Thứ Tư, 14 tháng 9, 2016

MỘT SỐ ĐIỂM DỊ BIỆT VỀ TỪ VỰNG VÀ NGỮ PHÁP CỦA TIẾNG VIỆT TRONG BA VĂN BẢN VIẾT BẰNG CHỮ QUỐC NGỮ THẾ KỈ XVII


 MỘT SỐ ĐIỂM DỊ BIỆT VỀ TỪ VỰNG VÀ NGỮ PHÁP CỦA TIẾNG VIỆT
TRONG BA VĂN BẢN VIẾT BẰNG CHỮ QUỐC NGỮ THẾ KỈ XVII
                                           Vũ Đức Nghiệu

Trong cuốn sách Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659 của Cụ Linh mục Đỗ Quang Chính, Sj. xuất bản lần thứ nhất năm 1972 (Tủ sách Ra khơi, Sài gòn), lần thứ hai năm 2008 (Nhà xuất bản Tôn giáo) có ba tài liệu viết bằng chữ quốc ngữ thế kỉ XVII, hiện được lưu trữ tại Văn khố Dòng Tên, thành Roma. Đó là: Thư của Igesico Văn Tín gửi Marini, viết ngày 12-9-1659 (dưới đây gọi tắt là thư V.Tín); Thư của Bento thiện gửi Marini, viết ngày 25-10-1659 (gọi tắt là thư B.Thiện); Văn bản nói về Lịch sử nước Annam (dưới đây viết tắt là LSAN) [1] cũng do B. Thiện soạn thảo khoảng đầu hoặc giữa năm 1659, gửi cho Marini. Ba Văn bản này đều do chính người Việt soạn thảo, bút tích, địa chỉ lưu trữ rõ ràng, thời gian soạn thảo được ghi hoặc được xác định chính xác, bảo đảm chắc chắn độ tin cậy về mặt văn bản học, đã được cụ Đỗ Quang Chính phiên chuyển sang chữ quốc ngữ hiện đại, in kèm ảnh bản. Chúng tôi khảo sát ba văn bản này và tìm hiểu một số biểu hiện dị biệt của tiếng Việt thế kỉ XVII so với hiện nay.
1. Trước khi trình bày những dị biệt về từ vựng, ngữ pháp, chúng tôi xin nêu một số điểm về văn bản viết tay và bản phiên chuyển sang chữ quốc ngữ hiện đại.
a - Trong bản phiên chuyển sang chữ quốc ngữ hiện đại ngày nay của văn bản LSAN có một số trường hợp tác giả Đỗ Quang Chính không phiên theo đúng cách phát âm ghi trên nguyên bản, nhằm giúp cho người đọc ngày nay dễ hiểu hơn. Ví dụ: Thinh hoa, Bua,  bàng, cha bợ, blờy,  blay (gái)... lần lượt được phiên chuyển thành Thanh hóa, vua, vàng, cha vợ, trời, trai (gái)...
Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng gì đến việc nghiên cứu của chúng tôi về từ vựng và ngữ pháp trong văn bản.
b - Đối chiếu bản in năm 1972 với bản in năm 2008 và ảnh bản của LSAN, chúng tôi thấy có một số điểm cần được hiệu chỉnh:
b.1. Dòng 5 và 6 tr.x (từ trên xuống), trang 160 của bản 2008, ứng với dòng 1 và 2, trang 117 của bản 1972, hai từ chúa mlồy đã được phiên chuyển thành chúa Lời. “Chiêm Thành Trì Trì cũng đến làm tôi. Vua đi đánh bắt được Chúa Lời, trai gái, đem về nước Annam...”. Chúng tôi cho rằng chúa mlồy cần được phiên chuyển là chúa Lồi hoặc để nguyên là Mlồi vì câu này nói về vua/chúa Chiêm Thành (Champa); mà nước Chiêm Thành, người Chiêm Thành xưa còn được gọi
người Mlồi, người Lồi. Chứng cớ là:
Từ điển Việt - Bồ đào nha - Latinh (1651) của A.de Rhodes có ghi rõ: LỒI, NƯỚC MLỒI: Vương quốc Champa. Trì trì, Chiêm thành. Cùng một nghĩa.
Dictionarium Annamitico Latinum (Tự vị Annam - Latinh; 1772-1773) của P.P.de Behaineghi nhận Quân Lồi. Người nước Chàm.
Dictionarium Annamitico Latinum của Aj.L. Taberd (1838) ghi nhận ở mục từ Lồi: quân Lồi. Incole regni antiqui Ciampa (quân Champa xưa).
Hiện nay ở Huế, Quảng Bình còn có mả Lồi, thành Lồi; Nghệ An có cầu Lồi (?).
b.2. Dòng 11 và 12 tr.x, trang 160 của bản 2008, ứng với dòng 6 và 7, trang 117 của bản 1972 phiên chuyển “Thiên hạ tối đâu thì nàm đấy, chẳng có ai dám dám ăn cướp trộm gì”, và được chú thích ở cuối trang là “Thiên hạ tới đâu thì làm đấy...” Chúng tôi cho rằng B. Thiện đã viết nằm thành nàm; và đoạn này cần được hiệu chỉnh thành “Thiên hạ tối đâu thì nằm đấy, chẳng có ai dám dám ăn cướp trộm gì”.
b.3. Dòng 7 tr.x, trang 166 của bản 2008, ứng với dòng 7 trang 121 của bản 1972 phiên chuyển “Đến rằm tháng bảy mới đốt ma cho ông bà ông vải”. Cuối trang, Cụ Đỗ Quang Chính chú thích là B. Thiện viết thừa một chữ ông. Thực ra, câu này cần được phiên chuyển thành đốt mã mới đúng, và ông bà ông vải là cách nói bình thường, không phải là thừa một chữ ông. Tục lệ đốt mã cho tổ tiên, ông bà là một tục lệ phổ biến và rất thường gặp của người Việt.
b.4. Dòng 5 dl., (từ dưới lên), trang 167, bản 2008, ứng với dòng 12 trang 122 bản 1972 phiên chuyển ...“cháu trai chẳng còn cha, để cho ông ba năm, còn cha để thì để một năm...”. Cuối trang, Cụ Đỗ Quang Chính chú thích là B. Thiện viết thừa một chữ để; tức là câu này có nghĩa rằng ...“cháu trai chẳng còn cha [thì] để [tang] cho ông ba năm, [nếu] còn cha thì để [tang cho ông] một năm...”.  Chúng tôi thấy có thể hiểu như vậy. Nhưng câu trên đây cũng có thể được hiểu với nghĩa là …“Cháu trai chẳng còn cha, để tang cho ông ba năm, [nếu] còn cha để [tang cho ông] thì [cháu] để [tang cho ông] một năm”. (Từ để ở đây là nói tắt để trở, để tang . Một số phương ngữ Bắc Việt Nam nay vẫn còn giữ cách nói này). Nếu hiểu như thế thì từ để sau từ cha không phải là thừa.
b.5. Dòng 7 tr.x, trang 167 bản in năm 2008, ứng với dòng 1 tr.x, trang 122 bản in năm 1972 có đoạn phiên chuyển là “Bằng sự cái phép tế các nơi”... Xem kỹ trong ảnh bản, chúng tôi thấy đoạn này vốn là “Bằng sự cái (các?) nơi phép tế các nơi”... Điều này cho phép đoán định: có lẽ B. Thiện muốn viết “Bằng sự phép tế các nơi”... nhưng đã viết “Bằng sự (cái ?) các nơi phép tế”... trước; điều này  không đúng ý ông, nhưng ông cũng không dùng bút gạch đi như ngày nay, mà chỉ viết lại thành “Bằng sự các nơi phép tế các nơi”... như chúng ta hiện thấy. Nếu đúng vậy, thì đoạn này chỉ giản dị là “Bằng sự phép tế các nơi”...
Hiện tượng viết nhầm ý mà không gạch bỏ, chỉ viết lại (để cho văn bản được sạch sẽ ?) như chúng tôi phân tích ở đây khiến cho chúng tôi nghiêng về cách hiểu “ thừa một chữ để ” như cụ Đỗ Quang Chính đã nêu. Tuy nhiên, cách hiểu mà chúng tôi đề xuất tại điểm b.4 bên trên cũng không phải là không có cơ sở.
 b.6. Dòng 3 dl., trang 168 của bản 2008, ứng với dòng 7, trang 123 của bản 1972 phiên chuyển “Đến ngày có con để (đẻ) được bảy ngày thì đơm mộ bà”... Thực ra, đây là câu nói về  việc cúng bà mụ theo tín ngưỡng xưa. Có lẽ B. Thiện đã viết từ bà mụ thành mụ bà, trong đó, mụ lại được viết thành mộ. Vậy ít nhất cũng nên hiệu chỉnh thành mụ bà (và được hiểu là bà mụ).
b.7. Trang 176, dòng 6 dl., bản 2008 in “đánh được con rắn ấy không đúng với ảnh bản và bản in năm 1972, chỉ là “đánh được rắn ấy (không có từ con đứng trước rắn ấy).
            2. Về mặt thành phần từ vựng, sau khi kiểm đếm cả ba văn bản (được coi như một mẫu nghiên cứu), chúng tôi thu được kết quả định lượng như sau:
2.a. Toàn bộ ba văn bản có 1.334 từ ngữ khác nhau, được sử dụng 8.676 lần; gồm:
- 1.070 (làm tròn) từ ngữ chung, chiếm 80,2% tổng số từ ngữ của mẫu nghiên cứu, được sử dụng 8.176 lần, bằng 94,2% độ dài văn bản.
- 264 danh từ riêng (nhân danh, địa danh…) chiếm 19,8% tổng số từ ngữ của mẫu nghiên cứu, được sử dụng 500 lần, bằng 5,8% dộ dài văn bản. (Dưới đây, các phân tích tiếp theo sẽ không kể 264 danh từ riêng này).
2.b. Thành phần từ vựng Hán Việt trong mẫu nghiên cứu chỉ chiếm 33,5% (358 / 1069). Tỉ lệ này không cao, thậm chí có thể nói là thấp so với tỷ lệ chung trong từ vựng tiếng Việt; và điều này không khó giải thích: Mẫu nghiên cứu là hai bức thư kể chuyện đời sống thường nhật và một văn bản viết kể chuyện đời sống, lịch sử xã hội Việt Nam. Vì vậy, tỉ lệ từ ngữ Hán Việt văn chương, thuật ngữ chuyên môn, không thể cao như trong các loại hình văn bản khác. Kết quả kiểm đếm cho thấy: trong nguồn ngữ liệu được khảo sát, các từ chỉ đơn vị hành chính, cơ quan của bộ máy quản lý nhà nước, chức tước, phẩm hàm, tổ chức thi cử, lễ tiết và tín ngưỡng… chiếm số lượng lớn trong các từ ngữ Hán Việt. Ví dụ:
- Đơn vị hành chính: thừa tuyên, phủ, huyện, châu, trại. động, sách, xã, xứ, thôn...
- Cơ quan quản lý nhà nước: lục bộ, thừa ty, cấp công, cấp hộ, cấp binh, cấp lễ, cấp lại...
- Chức tước, phẩm hàm: đô công, hữu hình, phủ quan, hầu tước, quận công, đề đốc, đô đốc, thiếu bảo, thái úy, thái sư, hữu tướng, đô nguyên suý, đại nguyên suý...
- Tổ chức thi cử: hương thí, tam tràng, kinh nghĩa, sinh đồ, hương cống, hội thí, tấn sĩ, trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa,hoàng giáp, chính tấn sĩ, tấn sĩ, đồng tấn sĩ, hàn lâm...
3. Kiểm đếm các từ cổ và từ dùng với nghĩa cổ so với ngày nay trong mẫu nghiên cứu này, chúng tôi rút ra được 44 từ. Cụ thể là:
a - Có 26 thực từ (bao gồm cả những từ vẫn còn trong tiếng Việt ngày nay, nhưng vào thế kỉ XVII chúng được dùng với nghĩa cổ, nay không còn sử dụng nữa ). 26 thực từ này xuất hiện 158 lần trong toàn bộ ngữ liệu được khảo sát: cả (= lớn): 7, cái (= con): 8, cái (= mụn): 1; chiềng (= trình,báo): 2, công nghiệp (= sự nghiệp): 3, đã (= khỏi): 2, dái (= sợ): 1, để (= bỏ): 2, đí (= một tí): 2, dộng (= thưa): 1, hầu hạ (= vợ bé): 1, khó (= khổ): 7, khốn nạn (= nạn lớn): 2, láo đáo: 1, phá dấy (= quấy phá ): 1, phải (= bị): 21, rày: 13, rằng (= nói): 13, sách (= làng miền núi): 2, sinh thì (= chết): 7, sự (= việc): 35, (ăn) tôi tôi:  1, trẩy: 16, (ăn) ưởi: 1, vì (= nể): 2, vì (= ngôi vua): 6.
b - Có 18 hư từ được sử dụng 192  lần trong mẫu nghiên cứu, bao gồm: bằng (= như, còn ...): 9, bởi (= từ): 4, cả và (= cả): 2, chăng (= không): 11, cùng (= với): 82, đoạn: 20, dù mà: 2, hằng: 3, hầu: 4, liên (= luôn): 7, một (= chỉ có): 1, như bằng: 1, những (= toàn là, chỉ): 7, phô (= tất cả): 2, ru: 2, song le (= nhưng): 26, thay thảy (= tất cả): 6, ví bằng: 3.
Nếu miêu tả một cách cụ thể hơn, chúng tôi thấy như sau:
3.1. Về các thực từ.
Phần lớn các từ trong danh sách thực từ nêu trên đây hoàn toàn có thể đối chiếu một cách khá đơn giản với những từ ngữ tương đương của chúng trong tiếng Việt ngày nay được. Ví dụ: dái = sợ / nể; vì = nể; liên = luôn; một = chỉ có; sách = bản / làng ở miền ngược; dộng = thưa; cả = lớn; đã = khỏi (bệnh); cái = mụn ...
            Tuy nhiên, có một số từ, do những khác biệt khá phức tạp so với hiện nay, cần phải được miêu tả và phân tích chi tiết hơn.
1) sinh thì. Đây là một từ rất đặc biệt, chỉ thấy xuất hiện trong các văn bản ghi bằng chữ quốc ngữ thế kỉ XVII thuộc phạm vi cộng đồng Thiên chúa giáo, có tấn số xuất hiện khá cao (7 lần trong mẫu nghiên cứu), có nghĩa là “chết”.
Từ điển Annam - Lusitan - Latinh (1651) của A. de Rhodes, Dictionarium Annamitico Latinum (Tự vị Annam - Latinh; 1772-1773) của P.P.de Behaine, Dictionarium Annamitico Latinum của Aj.L. Taberd (1838) đều có ghi nhận từ này.
Với tư cách một động từ, sinh thì có thể kết hợp được với đã, liền, khỏi... (đã sinh thì, cũng đã sinh thì, liền sinh thì, sinh thì khỏi...), trong đó, kết cấu sinh thì khỏi là một kết cấu rất lạ.
Điều đáng nói hơn nữa là ở chỗ, trong mẫu nghiên cứu, có từ ngữ đồng nghĩa với sinh thìchết (dùng 2 lần) và qua đời (dùng 34 lần). Như vậy ở đây đã có sự phân biệt giữa ba từ: sinh thi, chếtqua đời. Các ngữ cảnh cho thấy sinh thì chỉ dùng thay cho chết khi nói về người có đạo, đáng kính; còn chết qua đời thì dùng trong các trường hợp còn lại, tuỳ sự lựa chọn cho thích hợp. Ví dụ: So sánh các ngữ liệu sau đây:
- ... ông Chưởng Minh (...) liền sinh thì (thư V.Tín); ... chẳng hay Người [ thầy Boym ] đã sinh thì khỏi (thư V.Tín); ... thì người [ thầy cả Miguel ] đã sinh thì chẳng còn... (LSAN)
- Mà con Bà ấy nên sáu tuổi qua đời ... (LSAN). Sau nữa anh Miguel là Antonio Cẩm Đình thì vợ đã qua đời (thư B.Thiện) ... ông Chưởng Trà ... mấy ngày [sau] liền chết (thư V.Tín). Nàng ấy liền chết ... Thấy vợ đã chết ...  liền gieo mình xuống mà chết nữa. (LSAN).
Có một điều đáng chú ý là trong 42 văn bản thư tín viết bằng chữ quốc ngữ từ năm 1687 đến năm 1825 (xem [19]), chúng tôi thấy sinh thì được dùng ít hẳn đi (một lần dùng tại văn bản số 5 viết năm 1689, một lần dùng tại văn bản số 6 viết năm 1702.  (Theo danh sách các từ cổ do GS. Đoàn Thiện Thuật kiểm đếm và ghi ở cuối mỗi văn bản, thì thấy Ông chỉ ghi nhận có một lần ở văn bản số 5). Sự hiện diện thưa thớt của từ sinh thì trong các văn bản thư tín từ cuối thế kỷ XVII đến hết thế kỷ XVIII cần được tiếp tục nghiên cứu để giải thích. 
2) rằng. Trong mẫu nghiên cứu, từ này có 33 lần được dùng phụ sau động từ (chẳng hạn: bảo rằng, khóc rằng, rao rằng, chiềng quan rằng, ước rằng, xin cùng tôi rằng...) và đặc biệt, có 13 lần được dùng với tư cách một động từ thực sự, có nghĩa là nói. Ví dụ:
Trong các văn bản đang xét, có: ... vua cha là Hùng Vương nói rằng (...) liền hay gọi mẹ mà hỏi rằng: ấy khách nào, đí gì đấy?... Thằng bé ấy bảo mẹ rằng (...) (LSAN);
Nhưng cũng có: Mẹ rằng Khách nhà Vua đi rao (...) Người ta rằng, mài gươm mòn trái núi, ngựa thì uống cạn nước sông (...) Chúa Tiên liền rằng (...) Xưa rằng có người Giái tử... (LSAN) Chúa mới rằng cho một Thầy ở... ông Tần lại rằng ... (thư B.Thiện).
Thế kỉ XV, trong Quốc âm thi tập (QÂTT) [16], và cuối thế kỉ XIII, đầu thế kỉ XIV, trong bốn bài phú thời Trần [1], rằng đã có ý nghĩa và cách dùng này (bản phiên âm QÂTT có thể phiên rằng hoặc rặng). Ví dụ:
Hứng bợn lầu thơ khách ngại rằng [16, bài 206]. Ai rặng mai hoa thanh hết tấc [16, bài 47]. Ai hay cóc được mới rằng là đã [1, tr. 174].
Như vậy, đến thế kỷ XVII, sự phân biệt giữa rằng với nói, nói rằng vẫn con có sự “chồng lấn” như hồi thế kỉ XV, vẫn chưa phải là hoàn toàn phân minh như trong tiếng Việt ngày nay. Yếu tố rằng trong các  lối nói như “chẳng nói rằng gì, chẳng nói chẳng rằng, chẳng rằng chẳng nói”... hiện nay chính là từ rằng dùng độc lập xưa kia còn lưu lại; và những lối nói như “Bờm rằng...” hoặc lối nói “giả cổ” như “Giôn rằng..., Ních rằng...” cũng chính là tàn dư còn lại của từ
rằng ngày xưa.
3) . Trong mẫu nghiên cứu, chúng tôi thấy có từ với nghĩa là “ngôi vua”. Đây cũng là một trường hợp cần được chú ý, bởi nó được dùng 6 lần thì có tới 5 lần trong những kết hợp rất khác với hiện nay: cướp / ăn cướp vì (= cướp ngôi), để vì (= để ngôi lại cho), truyền vì (= truyền ngôi), nhường vì (= nhường ngôi). Ví dụ:
Long Quân trị vì ... (LSAN). Em ... giết anh, cướp vì mà lên trị, tên là Lê Ngọa triều ...(LSAN). Giản Tu Công ăn cướp vì Vua mà lên... (LSAN). Bà ấy liền lấy làm chồng ... mà để vì cho nhà trị (LSAN). Trị được tám năm, lại truyền vì cho Hiến Tông ... (LSAN). Lại truyền vì cho Túc Tông là thứ bảy (LSAN). Nhường vì cho con là Đại Chính. (LSAN)
            trong các cách dùng nêu trên có nghĩa là ngôi vị. Điều này có thể kiểm chứng được qua một số nguồn từ điển.
Từ điển Annam - Lusitan - Latinh của A. de Rhodes có ghi “Uì, TRỊ Uì: cai trị”. “Uì, THAY Uì: Thế chỗ ai”.
Dictionarium Annamitico Latinum (Tự vị Annam - Latinh; 1772-1773) của P.P.de Behaine ghi nhận: Vì: ngôi vị.
 Dictionarium Annamitico Latinum của Aj.L. Taberd (1838) cũng có ghi nhận các từ và cụm từ: Vì,  Trị vì, Thay vì.
4) cái. (không phải là cái = mụn). Đây là danh từ đơn vị, ngày nay chỉ kết hợp với danh từ bất động vật (trừ những lối nói xưa còn sót lại như: cái cò, cái vạc, cái nông...); nhưng trong mẫu khảo sát, cái vừa kết hợp với danh từ bất động vật, lại vừa kết hợp được với danh từ chỉ động vật một cách khá phổ biến. Ví dụ:
... hỏi vợ rằng: Nào cái nỏ cha để đâu, lấy cho anh xem? (LSAN). ... gặp cái rùa ngày trước cho vuốt ấy (LSAN). Song le vốn là con cái cáo, nhà quê ở chợ Đài Lèn ... (LSAN). ...trứng ấy nở ra được cái rắn (LSAN). 
Tuy nhiên, ở đây, từ con cũng xuất hiện trong vị trí kết hợp với danh từ động vật. Ví dụ:
... về bảo Vua đánh một con ngựa sắt (...) thấy một con rồng vàng, nằm ngang sông (...) Nhà giầu thì con lợn hay là bò như của làm tin vậy (...) có con hát hát mừng ... (LSAN) 
Như vậy, vào thế kỉ XVII, sự phân vai giữa concái về khả năng kết hợp ngữ pháp, rõ ràng là vẫn chưa phân minh. Giữa chúng còn có sự “lấn sân, tranh chấp”. Tình trạng chưa phân minh này, thật ra, là sự tiếp nối từ tiếng Việt thế kỉ XV. Trong hai mẫu nghiên cứu là QÂTT [16] và Hồng Đức quốc âm thi tập (HĐQÂTT - [21]), chúng ta có thể vừa thấy những kết hợp như: cái vẹt, cái chim, cái ve ve, cái đè he, cái quít chè... lại vừa thấy cả những kết hơp con am, con lều ...
Vào thời gian ra đời của ba văn bản viết bằng chữ quốc ngữ này, cái con vẫn còn đang tiếp tục con đường phân bổ lại về ý nghĩa, chức năng giữa chúng với nhau.
5) phải. Trong mẫu nghiên cứu, phải thực sự thể hiện là một động từ vì nó có thể có bổ ngữ phía sau là một từ (phải tật), cụm từ (phải nước độc) hoặc một mệnh đề (phải thuỷ tinh bắt nó). Ví dụ:
Người ở đấy độc nước, phải liệt… (thư V.Tín). Thầy chẳng có được đến cùng vua, phải ở giáp cõi Ngô, phải nước độc thì người đã sinh thì chẳng còn (thư B.Thiện). Họ Hồ là kẻ nghịch lên làm vua ở Diễn Chu phủ là Nghệ An, dòng dõi là Hồ Tôn Tinh, phải Thủy Tinh bắt nó, (thư B.Thiện)
Về nghĩa, tư liệu khảo sát cho thấy phải có bốn nghĩa chính:
a. Tiếp thụ (không có chủ ý) cái gì đó mà người nói cho là bất lợi, rui ro, không may mắn (nghĩa này được dùng 8 lần). Ví dụ: phải lụt cả, phải liệt, phải tật, phải vạ, phải nước độc, phải Thuỷ tinh nó bắt...
 b. Bắt buộc phải làm / nhận điều, việc gì mà mình không muốn (nghĩa này được dùng 10 lần). . Ví dụ: phải làm cỗ cho làng ăn, phải ra ở biển
c. Làm, nhận điều / việc gì mà mình cho đó là cần thiết (được dùng 2 lần). Ví dụ:
… tôi phải làm một hai lời sang lạy ơn Thầy vậy (thư B.Thiện). Phải bảo cho Miguel biết mà mừng cho ông ấy. (thư B.Thiện)
d. Đúng, trúng, nhằm với ...(nghĩa này được dùng 1 lần).  Ví dụ:
Mà Vua ấy thấy người trai tốt lành làm vậy thì phải lòng. (LSAN)
            Ba ý nghĩa và cách dùng trên đây của phải đã hiện diện rõ từ thời bốn bài phú đời Trần [1] và thế kỉ XV trong QÂTT [16], HĐQÂTT [21]. Hai nghĩa a. và b. xuất hiện 11 lần trong bốn bài phú thời Trần, 30 lần trong QÂTT, 10 lần trong HĐQÂTT; nghĩa c. xuất hiện 3 lần trong bốn bài phú thời Trần, 5 lần trong QÂTT, 3 lần trong HĐQÂTT. Ví dụ:
Di đà là tính sáng soi, mựa phải nhọc tìm cực lạc [1, tr.168].
Phải luỵ vì danh đã hổ thay [16, bài 75]. 
Vào thời kỳ ra đời của mẫu nghiên cứu (thế kỉ XVII), con bài trùng của phảibị mới chỉ xuất hiện một cách rất mờ nhạt và hoạt động trong còn hết sức yếu ớt. Trong các tài liệu thành văn bằng chữ Nôm, chữ quốc ngữ thời kì đó hiện kiểm chứng được, bị chỉ được ghi nhận một lần duy nhất “bị phong ba” trong từ điển Việt - Bồ đào nha - Latinh của A. de Rhdes.
Trong tiếng Việt ngày nay, nghĩa a. và cách dùng (kết hợp từ) tương ứng nêu trên của phải đã trở thành nghiã cổ, cách dùng cổ và chúng đã hoàn toàn do từ  bị đảm nhiệm, thay thế (ngoại trừ những lối nói xưa còn sót lại như: phải một cái giái đến già, đồ phải gió...)
3.2. Về các hư từ.
Trong danh sách 18 hư từ nêu trên, việc đối chiếu: dù mà, ru, song le, ví bằng với những từ ngữ có nghĩa tương đương của chúng trong tiếng Việt hiện đại, tương đối đơn giản. Số còn lại, nếu xét về mặt chức năng, có thể thấy:
phô, cả và chuyên đứng đầu danh ngữ.
thay thảy chuyên đứng cuối danh ngữ.
hằng, hầu, một, những chuyên đứng trước động từ trung tâm của động ngữ.
cùng, liên, đoạn chuyên đứng sau động từ trung tâm hoặc cuối động ngữ.
bằng, như bằng, bởi, chăng, không phải là những yếu tố chuyên dụng có vị trí phân bố ổn định trong danh ngữ hoặc động ngữ.              
Dưới đây, chúng tôi sẽ lần lượt trình bày những dị biệt của các hư từ đó so với tiếng Việt ngày nay.
3.2.1- Hai hư từ đứng đầu danh ngữ: phô, cả và.
phô . Ý nghĩa của phô là ý nghĩa chỉ số nhiều (tương đương với các, những).Ví dụ:
... ông Tần ông Niêm dộng (tâu) Chúa rằng: phô Thầy có ý sang làm tôi mà đức chúa chẳng cho ở, thì phô Thầy ấy buồn lắm... [3, tr.142].
Trên thực tế, phô đã tồn tại và hoạt động trong QÂTT, trong bốn bài phú thời Trần [1] và trong bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh (tác phẩm Nôm có thể vào thời Lý, đầu thế kỉ XII [theo 9] hoặc muộn nhất cũng phải vào khoảng thế kỉ XV [theo 13]) . Ví dụ:
Nhắn bảo phô bay đạo cái con [16, bài 192]. Phô người quân tử mở miệng trái tai [1, tr.181]. Phô mày sá già lẽ nghe [13, tr.158] ... Phô bay xét nghe [13, tr.150]
Bên cạnh phô, trong mẫu nghiên cứu đã có những (mang nghĩa số nhiều) được dùng 7 lần, các được dùng tới 42 lần. Trong Sách sổ sang chép các việc của Philiphê Bỉnh năm 1822 phô được dùng 38 lần, những 478 lần, các 790 lần [10, tr. 27]. Điều này chứng tỏ rằng vào thế kỉ XVII, XVIII, những, các đã có năng lực hoạt động lớn hơn phô rất nhiều; và xu thế, quá trình những, các thay thế cho phô đã diễn ra rất mạnh.
cả và. Từ này luôn đứng trước danh từ. Ý nghĩa của nó tương đương với ý nghĩa của cả (toàn, toàn bộ, tất cả) ngày nay. Ví dụ:
... rượu thì cớt [cất, bưng] cả và cong mà uống. [3, tr.150]. Cả và thiên hạ: năm mươi mốt phủ, 172 huyện, 48 chu... [3, tr. 175]
Trong mẫu nghiên cứu, từ cả không hiện diện một lần nào; cả và xuất hiện hai lần thì cả hai lần đều có nghĩa tương đương với từ cả hiện nay.
Tra từ điển Việt - Bồ đào nha - Latinh của A. Rhodes, chúng tôi thấy từ điển này có ghi nhận cả và trong mục từ cả và nhà và trong cụm từ cả và thiên hạ; đồng thời cũng đã ghi nhận từ cả (=toàn bộ) trong cụm từ đi cả. Như vậy, phải khẳng định rằng, vào thế kỉ XVII, cả cả và là hai từ có nghĩa tương đương đã cùng tồn tại. 
3.2.2- Hư từ thay thảy.
Ý nghĩa của thay thảy tương đương với tất cả, tất thảy, hết thảy, toàn bộ, toàn thể  ngày nay. Ví dụ: Các sự thay thảy. [3, tr.167]; ... cho đi làm Phủ, Huyện quan, cùng các chức thay thảy.[3, tr.171]; Song le, ông Minh thì tin lắm, để (= bỏ) hết hầu hạ (= vợ bé, thiếp) thay thảy... [3, tr.141]; ... các sự Thầy để lại đây, thì tôi để mặc Thầy cả thay thảy, cũng có phần gưởi về Macao, có phần để lại đây.[3, tr.139]; Thói nước, trong nhà thì thờ tiên sư, là dạy học các nghề  nghiệp gì, thì có tiên sư thay thảy. [3, tr.175]; Thượng chưởng lục bộ thì coi hết thay thảy. [3, tr.171]. Trong bốn bài phú thời Trần chúng ta đã gặp từ này 1 lần (   Vào chưng cõi thánh thênh thênh; Thoát rẽ lòng phàm thay thảy [1, tr.178]); và với các nghĩa khác nhau, thay thảy đã xuất hiện trong QÂTT 2 lần, trong HĐQÂTT tới 6 lần.   
Ở đây, trong ba văn bản viết bằng chữ quốc ngữ được nghiên cứu, có hai điều cần chú ý.
Thứ nhất, thay thảy thường đứng cuối danh ngữ với ý nghĩa tất cả, tất thảy, hết thảy; mà nếu dùng từ tất cả, tất thảy, hết thảy để thay thế cho thay thảy theo cách nói ngày nay thì phải đặt chúng ở vị trí đứng trước danh từ trung tâm.
Các sự thay thảy.                                → [Đó là] tất cả/ tất thảy mọi việc.
cùng các chức thay thảy.                     → cùng tất cả các chức.
để hết hầu hạ thay thảy...                    → để hết tất cả/ hết thảy hầu hạ...
thì có tiên sư thay thảy                        → thì (tất cả/ tất thảy/ hết thảy đều) có tiên sư.
Thứ hai, trong mẫu nghiên cứu này, chúng tôi thấy có hai lần dường như thay thảy được dùng với tư cách của một đại từ thay thế (với ý nghĩa toàn thể, tất cả, tất thảy, hết thảy). Ví dụ:
Thượng chưởng lục bộ thì coi hết thay thảy [các bộ]. [3, tr.171]
... các sự Thầy để lại đây, thì tôi để mặc Thầy cả thay thảy...[3, tr.139] 
Có lẽ đây là bước khởi đầu để muộn nhất là đến cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, thay thảy được dùng phổ biến với tư cách đại từ thay thế như trong Sách sổ sang chép các việc của Philiphê Bỉnh đã ghi nhận (29 / 33 lần thay thảy được sử dụng trong sách đó. Ví dụ [10])
... đang đi kiệu thì thay thảy phải lần hạt bảy sự thương khó. 
... thì thay thảy đều yêu chuộng cùng lấy làm lạ...
3.2.3- Nhóm hư từ đứng trước động từ: hằng, hầu, một, những
hằng (= thường, luôn, luôn luôn). Ví dụ:
... bổn đạo mọi nơi hằng có đến liên... [3, tr.138]. Kẻ chịu đạo thì hằng có liên... [3, tr.139]. Song le bên ấy rày hằng ra Kẻ Chợ xưng tội liên [3, tr.146].
Ngoài các tư liệu nêu trên, theo khảo sát của chúng tôi, trong bốn bài phú thời Trần, hằng được dùng 1 lần, trong QATT được dùng 15 lần, trong HĐQÂTT được dùng 24 lần. Ví dụ:
... cứng hỷ xả, nhuyến từ bi, nội tự tại kinh lòng hằng đọc [1. tr. 171]
Lọn thuở đông hằng nhờ bếp [16, b. 38]
Thực tế cho thấy hằng luôn đứng trước động từ; và trong tư liệu khảo sát thế kỉ XVII, nó thường đứng trong cấu trúc cú pháp có sự tham gia của liên. Cấu trúc hằng - động từ (ngữ) - liên có ý nghĩa “thường/ thường xuyên - động từ (ngữ) luôn”. Bởi vây, các cấu trúc hằng - động từ (ngữ) - liên nêu trên hoàn toàn có thể được cải biến sang cách nói tương đương ngày nay như sau:
... hằng có đến liên...                           → ... mọi nơi thường có đến luôn
... hằng có liên ...                                 → ... thường có luôn.
... hằng ra Kẻ Chợ xưng tội liên         → ... thường ra Kẻ Chợ xưng tội luôn.                     
hầu. Cũng như hằng, trong mẫu nghiên cứu, từ hầu được dùng trước động từ. Ví dụ, xét hai câu:  
Muốn cho người ta được ơn Thầy nữa, chẳng hay Đức Chúa Trời chẳng cho, mà mở lòng cho Thầy đi phương khác thì hầu biết làm sao được [3, tr.131]. Sau nữa, sự bổn đạo bên này thì Thầy biết hết (...) tôi hầu nói làm chi... [3, tr.131]
            Từ điển Việt - Bồ đào nha - Latinh (1651) tuy không giải thích rõ nghĩa của từ hầu này, nhưng có đưa cụm từ Hầu về được và giải thích là Khó có thể trở về nhà được. Như vậy, căn cứ vào các ngữ liệu trong mẫu nghiên cứu và trong Từ điển Việt - Bồ đào nha - Latinh, có thể thấy rằng: hầu có ý nghĩa như một động từ tình thái “đành, không biết làm thế nào khác”. 
một. Với ý nghĩa “chỉ, chỉ có”, một luôn luôn đứng trước động từ như hằnghầu. Trong mẫu nghiên cứu, chúng tôi chỉ gặp một lần từ một được dùng với ý nghĩa này  trong thư của B. Thiện gửi Linh mục G.F. de Marini (trong khi đó, một với nghĩa số từ, được dùng trong toàn bộ mẫu nghiên cứu tới 143 lần): Các bổn đạo xứ Đông thì lòng nhớ thầy lắm, một ước ao cho Thầy lại đến nước nầy một lần nữa... [3, tr.138].
Ý nghĩa và cách dùng này của một, thực ra đã có từ sớm hơn nhiều. Trong QÂTT, trong bốn bài phú thời Trần, trong bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh, chúng ta đã gặp những lối nói, cách dùng từ một như:
Nguyện xin một thấy thuở thăng bình [16, b.107]
Đầu khách dễ lên bén bạc; sườn non hãy một xanh đen [1, tr. 178]
Tuy nhiên, trong ba văn bản được khảo sát ở đây, một còn cho thấy nó có khả năng tham gia tạo lập các kết cấu cú pháp “... một ... là một ...” hoặc “... một .... một”… Ví dụ:
... vì một ngày là một xa... [3, tr.144] ... cùng sang nước Annam mà ở một người một xứ [3, tr.152]. Người ta ăn thịt [tên Đỗ Thích] một người một miếng. [3, tr.154].
Trong tiếng Việt ngày nay, thay vì các kết cấu đó là kết cấu … “mỗi … một”… hoặc … “mỗi … là một”… Vì vậy, chúng ta có thể có:
... một người một xứ.              →        … mỗi người một xứ.
... một người một miếng.         →        … mỗi người một miếng.
những (= chỉ, toàn, toàn là...)
Trong mẫu nghiên cứu, những có thể đứng trước danh từ hoặc động từ.  Bên cạnh ý nghĩa số nhiều thông thường như ngày nay (ví dụ: những quan tấn sĩ) kết quả khảo sát cho thấy những còn có ý nghĩa tương đương với “chỉ / toàn / toàn là / chỉ toàn là...” ( 7/16 lần được sử dụng ). Khi đứng trước danh từ, những có nghĩa chỉ toàn thể, số nhiều “toàn / toàn là / chỉ toàn là...”; còn khi đứng trước động từ, nó có nghĩa tương đương với “chỉ / toàn / toàn là / chỉ toàn là...”. Ví dụ:
... người ta thì ở những trên thuyền bè ... [3, tr.156] ... ở bên này thì những chịu khó liên [3, tr.129]. ... đây thì những Annam ... [3, tr.142].
Điều đáng chú ý ở đây là khi đứng trước động từ, những thường tham gia vào cấu trúc cú pháp những - động từ (ngữ) - liên có ý nghĩa “toàn/chỉ - động từ (ngữ) - luôn/ suốt”. Ví dụ: ... những chịu khó liên ... [3, tr. 129]; ... những đi đánh nhau liên chẳng có khi dừng [3, tr.153].
Trong QÂTT và bản giải âm Phật thuyết... chúng ta cũng đã gặp những cách dùng của những như trên đây. Ví dụ:
Những lệ xuân qua tuổi tác thêm [16, b. 205]
... ấm ức bảo họ hàng, những âu là chết đến xâm ... [13, tr.151]
3.2.4- Nhóm hư từ đứng sau động từ cùng, liên, đoạn.
cùng. Từ này, kiểm đếm trong trong mẫu nghiên cứu, được dùng tới 82 lần với ý nghĩa như “và, với”. Ví dụ:
... lại đánh một cái thiết vọt sắt đem đến đây, cùng thổi một trăm nong cơm, cùng một trăm cong rượu cho tao ăn uống.(...) liền đem đến cơm cùng rượu... [3, tr.150] ... thì Đức Chúa chèo thuyền cùng bắn súng lớn cho quen ... [3, tr.165] ... xin cùng Bụt địa tạng (...) cùng đốt áo mão cùng các vật cho cha mẹ. [3, tr.166]. Lòng Thầy cả tiếc cùng thương lắm. [3, tr.134]… Thầy sẽ làm phúc trao cho ông ấy cho tôi cùng [3, tr.146].
Trong QÂTT, chúng ta đã gặp cùng với những ý nghĩa và cách dùng như vừa nêu trên. Ví dụ:      Mùi thế đắng cay cùng mặn chát [16, b. 46].
Đất dư dời được, bạn cùng thông [16, b. 245]
Trong tiếng Việt ngày nay, phần lớn cách dùng từ cùng với vị trí và ý nghĩa như “và, với” đã được thay thế bằng hoặc với.
Tuy nhiên, nói như vậy không phải là vào thời của mẫu khảo sát, tiếng Việt chưa có từ . Mặc dù chưa được dùng hoàn toàn như ngày nay nhưng trong mẫu khảo sát, xuất hiện tới 9 lần; đồng thời, có chỗ từ cùng và từ cùng được dùng trong một câu để thể hiện ý nghĩa liên kết. Ví dụ: Đánh giặc đoạn liền lên trên núi Sóc mà bay lên trời và người và ngựa [3, tr.150].  Thiên hạ mất mùa, người ta cùng trâu bò gà lợn chết hết, vì vua ở lỗi đạo trời mất lòng dân. [3, tr.155].
liên. Từ này có nghiã tương đương với luôn/ luôn luôn/ suốt hiện nay. Trong mẫu khảo sát, liên được dùng 8 lần. Cụ thể là: ...những đi đánh nhau liên, [3, tr.153] ... chè rượu trai gái liên [3, tr.157], ... và được mùa liên [3, tr.161], ... hằng có đến liên [3, tr.138], ... ra kẻ chợ xưng tội liên [3, tr.146], ... những chịu khó liên [3, tr.129], ... càng trông nhớ Thầy liên [3, tr.130]. Kẻ chịu đạo thì hằng có liên  [3, tr.139].
Thực tế cho thấy: liên luôn đứng cuối động ngữ; mà có khi vị trí đó cũng đồng thời là vị trí dứt câu. Để nhấn mạnh hơn ý “nhiều, liên tục, luôn luôn” của hành động do động từ biểu thị, người ta có thể kết hợp thêm từ những, hằng, càng vào trước động từ. Ví dụ:
... những đi đánh nhau liên... [3, tr.153], ... hằng có đến liên [3, tr.138], ... những chịu khó liên [3, tr.129], ... càng trông nhớ Thầy liên [3, tr.130], ... thì hằng liên  [3, tr.139].
Vậy, có thể chắc được một điều là liên tương đương với luôn trong tiếng Việt ngày nay cả về nội dung ý nghĩa lẫn khả năng vị trí phân bố trong cấu trúc của động ngữ.
đoạn. Từ này có nghĩa tương tự như xong, rồi trong tiếng Việt hiện nay. Trong mẫu nghiên cứu, đoạn xuất hiện 20 lần, gồm 3 lần trong cấu trúc động từ (ngữ) - đoạn và 17 lần đứng ở đầu câu hoặc đầu mệnh đề báo hiệu dứt câu hoặc mệnh đề trước, bắt đầu sự tình được biểu hiện bằng câu, mệnh đề tiếp theo. Ví dụ:
Đánh giặc đoạn liền lên trên núi Sóc mà bay lên trời và người và ngựa [3, tr.150]. ... mà người đã biết mình chẳng đã (= khỏi) thì mời thầy rửa tội cho tên là Josaphat, đoạn liền sinh thì [3, tr.131]. Đoạn đến đàn Thần Kì Đạo, Đức Chúa lạy đoạn (...). Đoạn lại đánh trống (...). Đoạn liền về tập voi tập ngựa...[3, tr.164-165].
Như vậy, có thể thấy rằng: trong mẫu nghiên cứu này, bên cạnh khả năng phân bố liền sau động từ (ví dụ: nói đoạn, lạy đoạn) hoặc đứng cuối động ngữ (ví dụ: đánh giặc đoạn) từ đoạn còn có rất nhiều khả năng phân bố ở vị trí đầu câu, đầu mệnh đề, đảm nhận chức năng làm dấu hiệu hình thức biểu hiện dứt câu hoặc mệnh đề trước, bắt đầu câu hoặc mệnh đề tiếp theo. 
3.2.5- Các hư từ bằng, như bằng, chăng, bởi.
bằng. Xuất hiện 9 lần với tư cách giới từ trong mẫu nghiên cứu, từ này có 3 lần làm từ so sánh, trong khi từ so sánh như xuất hiện 10 lần. Theo dõi từ QÂTT, HĐQÂTT qua Thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm (thế kỉ XVI) đến mẫu nghiên cứu đang xét (thế kỉ XVII), chúng tôi thấy: càng lùi về thời gian phía trước, bằng càng lấn như trong cương vị từ so sánh; còn càng lùi về thời gian phía sau, như càng lấn bằng ở cương vị này. Điều đó thể hiện trên số lần được sử dụng của chúng trong các nguồn tư liệu được khảo sát và chúng tôi cũng đã có lần phân tích (xem [11.12]).

4 BÀI PHÚ
t.kỉ XIII – XIV (*)
QATT
t.kỉ XV
HĐQATT
tkỉ XV
THƠ NÔM NBK t.kỉ XVI
3 V.BẢN Q.NGỮ
t.kỉ XVII
bằng
7
38
30
2
9
Như
0
2
14
2
10
 
( * Bốn bài phú đơi Trần thế kỷ XIII, XIV xin xem trong [1] )

Trong mẫu nghiên cứu thế kỉ XVII, bằng có các biểu hiện về ý nghĩa và chức năng như sau:
- Ý nghĩa so sánh và là từ so sánh.
Ví dụ: Những Kẻ giảng thì đi thăm dạy dỗ một hai lẽ vậy, chẳng bằng có Thầy cả thì hơn. (thư B.Thiện)
- Vẫn còn được phân bố ở vị trí mà ngày nay chỉ dùng như.
Ví dụ: Ơn thầy thương lấy tôi cùng, vì là kẻ có tội nhiều, chẳng đáng ở gần Thầy, thì phải làm một lời bằng thay mặt. (thư V.Tín)
Điều đáng chú ý ở đây là:
- Có một kết hợp hết sức lạ là kết hợp như bằng cũng để biểu hiện ý nghĩa so sánh. Ví dụ: Tôi làm thư nầy xin cho đến Thầy như bằng đội ơn Thầy vậy.(thư B.Thiện)
            - Điểm khác biệt nhất so với nay là trong mẫu nghiên cứu thế kỉ XVII, bằng được dùng với ý nghĩa, chức năng tương đương như như một từ nối, đứng đầu danh ngữ ở đầu câu (7/9 lần được sử dụng). Ví dụ: 
Bằng sự tiền Thầy dạy cho mẹ Romong thì tôi đã cho... (thư B.Thiện)
Bằng phép lấy vợ, trước thì xem hai bên có đẹp lòng chăng, thì nhà trai đi hỏi, lấy trầu cau mà nói cùng nhau. (thư B.Thiện)
chăng. Từ này trong Quốc âm thi tập được ghi nhận 53 lần, trong Hồng Đức quốc âm thi tập được ghi nhận 27 lần. Vốn là từ mang ý nghĩa phủ định, chăng được dùng làm từ phủ định trong cấu trúc phủ định và dùng trong các cấu trúc thể hiện ý nghi vấn phủ định. Ví dụ.
Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen [16,b. 69]
Trong mẫu khảo sát thế kỉ XVII đang xét, chăng được ghi nhận 11 lần, thì:
- 10 lần dùng trong cấu trúc thể hiện ý nghi vấn phủ định. Ví dụ:
… song le chẳng biết là có ai gưởi cho đến Thầy hay chăng. (thư B.Thiện)
Chẳng biết là tôi có được gặp Thầy nữa chăng… (thư B.Thiện)
- 01 lần vẫn được dùng với ý nghĩa phủ định trong cấu trúc phủ định chính danh. Cụ thể là: Đến mùng hai tháng hai, lại ăn Tết ngày ấy. Song le, mặc có nơi ăn nơi chăng. (thư B.Thiện)
Nếu lưu ý rằng: trong mẫu khảo sát, ý nghĩa phủ định như vừa nêu của chăng đã được thể hiện bẳng chẳng 112 lần (còn trong QATT chăng xuất hiện 53 lần, chẳng 128 lần; trong HĐQATT chăng xuất hiện 27 lần, chẳng 103 lần) thì sẽ thấy rằng sự phân phối lại với nhau về ý nghĩa, chức năng giữa hai từ: chăngchẳng trong lịch sử tiếng Việt rõ ràng đã diễn ra theo chiều hướng: càng lùi về hiện nay, chăng càng rút lui khỏi vị trí của từ phủ định đứng trước từ khác để lùi vào chiếm giữ vị trí của từ chuyên dùng trong các cấu trúc thể hiện ý nghi vấn phủ định và trong các câu hỏi tu từ. [11.12]. Ví dụ:
… có ai gưởi cho đến Thầy hay chăng. (…) Chẳng biết là tôi có được gặp Thầy nữa chăng … (…) xem tuổi cùng xem số có tốt chăng, mới đi hỏi lại. (thư B.Thiện)
bởi. Hư từ này biểu thị quan hệ nguyên nhân. Trong mẫu khảo sát, bởi vẫn được sử dụng để biểu thị ý nghĩa nguyên nhân là chính (3/4 lần). Ví dụ:
… mà bởi có giặc Hung nô đến Quảng Tây, thì vua Vĩnh Lịch chạy đi xứ khác... (thư B. Thiện)
Bên cạnh ý nghĩa nguyên nhân, có một lần bởi được sử dụng với ý nghĩa hết sức đặc biệt trong ngữ liệu sau đây:
Mà Thầy cả Miguel bởi Roma mà đến đây thì về bên Đại Minh…(thư B.Thiện)
Từ bởi ở đây là giới từ chỉ “nguyên nhân” hay chỉ “nơi chốn”? Mặc dù từ điển Annam - Lusitan - Latinh (1651) của A. de Rhodes, Dictionarium Annamitico Latinum (Tự vị Annam - Latinh;1772 -1773) của P.P.de Behaine, Dictionarium Annamitico Latinum của Aj.L. Taberd (1838) đều  không ghi nhận ý nghĩa chỉ “nơi chốn” của từ này, nhưng nếu kiểm tra ngược trở lại ngữ liệu trong Truyền kỳ mạn lục giải âm [22] thì vấn đề sẽ trở nên rất rõ ràng. Trong bản “giải âm” này chúng ta gặp những câu như:
Kẻ bởi sổ son còn có đường sống lại. (22, tr.92)                                bởi chỉ nguyên nhân.
... xảy thấy con gái đẹp, bởi thôn Đông mà ra.... (22, tr.72)               bởi chỉ nơi chốn.
... dẫn một người đẹp ... bởi phương Đông mà lại. (22, tr. 149)        bởi chỉ nơi chốn
Vậy ở đây bởi đã được dùng với nghĩa cổ, là giới từ chỉ nơi chốn mà muộn nhất là vào thế kỉ XVI nó vẫn được dùng khá phổ biến. 
4. Về mặt ngữ pháp, bên cạnh những cấu trúc ngữ pháp đã đề cập trên đây khi trình bày về các từ hữu quan, chúng tôi thấy còn một hiện tượng nữa cũng cần phải được nói tới, là:
- Những danh ngữ có danh từ khối (không đếm được) làm trung tâm, trực tiếp kết hợp với số từ hoặc từ chỉ định. Đây là loại cấu trúc đặc biệt nhất:
Quan ấy liền về tâu vua… [3, tr.150];
… ai mà đánh được rắn ấy… [3, tr.176]
… dựng một rùa vàng… [3, tr. 151];
một quan cả cũng ở làng ấy… [3, tr.154];
… làm được hai vở… [3, tr.139]
Ngày ấy thấy một trứng bỏ giữa đàng [3, tr.176]
            - Những cấu trúc cú pháp khác “phi chuẩn” so với tiếng Việt ngày nay:
… các bổn đạo nhà thánh hết bên Đông gưởi lời lạy ơn thầy lắm… [3, tr.146]
Vua đã tám mươi tuổi già… [3, tr.160]
- Dùng “quá nhiều” từ nối để nối kết các thành phần câu. Điều này thể hiện rất rõ tình trạng của câu văn xuôi Việt trong thời kỳ đang bắt đầu hình thành. Ví dụ:
Thấy vợ đã chết thì đến đấy thấy có một giếng sâu, thì lòng thương vợ, liền gieo mình xuống mà chết nữa. Đến ngày [sau] ai có được hột trai Kinh xấu thì lấy nước giếng ấy mà rửa thì lại trong tốt. Ấy là duyên vợ chồng người ấy thì còn truyền đến nay. [3, tr.152]
[Vua] Đêm ngày lo toan chước sắm sửa đánh trả Ngô thì rao hết Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Thuận Hóa làm quân mà sắm sửa đánh trả Ngô thì Ngô thấy vậy thì sai quân đánh Vua Lê Thái Tổ. [3, tr.159]
Qua các ngữ liệu và phân tích được trình bày bên trên, đến đây, chúng tôi thấy có thể nêu một vài nhận xét sơ bộ như sau:
a. Nhờ công lao của cụ Linh mục Đỗ Quang Chính, chúng ta đã có trong tay được bản phiên chuyển sang chữ quốc ngữ hiện đại của ba văn bản viết bằng chữ quốc ngữ thế kỉ XVII rất quý về nhiều phương diện. Tuy nhiên, để giúp cho những tìm hiểu, nghiên cứu liên quan đến các văn bản đó được chính xác hơn, có một số chỗ phiên chuyển, in ấn cần được đối chiếu lại giữa ảnh bản với bản phiên chuyển, giữa bản phiên chuyển in 1972 với bản phiên chuyển in 2008 để hiệu chỉnh như chúng tôi đã đề nghị.
b. Kết quả khảo sát ba văn bản nói trên bước đầu đã chỉ ra được một số biểu hiện về những dị biệt thuộc bình diện từ vựng, ngữ nghĩa và ngữ pháp của tiếng Việt thế kỉ XVII so với hiện nay. Trong số những dị biệt về từ vựng thể hiện ở các từ cổ, rõ ràng rằng từ cổ là thực từ nhiều hơn nhiều so với số từ cổ là hư từ. Điều này không có gì lạ. Thế nhưng, các dị biệt về ngữ nghĩa, ngữ pháp của các hư từ cổ lại phức tạp hơn nhiều so với những khác biệt về ngữ nghĩa, ngữ pháp của các thực từ cổ. Thực tế này cho thấy rõ một trạng thái của hệ thống công cụ ngữ pháp tiếng Việt đang trên quá trình phát triển của nó.
c. Những tư liệu và phân tích được trình bày trên đây mới chỉ nói tới những biểu hiện dễ thấy nhất trên nguồn tư liệu hữu quan về sự khác biệt giữa tiếng Việt thế kỉ XVII so với tiếng Việt ngày nay. Bên cạnh đó, những câu văn xuôi và những kết hợp ngữ pháp khác thường so với nay cũng chính là những biểu hiện, những bằng chứng rất quan trọng về tiếng Việt thế kỉ XVII cần được nghiên cứu tiếp để tất cả cùng góp phần làm cho sự hiểu biết về tiếng Việt thế kỉ XVII trong tiến trình phát triển lịch sử của nó được trở nên đầy đủ và toàn diện hơn./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Duy Anh: Bản phiên âm bốn bài phú đời Trần: “Cư trần lạc đạo, Đắc thú lâm tuyền hành đạo ca, Vịnh chùa Hoa yên, Phú dạy con” trong sách: Chữ Nôm: nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến. Nxb. Khoa học xã hội, 1975.
2. Nguyễn Tài Cẩn: Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hóa. Nxb. ĐHQG Hà Nội, 2002.
3. Đỗ Quang Chính, Sj: Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659. Nhà xuất bản Tôn giáo, 2008.
4. Đỗ Quang Chính, Sj: Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659. Tủ sách Ra khơi. Sài gòn, 1972.
5. Đinh Văn Đức, Nguyễn Văn Chính, Phạm Tú: Vài nhận xét về đặc điểm ngữ pháp của các từ phụ cho động từ trong tiếng Việt qua một số văn bản thế kỉ XVII của giáo hội Thiên chúa. Ngôn ngữ, S. 3 - 4, 1981, tr. 51 - 60.
6. Đinh Văn Đức, Nguyễn Văn Ấp: Một vài nhận xét về các đặc điểm ngữ pháp của loại từ tiếng Việt thế kỉ XVII. Ngôn ngữ, S. 2, 1983, tr. 43 - 51.
7. Cao xuân Hạo: Tiếng Việt- Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa. Nxb. GD, 1998.
8. Lê Trung Hoa: Nhận xét về cách dùng từ được, bị, phải, mắc, chịu trong một số văn bản của thế kỉ XVII. Ngôn ngữ, S. 3, 1985, tr. 21-27.
9. Nguyễn Quang Hồng: Khái luận văn tự học chữ Nôm. Nxb. Giáo dục, 2008.
10. Trần Thị Mỹ, Nguyễn Thiện Nam: Một vài nhận xét về cách dùng các từ “một, phô, thay thảy, cả và...” trong văn xuôi cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, (cứ liệu rút từ “Sách sổ sang chép các việc...”). Ngôn ngữ, S. 1, 1981, tr. 25 - 34.
11. Vũ Đức Nghiệu: Diễn biến trong ý nghĩa, chức năng của nhóm từ "không, chăng, chẳng" từ thế kỷ XV đến nay. Khoa học, ĐHTH, S. 2, 1986, tr. 55 - 61.
12. Vũ Đức Nghiệu: Hư từ thế kỷ XV trong Quốc âm thi tập và Hồng Đức quốc âm thi tập. Ngôn ngữ, S. 12, 2006, tr. 1 – 14.
13. Hoàng thị Ngọ: Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh. Nxb. Khoa học xã hội. Hà Nội, 1999.
14. Nguyễn Anh Quế: Hư từ trong tiếng Việt hiện đại. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988.
15. Stankievich, N: Vài nhận xét về các hư từ tiếng Việt thế kỷ 16 (Tư liệu rút từ Truyền kỳ mạn lục giải âm). Ngôn ngữ, S. 9-2006, tr.1-9.
16. Quốc âm thi tập trong Nguyễn Trãi toàn tập. Nxb. Khoa học xã hội, 1975.
17. Stankievich,N: Về sự diễn biến của những hư từ chỉ nguyên nhân. Ngôn ngữ, S.4-1985, tr.58 - 59.
18. Nguyễn Kim Thản: Nghiên cứu về ngữ pháp tiếng Việt. NXB Giáo Dục. Hà Nội, 1997.
19. Đoàn Thiện Thuật: Chữ quốc ngữ thế kỷ XVIII. NXB Giáo Dục, 2008.
20. Viktor Krupa: Classifiers in the languages of Southeast Asia. Evolution of a lexico-syntactic category. Asian and African studies, XIV. 1978. 119-124 pp.
21. Hồng Đức quốc âm thi tập. Nxb. Văn học, 1982.
22. Truyền kỳ mạn lục giải âm. Nguyễn Quang Hồng phiên âm và chú giải. Hà Nội, 2001






[1] Tên gọi này do tác giả sách Lịch sử chữ quốc ngữ  - Cụ Linh mục Đỗ Quang Chính đặt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét