Thứ Tư, 16 tháng 3, 2016

Những thẩm định mới về Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân

Những thẩm định mới
về Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân

Nguyễn Nam



Tóm tắt
Trong những năm gần đây, ở Việt Nam, bản dịch tiếng Việt lam bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân đã được in cùng với Truyện Kiều của Nguyễn Du, tạo điều kiện cho người đọc/các nhà nghiên cứu có dịp nhìn rõ hơn về quan hệ của hai tác phẩm này.  Tuy vậy, việc nghiên cứu Kim Vân Kiều truyện như một tác phẩm độc lập với những giá trị tự thân của nó cho đến nay hầu như vẫn chưa xuất hiện trong học giới Việt Nam.  Trong khi đó, một số nghiên cứu về Kim Vân Kiều truyện của học giả nước ngoài đã ra đời nhằm xác lập vị trí của tác phẩm này trong văn học Trung Quốc, đặc biệt là trong dòng tiểu thuyết thông tục của nước này.  Tìm hiểu những công trình này chắc chắn sẽ đem đến những cái nhìn mới về Truyện Kiều trong phạm vi quốc gia và quốc tế.  Ngoài ra, tham luận cũng góp thêm thông tin về tình hình văn bản Kim Vân Kiều truyện ở Việt Nam.

Reappraisals of Qingxin Cairen’s Jin Yun Qiao zhuan

Abstract
Recently in Vietnam, Vietnamese translations of Qingxin Cairen’s Jin Yun Qiao zhuan have been printed in parallel with Nguyen Du’s The Tale of Kieu, and this has created favorable conditions for readers/researchers to better understand the relationship between these two literary works.  However, research on Jin Yun Qiao zhuan as an independent work with its own rights and values has not yet been found in Vietnamese scholarship.  Meanwhile a number of works on Jin Yun Qiao zhuan by foreign scholars have been written to confirm a position for this work in Chinese literature, particularly in its vernacular fiction.  Understanding these works will surely bring out new insights on The Tale of Kieu within national and international boundaries. In addition, the paper also provides readers with new information on extant versions of the novel in Vietnam.  





Từ những năm 1880 đến tận năm 1919, các học giả Pháp và Việt Nam như Abel des Michels,[1] Georges Cordier,[2] Henri Maspéro,[3] hay Thượng Chi Phạm Quỳnh[4] đã lần lượt đoán định và đưa ra những giả thiết khác nhau về lam bản của một tác phẩm mà nay được công nhận là kiệt tác văn chương thế giới - Truyện Kiều của Nguyễn Du.  Thế nhưng phải đợi đến năm 1924, khi Phan Sĩ Bàng và Lê Thước nhắc đến “một quyển tiểu thuyết Tàu, nhan là Kim Vân Kiều truyện” như là căn tích của Truyện Kiều,[5] và khi điều này được Dương Quảng Hàm xác nhận khoảng 17 năm sau đó (1941),[6] vấn đề lam bản mới có được giải đáp căn bản.  Thế nhưng, lam bản ấy tiếc thay cho đến nay vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ ở Việt Nam – một tình thế trái ngược với những gì đang diễn ra ở các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc.  Những khoảng trống như thế không khỏi dẫn đến sự bất cập về nhận thức/nhận định trong nghiên cứu so sánh.  Để lấp đầy khoảng trống khoa học không đáng có ấy, bài viết cố gắng tổng thuật các nét chính của những tiểu luận trên tạp chí chuyên ngành, chuyên đề độc lập đã được in thành sách, luận án tiến sỹ và thạc sỹ, cùng với các tham luận hội thảo quốc tế viết bằng tiếng Anh, Pháp, Trung công bố ngoài Việt Nam từ thập niên 1950 đến nay.  Những góc nhìn khác nhau của Trung Hoa và phương Tây sẽ được giới thiệu cùng với hàm ý của hiện tình văn bản Kim Vân Kiều truyện hiện tồn ở các nước, đặc biệt là ở Việt Nam.  Một thế hệ học giả trẻ đang tiếp nối việc khảo cứu bộ tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân, và ý kiến của họ phản ánh xu thế khoa học đương đại trong việc tiếp cận tác phẩm.  Bài viết sẽ kết thúc với thế hệ trẻ này như một khởi điểm mới cho nghiên cứu so sánh nói chung, và cho khảo cứu đối sánh giữa Kim Vân Kiều truyệnTruyện Kiều nói riêng, ở Việt Nam.      

Kim Vân Kiều truyện: Góc nhìn Trung Hoa
Duyên do khiến giới học thuật Trung Quốc quan tâm đến Kim Vân Kiều truyện có gốc tự thập niên 1950 khi văn học nước ngoài bắt đầu được giảng dạy trong trường đại học.  Qua môn học này mà Truyện Kiều của Nguyễn Du được giới thiệu rộng rãi tới sinh viên (nói riêng) và độc giả Trung Hoa (nói chung) cùng với bài giới thiệu và bản dịch Trung văn nhan đề Kim Vân Kiều truyện của Hoàng Dật Cầu 黄軼球 (Hoàng, 1958 và 1959). [7]  Đáng lưu ý là vào năm 1957, Nhà xuất bản Nhân dân Văn học ở Bắc Kinh có cho ra mắt bản in sắp chữ chì Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân nhưng sự kiện này cũng chưa tạo được một xúc tác nào đối với việc nghiên cứu tác phẩm.   

Với hai thập niên 1960 – 1970 tiếp theo sau đó, có lẽ do những biến động xã hội – chính trị tại Trung Quốc, đặc biệt là cuộc Cách mạng văn hóa, sự chú ý của công chúng và học giới đối với những tác phẩm văn học nước ngoài như Truyện Kiều có phần tĩnh lặng.  Đáng chú ý chỉ có tiểu luận của Lưu Thế Đức 劉世德 và Lý Tu Chương 李修章 viết nhân kỷ niệm 250 năm Nguyễn Du, trong đấy tuy không phải là tâm điểm, tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân đã được nhắc đến để tôn vinh những sáng tạo thi ca và miêu tả tâm lý tinh tế của Nguyễn Du trong Truyện Kiều (Lưu – Lý 1965, 40).  Ngoài ra, trong năm 1972, Nhà xuất bản Nhân dân Văn học có in lại tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện nhưng vẫn không thấy có thêm một nghiên cứu nào đáng kể về tác phẩm này.  Có thể nói thập niên 1960 là giai đoạn thứ nhất trong nghiên cứu Kim Vân Kiều truyện, chủ yếu tập trung vào việc phiên dịch, giới thiệu Truyện Kiều và tra tìm sử liệu, tiểu thuyết, hý khúc có liên quan đến Kim Vân Kiều truyện (LV Mã 2010, 3).

Sang đến thập niên 1980, cùng với “cơn sốt” do ngành văn học so sánh mang lại, Kim Vân Kiều truyện của Nguyễn Du được đưa ra so sánh với danh tác Hồng Lâu Mộng của Trung Hoa, hay Trà Hoa nữ của phương Tây.  Việc in lại Kim Vân Kiều truyện của Nhà xuất bản Xuân phong Văn nghệ năm1983 đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử nghiên cứu bộ tiểu thuyết này ở Trung Quốc đại lục.  Trong bối cảnh như thế, các nhà nghiên cứu văn học so sánh đã mời Đổng Văn Thành 董文成 – một học giả khi ấy vừa tốt nghiệp Thạc sỹ và được giữ lại giảng dạy tại Đại học Liêu Ninh, trình bày về văn học cổ đại Trung Quốc.  Trong khi giảng, Đổng đã đối chiếu, so sánh Kim Vân Kiều truyện của Trung Hoa với Truyện Kiều của Việt Nam.  Theo lời Lâm Thìn 林辰, những điều Đổng Văn Thành giới thiệu đã khiến “thầy trò chấn động, kinh ngạc: không ngờ rằng danh tác văn học thế giới so tới so lui lại là kết quả bứng trồng từ Trung Quốc, mà hình tượng nhân vật và kỹ xảo biểu hiện của bản bứng trồng lại cũng không hơn được nguyên bản” (Lâm 1995, 48).[8]  Qua những nghiên cứu văn bản học về Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Đổng Văn Thành đã xác lập vị trí của mình trong học giới Trung Quốc ở lĩnh vực văn học thời Minh – Thanh.  Thập niên này có thể xem là giai đoạn hai của nghiên cứu Kim Vân Kiều truyện, đặt nền móng cho những sưu khảo về sau: bộ tiểu thuyết được hiệu đính và xuất bản; câu chuyện dân gian “Kim Trọng và A Kiều” của dân tộc Kinh ở Quảng Tây được sưu tầm và ra mắt bạn đọc; các văn bản được khảo chứng; các tư liệu liên quan đến bộ tiểu thuyết được thâm nhập, phân tích; và nghiên cứu so sánh được xúc tiến (LV Mã 2010, 4).       

Tuy nhiên, trong những khảo luận so sánh tác phẩm này với Truyện Kiều, trước hết do những hạn chế về ngôn ngữ, Đổng Văn Thành và đồng nghiệp cùng thời đã không thể trực tiếp sử dụng bản Nôm hay quốc ngữ Truyện Kiều, mà phải dùng bản Hán dịch của Hoàng Dật Cầu trong nghiên cứu so sánh của mình.  Khiếm khuyết căn bản này tất yếu dẫn đến những kết quả lệch lạc mà thế hệ nghiên cứu về sau đã sớm nhận ra, chẳng hạn như nhận xét dưới đây của nhà nghiên cứu Nhậm Minh Hoa 任明華 thuộc Viện Văn học, Đại học Sư phạm Khúc Phụ (Sơn Đông):    

Trong thập niên 50 của thế kỷ XX, cùng với việc xuất bản bản dịch Hán văn của ông Hoàng Dật Cầu, truyện thơ của Nguyễn Du đã dẫn khởi sự chú ý của học giới nước ta [Trung Quốc].  Tuy nhiên, nghiên cứu so sánh Trung – Việt Kim Vân Kiều truyện lại chính là công việc bắt đầu từ thập niên 80 của thế kỷ XX trở lại đây.  Do sử dụng bản dịch Hán văn truyện thơ Nôm của Nguyễn Du để tiến hành so sánh, cho nên những kết luận có được của học giả nước ta [Trung Quốc] thường thiên lệch, và không được học giả Việt Nam nhận đồng.  Theo thống kê của người viết, mấy năm gần đây, luận văn liên quan đến nghiên cứu so sánh giữa Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc và Việt Nam đã có đến năm, sáu bài.  Tình trạng này vẫn không thay đổi về căn bản, một số kết luận có được vẫn đáng phải bàn lại (Nhậm 2008, 38).

Nhậm Minh Hoa tán thành ý kiến của học giả Đài Loan Trần Ích Nguyên 陳益源, cho rằng để nghiên cứu so sánh một cách khách quan, chính xác Kim Vân Kiều truyện của hai nước Việt – Trung về sự dị đồng trên các mặt tư tưởng, hàm nghĩa, nhân vật, cốt truyện, cần có một bản Hán dịch lý tưởng Truyện Kiều của Nguyễn Du.  Yêu cầu bức thiết này dường như đã có hồi ứng: năm 2013, Gs. Triệu Ngọc Lan 趙玉蘭 (Ngoại quốc ngữ học viện, Đại học Bắc Kinh) xuất bản sách Kim Vân Kiều truyện – Phiên dịch dữ Nghiên cứu 《金雲翹傳》翻譯與研究 (Bắc Kinh Đại học Xuất bản xã).[9]  Tuy rằng chất lượng của bản Hán dịch mới vẫn còn chờ được kiểm nghiệm, sự ra đời của nó phản ánh nỗ lực của giới học thuật Trung Quốc nhằm thẩm định khách quan hơn hai bản Kim Vân Kiều truyện Trung – Việt.  Từ góc độ lý thuyết tiếp nhận và phiên dịch học, có thể xem các bản Hán dịch Truyện Kiều của Hoàng Dật Cầu và Triệu Ngọc Lan là những thông diễn đã góp phần đặc biệt trong việc đặt nền móng cho những nghiên cứu so sánh  về kiệt tác văn chương này tại Trung Quốc nói riêng, và trong thế giới Hoa ngữ nói chung. 

Trong thập niên 1990, bên cạnh những tiểu luận so sánh Kim Vân Kiều truyện với Truyện Kiều (chủ yếu vẫn dựa theo bản Hán dịch của Hoàng Dật Cầu) từ nhiều góc độ khác nhau, ví như chủ đề tư tưởng (Dương 1993), hay chủ nghĩa hiện thực (Lữ 1997), các khảo cứu khác tập trung tìm hiểu bộ sách này trong những quan hệ văn chương đa dạng, chẳng hạn như trong sự phát triển của tiểu thuyết cuối Minh – đầu Thanh, nhấn mạnh đặc trưng thẩm mỹ của bi kịch xã hội mang giá trị thẩm mỹ văn chương (Đỗ 1994), trong bối cảnh chủ đề nữ tính cổ đại (Lôi 1998), hay trong liên hệ với Hồng Lâu Mộng (Đổng 1998).  Tập sách Vương Thúy Kiều cố sự nghiên cứu của Trần Ích Nguyên (2001) có thể xem là một cột mốc trong lịch sử nghiên cứu Kim Vân Kiều truyện hiện đại: nó không chỉ tổng kết thành tựu của một giai đoạn đã qua, mà còn tiếp tục phát hiện, phát triển, và xử lý một loạt vấn đề có tính so sánh đối với bộ tiểu thuyết này.  Đặc biệt đáng trân trọng là thái độ nghiêm túc và cầu thị của tác giả khi tìm hiểu và khai thác nguồn tư liệu Hán văn Việt Nam; tuy vậy, cũng chính trong lĩnh vực này, hạn chế ngôn ngữ đã giới hạn tác giả tiếp xúc trực tiếp những nguồn tư liệu quốc ngữ, và chính vì thế kết quả khảo cứu vẫn chưa thật bao quát (xem phần “Hàm ý của hiện tình văn bản” tiếp theo sau).          

Nghiên cứu Kim Vân Kiều truyện từ những năm 2000 trở lại đây rõ ràng đang chuyển tiếp sang một giai đoạn mới.  Bên cạnh những phương hướng “truyền thống” đi sâu vào quan hệ giữa bộ tiểu thuyết này và những tác phẩm khác như Truyện Kiều, hay Hồng lâu mộng, đã xuất hiện những tiếp cận mới ít nhiều dựa trên lý thuyết phương Tây để khảo sát tác phẩm với tư cách là một chỉnh thể văn chương độc lập, ví như thẩm mỹ nữ tính (Vương 2004; Khâu 2005; Dật 2008, Hoàng 2011), mỹ học bi kịch (Đỗ 2009), hay mỹ học sinh thái (Đàm 2014).  Đáng chú ý là nghiên cứu so sánh của giáo sư Đài Loan gốc Việt Hà Kim Lan 何金蘭 về Kim Vân Kiều truyệnĐoạn trường tân thanh, trong đó một loạt lý thuyết văn học phương Tây đã được vận dụng để khảo nghiệm văn bản (text), dịch bản (translation), khả độc tính (readability), khả tả tính (scriptability), khả truyền tính (transmissibility) của hai tác phẩm (Hà 2001).   

Đến đây có thể nói rằng Kim Vân Kiều truyện của Nguyễn Du đã kích hoạt những khảo cứu về bộ tiểu thuyết nguyên gốc của Thanh Tâm Tài Nhân tại Trung Quốc.  Mặt khác, do một bộ phận không ít của những biên khảo này tập trung so sánh hai tác phẩm văn chương Việt – Trung, nên ở chừng mực nhất định, các nghiên cứu về tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của các học giả Trung Quốc thường có quan hệ mật thiết với Truyện Kiều.  Tình hình này có thể được khái quát hóa lên bình diện học thuật thế giới, nơi những hiện tượng tương tự cũng đồng thời xảy ra.

Hiện nay, đã hình thành một thế hệ những người nghiên cứu trẻ như Nhậm Minh Hoa ở Trung Quốc, những người đang cố gắng để có một cái nhìn tỉnh táo hơn trong so sánh văn học, đặc biệt với những khảo sát so sánh, lấy tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân làm trung tâm.  Sau khi phân tích những điểm dị đồng giữa Kim Vân Kiều truyện của Trung Hoa và Kim Vân Kiều lục của Việt Nam, Nhậm Minh Hoa bày tỏ, “Chúng tôi đưa ra những phân tích dị đồng trên đây đối với hai bộ tiểu thuyết Kim Vân Kiều Trung – Việt, chẳng phải nhất định để khu biệt cao thấp, mà chỉ nhằm nhấn mạnh sự thừa tập và phát triển của chúng, và mỗi tác phẩm có phong cách thẩm mỹ, đặc sắc dân tộc riêng của nó, hy vọng những nghiên cứu so sánh hiện nay về hai tác phẩm này sửa được thiên lệch và hiệu chính, đẩy mạnh nghiên cứu so sánh tiểu thuyết và giao lưu văn hóa Trung – Việt đi vào chiều sâu” (Nhậm 2008, 41).

Hàm ý của hiện tình văn bản Kim Vân Kiều truyện
Đối với các tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh văn hóa thủ sao bản (manuscript culture), khi văn bản bị biến đổi đáng kể do ý thức chủ quan của người sao chép qua quá trình lưu truyền, khảo chứng các văn bản của một trứ tác là việc quan trọng hàng đầu trong nghiên cứu.  Những kết quả khảo chứng văn bản Kim Vân Kiều truyện hiện có phần lớn là đóng góp của Đổng Văn Thành.  Bên cạnh nguyên tắc căn bản yêu cầu phải giám định văn bản trước khi tiến hành nghiên cứu, những khảo sát thuần văn bản học của Đổng còn nhằm mục đích xóa tan những hiểu lầm do những nhà nghiên cứu tên tuổi như Tôn Khải Đệ 孫楷第, Đàm Chính Bích 譚正璧, hay Uông Khánh Lân 汪慶麟 tạo ra, cho rằng Kim Vân Kiều truyện đã hoàn toàn mất dấu ở Trung Hoa, và văn bản tác phẩm nay chỉ còn tồn tại ở nước ngoài (Đổng 1985 [a], 163-164).  

Cho đến cuối thập niên 1950, nhận định như thế vẫn là phổ biến trong giới học thuật Trung Quốc, và điều này có thể thấy được trong đoán định của Hoàng Dật Cầu viết năm 1958.  Nhân giới thiệu Truyện Kiều đến độc giả Trung Quốc, ông Hoàng có dành một phần trong tiểu luận của mình để bàn về nguyên nhân biệt tích trong khoảng đời Thanh của tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện.  Theo ông, có lẽ do chính sách thiên hải 遷海 của Thanh triều,[10] những tiểu thuyết hoặc đề cao anh hùng trên biển, hoặc bất lợi cho chính sách thống trị đều bị nghiêm cấm, và có lẽ vì vậy mà việc lưu truyền Kim Vân Kiều truyện trở nên hiếm hoi và cuối cùng đã hoàn toàn diệt tích 完全滅跡 (Hoàng 1958, 169).  Trên thực tế, khác xa với những đoán định của các học giả kể trên, những điều tra văn bản học của Đổng cho thấy văn bản Kim Vân Kiều truyện vẫn hiện diện và tồn tại khá phức tạp ở Trung Quốc đại lục và các nước khác.

Trong tiểu luận chuyên khảo về hiện trạng văn bản Kim Vân Kiều truyện viết năm 1985, Đổng Văn Thành đã điểm qua 13 truyền bản, phân thành hai nhóm đối lập phồn bản 繁本giản  bản 簡本; riêng bộ phận giản bản còn có thể chia nhỏ hơn thành 3 thế hệ văn bản (Đổng 1985 [a], 176).[11]  Nhìn chung, các văn bản đều có chung cấu trúc 20 hồi, kể cả những bản bị thiếu hồi, thiếu quyển.[12]  Sau khi khảo sát các văn bản, Đổng tiến đến một số kết luận sau đây.  Một là bộ tiểu thuyết này được hoàn thành vào cuối đời Minh, bản thân là một phồn bản.  Hai là giản bản do giản lược phồn bản mà thành, xuất hiện khoảng đầu đời Thanh.  Ba là bản in phồn bản nguyên thủy có thể đã ra đời vào cuối đời Minh, nhưng bản này đã bị thất truyền; bản khắc in sớm nhất đến nay còn thấy được là phồn bản đời Thanh - Thuận Trị  (1638-1661), và giản bản sớm nhất đại ước in vào khoảng đầu đời Khang Hy (1661-1722).  Bốn là trong thời Khang Hy các loại giản bản lần lượt xuất hiện, là một trong những sách đắt khách ít thấy thời ấy; đến năm Đạo Quang 道光 thứ 14 (1834) vẫn có những bản khắc mới ra đời, cho thấy trong suốt đời Thanh, Kim Vân Kiều truyện trước sau vẫn lưu truyền rộng rãi mà không hề suy giảm, và việc bộ tiểu thuyết này mất đi ảnh hưởng chỉ là tình huống xảy ra từ thời cận đại trở đi.  Cuối cùng là sau khi ảnh hưởng của bộ sách này mất đi ở Trung Quốc, truyện Nôm Kim Vân Kiều của Việt Nam lại được tôn vinh trên văn đàn thế giới; điều này cho thấy Kim Vân Kiều truyện có ảnh hưởng thế giới (Đổng 1985 [a], 181). 

Hai năm sau, Đổng lại viết “Kim Vân Kiều truyện bản bản khảo bổ chính 《金雲翹傳》版本考補正”, trong đó ông thảo luận chi tiết 2 văn bản “Sơn thủy lân 山水鄰,” và “Khiếu hoa hiên 嘯花軒” (Đổng 1987, 113-117).  Đến năm 1999, trong chương “Kiều truyện truyền bản chi đa 《翹傳》傳本之多”, dựa trên cơ sở kết hợp với các điều tra văn bản của Âu Dương Kiện 歐陽健 và Ōtsuka Hidetaka大冢秀高  (Nhật Bản), Đổng đã có một thống kê mới với tổng cộng 22 truyền bản: 12 bộ bảo tồn tại Trung Quốc, 9 bộ tại Nhật Bản, và 1 bộ tại Mỹ (Đổng 1999a, 16-19).  Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là con số sau cùng.    

Cùng với những nỗ lực truy tìm, số lượng truyền bản Kim Vân Kiều truyện hiện còn vẫn tiếp tục tăng thêm.  Trong chuyên luận Vương Thúy Kiều cố sự nghiên cứu 王翠翹故事研究, Trần Ích Nguyên dành riêng một tiết để bàn về “Văn bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân hiện có ở Việt Nam.”  Sau khi điểm qua 3 văn bản còn tồn trữ tại Viện Nghiên cứu Hán – Nôm, Trần Ích Nguyên xác định: bản mang ký hiệu VHv.1396 thực ra là sách in của Nhà xuất bản Nhân dân Văn học Bắc Kinh dựa theo bản Khiếu Hoa hiên 花軒 mà ấn hành năm 1957, còn bản VHv.281 chỉ là sao chép của tập sách này do Nguyễn Đức Ngột 阮德兀 thực hiện vào cùng một năm.  Riêng bản có ký hiệu A.953 – bản duy nhất cho đến nay ghi tác giả là “Thanh Tâm Tài Tử 青心才子”, là mang đặc điểm của loại giản bản đời thứ nhất và có thể được bổ sung vào danh sách các truyền bản hiện có (Trần 2001 [b], 58).  Đặc biệt là trong năm 2006, một số báo chí, truyền thông Trung Quốc đưa tin về việc phát hiện bản khắc in Quán Hoa đường 貫華堂[13] Kim Vân Kiều truyện ở Phúc Châu, và ngay lập tức đây được xem là bản in sớm nhất đứng đầu danh sách các truyền bản hiện còn.[14] 

Một điều đáng chú ý là việc điều tra văn bản của Trần Ích Nguyên chỉ mới giới hạn ở kho tư liệu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, trong khi bộ sưu tập sách Hán – Nôm của Thư viện Quốc gia còn có bản chép tay được xếp vào biên mục dưới tựa đề Quán Hoa Đường bình luận Kim Vân Kiều truyện 貫華堂評論《金雲翹傳》.[15]  Bộ sách này có kích thước 27 x 14 cm, phân thành hai tập.  Tập 1 (R.966) gồm hai quyển 1 (hồi 1-6) và 2 (hồi 7-12), tổng cộng 102 trang; tập 2 (R.967) gồm hai quyển 3 (hồi 13-17) và 4 (hồi 18-20), tổng cộng 81 trang.  Lối chia quyển, phân hồi của bộ sách này trùng khớp với cách thức của bản A.953 ở Viện Nghiên cứu Hán – Nôm[16] và bản Ngũ Vân lâu 五雲樓 từng được các học giả Phan Sĩ Bàng, Lê Thước, và Dương Quảng Hàm nhắc đến trong thập niên 1920 và 1940.[17]

Quan trọng không kém là trang đầu của bộ sách này ghi “Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ 青心才人編次 —— Kim Vân Kiều 金雲翹 —— Quán Hoa đường tử hành 貫華堂梓行” (xem Phụ lục cuối bài).  Hai chữ tử hành 梓行 trên trang đầu hoặc có nghĩa là khắc bản ấn hành 刻本印行, hoặc chỉ chung về xuất bản.  Như vậy, bản chép tay hiện có đã sao lại từ một bản in, và đặc biệt hơn nữa là từ bản in Quán Hoa đường – bản được xem là sớm nhất hiện nay.  Học giả Nhật Bản Ōtsuka Hidetaka đã từng nhắc đến loại văn bản này: “‘Quán Hoa đường tử hành bản’ ghi trong sách Hakusai shomoku 舶載書目 [Bạc tái thư mục] (…) tức là ‘Bản nha tàng bản 本衙藏版’, có thể là nguyên bản.”   Đổng Văn Thành cũng viết rằng: “Tình trạng của loại ‘Quán Hoa đường tử hành bản’ này không rõ, không biết có còn truyền bản ở đời hay không.” (Đổng 1987, 113).  Việc tồn tại bản chép tay Kim Vân Kiều truyện ở Thư viện Quốc gia Hà Nội cho thấy là bản in Quán Hoa đường đã từng được lưu hành ở Việt Nam,[18] bên cạnh bản của nhà Ngũ Vân lâu (Trung Quốc).[19]  Do đó, nếu tính thêm bản chép tay Quán Hoa đường, con số các truyền bản Kim Vân Kiều truyện còn tồn tại đã lên đến 25 bản, và sẽ còn tăng thêm nữa nếu như có dịp tìm lại được bản Ngũ Vân lâu.[20]

Dựa trên những điều đã trình bày trên đây, thật không khó để người đọc có thể đồng ý với nhận định của Âu Dương Kiện: “Việc biến đổi văn bản của Kim Vân Kiều truyện là thập phần phức tạp nhưng lại là vấn đề hứng thú, là nghiên cứu nên được đi sâu tìm hiểu.” (Âu 1986)Căn cứ vào tình hình văn bản đa dạng này, cũng như Đổng Văn Thành trước kia, Lý Chí Phong và Bàng Hy Vân muốn thấy được Kim Vân Kiều truyện ở một vị trí xứng đáng hơn trong đời sống văn học thế giới: “Từ trạng huống các bản in tồn tại qua một thời gian dài, tác phẩm có nhiều tên khác nhau, không khó để hình dung ra cảnh tượng phồn thịnh của việc lưu hành Kim Vân Kiều truyện lúc đương thời.  Nhưng từ việc xem xét những loại bản in các đời Thuận Trị, Khang Hy, Đạo Quang của Kim Vân Kiều truyện được thu thập và nay bảo tồn tại các nơi như Nội các văn khố, Đại học Tokyo, Sở Nghiên cứu văn hóa phương Đông, Văn khố Kano 狩野文庫 thuộc Đại học Tohoku 東北大学, Đại học Kyoto của Nhật Bản và Đại học Harvard của Hoa Kỳ, có thể thấy Kim Vân Kiều truyện đương thời không chỉ rất phổ biến ở quốc nội [Trung Quốc], mà việc lưu truyền rộng rãi của nó ở hải ngoại cũng khiến người ta kinh ngạc.” (Lý – Bàng 2008, 15).

Kim Vân Kiều truyện: Góc nhìn phương Tây
Dù đã qua hơn 30 năm, đến nay luận án tiến sỹ “Diễn biến chuyện Vương Thúy Kiều: Từ sự kiện lịch sử ở Trung Hoa đến kiệt tác văn chương ở Việt Nam” bảo vệ thành công tại Đại học Harvard từ năm 1981 của Charles Benoit vẫn là công trình nghiên cứu tường tận nhất về cội nguồn văn-sử liệu của Kim Vân Kiều truyện cũng như của Truyện Kiều (Benoit 1981).  Tác giả của luận án này là người có duyên nợ đặc biệt với Việt Nam và Kiều.

Sau khi tốt nghiệp thạc sỹ về kinh tế quốc tế (International Economics) tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher (Đại học Tufts, Hoa Kỳ) và một khóa tiếng Việt trong vòng 5 tháng, Benoit theo chân Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) đến Việt Nam năm 1967.  Ngoại trừ năm học 1972-1973 được dành trọn cho việc hoàn tất chương trình thạc sỹ về Đông Á học (East Asian Studies) tại Đại học Harvard, tất cả thời gian còn lại của Benoit từ 1967 đến những ngày gần cuối tháng tư 1975 là ở Việt Nam.  Đối mặt với thực tế xã hội ở miền Nam Việt Nam khi ấy, Benoit ngưng làm việc với USAID, và sau đó trở thành Giám đốc của Ford Foundation tại Việt Nam.  Thời ấy, dưới mắt nhiều người, ông bị xem như một phần tử phản chiến.  Sau năm 1975, Benoit trở về Mỹ, trúng tuyển vào chương trình tiến sỹ về Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á của Đại học Harvard, và nhận bằng với luận văn về sự diễn hóa của câu chuyện Vương Thúy Kiều tại đây.  Cũng nên nhắc thêm là Benoit đến với Truyện Kiều từ một bản in năm 1875 của Trương Vĩnh Ký tình cờ tìm được ở nhà bà ngoại của người vợ đầu tiên người Việt của ông.[21]   

Trong luận án của mình, Benoit đã có những bình giá đáng chú ý về Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và Truyện Kiều của Nguyễn Du như sau,

Trường hợp đang nói đến ở đây là truyện thơ trường thiên Kim Vân Kiều của Nguyễn Du, thường được gọi đơn giản là Truyện Kiều.  Được cải biên từ một bộ tiểu thuyết không mấy nổi tiếng ở cuối thế kỷ 17, sự tinh luyện thi pháp của Nguyễn Du được người Việt xem như tác phẩm văn chương ưu tú, có tác động đến nền thi ca dân tộc của họ. (…) Đối với những nhân vật được phác họa mờ nhạt của tiểu thuyết, ông đã truyền cho chúng những phẩm chất phổ quát, giúp chúng vượt qua thời gian hay không gian cụ biệt (Benoit 1981, 2 và 4).

Và dẫu cho bộ tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân đã thịnh hành một thời ở Trung Hoa, đã có ảnh hưởng nhất định đến những tác phẩm hậu kỳ, và đã được lưu truyền ngoài cương thổ Hoa Hạ, nhưng điểm dừng cuối cùng của nó ở Việt Nam mới là kết thúc có hậu với sự ra đời của một kiệt tác văn chương:   

Phán định từ con số những bản khác nhau của bộ tiểu thuyết đã được xuất bản và từ số lượng những diễn dịch của câu chuyện mà nó đã truyền cảm hứng, Kim Vân Kiều truyện ắt hẳn đã lưu truyền rộng rãi và được đón nhận tốt trong thời của nó. (…) Tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân chắc chắn đã được truyền bá rộng rãi.  Như đã bàn luận ở trên, bộ tiểu thuyết này có ảnh hưởng đến nhiều phiên bản Trung Hoa khác của câu chuyện, cũng như được tiếp nhận tốt ở Nhật Bản, và thậm chí còn có thể đã được dịch ra tiếng Mãn Châu.  Nhưng chỉ tới khi bộ tiểu thuyết này đến Việt Nam, nó mới phát triển thành một tác phẩm văn chương hàng đầu.  Qua nghệ thuật sáng tạo của Nguyễn Du, ba nhân vật lịch sử [Từ Hải, Hồ Tôn Hiến và Vương Thúy Kiều] mới đạt đến cực điểm tạo hình và câu chuyện Vương Thúy Kiều mới có được một phương thức xử lý hùng hồn nhất (Benoit, 275 và 347).   

Qua việc khảo sát một khối lượng lớn các nguồn tư liệu sử học và văn chương Trung Hoa, Benoit đã có được rất nhiều phát hiện lý thú liên quan đến quá trình diễn biến của câu chuyện Vương Thúy Kiều.  Dưới đây là một phát hiện/đoán định thú vị của Benoit về những nguồn văn-sử liệu Nguyễn Du có thể đã sử dụng trong khi sáng tác Truyện Kiều,

Ngoài bộ sách này [tức Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân], Nguyễn Du chắc chắn đã tiếp xúc với ít nhất một nguồn tài liệu khác liên quan đến chuyện Vương Thúy Kiều.  Hai câu 2451-2452 trong tác phẩm truyện thơ của ông viết: “Có quan tổng đốc trọng thần – Là Hồ Tôn Hiến kinh luân gồm tài”.  Trong tiểu thuyết, Hồ chẳng những không được nêu tên mà cả tước vị cũng không được nói đến.  Thế nên, để có thông tin này, Nguyễn Du hẳn phải tiếp xúc được với một nguồn tài liệu khác.  Có thể đây là liệt truyện của Hồ được chép trong Minh sử mà Nguyễn Du hẳn đã được đọc.  Hoặc giả, có thể ông đã đọc Từ Hải bản mạt của Mao Khôn sẽ được thảo luận cụ thể trong Chương 1.  Nhưng khả năng cao nhất là Vương Thúy Kiều truyện của Dư Hoài sẽ được bàn trong Chương 3.  Vựng tập trong đó ghi chép của Dư Hoài được công bố lần đầu cũng bao gồm câu chuyện về một tỳ thiếp bạc mệnh tên Tiểu Thanh. (…)  Dù không chắc rằng Nguyễn Du có đọc truyện Tiểu Thanh trong vựng tập này hay không, ông ắt phải quen thuộc với một bản nào đó, vì ông đã viết một bài thơ nổi tiếng về nàng. Xem Lê Thước và Trương Chính, Thơ chữ Hán của Nguyễn Du, in lần thứ hai (Hà Nội, Nhà xuất bản Văn học, 1978), tr. 172-174.   Ngoài ra, miêu tả của Nguyễn Du về tính thích phiêu lưu của nhân vật [Từ Hải] trong truyện thơ (câu 2214-2216) và vai trò của triều đình đối với cái chết của nhân vật (câu 2545), tuy không có trong tiểu thuyết, dẫu vậy lại được thể hiện trong câu chuyện của Dư Hoài (Benoit 1981, 7, chú 3).

Công bố 3 năm sau luận án của Benoit, tiểu luận “Bàn về bản chất của Truyện Kiều” của Eric Henry là kết quả của nỗ lực suy tưởng, dẫu không liên tục, trong vòng 15 năm (Eric 1984, 82).  Nghiên cứu của Henry đặt Kim Vân Kiều truyện vào nhóm 15 bộ tiểu thuyết tài tử - giai nhân được Thiên Hoa tàng chủ nhân đề tựa, đồng thời giới thiệu khái quát về loại tiểu thuyết tài tử - giai nhân có gốc tự hý khúc truyền kỳ.  Thế nhưng, theo Henry, cái khung tài tử - giai nhân thực ra không vừa với Kim Vân Kiều truyện:   

Tuy nhiên, việc khảo sát bộ Kim Vân Kiều truyện cho thấy rằng, mặc cho hình thức thể loại [tài tử giai nhân] mà bộ tiểu thuyết này được công bố, nó không thể được phân vào bất kỳ một loại biệt thông dụng nào một cách dễ dàng.  Nó không phải là một bộ tiểu thuyết tài tử giai nhân; nó đúng ra là câu chuyện về sự thống khổ khủng khiếp, kỳ quái và phiêu lưu được lồng trong khuôn khổ tài tử giai nhân (Eric 1984, 64).

Không có gì đặc sáng trong cốt truyện của bộ tiểu thuyết này; nó xuất hiện, với những biến hóa ít nhiều, trong tất cả các tiểu thuyết tài tử giai nhân. Tuy vậy, nó không chiếm nhiều chỗ trong Kim Vân Kiều truyện, phần lớn của bộ tiểu thuyết này được dành cho những cuộc phiêu dạt bi thảm và xúc động của Thúy Kiều sau khi bị tách khỏi gia đình.  Những cuộc phiêu bạt này chiếm 13 trong tổng số 20 hồi của bộ tiểu thuyết (bao gồm từ hồi 7 cho đến hết hồi 19), trong khi vị hôn phu và em gái của nàng chẳng can dự gì đến chúng cả (Eric 1984, 65).       

Sau khi tiến hành một loạt những đối sánh giữa các tác phẩm văn chương, lịch sử Trung Hoa với Kim Vân Kiều truyện, và giữa bộ tiểu này với Truyện Kiều, Henry đã nhận xét về khả năng sáng tạo của tác giả tiểu thuyết và thiên tài văn chương của Nguyễn Du như sau:

Trong khi tác giả Kim Vân Kiều truyện là một người vay mượn rộng khắp [các nguồn văn-sử liệu], ông cũng là một nhà cải biên táo bạo; hiếm khi nào ông chỉ hoà kết tư liệu mà không thay đổi bản chất của nó, hoặc thông qua biến đổi cụ thể, hoặc thông qua phối trí mới mẻ. (…) Tuy nhiên, sự biến hóa sâu sắc nhất đã đạt được không phải là qua việc thay đổi đoạn văn này nọ, mà qua việc tái dựng cả một tổng thể.  Bằng cách thu lấy những kinh nghiệm vốn cách biệt trong các nguồn tư liệu của mình, và đặt chúng lại với nhau dọc theo một tuyến tự sự liên tục được khuôn bởi cuộc ra đi và trở về, sự suy sụp và phục hưng, tác giả Kim Vân Kiều truyện đã sáng tạo nên một câu chuyện truy cầu [quest story], một chuyện kể phiêu lưu [adventure tale] từ những tư liệu vốn chẳng liên quan gì với hành trình hay truy cầu (Eric 1984, 78).   

Nguyễn Du xứng đáng được công nhận nhiều hơn so với những gì hiện có, vì ông đã nhận rõ được những nhân tố của một câu chuyện trác tuyệt dưới vỏ ngụy trang nhạt nhẽo của một bộ tiểu thuyết bình dân [pulp fiction].  Và cho dù chưa đủ tầm một tác gia làm nên phong cách, tác giả không rõ tính danh của bộ tiểu thuyết nọ cũng xứng đáng được công nhận vì việc kiến tạo nên huyền thoại [Thúy Kiều].  Chính người ấy đã hoà quyện những thế giới khác nhau của hư cấu lại với nhau, để sáng tạo nên một bộ tiểu thuyết của những bất ngờ tàn bạo và của những tương phản cùng cực.  Phương cách người liệt nữ hai lần sa xuống sự suy đồi xã hội tận cùng của nhà thổ, nhưng cuối cùng lại được cứu rỗi gợi nhớ đến sự sa ngã trùng phục và lần hồi cứu chuộc của nhân vật chính trong truyện truyền kỳ đời Đường “Lý Oa truyện”.[22]   Cũng như với “Lý Oa truyện”, đặc điểm đáng chú ý của bộ tiểu thuyết là sự bạo dạn trong cơn mộng du [sleep-walking boldness] mà với nó, cốt truyện thô mộc đưa chúng ta xuyên qua những vùng cấm, những lãnh thổ cấm kỵ của sự tưởng tượng.  Chính cốt truyện đối mặt với điều tệ hại nhất có thể xảy ra với chúng ta, nhưng cuối cùng lại đưa chúng ta đến một bến bờ khác (Eric 1984, 81-82).   

Viết sau luận án của Benoit 9 năm, K. C. Leung trở lại vấn đề chu trình diễn hóa của câu chuyện Vương Thúy Kiều, đồng thời nhấn mạnh “tình” và “nghĩa” như chủ đề chính của Kim Vân Kiều truyện: “Đan cài vào chủ đề chính này là những tuyến liên quan đến các quan hệ khác – tuyến tình và hiếu, tình và tính (dục), tình và tài, tình và dâm; hay quan hệ giữa giữa trung với nước, và trung với phu quân.”[23]  Trong chương tiết “Tình và những đau khổ của trinh thân trong Kim Vân Kiều truyện,” tương tự như Eric Henry, Martin W. Huang cũng cho rằng bộ sách này đã vượt ngoài khuôn khổ của loại tiểu thuyết tài tử - giai nhân để đề cập đến những vấn đề tiết hạnh của người phụ nữ nặng tình:

Nếu việc khăng khăng giữ vẹn trinh tiết của Vương Thúy Kiều trong những chương khung giá của bộ tiểu thuyết là thành khẩn, thì việc hủy hoại trinh tiết ấy trong phần chính của câu chuyện là để bênh vực cho đức độ của nàng với tư cách là một người phụ nữ và một người con.  Trong chương cuối của bộ tiểu thuyết, khi nàng từ chối làm nhơ nhuốc sự tinh khiết của Kim Trọng với tấm thân đã bị ô uế của mình, sự trinh bạch của nàng được phục sinh và tái khẳng định.  Hay trích lời của người bình luận, cho phép trinh thân của nàng bị ô uế là một cách khác để nàng tuyên xưng sự trinh khiết của mình (nhục thân chi vi khiết thân 辱身之為潔身). (Huang 2001, 222)    

Theo cùng một mạch với Huang, Ning Ma với chương tiết “Người thánh kỹ trong Kim Vân Kiều truyện,” nhắc lời Thiên Hoa tàng chủ nhân “Một người có thân không bị nhơ nhuốc [hay sống một cuộc đời không vết nhơ], mà tâm ô nhục, thì dẫu trinh nhưng lại dâm uế; một người có thân bị ô nhục, mà tâm không nhơ nhuốc, thì dẫu rơi vào dâm uế nhưng vẫn trinh khiết, Thân miễn hĩ, nhi tâm nhục yên, trinh nhi dâm hĩ; thân nhục hĩ, nhi tâm miễn yên, dâm nhi trinh hĩ 身免矣,而心辱焉,貞而淫矣;身辱矣,而心免焉,淫而貞矣”, cho rằng bằng cách nhấn mạnh quan hệ đối lập giữa “thân” và “tâm”, Thiên hoa tàng chủ nhân đã phá vỡ sự thống nhất giả định của nội ngã và ngoại ngã (inner and outer selves) của cá nhân trong giáo thuyết kinh điển của sách Đại học (Ning 2012, 118).  Trên cơ sở này, Ning đã xem diễn đọc hàm ý của Kim Vân Kiều truyện qua sự đối lập thân – tâm, xem đó như là “sự tương khắc cho phép một nàng kỹ nữ trước kia đảm nhận được một tầm vóc thánh thiện sau khi chịu đựng cái điều có thể là một loại trải nghiệm tồi tệ nhất trong hệ thống giá trị Nho giáo truyền thống.” (Ning 2012, 120).      

Trong tham luận “Từ Trung Hoa đến Việt Nam: Những hiển hiện [avatars] của Kim Vân Kiều truyện – Tiểu thuyết thông tục Trung Hoa khoảng giữa thế kỷ XVII,” Pierre Kaser – Giảng viên Ngôn ngữ và Văn chương Trung Hoa tại Đại học Provence Aix-Marseille trở lại với giá trị văn chương của Kim Vân Kiều truyện, cho rằng nó là một bộ tiểu thuyết tài tử - giai nhân trác tuyệt.  Sau khi điểm qua một vài đánh giá về Truyện Kiều của các nhà phê bình Việt Nam, Kaser nhận xét, “Họ không bao giờ quên lưu ý [người đọc] rằng nhà thơ [Nguyễn Du] đã lấy cảm hứng từ một ngọn nguồn Trung Hoa, nhưng họ thường nhấn mạnh rằng ‘Kim Vân Kiều [tức Truyện Kiều, N.N.] trác tuyệt vô song so với nguyên gốc,’ hay nói rằng ‘Nguyễn Du đã tận dụng được những ưu điểm của bộ tiểu thuyết Trung Hoa và bỏ lại những khuyết điểm của nó’ [Lời giới thiệu của Xuân Phúc và Xuân Việt cho bản dịch Kim Vân Kiều tiếng Pháp, Paris: Gallimard, 1961].  Vấn đề là không một ai trong số các nhà phê bình nọ đã có dịp đọc nguyên bản bộ tiểu thuyết Trung Hoa ấy.”  Cũng theo Kaser, ngoại trừ một số tiểu tiết, sự khác biệt thực sự đáng kể giữa hai tác phẩm chính là sự khác biệt về thể loại văn chương: Kim Vân Kiều truyện là tiểu thuyết thông tục bạch thoại, còn Truyện Kiều là thi ca.  Do vậy, thật là vô dụng và vô nghĩa khi so sánh hai văn bản vốn thuộc về hai thể loại văn chương cách biệt.”  Hơn nữa, việc đánh giá hai tác phẩm này tại nguyên quán của chúng lại là kết quả của những truyền thống văn chương rất khác nhau: “Trong khi Truyện Kiều ngay lập tức được xem là một phần của cái có thể gọi là văn chương bậc trên và là mô phạm của một thể loại văn chương ưu nhã, bộ tiểu thuyết Trung Hoa từ đầu đã được xác định là đại biểu của văn chương cấp thấp, sản phẩm của một bộ phận bên lề của giai tầng học thức, do vậy nó thuộc về một nhóm văn bản bị các nhà phê bình bỏ qua nhiều nhất cho đến cuối thế kỷ XX.” (Kaser 2004). 

Dù còn nhiều điểm cần bàn, nhận định của Kaser về Truyện Kiều rõ ràng đã khác xa với những gì nhà Hán học người Pháp Henri Maspéro đã viết gần trăm năm trước, khi cho rằng Kim Vân Kiều của Nguyễn Du là một bản dịch hầu như y chiếu của bộ tiểu thuyết Trung Hoa.[24]  Kaser đã có lý khi chỉ ra sự dị biệt giữa tiểu thuyết và thi ca, văn chương thông tục và văn chương bác học – những yếu tố tạo căn bản tạo ra sự khác biệt giữa Kim Vân Kiều truyệnTruyện Kiều.  Tuy vậy, Kaser ít nhiều đã chủ quan khi cho rằng các nhà phê bình được ông đề cập đến đã không đọc tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân mà lại so sánh, phân định thấp cao giữa tác phẩm này với truyện thơ của Nguyễn Du.  Thực ra, không ít các nhà phê bình Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XX đã có dịp đọc nguyên tác Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, ví như năm 1943, Đào Duy Anh đã từng duyệt lãm và so sánh nó với Truyện Kiều.[25]  Tuy vậy, cũng không thể phủ nhận là những phẩm định về Kim Vân Kiều truyện như của Ngô Đức Kế đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều thế hệ các nhà phê bình Việt Nam, khiến họ mặc nhiên tin rằng “Chuyện ‘Thanh tâm tài nhân’ (tức là truyện Kiều) là một bộ tiểu thuyết tầm thường không có giá trị gì” (“Luận về chính học cùng tà thuyết”).       

Thế hệ mới, nhận thức mới?
Nhìn lại danh sách các luận văn cao học về Kim Vân Kiều truyện viết bằng Trung văn,[26] có thể thấy ngoại trừ luận văn của Vương Thiên Nghi bảo vệ năm 1988 tại Đại học Đông Hải (Đài Loan), số còn lại đều thuộc về các trường ở Đại lục và bảo vệ từ năm 2009 trở lại đây.  Nếu xem Đổng Văn Thành và các học giả Trung Quốc đồng thời với ông là thế hệ thứ nhất “hậu Cách mạng văn hóa” nghiên cứu Kim Vân Kiều truyện, lớp người tiếp theo sau với những nghiên cứu công bố ở Đại lục trong thập niên đầu của thế kỷ XXI có thể gọi là thế hệ thứ hai. 

Một trong những đặc điểm của thế hệ thứ hai này là sự chuyển tiếp trong phương pháp tiếp cận tác phẩm, từ lối phân tích “truyền thống” thiên về truy tìm “ảnh hưởng” để phân định thứ bậc văn chương cao thấp đến việc từng bước kết hợp và vận dụng lý thuyết phương Tây trong việc thông diễn tác phẩm như một chỉnh thể nghệ thuật với những đặc điểm riêng của nó.  Chính những nhà nghiên cứu thuộc thế hệ thứ hai này là người hướng dẫn các luận văn cao học đề cập ở trên, và lớp người mà họ đào tạo đã bắt đầu có tiếng nói riêng.  Học viên cao học Tào Song 曹雙 thuộc Học viện lịch sử của Đại học Trịnh Châu (Hà Nam) với bài nghiên cứu của cô về tình hình nghiên cứu Kim Vân Kiều truyện ở Trung Quốc từ thập niên 1980 đến nay là một trường hợp như thế (Tào 2015).

Trong số các tác giả luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ bằng tiếng Trung có thể thấy không ít những gương mặt Việt Nam, như giáo sư quá cố Trần Quang Huy (Trần 1973), và một số nữ thạc sỹ của thế kỷ này (LV Lê 2010; Nguyễn 2013).  Du học ở nước ngoài, họ kết hợp được tri thức, phương pháp, tư duy khoa học mới từ nước sở tại với nền tảng kiến thức lịch sử - văn hóa thu nhận từ Việt Nam để hình thành nên những nhận thức mới trong nghiên cứu so sánh.  Dưới đây là nhận định đáng suy nghĩ (và có thể thảo luận thêm) của một nữ nghiên cứu sinh Việt Nam đang lưu học tại Viện văn học thuộc Đại học sư phạm Hồ Nam:     

Thành quả của những tài liệu nghiên cứu so sánh của học giới Việt Nam về Kim Vân Kiều truyệnTruyện Kiều thật to lớn.  Thế nhưng, những nghiên cứu này ít nhiều chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, dẫn đến một số kết luận thiếu tính khách quan, vô tình hạ thấp giá trị của Kim Vân Kiều truyện.  Học giới Trung Quốc tuy nắm được những tri thức liên quan đến Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, nhưng không hiểu sâu về những tác phẩm truyện Nôm của Việt Nam (bao gồm Truyện Kiều), mà chỉ nghiên cứu trên bản Hán dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du, nên đánh mất đi nhiều phong vị của nguyên tác.  Ngoài ra, học giả Trung Quốc chủ yếu chỉ chú ý đến việc khảo sát tổng thể Kim Vân Kiều truyệnTruyện Kiều, bỏ quên nhiều yếu tố, đặc biệt là ở phương diện thể tài, hiểu biết không sâu về những chỗ sáng tạo của Nguyễn Du và đặc sắc của Truyện Kiều, nên vẫn còn chỗ để đi sâu tìm hiểu (Trần 2014).

Tình hình nghiên cứu Kim Vân Kiều truyện trong nước gợi nhớ đến thực trạng nghiên cứu văn học nước ngoài nói chung ở Việt Nam.  Văn học nước ngoài tuy có được giảng dạy ở các bậc phổ thông trung học và đại học, tác phẩm nước ngoài tuy có được dịch và phổ biến, nhưng thành quả nghiên cứu văn học nước ngoài ở Việt Nam dường như chỉ mới dừng lại ở việc công bố bản dịch với bài giới thiệu tổng quát ở đầu sách mà thôi.  Lẽ tất nhiên, không thể hiểu được chính mình nếu như thiếu sự hiểu biết thực sự cầu thị về tha nhân.  Hiểu biết về sáng tạo thi ca của Nguyễn Du trong Truyện Kiều sẽ phong phú thêm rất nhiều cùng với sự am hiểu về tác phẩm nguyên gốc Kim Vân Kiều truyện.  Nghiên cứu chiều sâu tác gia, tác phẩm nước ngoài là một cách để làm giàu cho văn hóa dân tộc, là một trong những tiền đề cho đối thoại khoa học đồng cấp và bình đẳng.  Điều này rõ ràng lại càng bức thiết hơn với trường hợp Truyện Kiều trong quan hệ với nguyên gốc của nó.
Danh mc các nghiên cu
v Kim Vân Kiu truyn ca Thanh Tâm Tài Nhân

Chú dẫn
-         Danh mục tập hợp các tiểu luận trên tạp chí chuyên ngành, chuyên đề độc lập đã được in thành sách, luận án tiến sỹ và thạc sỹ, cùng với các tham luận hội thảo quốc tế được viết bằng tiếng Anh, Pháp, Trung công bố ở ngoài nước.
-         Các điều mục được xếp theo năm xuất bản, và thứ tự công bố trong một năm.
-         Nếu một tác giả có nhiều công trình được giới thiệu trong cùng một năm, các công trình này sẽ được đánh dấu [a], [b], [c] tiếp sau tên tác giả.

1958
Hoàng Dật Cầu 黄轶球. “Việt Nam thi nhân Nguyễn Du hòa tha đích kiệt tác Kim Vân Kiều truyện 越南诗人阮攸和他的杰作《金云翘传》”.  Hoa Nam Sư phạm học viện học báo 华南师范学院学报, (2) 1958

1959
Nguyễn Du. Kim Vân Kiều truyện 金云翘传.  Bản dịch Trung văn của Hoàng Dật Cầu黄轶球. Bắc Kinh: Nhân dân Văn học xuất bản xã 人民文学出版社, 1959. 

1961
Tưởng Tinh Dục 蒋星煜. “Minh Thanh tiểu thuyết hý khúc trung đích Vương Thúy Kiều cố sự 明清小说戏曲中的王翠翘故事” .  Quang minh nhật báo光明日报, 1/1/1961.

1962
Tả Gián 左谏. “Quan vu Vương Thúy Kiều cố sự đích nhất điểm bổ sung 关于王翠翘故事的一点补充”. Quang minh nhật báo, 2/3/1962.

Trữ Lỗi 褚磊. “Thu hổ khâu trung đích Vương Thúy Kiều cố sự <秋虎丘>中的王翠翘故事”. Quang minh nhật báo, 11/3/1962.

1965
Lưu Thế Đức 刘世德, Lý  Tu Chương 李修章. “Việt Nam kiệt xuất đích thi nhân Nguyễn Du hoà tha đích Kim Vân Kiều truyện 越南杰出的诗人阮攸和他的《金云翘传》”. Văn học Bình luận 文学评论, (6) 1965.[27]

1971
Hatakénaka Toshio [畠中 敏郎]. “On Kim Van Kieu: China, Vietnam, Japan”. Tamkang Review, số II (2) & III (1), 1971-1972.[28]

1973
Trần Quang Huy 陈光辉. “Tòng Kim Vân Kiều truyện đáo Đoạn trường tân thanh 从《金云翘传》到《断肠新声》” trong “Việt Nam Nôm truyện dữ Trung Quốc tiểu thuyết quan hệ chi nghiên cứu 越南喃传与中国小说关系之研究” (thượng, hạ), luận án tiến sỹ. Quốc lập Đài Loan Đại học, 1973, tr. 56-82 [Hướng dẫn: Trương Kính 张敬]

1981
Charles Benoit. “The Evolution of the Wang Cuiqiao Tale: From Historical Event in China to Literary Masterpiece in Vietnam”. Luận án tiến sỹ, Đại học Harvard, 1981 [Hướng dẫn: Patrick Hanan]

1983
Lý Trí Trung 李致忠. “Hiệu hậu ký 校后记”. Thanh Tâm Tài Nhân 青心才人. Kim Vân Kiều truyện 《金云翘传》. Thẩm Dương: Xuân Phong Văn nghệ Xuất bản xã 春风文艺出版社, 1983.

1984
Eric Henry. “On the Nature of the Kiều Story”. Vietnam Forum, (3) 1984.

Miêu Trang 苗壮.  Hồng Lâu Mộng dữ tài tử giai nhân tiểu thuyết《红楼梦》 与才子佳人小说. Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng 明清小说论丛, Tập 1, Thẩm Dương: Xuân Phong Văn nghệ Xuất bản xã 春风文艺出版社, 1984.

1985
Đổng Văn Thành 董文成 [a]. “Kim Vân Kiều truyện bản bản khảo《金云翘传》 版本考” . Tài tử Giai nhân tiểu thuyết thuật lâm  才子佳人小说述林, Thẩm Dương: Xuân Phong Văn nghệ Xuất bản xã 春风文艺出版, 1985.

Đổng Văn Thành 董文成 [b]. “Kim Vân Kiều truyện cố sự diễn hóa《金云翘传》故事的演化. Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng 明清小说论丛, Tập 3, Thẩm Dương: Xuân Phong Văn nghệ Xuất bản xã 春风文艺出版社,1985.

1986
Âu Dương Kiện 欧阳健. “Kim Vân Kiều truyện đích khan bản dữ sao bản《金云翘传》的刊本与钞本”. Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng 明清小说论丛,Tập 4, Thẩm Dương: Xuân Phong Văn nghệ Xuất bản xã 春风文艺出版社, 1986 (Truy cập tại: http://www.confucianism.com.cn/html/wenxue/13484188.html)   

Đổng Văn Thành 董文成. “Trung Việt Kim Vân Kiều truyện đích tỉ giảo (thượng, hạ) 中越《 金云翘传》 的比较 上)、   ( )Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng 明清小说论丛, Tập 4 và 5, Thẩm Dương: Xuân Phong Văn nghệ Xuất bản xã 春风文艺出版社,1986, 1987.[29]

1987
Đổng Văn Thành 董文成 [a]. “Kim Vân Kiều truyện bản bản khảo bổ chính《金云翘传》版本考补正Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng 明清小说论丛, Tập 5, Thẩm Dương: Xuân Phong Văn nghệ Xuất bản xã 春风文艺出版社, 1987

Đổng Văn Thành 董文成 [b].  “Luyện ngục thiên sứ đích mị lực: Đàm Kim Vân Kiều truyện trung Vương Thúy Kiều bi kịch hình tượng đích tố tạo 炼狱天使的魅力谈《金云翘传》中王翠翘悲剧形象的塑造”. Minh Thanh tiểu thuyết nghiên cứu 明清小说研究, Tập 5, Bắc KinhTrung Quốc Văn liên xuất bản công ty中国文联出版公司, 1987.

1989
K. C. Leung. “The Cycle of Kieu (Qiao): Inheritance and Creation Reconsidered”. Tham luận trình bày tại Hội thảo “Trung Quốc Học thuật Nghiên cứu chi Thừa truyền dữ Sáng tân 中国学研究之承”, Chinese University of Hong Kong (Hương Cảng Trung văn Đại học), 12/1989.[30]

1991
Viên Lâm Thanh 袁林清.  “Kim Vân Kiều truyện đích thủ danh nghệ thuật dữ tác giả đích tư tưởng khuynh hướng 《金云翘传》 的取名艺术与作者的思想倾向”.  Hoài Hóa Sư chuyên học báo 怀化师专学报, (4) 1991.

Vương Hân 王昕
.  “Tòng giảng cố sự đáo tả nhân sinh: Tòng Kim Vân Kiều truyện khán tài tử giai nhân tiểu thuyết lưu biến 从讲故事到写人生从《金云翘传》 看才子佳人小说的流变”. Quảng Tây Dân tộc Học viện học báo (Triết học Xã hội Khoa học bản)广西民族学院学报(哲学社会科学版),(4) 1991.

1992
Âu Dương Kiện 欧阳健. “Nam Kinh Đồ thư quán tàng sao bản Kim Vân Kiều truyện khán hiệu trát ký (Phụ: Quán Hoa Đường bình luận Kim Vân Kiều truyện hồi bình (Thánh Thán ngoại thư)) 南京图书馆藏钞本《金云翘传》看校札记 (附:冠华堂论《金云翘传》回评 (圣叹外书)). Minh Thanh tiểu thuyết khảo明清小说新考[ M] . Bắc Kinh北京:  Trung Quốc Văn liên xuất bản công ty中国文联出版公司, 1992.

Đổng Văn Thành 董文成.  “Kim Vân Kiều truyện dữ Nhật Bản Giang Hộ hậu kỳ văn học 金云翘传》 与日本江户后期文学”.  Minh Thanh tiểu thuyết nghiên cứu 明清小说研究, (02) 1992.

1993
Dương Hiểu Liên 杨晓莲. “Đàm Kim Vân Kiều truyện đích truyền thừa cập chủ đề tư tưởng 金云翘传 的传承及主题思想. Tứ Xuyên Đại học học báo 四川师范大学学报, (02) 1993.

1994
Quách Chúc Tung 郭祝崧. “Đề tài tương đồng, các hữu sở bản – Thiển đàm Kim Vân Kiều truyện tịnh phi bản vu Hình thế ngôn 题材相同各有所本浅谈 《金云翘传》 并非本于 《型世言》. Thành Đô Sư chuyên học báo – Văn khoa bản 成都师专学报 文科版 (1) 1994.

Đỗ Tùng Bách 杜松柏. Kim Vân Kiều truyện đích bi kịch đặc trưng《金云翘传》 的悲剧特征Đạt Huyện Sư chuyên học báo – Xã hội khoa học bản 达县师专学报(社会科学版), (1) 1994.

Đổng Văn Thành 董文成. Thanh đại văn học luận cảo: Kim Vân Kiều truyện, Liêu trai chí dị dữ Mãn tộc văn học 清代文学论稿:《金云翘传》,《聊斋志异》与满族文学. Thẩm Dương 沈阳: Xuân Phong Văn nghệ xuất bản xã 春风文艺出版社, 1994.

1995
Lâm Thìn 林辰. “Kiều truyện hòa ‘Kiều truyện hiện tượng’: Độc Đổng Văn Thành đích Thanh đại văn học luận cảo《翘传》 翘传现象:读董文成的《清代文学论稿》”. Trung Quốc đồ thư bình luận 中国图书评论, ( 01) 1995.

1996
Chương Kim Côn 章金 “Thí luận Kim Vân Kiều truyện đích nghệ thuật thành tựu 试论《金云翘传》的艺术成就 Dương Châu Sư phạm Học viện học báo 杨州师范学院学报, (1) 1996.

1997
Trương Huy 张辉. “Trung Việt Kim Vân Kiều truyện chi tỉ giảo 中越《金云翘传》之比较”. Trung Quốc Đông Nam Á Nghiên cứu hội thông tấn 中国东南亚研究会通讯,11997.

Lữ Vĩnh 吕永. “Trung Việt lưỡng bộ Kim Vân Kiều truyện đích nghệ thuật thành tựu dữ hiện thực ý nghĩa 中越两部 金云翘传 的艺术成就与现实意义”. Tương Đàm Đại học học báo 湘潭大学学报, (05) 1997.

Kỳ Quảng Mưu 广谋. “Luận Việt Nam Nôm tự tiểu thuyết đích văn học truyền thống cập kỳ nghệ thuật giá trị - Kiêm luận Nguyễn Du Kim Vân Kiều truyện đích nghệ thuật thành tựu 论越南喃字小说的文学传统及其艺术价值——兼论阮攸《金云翘》的艺术成就.” Giải phóng quân Ngoại ngữ học viện học báo 解放军外语学院学报, (6) 1997.

1998
Lôi Dũng 雷勇. Kim Vân Kiều truyện đối cổ đại nữ tính đề tài tiểu thuyết đích cống hiến 《金云翘传》对古代女性题材小说的贡献”.  Hán Trung Sư phạm Học viện học báo 汉中师范学院学报, 2 1998

Tưởng Xuân Hồng 蒋春红. “Vương Thúy Kiều đích hình tượng dữ nữ tính vận mệnh: Kiêm luận Kim Vân Kiều truyện tại Á Châu đích truyền bá hòa ảnh hưởng 王翠翘的形象与女性运命——兼论《金云翘传》在亚洲的传播和影响”. Đông phương tùng san 东方丛刊,31998.

1999
Đng Văn Thành 董文成 [a]. Kim Vân Kiều truyện 金云翘传. Thẩm Dương: Xuân Phong Văn nghệ xuất bản xã 沈阳: 春风文艺出版社, 1999.

Đổng Văn Thành 董文成 [b]. “Kim Vân Kiều truyện dữ Hồng Lâu Mộng《金云翘传》与《红楼梦》”.  Bảo Định Sư chuyên học báo 保定师专学报, (3) 1999.

Đổng Văn Thành 董文成 [c]. “Luận Kim Vân Kiều truyện đối Hồng Lâu Mộng nghệ thuật sáng tân đích đa trùng ảnh hưởng (thượng, hạ) 论《金云翘传》 对《红楼梦》 艺术创新的多重影响(上、下)” . Hồng Lâu Mộng học san 红楼梦学刊, 03( 04)  1999.

Thường Tuyết Ưng 常雪鹰. “Luận Kim Vân Kiều truyện đích bi kịch tính 论《金云翘传》的悲剧性”. Nội Mông Cổ Giáo dục Học viện học báo 内蒙古教育学院学报, 3 1999.

2001
Trần Ích Nguyên 陈益源 [a]. “Cao Dương Thảo mãng anh hùng trung Vương Thúy Kiều sử liệu đích lai nguyên dữ ứng dụng 高阳《草莽英雄》中王翠翘史料的来源与应用”. Bảo Định Sư chuyên học báo 保定师专学报, (1) 2001.

Hà Kim Lan 何金兰. “Văn bản, dịch bản, khả độc tính, khả truyền tính: Thí thám Kim Vân Kiều truyện dữ Đoạn trường tân thanh 文本、译本、可读性、可传性——试探《金云翘传》与《断肠新声》”. Hán học Nghiên cứu thông tấn 汉学研究通讯, (20:3) 2001.

Lý Quần 李群.  “Kim Vân Kiều truyện: Tòng Trung Quốc tiểu thuyết đáo Việt Nam danh trứ《金云翘传》 : 从中国小说到越南名著” . Quảng Tây Dân tộc Học viện học báo – Nhân văn Xã hội Khoa học chuyên tập 广西民族学院学报: 人文社会科学专辑. (06) 2001.

Trần Ích Nguyên 陈益源 [b]. Vương Thúy Kiều cố sự nghiên cứu 王翠翘故事研究. Đài Bắc: Lý Nhân thư cục 里仁书局, 2001.[31]

Martin W. Huang.  “Qing and the Suffering of a Chaste Body in Jin Yun Qiao zhuan” trong Desire and Fictional Narrative in Late Imperial China. Cambridge, MA: Harvard University Press, 2001, tr. 211-224.

2002
La Trường Sơn 罗长山. “Việt Nam đại thi hào Nguyễn Du hòa tha đích Kim Vân Kiều truyện 越南大诗豪阮攸和他的《金云翘传》”. Quảng Tây Giáo dục viện học báo 广西教育院学报, (2) 2002.

2003
Trần Ích Nguyên 陈益源 [a]. Vương Thúy Kiều cố sự nghiên cứu 王翠翘故事研究. Bắc Kinh: Tây Uyển xuất bản xã 西苑出版社, 2003.

Trần Ích Nguyên 陈益源 [b]. “Vương Thúy Kiều cố sự diễn hóa quá trình trung đích lưỡng cá manh điểm王翠翘故事演化过程中的两个盲点. Trung Quốc tục văn hóa nghiên cứu, Tập 1 中国俗文化研究(第一辑), 2003.

2004
Liễu Tồn Nhân 柳存仁. “Tòng Kim Vân Kiều truyện đáo Hồng Lâu Mộng 从《金云翘传》 到《红楼梦》” . Hồng Lâu Mộng học san 红楼梦学刊, (01) 2004.

Khâu Giang Ninh 邱江宁. “Từ Hải, Vương Thúy Kiều sự bản mạt khảo thuật 徐海、王翠翘事本末考述” . Chiết Giang Sư phạm Đại học học báo 浙江师范大学学报, (02) 2004.

Vương Ngọc Linh 王玉玲. “Trung Quốc lý tưởng nữ tính chi mỹ: Tòng Trung Việt Kim Vân Kiều truyện tỉ giảo trung khán dân tộc thẩm mỹ đích sai dị 中国理想女性之美—— 从中越《金云翘传》 比较中看民族审美的差异” . Minh Thanh tiểu thuyết nghiên cứu 明清小说研究, (04) 2004.

Pierre Kaser. “De la Chine au Vietnam: Les avatars du Jin Yun Qiao zhuan, Roman chinois en langue vulgaire du milieu du XVIIe siècle.” Tham luận tại Hội nghị quốc tế “Evaluer l’interface: Etudes régionales et interdisciplinaires sur l’Asie du Sud-Est et le Pacifique/Search for the Interface: Interdisciplinary and Areas Studies in South-East Asia and the Pacific,” Đại học Provence (Marseille), 23-25/6/2004.  Truy cập tại http://kaser.hypotheses.org/640

Khâu Giang Ninh 邱江宁.  “Kim Vân Kiều truyện tiểu thuyết trung phức tạp nhi đa nguyên đích nữ tính hình tượng《金云翘传》小说中复杂而多元的女性形象, trong “Tài tử giai nhân tiểu thuyết nghiên cứu – Tòng mạch sinh hóa giác độ thám thảo kỳ hưng thị suy lạc đích nguyên nhân 才子佳人小说研究——从陌生化角度探讨其兴盛衰落的原因”, luận án tiến sỹ. Phúc Đán Đại học 复旦大学2004.

2005
Hạ Hồng Đễ 夏红娣. “Thanh dạ hàn giang trầm minh nguyệt – Băng tâm nhất phiến kháp tương trù – Thiển luận Vương Thúy Kiều cố sự tại tiểu thuyết trung đích biến dị cập nhân vật bình giá vấn đề 清夜寒江湛明月 冰心一片恰相俦——浅论王翠翘故事在小说中的变异及人物评价问题”. Trung văn tự học chỉ đạo 中文自学指导, (02) 2005.

2006
Hà Minh Trí 何明智. “Việt Nam đại văn hào Nguyễn Du cập kỳ danh tác Kim Vân Kiều truyện 越南大文豪及其名作《金云翘传》”. Tân thế kỷ luận tùng 新世纪论丛, (2) 2006.

2007
Khâu Giang Ninh 邱江宁.  “Kim Vân Kiều truyện: Tự sự mô thức dữ nhân vật tố tạo đích song trùng đột phá《金云翘传》 : 叙事模式与人物塑造的双重突破” .  Minh Thanh tiểu thuyết nghiên cứu 明清小说研究, ( 02) 2007.

Hà Minh Trí 何明智,Vi Mậu Bân 韦茂斌. “Trung Việt lưỡng bộ Kim Vân Kiều truyện tả tác tỉ giảo 中越两部《金云翘传》写作比较 Điện âm văn học 电音文学,(4 2007.

Minh Chu 明珠. “Nữ hải đạo Kim Quả phụ sáng tác đối Kim Vân Kiều truyện lưỡng cá bản bản thụ dung《女海盗金寡妇》创作对《金云翘传》两个版本的受容”. Chu Châu Sư phạm Cao đẳng chuyên khoa học hiệu học báo 株洲师范高等专科学校学报,(8) 2007.

2008
Vi Hồng Bình 韦红萍. “Trung Việt Kim Vân Kiều truyện đích đối tỉ 中越《金云忽传》的对比Đông Nam Á tung hoành 东南亚纵横,32008.

Nhậm Minh Hoa 任明华. “Kim Vân Kiều truyện dữ Việt Nam Hán văn tiểu thuyết Kim Vân Kiều Lục đích dị đồng《金云翘传》与越南汉文小说《金云翘录》的异同”. Hạ Môn Giáo dục viện học báo 厦门教育学院学报, (3) 2008.

Doãn Khôn 尹坤. “Thí luận Hổ phách thi đối Kim Vân Kiều truyện bi kịch đích tiêu giải 试论《琥珀匙》对《金云翘传》悲剧性的消解”. Hoài Bắc Học viện học báo 怀化学院学报, (5) 2008.

Vương Phong Minh 王丰明. “Lịch sử thượng Vương Thúy Kiều hòa Từ Hải đích cố sự 历史上王翠翘和徐海的故事”. Chương hồi tiểu thuyết 章回小说, (6) 2008.

Dật danh 佚名. “Cổ điển nữ tính đích lưỡng chủng tự hiến: Vương Thúy Kiều dữ Thôi Oanh Oanh 古典女性的两种自献:王翠翘与崔莺莺”. Chương hồi tiểu thuyết 章回小说, (6) 2008.

Lý Chí Phong 李志峰, Bàng Hy Vân 庞希云. “Tòng Kim Vân Kiều truyện đích hồi phản ảnh hưởng khán đương kim Trung Việt văn hóa đích hỗ động 从《金云翘传》的回返影响看当今中越文学文化的互动”. Quảng Tây Đại học học báo – Triết học Xã hội Khoa học bản 广西大学学报(哲学社会科学版), (12) 2008.

2009
Đỗ Tùng Bách 杜松柏. “Kim Vân Kiều truyện đích bi kịch mỹ học đặc trưng《金云翘传》的悲剧美学特征Tây Nam Dân tộc Đại học học báo 西南民族大学学报,(2) 2009

Lưu Thụy Hồng 刘瑞红.  “Tòng Hoạn thị đáo Vương Hy Phượng ‘đố phụ’ hình tượng tố tạo 从宦氏到王熙凤看妒妇形象塑造Trung Quốc Điện lực giáo dục 中国电力教育,(S1) 2009

2011
Giang Cự Vinh 江巨荣. “‘Vương Thúy Kiều’ tiểu thuyết đích do lai dữ lưu biến ‘王翠翘’小说的由来与流变”. Mỹ thuật Giáo dục nghiên cứu 美术教育研究, (2) 2011.

Hoàng Linh 黄玲. “Dân tộc tự sự dữ nữ tính thoại ngữ: Việt Nam Nguyễn Du đích sáng tác cập Kim Vân Kiều truyện đích kinh điển 民族叙事与女性话语——越南阮攸的创作及《金云翘传》的经典”. Tô Châu Khoa kỹ học viện học báo 苏州科技学院学报 (Xã hội khoa học bản), (6) 2011.

Tôn Lâm Lâm 孙琳琳.  “Kim Vân Kiều truyện nhân vật quan hệ phân tích《金云翘传》 人物关系分析Nghi Xuân Học viện học báo 宜春学院学报, (7) 2011.

Du Tường Châu 游祥洲. “Luận Kim Vân Kiều truyện siêu việt túc mệnh luận đích biện chứng: Tòng Phật giáo ‘Nghiệp tính bản không’ dữ ‘đương hạ Bồ đề’ đích quan điểm khán siêu việt túc mệnh luận đích tâm linh quan kiện 论《金云翘传》超越宿命论的辩证思维——从佛教业性本空当下菩提的观点看超越宿命论的心灵关键”. Đài Bắc Đại học Trung văn học báo 台北大学中文学报, (9) 2011.

2012
Hồ Cảnh 胡璟
. “Bình Thanh sơ tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện : Do ‘tài tử giai nhân’ hướng ‘kỹ viện lưu tục’ đích chuyển biến 评清初小说《金云翘传》 ——才子佳人妓院流俗的转变”.  Bắc Kinh Khoa Kỹ Đại học học báo – Xã hội Khoa học bản 北京科技大学学报(社会科学版)
 , (9) 2012.

Du Tường Châu 游祥洲. “Một hữu ô nê, một hữu liên hoa: Luận Kim Vân Kiều truyện trung tội ác cảm tình kết đích thế tục chuyển hóa tiến lộ, kiêm cập Liên hoa sắc Tỳ khâu ni đích chung cực liệu dũ chi đạo  没有污泥,没有莲花:论《金云翘传》中罪恶感情结的世俗转化进路,兼及莲花色比丘尼的终极疗癒之道”. Đài Bắc Đại học Trung văn học báo 台北大学中文学报,(11) 2012.

Ning Ma. “The Saintly Prostitute in Jin Yun Qiao zhuan” trong Rachana Sachdev và Qingjun Li (Chủ biên). Encountering China: Early Modern European Response. Lewisburg: Buckwell University Press, 2012, tr. 117-120.

2013
Giang Cự Vinh 江巨荣. “Minh Gia Tĩnh triều đích kháng Oa chiến tranh hoà Thanh truyền kỳ trung đích Vương Thúy Kiều cố sự 明嘉靖朝的抗倭战争和请传奇中的王翠翘故事. Khúc học, quyển 1, 2003.

Chu Na 周娜.  “Luận Anh Cơ toàn truyện Thự thảo thị [Sakurahime Zenden Akebono-Zoshi] đối Kim Vân Kiều truyện đích tá giám dữ tiếp thụ 论《樱姬全传曙草纸》对《金云翘传》的借鉴与接受”. Đông Nam Á Ngoại ngữ nghiên cứu 东北亚外语研究,22013.

Ngô Kiến Quốc 吴建国, Trần Sảng 陈爽. “Vương Thúy Kiều cố sự tòng sử truyện đáo văn học giảng thuật đích thiện biến quỹ tích 王翠翘故事从史传到文学讲述的嬗变轨迹.” Trung Quốc Văn học nghiên cứu 中国文学研究, (4) 2013.

Triệu Ngọc Lan 趙玉蘭. Kim Vân Kiều truyện – Phiên dịch dữ Nghiên cứu 《金雲翹傳》翻譯與研究. Bắc Kinh Đại học Xuất bản xã 北京大学出版社, 2013.

2014
Trần Chi Bình 陈支平. “Tòng Vương Thúy Kiều truyền kỳ khán Minh mạt Thanh sơ nhân đối vu Huy thương ‘Hải khấu’ đích lánh loại giải độc 从王翠翘传奇看明末清初人对于徽商‘海寇’的另类解读”. An Huy Sử học 安徽史学, (1) 2014.

Triu Kit Tân 赵杰新.“Lun Kim Vân Kiu truyn ‘tình dĩ hp tính’ đích bi kch ni hàm 论《金云翘传》情以合性的悲剧内涵H Châu Sư phm Hc vin hc báo 湖州师范学院学报,( 1 2014

Trần Thị Nhung 陈氏绒. “Trung Việt Kim Vân Kiều truyện, Kiều truyện tỉ giảo nghiên cứu bình nghị 中越《金云翘传》《翘传》比较研究评议”. Trung Quốc Văn học nghiên cứu 中国文学研究, (3) 2014.

Tiết Ngũ L 薛五莉.  “Kim Vân Kiu truyn đích linh d văn hóa thám tích《金云翘传》的灵异文化探析”.  Dân tc lun đàn 民族论坛, (5) 2014.

Đàm M Tĩnh 覃美静, Mc Quc Phương 莫国芳.  “Trung Vit Kim Vân Kiu truyn trung ‘thiên nhân hp nht’ sinh thái m hc tư tưng 中越《金云翘传》中的天人合一生态美学思想”.  Trưng Xuân Giáo dc Hc vin hc báo 长春教育学院学报, (5) 2014.

Chu Vân Thanh 周云青. “Lun Kim Vân Kiu truyn linh nhc nh nguyên lun đích lý lun khn cnh 论《金云翘传》灵肉二元论的伦理困境”.  Giang Tây Thanh niên Chc nghip Hc vin hc báo 江西青年职业学院学报, (6) 2014.

Nhm Oánh 任莹.  “Tng Nguyên thoi bn ti t s kết cu thưng đi Thanh sơ bch thoi tiu thuyết đích nh hưng: Dĩ Kim Vân Kiu truyn đa trùng t hp kết cu vi l宋元话本在叙事结构上对清初白话小说的影响-- 以《金云翘传》多重组合的叙事结构为例”. Sơn Hoa 山花,(92014.

La Thưng Vinh 罗尚荣, Viên Siêu Qun 袁超群.  “Kim Vân Kiu truyn d kỳ tài t giai nhân tiu thuyết đích bt đng《金云翘传》与其他才子佳人小说的不同”.  Trưng Xuân Giáo dc Hc vin hc báo 长春教育学院学报, (24) 2014.

Zhao Mi/Triệu Mật 赵宓. “Lover, Traitor, or National Heroine: Courtesan Wang Cuiqiao in China and Vietnam (1550-1820)”. Tham luận tại tiểu ban “Printing, Rewriting, and Translating Chinese Books Abroad, 1400-1850”, Hội nghị lần thứ XX của EACS (European Association of Chinese Studies), 23-26/7/2014.  

2015
Tào Song 曹双. 
 “Thí luận 20 thế kỷ 80 niên đại dĩ lai quốc nội học thuật đối Kim Vân Kiều truyện nghiên cứu 试论 2 0 世纪 8 0 年代以来国内学术界对《金云翘传》的 研究. Lc Dương Lý công Học viện học báo – Xã hội Khoa học bản 洛阳理工学院学报( 社会科学版) , (2) 2015.

Luận văn thạc s
Vương Thiên Nghi 王千宜. Kim Vân Kiều truyện nghiên cứu 金云翘传研究”. [Đài Loan] Đông Hải Đại học 东海大学, 1988 [Hướng dẫn: Hồ Vạn Xuyên 胡万川]

Lưu Ni Na 刘妮娜. “Kim Vân Kiều truyện nghiên cứu 《金云翘传》研究”. Sơn Tây Sư phạm Đại học 山西师范大学, 2009 [Hướng dẫn: Triệu Kế Hồng 赵继红]

Trần Hoan Hoan 陈欢欢. “Kim Vân Kiều truyện nghiên cứu 《金云翘传》研究”. Dương Châu Đại học 扬州大学, 2009 [Hướng dẫn: Đổng Quốc Viêm 董国炎]

Lê Thị Bảo Châu 黎氏宝珠. “Trung Quốc Thanh Tâm Tài Nhân Kim Vân Kiều truyện dữ Việt Nam Nguyễn Du Đoạn trường tân thanh chi tỉ giảo nghiên cứu 中国青心才人《金云翘传》与越南阮攸《断肠新声》之比较研究”. Nguyên Trí Đại học 元智大学, 2010 [Hướng dẫn: Vương Nhuận Hoa 王润华, Chiêm Hải Vân 詹海运]

Mã Đạo Pháp 马道法. “Kim Vân Kiều truyện nghiên cứu 《金云翘传》研究”. Tế Nam Đại học 济南大学, 2010 [Hướng dẫn: Tôn Ái Linh 孙爱玲]

Trương Tĩnh Tĩnh 张静静. “Kim Vân Kiều truyện nghiên cứu 《金云翘传》研究”. Thiểm Tây Sư phạm Đại học 陕西师范大学, 2010 [Hướng dẫn: Phùng Văn Lâu 冯文楼]

Nguyễn Ngọc Quỳnh Trâm 阮玉琼簪. “Tòng Trung Quốc Kim Vân Kiều truyện đáo Việt Nam Kiều truyện 从中国《金云翘传》到越南《翘传》”. Nam Kinh Sư phạm Đại học 南京师范大学,2013 [Hướng dẫn: Vương Thanh 王青]

Tống Á Linh 宋亚玲. “Trung Việt Kim Vân Kiều truyện đích tỉ giảo nghiên cứu 中越《金云翘传》的比较研究. Hồ Nam Sư phạm Đại học 湖南师范大学,2013 [Hướng dẫn: Triệu Viêm Thu 赵炎秋]

Đinh Bình Bình 丁平平. “Kim Vân Kiều truyện nghiên cứu《金云翘传》研究”. Thiểm Tây Lý công Học viện 陕西理工学院,2014 [Hướng dẫn: Lôi Dũng 雷勇]

Trần Sảng 陈爽. “Minh Thanh văn nhân đối Vương Thúy Kiều tự thuyết 明清文人对王翠翘叙说. Hồ Nam Sư phạm Đại học 湖南师范大学, 2014 [Hướng dẫn: Ngô Kiến Quốc 吴建国]




PHỤ LỤC

(Trên) Hai trang đầu của bản chép tay Quán Hoa đường; trang bìa (phải) với các dòng chữ đọc từ phải sang trái “Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ 青心才人編次 —— Kim Vân Kiều 金雲翹 —— Quán Hoa đường tử hành 貫華堂梓”; (Dưới) Hai trang đầu của Kim Vân Kiều án (bản in 1848, TVQG R.1856) với thông tin về bản Ngũ vân lâu.



[1] Les Poèmes de l’Annam – Kim Vân Kiều tân truyện. Abel des Michels công bố và dịch. Publications de L’Ecole des Langues orientales vivantes, IIe série, vol. XIV và XV. Paris: E. Leroux, 1884-1885, tập XIV, “Introduction”, tr. II, chú thích 1.
[2] Georges Cordier. Littérature Annamite – Extraits des poètes et des prosateurs. Hanoi – Haiphong: Imprimerie d’Extrême-Orient, 1914, tr. 39; Morceaux choisis d’auteurs annamites. Hanoi: Imp. Lê Văn Tân, 1932, tr. 147.
[3] Henri Maspéro, bài phê bình sách Littérature annamite. Extraits des poètes et des prosateurs của Georges Cordier (Hanoi – Haiphong, 1914) trong Bulletin de l’Ecole français d’Extrême-Orient, (14) 1914, tr. 2, 4-5.
[4] Thượng Chi. “Truyện Kiều”. Nam phong tạp chí, số 30 (12/1919), tr. 487.
[5] Phan Sĩ Bàng, Lê Thước. Truyện cụ Nguyễn Du – Tác giả truyện Thúy Kiều. Hà Nội: Mạc Đình Tư, 1924, tr. 15.
[6] Dương Quảng Hàm. “Nguồn gốc Truyện Kiều”. Tri tân 4 (24/6/1941), tr. 3-4, 21-23.
[7] Xem “Danh mục các nghiên cứu về Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân” ở cuối bài.  Các số hiệu trong ngoặc đơn được dùng để chỉ năm xuất bản và số trang.  Ví dụ (Đổng 1999 [a], 69) chỉ tập tiểu luận Kim Vân Kiều truyện của Đổng Văn Thành, xuất bản năm 1999, trang 69; ký hiệu “LV” đặt trước họ của tác giả chỉ “Luận văn thạc sỹ”. 
[8] Những luận điểm so sánh của Đổng đã có ảnh hưởng sâu đậm đối với nhiều lớp học giả Trung Quốc.  Tuy vậy, tiểu luận “Trung Việt Kim Vân Kiều truyện đích tỉ giảo” (Đổng 1986-1987) với những nhận xét bất cập của ông đã gặp phản ứng mạnh mẽ của các nhà nghiên cứu Việt Nam.  Xem: Phạm Tú Châu. “Đọc Truyện Kiều bản dịch Trung văn”. Văn nghệ, 3/11/1990; Hoàng Văn Lâu. “Cũng là một kiểu văn học so sánh”. Tạp chí Hán Nôm, số 3, 1998, in lại trong Hai trăm năm nghiên cứu, bàn luận Truyện Kiều, Hà Nội: Giáo dục, 2005, tr. 1594 – 1599; Nguyễn Khắc Phi. “Nhân đọc bài Kim Vân Kiều truyện của Đổng Văn Thành” trong Mối quan hệ giữa văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc qua cái nhìn văn học so sánh, Hà Nội: Giáo dục, 2001, tr.178 – 189, in lại trong 200 năm nghiên cứu – bàn luận truyện Kiều, tr. 1575 – 1582; Nguyễn Huệ Chi. “Trở lại câu chuyện so sánh Kim Vân Kiều truyện với Truyện Kiều của ông Đổng Văn Thành”, tham luận Hội thảo kỷ niệm 240 năm năm sinh Nguyễn Du do Viện Văn hóa – Thông tin tổ chức tại Hà Nội, 1/12/2005, truy cập tại http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=5941&rb=0102.
[9] Trong bài “Kim Vân Kiều truyện Trung văn phiên dịch sô nghị 《金雲翹傳》中文翻譯芻議” (Quảng Tây Dân tộc Đại học Học báo – Triết học Xã hội Khoa học bản, số 30:2 (3/2008)), Triệu Ngọc Lan chỉ ra hai khó khăn căn bản mà dịch giả Trung Quốc phải cần phải ý thức khi dịch Truyện Kiều.  Một là Kim Vân Kiều truyện của Nguyễn Du uẩn hàm rất nhiều tinh túy văn học, văn hóa Trung Quốc.  Hai là, truyện thơ Kim Vân Kiều bao gồm nhiều đặc sắc tươi mới của văn hóa dân tộc Việt Nam.  Do vậy, người dịch Trung văn phải (1) thông hiểu cả hai ngôn ngữ Trung – Việt, và (2) am tường văn hóa của cả hai nước, nắm được đặc trưng ngôn ngữ thi ca Trung – Việt, lý giải chính xác hàm nghĩa của nguyên tác truyện thơ; thấu triệt và chuyển đạt chính xác nội hàm văn hóa của ngôn ngữ nguyên tác (tr. 164-167). 
[10] Năm Khang Hy thứ nhất (1662), nhà Thanh hạ lệnh “thiên hải” (cũng gọi là “Thiên giới lệnh 遷界令) nhằm đối phó với vương triều họ Trịnh của di thần triều Minh Trịnh Thành Công 鄭成功 ở Đài Loan.  Để cắt đứt nguồn tiếp tế của cư dân duyên hải cho họ Trịnh, nhà Thanh ra lệnh dân cư các tỉnh ven biển từ Sơn Đông đến Quảng Đông phải di dời sâu vào trong đất liền 50 dặm.  Tham khảo Cố Thành 顧誠. “Thanh sơ thiên hải 清初遷海”. Bắc Kinh Sư phạm Đại học học báo 北京師範大學學報 (Xã hội khoa học bản), (3) 1983; Hoàng Đĩnh 黃挺. “Thanh sơ thiên hải sự kiện trung đích Triều Châu tông tộc 清初遷海事件中的潮州宗族”. Xã hội Khoa học 社會科學, (3) 2007.
[11] Đổng Văn Thành xác lập sự khu biệt giữa phồn bảngiản bản dựa trên cơ sở so sánh hai bộ Kim Vân Kiều truyện lưu trữ tại Thư viện Đại Liên 大連.  Theo đó, có 6 điểm khác biệt: (1) Phồn bản có bài tựa của Thiên Hoa tàng chủ nhân 天花藏主人; giản bản không có; (2) Phồn bản in cỡ lớn, không chia thành quyển; giản bản in cỡ trung, chia làm bốn quyển; (3) Xếp đặt phân hồi khác nhau; (4) Mở đầu và kết thúc mỗi hồi khác nhau, ví dụ như phồn bản thường mở đầu với một bài từ hoặc một khúc ca, nhưng thường không mở và kết với từ - khúc; (5) Trong chính văn của phồn bản có thêm thơ, phú, văn, từ khúc, câu đối, nhiều hơn so với giản bản ở 35 chỗ; (6) Phồn bản dài hơn giản bản tổng cộng đến 40,000 chữ (Đổng 1985 [a], 171-172).
[12] Trong bài “Ảnh hưởng của tiểu thuyết Trung Quốc đối với văn học Việt Nam,” Nhan Bảo có nhắc đến “Kim Vân Kiều truyện, tiểu thuyết văn xuôi 28 hồi” (Claudine Salmon (chủ biên). Tiểu thuyết truyền thống Trung Quốc ở Châu Á (từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20), Trần Hải Yến dịch. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004, truy cập tại http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/anh-huong-cua-tieu-thuyet-trung-quoc-doi-voi-van-hoc-viet-nam).  Gần đây, Đàm Quang Hưng trong bản dịch Kim Vân Kiều truyện – Văn phẩm Trung Quốc, thế kỷ 17 (Houston: Yên Thanh, 2013) có trình bày một bảng phân loại văn bản Kim Vân Kiều truyện gồm ba loại “Bản A” (“bản gốc,” phân thành 20 hồi), “Bản B” (phân thành 22 hồi), và “Bản C” (phân thành 30 hồi).  Trong cả hai trường hợp, rất tiếc là cả Nhan Bảo và Đàm Quang Hưng đều không cung cấp thêm bất kỳ thông tin gì về các văn bản mà họ đề cập.  
[13] Quán Hoa Đường là tên một toà nhà/thư viện trong khu gia cư của Kim Thánh Thán 金聖嘆 (1608-1661)Xem Roland Altenburger. “Appropriating Genius: Jin Shengtan’s Construction of Textual Authority and Authorship in His Commented Edition of Shuihu zhuan (The Water Margin Saga),” trong Christian Schwermann và Raji C. Steineck (chủ biên). That Wonderful Composite Called Author: Authorship in East Asian Literatures from the Beginnings to the Seventeenth Century. Leiden: Brill, 2014, tr. 193.
[14] Bản này chỉ còn 12 hồi; xem Vương Tiến 王進. “Phúc Châu lão bá thu tàng Kim Vân Kiều truyện tối tảo khắc bản 福州老伯收藏《金雲翹傳》最早刻本”. Đông Nam khoái báo 東南快報, 12/9/2006, truy cập tại http://phtv.ifeng.com/phoenixtv/83927994585841664/20060912/885009.shtml
[15] Theo Ngô Đức Thọ (chủ biên). Thư mục sách Hán Nôm ở Thư viện Quốc gia. Hà Nội: Bộ Văn hóa Thông tin – Thư viện Quốc gia, 2002: “Bản chép này (nguyên của cụ Lê Thước)…” (tr. 314).  Hiện nay vẫn không rõ thông tin này dựa trên cứ liệu nào.
[16] Về cách chia quyển, phân hồi của bản A.953, xem Kim Vân Kiều Thanh Tâm Tài Tử 金雲翹青心才子bản dịch của Tô Nam Nguyễn Đình Diệm, 2 tập. Saigon: Nha Văn hóa, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, 1971, tr. 129 phần bản chụp văn bản, tập 1; tr. 258, 375 phần bản chụp văn bản, tập 2.
[17] Hai tác giả Phan Sĩ Bàng và Lê Thước trong sách Truyện cụ Nguyễn Du – Tác giả truyện Thúy Kiều (sđd.) có nhắc đến một bản tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện: “Lịch sử của cô Kiều thì chúng tôi đã tìm được một quyển tiểu thuyết Tàu, nhan là Kim Vân Kiều truyện (…) Chúng tôi có sao lại một đoạn gởi cậy ông Pho là biên tập trường Bác cổ Hà Nội đối chiếu với bản Kiều chữ Hán của thư viện Bác cổ [tức là bản A.953 của Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện nay, N.N.].  Ông Pho có giả lời rằng ấy là thật bản của Tàu, ở Bác cổ có bản biên bằng tay còn bản chúng tôi tìm được thì in bằng giấy Tàu, mà chữ khắc cũng theo dạng chữ Tàu.” (tr. 15 và chú thích 1 cùng trang). 
Khoảng 17 năm sau, Dương Quảng Hàm trở lại vấn đề này trong bài “Nguồn gốc Truyện Kiều”, trong đó ông cho rằng bản A.953 chính là “một bản chép tay của bản khảo chứng D.”  Theo đó, “bản khảo chứng D” – “in theo lối mộc bản”, cũng là bản đã được hai ông Phan Sĩ Bàng và Lê Thước nói đến trước đó, với đặc điểm chia quyển, phân hồi trùng với bản A.953.  Đáng chú ý là trong khi ở tờ đầu quyển 2 và 3 (tờ đầu quyển 1 đã bị mất) đều ghi là Quán Hoa đường bình luận Kim Vân Kiều truyện, quyển chi nhị/tam – Thánh Thán ngoại thư – Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ, tờ đầu quyển 4 lại ghi là Ngũ Vân lâu bình luận Kim Vân Kiều truyện, quyển chi tứ - Thánh Thán ngoại thư – Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ (bđd., tr. 21). 
[18] Tuy chữ viết trong bản R.966-967 khá rõ và đẹp, văn bản rất tiếc có nhiều chỗ chép sai và chép sót. Những chỗ sai, sót được chỉnh sửa, bổ sung bởi một nét chữ khác, viết xen vào chính văn; đặc biệt, có những đoạn nhận xét bằng văn quốc ngữ, trong đó so sánh văn bản này với một “bản K.T.” nào đấy.  Qua những chữ sửa sai, những đoạn bổ sung, có thể nhận ra rằng dường như người bổ chính đã dùng bản A.953 để hiệu chỉnh.
[19] Trong bài tựa sách Kim Vân Kiều án 金雲翹案, Ước Phủ Nguyễn Văn Thắng viết: “Mỗ sinh không gặp thời, phải thất học, nhưng từ được nghe về Kim Vân Kiều quốc ngữ truyện: Xưa nhà Ngũ-vân-lâu bên Tàu in bản thực lục (?) đã lưu hành khắp chỗ, từ trước đến nay.  Kịp đến quan Đông-các (trỏ cụ Nguyễn Du) nước ta phu diễn ra quốc âm, truyền rộng ở đời, nhiều người đã được tai nghe mắt thấy.” (H.B. “Nguyễn Văn Thắng, soạn giả ‘Kim Vân Kiều án’ khác với Nguyễn Văn Thắng, tên trước cụ Yên Đổ”. Tri tân, số 85 (4/3/1943), tr. 5).  Xem (Benoit 1981, 348-349, chú 2); Nguyễn Khắc Bảo. “Giá trị chân xác của bài tựa Kim Vân Kiều án”. Thông báo Hán Nôm học năm 2000, Hà Nội: Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 2001, tr. 30-40; và Phụ lục bản chụp trang đầu bài tựa Kim Vân Kiều án ở cuối bài.
[20] Hiện không rõ bản Ngũ Vân Lâu đang được tàng trữ ở đâu.  Năm 1941, trong bài “Nguồn gốc Truyện Kiều,” Dương Quảng Hàm có nhắc đến người sở hữu văn bản này: “Quyển sách này chúng tôi có ý tìm tự lâu.  Gần đây, ông Trần Văn Giáp, tham tá ở Pháp quốc Viễn đông học viện, có cho chúng tôi biết rằng hiện ông Hoàng Xuân Hãn, giáo sư trường Trung học bảo hộ, giữ quyển này, chúng tôi bèn nhờ ông Hãn cho mượn xem.  Vậy xin có lời trân trọng cảm ơn hai ông.” (bđd., tr. 22, chú 11).  Bẵng đi đến hơn 20 năm sau, ngày 24/8/1963, trên báo Nhân dân, có bài của Lê Thước, nhan đề “Thêm tài liệu văn học quý trở về nước”, cho biết: “Một kiều bào khác cũng đã gửi tặng Viện Bảo tàng Lịch sử một quyển Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân biên soạn bằng chữ Hán (chép theo lối văn bạch thoại xưa) (…) Quyển này in bằng bản khắc gỗ đã cũ lắm, trên giấy Trung Quốc thời xưa. Sách bị mối đục, có nhiều tờ rách thủng nhưng đã được dán lại cẩn thận và bổ sung lại hoàn chỉnh theo một quyển khác (…) Theo lời ghi ngày 16.2.1942 của người có quyển sách, thì quyển sách này đã sưu tầm được từ năm 1923 trong một hàng cơm ở trước cửa nhà ga Vinh (Nghệ An).  Trong tập tiểu sử của Nguyễn Du do hai ông Lê Thước và Phan Sĩ Bàng xuất bản năm 1924 (trang 15), tác giả đã có nhắc đến quyển sách hiếm có ấy (…) [Q]uyển Kim Vân Kiều truyện bằng chữ Hán nói trên đã được nhiều nhà nghiên cứu đương thời để ý và đã được đem chưng bày tại vài cuộc triển lãm về văn học tổ chức tại Hà Nội (1929), Sài-gòn (1942) và Huế (1943).  Về sau, nó lại được đem sang Pa-ri và cất giữ cho đến ngày nay là lúc nó lại trở về Tổ quốc (…) Từ nay, nó sẽ được cất vào Viện Bảo tàng Lịch sử và sẽ được phục chế thành nhiều bản để đem chưng bày tại nhà bảo tàng của nhiều địa phương, phục vụ việc nghiên cứu văn học một cách sâu rộng hơn nữa.” (những phần in đậm do người viết [N.N.] nhấn mạnh).  Người “kiều bào” tặng sách được nhắc đến trong bài hẳn là Giáo sư Hoàng Xuân Hãn.          
[21] Charles Benoit (Lê Vân Nam). “Nàng Kiều và Tôi”. Xưa và Nay, số 13 (3/1995), in lại trong Phạm Đan Quế. Truyện Kiều trên báo chương thế kỷ XX. Hà Nội: Thanh Niên, 2003, tr. 354.
[22] “Lý Oa truyện李娃傳” của Bạch Hành Giản白行簡 (776-826) kể chuyện người thư sinh con nhà quyền thế Trịnh Nguyên Hoà鄭元和 đem lòng Lý Oa – danh kỹ ở Tràng An đến sa cơ, lỡ vận nhưng sau cũng nhờ Lý Oa giúp đỡ mà khôi phục trở lại.
[23] K. C. Leung. “Chu trình diễn hóa của ‘Kiều’: Lại bàn về kế thừa và sáng tạo”. Nguyễn Nam lược dịch, Tạp chí Văn học, 9/2003; in lại trong 200 năm nghiên cứu – bàn luận truyện Kiều, sđd., tr. 640.
[24] Henri Maspéro, bài phê bình sách Littérature annamite. Extraits des poètes et des prosateurs của Georges Cordier, bđd., tr. 2, 5.
[25] Đào Duy Anh.  “Từ Kim Vân Kiều truyện đến Đoạn trường tân thanh” in lại trong Đào Duy Anh. Truyện Kiều trong văn hóa Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Thanh niên, 2013, tr. 40-69.
[26] Xem phần “Luận văn thạc sỹ” trong “Danh mục các nghiên cứu về Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân” ở cuối bài.
[27] Bản dịch tiếng Việt “Nguyễn Du – Nhà thơ kiệt xuất Việt Nam và Truyện Kiều”.  Cao Hữu Lạng dịch. Kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du (1765-1965). Hà Nội: Khoa học Xã hội, 1967.
[28] Tiểu luận tạm thời chưa đề cập đến những nghiên cứu bằng tiếng Nhật của các học giả Nhật Bản.
[29] Tham khảo thêm bản dịch tiếng Việt: Đổng Văn Thành. “So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam”. Phạm Tú Châu dịch. Lê Xuân Lít (sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu). Hai trăm năm nghiên cứu – bàn luận Truyện Kiều, sđd., tr. 1542-1574.
[30] Tham luận đã được lược dịch sang tiếng Việt.  Xem K. C. Leung. “Chu trình diễn hóa của ‘Kiều’: Lại bàn về kế thừa và sáng tạo”. Nguyễn Nam lược dịch, Tạp chí Văn học, 9/2003, tr. 36-40.
[31] Tham khảo thêm bản dịch tiếng Việt: Trần Ích Nguyên. Nghiên cứu câu chuyện Vương Thúy Kiều. Phạm Tú Châu dịch, Hà Nội: Nxb. Lao Động và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2004. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét