, không sai tí nào và không mất thì
giờ vậy. Duy những đường xe lửa nhà quê, tức gọi là "xe lửa hàng
quận" (chemins de fer départementaux), thời chạy chậm, đỗ ở các ga
lâu, cũng như xe lửa bên ta.
Trưa ngày thứ ba đến xã Origny,
là quê Đức cha Bách Đa Lộc. Xã này ở giữa trong vòng chiến tranh năm trước, nên
bị tàn phá dữ lắm. Nay đã xây dựng lại được ít nhiều, nhờ tiền lạc quyên của
Nam Kỳ giúp đỡ, nhưng cái dấu vết phá hoại vẫn còn rõ lắm. Nhà thờ đổ nát cả.
Nhà thị sảnh (tức là nhà đốc lý), cũng bị đổ, đương chữa lại chưa xong.
Quan Thuộc địa bộ đã có tư giấy cho dân xã biết trước, nên bọn mình đến
nơi, cả hội đồng hàng xã, xã trưởng đứng đầu, mặc lễ phục chỉnh tề cả, đã đứng
đón sẵn ở sân ga; còn người dân, nam phụ lão ấu, cũng đến đứng đông nghịt cả
ga, trẻ con thì cầm cờ tam tài phất. Vì chúng mình đến đây là lấy tư cách kẻ ân
nhân mà đến, nên được nghênh tiếp trọng thể như thế. Không biết dân làng đây
trước kia họ không biết mình, tưởng tượng người An Nam mình ra thế nào; hôm nay
trông thấy xem ý lấy làm lạ, có lẽ họ tưởng mình là một giống kỳ khôi lắm, nay
thấy phần nhiều cũng ăn mặc như họ - trừ có mấy ông vẫn giữ quốc phục, - mà xem
ra lại ăn mặc óng ả lịch sự, các anh các chị nhà quê chỉ trỏ ra dáng phục lắm.
Khi các phái viên ở xe lửa xuống, phường nhạc trong làng thổi mừng. Rồi
ông xã trưởng mũ cao áo dài bước lên đọc một bài diễn văn rất dài, đại khái nói
dân làng cảm ơn xứ Nam Kỳ đã có bụng tốt giúp tiền cho chữa sửa lại những nhà
cửa bị tàn phá, và bữa nay kẻ đồng hương của đức cha D'Adran được nghênh tiếp
các ngài đại biểu nước Nam Việt để cùng nhau tỏ tấm lòng ân ái cả hai bên, thật
lấy làm mừng rỡ vô cùng. Ông xã trưởng nói xong, ông nghị viên Nam Kỳ Outrey
bèn thay mặt các phái viên An Nam ứng khẩu nói mấy lời đáp lại, đại khái tỏ cái
ý rằng người An Nam giúp tiền cho xã này tu bổ lại, không phải là làm ơn, chính
là trả ơn lại đức cha Bách Đa Lộc khi xưa. (Thế mà lúc nãy mình đã tự cao cho
là bậc ân nhân rồi! Té ra cái nợ ông Bách Đa Lộc bấy lâu nay ta trả vẫn chưa
hết đấy...). Mình chưa được nghe ông nghị Outrey diễn thuyết bao giờ, vẫn tưởng
là một tay ngôn ngữ giỏi lắm thì phải. Nghe ông nói hôm nay, láy đi lắp lại,
giọng đã không lấy gì làm hùng hồn, lời cũng lại không được chải chuốt lắm,
cũng lấy làm lạ. Cho hay cái nghề nói này, không cứ là làm nghị viên mới sành.
"Đít-cua" xong rồi, kèn trống đi trước, dẫn các phái viên ra
nhà thị sảnh, đi qua phố chính trong làng, người dân kéo ra xem và đi theo sau
đông lắm. Nhiều cô con gái nhà quê dễ coi quá, trông thấy bọn mình cứ cười tít
lên, có người bạo lại đến tận bên cạnh mà biếu hoa. Các ông phái viên giá ở đây
mấy ngày thì vô số chuyện vui... Đến nơi, các ông hội đồng làng mời phái bộ lên
trên lầu, vào buồng hội đồng, trong đã bày bàn ghế, cắm cờ xí trang trọng lắm.
Khi mở rượu sắp đụng cốc thì một ông hội viên trong hội đồng làng lại đọc một
bài diễn văn chúc tụng; quan cai trị Eutrope là đầu phái bộ Nam Kỳ đáp lại, đại
khái cũng là xuất nhập cái đầu đề mấy bài diễn trước...
Uống rượu ăn bánh xong rồi, đi dạo chơi trong làng. Làng này trước khi
chiến tranh chắc cũng là một làng to, nhưng nay đã đổ nát cả, nên không có gì
lạ mà xem. Người làng có nghề đan rổ (vannerie) khéo lắm. Vào xem các
nhà tư, thấy đàn bà con trẻ ngồi làm cũng như bên ta. Có một cái xưởng lớn của
một nhà phú hào ở đây chuyên làm đồ đan để chở bán đi các nơi, ông chủ có mời
phái bộ vào xem khắp trong xưởng, từ nhà máy cho đến các kho, cách sắp đặt rất
chỉnh đốn, nhưng hôm nay nhân trong làng có mở hội đón phái bộ An Nam nên thợ
nghỉ cả, không được xem cách làm bằng máy như thế nào. Đoạn rồi xem nhà thờ, và
nhà cũ của đức cha Bách Đa Lộc, nay sửa làm như một cái bảo tàng viện nhỏ để
họp những đồ kỷ niệm về Đức cha. Nhà thấp bé, ở ngay sau nhà thờ, nên trong khi
chiến tranh không bị hại mấy. Ở trong vẫn còn giữ quy mô như hồi xưa, cái buồng
xúc xích nhỏ hẹp, đây là chỗ Đức cha sinh, kia là buồng của cha mẹ nằm, nọ là
buồng các anh các chị. Ở phòng khách thì có bày những đồ thường dùng của Đức
cha hồi bình sinh, quyển kinh, tràng hạt, mấy cái lọ cổ, v.v... Lại có một cái
bằng phong tặng của Đức Cao hoàng ta lồng kính, nghe đâu là chính nguyên bản;
và nhiều những tranh cổ và sách cổ. Sở "bảo tàng" này giao cho ông cố
trụ trì ở nhà thờ bên cạnh coi, có một hội khảo cổ về Đông Pháp ở Paris trông
nom, hội này có phái riêng một người đại biểu đến để chỉ dẫn cho phái bộ xem.
Người đại biểu ấy chính là quan thanh tra thuộc địa hưu trí Salles, bên ta
nhiều người biết, vì trước ngài đã có công với các hội học và hội "Trí
Tri" ở Nam Bắc Kỳ nhiều lắm.
Chuyện vãn một hồi, rồi cáo biệt các quan viên hương chức, 3 giờ 50
phút, lên xe lửa về Soissons.
Mấy giờ trước, khi mới trên xe xuống, hai bên còn như bỡ ngỡ, nay từ giã nhau
trong sân ga, tình khứ lưu xem ra có một đôi chút vậy. Lúc trước còn thuần là
sự lễ nghi, lúc này đã hơi có lòng âu yếm. Kẻ Đông người Tây, gặp nhau ở trong
khoảnh khắc, mà biệt nhau không đến nỗi vô tình, thế thì biết rằng dân Pháp
cũng là một dân có bụng, mà người Nam không phải là giống không tình. Cứ như
thế thì hai giống ăn ở với nhau lâu năm, tất phải thương yêu nhau lắm thì mới
phải. Cớ sao các nhà chính trị hai nước cứ thường phải hô hào, cổ động luôn về
sự Pháp - Việt tương thân, Pháp - Việt đề huề, tựa như sự đề huề, sự tương thân
ấy chửa được thập phần mĩ mãn vậy? Không nói về đường chính trị, nó lại biệt ra
một câu chuyện khác; nói về sự giao tế thường, muốn có cảm tình, tất phải bình
đẳng; không có bình đẳng thời tình người dưới đối với người trên không ngoài sự
sợ, tình người trên đối với người dưới không ngoài sự thương; thương với sợ,
ngoài tình cốt nhục trong gia đình, không đủ gây nên sự cảm tình đích đáng. Cho
nên muốn cho hai giống đề huề thân ái với nhau, phải làm thế nào cho sự cách
biệt bớt dần đi, dẫu không thể tiêu được hẳn, cũng không đến nỗi xa nhau như
thiên nhưỡng vậy. Cứ xem người Pháp ở bên Pháp này, đối với người ta sang đây,
tuyệt nhiên không có lòng sai kỵ, không có ý cách biệt gì cả, nên mối cảm tình
dễ bén và dễ thân.
Khi xe lửa đã chạy, trông lại nhà ga vẫn còn có người phất khăn vẫy,
như quen thuộc nhau đã lâu vậy.
Chiều tối đến Soissons,
nhưng hãy còn đủ sáng để đi dạo chơi ngoài phố được một vòng. Cả vùng này ở
trong vòng chiến địa mấy năm trước, nên ngồi trong xe lửa trông ra chỉ thấy
những đồng điền trơ trụi, nhà cửa đổ nát, phong cảnh tiêu điều. Ấy là đây còn
vừa đấy, chứ đến gần Reims và Verdun lại thảm hơn nhiều nữa. Ngay
thành phố Soissons này, mấy lần
bị quân Đức chiếm cứ, cả thảy đến ba mươi tháng trời; trong khi ấy thì quân
Pháp ở ngoài bắn vào, đến khi quân Pháp đuổi được quân Đức đến đóng thì lại bị
quân Đức bắn lại. Có tòa nhà thờ và tòa thị sảnh là hai nơi đẹp nhất, nay tan
tành cả. Phố nào cũng có nhà đổ, vôi gạch chất đống, chưa kịp dọn. Ngay trong
thành phố còn có dấu vết những hầm hố của quân Đức và quân Pháp đào để chống
nhau.
Tối hôm nay ăn và ở trọ ở nhà khách sạn "Kim Thập tự" (Hôtel
de la Croix d'Or): nhà này trong khi chiến tranh cũng bị hư hỏng mất ít
nhiều, đã chữa lại, nay là nơi khách sạn lớn nhất trong thành phố. Khi ăn cơm
được mấy chị hầu bàn cũng coi được, ứng đối rất hoạt, lại được uống thứ rượu cidre ngon lắm, ai nấy đều vui vẻ thoả
thích; ăn xong rồi có người không muốn lên buồng vội, còn ở lại phòng ăn, uống
rượu mạnh nước ngọt để nói chuyện cà kê với các cô hàng...
Sáng hôm sau đã có xe ô tô của công ty Le Bourgeois đến đón đi Reims.
Thành Soissons trông đã tiêu
điều mà thành Reims này lại còn
tiêu điều hơn nữa. Nghe nói trong thành phố có một vạn hai nghìn cái nhà, mà
bây giờ tính ra không được năm trăm cái còn đứng vững. Nhưng trông thảm nhất là
cái nhà thờ. Nhà thờ thành Reims
là một nơi danh thắng đệ nhất của nước Pháp, về đường mĩ thuật, về đường lịch
sử, đều có giá trị đặc biệt. Về đường mĩ thuật thời là một cái kiểu nhà thờ lối
gothique đẹp nhất trong thế giới. Suốt từ trên ngọn tháp cho đến dưới
chân tường đều chạm trổ soi lồng cả. Người ta thường nói nhà thờ thành Reims chính là một tấm "đăng
ten" bằng đá; thật thế. Tấm "đăng ten" ấy trong bốn năm chiến
tranh đã chịu không biết mấy vạn viên trái phá của Đức, nên chỗ thì rách toạc,
chỗ thì nát nhầu như tờ giấy lộn, không còn ra hình thể gì nữa. Những khách ái
mĩ trong thế giới cho sự tàn phá ấy là cái tội ác đệ nhất của người Đức, dẫu
thiên vạn cổ không bao giờ chuộc lại được. Về đường lịch sử thì nhà thờ này rất
có quan hệ với vận mệnh nước Pháp đời xưa. Những vua các tiền triều mỗi khi lên
ngôi thường đến làm lễ "gia miện" ở đây, nghĩa là để cho một vị Đức
cha thay mặt Giáo hoàng đặt cái vòng mũ đế vương lên đầu. Nước Pháp xưa nay vẫn
có tiếng là "con gái cả của Giáo hội Gia tô", tức là nước có thế lực
nhất trong các nước sùng đạo Gia tô, nên lễ "gia miện" ấy quan hệ
lắm. Đời đời các vua đã gây dựng cho nước Pháp được như bây giờ đều "chịu
chức" ở đây cả, nên chốn này quốc dân coi như một nơi bảo tàng của linh
hồn tổ quốc. Có người nói cũng vì thế nên quân Đức cố ý bắn cho đổ. Chẳng hay
người Đức quả có cái ý hiểm độc vô ích như thế không, vì nghe đâu nhà quân Pháp
ngay khi thành Reims mới bị vây
đã tuyên cáo rằng nơi nhà thờ này không dám dùng gì về việc binh cả, như thế mà
bắn thì thật không ích gì cho quân Đức. Song phải biết rằng phàm đại bác đứng
xa mà phóng pháo vào một nơi tỉnh thành nào, cốt để triệt hạ cả thành trì, thời
không thể không lấy những lầu cao tháp lớn làm đích hay là làm cữ, và cho dẫu
có muốn tránh nữa cũng không thể sao được; có lẽ bởi thế nên người Đức đến vây
thành Reims bất đắc dĩ phải lấy
hai cái tháp nhà thờ là nơi cao nhất trong thành làm đích hoặc làm cữ cho pháo
binh mình, chứ nước Đức cũng là một nước có văn hoá, há lại không biết trọng mỹ
thuật mà cố ý làm một sự phá hoại vô ích như vậy.
Dù thể nào mặc lòng, nhà thờ thành Reims nay bị hủy hoại như vậy, thật là một sự thiệt to cho cái
kho mỹ thuật chung của thế giới. Có người thương tiếc đến than khóc, buồn rầu,
coi như một cái tang chung cho nhân loại văn minh, vì bây giờ dẫu phí bao nhiêu
công, bao nhiêu của để tu bổ cũng không bao giờ khôi phục được lại hoàn toàn
cái kỳ công có một không hai của nghề kiến trúc trong thiên hạ đó.
Dạo qua các phố phường, trông thấy cái cảnh nhà đổ tường xiêu mà thương
tâm. Ấy là trong ba năm nay đã sửa sang xây dựng lại được nhiều, chứ hồi mới
chiến tranh xong, trông còn thê thảm hơn nữa.
Nay giữa trong khi binh lửa đương nồng nàn thời người dân ở đây chạy
trốn vào đâu? Thành Reims này
trước khi chiến tranh có tới 11 vạn 5 nghìn người ở, không lẽ bấy nhiêu người
thiên cư đi cả nơi khác được, mà cố ở lại cũng không sao tránh khỏi sự nguy
hiểm được, vì trong bốn năm giòng, quân Đức đóng ở chung quanh thành, cách vài
ba cây-lô-mét, cứ bắn luôn, không ngơi lúc nào, cố ý triệt hạ cả thành trì mới
nghe. May sao ở dưới đất thành Reims
lại có một cái thành phố nhỏ, cách mặt đất từ 15 đến 20 thước; thành phố ngầm
ấy là hầm rượu của công ty Pommery,
công ty này chế rượu "sâm banh" đã có tiếng trong thế giới. Hôm nay
nhân tiện được phép vào xem trong hầm, quả nhiên là một thành phố thật, mà một
thành phố dài tới 18 cây-lô-mét, trong có đường ngang lối dọc, ngã ba ngã tư,
đều có biển đề tên cả, mà rộng thênh thang, giá hai cái ô tô tránh nhau được.
Ấy trong khi ở thành phố trên bị phóng pháo dữ quá thời trừ đàn ông có phần
việc mạo hiểm phải ở trên, còn bao nhiêu đàn bà, con trẻ, người già, đều xuống
ở dưới hầm cả, đặt nhà thờ để lễ bái, nhà trường để dạy học, y như trên mặt
đất.
Xét ra nghề làm rượu "sâm banh" này thật cũng công phu, không
trách rượu bổ mạnh và quý giá như thế. Lấy thứ rượu "vang" trắng
thượng hạng mà còn phải để cho lắng cặn trong mấy năm, sang đi lọc lại biết mấy
mươi lần, rồi mới thành ra thứ "bồ đào mĩ tửu" là rượu "sâm
banh" này. Bởi thế nên cần phải có hầm rộng để chứa được nhiều và được
lâu, càng lâu càng quý. Người ta nói trong dẫy hầm này hiện chứa có tới 16
triệu chai, chia ra làm nhiều hạng, hạng để được một năm hai năm, hạng để được
dăm mươi năm, mười lăm hai mươi năm, cứ cách mấy năm lại một lần sang chai cho
thật hết cấn cặn, thật trong sạch, chỉ còn như cái tinh túy rượu mà thôi.
Xem hầm rượu mất cả buổi sáng, trưa về khách sạn ăn cơm, rồi liền lên ô
tô đi thăm các trận địa và đồn lũy ở chung quanh thành. Công ty ô tô vừa cho
thuê xe, vừa phái một người hướng đạo đi đến đâu chỉ dẫn và cắt nghĩa đến đấy.
Trông anh chàng này không khác gì một anh cung văn ở bên ta, có một bài học đã
thuộc lòng, đọc đi đọc lại không biết đến mấy trăm lần rồi, nên tựa hồ như
không còn có tinh thần nghĩa lý gì nữa. Cứ cách năm trăm thước, hay một nghìn
thước, anh ta lại dừng xe lại, quay mặt lại mình, rồi hét lên: "Thưa các
ngài, chỗ này là thế này, chỗ kia là thế kia", nói nhai ra từng chữ như
người kêu đường. Mình không biết, được người chỉ dẫn cho thế không phải là
không có ích, nhưng nghe mãi một anh nhai chữ như nhai bã mía, truyền âm như
máy lưu thanh ấy, cũng chán thay!
Hai bên đường toàn là nơi chiến trường cả, bây giờ cỏ đã mọc xanh rì,
nhưng dưới cỏ còn bao nhiêu xương người chưa thu nhặt được hết. Quan binh đã
phải đặt biển yết thị bằng chữ to ở bên đường rằng: "Ở đây mỗi tấc đất là
một nắm xương. Khách du lãm phải nên dè bước và nếu có bụng tốt nên ngậm ngùi
thương xót cho kẻ chiến sĩ đã vì nước liều mình". Có chỗ mấy trăm thước
tới nghìn thước toàn những vỏ đạn và dây thép gai chất thành đống, khi nhà quân
dọn lại để mà sửa sang đường đi, quân lính thường bị hại vì cuốc phải hay đập
phải những viên đạn chôn xuống đất mà chưa nổ. Bởi thế người dân ít người chịu
ra phá hoang các trận địa cũ để cầy cấy. Người ta đã tính ra cứ rẫy phá được
một cây lô mét mỗi năm hơn bù kém chết mất một người vì đạn nổ như thế. Thế là
chiến tranh xong rồi mà cái di hại chiến tranh chưa hết.
Đi thăm đồn Pompelle,
nơi gọi là "số cao 108" (cote
108), và nơi gọi là "Đường các bà" (Chemin des Dames),
toàn là những chỗ đánh nhau dữ mấy năm trước, bây giờ chỉ những gò đống ngổn
ngang, hang hốc sâu thẳm, trên phủ một tấm cỏ xanh, dưới che không biết bao
nhiêu xương mục, nhưng trông xa tưởng là một đồng cỏ rộng, biết đâu là nơi đạn
bắn như mưa, người chết như rạ, vừa mới mấy chục tháng nay! Tạo vật khéo thay,
đem cỏ cây mà vùi cái thảm trạng của loài người! Độ vài mươi năm nữa, mà có lẽ
cũng không đến thế đâu, rồi những chỗ này sẽ có bò ăn cỏ, người cày ruộng cả.
Tạo vật lại lấy cái chết mà gây ra cái sống, theo lẽ tuần hoàn của trời đất,
chỉ còn có tấm bia đá hay cây câu rút để nhắc lại cho hậu thế rằng đây là nơi
cổ chiến trường đây. Hậu thế hoặc có tay sính văn chương muốn làm một bài
"Điếu cổ chiến trường" thời tưởng cũng phải dụng sức tưởng tượng lắm
mới tả ra được những cái cảnh gió sầu mưa thảm, đạn lạc tên bay, hay là đêm
khuya văng vẳng, quỷ khóc hồn than; lại phải dụng sức suy nghĩ lắm mới lường
được cái tâm sự kẻ chiến sĩ: "Hàng ư? Chung thân làm nô lệ; Chiến ư? Phơi
xương trên bãi cát" (降 矣 哉 終身 夷 狄.戰 矣 哉 骨 暴 沙礫 )[23];
và muốn kết luận một câu về cái nạn chiến tranh rằng: "Ô hô! Y hi! Thời
da? Mệnh da? Tòng cổ như ti, vị chi nại hà? (嗚 呼 噫 嘻. 時 耶 命 耶. 從 古 如 斯. 為 之 奈 何. Than ôi! Thương thay! Là thời hay là mệnh? Xưa nay
vẫn thế, biết sao bây giờ?)[24],
cũng phải dùng triết lý lắm mới được, chớ cái cảnh cỏ xanh mơn mởn đây, thật
không có một chút thảm sầu gì cả; trừ ra... sau này thế giới lại diễn một cái
chiến cục kịch liệt hơn để làm trò tiêu khiển cho loài người một phen nữa thì
không kể... Nhưng người dầu bày trò đến thế nào cũng không địch nổi với Tạo
vật; Tạo vật chỉ phủ một lượt cỏ xanh là che đi hết cả. Ôi! Ông Hoá công vốn
vẫn vô tình...
XVII
Thứ năm 15 tháng
6.
Xem xong ở vùng thành Reims
rồi, đến 5 giờ rưỡi chiều thời lên xe lửa đi ra Verdun. Đến nửa đường, ở nơi gọi là Saint - Hilaire, phải đổi xe. 8 giờ rưỡi tối mới đến Verdun, mặt trời chửa lặn hẳn, còn
trông rõ phố phường, nhưng thật là tàn phá cả. Cũng có ít nhiều nhà mới dựng
lên, nhưng nhà cũ đổ nát còn ngổn ngang cả. Thành Verdun này là một nơi yếu tắc (place forte) trấn mặt Đông
nước Pháp, nên trong mấy năm chiến tranh quân Pháp với quân Đức đánh nhau ở đây
dữ lắm. Thành ở hai bên bờ sông Meuse,
địa thế hiểm yếu, chung quanh những tường lũy, những cửa ô, những hầm, những ụ,
kiến trúc kể đã kiên cố, nên trong bốn năm trời quân Đức dùng đến một trăm tám
mươi vạn người (180.000) hết sức đánh mà không lấy được. Sự chống giữ thành Verdun này, thế giới cho là một cái
đại chiến công đệ nhất trong lịch sử. Chung quanh thành Verdun, cách mấy dặm, lại có một dẫy đồn lũy cũng kiên cố lắm,
như đồn Vaux, đồn Douaumont, v.v..., sáng mai sẽ đi xem
một lượt. Vùng này đã thành một nơi kỷ niệm về chiến tranh, nên khách du lịch
ngoại quốc đến đông lắm. Bọn mình vào nhà trọ tên là Le Coq Hardi, thấy người Pháp ít mà người các nước thật nhiều,
nhất là người Anh, người Mỹ, v.v... Ăn cơm tối, ngủ đấy rồi sáng mai đi xem
thành phố và các đồn các lũy.
Định 10 giờ sáng đến thăm nhà thị sảnh thành Verdun, để tỏ lòng kính phục cái hùng uy của các quân tướng Pháp
trong bốn năm đã liều sống chết mà chống giữ thành này, khiến cho quân Đức đến
thất bại và Đồng minh được toàn thắng. Vậy sáng dậy sớm đi dạo chơi các phố.
Chỉ trông thấy quanh mình nhanh nhản những nhà đổ tường xiêu. Song đã có nhiều
phố dựng lên nhà mới, hàng quán la liệt, buôn bán sầm uất. Nhờ có khách du lịch
các nơi đến đông nên thành phố đã có cái cảnh vui vẻ. Xem ra đây là chỗ đóng
quân, nên có cái khí vị riêng, cái khí vị nhà quân vậy. Buổi sớm hôm nay trời
sáng sủa bảnh bao nên trông phong cảnh không có vẻ tiêu điều như chiều hôm qua
mới đến. Ở Verdun này nghe nói có thứ kẹo ngon có tiếng. Anh em đi chơi đã mệt,
bèn vào hàng kẹo mua mỗi người mấy trăm "gam". Ở nơi chiến địa có
khác, đến kẹo cũng nặn ra hình súng, đạn, cối xay, đại bác. Ai nấy ăn dăm mười
viên "trái phá", rồi trước mười giờ về trọ nghỉ để đi ra nhà thị
sảnh.
Nhà thị sảnh này cũng bị tàn phá, nay mới chữa qua lại. Đến nơi có ông
thị trưởng ra tiếp ở trong phòng hội đồng. Quan cai trị Eutrope thay mặt các
phái viên An Nam nói mấy lời để tỏ lòng cảm phục dân thành này vì sự can đảm
chịu nạn trong bấy lâu. Ông thị trưởng trả lời kể cái cảnh khốn nạn của dân
Verdun trong bốn năm ròng rã không mấy ngày là không nhận được mấy trăm mấy
nghìn quả phá của quân Đức ở tứ phía bắn vào. Đoạn rồi ông đưa cho xem một tấm
biển gắn những huy chương của các nước tặng thành Verdun: Bắc Đẩu bội tinh của nước Pháp, "mền đay" quân
công của nước Anh, nước Nga, nước Ý, nước Nhật, v.v... Khi ra về các phái viên
có để lại mấy trăm quan để quyên vào việc trùng tu thành Verdun.
Ở nhà thị sảnh ra, liền đi ra nơi nghĩa địa Faubourg Pavé ở ngoài thành. Đây có sáu nghìn cái mả những lính
tử trận, là những người còn nhận được xác chôn tử tế, chứ phần nhiều thời sau
mới nhặt được xương, rời rạc mỗi nơi một mảnh, không còn biết là ai nữa. Số
quân Pháp chết trận ở vùng Verdun
này có tới 40 vạn người. Phái bộ có thửa một vòng hoa để viếng ở nghĩa địa.
Về ăn cơm trưa ở nhà trọ, rồi lên xe ô tô của công ty Le Bourgeois đi thăm các trận địa và
đồn lũy ở quanh thành. Kể thì đến hơn một chục nơi là những nơi xung yếu đánh
nhau dữ mấy năm trước, nhưng không thể đi cho khắp được. Vậy chỉ định đi đồn Vaux, đồn Douaumont và nơi gọi là "Hầm lưỡi lê" (Tranchée des
baionnettes) mà thôi. Vả trừ nhà binh học chuyên môn thời xem xét địa thế
mới có ích lợi, chứ chúng mình trông chỗ nào cũng như chỗ nào, cũng một cái
thảm trạng phá hoại đảo điên như thế, cũng những gò đống hang hốc như thế cả.
Mặt đất đứng xa trông lỗ chỗ như một nắm "rong đá" (éponge),
mà cứ như thế đến hàng chục cây-lô-mét. Có chỗ trái phá lớn nổ quật đất lên
thành một vực sâu, rộng bằng cái hồ cái ao. Mà những nơi ấy trước kia toàn là
những làng xóm đông đúc người ở cả. Đến một chỗ người ta chỉ cho chúng tôi nói:
"Đây là làng Mỗ; chính chỗ ta đứng đây là nhà thờ làng. Làng này bị bắn dữ
quá đến bao nhiêu nhà ở cho chí nhà thờ tan tành hết, và bị vùi lấp hay là bắn
ra mấy nghìn mấy trăm thước ngoài xa. Trận xong rồi, tìm không biết làng ở đâu
nữa. Mãi mới nhận được chỗ này là nhà thờ, là đoán phỏng chừng như thế, chứ
không còn dấu vết gì nữa. Bây giờ chỉ có cây câu rút chôn ở đây, để cho người
sau biết đây là làng Mỗ". Xem thế thì biết sự phá hoại dữ là dường nào.
Đồn Vaux, đồn Douaumont chắc khi xưa là xây dựng
kiên cố lắm, bây giờ cũng chỉ còn đống đất đống gạch lù lù đó thôi, không còn
nhận biết ra quy mô một nơi pháo đài đồn lũy gì nữa. Người hướng đạo có thắp
nến cho chúng tôi vào xem các hang hầm và đường tụy đạo. Trong đó lắm chỗ quanh
co ẩn khuất, kể cũng đã hiểm, nhưng đi ghê quá, có nơi như sắp đổ sụp vào đầu,
người ta phải đặt gióng để giữ. Một cái đồn hiểm như thế này, tưởng tượng như
cái tổ chuột hay tổ kiến vậy. Thế mà quan quân ở trong này hàng tháng hàng năm,
nhiều khi đoạn tuyệt giao thông với đại quân ở phía sau, chung quanh bị vây cả,
đạn bắn xuống như mưa, mà đồ ăn hết, nước uống không có, lại bị trái phá nổ
chôn sống ở trong hầm không biết bao nhiêu mà kể, cái khổ thật không bút nào mà
tả cho được. Ông văn sĩ Henry Bordeaux có làm một quyển sách tả về sự thất thủ
đồn Vaux và cái cách quan tư Raynal coi đồn chống lại với quân Đức thế nào.
Thật là một vị tướng anh hùng, dẫu sau thế cùng không thể giữ được nữa, bị quân
Đức bắt, mà người Đức cũng phải phục, đãi một cách đặc biệt, vẫn để cho đeo
gươm. Đồn Vaux này bị quân Đức
quân Pháp đánh đi đánh lại mấy lần, bây giờ tan tành không còn gì nữa. Chỉ còn
mấy đường tụy đạo, lúc trước đầy những xác người chết hôi thối và những quả phá
đạn lựu, có cái chưa nổ, nguy hiểm lắm; gần đây quan binh mới cho sửa dọn để
khách du lịch vào xem.
Đồn Douaumont đại khái
cũng như thế. Cạnh đồn có một nơi gọi là "Hầm lưỡi lê". Nguyên chỗ
này là một đường hầm hố của quân Pháp đóng. Một hôm quân sắp tiến lên để sang
chiếm dẫy hầm bên kia của quân Đức, đã cắm lưỡi lê (baionnettes) vào đầu
súng, chỉ đợi lệnh là nhẩy lên, chợt có một quả phá cực lớn rơi vào, đánh bật
đất lên che kín cả dẫy hầm, cả toán quân đều bị chôn đứng, lưỡi lê hãy còn chô
chổ trên mặt đất như một đám chông. Sau quan binh cứ để y nhiên như thế, cho
rào lấy để làm kỷ niệm. Một người nhà giàu nước Mỹ tên là Georges E. Rand quyên
tiền để xây chung quanh như hình một cái mả cực lớn, đứng ngoài trông vào hãy
còn thấy những đầu lưỡi lê trên mặt đất. Người Mỹ này sau khi quyên tiền xây mả
được ít lâu thời đi tàu bay bị ngã chết. Ngoài cửa có cái biển đá khắc đề rõ cả
như thế.
Cách đấy một ít, có một nơi để xương các quân lính chết trận (ossuaire).
Những quân lính chết ở các đồn lũy và trận địa quanh thành Verdun này nhiều
quá, sau khi tìm thấy xương tan tác trên mặt đất, dưới hầm hố, không nhận biết
là của ai nữa. Vậy phải chia trận địa ra làm mấy khu, đánh số rõ ràng, rồi
những xương nhặt được ở khu nào để riêng ra khu ấy, tạm đặt vào mấy chục cái quan
quàn một chỗ, để đợi hoặc là thiêu đi, hoặc là xây mả mà chôn lấy. Chỗ quàn này
dựng cái nhà xoàng, đặt bàn thờ có ông cố coi, khách thập phương đến quyên tiền
nhiều lắm. Bước chân vào chỗ này, thấy thương tâm vô cùng. Phần nhiều những
người đến đây là có cha con anh em chết trận ở gần đây cả, nét mặt rầu rầu,
giọt châu lã chã, coi thảm quá! Có người bước ra về lại còn lấy cái thiếp danh
để lại, gài lên trên áo quan! Chẳng biết người thân của mình có ở trong đống
xương này không, và có biết gì nữa không?...
Trời đã chiều bèn quay xe trở về Verdun.
Quan binh trong thành có bụng tốt cho người đưa anh em đi xem các đường tụy đạo
chạy ngầm quanh lũy thành, như một dẫy phố dưới đất, mà sâu tới mười tám hai
mươi thước. Trong cũng rộng như các hầm rượu ở thành Reims mà có phòng bị kiên cố hơn. Khi nào nguy cấp thì quân lính
trong thành ẩn vào đấy mà bắn ra. Người ta có chỉ cho chúng tôi cái buồng quan
Thống tướng Pétain thường ở đấy mấy bữa thế quân đương nguy kịch để cầm quân
cho tiện. Quan Pétain này là người rất có công to trong trận Verdun, ở đây xem chừng ai cũng kính
phục lắm, nói đến ngài thời chỉ gọi trống là "Le Maréchal", nghĩa là "Tướng quân". Xem xong
rồi, chúng tôi có ký tên vào quyền sổ kỷ niệm, trong đó có chữ ký của vua quan
và khách du lịch các nước nhiều lắm, người Tàu người Nhật ký bằng chữ Nho, thật
là đủ các thứ người, đủ các thứ chữ.
Về trọ nghỉ được một chút thời vừa đến giờ ra ga, lên xe lửa về Paris.
Xe chạy từ 5 giờ 50 phút, mãi đến 10 giờ rưỡi đêm mới tới Kinh đô. Bữa cơm tối
ăn ở trên xe lửa. Trong hành khách ngồi cùng toa có hai vợ chồng già ở xa lắm,
đến Verdun để nhận mả con, nhưng không tìm thấy, nay lủi thủi về, trông mặt
buồn quá! Than ôi! Một phen chiến tranh này đã tổn mất bao nhiêu nước mắt của
loài người!...
Thứ sáu, 16.
Ba ngày vừa rồi thật là đầy đặn. Du lịch thế mới gọi là du lịch. Song
nếu ngày nào cũng đi như thế thời nhọc quá. Và mắt trông toàn là cái cảnh điêu
tàn thảm đạm cả, trong lòng cũng không thấy vui gì. Người ta thường nói văn
minh có hai mặt: một mặt vui vẻ tươi cười, một mặt âu sầu ủ rũ. Cái cảnh rực rỡ
ở Kinh đô, chiều chiều hàng mấy trăm ô tô nối đuôi nhau chạy quanh cửa Khải
hoàn, cái chạy thẳng vào "Rừng", cái ở "Rừng" đi lại, một
bên thời vừng thái dương đỏ ối sắp lặn ở chân trời, ánh sáng chiều còn phản chiếu
trên đường dài sơn hắc ín lấp loáng như tấm gương to, một bên thời những lâu
đài san sát, nhấp nhô trong đám cây rậm xanh rì, trên mái hãy còn rãi bóng tà
dương, dưới nhà đã thấy đèn điện sáng nhoáng, đó là cái mặt vui vẻ của văn
minh. Mà cái cảnh buồn rầu của văn minh là cảnh chiến trường mình vừa qua mấy
bữa trước đây: lại là cảnh mấy xóm thợ thuyền lam lũ ở ngay chốn Kinh đô này;
lại là những bi kịch hằng ngày xẩy ra trong xã hội, đầy rẫy trên báo chương,
chồng giết vợ, vợ giết chồng, cha giết con, con giết cha, nhân ngãi giết lẫn
nhau, khẩu súng lục liên hầu thành như cái cơ quan tất yếu của xã hội để giải
quyết những vấn đề khốn nạn về kinh tế, vì muôn việc ở đây, cho đến việc ái
tình nữa, rút lại cũng là một vấn đề kinh tế cả.
Hôm qua đi mệt, sáng nay ngủ kỹ đến mười giờ mới dậy, không đi chơi
được đâu cả. Buổi trưa này, hội “Đông Pháp Công thương ủy hội" (Comité
du Commerce et de l'Industrie de l'Indochine) có mời các phái viên ăn tiệc
ở hiệu cao lâu Le Doyen, có
quan Thượng thư Sarraut làm chủ toạ. Hội này là họp cả những tay
"sù", có quyền lợi to ở bên ta, như các chủ công ty rượu, công ty mỏ,
công ty xe lửa, công ty vận tải, v.v...
Các phái viên đến dự tiệc hôm nay, quá nửa mặc áo gấm hết: có thế trông
mới đẹp. Nhưng mà những ông Tây ăn tiệc bữa này, toàn là những người đã ở qua
bên ta cả, đã từng sai khiến người ta cả, còn có lạ gì cái vẻ áo gấm của người
Nam Việt mình!... Tiệc xong tất phải có diễn thuyết. Quan Thượng thư đứng lên
diễn, đại khái nói về sự giàu có ở bên mình, và tán dương cái công những nhà
công thương Pháp giúp cho sự giàu có đó.
Ở cao lâu ra, ông nghị viên Nam Kỳ Outrey đưa các phái viên vào Hạ nghị
viện xem. Bữa nay nghị viện vắng lắm, các ông nghị lơ thơ có mấy chục ông, còn
người xem thì lại ít nữa. Là bởi hôm nay không còn bàn chuyện gì quan hệ. Khi
mình đến thời thấy một ông nghị đương diễn thuyết về giá thóc lúa, xem chừng
cũng ít người thích nghe. Cho nên anh em ở xem chừng nửa giờ rồi về.
Cả buổi chiều hôm nay là ông nghị Outrey định đưa anh em đi thăm các
nhà báo lớn ở Paris, đã có tin trước cho các nhà ấy biết, nên đều có sửa soạn
đón tiếp cả.
3 giờ 1/2 đến nhà báo Le Journal. Nhà này to nhất ở Paris; vào
trong như một cái lâu đài mênh mông bát ngát, bốn bề rặt những bức vẽ đẹp của
các tay danh họa đời nay. Nhà báo người ta như thế, chẳng bù với các báo quán
của mình! Ngay trong bọn mình đây, cũng có hai ông chủ báo, chứ chẳng vừa! Hai
ông "chủ" hôm nay phải một bữa! Đến thăm nhà báo, hai ông là tay làm
báo "danh giá" ở nước nhà, tất phải thay mặt anh em mà nói mấy lời
chúc mừng bạn "đồng nghiệp" bên quý quốc: ấy mới rầy! Nhưng mà thôi,
cũng đành liều quấy quá vài lời cho xong chuyện; mình là dân đàn em, dẫu có sơ
suất cũng chẳng ai chấp nào. Vậy hai anh em chia nhau: ông Vĩnh nói ở nhà Le
Journal, mình nói ở nhà Le Matin.
Hùng biện quá, không nhớ nói những câu gì nữa!
Nhà báo nào cũng có đặt tiệc "sâm banh" để mừng các phái
viên, và đưa đi xem các buồng máy.
4 giờ 1/2 đến nhà báo Le Matin, nhà này cũng lớn chẳng kém gì Le
Journal. Hai tờ báo này là phổ thông nhất ở nước Pháp, trong dân gian đọc
nhiều lắm, mỗi ngày xuất bản có tới mấy trăm vạn số.
5 giờ 1/2 thời đến nhà báo La Liberté. Nhà báo này nhỏ, nhưng
chủ bút là ông Aymard, trước làm thầy kiện ở Sài Gòn, nên ông nghị Nam Kỳ đưa
các anh em đến thăm nhân thể.
Tối đi xem Hội chợ Neuilly
ở ngoài thành phố Paris. Những hội chợ này là cuộc mua vui của hạng bình dân
nước Pháp, bán hàng có ít mà các trò chơi rất nhiều, thường thường là những trò
đánh số, bắn giải, ngựa máy, v.v... Đi chơi những chỗ này dễ nghiệm được cái
tâm lý những kẻ thường dân ở đây: xem ra tính ham chơi và nhẹ dạ, tự nhiên,
không kiểu sức. Lắm trò tưởng là trò trẻ con, mà người lớn cũng vào chơi, không
ngượng ngập gì cả. Anh em vào một nơi đề là "cái nhà xoay": bước chân
vào bị quay nhào đi một cái, ngã rúi người xuống. Chơi thế mới sướng! Thế mà
các anh các chị xem ra khoái lắm…
XVIII
Thứ bảy, 17 tháng
6.
3 giờ chiều hôm nay đi xem "Nghĩa sĩ từ" ở Nogent sur Marne, cách thành Paris về
phía Đông chừng mười cây-lô-mét. Đây là nơi kỷ niệm những quân sĩ An Nam bị tử
trận ở Pháp trong hồi chiến tranh vừa rồi. Chỗ này chính là vườn thí nghiệm các
cây cỏ thuộc địa; nguyên khi Đấu xảo Thuộc địa ở Marseille năm 1906 có làm một
cái nhà gỗ kiểu An Nam để đấu xảo, gọi là "cái nhà Thủ Dầu Một", xong
cuộc Đấu xảo thì nhà ấy đem tự Marseille về đây, dựng ở giữa vườn để làm như
một cái phòng thí nghiệm về thực vật học. Kịp đến khi chiến tranh, bộ Thuộc địa
định sửa sang lại, làm một nơi để kỷ niệm các quân sĩ Việt Nam đi tòng chinh mà
chẳng may bị chết trận ở bên này, giao cho Hội "Đông Pháp Kỷ niệm" (Le
Souvenir indochinois) có quan nguyên Học chánh Gourdon đứng đầu trông nom.
Bây giờ thời nghiễm nhiên là một cái đền thờ vậy. Dưới trời Tây mà phảng phất
có một nơi miếu mạo như bên ta, nhác trông thấy lòng quê luống những bồi hồi.
Giá được vài cây đa, cây đề, cây muỗm, cây gạo ở trước sân, hay một lũy tre nữa
ở đàng sau thời hệt như ngôi đình bên mình. Hồn tử sĩ ở miền minh mạc, ví còn
quanh quất đâu đây, tưởng cũng hay đi lại chốn này để mơ màng trước cái hình
ảnh tổ quốc ở nơi khách địa cho bớt nỗi thương nước nhớ nhà. Vào đến trong đền
thời hương án chỉnh tề, hương hoa ngào ngạt, trướng đối rủ rê. Lại kia bức
hoành phi của Hội Khai Trí gửi tặng năm xưa, bốn chữ Hán nét vàng còn chói lọi
mà mặt gỗ đã nứt rạn. Thường thường những đồ sơn đồ gỗ của mình đem sang Tây
hay nứt như thế, là vì khí trời bên này khô hanh, không ẩm thấp như bên ta,
phải dùng thứ gỗ thật khô mới chịu được.
Trong anh em có ông khéo kiếm được một thẻ hương và nhớ mua được bao
nến đem tự Paris đi, mỗi bàn thờ thắp mấy nén hương, đốt một cây nến, rồi cúi
vái, gọi là tỏ tấm lòng mỗi người thương tiếc kẻ đồng bào. Ôi! Giọt máu người
Nam, nên ơn Đại Pháp; dẫu sánh với sự hi sinh của con em quí quốc chửa thấm vào
đâu thật, nhưng vượt bể xa khơi, đem thân tự mấy nghìn trùng mà đến bỏ ở nơi
chiến trường đây, nào biết việc thế giới thế nào, thù nước Đức là chi, chẳng
qua nghe lời Bảo hộ, tin lòng Bảo hộ, tình nguyện ra đi, mong lập công danh với
đời, để rỡ tiếng con nhà Hồng Lạc, lòng can đảm ấy, chí kiên gan ấy, dù không
oanh oanh liệt liệt cũng đáng kính phục cảm thương. Kìa những tay anh hùng võ
sĩ nước Pháp kia, liều mình ở nơi tử địa, chết là biết rằng vì nước mà chết.
Chứ còn các anh em đồng bào ta, bỏ làng bỏ nước, bỏ vợ bỏ con mà sang đây, khi
bước chân ra đi, trong bụng nghĩ thế nào? Tưởng phần nhiều anh em cũng là người
quê mùa, mộc mạc, chất phác, thật thà, lúc đi cũng chẳng nghĩ ngợi xa xôi gì,
chẳng qua là thuận cái lòng khuynh hướng tự nhiên của nòi giống, dù mạo hiểm mặc
lòng, muốn cố đi mà tìm kiếm lấy một lối sinh hoạt rộng rãi hơn. Nhưng cái lòng
khuynh hướng ấy tức là cái sức “bản năng” (instinct) của giống- nòi ta,
đời đời đã khiến cho dân tộc Việt Nam
ngày một bành trướng trên cõi bán đảo Ấn Độ, Chi Na kia, nguyên phát tích tự
phía nam nước Tàu mà dần dần lan khắp cả các đồng bằng, rừng núi, thung lũng,
cao nguyên, tự vịnh Bắc Kỳ cho đến vịnh Xiêm La, cơ hồ muốn ngập cả Xiêm, nuốt
cả Lào vậy. Sức “sinh hoạt” nhưng cũng là một sức mạo hiểm, mà rút lại cũng là
để phát siển cái tiềm lực của giống nòi. Cho nên anh em bỏ làng bỏ nước, bỏ vợ bỏ con, mà đến đem xương gửi nước
người, dẫu thời thế có khác, mà lòng mạo hiểm không khác với tổ tiên đời trước
trèo đèo lặn suối để khai thác cho nước Nam nhà. Mà anh em thuận cái sức “bản
năng” của nòi giống đến mạo hiểm như thế, là anh em cũng có công với nước nhà,
lại vừa có công với Bảo hộ, có công với Bảo hộ tức là có công với nước nhà đã
đành, nhưng còn có công riêng với nước nhà nữa là nuôi được cái sức mạo hiểm
của tổ tiên, không đến nỗi để cho tuyệt diệt vậy. Như thế anh em dẫu có quê mùa
mộc mạc mà thật còn hơn chúng tôi đây, chẳng qua là một giống yêu văn, một
giống mọt sách, đời đời đem cái tư cách văn nhược mà làm cho còm cõi cả giống
nòi. Có lẽ anh em cũng không từng nghĩ đến nhưng lẽ đó, những kẻ thức giả phải
nghĩ đến mà phải hiểu cái ý nghĩa thâm trầm của sự hi sinh của anh em, tức là
phải biết công cho anh em vậy.
Ấy
trong khi dạo xem đền kỷ niệm, xem hết trong đền xem đến ngoài vườn, có dựng
một tấm bia kỷ niệm riêng cho những chiến sĩ theo đạo Gia tô không thờ trong đền, trong lòng vơ vẩn như thế. Mãi
đến chiều anh em mới thơ thẩn ra về.
Khi về có rẽ vào rừng Vincennes.
Rừng này cũng như rừng Boulogne,
là một nơi đi chơi mát của người Paris. Bên ta không có những "rừng
chơi" như thế này, chỉ có những "rừng hoang", "rừng
rậm"; nói đến rừng là nghĩ ngay đến những nơi ma thiêng nước độc, thú dữ
người mường. Rừng bên ta là "rừng nhiệt đới" (forêt tropicale),
là tổ hổ beo, là hang sốt rét; tuy cũng là cái kho lâm sản quý báu, nhưng không
phải là chỗ sống người, lại quyết không phải là chỗ cho người ngao du. Rừng đây
là rừng ôn đới, chẳng qua là cái vườn cái trại lớn, đủ có vẻ sầm tịch cho người
ta được hưởng cái thú lâm tuyền, nhưng không sầm tịch quá đến u uất lặng lẽ khiến
cho người ta ghê sợ. Chung quanh thành Paris thường có những nơi rừng như thế,
những ngày mùa hè nóng nực, hay những buổi chủ nhật tạnh ráo, người thành phố
đến chơi đông lắm. Ở giữa rừng Vincennes
này có một trường tập bắn của pháo binh. Ngoài cửa rừng trông ra ngoài phố thì
có một cái lâu thành cổ, xưa làm pháo đài, nay làm trại lính, kiến trúc kiên cố
mà quy mô hùng vĩ, thật là một kiểu thành cũ đẹp nhất ở nước Pháp. Tiếc vì có
binh lính đóng, khách du lịch không thể vào xem khắp ở bên trong được. Nghe nói
trong thành có một sở bảo tàng bày những đồ cổ của nhà binh, có cho khách xem,
nhưng hôm nay quá giờ rồi.
Tối hôm nay có hẹn lại ăn cơm ở nhà ông P., đường Saint - Germain. Ông hiện làm quản lý
công ty "Đông Pháp và Phi châu Tổng Thương cục" (Union commercial
indochinoise et africaine), tức là sở chính của nhà "Gô đa" Hà
Nội ta. Vào khoảng năm 1908, chính ông đã làm quản lý nhà "Gô đa" bên
ta mấy năm, nên ông vẫn nhớ bên An Nam lắm, hôm gặp ở tiệc "Công Thương ủy
hội" có ý ân cần hỏi han và hẹn hò đến nhà chơi để giới thiệu cho bà vợ,
ông em và hai cô con gái biết, vì ông đã từng nghe mình diễn thuyết ở trường
Thuộc địa mấy tuần trước. Bà vợ người nhã nhặn vui vẻ lắm; hai cô con thì cô
lớn sắp ra thi tú tài kỳ này, cô nhỏ thì chính sinh ở bên ta năm trước, nhưng
hai cô cũng không còn nhớ gì về bên An Nam mấy tí nữa; còn một cậu con nhỏ nữa
cũng đương đi học. Trước khi về nhà riêng, ông P. có hẹn đến chỗ hội sở ông gần
đường Royale để cùng lại bộ Lao động (Ministère du Travail) tiếp chuyện
và đón ông em ông làm sảnh trưởng ở đấy, rồi cùng về nhà nhân thể. Chức sảnh
trưởng trong một bộ (Directeur de ministère) cũng là một chức to, gần
bằng như Tham tri Thị lang trong Bộ ta. Ông này lại có chân "Tham chính
viện" (Conseil d'état), kể cũng là một bậc quan lại danh giá. Người
có học thức rộng và am thông việc chính trị lắm. Chuyện vãn ít lâu, rồi ba
người cùng về nhà riêng ông P. ở đường Saint
Germain. Tiệc chỉ có mình là người lạ, cả nhà xúm lại nghe chuyện bên An
Nam; hai ông bà thì nhắc lại chuyện cũ, lại hỏi về những sự thay đổi trong
khoảng mười năm nay; hai cô và cậu con thì nghe ra dáng có ý tứ lắm, như nghe
giảng một bài địa dư vậy, thỉnh thoảng hỏi một vài câu dí dỏm cũng buồn cười,
nhất là cô lớn lại có vẻ phong vận hữu tình lắm, tưởng giá chuyến này ra thi
vào kỳ vấn đáp được hỏi về bên An Nam, cô chắc biết được nhiều điều hơn chị em,
không sách nào có, và bấy giờ có lẽ cũng nhớ đến anh thầy giáo tình cờ ở đâu
lại nói chuyện cho mình nghe. Nhưng hiện nay con mắt mơ màng cô đương nghĩ ngợi
gì? Có lẽ hồi tưởng đến thuở nhỏ ở bên An Nam chăng? Nhưng cô sở biết người An
Nam bấy giờ chắc chỉ mới biết thằng bồi Ba, thằng bếp Tư, thằng xe Năm mà thôi,
chứ đã biết người An Nam là giống gì. Nay nghe chuyện như phảng phất mơ màng,
cảnh cũ tình nay, giao cảm trong lòng, cũng khó biết được cô nghĩ ngợi gì.
Nhưng mà con mắt hữu tình thay! Miệng cười có duyên thay! Không có cái vẻ đường
đột tự do như các cô con gái Tây khác, lại có cái vẻ dịu dàng thùy mị như một
vị tiểu thư khuê các ở Đông phương. Bây giờ mình mới biết cái ý nhị phong thú
của con gái Ba Lê... Ông sảnh trưởng thì nói chuyện chính trị, chuyện giáo dục,
tỏ ra một người có ý tưởng rộng rãi; ông xưa nay không nghiên cứu về việc thuộc
địa, nhưng ông nói nước Pháp ở thuộc địa phải có một cái chính sách khoan dung
đại độ, hợp với nhân đạo, thời mới thỏa lòng những bậc tấn thân và tiếp được dư
luận trong nước. - Mãi đến mười một giờ mới cáo từ ra về.
Chủ nhật, 18.
Hôm nay gặp ông B. học trò trường Thuộc địa, năm thứ nhì, ban Đông
Pháp. Ông sắp thi lên lớp nhất (năm thứ ba). Sang năm mà đỗ tốt nghiệp thì sẽ
được bổ sang làm quan cai trị ở bên ta. Bấy giờ sẽ là một vị quý quan sang
trọng, có lẽ chẳng nhớ hay là chẳng muốn nhớ đến anh em mình nữa. Nhân ông nghe
mình diễn thuyết ở trường hôm nọ, muốn làm quen, cho nên hôm nay hẹn đến trọ
chơi, đưa cho xem mấy tờ báo có bình phẩm về bài diễn thuyết của mình. Tính vui
vẻ, hay nói đùa. Mà có một cái tài lạ, là chưa sang bên ta bao giờ, chỉ học
tiếng An Nam ở bên Tây mà nói đã sõi lắm, hát được bằng tiếng ta, nhịp Tứ đại
cảnh! Hỏi ra mới biết rằng khi chiến tranh ông có được ở gần lính An Nam,
nên có dịp tập nói tiếng ta nhiều. Hạng này mà sang làm việc bên ta thì sành
lắm đây, có lẽ sành hơn... quan An Nam. Cũng là một tay "hách" sau
này đó.
4 giờ chiều hôm nay, quan Thượng thư Sarraut và ông Nghị viên Outrey
tiếp các phái viên Nam Bắc Kỳ ở Kinh tế cục để giới thiệu cho ông Nghị trưởng
Hạ nghị viện Raoul Perret. Nhân có đặt một cuộc chớp bóng các "phim"
về Đông Pháp, tân khách mời đến xem đông lắm, toàn là những nhân vật thuộc về
"thuộc địa giới" (les milieux coloniaux), nghĩa là những người
trong các giới mà có quan hệ gần xa đến các thuộc địa, như nghị viên, nhà báo,
các nhà công thương, các quan binh, các quan lại thuộc địa, v.v... Tức cũng là
một cách quảng cáo cho Đông Pháp; và thứ nhất là quảng cáo riêng cho... quan
Thượng và ông Nghị ta. Các phái viên hôm nay phần nhiều áo gấm cả. Đúng giờ ông
nghị trưởng đến, các phái viên đứng dẹp ra hai bên đón chào, rồi một ngài phái
viên Nam trung thay mặt anh em đọc một bài chúc mừng, mình đứng xa cũng không
nghe được câu gì cả. Nghe đâu bài này là ông nghị Nam Kỳ đã soạn sẵn cho học
thuộc lòng, đại khái cũng là tỏ cái lòng rất kính trọng ông Nghị trưởng, rất
trung thành với Đại Pháp. Chính cuộc nghênh tiếp ông Nghị trưởng hôm nay cũng
là tự ông Outrey xướng ra. Nhân bữa đi thăm cố hương đức cha Bách Đa Lộc, ông
có tra trong gia phả đức cha thấy họ Perret cũng có họ xa với đức cha, ông bèn
mượn sao lấy cả thiên gia phả, và định hôm nay mời ông Nghị trưởng Raoul Perret
đến để tặng ông bản sao ấy giữa chỗ công đồng, tỏ ra rằng ông cũng có quan hệ
với Đại Pháp. Thật như phương ngôn ta nói rằng: Thấy người sang thì...
Nhưng mà nghĩ cũng là một cách thù tạc khéo. Người ta ở đời muốn cho tiến đạt
chỉ cần phải thạo những cách đó là đủ. - Trong đám đông các tân khách, mình lại
được gặp ông đốc trường Thuộc địa, chính là anh em họ với ông nghị Nam Kỳ, đứng
nói chuyện giờ lâu, có cả bà vợ, người con gái và người rể, thảy đều bình phẩm
về bài diễn thuyết của mình bữa trước. Ông nói rằng ông thật không ngờ cuộc
diễn thuyết ấy có đặc sắc như thế, vẫn tưởng rằng người An Nam nói thời không
khỏi ra ngoài những câu tán tụng thường, biết đâu lời thành thực dễ cảm người
và nhiều chỗ nói thật mà không mất lòng, ông cho là khéo. Mình nghe được lời khen
như thế, dẫu không đến nỗi nở mũi ra, nhưng trong bụng cũng thích, - nhân tình
ai chẳng thế? - định về trọ biên vào nhật ký cho nhớ, vì xem ra ông này nói
cũng thực tình, chứ không phải là lời đãi bôi.
Thứ hai, 19.
Gặp quan Đại tướng P. Ngài chỉ cho các chỗ nên đi xem ở Paris, lại hứa
sẽ giới thiệu cho mấy ông nghị viên.
3 giờ chiều cùng với cậu H.Đ.D., học sinh trường Thuốc, đến thăm bà lớn
Sarraut ở nhà riêng, đường Latour
Maubourg. Nguyên khi ở Hà Nội đi, lệnh tế là quan Chánh Liêm phóng ở Phủ Toàn quyền có
cho giấy giới thiệu, nên bữa nay đến chào Bà lớn. Quan Thượng thư và Bà lớn
không ở Bộ, vẫn ở nhà riêng. Bà lớn ân cần hỏi han, nói rằng vẫn nhớ bên An Nam
lắm, khen người An Nam là một dân tộc khôn khéo, chăm chỉ và có tính thuần
thục, dễ thương.
Thứ ba, 20.
Ông F. là chánh Công ty Rượu Đông Pháp có mời các phái viên về ăn cơm
trưa ở nhà riêng ông ở làng Torsy,
Seine et Marne, cách Paris 25 cây-lô-mét. Sáng sớm cho mấy cái ô tô đón
anh em cùng đi. Cái biệt thự của ông đẹp lắm, đặt tên là Les Charmettes,
chung quanh có cái trại mấy mẫu trồng các hoa quả. Hoa hồng không biết đến mấy
chục thứ, quả hạnh (cerises) thời nặng trĩu trên cành, kể hàng mấy trăm
gốc cây. Lại có đặt nhà "ôn thất" (serres) để trồng các thứ
hoa cỏ lạ ở nhiệt đới. Trong vườn giữ sạch như li như lai, không có một cái lá
rụng, một cái cành khô. Ông nói mỗi năm kinh phí về cái trại này tới mấy chục
vạn quan. Tính ông thích làm vườn, những khi nhàn hạ thường ra trồng cây xới
đất, cho là một cách thể thao tốt. Ông được tiếp anh em lấy làm vui vẻ lắm, vì
phần nhiều ông đã từng quen biết bên An Nam. Dự tiệc, ngoài ông và các phái
viên An Nam đủ mặt cả, còn có ông em ruột ông làm đại lý trong Công ty, bà em
dâu, và hai đứa cháu gọi ông bằng ông bác. Hai thằng bé ngộ quá, mình chơi đùa
với chúng nó lại càng thêm nhớ đến lũ con ở nhà. - Tiệc xong, chuyện vãn giờ
lâu, rồi ra ngoài vườn chụp mấy cái ảnh làm kỷ niệm.
Chiều gặp hai ông D. và G. là hai người cán sự trong Hội "Đại Pháp
Thuộc địa viện" (Institut Colonial française), ở đường Volney. Khi còn ở Marseille hai ông
đã viết thư mời mình hễ đến Paris thời lại chơi, có ý muốn mời diễn thuyết ở
Hội. Hôm nay hai ông cũng nhắc lại lời mời ấy, nhưng nói rằng đến cuối tháng
tám hay đầu tháng chín các hội viên mới đông đủ cả. Mình không chắc còn ở đến
bấy giờ không, nên không dám nhận. Vả sang đây là để đi chơi cho biết đó biết
đây, phải có rộng thì giờ mới xem xét được, nếu cứ diễn thuyết hoài thì thành
ra chỉ đóng cửa ngồi trong buồng mà cắm cổ viết, còn thú gì nữa. - Hai ông lại
nói rằng hội Thuộc địa này là gồm nhiều người có danh giá, có thế lực ở nước
Pháp, có ý muốn khoáng trương ra các thuộc địa, lập các hội sép ở mọi nơi, hỏi
mình có thể đương được việc cổ động cho Hội ở bên ta không. Khi ra về, có đưa
cho nhiều những chương trình, thể lệ và giấy má của Hội để về xem cho kỹ.
Thứ tư, 21.
Gặp ông nghị viên A., chủ tạp chí Revue du Pacifique (Thái Bình
Dương tạp chí). Ông này là người đồng hạt với quan Toàn quyền Long, mới được
nghị viện cử xét về sổ dự toán Đông Pháp, lại mới lập ra một tập nguyệt báo để
nghiên cứu về việc Á Đông. Cũng là một tay sắc sảo trong phái thuộc địa ở nghị
viện. Có người nói có ngày ông sẽ sang làm Toàn quyền Đông Pháp. - Buồng giấy
ông ở cùng một nhà với Kinh tế cục Đông Pháp. Ông tiếp chuyện giờ lâu, hỏi han
các việc bên An Nam; lại mời viết bài cho tạp chí của ông.
Gặp cô K., Tổng thư ký Hội "Đông Dương ái Hữu" (Socitété
des Amis de l'Orient), ở viện Bảo tàng Guimet. Mình đã hẹn làm một bài diễn
thuyết cho Hội này, trước khi dời Paris. Vậy bữa nay đến để định đầu bài và
định ngày trước. Ngày thời định vào thứ tư mồng 5 tháng bảy mà đầu bài thời là
nói về "Thi ca Việt Nam" (La Poésie Annamite). Đã không muốn
nhận diễn thuyết ở đâu nữa, nhưng Hội "Đông phương" là một hội có
tiếng, năm ngoái đã nghênh tiếp ông văn sĩ Ấn Độ Tagore, nay mời đến mình, cũng
là một sự danh giá cho mình, nên cũng phải cố vậy. Thế là lại mất ba bốn ngày
nằm hầm trong buồng để soạn bài. Mà ở đây tài liệu không có, sách vở không có,
soạn cũng khó. Chỉ có một quyển Kiều, tối tối mấy anh em cùng trọ họp nhau lại
pha chè uống cùng ngâm với nhau mà thôi.
XIX
Thứ tư, 21 tháng
6[25].
Buổi tối đi xem hát ở rạp Grand
Guignol, đường Chaptal.
Gần đây nghe tiếng rạp này xướng ra một lối diễn kịch mới, thiên hạ hoan nghênh
lắm. Đặc sắc của rạp này là diễn những bài ngăn ngắn, khiến cho mỗi buổi diễn
được bốn năm bài, bi kịch, hí kịch xen lẫn nhau, và bài nào cũng chú trọng về
bộ, về cảnh, không kém gì lời văn.
Trong chương trình hôm nay có năm bài, bốn bài hí kịch độ một hồi hay
hai hồi ngăn ngắn và một bài bi kịch có hai cảnh (tableaux). Bài sau ấy
là lối "kịch bằng cảnh" (pièce en tableaux), lấy cảnh mà giúp
thêm cho lời nói, lối này tưởng các rạp ở nước ta có thể châm chước mà phỏng
theo được.
Bài bi kịch xem cảm động quá, đề là "Một đêm ở Luân Đôn" (Une
nuit à Londre ou The Black Veil) của Gustave Frajaville và C. Choisy (là
quản lý rạp Grand Guignol) rút
trong thuyết bộ của nhà văn sĩ nước Anh Dickens và đặt thành cảnh. Truyện một
người đàn bà già có con phạm trọng tội phải án xử tử thắt cổ, sớm mai hành
hình, đêm đến tìm một ông thầy thuốc danh sư nọ, kêu van ông ngày mai đúng giờ
ấy đến nhà bà cứu cho một người sắp chết, nhưng không nói rõ vì cớ gì; hôm sau
ông đến, xác mới khiêng về, nhưng đã chết rồi không thể cứu được nữa. Bấy giờ
ông mới hiểu là người tội nhân mới bị thắt cổ; nhưng người mẹ trông thấy xác
con như phát điên lên, cứ ôm lấy mà than khóc kể lể một cách rất thảm thiết,
một mực van ông cứu cho, bà nói: "Con tôi dại dột, nó quá nghe anh em mới
đến nỗi này, chứ nó không đáng tội. Tôi xin ngài, tôi van ngài cứu cho con tôi,
nó chưa chết đâu"… Ông thầy thuốc bấy giờ trong lòng cảm thương bi đát vô
cùng, vẫn biết rằng kẻ phạm tội với xã hội, thời xã hội có quyền trừng trị, ấy
là lẽ công bằng, nhưng mà trị kẻ có tội mà để thương, để xót, để đau, để khổ
cho người không tội, há phải là lẽ công bằng sao? Song cái công lý của người
đời chỉ biết thô lược như thế thôi; người ta ăn ở với nhau lấy một công lý mà
xử chưa đủ, phải có lòng từ bi bác ái mới được, vì trông thấy cái cảnh đau khổ
của bà già này, ai là người cầm lòng cho đang?... - Diễn khéo quá, tài quá,
dáng bộ cảnh bày hiển nhiên như thực, khiến người xem rùng mình sởn tóc, lay
chuyển cả quả tim, cảm kích đến phải chẩy nước mắt ra. Có bà đầm ngồi bên nức
nở khóc đến mười lăm phút đồng hồ. Người ta nói có khi có người cảm kích quá
ngất người ngã ra. Trong bài kịch, lời nói không có mấy, mà những lúc không nói
lại là chỗ hay nhất.
Xét ra văn diễn kịch phải là văn cứng cát lắm mới được; văn quốc ngữ ta
bây giờ còn non nớt, dùng vào diễn kịch không khỏi khuyết điểm. Vậy nếu bây giờ
có một lối kịch như lối kịch bằng cảnh đó, lấy cảnh mà giúp sức cho lời văn,
thời hợp với trình độ của ta lắm. Vả lại lối này là đoản kịch, chỉ một vài hồi
mà thôi, và diễn không đầy một giờ đồng hồ, tưởng bắt chước cũng không khó.
Trong lời quảng cáo của rạp Grand
Guignol này có nói: "Rạp Grand
Guignol ngày nay cả thế giới đều biết tiếng là nơi kịch trường ở Paris
diễn được lắm bài ly kỳ, có khi kết cấu cũng bạo, nhưng bao giờ cũng có đặc sắc
văn chương. Rạp này đã có một lối riêng, thiên hạ đến xem đặt tên cho là genre
Grand Guignol, bất cứ hí kịch hay bi kịch, bao giờ cũng có một cái vẻ đặc
biệt, có khi cảm kích vô cùng. Những bài bi kịch thời hành động mau, và giống
hệt như sự thực, vì lối diễn kịch này không có dung được những cảnh giả dối.
Phàm diễn ra là đều diễn cái chân tướng của sự đời, nồng nàn, mãnh liệt, khốc
hại, hung tàn, cốt lấy thực, mà trong sự thực có cái vẻ đẹp thâm trầm ở đó. Hí
kịch thì bao giờ cũng có văn chương, cũng có trí tuệ, khi thời sự xảy đột ngột,
khi thời đối đáp dĩnh ngộ, làm cho tức cười không nhịn được, v.v...".
Thứ năm, 22.
Ngày thứ năm, ở Théâtre
Française (tức là Comédia
Française) thường có diễn kịch ban ngày, và diễn những kịch cổ điển cho
học trò các trường xem. Nhân xem nhật báo thấy hôm nay diễn bài Le Bourgeois
gentilhomme của Molière (tức ông Vĩnh dịch là Trưởng giả học làm sang), anh em rủ nhau đi xem. Bắt đầu diễn từ 1
giờ 30 trưa, đến 5 giờ mới xong.
Bài này Hội Khai Trí đã diễn năm trước, chắc là không bao giờ bằng người
ta được, nên có ý nhận kỹ xem họ hơn mình cái gì. Phường hát ở đây là những tay
nghề có tiếng trong nước, mà bài này lại là một bài cổ kịch, họ diễn đi diễn
lại không biết đến mấy trăm mấy nghìn lượt rồi, chắc là phải thạo lắm, phải hay
lắm. Thế mà cứ bình tình mà xét, cũng không lấy gì làm tài cho lắm, sánh với
bọn tài tử của mình diễn năm nọ cũng là một tám một mười mà thôi, chứ không đến
nỗi cách xa nhau một trời một vực, như mình vẫn tưởng thế. Nhưng có ý nhận ra
không phải là họ không có thể làm hơn nữa đâu, nhưng vì là bài cổ kịch nên họ
cũng diễn chiếu lệ đó mà thôi, không có ý cẩn thận, không có ý trau chuốt, nên
còn có chỗ sơ suất, còn có chỗ khuyết điểm.
Độ này ở nghị viện đương thảo luận về vấn đề cải cách trung học, nên
theo hẳn về đường tân học hay là nên giữ lấy phần cổ học La Mã, Hy Lạp. Có hai
đảng phản đối nhau: đảng tiến bộ thì theo về tân học, đảng bảo thủ thì muốn giữ
cổ học. Mà chính phủ có ý khuynh hướng về đảng bảo thủ, muốn đổi lại chương
trình trung học, đặt thêm phần cổ văn Hi - La xen vào với các môn học mới khác.
Không những ở nghị viện các đảng cãi nhau phân vân, mà trong dân gian cũng chỗ
này diễn thuyết, chỗ kia hội họp, kẻ bàn ra, người bàn vào, kẻ tán thành, người
phản đối, bên nào cũng có một phần lẽ phải cả. Tối hôm nay có một cuộc diễn
thuyết của hội Université nouvelle (nhất danh là Les Compagnons),
thuộc về đảng tiến bộ, tổ chức tại Hôtel
des Sociétés savantes, đường Danton,
để cùng bàn về vấn đề ấy. Nhật báo đăng có mấy ông giáo trường Đại học Sorbonne diễn thuyết. Vậy cơm tối
rồi, thủng thẳng đến nghe xem nghị luận thế nào. Người dự cuộc cũng đông lắm,
mình đến thì đã thấy bắt đầu rồi. Có hai ông giáo Guignebert và Mornet diễn
thuyết, đại khái nói rằng cổ văn tuy hay thật, nhưng không thích hợp với thời
nay, không nên cưỡng bách con trẻ phải học, sợ chậm mất thì giờ của chúng nó và
hại đến các món khác còn cần hơn. Sự giáo dục cần phải ban bố cho khắp trong
dân gian: ấy là nghĩa vụ cốt yếu của một nước dân chủ. Vậy phải mở rộng các
trường trung học cho trẻ con bình dân vào, không nên đặt chương trình khó khăn
để hạn chế. Trong bình dân thiếu chi những con trẻ thông minh tuấn tú: phận sự
của quốc gia là phải ra công đề bạt cho những trẻ ấy được hưởng sự giáo dục
hoàn toàn, và sau này có cách trổ tài xuất chúng. Vậy quốc gia phải cấp lương
học cho những trẻ có tư cách ở các trường tiểu học để cho chúng nó vào trung
học được. Bậc trung học phải mở rộng cho cả quốc dân, chứ không thể để riêng
cho một bọn có tư bản được. - Hai ông giáo này nói thạo lắm: ôn tồn dễ nghe mà
lại có cái vẻ hoạt bát hùng hồn. Nghe biết là những người đã quen giảng học, và
cũng quen nói với công chúng.
Ở một nước tự do có khác, bất cứ chuyện gì cũng có thể đem ra công
chúng mà nghị luận được. Kẻ nói đi người nói lại, quốc dân đứng giữa mà phán
đoán. Chính phủ ở trên mà chiết trung, tưởng còn hơn là cái chính sách
"bịt bung", rút lại chẳng có lợi cho ai hết. Song cho được đủ tư cách
nghị luận hay là phán đoán, cái trình độ văn minh cũng phải kha khá mới được,
nếu còn thấp kém lắm thì dẫu được quyền bàn cũng chẳng biết bàn gì, được quyền
nói cũng chẳng biết nói sao, nói lắm bàn lắm càng lại nát chuyện nhiều, huống
lại còn biết phán đoán sự hay sự không, lẽ phải lẽ trái là gì nữa! Nhưng muốn
nâng cao trình độ dân thì có cách gì? Duy có sự học mà thôi[26]...
XX
Thứ sáu, 23 tháng
6.
Buổi sớm đến thăm quan cai trị C., ở Kinh tế cục, đưa bản thảo bài diễn
thuyết ở trường Thuộc địa để đem in. Nguyên sau hôm diễn thuyết có nhiều quý
quan khuyên nên in bài diễn thuyết, cho công bố được rộng hơn. Nhưng in sách ở
bên này đắt lắm, lấy tiền đâu mà làm được. Vả lại không phải là thứ sách bán
được; có in ra chẳng qua cũng để tặng các nhà văn sĩ, hay nhà chính trị có để ý
về việc thuộc địa để mong cho người ta biết đến nước Nam mình một chút, thế mà
thôi. Cũng có một vài cái báo muốn xin để đăng, nhưng đăng trong báo thì lẫn
lộn với các bài khác, tất không ai chú ý đến. Bên này người ta còn nhiều những
việc tầy đình, việc thuộc địa, việc nước Nam mình có ai cho vào đâu. Thật có đi
ra ngoài mới biết thế giới là rộng. Các báo lớn bên này, thường mỗi tuần lễ hay
nửa tháng mới có một mục nói về việc thuộc địa, mà đặt vào trang thứ tư hay thứ
năm, chứ có được vào trang nhất hay trang nhì bao giờ. Như mình chuyến này cũng
là may lắm, được mấy cái báo như La Dépêche coloniale, L'éclair, l'Echo de
Paris, Comoedia, chú ý đến, nói về sự diễn thuyết và lại trích mấy đoạn
diễn thuyết nữa. Song bài nhật báo thời cũng không ai để ý xem cho kỹ làm gì.
Nhân nói chuyện với quan cai trị C., ngài nói rằng để sẽ bàn với Kinh tế cục
xuất tiền ra in cho, không ngại gì, vì Kinh tế cục vẫn có một bộ tùng thư in
những bài khảo cứu về Đông Pháp. Bởi thế nên hôm nay đem bản thảo đến cho ngài,
ngài hứa sẽ bảo in riêng ra mấy trăm quyển để gửi về nhà, còn ở Pháp này muốn
biếu hay tặng những ai, cứ kê tên ra sẵn, khi nào in xong sẽ gửi thẳng cho
những người ấy. Thế thật là tiện cho mình đủ đường.
Chiều hôm nay được quan đại tướng P. cho phiếu vào xem ở Thượng nghị
viện. May lại gặp giữa buổi một ông nghị (nghe đâu thuộc về đảng xã hội, không
rõ tên là gì) đương chất vấn chính phủ về việc trong khi chiến tranh, quan binh
có kết án lầm mấy người lính đem xử tử vì tội tháo lui trước quân giặc, sau xét
ra mới biết rằng án ấy oan và mấy người lính kia vô tội, tức gọi là cái án Vingré.
Ở Thượng viện tuy thường vẫn êm ái hơn ở Hạ viện, nhưng cũng có khi nghị luận
kịch liệt; hôm nay kể cũng là một buổi kịch liệt. Ông nghị chất vấn chính phủ
này hết sức công kích bọn quan binh vì võ đoán mà đã làm chết oan mấy mạng
người, công kích chính phủ đã dung túng những cách võ đoán như thế. Ông nói rất
là hùng hồn cảm động: có một lúc ông đập tay xuống bàn mà nói to lên rằng:
"Ừ, nào có phải thiệt oan mấy mạng người mà thôi đâu, còn để cái khổ cái
nhục cho người sống nữa! Các ngài có nghĩ đến tình cảnh những cha mẹ, những vợ
con mấy người chết oan ấy không? Các ngài có nghĩ đến cái đau đớn, cái tủi nhục
vô cùng của lũ trẻ con kia, trong khi các trẻ con khác trong làng có cha anh đi
trận về, nào là mền đay, nào là bội tinh, nghênh ngang vang vẻ trong làng xóm,
mà mình hễ thò mặt ra đầu ngõ thời người ta vạch mặt gọi tên nói rằng:
"Thằng này là con thằng phản quốc đây. Cha nó ngày trước đã bị xử
tử". Các ngài có nghĩ đến những nông nỗi đắng cay chua xót ấy trong lòng
một kẻ hài nhi không? Kẻ hài nhi ấy sau này là dân nước đấy, là lính nước đấy!
v.v…". - Quan Binh bộ là ông Maginot, người cao lớn, giọng dõng dạc, rõ ra
cái thái độ một quan Thượng thư Binh, lên diễn đàn đáp lại, đại khái nói rằng:
"Chính phủ cũng biết án đó là lầm, tội đó là oan. Nhưng mà đương buổi
chiến tranh bối rối, những sự oan uổng ấy làm sao mà tránh cho khỏi được? Vả
lại, dù thế nào nữa, việc đã dĩ nhiên rồi, bây giờ nói sao cũng không thể khôi
phục được mệnh người nữa. Như vậy thì dở dói ra làm chi cho thêm nỗi đau lòng.
Thôi thời bây giờ chính phủ đã nhận lỗi, sẽ ra sức giúp đỡ cho cha mẹ vợ con
những người ấy, ban tiền dưỡng lão, tiền tuất cô , tiền tuất quả cho người ta
được yên thân. Vả trong buổi binh hỏa dị kỳ, những người chết oan chết khổ biết
là bao nhiêu, biết mấy mươi nghìn vạn mà kể: tổng chi cũng là chết cho nước cả!
v.v...". - Quan Binh bộ hết sức biện bạch, mấy ông nghị về đảng phản đối
nhất định không nghe, xin phải tra cho ra lỗi tự ai và làm tội những viên tướng
tá đã kết cái án oan ấy. Hai người nói cùng giỏi cả, nói xong đảng nào vỗ tay
cho người đảng ấy, biểu đồng tình. Duy người xem thì không có phép vỗ tay, phải
giữ thái độ khách bàng quan, nghe nói hay, nghe nói dở, cũng phải cứ nghiêm
lặng như không; ấy là lệ trong nghị viện như thế!
Sáng sớm mai Hoàng thượng đến Paris. Mình tuy không dự sự gì, nhưng
cũng là người An Nam, tưởng nên cùng anh em ra đón ở ga cho phải phép. Song tự
mình đã không đóng vai gì mà đánh cái áo gấm xúng xính, thời chỉ tổ cho thiên
hạ chỉ trỏ vô ích, thà rằng làm hoàn toàn một anh khách quan còn hơn. Bởi thế
nên mấy bữa nay phải đi cắt một bộ jaquette mấy trăm quan, lối này là
một lối lễ phục không trọng thể mà cũng không tầm thường, trung bình, mặc vào
dịp nào cũng được. Mình mặc jaquette, đầu đội mũ "quả dưa" (melon),
coi cũng "ra phết" một thầy "thư ký toà sứ” (tòa sứ đây không
phải như tòa sứ bên mình). Vào hiệu ảnh chụp cái ảnh gửi về nhà, người thợ ảnh
cho là một viên quan lại ở toà sứ Nhật Bản, nhưng lại nói rằng: "Ông là
người Nhật thì khí cao quá". Mình nghĩ bụng rằng nếu quả được là người
Nhật, - dẫu là một người Nhật "quá khổ" nữa mặc lòng, - thì còn gì
bằng!...
Thứ bảy, 24.
10 giờ sáng, Hoàng thượng đến Paris, đi chuyến xe lửa riêng ở Lyon lên;
đỗ ở ga Bois de Boulogne là nhà
ga để riêng đón các bậc vua chúa. Hoàng thượng đi cùng với quan Thượng thư Thuộc
địa Sarraut; quan Giám quốc và quan Thủ tướng có phái đại biểu ra đón. Kèn,
trống, cờ, quốc ca, lính bồng súng, lính kỵ mã, nghi vệ cũng như nghi vệ
thường, tưởng không có gì là đặc biệt. Có lẽ chỉ có lạ mắt cho người Paris là
các sắc gấm sặc sỡ của các quan hộ giá. Mình không được biết thành Paris xưa
nay đón các bậc đế vương các nước thế nào, nên không thể so sánh được lần này
với các lần kia khác nhau thế nào. Nhưng nhận ra người đứng xem ít lắm. Nghe
khách qua đường thấy đám lạ dừng lại xem, chỉ thấy nói: "Ồ! Họ ăn mặc hay
nhỉ! Kỳ nhỉ!"; có người lại hỏi lẫn nhau: "Người nước nào vậy?".
Anh em cất mũ cúi chào, thế là hết phận sự thần dân ở nơi khách địa,
rồi vua quan trảy về dinh quan Thuộc địa, bọn mình cũng nhân mũ cao áo dài thuê
xe hơi dạo quanh một vòng phường phố, mặc dầu cho thiên hạ cho là người Tàu hay
người Nhật, cũng chẳng hề phải biện bạch là giống An Nam.
Cơm trưa rồi, đi chơi cửa hàng Bon Marché ở đường de Sèvres. Hàng này vào hạng các
"cửa hàng lớn" (grands magasins) như Le Louvre, Le Printemps, Galeries La fayette, v.v... bán đủ các
đồ hàng, thứ nhất là đồ ăn mặc. Hàng này rộng bằng mấy dẫy phố thông luôn, tầng
trên, tầng dưới, tầng hầm, ngõ ngang, ngõ dọc, thang cuốn, thang máy, kẻ lên
người xuống, người ra kẻ vào, lúc nào cũng tấp nập như ngày hội, đi vào đấy
không khỏi lạc đường, vào phố này mà ra tận đầu phố kia. Nhân vào khu bán các
đồ chơi trẻ con, mua mấy thằng phệnh, con thú và cái xe, để gửi về lũ trẻ ở nhà
cho vừa kịp tết tháng tám. Nhà hàng nhận gói gửi cẩn thận, chỉ phải chịu thêm
tiền bưu phí mà thôi. Lũ trẻ nhận được mấy gói này chắc là mừng lắm. Nghĩ đến
chúng nó lại càng thêm nhớ; nhưng mình nhớ nhà có lẽ nhà lại nhớ mình hơn, vì
người đi còn có dịp khuây khỏa, chứ kẻ ở thường hay chuyên lòng tơ tưởng; đó
cũng là cái thường tình của người ta, dẫu người anh hùng còn không khỏi, huống
nữa là kẻ tầm thường. Nhưng có người nặng tình thê tử quá, chưa bước chân ra
khỏi cửa đã thương nhớ sụt sùi, lúc nào cũng như đeo cái mặt sầu kẻ tha hương,
như thế thì cũng quá. Người nước mình phải cái nỗi gia đình bận bịu, lắm khi
cũng ngăn trở cho người có chí.
Ở hàng Bon Marché ra, cạnh ngay đấy là đường du Bac. Sực nhớ đây chính là nơi nội sở của hội Truyền giáo Viễn
Đông (Séminaire des Missions étrangères). Cố R. cùng đi tầu với chúng
mình mấy tháng trước có hẹn khi nào lên Paris vào đây thăm, mà bấy lâu chưa có
dịp nào. Anh em bèn rủ nhau vào thăm cố. Đây chính là nơi nhà dòng chính để
luyện tập các cố đi sang truyền giáo ở bên ta. Trong phòng khách thấy có treo
mấy cái hình Đức cha Bách Đa Lộc. Cố được gặp mặt anh em lấy làm vui vẻ lắm,
hỏi han về sự cảm giác ở Paris thế nào. Sự cảm giác của chúng mình thì chắc là
tốt cả, chỉ hiềm không có thể ở nơi đây lâu được mà thôi. Về phần cố thời nói
rằng vì bận công việc nhiều, có lẽ đến cuối năm hay đầu sang năm mới trở lại Á
Đông được.
Chủ nhật, 25.
Còn nhớ Maurice Barrès có câu nói rằng: "Nhìn bức tranh đẹp mà
cảm, không phải là cảm cái nét bút nó vẽ khéo, không phải là cảm cái mầu sắc nó
tốt tươi, chính là cảm cái tâm tình của người hoạ giữa lúc cầm bút vẽ vậy"
(Ce que l’on admire dans un tableau, ce
n’est pas la couleur, nile dessin, mais plus profondément la quanlité de l’âme
de l’artiste au moment où il peignit). Vậy thời muốn hiểu một bức họa phải
hiểu cái tâm tình của người họa. Như xem bức tranh Tàu, vẽ một cái lều gianh
với một khóm trúc ở giữa đám núi đá gồ ghề, tưởng ngay đến cái cuộc đời thanh
tĩnh của một người đạo sĩ ẩn mình ở chốn sơn lâm; hay là vẽ chiếc thuyền con
đủng đỉnh trên mặt nước thời nghĩ ngay đến cái tư cách an nhàn phóng dật của
một tay thi ông mặc khách nào lấy gió mát trăng thanh làm bạn, câu thần chuốc
rượu làm duyên mà vui qua ngày tháng trong chốn sơn thủy hữu tình. Chí ư trông
bức tranh mẫu đơn tức nghĩ đến cái vẻ đẹp của người mĩ nhân; trông bức tranh
tùng bách, tức tưởng đến cái tiết tháo của người cao sĩ. Bởi thế nên mắt nhìn
mà lòng cảm, vì tựa hồ như người xem trông qua bức họa mà thấu được tới tâm
tình của người họa vậy. Nay đối với các bức danh họa của Tây, mình không hề có
cái cảm như thế bao giờ. Một người thuần cựu học mà xem tranh Tây không có cảm
gì thì còn có lẽ, chứ mình cũng sở đắc ở Tây học ít nhiều mà không biết thưởng
thức cái hay cái đẹp của mĩ thuật Tây phương, thì cũng lạ thật. Có lẽ bởi cái
óc tối tăm mà chưa khai quang được ra chăng? Hay là bởi con mắt thịt thiếu cái
tia sáng về mỹ thuật? Chẳng hay bởi cớ gì, nhưng trông những bức vẽ đàn bà trần
truồng thỗn thện, thịt bắp vai u, thật không hiểu cái ý tứ của họa giả thế nào.
Nghe người ta cắt nghĩa thì cũng biết vậy; đọc thấy trong sách thì cũng hiểu
vậy; thấy người khen thì cũng khen theo cho khỏi mang tiếng dốt, chứ cứ thực
thì chẳng có cảm một chút nào. Có lúc nghĩ lẩn thẩn những bức họa họ cho là
tuyệt bút kia, giá đáng kể hàng muôn hàng triệu, tưởng giá có người cho để treo
nhà cũng không lấy làm thích, vì không hiểu nó là cái gì. Nhiều khi vẫn lấy cái
đó làm một điều khuyết điểm trong sự giáo dục của mình, mà tự lấy làm băn khoăn
một mình. Vì những cái công trình mỹ thuật kia, cả một phần thế giới có tiếng
là văn minh đều công nhận là tuyệt phẩm tuyệt tác, mà mình tuyệt nhiên không
biết cảm phục, thời chẳng là ngu và dốt lắm dư? Cũng biết thế, nhưng không thể
làm sao được, thời thà thú thật rằng ngu và dốt còn hơn miễn cưỡng mà a dua.
Song xét cho cùng ra thì có lẽ là bởi cái tinh thần của Đông Tây khác nhau,
thuộc về đường học vấn, đường nghĩa lý thời sự mâu thuẫn ấy còn có thể giải
quyết điều hòa được, chứ thuộc về đường mỹ thuật, đường cảm giác thời sự mâu
thuẫn ấy lại càng biểu lộ ra rõ rệt vậy. Bởi thế nên sách Tây, nghĩa lý Tây, ta
có thể hiểu được, mà đàn Tây, hát Tây, tranh Tây, ta không bao giờ hiểu được
bằng người Tây. Có khi tưởng rằng hiểu, mà xét kỹ ra thật chưa hiểu, vì không
có cảm. Lại có khi miễn cưỡng muốn cảm cho được, nhưng cái cảm đó không cho là
thành thực được. Cho nên mỗi lần thấy có người nhìn bức tranh Tây khen là đẹp,
nghe bài đàn Tây khen là hay, mình vẫn tự hỏi không biết lời khen ấy có quả là
thành thực không? Đông Tây tuy vậy vẫn còn xa cách nhau lắm.
Nhân hôm nay đi xem bảo tàng Le
Louvre một lần nữa, nên về mới nghĩ ngợi lan man và nghị luận lông bông
như thế. Trong mấy giờ đồng hồ, mắt nhìn không biết mấy nghìn bức tranh, mấy
trăm pho tượng, thật là bao nhiêu cái tinh xảo của văn minh mỹ thuật Thái Tây
trong mấy trăm năm tích tụ cả lại đây, nhiều cái cũng biết là đẹp, cũng phục là
khéo, nhưng thật chưa được hiểu rõ cái tinh thần nó thế nào.
Khi xem xong ra về, mua mấy pho sách về nghề họa và nghề chạm của nước
Pháp (sách bán ngay trong nhà bảo tàng) và một hộp cartes postales chụp
ảnh những tranh và tượng đẹp nhất trong viện này. Bao giờ về nhà rảnh thì giờ
thử nghiên cứu xem có hiểu được cái tinh thần của mỹ thuật Thái Tây không. Nếu
thật không thể cảm được thời có lẽ phải chịu cho cái câu của văn sĩ nước Anh
Rudyard Kipling: "Đông là Đông, Tây là Tây, không bao giờ gặp nhau
được" là phải vậy.
Ông V. giỏi thật. Ít người có cái tài tháo vát như ông. Nghĩ bọn mình
đi chơi ở Paris, nếu cứ cuốc bộ thì không đi được mấy tí, mà mỗi bước một lên
xe thì hại tiền quá; nhân đọc báo thấy có người có cái ô tô muốn bán, ông liền
mua ngay, rồi làm đơn xin sở tuần cảnh cho giấy phép cầm máy lấy. Muốn được
phép phải cầm máy thử trong mấy nghìn thước, ở nơi đường phố đông đảo, mà đường
phố bên này nguy hiểm hơn bên ta biết bao nhiêu. Thế mà ông "thi"
được, chẳng kém gì các trạng "sô-phơ" bên này. Ông nói rằng mua cái
xe như thế, tự mình cầm máy được, thì chỉ phải mất tiền dầu mà đi chơi tiện
biết bao nhiêu, nếu xem ra xe tốt dùng được thời khi về sẽ đem về, nếu không
tốt lắm thời sau này bán lại cũng không thiệt gì. Cái xe sơn vàng, hiệu Berliet,
trông cũng ra dáng. Hôm nay mới lau dầu xong, anh em lên xe, dạo chơi phường
phố, nghiễm nhiên ra một bọn phong lưu công tử. Ông chủ cầm máy, một người ngồi
bên cạnh trông bản đồ xướng lên từng phố. Lắm lúc đi đường nọ ra đường kia, vì
có ai thuộc đường đâu. Nhưng đi đã không có mục đích thời đi đâu thì đi, đâu
cũng là đi chơi cả. Bọn mình ở nhà ai cũng có công này việc nọ, bước chân ra
cửa là có việc phải đi, có nơi phải đến, nay mới biết cái thú đi chơi lông
bông.
Hôm nay đem cả M.B. học trò trường Thuộc địa, - sắp quan cai trị chúng
mình nay mai đây, - cùng đi chơi. Đi bâng quơ một hồi, rồi sau định lên thẳng
xóm Mông Mạc, nhưng không phải là chủ ý thăm các "chị em", vì
"chị em" đây - cũng như chị em bên ta, - không có "làm
việc" ban ngày, và xóm này giữa thanh thiên bạch nhật thường vắng ngắt
buồn tênh, chỉ bắt đầu từ 8, 9 giờ đêm trở đi mới thấy đèn như sao sa, người
như kiến cỏ, tiếng đàn ánh ỏi, khói thuốc mịt mù. Xóm Mông Mạc không phải chỉ
là một xóm thuyền thợ nữa. Trừ mấy phố lớn toàn những hàng ăn, hàng rượu, rạp
múa, rạp hát, còn thì những đường dốc quanh co, nhà ở cũ kỹ, vì đây chính như
một nơi cao nguyên ở giữa thành Paris, cho nên lên chơi đây gọi là "lên
dốc" hay lên "lên đống" (monter vers la Butte). Ở chỗ cao
nhất có dựng một toà nhà thờ tên là Basilique
du Sacré -Coeur" (Nhà thờ Quả tim thánh), kiểu romano - byzantin,
trông rất là vĩ đại, xây ngoài bằng cương thạch, trong bằng cẩm thạch, lại lồng
những kính vẽ rất lộng lẫy, dài 100 thước, rộng 50 thước, trên có cái mái tròn
cao 60 thước và cái gác chuông cao hơn 90 thước. Nhà thờ này bắt đầu làm từ năm
1875 bằng tiền của thập phương cúng, mãi đến năm 1921 mới xong. Trèo lên trên
gác chuông thời gồm được toàn cảnh thành Paris, trông vùng ra bốn bề được tới
50 cây-lô-mét. Quả chuông đây có tiếng là to nhất nhì trong thế giới, đúc năm
1895, nặng tới 1 vạn 7 nghìn 7 trăm 35 kí-lô. Trước mình vẫn tưởng rằng các nhà
thờ lớn là lối kiến trúc đời xưa, nhất là đời Trung cổ, thiên hạ có lòng sùng
đạo hơn bây giờ, không ngờ ngày nay lối ấy cũng còn thịnh hành mà giữa thế kỷ
thứ 19 người Tây phương còn có đủ lòng tín ngưỡng mà dùng tới năm mươi năm
trời, mấy trăm triệu bạc để dựng nên một nơi giáo đường vĩ đại như thế này. -
Hôm nay là ngày chủ nhật, thập phương đến lễ đông lắm; bước chân vào trong nhà
thờ thấy người đứng chật ních cả, phần nhiều là những hạng bình dân, người lao
động, tiếng đọc kinh, tiếng cầu nguyện, tiếng chuông đánh, om om như trong một
cái đỗng lớn, mà ở giữa bàn thời hàng nghìn cây bạch lạp lấp lánh trong xa xa.
Coi cũng có cái vẻ uy nghiêm thật.
Ở nhà thờ ra trong bụng vơ vẩn, nghĩ rằng người ta ở đời có sống là có
khổ, cho nên tôn giáo nào cũng bày phương cứu khổ cho loài người. Xem như những
bọn làm ăn lam lũ này, đầu tắt mặt tối cả ngày, chiều đến vào cầu ở nhà thờ
cũng quên được nỗi lao khổ đi ít nhiều, và mong rằng đời này khổ đời sau có lẽ
được sướng hơn. Lòng tín ngưỡng là cái của quý của loài người, người nào đã mất
lòng tín ngưỡng thời cũng nên tự tiếc cho mình mà trông thấy kẻ khác có tín
ngưỡng, dẫu sự tín ngưỡng ấy biểu lộ ra ngoài một cách thật thà nữa mặc lòng,
cũng không nên đem lời gièm pha báng bổ. Nhân sực nhớ đến chiều ngày 30 tết năm
nọ, hàng phố đã đóng cửa, các nhà đã lên đèn, pháo đã bắt đầu nổ lác đác ở vài
nơi, chợt đi qua trước một cái miễu nhỏ ở phố kia, thấy một người đàn bà quần
nâu áo vải đương cầm mấy nén hương lum khum vừa khấn vừa vái, khấn một cách
thiết tha và nói to như người kêu trước cửa quan: "Tấu lậy đức Thánh mẫu,
thân con cực khổ trăm đường, nay là tối ba mươi rồi, chạy chợ cả ngày không
được mấy hào bạc mà chồng ở nhà chỉ cờ bạc rượu chè, tối về không có tiền cho
nó thì nó đánh nó chửi. Tấu lạy Thánh mẫu, xin Thánh mẫu phù hộ cho chốc nữa về
nó đừng hành hạ, để cho ông vải con được yên trong ba ngày tết...". - Tự
đó thấy những sự lễ bái trong dân gian, không dám làm mặt kẻ cả cao thượng mà
bĩu miệng chê bai nữa, biết rằng sự tín ngưỡng là cái thuốc giải phiền cho
người đời...
Chung quanh nhà thờ rặt những đường phố ngúc ngoắc, chỉ những lên dốc
xuống dốc hoài, mà nhà cửa coi ra dáng cổ lắm, xe ô tô phải gửi một lão chủ
quán ở tận dưới phố xa kia, vì không thể nào trèo lên được, dốc hơn là dốc Tam
Đảo.
Cạnh nhà thờ có một bức tượng đồng, hình một người võ sĩ phải chịu tội,
đến gần xem thì thấy đề rằng: "Tượng võ sĩ De La Larre, năm 1766 bị Giáo
hội làm tội ở thành Abbeville
vì đi trước một đám rước đạo không ngả mũ chào". Hỏi ý cái tượng ấy làm ra
là bởi thế nào thì ông B. nói rằng tượng này do một phái dân sở tại đây không
tin sự lễ bái, muốn tỏ ý phản đối việc lập nhà thờ, bèn cũng quyên tiền dựng
ngay cạnh đây, cho thiên hạ biết cái thói chuyên chế độc ác của giáo hội xưa
nay vẫn hay bách hại những người không tin đạo mình. Ở nước tự do có khác, tư
tưởng gì cũng có cách biểu lộ ra được.
Khi quay xe về có rẽ vào một nơi đề là "nhà thị sảnh" (mairie)
mà trông ra dáng tồi tàn, không phải như các nhà thị sảnh khác. Sau mới biết
nhà thị sảnh đây không phải là nhà thị sảnh chính thực, chính là một nhà thị
sảnh "hoạt kê". Người Mông Mạc đây có tính hiếu tự do và thích khôi
hài, cho nên hay làm nhiều chuyện kỳ khôi, không phải là phản đối với quan
quyền, nhưng có ý nhạo báng quan quyền. Cho cách cai trị của nhà nước là phiền,
một bọn hiếu sự bèn rủ nhau tuyên bố xóm Mông Mạc độc lập, đặt làm một
"chợ tự do" (commune libre), cũng bầu thị trưởng, cũng đặt thị
sảnh, cũng có hội đồng, cũng có phần việc, nhưng nhất thiết làm trái nhà nước
cả, để làm một chuyện chơi đùa. Nhà "thị sảnh" đây tức là nơi họp tập
của bọn hoạt kê hiếu sự đó. Gần đến nơi chỉ nghe thấy những tiếng kèn nói,
tiếng người say rượu hò hét và đập bàn đập ghế om sòm. Thấy vậy, bọn mình đều
lùi ra cả. Nghe nói trong nhà có cuộc đấu xảo, bày những tranh vẽ của các tay
tài tử "nghèo đói" ở trong xóm để bán lấy tiền lập một kho trữ kim
cứu giúp cho họ, nhưng thấy các tài tử to tiếng quá không dám vào. Định bữa nào
vào chơi đây phải đánh cái "cát két" lệch, đeo cái "cà vạt"
nghiêng, và tập lấy cái giọng lè nhè be bét như anh em, thời mới thật là hợp
cách. Biết đâu? Nếu có thì giờ ở lâu bên này, có lẽ cũng có ngày thí nghiệm một
phen như thế; cũng là một cách khảo cứu phong tục vậy.
Gần bảy giờ tối mới đánh xe về trọ.
Thứ hai, 26[27].
Hôm nay Hoàng thượng cùng quan Sarraut đến thăm nghĩa sĩ từ ở Nogent sur Marne. Sẵn có ô tô, anh em
cũng đánh bộ "gia két", đội mũ "mơ lông" chạy xe về Nogent xem lễ. Quan nguyên học chính
Gourdon làm hội trưởng hội "Đông Pháp Kỷ niệm" (Le Souvenir
Indochinois), diễn thuyết chúc mừng, Hoàng thượng đáp lại mấy câu, chắc là
những lời hùng biện cả, nhưng đứng xa chẳng nghe thấy chi hết. Xong rồi Hoàng
thượng vào thắp hương trong đền, ra đặt vòng hoa sắt ở cái đài Kỷ niệm những
chiến sĩ theo đạo Thiên Chúa ở ngoài vườn, dạo quanh vườn một lượt, rồi lên xe,
vua quan trẩy về Paris hết.
Còn chúng mình ở lại rẽ vào Joinville
le Pont tìm mả một người học sinh An Nam ở nghĩa địa làng. Người ấy có
cha mẹ ở Nam kỳ viết giấy nhờ ông V. có qua đấy thì vào thăm. Ai ngờ chốn nhà
quê xa xôi ở nước Pháp này mà cũng có nắm xương của con em Nam Việt. Cậu này
sang học đây năm trước, chẳng may bị bệnh chết. Hội Aliance française tống táng hẳn hoi, rồi sau đem di hài vào đây
chôn cùng với mấy anh em học sinh người Bắc nữa. Mả xây kiên cố lắm, trên có
tảng đá trắng khắc đủ tên tuổi rõ ràng. Các cậu là những bậc thanh niên tuấn tú
của nước nhà, vì ham tân học mà bỏ cửa bỏ nhà, lìa cha lìa mẹ, sang du học tận
đây, mong rằng chóng được tốt nghiệp về nước đem tài học mà thi thố cho ích
quốc lợi dân, chẳng may nắm xương đất khách, ngọn cỏ rầu rầu, khiến cho kẻ đồng
bào lạc bước đến đây, luống những ngậm ngùi. Nhưng các cậu dù thác mà vẫn có
công với nước: các cậu là kẻ hy sinh cho sự học mới vậy. Hồn có thiêng xin phù
hộ cho các anh em du học sau này học hành được tấn tới.
XXI
Thứ hai, 26[28].
Trưa hôm nay được tiếp một thầy mật thám đến hỏi giấy thông hành. Chừng
là nhân Hoàng thượng ở Paris nên sở cảnh sát cho dò xét những người An Nam ở
bên này để phòng sự bất kỳ. Đó cũng là việc thường và là bổn phận của cảnh sát
mỗi khi có các vua chúa qua lại, không lấy gì làm lạ.
Tối quan Giám quốc có đặt tiệc mừng Hoàng thượng ở cung Elysée. Tiệc xong có cuộc tiếp kiến ở
trong cung, mời đông người lắm. Các phái viên An Nam cũng được có giấy mời. Vậy
cơm tối xong, quá chín giờ anh em cùng đi, chẳng dám mong được yết kiến bề trên
cùng quan Quốc trưởng Đại Pháp, nhưng sẵn có giấy cũng là một dịp được xem qua
trong cung thế nào. Vào cửa đường Faubourg
Saint Honoré, ngoài có lính "đầu rồng" canh, coi cũng oai vệ.
Thoạt vào thì có một đội những viên "thừa phái" (huissier),
mặc áo dấu, đeo dây xuân thu bằng bạc loảng xoảng bên mình, kẻ đón mũ, người
cất áo, rồi đưa vào một viên chừng là đầu thừa phái, mình phải xưng tên chức
cho người ấy biết, rồi người ấy dẫn vào trong sa lông, quan Giám quốc cùng phu
nhân đứng ngay đấy để tiếp khách, người ấy xướng tên lên, quan Giám quốc bắt
tay chào, mời vào trong. Đi vào hết sa lông nọ đến sa lông kia, rồi đến một nơi
cực rộng, chừng là chỗ nhẩy đầm, hết thảy đều trải thảm bằng nhung đỏ và bốn bề
những kính đứng cả. Coi thì thật là rực rỡ, song cũng không thể xem kỹ được mọi
nơi. Dạo qua một lượt, nói chuyện với mấy ông Tây quen, rồi chừng 11 giờ anh em
ra về. Thế cũng đủ đến khi về nước nhà "lòe" với bà con rằng ta đã
được bắt tay quan Giám quốc!...
Thứ ba, 27.
Sáng hôm nay cùng quan sáu L. đến thăm Hội Thương nghiệp Địa dư (Société
de Géographie commerciale) ở đường Tournon.
Hội này có đã mấy chục năm nay, chuyên nghiên cứu về địa dư quan hệ với thương
nghiệp; có cái thư viện cũng khá nhiều sách về địa dư học. Cứ ngày mồng 10 mỗi
tháng, Hội có đặt một tiệc tháng buổi trưa (déjeuner mensuel) ở "Nhà cao
lâu các Hội Bác học" (Restaurant des Sociétés savantes), họp các
hội viên ăn cơm và nghe diễn thuyết. Lại ba tháng xuất bản một tạp chí in những
bài lai cảo của hội viên về các vấn đề địa dư và kinh tế. Nơi hội sở cũng nhỏ,
có mấy phòng để sách chật cả. Hiện nay hội trưởng là ông thượng nghị viên
Morel, và tổng thư ký là ông hạ nghị viên Lorin, ông này cũng là một tay bác
học, kiêm giáo học ở trường Đại học Bordeaux.
Quan sáu L. đưa xem mọi nơi rồi giới thiệu mình cho ông Lorin. Ông người hoạt
bát linh lợi lắm, tiếp một cách rất nhã nhặn. Ông thay mặt Hội mời nếu ngày
mồng 10 tháng sau còn ở Paris thời lại dự tiệc tháng ở Hội và làm một bài diễn
thuyết cho đồng nhân nghe. Mình nhận lời. Chuyện vãn ít lâu rồi từ biệt ông
Lorin và quan sáu L., về trọ nghỉ. Quan sáu có gắn bó rằng rồi ngài sẽ giới
thiệu cho vào chân hội viên.
Buổi chiều nằm hầm đọc sách, không đi chơi đâu.
Tối buồn, anh em họp nhau lại pha chè uống, ăn bánh ngọt, rồi đem Truyện Kiều ra ngâm, càng ngâm càng thấy
hay, tự đắc rằng văn chương An Nam quán thế giới!
Thứ tư, 28.
Quan sáu P. muốn giới thiệu cho mình làm quen với các tay chính trị có
quan hệ với thuộc địa, đã viết thư cho ông Diagne là nghị viên Sénégal hẹn sớm
hôm nay mình đến thăm tại nhà. Ông ở đường Avenue Alphonse XIII, thuộc về khu thứ 16, đường dốc lại khuất
khúc, tìm nhà khó quá. Ông này là người da đen, thổ trước đất Sénégal, nhưng học Tây giỏi lắm,
nghiễm nhiên như một người Pháp vậy. Vả ở Sénégal vốn có sáu hạt người dân đã nhập Pháp tịch, có đủ quyền
lợi công dân Pháp, nên được bầu nghị viên ở Hạ viện Pháp. Ông chính là nghị
viên thay mặt sáu hạt đó. Ở nghị viện ông cũng là một tay có thế lực trong phái
thuộc địa, có tài ăn nói, thường can thiệp vào các việc nghị luận, chứ không
ngồi yên như các ông nghị thuộc địa khác. Ông ít biết việc bên ta, nhưng có ý
muốn hỏi han dò xét, nói rằng tuy là nghị viên Sénégal nhưng phàm việc các
thuộc địa khác có việc gì nên vận động ở nghị viện ông cũng sẵn lòng. Xem chừng
ra tay hoạt bát, "láu lỉnh" lắm. Người da đen đất Sénégal mà Âu hoá được như ông, tấn
tới được đến thế, tưởng cũng ít có vậy. Người một giống mà hoá hẳn được theo
một giống khác, thời tính tình tư cách thế nào, đó cũng là một vấn đề nên
nghiên cứu, giá được quen biết ông này lâu thì có lẽ cũng xét được kỹ càng.
Nhưng mới nhất kiến thế này, không thể nào biết được nhân cách người ta thế
nào. Xét bề ngoài và cách giao thiệp thì uyển nhiên là một ông Tây đặc..., chỉ
khác có sắc da và dáng mặt mà thôi. Nghe nói phu nhân là người Pháp mà có nhan
sắc lắm: ái tình thật không phân biệt gì giống loài.
Buổi chiều đến thăm ông D. ở Institut
Colonial français, ông nói chuyện ý muốn cổ động lập một chi Hội ấy ở
bên ta.
Thứ năm, 29.
Ngày hôm nay thật là đi chơi "lu bù" (nói giọng các công tử
bột bên ta), chạy ô tô từ 10 giờ sáng cho đến 12 giờ đêm, xem cũng được nhiều
nơi mà lại được một sự gặp gỡ bất kỳ.
Buổi sáng đi xem nghĩa địa Père
Lachaise. Nói đến nghĩa địa đừng tưởng là một nơi tha ma mộ địa bỏ hoang
nào đâu; đây chính là một cái thành của người chết, mà ở trong đường đi lối lại
khang trang, thạch thất lâu đài nhan nhản, danh hoa dị thảo cũng nhiều. Cái
thành của người chết mà cũng là chỗ đi chơi cho người sống, vì cảnh tượng đây
không có cái gì là vẻ đìu hiu buồn bã cả. Người ta nói mỗi năm, vào ngày lễ Toussaint
và lễ mồ (mồng 1, mồng 2 tháng 11), có tới 10 vạn người đến thăm mồ và vãng
cảnh ở đây, thật là:
Dập
dìu tài tử giai nhân,
Ngựa
xe như nước áo quần như nêm.
Nơi này là nơi nghĩa địa lớn nhất, đẹp nhất thành Paris, và có lẽ cả Âu
châu nữa; một là phần nhiều những bậc danh nhân nước Pháp đời xưa đời nay an
táng tại đây, hai là những nhà nào giàu có sang trọng mới vào chôn đây được,
cho nên ngôi mộ nào cũng có kiểu riêng, mà kiểu nào cũng có đặc sắc cả.
Tự cửa đi vào có một con đường rộng như đường thông cù, chạy thẳng băng
vào một cái thạch đài, tức là đài kỷ niệm (Monument du Souvenir). Đài
này là một cái tường đá lớn chạm các hình người tả ra những cái trạng thái sầu
thảm của sự chết. Phàm nỗi sinh tử biệt ly làm cho người ta đau đớn, diễn ra
nét mặt dáng người thế nào, đều như in vào tấm đá, hiện ra trước mặt, khiến cho
khách tang hải bước chân vào đến đây cũng phải tâm niệm trong mấy phút mà tỉnh
ngộ giấc mộng trần hoàn. Đài kỷ niệm là công trình của nhà điêu khắc Bartholomé.
Ở trong thời chia ra từng khu, cả thảy có 97 khu, rộng tới 44 mẫu Tây
(chừng 130 mẫu ta). Khu nào cũng có những mộ đẹp, hoặc đẹp vì cách kiến trúc,
hoặc đẹp vì chất đá đủ các sắc, hoặc đẹp vì những hình tượng chạm khắc vào đấy,
nhiều cái mộ thật là những đại công trình về mỹ thuật, không thể nào xem cho
khắp hết được.
Còn những danh nhân chôn ở đây cũng không biết bao nhiêu mà kể. Như ở
khu thứ 4, có mả của họ Rochefoucauld; mả của nhà lý học Arago; nhà bác học
Barthélemy Saint Hilaire; nhà triết học Cousin; nhà chính trị Ledru Rollin;
quan giám quốc Félix Faure; thi nhân Alfred de Musset, có cái tượng bán thân
bằng cẩm thạch, lại có cây liễu rủ che, coi rất có vẻ thơ; văn sĩ Arsène
Houssage; - khu thứ 7, có mả của tay đại danh kỹ Rachel, đã từng "nổi danh
tài sắc một thì", vào khoảng tiền bán thế kỷ 19; mả Héloise và Abélard, là
một đôi tình nhân có tiếng về đời Trung cổ, đã diễn ra một đoạn tình sử rất ly
kỳ, trên mả xây như hình một cái long đình, có tượng hai người nằm song song; -
khu thứ 8 có mả của thi nhân Chénier; - khu thứ 9, mả nhà triết học Royer Collard;
- khu thứ 11, mả văn sĩ Bernardin De Saint Pierre; - khu thứ 12, mả tay kép có
tiếng Talma; - khu thứ 17, mả nhà đại triết học Auguste Comte; - khu thứ 25, mả
hai thi hào La Fontaine và Molière, là hai người chôn ở nghĩa địa này trước
nhất; - khu thứ 26, mả văn sĩ Alfonse Daudet; - khu thứ 44, có cái mả nhà thần
linh học Allan Kardec, làm bằng mấy tấm đá nguyên chồng lên như kiểu những cổ
mộ đất Bretagne, trông cũng kỳ; ông này sinh thời nổi tiếng về khoa thần
linh học, nay còn có người mê tín đến lễ bái, nghe đâu có linh ứng nên thấy
những đồ lễ tạ bày la liệt cả; - khu thứ 48, mả văn hào Balzac; - khu thứ 52,
mả nhà đại sử học Michelet và văn sĩ Buloz sáng lập ra tạp chí Revue des
Deux Mondes; - khu thứ 64, có đài kỷ niệm những quốc sĩ tử trận năm 1870-1871;
- khu thứ 87, có xây một cái lò thiêu xương để dùng những khi hoả táng, và một
cái đài có chia ra từng ô để đựng tro những người hoả táng (tên Tây gọi cái đài
ấy là Colombarium).
Xem nghĩa địa xong, chạy xe về Vincennes
ăn cơm trưa ở một nhà hàng trông ra thành Vincennes. Ăn đã muộn, anh em định ngồi nghỉ đây một chút rồi
lại đi chơi.
Hai giờ đi xem Vườn Bách thú (Jardin des Plantes). Bác vật viện
(Muséum d'Histoire naturelle) tức là ở đây. Dạo qua trong vườn xem các
khu nuôi những giống chim muông thú dữ, rồi vào xem trong các sảnh, như sảnh
Động vật học, sảnh Khoáng vật học và Địa chất học, sảnh Thực vật học chia ra
hai trường lớn lắm. Ngay cửa vào có một cái nhà cổ mới chữa lại, gọi là
"nhà ông Buffon" (maison de Buffon), ông là một nhà bác vật kiêm
văn học có tiếng, khi xưa ở đây từ năm 1773 đến năm 1788, nay cái nhà ông ở vẫn
giữ để làm kỷ niệm. Ở trong vườn, về phía tả, là nơi đại diễn đàn, để những khi
diễn thuyết hay là hội họp đông. Bên cạnh sảnh Địa chất học, có một cái đại thư
viện đựng 25 vạn quyển in, 2 nghìn quyển sách viết và vô số những địa đồ. Nghe
nói có một bộ sách bác vật của Tàu viết bằng tay, có tranh vẽ, tám quyển, quý
lắm, nhưng không được xem. - Sau cùng vào xem trong Bác vật viện, ngay cửa vào
thấy một cái tượng bằng đá trắng hình một con đười ươi đánh nhau với một người
Ấn Độ, nét chạm coi đã hùng lắm. Trong viện vô số những bộ xương các giống cổ
động vật, có bộ xương con voi thượng cổ dài 25 thước; còn những xương và sọ các
giống người đời xưa đời nay không biết bao nhiêu mà kể, người An Nam mình cũng
có. Lại có những tranh vẽ về phong tục các giống người; có một bộ vẽ các hạng
người An Nam vào khoảng năm 1860, coi y phục của các cụ đời bấy giờ cũng hơi
khác bây giờ. – Còn trong vườn, trong sảnh, trong viện, đâu đâu cũng bày la
liệt những tượng đá tượng đồng, hoặc để hình dung các vật trạng, hoặc để kỷ
niệm các danh nhân. Cây kỳ, cỏ lạ, hoa đẹp, sắc tươi, rải rác khắp mọi nơi;
không những là một chốn khảo cứu cho nhà bác học, lại là một cảnh ngoạn mục cho
khách lịch du.
Năm giờ chiều mới ở vườn Bách thú ra, trước khi lên xe mua một mớ cartes
postales các giống thú lạ để gửi về cho các trẻ nhỏ ở nhà. Nào là sư tử,
nào là hổ báo, nào là hươu nai, nào là vượn khỉ, mỗi cô mỗi cậu được mấy con
giống, xem mà tranh nhau ỏm tỏi! Còn cái con nai cao cổ kia, chắc anh chị nào
cũng thích, ta phải mua đến nửa tá mới đủ...
Trời còn sớm, định đánh xe vào "rừng" chơi. Dạo được vài
vòng, xe đi từ từ, ai ngờ tình cờ gặp gỡ, thấy hai mĩ nhân thấp thoáng dưới
bóng cây. Anh em bàn nhau: "Theo phép lịch sự của Thái Tây, thấy mỹ nhân
đi đất, mình phải đón lên xe đưa đến đầu rừng mới phải, anh nào dám xuống mời
hai cô lên?". Anh nọ giục anh kia, rồi đỗ xe ở một góc rừng, giả đò xuống
ngồi ghế để nghỉ chân. Chợt mỹ nhân đi đến nơi, con mắt tủm tỉm cười, anh em
đứng lên chào: "Hai tiểu thư xem chừng đi đã nhọc, chúng tôi đã sẵn xe, về
đâu chúng tôi xin đưa". Hai cô cám ơn, rồi nhận ngay, chỉ nhà cho đưa về,
nhưng chúng mình giả đò không biết đường, cứ chạy xe quanh co trong rừng, mãi
tối mới đưa đến nơi. Hai cô xem chừng cũng không phiền hà gì mà trò chuyện rất
vui vẻ.
Cơm tối rồi, lại chạy xe dong trong thành phố đến 12 giờ đêm mới về
trọ. Cái cảnh tượng Paris ban đêm, chúng mình thật đã như in trong rèm mắt. Hôm
nay chạy xe suốt ngày, dùng cũng hại dầu, nhưng chơi cũng thỏa chí.
Thứ sáu, 30.
Người An Nam ta, hoặc sang du học, hoặc sang làm việc ở Paris được một
năm nay đã thành lập một hội ái hữu, đặt là Association Mutuelle des
Indochinois, hiện ông kỹ sư Cao Văn Sến (người Lục tỉnh, lấy vợ đầm) làm
hội trưởng. Hội này được Bộ Thuộc địa và Kinh tế cục Đông Pháp (tức là Phủ Toàn
quyền bên ta) tán trợ. Gần đây mới thuê được cái nhà ở đường Du Sommerard để làm hội sở, sắp khánh
thành nay mai. Nhân có Hoàng thượng sang, quan Thuộc địa Sarraut muốn tổ chức
một cuộc ca nhạc để quyên tiền và cổ động cho Hội. Cuộc ca nhạc ấy nhờ được một
bà tài tử – Mme
Marthe Rennesson – đứng chủ trương, định vào chiều hôm nay từ 2 giờ đến 6 giờ,
tại rạp hát Edouard VII. Anh em
phái viên đều có giấy mời cả, nhưng ai cũng mua vé để giúp vào Hội. Đúng giờ,
Hoàng thượng và quan Thượng thư đến để chủ toạ. Trong chương trình có đủ lối ca
xướng, như hát, ngâm, đọc văn, diễn kịch, khiêu vũ, v.v..., và đào kép toàn là
những tay có tiếng ở các rạp hát lớn Paris đến giúp, như Comédie français, Opéra Comique, Opéra,
Odéon, Trianon Lyrique, mỗi người chỉ mươi mười lăm phút thay đổi nhau
luôn, thật là vui tai sướng mắt, không mấy khi có dịp cùng một lúc mà được nghe
nhiều những tay danh ca diệu kỹ như thế. Nhất là nghe ngâm thơ và đọc văn thì
hay tuyệt. Mình học chữ Tây trong bao lâu thật chưa từng được nghe có người đọc
câu thơ câu văn Tây thanh tao minh bạch, như rót vào tai như thế. Một bài văn
hay mà không có người đọc hay thì tựa hồ như nó kém hay đi; được người đọc hay
thì cái hay như tăng lên bội phần vậy. Như nghe cô Madeleine Roch, rạp Comédie Français, đọc thơ Victor
Hugo; cô Nizan cũng rạp Comédie
Français ngâm bài La vieille maison (Cái nhà cổ) của André
Rivoire; cô Paule Andrai rạp Odéon
ngâm bài La tristesse des Bêtes (Cái buồn của giống vật) của Jean
Richepon và bài L'Innocence (Tấm lòng băng tuyết) của bà bá tước De
Noailles, thật sướng quá, bấy giờ mới biết thưởng hết cái thú văn chương. Không
những có giọng mà lại có bộ, không những có bộ mà lại có tình, có tứ nữa, chỗ
nào vui ra vui, chỗ nào buồn ra buồn, có ngậm ngùi than thở, có chỗ dí dỏm tươi
cười, tựa hồ như đọc đến câu nào thì để cả tâm hồn tình tính vào câu ấy, có vẻ
linh hoạt dễ cảm người. Tưởng người không hiểu văn Tây, cứ nghe giọng xem bộ
cũng lĩnh lược được cái tình ý nghĩa lý trong bài văn vậy. Ả đào ta ví biết
được cách ngâm thơ đọc văn như thế thì nghề xướng ca tưởng cũng không phải
không có giá trị. Tiếc thay toàn là những kẻ vô học, lại tuyệt nhiên không có
cái cảm tưởng gì cao thượng về nghề mình cả, khi cất tiếng lên hát thì hát một
đàng người một nẻo, tựa hồ không quan hệ gì với nhau, và chẳng khác cái ống lưu
thanh vặn máy. Văn chương mình không phải không có bài hay và nghề hát mình
không phải tất nhiên là đê tiện; làm cho đê tiện đi là ở tự người theo nghề
không biết tự tôn và tự trọng. Cô đào nào đọc được bài Tì bà cho réo rắt, tả được hết cái tâm sự của khách Tầm Dương,
trong khi đọc như tưởng mình là người thương phụ đem nỗi lòng mà tỏ cáo với kẻ
tri âm, hay là ngâm được bài Thu hứng cho ra cái cảnh hiu hắt lạnh lùng,
đem cái giọng tiêu tao, cái bộ não nuột mà tăng giá cho cái văn chương bi thu
tiêu sái của cổ nhân, há chẳng phải là một bậc tài tình mà tài đáng trọng, mà
tình đáng thương dư? Ngạn ngữ Tây có câu: "Không có nghề dở, chỉ có người
hư mà thôi", thật thế. Nhưng người hư đây tưởng không một là con nhà nghề,
mà có lẽ cả khách làng chơi vậy...
XXII
Thứ bảy, mồng 1
tháng 7.
Hôm nay đi chơi Saint Cloud,
cách Paris chừng 15 cây-lô-mét. Tỉnh này nhỏ, nhưng địa thế đẹp, nhà cửa xây
thành từng lớp ở sườn các cao nguyên, bên tả ngạn sông Seine, cảnh rừng, núi, sông, rất ngoạn mục. Ở Saint Cloud trước có một cái cung vua
chúa ở, nhưng hồi trận năm 1870 cung bị cháy. Ngày nay chỉ còn có cái vườn ngự
uyển là chỗ khách du lịch thường đến xem. Vườn ngự uyển rộng ngót 400 mẫu Tây,
cây cối rậm rạp như cái rừng ở trên cao nguyên. Trong vườn có những đình, những
tạ, những bể cạn, những rồng phun nước. Có một cái cầu cao như hình cái tháp,
gọi là "Lalanterne de Diogène", xây ở đỉnh núi, đi lên do một
con đường dốc xây lan can, quanh co khuất khúc, đến mỗi chỗ góc lại nhìn ra một
cảnh khác, lên đến nơi thì thu được cả toàn cảnh thành Paris, chỉ thấy những
cây xanh rì như rừng rậm, lác đác có một vài cái mái nhà cao.
Các vùng chung quanh thành Paris này thật là sơn thanh thủy tú, cũng
núi non, cũng rừng nước, nhưng mà nhỏ nhỏ xinh xinh, tươi tươi đẹp đẹp, như một
cái vòng hoa bao bọc chốn kinh đô vậy. Người Pháp không tin phong thủy; giá cho
thầy địa lý ta xem cái thế đất này, thời chắc ai cũng phải cho là kiểu đất đẹp,
gồm được cả cái tú khí của giang sơn, thu được cả cái vượng mạch của địa đạo,
thật đáng làm chốn trung tâm của văn hoá một phương cầu.
Thứ ba, mồng 4.
Tối mai đây đã phải diễn thuyết ở Hội Đông Pháp ái hữu. Mấy hôm nay nằm
hầm ở nhà để soạn bài, không đi chơi đâu cả.
Thứ tư, mồng 5.
Ông A.V. biên tập ở tạp chí Le Monde nouveau, có chân Hội Đông
phương nghe thấy mình sắp diễn thuyết, có viết thư lại trọ muốn mời đến nhà
chơi. Ông ở đường Saint Germain.
Hẹn 11 giờ, nhưng đến nhà thì ông ở tòa soạn chưa về, có cụ thân sinh ra tiếp.
Cụ trông đạo mạo lắm, ra dáng một bậc túc nho, tuổi đã cao. Nhà này xem chừng
một nhà nền nếp, coi cái phong thể trong nhà thì đủ biết. Nói chuyện với cụ
chừng nửa giờ thì ông con về. Ông nói ông có quen biết người Đông phương nhiều,
như người Ấn Độ, người Nhật, người Tàu, nhưng chưa từng được biết người An Nam,
nay nghe tin mình sang diễn thuyết bên này muốn làm quen để trước là hỏi về bài
diễn thuyết hôm nay để nói trong tạp chí của ông, sau là hỏi về chuyện nước
Nam. Nói chuyện đến trưa mới về. Tuy mới quen biết nhau lần đầu mà đã ý hợp tâm
đầu có tình thân mật vậy.
8 giờ diễn thuyết ở Kinh tế cục cho các hội viên hội Đông phương ái hữu
nghe. Nói về "Thi ca Việt Nam" (La Poésie annamite). Trước khi
diễn ông Maitre (nguyên đốc trường Bác cổ Hà Nội trước) nói mấy lời giới thiệu
cho người nghe. Diễn thuyết chừng một giờ đồng hồ. Được lắm. Nói xong nhiều
người đưa thiếp danh đến bắt tay mừng. Có một vị phu nhân coi người lịch sự
lắm, mời đến mai lại nhà uống nước chè.
Thứ năm, mồng 6.
4 giờ chiều đến chơi nhà bà F. ở Boulevard
Maillot, trông ra rừng Boulogne.
Bà này quen mình chiều hôm qua, ở cuộc diễn thuyết. Người có chân hội Đông
phương ái hữu. Nhà lịch sự lắm. Trong sa-lông bày những thảm cùng đệm, có vẻ
đầm ấm. Vào đến nơi thì đã thấy đông người, vì ngày hôm nay là ngày bà tiếp
khách, có năm sáu vị phu nhân, ba bốn ông quý khách, chừng là những tay văn
nhân tài tử cả. Trong bọn có một người Ba Tư, nghe đâu làm quan ở tòa sứ Ba Tư,
nói tiếng Pháp thạo lắm, và cách giao tế rất thiệp. Bà chủ người tuyệt nhã;
tuổi còn thanh xuân, hình dung yểu điệu, dáng dấp dịu dàng, mà câu chuyện phong
phú biết bao nhiêu! Thật là một bà chủ sa-lông theo như lịch sử phong nhã của
nước Pháp. Bao giờ cho xã hội An Nam ta cũng có những bậc đàn bà nhã thú như
thế?
Bà mời ngồi chơi, rồi hỏi chuyện về bên ta, nói về đạo Khổng, đạo Phật,
về văn hoá Đông phương, Tây phương. Trong bài diễn thuyết hôm qua bà lấy làm
thích nhất là chỗ nói về cái tục nam nữ giao ca ở nước ta, bà muốn biết rõ cái
cách hát thi ở nhà quê ta thế nào; mình cắt nghĩa cho nghe về cách hát trống
quân, hát quan họ, những buổi ngày xuân nhàn hạ, hay những đêm trăng sáng mát
mẻ, con trai con gái các làng thường họp nhau trước cửa đình để thi nhau mà
ngâm vịnh, dùng những lời thật thà mà tả tấm lòng tưởng vọng, các quan viên
làng ngồi nghe, người nào đối đáp khéo, giọng điệu hay mà có ý tứ thời được
thưởng; bà cho cái tục đó là tuyệt thú mà nức nỏm khen. Các khách cũng xúm lại
nghe chuyện, tựa hồ như cho nước ta là một chốn Bồng lai tiên cảnh, mà dân ta
như một bọn mục tử đất Arcadie
vậy. Có bà có cái tư tưởng lãng mạn đến ngờ rằng dưới bán đảo Ấn Độ Chi Na ta
có lẽ có một cõi đất ngầm, trước kia đã có hồi văn minh rực rỡ như đất Atlantide ở sa mạc Phi châu, mà sau
bị sóng Thái Bình Dương tràn ngập. Lại có bà mơ tưởng rằng các rừng hoang cùng
tịch ở nước ta đầy những lâu đài cung điện như Angkor hết cả. Cho hay cái tên Đông phương đối với những nhà
lãng mạn Tây phương vẫn còn có một cái thanh hưởng réo rắt ly kỳ. Nhưng những
nhà lãng mạn này không phải số nhiều, còn đối với những tay doanh lợi thì Đông
phương chẳng qua là một thị trường để tiêu thụ đồ hàng của Tây phương mà thôi,
cái tư tưởng này thật khác cái tư tưởng lãng mạn nhiều... - Phu nhân mời khách
ăn kẹo để trong một cái tráp tròn đỏ của ta. Phu nhân nói có người bà con ở bên
An Nam về biếu cái tráp này, nhưng không biết vốn dùng để làm gì. Mình cắt
nghĩa cho nghe là tráp để đựng trầu và cái tục ăn trầu ở nước ta thế nào,
"miếng trầu là đầu câu chuyện", là môi giới cho sự vãng lai trong xã
hội, sự ái tình của người ta, cử tọa lấy làm thích lắm, cũng cho là một cái tục
rất nhã, nói rằng người Âu châu gần đây, - nhất là người nước Anh, - muốn bắt
chước Đông phương, khi tiếp chuyện nhau cũng nhai một thứ quế cho thơm miệng,
nhưng tưởng cái tục ăn trầu của An Nam còn thú hơn nhiều, vì cách têm trầu, xếp
trầu, mời trầu, thật là một cái lễ trang trọng trong cuộc giao tế, chứ không
phải là chỉ nhai cho bận mồm thơm miệng mà thôi. Thế mới biết những tục rất tầm
thường của mình, có khi cho là những sự phiền, không nghĩa lý, đối với con mắt
lạ, cái cảm tình của người nước khác, lại thành ra có ý nghĩa, có phong thú vô
cùng. Cho nên thuộc về phong tục tập quán của nước nhà, ta cũng chớ nên nhẹ dạ
vội đem lòng rẻ rúng.
Khi sắp đứng ra về, mới nhận thấy trên bàn có cái lọ cắm mấy cái hoa
giống như thứ hoa sen nhỏ, mà không phải là hoa sen; phu nhân nhìn thấy tủm tỉm
cười mà rằng: "Hôm qua nghe ông diễn thuyết thấy nói hoa sen là biểu hiệu
người quân tử, nay ông đến chơi, tôi cũng muốn kiếm mấy cái hoa sen để cắm
mừng, nhưng tiếc đây không có, chỉ có thứ dã hoa này trông cũng phảng phất,
nhưng không có hương có sắc như sen bên quý quốc". Nghe phu nhân nói mới
biết cái thịnh tình nhã ý của phu nhân, trong lòng lấy làm cảm phục vô cùng,
lúc tiễn về phu nhân còn ân cần nói rằng: "Tôi ước ao khi về bên An Nam
ông còn giữ được cái kỷ niệm êm ái về nước Pháp chúng tôi". Nghĩ bụng rằng
nếu nước Pháp được những người nhã nhặn như phu nhân cả, và nếu người Pháp ở
bên ta cũng được như phu nhân hết, thì ta không thể không đem lòng yêu mến vậy.
Thứ sáu, mồng 7.
Hôm qua ở nhà bà F., có gặp bà nam tước d'E. mời hôm nay đến nói chuyện
ở Hội "La Bienvenue française" đường Faubourg Saint Honoré. Hội này là do các bậc quý phái và các nhà
danh giá nước Pháp lập lên để đón tiếp và chỉ dẫn cho các khách ngoại quốc sang
chơi bên Pháp, quan Thống chế Foch làm hội trưởng, bà bá tước Boas De Jouvenel
làm tổng thư ký. Hội sở chính là nhà "Đồng minh câu lạc bộ" (Cercle
interallié) lập từ hồi chiến tranh để tiếp các bạn đồng minh nước Pháp. Nhà
lịch sự lắm, trong chia ra vô số những sa-lông rộng rãi và trang hoàng thật
đẹp. Sau lại có một cái vườn rộng, cây cối um tùm, có vẻ u nhã. Bà nam tước đón
vào sa-lông ngồi nói chuyện một lát, rồi mời ra vườn uống nước chè. Trong vườn
bày la liệt những bàn cùng ghế, bàn nào cũng đông người ngồi, phần nhiều là
khách ngoại quốc. Nam tước giới thiệu mình cho bà bá tước tổng thư ký, bà này
coi người vừa có nhan sắc vừa có vẻ lanh lợi thông minh. Hai bà cắt nghĩa cho
nghe về mục đích của Hội là trước nhất cổ động cho người các nước có lòng yêu
mến nước Pháp mà sang chơi bên Pháp, sau là khách sang đến Pháp thời Hội chỉ
dẫn cho những chỗ nên đi xem, giới thiệu cho những người nên quen biết. Hiện ở
hội sở có đặt một sảnh thư ký để sưu tập những điều có ích lợi về các loại,
phòng cống hiến cho các khách muốn hỏi han việc gì, xếp thành mục để tiện tra
cứu, khác nào như một bộ từ điển vậy. Thí dụ như có người khách đến Paris muốn
nghiên cứu về họa học ở nước Pháp, sẽ mở mục "họa học" trong tập ra,
đấy có biên rõ ra từng mảnh giấy những tên sở các bảo tàng có tranh đẹp, ngày
nào giờ nào xem được, những nhà riêng có tranh đẹp, những tay danh họa sẵn lòng
tiếp khách đến xem nhà hay sẵn lòng chỉ dẫn cho hoặc giúp cho trong sự nghiên
cứu, vân vân... - Về các loại khác cũng thế, mỗi loại có một tay chuyên môn hay
một bậc danh giá đứng chủ trương, như mục "Họa học" thì ông Besnard
có chân Hội "Mỹ thuật bác sĩ"; mục "Báo quán" thì ông bá
tước De Nalèche, chủ báo Les Débats; mục "Các thư viện và các hội
học" thì ông Pereire, tổng thư ký Hội các quan viên tòng sự các thư viện
nước Pháp; mục "Nông nghiệp" thì ông Ricard, nguyên Nông bộ tổng
trưởng; mục "Thuộc địa" thì ông Gourdon, nguyên Học chính Giám đốc ở
bên ta, v.v… Các mục xếp theo thứ tự A B, mỗi khoản biên ra một cái
"phích" (fiche) riêng, "phích" đặt vào tủ có ngăn có
ô, như mục lục tên sách trong các thư viện, tra tìm dễ lắm. Ai muốn nghiên cứu
về việc gì, vào tra trong mục lục sẽ biết hết những nơi có thể đến xem xét,
những người có thể hỏi han, bấy giờ muốn đi xem đâu hay muốn đến thăm ai Hội sẽ
cho giấy giới thiệu. Không những giới thiệu cho những khách nghiên cứu, mà lại
giới thiệu cho những khách du lịch các nơi nữa. Hội có đặt các chi ở các tỉnh,
khách định đi xem tỉnh nào thì Hội viết thư cho đại biểu ở chi tỉnh ấy để chỉ
dẫn cho. Những người đại biểu của Hội thường thường lại là những nhà quý phái,
những bậc sang trọng ở địa phương, nếu gặp khách sang thời có khi đặt tiệc và
đón tiếp ở nhà. Hội mới lập vào khoảng giữa năm 1921, đến cuối năm tiếp được
mười bọn khách các nước sang chơi Pháp: như tiếp học sinh trường Đại học Harvard nước Mỹ, tiếp các học sinh về
môn kiến trúc học nước Mỹ, tiếp các ông giáo Pháp văn ở Mỹ, tiếp các giáo viên Canada và Néo Zélande, tiếp các giáo viên Roumanie, tiếp các giáo viên và học sinh Pologne, tiếp các thân hào Ecosse, tiếp các học sinh nước Afghanistan, các học sinh thành Damas, v.v…
Nói tóm lại thì Hội này tổ chức đã khéo mà mục đích rất cao, muốn liên
lạc cái cảm tình người các nước đối với nước Pháp. Khách du lịch đến đây được
giao tiếp với những người trong Hội này tức là được biết bậc thượng lưu xã hội
nước Pháp vậy. Tiếc thay mình không chủ ý ở lâu, nên không mong đi lại với các
ông các bà đây nhiều. Khi ra về, bà nam tước có ân cần dặn rằng còn ở Paris thời
hoặc có cần đến việc gì cứ đến đây, Hội sẽ sẵn lòng giúp.
Thứ bảy, mồng 8.
Sớm đến Kinh tế cục, tiếp chuyện quan Cai trị C.
Chiều đến nhà Bảo tàng Guimet
thăm ông B. và cô K. là thư ký Hội Đông phương ái hữu. Hai người hôm mình diễn
thuyết cho Hội mắc bận không thể lại được, đều lấy làm phàn nàn. Chuyện xong,
nhân tiện đi xem nhà bảo tàng một lần nữa. Ở giữa nhà, có một cái thư viện rất
nhiều sách về Đông phương.
Ở nhà bảo tàng ra, đi luôn đến sở xuất bản Ernest Leroux ở đường Bonaparte,
để thăm ông G., chủ bút tạp chí "Đông phương và Tây phương" (Orient
et Occident). Nhân ông có viết thư xin bài diễn thuyết về Thi ca Nam Việt
để đăng vào tạp chí, nên đến chơi để nói chuyện với ông. – Năm xưa làm việc ở
trường Bác cổ vẫn đã biết tiếng hiệu Ernest
Leroux là nhà xuất bản các sách về Đông phương nhiều lắm, vẫn tưởng là
một cửa hàng to, nay đến thì thấy một cái nhà cũ ở một đường phố nhỏ, ngoài cửa
không có đề gì cả, đến nơi rồi còn ngợ chửa dám vào, sau nhận đích số nhà mới
bước vào thì phải trèo lên một tầng gác mới thấy ngoài cửa có cái biển đồng con
đề tên Ernest Leroux. Gõ cửa
vào thì thấy ở trong có dăm người làm đương soạn sách, buồng giấy ông chủ bút
tạp chí "Đông phương" thì lại ở vào bên trong nữa. Còn nhớ bữa trước
đi tìm hiệu Hachette và hiệu Armand Colin cũng thế; ai không biết
tiếng hai hiệu sách đó, mình vẫn tưởng rằng cửa hàng to lớn, đi ngoài đường tất
trông thấy tên hiệu rực rỡ, còn phải dò số nhà làm chi nữa, nên không nhớ số,
thành ra đi suốt từ đầu phố đến cuối phố không tìm thấy, sau phải về tra số nhà
mới tìm được, thì ra bề ngoài cũng giống các nhà ở khác, không có bày sách vở,
không có treo biển hiệu gì cả. Bấy giờ mới biết cửa hàng sách và sở xuất bản
khác nhau, hàng sách thì mới bày sách bán, còn sở xuất bản thời chỉ nhận in
sách, rồi bán buôn cho các cửa hàng, nên không cần phải bày biện gì. Những sở
xuất bản sách phổ thông và sách giáo khoa như nhà Hachette và nhà Armand
Colin còn khó tìm như thế, huống một sở xuất bản sách chuyên môn về Đông
phương như nhà Ernest Leroux
này, khách mua hàng chỉ có một số ít người, không cần phải mở cửa hàng ra phố.
Tiếp chuyện ông G. xong, nhân tiện ra mua ít sách khảo cứu về Tàu.
Tối ăn cơm ở nhà ông bà V. Từ bữa nhân đến chơi với ông con là André
được biết hai cụ, thì hai cụ cũng có lòng yêu mến, cố hẹn làm thế nào tối hôm
nay cũng đến ăn cơm để nói chuyện. Hai cụ lại hẹn đến trước giờ ăn cơm để nói
chuyện được lâu. Cơm nước xong mãi đến 11 giờ khuya mới về trọ. Nhà này thật là
một nhà nền nếp, mà hai cụ thật là người phúc đức quá. Cụ ông rõ là một bậc túc
nho, thủa trẻ đã từng làm báo, thường viết trong báo Les Débats, lại có
xuất bản sách về Tây Ban Nha, nghe muốn ứng cử vào Hội hàn lâm (ban Luân lý
Chính trị học); cụ bà thời người hiền hậu và học thức cũng rộng, lại có ý muốn
kê cứu về nghĩa lý Đông phương. Hai cụ sinh được hai người con: người con trai
là ông André, hiện làm tổng thư ký bộ biên tập một tạp chí lớn, với một cô con
gái chừng ngoài hai mươi tuổi. Hai cụ nói khi ông con trai còn nhỏ chính hai cụ
dạy học lấy ở nhà, không cho học trường công, sợ nhiễm lấy những thói xấu, xem
thế thì biết hai cụ chăm chút về sự giáo dục biết dường nào. Hai cụ hỏi han về
phong tục, luân lý, cách ăn ở trong gia đình xã hội nước Nam thế nào. Mình cũng
nói rõ về cái chế độ cũ nước nhà có vẻ thuần túy, có tình liên lạc, có nền nếp,
có phong thể, mà bây giờ có ý kém sút hơn xưa. Cụ lấy làm phải và đối với cái
tình trạng xã hội nước Pháp ngày nay cũng có cái cảm như thế. Cụ khuyên cứ nên
giữ lấy những nền nếp cũ, không nên theo thói thường hay ham mới chán cũ, vì
một xã hội không thể một buổi gây dựng nên được, và cái mới chưa chắc đã hơn gì
cái cũ. Câu chuyện càng lâu càng có ý vị thâm trầm thân mật. Sau dần dà cụ hỏi
đến lịch sử riêng của mình. Mình cũng lấy lòng thành thực đáp lại, kể những
nông nỗi linh đinh cô khổ lúc thiếu thời, nhờ bà già nuôi cho đi học, may mà
giữ được nghiệp nhà, thật cũng là tổ tiên có phúc; từ khi khôn lớn biết nghĩ
đến giờ, chỉ nuôi một cái chí ở trong lòng, là đối với nhà làm thế nào nối được
nghiệp của ông cha, đắp được cái nền "sĩ phong" cho xứng đáng để
chống đối với những phong trào mới đời nay, đối với nước làm thế nào giúp cho
quốc hồn được tỉnh táo để mong cho quốc vận được sáng sủa; cũng biết rằng tài
có khi không kịp chí, nhưng khu khu một tấm lòng thành, chỉ sở nguyện có thế mà
thôi, còn sự phong lưu phú quý là cái thêm ra ngoài, có thì cũng hay mà không
thì cũng chịu, không dám đem cái chí nguyện mà hi sinh cho sự giàu sang. Cụ
thấy lời nói thành thực thiết tha, cũng lấy làm cảm động, lại quá yêu khen rằng
người ít tuổi mà biết nghĩ xa. Cụ nói: "Cái chí của ông, thật đáng khen mà
đáng phục. Thờ nhà, thờ nước, đó là hai cái nghĩa vụ cốt yếu ở đời, mà cả cái
nghĩa đời người rút lại dễ cũng chỉ có thế mà thôi. Tôi chúc cho cái gia đình
quý báu của ông được hưởng mọi sự phúc lành, cho bõ sự tân cần lúc thủa nhỏ.
Tôi chắc rằng vong linh hai cụ thân sinh ra ông ở dưới suối vàng cũng mừng rằng
để được trên đời một người con lành có thể nối nghiệp tổ tiên. Tôi lại rất
thành tâm mà chúc cho nước Nam được hưởng một cái vận mệnh rỡ ràng tốt đẹp hơn
bây giờ, cho thỏa lòng những bậc chí sĩ như các ông, và cho xứng đáng cái lịch
sử vẻ vang của quý quốc đã mấy nghìn năm". Những lời vàng ngọc đó làm cho
mình thổn thức trong lòng, bồi hồi trong dạ, nửa tủi nửa mừng, cảm cái bụng
trượng phu đã quá yêu mà kỳ vọng cho như thế, lại thương cái tài hèn, chẳng
biết có làm nên chuyện gì không. - Cụ bà thời ân cần hỏi đến lũ trẻ ở nhà, nói
rằng: "Thôi, tôi đàn bà, chỉ khuyên ông chăm nuôi dạy lấy bọn nhỏ đó cho
thành người, ấy là cái nghĩa vụ thứ nhất. Nhiều con cũng là cái phúc, nhưng
thực là gánh nặng. Tôi đã từng nuôi con tôi biết. Các ông đàn ông lo việc quốc
gia, lo việc xã hội thế nào mặc lòng, nhưng cốt nhất lo cho gia đình được ấm
no, lo cho con cái có giáo dục, thế là có công với nước với đời đó". Lời
nói thật cũng chí tình vậy.
Người ở cực Đông, người ở cực Tây, tình cờ một buổi gặp nhau, mà nói
được những lời chí tình như thế, thật cũng là một sự lạ. Cho hay đạo làm người
đâu cũng là một, mà điều nghĩa lý thật là điều chung. Nếu bỏ được những sự
thiên kiến bề ngoài, mà tới được chỗ nhân tình cốt thiết, thì dù Đông dù Tây,
cũng nhân tâm ấy, há thiên lý nào. Mình may được biết một nhà có đạo đức, có
phong thể như thế này, thật là một sự đáng kỷ niệm trong cuộc Âu du này vậy.
Hai cụ hẹn đến thứ ba này lại đến ăn cơm trưa nữa.
Chủ nhật, mồng 9.
Hôm nay đi chơi Neuilly,
có đường xe điện đến tận nơi. Neuilly
là một nơi phố xá đẹp nhất ở ngoại châu thành Paris, về mặt cửa ô Maillot. Người ở phần nhiều là những
nhà tư bản, nhà văn sĩ, mỹ thuật, nên nhà cửa, đường phố có cái vẻ bình tĩnh êm
đềm, phong lưu mà không náo nhiệt. Ở đây đẹp nhất có cái cầu đá cũ, gọi là
"cầu Neuilly" của ông kiến trúc sư Perronet dựng ra từ năm
1766 đến 1772; cầu bắc qua sông Seine,
có năm cái cuốn, dài cả thảy là 240 thước, coi có vẻ trang nghiêm mà kiên cố.
Nhân ông Madrolle có hẹn đến chơi, nên đi dạo qua các phố rồi tìm lại
nhà ông ở đường Avenue du Roule.
Ông này là một nhà du lịch có tiếng, đã làm những sách "du lịch chỉ
nam" về các nước Đông Á (Tàu, Nhật, Đông Pháp ta). Những Guides
Madrolle đã nổi tiếng, ai cũng biết. Ông lại là một tay bác học nữa, thường
nghiên cứu về dân tộc học, đã có bài khảo về các thổ dân ở đảo Hải Nam. Hiện
ông đương soạn một cái địa đồ về các dân tộc ở Đông Pháp (Carte
ethnographique de l'Indochine), còn dự thảo chưa xong, muốn mời mình đến
chơi để đưa xem. Lại đương sửa soạn in tái bản quyển "chỉ nam" về Bắc
Kỳ của ông, nên muốn hỏi han mấy điều về ngữ ngôn, văn tự, phong tục, xã hội xứ
Bắc ta. Ông ở tầng thứ nhì một cái nhà lớn sang trọng lắm. Ông mời vào trong
thư viện của ông ngồi nói chuyện. Sách rất nhiều, mà nhiều bộ quý lắm, phần
nhiều đóng da bìa cổ, thếp chữ vàng cả. Cái thư viện này cũng là một cái của
to. Ông có cho xem mấy bộ du ký của các nhà du lịch, các tay thám hiểm đời xưa,
những địa đồ, tranh vẽ cổ quý lắm. Ông này cũng là một nhà hiếu cổ, xem cái
cách sưu tập và bảo tồn những cổ thư họa thì đủ biết. Nói chuyện giờ lâu về
sách vở, rồi ông dẫn đi chơi phố, sau mời vào ăn cơm trưa ở cao lâu. Ăn cơm
xong lại mời về nhà chơi, uống nước nói chuyện, cho đến bốn giờ chiều. Phu nhân
mới đi vắng về, cũng ra tiếp chuyện. Người lịch sự và nhã nhặn lắm. Ông M. đã
sang chơi bên ta nhiều lần, nhưng cách mươi năm nay ông chưa trở lại, muốn biết
những sự thay đổi trong bấy lâu thế nào. Mình cũng nói rằng ở các nơi thành thị
thì xem ra có ý khởi sắc hơn xưa, phố xá cũng thấy đã mở mang, buôn bán cũng có
ý phát đạt, những thói xa hoa đã thấy thịnh hành, cứ bề ngoài mà xét thì có
tiến bộ thật, cứ nội dung thì nhân tâm nhân trí hãy còn dở dang lắm, sự giàu có
phần nhiều là cái giàu có xốc nổi chửa lấy gì làm chắc bằng, sự khôn ngoan phần
nhiều là cái khôn ngoan mánh khoé, chưa lấy gì làm lọc lõi; đến như chỗ dân
thôn thì tuy cũng ơn nhờ Bảo hộ được yên ổn hơn xưa, nhưng những lại tệ dân
tình vẫn còn nhiều nỗi khó chịu, mà cái vấn đề giáo dục lại là gian nan lắm,
bất luận Nho học với Tây học hơn kém nhau thế nào, có một điều hiển nhiên là
xưa kia các con em nhà quê còn có giáo dục, đi đến nơi ngõ hẻm hang cùng còn
nghe thấy tiếng bình văn đọc sách, ngày nay tuy trường sơ học cũng thấy lác đác
một vài nơi, mà sự phổ thông giáo dục chốn dân thôn hầu như tuyệt nhiên không
có vậy. Ông cũng hiểu rằng cái tình thế như thế cũng có điều bối rối, nhưng
mong rằng buổi giao thời này rồi sẽ qua được trót lọt vậy.
Thứ hai, 10 tháng
7.
Hôm nay là ngày tiệc tháng Hội Địa dư. Hội có mời đến dự tiệc. Tiệc
đúng 12 giờ trưa; người dự tiệc tới bảy tám mươi người, toàn là hội viên Hội
Địa dư cả. Hội có mời quan Toàn quyền Tây Phi châu Merlin[29]
làm chủ toạ. Nhưng đợi đến quá trưa không thấy lại, sau mới có thư đến kiếu,
nói rằng hiện còn đương dở hội thương với quan Thượng thư ở Bộ Thuộc địa không
thể lại được. Bấy giờ các hội viên mới vào bàn ăn tiệc, ông phó chủ Hội Địa dư
là quan sáu De Trentinian, làm chủ tọa thay quan Toàn quyền Merlin. Lúc ngồi
đâu vào đấy rồi, một ông phần việc trong Hội đứng lên xướng tên cả các người dự
tiệc, đó cũng là một cách giới thiệu lẫn cho nhau biết. Tiệc vui vẻ lắm, mình
ngồi cạnh quan sáu De Trentinian và quan sáu Leturc, hai ông đã từng tòng quân
ở bên ta, còn nhớ nhiều việc về An Nam. Suốt bữa tiệc chỉ nói chuyện về bên ta.
Lệ Hội hễ mỗi khi mời người khách nào dự tiệc, thời người ấy phải đứng lên diễn
thuyết chừng mươi lăm phút, muốn chọn đề gì cũng được. Tiệc gần tan, sắp đến
mình phải nói đây. Mình đã dự bị sẵn, định nói về Hội Khai Trí ở Hà Nội. Khi
dọn đồ tráng miệng thì ông chủ tiệc đứng lên nói mấy lời chúc mừng. Rồi đến ông
Tổng thư ký Hội là ông Henri Lorin, đứng lên giới thiệu mình cho cử tọa. Ông
này vừa là chân nghị viên, lại vừa làm giáo thụ trường Đại học thành Bordeaux, cũng là một tay học thức và
một tay ăn nói, không phải người vừa. Ông tặng cho mình những lời khen quá
đáng, song cũng là một cách lễ phép đó mà thôi. Chỉ trách ông một điều, là ông
lầm đến nỗi giới thiệu mình cho đồng nhân là một "vị quan to xứ Bắc
kỳ!". Chết nỗi! Cái này giá các ngài trong quan trường bên ta biết thì
không khỏi buộc cho cái tội "lạm xưng quan tước", có lẽ cũng nặng
bằng tội "lạm đeo huy chương" vậy. Nhưng nghĩ lại nếu trong luật có
cái tội như thế, thì ở nước mình bây giờ biết bao nhiêu người mắc phải, mà còn
đáng tội hơn mình biết bao nhiêu! Ông nghị đây chẳng qua là xét lầm, trông thấy
mình ăn mặc súng sính, - vì những hôm đi như thế này vẫn giữ quốc phục, không
dám đổi Âu trang, - tặng cho cái tên "quan", cho nó trang trọng, cũng
như cái tên "caid", đối với người Ả Rập hay người Ma Lặc Kha, - nghĩa
là vào hạng tù trưởng dân thuộc địa, - tưởng thế là danh giá cho mình lắm, có
biết đâu!... Vả lại cái tiếng "quan" ông nói đây nó có một cái nghĩa
khác tiếng "quan" như người mình hiểu. Thôi thì ông đã hiểu sai mà
tặng khống cho cái danh hiệu hão huyền đó, cũng tạm nhận vậy, không hại gì; vả
lúc này cũng không phải lúc nên "cải chính". - Đoạn rồi đến lượt mình
đứng lên đọc một bài ngăn ngắn nói về Hội Khai Trí, cử tọa cũng có ý lẳng lặng
nghe xem "cái quan An Nam" nói những chuyện gì, nghe xong chắc mới
hiểu rằng "cái quan" đây chẳng có quyền cao chức trọng chi cả, chỉ là
anh thư ký Hội Khai Trí mà thôi! Nhưng các ông có lẽ cho Hội Khai Trí là có địa
vị, có thế lực to tát lắm đấy. Nhất là đoạn mình nói về Hội Khai Trí diễn kịch
Molière, có câu rằng: "Người đóng vai toàn là những tài tử An Nam cả, và
ăn mặc theo kiểu y phục của quý quốc về thế kỷ thứ 17 (des amateurs
annamites habillès à la mode du grand siècle), vân vân”..., xem chừng các
ông thích chí lắm, tủm tỉm cười mà vỗ tay ầm lên. Ý giả cho cái giống người ăn
mặc lượt mượt như thế này mà bắt chước đóng tuồng Molière được thì cũng lạ
thật. - Tiệc xong chuyện vãn ít lâu, làm quen với nhiều người, rồi về trọ, đã
ngót ba giờ chiều.
Nơi đặt tiệc vừa rồi gọi là "Khách sạn các hội học" (Hôtel
des Sociétés savantes), ở đường Danton,
tức là một nhà công quán để các hội học đến hội đồng, học tập, đặt tiệc, diễn
thuyết, thường ngày ngày tối tối có đông người luôn, có khi hai ba hội họp nhau
ở mỗi khu mỗi tầng. Ở Marseille
thì có "nhà diễn thuyết của thành phố", ở Paris thì có nhà này; đại
khái tỉnh thành nào cũng có những nơi công đồng để tiện cho các cuộc họp hành
về đường văn hoá như thế. Ở Hà Nội ta có hội quán Hội Trí Tri và Hội Khai Trí
cũng hơi có cái tính cách ấy, nhưng phải chỉnh đốn cho hơn nữa mới được, và
hiện nay chỉ hiềm hãy còn ít những cuộc học tập có ích, bất quá thỉnh thoảng có
mấy hội "ái hữu" mượn để họp bầu mấy ông trị sự hay bàn mấy vấn đề
suông, cũng có lúc nói năng to tiếng, cãi cọ rậm lời, nhưng chưa khỏi cái lối
"việc làng", nghĩa là ồn ào lộn xộn mà chẳng nên câu chuyện gì.
Thứ ba, 11 tháng
7.
Trưa hôm nay ăn cơm ở nhà cụ ông cụ bà V. Bữa nay chỉ có một mình,
không có khách nào lạ cả. Chuyện trò rất vui vẻ và thân mật. Hai cụ thật có
bụng quá yêu mà mình đối với hai cụ cũng một lòng kính mến.
Buổi chiều ở trường Đại học Sorbonne
có lễ kỷ niệm ông Champollion. Có người quen cho giấy vào xem. Ông Champollion
là nhà bác học nước Pháp đã tìm ra trước nhất phép học lối chữ tượng hình cổ
của Ai Cập. Năm 1822 là năm ông làm được sự phát minh đó, lại vừa chính là năm
ở Paris mới lập ra Hội "Đông phương nghiên cứu Hội" (Société
asiatique). Nên lễ kỷ niệm hôm nay vừa là kỷ niệm sự phát minh của ông
Champollion, lại vừa là kỷ niệm sự sáng lập ra Hội Đông phương. Chính quan Giám
quốc Millerand chủ tọa. Lại các chính phủ, các hội bác học, viện nghiên cứu các
nước cũng phái đại biểu đến dự lễ. Trông trên đàn cao về hàng thứ nhất, ở hai
bên tả hữu quan Giám quốc, toàn là đại biểu các ngoại quốc cả: người Anh, người
Mỹ, người Ý, người Nhật Bản, người Ai Cập, vân vân. Còn khắp trong nhà đại diễn
đường Sorbonne, rộng mênh mông
như thế, mà ngồi chật cả tầng trên tầng dưới, có tới ba bốn nghìn người. Lễ này
xem ra trọng thể lắm. – Lúc cử tọa ngồi đâu vào đấy rồi, ông Senart là Hội
trưởng Hội Đông phương đứng lên đọc một bài diễn văn thuật về lịch sử Hội, và
tán dương cái công nghiệp lớn lao của ông Champollion đối với môn khảo cổ học
Ai Cập. Ông Senart là một nhà bác học có tiếng, chuyên trị về Ấn Độ học, đã
từng làm sách về đạo Phật, thứ nhất là một quyển về "Truyện huyền của ông
Phật" (La légende du Bouddha), nói rằng chữ Phật là một tên chung
không phải tên riêng, và kỳ thực không có ông Phật, sách này hồi mới xuất bản
thiên hạ nghị luận nhiều lắm. Ông có chân viện "Khảo cổ bác sĩ" (Académie
des Inscriptions et Belles Lettres), năm nay tuổi đã cao lắm. Tiếng ông nói
nhỏ, giọng già yếu, nên ngồi xa không nghe được mấy câu rõ. Nói ở một nơi to
rộng như thế này, phải người có tiếng mạnh, và nhiều dư âm thời mới ba cập ra
khắp trong diễn đường được. Đoạn đến ông Học bộ tổng trưởng Léon Bérard đứng
lên diễn thuyết, thay mặt chính phủ ngợi khen cái công học vấn của Hội Đông
phương và ông Champollion. Ông Học bộ này thì nói giỏi lắm, đã có tiếng ở nghị
viện là một tay biện thuyết có trí tuệ và có văn chương. Chính ông hiện đương
chủ trương về sự khôi phục cổ học Hy Lạp, La Mã ở các trường trung học, xem
chừng dư luận trong quốc dân có ý hoan nghênh. Người ta cho ông là thuộc về
phái "nhà nho" chuộng cổ học. Coi người ông cũng có cái vẻ nho nhã
lắm. Nhân nghĩ "nhà nho" Tây họ cũng có khác "nhà nho"
mình: họ lanh lợi, hoạt bát, sắc sảo, khôn ngoan, biết đem cái cổ học mà điểm
vào cuộc đời nay cho có phong vị nghĩa lý, chứ không phải làm nô lệ cổ nhân; họ
là "thông nho", không phải là "tục nho", "hủ
nho". Nước ta bây giờ đương phải cần có những nhà nho như thế... Ông
Thượng thư nói rồi, đến đại biểu các ngoại quốc. Người Anh và người Mỹ toàn nói
bằng tiếng Anh cả, mình chẳng hiểu một câu cú gì, và tưởng nhiều người ngồi đây
cũng như mình mà thôi. Đến đại biểu nước Ý thời nói bằng tiếng Pháp, nói cũng
dễ nghe, và không có giọng gì là giọng ngoại quốc cả. Thường người Ý Đại Lợi,
người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, học tiếng Pháp dễ hơn người các nước khác, và
khi học đã thông thì nói không khác gì người Pháp mấy, vì mấy nước ấy cùng với
Pháp là thuộc về dòng "La tinh" cả, cho nên về đường ngôn ngữ, tính
tình, phong tục, xã hội, đều có hơi họ hàng với nhau hết. Nhưng dòng "La tinh"
mà đối với dòng "Nhật Nhĩ Man" và dòng "Anh Cát Lợi" thì
thật là cách biệt nhau, cứ một cái mô dạng bề ngoài cũng đã khác lắm rồi, không
nói đến tính tình ngôn ngữ nữa. Tuy vậy mà về đường chính trị, dẫu cùng dòng
cùng giống nhưng vị tất đã cùng lợi cùng quyền, nên họ hàng mà nhiều khi cũng
xô xát nhau hơn người ngoài vậy. Hiện nay sự giao thiệp Pháp với Ý cũng chưa
lấy gì làm tốt cho lắm. - Người Ý nói tiếng Pháp đã giỏi mà người Ai Cập nói
lại giỏi nữa. Mới biết không cứ giống dòng, hễ học đến nơi thì tất phải giỏi.
Người Ai cập vốn mến chuộng tiếng Pháp, phàm người thượng lưu học thức trong
nước, ai cũng thông tiếng Pháp cả. Khi ông đại biểu Ai Cập, đầu đội cái
"mũ ống" đỏ (fez), như mũ người Ấn Độ ở bên ta, đứng lên diễn
thuyết, ai nấy đều có ý để mắt nhìn, để tai nghe. Ông nói tiếng Pháp y như
người Pháp vậy, mà lại có phần rõ ràng dễ nghe hơn nhiều người Pháp. Đại khái
nói rằng ngày nay là ngày kỷ niệm ông Champollion, đối với người Ai Cập không
khác gì như ngày giỗ một ông tiên sư, nên cái nghĩa vụ của chính phủ, của quốc
dân Ai Cập là phải phái người đến dự lễ để tỏ lòng thờ kính một bậc bác học đã
có công phát minh ra cái lịch sử vẻ vang của nước Ai Cập, và nhân thể tỏ lòng
mến yêu nước Pháp xưa nay vẫn giàu cái lòng hào hiệp giúp đỡ cho các dân tộc
nhỏ yếu. Nói đến đấy, cử tọa đều vỗ tay. Ông Ai Cập này nói không những rõ ràng
dễ nghe, mà lại có văn chương, có ý tứ, có cảm động, có "ngoại giao".
Nghe đâu là một người trong chính giới, chứ không phải trong học giới, chính
phủ Ai Cập đặc phái sang để dự lễ kỷ niệm này. - Đại biểu các nước nói xong
rồi, thời thấy lẳng lặng cả như sắp xẩy ra một sự gì quan trọng, ai ai cũng chú
mục nhìn lên trên đàn cao chỗ các quan khách ngồi. Bấy giờ thấy quan Giám quốc
đứng dậy, cử tọa cũng đều răm rắp đứng dậy theo cả. Quan Giám quốc diễn thuyết,
ai nấy đều cứ đứng như thế mà nghe, cho đến khi nói xong mới ngồi xuống. Quan
Giám quốc nói thong thả, mạnh mẽ, trịnh trọng, uy nghi như nện xuống từng chữ,
uốn rõ từng vần, rõ ra cách người quyền quý. Đại khái cũng là biểu dương cái
công của các nhà học vấn thường cặm cụi trong chốn thư phòng, nơi học viện mà
sưu tầm khảo cứu, người đời nông nổi không biết đến, nhưng thực là nhờ có những
người ấy mới hiểu cái lẽ cao thượng ở đời, mới biết đời người sở dĩ làm sao mà
không những đáng sống, lại đáng quý đáng chuộng nữa; như thế thì nhân loại đáng
biết ơn những bậc ấy lắm mới phải. Những người ấy sinh thời nhiều khi không
được hưởng phú quý như kẻ khác, nhưng tử hậu đáng làm bia kỷ niệm muôn đời.
Trong lịch sử học thuật nước Pháp thật đã có nhiều những người như thế: ông
Champollion đây tức là vào hạng đó, và hội "Đông phương nghiên cứu"
lại chính là một nơi lâm tẩu những bậc học vấn yêm bác đã làm vẻ vang cho nước
Pháp, cho cả loài người như vậy. - Quan Giám quốc nói xong thời phường kèn của
đội "Dân quốc Vệ binh" (Garde républicaine) thổi mấy khúc, thế
là lễ xong.
Thứ tư, 12.
Cả ngày hôm nay, đi chơi các phố, xem các cửa hàng, sắm ít đồ vặt. Xét
ra đồ hàng bên này, nhiều thứ cũng chẳng rẻ gì hơn bên ta. Là bởi các cửa hàng
đây, một khoản "tổng phí" (frais généraux) nặng lắm. Như một
cửa hàng vừa vừa, hàng giầy, hàng mũ, hàng quần áo, v.v... mỗi năm phí về việc
quảng cáo cũng kể hàng chục vạn. Lại có hàng dùng cách quảng cáo bằng điện, yết
chữ bằng điện ở giữa phố, xoay đi tứ phía được, và cứ khi loè, khi tắt như đèn
tháp bể, như thế thời phí tổn biết bao nhiêu. Ấy một mục quảng cáo như thế còn
nhiều khoản phí khác nữa. Bấy nhiêu thứ phí rút lại cũng là đổ vào một người
mua phải chịu cả, thành ra phải mua đắt. Nay các nhà buôn bên ta, - dù của
người Pháp, dù của người Nam mặc lòng, - trực tiếp mua được các hàng hóa ở ngay
chỗ chế tạo, dẫu có phải cái phí vận tải tự Tây sang đây, nhưng không phải cái
khoản "tổng phí" nặng quá như ở Paris, có thể bán giá không đắt hơn gì
bên Tây mấy tí, và có khi lại bán được rẻ hơn cũng có. Tôi nghiệm ra có mấy thứ
đồ mua bên này đắt hơn bên ta, lấy làm lạ lắm, xét ra mới biết chỉ vì một cái
khoản "tổng phí" đó mà thôi. - Cứ thế mà suy ra thì cửa hàng bên ta
đối với cửa hàng Tây ở bên ta cũng như thế. Nói riêng về những cửa hàng của
người An Nam buôn các hoá hạng Tây, muốn cho địch được với các hàng Tây, chỉ
mong ở cái "tổng phí" của mình ít mà thôi. Người An Nam mở một ngôi
hàng, thường không phí tổn lắm bằng người Tây, cách trang hoàng bày biện không
cần phải sang trọng cho lắm, tiền quảng cáo, công người làm cũng không mất
nhiều gì lắm; lại khách mua hàng hầu hết là người đồng bang, mình đã thuộc tính
tình, cách giao thiệp cũng dễ. Chỉ phải một điều là mình ít vốn buôn không bằng
người, - nhưng vốn ít thì buôn nhỏ, đây không nói sự to nhỏ, chỉ nói sự thua
được thôi, - còn thời có nhiều cách tiện lợi hơn người trong việc buôn bán. Thế
mà không mấy nhà buôn được phát đạt là cớ sao? Chỉ thấy nay nhà này vỡ nợ, mai
nhà kia đảo trướng là nghĩa thế nào? Xét ra là người mình không biết chỗ ưu
điểm của mình, mà lại theo vào chỗ khuyết điểm của người. Mình tranh buôn với
người chỉ sở cậy ở cái "tổng phí" của mình ít, thế mà ví có người nào
nho nhoe mở ngôi hàng thì có độ hai nghìn bạc vốn đã mất nghìn rưởi vào tiền
trang hoàng cái cửa hàng, làm cho "choáng" như cửa hàng Tây, còn có
năm trăm bạc buôn, thì buôn làm sao được. Nay đã thành thân ngôi hàng rồi, nếu
cứ trần lực chịu khó mà làm như người Tàu, nghĩa là ông chủ cũng mó tay vào
làm, đừng lên mặt "ông chủ" vội, bớt những cái phí thuê mượn đi; lại
khéo chiều khách, bất cứ kẻ sang người hèn, vào đến hàng mình cũng là chào hỏi
tử tế, đừng lên mặt "văn minh" mà khinh người "nhà quê";
lại đừng làm ra cách buôn bán có giờ như các hàng Tây, từ 6 giờ sáng đến 10 giờ
đêm, lúc nào cửa hàng cũng mở như các hiệu khách vậy; lại trông thấy hàng đắt
khách, có cơ phát đạt thời đừng có tự mãn tự túc vội, cố làm cho đạt được cái
thuật trí phú; như thế thì buôn bán gì mà không thành. Nhưng khốn người mình
nhiều khi lưng vốn không bằng người Tây, mà lại muốn học đòi cái lối buôn bán
"văn minh" như người ta, - "văn minh" đây chỉ là cái
"văn minh" tốn tiền mà thôi, cách buôn "văn minh" chỉ là
cái cách buôn nặng tiền "tổng phí" mà thôi, - thì địch lại làm sao
được. Thiết tưởng cái nghề buôn ta phải bắt chước người Tàu trước đã, vì phép
buôn Âu Tây chửa chắc đã là diệu, mà lại chưa hợp với tánh tình người mình...
Thứ năm, 13.
Cụ V. hôm nay đưa đến chơi ông De Nalèche, chủ nhà báo Journal des
Débats, ở đường Saint Germain
l'auxerrois. Nhà báo này là một nhà báo cũ nhất ở Paris, lập ra tới hơn
một trăm năm nay. Báo này chủ nghĩa ôn hòa, hơi có ý thủ cựu một tí, nên những
bọn tân tiến không ưa, nhưng các phái lão thành lại thích lắm. Báo này tức là
cái báo của các nhà quan lại to, các ông giáo đại học, các văn sĩ đã thành
danh, các nhà tư bản có nền nếp, v.v..., nghĩa là những người yên ổn, đứng đắn
cả. Ai đọc báo này tất là những người không có cái tư tưởng "cách
mệnh" được. Les Débats, hồi xưa có tiếng lắm, khi mới lập ra, những
tay trợ bút toàn là những bậc danh sĩ nhất thời, như Chateaubriand, như Sainte
Beuve. Bây giờ tuy vẫn giữ được cái giá trị văn chương - báo vẫn có tiếng là
một tờ báo viết kỹ, có văn hơn cả, - nhưng cái thế lực về đường ngôn luận có
kém trước, vì đời này là đời cấp tiến, một cái báo lấy chủ nghĩa duy trì, bảo
thủ, chắc là hơi có ý trái lại với những phong trào đương thịnh hành ngày nay,
thiên hạ không đậm lắm. - Ông De Nalèche là chủ báo này, lại vừa là hội trưởng
Hội "Liên hiệp các báo quán thành Paris" (Syndicat de la Press
parisienne), cũng là một nhân vật có thế lực ở kinh đô. Cụ V. muốn giới
thiệu cho mình được biết một ông "đồng nghiệp" có danh giá ở Paris
thế nào. Nhân ông chủ còn có khách, cụ đưa đi xem khắp trong tòa soạn, đến một
cái phòng lớn có một bức họa treo khắp cả tường, vẽ cái cảnh tượng tòa soạn báo
Débats, vào khoảng năm 1830-1840 gì đó. Cụ chỉ cho các người vẽ ở trong tranh
đó, thì phần nhiều là những bậc đại danh trong văn chương nước Pháp cả. Báo
quán đây là một cái nhà cổ, có ý chật hẹp lúc xúc, không được nguy nga rực rỡ
như các nhà báo Le Journal hay Le Matin, nhưng trong nhà chỗ nào
cũng có cái kỷ niệm về cổ thời. Cụ V. trong ba bốn mươi năm vẫn có chân biên
tập ở báo này, nay đã già nghỉ việc làm báo, vào đến đây trông thấy chỗ ăn làm
cũ, xem ra có ý cảm động. Mỗi lần nói đến nhà báo này thời cụ nói: "Cette
chère maison des Débats" (Cái nhà báo quý báu kia). Cụ cũng biết rằng
báo giữ cái chủ nghĩa bảo thủ là không được hợp thời lắm, nhưng cụ nói nhà nào
có kỷ cương ấy, một nhà báo có đã hơn trăm năm tất đã thành nền nếp bất dịch,
khó lòng mà miễn cưỡng thay đổi được, vả dữ kỳ a dua theo thời thà rằng giữ lấy
bản sắc còn hơn. Mình nghĩ bụng cũng cho lời nói ấy là phải. Ông chủ vẫn chưa
tiếp khách xong, Cụ lại đưa vào chơi ông thư ký riêng của ông chủ báo. Nói đến
tiếng "thư ký riêng", mình tưởng là một bậc thanh niên nhanh nhảu
nào. Vào đến nơi thì ra một ông lão nho, mà một ông lão nho trước thuật đã có
tiếng: tức là ông Antoine Albalat. Ai học tiếng Pháp chắc đã từng biết tên và
biết tiếng ông Albalat, làm những sách về phép làm văn, phép đọc sách rất có
giá trị (L'art d'écrire, Comment lire les vieux auteurs, v.v...), mỗi
quyển trùng bản tới mấy chục lần. Người lễ độ và khiêm tốn lắm, nghe mình nói
rằng sách của ông đến bên An Nam cũng có người đọc, có ý lấy làm lạ. - Ông chủ
báo thời ra dáng một tay giao thiệp. Tiếp chuyện đến hai mươi phút đồng hồ, ông
có ý hỏi han về tình hình kinh tế, chính trị bên ta. - Đến gần trưa mới ra về.
Ra đến ngoài trông lại thì nhà báo này thật là một cái nhà cổ cũ kỹ, mà xóm này
cũng là một xóm cũ kỹ ở thành Paris. Cái hoàn cảnh bề ngoài cũ kỹ như thế,
không trách cái tôn chỉ ở trong cũng là cái tôn chỉ duy trì bảo thủ. Nhưng duy
trì những cái nên duy trì, bảo thủ những cái nên bảo thủ, thì duy trì bảo thủ cũng
không phải là không hay. Vả lại thành Paris này như một cái thế giới: Về đường
hình thức thời vừa có những kiểu nhà mới lạ, những đường phố rất khang trang,
lại vừa có những ngõ hẻm đường cong, tường rêu đá mốc, đi tự bên hữu ngạn sông Seine sang bên tả ngạn thấy hai cái
cảnh mới cũ rất là khác nhau, mà nhiều khi cảnh mới chưa ắt đã là đẹp, cảnh cũ
không phải không hứng thú; về đường tinh thần thời biết bao nhiêu những phong
trào tư tưởng cũ mới giao tập nhau, xung đột nhau, có khi điều hòa nhau mà cũng
nhiều khi công kích nhau, như nói riêng về một mặt ngôn luận, một khoản báo
quán thì còn gì trái nhau, ngược nhau bằng báo Humanité là cơ quan của
đảng Cộng sản với báo Action française là cơ quan của đảng Quân chủ
chuyên chế nữa không? Vậy mà các báo ấy vẫn đồng sinh cộng tồn ở dưới cái cảnh
trời xanh nước biếc chốn danh đô cả, khác nào như các phương diện khác nhau của
một cái văn minh phồn tạp, phương diện nào có lẽ cũng là cần cả; vì họp cả lại
mới gây ra cái văn minh kia, và bấy nhiêu phương diện đều là chế lại lẫn nhau,
rút lại cũng không hại gì đến cái thế quân bình của toàn thể. Người nào quan
sát không tới nơi, chỉ xem một cái phương diện thời xét đoán tất sai lầm. Duy
cái văn minh của Tây phương nó phồn tạp quá, các "phương diện" nhiều
quá, muốn bao quát cho được hết mà thu gồm lấy các toàn thể, toàn bức, thật là
khó. Phải có một cái sức học, một cái trí khôn, một con mắt sáng khác thường,
mới có thể xét không sai mà đoán không lầm được. Cho nên còn lâu năm nữa, cái
văn minh Tây phương vẫn còn ngộ hoặc người đời nhiều lắm. Hiện nay thời nó làm
vạ cho người đời cũng đã nhiều; vẫn biết rằng không phải lỗi tại nó, lỗi tại
người đời hiểu lầm mà thôi, nhưng cớ chi nó can thiệp đến người đời làm chi, mà
làm cho lôi thôi đa sự như thế, khiến cho khách thế giới muốn phẩm bình cho
đích đáng, thật không biết luận công luận tội ra thế nào. Âu cũng là cái trò
chơi oan nghiệt của ông Hoá công bày ra để ghẹo cợt loài người, mà ghẹo cợt
ngay người Tây phương trước nhất, - vì chính họ sản ra cái báu ma quái ấy mà tự
họ xem ra cũng chẳng sung sướng gì, - rồi mới lan dần ra các phương cầu khác.
Ta nay là đương giữa lúc làm cái trò đùa cho ông Hoá công đây, cho nên đảo điên
điên đảo như cái quay búng giữa trên đời vậy. Nhưng ông đùa lắm rồi ông cũng
chán, ta đã là một giống "già sóc", nay ta cứ "gan lì",
cũng không đến vỡ đầu sứt tai đâu mà sợ...
XXIV
Thứ năm, 13 tháng
7[30].
… Chiều hôm nay ăn cơm An Nam với mấy ông đồng bang ở bên này. Mấy ông
này là tay chí sĩ, vào hạng bị hiềm nghi, nên bọn mình đến chơi, không khỏi có
trinh tử dò thám. Lúc ăn cơm trong nhà, chắc lũ đó đứng ngoài như rươi; nhưng
họ cứ việc họ, mình cứ việc mình, có hề chi! Đã lâu nay không được ăn cơm ta ăn
ngon quá. Ăn cơm ta, nói tiếng ta, bàn chuyện ta, thật là vui vẻ thỏa thích. Ăn
no uống say, cười cười nói nói, không ngờ buồng bên cạnh có người đương hấp hối
chết, đến lúc xuống thang mở cửa ra đi chơi mới thấy lão quản gia nói, các ông
có ý trách sao lão không bảo trước để cho bọn mình khi ngồi bàn ăn biết mà tĩnh
túc hơn một chút; lão giơ hai tay lên, tựa hồ như cho việc đó là không quan hệ
gì. Trong một nơi đô hội ba bốn triệu con người này, một người chết đi có lẽ
cũng không quan hệ gì thật. Nhưng mà cái lòng trắc ẩn, cái bụng bất nhẫn của
người ta, biết rằng giữa đương khi mình vui vẻ thích chí, ở ngay cạnh mình có
kẻ đương quằn quại sắp chết, thật cũng áy náy không yên một chút nào. Tuy vậy
mà cứ như cách sinh hoạt đời nay, còn có dung được cái lòng trắc ẩn, cái bụng
bất nhẫn nữa không? Tưởng cũng khó lắm. Trong cuộc sinh tồn cạnh tranh rất kịch
liệt như bây giờ, mỗi người chỉ khu khu biết một thân mình, trì trục mưu lấy sự
sống cho mình, còn rảnh đâu nghĩ đến cái khổ của người mà sẵn lòng thương thay
cho người. Ở thành Paris này, trong một ngày biết bao nhiêu đám như đám chúng
mình lúc nãy: ở bên buồng này thì kẻ ăn uống say sưa, cười đùa vui vẻ, ở bên
kia thì người đương ngắc ngoải, đánh nhau với cái chết một trận sau cùng sắp
phải thua, mà chẳng ai biết đến ai, một vách tường cách nhau bằng mấy nghìn
dặm!...
Mai là ngày hội kỷ niệm Dân quốc[31],
chiều hôm nay phố phường đã thấy tấp nập kẻ đi người lại. Nhất là ở xóm Gobelins này, là nơi kẻ bình dân làm
lụng ở nhiều, trông lại càng vui vẻ lắm. Cái vui ngày hội trong dân gian, dễ ở
đâu cũng vậy. Chiều hôm nay, ở Hà Nội ta, đương lũ lượt trẻ con người lớn, kẻ
chợ nhà quê, kéo nhau đi quanh Bờ Hồ xem rước đèn đây. Chỗ này bập bung,
chỗ kia cập kè, tiếng hát, tiếng thướng om xòm; mấy chị nhà quê yếm đỏ,
mấy chú khố đỏ nón nghiêng, lả lơi cười nói. Đây tuy không có cái cảnh ấy,
nhưng lại có cái cảnh khác cũng tương tự. Cảnh này là cảnh nhẩy đầm giữa đường
phố. Ở các đầu phố, hay trước cửa nhà cà phê, thường chăng đèn điện lên trên
cây, đặt một cái bục bằng gỗ, trên để một bộ dương cầm, có ghế cho người ngồi
đánh, khi nào công chúng đã thấy đông đông thời vặn đèn sáng lên, dạo mấy khúc
đàn, các anh các chị khoác tay nhau vào, nhảy như choi choi, coi ra khoái lạc
lắm. Những người vui chơi như thế này, phần nhiều là kẻ bình dân, ti tiện,
thằng quýt, con nhài, cậu bồi, chú bếp, nhân được ngày nghỉ, phỉ chí đua chơi,
nhưng cũng có người thuộc vào bậc cao hơn như bà chủ hàng bánh, ông chủ thợ
cạo, v.v… coi nhau bình đẳng, không phân biệt gì cả.
Anh em đi dạo chơi một lượt các phố đông cho biết cái cảnh ngày hội ở
Paris thế nào. Những đường phố sang trọng xem ra lại không vui bằng những xóm
bình dân thuyền thợ. Hội này thật là hội của bình dân, mà phàm cuộc vui của
bình dân, người thượng lưu vẫn không muốn dự; cho mới biết dẫu ở nước dân chủ
bình đẳng, các giai cấp vẫn có ý muốn đặc biệt nhau, và sự bình đẳng hoàn toàn,
có lẽ không bao giờ có được.
Thứ sáu, 14.
Sáng sớm đi xem điểm binh ở trường thi ngựa Longchamp. Hôm nay có Hoàng thượng ta cùng với quan Giám quốc
đến dự cuộc. Giá mình đánh cái áo gấm thì được vào ngồi trên nhà sàn, chỗ các
quan khách. Nhưng các ngài áo gấm hôm nay xem ra cũng nhiều, đủ đại biểu cho
nước Nam ở trước công chúng rồi, ta là bình dân, ta đứng dưới bãi cỏ cũng được.
Đứng dưới bãi cỏ, thế mà thú: nghiệm xét được cái tính tình của kẻ bình dân ở
thành Paris này. Người dân ở đây kể cũng không khác gì người dân bên mình, mà
có lẽ người dân ở đâu đại suất cũng thế, cũng thích hội hè đình đám. Như điểm
binh hôm nay, từ tờ mờ sáng, vợ chồng con cái đã kéo nhau đến chật cả chung
quanh trường thi ngựa này rồi, có người đứng chờ mỏi chân nằm dài ra ở trên bãi
cỏ, ăn bánh uống sữa cả ở đây; mà vòng trong vòng ngoài, nhiều khi có trông
thấy gì đâu, chẳng qua người lại xem người mà thôi, thế mà vẫn hăm hở háo hức,
lắm khi đứng mãi cũng chán, giở chuyện khôi hài cho vui. Có bác ra mặt sành sỏi
tỏ tường, chỉ chỉ trỏ trỏ: "Kìa ông đại tướng nọ, nọ ông nguyên soái kia!
Ông tướng này trẻ nhỉ! Ông tướng kia chững phạm!". Thế mà có lẽ lầm người
nọ ra người kia cũng có! Lại len lỏi trong đám đông cũng có các trạng ăn cắp,
chực lần lưng móc túi. Thật dưới gầm trời, người ta đâu cũng như đâu. Kẻ bình
dân vẫn có tính háo hức mà bọn láu cá thì khéo lợi dụng; trò đời chỉ có thế mà
thôi.
Điểm binh xong, vua quan trẩy về, đi đến gần cửa Khải Hoàn, có một
người Tây chừng về đảng cách mệnh chạy xổ ra, chìa súng định bắn vào xe quan
Giám quốc, nhưng lại chạy lầm vào xe quan Chánh Cảnh sát đi trước. Cảnh binh đi
xe đạp ở tứ phía chạy xô lại, bắt ngay được đem đi. Ở bên này những chuyện mưu
sát như thế là chuyện cơm bữa hằng ngày, không lấy gì làm lạ.
Chiều tối đi dạo đường Saint
Michel. Cái cảnh vui đây lại ra một cảnh khác. Vui đây không phải là cái
vui của kẻ bình dân, chính là cái vui của bọn học trò. Nhưng cũng là biểu lộ ra
cuộc khiêu vũ cả, duy nhảy ở trong nhà, không phải nhảy ở giữa đường. Các hàng
cà phê, hàng nào hàng nấy đông chật những người, bàn nào cũng bên thì mấy ả mày
ngài, bên thì mấy chàng thanh niên, khuya khuya đều khoác tay nhau nhảy lên như
choi choi cả. Hai bên bờ hè thì những hàng tạp hoá và những hàng bán bánh bán
kẹo bày ra la liệt. Kiểu hàng này như hình những cái nhà con bằng gỗ, đem đi
đem lại được, khác nào như những hàng tạp hoá và hàng đồ ăn của Chệc ở trên bờ
hè mấy đường phố Sài Gòn vậy. Nhưng chỉ những ngày hội hè mới được bày ra, xong
rồi lại phải triệt đi.
Thứ bảy, 15.
Hôm nay hẹn với cụ V. đến thăm ông bác sĩ Lyon Caen là vĩnh viễn thư ký
Hội Hàn lâm, ban Chính trị Luân lý học, tại nhà riêng ông đường Soufflot, trước cửa đền Panthéon.
Mấy lần nói chuyện với cụ V., cụ vẫn khuyên nên vào diễn thuyết ở Hội
Hàn lâm. Nhưng làm thế nào vào nói được ở một chốn tôn nghiêm như thế? Cụ nói
rằng cụ có quen biết nhiều ở Viện Hàn lâm, để cụ sẽ giới thiệu cho ông vĩnh
viễn thư ký là người chủ trương các việc đó. Bởi thế nên hôm nay cùng nhau đến
thăm ông Lyon Caen. Ông dạy pháp luật ở trường Đại học Paris, tuổi đã cao, thật
ra thái độ một nhà bác học thâm nho. Tiếp ân cần tử tế lắm; nói chuyện hồi lâu,
rồi cụ V. mới ngỏ ý muốn có dịp cho mình được vào diễn thuyết ở Hội Hàn lâm, để
trước là các ngài Hàn lâm biết được một người Việt Nam có học thức, sau là cho
mình được bày tỏ ý kiến tư tưởng của người Nam ở một nơi cao nghiêm danh giá.
Bác sĩ cũng hiểu các lẽ đó, nhưng có ý ngần ngại nói rằng: "Hội Hàn lâm
còn có một kỳ hội đồng cuối tuần lễ này nữa thời giải tán để nghỉ hè, mà kỳ hội
đồng này nhiều việc quá. Vả trừ các thông tín hội viên (membres
correspondants) của Hội ở các nơi, còn người ngoài vào đây nói cũng ít.
Người Đông phương thời năm trước có một ông bác sĩ Ấn Độ cũng vào diễn thuyết ở
Hàn lâm, nhưng ông thuộc tiếng Anh hơn tiếng Pháp, nên nói khó nghe lắm. Tôi
xem ông đây nói tiếng Pháp được, song xin để tôi liệu thu xếp xem có đủ thì giờ
để ông nói ngay kỳ hội đồng sau này không". - Bác sĩ hỏi định diễn thuyết
về vấn đề gì; mình cũng đột ngột chưa định gì cả, nói sẽ chọn một đề về giáo dục
hay văn hoá. Bác sĩ hẹn vài ba hôm sẽ trả lời cho cụ V. biết.
Vào diễn thuyết ở Hàn lâm, thật mình không bao giờ dám mơ tưởng đến sự
đó. Việc này mà khởi ra thật là tại cụ V.; việc này mà thành được cũng nhờ cụ
V…
Chủ nhật, 16.
Hôm nay không đi chơi đâu, ngồi hầm trong buồng, viết mấy cái thư về
nhà.
Trưa, mấy ông chí sĩ cùng ăn cơm bữa trước lại chơi ở trọ, nói chuyện
giờ lâu. Nghe nói các ông đi đâu cũng có bọn trinh tử theo sau, chắc bọn đó
đứng đâu ngoài cửa cả. Người đồng bang ở nơi khách địa không thể không gặp
nhau, gặp nhau không thể không nói chuyện nước nhà, lòng người ai chẳng thế,
tưởng cũng chẳng phải là sự phi phạm gì. Vả chính phủ Pháp vẫn có tiếng là
khoan dung đại độ, xem như mấy ông ở đây bấy lâu vẫn được yên ổn ở dưới quyền
bảo hộ của pháp luật, vẫn được tự do như người Pháp, thì đủ biết. Còn sự trinh
sát là phận sự của các Chính phủ, dẫu nước nào cũng vậy, chẳng lấy gì làm lạ.
Thứ hai, 17.
Sáng sớm
tiễn ông huyện V. xuống Marseille. Ông định về chuyến tàu sau này, nên xuống
Marseille trước để nghe xem đích tàu chạy vào bao giờ và lấy giấy má sẵn. Mình
cũng phân vân chửa định về ở thế nào. Cứ kể ở bên này thì ở mãi cũng được. Cảnh
Paris là một cái cảnh rất mến người. Ai đã đến đây không nỡ dứt tình mà đi cho
được. Vả mình đến đây đã được quen thân một vài nơi, giao tiếp với nhiều người,
càng ở thời lại càng thêm biết rộng ra, có ích lợi cho sự kiến văn nhiều lắm.
Tưởng học nhà mấy năm, không bằng qua ở đây một tháng. Cái không khí Paris là
cái không khí rất bổ cho tinh thần trí não. Ở đây tựa hồ như thấy trong óc thêm
sáng suốt, trong lòng thêm rộng rãi ra. Thật thế, không phải nói ngoa. Tưởng
giá mình được ở đây vài ba năm thì tính tình tư tưởng nở nang ra hơn bây giờ
nhiều. Không phải một mình mình, bao nhiêu người ở qua Paris, đều có cái cảm
giác như thế cả, mà cái cảm giác ấy không bao lâu biến thành ra một cái cảm
tình rất đằm thắm. Có nhà làm sách đã nói: "Các nơi đô thành khác, có
người sùng thượng, có người cảm phục. Duy thành Paris mới có người ham mê như
ham mê kẻ tình nhân" (Dautres villes
possèdent des fervents et des admirateurs. Paris seul a des amoureux - G. Le Nôtre). Xét những người ham mê
thành Paris xưa nay biết bao nhiêu mà kể, mà phần nhiều là những bậc danh nhân
đại trí trong thiên hạ cả. Không nói người các nước, nói ngay nước Đức là nước
xưa nay ít có cảm tình với Pháp: văn sĩ Đức Henri Heine mê Paris đến nỗi ở đấy
suốt năm không trở về nước mình nữa; ông thường nói rằng: "Nước Pháp là
một cái vườn hoa lớn trồng đủ các thứ danh hoa dị thảo để kết thành một bó hoa
tuyệt phẩm: bó hoa ấy tức là thành Paris vậy". Bác sĩ Humboltd cũng nói
rằng: "Tôi đến Paris mới thật là thấy sinh hoạt được thảnh thơi" (C’est là seulement que je me sens vivre).
Lại bá tước Rostopchin là người công nhiên coi nước Pháp như cừu thù, khi chưa
đến Paris thì gọi kinh đô nước Pháp là cái "nhà chứa người điên" (une maison de fous), thế mà sau khi đến
ở được ít lâu rồi, thì phải chịu lỗi là xét lầm, nói rằng: "Tôi xét ra
chốn kinh đô này thật là chúa tể cả toàn Âu: bao giờ người lịch sự trong thiên
hạ còn nói tiếng Pháp, đàn bà còn thích "mốt" đẹp, người ta còn lấy
ăn ngon là một cái thú ở đời, thời thành Paris còn ảnh hưởng đến các xứ khác
mãi. Chắc là không có tỉnh thành nào trong thế giới gồm được nhiều người giỏi
giang, thông minh, nho nhã phong lưu bằng ở đây" (J’ai reconnu en cette Ville la maitresse de
l’Europe: tant que la bonne compagnie parlera français, que les femmes aimeront
les modes, que la bonne chère fera les délices de la vie, Paris influera
toujours sur les autres pays. Il est certain qu’aucune autre ville au monde ne
possède une aussi grande quantité d’hommes instruits, savants et estimables).
- Nhưng mà cực tả được hết cái văn vẻ thanh tú, phát biểu được hết cái giá trị
thâm trầm của Paris thì tưởng không ai bằng ông Goethe, là nhà đại văn hào, đại
tư tưởng nước Đức về thế kỷ trước, ông nói rằng: "Muốn biết Paris là gì,
phải tưởng tượng ra một cái đô thành kia, bao nhiêu những kẻ giỏi người tài
trong một nước lớn học tập cả đấy, hằng ngày giao tiếp với nhau, đua tranh với
nhau mà càng ngày lại thêm tài thêm giỏi hơn lên; bao nhiêu những của báu vật
lạ của Tạo hoá, những kỳ công kiệt tác của mĩ thuật, sưu la thu thập ở khắp các
xứ trên mặt đất, đều tụ họp cả đấy để làm tư liệu cho nhà khảo cứu; mỗi một
bước đường, mỗi một nhịp cầu là có kỷ niệm một việc to về đời trước; mỗi một
tòa nhà, mỗi một góc phố là có di tích một đoạn lịch sử đã xẩy qua; lại tưởng
tượng ở đấy, trong một khoảng trăm năm xuất hiện những người như bọn ông
Molière, ông Voltaire, ông Diderot, v.v..., mỗi người một tay phát minh ra biết
bao nhiêu là những tư tưởng lạ, lý thuyết mới, suốt hoàn cầu không có đâu gồm
được đủ như thế... Ấy Paris là thế đó" (Imaginez-vous une Ville où les meilleures
têtes d’un grand empire sont rassemblés, et, par des relations, des luttes,
l’émulation de chaque jour, s’instruisent et s’élèvent mutuellement; où tout ce
que les règnes de la Nature, ce que l’Art, dans toutes les parties de la terre,
peuvent offrir de plus remarquable, est accessible à l’étude; imaginez-vous
cette ville universelle où chaque pas sur un pont, sur une place, rappelle un
grand passé; où, à chaque coin de rue, s’est déroulé un fragment d’histoire. Et
encore imginez-vous ce Paris… dans lequel depuis trois âges d’homme, des êtres
comme Molière, Voltaire, Diderot et leurs pareils ont mis en circulation une
abondance d’idées que nulle part ailleurs sur la terre on ne peut trouver
réunies!...).
Nay ba anh em cùng lên đây, một người đi trước, mình ở lại cũng phân
vân chửa biết lâu chóng thể nào, ngồi nghĩ mới biết rằng mình đã ăn phải bùa mê
thành Paris rồi. Cả ngày ngẩn ngơ ngơ ngẩn, chửa đi mà đã tiếc, chửa dứt mà đã
đau, bâng khuâng như người sắp mất lạng vàng. Không muốn đi xem đi chơi đâu
nữa. Ra hiệu sách ở đầu phố, mua mấy quyển sách về Paris, nằm hầm đọc suốt từ đầu
chí cuối, càng đọc lại càng thấy rõ những cái vẻ kín duyên thầm của Paris, càng
thêm yêu mến Paris bội phần. Mà trông ra ngoài đường phố, cái cảnh Paris hôm
nay lại sáng sủa tốt đẹp hơn mọi ngày, dường như muốn đem phô bày những vẻ mĩ
miều khả ái cho khách hữu tình càng xiêu lòng đắm đuối. Trời 6 giờ chiều mà còn
như giữa ngày; mặt trời chiếu dọi vào mái đền Panthéon, như rắc vàng trên tường đá. Một mình lủi thủi đi trước
cửa đền, gót giầy nện xuống đường đá, tiếng vang như động đến trong đền. Trông
quanh mình như người quen cảnh cũ cả: kìa nhà sách Sainte Geneviève, nọ nhà thờ Saint Etienne, kìa là nhà thị sảnh khu thứ 5, nọ là trường học
Luật, lại tượng này là tượng ông Rousseau, tượng kia là tượng ông Corneille;
ngày khác đi qua thì chỉ thấy những đống đá lù lù, mà làm sao ngày nay như đá
có sinh hoạt, đá đều biết nói, đá bảo mình rằng: "Ớ, anh con trai Nam Việt
kia! Anh chớ có tự phụ mang cái quốc gia chủ nghĩa của anh mà mong tránh khỏi
cái cám dỗ của chốn danh đô này. Những tay khôn ngoan tài giỏi hơn anh nhiều
cũng còn không tránh được nổi, huống nữa là anh. Anh chớ nên đem bụng hẹp hòi.
Anh thương yêu nước anh là phải, nhưng anh yêu mến chốn này cũng nên. Cái quả
tim thế giới, cái khối óc văn minh là đây. Người Pháp tuy có công gây dựng ra
chốn này, nhưng ngày nay là của chung thiên hạ rồi, khách Đông phương, khách
Tây phương, ai ai đến đây cũng phải cảm. Dẫu Đông Kinh, Yên Kinh, Kim Lăng,
Thuận Hoá của Á Đông anh, cũng không đâu thu gồm được lắm cái vẻ tinh hoa của
văn hoá bằng ở đây. Anh không phải giữ gìn, anh không phải e lệ, anh không phải
ngượng ngập, anh không phải thẹn thùng; anh cứ để cho cái tinh thần lãng mạn
của anh nó bay bổng, anh cứ để cho cái thiên tính hiếu kỳ của anh nó tiêu dao,
anh không sợ cái phóng tâm của anh không thu về được, vì dầu anh có thả rông nó
ở trong cái vườn hoa thế giới này, nó lại càng được ngửi nhiều hoa thơm cỏ lạ,
càng được thêm nở nang khoát đạt ra, có ngại gì...". - Đến trước cửa hàng
cơm đường Soufflot, tuy trời
hãy còn sớm, cũng vào ăn cho xong việc. Nhưng hôm nay trong dạ bâng khuâng, ăn
không thấy ngon. Qua quýt rồi đứng lên, đi vào vườn Luxembourg. Vào đến giữa vườn, trông cái cảnh mới đẹp sao! Như
một bức tranh trước sắc, mà mầu sơn nét bút tươi sáng biết dường nào! Lầu cao,
tượng đá, bể nước, bụi cây, cho chí cánh hoa xanh đỏ, rào sắt vàng đen, rõ mồn
một, như tay thợ vẽ mới tô. Nhưng đẹp nhất là cái cảnh trời về mặt Tây, bóng
dương đã xế, mây vàng vẩn vơ, thật là: Trời
tây bảng lảng bóng vàng...
Không gì đẹp bằng góc trời đó, mà cũng không gì buồn bằng đám mây đó.
Vì trông mây sực nhớ đến nhà: Lòng quê
gửi đám mây Hàng xa xa…
Mến cảnh mà nhớ nhà, nhớ nhà mà mến cảnh, trong lòng lại càng ngổn
ngang thêm nữa. Trời vừa sập tối, lính canh vườn đã nổi trống để giục khách
tháo lui. Lủi thủi bước ra, đi thẳng về trọ, qua đền Panthéon, cũng gót giầy nện xuống đường đá, tiếng vang động tới
trong đền, nhưng đá tựa im hơi, không nói gì nữa; hay là vẫn nói mà lòng đã bị
đám mây lúc nãy mang đi xa rồi, không để tai nghe nữa.
Về trọ nghỉ, mãi canh khuya vẫn trằn trọc chưa ngủ được. Từ ngày sang
đây đến giờ, đêm hôm nay mới thấy buồn là một, thật là: Lạnh lùng thay giấc cô miên!...
Thứ ba, 18.
Hôm nay nhận được thư của ông Vĩnh Viễn thư ký Hội Hàn lâm bảo cho biết
rằng Hội Hàn lâm sẽ vui lòng nghe mình diễn thuyết kỳ hội đồng ngày thứ bảy 22
tháng 7 này, xin đúng 2 giờ ngày ấy tựu tại Hội sở. - Thế là cái mơ tưởng hoang
đường nay sắp thành sự thực vậy. Nửa mừng mà nửa sợ, mừng là thật là một cái
hạnh ngộ ít có, một sự vẻ vang không gì bằng; sợ là không biết nói làm sao cho
nghe được, để khỏi phụ lòng các ngài có bụng chiếu cố đến, khỏi gây ra cái cảm
giác xấu về người An Nam. Các ngài trong Hội Hàn lâm chắc là chưa từng biết
người An Nam bao giờ; nếu mình nói năng không ra gì thì các ngài sẽ xét người
nước mình ra thế nào? Bây giờ mới biết rằng kẻ sất phu cũng có trách với nước
là thế. Mình chẳng có danh vị gì mà cũng phải lo đến quốc thể đây: Chà! chà!
ghê quá! Không biết các ngài quyền cao chức trọng, đại biểu cho cả quốc gia,
thì lo đến đâu; có lẽ đến không ăn không ngủ được chắc?!
Ông S. nguyên làm thầy kiện ở Nam Kỳ, nay có tư bản về ở Paris, mời đến
ăn cơm tối ở nhà riêng ông, Rue de l'Université. Ông là người thích chơi
sách cổ, sưu tập được nhiều sách lạ. Bà vợ có nhan sắc và người nhã nhặn lắm.
Nhà coi ra cách sang trọng lịch sự. Khách ăn cơm có một nhà làm báo, một nhà
kiến trúc (nghe đâu đã vẽ kiểu nhà đấu xảo của thuộc địa Tây Phi châu ở
Marseille), quan Thanh tra thuộc địa hưu trí Salles là người đã có công lập ra
nhiều Hội Trí Tri và Hội khuyến học ở bên ta, và mấy ông nữa không nhớ tên.
Tiệc xong, phần nhiều nói chuyện về bên ta. Khi ra về cùng đi với ông làm báo,
– tức là một "bạn đồng nghiệp" đó, – nói chuyện về cách làm sách làm
báo ở bên này. Ông giữ mục "Phê bình văn học" ở một tờ báo lớn, nên
ông tường về các phong trào văn học ngày nay lắm. Đi đến đường Saint Michel hãy còn dắt nhau vào nhà
cà phê nói chuyện, mãi đến khuya mới về.
XXV
Tháng tư, 19
tháng 7.
Hôm nay ở nhà soạn diễn thuyết.
Nghĩ trong các vấn đề thiết yếu cho người mình không gì bằng vấn đề
giáo dục. Bèn khởi thảo một bài tỏ rõ cái tình trạng sự giáo dục ở nước ta,
phân trần những điều lợi hại, những sự khó khăn, và hỏi ý tòa Hàn lâm nên giải
quyết thế nào cho hợp lẽ. Đại khái nói rằng nước Việt Nam là một nước cổ, vốn
đã có một cái văn hóa cũ, nhưng cái văn hóa cũ ấy ngày nay không thích hợp với
thời thế nữa, cần phải có cái văn hóa mới đời nay thì mới có thể sinh tồn được
trong thế giới bây giờ. Hồi đầu quý chính phủ dạy người An Nam chẳng qua là dạy
lấy ít tiếng Tây để sai khiến các công việc cho dễ, chưa phải là truyền bá văn
minh học thuật gì. Gần đây mới gọi là bắt đầu ban bố một cái học cao hơn trước
một chút. Nhưng trong sự truyền bá cái học mới ấy, có nhiều nông nỗi khó khăn,
quý chính phủ vẫn chưa giải quyết được ổn thỏa. Nếu dân Việt Nam là một dân mới
có, chưa có nền nếp, chưa có lịch sử gì, thì quý quốc cứ việc hóa theo Tây cả,
dạy cho học chữ Tây hết cả, đồng hóa được đến đâu hay đến đó. Nhưng ngặt thay,
dân Việt Nam không phải là một tờ trắng muốn vẽ gì vào cũng được; tức là một
tập giấy đã có chữ sẵn từ đời nào đến giờ rồi. Nếu bây giờ viết đè thêm một chữ
mới nữa lên trên, thì e thành giấy lộn mất. Cho nên bây giờ dạy khắp chữ Tây
cho người An Nam từ tuổi nhỏ đến tuổi lớn, như ở các trường Pháp Việt ngày nay,
kết quả chỉ đủ làm cho người An Nam mất tính cách An Nam mà chửa chắc đã hóa
được theo Tây hẳn, thành ra một giống lửng lơ thật là nguy hiểm. Muốn tránh sự
nguy hiểm ấy, chỉ có một cách: là dạy cho trẻ con An Nam bằng tiếng An Nam cho
hết bậc tiểu học, lấy cái phổ thông giáo dục bằng quốc văn làm gốc, như thế vừa
tiện và vừa mau, vì không mất thì giờ học một thứ tiếng ngoại quốc dở dang
không đến nơi và không dùng được việc gì. Học trò đã được bằng tiểu học tốt
nghiệp bằng tiếng An Nam rồi, bấy giờ mới kén chọn người nào có sức được học
lên các bậc trên nữa, như trung học, đại học, thời cho vào một trường dự bị chỉ
chuyên học tiếng Pháp, nhưng học theo cách tấn tốc, như người Pháp học tiếng
Anh tiếng Đức, nghĩa là học như học tiếng ngoại quốc vậy. Học thế chỉ vài ba
năm có thể thông chữ Pháp đủ theo được các lớp trung học như bây giờ. Như thế
mới khỏi được cái nguy hiểm thành một hạng người dở dang, tốt nghiệp ở trường
tiểu học ra, chữ Tây không đủ dùng được việc gì mà cái phổ thông thường thức
học bằng chữ Tây cũng còn mập mờ chưa lĩnh hội được hết, còn tiếng của nước nhà
thì hầu như quên cả, v.v... - Ấy bài diễn thuyết định đại cương như thế, nhưng
còn phải phô diễn thế nào cho nghe được.
Thứ năm, 20.
Chiều hôm nay lại ăn cơm ở nhà cụ ông cụ bà V. Hai cụ vẫn định một buổi
mời ông nghị viên Marcel Sembat và phu nhân để giới thiệu cho mình nói chuyện.
Nguyên bà nghị viên là chị em thân thích với bà cụ V., nên hai nhà thường đi
lại với nhau thân lắm. Ông Sembat thì ai hơi thuộc lịch sử chính trị nước Pháp
ngày nay, chắc cũng đã biết tên và biết tiếng cả. Ông là một tay lãnh tụ trong
đảng Xã hội, trong khi chiến tranh đã từng làm Công chính bộ Tổng trưởng
(1914-1915). Học thức rộng rãi, có tài làm văn, tài diễn thuyết; lại có tiếng
là người dĩnh ngộ, khoái hoạt. Bà vợ cũng là người tài tình, sở trường về nghề
hội họa. Nghe đâu hai vợ chồng tương tri tương đắc và cảm phục nhau lắm, thật
là kiêm được cả tình cầm sắt lẫn nghĩa cầm kỳ. Hai cụ mỗi khi nói chuyện đến
vẫn thường khen ngợi. Hôm nay nhân ông nghị bà nghị sắp đi nghỉ hè ở núi Alpes, hai cụ mời đến ăn cơm tối, để
thừa dịp giới thiệu cho mình được biết. Hai ông bà thật là người linh lợi và
nói chuyện vui vẻ lắm. Cả nhà chỉ ngồi mà nghe chuyện, không phải nói nữa. Sau
bàn đến vấn đề giáo dục ở bên ta. Đề này chính là cái đề mình định diễn ở Hội
Hàn lâm nay mai; lại là cái đề vẫn thường thảo luận với cụ V., cụ rất đồng ý
với mình: phàm tiểu học cần phải dạy bằng quốc ngữ, không thể dạy bằng ngoại
ngữ được, đó là một lẽ tất nhiên. Một đứa con trẻ tiếng nước mình không thuộc thì
học tiếng nước nào rồi cũng khó; trước hết phải dùng quốc ngữ để vỡ vạc trí
khôn của con trẻ đã, nhiên hậu học tiếng ngoại quốc mới mau hiểu. Ông Sembat
thời lại xét cái vấn đề ra một phương diện khác, ra phương diện chính trị. Ông
là một nhà chính trị, lại là một nhà chính trị ý kiến rất rộng rãi, vì thuộc về
đảng Xã hội. Đối với ông thì việc khai thuộc địa là cái sự nghiệp của bọn tư
bản, ông không ưa gì bọn tư bản và sẵn lòng đề huề với kẻ lao động, tức là dân
thuộc địa. Vậy trong vấn đề này là ông vị dân thuộc địa, - tức là vị người An
Nam mình, - mà nói. Vẫn biết rằng trân trọng quốc âm, bảo tồn quốc ngữ là một
sự thiết tha cho lòng người, ai cũng nghĩ thế. Nhưng xét việc đời không thể
nhất thiết lấy tình, lấy nghĩa mà xét được, cũng có khi phải lấy lợi, nhất là
khi cái lợi ấy là lợi chung cho cả đoàn thể. Người An Nam muốn cho có ngày được
khai phóng, tất phải vận động với người Pháp, hoặc là vận động ở các nơi hội
nghị, nghị viện, hoặc là vận động ở trước chỗ công chúng dư luận, muốn vận động
tất phải dùng tiếng Pháp, vì không thể bắt người Pháp học tiếng Nam được. Như
thế thời há chẳng nên học tiếng Pháp cho nhiều, dân càng nhiều người biết tiếng
Pháp thì đối với người Pháp lại càng dễ, cái vấn đề chính trị có ngày mong giải
quyết được như lòng dân sở nguyện. - Lẽ đó mình cũng phải chịu là phải. Người
An Nam ở dưới quyền chính trị nước Pháp, muốn vận động về đường chính trị tất
phải biết tiếng Pháp, đó là một điều cố nhiên rồi. Nhưng có phải là nhất ban quốc
dân An Nam đều có thể vận động về chính trị được không? Chẳng qua chỉ là một bộ
phận gồm những người tai mắt, kẻ thức giả trong nước, mới có tư cách vận động
mà thôi; bọn đó thời phải biết tiếng Pháp cho thật thông, dẫu tốn công phu đến
đâu cũng phải học cho kỳ được. Còn phần nhiều người thì cần nhất bây giờ là học
lấy cho mau biết những điều thường thức cần cho người ta ở đời này. Những điều
ấy dạy bằng cách nào mau hơn, dạy bằng tiếng Pháp hay dạy bằng tiếng Nam? Nếu
dạy bằng tiếng Pháp mà dễ hiểu, mà mau biết, thì cả dân An Nam chỉ nên học
tiếng Pháp mà thôi. Nhưng ngặt thay, chữ Pháp là một thứ văn tự rất hay mà cũng
rất khó, muốn cho tiềm tiệm thông cũng phải đến mười năm học tập, người An Nam
không phải ai cũng có tài có sức mà theo đuổi được như thế. Nay lại đem cái văn
tự khó ấy mà dạy những điều thường thức cần dùng thời chẳng phải là uổng công
vô ích mà "xôi hỏng bỏng không" ư? Vì là kết quả tất đến rằng những
điều thường thức ấy không học cho đến nơi đến chốn được, vì có học mà không có
hiểu, mà tiếng Pháp tiếng Nam đều cũng dở dang không sõi cả. Người mà không
biết sõi một thứ tiếng nào, kể ngay từ tiếng tổ quốc mình, thì người ấy không
bao giờ có nhân cách hoàn toàn được. Nay hoặc nói rằng học tiếng ngoại quốc bao
giờ cũng khó, nhưng nếu học ngay từ thuở nhỏ mà thường tập nói luôn thì cũng
chóng nhập diệu được. Vẫn biết thế, nhưng một đứa con trẻ An Nam học tiếng Tây,
ngoài giờ học, khi ở gia đình, khi ra xã hội, giao tiếp với người nhà người
nước đều dùng tiếng Nam cả, không thể sao lấy tiếng Pháp mà thay vào tiếng nước
nhà được, trừ đem sang ở biệt bên Pháp thì không kể. Muốn học một thứ tiếng
ngoại quốc cho có thể thế vào tiếng mẫu quốc mình, phải có một cái "hoàn
cảnh" riêng, mà cái "hoàn cảnh" ấy trừ phi đi ở ngoại quốc, còn
ở nước nhà không bao giờ có được. Cho nên dù thế nào mặc lòng, số người An Nam
học được tiếng Pháp vẫn là số ít, còn phần nhiều phải học bằng tiếng nước nhà
mới mau biết những điều thường thức. Số ít người trên là số thông minh lọc lõi,
về đường chính trị phải thay quốc dân mà vận động với nước cầm quyền, về đường
giáo dục phải vì quốc dân mà truyền bá học thức mới. Cái quan niệm ấy có lẽ
không được bình đẳng cho lắm, nhưng mà sự thế như thế, không thể sao được. Nếu
có phép tiên gì mà dạy cho cả dân An Nam biết tiếng Pháp cho có thể thế vào
tiếng nước mình được, thì người An Nam cũng cam tâm tự nguyện theo tiếng Pháp
hết. Nhưng phép tiên ấy không có, thời dữ kỳ dở dang mập mờ, Tây không thông,
Nam không sõi, thà rằng trước hết hẵng học lấy những điều thường thức bằng
tiếng An Nam cho mau hiểu đã, nhiên hậu có thì giờ sẽ học đến tiếng ngoài. -
Ông nghị viên cũng cho lẽ đó là phải và nói rằng ý ông chỉ xét về cái phương
tiện chính trị cho người An Nam cũng như người các thuộc địa khác, còn đối với
tình thế riêng bên An Nam có điều không tiện thì ông không biết. Ông ở nghị
viện Pháp là một tay tai mắt trong đảng Xã hội, mà chủ nghĩa của đảng Xã hội là
muốn mau khai phóng cho các thuộc địa, nên ông mới chủ trương sự học tiếng Pháp
là một cách khai phóng cho dân An Nam. Cái tư tưởng ấy dẫu không thể thi hành
được, nhưng thật là một cái tư tưởng rộng rãi, cao thượng, không giống với cái
tư tưởng những kẻ phản đối tiếng An Nam vậy.
Cơm xong, chuyện mãi đến khuya mới tan. Sáng sớm mai, ông nghị bà nghị
cùng với cô con gái cụ V. sẽ đi Chamontix
để nghỉ mát mùa hè này[32].
Thứ sáu, 21.
Hôm nay đã thảo xong bài diễn thuyết ở Hội Hàn lâm. Mai đã phải dùng
đến rồi, không kịp mượn người đánh máy. Thôi, cứ thế này đem đọc cũng được.
Nhưng trước khi ra đọc ở Hội Hàn lâm, phải nên diễn tập trước một lần.
Không gì bằng đem đọc thử cho hai cụ nghe, được chăng thế nào hai cụ sẽ bảo. Vả
cụ ông đã cho biết rằng có lẽ mai cũng không ra nghe ở Hội Hàn lâm được, vì cụ
hiện đương có giấy ứng cử vào chân Hội, không muốn đi lại vội. Như thế thời đọc
trước cho cụ nghe, tưởng cũng là một cái nhã ý đối với cụ. Vậy ngâm nga riêng
một mình rồi, liền đem cả bản thảo lại đường Saint Germain. May hai cụ đều có nhà cả. Tỏ ý đọc trước để hai
cụ nghe, hoặc có chỗ nào sai suyễn hay sơ suất xin hai cụ chỉ giáo cho, hai cụ
lấy làm cảm động lắm. Để đồng hồ bên cạnh, đọc thong thả rõ ràng, vừa đúng hai
mươi phút, thế là hợp với cái thời hạn đã định. Còn nội dung thế nào, lời lẽ có
nghe được không, hay là rườm tai khó hiểu? Xin cụ cứ thực tình dạy cho. Hai cụ
chỉ chữa cho vài cái "phốt" chữ Tây vô ý không biết, còn thời nhất
định quyết rằng nghe được, không những nghe được mà lại có cái giọng nhiệt
thành bạo dạn, chắc sẽ có ảnh hưởng, không đến nỗi là những lời không ngôn. Hai
cụ đã phán đoán như thế, dù là bởi bụng khoan dung muốn khuyến lệ cho kẻ tuổi
trẻ lòng thành, hay là vì cách lễ nhượng không muốn kích thích cái thói
"tự đắc của con nhà văn" mà chỉ trích cho hết những chỗ khuyết điểm,
dù thế nào mặc lòng, mình cũng tạm yên tâm, để ngày mai có thể vững vàng mà ra
đối diện với các quan Hàn lâm Đại Pháp. - Hai cụ cũng mừng trước cho và nói
rằng nghe bài diễn thuyết mới biết cái vấn đề giáo dục ở nước Nam phiền phức là
dường nào, và lòng nguyện vọng của người Nam cũng chánh đáng là dường nào.
Thứ bảy, 22.
Sáng nay không đi chơi đâu, chỉ bữa ăn đi một lát, rồi về nghỉ ngơi để
sửa soạn ra Hội Hàn lâm. Phân vân không biết mặc Tây phục hay mặc quốc phục. Đã
có bộ jaquette, nếu mặc Tây thì cũng tùng tiệm được. Nhưng nghĩ lại, gặp
những cơ hội như lúc này mà nỡ bỏ quốc phục đeo Tây phục, thì cũng tủi cái áo
cái khăn anh đồ quá; thôi thì cứ mặc An Nam, cho dẫu đi ngoài phố thiên hạ chỉ
trỏ nữa cũng chẳng hề gì. Trước hãy đến đón cụ V. để cụ hướng đạo và giới thiệu
cho các ông phần việc, kẻo lạ lùng không biết đường nào mà dò. Nhà Hội Hàn lâm
này cũng là một cái lâu đài cổ ở thành Paris, mặt tiền trông ra sông Seine, trước có cái cầu gọi là
"Cầu Văn nghệ" (Pont des Arts). Phong cảnh có vẻ cổ thời.
Ngoài đường vắng vẻ, vào trong tịch mịch, như có cái khí vị lặng lẽ trang
nghiêm. Chỗ này thật là cái "điện Tinh thần" của nước Pháp, bước vào
phía bên tả, có cái sân rộng hình bát giác, mỗi bên có một cái cửa lớn: cửa bên
hữu bước lên nhà đại diễn đường, trên có cái mái tròn lớn, là nơi cả năm ban
bác sĩ họp đại hội đồng hằng năm và ban Văn học (Académie française)
nghênh tiếp các ông hàn lâm mới ở đấy; nhà văn nước Pháp, người nào đã hơi nổi
danh giá, không ai là không mơ mộng được vào Hàn lâm, được diễn thuyết ở dưới
mái tròn (parles sous la Coupole), cho sự đó làm cái tuyệt phẩm vinh hoa
ở đời; những ngày thường thì nhà đại diễn đường này vẫn đóng cửa luôn, các ban
họp hội đồng thường đã có những phòng riêng ở bên trong; - cửa bên tả thì vào
nhà Thư viện của Hội Hàn lâm, gọi là Bibliothèque Mazarine (có 25 vạn
quyển sách). Lại vào một lượt sân trong rộng hơn nữa, và cũng lặng lẽ nghiêm
trang như thế, tiếng giầy nện xuống sân đá, nghe rõ mồn một, như vào cái chùa
cổ am xưa nào. Rẽ vào cái cửa thứ nhất ở bên tả, đi qua một dải hành lang, rồi
lên từng gác, có phòng thư ký ở đấy. Vào hỏi ở phòng thư ký, rồi có người đưa
đến phòng hội đồng. Ban Luân lý Chính trị thường họp hội đồng cùng một phòng
với ban Văn học, duy khác ngày mà thôi: phòng này gọi là phòng Tự điển, vì ban
Văn học thường họp để làm Tự điển ở đấy. Phòng rộng rãi, hai bên tường đều có
tượng đá các danh nhân; ở trong cùng có tượng toàn thân của đại tư giáo
Richelieu là tể tướng vua Louis XIV đã có công sáng lập ra Hội Hàn lâm (ban Văn
học) từ năm 1635, rồi đến tượng Guizot, Cousin, Delavigne, Lamartine, Thiers,
Mignet, v.v… - Đến nơi đã thấy vài ba nhà biên tập báo và bốn năm cụ Hàn. Ông
vĩnh viễn thư ký Lyon Caen giới thiệu mình cho ông trưởng ban Lacour Gayet là
một nhà sử học có tiếng chuyên trị về lịch sử vua Nã Phá Luân. Mình vẫn tưởng
rằng hôm nay chẳng được đông lắm, nhưng cũng được vài ba chục ngài (toàn ban
chỉ có bốn chục ngài cả thảy). Không ngờ lác đác chỉ có vài ba cụ nữa đến, thế
mà thôi, cả thảy được mươi mười hai người, kể cả các nhà báo. Lúc bấy giờ cũng
hơi lấy làm thất vọng. Cái thói con nhà văn vẫn hay tự đắc: có lẽ nào các cụ
Hàn được tin ông P. Q. diễn thuyết mà lại không hăm hở kéo nhau đến nghe cho
thật đông! Đáng lẽ cả bốn chục ngài phải có mặt ở đấy, không thiếu một ngài nào
mới phải! Sau hỏi ra mới biết rằng những khi hội đồng thường chỉ có thế thôi,
không mấy khi được đến mười lăm ngài có mặt. Vả lại nay đã đến đầu hè, phần
nhiều các ngài đi ra bể lên núi nghỉ mát cả, đến được thế này đã là đông rồi
đó. Khi đã ngồi đâu vào đấy, thấy một ông cụ đầu râu bạc phơ, lưng khom khom
chống cái ô đi vào; các cụ đều đứng lên chào một cách kính trọng lắm. Cụ mới
vào đó chính là cụ Alexandre Ribot, nguyên thủ tướng Đại Pháp, hiện có chân ban
Chính trị và ban Văn học Hội Hàn lâm. Năm nay tuổi đã cao lắm, - nghe đâu ngoài
80, - thường đau yếu, ít khi đến họp hội đồng được, hôm nay thấy đến, cử ban
đều lấy làm mừng rỡ lắm. Cụ ngồi vào ghế, rồi ngài ban trưởng khai hội đồng.
Chương trình kỳ hội đồng hôm nay có hai bài "thông cảo" (communications),
tức là bài diễn thuyết cho các cụ Hàn nghe, rồi xét có nên thì sẽ đăng vào sách
"Biên tập" của Hội Hàn lâm; một bài của ông giáo trường Đại học thành
Rennes có chân thông tín của Hội, một bài của mình; rồi đến các công việc Hội,
kỳ này có nhiều, vì là kỳ cuối cùng, rồi đến nghỉ hè. Ông ban trưởng khai hội
đồng, liền mời ông giáo Đại học diễn thuyết trước. Ông này người đã có tuổi,
nhưng đọc cũng rõ ràng mạnh bạo lắm. Bài "thông cảo" của ông là nói
về cái văn hoá Pháp ở Gia Nã Đại (Canada), xứ này trước là đất thực dân
của Pháp, sau thành thuộc địa của Anh, nhưng người dân vẫn còn nói tiếng Pháp,
giữ phong tục Pháp, bảo tồn được cái văn hoá thuần túy của Pháp, có khi sản
xuất ra văn chương đặc biệt. Ông bàn về cách làm thế nào mà bồi thực, phát
triển cho cái văn hoá ấy ngày một thêm thịnh lên, khiến cho đất Gia Nã Đại tuy
đã lìa với Pháp về đường chính trị mà còn liền với Pháp về đường tinh thần. Bài
của ông đọc cũng chừng mười lăm hai mươi phút. Khi đọc xong thì ông ban trưởng
cám ơn ông giáo đã cho đồng nhân nghe một bài diễn thuyết có giá trị. Đoạn rồi
đến lượt mình; ai đọc cứ ngồi chỗ nấy, không phải đứng dậy. Mình cố đọc cho to
tát dõng dạc để các cụ nghe cho dễ; xem dáng các cụ cũng chú ý nghe. Đọc hết
bài dừng lại thì thấy các cụ đều vỗ tay một hồi. Có ý nhận lúc ông giáo Đại học
đọc lúc nãy thì không có vỗ tay. Sau về nhà nói chuyện với cụ V. mới biết rằng
lệ thường ở Hội Hàn lâm nghe đọc những bài "thông cảo" không có vỗ
tay bao giờ, hôm nay các cụ đặc cách vỗ như thế là có ý biệt đãi vậy. Trong bài
"thông cảo" của mình có kể rõ về cái vấn đề giáo dục ở nước ta khó
khăn là dường nào và hỏi ý các ngài Hàn lâm nên giải quyết thế nào; lại có
trích dẫn mấy câu trong một bài đăng ở tạp chí Revue de Paris nói về cái
phong trào tự do độc lập ở các dân tộc Đông phương, bài không đề tên tác giả, nhưng
chính là của ông giáo Đại học Lévy Bruhl, cũng có chân ban Chính trị Hội Hàn
lâm này, viết từ sau khi ông đi du lịch Á Đông về (ông có qua cả bên ta nữa).
Ông ban trưởng bèn hỏi rằng những lời dẫn đó là của ai, mình trả lời như trên,
ông nói rằng ông giáo Lévy Bruhl chính là người trong ban Hàn lâm này, tiếc hôm
nay mắc bận không lại dự hội đồng để nghe diễn thuyết đó. Ông lại nói trong bài
diễn thuyết sở dĩ dẫn chứng lời của một vị Hàn lâm như thế thật là đủ tỏ rằng ý
kiến của Hàn lâm cũng không khác gì ý kiến của diễn giả. Diễn giả sợ cách giáo
dục của chính phủ Pháp ở nước Nam không phải đường, kết quả đến làm mất hết cái
cốt cách tinh thần của dân tộc An Nam, làm "mất giống" An Nam đi. Cái
hiểm tượng đó cũng đáng lo thật; diễn giả muốn hỏi tòa Hàn lâm nên làm thế nào
cho tránh khỏi. Vấn đề phiền phức, không thể trong một buổi thảo luận mà giải
quyết ngay. Nhưng tòa Hàn lâm xin chú ý; vấn đề đã trình bày ra như thế, hoặc
có ngài nào trong ban muốn nghiên cứu, sẽ có thư từ bàn bạc với diễn giả, và thử
nghĩ xem có cách nào giải quyết được ổn thỏa cả mọi đường; nếu quyết định được
một cái chương trình thỏa đáng, mà cả ban thuận nhận thời lâm thời Hội Hàn lâm
sẽ sẵn lòng vận động với chính phủ Đại Pháp cho có thể thi hành được. Hiện nay
hẵng xin cám ơn diễn giả đã có lòng tin cậy tòa Hàn lâm mà đem một vấn đề quan
trọng như thế trình bày cho biết một cách rõ ràng mà thâm thiết như vậy. - Nghe
diễn thuyết xong thì các người ngoài lùi về và hội đồng vào họp trong buồng
trong, để bàn việc kín.
Ở Hội Hàn lâm ra, về thẳng đường Saint
Germain để nói chuyện cho hai cụ biết. Hai cụ lấy làm mừng lắm. Lại nghe
nói khi đọc xong cử tọa có vỗ tay, hai cụ lấy làm lạ, nói xưa nay ít khi như
thế, lần này thế là các cụ Hàn có ý biệt đãi khách phương xa lắm đó. Hai cụ lại
nói rằng các ngài Hàn lâm thường không hay đến hội đồng đông bao giờ, ngay như
ở ban Văn học phải làm Tự điển mà mỗi lần cũng chỉ mươi lăm vị là cùng. Song
các bài “thông cảo” đều có đăng vào sách “Biên tập”, tức cũng như quyển tạp chí
của Hội, như thế thì người không đến nghe rồi cũng được đọc, tất có ảnh hưởng
to. Cụ ông hứa rằng nếu không ở Paris được lâu thì khi nào in bài vào sách
“Biên tập” của Hàn lâm, cụ sẽ thương thuyết với nhà in lấy riêng ra mấy trăm
bản, rồi gửi sang An Nam cho.
Về trọ nghỉ một lát, thay áo ta mặc áo Tây, rồi ra nhà Hội Association
Mutuelle des Indochinois (Đông Pháp Hỗ trợ Hội), ở đường Sommerard. Hội này là của học sinh An
Nam ta ở bên này lập ra đã mấy năm nay, bây giờ mới thuê được nhà, làm chỗ học
tập cho người đồng bang, hôm nay khánh thành hội sở mới, có mời Hoàng thượng và
quan Thượng thư Sarraut đến chủ lễ. Hội sở còn chật hẹp lắm, được có một phòng
lớn và vài ba cái buồng nhỏ, tân khách đứng chật cả. Chủ Hội là ông Cao Văn
Sen, người Lục tỉnh, sang bên này đã lâu, hiện làm kỹ sư và đã lấy vợ đầm ở
đây. Khi vua quan đã đến đông đủ cả, ông Cao đọc một bài diễn văn chúc mừng,
Hoàng thượng nói mấy câu trả lời, nhưng nhỏ quá, không nghe thấy tiếng gì cả,
rồi ông ngự tiền thông sự dịch ra tiếng Pháp. Đoạn, tân chủ chuyện vãn ít lâu,
rồi ông chủ Hội đem quyển “Kim thư” của Hội ra xin chữ ký Hoàng thượng và các
quan khách. Lệ thường các ngài danh giá ký vào sách “Kim thư” của các Hội hay
phê mấy câu, hoặc để khen lao, hoặc để khuyến miễn, và cũng để lưu chút tự tích
trong sách kỷ niệm của Hội. Khi dâng Hoàng thượng ta ngự phê thì thấy ngài cầm
quản bút ra dáng nghĩ ngợi, các quan Tây có ý chờ đợi ngóng trông, bọn mình thì
tưởng rằng chắc ngài nghĩ một bài thơ Nôm hay thơ chữ Đường luật hay tứ tuyệt
gì, nên mới lâu như thế. Lúc bấy giờ cử hội im phăng phắc, ai cũng để mắt vào
nhìn, có cái vẻ oai nghiêm vô cùng. Tưởng chừng đức Chí tôn ta, đương khi mấy
trăm con mắt ném ánh sáng vào bàn tay ngọc đó, - ngọc thật, vì ngài thường đeo
nhẫn kim cương quý giá lắm, - thời:
Tay tiên gió táp mưa sa,
Khoảng trên dừng bút thảo và bốn câu.
ngay tức
thì. Nhưng mà không! Cứ thấy cái quản bút quằn quại trên tay, mà không thấy
viết chữ gì. Năm phút, mười phút, mười lăm phút, người đứng chung quanh đã thấy
thì thào động đậy, kẻ nói nhỏ, người đưa mắt, anh em đồng bang mình thì vừa
nóng ruột, vừa động lòng. Sau mới thấy ngòi bút chuyển động; ai nấy thở dài!
Hỏi ra thì không phải thơ ngũ ngôn tứ tuyệt gì, chỉ có một câu chữ Hán rằng:
năm ấy, tháng ấy, đức Hoàng đế Việt Nam đến ngự nhà Hội, thế mà thôi - ấy đức
Chí tôn ngài viết một chữ một câu cũng thận trọng như thế…
XXVI
Thứ bảy, 22 (Tiếp
theo)[33].
… Thôi, kể ở Paris thế này cũng gọi là tiềm tiệm đủ rồi, vả xem chừng
túi cũng đã nhẹ, nên nghĩ đến qui kế thôi. Trong hai tháng trời, tưởng cũng đã
xem xét được khá, và cũng làm được một vài việc không đến nỗi tủi mặt con trai
Nam Việt. Chẳng dám đâu gọi là một cuộc tráng du, nhưng mắt thấy, tai nghe, óc
suy, bụng cảm, nó cũng nở nang mày mặt, mát mẻ tinh thần ra được một chút. Song
giấc mộng phải có lúc tàn, cuộc chơi cũng có giờ hết. Nào có đâu của vạn của
nghìn như ai mà dám triền miên nơi lạc cảnh. Trâu được thả rông bãi cỏ tốt,
nhưng gọi là nghỉ xác được ít lâu mà thôi; ruộng nhà còn bề bộn, phải mau mau
về mà kéo cầy trả nợ cho rồi. Nợ nam nhi nghĩ cũng nặng thay, thân yếu ớt gánh
sao cho nổi? Thôi thì đã sinh ra kiếp người An Nam, dù sướng, dù khổ, dù sang,
dù hèn, cũng tu cái kiếp ấy cho trọn vẹn. Đất nước người đẹp thật, nhưng vẫn là
của người; phong cảnh ta dẫu tre gai đất bùn, nhưng vẫn là của ta:
Ta về ta tắm ao ta,
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn!
Hôm nọ theo cái tư tưởng lãng mạn lông bông, cũng muốn nâng lòng uốn
trí mà miễn cưỡng cho cảm được cái thú của người. Nhưng mà:
Vui là vui gượng kẻo mà,
Ai tri âm đó, mặn mà với ai?
Nói cũng đáng tội, mình mến khách, khách cũng có mến mình. Cứ lấy cái
cảm tình cá nhân, không phải là không có vẻ đằm thắm. Nhưng mà đối với nghĩa cả
nước nhà, thì có sá chi cái tình riêng tri kỷ một vài người đó! Vả lại trong
cái bụng mến nhau, có lẽ cũng có một chút hiếu kỳ. Khi lòng hiếu kỳ ấy nhạt đi,
và cái tình thế hai nước rõ ra, thì lẽ chủng tộc bao giờ cũng mạnh hơn cảm tình
riêng. Ôi! Chủng tộc! Chủng tộc! Trong cái thế giới ồn ào rộn rịp này, biết bao
nhiêu là tiếng kêu tiếng gọi om sòm, khiến cho lòng người phân vân không biết
ngả theo đường nào, có tiếng gọi của chủng tộc, của tổ tiên là đối với người
hữu tâm vẫn có cái giọng thiết tha mà gióng giả hơn cả. Anh em ta phải nên lắng
tai mà nghe, cho biết đường mà tới, kẻo nữa do dự trù trừ, mơ màng phảng phất,
để cho cái phóng tâm nó lạc đi rồi khó mà thu về cho được. Lắm lúc trông thấy
những thú vui cảnh lạ của người ta, cũng muốn cho cái phóng tâm nó được tiêu
dao cho thỏa thích; nhưng nghĩ lại sức người có hạn, nếu để cho tán mạn đi mà
không biết thu thập lại, thời thành ra bông lông không có chủ đích gì, lâm thời
không biết hành động ra đường nào. Thôi thì bất nhược cứ thuận cái lẽ chung của
nòi giống mà đừng sai cái tiếng gọi của tổ tiên, dù đi hóng mát nơi nao cũng
chớ quên chốn cũ ao nhà, thế là phải đạo làm người hơn cả. - Song cũng có kẻ
hoặc vì cái lợi tâm, hoặc vì sự đãng trí, hoặc vì hiểu lầm sự lợi hại, hoặc vì
mua chuộc cái hư danh, đến tai sáng mà làm ra tai điếc, không để mà nghe tiếng
gọi đàn, thậm chí lìa đàn mình để theo với đàn người, bỏ làng, bỏ nước, bỏ
giống, bỏ nòi, bỏ quốc tịch, để theo ngoại tịch, thì thật không hiểu bụng họ
nghĩ ra làm sao. Cho dẫu vì nước mà bỏ nước cũng không đang, huống lại nhiều
khi vì những cớ nhỏ nhen không thể nói…
Viết thư xuống Marseille, hỏi cho đích hôm nào có chuyến tàu và xin giữ
chỗ sẵn. Dù thế nào cũng từ nay đến cuối tháng về Marseille để chực tàu. Nhưng
trước khi từ giã Paris, còn chỗ nào chưa xem nên xem nốt.
Chủ nhật, 23.
Nay đã quyết chí sắp về, còn ở đây mấy ngày nữa, ta nên lợi dụng hết
cái thời giờ ấy mà đi xem lấy ít nơi danh thắng ở Paris, vì bấy lâu tuy đi cũng
đã nhiều, nhưng còn lắm nơi vẫn chưa biết.
Sẵn có ô tô của ông V., hai anh em định suốt tuần lễ này đi xem cho
thật nhiều, không những trong châu thành Paris, mà đi cả các nơi phụ cận ở ngoài
nữa.
Hôm nay đi Maisons Laffitte,
ở về tây bắc thành Paris, cách độ 17 cây-lô-mét. Đấy là một cái ấp chừng một
vạn người ở về tả ngạn sông Seine,
cạnh rừng Saint Germain, thiên
hạ đến du lãm cũng nhiều, vì có một cái lâu thành cổ và một cái công viên lớn.
Lâu thành là một cái kỳ công có tiếng, làm tự thế kỷ thứ 17, theo kiểu của tay
kiến trúc kỹ sư Mansart (1642-1651). Thành lầu ở giữa, hào rãnh chung quanh,
coi ra trang nghiêm mà vững vàng lắm. Bây giờ là của nhà nước, dùng làm viện
bảo tàng, bày những đồ cổ về các vua Louis thứ 13, 14, 15, 16 và Nã Phá Luân.
Đi lên tầng gác, có một cái thang đá cuốn coi rất vĩ đại lực lưỡng, áp trần bốn
bên có bốn bức chạm cũng tinh xảo, mỗi bức hình ba đứa trẻ con đeo cánh tiên,
một bức hình “Khoa học” (Science), một bức hình “Canh nông” (Agriculture),
một bức hình “sự Đọc sách và sự Chiến tranh” (La Lecture et la Guerre),
coi hình thể dáng dấp những đứa bé xinh sảu, mũm mĩm, ngộ nghĩnh, dí dỏm vô
cùng. Đi xem khắp các phòng: nào là phòng hội tiệc, nào là phòng ăn, phòng ngủ,
phòng đánh bài của các bậc công hầu vua chúa đời xưa, đầy những cổ họa, cổ
tượng, cổ khí, cổ đồng. Nhưng mà đẹp nhất và quý nhất ở đây là những bức tranh
thảm kiểu Gobelins hình những cảnh điền viên, cảnh săn bắn, cảnh trận
mạc. Nghề dệt thảm này cũng như nghề dệt gấm ở bên ta, mà thành từng bức tranh
rộng từng gian nhà một, thật khéo quá. - Xem nhà bảo tàng xong ra xem công viên
gần đấy; vườn “kiểu Pháp” (jardin Français), nghĩa là bằng phẳng thẳng
thắn, bụi cây bãi cỏ, đường dọc lối ngang, như căng bằng dây, vạch bằng thước
cả, tuy không có cái vẻ tịch mịch, u nhã như vườn “kiểu Anh” (jardin Anglais)
nhưng có cái vẻ oai vệ trang nghiêm. Trong vườn có cái tượng đứng vua Nã Phá
Luân. Hôm nay tuy ngày chủ nhật, nhưng khách du thưởng cũng ít, và phần nhiều
là người ngoại quốc.
Về Paris ăn cơm trưa, nghỉ ngơi một chút, rồi lại lên xe đi về phía Bắc
châu thành, không chủ định đến đâu cả, cứ chạy liều, chắc rằng thế nào cũng có
chỗ đáng xem. Cách Paris 7 cây-lô-mét có thành phố Saint Denis, coi ra đông đảo sầm uất lắm, nhưng định đến chiều
trở về sẽ dừng lại xem, nay hẵng đi quá lên trên một ít nữa xem đến đâu. Đi
chừng năm cây nữa thì đến một nơi hồ núi mát mẻ, lầu các nguy nga, bóng cây
lồng bóng nước, chiếc thuyền bơi giữa hồ, phong cảnh thanh nhàn đẹp đẽ quá,
đành đỗ xe vào quán nghỉ chơi. Hỏi ra thì đây chính là hồ Enghien, là nơi hóng
mát cho những khách sang trọng miền này, và lại là nơi có ôn tuyền để cho khách
dưỡng bệnh đến đây tắm và uống nước. Trên bờ hồ san sát những nhà lầu, nào là
khách sạn, nào là ca lâu, nào là đổ trường, nào là kịch quán, thật là chốn ăn
chơi phong thú. Hồ rộng bằng hồ Tây của Hà Nội ta, nhưng vẻ đẹp thiên nhiên mà
lại có thêm tay người tô điểm, coi cũng ra một cái “hồ văn minh” lắm. Có chỗ
nhà ở ngay liền hồ, có bực đá bước xuống; lại có chỗ đặt bao lơn để cho du
khách đứng hóng mát; chỗ này thì để hẳn từng dãy thuyền bơi, chỗ kia thì đỗ dăm
mươi chiếc tàu máy, ấy là chực có khách nào muốn “hồ thượng phiếm châu” hay là
“tùy ba đái kỹ” thì đã sẵn sàng hết cả. Chắc đã có những hội buôn kinh lý,
những công ty lĩnh trưng cả rồi. Trời hôm nay lại hơi nóng, đứng đây hóng mát,
kể cũng khoái thay! Vụt thấy người chạy xôn xao, kẻ kêu người gọi; hỏi ra thì
nghe đâu có người nào chết đuối ở ngoài xa kia, bọn thủy thủ đổ nhau ra cứu, nhưng
ở tận tịt mù đàng kia, không biết có cứu được không. Hay là đôi uyên ương nào
ngồi hú hí với nhau trong “ca nô” chưa thỏa, lại muốn cùng nhau xuống tắm dưới
hồ chăng? Nghe đâu những cái “lạc cảnh trung chi bi kịch” đó, ở đây xẩy ra là
sự thường. Có khi thời anh chị quá vui, đưa nhau ra những nơi hẻo lánh, rồi đêm
khuya chèo về, lạc lối đâm vào bụi rậm. Có khi thời ra đến giữa dòng, buông
chèo mặc gió, phỉ chí vẫy vùng, chợt thuyền nghiêng, đâm nhào cả xuống nước…
Khi trở về đỗ ở Saint Denis,
vào xem nhà thờ. Nhà thờ đây kiểu “gô tích”, làm từ thế kỷ 12 và 13, là một nơi
giáo đường cổ nhất ở nước Pháp. Phần nhiều những lăng tẩm các bậc vua chúa nước
Pháp từ đời Trung cổ đến giờ đều họp ở đây cả, từ vua Dagobert cho đến vua
Louis XVI. Nhà tẩm ở trên, còn nhà mồ ở từng hầm dưới, đựng quan quách các vua
chúa. Những lăng đẹp nhất là lăng vua Francois I, kiểu đời “Phục hưng”, cột
cao, cửa cuốn, bệ vuông, mái bằng, trên bệ ở bên trong thời có tượng vua và bà
phi nằm song song, trên mái lại có tượng vua, bà phi, một vị công chúa, hai
người thị thần quỳ chắp tay cầu nguyện, toàn bằng cẩm thạch cả; lăng vua Henri
II và bà phi Catherine De Médicis, cũng có tượng nằm và tượng quỳ bằng đá như
kể trên, mà bốn góc lại có bốn bức tượng đồng lực lưỡng hình các công đức của
nhà vua; lăng vua Louis XII và bà Anne De Bretegne, hình chữ nhật như cái nhà
táng lớn, bốn bề tượng đá la liệt; lăng vua Dagobert như hình cái khám đá chạm
trổ rất tinh vi. Nhà thờ này thật là một nơi bảo tàng về nghề chạm khắc nhà mồ
ở nước Pháp. Xem xong trên, xuống dưới hầm là chỗ để quan quách các vua chúa.
Hầm xây cuốn, chia ra từng hàng từng dẫy, cũng có cái mồ kiến trúc đẹp, nhưng
phần nhiều là chỗ để xác thôi, không có quy mô tráng lệ như các nhà tẩm ở trên.
Xem nhà thờ này mới biết cái lịch sử rực rỡ lâu dài của nước Pháp, và
biết cái công nghiệp của các bậc đế vương Pháp đối với lịch sử ấy thế nào. Nước
Pháp ngày nay là một nước dân chủ, nhưng cái công đề tạo thật là ở mấy mươi đời
quân chủ cho đến giờ. Coi những tượng đá các vua chúa nằm la liệt ở trong nhà
giáo đường này, thật như toát yếu được cả mấy thiên quốc sử vẻ vang của Pháp
vậy. - Xem người lại ngẫm đến ta: ở nước ta ngày nay, trừ mấy nơi lăng tẩm ở
Huế là thuộc riêng nhà Nguyễn, còn có nơi nào là gồm được cả quốc sử Việt Nam
như nhà thờ Saint Denis này đối
với lịch sử nước Pháp? Nhà vua nào phát tích ở đâu thì có đền thờ riêng ở làng
mình, như nhà Đinh ở Hoa Lư, nhà Lý ở Đình Bảng, nhưng kiến trúc sơ sài, nhiều
khi cũng tương truyền là nơi cố chỉ ở
đó, chứ vị tất đã biết đích là mồ mả ở đâu. Lại còn có cái thói khả ố là nhà
nào nổi lên cũng muốn diệt hết dấu vết của người trước mình đi, nói là để
“tuyệt dân vọng”. Thành ra những cổ tích quan hệ đến quốc sử ngày nay không còn
gì nữa. Ngay ở Hà Nội là nơi Thăng Long cố đô, mà bây giờ cung vua Lê, phủ chúa
Trịnh, dấu vết của vua Tây Sơn mất đâu cả? Ấy cũng là một điều khổ tâm cho kẻ
hữu tâm với nước nhà vậy.
Nhà thờ Saint Denis
cũng từng qua có hồi lầm than, như hồi Đại Cách mệnh, đảng Cách mệnh cho chỗ
này là chỗ kỷ niệm mấy mươi đời quân chủ chuyên chế, đến tàn phá, khai quật
lăng tẩm lên, vứt bỏ hài cốt đi cũng nhiều, và dùng nhà thờ làm chỗ để lúa.
Nhưng qua một hồi cuồng nhiệt như thế, rồi đảng Dân quốc lại lấy làm hối, và từ
sau đời đời tu bổ để vừa làm một nhà bảo tàng về mỹ thuật bản quốc, vừa làm một
nơi công miếu để kỷ niệm công đức những đế vương các tiền triều. Ngày nay khách
du quan vào đến đây, không thể không cảm phục cái lịch sử xán lạn của nước
Pháp.
Nhưng trời sâm sẩm tối mà một mình đứng giữa đám người đá nằm sóng sượt
cả ra như thế này, nghĩ cũng rùng mình rợn tóc. Lại nhà thờ to rộng, tiếng
người om om, dưới hầm thăm thẳm, hơi đá lạnh lùng, tưởng như hồn người chết còn
lẩn khuất ở cả đâu chốn này, và đêm khuya thanh vắng, những tượng đá kia sẽ
dựng dọc dậy mà cùng nhau ngồi thì thầm những chuyện thiên cổ. Phải để cho Liêu
Trai chủ nhân vào ở đêm trong hầm này để làm truyện mới thú…
Lúc trở về đi quanh ra qua trường tàu bay Le Bourget, nhưng đã chiều tối, không dừng lại xem.
Thứ hai, 24.
Hôm nay định đi chơi nhưng trời mưa cả ngày, nhân ở trọ viết thư từ
biệt các chỗ bạn bè quen thuộc ở đây để cuối tháng xuống Marseille, quyết
chuyến tàu sau là về. Lại nhân thể soạn những sách vở mua trong hai tháng nay,
chất đầy cả trên lò sưởi và trong tủ áo. Gặp sách gì cũng mua, để ùn lên đấy,
không nghĩ đến lúc đem về thế nào. Có mấy cái rương đựng quần áo, cố xếp vào
không tài nào đủ. Phải gọi thợ mộc đóng một cái lớn nữa để mới vừa, hôm nay nhặt
nhạnh xếp cả vào, cân nặng tới hai trăm cân. Những cartes postales cũng
đã chật một cái va li nhỏ rồi; đến nơi nào, xem chỗ nào cũng mua, anh em đã
phải cho là dở người!
Thứ ba, 25.
Sớm thăm các quý quan ở Kinh tế cục để từ giã và dặn về việc in bài diễn
thuyết ở trường Thuộc địa. Ý muốn khi in xong thì gửi tặng ít nhiều người mình
quen biết ở đây, có kê ra một cái sổ để lại.
Buổi chiều vào chơi trong công viên Tuileries. Đây là một nơi vườn hoa đẹp nhất ở thành Paris, ở vào
sau cung Le Louvre. Trước đây
là cung Tuileries, vua Louis
XVI ở đây, sau bị phá, bây giờ làm thành nơi công viên, trong có bụi cây, bể
nước, tượng đá, tượng đồng, xem đến mấy giờ đồng hồ không hết. Nhất là tượng ở
trong này thì không biết bao nhiêu mà kể, có tới mấy trăm pho, không phải toàn
là kỷ niệm danh nhân, phần nhiều là những tượng tả thực, như tượng một con hổ
với con cá sấu cắn nhau, con sư tử với con công, nét chạm mạnh mẽ, và rõ rệt
như thực, tượng những nhân vật trong truyện thần tiên Hy Lạp, tượng biểu hiện
về cảnh tứ thời, cảnh triêu dương, tịch dương, v.v..., toàn là hình đàn bà cả.
Vườn này tức cũng là một nơi bảo tàng lộ thiên về nghề điêu khắc nước Pháp. -
Vườn dài tới một nghìn thước, rộng ba bốn trăm thước, chung quanh rào sắt cả,
một mặt trông ra sông Seine. Kiểu vườn là kiểu của Le Nôtre, là nhà công trình sư có tiếng về đời vua Louis thứ
XIV, vì trong vườn có hai phần, một phần cũ là vườn ngự uyển khi xưa, một phần
mới là sau khi cung bị phá làm rộng thêm ra cũng theo một quy mô như trước.
Nhân vì cái qui mô đây đẹp lắm, tiêu biểu được tuyệt phẩm cái kiểu vườn
gọi là “vườn Pháp” (jardin Français), và trong có nhiều những tượng đẹp
của các nhà điêu khắc đại danh xưa nay, nên khách du lãm các nước đến đông lắm,
không phải như một nơi vườn hoa thường vậy. Mười giờ tối thì đóng cửa, không
cho ai vào xem nữa.
Ở Paris có những nơi công viên như chốn này, thật là những trường học
mĩ thuật tự nhiên cho người ta, đến đây là con mắt được thỏa thích ngắm những
hình thể đẹp của con người gây dựng ra để tô điểm thêm cho cái cảnh phong quang
một chốn danh đô.
Ở Đông phương ta chắc cũng có nhiều nơi hoa viên đẹp. Nghe nói Bắc Kinh
có Di Hoà Viên, Đông Kinh có vườn Thượng Dã. Nhưng lối vườn Đông phương với lối
vườn Tây phương có khác nhau nhiều; đừng gì ngay một khoản tượng hình người thì
chắc là những công viên bên Đông ta ít có. Vì cái tinh thần của hai mỹ thuật
khác nhau: mĩ thuật Đông phương trọng về thiên nhiên, mĩ thuật Tây phương trọng
về nhân tạo. Muốn quan sát cho khỏi lầm thì bao giờ cũng phải nhớ điều đó. Cho
nên vườn ở bên ta có cái vẻ u tịch, có nhân công kiến trúc thời là những đình,
những tạ, những núi giả, những lan can, ẩn ước ở trong bụi tùng, khóm trúc, vẫn
có cái khí vị thiên nhiên. Vườn của Tây và thứ nhất là của Pháp thời ngang bằng
sổ ngay, như kẻ như vạch, cây xén cho bằng nhau, cỏ cắt cho đều đặn, rồi những
tượng đá, tượng đồng bày ra la liệt, đường ngang lối dọc đối nhau răm rắp, phần
nhân công át hẳn vẻ thiên tạo. Ấy hai cái tinh thần khác nhau như thế, mà không
những một về mỹ thuật, về các phương diện khác nhận kỹ ra cũng thấy như thế.
Thứ tư, 26.
Buổi sáng đi Vincennes
vào thăm ông De Casanova, trước làm quan cai trị ở bên ta, nay về hưu trí ở
đây. Ông này là người hiền hậu đạo đức, khi còn làm quan, đến đâu cũng để tiếng
tốt trong dân gian. Lại là người thông thạo về pháp luật, đã từng biên tập
những luật lệ hiện hành ở Đông Pháp thành mấy pho sách dày, các nhà hành chính
thường tra khảo đến luôn. Ông ở đây với phu nhân, có trông nom cho mấy người
học sinh An Nam sang học bên này, xem ra ân cần chăm chút như con cái nhà vậy.
Nói chuyện bên An Nam, ông lấy làm vui vẻ và có ý nhớ tiếc.
Hôm qua xem vườn Tuileries
vừa mới phiếm luận về mĩ thuật Đông Tây, nói rằng mĩ thuật Tây phương trọng
phần nhân tạo hơn vẻ thiên nhiên. Nay đi xem vườn Buttes Chaumont, ở về phía Đông Bắc Paris, có núi non gò đống,
có cây cối rậm rạp, có đường đi khuất khúc, có hồ, có thác, có đỗng, có cầu, có
đường xuyên sơn, có lối men nước, quanh co ẩn ước, thật là một cảnh lâm toàn ở
giữa nơi thành thị, như thế thời mĩ thuật Tây phương không phải là không biết
trọng về vẻ thiên nhiên vậy. Song có ý nhận kỹ, dẫu có đá, có nước, có vẻ thanh
u, nhưng cái công trình của người ta vẫn còn lộ ra lắm, như cái cầu sắt treo
kia, thì thật là cái công nhà kỹ sư muốn nối liền hai quả núi, dây tam cố buộc
chằng bên nọ sang bên kia như trói buộc cả nham thạch vậy. Đá mà cũng bị trói,
ấy là tiêu biểu cái văn minh hùng cường của Thái Tây thắng đoạt cả Tạo vật vậy.
Nhưng sức người mạnh quá, không khỏi giảm mất cái phong thú của trời đất. Dẫu
đứng trong vườn này, là nơi cảnh trí u sầm nhất ở Paris, mà cũng chưa được cảm
sâu cái phong thú đó, thì đủ biết vậy.
Xét ra vườn này là một đám gò đống cao, trước làm mỏ đá vôi, mà đá thì
trơ trụi cả, không có cây cỏ gì hết (cho nên gọi là Chaumont = Monts Chauves,
nghĩa là núi hói). Năm 1866-1867, ông Haussmann làm quận trưởng quận Seine, - ông này có công sửa sang cho
thành phố Paris nhiều lắm, - định mở mang xóm chỗ này là xóm thuyền thợ ở (tức
là xóm Villette), bèn lợi dụng
đám gò đống đó mà làm một nơi công viên. Sẵn giữa có một cái hồ, đắp đá làm một
ngọn núi ở giữa cao 50 thước, trên đặt một cái vọng đài kiểu Hy Lạp, đứng đấy
thu quát được toàn cảnh cả vùng đó. Rồi xẻ núi làm đỗng, chắn nước làm thác,
trồng cây các khe đá, bắc cầu ngang qua hồ, đặt những đường vòng quanh khuất
khúc, chỗ thấp chỗ cao, chỗ chon von trên sườn núi, chỗ len lỏi dưới bờ hồ,
khéo lợi dụng một cái mỏ đá bỏ hoang mà làm nên một chốn du lãm thanh nhàn ở
giữa nơi phồn hoa náo nhiệt. Nhân công mà sửa sang được như thế, cũng đáng cảm
phục thay!
Xóm này ở gần cửa ô, những bình dân thợ thuyền ở đông. Trong vườn thấy
vô số những đàn bà bồng bế con đến chơi mát, chắc là vợ những thợ thuyền, chồng
đi làm ở nhà trông con vậy.
Vườn này là cái vườn có vẻ lâm toàn hơn nhất, vậy mà tượng đồng, tượng
đá cũng còn thấy đến mươi mười lăm chiếc rải rắc mọi nơi: có tượng “Cứu người
chết đuối”, tượng “Bị chó sói cắn”, tượng “Lội sông”, tượng “Giặc bể”, tượng
“Săn chim diều”, v.v…, toàn là những trạng thái sinh hoạt ở các miền núi sông
rừng bể cả, cũng có cái vẻ tự nhiên.
Trong vườn có hàng quán, ăn cơm, uống nước, nghỉ mát, sẵn sàng cả.
Đến chiều lại lên xe đi ra ngoài thành phố chơi. Tối vừa đến Suresnes, cách thành phố mười
cây-lô-mét, ăn cơm ở hàng cao lâu “à
la belle Cycliste”. Cảnh trí chỗ này cũng đẹp lắm, ở sườn núi về tả ngạn
sông Seine, đối ngạn ngay với rừng Boulogne
ở bên kia, hai bên chỉ sắc cây xanh ngắt một mầu, tối đến đèn thắp lên lác đác
trong bụi cây, coi rất là ngoạn mục. Cả vùng chung quanh thành Paris này thật
là cảnh sơn thanh thủy tú. Giá có công việc ở bên này lâu, thì nên kiếm nhà ở
ngoại châu thành, như nơi Suresnes
này, sáng sáng ra Paris làm việc, chiều chiều lại về đây ở, cũng thú.
Thứ năm, 27.
Hôm nay đi xem suốt cả ngày, cố xem cho được nhiều nơi, kẻo còn mấy hôm
nữa phải từ biệt Paris, không biết bao giờ lại trở lại được.
Nhà thờ Notre Dame thì
đã vào mấy lượt, nhưng chưa lần nào xem được kỹ. Sáng hôm nay định vào xem cả
trong kho tàng cho được tường tận. Nhà thờ Notre Dame thì đã có tiếng là một nơi giáo đường đẹp nhất trong
thế giới; có nơi khác to lớn hơn nhiều, hoặc có một vài phần tuyệt đẹp, nhưng
không đâu cái quy mô thể thế chung được xứng hợp bằng ở đây. Kiểu “gô tích”,
khởi công tự thế kỷ thứ 13, sửa sang thay đổi mãi, đến thế kỷ thứ 14 mới hoàn
thành, nhà chuyên môn cho là gồm được cả cái tinh hoa nghề kiến trúc về đời
trung cổ. Ngày nay làm nhà thờ chính thành Paris, cho nên ở trong trang hoàng
lộng lẫy lắm. Đi xem một lượt trong nhà thờ, rồi vào nhà “nạp thất” (sacristie)
ở bên hữu, là chỗ để kho tàng các vật quý của nhà thờ. Có mấy ông cố phần việc
ở đấy, khách du lịch muốn vào xem thì phải đợi vào từng chuyến 15, 20 người
một, cố đưa vào các buồng, chỉ từng đồ vật mà cắt nghĩa cho nghe. Nhận ra những
người vào xem đây, người Pháp ít mà người các nước đông lắm. Đồ để trong kho
toàn là đồ vàng ngọc, gấm vóc, mà cổ đã mấy trăm năm cả, mỗi cái đồ là có quan
hệ trong lịch sử, hoặc lịch sử của Giáo hội, hoặc lịch sử của nước Pháp. Như có
cái áo long cổn của vua Nã Phá Luân mặc khi chịu lễ gia miện ở nhà thờ; một cái
câu rút bằng vàng của vua tặng nhà thờ; một hình đức chúa Giê su bằng ngà;
những đồ thờ đồ tế như tế tước (calice), thánh thể khí (ciboire),
quan thị đài (ostensoir) bằng vàng bạc châu báu, chạm khảm công phu lắm;
còn những áo xiêm tế của các chức trong nhà thờ thuộc về các đời trước, xếp đầy
từng tủ, không biết bao nhiêu mà kể, mà trông cái nào cũng đầy những vàng ngọc
rực rỡ cả.
Xem xong nhà thờ chính, rồi ra xem Toà án (Palais de Justice),
vào trong đó phòng nọ viện kia như mê li, không biết đường nào mà bước. Kể cũng
không có gì mà xem, và chủ ý chỉ muốn xem nhà thờ Sainte Chapelle ở cạnh đấy, phải đi qua Toà án mới sang được. Sainte Chapelle là một cái nhà thờ
nhỏ của các đời vua dựng lên về thế kỷ thứ 13 ở trong cung để làm chỗ chiêm lễ
riêng của nhà vua, có một từng dưới và một từng gác, từng dưới thì để cho các
thị thần, từng trên thì để cho các vua chúa và các công hầu ngồi chầu lễ. Nhà
nhỏ, thấp, nhưng mà chạm trổ tinh tế, trong làm toàn bằng gỗ “sên”, sơn son
thếp vàng cả, các cửa sổ lồng kính vẽ cổ lắm. Sánh với các nhà thờ khác thì nhà
thờ này ví như một cái khám nho nhỏ xinh xinh mà tinh xảo công tế vô cùng. Cũng
thuộc về kiểu “gô tích”. Ngày nay không dùng làm nhà thờ nữa, giữ làm nơi cổ
tích mà thôi.
Thế là buổi sáng xem cũng đã được nhiều.
Buổi chiều xem nhà bảo tàng Cernuschi,
ở cạnh vườn Monceau, rồi xem
nhà Thị sảnh Paris. Viện bảo tàng Cernuschi nguyên của một nhà hiếu cổ tên là
ông Cernuschi sưu tập được nhiều những đồ cổ của Tàu và của Nhật, đã có tiếng
trong thế giới, năm 1905 ông mất đi tặng lại cho thành Paris làm nhà bảo tàng
chung. Trong đó những đồ đồng, đồ sứ, tượng Phật, tượng thần, tranh cổ, chữ cổ,
quý giá vô cùng. Có một cái tượng Phật bằng đồng ngồi toà sen, của Nhật Bản,
cao đến 10 thước, coi rất vĩ đại. Lại có một cái bình hương hình con rồng uốn,
cũng ly kỳ lắm. Thôi những đồ quý và đồ lạ ở đây thì không biết bao nhiêu mà
kể. Ông chủ nhân này cũng là một tay chơi hào, đã phí mất bao nhiêu tiền bạc,
bao nhiêu công phu mới mua được bấy nhiêu thứ, mà đến khi chết để lại cho công
chúng cùng hưởng chung.
Ở đây rồi ra xem nhà Thị sảnh, tức là tòa Đốc lý thành Paris. Nhà này
mới làm, rộng tới hai ba phố. Có người dẫn đi xem các phòng tiếp khách và phòng
hội đồng, thôi thì thực là trang nghiêm tráng lệ, xứng đáng với nơi danh đô đệ nhất
trong thiên hạ, không bút nào tả cho hết được.
Thứ sáu, 28 tháng
7.
Định đến mồng 1 tháng 8 xuống Marseille, còn có vài ba ngày nữa, những
chỗ danh thắng nào ở kinh đô chưa kịp xem muốn đi xem cho hết. Thật là cố xem
lấy được. Một ngày hôm nay đi không biết bao nhiêu chỗ, từ sáng đến chiều,
không nghỉ chân một lúc nào.
Buổi sáng xem đền kỷ niệm vua Louis thứ 16 (gọi là Chapelle
expiatoire, nhà thờ giải oan), ở đường Haussmann, trước ngay cửa nhà “Đông Pháp ngân hàng”. Vua Louis
thứ 16 cùng bà phi Marie Antoinette nước Pháp, bị chính phủ Cách mệnh xử tử năm
1793, trước chôn ở đây, năm 1815 mới cải táng đem về nhà thờ Saint Denis. Chỗ này nguyên là một
cái mộ địa chôn có tới ba nghìn người bị chết về đời Cách mệnh: Mme Roland, Charlotte
Corday, Danton, Camille Desmoulins, Lavoisier, v.v…, cũng chôn ở đây cả. Lại
chôn xác ngót một nghìn người lính thị vệ Thụy Sĩ bị giết ở cung Tuileries ngày mồng 10 tháng 8 năm
1792. Vậy thời nơi này thật là một cái trường hy sinh của đời Cách mệnh nước
Pháp. Cuộc Cách mệnh năm 1789, người đời vẫn gọi là Đại Cách mệnh, vì trước
nhất xướng ra cái chủ nghĩa Nhân quyền, Dân quyền, đối với cái chủ nghĩa Thần
quyền, Quân chủ, và tự đấy về sau cái phong trào tự do bình đẳng mới tràn khắp
trong thiên hạ. Các nước dân chủ và lập hiến ngày nay phần nhiều là chịu ảnh
hưởng cuộc Đại Cách mệnh ấy cả. Nay cách ta hơn trăm năm, coi xa tưởng như một
cuộc lý tưởng vận động, rất là khoan hồng, rất là cao thượng, như phảng phất có
cái gió mát Tự do, có cái hương thơm Bác ái, xa đưa truyền lại đến tận ta.
Nhưng đọc sử mới biết rằng cổ lai dễ không có cuộc sát lục nào gớm ghê bằng hồi
bấy giờ, - vì lý tưởng mà giết hại nhau, mới lại càng ghê nữa, - và gió mát kia
chính là cái gió sầu thảm, hương thơm kia chính là cái mùi tanh hôi của mấy nghìn
vạn con người chết oan ở dưới lưỡi dao đoạn đầu đài, đống xương vô định chất
lên tưởng bằng mấy mươi đầu người vậy. Cho nên người đời không thể tiến bộ mà
không phải đổ máu, và giọt máu đào của kẻ sinh linh, ấy là cái đại giá cho cái
báu tự do độc lập ở đời vậy. Đã biết cái bài học khốc hại của lịch sử đó mà
bước chân vào vãn cảnh chốn này, trong lòng thật là ngậm ngùi ngao ngán.
Sau khi đem di hài vua Louis thứ 16 và bà phi Marie Antoinette về nhà
thờ Saint Denis rồi, thời năm
1815 vua Louis thứ 18 hạ lệnh xây đền kỷ niệm này. Ngoài sân là mộ những nhân
dân và binh lính bị hại, cả thảy ba bốn nghìn người, nhiều quá không thể để nấm
được hết, nay bình trị làm vườn hoa cả; chỉ trừ hai bên làm như hai dẫy hành
lang dài có xây mồ bằng đá tử tế, đấy là để hài cốt một nghìn lính thị vệ bị
giết ở cung Tuileries. Trong
đền có hai bức tượng vua và bà phi bằng đá, tượng vua thời hình vua quị xuống
giơ hai tay ra, một vị thiên thần có cánh một tay đỡ lấy, một tay chỉ lên thiên
đàng, dưới bệ có khắc lời di chúc của vua; tượng bà phi thì hình bà ngồi, tóc
rũ rượi, sõa tay ra ôm lấy một người đàn bà tay cầm cái “câu rút”, mặt nghiêm
nghị và rầu rầu, người đàn bà này là biểu hiện Tôn giáo an ủi kẻ đau khổ, dưới
bệ cũng khắc lời bức thư cuối cùng của bà viết cho bà công chúa em. Đền không
có gì lạ, kể về đường mỹ thuật thì cũng tầm thường mà thôi, nhưng đã biết
chuyện những cái thảm trạng kỷ niệm ở đây, nên vào xem không khỏi động mối
thương tâm, và khi bước chân ra về trong lòng luống những bùi ngùi. - Nhân mua
một tập tranh để ghi nhớ, trong có ảnh cả bản chúc thư thủ tự của vua và bà
phi. Lời di chúc của vua có câu rằng: “Tôi là Louis thứ 16, vua nước Pháp, hiện
nay đương cùng với vợ con bị giam ở ngục Temple
tại Paris, mà kẻ làm tội tôi chính là kẻ thần tử tôi. Tự ngày 11 tháng này, tôi
không được thông tin với ai, với vợ con tôi cũng không được. Lại phải can vào
một cái án không biết sống chết thế nào, vì nhân tình trắc trở, nhân tâm hiểm
độc; mà gây ra cái án ấy, thật không bằng cứ ở luật pháp nào; thôi thì chỉ biết
cầu Thiên chúa chứng giám cho tấm lòng tôi mà thôi. - Vậy trước mặt Thiên chúa,
tôi xin biên ra mấy lời di chúc như sau này. Còn linh hồn tôi, thì tôi xin ký
thác ở nơi bề trên, là đấng sáng tạo ra muôn loài, xin bề trên khoan dung thâu
nạp, đừng thẩm phán theo công tội của tôi mà thẩm phán theo công đức của Đức
chúa Giê su chúng tôi đã xả thân chuộc tội cho loài người… Tôi sẵn lòng thành
thực tha thứ cho những kẻ cừu thù tôi, thật tôi không hề làm chi nên nỗi. Tôi
lại cầu Thiên chúa tha thứ cho họ, cùng cả những kẻ vì trung thành với tôi
không phải đường mà làm hại cho tôi thật nhiều quá… Con trai tôi, chẳng may mà
lại phải làm vua, thì tôi dặn nên đem hết lòng hết sức mưu đường hạnh phúc cho
sinh dân; bao nhiêu những điều oán nỗi thù, nên bỏ quên đi hết cả, nhất là
những sự khổ hại tôi đương phải chịu bây giờ; phải biết rằng muốn mưu hạnh phúc
cho dân thì phải trị dân theo phép luật, nhưng cũng phải biết rằng muốn làm ông
vua cho xứng đáng và thi hành được cái bụng tốt đối với kẻ thần dân, thời phải
có đủ quyền lực mới được, nếu không thời phàm hành động phải bó buộc, không có
oai quyền đủ khiến sợ, lại thành ra hại hơn là lợi cho dân…”. - Xét cái khẩu
khí đó, không phải là ông vua độc ác chi. Trong sử cũng chép rằng vua Louis thứ
16 vốn người nhân từ, có bụng thương dân. Nhưng vua là tiêu biểu cái chính
chuyên chế, mà chính chuyên chế ở nước Pháp thời tích lệ đã lâu đời rồi, bấy
giờ là đến kỳ giải quyết một cách bạo động, không sao tránh khỏi được. Cái
phong trào cách mệnh đã nổi lên bời bời, dẫu làm người nhân hậu mà gặp vào hồi
ấy cũng không bảo toàn được; âu cũng là cái công lệ thiên nhiên của lịch sử
vậy. Tuy vậy mà nghĩ cũng ái ngại thay!
Ở đấy ra, đi xem nhà Bảo tàng các nghề trang sức (Musée des arts
décoratifs), đặt ở điện Marsan,
thuộc về cung Le Louvre bây
giờ, tức là phần cung Tuileries trước. Nhà bảo tàng này là của một hội tổ chức
ra: Mỹ nghệ trung ương Tổng hội (Union centrale des arts décoratifs), tự
năm 1905, họp được đến 2 vạn các đồ mỹ nghệ cũ mới, bày chật bốn tầng điện; lại
có một cái thư viện hơn một vạn quyển sách và 60 vạn các thứ tranh ảnh về các
mỹ nghệ, cho thiên hạ vào xem. Mỹ nghệ có khác với mỹ thuật, người Âu Tây phân
biệt rõ lắm. Mỹ nghệ tức là các nghề trang sức, nghĩa là đem các tài khéo mà
chế tác ra các đồ đẹp để ứng dụng cho người ta, để tô điểm cho nơi ăn chỗ ngồi
được vui vẻ rực rỡ. Những đồ bày trong nhà, đồ dùng vào người, đồ gỗ, đồ sứ, đồ
dệt, đồ đồng, đồ thêu, đồ khảm, đồ vàng bạc, v.v…, toàn là đồ mỹ nghệ, vì là đồ
để trang sức. Đến như mỹ thuật thời lại cao hơn một tầng: mỹ thuật thời chỉ chủ
sáng tạo ra sự đẹp, không cần gì ứng dụng ra việc đời: vẽ một bức tranh, chạm
một pho tượng, cốt thế nào cho tài khéo thần tình, diễn được hết cái ngụ ý thâm
trầm của tác giả chứ không quản là pho tượng bức tranh ấy dùng được việc gì.
Nếu được việc, như đặt vào nơi nào, bày vào chỗ nào xứng đáng thì càng hay,
nhưng không chủ như thế. Nhà mỹ nghệ khéo, chỉ là một tay thầy nghề; nhà mỹ
thuật khéo, mới là một tay tài tử. Cổ lai ở Âu châu có ba mỹ thuật danh giá
nhất: nghề hội họa, nghề điêu khắc và nghề kiến trúc. Cho nên các viện bảo tàng
chỉ nhiều nhất là tranh với tượng, như viện Le Louvre về mỹ thuật cổ, viện Luxembourg về mỹ thuật kim, v.v... Đến như nhà bảo tàng mỹ nghệ
xem hôm nay thì thật đủ các thứ đồ kiểu, từ thế kỷ thứ 13, 14 cho mãi đến ngày
nay: bàn, ghế, giường, tủ, bát, đĩa, lọ, cốc, tượng đồng, tượng đá, đồ sứ, đồ
sành, đồ đồng, đồ khảm, đồ nữ trang, quần áo, khăn thảm, không thiếu thứ gì,
bày theo từng kiểu và từng thời đại; xem kỹ có thể biết được các nghề trang sức
của nước Pháp từ xưa đến nay thay đổi và tấn tới thế nào. Đồ sứ Sévres và đồ dệt Gobelins, xưa nay vẫn có tiếng, kể
cũng tinh xảo thật.
Xét ra ở nước Nam ta mới có các mỹ nghệ là thịnh, phàm nghề khéo toàn
là những nghề trang sức cả, còn mỹ thuật thời chưa có gì sánh được với các
nước; nhưng ngay trong mỹ nghệ cũng chưa có kỷ luật, chưa có thể thống gì, chưa
phân rõ các kiểu cách, các thời đại, các lề lối, các phương pháp; thợ thuyền,
phần nhiều là người vô học, phi quen tay phóng lại lối cũ, thời bắt chước chép
của người ngoài, thành ra tay có khéo mà trí không khôn, không biết biến báo mà
vẫn giữ được tinh thần cốt cách cũ, tồn cổ mà khéo ứng dụng về đường sinh hoạt
mới, nói tóm lại là không có cái trí sáng khởi khôn ngoan gây ra được trong mỗi
nghề một cái “thể thức” (un style) trang nghiêm mà đặc biệt. Cho nên các
nhà nghề ta, không thể bằng cả ở cái tay khéo được, cũng phải tập cho có cái
trí khôn nữa. Nay muốn gây lấy cái trí khôn ngoan trong mỹ nghệ, khiến cho có
tinh thần, có “thể thức” thời không gì bằng lập ra một nhà bảo tàng mỹ nghệ,
sưu tập lấy những đồ đẹp trong nước, chia ra từng thời đại, bày cho có thống
hệ, để cho những nhà nghề đến đấy mà xem, mà học, cho biết nghề mình duyên cách
thế nào, thể cách làm sao, rồi hoặc trông đấy mà giữ lấy cái cốt cách tinh thần
cũ, hoặc nhân đấy mà châm chước biến đổi dần, ấy cũng là cách chấn hưng mà bảo
tồn cho mỹ nghệ trong nước vậy. Hiện nay ở Bắc Kỳ có nhà bảo tàng của trường
Viễn Đông Bác cổ, ở Trung Kỳ có nhà bảo tàng của hội Đô thành Hiếu cổ, tuy cũng
có gián tiếp giúp cho các nhà nghề trong việc bảo tồn các kiểu cũ, nhưng cốt là
chủ về cái mục đích khảo cổ, không phải chủ về cái mục đích mỹ nghệ, không
giống như sở bảo tàng ở điện Marsan
ở Paris này.
Xem được hai nơi trên đó, hết cả buổi sáng. Buổi chiều lại cứ chiếu
chương trình đã định đi xem các nhà bảo tàng và nhà thờ.
Sở bảo tàng Cluny sưu
tập các đồ về mỹ nghệ và lịch sử nước Pháp, như đồ chạm bằng đá, bằng gỗ, bằng
ngà, đồ phá lang, đồ nung, đồ đồng, đồ gỗ, đồ sứ, đồ dệt, đồ vàng bạc, các bức
họa, đồ thảm, tranh kính, v.v..., cũng chia ra thời đại và trần liệt có thứ tự
lắm. Xem đây thì biết mỹ thuật nước Pháp chịu ảnh hưởng của tôn giáo nhiều lắm.
Những bức họa, bức chạm, phần nhiều là hình Đức chúa Bà, Đức Gia Tô, các nam
thần, nữ thần hay là các tích trong truyện đạo.
Sau sở bảo tàng lại có di tích một cái sở tắm bằng đá của người La Mã
ngày xưa, xây như kiểu cung điện, về thế kỷ thứ 3 thứ 4, hồi nước Pháp hãy còn
là đất Gaule mà thuộc quyền La
Mã cai trị. Tức tên Tây gọi là Palais
des Thermes.
Ba nhà thờ Saint Etienne du
Mont, Saint Séverin và Saint Sulpice, xem chiều hôm nay, mỗi
cái đẹp ra một kiểu, mà kiểu nào cũng là ly kỳ tráng lệ, tỏ ra nghề kiến trúc ở
nước Pháp đã đến bậc hoàn toàn biết dường nào.
Nhà thờ Saint Etienne du Mont
ở sau đền Panthéon, kiểu đời
Phục hưng (thế kỷ thứ 16), mặt trước có một cái gác chuông đứng một bên ở trên
chót vót như một cái vọng đài kiểu Hy Lạp, trông lệch lạc mà lạ lùng, như thể
một cái nhà hãy còn làm dở chưa xong, thế mà đẹp. Trong nhà thờ có một cái kỳ
công vừa về nghề kiến trúc, vừa về nghề chạm khắc, là cái đại diễn đài đặt ở
giữa nhà thờ (jubé), hai bên thang cuốn, giữa như cái bao lơn bắc ngang,
chạm soi chạm lồng hết cả; trông xa như những mảnh “đăng ten” bằng đá vậy. Hồi
xưa cho đến thế kỷ thứ 17, các nhà thờ thường có kiểu đại diễn đài đặt ngay ở
giữa như thế này, để các nhà giáo sư làm lễ lên đấy mà tuyên đọc lời kinh Phúc
âm. Nhưng sau kiểu này bỏ đi, và đặt lối diễn đài nhỏ ở bên cạnh, đủ một người
đứng, trên có mái đủ thu tiếng nói xuống, tức như lối chaire bây giờ. Ngay ở
nhà thờ Saint Etienne này cũng
có một cái chaire kiểu gô tích, còn nơi đại diễn đài thì bây giờ không dùng để
diễn giảng, trên đặt một cái tượng “câu rút” lớn. Ở đây lại có lăng và điện bà
thánh Genevière, là vị thần ủng
hộ cho thành Paris, kiểu như cái khám, chạm trổ tinh tế lắm, và thiên hạ thường
đến cầu nguyện lễ bái đông.
Nhà thờ Saint Séverin ở vào một cái đường phố khuất nẻo, bề ngoài không
có vẻ lộng lẫy như các nhà thờ khác, nhưng kẻ thức giả cho là “một cái báu của
thành Paris” (un des joyaux de Paris). Kiểu gô tích, làm đi sửa lại từ
thế kỷ thứ 13 đến thế kỷ thứ 17, cách kiến trúc rất là tinh vi, những cửa cuốn,
những “cột vặn” (colonnes torses), những đường gân, đường soi đục bằng
đá mà nhẵn nhụi, phẳng phiu, đều đặn, chơn chuốt như nặn bằng sáp hay bằng bột
vậy. Mặt ngoài cũng chỉ có một gác chuông đặt một bên. Nhà thờ này không phải
là chỗ đàn điếm cho khách sang trọng đến lễ bái, nhưng có cái vẻ âm thầm lặng
lẽ dễ quyến luyến những người có tính nhã đạm thanh cao, và những kẻ sùng mĩ
thuật lại có ý chuộng riêng lắm nữa. Cho nên có người nói nhà thờ Saint Séverin này cũng có bạn tri kỷ,
muốn giữ cho xa chốn phồn hoa náo nhiệt, như cái hoa lan nở nơi u cốc để
cho người quân tử thưởng riêng. Một người bạn tri kỷ ấy, bình phẩm về cái thú
đặc biệt ở chốn này, đã nói rằng: “Có người có cái trí thẩm mỹ thanh cao cho
nơi Saint Séverin này là nơi
giáo đường đẹp nhất chốn Kinh đô. Ví bằng tiếng nói thì tất khiêm tốn mà trả
lời rằng không đâu dám sánh với nhà Đại giáo đường Notre Dame lớn lao to tát ở ngay cạnh đây. Đứng cạnh Notre Dame thì sở này ví như một hòn
ngọc bội để bên một pho tượng đồng, hay như cái miệng cười chúm chím của một cô
con gái thanh tân sánh với cái vẻ rực rỡ nghiêm trang của một bà mạng phụ.
Nhưng mà chốn này có một cái khí vị đặc biệt với Notre Dame: chốn này là chốn tịch mịch, chốn cầu nguyện để cho
linh hồn dễ cảm thông với Thượng đế” (Lời ông J. Paquier, giáo thụ trường Gia
Tô Đại học viện Paris). – Mình là người khách qua đường, không có cái cảm tưởng
thâm thiết về tôn giáo, về mỹ thuật như người Tây, mà vào thăm chốn này, trong
lòng cũng cảm thấy mát mẻ bình tĩnh, lâng lâng sạch hết bụi trần, như bước chân
vào một nơi chùa cổ am xưa nào ở bên nước nhà vậy. Tưởng giá phải ở bên này lâu
thì thường đến đây để nghỉ ngơi tinh thần và tâm niệm những điều nghĩa lý làm
cho đời người có một cái giá trị thanh cao. Nghĩ các nhà tôn giáo Tây phương họ
cũng khôn ngoan thật, biết khéo đặt ra những nơi giáo đường, chốn cầu nguyện
như chỗ này, có cái vẻ thâm trầm lặng lẽ làm nơi di dưỡng phần hồn cho người
đời, khiến cho khỏi đắm hẳn vào cái bể vật chất ở chung quanh.
Nhà thờ Saint Sulpice
thời lại ra một thể cách khác, rõ là một nơi giáo đường rực rỡ lộng lẫy, quy mô
vĩ đại, hai cái gác chuông cao ngất trời. Kiểu Hy Lạp. Nhà này như thể một cái
lâu đài hùng vĩ, chứ không phải là một nơi cầu nguyện âm thầm. Ở trong rộng
rãi, sáng sủa, tưởng giá làm một nơi hội đồng, hội nghị thời đẹp lắm. Nghe đâu
đời Cách mệnh, nhà thờ này đã dùng làm “điện Chiến thắng” (Temple de la victoire) và ngày 5
tháng 11 năm 1799, vua Nã Phá Luân bấy giờ còn là tướng Bonaparte thắng trận
trở về, dân mở tiệc mừng ở đấy. Cách trang hoàng ở trong thời cực kỳ tráng lệ,
hai bên rặt những tượng đá cùng tranh sơn về các tích đạo. Kể rực rỡ thì thật
là rực rỡ quá, nhưng không có cái khí vị thâm trầm thanh thú như nơi Saint Séverin trên kia. Lạ thay! Bấy
nhiêu cái nhà thờ cùng là chỗ để phụng thờ Thiên chúa, cùng có cái mục đích về
tôn giáo, cùng do những tay thầy thợ khéo vẽ kiểu ra, xây dựng lên, cùng là
những kỳ công kiệt tác trong nền mỹ thuật một nước cả, vậy mà xét ra mỗi nơi
như có hẳn một cái tâm lý, một cái “hồn” riêng, vào mỗi nơi có một cái cảm giác
đặc biệt, không giống nhau một chút nào.
Thứ bảy, 29.
Hôm nay lại đi xem nhà thờ Saint
Germain des Prés. Nhà thờ này ở giữa nơi phồn hoa đông đúc mà có cái vẻ
cổ lỗ mộc mạc. Xét ra thì là nơi nhà thờ cổ nhất ở Paris, kiểu “lô man” là
trước kiểu “gô tích”, thuộc về thế kỷ thứ 12, 13. Kể thời cũng là một cái di
tích quý báu cho nhà khảo cổ, nhưng đối với khách phàm như mình thì xem chẳng
có hứng thú gì.
Trưa hôm nay cụ V. lại cho ăn cơm. Mình sắp xuống Marseille, hai cụ
cũng sắp về quê nghỉ mát, nên muốn họp mặt một lần cuối cùng để chuyện trò cho
vui vẻ. Hôm nay hai cụ mời cả ông V. cũng đến ăn cơm.
Buổi chiều xem nhà bảo tàng Petit
Palais và thăm ông G. chủ bút tạp chí “Đông phương và Tây phương” (Orient et Occident) để nói chuyện với
ông về việc bài diễn thuyết “Thi ca Việt
Nam” của mình in vào tạp chí ấy. Ý ông lại muốn mượn cả bài diễn thuyết ở
Hội Hàn lâm để trích mấy đoạn đăng báo nữa; hôm nay vừa mượn người đánh máy
xong, cầm đến cho ông.
Petit Palais là nhà bảo
tàng mỹ thuật của thành Paris. Nguyên là nhà đấu xảo Vạn quốc năm 1900, sau mới
sửa làm viện bảo tàng. Những tranh và tượng sưu tập ở đây, toàn là thuộc về mỹ
thuật kim thời. Có nhiều pho, nhiều bức tuyệt đẹp. Đại khái thì mỹ thuật cổ có
cái vẻ trang nghiêm, mỹ thuật mới có cái vẻ linh hoạt. Đứng ở một gian để tượng
ở đây, hình như ở giữa một cái hang khổng lồ, những người bằng đá, đàn ông đàn
bà múa may nhẩy nhót cả quanh mình. Nhiều bức tranh vẽ cũng có vẻ hoạt động như
thế. Mỹ thuật này thật là lột được sự thực, in như sự sống, không còn có cái phần
lề lối kiểu cách gì cả.
Chủ nhật, 30.
Chỉ còn một ngày nữa là đi rồi, không có thì giờ đâu mà biên chép cho
kỹ, bàn phiếm viển vông nữa. Phải sửa soạn hòm níp, phải lấy vé xe lửa, phải
trang trải tiền trọ, phải thu xếp một trăm thứ vặt vãnh, công đâu mà ngồi cặm
cụi viết dưới bóng đèn.
Hôm nay chủ nhật, buổi sáng đi xem lễ ở nhà thờ chính Notre Dame, xong rồi trèo lên tháp và
lên gác chuông chơi, đến hơn trăm bậc, nghe chân cũng đã chồn.
Trưa về nghỉ ngơi dọn dẹp đồ đạc. Rồi đi xem nhà bảo tàng Jacquemard André, ở đường Haussmann. Viện bảo tàng này vốn của
tư gia, ông bà Jacquemard André
là người giàu có, lại sành nghề mỹ thuật, một đời sưu tập những đồ quý đồ đẹp,
đến khi chết tặng lại Nhà nước, làm sở bảo tàng chung, giao cho Hội Hàn lâm Đại
Pháp quản lý. Đồ đây vừa là đồ mỹ thuật, vừa là đồ mỹ nghệ, nhiều cái quý giá
vô cùng. Nhà là kiểu nhà ở riêng mà như nơi cung điện vua chúa vậy. Cách bày
biện vẫn giữ y như lúc sinh thời của người chủ. Hiện nay còn một buồng trước là
phòng giấy bà Jacquemard, nay vẫn để y nguyên.
Xem nhà bảo tàng xong, đi ô tô ra Malmaison, cách Paris 11 cây-lô-mét. Đấy là cung của bà
Joséphine là vợ trước của vua Nã Phá Luân, tự tay bà làm ra, khi vua bỏ thì về,
rồi chết ở đấy. Nay cũng làm một sở bảo tàng về thời đại Nã Phá Luân, hôm nay
chính là ngày có hội trần liệt các di tích về vua, thiên hạ đến xem đông lắm.
Ngoài cung có cái vườn ngự uyển, rộng rãi đẹp đẽ. - Khi về đi qua Rueil, vào nhà thờ xem mộ bà
Joséphine; qua Marly, đấy có
một khu rừng để riêng cho quan Giám quốc đến săn bắn; rồi rẽ ra Saint Germain en Laye, là một nơi
cảnh trí rất đẹp, ở trên sườn một cái đồi trông xuống sông Seine, những cây cao
bóng mát, cỏ lạ hoa thơm, có cái vẻ u nhã vô cùng, cả tỉnh thành như một cái
hoa viên lớn vậy. Sau lên mãi Poissy
(cách Paris 27 cây) rồi mới quay về.
Thứ hai, 31.
Sáng đi lấy vé xe lửa sẵn để mai đi sớm. Có sở phát vé trước ở đường Rennes, phải lấy trước, không mai có
khi hết chỗ. Vả lại lấy trước tiện là được tùy ý chọn chỗ ngồi.
Hôm nay cũng còn đi xem rốn được một cái nhà thờ nữa, là nhà thờ Saint Germain l’Auxerrois. Cổ nhưng
không có gì lạ.
Chiều đi chơi Saint Cloud,
cũng là một nơi cảnh trí đẹp ở ngoài châu thành Paris. Vào nghỉ mát trong công
viên, rồi ra đặt một tiệc nhỏ ở nhà cao lâu gần đấy (Pavillon bleu), hai anh em cùng nhau đánh chén lần này là sau
cùng. Sắp biệt nhau, và mình sắp dời Paris, trong lòng cũng thấy bùi ngùi.
Nhưng bùi ngùi là tiếc sắp bỏ chốn danh đô mà thôi, chứ được cái tâm sự vẫn giữ
được thảnh thơi, không bận bịu nỗi gì, vì tấm lòng không hề chia sẻ cho ai, nên
cũng chẳng thương tiếc nỗi gì.
XXVIII
Thứ ba, mồng 1
tháng 8, 1922.
Sáng hôm nay ở Paris đi chuyến xe lửa 8 giờ rưỡi xuống Marseille, 10
giờ rưỡi đêm mới tới nơi. Đi suốt một ngày và một phần đêm như thế, ngồi luôn
trên xe kể cũng mệt. Trên xe lửa có buồng ăn cơm, có hàng cơm sẵn, hai bữa đều
ăn cả trên xe, thật là tiện lắm. Đến Lyon đỗ có một khắc đồng hồ, không kịp
xuống chơi thành phố. Tới ga Marseille thì đã thấy mấy ông ra đón cùng đưa về
trọ nghỉ. Lần này lại trọ ở nhà khách sạn Saint Louis, mấy anh em cũng đều ở đấy cả.
Đương ở Paris mà xuống Marseille, thấy cái khí vị nó khác ngay. Paris
cũng chán nơi phố phường ồn ào rộn rịp, nhưng trong sự náo động vẫn có cái
trang nghiêm. Ở Marseille thời náo động mà lại có ý sỗ sàng hỗn độn. Có vui mà
không được nền. Người đi thời tơi bời tất tả; xe chạy thời rối rít om sòm.
Tiếng còi ô tô bóp liên thanh, dường như không có cái kỷ luật gì cả. Ở trong
nhà nghe như tiếng ĩnh ương kêu, ánh ỏi đến thâu đêm không tắt. Cả ngày đã
nhọc, muốn ngủ cho yên giấc, mà nằm mãi không nhắm mắt được.
Thứ ba, mồng 8
tháng 8.
Cả tuần chủ nhật, dạo xem lại các phố phường Marseille, nhưng đã thấy
chán, không lấy gì làm thú nữa. Trong bụng đã sắp về thời bao nhiêu nhân vật
nơi khách địa đối với mình, thành ra vô tình hết cả. Tấm lòng hăm hở lúc mới
đầu nay đã có cái vẻ chán chường rồi. Paris còn có cái phong vị cao thượng, có
nơi cổ tích đáng đi xem, có chốn học viện để khảo cứu, ở ngày nào còn có ích
ngày ấy. Ở đây thời là một cái bến, người tứ xứ lại đợi tàu, ăn tạm ở thì,
không ai có chí ở lâu xem xét gì, vả cũng không có gì mà xem. Chỉ ngày ngày đi
chơi phố sắm đồ – mà sắm đồ thời bọn nhà buôn ở đây chẹt bà con dữ quá, – chiều
chiều đi dạo xe bờ bể (vòng đường Comiche,
đi xe điện hay xe hơi cũng được), tối tối đi xem trò ở “Thủy tinh cung” (Palais de Cristal). Thủy tinh cung
đây không phải là cái lâu các ở Bồng lai Tiên đảo nào đâu, chính là một nơi hí
trường, đêm nào cũng có trò đàn địch, ca xướng, múa rối, leo dây đủ thứ, mà các
vị tiên nữ ở đây thời toàn là một hạng má phấn môi son, nhởn nhơ đợi khách,
trong đám khói thuốc nồng nàn, dầu thơm sực nức; cũng là cái cảnh yên hoa đấy,
mà là yên hoa đầy những trần cấu. Khách làng chơi bước chân vào đây phải cho
cẩn thận lắm mới được.
Mấy hôm nay cũng đi xem lại Đấu xảo hai ba lần. Lại đi hỏi ngày giờ tầu
chạy và lấy giấy đi tầu. Được đích tin rằng hiệu tầu sắp chạy là hiệu Angers
và chạy vào ngày 11 tháng 8, chưa rõ giờ nào. Hôm ở Paris sắp đi đã nghe mang
máng rằng Hoàng thượng cũng sắp về, nhưng chưa lấy gì làm đích. Về đến đây mới
rõ rằng ngài không phục thủy thổ, bị se mình, quan thầy thuốc khuyên phải về
ngay, nên nay mai sẽ xuống Marseille để cùng đáp chuyến tầu Angers về
nước. Được tin này ai cũng lấy làm lạ, vì trước vẫn định rằng Hoàng thượng đi
Tây chuyến này là ở năm sáu tháng, du lịch khắp mọi nơi rồi mới về, không ngờ
chưa được vài tháng đã về ngay, và về gấp như thế.
Thế là bọn mình về chuyến này sẽ tình cờ được đi với Hoàng đế một
chuyến tầu: vinh hạnh thay!
Thứ tư, mồng 9.
3 giờ chiều hôm nay, Hoàng thượng đến Marseille, ở Lyon xuống. Chắc tự
Paris đi làm hai chặng, có nghỉ ở Lyon một vài ngày. Đón vào dinh quan quận
trưởng (préfecture) ở.
9 giờ sáng mai thì Hoàng thượng vào xem Đấu xảo. Sở Đông Pháp ở Đấu xảo
có giấy đạt mời cả các phái viên Trung Nam Bắc sớm mai tựu tại khu Đông Pháp để
đón.
Tối hôm nay nghe đâu có ông P.C.T. đặt một cuộc diễn thuyết bằng tiếng
ta cho người An Nam làm việc ở Đấu xảo đến nghe, nói về quân chủ và sự chính
trị bên Đông Pháp; tiếc được tin muộn quá, không kịp đi. Nhưng sau có người
thuật rằng cuộc diễn thuyết không thành, vì cảnh sát cấm và những người trong
Đấu xảo cũng không được ra nghe.
Thứ năm, mồng 10.
Hôm nay vào Đấu xảo đón vua.
Các phái viên đều mặc quốc phục hết cả, mình cũng đánh cái áo sa trơn.
Hoàng thượng cùng với ông Toàn quyền Long đi xem khắp trong khu Đông
Pháp. Các phái viên thời đứng chực sẵn ở trong đình “phố An Nam” (la rue
Annamite). Khi đi xem xong cả mọi nơi, Hoàng thượng vào đình để cho các
phái viên yết chào. Ông Tây phần việc ở Đấu xảo xướng tên giới thiệu từng
người, ra đứng trước mặt cúi đầu vái một cái.
Lễ xong, ra chơi bên ngoài, gặp ông Tây quen vỗ vai hỏi: “Thế nào, tôi
tưởng ông là đảng Dân chủ, sao cũng lạy vua lúc nãy thế?”. Mình trả lời: “-
Đảng gì thì đảng, chứ ở nơi đất khách cũng phải tỏ lòng cung kính ông quốc
trưởng; cách lễ phép phải như thế”. Rồi cùng cười.
Chiều đánh dây thép về cho nhà biết mai xuống tầu; rồi ở trọ thu xếp
các hành lý, đóng chặt các hòm xưởng, để mai thuê người đem xuống tầu sớm.
Được tin đích 4 giờ chiều mai thì tầu Angers chạy ở bến Joliette.
Thứ sáu, 11 tháng
8.
Thôi, thế là dời đất Pháp từ hôm nay.
Tầu Angers này rộng đẹp hơn tầu Arnand Béhic nhiều.
2 giờ 30, anh em đã xuống tầu cả. Cùng về chuyến này có quan tuần Vi
Văn Định, quan huyện Trần Lưu Vị, ông Trần Lê Chất, và ba ông phái viên Nam Kỳ
Võ Văn Chiêu, Trương Vinh Quý, Cao Triều Phát; không kể vua quan ngoài. Mình ở
buồng số 231, cùng với ông huyện Vị và ông Trần Lê Chất.
Gần bốn giờ thì Hoàng thượng xuống tàu, kèn trống thổi mừng, quân quan
đứng tiễn. - Ngài đi Tây chuyến này sắm được vô số đồ, chở xuống tầu từ 2 giờ
đến 4 giờ, hết kiện ấy đến kiện khác, cái cần máy trục cứ giơ lên hạ xuống hoài
mà không dứt.
Tầu vừa ra khỏi bến, sóng chưa có mấy tí, bữa cơm tối hôm nay, mấy anh
em Nam Việt ngồi ăn cùng một bàn, chuyện trò vui vẻ quá. Đất khách quê người,
dẫu quyến luyến đến đâu, khi bỏ ra về, cũng không ngậm ngùi nhớ tiếc bằng khi
tự nhà ra đi. Từ ngày nay thời qua mỗi ngày là gần nhà một ngày, lòng những
mong mỏi đợi chờ. Chỉ mong sao cho bể yên gió lặng, cho khỏi nỗi say sóng như
lần trước. Có lẽ lần này đã quen sẽ bớt được đi nhiều chăng, nhưng mà cũng vị
tất.
Thứ ba, 15 tháng
8.
Thứ bảy, chủ nhật, bể tốt.
Thứ hai, bữa cơm chiều đã thấy hơi lảo đảo một chút.
Ngày hôm nay thời suốt ngày được khá cả, vì tầu đã đi gần vào bờ, nghe
đâu ngày mai thời rẽ vào Beyrouth, ở bờ bể Syrie, để Hoàng thượng tiếp ông nguyên soái Gouraud làm Tổng đốc
đấy. Cái hành trình này có khác thường một chút, vì lệ thường tầu chạy Á Đông
không đáp vào Syrie bao giờ.
Thứ tư, 16.
2 giờ trưa, tầu đến Beyrouth,
nhưng đứng tận ngoài xa không vào áp bờ.
Beyrouth là thủ phủ đất
Syrie ở Tiểu Á Tế Á, là một xứ
trước thuộc Thổ Nhĩ Kỳ đế quốc, sau khi chiến tranh Hội Vạn quốc ủy nhiệm cho
nước Pháp bảo hộ. Nước Pháp có đặt quan cai trị, và đầu hết thời có Nguyên súy
Gouraud làm chức Cao đẳng ủy nhiệm sứ (Haut - commissaire). Nguyên soái
là một vì thượng tướng có công to hồi chiến tranh, lại bị trọng thương gẫy một
cánh tay.
Tầu đến trước Beyrouth
rúc còi báo hiệu, trong nổi súng mừng. Nguyên soái Gouraud cùng với tham mưu bộ
đi sà lúp ra, lên tầu yết kiến Hoàng thượng, chừng nửa giờ rồi về. Được một lát
thời Hoàng thượng cùng quan Khâm sứ và các quan hộ giá cũng đi sà lúp vào thành
đáp lễ lại nguyên soái.
Nguyên ở Syrie này có
mấy đội lính tập An Nam ta đóng đấy, có toán đã mãn hạn được về nước, tàu đáp
đây có lẽ là chủ để đón bọn đó. Cả thảy chừng vài ba trăm người.
6 giờ chiều thời tàu cất neo chạy về Port Said.
Thứ năm, 17.
11 giờ trưa đến Port Said.
Anh em đều xuống phố đi chơi.
Hoàng thượng cũng xuống phố, mời Lãnh sự Pháp thời cơm ở khách sạn.
Đoạn rồi ngài đi dạo các cửa hàng sắm đồ. Có thấy ngài mua một cái mũ Tây. Ngài
bận thường phục cũng thường đội mũ.
7 giờ tối tầu chạy về Suez.
Cả đêm đi trong vận hà, đi từ từ, nhưng tối trời chẳng trông thấy gì.
Thứ sáu, 18.
Sáng hôm nay, tầu hãy còn chưa ra khỏi vận hà. Phong cảnh hai bên bờ,
thời tịt mù những sa mạc, thỉnh thoảng có đàn lạc đà với mấy chú da đen. Trong
sông thời cách từng chặng lại có chỗ vùng ra để cho tầu đi lại tránh nhau. Hôm
nay tầu nhiều thường phải tránh nhau luôn, cho nên đi rất chậm.
11 giờ đến Suez. Chỗ
này lèo tèo chẳng có gì, chỉ có những xưởng thợ, và nhà giấy của công ty Vận
hà. Đỗ có một giờ, đến 12 giờ trưa thì đi vào Hồng Hải.
Thứ hai, 21.
Ba ngày hôm nay đi qua Hồng Hải, nóng quá, như thiêu như đốt, thật là
“bể lửa”, chứ không sai. Trong tầu ai nấy cũng nhễ nhại lừ đừ, đêm cũng không
mát được mấy tí.
Thứ ba, 22.
10 giờ đến Djibouti. Đỗ
đây lâu.
Cảnh đây là cảnh đốt cháy, người cháy. Xuống dạo chơi phố một tí, nhưng
nóng quá, lại phải trở về tầu ngay. Cũng muốn ăn cơm dưới phố cho đổi bữa,
nhưng có cái khách sạn lèo tèo, coi không hứng thú gì, nên anh em đều về tầu ăn
cơm cả. Hoàng thượng cũng mời ông Thống đốc Pháp ở Djibouti thời cơm trưa ở tầu.
Đây là thuộc địa của Pháp nên tầu đậu lâu quá, chán chê mãi đến nửa đêm
mới chạy.
Hôm nay lại được xem những thằng “người nhái” lội qua gầm tầu.
Đêm trời có mát một chút, ngủ được.
Từ đây trở đi là ra đến Ấn Độ Dương, chưa biết nông nỗi say sóng thế
nào đây.
Thứ tư, 23.
Hôm nay bắt đầu say sóng, người hơi lảo đảo, thấy khó chịu rồi.
Thứ hai, 28.
Khổ quá. Bốn năm hôm nay khổ quá. Nhất là ngày thứ sáu, thứ bảy, chủ
nhật, nằm liệt vị trong buồng, bữa cơm cũng không ra bàn ăn được.
Hôm nay mới hơi kha khá một chút, dám thò đầu ra ngoài.
Nghĩ đi bể mà cứ như thế này cực quá.
Thứ ba, 29.
9 giờ sáng hôm nay đến Colombo.
Đêm hôm qua dễ chịu, vì đến gần đất thì sóng yên.
Cơm sáng trên tầu xong mới xuống bộ chơi. Tầu đỗ bên ngoài, phải đáp
thuyền vào bến. Các chú lái Chà lần này không nhũng nhẵng như lần trước, nhưng
coi cái dáng bộ nhăn nhở vẫn khả ố.
Cửa Colombo này thật là
một cửa bể to lớn, tàu bè các nước đậu san sát, thuyền thời ngổn ngang như lá
tre.
Cùng anh em đi chơi phố, vào các cửa hàng bán ngọc thạch, xem được
nhiều thứ ngọc xanh, biếc, đỏ, vàng, màu sắc rất đẹp mà giá tiền cũng rẻ. -
Hoàng thượng cũng xuống bộ, thời cơm với Lãnh sự Pháp, nghe đâu ngài sắm được
nhiều đồ chơi và ngọc thạch.
2 giờ đêm tầu mới chạy.
Thứ tư, 30.
Hôm nay lại thấy say sóng, nhưng còn dễ chịu hơn mấy bữa trước.
Khí hậu cũng mát dễ chịu.
Thứ sáu, mồng 1
tháng 9.
Hai hôm nay, vẫn lảo đảo, nhưng cũng không đến nỗi khổ lắm.
Thứ bảy, mồng 2.
Cả ngày hôm nay đã dễ chịu, vì tầu gần đến đất.
6 giờ chiều tới Penang, trời đã tối không xuống chơi phố.
12 giờ đêm chạy về Singapore.
Đi được một lát, trời đổ trận mưa to, mưa như trút nước. Lần này mới
biết mưa bể là một. Nước đổ vào tầu như thác, tưởng chúi dụi cả cái tầu đi. Tầu
không dám đi mau nữa, cứ phải rúc còi liên thanh như gặp sự nguy hiểm gì, để
phòng có cái khác đi gần đấy khỏi đụng vào, vì trời mù mịt cả, hiệu lửa không
trông thấy. Nghe tiếng còi rền mà lắm lúc rùng mình lên.
Chủ nhật, mồng 3.
Cả ngày hôm nay, tầu đi trong eo bể Malacca, sóng gió bình tĩnh, mát
trời dễ chịu, bù lại với mấy bữa say sóng trước.
Thứ hai, mồng 4.
7 giờ sáng đến Singapore.
Tầu tới bến, trông thấy người đàn bà An Nam lên đón người quen, bóng
hồng thấp thoáng, lên xuống bậc thang, bất giác trong lòng cảm động xôn xao,
như thấy cái hình ảnh đất nước quê nhà, cảm tình chan chứa. Thật có đi xa mới
biết yêu người đồng quận.
Ông Võ Văn Chiêu có người bạn làm việc sở buôn ở đây, nhờ mướn xe ô tô
đi dạo chơi các phố. Xe người Mã Lai cầm máy, đi bạo quá không biết chừng tay
nữa, đến một đầu phố đánh ngã một người phu Khách lăn ngửa ra giữa đường, thế
mà xe cứ chạy bừa không thèm dừng lại. Đi đến một thôi rồi ngoảnh lại vẫn thấy
tên Khách nằm sóng sượt, không biết bị thương thế nào, hay là chết ngất đi cũng
có.
Ăn cơm tàu ở hiệu Hương Giang khách sạn.
Hoàng thượng cũng xuống chơi phố, nghe đâu có vào thăm ông Tổng đốc Anh
ở Singapore, nhưng không được gặp.
1 giờ trưa tầu chạy về Sài Gòn. Đây đã gần đến hải phận nước nhà, anh
em ra chiều vui vẻ hớn hở cả.
Thứ ba, mồng 5.
Hôm nay tầu chạy trong vịnh Xiêm La. Trời nóng nực hơn mọi ngày. Hai
giờ chiều đổ một trận mưa to.
Thứ tư, mồng 6.
8 giờ sáng đến Vũng Tầu (Cap
Saint Jacques), thế là đã vào đất nước nhà rồi, vui mừng khôn xiết kể,
nhất là các ông bạn Nam Kỳ, vì nội nhật hôm nay các ông đã về nhà.
Tầu đỗ ở Cap mãi đến 12 giờ trưa mới vào sông Sài Gòn.
4 giờ chiều đến Sài Gòn. Quan quân ra đón Hoàng thượng về ở phủ Toàn
quyền, vì tầu còn đậu ở Sài Gòn hai đêm hai ngày nữa.
Anh em cũng tiễn biệt các bạn Nam Kỳ, ăn cơm tối ở cao lâu khách, đi
chơi phố, rồi khuya về tầu ngủ.
Thứ năm, mồng 7.
9 giờ sáng vào thăm quan Thống đốc Nam Kỳ, D. Cognacq. Đoạn rồi đi thăm
các bạn làm báo ở đây. Trưa ăn cơm với ông Trần Lê Chất ở hội sở công ty Liên
Thành, ở Khánh Hội. Nhân trời mưa to sấm sét, nghỉ ở đấy cho mãi đến 6 giờ
chiều, rồi thuê hai cái xe ô tô đi chơi Chợ Lớn. Ăn cơm tối ở hiệu cao lâu Đức
Lợi.
Khuya về ngủ trên tầu, vì đồ đạc để cả đấy.
Thứ sáu, mồng 8.
Buổi sáng đi chơi phố, mua một ít đồ tơ lụa về làm quà. Lại đánh dây
thép cho nhà biết nội nhật ngày 12 sẽ tới Hải Phòng.
Đi thăm nốt mấy ông bạn đồng nghiệp, rồi trưa ăn cơm ở nhà quan huyện
Của, chủ báo Lục tỉnh Tân văn và chủ
nhà in Union.
3 giờ chiều tầu dời Sài Gòn, chạy về Tourane.
Thứ bảy, mồng 9.
Suốt ngày hôm nay tầu chạy men bờ bể Trung Kỳ, trông thấy đường núi và
bãi cát ở đàng xa.
Chủ nhật, mồng 10.
11 giờ trưa đến Tourane.
Tầu đỗ tận ngoài xa. Có sà lúp ở trong ra đón vua quan vào bến. Đậu đủ thì giờ
cất hết các đồ của Hoàng thượng xuống thuyền, rồi đúng 2 giờ thì chạy ra Bắc. -
Còn có một ngày nữa sẽ đến nhà rồi, trong bụng đã thấy nôn nao phấp phỏng. Ai
nấy soạn lại hành lý, cho đem sẵn các hòm xưởng ở dưới kho lên. Lại chi tiền
thưởng cho các bồi tầu. Có một tên bồi người Martinique, da đen, hầu hạ tận tâm, những bữa say sóng đem đồ ăn
đồ uống vào tận buồng cho, sai bảo gì cũng dễ lắm.
Thứ hai, 11.
Tầu ở Tourane ra đi rất mau, 12 giờ rưỡi đến Hải Phòng.
Vào gần bến vừa trông thấy me con Giao ở Hà Nội xuống đón. Tầu còn từ
từ vào, mỗi phút tưởng lâu bằng mấy giờ. Cầu vừa bắc xong, kẻ trên chạy xuống,
người dưới bước lên, nửa mừng nửa cảm, khôn nói nên lời. Bà già mạnh khoẻ, con
trẻ bình yên, cửa nhà vô sự, thế là yên lòng. Thấm thoát sáu tháng, tưởng như
mới đây.
Đem hành lý vào khách sạn, rồi ông Nguyễn Hữu Thu cho ô tô đưa đi chơi.
Tối ăn tiệc với ông Bạch Thái Bưởi và ông Nguyễn Hữu Thu ở hàng cơm
Tây; rồi chuyến xe lửa 8 giờ 15 lên Hà Nội.
Đến ga đã thấy các bạn quen và các ông đại biểu Hội Khai Trí đứng đón.
Thế là xong cuộc Pháp du vừa trọn 6 tháng trời, và cũng chung tất quyển
Hành trình nhật ký biên chép đây.
(Nam phong,
từ số 58, tháng 4-1922
đến số 100, tháng 10+11-1925.
Đăng không đều kỳ)
THUẬT
CHUYỆN DU LỊCH Ở PARIS[34]
Tập Nam
Phong này từ đầu đến nay vẫn đã có hai
phần Quốc văn và Hán văn. Chúng tôi có ý đặt thêm một phần Pháp văn đã lâu,
nhưng vì nhiều cớ chưa thể thi hành được. Bắt đầu từ ba số này mới thử đăng mấy
bài bằng Pháp văn thời thấy các bạn Tây học cũng có ý hoan nghênh lắm.
Vậy kể từ số này, đặt riêng hẳn ra một phần Pháp văn
đề là “Phụ trương bằng chữ Pháp” ở dưới phần quốc ngữ, để trước là đối phó với
các bạn tân học ưa đọc Pháp văn; sau là giới thiệu những sự học hành, tư tưởng,
dư luận, hành vi của người mình cho người Tây biết; sau nữa là lâm thời có thể
đạt được ý kiến quốc dân tới Chánh phủ Bảo hộ mau hơn và tiện hơn là bằng Quốc
văn.
Thế là từ nay Báo Nam Phong kiêm
đủ cả ba thứ chữ cần dùng cho sự học trong nước bây giờ.
Chúng tôi định mở mang ra như thế, biết rằng cũng quá
cậy ở sức mình thật, nhưng mong ở các bạn Tây học giúp thêm vào cho phần Pháp
văn này thật có giá trị.
Nam Phong kính khải.
Thưa các Ngài,
Ngạn ngữ Tây có câu: “Đi xa về, tha hồ nói
khoác”. Tôi bữa nay diễn thuyết ở đây để thuật lại các ngài nghe những sự kiến
văn cảm tưởng của tôi trong mấy tháng du lịch bên nước Pháp, mới bắt đầu nói,
sực nhớ đến câu ngạn ngữ đó, mà phân vân nghĩ ngợi, muốn lấy câu đó để làm răn.
Bởi cớ sao mà có câu ngạn ngữ như thế? Có lẽ bởi
người ta hay có tính hiếu thắng, nhất thiết mọi sự muốn có một cái gì đặc biệt
hơn kẻ khác, để lấy đấy mà tự cao. Phương xa cõi lạ, là những nơi ít người năng
tới, mà một mình được qua, đó là một sự đặc biệt hơn người. Muốn cho rõ rệt sự
đặc biệt ấy ra, khi trở về thuật lại những chuyện mình đã kinh lịch, không khỏi
có ý thêm thắt khoa trương, cho nó tốt đẹp hơn lên, khiến cho người nghe phải
nức nỏm khen lao mà tự mình có thể tăng thêm giá trị, biết rằng dẫu nói thế nào
người ta cũng sẵn lòng tin mà không ai có thể tức thời kiểm điểm được.
Tôi tưởng đó là cái ý nghĩa sâu của câu ngạn ngữ,
mà tức cũng là cái tâm lý chung của khách du lịch cổ lai vậy.
Đã là cái tâm lý chung, thời ít ai có thể tránh
khỏi. Tôi đây cũng không dám chắc rằng có tránh khỏi được cái thế thượng thường
tình đó không. Song cũng xin hết sức thành thực và mong rằng không đến nỗi như
anh đồ trong chuyện ngụ ngôn nọ nói khoác rằng đã trông thấy cái bắp cải to
bằng cái nhà!...
Tôi ở bên Pháp trước sau có bốn tháng, vừa đi vừa
về, cả thảy là sáu. Tuy công nhiên là “đi đấu xảo”, song chủ ý là muốn thừa dịp
để quan sát nước Pháp, vì các ngài cũng hiểu cho rằng một kẻ thư sinh như tôi,
có ngôi vị gì, có tư cách gì mà đủ “đấu xảo” với người ta. Việc đó đã có những
bậc cao sang hơn.
Trong mấy tháng tôi ở bên quý quốc, những sự mắt
thấy tai nghe, bụng suy trí nghĩ cũng nhiều, nay thuật lại các ngài nghe, trong
một khoảng thời gian ngắn ngủi, không biết nói chuyện chi, bỏ chuyện chi, vì
không thể sao nói hết cả được. Và cũng không biết bắt đầu nói chuyện gì trước.
Khi tôi khởi sự đi Pháp, trong bụng có rắp một
điều: là người mình bấy lâu nay sinh trưởng dưới quyền bảo hộ của Đại Pháp, vẫn
một lòng cảnh ngưỡng cái văn minh quý quốc, nhưng khác nào như người đứng xa
ngắm bức tranh đẹp, bức tranh ấy tuy có truyền ảnh sang bên này, nhưng mập mờ
phảng phất, không hình được hết cái chân tướng, nay được thân hành du lịch bên
quý quốc, nên ra sức dò xét xem cái chân tướng ấy thế nào.
Bởi vậy, từ khi bước chân xuống đất Pháp vẫn chủ
ý khảo sát, cho nên mỗi sự mắt thấy tai nghe thực là một bài học cho mình và có
nhiều điều khiến cho tự mình suy nghĩ vô cùng.
Trong một nước lớn văn minh như nước Pháp, những
nơi danh đô thắng cảnh có thiếu chi, muốn du lãm cho khắp, phải đến mấy năm mới
hết. Tôi bị thời giờ hạn súc, không thể đi chơi rộng được, vả mục đích cũng
không phải là chỉ chủ đi xem phong cảnh đẹp, cho nên khi mới đến và khi sắp về,
ở Marseille trước sau chừng hơn một tháng, qua Lyon vài ba ngày, đi viếng các
nơi chiến trường mấy ngày, còn ngót ba tháng đều ở Paris luôn, vì rằng Paris là
nơi trung tâm của nước Pháp và muốn khảo sát văn minh của quý quốc không đâu
bằng Paris.
Nhà văn sĩ nước Đức Henri Heine[35]
đã có câu nói rằng: “Nước Pháp là một cái vườn hoa lớn trồng đủ các thứ danh
hoa dị thảo để kết thành một bó hoa tuyệt phẩm: bó hoa ấy tức là thành Paris
vậy”.
Trong ba tháng trời tôi đã được thưởng ngoạn cái
bó hoa quí báu ấy, hương thừa vẫn còn phảng phất bên mình.
Sách có
thuật chuyện ông giáo hoàng nọ mỗi khi tiếp bậc khách sang ngoại quốc vào bệ
kiến ngài để từ giã về nước, ngài thường hỏi: “Ông ở La Mã (Rome) được bao lâu?”.
Nếu khách nói: “Ở được bài ba tuần”, thời ngài bác một tiếng: Adieu! nghĩa là “Xin vĩnh biệt”. Nếu khách nói: “Ở
được dăm ba tháng, một năm”, thời ngài ban một câu: Au revoir! nghĩa là “Sẽ trùng lai”.
Khách du lịch ở thành Paris cũng vậy, nếu chỉ ở
qua loa một vài tuần thời chưa đủ cảm được cái thú thâm trầm, có lẽ khi đi
không nghĩ có ngày sẽ trở lại; nhưng nếu đã ở đến dăm ba tháng một năm thời tất
nhiễm được cái phong vị tuyệt trần mà khi đi không nỡ dứt đi, tự nguyện sẽ có
ngày trùng lai mới thỏa chí.
Bởi sao mà thành Paris có cái phong thú lạ nhường
như thế, phong thú ấy tự cổ lai đã cảm nhiễm người ta biết bao nhiêu?
Một nhà đại văn hào, đại tư tưởng về thế kỷ
trước, ông Goethe[36],
đã cực tán thành Paris như thế này:
“Muốn biết Paris là gì, phải tưởng tượng ra một
cái đô thành kia, bao nhiêu những kẻ giỏi người tài trong một nước lớn họp tập
cả đấy, hằng ngày giao tiếp với nhau, đua tranh với nhau mà càng ngày lại thêm
tài thêm giỏi hơn lên; bao nhiêu những của báu vật lạ của Tạo hóa, những kỳ
công kiệt tác của mỹ thuật, sưu la thu thập ở khắp các xứ trên mặt đất, đều tụ
họp cả đấy để làm tư liệu cho nhà khảo cứu; mỗi một bước đường, mỗi một nhịp
cầu là có kỷ niệm một việc to về đời trước; mỗi một tòa nhà, mỗi một góc phố là
có di tích một đoạn lịch sử đã xẩy qua; lại tưởng tượng ở đấy, trong một khoảng
trăm năm xuất hiện những người như bọn ông Molière, ông Voltaire, ông Diderot,
v.v… mỗi người một tay phát hành ra biết bao nhiêu là những tư tưởng lạ, lý
thuyết mới, suốt hoàn cầu không có đâu gồm được đủ như thế… Ấy Paris là thế
đó”.
Bởi thế nên Paris xưa nay vẫn có tiếng gọi là
“cái óc của thế giới văn minh”.
Muốn biết cái óc ấy tác dụng thế nào, không thể
xem một cái cảnh tượng xán lạn bề ngoài mà hiểu được, phải xét các cơ quan tinh
tế ở trong, phải cảm cái khí vị của đất nước, phải hiểu cái tâm lý của người
dân; nói tóm lại là muốn biết Paris cho châu đáo, tức là muốn hiểu cái văn minh
của Đại Pháp cho đến nơi, thời phải cảm giác được cái “hồn” của Paris mới được,
hồn ấy hoạt bát, khinh khiêu, thông minh, dĩnh ngộ, có cái sức cảm hóa người ta
vô cùng.
Song Paris không phải là một đô thị, Paris chính
là một thế giới. Vua François thứ I viết thơ cho vua Charles Quint đã nói rằng:
“Ce n’est pas une ville, mais un monde”. Trong
ấy không thiếu một vẻ gì, mà vẻ gì cũng “mười phân vẹn mười”, nghĩa là đến cực
điểm cả: cái xấu có, cái tốt có, cái hay có, cái dở có, cái thanh có, cái thô
có; nếu chỉ biết một phần vật chất mà không xét đến phần tinh thần, thời phán
đoán tất sai lầm và không gọi là biết Paris được.
Thường những khách ngoại quốc đến du lịch ở
Paris, nhiều người chỉ ham những cách ăn chơi của Paris, cách ăn chơi ấy thời
thật là phong lưu phóng túng; nhưng Paris không phải chỉ là chốn ăn chơi mà
thôi; cái vinh dự, cái giá trị, cái đặc sắc, cái phong thú của Paris, không
phải là ở những nơi tửu điếm, ca lâu, vũ trường, kịch quán; những nơi ấy chẳng
qua là chỗ bán vui cho khách hiếu kỳ thế giới mà thôi, chính người ở Paris
nhiều khi không đi tới bao giờ. Nếu lấy một đấy mà xét cả Paris, thời xét sai
là phải lắm.
Cái đặc sắc thứ nhất của thành Paris là có cái vẻ
vừa tối tân mà lại vừa tối cổ, hai cái không phản trái nhau mà lại dung hòa với
nhau, làm cho Paris có một cái thần khí riêng, tưởng khắp thế giới không có nơi
thành thị nào có. Khách du lịch nhiều khi đương đi ở một cái đường phố lớn, xe
hơi chạy như nước chảy, hàng quán hai bên la liệt, bỗng thấy đưa chân vào một
cái ngõ hẹp nhỏ, nhà cửa cũ kỹ, như một cái xóm đời xưa. Nếu đi xa vào trong
nữa, tất có cái cổ tích gì, hoặc mảnh tường cũ, hoặc tấm đá xưa, hoặc một tòa
nhà thờ đời Trung cổ, hoặc một pho tượng đá về đời Phục hưng. Người mình vẫn tự
xưng là có tính hiếu cổ, tôi tưởng lòng hiếu cổ của mình không bằng người nước
Pháp, vì có hiếu cổ mà không biết tồn cổ. Ngay như chốn Thăng Long cổ đô này, không
nói về đời tiền cổ, nói một thời đại cận cổ, đến nay còn được di tích gì? Nào
đâu là cung chúa Trịnh, nào đâu là điện vua Lê? Tìm lấy nơi cố chỉ, dễ thường
cũng không biết ở vào chốn nào. Chớ như ở Paris kia, không những các lâu đài
cung điện đời xưa, đời đời bảo tồn, tới nay vẫn y nhiên như cũ; đến những chỗ
tầm thường mà đã có xẩy ra một việc gì hơi có quan hệ đến quốc sử, cũng đều giữ
gìn trân trọng để lấy dấu tích về sau; như ngày nay người ta còn chỉ được đích
chỗ nào là chỗ vua Henri 4 bị ám sát, chỗ nào là chỗ vua Napoléon hồi còn nhỏ
mới đến Paris lần thứ nhất đỗ xe ở đấy để sửa soạn đi vào học trường võ bị; cái
sân nào là sân ông Molière thường đi qua để ra rạp hát, cái bao lơn nào là chỗ
ông Voltaire thường đứng tựa, v.v…
Ta thường nghe câu tục ngữ Tây nói rằng: “Thành
Paris không phải một ngày làm nên được”. Thật thế: Paris sở dĩ là Paris và đặc
biệt hẳn với các nơi đô thành khác trong thế giới, chính là bởi có cái khí vị
cổ đó. Những thành thị lớn ở nước Mỹ, như New York, như San Francisco, có lẽ có
nhiều đường phố rộng, nhà lầu cao hơn ở Paris, nhưng kém Paris có cái vẻ thanh
tao lịch sự, vì là những nơi ấy mới thành lập trong một khoảng mấy chục năm mà
thôi và trước sau chưa có lịch sử gì.
Thành Paris có sông Seine chạy suốt từ Đông chí
Tây chia thành phố ra làm hai phần, tính cách khác nhau. Bên hữu ngạn sông là
chỗ phồn hoa náo nhiệt nhất, bao nhiêu những đường phố lớn, cung điện to, nhà
lầu cao, hàng quán đẹp, đều tụ họp cả ở đấy; bên tả ngạn và hai cái cù lao ở
giữa sông (La Cité và Ile Saint Louis)
là phần cổ nhất ở Paris, hồi nước Pháp còn là đất Gaule, thành Paris còn là xóm Lutèce,
nơi phát tích chính là ở hai cái cù lao này; các bộ thự của Nhà nước, các tòa
sứ của các nước, các biệt nghiệp của những nhà thượng lưu quí tộc, cùng các trường
học lớn nhỏ gồm lại gọi là “Xóm La tinh” (le
quartier latin), đều ở về bên tả ngạn này.
Tôi đến Paris liền tìm trọ ở “Xóm La tinh”, có ý
muốn khảo sát cái tính cách cùng phong thói của dân học sinh ở đó. Số học sinh
đây thời biết nghìn vạn nào mà kể, không những người Pháp, người các nước cũng
nhiều, nhất là người những nước ở Cận Đông và Viễn Đông, như Roumains, Serbes,
Polonais, Tchèques, Ấn Độ, Nhật, Tàu, đến đây để thu hấp lấy cái văn minh tinh
túy của Thái Tây. Nghe đâu số học sinh Trung Hoa tới hơn nghìn người, theo học
các trường Trung học, Đại học. Trong một đám đông những trang thanh niên của
các nước tụ họp lại như thế, chắc người hay có, người dở cũng có, và những hạng
phú gia tử đệ, công tử vương tôn, mượn tiếng du học để đem tiền cha mẹ lãng phí
ở một nơi phồn hoa đệ nhất trong thế giới cũng không phải là không; nhưng xét
ra phần nhiều là những người có chí cả, nhất là những người thuộc về các dân
tộc nhỏ yếu xưa nay, mộ tiếng nước Pháp là một nước tự do, bình đẳng, nghĩa
hiệp, công bằng, muốn sang tận nơi học lấy cái thuật làm dân làm nước đời nay
để đem về nhà mà chấn hưng khai hóa cho nước cho dân mình. Nhiều người thật là
những tay chí sĩ, có cái lòng hoài bão to tát, đi du học là chỉ cốt học lấy
những phương pháp để phù nước giúp đời vậy.
Nối đến đây, chắc các ngài muốn hỏi: “Vậy chớ
những học sinh Nam Việt ta, những bậc thanh niên tuấn tú của nòi giống Lạc Hồng
ta sang học bên Pháp thế nào?”. Số học sinh An Nam ta ở Paris, vơ vét cả họa
may được vài ba chục người, và tựu trung có nhiều ông năm trước sang tòng chinh
ở đây, nay kiếm việc làm ở lại đi học thêm để thi lấy cái bằng kia bằng nọ. Tôi
không dám khái luận, vì không được rõ cái sở chí sở hành của các ông như thế
nào. Nhưng tôi có một người bạn Nam Kỳ đến thăm một người bà con mới thi đậu
tốt nghiệp ở một trường lớn nọ. Người bạn tôi hỏi ông tốt nghiệp học sinh đó
rằng: “Nay tiên sinh học đã thành tài sắp trở về nước, dám hỏi cho biết tiên
sinh sở chí sở vọng thế nào?”. Ông đáp rằng: “Tôi mấy năm nay học cực khổ lắm,
nay đã thi đậu rồi, muốn nghỉ chơi một độ cho khoái. Tôi định kết hôn với một
người “đầm”, bây giờ tôi muốn học các lối “nhẩy đầm” bên này, những kiểu tối
tân tối kỳ, như shimmy, tango, fox trot,
để khi về nước, mình là người có chức phận gặp khi quan trên mời dự tiệc ở dinh
Phó soái hay Chánh soái, mình biết “nhẩy” cho đúng cách, cho Tây bên ấy họ biết
rằng mình đã thạo những cách lịch sự ở Paris”. Người bạn tôi thuật cho tôi nghe
câu chuyện đó, ngừng một lúc rồi nói rằng: “Như thế thì cũng đáng tiếc thay!”.
Tôi cũng nối lời mà rằng: “Đáng tiếc thay!”, nhưng trong bụng nghĩ rằng không
dám tiếc cho ông, vì như ông thế đã là quá mãn nguyện rồi, song tiếc cho nước
nhà đã quá kỳ vọng ở các ông.
Ở “Xóm La tinh” có một đường phố vui vẻ nhất, gọi
là Boulevard Saint Michel, bọn học
sinh gọi tắt là “Boul Mich”. Ở đấy cứ
chiều tối cho đến quá nửa đêm các nhà cà phê, các hàng bán rượu hai bên hè chật
ních những người ngồi, phần nhiều là các thầy học sinh ra tiêu khiển, hút điếu
thuốc, uống cốc nước, cũng có khi tình cờ gặp bạn tri kỷ, đối diện đàm tâm,
nồng nàn dan díu, thật là lắm cái cảnh “trai anh hùng, gái thuyền quyên”. Nhưng
các tay anh hùng ở đây toàn là những anh hùng còn đợi thời cả, vả phần nhiều
cũng nhẹ túi, cho nên tuy dan díu tình duyên cho tiêu sầu giải muộn mà chưa dám
miệt mài trong cuộc truy hoan như những khách ăn chơi khác. Còn các bậc thuyền
quyên thời đã ham cái phong vị “anh đồ”, cam làm bạn với học trò, cũng không có
thói yêu sách quá như những bậc thượng lưu kỹ nữ khác. Cho nên xóm Saint Michel này tuy cũng là chốn ăn
chơi, nhưng là chỗ ăn chơi của bọn học trò, biệt có cái phong vị khác những
chốn ăn chơi khác. Người ta nói trước khi chiến tranh ở đây còn vui vẻ hơn bây
giờ nhiều. Gặp ngày hội hè, các thầy học sinh đội mũ lệch, giang tay nhau ngửa
nghiêng trên đường phố mà hò hát ồn ào: thật là nhất quỉ nhì ma…, nước nào cũng vậy.
Trong khi tôi ở Paris, thường ăn cơm tại đường Saint Michel đó, ở hàng gọi là Bouillon Duval. Các hàng Duval này ở Paris có tiếng lắm. Nguyên
có một người tên là Duval, năm xưa nghĩ chế ra một thứ nước cháo vừa thanh mà
vừa bổ, mở cửa hàng để bán như các hàng bán cháo bên ta. Bán thấy càng ngày
càng đắt, bèn nghĩ mở ra hàng cơm. Mở hàng cơm cũng thấy chạy, bấy giờ mới gọi
cổ phần lập thành công ty, đặt khắp trong thành Paris chỗ nào cũng có hàng cơm Duval cả, hiện nay có tới ba bốn mươi
nhà, khách ngoại quốc đến ăn đông lắm, vì đồ ăn uống ngon lành, cách dọn dẹp
sạch sẽ, kẻ hầu tiếp nhã nhặn, mà giá ăn lại trung bình phải chăng, không rẻ
không đắt. Tôi ăn cơm kể cũng đã đủ các hạng, có bữa ăn bốn năm mươi quan, có
bữa ăn hai ba quan, lại có khi buổi chiều ngồi ăn cùng với bọn hầu sáng đã hầu
mình buổi sớm, họ trông thấy cũng buồn cười, cho là thằng hiếu kỳ. Tôi tưởng đi
du lịch phải thế mới rộng đường quan sát. Vậy mà trừ những hàng cao lâu thượng
hạng, giá đắt quá không kể, còn cứ trung bình, không thấy đâu được bằng hàng Duval đó; có nhiều chỗ lịch sự hơn mà
cách tiếp đãi không được nền bằng, đủ biết hàng này có một cái thể thức riêng
đủ làm cho vừa lòng khách. Xét một việc nhỏ đó thời hiểu được cái thuật doanh
nghiệp của người Tây thế nào: bất cứ nghề gì, không phân sang tiện, muốn làm
cho nổi đặc sắc, phải tìm lấy một cái thể thức riêng (như tiếng Tây gọi là một
cái formule), rồi đem ra ứng dụng thế
nào cho thích hợp với cái tâm lý, cái thị dục của phần nhiều người, thế là một
cách dễ cho thiên hạ hoan nghênh lắm.
Tôi ở đường Berthollet,
mỗi ngày ít ra cũng phải đi về đường Saint
Michel đến bốn lượt, cả mấy con đường đó đã thuộc làm lòng, bây giờ nói đến
còn tưởng nhớ. Ở đường Berthollet đi
lên, phải qua đường Claude Bernard,
đường Gay Lussae, rồi mới ra Saint Michel, tự nhà trọ đến hàng cơm,
cũng ước tới hai ngàn thước, thành ra mỗi một ngày, dẫu không đi chơi đâu, cũng
phải đi bộ đến tám cây lô mét. Nhưng có ngày nào không đi chơi đâu bao giờ: ở
Paris biết bao nhiêu là thứ đáng xem; trong ngót ba tháng trời tôi đi xem cũng
đã lắm, mà nay còn nhiều chỗ vẫn chưa biết; coi đó thời đủ biết Paris to lớn là
dường nào. Đi nhiều đến nỗi bàn chân to cả ra, mấy đôi giầy đóng ở nhà sang bên
ấy hẹp quá không đi được. Sau ông Nguyễn Văn Vĩnh[37]
mua được cái xe ô-tô, tự ông cầm máy lấy, thật là giỏi quá, vì cầm máy ô-tô ở
Paris không phải dễ, có nơi đường phố lớn xe chạy tới trăm nghìn cái một lúc,
phải vững tay vững trí lắm mới tránh được sự nguy hiểm, nhờ có ô-tô bấy giờ mới
đi chơi rộng ra khắp cả các vùng chung quanh thành Paris, thật là giang sơn cẩm
tú, không bút nào tả cho hết được. Mấy tuần phiếm du đó, thật là thú vị vô
cùng, vì đi chơi mà không biết đường đi, không có mục đích, cứ phóng máy chạy
hoài, đến đâu hay đó, gặp hàng thời ăn, gặp quán thời nghỉ, tối ngày lại về, mà
về thường lạc đường, đi quanh đi co, đi đến đâm vào ngõ hẻm, đi đến hết cả dầu
“xăng”, có khi đến nửa đêm, hai ba giờ sáng mới về. Đi phiếm đến nỗi sở Cảnh
sát phải chú ý. Nguyên cái xe của ông Vĩnh sơn sắc vàng, bữa ông mới mua xe về,
thời lại chính là bữa Hoàng thượng mới đến Paris. Lệ thường bao giờ có các vua
chúa đến chơi, sở Cảnh sát Paris cũng phải đặt phương pháp để hộ vệ, phòng sự
bất kỳ. Cảnh sát lấy làm lạ thấy từ bữa vua An Nam đến có cái xe ô-tô vàng mấy
người An Nam ngồi, chạy cùng khắp trong thành phố, mà mấy người này không phải
là thuộc vào bọn tùy hành của vua, lại không thường đi lại với bọn kia bao giờ,
không hiểu vì cớ gì. Nhân mấy hôm trước ở Berlin mới xẩy ra cái án ám sát ông
quốc vụ trưởng nước Đức Rathenau, lại ở Londres xẩy ra cái án ám sát ông nguyên
soái Wilson, sở Cảnh sát lại càng thêm ngờ lắm, cho bọn này là bọn cách mệnh
muốn mưu việc gì. Từ đấy mỗi lần chúng tôi lên xe là có cái xe mật thám chạy theo
sau, nhưng chúng tôi đã biết ý, bấy giờ lại càng phóng xe chạy hoài, không có
mục đích gì nữa, cho bọn kia theo cho nhọc. Sau mấy hôm họ cũng chán, biết rằng
bọn mình là bọn đi chơi phiếm mà thôi. Đó cũng là một chuyện buồn cười.
Xe ô-tô ở Paris thật không biết cơ man nào mà kể,
cứ đứng trên bờ hè mà trông xe chạy ngoài đường thật không dứt mắt một giây
phút nào. Cho nên khách bộ hành muốn qua ngang đường, phải đứng trên bờ đường
đợi cho đông người thành bọn, bấy giờ lính cảnh sát mới làm hiệu cho xe ô-tô
phải dừng lại cả một lượt để người đi. Cái kỷ luật ngoài đường phố thật là
nghiêm lắm, và cái chức trách của lính cảnh sát cũng thật trọng. Nhưng lính
cảnh sát ở Paris có quyền mà lại có phép, đối với người đi đường bao giờ cũng
lễ phép và ai hỏi han điều gì sẵn lòng chỉ bảo đến nơi đến chốn, không có như
nhiều các bác phú-lít tây ở bên ta coi người đi đường như cỏ rác cả. Cứ xem hai
việc như sau này thì biết người cảnh sát ở Paris có quyền và có phép là dường
nào. Một hôm quan Thượng thư Sarraut đưa bọn phái viên An Nam đến xem Nghĩa sĩ
từ ở Nogent sur Marne. Ngài ngồi cái
xe ô-tô của bộ Thuộc địa cùng với ông nghị viên Nam Kỳ Outrey, xe ngài đi
trước, xe các phái viên đi sau. Đến một đầu phố nọ, người lính cảnh sát làm
hiệu bắt xe đứng lại, vì nghe đâu đường phố này hẹp, theo luật lệ thành phố các
xe cộ chỉ được đi một bề trở lại mà thôi. Quan Sarraut phải mở cửa xe ra, nói
với người cảnh sát, tự xưng: “Tôi là quan Thượng thư Thuộc địa đây”, thầy ta
cũng nhất định không cho đi, nói rằng thành phố đã có luật lệ, để trái luật thì
thầy có cữu. Song xe đã chạy vào quá rồi, nếu quay ra cũng khó lắm, quan Thượng
thư phải cả quyết nói rằng: “Thầy cứ để cho xe đi, có xẩy sự gì tôi sẽ chịu
trách nhiệm”, bấy giờ thầy cảnh sát mới chịu cho đi. – Lại một việc như sau
này. Ở Paris có những đường thông cù lớn, hai bên có lối đi, cây cao bóng mát,
lại thường có đặt sẵn những ghế sắt cho khách đi chơi thuê mà ngồi nghỉ mát,
giá thuê mỗi chiếc là năm xu hay một hào, mua một cái vé, dùng được cả ngày.
Đường Avenue des Champs Elysées là
một đường thông cù đẹp nhất ở Paris, một đầu là nơi công trường Concorde, một đầu là cửa khải hoàn Etoile, giữa một con đường cái rộng
thẳng băng dài tới mấy ngàn thước, lát bằng gỗ, sơn hắc ín, tối đến đèn thắp
hai bên bóng nhoáng như cái mặt gương, xe đi trên êm như ru, không khác gì hòn
lăn chạy trên bàn “billard” vậy. Hai
bên đường có hai lối trồng cây ùm tum như cái rừng, cho khách bộ hành đi chơi;
từ bốn giờ chiều trở đi, những trai thanh gái lịch cùng khách du lịch tứ phương
đến dạo chơi ở đấy đông lắm. Tôi thấy có một người ra dáng như người nước Anh
hay nước Mỹ, đến xách cái ghế ra ngồi dưới gốc cây đọc nhật báo. Được một lát,
người đàn bà phát vé đến chìa vé ra lấy tiền. Người ngoại quốc kia cứ lắc đầu,
không nói không rằng, hoặc là ương ngạnh, hoặc là không hiểu. Mụ phát vé phải
ra gọi người cảnh sát đến, giơ tay lên mũ chào, cố cắt nghĩa cho người ngoại
quốc kia hiểu, người kia cứ lắc đầu, như không để trí nghe, sau gập tờ báo bỏ
túi, đứng lên nghiễm nhiên đi. – Mụ phát vé muốn chạy theo đòi tiền. Thầy cảnh
sát cười mà bảo rằng: “Laissez-le partir,
Madame, pour le bon renom de la France” (Thôi, bà để cho người ta đi, bà,
để giữ tiếng tốt cho nước Pháp). Tôi cho câu nói đó có ý vị vô cùng và đủ tỏ ra
cái tư cách tốt của người cảnh binh bên nước Pháp, khác hẳn với những cách vũ
phu của nhiều thầy đội xếp bên này.
Cách vận tống ở Paris phần nhiều bằng xe ô-tô gọi
là taxi, có cái đồng hồ tính tiền, cứ
đi được mấy trăm thước lại tự nhiên dịch đi một số, đến nơi chiếu số mà trả
tiền. Còn có xe ngựa nữa, nhưng ít người dùng. Thịnh hành nhất là thứ autobus, là những xe ô-tô lớn, chở được
đông người, trong có chỗ ngồi như xe điện và có đặt từng đường chạy nhất định;
lại có xe điện chạy trên đường phố và xe điện chạy ngầm dưới đất. Ở Paris có
thứ xe điện ngầm đó là lạ nhất; trên đường đi lại chật quá phải đào hầm dưới
đất cho xe chạy, thành ra dưới thành Paris lại có một thành phố ngầm nữa, cách
sắp đặt và xây dựng thật là tài khéo vô cùng. Hiện có hai công ty xe điện ngầm:
một công ty Métro và một công ty Nord Sud, công ty Métro lớn hơn nhiều, cho nên thông tục gọi thứ xe ngầm ấy là xe Métro. Đường Métro đào ngầm dưới thành Paris như mạng nhện, đường thì chạy dọc,
đường thì chạy ngang, đường thì chạy lên, đường thì chạy xuống, đường thì chạy
xung quanh, có khúc chạy ngầm qua sông, có khúc chạy lưng chừng trời, tùy địa
thế chỗ cao chỗ thấp, bấy nhiêu đường cách dăm ba phố lại gặp nhau, chằng chịt
như mắc cửi, mỗi đầu phố có thang có cửa rộng rãi khang trang cho khách lên
xuống; chỉ lấy một cái vé 30 centimes muốn
đi cùng đường đất, đi đâu cũng được, miễn là không lên đến trên mặt đất thì
thôi, nếu lên rồi mà trở xuống thì lại phải mua vé khác. Nhưng đi chơi mà chạy
cùng dưới đất đen như thế còn có thú gì: cho nên đi Métro thời phải thuộc địa đồ Paris và phải thuộc các đường xe chạy,
cùng những chỗ nào đường nào gặp đường nào để đến nơi mà lên hay là chuyển sang
đường khác. Bữa tôi mới đến Paris, bỡ ngỡ không biết đâu vào đâu, như chim
chích vào rừng, muốn đi thử Métro mà
không thuộc đường, đứng luôn trong xe hơn một giờ đồng hồ, sau thấy hành khách
đều lên hết cả, mình cũng theo lên, thời thấy chỗ ấy là chỗ cửa ô gần ra ngoài
thành phố, thành ra mình đã đi suốt cả thành Paris mà không trông thấy một tí
gì. Cho nên đến Paris tất phải thuộc địa đồ cho kỹ, đã thuộc rồi thời đi đâu
cũng tiện lắm, vì các đường xe có đối chiếu nhau cả; định đi đâu, trước khi đi
phải đem địa đồ ra mà định cái hành trình trước, nếu biết khéo châm chước các
đường thời đến đâu đúng như in, không sai một li. Nhưng mấy bữa đầu đem địa đồ
ra nghiên cứu, thật là mê ly, đủ làm cho rối trí, vì ở Paris số các đường phố
có tới bốn ngàn hơn; xe điện ngầm, 10 đường, mỗi đường ít ra cũng đến mười chỗ
đỗ chính; autobus, 43 đường; xe điện
đi trên phố, 124 đường; trông trên địa đồ thật là rối mắt, không biết phân biệt
đường nào với đường nào. Nhưng nhận kỹ thời nó rạng dần ra, và không bao lâu
tìm được rõ các manh mối. Song đi đâu bao giờ cũng phải có cái bản đồ và quyển
mục lục trong túi.
Cách chỗ tôi ở một con đường phỏ - gọi là Rue d’Ulm đấy có nhà trường Cao đẳng Sư
phạm có tiếng ở Paris, học sinh thường gọi là “la maison d’Ulm”, - thời có nơi Panthéon
là đền kỷ niệm những danh nhân nước Pháp từ xưa đến nay. Đền này hùng tráng
nguy nga, xây toàn bằng đá, bít kín bốn bề, như hình một cái mồ to lớn dị kỳ,
bề dài 110 thước, bề ngang 82 thước, trên có một cái tháp tròn cao 83 thước,
đứng đấy thu quát được cả hình thế thành Paris. Cửa tiền có sáu cái cột đá lực
lưỡng, trên có một bức phá phong chạm khắc các hình tượng: hình thần Tổ quốc (la Patrie), đứng giữa hai thần Tự do (la Liberté), và thần Lịch sử (l’Histoire), để ban thưởng cái vòng hoa
danh dự cho các người có công với nước; bên hữu là những người đã lập nên sự
nghiệp về đường văn học, khoa học, mỹ thuật, như Voltaire, Rousseau, Cuvier,
Laplace, Louis, David, v.v…; bên tả là các võ tướng đã có công đánh dẹp từ đời
trước, đứng đầu là vua Nã Phá Luân, hồi bấy giờ còn là đại tướng Bonaparte, vì
bức chạm này khởi công tự năm 1790, chạm khắc đã tinh xảo mà ý tứ lại cao thâm,
đời sau cho là một nền tuyệt tác trong nghề điêu khắc của nước Pháp; dưới bức
phá phong vĩ đại đó có một câu đề chữ vàng: “Aux
grands hommes la Patrie reconnaissante” (Nhà nước cảm ơn những kẻ danh
nhân). Tôi thường ngày ngày đi qua trước đền Panthéon này, trong lòng cảm phục cái cách nước văn minh thờ những
bậc danh nhân trong nước uy nghiêm mà long trọng như vậy. Bước chân vào trong
đền, lòng cảm phục lại thêm lòng tôn kính, tôn kính những bậc danh nhân kia đã
làm nên công nghiệp vẻ vang cho nòi giống, tô điểm cho giang sơn nước nhà.
Trong đền rộng mênh mang, chỉ có tranh với tượng, tranh vẽ vào tường đá diễn
các tích vẻ vang trong lịch sử nước Pháp, tượng hình các danh nhân từ đời
thượng cổ. Ở nơi chính điện có một tòa tượng nguy nga hình cái công nghiệp khai
sáng của các nhà Cách mệnh nước Pháp về cuối thế kỷ thứ XVIII, dưới có đề câu
thệ nguyện của các nhà ấy rằng: “Vivre
libre ou mourir” (Vô tự do, bất ninh tử), sống không được tự do, thà rằng
chết còn hơn. Những bức bích họa trong đền Panthéon
này thời có tiếng nhất là mấy bức của ông danh họa Puvis de Chavannes, tả về sự
tích bà thánh Geneviève, đã có công cứu cho thành Paris hồi giặc Hung Nô vào
xâm phạm về thế kỷ thứ sáu. Nguyên đền Panthéon
hồi xưa là nhà thờ riêng bà thánh Geneviève, sau mới mở rộng ra và đổi thành
đền kỷ niệm cả các danh nhân trong nước. Bên cạnh đấy có nhà thờ Saint Etienne du Mont, trong còn có mộ
bà thánh, ngày nay những thiện nam tín nữ đến lễ bái vẫn còn đông lắm. Dưới đền
Panthéon có một từng hầm nữa, ở đấy
mới thật là chỗ chôn di hài các danh nhân. Những mộ to nhất là mộ ông Rousseau,
ông Voltaire, ông Victor Hugo, ông bà Berthelot. Bà Berthelot là người đàn bà
thứ nhất được chôn trong đền Panthéon.
Ông là một nhà khoa học triết học trứ danh về thế kỷ mới rồi; hai ông bà ăn ở
với nhau một đời rất là hòa thuận, gây dựng được mấy người con ai cũng làm nên
sự nghiệp có tiếng cả. Đến tuổi già, vẫn một lòng yêu mến kính trọng nhau như
lúc thiếu thời. Chợt bà mắc bệnh tạ thế. Ông thức nhắc trông nom hết sức không
cứu được, gọi các con báo cho biết tin buồn và bảo rằng: “Mẹ con đã mất rồi, ta
cũng thấy khó ở đây”. Rồi vào cái phòng bên cạnh, ngồi tựa vào ghế dài thiu
thiu ngủ. Lâu không thấy dậy, người nhà vào đánh thức, thì ông đã tắt nghỉ từ
bao giờ. Thế là hai ông bà cùng mất một ngày, sống chết không rời nhau. Nhà
nước định làm quốc tang cho ông và muốn cả bà cũng được dự phần danh dự, để tỏ
rằng Quốc gia biết ơn những bậc danh nhân đã có công với nước mà cũng biết
trọng những người vợ hiền đã có công với gia đình, hết lòng thờ chồng nuôi con
được phải đạo. Bởi thế mà ngày nay hai ông bà được nằm trong đền kỷ niệm, tiếng
thơm lưu truyền thiên cổ.
Ngày 11 tháng 11 năm 1920, nhân làm lễ kỷ niệm
đình chiến lần thứ nhì, Chánh phủ Pháp có rước vào điện Panthéon cái quả tim của ông Gambetta là một nhà địa chính trị đã
có công dựng lập ra Dân quốc bây giờ. Nguyên hồi ông mất, ông có trối lại rằng
xin để quả tim lại cho nước, là có ý nói rằng nhất sinh đã tận tụy về việc
nước, đến chết cũng không còn tiếc gì, muốn gửi tâm can cho nước. Các bạn thân
bèn giữ lấy quả tim đó, ngâm vào trong rượu, giữ gìn trân trọng nó đến ngày
nay. – Lại vừa năm ngoái đây, Quan giám quốc cùng với cả các quan trong chính
phủ và ông nghị trưởng hai viện, thân hành đến đền Panthéon đóng cái biển kỷ niệm võ công của ông quan ba tàu bay Guynemer,
để đợi sau này sẽ dựng tượng.
Ấy nước Pháp thờ những bậc danh nhân một cách
trang nghiêm tôn trọng như vậy; chẳng bì với những lối đồng bóng quàng xiên, vũ
lộng quỉ thần của người mình!
Ở Panthéon đi
thẳng ra thời đến vườn Luxembourg trước mặt Thượng nghị viện. Vườn này rộng độ
hai mươi lăm mẫu tây, có tiếng là nơi công viên đẹp nhất ở thành Paris. Kiểu
vườn là kiểu đời Phục Hưng (Renaissance)
đồng thời với cung Luxembourg, ngày
nay làm nhà Thượng nghị viện. Trong vườn nào là tượng đá, nào là bể nước, nào
là chiếu cỏ, nào là thảm hoa, quanh mình rặt những hình tượng đẹp, mầu sắc tươi
cả, thật như một bức gấm trăm hoa. Cây lớn thời toàn là những cổ thụ hai ba
trăm năm, trồng thẳng băng từng dẫy dài, dưới có lối đi cho khách bộ du. Đẹp
nhất là có một thứ dương ngô đồng (cây vông tây = platanes), lá xòe như cái tán. Đứng trước Thượng nghị viện mà trông
thẳng ra, tưởng không cảnh gì đẹp bằng, cực mục như một tấm gấm tấm lụa rải
thẳng cho đến kỳ cùng ở giữa hai rừng cây xanh rậm, vì mặt trước này vườn Luxembourg lại thông với vườn Thiên văn
đài, nên coi nó lại càng man mác nữa. Nghĩ ra qui mô một nơi công viên như thế
này, thật cũng khéo quá: không khác gì như lấy những cỏ hoa cây cối của Tạo vật
mà thêu trên mặt đất thành một bức gấm trăm hoa để cho khách chu du thưởng
ngoạn. Mà trong cuộc chu du ấy vẫn có ý kỷ niệm, vì quanh mình không thiếu gì
tượng các danh nhân. Có nơi họp cả tượng các bà danh phi liệt nữ của nước Pháp
từ đời xưa. – Nhưng trong vườn Luxembourg
này có một chỗ thanh thú nhất, là nơi gọi là bể Médicis (Fontaine Médicis), có cái bể bằng đá hình bồ dục, bên
trong có một bức chạm tích thần tiên Hy Lạp ngày xưa, bốn bề toàn những ngô
đồng cây cao bóng mát, tiếng nước chảy róc rách, tiếng chim kêu ríu rít, rõ ra
một cái cảnh lâm tuyền mà lại có tay khéo của người ta tô điểm. Hai bên có hai
dãy ghế, cho khách du ngồi thưởng ngoạn. Nhưng xét ra những khách mến cảnh này,
ngồi đến thâu giờ tàn buổi, thơ thẩn một mình, không phải là những người trong
trường náo nhiệt; phần nhiều là những hạng thi nhân họa khách cùng những bậc
thiếu phụ nhàn sầu, đến đây để tiêu sầu khiển hứng. Mà cảnh êm đềm, người lặng
lẽ cho đến nỗi chim sẻ từng đàn liệng qua trước mặt, đậu tận bên mình cũng
không sợ. Nội các cảnh đẹp ở thành Paris, tôi lấy chỗ này làm phong thú hơn cả,
thường chiều chiều đến ngồi đấy từng giờ lâu, cho đến lặn mặt trời mới về: trời tây bảng lảng bóng vàng, những lúc
ấy là lúc trong lòng cảm tưởng vô cùng.
Xóm tôi ở là xóm học trò, vậy bao nhiêu những
trường học lớn là ở đấy cả. Trường Đại học Paris ở trong sở Sorbonne, là một tòa nhà nguy nga, rộng
hơn 80 thước, dài ngót 250 thước. Sở này dựng từ năm 1885 đến năm 1900 mới
xong, ở nơi cố chỉ nhà thờ và trường học kinh của ông cố Robert de Sorbon tự
thế kỷ thứ XIII, cho nên gọi tên là Sorbonne,
qui mô hùng tráng, thật là xứng đáng một sở học lớn nhất của một kinh đô lớn
nhất trong thế giới. Trong sở này chỉ có ban Văn học (29 khoa) và ban Khoa học
(25 khoa) thuộc về trường Đại học Paris, còn ban Y học, Luật học thời đã có nhà
riêng cũng ở gần đấy. Lại có một cái thư viện to lắm, hơn 60 vạn quyển sách, để
cho các ông giáo và học trò dùng. Mặt cửa chính có 8 pho tượng đá hình tám khoa
học: Hóa học, Bác vật học, Vật lý học, Số học, Lịch sử học, Địa dư học, Triết
học, Khảo cổ học. Vào trong, các bức tường đều có tranh vẽ của những tay danh
học đương thời cả, phần nhiều là vẽ các tích về sự học. Rực rỡ nhất trong sở Sorbonne này là nơi đại diễn đàn (le grand amphithéâtre) rất là to rộng, những khi có cuộc diễn
thuyết lớn hay là hội tiệc gì về việc học đều họp ở đấy, có thể dung được tới
bốn nghìn người. Chính giữa diễn đàn có một bức bích họa cực kỳ vĩ đại do tay
ông Puvis de Chavannes vẽ, đề là “Rừng học”, có các vị thần tiên ngồi dưới bóng
cây bên suối nước mà đàm luận nghĩa lý văn chương; trong vòng bán nguyệt thời
có sáu pho tượng ngồi lực lưỡng, là tượng ông Sorbon, ông Richelieu, ông
Rollin, ông Descartes, ông Pascal, ông Lavoisier, toàn là những người có công
về sự học cả.
Tôi có được nghe diễn thuyết ở đại diễn đàn Sorbonne hai ba lần, mà long trọng nhất
là ngày làm lễ bách niên khánh niệm hội “Cổ Á Châu nghiên cứu hội” (Société Asiatique), và lễ bách niên kỷ
niệm ông Champollion là người trước nhất đã nghĩ ra cách đọc được các chữ cổ
của Ai Cập. Bữa đó có quan Giám quốc Millerand thân đến làm tọa chủ, người đến
nghe có tới số năm ngàn. Các nước có phái các ông bác học đến thay mặt, và lần
lượt mỗi ông đọc một bài khánh chúc. Chính phủ Ai Cập thời phái một ông quan
đầu đội mũ fez (là thứ mũ đỏ trên có
cái đuôi nhỏ như người Chà bên ta thường đội), cũng đọc một bài bằng chữ Pháp,
lời lẽ hùng hồn, người nghe vỗ tay lắm. Đại khái ông nói rằng nước ông được nhờ
có ông Champollion mà ngày nay được biết cái cỗi rễ cùng những sự nghiệp vẻ
vang về đời trước, ơn ấy người Ai Cập không bao giờ quên.
Tôi đến Paris vào khoảng cuối tháng năm đầu tháng
sáu, các trường học đã sắp nghỉ hè cả, cho nên không được đi nghe giảng nhiều.
Nhưng cũng được hai lần vào xem học ở Sorbonne:
một lần nghe ông giáo Schneider giảng về lịch sử mỹ thuật nước Pháp, đương phê
bình một bức danh họa về đầu thế kỷ thứ XIX, có chiếu ảnh cho học trò xem; một
lần được xem ông giáo Lapicque đương dạy một cô nữ học sinh thí nghiệm về các
thứ cây biến sắc khi ở trong tối và khi ra ánh sáng. Ông giáo Lapicque dạy khoa
“Tổng quát sinh lý học” (Physiolagic générale),
chính là khoa của ông Paul Bert đã dạy khi xưa, hồi chưa sang làm Toàn quyền
bên này; ông giáo có chỉ cho xem cái buồng giấy của ông chính là buồng giấy của
ông Paul Bert khi trước.
Thường đọc trong sách du ký của người Tàu sang
chơi Paris có nói rằng: “Khách du lịch đến Paris mà không xem lăng vua Napoléon
thời chưa phải là biết Paris”. Câu đó cũng khí quá, nhưng sở Invalides và lăng vua Napoléon kể cũng
là một cái kỳ công trong nghề kiến trúc của thế giới. Sở Invalides nguyên là tự vua Louis thứ 14 dựng ra để nuôi các lính
già yếu tàn tật. Bây giờ thời sửa sang để làm nơi bác vật quán của nhà binh,
trong có một bộ đủ cả các kiểu súng gươm và binh khí tự đời cổ đến giờ, cả thảy
có hơn một vạn chiếc; lại một phần dùng làm nha môn cho quan Đại tướng Tổng
binh thành Paris. Trong cùng có một tòa nhà tròn, tự đất lên cao hơn trăm
thước, ngay chính giữa, đào vũng xuống thành một cái huyệt tròn có bờ cao lên,
xây toàn bằng cẩm thạch, đó là chỗ lăng vua Napoléon. Chính mộ thời dài bốn
thước, ngang hai thước, cao bốn thước rưỡi, làm bằng một tấm hồng cương thạch
toàn sắc, của vua Nicolas nước Nga tặng, đặt trên một cái bệ bằng thanh cương
thạch cũng toàn sắc. Chầu chung quanh mộ, ở dưới huyệt thôi có 12 pho tượng đá
lực lưỡng, hình 12 trận đại thắng của vua. Trong cùng có tượng vua mặc đại
triều phục cao ước ba thước. Muốn vào trong huyệt xem thời phải theo đường
thang đá đi xuống, trước huyệt có cái cửa đồng đóng kín, hai bên cột có hai pho
tượng hình “Văn chiêu” và “Võ liệt” (la
Force civile et le Force militaire), trên biển cửa có đề một câu rằng: “Je désire que mes cendres reposent sur les
bords de la Seine, au milieu de ce peuple français que j’ai tant aimé” (Tôi
muốn cho di hài tôi được chôn ở trên bờ sông Seine, gần với người dân Pháp nọ,
bình sinh tôi đã yêu mến biết bao). Dân nước Pháp đã tuân theo như lời di chúc
của ngài, cho nên ngày nay khách du lịch mới được đến đây mà vọng bái vong linh
một bậc anh hùng trong lịch sử trong một khoảng hai ba mươi năm kinh thiên động
địa cả một góc trời tây. Khách du lịch đứng ngắm cái cảnh trang nghiêm tráng lệ
ở chốn này, không thể cầm lòng cảm phục, và chỉ có thể phê mấy chữ: hùng tráng
thay! Người đại anh hùng khi tử hậu một là được chôn như thế này, hai là chết
dưới mũi tên hòn đạn, da ngựa bọc thây, thế mới thật là xứng đáng, còn ngoại
giả là những cách phù phiếm hão huyền, che mặt thế gian hết cả!
Tôi đến Paris vẫn chỉ rắp định vào xem Nghị viện
họp hội đồng một buổi xem các ông nghị viên bên quý quốc có giống các ngài nghị
viên ở bên ta không. Tôi xin vội vàng nói trước để các ngài biết rằng tôi xét
ra duy chỉ giống có cái tên mà thôi, và cứ lấy cái tư cách hiền lành thời có lẽ
các ông nghị Tây còn kém các ông nghị ta nhiều. Muốn vào xem nghị viện những
buổi có hội đồng phải có vé mới được vào. Vé ấy phải do các ông nghị viên hay
các quan Thượng thư xin cho mới được. Người ngoại quốc thời phải do lãnh sự hay
là công sứ nước mình xin ở bộ Ngoại vụ. Tôi may có quen mấy ông nghị viên cho
vé được vào xem Thượng Hạ nghị viện mấy lần. Nhưng may nhất là một lần được vào
Hạ nghị viện nghe quan Tổng lý Nội các Poincaré diễn thuyết. Tôi đọc nhật báo
đã biết rằng Chánh phủ bị chất vấn về việc ngoại giao, và quan Tổng lý Nội các
thế nào cũng phải ra đối đáp, nhưng không biết rõ ngày nào. Vả lại mỗi lần quan
Poincaré diễn thuyết thời người đến xem đông quá, không còn sót một ghế nào,
vậy cũng không dám mong mỏi có thể xin vào được. Không ngờ buổi sớm tôi vào bộ
Thuộc địa thăm quan Sarraut, nhân nói chuyện rằng tôi ước ao được nghe quan
Poincaré một buổi, ngài liền nói: “Ấy, chính chiều hôm nay quan Thủ tướng sẽ
diễn thuyết đấy”, rồi ngài cho hỏi quan chánh Văn phòng có còn thừa vé không.
Xem ra chỉ còn có hai cái vé thì đã hứa cho hai người rồi. Quan Sarraut cũng có
ý ngần ngại, sau ngài bảo cứ cầm lấy một cái, rồi ngài sẽ liệu cho người kia
sau. Thế là nhờ sự may mắn lạ nhường mà tôi được cái hân hạnh nghe quan Thủ
tướng Poincaré diễn thuyết. Trước tôi vẫn tưởng rằng một tay văn học như ngài
thời diễn thuyết tất là văn chương hoa mỹ lắm. Đến lúc thấy ngài lên diễn đàn
nói, thời bình thường giản dị như ta nói chuyện thường, không có một câu nào là
lời nói phiếm, không có một giọng nào là giọng hư văn, duy lời nói rắn rỏi mà
khúc chiết, nghe thật là rành rẽ từng câu từng chữ. Ngài nói luôn trong hơn ba
giờ đồng hồ, trước mặt để một chồng giấy cao, chốc chốc lại giở ra để tra tìm
những ngày tháng cùng số mục. Lúc đầu thời cả nghị viện còn im phăng phắc để
nghe, sau ngài càng nói thời cả bên cực tả nghị viện là đảng phản đối với Chính
phủ càng thấy lao nhao, rồi một người đứng lên phản đối, người ấy nói chưa dứt
lời, người khác nói liền kế theo, bên tả công kích, bên hữu đối lại, kẻ này vỗ
tay, kẻ kia huýt còi, một chốc thành ồn ào như cái chợ, ông nghị trưởng ngồi
trên rung chuông liên thanh, không làm cho im tiếng người được. Sau phải thét
to lên: “Nếu các ngài làm rầm như thế mãi, tôi phải bãi hội đồng hôm nay”. Được
một chốc rồi mới im tiếng dần. Bấy giờ quan Thủ tướng mới nói tiếp, ngài nói có
ý gắt: “Các ngài hỏi tôi, phải để cho tôi trả lời, muốn trả lời cho có đầu
đuôi, phải nói cho có thứ tự, việc trước nói trước, việc sau nói sau, tôi không
phải trăm nghìn miệng mà nói cả một lúc được”. Bấy giờ nghe có mấy ông nghị
viên nói: “Được lắm! Phải lắm!”. Nhưng đảng bên tả vẫn hăng hăng không chịu. Có
mấy ông nghị viên bên tả xem ra ý muốn công kích riêng quan Poincaré, hơn là
công kích các chánh sách của ngài. Bấy giờ trông thấy ngài đứng thẳng người
lên, trông về bên tả, trả lời một cách rất mạnh bạo rằng: “Ai công kích riêng
tôi, công kích tôi là Poincaré thời tôi đây không chấp, nhưng mà nếu phạm đến
pháp luật, mà pháp luật ở trong tay tôi thời tôi sẽ cứ thẳng tay tôi làm”. Nghe
mấy lời quả quyết như thế, hầu hết cả nghị viện đều vỗ tay, duy có mấy ghế về
bên cực tả thì không thấy động đậy. Sau ra bỏ vé quyết nghị, thời phần đa số
vẫn về với Chính phủ.
Ấy cái cảnh tượng Hạ nghị viện những ngày tranh
biện kịch liệt như thế. Trông thấy cái cảnh tượng ấy, khách du lịch cảm tưởng
thế nào? Người xét nông nổi thời cho rằng trong một nước mà phân ra nhiều đảng
tranh giành nhau như thế là một sự không hay. Nhưng mà xét cho đến nguồn gốc sự
lý mới biết rằng phàm mưu việc chính trị tất phải có cạnh tranh, đã có cạnh
tranh tất sinh đảng phái, đã có đảng phái, những lúc gặp nhau tất phải có xung
đột, đó là một lẽ tự nhiên. Người ta không phải là sống bằng cái lý tưởng suông
được, đã có một cái lý tưởng gì, tất muốn đem nó ra mà thực hành, và thực hành
thế nào cho được thập phần lợi ích. Nhưng phải thực hành thế nào? Cả cái vấn đề
là ở đó, cả sự khó khăn là ở đó. Nếu ai cũng là bậc thánh nhân cả, có cái trí
rất sáng suốt, có cái tài rất kiêm bị, trông thấy sự lợi ích, biết được ngay
phương pháp mà làm, thời không việc gì có cạnh tranh cả. Nhưng người đời không
phải là thánh nhân cả, và dẫu có ông thánh nhân ở đời, người đời cũng không
biết. Đã thế thời trừ phi là nhà thuần, tư tưởng không nói chi, đã muốn ra hành
động với đời tất phải quyết theo một bề nào mình cho là phải hơn cả, đã quyết
rồi thời hình như phải nhắm mắt mà theo cho đến cùng, nếu không thời không làm
trọn nên công cán gì cả. Nhưng cái bề mình cho là phải, kẻ khác lại cho là
không phải, cái phương diện của mình không phải là phương diện của người, muốn
cho người phải theo phương diện mình thời phải ra cạnh tranh với người, đã cạnh
tranh thời ai mạnh là người ấy được. Nói rút lại muôn sự ở đời, đều phải lấy
sức mạnh mà giải quyết hết; công lý công nghĩa chẳng qua là những tiếng khẩu
đầu. Cứ xem ngay ở nghị viện nước Pháp thời đủ biết: kìa trong nghị viện có đến
năm trăm người, mỗi người do một địa phương phái đến, tư chất tính tình không
có một tí gì là giống nhau. Bấy nhiêu người phải họp nhau lại để bàn việc nước,
chắc rằng người nào đã được cái danh dự ra đại biểu cho quốc dân thời ai cũng
có cái chí muốn mưu việc ích lợi cho dân cho nước. Nhưng đến lúc phải bàn với
nhau nên dùng những phương kế gì để thực hành sự lợi ích ấy, thời không ai đồng
ý với ai, vì mỗi người có một ý riêng, mà đã chắc ý ai là hơn ý ai? Người thuộc
về đảng bên hữu thời nghĩ rằng muốn cho xã hội tiến hóa, quốc gia phú cường
thời phải duy trì bảo thủ lấy những nền nếp cũ trong nước, phải giữ lấy trật tự
cho nghiêm, phòng sự rối loạn cho kỹ; - người thuộc về đảng bên tả thời nghĩ
rằng muôn sự khốn nạn trong xã hội, muôn sự cực khổ của người ta, là bởi cái
thể chế xã hội như bây giờ chia ra một bọn có tiền có quyền, một bọn nhọc nhằn
nô lệ, bọn kia cưỡi cổ, bọn này phải chịu, thế là trái lẽ công bằng, thế là
không thể dung được; vậy bây giờ phải phá hoại cái xã hội kia đi mà gây dựng ra
một xã hội mới hợp với nhân đạo hơn; - người thuộc về đảng trung ương thời nghĩ
rằng không nên thủ cựu mà cũng không nên cấp tiến, phải nên châm chước cả hai
bề là hơn. Người bên tả chê người bên hữu là hủ lậu chuyên chế; người bên hữu
chê người bên tả là bạo động gây loạn; cả tả hữu đều chê người trung ương là do
dự nhu nhược, không có chủ nghĩa, không có đảm lực. Giữa đám phân tranh như
thế, ai là người bình tĩnh có thể dám quyết bên nào phải, bên nào trái? Tất
phải đem ra chỗ công trường, cho mà ra sức tranh biện với nhau; bên nào nhiều
người là bên ấy được. Nhiều người há chẳng phải là sức mạnh ru? Như thế thì
công lý ở đâu? Hay là công lý với cường quyền cũng một?
Hoặc giả nói: Nếu như thế thì làm việc chính trị
chẳng là chán lắm ru? Và nơi nghị trường chẳng là giống như chợ hàng rau ru?
Nếu như thế thì các ông nghị ta mỗi năm về Hà Nội chơi mấy ngày, xin Chánh phủ
cho đi xem hát chèo chớp bóng, há lại chẳng có tư cách hơn các ông nghị Tây kia
cứ ngày ngày đem nhau ra chỗ công đồng mà cãi nhau như mổ bò ru? Người yếm thế
hoặc có cái bi quan như thế. Nhưng mà kẻ thức giả biết rằng ở đời phải có cạnh
tranh, có cạnh tranh mới có sinh hoạt, không cạnh tranh thời có cũng như không,
sống cũng như chết. Đã có nghị viện phải có chính đảng, đã có chính đảng tất
phải có cạnh tranh, có cạnh tranh mới hoạt động; cái phép tiến hóa của các dân
tộc như thế. Dân tộc mình còn chưa tới trình độ đó, ta nên đáng mừng hay là
đáng tiếc? điều đó xin chất vấn ở quốc dân.
Ở Hạ nghị viện thường vẫn hay hăng hái hơn là
Thượng nghị viện, nhưng không phải buổi nào cũng kịch liệt như thế đâu. Thường
thường những khi không có chuyện gì quan trọng thì không những người đến xem ít
mà các ông nghị viên cũng nhiều ông vắng mặt. Một hôm tôi đến xem thấy đương
bàn về giá lúa cao hạ, quan Nông bộ đương đối đáp với ông nghị viên nào đó;
nghị trường vắng tanh, số các ông nghị có mặt phỏng được ba bốn chục ông, mà
người đến xem thời lác đác dăm ba kẻ mà thôi.
Thượng nghị viện tôi cũng được vào xem một vài
lượt. Các ông nghị ở đây phần nhiều là người có tuổi cả, cho nên cách nghị luận
không mạnh bạo lắm như ở Hạ nghị viện. Nhưng cũng có nhiều khi kịch liệt, và
phần nhiều là do các ông bên tả đảng phản đối chính phủ hay là công kích bên
hữu đảng. Hôm tôi đến xem thì có một ông nghị viên về đảng Xã hội đương chất
vấn quan Binh bộ về việc trong khi chiến tranh quan binh có kết án lầm mấy
người lính đem xử tử vì tội tháo lui trước quân giặc, sau xét ra mới biết rằng
án ấy oan và mấy người lính kia vô tội. Ông nghị viên hết sức công kích bọn
quan binh vì võ đoán mà đã làm chết oan mấy mạng người, công kích Chính phủ đã
dung túng những cách võ đoán như thế. Ông nói rất là hùng hồn cảm động; có một
lúc ông đập tay xuống bàn mà nói to lên răng: “Ừ, nào có phải thiệt oan mất mấy
mạng người mà thôi đâu, còn để cái khổ cái nhục cho người sống nữa! Các ngài có
nghĩ đến cái tình cảnh những cha mẹ, những vợ con mấy người chết oan ấy không?
Các ngài có nghĩ đến cái đau đớn, cái tủi nhục vô cùng của lũ con trẻ kia,
trong khi các trẻ con khác trong làng có cha anh đi trận về, nào là mề đay, nào
là bội tinh, nghênh ngang vang vẻ trong làng xóm, mà mình hễ thò mặt ra đầu ngõ
thời người ta vạch mặt gọi tên, nói rằng: “Thằng này là con thằng phản quốc
đây. Cha nó ngày trước đã bị xử tử”. Các ngài có nghĩ đến những nông nỗi đắng
cay chua xót ấy trong lòng một kẻ hài nhi không? Kẻ hài nhi ấy sau này là dân
nước đấy, là lính nước đấy! v.v…”.
Quan Binh bộ là quan Maginot, người cao lớn,
giọng dóng dả, rõ ra cái thái độ một quan Thượng thư Binh, lên diễn đàn đáp
lại, đại khái nói rằng: “Chánh phủ cũng biết rằng án đó là lầm, tội đó là oan.
Nhưng mà đương buổi chiến tranh bối rối, những sự oan uổng ấy làm sao mà tránh
cho khỏi được? Vả lại, dù thế nào nữa, việc đã dĩ nhiên rồi, bây giờ nói sao
cũng không thể khôi phục được mệnh người nữa. Như vậy thì dở dói ra làm chi,
cho thêm nỗi đau lòng. Thôi thời bây giờ Chính phủ đã nhận lỗi, sẽ ra sức giúp
đỡ cho cha mẹ vợ con những người ấy, ban tiền dưỡng lão, tiền tuất cô tuất quả
cho người ta được yên thân. Vả trong buổi binh hỏa dị kỳ, những người chết oan
chết khổ biết là bao nhiêu, biết mấy mươi nghìn vạn mà kể: tổng chi cũng là
chết vì nước cả! v.v…”. – Quan Binh bộ hết sức biện bạch, mấy ông nghị về đảng
Xã hội nhất định không nghe, xin phải tra cho ra lỗi tự ai và làm tội những
viên tướng tá đã kết cái án oan ấy.
Các Ngài xét mấy câu chuyện tôi thuật đó thời
biết cái thái độ các ông nghị viên bên quý quốc thế nào. Còn cái cảnh tượng
trong nghị trường thời như trên kia tôi đã nói, có khi bình tĩnh mà cũng nhiều
lúc phong ba, nhưng dù những khi rất kịch liệt đến nói nặng lời nhau cũng là vì
lòng nhiệt thành về việc công cả, cho nên lòng công phẫn ấy dẫu quá đáng cũng
khả nguyên.
Từ trên đến giờ là tôi mới thuật chuyện các ngài
nghe những sự du lịch của tôi ở phần thành Paris thuộc về tả ngạn sông Seine,
có thể gọi là phần Paris cổ. Nay trước khi qua sang bên bờ sông kia là phần
Paris kim thời, nghĩa là phần phồn hoa náo nhiệt nhất, hẵng xin nói qua các
ngài nghe về cái tháp sắt Eiffel,
chắc các ngài đã biết tiếng cả. Tháp này thật là một cái kỳ công có một trong
nghề kiến trúc bằng sắt. Kể về bề cao thời suốt trong thế giới không có cái nhà
lầu cột tháp nào bằng: tháp Woolworth
Building ở New York cao 229 thước, cột đá ở Washington cao 160 thước, Kim
tự tháp Khéops ở Ai Cập cao 137
thước, mà tháp Eiffel này cao những
300 thước; kể về cách kiến thiết cũng là hoành tráng ly kỳ: khởi dựng ngày 28
tháng Giêng năm 1887, đến ngày 31 tháng Ba năm 1889 mới thành công, nặng cả
thảy 7 trăm vạn cân tây, trong có một vạn hai nghìn mảnh sắt nối lại với nhau
bằng 250 vạn cái đanh sắt nặng cả thảy là 45 vạn cân. Dưới chân có bốn cái bệ
bằng đá móng mỗi cái rộng là 26 thước vuông và chôn sâu xuống đất đến 14, 15
thước. Nghĩ kiểu và đốc công là ông kỹ sư Eiffel, cho nên lấy tên mà đặt tháp.
Tuy các ngài đã biết cái khung khổ nó to lớn là thế, song có lẽ chưa tưởng
tượng biết ở trên thế nào. Tháp Eiffel
đó tức là một cái thành phố nhỏ ở trên không trung vậy. Tháp chia làm ba từng
đi lên bằng thang máy (ascenseur),
từng dưới nhất cách đất 57 thước, từng giữa 115 thước, từng trên 275 thước,
càng lên càng nhỏ, trên tuyệt đỉnh có một cái nhà lầu nay dùng làm sở giây thép
gió (vô tuyến điện); ở từng dưới và từng giữa đi chung quanh rộng như đường phố
có hàng cơm, hàng rượu, hàng bán các đồ du lịch kỷ niệm, lại có nhà kèn, nhà
nhảy đầm nữa. Đứng trên từng thứ nhất mà trông xuống cái vườn hoa ở dưới đất
không khác gì như một tấm gấm Lào, mảnh vuông mảnh tròn sặc sỡ; lại trông những
xe ô-tô chạy dưới đường như con mối bò trên trần vậy. Đứng đấy mà chiếu ống
viễn kính thời thu quát được cả hình thế thành Paris, trông cứ xanh um như một
rừng cây rậm. Từ khi chiến tranh đến giờ tháp này mới dùng làm sở vô tuyến
điện, chớ trước kia chẳng qua là một cái đồ chơi lạ để thêm trang sức cho chốn
Kinh đô mà thôi. Nhưng mà nghĩ cái khí tượng người Tây cũng hùng thay! Chơi mà
nghĩ làm ra một cái tháp sắt cao ba trăm thước thời cũng kỳ thật. Chẳng bì với
cái khí tượng của người nước ta chỉ ưa chơi những núi non bộ với cây uốn cành,
thu giang sơn vào một góc nhà, lấy ba thước sân làm một cái tiểu thiên địa, thế
mà cũng tiêu dao tự tại, lấy làm thú được. Hai cái tinh thần thật là cách xa
nhau qua, cách xa nhau mà có lẽ cũng hơn kém nhau vì đó.
Bây giờ xin mời các Ngài đi sang ngang với tôi.
Nói thế chắc các ngài lấy làm ngại, nhưng không khó gì, vì đi qua sông đây
không đầy hai phút đồng hồ. Sông đã nhỏ hẹp, - sông Seine nước chảy lừ đừ, có
đâu cuốn cuộn những cát cùng bùn như sông Nhị Hà của ta, - lại đi bên này sang
bên kia sông, trong một thành Paris có đến 24, 25 cái cầu, cái nào cũng rộng
như đường cái, hai bên tượng đá bao lơn cả.
Ở xóm tôi mà đi sang bên hữu ngạn tiện lắm, vì có
một đường autobus chạy ngay đầu phố,
- đường autobus hiệu chữ A đi từ sở Gobelins đến nhà thờ Notre Dame de Lorrette; - nói đến những
tên này lại càng thêm nhớ cảnh cũ, vì đường này là lối đi về bấy lâu!
Đường autobus
đi qua cầu Carrousel, lại chạy qua
sân cung Le Louvre. Nhà đâu mà to lớn
lạ nhường! Nội các cung điện của các bậc đế vương trong các nước trong thế giới
từ đời xưa đến đời nay, có lẽ không có nơi nào qui mô hoằng vĩ bằng nơi này.
Nghe nói cung Vatican của đức Giáo
Hoàng ở La Mã (Rome) đã là to, mà cung này còn lớn hơn gấp ba, diện tích tới 19
vạn 7 nghìn thước vuông. Các đời vua kế nghiệp nhau trong bảy tám trăm năm ở
đất kinh thành Paris đề ra công xây dựng, sửa sang, sắp đặt, chỉnh đốn một chốn
này cả. Từ vua Philippe Auguste năm 1204 trùng tu lại cái lâu thành cổ nguyên
có ở đấy trước; đến vua François thứ nhất năm 1541 sai ông kiến thúc kỹ sư
Pierre Lescot vẽ kiểu làm ra một nơi cung điện mới; đến vua Louis thứ 14 giao
cho hai ông Lous Le Vau và Claude Perrault mở rộng thêm ra; cho đến vua
Napoléon thứ nhất và Napoléon thứ ba từ năm 1803 đến năm 1852 dựng thêm hai dẫy
nhà lầu mới nữa, do tay những ông Percier, Fontaine, Lefuel, Visconti vẽ kiểu
và đốc công; mãi đến năm 1857 mới thật là hoàn thành như kiểu cách ngày nay. Một
cái cung điện làm trong bảy trăm năm, do những bậc đế vương hiển hách trong
lịch sử chủ trương giám đốc, những tay thợ khéo đệ nhất trong một nước ra công
giúp sức, trách gì mà không to không đẹp. Một ông văn sĩ Tây bình phẩm đến Đế
thiên Đế thích (Angkor) của Cao Miên
có nói rằng: “Chốn này không phải là một nơi cung điện, chính là một bài thơ
trường thiên, một bài anh hùng ca viết bằng đá” (Ce n’est pas un monument, c’est un poème, c’est une épopée en pierre),
là có ý cực tán cái vẻ hùng vĩ ly kỳ. Khách du lịch đứng trước cung Le Louvre ở Paris cũng có thể nói rằng:
“Chốn này không phải là một nơi cung điện; chính là một áng văn chương đại
đoạn, mà là lối văn chương biền ngẫu, viết bằng đá, có cái khí vị hùng cường mà
hòa nhã, mỹ lệ mà trang nghiêm như một bài văn của “Tứ kiệt” về đời Thịnh Đường
vậy”.
Bữa trước tôi có gặp một ông bạn hỏi về chuyện đi
Tây, ông nói: “Ông xét cái văn minh của họ thế nào? Tôi tưởng họ mới văn minh
phú cường độ dăm sáu chục năm nay, đi chinh Đông phạt Tây, cướp lấy thuộc địa,
vơ vét của tứ phương đem về nước mới được giàu mạnh như thế; chớ họ làm gì có
cái văn hóa cổ như Đông phương mình”. – Tôi bèn kể những lâu đài cung điện cổ ở
Paris, như cung Le Louvre, như nhà
Đại Giáo đường Notre Dame cho ông
nghe, ông mới tỉnh ngộ, hiểu rằng tuy cái vật chất văn minh của Âu Tây mới
thịnh trong khoảng nửa thế kỷ này, mà cái tinh thần văn minh của người ta vốn
có cũng đã lâu đời vậy.
Ấy cái hình thế bề ngoài của cung Le Louvre như thế, ngang dọc liền giáp
với mấy đường phố lớn, mặt tiền trông ra phố, bề dài là 167 thước, cao 27
thước, có 52 cái cột đá dựng song song, trông thật là có oai nghi lắm. Mặt sau
có cái sân rộng mênh mang, xưa làm trường đấu ngựa, nay đầy những tấm hoa,
chiếu cỏ, cửa khải, tượng đồng, lại liền với một cái đại công viên là vườn ngự
uyển ngày xưa, gọi là vườn Tuileries,
qui mô thể thế có phần lại to tát đẹp đẽ hơn là vườn Luxembourg tôi đã nói.
Bề ngoài đã thế mà vào trong mới lại đẹp nữa.
Ngày nay bao nhiêu những cung điện của Đế vương cũ, Chính phủ Dân quốc dùng làm
quán bác vật, viện bảo tàng cả. Cung Le
Louvre nay chính là một cái mỹ thuật bảo tàng viện lớn nhất trong thế giới.
Bao nhiêu những của báu vật lạ, những kiệt tác kỳ công của cái tài trí người ta
đã sáng nghĩ tô tạo ra được ở khắp các nơi trong thiên hạ từ đời xưa đến đời
nay, đều sưu la trần liệt cả ở đây, để làm cái di tích vẻ vang của người đời
trước, cái mẫu mực khôn khéo cho người đời sau. Cứ nghĩ trong một cái nhà này
có những bức tranh, có những pho tượng có một trong thiên hạ, xuất đến mấy ức
vạn triệu không thể mua được, mà những tranh những tượng ấy số có mấy trăm mấy
nghìn cái, thời đủ biết bao nhiêu của báu họp lại ở chốn này. Gọi tổng danh là
viện bảo tàng Le Louvre, nhưng mà
trong chia ra nhiều viện khác nhau, mỗi viện chiếm mấy cái nhà liền: có viện
hội họa (musée de peinture) liệt
những bức danh học cổ kim, trong lại chia ra đồ họa của nước Pháp, nước Ý, nước
Hà Lan, nước Tây Ban Nha, nước Đức, nước Anh, v.v… - có viện điêu khắc (musée de sculpture), bày những tượng đá
thuộc về Cổ đại, về đời Trung cổ, đời Phục hưng và về Cận đại; - viện đồ cổ của
các nước, trong chia ra đồ cổ của Á Châu, của Đông phương, của Ai Cập, của Phi
Châu, những cổ tích thuộc về đạo Thiên Chúa, những đồ nung, đồ sứ, đồ đồng, đồ
vàng, đồ ngà ngọc về các đời trước. Nhưng đẹp nhất, quí nhất, giàu nhất không
đâu bằng, là viện hội họa và viện điêu khắc, những tranh những tượng bày ra
đấy, đi qua một lượt đến mấy ngày không hết. Tôi đến đây xem những bức tranh
cổ, pho tượng cổ, ngắm nghía giờ lâu, mới hiểu được cái ý nghĩa sâu của mỹ
thuật Thái Tây. Trước đọc sách Tây thấy tán dương những tượng đá nữ thần đảo Milo, bức họa mỹ nhân La Joconde cũng biết vậy mà thôi, chớ
không có cảm gì, và xin thú thật rằng trong bụng vẫn không ưa cái mỹ thuật thật
thà thô lỗ của người Tây, vẫn tự nghĩ rằng: “Mỹ thuật gì mà tượng nào tranh nào
cũng chỉ hình người trần truồng cả, chẳng qua là cách khiêu dâm, còn có nghĩa
lý gì nữa”. Một bức tranh tả chân của Tây với một bức tranh phá bút của Tàu,
mình vẫn ưa bức tranh thủy mặc Tàu hơn, vì bức tranh Tàu nó có cái phong vị
thanh thú êm đềm, cái khí sắc mung lung phiếu diểu, như gần như xa, như không
như có, khiến cho mình mơ màng như trong giấc mộng. Nay được mục kích những nền
kiệt tác của mỹ thuật Thái Tây, - thuộc về đời cổ thời ở trong viện Le Louvre này, thuộc về cận đại và kim
thời thời ở viện Luxembourg và viện Petit Palais, - mới giải được rõ cái
tinh thần của mỹ thuật ấy thế nào. Cái tinh thần ấy thật là khác với tinh thần
mỹ thuật Đông phương ta. Người Tây cho người
là trung tâm của vũ trụ, không những có sức thắng đoạt được cả vũ trụ, mà lại
có tài hình dung được hết vũ trụ. Cho nên phàm tưởng tượng cái gì cũng là tưởng
tượng ra hình người cả. Tự do, Công lý, Lý tưởng, Ái tình, phàm những cái tư
tưởng siêu hình ở trong trí người ta nghĩ ra, đều tượng ra hình người cả, mà
phần nhiều ra hình người đàn bà cả. Trên con “tem” vẽ người đàn bà giương tay
như dáng khiêu vũ, thế là hình nước Pháp nhẹ nhàng bay bổng; trên con dấu, trên
đồng bạc khắc người đàn bà dựa cột, thế là hình Pháp luật phòng phạm uy nghiêm.
Người Tây cho thân thể người là diễn tả ra cái gì cũng được: như tả cái suối
nước thời vẽ ra hình người đàn bà trần, tóc bỏ dài xuống dưới lưng, có vẻ thanh
tân yểu điệu mà lại hình như lướt mướt mới ở dưới suối tắm lên. Những cái không
có hình ảnh gì, tưởng không thể sao tượng ra được, thế mà cùng lấy nét mặt dáng
người hình ra được cả: như lòng kỷ niệm, như sự nhớ thương thời hình ra một
người đàn bà mặt rầu rầu, ngồi tựa bên phiến đá mà ngửng lên nhìn cái gì; trên
đầu có một vị thần nữ có cánh bay qua. Người Tây lại yêu sự thực, mến sự thực,
ham sự thực, mê sự thực, cho phàm sự thực là có mỹ thuật hết cả, nhà mỹ thuật
có tài là biết tả chân một cái phương diện trong sự vật một cách thâm thiết
trước minh thế nào cho phát biểu được cái ý nghĩa sâu xa. Như vẽ một người con
gái hái nho, mặt tươi cười hớn hở, thế là tả cái vi thú điền viên; lại như vẽ
người đàn bà mót lúa, bóng đã về chiều, người còn cúi rạp, ở giữa khoảng đồng
rộng mênh mông, thế là tả cái khốn khổ của người dân nghèo ở chốn nhà quê. Cứ
xem cái nét mặt của người con gái kia với cái nét mặt của người đàn bà nọ là đủ
biết cái tinh thần hai bức tranh. – Hoặc giả nói: “Ừ, thì người Thái Tây trọng
người, cái gì cũng tưởng tượng ra hình người, đã đành rồi, nhưng mà cớ làm sao
lại cứ hình tượng ra người trần truồng cả, thế là nghĩa lý gì?”. Có xem kỹ
những bức tranh, những pho tượng trong các nhà bảo tàng, bình tĩnh mà xét, bỏ
cái thiên kiến của người mình cứ cho phàm khỏa thân là có ý dâm đãng hết cả,
thời mới biết rằng có nghĩa lý lắm. Xét như một pho tượng đá của ông Rodin đề
là “Người Tư tưởng” (le Penseur), cả
thế giới công nhận là một nền kiệt tác trong nghề điêu khắc đời nay: phong
tượng ấy hình một người lực sĩ khỏa thân, ngồi trên phiến đá, tay tựa dưới cằm,
mặt đăm đăm, hình gò gẫm, nhìn kỹ như trông thấy bao nhiêu giây gân bắp thịt
trong người thu rút cả về cái đầu, hình như để cố nặn trong óc cho nó bật ra
một cái tư tưởng gì; trông cái tượng đó sừng sực trước mặt, tôi tưởng dẫu một
người rất quê mùa không quen biết mỹ thuật của Thái Tây, cũng không hề nghĩ đến
sự khỏa thân là sỗ sàng mà tự nhiên phải cảm động vì cái ý nghĩa cao thâm ngụ ở
trong phiến đá đó. Nay thử làm lại pho tượng ấy mà hình ra một người mặc bộ áo redingote hay bộ áo jaquette, râu mày nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao, thời tượng này cũng
giống như ông khách qua đường kia, không còn nghĩa lý gì nữa.
Ấy nhờ đi xem các quán bác vật, viện bảo tàng ở
Paris mà tôi hiểu rõ được cái tinh thần trong mỹ thuật Thái Tây. Tôi tưởng
những nhà mỹ thuật ở nước ta cũng nên để tâm nghiên cứu.
Ở cùng Le
Louvre đi ra, dạo chơi vườn Tuileries,
rồi đến một nơi công trường lớn, gọi là Cộng hòa trường (Place de la Concorde). Kể các nơi công trường trong thế giới thì
nơi này là to đẹp hơn nhất. Qui mô như bây giờ là sửa tự năm 1854. Trước ở giữa
có đặt cái tượng vua Louis thứ 15, sau bị bỏ đi; đến đời Đại cách mệnh năm
1793, vua Louis thứ 16, bà Hoàng hậu Maria Antoinette và ngót ba nghìn người
thuộc về đảng nhà vua và đảng phản đối với Chính phủ cách mệnh bị chết chém ở
đây. Trường thảm kịch lưu huyết này mà đời sau đặt tên cho là Cộng hòa trường,
thực cũng là một sự nực cười của lịch sử và là một cái gương bể dâu cho kẻ thế
nhân nông nổi. Bây giờ ở giữa nơi công trường dựng một cái cột đá Ai Cập cao 23
thước, nặng 5 vạn cân, nguyên là bia đá ở một cái cổ miếu thành Thèbes nước Ai Cập, vua nước Ai Cập
Méhémet Ali năm 1831 tặng vua Louis Philippe nước Pháp. Cột vuông, bốn mặt đều
có chữ cổ Ai Cập tán dương công đức vua Ramsès thứ II trị vì nước Ai Cập tự
1300 năm trước Gia Tô giáng sinh. Cột đá này hồi bấy giờ chở được từ bên Ai Cập
sang Paris, rồi dựng lên ở nơi này, tưởng cũng nhiêu khê lắm. Chung quanh nơi
công trường có dựng tám cái đình nhỏ bằng đá, mỗi cái đặt một pho tượng hình
một nơi đô thành lớn ở nước Pháp: Lyon, Marseille, Bordeaux, Nantes, Rouen,
Brest, Lille và Stransbourg; là lấy cái ý rằng tất cả nước Pháp hội họp lại ở
chốn kinh đô này để biểu cái nghĩa Cộng hòa. Tối đến đèn thắp như sao sa, coi
rất là ngoạn mục.
Ở Cộng hòa trường đi rẽ ra có một con đường lớn
nhất, hai bên cây cối um tùm. Chính là đường thông cù Champs Elysées, là một đường đẹp nhất ở Paris, ông Vĩnh với tôi
không chiều nào là không chạy xe trên đường này, nói rằng trước khi từ biệt
chốn danh đô muốn in lấy cái cảnh tượng trang nghiêm tráng lệ này vào con mắt.
Mà thật không có cảnh nào trang nghiêm bằng cảnh con đường thông cù này lúc
trời tây đỏ úa, bóng cây đã hiu hắt gió chiều, cái xe bon bon chạy giữa cùng
với trăm nghìn cái xe khác nữa chạy thi, ngoảnh lưng lại thấy cái cột đá Ai Cập
đột ngột giữa khoảng không, nhìn trước mặt thời thấy sừng sực một cái cửa đá
như một tòa thành cao ngất trời. Đó là cửa Bắc đẩu Khải Hoàn môn (Arc de Triomphe de l’Etoile). Cửa này là
cửa khải hoàn lớn nhất và đẹp nhất trong thế giới. – Nói đến những kỳ công
thắng cảnh ở Paris không thể không dùng đến những chữ: “lớn nhất đẹp nhất trong
thế giới”, dùng lắm tựa hồ như thành nhàm, song chính thật như thế, không phải
là một câu khẩu đầu như ở bên mình phàm tiệc gì hội gì cũng là “rất trọng thể”
hết cả! – Cửa này khởi công tự năm 1806 để kỷ niệm các chiến công hiển hách của
nước Pháp, bỏ dở một độ, đến năm 1825 mới làm nốt, tổng phí cả thảy là hơn 9
trăm vạn quan. Bề cao 45 thước rưỡi, bề rộng hơn 40 thước, lòng cửa từ mặt đất
lên đến cuốn cao là ngót 30 thước, năm mới rồi đã có một cái tàu bay chui lọt
qua được. Chung quanh cửa có chạm những tích về trận mạc, mấy bức chạm ấy tương
truyền là tinh xảo vô cùng. Hiện nay ở dưới cuốn cửa có chôn di hài người lính
vô danh đem ở trận tiền về năm 1920, trên đậy bằng một cái tảng đá khắc mấy chữ
kỷ niệm: “Ici repose un soldat inconnu
mort pour la Patrie” (Đây là di hài một người lính vô danh đã vị nước quên
mình). Từ đấy, chỗ này thành một chỗ viếng thăm, cả ngày lũ lượt những khách du
lịch tứ phương đến ngả mũ chắp tay kính viếng vong linh người vô danh anh hùng,
một mình nằm đây để thay vì cho hơn trăm vạn anh em đã bỏ thân nơi chiến địa.
Châu đầu lại ở giữa nơi công trường cửa Khải Hoàn
này, có 12 con đường lớn chạy thẳng băng ra khắp mọi bề, như tia sáng ở một
ngôi sao ra, cho nên cửa Khải Hoàn đặt tên là “Bắc đẩu Khải Hoàn môn”. Một con
đường đó, cây cối ùm tum, đi thẳng vào nơi gọi là rừng Boulogne, là một chỗ đi chơi mát lịch sự và phong thú nhất ở Paris.
Gọi là rừng, không phải là rừng xanh nước biếc gì; tức là một cái trại cây lớn,
một cái đại công viên, nhưng diện tích rộng tới 900 mẫu Tây mà cây cối rậm rạp,
như thể một cái rừng thật. Trong có đào hồ, xẻ đường cái chạy ngang chạy dọc
cho xe hơi xe ngựa đi, những đường nhỏ dưới bóng cây cho khách bộ hành và người
đi xe đạp. Lại có những phạn điếm, tửu lâu, vũ đài, ca quán, cho những khách
sang đến ưu du tiêu khiển; tối đến đèn điện thắp sáng choang, trông xa như
những lầu thủy tinh nổi lên ở giữa đám rừng rậm. Cách ăn chơi ở đây cực kỳ xa
xỉ, người thường không thể đến được, nhưng mà buổi chiều mùa hạ, chạy xe mấy
vòng trong rừng trước hay sau khi ăn cơm, là một sự du khoái ai cũng có thể
thưởng được.
Ở Paris mà không đi dạo chơi các đường phố lớn
cũng là người quê. “Đường phố lớn” ở đây gọi là les grands boulevards, là mấy nơi cực kỳ phồn hoa náo nhiệt. Mấy
đường phố bên trong ở về gần giữa thành phố, như đường Opéra, đường Capucines,
đường Ialiens, đường Haussmann, đường Malesherbes, đường La Fayette,
là những nơi buôn bán to, cửa hàng lớn, cả ngày xe ngựa người đi như nước chảy.
Đi dạo chơi các phố phường này hay là vào xem những cửa hàng lớn, thật là ngốt
người lên: mỗi một nhà hàng như một cái thành phố nhỏ, mà trong lúc nào cũng
đông như chợ; vào đấy nào đường nọ, nào ngõ kia, từng trên từng dưới, lại từng
dưới đất đi ngầm qua phố này sang phố khác, thật là mê ly không thể sao khỏi
lạc đường được. Còn những đồ đẹp của báu, thời biết bao nhiêu mà kể. Vào đến
đây chỉ tiếc mình không phải là một đại phú ông nào để mua đồ cho thỏa chí.
Nhưng kẻ hàn sĩ, lấy tiền đâu mà sắm sửa được như người. Nghe đâu có đức Hoàng
đế ta chuyến ngự du Âu Châu này, sắm được nhiều đồ quí vật lạ lắm, và thứ nhất
là các “trang sức phẩm” ở Paris. Có ông Tây đã nói với tôi rằng: “Vua anh giàu
thật!”. Tôi nghĩ bụng: “Rõ ông này lại khen phò mã tốt áo!”.
Còn một dẫy đường phố bên ngoài, gọi là les boulevards extérieurs, thời là chỗ
ăn chơi: đường Batignolles, đường Clichy, đường Rochechouart, toàn những cao lâu, khách sạn, ca quán, vũ trường cả.
Đây là đã thuộc về địa phận Montmartre
rồi, là xóm Bình Khang của Paris đây. Thôi, ăn chơi đến đây là tuyệt phẩm.
Nhưng phải có bạc vạn tiền nghìn mới được. Nào là những vương tôn quí khách,
nào là những cự phách làng chơi của các nước đều tụ họp ở đây. Và có lẽ người
các nước lại nhiều hơn người Pháp. Cho nên nếu cứ lấy đây mà xét người Paris
thời không khỏi oan cho người Paris quá.
Khi tôi ở Paris cũng có đi xem hát, xem diễn kịch
nhiều. xem đủ các hạng, những nhà hát lớn như Opéra, Comédie française, Odéon, những nhà hát nhỏ như Théâtre des Capuciens, Théâtre du Grand
Guignol, v.v… Nghe nói rằng về lối tân kịch hay nhất là nhà Hát Vieux Colombier, nhưng tôi chưa kịp đi
xem đã đóng cửa nghỉ hè. Tôi cũng lấy làm tiếc không được nghe bà Sarah
Bernhardt là một vai đào có tài lắm đã nổi tiếng trong thế giới tự mấy chục năm
đến giờ; năm nay bà đã già, đến 80 tuổi, mà vẫn còn sức mạnh, vẫn thường ra
trò. Tôi có ý xét cách diễn kịch bên quý quốc xem có điều gì bổ ích cho nghề
diễn kịch ở nước ta đương lúc giao thời này không. Ở Comédie française, một bữa tôi có xem diễn bài “Trưởng giả học làm sang”, tôi tưởng cũng không lấy gì làm tài lắm,
sánh với các tay tài tử của Hội Khai Trí diễn đầu năm nay, tưởng cũng là một
mười một bảy mà thôi. Có lẽ là bài cổ kịch nên người ta không dụng công lắm.
Song các nhà hát lớn như Opéra, như Comédie Française thì ta không thể bắt
chước được. Tôi xem như ở rạp Grand
Guignol có một lối kịch ta có thể châm chước mà phỏng theo, là lối “kịch
bằng cảnh” (pièce en tableaux), lấy
cảnh mà giúp thêm cho lời nói. Bữa tôi xem, người ta có diễn một bài bi kịch về
lối ấy, đề là “Một đêm ở thành Londres”,
rút ở trong thuyết bộ của nhà văn sĩ nước Anh Dickens[38].
Chuyện một người đàn bà già có con phạm tội phải xử tử thắt cổ, sớm mai hành
hình, đêm đến tìm một ông thầy thuốc danh sư nọ, kêu van ông ngày mai đúng giờ
ấy đến nhà bà cứu cho một người sắp chết, nhưng không nói rõ vì cớ gì; hôm sau
ông đến, xác mới khiêng về, nhưng đã chết rồi không thể cứu được nữa. Bấy giờ
ông mới hiểu là người tội nhân mới xử tử; nhưng người mẹ trông thấy xác con như
phát điên lên, cứ ôm lấy mà than khóc kể lể một cách rất thảm thiết, một mực
van ông cứu cho, nói rằng con chưa chết. Ông thầy thuốc bấy giờ trong lòng cảm
thương bi đát vô cùng, vẫn biết rằng kẻ phạm tội với xã hội thời xã hội có
quyền trừng trị, thế là lẽ công bằng, nhưng mà trị kẻ có tội mà để thương để
xót để đau, để khổ cho người không tội, há phải là lẽ công bằng sao? Song cái
công lý của người đời có thô lược như thế mà thôi; người ta ăn ở với nhau không
thể lấy một công lý mà xử được, phải có lòng từ bi bác ái mới được, vì trông
thấy cái cảnh đau khổ của người đàn bà này, ai là người cầm lòng cảm động? –
Diễn khéo quá, cảm kích người ta đến cử tọa đều lưu thế; có bà đầm ngồi bên tôi
nức nở khóc đến mười lăm phút đồng hồ. Trong bài kịch, lời nói không có mấy, mà
những lúc không nói lại là chỗ hay nhất.
Tôi thiết tưởng văn diễn kịch phải là văn cứng
cát lắm mới được; văn quốc ngữ ta bây giờ còn non nớt, dùng vào diễn kịch không
khỏi khuyết hám. Vậy nếu bây giờ có một lối kịch như lối “kịch bằng cảnh” đó,
lấy cảnh mà giúp sức cho lời văn, thời hợp với cái trình độ của ta lắm. Vả lại
lối này là lối đoản kịch, chỉ một vài hồi mà thôi, và diễn không đầy một giờ
đồng hồ, tưởng bắt chước cũng không khó. Cái đặc sắc của nhà Grand Guignol ở Paris là một buổi biểu
diễn ba bốn bài, hết bi kịch đến hí kịch gián tiếp nhau, bao giờ bài sau cùng
cũng là một bài buồn cười, cho người xem lúc đứng lên có cái cảm tưởng vui vẻ.
Bốn năm bữa trước khi rời thành Paris, tôi đi xem
các nhà thờ. Nhà thờ ở Paris lớn nhỏ kể hàng trăm cái, có mấy cái thiệt to thiệt
đẹp, thật là những công trình vĩ đại của nghề kiến trúc đời xưa. Tôi có xem nhà
thờ Notre Dame là nhà thờ lớn nhất ở
Paris và có lẽ ở cả Âu Châu nữa, chắc các ngài cũng đã biết tiếng; nhà thờ Madeleine, làm theo kiểu các thần tự Hy
Lạp đời xưa, trông có bề thế uy nghi lắm; nhà thờ Sainte Chapelle, ở khuất vào trong sân Tòa án, tuy nhỏ mà tương
truyền là một nền kiệt tác trong kiểu kiến trúc “gô-tích” (gothique), trong có bộ tượng 12 ông thánh tôn đồ và những kính ngũ
sắc tuyệt đẹp về thế kỷ thứ XIII; nhà thờ Saint
Sulpice, qui mô hoằng vĩ, làm ghé theo kiểu Hy Lạp, dựng từ thế kỷ thứ XVI
– XVII, có lẽ là nơi giáo đường to rộng nhất ở Paris; nhà thờ Sacré Coeur ở trên đống cao xóm
Montmartre, dựng theo kiểu roman và
kiểu byzatin tự năm 1878, kinh phí
mất hơn 30 triệu quan, có một quả chuông nặng 2 vạn 6 ngàn cân; nghe nói năm
trước có một bọn phú hào nước Mỹ muốn xuất tiền ra mua cái nhà thờ đó mà không
được; - đó là mấy nơi nhà thờ lớn và có tiếng nhất; còn nhiều nơi khác nữa nhỏ
hơn nhưng cổ lắm, các nhà sử học, nhà khảo cổ lại lấy làm quí và đẹp hơn các
nơi lớn kia, nhà nhà thờ Saint Germain
des Prés, Saint Germain l’Auxerrois, Saint Séverin, v.v… tôi đều đi xem gần
hết cả. Đến những nơi nhà thờ cổ ấy cùng vào xem những cổ vật quán như Musée de Cluny, mới biết rằng cái văn
hóa cũ của nước Pháp đã sở đắc ở đạo Gia Tô nhiều lắm. Tự đời Đại Cách mệnh trở
về trước, trong khoảng một nghìn năm, các nghệ thuật ở nước Pháp, đều chịu ảnh
hưởng của tôn giáo, hình như tẩm nhiễm cái tinh thần của tôn giáo cả; bao nhiêu
những đồ vật cổ ở các viện bảo tàng toàn là những đồ tế tự ở nhà thờ cả, và bao
nhiêu những công trình kiến trúc lớn về đời trước toàn là nhà thờ hết. Ngày nay
cái phong trào tư tưởng tự do mỗi ngày một thịnh, song người Pháp cũng không
nên quên cái công to của Giáo hội đã giúp cho văn hóa trong nước bấy lâu nay.
Những nơi danh thắng ở Paris còn nhiều lắm tôi
chưa từng xem hết được, và trong những nơi đã từng xem qua cũng không thể kể
hết trong một bài diễn thuyết được. Nay tôi đã lược thuật những sự kiến văn cảm
tưởng, xin cũng nói qua mấy câu về sự hành vi của tôi trong mấy tháng ở Paris.
Như tôi đã nói, chủ ý tôi đi Tây là định để quan sát các văn minh của quý quốc.
Song công nhiên là đi về việc Đâu xảo, cho nên cũng phải họp mặt trong một vài
buổi hội tiệc ở Marseille, như hôm khánh thành trường Đấu xảo, hôm đón quan
Thượng thư Sarraut, đón quan Giám quốc Millerand. Nhưng xong việc rồi, tôi lên
Paris ngay. Đến nơi có mấy trường học, hội học mời tôi diễn thuyết, tôi cũng
muốn nhân dịp nói cho người quí quốc biết nước Việt Nam, người Việt Nam thế
nào. Tôi diễn thuyết cả thảy năm lần, không kể những khi lâm thời thù ứng phải
nói dăm ba câu không có quan hệ gì: lần thứ nhất ở Trường dạy tiếng Đông phương
nói, về sự tiến hóa tiếng An Nam ta, kể rõ tiếng An Nam vốn quan hệ với chữ Nho
thế nào và ngày nay chịu ảnh hưởng của chữ Pháp văn Pháp thế nào; - lần thứ nhì
ở trường Thuộc địa, là nơi dạy các quan cai trị sang làm việc bên này; bài này
là dài hơn và quan hệ hơn cả, nói về cái tâm lý của người Việt Nam mình từ khi
có quí bảo hộ đến giờ; đại khái nói rằng hồi đầu vì không hiểu cho nên đã phản
đối, song sự phản đối đó cũng là lẽ tự nhiên, sau biết rằng người mình còn
thiếu thốn nhiều lắm, nên nay hết lòng trông cậy quý quốc ra sức khai hóa cho
có ngày mở mày mở mặt được với thế giới; các quí quan sang đây từ xưa đến nay,
ngài nào cũng giảng cái chủ nghĩa Pháp - Việt đề huề, nhưng muốn cho hai nước
đề huề phải cho ích lợi quân chiêm, nay về phần chúng tôi đã đem cái quyền tự
chủ trong nước, đem những sản vật thiên nhiên cùng nhân công lao động mà phó
mặc cho quý quốc lợi dụng sai khiến, quý quốc nên nghĩ lại thi thố thế nào cho
khỏi phụ cái lòng mong mỏi của cả một dân tộc; nhưng dù thế nào chúng tôi cũng
một lòng tin cậy, vì đã biết rằng quý quốc là một văn minh đại cường quốc trong
thế giới, xưa kia đã từng đi giải phóng cho các dân tộc khác bị lao lung cũng
đã nhiều, có lẽ đâu đối với thuộc quốc của mình lại không ra tay tế độ; - lần
thứ ba ở Hội “Đông phương Ái hữu hội” là một hội những thân sĩ ở Paris có lòng
yêu mến cái cổ văn hóa của các nước Đông phương, lần này nói về thi ca Việt
Nam, dịch những câu ca dao hay của ta và giảng về truyện Kiều, kết luận rằng tiếng An Nam cũng là một thứ tiếng hay, chớ
không phải là một cái thổ âm man mọi gì, và trong các trường của Quí Chính phủ
đặt ra để dạy học người An Nam không hề lấy tiếng An Nam mà dạy cũng là một sự
khả quái; - lần thứ tư, dự tiệc ở Hội Địa dư học Paris, nói về cái chủ nghĩa
của Hội Khai Trí tiến đức; - lần sau cùng, nói tại Hội Hàn lâm, ban luân lý và
chính trị học.
Lần này thực là một sự may mắn lạ nhường, và cũng
là một sự vinh hạnh cho tôi quá. Tôi có đâu dám mong được vào nói ở một nơi tôn
nghiêm như Hội Hàn lâm. Nguyên tôi có quen thân một ông văn sĩ ở Paris , thường cùng ông
đàm luận về những vấn đề quan hệ cho nước ta ngày nay. Ông có quen biết nhiều ở
Viện Hàn lâm. Ông khuyên tôi rằng: “Ông nên ra nói ở Hội Hàn lâm, ban luân lý
chính trị học. Nói ở đấy có ảnh hưởng và có giá trị hơn chỗ khác nhiều”. Tôi
nói rằng tôi cũng biết vậy, nhưng tôi tuổi trẻ, không có danh giá gì, ở Paris không ai biết, thể
sao mà vào diễn thuyết ở Hội Hàn lâm được. Ông bảo không hề gì, để ông thân
hành giới thiệu cho ông vĩnh viễn thư ký Hội Hàn lâm, tức là người chủ nhiệm
các công việc trong hội. Ông vĩnh viễn thư ký ban luân lý chính trị chính là
quan Giáo Lyon Caen dạy Pháp luật ở trường Đại học Paris . Ngài tiếp đãi tử tế lắm; nói chuyện
hồi lâu, rồi ông văn sĩ quen tôi mới ngỏ ý riêng cho ngài hay. Ngài ngần ngại
mà nói rằng: “Hội Hàn lâm còn có một kỳ hội đồng cuối tuần lễ này nữa thời giải
tán để nghỉ hè, mà kỳ hội đồng này nhiều việc quá. Vả, trừ các thông tin hội
viên của hội ở các nơi, còn người ngoài vào nói ở đây cũng ít. Người Đông
phương thời năm trước có một ông bác sĩ người Ấn Độ, nhưng ông thuộc tiếng Anh
hơn tiếng Pháp, nói khó nghe lắm. Tôi xem ông đây nói tiếng Pháp được, song xin
để tôi nghĩ và thu xếp xem có đủ thì giờ để ông nói không”. Cách hai ngày thì
tôi nhận được thư của ngài trả lời rằng đến ngày thứ bảy 22 Juillet đúng hai
giờ được phép lại Hội Hàn lâm để diễn thuyết, và thời hạn nói chỉ được mười lăm
phút mà thôi. Bữa ấy là chiều thứ Tư. Được thơ tôi lấy làm mừng lắm, vội vàng
nghĩ một cái đề để thảo bài diễn văn. Tôi nghĩ trong các vấn đề thiết yếu cho
người mình bây giờ không gì bằng vấn đề giáo dục. Tôi bèn thảo một bài tả rõ
cái tình trạng sự giáo dục ở nước ta, phân trần những điều lợi hại, những sự
khó khăn và hỏi ý tòa Hàn lâm nên giải quyết thế nào cho hợp lẽ. Tôi nói rằng
nước Việt Nam là một nước cổ, vốn đã có một cái văn hóa cũ, nhưng cái văn hóa
mới đời này thì mới có thể sinh tồn được trong thế giới bây giờ. Cái văn hóa
mới ấy, dân chúng ta nhờ quí Đại Pháp truyền bá cho. Hồi đầu quí Chánh phủ dạy
người An Nam chẳng qua là dạy lấy ít tiếng Tây để sai khiến các công việc cho
dễ, chưa phải là truyền bá văn minh học thuật gì. Gần đây mới gọi là bắt đầu
ban bố một cái học cao hơn trước một chút. Nhưng trong sự truyền bá cái học mới
ấy, có nhiều nông nỗi khó khăn, quí Chánh phủ vẫn chưa giải quyết được ổn thỏa.
Nếu dân Việt Nam
là một dân mới có, chưa có nền nếp, chưa có lịch sử gì, thì quý quốc cứ việc
hóa theo tây cả, dạy cho học chữ tây hết cả, đồng hóa được đến đâu hay đến đó.
Nhưng ngặt thay, dân Việt Nam
không phải là một tờ giấy trắng muốn vẽ gì vào cũng được; tức là một tập giấy
đã có chữ sẵn từ đời nào đến giờ rồi, nếu bây giờ viết đè một thứ chữ mới nữa
lên trên, thì e thành giấy lộn mất. Cho nên bây giờ dạy khắp chữ Tây cho người
An Nam từ tuổi nhỏ đến tuổi lớn, như ở các trường Pháp - Việt ngày nay, kết quả
chỉ đủ làm cho người An Nam mất giống An Nam mà chửa chắc đã hóa được theo Tây
hẳn, thành ra một giống lửng lơ, thật là nguy hiểm. Muốn tránh sự nguy hiểm ấy
chỉ có một cách: là dạy con trẻ An Nam bằng tiếng An Nam cho hết bậc tiểu học,
lấy cái phổ thông giáo dục bằng quốc văn làm gốc cho nền giáo dục trong nước,
như thế vừa tiện mà vừa mau, vì không mất thì giờ học một tiếng nước ngoài dở
dang không đến nơi và không dùng được việc gì. Học trò đã được bằng tốt nghiệp
tiểu học bằng tiếng An Nam rồi, bấy giờ mới kén chọn người nào có sức học được
lên các bậc trên nữa, như trung học đại học, thời cho vào một trường dự bị chỉ
chuyên học tiếng Pháp, nhưng học theo cách tấn tốc, như người Pháp học tiếng
Anh, tiếng Đức, nghĩa là học như học tiếng ngoại quốc vậy. Học thế chỉ vài năm
có thể thông chữ Pháp đủ theo được các lớp trung học như bây giờ. Như thế mới
khỏi được cái nguy hiểm thành một hạng người dở dang, tốt nghiệp ở trường tiểu
học ra chữ Tây không đủ dùng được việc gì, mà cái phổ thông thường thức học
bằng chữ Tây cũng còn mập mờ chưa lĩnh hội được hết, còn tiếng của nước nhà thì
hầu như quên cả, v.v… - Ấy đại khái những ý kiến tôi đã phân trần trong bài
diễn văn ở Hội Hàn lâm như thế, toàn là những ý kiến tôi vẫn từng bàn luận
trong báo Nam Phong bấy lâu nay.
Nhưng có dịp mà trình bày cái vấn đề giáo dục bên nước ta cho những bậc danh sĩ
bên quý quốc biết, tưởng cũng là một việc hay.
Tôi được cái dịp may mắn như thế, thực là nhờ ông
văn sĩ đã giới thiệu cho tôi, và được quen biết ông lại là một sự may mắn trong
cuộc du lịch của tôi. Ông là người túc học đạo đức, đãi tôi một cách rất ân cần
trọng hậu, coi như người bạn phương xa; còn về phần tôi thời kính trọng ông như
một ông thầy, vì ông tuổi đã cao mà lại có cái tư cách cao thượng rất đáng
phục. Trong khi lữ thứ phương xa, được gặp một người có cảm tình chân thật như
thế, thật là một sự đáng kỷ niệm một đời.
Thưa các Ngài,
Bài diễn thuyết này đã dài lắm rồi. Kể nói chuyện
đi Tây của tôi thì nói đến suốt đêm cũng chửa hết. Nay hẵng xin dừng lại đây,
và nhân tiện tóm tắt mấy câu về sự tư tưởng riêng của tôi.
Mấy bữa sắp dời Paris , các anh em về Marseille cả, còn ở lại
duy có ông Nguyễn Văn Vĩnh với tôi. Hai người cùng ở một nhà trọ, đêm khuya
ngồi buồn, thường bày ra pha nước, uống nước trà, bàn chuyện nước. Nói đến cái
nông nỗi, cái thói quen cùng cái tính chất của người mình, nhiều khi không thể
không thở dài mà hốt nhiên nóng lòng sốt ruột. Chợt hai người cùng nói, thật là
tư tưởng không hẹn mà gặp nhau: “Lạ quá! Chúng mình sang đây, hồi tưởng đến
công việc ở nhà, sao mà nó xa lắc xa lơ như thế! Nhiều việc mình thường lấy làm
quan hệ, ngồi đây mà xét, sao mà nó bần tiện nhỏ nhen quá thế! Người mình chỉ
nhọc nhằn trì trục những sự chẳng đâu vào đâu, nào là tranh ăn, tranh nói,
tranh đứng, tranh ngồi, tranh ngôi, tranh vị, tranh lấy cái tiếng cái miếng hão
huyền! Không biết rằng đồng thị là một giống yếu hèn, dẫu hơn nhau được một
thước một bước, đã lấy gì mà đủ tự khoái tự cao. Người Tây họ nói phải thật: ở Paris này, hình như cái
óc mình nó rộng thêm ra, cái tư tưởng nó cao hơn lên; có thế thật. Nhưng mà
biết đến khi về nhà có còn giữ được như thế không? Chửa dám chắc!”. – Nói đến
đấy hai anh em đều bật cười.
Từ khi tôi về đến nay, các ngài quen biết nhiều
ông có bụng yêu ân cần hỏi: - “Chuyến này đi Tây về, có được gì không?”. Tôi hỏi:
“Được gì?”. – “Được Bội tinh, được thăng thưởng chớ gì!”. – Nghe câu hỏi mà tôi
riêng lấy làm thẹn, xét mình có công cán gì mà được những sự vinh dự đặc biệt
như thế. Không! Chuyến này đi Tây tôi cũng có cái sở đắc, nhưng không phải sở
đắc như thế, sở đắc được một điều: là được sáng mắt thêm ra, biết cái chân tình
thế trong thiên hạ, biết cái chân giá trị của người ta, biết cái gì là cao, cái
gì là sang, cái gì là trọng, cái gì là quí, và những cái mình thường lấy làm
quí, chưa chắc đã là quí, cái mình thường lấy làm trọng, có lẽ chửa đáng trọng,
cái mình thường cho là sang, vị tất đã là sang, mà cái mình thường lấy làm cao,
chưa ắt hẳn là cao. Không, chuyến này đi Tây tôi cũng có cái sở đắc, nhưng sở
đắc là được sáng mắt ra như thế, chớ không phải sở đắc cái hư vinh gì để huyễn
diệu bà con. Ví không được cái gì nữa, mà chỉ được có thế thôi, tưởng cũng bõ
công mấy buổi lừ đừ say sóng ở trên bể Ấn Độ Dương nọ!
Hà Nội,
tháng 10 năm 1922
(Nam Phong, số 64, tháng
10-1922;
In theo Phạm
Quỳnh – Tuyển tập du ký.
Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn, giới thiệu.
NXB Tri thức, H., 2013, tr.171-419)
[1]
Vi Văn Định (27.8.1878 - ?): Sinh ở bản Chu,
làng Khuất Xá, châu Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn (nay thuộc
xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình,
tỉnh Lạng Sơn) (NHS chú)…
[2]
Nguyễn Văn Vĩnh (15.6.1882 – 1.5.1936): Nhà báo, nhà văn, nhà khảo
cứu, dịch giả, doanh nhân. Quê ở
làng Phượng Dực, phủ Thường tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc
xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, ngoại thành Hà Nội) (NHS chú).
[3]
Phạm Duy Tốn (1883 – 25.2.1924): Nhà văn, nhà báo, khảo
cứu. Quê ở làng Phượng Vũ, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc
xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, ngoại
thành Hà Nội) (NHS chú).
[4]
Penang: Còn gọi George Town, thành
phố ở miền đông bắc bang đảo Penang của Malaysia, thành lập năm 1786. Trong Pháp du hành trình nhật ký, nhiều chỗ
ghi là Pinang, nay thống nhất nhất ghi Penang
(NHS chú).
[5]
Bách Đa Lộc (2.2.1741 – 9.10.1799): Thường đọc Bá Đa Lộc. Nguyên tên
tiếp Pháp là Pigneau de Béhaine. Giám mục, nhà truyền
giáo người Pháp đã có công giúp Nguyễn Ánh khôi phục
vương triều và thống nhất đất
nước (NHS chú).
[7] “Je me sus promené sur des batcaux de divers modéles,
dans le but d’étudier le mal de mer.
Me promenant à jeun, j’ai vomi la première fois, je
n’ai pas vomi la seconde, mais j’ai vomi la trois ème.
J’ai vomi trois bons repas au champagne pris exprès,
et j’en ai gardé deux.
J’ai vomi à L’avant du bateau, je n’ai pas vomi à
L’arrière, mais j’ai vomi au milieu, malgré une ceinture de flanelle qui,
peut-être, me serrait trop. Eufin quand je pars pour la promenade, agile, le
moral exceilent, et que, fixant I’horizon comme il est prescrit, je tâche de me
distraire avec des pensées saines et fort fianes, tantôt je ne sens rien, et
tantôt je rends tout” (Jules Renard - Le Vigneron dans sa vigne).
[9] Nay tôi đương bắt đầu soạn một
quyển Bốn tháng ở Pháp, khi nào xong
sẽ đăng báo dần và in riêng thành sách.
[10]
Xảo ngôn lệnh sắc 巧言令色,鮮矣仁 (Kẻ có lời nói khéo léo, vẻ mặt hay thay đổi, thật ít lòng nhân lắm thay – Học nhi, Luận
ngữ) (NHS chú).
[11]
Phan Tây Hồ (9.9.1872 – 24.3.1926): Tên hiệu của Phan Châu Trinh. Nhà chí sĩ, nhà
văn, nhà báo. Quê ở làng Tây Lộc, tổng
Vinh Quý, huyện Hà Đông (nay thuộc
xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh
Quảng Nam). Từng sống và hoạt động
ở Pháp (1911-1925) (NHS chú).
[13]
Bá tước Monte Cristo: Tiếng Pháp là Le
Comte de Monte-Cristo, tiểu
thuyết phiêu lưu nổi tiếng của nhà văn Pháp Alexandre
Dumas cha (24.7.1802 – 5.12.1870) (NHS chú).
[14]
Thê tróc tử phọc:
Vợ bắt, con
trói (Ý nói về sự ràng buộc
của vợ con, gánh nặng
gia đình) (NHS chú).
[15]
Lương Ngọc: Làng thuộc
huyện Đường An, phủ
Bình Giang (nay thuộc xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) – quê tác giả Phạm Quỳnh (NHS chú).
[18]
Xin xem lại bài Lược
thuật sự du lịch
ở
Paris trong Nam phong, số 63, tháng 9-1922, tr.261, đã nói
rõ về bài diễn thuyết ở
Nghị viện của quan Poincaré.
[19] Xét trong sách Les
Curiosités de Paris của Henri Boutet có đoạn nói về các hàng sách cũ ở bờ
sông Seine, xin trích lục ra sau này để các nhà thông Pháp văn xem cho biết cái
cảm tình của người Pháp đối với một cái cảnh cũ thành Paris thế nào:
“Les boites de bouquinistes sont la parure des quais
de Paris. Il fut cependant un olibrius qui parla d’enlever les paisibles
caisses qui forment aux parapets une cuirasse de livres dont le fouillis et les
couleurs sont d’un attrait sans pareil.
C’est là le refuge de l’homme qui pense en paix, qui
s’éloigne de toutes les inepties, qui fuit les mensonges et les maquillages
d’un progrès qui n’est que la marque d’une décadence, et qui se confine
religieusement dans les hautaines régions de la pensée.
A celui-là, à cet être considéré comme un inutile, à
côté des marchands de pneus et des confectionneurs de machines homicides, il
avait été question d’enlever ses chères boites et de l’envoyer à la
Porte-Maillot, au milieu de cet enfer de l’auto, se pourvoir de ce qui ne peut
satisfaire les appétits d’abrutis notoires.
Enfin! il n’en a rien été, pour le moment du moins.
Vienne quelque ingénieur malfaisant et les quais de Paris n’existeront plus.
Oh! la chère promenade aux soirs d’automne, quand on
file du quai Saint-Michel vers la Concorde avec, devant soi, le soleil qui,
avant de se coucher, dore les toits des Tuileries; quand, sous vos pieds, les
feuilles qui tombent sèment leurs taches de cuivre sur le trottoir bleui des
feflets d’un ciel sans nuages.
Oh! l’arrêt devant les chères boites où l’oeil
fouille, où la main devine le livre longtemps convoité que, quelquefois, l’on
trouve! Oh! ce flot de pensée qui coule en paix, suivant le cours le l’eau,
guidant, vers des horizons que la génération actuelle ne connait plus guère,
les paisibles rêveries de ceux qui cherchent le progrès dans les ceuvres du
passé!” (Les Curiosités de Paris,
page 126).
[22]
Xem lại văn bản Pháp du hành trình nhật ký của Phạm
Quỳnh in trong sách Du ký Việt
Nam – Nam phong tạp chí, 1917-1934,
Tập III (Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm và giới thiệu).
Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2007, thấy
bị thiếu mất ghi chép ba ngày, từ
thứ bảy, ngày 10-6-1922 đến
thứ hai, ngày 12-2-1922 (NHS
chú).
* 降 矣 哉 終身 夷 狄.戰 矣 哉 骨 暴 沙礫
(Hàng hỹ tai! Chung thân di địch. Chiến hỹ tai! Cốt bạo sa lịch) (NHS chú).
[28]
Nguyên văn ghi đúng “Thứ hai, 26”, thuộc
số 89, tháng 11-1924, tr.378. Có thể phần viết này cùng được viết
trong ngày “Thứ hai, 26”, in tiếp
nối sau số 88, tháng 10-1924, tr.307-308 (NHS
chú).
[31]
Chỉ Quốc khánh nước Pháp, khởi
đầu từ cuộc cách mạng khai sinh nền
cộng hòa ngày 14-7-1789 (NHS chú).
[32]
Khi ở Pháp về đến
Sài Gòn, xem điện báo mới biết
tin rằng ông Sembat đã bị nạn chết ở
Chamonix, mà bà cũng tuẫn
tử theo. Các báo đều
cảm phục cái cách vợ chồng
yêu thương nhau đến cùng nhau sống
chết như thế, thật là có cái khí vị
tiết liệt như cổ phong, đời nay ít thấy.
Về đến Hà Nội,
liền viết giấy chia buồn với
hai cụ V. Ông Sembat chết là nước Pháp thiệt
mất một tay chính trị lỗi
lạc.
[34]
Bài này là bài diễn thuyết của Bản
chí chủ bút ở nhà Nhạc hội Tây Hà Nội, ngày Chủ nhật 15 Octobre (tức 25 tháng
Tám ta). Cuộc diễn thuyết do Hội Khai Trí tiến đức chủ trương, buổi diễn thuyết
có tới ngàn rưởi người đến nghe ông Phạm Quỳnh nói trong ngót hai giờ đồng hồ,
vừa hội viên Hội Khai Trí, vừa thân sĩ trong thành phố và học sinh ở các trường
(N.P).
[35] Henri Heine (13.2.1797 – 17.2.1856): Nhà
thơ nổi tiếng người Đức. Tên đầy đủ là Christian
Johann Heinrich Heine (NHS chú).
[36] Goethe (28.8.1749 – 22.3.1832): Nhà thơ lỗi lạc người Đức. Tên đầy đủ là Johann
Wolfgang Goethe (NHS chú).
[37] Nguyễn Văn Vĩnh (15.6.1882 – 1.5.1936):
Nhà báo, nhà văn, nhà khảo cứu, dịch giả, doanh nhân. Quê ở làng Phượng Dực,
phủ Thường tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, ngoại
thành Hà Nội) (NHS chú).
[38] Dickens (17.2.1812 – 8.6.1870): Nhà văn
Anh. Tên đầy đủ là Charles Dickens (NHS chú)
Nguồn: Phạm Quỳnh- Tuyển tập du kí. Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn, giới thiệu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét