Thứ Tư, 6 tháng 1, 2021

Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt. Nguyễn Tài Cẩn, Nxb Đại học quốc gia, H.2001

 

 

            Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt. Nguyễn Tài Cẩn, Nxb Đại học quốc gia, H.2001

 

Vài lời của tác giả

1. Đây là một tập chuyên luận viết về vấn đề nguồn gốc và vấn đề quá trình hình thành cách đọc chữ Hán ở Việt Nam, cách đọc mà trước nay ta thường quen gọi là cách đọc Hán Việt.

Cơ sở của tập chuyên luận này là một số bài giảng chúng tôi đã đọc mấy năm gần đây cho sinh viên năm thứ 3, thuộc ngành Hán Nôm, Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

2. Những bài giảng này thường được bố trí liền sau giáo trình Lịch sử ngữ âm tiếng Việt - một giáo trình trong đó nhiều phần đã được xây dựng chủ yếu trên cơ sở so sánh các cứ liệu phương ngữ Việt Nam với nhau, cũng như so sánh cứ liệu tiếng Việt với tiếng Mường, cứ liệu tiếng Việt - Mường với cứ liệu các tiếng Môn Khơ-me, các tiếng thuộc nguồn gốc Nam á khác. Mặt khác, các bài giảng này lại thường được bố trí liền trước giáo trình chuyên giảng về nguồn gốc, kết cấu và diễn biến của chữ Nôm. Vì vậy, cứ liệu về phương ngữ, về các tiếng Nam á, cũng như cứ liệu về chữ Nôm, trong tập bài giảng này chúng tôi thường không đề cập đến, hoặc nếu có đề cập đến thì chúng tôi cũng tinh giản đến mức tối đa, để tránh tình trạng gây ra ấn tượng trùng lặp nhiều lần.

3. Cái mới nhất trong những bài giảng này là tri thức về ngữ âm lịch sử tiếng Hán, mà chủ yếu là tiếng Hán vào giai đoạn Đường - Tống. Nhưng đây là một địa hạt vô cùng phức tạp, từ trước đến nay đã có không biết bao nhiêu là tài liệu, sách, báo viết về vấn đề này. Vì vậy, chúng tôi bắt buộc phải có một sự chọn lọc, theo ý kiến chủ quan của chúng tôi. Trên nguyên tắc, chúng tôi chỉ cung cấp những tri thức nào mà chúng tôi xét thấy cần thiết nhất, không có những tri thức đó thì không thể hiểu được về cách đọc Hán Việt - nội dung chính của chuyên luận này. Chúng tôi cũng chỉ trình bày những kiến giải, những luận cứ nào mà chúng tôi cho là hợp lý nhất, theo nhận định riêng của bản thân chúng tôi. Để bù đắp cho sự hạn chế đó, chúng tôi đã tìm cách bổ sung. Chúng tôi đã dành riêng một chương, trình bày về các nguồn cứ liệu gốc mà xưa nay, bất kỳ nhà Hán ngữ học nào nghiên cứu về giai đoạn này cũng phải sử dụng đến : trình bày về vận thư và về vận đồ. Chúng tôi hy vọng rằng, nếu nắm vững được, sử dụng được những nguồn cứ liệu gốc này thì người đọc hoàn toàn có thể tự mình kiểm tra lại được các kiến giải của các nhà nghiên cứu đi trước, và tự mình cũng có thể xây dựng được cho bản thân một hướng suy nghĩ riêng của mình.

4. Đi vào vấn đề nguồn gốc, vấn đề quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, về thực chất là đi vào địa hạt ngữ âm lịch sử. Mà đã đi vào địa hạt này thì thường thường tốt nhất là nên dựa vào hệ thống thuật ngữ, hệ thống kí hiệu phiên âm quốc tế. Nhưng ở đây chúng tôi vẫn có chủ trương hơi khác. Chúng tôi nghĩ rằng đối với người Việt Nam, lại đi sâu vào ngành Hán Nôm, thì một cái vốn tri thức tối thiểu về hệ thống âm vận học cổ truyền là một điều không thể nào thiếu được. Vì vậy trong các bài giảng này, chúng tôi chủ trương kết hợp, vừa cung cấp những thuật ngữ hiện đại, vừa cung cấp những tên gọi cổ truyền : một mặt vẫn ghi bằng những ký hiệu như k, kc, g, ŋ, một mặt vẫn gọi bằng tên gọi các tự mẫu “kiến, khê, quần, nghi như trong thư tịch cổ. Thêm vào đó, khi đưa vào ấn loát thì dùng tên tự mẫu, tên các vận bộ theo lối cổ truyền cũng có mặt lợi của nó: bằng cách này, có thể hạn chế rất nhiều việc sử dụng những ký hiệu phiên âm quốc tế mà các nhà in thường không có.

5. Tập này chuyên viết về cách đọc Hán Việt, thì tất yếu không thể nào tránh khỏi được việc phải sử dụng nhiều các ký hiệu văn tự Hán. Nhưng dùng quá nhiều chữ Hán thì cũng rất phiền cho việc ấn loát. Vì vậy sau đây, chúng tôi bắt buộc phải tự hạn chế, chỉ dùng nhiều chữ Hán ở ba chương VI, VII, VIII, khi nêu cách đọc Hán Việt của từng chữ, từng chữ một. Ở các chương trước, chúng tôi luôn cố gắng dùng cách đọc Hán Việt để thay thế. Đối với tên gọi các tự mẫu, các vận bộ, chúng tôi cũng ghi bằng chữ Quốc ngữ, căn cứ vào cách đọc Hán Việt. Để tránh những sai lầm đáng tiếc, chúng tôi sẽ làm một số bảng đối chiếu riêng, có ghi chữ Hán bên cạnh chữ Quốc ngữ, và ở đầu sách sẽ làm bảng quy ước để bạn đọc tiện theo dõi.

6. Vấn đề nguồn gốc, vấn đề quá trình hình thành cách đọc Hán Việt là một vấn đề đã được nhiều người đi trước bàn đến. Viết tập chuyên luận này, chúng tôi đã dựa rất nhiều vào thành tựu của các bậc đi trước đó. Tuy nhiên, ở rất nhiều vấn đề, chúng tôi đều có cách kiến giải riêng của mình. Nói về điều kiện tiếp xúc giữa tiếng Hán, tiếng Việt, chúng tôi không những chỉ nói đến sự tiếp xúc trong khoảng 8, 9 thế kỷ sau công nguyên, mà chúng tôi còn bàn đến khả năng tiếp xúc sau khi nước nhà đã giành được độc lập, tự chủ. Nói về xuất phát điểm của cách đọc Hán Việt, chúng tôi cũng không tự bằng lòng chỉ dựa vào sự hiểu biết chung chung về tiếng Hán trong toàn bộ thời kỳ gọi là trung cổ, mà chúng tôi cố gắng dựng lên một giai đoạn nhỏ riêng, giai đoạn bao gồm hai thế kỷ VIII - IX. Nói đến hệ thống ngữ âm thời Thiết vận, nói đến quá trình diễn biến của tiếng Hán sau thời Thiết vận, chúng tôi cũng đều có những cách tái lập dựa trên lối suy luận riêng của bản thân chúng tôi. Chúng tôi rất tự biết, vị tất những cách kiến giải của chúng tôi đã có đầy đủ sức thuyết phục, có thể tranh thủ được sự đồng tình của tất cả mọi người. Mặt khác, trong quá trình trình bày cũng không thể nào không gặp phải những chỗ mà tự ngay bản thân chúng tôi, cũng thấy là đang còn có vấn đề cần phải đầu tư tiếp tục suy nghĩ nhiều hơn nữa. Vì vậy, rất mong các anh chị em sinh viên đã từng nghe giáo trình chuyên đề này, cũng như rất mong đông đảo các bạn đọc theo dõi tập chuyên luận này, chỉ cho tác giả những chỗ còn sai sót, và gợi cho tác giả những điều cần phải tiếp tục sửa chữa.

7. Tập tài liệu này sở dĩ ra mắt được bạn đọc trước hết là nhờ có sự giúp đỡ tận tình của đồng chí N.V. Xtankêvich và của Cụ Nguyễn Tài Đức. Đồng chí N.V. Xtankêvich đã dành nhiều thì giờ giúp đỡ chúng tôi trong việc lập hồ sơ, thu thập tư liệu về ngữ âm lịch sử, như lập gần 7.000 phiếu đối chiếu cách đọc Hán Việt với Đường âm, khoảng 6.000 phiếu những chữ Nôm có liên quan đến đề tài, sao lại nhiều phần trong các bộ từ điển cổ v.v... Cụ Nguyễn Tài Đức đã trích Tứ thư, Ngũ kinh, lập cho chúng tôi được một danh sách những chữ Hán thông dụng nhất, có kèm theo cách đọc Hán Việt bên cạnh. Cụ thường xuyên làm cố vấn cho chúng tôi trong những vấn đề có liên quan đến cách học, cách dạy, cách làm văn bài, thi cử thời trước.

Tập tài liệu này sở dĩ ra mắt được bạn đọc lại còn nhờ có sự khuyến khích rất nhiệt tình của các bạn đồng nghiệp trong hai tổ bộ môn Ngôn ngữ và Hán Nôm.

Cuối cùng, trước khi đưa in, tập này cũng đã được ban biên tập Nhà xuất bản Khoa học xã hội, và được các đồng chí Vương Lộc, Phan Huy Lê đọc kỹ và góp cho nhiều ý kiến rất bổ ích. Nhân đây chúng tôi xin ngỏ lời chân thành cảm ơn của chúng tôi.

Tác giả
Nguyễn Tài Cẩn
(l979)

 

 

Quy ước trong việc trình bày

1. Trong tập này, chúng tôi sẽ dùng song song cả hai hệ thống thuật ngữ : thuật ngữ ngữ âm học hiện đại, cũng như thuật ngữ của ngành âm vận học cổ truyền. Về nội dung các thuật ngữ âm vận học cổ truyền, xin xem:

- Vận, tiểu vận             trang 100  - Thanh mẫu, tự mẫu      trang 111

- Vận bộ (vận loại)    trang 104 - Đẳng                      trang 112

- Phiên thiết        trang 105  - Khai khẩu, hợp khẩu   trang 114

- Nhiếp                         trang 114

2. Tên gọi các tự mẫu, các vận bộ chúng tôi đều ghi theo cách đọc Hán -Việt. Để tránh những sự nhầm lẫn đáng tiếc, xin xem bảng đối chiếu với chữ Hán ở các trang sau đây:

- Về tên 61 vận bộ và 206 vận mục                    trang 101, 102

- Về tên 36 tự mẫu                                              trang 115

3. Để bạn đọc tiện theo dõi, nhiều trường hợp chúng tôi sẽ ghi các âm theo chữ Quốc ngữ chứ không theo ký hiệu quốc tế. Những trường hợp đó sẽ dùng chữ cái, in hoa, ví dụ âm B, âm CH, âm A, âm ƯA v.v... Riêng trường hợp âm A, những lúc cần phân biệt với ký hiệu quốc tế A thì sẽ dùng thêm hai ngoặc kép, ví dụ : “A”.

4. Một số ký hiệu thường dùng :

- Ký hiệu / có nghĩa là “đối lập với” hoặc “tương ứng với”.

Ví dụ :        p / b (p đối lập với b)

-m / -p (-m tương ứng với -p)

- Ký hiệu > có nghĩa là “chuyển thành”.

Ví dụ :        s > t (s chuyển thành t)

- Ký hiệu < có nghĩa là “chuyển từ”.

Ví dụ :        t < s (t chuyển từ s đến)

- Ký hiệu // có nghĩa là “tồn tại song song với tư cách là những biến thể”.

Ví dụ:         Ie // I (Ie, I là hai biến thể của một âm vị)

 

 

 

Chương thứ nhất

Mở Đầu

 

I. Định nghĩa Cách đọc Hán Việt”

1. Chữ Hán (hoặc còn gọi là chữ Nho) vốn là một nền văn tự do người Hán sáng tạo ra cách đây khoảng trên 3.000 năm, khi người Hán đang còn đóng khung địa bàn cư trú của mình trong vùng đất thuộc lưu vực sông Hoàng Hà và sông Vị.

Lúc đầu nó chỉ dùng để phục vụ riêng cho người Hán và các tầng lớp trên trong các khu vực đã bị Hán hoá sớm: ghi chép những chuyện liên quan đến bói toán (giáp cốt văn tự), ghi chép lời nói của những nhân vật nổi tiếng thời thượng cổ (Kinh Thư), ghi chép thơ ca dân gian (Kinh Thi), ghi chép các huyền thoại mà người Hán nghe được trong vùng (huyền thoại về Tam hoàng, Ngũ đế, Nữ Oa v.v...). Tiến lên một bước nữa, nó dùng làm công cụ để bàn bạc về triết học, thảo luận về chính trị (Luận ngữ, Mạnh tử, Trang tử, Tả truyện v.v...) cũng như để sáng tác văn học (Sở từ). Nhờ có chữ Hán, người Hán không những đã ghi chép được thành văn những điều mắt thấy tai nghe liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc mình, mà đi đến đâu, với công cụ sắc bén đó trong tay, người Hán cũng còn thu thập được cả những điều vốn có liên quan đến nền văn hoá của các dân tộc khác, tạo điều kiện để nâng cao thêm nền văn hoá của mình.

Sau đó, song song với việc mở rộng địa bàn cư trú của người Hán và địa bàn ảnh hưởng của nền văn hoá Hán, chữ Hán cũng dần dần lan tràn ra toàn vùng. Nó vượt sông Dương Tử, đi vào đất Ngô, đất Việt. Đến khoảng đầu Công nguyên, một mặt nó tiếp tục đi xa hơn về phía Nam, đi vào tận khu vực đất nước ta, một mặt nó lan tràn lên phía Đông Bắc đi vào đất nước vương quốc Cao Cú Lệ ở Triều  Tiên. Sau đó vài thế kỷ, xuất phát từ vùng bờ biển miền trung Trung Quốc nó lại tràn sang đến hai vương quốc Bắc Tế, Tân La nằm ở phía Nam Cao Cú Lệ. Xa hơn nữa về phía Đông, nó đã vượt biển lan tràn sang đến quần đảo Nhật Bản.

Trong điều kiện của nền văn minh trung cổ thời bấy giờ, cũng như chữ La-tinh và tiếng La-tinh ở vùng Tây âu, dần dần chữ Hán không còn là nền văn tự của riêng dân tộc Hán nữa: nó trở thành một nền văn tự dùng chung cho toàn vùng. Trong địa bàn Đông và một phần Đông Nam á, nó chuyển dần thành một nền văn tự chính thức của nhiều dân tộc khác, hay ít nhất thì cũng trở thành nền văn tự chính thức trong tầng lớp thống trị, tầng lớp trí thức của nhiều dân tộc khác. Ở Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, trong nhiều thế kỷ chữ Hán đã được coi như là văn tự chính thống, được đem giảng dạy ở nhà trường một cách quy mô nền nếp, được dùng vào thi cử, dùng vào công tác hành chính, ngoại giao, và cũng được dùng cả vào địa hạt văn hoá, địa hạt sáng tác văn học.

Nhưng với thời gian qua, cách đọc chữ Hán ở Trung Quốc, cũng như ở những vùng ngoài Trung Quốc đều dần dần thay đổi. Địa bàn mở rộng cũng tạo điều kiện củng cố thêm cho những sự cách xa nhau vốn có trong cách đọc - vì mỗi vùng vay mượn vào một thời kỳ khác nhau, sau đó lại diễn biến theo những chiều hướng khác nhau - làm cho những sự cách xa nhau đó càng ngày càng thêm sâu sắc. Mặt khác, đứng về bản thân chữ Hán mà nói, thì lối chữ này vốn cũng có những đặc điểm thúc đẩy thêm sự xa cách đó: đây là một nền văn tự không ghi từng âm như chữ Nga, chữ Anh, chữ Pháp, hay như chữ Quốc ngữ của chúng ta hiện nay. Qua tự dạng của chữ Hán chúng ta không thể phân tích để rút ra cách đọc một cách dễ dàng như ở các lối chữ ghi theo từng âm. Do tất cả những lẽ đó, dần dần trong vùng hình thành một tình thế như sau: hai người ở hai khu vực cách xa nhau có thể dùng chung một thứ chữ, viết như nhau, xem và biết được nội dung như nhau, nhưng đọc lên thì khác nhau, nói và nghe thì không hiểu được nhau nữa. Chữ Hán trở thành một hệ thống văn tự có nhiều cách đọc.

Hiện nay, nếu không kể những cách đọc khác nhau ở trong các địa phương Trung Quốc, thì ít nhất cũng phải tính đến mấy cách đọc chữ Hán có tầm quan trọng đáng kể sau đây: cách đọc chính thức theo âm Bạch thoại ở Trung Quốc, cách đọc ở Triều Tiên, hai cách đọc Go-on (Ngô âm), Kan-on (Hán âm) ở Nhật Bản, và cuối cùng là cách đọc thường được gọi là Hán Việt ở những vùng thuộc địa bàn văn hoá của người Việt. 

2. Cách đọc Hán Việt thường được giải thích là lối đọc chữ Hán riêng của Việt Nam, người Việt chuyên dùng khi đọc các văn bản tiếng Hán. Kể ra với một nội dung hiểu như thế mà đặt ra thuật ngữ “cách đọc Hán Việt” thì quả cũng có điều chưa thực ổn. Nhưng vì thuật ngữ ấy đã quá quen thuộc nên ta vẫn tạm dùng. Điều cần nói ở đây là ngay bản thân cách định nghĩa trên, tuy đúng nhưng cũng chưa thật thoả mãn chúng ta. Trong định nghĩa chúng ta chỉ mới gắn liền khái niệm “cách đọc Hán Việt” với bản thân người Việt và khu vực đất nước Việt. Thế ngộ nhỡ - về mặt lý luận - ở một địa bàn nào đấy, với một cộng đồng người đọc nào đấy, mà có đến hai ba lối đọc khác nhau thì sao? Như ở Nhật Bản chẳng hạn, người Nhật đứng trước chữ Hán vừa có lối đọc Go-on, vừa có lối đọc Kan-on, đó là chưa kể lối đọc theo Đường âm, theo quán âm, và lối đọc theo nghĩa. Nếu trong định nghĩa chỉ nêu “cách đọc chữ Hán của người Nhật, ở Nhật Bản” thì làm sao phân biệt được Go-on với Kan-on? Ngay ở Việt Nam ta cũng có tình hình phần nào tương tự như vậy. Ít nhất ở ta cũng có một khối lượng đáng kể những chữ hoặc vừa có cách đọc Hán Việt, vừa có cách đọc cổ Hán Việt, hoặc vừa có cách đọc Hán Việt, vừa có cách đọc Hán Việt Việt hoá (cách này tương đương với cách đọc gọi là Quán âm ở Nhật Bản).

Ví dụ về chữ vừa có cách đọc Hán Việt vừa có cách đọc cổ Hán-Việt :

 

?

vụ

?

Vị

phàm

phòng

mùa

Mùi

Buồm

buồng

Ví dụ về chữ vừa có cách đọc Hán Việt vừa có cách đọc Hán -Việt Việt hoá:

?

can

Cận

?

bổn

?

bản

gan

Gần

vốn

Ván

Cố nhiên, trước nay, theo thói quen, chúng ta không gọi mùa, mùi, buồm, buồng, gan, gần, vốn, ván là những cách đọc chữ Hán. Nhưng xét trên lí thuyết, và căn cứ kinh nghiệm ở những nước khác, thì cũng không có gì ngăn cản chúng ta có thể coi đó như là những cách đọc chữ Hán, có điều đó là những cách đọc khác với cách đọc Hán Việt. Trong trường hợp đó mà nếu chỉ định nghĩa cách đọc thông qua người đọc, địa bàn đọc thì làm sao phân biệt được cách đọc Hán Việt với cách đọc cổ Hán Việt, hay với cách đọc Hán Việt Việt hoá, vì cả ba cách đọc này cũng đều là những cách đọc chữ Hán của người Việt ở Việt Nam cả.

Mặt khác, lối đọc Hán Việt ở thế kỷ XX này (ta tạm ghi tắt là HV/20) lại xuất phát từ những lối đọc cổ hơn của các thế kỷ trước (HV/17, HV/15, HV/13 v.v...), những lối đọc này - theo định nghĩa trên - cũng đúng là những lối đọc Hán Việt cả. Truy xa hơn nữa, ta sẽ tìm ra lối đọc HV/1O, HV/9. Nhưng lúc này ta sẽ lúng túng, vì lúc này cách đọc riêng của người Việt lại chính cũng là cách đọc của người Hán, hay ít nhất thì cũng gần gần như cách đọc của người Hán. Thành thử, trong tình hình hiểu biết hiện nay, khi cần có định nghĩa thật đơn giản, thật dễ hiểu, thì ta dùng định nghĩa như trên là đúng. Nhưng nếu muốn có một tri thức thực sự khoa học, thì rõ ràng là cần phải có sự bổ sung thêm. Chỉ dựa một mình vào đặc điểm người đọc, địa bàn đọc, trả lời rằng đó là cách đọc chữ Hán của người Việt Nam, hoặc cách đọc chữ Hán ở Việt Nam, thì chưa đủ. ít nhất trong miêu tả cũng phải đưa thêm vào hai nội dung nữa, trả lời hai câu hỏi sau đây:

- Đây là một lối đọc bắt nguồn từ đâu? Từ ngữ âm tiếng Hán, nhưng cụ thể là tiếng Hán của thời kỳ nào?

- Đây là một lối đọc hình thành trên cơ sở nào? Trên cơ sở giữ nguyên (hoặc giữ gần nguyên) tiếng Hán trung cổ hay trên cơ sở biến dạng nó đi? Và nếu có biến dạng thì biến dạng theo phương hướng nào? Dưới tác động của những áp lực gì? v.v...

Đây là những câu hỏi không đơn giản, muốn trả lời đầy đủ thì phải có cứ liệu minh hoạ, có biện luận. Tạm thời ta chỉ có thể nói trước, một cách sơ bộ, trên những nét lớn:

- Cách đọc Hán Việt là một cách đọc vốn bắt nguồn từ hệ thống ngữ âm tiếng Hán đời Đường, mà cụ thể là Đường âm dạy ở Giao Châu vào giai đoạn bao gồm khoảng hai thế kỷ VIII, IX;

- Nhưng cách đọc theo Đường âm đó, sau khi Việt Nam giành được độc lập, đã dần dần biến dạng đi, dưới tác động của quy luật ngữ âm và ngữ âm lịch sử tiếng Việt, tách xa hẳn cách đọc của người Hán để trở thành một cách đọc riêng biệt của người Việt và những người thuộc khu vực văn hoá Việt. Đây là một cách đọc tạo thành hệ thống, nghĩa là trên lý thuyết có thể dùng để đọc toàn bộ kho tàng các ký hiệu văn tự Hán, với khả năng gần như cách đọc của bản thân người Hán; nhưng đây lại là một cách đọc độc lập, có đặc trưng riêng, chức năng riêng và có cả một lịch sử diễn biến của riêng mình.

3. Cách đọc Hán Việt đang là một sản phẩm của sự tiếp xúc giữa tiếng Việt với tiếng Hán, và nền văn tự Hán. Nhưng cũng là sản phẩm của sự tiếp xúc này, chúng ta lại đang còn có cả một loạt nhiều hiện tượng khác như những đơn vị gọi là tiếng Hán Việt, những đơn vị gọi là từ Hán Việt, và những đơn vị gọi là yếu tố gốc Hán v.v... Vậy phân biệt như thế nào?

Theo ý chúng tôi, nói đến cách đọc Hán Việt là nói đến cái vỏ ngữ âm mà người Việt Nam gán cho hệ thống văn tự  Hán, bất luận những chữ được đọc đó là những chữ như thế nào: những chữ ghi những tiếng đã được du nhập vào trong tiếng Việt như tuyết, học,cao,tuy, hay những chữ không liên quan gì với tiếng Việt như chẩm?, giá,ma..., Ngược lại, khi nói đến yếu tố gốc Hán là nói đến những yếu tố đã  được du nhập vào trong tiếng Việt, bất luận đó là những yếu tố như thế nào, xét về mặt quan hệ với văn tự: những yếu tố người Việt có thể liên hệ trực tiếp ngay với một chữ Hán như quốc ?, gia ?, sơn ?, thuỷ ?, hay những yếu tố không gây ra sự liên hệ như thế, ví dụ mùa (vốn do vụ ? mà ra), gần (vốn do cận ỹ mà ra), hoặc mì chính (vốn do vị tinh ? mà ra) v.v...

Đối chiếu hai khái niệm cơ bản trên đây với nhau - một khái niệm nặng về ngữ âm, một khái niệm nặng về từ vựng - chúng ta sẽ có sơ đồ như sau:

Cách đọc Hán-        - Việt

 

 
 

 


Yếu tố gốc Hán

 
                       I      III    II              

            

                                 

         

Trong sơ đồ hình thành 3 khu vực:

a) Trong khu vực I ta sẽ gặp những chữ tuy ta có thể đọc Hán Việt được, nhưng những chữ đó chỉ liên quan đến Hán ngữ chứ không liên quan gì đến tiếng Việt (xem những trường hợp chẩm, giá, ma ở trên).

b) Trong khu vực II là những yếu tố người Việt mượn từ tiếng Hán, nhưng những yếu tố đó lại không trực tiếp liên quan gì đến cách đọc Hán Việt. ở đây có thể có ba trường hợp:

- Trường hợp mượn trước cách đọc Hán Việt như mùa, mùi, buồng, buồm...

- Trường hợp mượn đời Đường, cùng một lần với cách đọc Hán Việt, nhưng sau diễn biến theo một con đường khác với cách đọc Hán Việt. Ví dụ: gan, gần, vốn, ván...

- Trường hợp mượn thông qua một phương ngữ tiếng Hán, ví dụ mì chính, cắc, lú bú...

c) Trong khu vực III là những yếu tố cũng thuộc vào loại mượn từ tiếng Hán, nhưng đó là những yếu tố mượn thông qua cách đọc Hán Việt nên được gọi là yếu tố Hán Việt. Ví dụ: tuyết, học, quốc, gia v.v... Xét về mặt ngữ pháp, có thể chia các yếu tố Hán Việt này thành trường hợp chỉ là tiếng, nhưng không phải là từ (ví dụ : quốc, gia) và trường hợp vừa là tiếng, vừa là từ (ví dụ: tuyết, học).

Phân biệt rành mạch 3 khu vực trên đây là một điều hết sức quan trọng. Chẳng hạn, làm một cuốn tự điển chữ Hán có ghi chú cách đọc Hán Việt cho người Việt thì phải chú ý đến cả khu vực I, cả khu vực III; làm một cuốn từ điển tiếng Hán Việt, từ Hán Việt, thì phải loại trừ khu vực I; để xảy ra một số chỗ lẫn lộn như trước nay thường thấy là một điều rất đáng tiếc.

 

II. Tầm quan trọng của cách đọc Hán Việt

1. Vấn đề tìm hiểu cách đọc Hán Việt là một vấn đề có tầm quan trọng đáng được đánh giá đúng mức, đối với thực tiễn cũng như đối với lí luận, đối với chúng ta cũng như đối với ngành Đông phương học thế giới.

Xuất phát từ thực tiễn trong nước mà nhìn, ai cũng thấy rằng trong quá trình phát triển, nền văn hoá dân tộc của chúng ta đã có mối quan hệ mật thiết với nền văn ngôn và với chữ Hán. Người Việt Nam trước đây, từ thế hệ này sang thế hệ khác, đã liên tục trong nhiều thế kỷ, sử dụng chữ Hán và lối văn ngôn như một công cụ văn hoá của dân tộc, dùng nó để ghi chép, viết lách, lưu lại đến ngày nay một kho tàng không nhỏ những công trình về sử học, về luật học, về y học, về văn học... Đó là một gia tài quý báu mà chúng ta phải đọc, phải tìm hiểu, phải dịch để giới thiệu lại cho các thế hệ mai sau. Mà rõ ràng là những việc làm này - đối với người Việt - không thể nào tiến hành tốt được nếu không thông qua cách đọc Hán Việt.

Trong kho tàng văn hoá Trung Quốc, cũng có nhiều thành tựu đã trở thành tài sản chung của nhân loại, thế giới cần phải thừa hưởng. Những tác phẩm triết học thời Tiên Tần, những áng Hán văn, Đường thi được coi là thuộc địa hạt tài sản thế giới đó, không lẽ chúng ta lại đọc theo âm Bạch thoại như ở Trung Quốc và Âu Mỹ, trong khi chúng ta đã có sẵn cho riêng mình cách đọc Hán Việt! Cách đọc Hán Việt là một tài sản của riêng dân tộc ta, không lý gì ta lại ruồng bỏ nó. Có dùng nó khi đọc Đạo đức kinh, Kinh Thi, Sở từ... thì mới phù hợp với thói quen dân tộc, tiện lợi cho dân tộc. Theo ý chúng tôi, dùng cách đọc Hán Việt ở những trường hợp này là một điều hết sức phù hợp với khoa học. Đọc theo lối Hán Việt thì dễ hiểu hơn, bởi lẽ ngay trong tiếng Việt đã có khá nhiều tiếng Hán Việt quen thuộc, chỉ đọc lên, nghe được, là hiểu được; đọc theo lối Hán Việt thì cũng thuận tai hơn, bởi lẽ hệ thống phụ âm, nguyên âm Hán Việt đã lọt vào trong hệ thống ngữ âm Việt Nam, trở thành hết sức tự nhiên; hơn nữa, đọc theo lối Hán Việt thì lại càng gần với thực tế lịch sử hơn, dễ dàng bảo tồn được những mặt thanh, vận, niêm, luật cổ, mà âm Bạch thoại ngày nay đã bỏ mất...

2. Nói đến tiếng Việt, lịch sử tiếng Việt, cũng không thể nào không đề cập đến bộ phận có liên quan đến cách đọc Hán Việt. Trong kho từ vựng Việt Nam - như trên đã nói - hiện có một khối lượng khá lớn những tiếng Hán Việt và từ Hán Việt. Đây là một bộ phận không thật xưa lắm, không thật “thuần tuý dân tộc” lắm. Nhưng đây là một bộ phận khá quan trọng, xét cả về mặt số lượng, cả về mặt vai trò mà chúng giữ, ở trong toàn bộ ngôn ngữ nói chung, và đặc biệt là ở trong cái gọi là ngôn ngữ văn hoá, nói riêng. Vì vậy một nhiệm vụ phải đặt ra: phải tìm hiểu toàn diện về lớp đơn vị từ vựng này, mà trước hết là phải tìm hiểu về cái vỏ ngữ âm Hán Việt của chúng.

Ngôn ngữ là một hệ thống. Yếu tố Hán Việt nằm trong lòng tiếng Việt với tư cách là một bộ phận của hệ thống. Cho nên khảo sát về bộ phận này cũng không phải chỉ là để hiểu riêng bộ phận này mà còn là để góp phần soi sáng chung cho toàn bộ hệ thống. Có hiểu được sắc thái ý nghĩa, chức năng tu từ, đặc điểm ngữ pháp của sơn, thuỷ, quốc, gia thì mới góp phần hiểu rõ hơn được sắc thái ý nghĩa, chức năng tu từ, và đặc điểm ngữ pháp của núi, sông, nước, nhà. Cũng vậy, có hiểu được lịch sử hình thành cách đọc Hán Việt, thì mới góp phần hiểu rõ hơn toàn bộ lịch sử diễn biến ngữ âm của tiếng Việt.

3. Ngoài ra, như mọi người đều biết, trước đây ta lại còn có chữ Nôm. Chữ Nôm là một lối chữ dân tộc xây dựng nên trên cơ sở dùng các yếu tố của nền văn tự Hán, đọc với lối đọc Hán Việt. Thế nghĩa là có tìm hiểu được về sự hình thành toàn bộ hệ thống ngữ âm Hán Việt, thì mới giải thích được về vấn đề thời kỳ hình thành toàn bộ hệ thống chữ Nôm; có nắm chắc được về quá trình diễn biến của từng phụ âm, từng nguyên âm, từng vần Hán Việt, thì mới đoán định được thời điểm xuất hiện của từng mô hình chữ Nôm. Trong đa số các kiểu cấu tạo, chữ Nôm đều phải dựa vào cách đọc Hán Việt, muốn đọc Nôm, phiên Nôm, cũng không thể nào không dựa vào cách đọc Hán Việt được.

4. Đứng ở địa hạt Đông phương học thế giới mà nhìn, cách đọc Hán Việt cũng là một cứ liệu quan trọng, luôn luôn được giới nghiên cứu nhắc nhở đến. Nghiên cứu hệ thống ngữ âm tiếng Hán trung cổ, thì rõ ràng là không thể nào không viện dẫn đến cách đọc chữ Hán ở Việt Nam, vì cách đọc này vốn bắt nguồn từ tiếng Hán trung cổ. Nhưng ngay khi nghiên cứu cách đọc Kan-on ở Nhật Bản, hay cả những khi nghiên cứu những cách đọc có nguồn gốc xa hơn như cách đọc Hán - Triều, cách đọc Go-on, thì so sánh với cách đọc Hán Việt lắm khi cũng là một con đường có thể đưa lại những sự gợi ý hữu ích.

Một ví dụ về sự đóng góp của cách đọc Hán Việt: Trong khoảng đầu thế kỷ VII, ở cuốn Thiết vận của Lục Pháp Ngôn có một loạt chữ được quy vào cùng một nhóm với những chữ như hà, hài, hàm, hoạ, hai bên cùng thuộc một thanh mẫu gọi là thanh mẫu hạp. Nhưng đến cuối Đường, đầu Tống, trong bảng Tam thập lục tự mẫu ta lại thấy những chữ đó được xếp cùng với những chữ như do, dư, dĩ và quy thành một thanh mẫu mới gọi là thanh mẫu dụ. Như vậy trong khoảng vài trăm năm, những chữ ấy đã có một sự di chuyển từ thanh mẫu này sang thanh mẫu khác. Một vấn đề được đặt ra:  quá trình di chuyển ấy đã xảy ra theo những bước như thế nào, và xảy ra do những nguyên nhân nào ? Nếu đem loạt chữ đó đọc theo cách đọc Hán Việt, chúng ta sẽ thấy chúng đọc với phụ âm V (ví dụ : vu, vân, viên), một phụ âm vừa không giống với hà, hài, hàm, hoạ, vừa không giống với do, dư, dĩ. Thế nghĩa là chỉ với một mình cứ liệu Hán Việt chúng ta đã có thể:

a) Một mặt, khẳng định thêm những điều mà cứ liệu tiếng Hán đã cung cấp : những chữ này sở dĩ chuyển từ hạp sang dụ, là vì thuộc tam đẳng, mà phần lớn là hợp khẩu, có -iw- ở đầu vần. Quả vậy, V ở tiếng Việt vốn có bắt nguồn từ w, và những chữ ghi với D Quốc ngữ vốn thường bắt đầu bằng J, tái lập cho vu, vân, viên tổ hợp âm lướt -iw- là điều hoàn toàn hợp lý. Chính tổ hợp âm lướt này đã cho phép vu, vân, viên, có điều kiện để, ở tiếng Việt, chuyển sang phụ âm V; còn ở tiếng Hán thì chuyển sang phụ âm J, nhập vào thanh mẫu dụ.

b) Mặt khác, cách đọc Hán Việt vu, vân, viên lại làm sáng tỏ thêm một điều: những chữ này, sau khi tách khỏi thanh mẫu hạp không phải là đã nhập ngay vào thanh mẫu dụ, mà phải kinh qua một bước trung gian, đứng độc lập riêng một đàng, với phụ âm không giống ở hạp cũng không giống ở dụ. Bước trung gian này là bước xảy ra vào khoảng hai thế kỷ VIII và IX.

 

III. PHƯƠNG HƯỚNG NGHIÊN CỨU CÁCH ĐỌC HÁN -VIỆT

1. Vì tầm quan trọng như trên, dưới đây chúng ta sẽ đi vào chuyên khảo sát cách đọc gọi là Hán Việt đó. Nhưng trước lúc bước vào việc khảo sát, cũng cần phải nói rõ vài điểm có thể coi như là thuộc địa hạt phương pháp, để thống nhất cùng nhau về cách đặt vấn đề, cũng như về đường đi nước bước.

Cách đọc Hán Việt là một hiện tượng thuộc địa hạt ngôn ngữ, nghĩa là một hiện tượng có tính chất xã hội. Vì vậy, nói đến cách đọc Hán Việt, nhất thiết phải dựa vào thói quen của toàn xã hội để định đoạt, tuyệt đối không thể lấy một nhân tố phi xã hội nào để làm cơ sở. Đứng trước một hiện tượng như cách đọc ảo của chữ chẳng hạn, nếu chúng ta căn cứ vào tự điển, căn cứ vào tài liệu ngữ âm lịch sử, thì chúng ta sẽ thấy ngay rõ ràng đó là một cách đọc nhầm. Đọc huyễn, hoạn mới đúng, vì Khang Hy tự điển phiên thiết là “hồ biện”, còn các tài liệu ngữ âm lịch sử khác thì lại cho biết đó là một chữ thuộc thanh mẫu hạp, vận bộ sơn, khứ thanh, hợp khẩu. Nhưng đối với chúng ta, không một cuốn sách nào, không một nhà nghiên cứu nào là có thể bắt ta bác bỏ được cách đọc ảo. Đối với chúng ta, trong vấn đề nghiên cứu ngôn ngữ, chỉ có nhân tố xã hội mới có tiếng nói quyết định. Nếu ta đã chấp nhận cách đọc huyễn, vì  huyễn đã nhập một với   (cũng đọc là huyễn), tạo ra từ huyễn hoặc được dùng rộng rãi, thì ta lại không có lý gì không chấp nhận luôn cả cách đọc ảo khi toàn dân đã quen nói ảo tượng, huyền ảo, hư ảo, ảo thuật, ảo mộng, ảo ảnh v.v... Theo ý chúng tôi, đang ở địa hạt Hán Việt, nếu chỉ căn cứ vào sách vở mà chê cách đọc này là sai, mà đề nghị cách đọc kia phải đọc lại v.v... thì đó là một điều vừa không tưởng, vừa sai lầm. Nói một cách khác, phải chấp nhận bất kỳ cách đọc nào đ được tiếng Việt chấp nhận, vì đó là hiện thực.

Do lẽ đó, chúng ta phải đi đọn một hệ quả là phải hết sức thận trọng, phải cố gắng cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chọn một chữ nào đấy để làm đối tượng khảo sát. Khối lượng chữ Hán vô cùng lớn. Chữ Hán lại thuộc loại văn tự không thể nào cho phép một người có thể đọc được tất cả mọi chữ. Có những chữ nhiều người biết, nhiều người đọc thống nhất từ lâu đời. Bên cạnh lại có những chữ ít khi gặp, ít ai biết đến, nếu có ai đó đọc lên thì cách đọc đó vị tất đã có một cơ sở xã hội thật chắc chắn làm hậu thuẫn. Vì vậy khi nghiên cứu, chúng ta sẽ cố gắng chỉ đi vào trường hợp những chữ có cách đọc thực sự được bảo đảm.

Làm thế nào để có thể biết rằng một chữ nào đấy có cách đọc thực sự được bảo đảm, để chọn lựa dùng làm đối tượng nghiên cứu? Chúng tôi đã tự đề ra mấy tiêu chuẩn dưới đây để hướng dẫn sự chọn lọc:

a) Trước hết phải chọn những chữ mà cách đọc đã đi vào trong kho từ vựng tiếng Việt, làm thành những đơn vị có khả năng vận dụng độc lập của tiếng Việt, ví dụ chọn tuyết, ngọc, cao, học, tuy, hoặc v.v... Đó là những chữ có cách đọc đã Việt hoá cao độ, đã trở thành những từ đơn quen thuộc, ai ai cũng biết.

b) Thứ hai, là chọn những chữ mà cách đọc đã trở thành những hình vị cấu tạo từ khá thông dụng, được dùng để tạo ra hàng loạt từ cho tiếng Việt, ví dụ:

- ái trong ái tình, ưu ái, ái quốc, bác ái, luyến ái, ái hữu, ái ân, nhân ái v.v...

- gia trong gia đình, gia tộc, gia phả, gia sản, gia tư, gia phong, quốc gia v.v...

- quốc trong quốc kỳ, quốc ca, quốc tế, ái quốc, quốc huy, quốc hiệu, quốc vương, vương quốc v.v...

- hải trong hải đăng, hải phận, hải quan, hàng hải, hải lưu, duyên hải...

c) Cố nhiên cũng có thể có trường hợp một tiếng nào đây không dùng để tạo ra nhiều từ, nhưng ta vẫn biết đó là một tiếng được xã hội nhất trí chấp nhận, và ta vẫn chọn được, ví dụ: gia ?. Tiếng này không có sức sản sinh cao. Nhưng tiếng này lại nằm trong những tên riêng quen thuộc như Gia Định, Gia Long... Trong Kiều lại có câu:

“Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh”

ai ai cũng biết đến. Trường hợp chữ húc ? cũng vậy. Trong Hán Việt tự điển, cụ Đào Duy Anh chỉ cho một từ húc nhật, mà ngay từ này cũng ít ai biết đến. Nhưng chúng tôi vẫn chọn vì lẽ rằng đã có tên cầu Thê Húc ở hồ Hoàn Kiếm được báo chí nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

d) Nếu chữ nào không rơi vào ba trường hợp trên thì chúng tôi lại chủ trương dùng phương pháp đối chiếu các tự điển Hán Việt với nhau để làm cơ sở chọn lựa: những chữ nào mà các tự điển đều thống nhất cách đọc thì chúng tôi tin cậy hơn, đưa lên hàng ưu tiên; những chữ nào hễ có tự điển đọc khác thì chúng tôi đánh giá thấp hơn và chỉ dùng khi thật cần thiết.

2. Việc nghiên cứu cách đọc Hán Việt, nếu tiến hành được triệt để, thì có thể đưa đến hai kết quả:

- Thứ nhất là phát hiện ra được những quy luật cơ bản nhất, chi phối cách đ?c của tuyệt đối đa số trường hợp.

- Thứ hai là góp phần giải thích được ngay cả những cách đọc cá biệt, nằm ngoài quy luật (nằm ngoài quy luật, nhưng vì một lý do nào đó, vẫn được toàn xã hội chấp nhận) như trường hợp chữ ảo đã từng có lần đề cập đến ở trên.

Ở Việt Nam cách đọc ngoại lệ không phải là ít. Xin đơn cử một trường hợp sau đây để minh hoạ: trường hợp đọc các chữ thuộc thanh mẫu tâm. Trong bảng điều tra của chúng tôi có 229 chữ thuộc thanh mẫu tâm với 239 cách đọc (vì có những chữ có thể có đ?n 2, 3 cách đọc). Kết quả phân bố như sau:

Tổng                    số

Cách đọc Hán Việt (theo Quốc ngữ)

Khai khẩu

Hợp khẩu

Đẳng 1

2

3

4

1

2

3

4

T

33

 

90

28

29

 

37

 

217

S

4

 

1

 

2

 

 

 

7

TH

1

 

1

2

1

 

 

 

5

D

 

 

 

1

 

 

1

 

2

CH

 

 

 

 

 

 

2

 

2

TR

1

 

 

 

 

 

 

 

1

N

1

 

 

 

 

 

 

 

1

KH

 

 

 

1

 

 

 

 

1

X

 

 

1

 

 

 

 

 

1

NH

 

 

 

 

 

 

1

 

1

H

 

 

 

 

 

 

1

 

1

Rõ ràng đối với một nhà ngữ văn học thì sự hiểu biết về những cách đọc chỉ gặp một hai lần như H, NH, X, KH, N, TR, CH, D ở trên là vô cùng quý báu. Và đối với nhà ngữ âm học lịch sử nhiều khi những cách đọc ngoại lệ đó cũng rất có ý nghĩa. Nhưng ở đây, trong đợt sơ bộ khảo sát này thì chúng ta chưa thể đi vào giải thích cách đọc của từng chữ một được. Phải đợi đến một đợt sau, trong một công trình khác - ví dụ trong một cuốn từ điển Từ nguyên chẳng hạn - thì ta mới có thể thoả mãn được yêu cầu đó. Ở đây, chúng tôi chỉ mới có hy vọng đứng về mặt ngữ âm lịch sử tìm ra những quy luật cơ bản nhất chi phối cách đọc chính của đa số trường hợp. Cách đọc lệ ngoại cũng sẽ được ghi nhận, nhưng sẽ chưa được giải thích.

3. Cuối cùng, cũng xin nói qua về các bước đi của chúng tôi trong việc trình bày về cách đọc Hán Việt, sau chương mở đầu này.

Trước hết chúng tôi sẽ trình bày hoàn cảnh lịch sử đã dẫn đến sự hình thành cách đọc Hán Việt. Với chương này (chương II) chúng tôi sẽ đi đến kết luận: chính vào giai đoạn thế kỷ VIII, IX, ta có một đợt tiếp xúc với tiếng Hán cực kỳ quan trọng. Đây là thời kỳ đặt nền móng cho cách đọc Hán Việt. Kể ra, muốn xác định điểm xuất phát của cách đọc Hán Việt, thì phải  xác định, dựa đồng thời vào một tổng hợp nhiều cơ sở, trong đó cơ sở ngữ âm lịch sử là quan trọng nhất. Nhưng cơ sở ngữ âm, là vấn đề sẽ bàn ở các chương sau, nếu đưa lên trước, thì sẽ trùng lặp, và cũng sẽ gây ra cả khó khăn cho người đọc. Do đó, ở chương này chúng tôi chủ yếu chỉ đưa điều kiện lịch sử ra để trình bày.

Từ thế kỷ X trở về sau, không phải chúng ta không còn có dịp tiếp xúc với tiếng Hán nữa. Gần đây chúng tôi vừa phát hiện được một chứng tích cho thấy đầu thế kỷ XV vẫn có thời kỳ ở Việt Nam dạy đọc kinh Đạo giáo theo cách đọc của người Hán đời Minh. Chúng tôi sẽ dành toàn bộ một chương (chương III) để phân tích cứ liệu này. Bởi vì phân tích kỹ cứ liệu này chúng ta sẽ có được hai điều thu hoạch hết sức quan trọng :

- Một mặt, chúng ta sẽ thấy rõ được ảnh hưởng của tiếng Hán trong những lần tiếp xúc hậu kỳ, sau khi độc lập.

- Một mặt khác, chúng ta lại sẽ càng thêm xác tín rằng, dầu sao thì đợt  tiếp xúc trong giai đoạn bao gồm hai thế kỷ VIII - IX cũng là đợt tiếp xúc cơ bản nhất, có vai trò quyết định nhất trong việc đặt nền móng cho cách đọc Hán Việt.

Sau hai chương, xác định được hoàn cảnh lịch sử như thế rồi, thì chúng ta sẽ bắt đầu đi hẳn vào vấn đề nguồn gốc, vấn đề xuất phát điểm của cách đọc Hán Việt : vấn đề tìm hiểu tiếng Hán đời Đường. Nhưng muốn khách quan thì phải trình bày cứ liệu trước khi trình bày nhận định. Do đó ở đây chúng ta cũng sẽ có hai chương:

- Chương IV: giới thiệu các cứ liệu dùng để nghiên cứu xuất phát điểm của cách đọc Hán Việt.

- Chương V: giới thiệu về bản thân cái xuất phát điểm đó: hệ thống thanh mẫu, hệ thống vận bộ của tiếng Hán vào khoảng hai thế kỷ VIII, IX.

Sau khi Việt Nam giành được độc lập (905 - 938), cách đọc chữ Hán ở Việt Nam không phải đứng yên một chỗ. Nó luôn luôn diễn biến, mà chủ yếu là diễn biến theo quỹ đạo của quy luật ngữ âm và ngữ âm lịch sử tiếng Việt. Do đó, bước tiếp theo là phải khảo sát các quá trình diễn biến liên tục từ đầu thế kỷ X đến nay, trên đất Việt Nam, để xem thử những quá trình đó đã dần dần, từng bước, làm biến dạng cách đọc của Đường âm như thế nào, để cuối cùng đi đến tình trạng như hiện thấy. Vì địa hạt ngữ âm khá rộng, ít nhất cũng phải chia thành vài khía cạnh nhỏ để trình bày, nên sau chương V, chúng ta sẽ có thêm ba chương tiếp nữa :

- Chương VI: trình bày về quá trình hình thành hệ thống phụ âm đầu Hán Việt hiện nay.

- Chương VII : trình bày về quá trình hình thành hệ thống vần trong cách đọc Hán Việt.

- Chương VIII: trình bày về quá trình hình thành hệ thống thanh điệu.

Cuối cùng là chương tổng kết. Trong chương IX này chúng ta sẽ cố gắng vươn lên, nhìn với một tầm nhìn bao quát hơn để rút ra một vài nhận xét chung nhất.

 

 

 

 

 

                             Chương thứ hai

 

          HOÀN CẢNH LỊCH SỬ ĐÃ ĐẶT NỀN MÓNG

                CHO CÁCH ĐỌC HÁN - VIỆT

 

I. CÁC KHẢ NĂNG TIẾP XÚC VỚI TIẾNG HÁN

1. Như trên đã nói, một trong những nhân tố quan trọng bậc nhất đã dẫn đến sự hình thành cách đọc Hán - Việt ở Việt Nam là hoàn cảnh có sự tiếp xúc với tiếng Hán. Nhưng vấn để tiếp xúc giữa hai ngôn ngữ là một vấn để hết sức phức tạp, chỉ vài mươi năm gần đây ngành ngôn ngữ học mới bắt đầu phân tích một cách có cơ sở khoa học để đặt những nền móng đầu tiên, xây dựng thành một địa hạt nghiên cứu riêng. Đi vào thực tiễn vấn đề của chúng ta, chúng ta cũng thấy quả là như vậy. Sự tiếp xúc với tiếng Hán không phải là một quá trình giản đơn, mà là một quá trình bao gồm khá nhiều khả năng, khá nhiều tình huống, mỗi tình huống thường đưa lại một hậu quả riêng. Hiện nay chúng ta chưa đủ điều kiện để hình dung vấn đề một cách thực sự cụ thể và đầy đủ. Nhưng nhìn sơ bộ thì ít nhất cũng đã thấy có những tình hình khá phức tạp như sau.

Trước hết chúng ta không nên quan niệm rằng giữa tiếng Hán và tiếng các vùng xung quanh chỉ có quan hệ một chiều. Không phải bao giờ làn sóng ảnh hưởng cũng xuất phát từ tiếng Hán rồi lan tràn ra bốn bên. Trong sự tiếp xúc giữa hai ngôn ngữ bao giờ ảnh hưởng cũng xảy ra trong cả hai chiều, có chiều đi, có chiều lại, hai bên tương hỗ tác động đến nhau. Cố nhiên, trong thực tế có thể có chiều mạnh, có chiều yếu, nhưng trên lý thuyết bao giờ cũng phải tính đến mối quan hệ qua lại theo hai chiều cả. Nếu trong thực tế, tiếng Hán quả đã có ảnh hưởng rõ rệt đến ta thật, thì ta cũng không nên quên rằng từ phía các ngôn ngữ Nam Á chúng ta, không nhiều thì ít, thế nào chúng ta cũng đã có tác động ngược trở lại. Chỉ nhìn kỹ vào kho từ vựng tiếng Hán thì đủ rõ điều đó. Hoặc chỉ hình dung lại hoàn cảnh ban đầu về mặt địa lý thì cũng đủ rõ. Khi tiếng Hán đang còn đóng khung ở vùng phía Bắc (lưu vực Hoàng hà, Vị hà) thì rõ ràng tiến Hán chưa thể có nhiều những từ nêu tên gọi những sản vật mà chỉ ở phương Nam mới có. Những danh từ chỉ thực vật như cảm lãm (= trám), phù lưu (= trầu), ba la mật (= mít) v.v. chắc chắn là những danh từ vay mượn từ các ngôn ngữ vùng nhiệt đới. Để chỉ "sông", phía Bắc, người Hán đều gọi là . Nhưng từ Dương tử trở về Nam lại gọi là giang. Theo các nhà địa danh học, giang là một từ vay mượn. Thanh phù công () trong chữ giang () rất dễ dàng gợi cho chúng ta nghĩ đến Kluŋ, K°ioŋ, K°oŋ, Karuŋ, Krauŋ, Krəŋ trong các tiếng Tạng, Miến, Mường, Ka tu, Mơ nông, Chàm, cũng như nghĩ đến sông trong tiếng Việt. Có lẽ lúc đầu thì người Hán chỉ phiên âm để dùng tạm thời, kiểu như giống tre Giao Chỉ trong Kinh Thư phiên là khuẩn lộ, con trĩ của nước Việt Thường trong Xuân Thu phiên là khuyết địa, trong Lễ ký phiên là điều đề, cây vả trong Nam Việt chí phiên là vả (Viết á phiên), con sứa trong Nam Việt chí phiên là v.v.. Nhưng đến khi cần có những tên gọi thường xuyên thì một số trong những cách phiên âm đó bắt đầu đi vào kho từ vựng của tiếng Hán. Dưới đây, chúng ta sẽ chỉ chú ý đến một chiều ảnh hưởng: ảnh hưởng từ tiếng Hán sang tiếng ta. Nhưng nếu trong thực tiễn, công tác bắt buộc ta phải làm như vậy để phục vụ sát đúng yêu cầu nghiên cứu của chúng ta, thì trên lý thuyết và trong quan niệm, tuyệt đối đừng bao giờ nghĩ rằng trong quan hệ tiếp xúc giữa tiếng Hán và tiếng Nam Á (mà một chi nhánh sau này sẽ đưa đến tiếng luôn luôn chỉ có quan hệ đơn giản một chiều...

2. Đi vào từng sự kiện ngôn ngữ văn tự cụ thể (đi vào từng tiếng, từng chữ chẳng hạn), chúng ta cũng vẫn thấy có rất nhiều khả năng ảnh hưởng khá khác nhau. Có khi chiều hướng ảnh hưởng chỉ đi theo một đường thẳng đơn giản, từ bên này sang bên kia; nhưng cũng lắm khi mũi tên có thể đi đường vòng, từ A sang B, rồi lại từ B quay trở lại A. Một ví dụ về trường hợp đi đường vòng: ở tiếng Nam Á vốn có danh từ chỉ thứ vũ khí ta kêu là (so sánh với na ở Mường, Chứt, Cuối, sa-na ở Kơ ho, s-na ở Khơ-me). Có khá nhiều cơ sở để có thể khẳng định chính từ tên gọi này mà sản sinh ra tiếng Hán chỉ bằng chữ . Nhưng sau đó chữ lại quay trở lại Việt Nam, đưa đến cách đọc cổ Hán - Việt , và cách đọc Hán - Việt nỗ hiện nay.

Xét về mặt thời gian, con đường vay mượn thường thì chỉ đi một lần. Nhưng cũng có khi phải đi đến vài ba lượt. Ví dụ về trường hợp mượn hai ba lần:       lúc đầu đưa đến cho ta cách nói bùa, lần sau lại đưa đến cho ta cách đọc Hán - Việt phù; lần đầu đưa đến cho ta danh từ mùi, lần thứ hai đưa đến cho tà danh từ vị, và lần thứ ba lại đưa đến cho ta tiếng (ở trong mì chính).

Nếu có đến hai ba lần mượn, có khi cả mấy lần đều đi theo một lối, nhưng cũng có khi mỗi lần đi theo một lối khác nhau. Trường hợp phù, bùa trên đây có thể dùng làm dẫn chứng cho khả năng đầu, vì cả bùa, cả phù đều truyền sang ta thông qua cách đọc chữ . Nhưng những trường hợp như giác, cắc thì lại khác: giác đến với ta thông qua cách đọc Hán - Việt chữ ; cắc lại đến với ta thông qua sự tiếp xúc trực tiếp với khâu ngữ của Hoa kiều.

Ngay trong kho tàng những tiếng Hán mượn thông qua cách đọc các ký hiệu văn tự ở thư tịch, cũng đang còn có thể đem chia thành nhiều trường hợp. Có trường hợp cách đọc được truyền đến chúng ta một cách chính xác, chắc chắn, thông qua việc học tập với thầy, hoặc thông qua - trong khoảng gần một thế kỷ nay - việc tra cứu các bộ tự điển và sách vở phiên âm bằng chữ Quốc ngữ. Có trường hợp cách đọc lại đến với chúng ta không thật chính xác lắm, không thật bảo đảm lắm, thông qua việc tra cứu các lối chú âm cổ truyền như lối phiên thiết, lối "độc nhược” v.v.. Lại có trường hợp cách đọc chỉ đến với chúng ta thông qua một sự suy đoán, phỏng chừng, căn cứ theo mặt chữ hay căn cứ theo cách gieo vần trong đoạn văn, không có gì bảo đảm thật chắc chắn. Chữ Hán là một lối chữ có đặc điểm không một ai có thể biết hết được tất cả mọi ký hiệu của nó. Xưa nay bao giờ cũng vậy: người giỏi lắm thì cũng chỉ có thể biết được trong vòng từ 5, 7 ngàn đến khoảng một vạn chữ. Ngoài số lượng đó ra là phải tra, phải đoán. Tra theo lối xưa thì cố nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn, và sẽ không dễ gì đạt đến sự chính xác cần thiết. Các vận thư và các tự điển xưa thường sử dụng nhiều lối chú âm: lối "trực âm", lối "độc như, độc nhược” lối phiên thiết... Lối "trực âm" sẽ cung cấp cho chúng ta một chữ đồng âm, lối “độc như, độc nhược” sẽ cho chúng ta một chữ phát âm gần gũi còn lối phiên thiết thì lại cho chúng ta hai chữ để từ đó dùng lối đọc lái mà suy ra. Mỗi thời đại qua đi người ta thường chú âm theo một cách khác, vì ngữ ngôn đã diễn biến. Trong những bộ tự điển như bộ Khang Hy thường thấy hàng loạt cách chú âm khác nhau là vì lẽ đó. Căn cứ vào chú âm ở Thiết vận, thì ta sẽ gián tiếp tiếp xúc với cách đọc thời Nam Bắc Triều và đầu đời Đường; căn cứ vào chú âm ở Tập vận thì ra sẽ gián tiếp tiếp xúc với cách đọc cuối Đường đầu Tống; căn cứ vào chú âm ở Cổ kim vận hội thì ta lại sẽ gián tiếp tiếp xúc với cách đọc vào khoảng thế kỷ XIII. Hơn nữa, dùng lối chú âm cổ truyền này mà dùng thông qua cách đọc Hán- Việt, thì nhiều khi thật rắc rối. Ai cũng biết chữ nhất là "một", người Việt Nam hiện nay đọc là nhất. Thế nhưng, nếu mở trang đầu bộ Khang Hy tự điển, thì ta lại thấy có thể đọc là ất, vì Đường vận, Vận hội chúư tất thiết. Tập vận, Chính vận chú là ích rất thiết. Đọc ước chừng, phỏng đoán theo mặt chữ, lại càng nguy hiểm hơn. Sau đây là một ví dụ về cách đọc theo lối đoán mặt chữ: cách đọc "ngật" của chữ . Đây là một chữ thuộc thanh mẫu hiểu, tam đẳng, khai khẩu. Theo quy luật ngữ âm lịch sử, thông thường thì thanh mẫu hiểu không chuyển thành phụ âm NG. Tra tự điển cũng thấy vậy: trong Khang Hy ta thấy chú = hứa hất thiết. Rõ ràng chỉ vì thấy có chữ , đọc là "ngật” mà mặt chữ lại hơi giống, nên người ta mới suy đoán, mà đọc thành như vậy. Đối với cách đọc "ngật" của chữ cũng có tình hình tương tự.

3. Tất cả những điều nói trên đây là một thực tế không thể chối cãi. Đó là một thực tế chúng ta không thể không lưu ý khi đi vào vấn để quan hệ giữa tiếng Hán với tiếng Việt nói chung, hay là khi đi vào những vấn đề cụ thể hơn như vấn để nghiên cứu các lớp từ gốc Hán, vấn để xác định lai lịch cách đọc Hán Việt của từng chữ một v.v.

Tuy nhiên, nhìn trên đại thể, trong địa hạt nghiên cứu của chúng ta ở đây, chúng ta có thể nói rằng:

- Trong mối quan hệ giữa hai ngôn ngữ, rõ ràng chiều hướng ảnh hưởng từ tiếng Hán sang tiếng Việt là một chiều hướng đã lưu lại vết tích rõ rệt;

- Trong các khả năng quanh co của quá trình phát triển, thì trường hợp đi theo con đường thẳng từ tiếng Hán sang tiếng Việt là trường hợp chủ đạo, chiếm tỷ lệ cao hơn cả;

- Trong cái kho tàng các yếu tố mượn từ gốc Hán, thì bộ phận gồm các yếu tố mượn thông qua cách đọc Hán - Việt là bộ phận lớn hơn cả, có hệ thống hơn cả;

- Còn trong danh sách phi cách đọc Hán - Việt của 5, 7 ngàn chữ thông dụng nhất, thì nhìn chung, trong tuyệt đại đa số trường hợp, đó cũng là những cách dọc hình thành một cách có quy luật, tạo ra những sự tương ứng hết sức đều đặn.

Rõ ràng là những điều này không thể ngẫu nhiên mà có. Đây phải là sản phẩm của một quá trình tiếp xúc quy mô, sâu rộng, tạo ra do một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, và đã xảy ra trong mội thời kỳ xa xưa nào đó của quá khứ.

Hoàn cảnh lịch sử đặc biệt đó, hiện nay hầu hết mọi nhà nghiên cứu đều đã nhất trí: đó là hoàn cảnh của thời kỳ nước nhà chưa giành được độc lập, phải sống dưới ách thống trị của các triều đại phong kiến người Hán. Thời kỳ lịch sử đó, hiện nay hầu hết mọi nhà nghiên cứu cũng đều đã nhất trí: đó là thời kỳ bao gồm

gần mười thế kỷ đầu tiên sau Công nguyên, mà trong đó, có tác dụng quyết định nhất, là thời kỳ nhỏ bao gồm hai thế kỷ VIII, IX.

Vì vậy dưới đây, trước hết chúng ta phải đi sâu vào tìm hiểu tình hình tiếp xúc trong thời kỳ lịch sử đó.

 

II. SỰ TIẾP XÚC VỚI TIẾNG HÁN TRONG KHOẢNG

TỪ ĐẦU CÔNG NGUYÊN ĐẾN CUỐI THẾ KỶ IX.

Những mối quan hệ lẻ tẻ giữa cư dân vùng miền Bắc nước ta với cư dân vùng người Hán có thể đã bắt đầu, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, từ ngay trong thời kỳ thượng cổ khi chưa có sự phân hóa thành những ngôn ngữ riêng biệt như Việt, Mường, Chứt. Cuối ngày nay, mà còn đang còn là một ngôn ngữ chung, tiền thân của những ngôn ngữ này. Trên đây ta đã nhắc qua câu chuyện ở trong Kinh Thư có dùng hai chữ khuẩn lộ để phiên âm dạng cổ từ tre của chúng ta. Ở bài nghiên cứu “Dân tộc và văn hóa Trung Ấn” của N.Matsumoto đang còn dẫn nhiều ví dụ như thế nữa.

Nhưng muốn nói đến một sự tiếp xúc quy mô, lưu lại ảnh hưởng sâu đậm, thì phải bắt đầu tính từ khi Triệu Đà đem quân xâm lược Âu Lạc (-179) và nhất là từ lúc nhà Hán đặt nền đô hộ ở Giao Chỉ, Cửu Chân (-111). Đây là một giai đoạn tiếp xúc kéo dài trong nhiều thế kỷ. Chỉ đến năm 905, khi họ Khúc dấy nghiệp, và nhất là đến năm 938, khi Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán, đưa

lại nền độc lập cho nước nhà, thì đợt tiếp xúc này mới thực sự chấm dứt hẳn.

Đây là một đợt tiếp xúc lâu dài, liên tục, sâu rộng, nhưng đứng về mặt ảnh hưởng thì lại có thể chia thành hai giai đoạn: giai đoạn từ đầu Công nguyên đến đầu đời Đường, và giai đoạn bao gồm hai thế kỷ VIII và IX (cuối Đường, Ngũ đại).

A. Ba nhân tố đưa đến một đợt tiếp xúc lâu dài, liên tục, sâu rộng.

1. Căn cứ vào tài liệu lịch sử, khảo cổ... ta thấy có ba nhân tố đã đưa đến sự tiếp xúc lâu dài, liên tục và sâu rộng này. Ba nhân tố này liên quan xoắn xuýt với nhau.

Trước hết là nhân tố về mặt chính trị. Theo giới sử học cho biết, thì thời kỳ từ - 179/ - 111 đến + 905/ + 938 có thể coi là thời kỳ thống trị của phong kiến phương Bắc. Với sự thất bại của nhà nước Âu Lạc trước cuộc tấn công của Triệu Đà, một giai đoạn lịch sử mới, đầy đau xót bắt đầu: giai đoạn thiết lập chính quyền phong kiến ngoại xâm. Tiếp đó, sau cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, mở đầu bằng chính sách thống trị của Mã Viện, là sự thắt chặt của chế độ quận huyện, và của chính sách khai thác thuộc địa của Đông- Hán, Tam Quốc, Lục Triều. Cuối cùng, sau khi nhà nước Vạn Xuân do Lý Bí thành lập bị thất bại, là giai đoạn thống trị của Tuỳ Đường, mà gay gắt nhất là giai đoạn thống trị của Cao Biển. Qua ba chặng đường trên đây, ta thấy nổi lên một điều: dầu ở Trung Quốc, trong suốt thời kỳ lịch sử dài dằng dặc này, có bao lần thay thầy đổi chủ, hết trị rồi loạn, hết hưng rồi vong, tạo ra những sự thay đổi trong mối quan hệ với chính quyền địa phương, làm cho mối quan hệ này khi thì chặt, khi thì lỏng, khi thì có tính chất tập trung, khi thì có tính chất cát cứ, nhưng ở Việt Nam thì bộ máy chính quyền của người Hán - nhìn trên những nét lớn - vẫn luôn luôn đi theo một hướng đi duy nhất: đó là một bộ máy thống trị ngoại lai, càng ngày càng cố đi sâu xuống tận cơ sở để bóp nghẹt tinh thần quật khởi của người Việt.

Bộ máy thống trị này, trong giai đoạn trước Công nguyên, thì chỉ mới hình thành và chưa có tác dụng chiều sâu. Thời Triệu Đà, trên chỉ mới có hai quan sứ trông coi hai quần Giao Chỉ và Cửu Chân (Quảng châu ký dẫn ở Sử ký q. 113, 2b), ‘1’, ngoài ra còn một chức quan võ và một số quân đồn trú. Sau khi nhà Triệu đầu hàng Lộ Bác Đức, nước Nam Việt bị Tây Hán thôn tính, thì cai trị toàn châu Giao Chỉ chỉ có một Thứ sử, dưới Thứ sử, ở mỗi quận, có một Thái thú và một vài Đô uý: Đô uý nắm lực lượng quân sự ở cạnh Thái thú, Nông Đô uý trông coi việc đồn điển thực cốc, thuộc Quốc Đô uý chiêu dụ "bọn Man Di đầu hàng” (Hậu Hán thư 1. 3, 4a). Về thực chất bộ máy chính quyền người Hán lúc này chỉ mới nắm được một số trung tâm dùng làm nơi trị sở như Mê Linh, Tây Vu, Luy Lâu, Tư Phố v.v... Chứng cớ là "những di tích khảo cổ có liên quan đến thời Triệu và thời Tây Hán trên đất nước ta tìm thấy rất ít và không ngoài mấy trung tâm cai trị đó". Còn từ huyện trở xuống thì thực quyền vẫn nằm trong tay người Việt. Lúc đầu Triệu Đà để cho các "Lạc tướng trị dân như cũ”, (Tiền Hán thư, công thần biểu). Sau dần các bộ đã đổi thành huyện, có chức huyện lệnh với “ấn đồng, dây tua xanh”, nhưng người mang danh hiệu huyện lệnh đó vẫn chính là các lạc tướng cũ. (Giao Châu ngoại vực ký, Quảng châu ký)

Bắt đầu từ Đông Hán, người Hán mới nắm bộ máy chính quyền chặt chẽ hơn một bước, không những ở vùng trung du, đồng bằng gần trung tâm, mà cả miền biên viễn. Bộ máy thống trị lúc này có tổ chức khá tinh vi. Trên vẫn có Thứ sử như cũ (có lúc đổi thành châu mục), nhưng quyền hạn nhiệm vụ được quy định khá gắt gao: Thứ sử phải bám chặt châu quận của mình, phải ở luôn trị sở, không cần phải về kinh tâu việc, có tang cha mẹ cũng không được bỏ chức. Quanh Thứ sử lại có một bộ máy giúp việc bao gồm kế lại và các Tòng sự sử. Kế lại sẽ đại diện Thứ sử về triều báo cáo. Các Tòng sư sử phải coi các việc tuyển bổ quan lại, điều khiển việc binh nhung hộ tống Thứ sử tuần hành các nơi. Lại có các Tòng sự sử đốc thúc các quận. Tổng số các Giao Châu có đến 7 Tòng sự sử. Ngoài Tòng sự sử lại còn các chức Gỉa tá trông coi văn thư, môn đình, tế tự, thời tiết. Ở cấp quận có Thái thú và quản thừa giúp việc. Ở biên quận thì có Thừa trưởng sử. Huyện ở xa quận có thể tách ra, đứng đầu là đô uý và một viên thừa. Thái thú có quyền rất lớn: mùa xuân đi tuần các huyện, mùa thu xét ám mục, thuế khóa, thăng thưởng. Thái thú coi cả việc cử hiếu liêm. Tổ chức hành chính của quận chia thành các Tào, có các chức Duyên sử trông coi các việc. Đó là chưa kể Đốc bưu ngũ bộ coi công việc các huyện, và chức Thư tá coi việc văn thư. Tuỳ quận, lại đặt chức Diêm quan coi thuế muối, Thiết quan coi việc đúc chế sắt, Công quan coi thuế má sản vật thủ công, Thuỷ quan coi việc đánh thuế cá đầm ao. Ở cấp huyện có Huyện lệnh hoặc Huyện trưởng, có một Viên thừa và một hay hai Viên uý cũng chia thành các Tào để làm việc. Lúc đầu Huyện lệnh này là các lạc tướng, nhưng sau Mã Viện quyết phá bỏ cơ sở quyền lực của tầng lớp quý tộc Việt Nam này để nắm chặt các địa phương. Sau khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Viện đã giết rất nhiều các “cừ suý” bao gồm các lạc tướng và các nhà quý tộc khác, lại đầy hơn 300 lãnh tụ nghĩa quân sang Linh Lăng (Hậu Hán thư, q. 116. 6a; Hậu Hán kỷ, q.7 b14). Bắt đầu từ chính sách của Mã Viện, thì chính quyền cấp huyện lọt hẳn vào tay quan lại người Hán. Từ đây không còn nghe nói đến danh hiệu lạc tướng nữa. Mã Viện cố tìm cách mở rộng các cứ điểm thống trị thực dân. Hậu Hán thứ chép "Viện đi qua nơi nào đều cho xây dựng các thành quách cho các quận huyện". Không phải ngẫu nhiên mà rải rác khắp các đồng bằng Bắc bộ, và Bắc Trung bộ, ở nhiều nơi người ta đều đào được các dị tích khảo cổ thuộc đời Đông Hán.

Sau Nam Bắc Triều, thì bộ máy thống trị của người Hán càng thêm thắt chặt. Theo Tùy thư (q.31, 7b), Thông điển (q.184) và Thái bình hoàn vũ ký (q.171) thì có hồi bộ máy thống trị quá phức tạp, rơi vào tình trạng quận huyện quá nhiều, dân ít, quan đông, đến nỗi nhà Tuỳ phải bắt buộc chủ trương cải tổ “để lạ cái cần thiệt, bỏ cái thừa, gộp nhỏ thành lớn”. Sang đến đời Đường thì bộ máy này đã đi sâu xuống đến tận xã: dưới huyện, nếu có từ 160 đến 540 hộ, thì đặt đại hương, nếu có từ 40 đến 60 hộ, thì đạt đại xã, nếu có từ 10 đến 30 hộ, thì đặt tiểu xã. Cao Biền đi đến đâu lập hương ấp đến đấy. Theo An nam chí nguyên (q.1, tr. 60), riêng Biền đã lập được 159 hương cả thảy. Việc xây dựng thành quách để củng cố cho trị sở bộ máy cai trị cũng được đẩy mạnh. Tinh thần quyết trấn áp nhân dân này đã toát lên rõ ràng trong việc đổi tên An-Nam thành Trấn Nam, năm 757. Và tinh thần trấn áp này cũng chính là cơ sở đã lưu lại ngày nay bao nhiêu truyền thuyết về “uy lực” của Cao Biển: nào Cao Biển "yểm" được âm binh, nào Cao Biển "cưỡi diều giấy bay tuần hành khắp nơi", nào Cao Biển “phá hết các huyệt đế vương", "chặn hết các long mạch”, nào Cao Biển "hô được phong, hoán được vũ, phá được núi, ngăn được sông" v.v.

2. Với sự hỗ trợ của một bộ máy chính quyền càng ngày càng thắt chặt như trên, từng đợt, từng đợt một, người Hán đã dần dần thâm nhập vào các mặt hoạt động quan trọng của xã hội Việt Nam, sống trà trộn với người Việt Nam. Đây là nhân tố thứ hai đã làm cho đợt tiếp xúc này có thêm ảnh hưởng sâu đậm, nhất là ở những nơi ly sở, cư dân tập trung đung đúc.

Cố nhiên đã có được bộ máy chính, thì sẽ có tất cả mọi quyền lực. Nhưng cũng không nên nghĩ đơn giản rằng tất cả quyền lực của người Hán đều nằm hết trong tay tầng lớp quan lại. Một lực lượng người Hán có ảnh hưởng đáng kể đến xã hội Việt Nam lúc bấy giờ là những “kiều nhân” sang sinh cơ lập nghiệp ở Giao Chỉ, (“kiều nhân” là nói theo Tấn thư q.100, 10a). Tầng lớp kiều nhân này có nhiều lý do để lập nghiệp ở Việt Nam: kẻ thì sang theo bà con; kẻ thì sang để lánh nạn, khi ở ngay chính quốc không yên, có kẻ lại sang vì phạm tội, nhà nước bắt đi tù đầy để chuộc tội; có kẻ thì sang vì nghe đồn Giao Chỉ là đất yên ổn dễ làm ăn, sinh sống... Ngoài ra lại có những kiều nhân vốn là quan chức, sau khi thôi làm quan, ở lại sinh cơ lập nghiệp. Tầng lớp kiều nhân đông đảo và giàu có này đã tạo ra một giai tầng uy thế, họ dựa vào bộ máy chính quyền, nhưng ngay bộ máy chính quyền cũng phải kính nể họ.

Nhưng lực lượng người Hán ở Việt Nam hồi bấy giờ cũng không phải chỉ có thế, mà còn có cả một đội ngũ binh lính với số lượng hết sức lớn, bao gồm những đội quân thường trực, những đội quân kéo sang dẹp các cuộc khởi nghĩa, những đội quân tham gia những sự trừng phạt chém giết lẫn nhau trong tầng lớp thống trị. Trong tình hình hỗn chiến phong kiến, chiến tranh luôn năm như thế, lại ở một nơi luôn luôn có khởi nghĩa - vì người dân Châu Giao "thích làm họa loạn!” - (Thư Đào Hoàng gửi Tấn Vũ đế, Tấn thư q.57, 6a) thì sự có mặt của hàng vạn binh lính người Hán ở Việt Nam là một điều dễ hiểu. Ngoài binh lính, lại còn có một số lượng đáng kể dân thường Trung Hoa bị đưa sang di dân mà con số - qua- Ngô chí quyển 3 - ta biết có thể lên đến hàng vạn. Tất cả những cư dân người Hán này ở lẫn với người Việt Nam, có quan hệ chặt chẽ với người Việt Nam trong mọi mặt hoạt động xã hội. Hậu Hán thư (q-116, 5b) có đoạn còn nhắc đến chủ trương cho người Hán di dân ở lẫn với người Việt, Ngụy chí (q.4, 27a) có đoạn còn nhắc đến việc bắt nhiều nhân dân Việt sang Ngô làm lính đánh Thục, đánh Tào. Theo An nam chí lược (q.16, Tạp ký), đời Đường cũng có hẳn một chủ trương bắt nhân dân Việt Nam đi lính đồn thú cùng với thú binh Trung Hoa. Ngay trong tầng lớp kiều nhân có thế lực, nhiều người cũng ở lại, dần dần Việt hoá và trở thành người Việt. Tất cả những tình hình trên đây tất yếu phải dẫn đến một sự tiếp xúc chặt chẽ, lâu dài giữa hai ngôn ngữ Hán và Việt.

3. Nhưng nói đến các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình tiếp xúc này cũng không thể không kể thêm một điểm thứ ba, khá quan trọng nữa: đó là sự truyền bá nên văn hoá Hán trong toàn vùng và sự ra đời của một tầng lớp quyền quý người Việt tham gia góp phần tuyên truyền cho ngôn ngữ, văn tự Hán.

Như mọi người đều biết, vào lúc Triệu Đà kéo quân sang xâm lược thì Âu Lạc đang ở vào giai đoạn có sự phân hóa xã hội và có sự hình thành của một cơ cấu nhà nước đầu tiên. Trên cơ sở của những điều kiện nội tại của nó, và với việc bị thu hút vào phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc, có thể nói rằng giai đoạn lịch sử này là giai đoạn xã hội Âu Lạc chuyển biến dần, đi vào một quá trình phong kiến hóa lâu dài. Chính cơ sở kinh tế xã hội này đã tạo điều kiện cho việc dễ dàng tiếp thu văn hóa Hán, làm cho ảnh hưởng của nền văn hoá này ngày càng thấm sâu vào xã hội Việt Nam, thúc đẩy xã hội Việt Nam ngày càng đi nhanh hơn vào con đường phong kiến hóa. Lực lượng góp phần “đắc lực” nhất cho quá trình “Hán hóa” này, trước hết phải kể đến bộ máy thống trị do quan lại Trung Quốc nắm, và tầng lớp đông đảo các kiều nhân người Hán, trong đó có một bộ phận rất có uy thế. Nhưng càng về sau, vai trò của tầng lớp phong kiến, tầng lớp quyền quý Việt Nam cũng dần dần trở thành một vai trò không thể không kể đến.

Theo cứ liệu lịch sử còn lại cho biết, hai Thái thú đầu tiên đẩy mạnh chính sách đồng hoá nhân dân Việt Nam theo nền văn hoá phong kiến Trung Quốc là Tích Quang và Nhâm Diên. Tích Quang làm Thái thú Giao Chỉ. Nhâm Diên thì đến đời Kiến Vũ, Quang Vũ Đế mới cử được làm thái thú Cửu Chân.

Mã Viện cũng là người đã có âm mưu muốn làm cho xã hội Việt Nam càng thêm "Hán hoá”. Trong tầng lớp quyền quý Việt Nam lẻ tẻ đã bắt đầu thấy xuất hiện những người ít nhiều có học thức: ví dụ Trương Trọng đời Hán Minh đế "được đánh giá là người chăm học, ăn nói giỏi, được cử làm kế lại ở Nhật Nam, vào Lạc Dương ứng đối rán rỏi với vua Hán", Lý Tiến người quận Giao Chỉ, thông hiểu kinh truyện, lúc đầu làm Công tào ở quận sau thăng dần đến chức Kỵ đô úy, chức Thái thú quận Linh Lăng, rồi cuối cùng giữ chức Thứ sử Giao Châu. Đó là chưa kể đến Lý Cầm làm đến chức Tư lệ hiệu úy và một số hiếu liêm, mậu tài khác nữa giữ chức Trưởng lại, hay Huyện lệnh. Nhưng chính sách nhà Hán trước sau vẫn là hai mặt: một mặt thì mở trường dạy con em lớp sĩ phu người Hán, người Việt, nhưng mặt khác thì lại kìm hãm, hạn chế việc học hành cũng như việc tuyển dụng. Phải chờ đến cuối đời Đông Hán, Tam Quốc thì mới có thêm một dịp nữa để cho việc học hành ở Giao Chỉ được đẩy mạnh thêm một bước. Số là lúc này ở Trung Nguyên tình hình rất loạn, bọn quý tộc sĩ phu kéo nhau sang đất Giao Chỉ rất đông. Bọn này dựa vào Thái thú Sĩ Nhiếp, và Sĩ Nhiếp cũng dựa vào bọn này. Bản thân Sĩ Nhiếp là người đỗ cả hiếu liêm và mậu tài, chuyên học và chú giải sách Tả thị Xuân Thu lại thông hiểu cả sách Thượng thư, có ý muốn tham gia vào tranh biện về đường học vấn. Ngoài Sĩ Nhiếp còn có bọn Lưu Hy, Ngu Phiên. Lưu Hy mở trường dạy học; Ngu Phiên cũng có khi thu nhận đến hàng trăm môn đồ. Bố Ngưu Phiên rất giỏi kinh Dịch, truyền lại cho Ngưu Phiên. Bản thân Phiên cũng là người có học vấn, có tham gia chú giải các sách Lão Tử, Luận ngữ, Quốc ngữ. Sau đó ít lâu lại có Đỗ Tuệ Độ. Độ cũng mở mang tường học tuyên truyền cho ý thức hệ chính thống, “cấm đoán thờ cúng bậy bạ". Chính vì hồi này có “không khí học hành” như vậy nên về sau sử gia phong kiến mới coi đây là một thời kỳ mở đầu cho nền học vấn ở Việt Nam và người chủ trì là Sĩ Nhiếp mới được họ tôn lên là “Nam giao học tổ”.

Phổ biến chữ Hán tức là phổ biến Nho giáo. Sở dĩ chữ Hán trước đây thường được gọi là chữ Nho, cũng chính vì lí do đó. Nhưng không phải chỉ có Nho giáo. Việc phổ biến chữ Hán còn gắn liền với cả việc phổ biến Đạo giáo, Phật giáo. Luy Lâu là một trung tâm lớn và rất có ảnh hưởng về mặt Phật giáo. Theo lời tựa của sách Mâu tử, Giao Châu cũng là một nơi rất nhiều người theo đạo thần tiên, luyện phép tịch cốc, trường sinh. Bản thân Mâu Bác sang Giao Châu lúc đầu cũng theo học Đạo giáo và phép thần tiên. Thời Tam Quốc, Đạo giáo đã phát triển thành đạo phù thuỷ của Trương Giác, lãnh tụ quân khởi nghĩa Khăn vàng. Đạo giáo gần gũi với tín ngưỡng cổ của dân Việt. Vì vậy hồi này Đạo giáo phát triển mạnh ở Giao Châu là một điều dễ hiểu. Các Thứ sử Giao Châu như Trương Tân, Đỗ Tuệ Độ, đều là những người rất thích đọc Trang, Lão và sách Đạo giáo. Trên đây ta, đã nói sự phổ biến chữ Hán đưa đến sự truyền bá  Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo. Nhưng ngược lại, sự truyền bá Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo chính cũng là một nhân tố thúc đẩy làm cho chữ Hán càng ngày càng phổ biến sâu rộng ở Giao Châu.

Sang đến Tùy Đường, tầng lớp phong kiến ở Việt Nam đã tương đối có thế lực. Lúc này chế độ khoa cư đã được dùng để thay thế cho chế độ sĩ tộc ngày trước. Do đó con cái của các gia đình có thế lực đã học hành đỗ đạt. Không phải chính quyền thống trị đã từ bỏ ý định hạn chế người Việt. Thời Nam Triều, Tinh Thiều rất giỏi văn chương vẫn chỉ giữ chức canh cổng thành. Đời Đường vẫn có thể lệ hạn định rằng người An Nam đưa vào thi Tiến sĩ không được quá 8 người, thi Minh kinh không được quá 10 người (An nam chí lược q. 16, Tạp ký). Nhưng dầu sao, trước tình hình mới, giai tầng phong kiến Việt Nam cũng đã bắt buộc được chính quyền thống trị phải nhượng bộ ít nhiều. Khương Công Phụ thi đỗ tiến sĩ, nhận nhiều chức cao ở Trung Nguyên, cuối cùng làm đến tể tướng, Khương Công Phục (em trai Phụ) cũng làm đến Lang trung Bộ Lễ. Trình độ Hán học của lớp nho sĩ Việt Nam dần dần được nâng cao. Khương Công Phụ bản thân có sáng tác văn học, bài phú "Bạch vân chiếu xuân hải” của ông còn truyền lại được đến ngày nay. Lưu Hữu Phương cũng nổi tiếng thơ văn, nhà thơ Đường Liễu Tự Hậu hết mực khen ngợi. Nhiều cao tăng Vịêt Nam đã sang đến tận kinh đô Tràng An để giảng kinh cho vua Đường: Vô Ngại thượng nhân, Phụng Đình pháp sử, Duy Giám pháp sư v.v. Giới cao tăng này rất quen biết các sĩ phu ở Trung Quốc. Khi Phụng Đình trở về Việt Nam chính nhà thơ Đường Dương Cự Nguyên đã có thơ tiễn.

Nhiều cao tăng tinh thông cả Nho giáo, Đạo giáo, biết chữ Phạn, giỏi chữ Hán, đã từng tham gia dịch thuật, chuyển kinh Phật từ Phạn văn ra Hán văn. Một số đã xuất dương, sang An Độ và các nước lân cận...

Rõ ràng đến thời kỳ này, nên văn hoá Hán nói chung, nền ngôn ngữ văn tự Hán nói riêng, đã có được một ảnh hưởng nhất định trên địa bàn Việt Nam, nhất là ở những nơi trung tâm của chính quyền đô hộ. Và đến thời kỳ này, trong giai cấp phong kiến Việt Nam cũng đã xuất hiện một tầng lớp khá đông đảo, am hiểu Hán học, và thông qua Hán học nắm được cả Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo. Chính đây là một trong những lực lượng sau khi giành được độc lập, đã ra sức bảo vệ, duy trì những gì đã tiếp thu được trước đó về mặt văn hóa, nhất là về mặt ngôn ngữ, văn tự, và đã góp phần đắc lực trong việc củng cố, tuyên truyền cho cái vai trò của văn ngôn và chữ Hán.

B. Hai giai đoạn ảnh hưởng về mặt ngôn ngữ văn tự

1. Sau khi nước nhà đã giành được độc lập tự chủ, do sự ủng hộ của tầng lớp thống trị, tầng lớp tri thức Việt Nam, chữ Hán vẫn còn tiếp tục được dùng rộng rãi ở nước ta mãi cho đến tận đầu thế kỉ XX. Với tư cách là một nền văn tự, có thể nói rằng đây là một hệ thống chữ viết đã có mặt liên tục trên đất nước ta ròng rã trong khoảng gần hai ngàn năm trời.

Nhưng nếu xét về cách đọc thì hai ngàn năm ấy phải cắt thành hai nửa và phải lấy những năm đầu thế kỷ XX (905- 938) làm một cái mốc ngăn đôi hai thời kỳ trước sau cái mốc ấy. Đây là một cái mốc lớn về mặt chính trị, nhưng cũng đồng thời lại là một cái mốc hết sức quan trọng về mặt ngôn ngữ.

a) Trước thế kỷ X, ta đọc chữ Hán thực chất là ta đọc tiếng Tàu. Dùng chữ Hán tức là dùng một thứ tiếng nước ngoài, học chữ Hán tức là học một sinh ngữ. Từ đầu thế kỷ X, dần dần tình trạng trên đây bất đầu đổi khác, và càng ngày sự khác biệt càng được tô đậm hơn lên. Viết chữ Hán, về mặt từ vựng và ngữ pháp, ta vẫn làm như cũ, nghĩa là ta vẫn làm một cách hầu như không khác gì với cách làm của người Hán ở Trung Quốc. Nhưng về mặt ngữ âm đã có một sự cách biệt sâu sắc. Ta đọc chữ Hán theo lối của ta, khác hẳn cách đọc của người Hán. Ta không thể dùng tiếng Hán để trao đổi trực tiếp với người Hán nữa. Nói một cách khác, sau thế kỷ X, tiếng Hán ở ta đã mất dần tư cách một ngoại ngữ, và rõ ràng nhất là mất hẳn tư cách của một sinh ngữ.

b) Mà sở dĩ thế là vì trước thế kỷ X, vùng Giao Châư là một vùng "thuộc địa" của phong kiến Phương Bắc, tiếng Hán ở Giao Châu có thể coi như là một phương ngữ của tiếng Hán. Tất nhiên ở Giao Châu, vì tồn tại bên cạnh tiếng Việt, chịu tác động của cách nói người Việt, tiếng Hán có thể bị "méo mó" đi ít nhiều, nhưng nhìn chung, thời kỳ này nó vẫn gắn liền, mật thiết, với tiếng Hán ở Trung Quốc, tiếng Hán ở Trung Quốc diễn biến thì ở Giao Châu nó cũng phải diễn biến theo. Sau thế kỷ X thì trái lại. Lúc này Việt Nam đã trở thành một quốc gia riêng, độc lập, tự chủ. Tiếng Hán ở Việt Nam, vì lý do chính trị đó, nói chung đã cách ly khỏi tiếng Hán ở bên kia biên giới. Sau thế kỷ X, từ đời Tống, trải qua các triều đại Nguyên, Minh, Thanh, tiếng Hán ở bên kia biên giới vẫn tiếp tục diễn biến, nhưng những sự diễn biến này không còn tác động đến tiếng Hán ở Việt Nam một cách trực tiếp với vai trò quyết định như trước nữa. Từ cái mốc đầu thế kỷ X trở về sau, tiếng Hán ở Việt Nam càng ngày càng chịu sự chỉ phối của tiếng Việt, nếu có diễn biến là nó diễn biến trong phạm vi, trong quỹ đạo của qui luật ngữ âm và ngữ âm lịch sử tiếng Việt.

2. Mà nếu thế thì, đúng như các nhà Đông phương học đã kết luận, có thể nói rằng nguồn gốc, xuất phát điểm của cách đọc Hán - Việt hiện nay chính là hệ thống ngữ âm tiếng Hán dạy lần cuối cùng ở Giao Châu, trước khi Việt Nam đứng lên giành được hoàn toàn độc lập. Không thể khác thế được, mặc dầu - như trên đã nói- chữ Hán đã có mặt ở Việt Nam từ khoảng trước sau đầu Công nguyên

Trong đợt đấu tranh giành độc lập, tự chủ đầu thế kỷ X, có hai cái mốc quan trọng: năm họ Khúc dậy nghiệp (905) và nhất là năm Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán (938). Nhưng không nên vì thế mà nói rằng cách đọc Hán - Việt hiện nay vốn bắt nguồn từ tiếng Hán năm 937 hay năm 904. Nói đến ngôn ngữ thì nên nói đến ngôn ngữ của cả một giai đoạn, chứ không nên nói đến ngôn ngữ của một năm, một tháng. Theo các nhà Hán ngữ học cho biết, về thanh mẫu cũng như về vận bộ, khoảng giữa đời Đường có một số diễn biến tương đối mạnh, tách tiếng Hán trung cổ thành hai thời kỳ khá rõ rệt: thời kỳ đầu bao gồm khoảng Lục Triều, Sơ Đường, và thời kỳ sau bao gồm khoảng Vãn Đường, Ngũ Đại, Tống. Như vậy, theo ngôn ngữ học, khi bàn đến xuất phát điểm của cách đọc Hán - Việt thì nên nói xuất phát điểm đó là hệ thống ngữ âm tiếng Hán giai đoạn sau của tiếng Hán Trung cổ, giai đoạn bao gồm khoảng hai thế kỷ VIII và IX. Nhưng đã tách hai thế kỷ VIII, IX thành một giai đoạn riêng thì từ đầu Công nguyên đến khoảng thế kỷ VII cũng phải coi như là một giai đoạn riêng. Thành thử, khi nói đến quá trình tiếp xúc với tiếng Hán, một mặt ta phải khẳng định rằng đó là một quá trình lâu dài, liên tục, bào gồm nhiều thế kỷ, nhưng khi luận về mặt ảnh hưởng đến cách đọc chữ Hán hiện nay ở Việt Nam thì phải chia quá trình đó thành 2 hai giai đoạn lưu lại hai hậu quả khác nhau.

    3. Xét sơ bộ về mặt ngôn ngữ (sơ bộ, vì chỉ sau này ta mới có thể đi sâu vào cụ thể) thì quả đúng như vậy. Cách đọc Hán - Việt hiện nay, sau gần 10 thế kỷ diễn biến theo quỹ đạo ngữ âm lịch sử tiếng Việt, đã có nhiều điểm khác với hệ thống ngữ âm tiếng Hán thế kỷ VIII, thế kỷ IX. Nhưng so sánh giữa hai bên thì vẫn thấy có một sự tương ứng hết sức đều đặn, hết sức có hệ thống

a) Về mặt phụ âm đầu, trong tiếng Hán trước thế kỷ X, có thể chia thành 4 cột: cột toàn thành, cột thứ thanh, cột toàn trọc, cột thứ trọc, ví dụ:

K

kc

g

n

Ở ta, hiện nay, ranh giới giữa 4 cột ấy cũng còn lộ ra khá rõ: thứ thanh vẫn giữ là âm bật hơi, hoặc chuyển sang âm xát, thứ trọc vẫn giữ là âm mũi; toàn thanh, toàn trọc tuy nhập một nhưng lại chuyển sang phân biệt nhau ở mặt thanh điệu (toàn thanh có thanh điệu cao, toàn trọc có thắnh điệu thấp). Trong cách đọc Hán - Việt, ghi theo chữ Quốc ngữ, ta có:

K + ngang, hỏi , sắc

K H

K + huyền, ngã, nặng

N G

Ở tiếng Hán cuối Đường, căn cứ vị trí cấu trúc, người ta chia thành nha âm, thiệt âm, xỉ âm, thần âm, hầu âm. Ở ta hiện nay, về cơ bản, vị trí cấu âm vẫn giữ như cũ: thiệt âm vẫn là âm đầu lưỡi, thần âm vẫn là âm môi, nha âm vẫn là âm gốc lưỡi...Và điều quan trọng hơn là ranh giới giữa các loại vẫn giữ nguyên, hoặc chỗ nào có thay đổi thì thay đổi thành hệ thống .

b) Về mặt vần, căn cứ vào âm cuối và nguyên âm chính, người ta thường chia vận bộ tiếng Hán cuối Đường thành 16 loại lớn gọi là 16 nhiếp. Trong cách đọc Hán - Việt, ranh giới giữa 14 trong số 16 nhiếp đó vẫn được bảo đảm nguyên vẹn, chỉ có 2 trường hợp nhỏ là lẫn lộn. Nói chung, âm cuối thì không hề có sự thay đổi lớn nào: sau các nhiếp quả, giả, chỉ, ngộ, vẫn là âm cuối zero, sau nhiếp giải chủ yếu vẫn là âm cuối -j, sau hai nhiếp hiệu, lưu vẫn là âm cuối -w, sau hai nhiếp hàm, thâm vẫn là âm cuối -m , sau hai nhiếp sơn, trăn vẫn là âm cuối -n và sau các nhiếp giang, đảng, tăng, thông vẫn là âm cuối -ŋ (NG Quốc ngữ ). Chỉ sau một nhiếp ngạnh là có sự chuyển đổi từ NG thành NH Quốc ngữ. Nhưng nếu nghĩ đến những hiện tượng trong tiếng Việt như béng > bánh, eng > anh thì một sự thay đổi nhỏ như vậy sau gần một ngàn năm lịch sử cũng là điều không có gì đáng lấy làm lạ.

Rõ ràng là sự suy luận "Cách đọc Hán - Việt hiện nay xuất phát từ cách đọc học được vào thời kỳ cuối cùng trước khi giành được độc lập, tự chủ" là một sự suy luận có cơ sở.

    4. Còn đối với cách đọc đời Hán, cách đọc thời Nam Bắc Triều, nghĩa là cách đọc học được trong giai đoạn đầu của quá trình tiếp xúc thì thế nào? Những cách đọc này hiện nay cũng còn lưu lại ảnh hưởng cho chúng ta, nhưng lưu lại ảnh hưởng hết sức lẻ tẻ.

Một ví dụ về phụ âm đầu: phụ âm d (Đ Quốc ngữ ) trong đìa vốn là phụ âm bắt nguồn từ cách đọc của chữ ở giai đoạn từ thế kỷ VI trở về trước (so sánh với cách đọc trì bắt nguồn từ thế kỷ VIII, IX ) .

Một ví dụ về vần: vần oŋ trong gông vốn là vần bắt nguồn từ cách đọc của chữ ở giai đoạn từ Sơ Đường trở về trước (so sánh với cách đọc giang bắt nguồn từ Vãn Đường).

Những kiểu ví dụ như thế không nhiều, không tạo thành hệ thống, không thuộc phạm vi cách đọc Hán - Việt, mà thuộc phạm vị trường hợp người ta thường gọi là Cổ Hán - Việt. Sở dĩ không nhiều là vì hễ nói đến toàn bộ hệ thống thì khi hệ thống ngữ âm của người Trung Quốc từ Hán sang Nam Bắc Triều, từ Nam Bắc Triều sang Đường đã thay đổi thì ở Việt Nam cũng phải thay đổi theo, hệ thống sau sẽ thay thế hệ thống học được từ trước. Chỉ những cách đọc nào đã vào được trong khẩu ngữ của nhân dân, được nhân dân Việt Nam chấp nhận như là những yếu tố của tiếng Việt, không còn coi đó là những cách đọc chữ Hán nữa (ví dụ như đìa, gông trên đây) thì những cách đọc đó mới có khả năng thoát khỏi được phạm vi tác động của lịch sử tiếng Hán, chuyển sang quỹ đạo tiếng Việt và truyền lại được đến ngày nay.

Thành thử, nếu muốn đi sâu vào địa hạt các yếu tố gốc Hán gọi là Cổ Hán - Việt, hoặc nếu muốn đi sâu vào việc tìm kiếm nguồn gốc của các nhân danh, địa danh cổ như Luy Lâu, Mê Linh. Trưng Trắc v.v ...,thì tất yếu phải đặt vấn đề tìm hiểu hệ thống ngữ âm tiếng Hán cổ dạy trong giai đoạn từ thế kỷ VII trở về trước; còn nếu muốn tìm hiểu về lại nguyên của cách đọc Hán - Việt, thì chỉ cần có tri thức về tình hình tiếng Hán giai đoạn cuối Đường, Ngũ đại là đã tạm đủ.

5. Cố nhiên, nếu đi vào chi ly, thì từ giai đoạn trước đến giai đoạn sau của quá trình tiếp xúc, không phải tất cả mọi thanh mẫu, mọi vận bộ Hán đều thay đổi toàn bộ. Ta hãy tạm dùng hai ký hiệu X, Y để chỉ hai yếu tố bất kỳ nào đó của tiếng Hán (hai phụ âm đầu, hay hai nguyên âm, hay hai âm cuối v.v.). Có thể xảy ra hai khả năng diễn biến như sau:

 

Yếu tố X

Yếu tố Y

Giai đoạn I

+

+

Giai đoạn II

+

_

 

Trường hợp X là trường hợp yếu tố được giữ nguyên trong cả hai giai đoạn; trường hợp Y là trường hợp có diễn biến. Những phụ âm như phụ âm hiện nay Hán - Việt đọc là K, L, N, CH ... đều giữ nguyên từ đời Hán đến cuối Đường: chúng là những ví dụ thuộc trường hợp X. Những phụ âm như ở tri, triệt, ở phi, phu, phụng, vi, và ở vân thì trước đời Đường đọc khác, đến Vãn Đường đọc khác: chúng là những ví dụ thuộc trường hợp Y.

Tách ra hai trường hợp X và Y là điều rất quan trọng. Trường hợp Y là trường hợp có khả năng sản sinh ra sự đối lập giữa Cổ Hán - Việt và Hán - Việt , muốn tìm hiện tượng Cổ Hán - Việt thì phải đi vào trường hợp này. Hơn nữa, cũng chính đi vào trường hợp Y thì ta mới có cứ liệu để chứng minh một cách dứt khoát rằng nguồn gốc của cách đọc Hán - Việt là hệ thống ngữ âm tiếng Hán dạy ở giai đoạn II .

Một điều không nên hiểu lầm, khi nhìn vào trường hợp X: không nên vì thấy X bất biến từ đầu Công nguyên đến cuối Đường mà đi đến kết luận rằng, trong hệ thống Hàn - Việt, một bộ phận vốn đã bắt nguồn từ thời thượng cổ. Nếu cho X ở giai đoạn 1 là 31, giai đoạn II là X2, và dầu ta có khẳng định rằng X2 không khác gì X1 (X2 = X1 ) thì vẫn không thể nói rằng nguồn gốc một bộ phận trong hệ thống Hán - Việt lên xa đến X1. Trước khi độc lập, ta tiếp xúc là tiếp xúc với toàn bộ hệ thống ngữ âm tiếng Hán của giai đoạn II. Vì vậy đối với bộ phận Hán - Việt này, nguồn gốc của nó vẫn là X2 chứ không phải X1. Trường hợp Hán Việt đọc với Y1 có, nhưng rất lẻ tẻ .

 1’ Chương này chúng tôi viết dựa chủ yếu vào cuốn Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, tập I của Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn. Những chỗ chú thích hoặc trích dẫn đều lấy từ trong sách này.

 

 

 

 

 

 

 

                    

 

 

_

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét