Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2016

Siêu lý tình yêu - Vladimir Soloviev


Siêu lý tình yêu
                                                           Vladimir Soloviev
                                                            Phạm Vĩnh Cư dịch    
Bài một
(Mấy nhận xét sơ bộ)
I
Thông thường, ý nghĩa của tình yêu hữu tính được nhìn thấy ở sự sinh sôi nảy nở của nòi giống, nó được xem như là phương tiện cho sự sinh sôi nảy nở ấy. Tôi cho quan niệm ấy là không đúng – không chỉ căn cứ vào những nguyên do lý tưởng nào đó, mà trước hết dựa vào những hiện thực tự nhiên - lịch sử. Sự sinh sôi nảy nở các vật sống có thể không cần đến tình yêu hữu tính, điều này là rõ ràng từ một thực tế là nó không cần đến ngay cả sự phân chia giới tính. Một bộ phận đáng kể của cả thế giới thực vật lẫn động vật sinh sôi nảy nở một cách vô tính: bằng sự phân hóa, đâm chồi, bào tử, ghép chiết. Tuy nhiên, các hình thái cấp cao của cả hai vương quốc hữu cơ đều sinh sản bằng đường tính giao. Nhưng, thứ nhất, những cơ thể sinh sản bằng đường ấy, cả thực vật lẫn một phần động vật, cũng có thể sản sinh một cách vô tính (chiết cây, trinh sinh ở các côn trùng cấp cao) và, thứ hai, nếu loại bỏ những hiện tượng ấy đi và xem như một quy tắc chung là những cơ thể cấp cao sinh đẻ thông qua phối hợp tính giao, thì ta vẫn cứ phải kết luận rằng nhân tố tính ấy gắn không phải với sự sinh sản nói chung (bởi nó có thể diễn ra cả một cách vô tính), mà chỉ với sự sinh sản các cơ thể cấp cao. Vì thế, ý nghĩa của sự phân chia tính (và của tình yêu hữu tính) cần tìm kiếm tuyệt đối không phải ở ý tưởng sự sống và sự sinh sôi nảy nở giống nòi, mà chỉ ở ý tưởng cơ thể cấp cao.
 Một minh chứng khá hùng hồn cho quan niệm này ta tìm thấy ở một thực tại vĩ đại sau đây. Trong lĩnh vực các động vật sinh đẻ chỉ bằng đường tính giao (ngành động vật có xương sống), càng lên cao theo thang cấu tạo cơ thể, thì sức sinh đẻ càng giảm thiểu, mà sức hấp dẫn hữu tính thì, ngựơc lại, càng mạnh lên. ở lớp thấp nhất của ngành này – lớp cá - sự sinh sản diễn ra với quy mô rất lớn: mỗi con cái hàng năm đẻ ra hàng triệu phôi; những phôi ấy được con đực làm cho thụ tinh ở bên ngoài thân thể con cái, mà phương thức thụ tinh như thế không cho phép giả định một sự đam mê hữu tính mãnh liệt. Trong tất cả các loài vật có xương sống, cái lớp máu lạnh này rõ ràng sinh sản nhiều nhất và ít bộc lộ đam mê tình ái nhất. Trên bậc tiếp theo – ở những động vật lưỡng cư và bò sát – sự sinh sôi nảy nở đã ít hơn rất nhiều so với loài cá, mặc dù, nếu chỉ căn cứ vào một số chủng loại nhất định, thì lớp động vật này không phải không có lý do được Kinh Thánh liệt vào hạng những sinh linh đông nhung nhúc; thế nhưng, với sự sinh đẻ ít hơn, ta tìm thấy ở những động vật này những quan hệ tính giao mật thiết hơn... ở lớp chim, sức sinh sản yếu hơn rất nhiều không những so với cá tôm, mà còn cả so với, thí dụ, ếch nhái, song sự hấp dẫn hữu tính và sự gắn bó quyến luyến giữa con đực và con cái lại đạt mức phát triển chưa từng thấy ở hai lớp dưới. ở các động vật có vú – chúng cũng là những động vật đẻ con – lượng sinh sản lại càng ít hơn nhiều so với chim muông, còn sức hấp dẫn hữu tính thì nhìn chung mặc dù ít thủy chung hơn, nhưng lại có cường độ lớn hơn nhiều. Cuối cùng, ở con người, so với toàn bộ thế giới động vật, sự sinh đẻ được thực hiện với số lượng ít nhất, nhưng tình yêu hữu tính lại có ý nghĩa cao nhất và đạt sức mạnh to lớn nhất, kết hợp ở mức siêu đẳng tính thủy chung  (như ở chim muông) với cường độ đam mê (như ở các động vật có vú). Như vậy, tình yêu hữu tính và sự sinh sôi nảy nở của chủng loại có quan hệ nghịch với nhau: cái này càng mạnh  hơn, thì  cái kia càng yếu hơn.
Nói chung, toàn bộ thế giới động vật từ phía đương xem xét phát triển theo trật tự sau đây: ở dưới là sức sinh sản khổng lồ với sự vắng mặt hoàn toàn của bất cứ cái gì giông giống như tình yêu hữu tính (bởi lẽ chưa có ngay sự phân chia tính); tiếp theo, ở những sinh thể hoàn hảo hơn, xuất hiện sự phân hóa giới tính, và ứng với nó, một sự hấp dẫn hữu tính nhất định – ban đầu cực kì yếu, sau đó dần dần tăng cường ở những bậc phát triển hữu cơ cao hơn, cùng với sự giảm thiểu sức sinh sản (tức là trong quan hệ thuận với độ hoàn hảo của tổ chức và quan hệ nghịch với sức sinh đẻ), cho đến khi, ở bậc cao nhất – ở con người – có thể xuất hiện một tình yêu hữu tính mãnh liệt nhất, ngay khi loại trừ hoàn toàn yếu tố sinh sản. Nhưng như vậy, nếu ở hai cực của sự sống động vật, ta thấy một bên là sự sinh sôi nảy nở hoàn toàn không có tình yêu hữu tính, còn bên kia là tình yêu hữu tính không có bất kì sự sinh đẻ nào, thì rõ ràng không thể đặt hai hiện tượng ấy vào quan hệ không thể tách rời, - rõ ràng, mỗi hiện tượng có ý nghĩa độc lập của nó,và lẽ tồn tại của cái này không thể ở chỗ nó là phương tiện cho cái kia.
Ta sẽ rút ra cũng kết luận ấy, nếu xem xét tình yêu hữu tính chỉ riêng trong thế giới con người; ở đây, ở một độ cao hơn rất nhiều so với thế giới động vật, nó thu nhận được tính chất cá thể, khiến cho một và chỉ một cá nhân nhất định thuộc giới khác trở nên có ý nghĩa tuyệt đối đối với người yêu quý nó, như thể một cái gì đó độc nhất vô nhị, không gì thay thế được, như một mục đích tự thân tự tại.


II
Đến đây, ta bắt gặp một lý thuyết được truyền bá khá rộng(1) ,lý thuyết này vẫn thừa nhận tình yêu hữu tính là phương tiện của bản năng chủng loại, hay là của sự sinh sôi nảy nở giống nòi, đồng thời nó cố gắng cắt nghĩa sự cá thể hóa tình cảm yêu đương ở con người như thể một mưu kế hay một phép quyến rũ mà thiên nhiên hoặc ý chí hoàn vũ sử dụng đặng đạt tới những mục tiêu đặc biệt của chúng. Trong thế giới con người, nơi mà những đặc điểm cá thể có ý nghĩa to lớn hơn rất nhiều so với thế giới thực và động vật, thiên nhiên (nói cách khác – ý chí hoàn vũ, ý chí sống, hoặc một cách khác nữa – tinh thần hoàn vũ vô thức hay siêu thức) mong muốn không chỉ bảo toàn nòi giống, mà còn thực hiện, trong khuôn khổ nòi giống, càng nhiều càng tốt những kiểu loại cá biệt và những tính cách cá thể. Nhưng ngoài mục đích chung ấy – sự thể hiện thật đầy đủ tính muôn màu muôn vẻ của các hình thái – cuộc sống của loài người, được hiểu như là một tiến trình lịch sử, còn có thêm nhiệm vụ nâng cao và hoàn thiện bản chất con người. Muốn thế, cần có không chỉ càng nhiều càng tốt những kiểu mẫu khác nhau của tính người, mà còn cần làm cho xuất hiện những kiểu mẫu ưu tú, chúng có giá trị không chỉ một cách tự thân tự tại, như là những kiểu thức cá thể, mà còn do tác dụng nâng cao và làm cho hoàn thiện hơn của chúng đối với những cá thể khác. Như vậy, trong sự sinh sản của loài người, cái sức mạnh – ta gọi nó thế nào cũng được – thúc đẩy tiến trình thế giới và tiến trình lịch sử có nguyện vọng không chỉ làm cho những cá thể con người sinh sôi nảy nở liên tục theo chủng loại của mình, mà còn làm cho ra đời những cá thể nhất định, càng có giá trị cao càng hay. Mà muốn thế, thì chỉ một sự sinh hạ đơn thuần bằng đường kết hợp ngẫu nhiên và vô tình các cá thể khác giới là chưa đủ: để có những sản phẩm cá thể - xác định, cần có sự kết hợp những người sản xuất cá thể - xác định, và vì thế mà cái sức hút hữu tính chung phục vụ cho sự tái sản xuất nòi giống ở các động vật đã không còn là đủ. Vì trong nhân loại, vấn đề không chỉ là sản sinh ra hậu thế nói chung, mà còn là sản sinh ra một loại hậu thế nhất định, thích hợp hơn cả cho  mục đích thế giới, và bởi lẽ một cá nhân xác định có thể sản sinh ra hậu thế ấy không phải với bất kì một cá nhân nào khác giới, mà chỉ với một cá nhân xác định, cho nên chỉ một cá nhân ấy có sức hấp dẫn đặc biệt đối với y, hiện ra trong con mắt y như là một cái gì đó hết sức đặc biệt, không gì thay thế được, có một không hai và có khả năng ban thưởng cho y một hạnh phúc cao nhất. Đấy, chính cái đó là sự cá thể hóa và sự phấn khích bản năng tính dục, nó làm cho tình yêu của con người khác tình yêu của con vật, nhưng cả hai thứ tình yêu ấy đều được kích thích ở trong ta bởi một sức mạnh xa lạ với ta, mặc dù có thể đó là một sức mạnh cao siêu, và những mục đích của nó nằm ngoài ý thức của cá nhân ta - được kích thích như là một dục vọng phi lý tính và định mệnh, chiếm lĩnh và chi phối ta, nhưng sẽ biến mất ngay như ảo ảnh một khi đã không còn cần thiết đến nó nữa* .
 Nếu mà cái thuyết ấy là đúng, nếu mà sự cá thể hóa và phấn khích hóa tình cảm yêu đương có toàn bộ ý nghĩa , có lý do và mục đích duy nhất của nó ở ngoài tình cảm ấy, đích thị là ở những phẩm chất của hậu thế cần thiết (cho những mục tiêu thế giới), thì từ đấy, theo lôgic, sẽ phải suy ra là mức độ  cá thể hóa và phấn khích hóa cái tình yêu ấy, hay là sức mạnh của tình yêu, có quan hệ trực tiếp với mức độ điển hình và giá trị của hậu thế là sản phẩm của tình yêu: hậu thế càng là những nhân vật quan trọng bao nhiêu, thì tình yêu của các thân sinh càng phải mãnh liệt bấy nhiêu, và ngược lại, tình yêu gắn bó hai con người nào đó càng mạnh bao nhiêu, thì ta càng phải chờ đợi ở họ những hậu thế xuất sắc bấy nhiêu, theo cái thuyết ấy. Nếu nói chung tình cảm yêu đương đựơc ý chí hoàn vũ kích thích chỉ vì thế hệ mai sau cần thiết và chỉ là phương tiện để sản sinh ra nó, thì dễ hiểu là trong từng trường hợp một, sức mạnh của phương tiện mà động cơ vũ trụ sử dụng phải tương xứng với tầm quan trọng của mục đích muốn đạt. ý chí hoàn vũ càng quan tâm đến một sản phẩm nào đó sẽ phải ra đời thì nó càng cuốn hút lại với nhau mạnh hơn và gắn bó với nhau chặt hơn hai người sản xuất cần thiết. Chẳng hạn, vấn đề là làm cho ra đời một thiên tài cấp thế giới mà hoạt động của con người ấy sẽ có ý nghĩa rất to lớn cho tiến trình lịch sử. Thế thì sức mạnh tối cao điều khiển tiến trình ấy sẽ phải bận tâm với sự ra đời này nhiều hơn gấp bao nhiêu lần so với  những sự ra đời khác, tương đương với việc vị thiên tài thế giới này là  hiện tượng hiếm hoi hơn cũng gấp bằng ấy lần so với những con người bình thường, và vì thế mà cái sức hấp dẫn hữu tính, mà bằng nó ý chí hoàn vũ (theo thuyết này) bảo đảm cho mình sự thực hiện mục đích quan trọng ấy, sẽ phải mãnh liệt hơn cũng gấp bằng ấy lần so với ham thích bình thường. Tất nhiên, những người bảo vệ thuyết này có thể bác bỏ ý tưởng về tương quan số lượng chính xác giữa tầm quan trọng của nhân vật và sức mạnh ái tình ở cha mẹ anh ta, bởi lẽ những đối tượng này không cho phép đo lường chính xác; nhưng điều hoàn toàn mặc nhiên (theo quan điểm của thuyết ấy), là nếu ý chí hoàn vũ quan tâm đặc biệt đến sự ra đời của một con người nào đó, thì nó phải có những biện pháp đặc biệt để bảo đảm kết qủa mong muốn, tức là theo nghĩa của thuyết này, nó phải kích thích ở trong cha mẹ người ấy một dục tính mãnh liệt đặc biệt, có khả năng chiến thắng mọi trở lực không cho họ đến với nhau.
Trong thực tế thì chúng ta lại chẳng tìm thấy một cái gì tương tự như thế – chẳng có một tương quan nào hết giữa sức mạnh của dục vọng tình ái và tầm quan trọng của hậu thế. Trước hết, chúng ta bắt gặp một hiện thực mà thuyết này tuyệt không giải thích nổi, đó là tình yêu mãnh liệt nhất lại hay không được chia sẻ và vì thế mà tuyệt không để lại sau mình một hậu thế nào. Nếu vì một tình yêu như thế mà người ta cắt tóc đi tu hay tự tử, thì cái ý chí hoàn vũ bận tâm với hậu thế xăng xái ở đây để làm gì ? Nhưng giả sử chàng Werther* cuồng nhiệt không tự vẫn đi nữa, thì niềm say đắm  bất hạnh của chàng vẫn cứ là một câu đố không giải được đối với thuyết hậu thế ưu việt. Tình yêu hết sức cá thể hóa và phấn khích hóa của Werther đối với nàng Scharlotte(2) chỉ ra rằng  (theo quan điểm của thuyết này), chính cùng với Scharlotte, Werther sẽ phải sản sinh ra một hậu thế đặc biệt quan trọng và cần thiết cho nhân loại, vì nó mà ý chí hoàn vũ đã kích thích nên trong chàng niềm say mê phi thường ấy. Thế nhưng vì  sao cái ý chí toàn tri và toàn năng ấy lại đã không đoán ra hay là đã không thể tác động đến cả Scharlotte theo hướng mong muốn, bởi lẽ không có sự tham gia của nàng thì dục vọng nơi Werther là hoàn toàn vô đích và vô dụng ? Đối với một bản thể hoạt động hợp đích, love’s labor lost(3) là cái vô nghĩa hoàn toàn.
Tình yêu mãnh liệt đặc biệt thường đa số là bất hạnh, mà tình yêu bất hạnh rất hay đẩy đến tự sát dưới hình thức này hay hình thức kia; và mỗi một cuộc tự sát như thế vì thất tình rõ ràng làm đổ nhào cái thuyết cho rằng tình yêu mãnh liệt được kích thích ngõ hầu bằng mọi cách cho ra đời một thế hệ mai sau mong muốn, mà tầm quan trọng được biểu thị bằng sức mạnh của tình yêu ấy, trong khi đó thì trong thực tế, ở tất cả các trường hợp ấy, chính sức mạnh tình yêu loại trừ không chỉ khả năng có được một hậu thế quan trọng, mà còn cả khả năng có được bất kì một hậu thế nào.
Những trường hợp tình yêu không được chia sẻ quá là thông thường, để có thể nhìn thấy ở đấy một ngoại lệ không để ý đến cũng được. Mà giả sử nó có là ngoại lệ, thì cái đó cũng chẳng hề chi, bởi vì ngay cả trong những trường hợp có tình yêu mãnh liệt đặc biệt từ hai phía, nó vẫn không dẫn đến cái mà lý thuyết đòi hỏi. Theo lý thuyết, lẽ ra Romeo và Juliet, tương xứng với niềm say đắm nhau vĩ đại ở họ, sẽ phải sinh ra một con người nào đó rất vĩ đại, ít nhất cũng một Shakespeare, nhưng trong thực tế, như mọi người đều biết, thì ngược lại: không phải họ đã tạo tác ra Shakespeare, như là lý thuyết dạy, mà Shakespeare đã tạo tác ra họ, mà lại một cách vô dục hoàn toàn – bằng sáng tác vô tính. Romeo và Juliet, cũng như đa số các cặp tình nhân cuồng nhiệt, đã chết đi mà không đẻ ra ai cả, còn Shakespeare đã sinh ra họ thì, cũng như những vĩ nhân khác, đã được sinh ra không phải từ một tình yêu cuồng điên nào đó, mà từ một cuộc hôn nhân đời thường rất xoàng xĩnh (và bản thân ông, mặc dù đã từng nếm trải cái tình yêu say đắm, cuồng nhiệt, như có thể thấy, thí dụ, từ những bài xonê của ông, nhưng từ đấy đã chẳng ra đời một hậu thế tuyệt vời nào). Sự ra đời của Christophe Colomb, đối với ý chí hoàn vũ, có thể còn quan trọng hơn sự ra đời của Shakespeare; song chúng ta không biết tí gì về tình yêu đặc biệt của các thân sinh ông, mà biết về mối tình say đắm mãnh liệt của chính ông đối với qúy nương Beatrice Enriquez , và mặc dù ông đã có với nàng một con trai ngoài giá thú tên là Diego, nhưng người con ấy đã không làm nên sự nghiệp gì vĩ đại, mà chỉ để lại tiểu sử về cha mình là việc mà bất cứ người nào khác cũng làm được.
Nếu toàn bộ cái lẽ của tình yêu là ở hậu thế và nó có một sức mạnh tối cao điều khiển việc yêu đương, thì vì sao sức mạnh ấy, thay vì lo liệu cho những người yêu nhau được đoàn tụ, lại ngược lại, cứ như cố tình ngăn cản sự đoàn tụ ấy, cứ như nhiệm vụ của nó chính là bằng mọi cách tước đoạt của những người tình chân chính ngay cả khả năng sinh đẻ con cái: nó bắt họ, do một sự hiểu nhầm định mệnh, đâm chết mình trong nhà mồ, nó nhận chìm họ dưới đáy biển Hellesponte(4) và bằng nhiều phương cách khác dẫn dắt họ đến cái chết sớm không để lại con cái. Còn trong những trường hợp hãn hữu, khi mà tình yêu cường liệt không kết thúc thê thảm, khi mà cặp uyên ương sống hạnh phúc đến già, thì dẫu sao họ vẫn không có con. Một linh tính thơ ca nhạy sắc với hiện thực đã buộc Ovidius và Gogol tước đoạt con cháu hậu sinh của Philimon và Baucis, Afanasi Ivanovich và Pulkheria Ivanovna.(5)
Không thể thừa nhận tương quan trực tiếp giữa sức mạnh của tình yêu cá thể và tầm quan trọng của hậu thế, khi mà với tình yêu như thế, ngay sự tồn tại của hậu thế chỉ là điều ngẫu nhiên hiếm  hoi. Như ta đã thấy, 1) tình yêu mãnh liệt rất hay không được chia sẻ; 2) nếu được chia sẻ, thì sự đắm đuối mãnh liệt đưa đến kết cục bi thảm, trước khi để lại hậu thế; 3) tình yêu hạnh phúc, nếu nó rất mạnh, cũng thường không sinh con đẻ cái; còn trong những trường hợp hãn hữu, khi mà một tình yêu mãnh liệt phi thường để lại hậu thế, hậu thế ấy hóa ra hết sức tầm thường.
Có thể xác định một quy tắc chung hầu như không có ngoại lệ là cường độ đặc biệt của tình yêu hữu tính hoặc là hoàn toàn không cho phép có con cháu hậu sinh, hoặc chỉ cho hậu sinh mà giá trị không tương xứng tí nào với độ căng thẳng của tình cảm yêu đương và tính chất ngoại biệt của những quan hệ nảy sinh từ đấy.
Nhìn thấy ý nghĩa của tình yêu ở sự sinh con đẻ cái hợp đích – tức là chỉ thừa nhận ý nghĩa ấy ở nơi nào hoàn toàn không có tình yêu, còn ở đâu nó có, thì tước đoạt đi của nó mọi ý nghĩa và mọi lẽ tồn tại. Cái thuyết hư mạo ấy về tình yêu, khi ta đối chiếu nó với hiện thực, hóa ra không phải là một giải thích, mà là một sự chối từ bất kì giải thích nào.

III

Cái sức mạnh điều khiển sự sống của loài người, mà có người gọi là ý chí hoàn vũ, có người gọi là tinh thần vô thức, nhưng trong thực tế nó là Cơ Trời, rõ ràng sắp xếp sự ra đời đúng lúc của những con người thiên hựu cần thiết cho những mục đích của nó, xếp đặt trong các chuỗi dài của các thế hệ những kết hợp phải có của những người sản sinh, hướng tới những sản phẩm tương xứng không chỉ gần nhất, mà cả xa xôi nhất. Để có được sự lựa chọn theo thiên mệnh những người sản sinh ấy, nhiều phương tiện hết sức đa dạng được sử dụng, nhưng tình yêu theo nghĩa đích thực, tức là sự say đắm hữu tính, được cá thể hóa và phấn khích hóa đặc biệt, không thuộc về số những phương tiện ấy. Lịch sử Thánh Kinh, với chủ nghĩa hiện thực chân chính và sâu sắc của nó – cái chủ nghĩa hiện thực không loại bỏ, mà thể hiện ý nghĩa lý tưởng của các sự việc trong những chi tiết nghiệm chứng của chúng – lịch sử Thánh Kinh, trong trường hợp này cũng như mọi khi, cho ta một minh chứng chân thật và giàu sức giáo huấn đối với tất cả những ai hiểu biết lịch sử và nghệ thuật, không phụ thuộc vào tín ngưỡng tôn giáo.
Sự kiện trung tâm của thánh sử, tức là sự ra đời của Đấng Cứu Thế, hơn bất kì sự kiện nào khác, giả ước một kế hoạch thiên định trong sự lựa chọn và kết hợp những người sản sinh nối tiếp nhau, và qủa là cái thú vị chính của các  thánh tích tập trung ở những số phận kì lạ muôn màu muôn vẻ đã làm phương tiện cho sự ra đời và liên kết của các bậc ‘’tổ tiên thần thánh’’* . Thế nhưng trong toàn bộ hệ thống phức tạp ấy của những phương tiện đã quy định, theo trật tự  hiện tượng lịch sử, sự giáng sinh của Đấng Cứu Thế, không có chỗ cho tình yêu theo đúng nghĩa của nó; trong Kinh Thánh tất nhiên cũng có tình yêu, nhưng đó chỉ là những sự kiện riêng biệt, không phải là công cụ của quá trình sản sinh Đấng Kitô. Sách thánh không nói, Abraham đã lấy Sara có phải vì tình yêu nồng cháy hay không**, nhưng trong mọi trường hợp thì Thiên Cơ đã chờ đến khi tình yêu ấy đã nguội lạnh hoàn toàn mới cho ra đời từ cặp thân sinh đã trăm tuổi một đứa con của đức tin, chứ không phải của tình yêu. Isaac đã lấy Rebecca không phải vì tình yêu, mà theo kế hoạch định trước của cha mình. Jacob yêu Rachel, nhưng tình yêu ấy hóa ra không cần thiết cho sự sinh hạ Đấng Cứu Thế. Ngài là hậu dụê của con Jacob – Juda, nhưng ông này đã có mẹ đẻ không phải là Rachel, mà là Léa không được chồng sủng ái.
Để sản sinh ra trong thế hệ này một vị tổ tiên của Đấng Cứu Thế, đã cần có sự kết hợp của Jacob với Léa chứ không phải ai khác; nhưng để có được sự kết hợp ấy, Cơ Trời không kích thích ở Jacob tình yêu đắm đuối mãnh liệt đối với người mẹ tương lai của vị ‘’tổ tiên thần thánh’’ – Juda; không vi phạm tự do của tình cảm trái tim, sức mạnh tối cao đã để cho Jacob yêu Rachel, còn để thực hiện sự kết hợp không thể thiếu được của ông với Léa thì nó lại dùng một phương tiện hoàn toàn khác: đó là cái mẹo vụ lợi của một nhân vật thứ ba- một Lavane trung thành với những lợi ích của gia đình và kinh tế của mình. Bản thân Juda để sản sinh ra những tổ tiên gần hơn của Đấng Cứu Thế  đã phải, ngoài con cháu trước đây của mình, lúc đã về già còn phối giao với người con dâu Tamara. Vì sự phối giao như thế tuyệt không nằm trong trật tự sự vật và sẽ không thể xẩy ra trong những điều kiện bình thường, cho nên mục đích đã đạt được nhờ một cuộc phiêu lưu rất kì lạ, khá giàu sức cám dỗ đối với những người đọc Kinh thánh một cách hời hợt. Trong cuộc phiêu lưu này, không thể nói về bất kì một thứ tình yêu nào. - Không phải tình yêu đã liên kết một kĩ nữ ở Ierechon tên là Rahab với một người Do Thái ngoại bang; ban đầu, nàng hiến thân cho chàng theo nghề của mình, sau đó quan hệ tình cờ ấy được gắn bó bằng niềm tin của nàng vào một Thần Linh mới và nguyện vọng được Thần che chở cho mình và những người thân thuộc của mình. Không phải tình yêu đã kết hợp cụ nội của vua David, ông già Booz, với nàng Ruth trẻ tuổi thuộc bộ tộc Mohabit, và cũng không từ một tình yêu chân chính, sâu sắc, mà chỉ từ một ý muốn kì quặc, tội lỗi của bậc vương giả mấp mé tuổi già mà vua Salomon đã ra đời .(6)
Trong thánh sử, cũng như trong thông sử, tình yêu hữu tính không phải là phương tiện hay công cụ của những mục đích lịch sử; nó không phục vụ cho nòi giống con người. Vì thế cho nên, khi cảm giác chủ quan nói với ta rằng tình yêu là một phúc lợi  độc lập, rằng nó có giá trị riêng, siêu tương đối trong cuộc sống cá nhân của ta, thì ứng với cảm giác ấy, cả trong thực tại khách quan ta cũng thấy tình yêu cá thể mãnh liệt không bao giờ là phương tiện cho mục đích giống nòi, những mục đích ấy luôn đạt được ở bên ngoài tình yêu. Trong thông sử, cũng như trong thánh sử, tình yêu hữu tính (theo đúng nghĩa của nó) không đóng một vai trò nào cả và không tác động trực tiếp đến tiến trình lịch sử: ý nghĩa chính diện của nó phải bắt rễ trong cuộc sống cá nhân.
Thế thì  ở đây, ý nghĩa của nó là thế nào?
Bài hai
I
Cả ở các động vật lẫn ở con người, tình yêu hữu tính là giờ phút phồn thịnh cao nhất của cuộc sống cá thể. Nhưng vì ở các động vật, sự sống chủng loại hệ trọng hơn nhiều so với sự sống cá thể, cho nên cường độ cao nhất của cái thứ hai ấy chỉ phụng sự cho quá trình chủng loại. Không phải niềm ham mê tính dục chỉ là phương tiện đơn thuần cho các cơ thể tái sản xuất và sinh sôi nẩy nở, song nó phục vụ cho sự sản sinh ra những cơ thể hoàn hảo hơn thông qua cạnh tranh và lựa chọn hữu tính.  Người ta cố gán một ý nghĩa cũng như thế cho tình yêu hữu tính trong thế giới con người, nhưng như ta đã thấy, hoàn toàn uổng công bởi vì trong loài người, tính cá thể có ý nghĩa độc lập và trong biểu hiện mạnh nhất của mình, nó không thể chỉ là công cụ cho những mục đích của tiến trình lịch sử nằm ở ngoài nó. Hay là, nói đúng hơn, mục đích chân chính của tiến trình lịch sử không thuộc loại mục đích để cho cá nhân con người phục vụ nó chỉ như một công cụ thụ động nhất thời.
Niềm tin sắt đá vào giá trị tuyệt đối của con người không dựa vào sự tự đề cao của nó và cũng không dựa vào một hiện thực thấy được là chúng ta không biết một sinh linh nào khác hoàn hảo hơn trong trật tự tự nhiên. Phẩm giá vượt lên trên thể tương đối của con người rõ rằng là ở chỗ nó có một hình thức (kiểu thức) tuyệt đối của ý thức hữu trí. Con người, cũng như con vật, ý thức những trạng thái đã trải nghiệm và đương trải nghiệm, nhìn thấy giữa chúng quan hệ này hay quan hệ kia và trên cơ sở những mối quan hệ ấy mà dự đoán những trạng thái tương lai, nhưng ngoài cái đó ra, con người còn có khả năng đánh giá những trạng thái và những hành vi của mình và nói chung nhìn nhận mọi sự việc trong quan hệ không chỉ với những sự việc đơn nhất khác mà còn với những tiêu chuẩn lý tưởng phổ quát ; ý thức của con người, bên trên những hiện tượng đời sống, còn được quy định bởi trí tuệ của chân lý. Làm cho những hành động của mình phù hợp với cái ý thức cao nhất ấy, con người có thể hoàn thiện vô tận cuộc sống và bản chất của mình mà không vượt ra ngoài ranh giới của hình thái con người. Chính vì thế nó mới là sinh linh cao nhất của thế giới tự nhiên và là sự kết thúc thực sự của tiến trình kiến tạo hoàn vũ; bởi vì ngoài Sinh Linh mà bản thân Ngài là chân lý vĩnh hằng và tuyệt đối giữa tất cả các chân lý khác, cái sinh linh có năng lực nhận thức và thực hiện chân lý trong cuộc sống của mình là sinh linh cao nhất - không phải theo nghĩa tương đối, mà tuyệt đối. Có thể nghĩ ra một căn cứ hữu lý nào cho sự sáng tạo những hình thái mới, hoàn hảo hơn về bản chất, khi đã có một hình thái có năng lực tự hoàn thiện vô tận, có thể chứa nạp đầy đủ toàn bộ nội dung tuyệt đối?  Với  sự ra đời của hình thái như thế, sự tiến bộ tiếp tục chỉ có thể là những bậc phát triển mới của chính nó, chứ không phải là sự thay thế nó bằng những sản phẩm khác, bằng những hình thái sinh tồn khác, chưa từng có. Đây là sự khác biệt cơ bản giữa tiến trình phát sinh vũ trụ và tiến trình lịch sử. Tiến trình thứ nhất tạo ra liên tiếp, trước khi xuất hiện con người, những chủng loại sinh vật mới; những chủng loại cũ một phần bị diệt vong, như là những thí nghiệm không thành, một phần cùng tồn tại với những chủng loại mới một cách bên ngoài và tiếp xúc, va chạm với nhau một cách ngẫu nhiên, không hình thành một thể thống nhất thật sự nào cả, bởi lẽ ở chúng không có cái ý thức chung gắn bó chúng với nhau và với quá khứ của vũ trụ. ý thức chung ấy chỉ xuất hiện trong loài người. Trong thế giới động vật, quan hệ tiếp nối từ những hình thái thấp đến những hình thái cao, mặc dù rất đúng đắn và hợp đích, vẫn chỉ là một thực tại hoàn toàn bên ngoài, xa lạ đối với chúng, tuyệt không tồn tại cho chúng: con voi và con khỉ không thể biết một cái gì về quá trình phức tạp của những biến thái địa chất học và sinh học đã quy định sự xuất hiện của chính chúng trên trái đất; một mức độ phát triển tương đối cao của ý thức cục bộ và đơn nhất ở đây không là một tiến bộ nào cả trong ý thức chung, ý thức chung ấy tuyệt đối không có ở những con vật thông minh ấy, cũng như ở con sên ngu ngốc; bộ óc phức tạp của con vật có vú cấp cao nhất cũng ít phục vụ cho việc thiên nhiên tự nhận biết mình trong chỉnh thể toàn vẹn của mình, chẳng hơn tí nào những hạch thần kinh manh nha của một con giun nào đó. Trong loài người thì, ngược lại, thông qua ý thức cá thể thăng tiến, ý thức tôn giáo và khoa học, ý thức phổ thông cũng thăng tiến. Trí tuệ cá nhân ở đây không chỉ là cơ quan của cuộc sống riêng nhưng còn là cơ quan hồi tưởng và đoán định cho toàn thể loài người và thậm chí cho toàn thể thiên nhiên. Người Do Thái nào ngày xưa đã viết: đây là sách về sự đẻ trời và đẻ đất (elle tol’ dot gashammaim ve gaarez) - và tiếp theo: đây là sách về sự đẻ ra con người (zhe sefe tol’ dot gaadam) (7) - con người ấy đã thể hiện không chỉ ý thức cá nhân và dân tộc của mình, thông qua anh ta lần đầu tiên trong vũ trụ bừng sáng chân lý về tính nhất thống của toàn thể thế giới và toàn thể loài người* và tất cả những thành tựu sau này của ý thức chỉ là sự phát triển và hiện rõ cái chân lý ấy, chúng không cần và không được ra khỏi cái hình thức bao quát toàn bộ ấy: một khoa thiên văn và một khoa địa chất học hoàn hảo nhất có thể làm được cái gì , nếu không phải là khôi phục lại toàn bộ lịch sử phát sinh trời và đất; cũng đúng như thế, nhiệm vụ cao nhất của nhận thức lịch sử chỉ có thể là khôi phục lại’’ sách về những cuộc sinh đẻ của con người’’, tức là quan hệ di truyền - thừa kế trong đời sống nhân loại và cuối cùng, hoạt động sáng tạo của chúng ta cũng không thể có một mục đích nào cao hơn sự thể hiện bằng những hình tượng cảm tính cái thể thống nhất khởi thuỷ đã được tạo ra và được tuyên cáo - thể thống nhất của trời, đất và con người. Toàn bộ chân lý - thể thống nhất chính diện của tất cả - khởi thuỷ vốn có trong ý thức sống động của con người và được thực hiện từng bước trong đời sống nhân loại với tính kế thừa có ý thức (bởi lẽ chân lý không nhớ họ hàng không phải là chân lý). Nhờ tính co dãn vô tận và tính liên tục của ý thức được kế thừa của mình, con người, vẫn còn lại là con người, có thể nhận thức và thực hiện toàn bộ sự viên mãn vô tận của sinh tồn, và vì thế không cần thiết và cũng không thể có những chủng loại sinh linh cao hơn thay thế nó. Trong biên giới của cái thực tại nghiệm chứng của mình, con người chỉ là một bộ phận của thiên nhiên, nhưng nó thường xuyên và nhất quán vượt ra ngoài cái biên giới ấy; trong những sản phẩm tinh thần của mình- tôn giáo và khoa học, đạo đức và nghệ thuật- nó tự bộc lộ như là một trung tâm của ý thức phổ thông của thiên nhiên, như là một linh hồn của thế giới, như là một tiềm năng được hiện thực hóa của thể thống nhất tuyệt đối của tất cả và do đó, cao hơn nó chỉ có thể có chính cái tuyệt đối nhất ấy trong hành động hoàn hảo, hay là trong hiện hữu vĩnh cửu của mình, tức là Thượng Đế.
II
Ưu thế của con người trước những sinh linh khác của thiên nhiên -cái khả năng nhận thức và  thực hiện chân lý - không chỉ là của chủng loại, mà còn là của từng cá thể: mỗi một con người đều có khả năng nhận thức và thực hiện chân lý, mỗi người đều có thể trở thành một hình ảnh phản chiếu sống động của chỉnh thể tuyệt đối, một cơ quan hữu thức và độc lập của cuộc sống hoàn vũ. Cả trong thiên nhiên phi nhân tính cũng có chân lý (hay là hình ảnh của Chúa Trời),  nhưng chỉ ở trong tính khách quan chung của nó không được các sinh linh riêng lẻ biết đến. Chân lý ấy tạo tác chúng, tác động ở trong chúng và thông qua chúng như một sức mạnh định mệnh, như một quy luật tồn tại của chính chúng mà bản thân chúng không hay biết, song phục tùng một cách ngoài ý chí và vô ý thức. Để cho chính mình, trong cảm giác và ý thức nội tại của mình, chúng không thể vươn lên cao hơn cái sinh tồn nghiệm chứng riêng lẻ của mình, chúng tìm thấy mình chỉ ở trong thể riêng lẻ, cách li cái toàn thể và do đó chúng ở ngoài chân lý. Vì thế, chân lý hay là cái phổ quát chỉ có thể ưu thắng ở đây trong sự chuyển đổi thế hệ, trong sự trường tồn của chủng loại và  sự tử vong của cuộc sống cá thể không chứa nạp nổi chân lý. Còn cá thể con người thì chính vì nó có thể chứa nạp chân lý, nó không bị chân lý xoá bỏ, mà được bảo toàn và tăng cường trong sự toàn thắng của chân lý.
Thế nhưng để cho một sinh linh cá thể tìm thấy ở chân lý - ở thể thống nhất của tất cả - sự biện chính và sự khẳng định của mình, chỉ một ý thức về chân lý từ phía nó là chưa đủ - nó phải ở trong chân lý, mà khởi thuỷ và trực tiếp thì con người cá thể, cũng như con vật, không ở trong chân lý: nó nhận thấy mình như là một bộ phận nhỏ biệt lập của chỉnh thể hoàn vũ và với bản tính vị kỉ, nó khẳng định sự tồn tại cục bộ ấy của mình như là một chỉnh thể cho mình, nó muốn là tất cả trong sự tách rời khỏi tất cả - tức là ở ngoài chân lý. Chủ nghĩa vị kỉ như là một yếu tố hiện thực cơ bản của sự sống cá thể thẩm thấu toàn bộ nó và chỉ huy nó, quy định tất cả ở trong nó, cho nên chỉ một ý thức lý thuyết về chân lý không thể bằng cách nào vượt qua và xóa bỏ được chủ nghĩa vị kỉ ấy. Chừng nào sức sống của chủ nghĩa vị kỉ chưa bắt gặp ở bên trong con người một sinh lực khác đối lập với nó, thì ý thức về chân lý vẫn chỉ là sự soi sáng từ bên ngoài, là hồi quang của một ánh sáng khác. Nếu mà con người chỉ có thể chứa nạp chân lý theo một nghĩa ấy, thì mối liên quan giữa chân lý và cá nhân con người sẽ không là nội tại và khăng khít; cái sinh linh của chính nó, vẫn ở lại bên ngoài chân lý giống như con vật, sẽ cũng như con vật tất yếu tử vong (trong tính chủ quan cuả mình), chỉ lưu lại như một ý niệm trong tư duy của trí tuệ tuyệt đối.
Cái chân lý như một sức sống chiếm lĩnh sinh linh nội tại của con người và thực sự dẫn đưa nó ra khỏi trạng thái tự khẳng định sai trái, gọi là tình yêu. Tình yêu như một sự giải thể thực sự chủ nghĩa vị kỉ, là sự biện chính và cứu vớt thực sự tính cá thể. Tình yêu to lớn hơn ý thức hữu trí , nhưng không có nó thì tình yêu không thể hoạt động như một sức mạnh cứu độ nội tại, nâng cao chứ không xoá bỏ cái cá thể. Chỉ nhờ có ý thức hữu trí (hay là, cũng thế, ý thức về chân lý) con người mới có thể phân biệt chính mình, tức là cái tôi chân chính của mình, tách biệt nó khỏi chủ nghĩa vị kỉ của mình. Và hi sinh cái chủ nghĩa vị kỉ ấy, hiến dâng mình cho tình yêu, con người tìm thấy ở tình yêu không chỉ một lực sống, mà còn lực làm sống; từ bỏ chủ nghĩa vị kỉ của mình, nó không đánh mất sinh linh cá thể của mình, mà ngược lại tìm thấy cho nó sự sống vĩnh hằng. Trong thế giới các động vật, bởi ở chúng không có ý thức hữu trí  của riêng chúng, cái chân lý hiện thực hóa trong tình yêu không tìm ra được ở trong chúng điểm tựa nội tại cho hoạt động của mình, cho nên nó chỉ có thể tác động một cách trực diện, như một sức mạnh bên ngoài, định mệnh đối với chúng, thu nạp chúng như những công cụ mù loà cho những mục đích thế giới xa lạ với chúng; tình yêu ở đây xuất hiện như là sự toàn thắng một chiều của cái chung, cái chủng loại, đối với cái cá thể ; và vì ở các động vật, tính cá thể trùng hợp với tính vị kỉ trong sinh tồn cục bộ trực tiếp của chúng, cho nên cái cá thể cũng tử vong cùng với tính vị kỉ ấy.
III
Cái lẽ chung của tình yêu trong loài người  là biện minh và cứu vớt cá nhân bằng sự hi sinh  chủ nghĩa vị kỉ. Trên cơ sở chung ấy chúng ta có thể giải quyết cả nhiệm vụ chuyên biệt của chúng ta: giải thích ý nghĩa của tình yêu nam nữ. Không phải ngẫu nhiên mà những quan hệ nam nữ không những được gọi là tình yêu, mà còn, theo quan niệm chung, biểu thị bản chất tình yêu, là kiểu mẫu và lý tưởng của mọi thứ tình yêu khác (xem Tuyệt diệu ca và sách Khải huyền). (8)
Cái sai và cái ác của chủ nghĩa vị kỉ hoàn toàn không phải ở chỗ con người này hay con người kia đánh giá mình quá cao, gán ghép cho mình một ý nghĩa tuyệt đối, một phẩm giá vô cùng vô tận : chính ở đấy, nó đúng, bởi vì mọi chủ thể con người như một trung tâm độc lập của các lực sống, như một tiềm năng (khả năng) hoàn thiện vô tận, như một sinh linh có khả năng, trong cuộc sống và trong ý thức của mình, chứa nạp chân lý tuyệt đối - mỗi một con người với tư cách ấy đều có ý nghĩa và phẩm giá siêu tương đối, đều là một cái gì đó tuyệt đối không thể thay thế, cho nên nó không thể đánh giá mình quá cao (theo lời kinh Phúc Âm: người ta sẽ lấy gì mà đổi  linh hồn của mình? (9)). Sự không thừa nhận ở mình cái ý nghĩa tuyệt đối ấy ngang bằng với sự chối từ phẩm giá con người, đây là một sai lầm cơ bản khơi mào cho mọi sự không tin: người ấy thấp hèn đến nỗi không tin vào chính mình, vậy thì làm sao nó có thể tin vào một cái gì khác? Cái sai và cái ác cơ bản của chủ nghĩa vị kỉ không phải ở sự tự ý thức và tự định giá tuyệt đối ấy của chủ thể, mà ở chỗ, quy cho mình một cách chính đáng cái ý nghĩa tuyệt đối, nó phủ nhận một cách bất chính ý nghĩa ấy ở người khác; thừa nhận mình là trung tâm của sự sống, mà nó đúng là thế, nó hất đẩy mọi người khác ra ngoại vi của sinh tồn của mình, để lại cho họ chỉ một giá trị bề ngoài và tương đối.
Dĩ nhiên, trong ý thức trừu tượng, trong lý thuyết, bất cứ ai chưa mất trí cũng luôn luôn coi những người khác là bình quyền hoàn toàn với mình; nhưng trong ý thức sống, trong cảm giác bên trong và trong hành vi, nó khẳng định một sự khác biệt một trời một vực, một sự không thể so sánh giữa mình và những người khác: nó tự nó là tất cả, họ tự họ không là gì cả. Trong khi ấy thì, với sự tự khẳng định ngoại trừ tuyệt đối như thế, con người trong thực tế sẽ không thể là cái mà nó khẳng định. Cái ý nghĩa vô điều kiện, cái tính tuyệt đối mà nó nói chung chính đáng thừa nhận ở mình, nhưng không chính đáng lấy đi ở những người khác, tự chúng chỉ mang tính tiềm năng - đó mới là khả năng còn phải được hiện thực hóa. Thượng Đế mới tất cả, tức là Ngài có, trong hành động tuyệt đối của mình, toàn bộ nội dung chính diện, toàn bộ sự tồn hữu viên mãn. Con người (nói chung và bất cứ con người cá thể nào, nói riêng) đã là người này trong thực tại, chứ không phải người khác, thì chỉ có thể trở thành tất cả bằng cách xoá bỏ trong ý thức và trong cuộc sống cái đường biên nội tại ngăn chia nó với người khác. “Con người ấy’’ có thể trở thành ‘’tất cả’’ chỉ cùng với những người khác, chỉ cùng với những người khác nó mới có thể thực hiện được cái ý nghĩa tuyệt đối của mình - trở thành một bộ phận không thể tách rời và không thể thay thế của chỉnh thể thống hợp tất cả , một cơ quan sống động, độc lập và độc đáo của sự sống tuyệt đối. Tính cá nhân chân chính là một kiểu thức nhất định của tính - nhất - thống - của - tất - cả, một phương cách nhất định để tiếp thụ và biến thành của mình toàn bộ cái không phải là mình. Khẳng định mình ở bên ngoài tất cả, con người bằng cách ấy tước đoạt sự sinh tồn của chính mình, lấy đi của mình cái nội dung chân chính của sự sống và biến tính cá thể của mình thành một hình thức trống rỗng. Như vậy, chủ nghĩa vị kỉ tuyệt không phải là sự tự ý thức và tự khẳng định của cá nhân, mà ngược lại - nó là sự tự phủ định và tự diệt vong.
Những điều kiện siêu lý và vật lý, lịch sử và xã hội của nhân sinh bằng mọi cách làm biến thể và giảm nhẹ chủ nghĩa vị kỉ của chúng ta, đặt ra muôn vàn trở ngại mãnh liệt và đa dạng cho sự hiển lộ của nó ở dạng thuần tuý, với tất cả những hậu quả khủng khiếp của nó. Song toàn bộ cái hệ thống phức tạp của những trở lực và những điều chỉnh ấy, mà ý trời đã định trước và thiên nhiên và lịch sử đương thực hiện, vẫn để nguyên vẹn bản thân cái nền móng của chủ nghĩa vị kỉ, nó thường xuyên ló ra từ dưới tấm vải phủ của đạo đức cá nhân và xã hội và nếu có cơ hội thì bộc lộ rõ toàn bộ. Chỉ có một sức mạnh có thể làm nổ tung từ bên trong, tận gốc chủ nghĩa vị kỉ và trong thực tế nó vẫn làm việc ấy, đó chính là tình yêu, và chủ yếu tình yêu nam nữ. Cái sai và cái ác của chủ nghĩa vị kỉ là ở sự thừa nhận chỉ ở mình cái ý nghĩa tuyệt đối và phủ nhận nó ở người khác; lý trí cho ta thấy cái đó là vô căn cứ và bất công, còn tình yêu thì xoá bỏ trực tiếp và trong thực tại cái thái độ bất công bất chính ấy, nó bắt ta không chỉ trong ý thức trừu tượng, mà cả trong tình cảm  nội tâm và ý chí sống tiếp nhận cho mình cái ý nghĩa tuyệt đối của người khác. Nhận thức trong tình yêu một cách không trừu tượng mà cơ bản chân lý của người khác, chuyển dịch trong thực tại trung tâm sự sống của mình ra ngoài biên giới tính cá thể nghiệm chứng của mình, chúng ta bằng cách ấy thể hiện và thực hiện cái chân lý của  ta, cái ý nghĩa tuyệt đối của ta, nó chính là năng lực vượt ra ngoài ranh giới của kiểu tồn tại hiện tượng, thực chứng của ta, là năng lực sống không chỉ trong mình, mà còn trong người khác.
Mọi tình yêu đều là biểu hiện của năng lực ấy, nhưng không phải tình yêu nào cũng thực hiện nó ở mức độ như nhau, không phải tình yêu nào cũng làm nổ tung tận gốc như nhau chủ nghĩa vị kỉ. Chủ nghĩa vị kỉ là một sức mạnh không chỉ hiện thực mà còn cơ bản, bắt rễ vào tận trung tâm sâu nhất của sinh tồn chúng ta và từ đó thẩm thấu và bao trùm toàn bộ thực tại của ta - một sức mạnh tác động liên tục tới mọi bộ phận và mọi chi tiết của cuộc sống chúng ta. Để thực sự phá vỡ chủ nghĩa vị kỉ, phải có để đặt đối lập với nó một tình yêu cũng cụ thể - xác định như thế, cũng thẩm thấu toàn bộ và bao trùm tất cả trong sinh linh ta như thế. Cái khác ấy, cái phải giải phóng cá nhân ta khỏi xiềng xích của chủ nghĩa vị kỉ, phải có quan hệ tương liên với toàn bộ cá nhân ta, phải là một chủ thể cũng hiện thực và cụ thể, cũng được khách thể hóa hoàn toàn như chính ta, nhưng đồng thời nó lại phải khác ta toàn bộ, để có thể thực sự là cái khác; tức là, có tất cả cái nội dung cơ bản mà ta có, nó phải có cái đó bằng cách khác hay là bằng kiểu khác, dưới hình thức khác, để cho mỗi biểu hiện của sinh linh ta, mỗi hành vi sống của ta bắt gặp ở người khác ấy một biểu hiện tương ứng, nhưng không hệt như ta, để cho quan hệ của ta với người ấy là sự trao đổi đầy đủ và thường xuyên, là sự khẳng định mình trong người khác cũng đầy đủ và thường xuyên, là sự tương tác và giao lưu hoàn hảo. Chỉ khi ấy chủ nghĩa vị kỉ sẽ bị phá vỡ và xoá bỏ không chỉ trong nguyên tắc, mà trong toàn bộ thực tại cụ thể của nó. Chỉ với sự kết hợp có thể nói hóa học ấy của hai sinh linh đồng nhất về bản chất và ngang bằng về giá trị, nhưng khác nhau toàn diện về hình thức, mới có thể có (trong trật tự tự nhiên cũng như trật tự tinh thần) sự kiến tạo con người mới, sự thực hiện thật sự tính cá nhân chân chính của con người. Một sự kết hợp như thế, hay ít nhất một khả năng tiến gần nhất tới sự kết hợp ấy, ta tìm thấy trong tình yêu nam nữ, vì thế mà ta coi trọng đặc biệt nó như là một cơ sở không thiếu được và không thể thay thế của toàn bộ sự hoàn thiện hóa đến cùng cái hữu thể, như là một điều kiện tất yếu và thường trực, mà chỉ có nó con người mới có thể thật sự ở trong chân lý.
IV
Thừa nhận hoàn toàn tầm quan trọng vĩ đại và phẩm giá cao quý của các loại hình tình yêu khác, mà chủ nghĩa duy tinh thần sai trái và chủ nghĩa duy đạo đức bất lực(10)muốn lấy để thay thế tình yêu hữu tính, ta tuy vậy vẫn thấy rằng chỉ có loại tình yêu này mới đáp ứng hai yêu cầu cơ bản mà không có chúng thì không thể có sự xoá bỏ đến cùng tính tự kỉ trong giao hòa viên mãn, sống động với người khác. ở mọi loại tình yêu khác thiếu vắng hoặc là sự đồng nhất về chất, sự bình đẳng và tương tác giữa bên yêu và bên được yêu, hoặc là sự khác biệt toàn diện của các thuộc tính bổ sung cho nhau.
Chẳng hạn trong tình yêu thần hiệp, đối tượng của tình yêu cuối cùng được đưa về trạng thái bất phân tuyệt đối hút thu cá tính con người; ở đây chủ nghĩa vị kỉ được xoá bỏ theo một nghĩa rất không đầy đủ, giống như nó được xoá bỏ, khi con người rơi vào giấc ngủ sâu (trong kinh Upanishad và trong triết học Vedanta người ta so sánh và đôi khi trực tiếp đồng nhất hóa với trạng thái ngủ sâu ấy sự hòa đồng của tâm linh cá thể với tâm linh hoàn vũ). Giữa con người sống và cái "vực không đáy’’ huyền bí của sự bất phân tuyệt đối, do tính dị đồng về chất và tính không thể so sánh của hai đại lượng ấy, không thể có không chỉ sự giao lưu sống động, mà ngay cả sự cùng tồn tại đơn thuần: nếu có đối tượng của tình yêu, thì không có chủ thể - nó đã biến mất, đã đánh mất bản thân, đã như thể chìm vào một giấc ngủ sâu không chiêm mộng, và khi nó trở lại với mình, thì đối tượng tình yêu đã biến mất và thay vì cái bất phân tuyệt đối lại hiện ra cuộc sống thực tại tạp sắc, với muôn vàn sự phân biệt - trên cái nền chủ nghĩa vị kỉ của bản thân chủ thể, được tô điểm bằng niềm kiêu ngạo tinh thần. Tuy nhiên, lịch sử cũng đã từng chứng kiến những nhà thần hiệp và cả những trường phái thần hiệp, mà ở đấy đối tượng tình yêu được tri ngộ không phải như là cái bất phân tuyệt đối, mà thâu thái những hình thức cụ thể cho phép có được những quan hệ sống động với nó, thế nhưng - rất đáng để ý - những quan hệ ấy ở đây thu nhận tính chất rõ ràng và nhất quán của tình yêu hữu tính...
Tình yêu của cha mẹ - nhất là tình yêu của người mẹ - cả về sức mạnh tình cảm lẫn về tính cụ thể của đối tượng, tiến gần tới tình yêu hữu tính, nhưng vì những nguyên nhân khác nó không thể có được một ý nghĩa cho bản ngã  con người ngang bằng với tình yêu hữu tính. Tình yêu của cha mẹ được quy định bởi thực tại sinh con đẻ cái và chuyển giao thế hệ, với quy luật ngự trị trong đời sống động vật nhưng quy luật này không có, hoặc trong mọi trường hợp, không được có ý nghĩa đến thế trong đời sống con người. ở các động vật, thế hệ sau trực tiếp và nhanh chóng xoá bỏ thế hệ trước và lột trần tính vô nghĩa của sự tồn tại của chúng, để rồi đến lượt mình cũng nhanh chóng bị những sản phẩm của chính mình bóc trần cái tồn tại vô nghĩa của mình. Tình yêu của người mẹ trong nhân loại, nhiều khi đạt độ tự hi sinh cao mà ta không tìm thấy ở tình yêu của loài gà, là một tàn dư rõ ràng đương còn rất cần thiết, của cũng cái trật tự tự nhiên ấy. Trong mọi trường hợp điều không phải bàn cãi là trong tình mẫu tử không thể có sự có đi có lại hoàn toàn và sự giao lưu sự sống, bởi lẽ đơn thuần là người yêu và những người được yêu thuộc về những thế hệ khác nhau; đối với những người được yêu, cuộc sống ở trong tương lai với những lợi ích và nhiệm vụ mới, độc lập, mà giữa chúng, những đại diện của quá khứ chỉ xuất hiện như những chiếc bóng mờ nhạt. Chỉ cần nhận ra một điều là cha mẹ không thể là mục đích sống cho con cái như là con cái nhiều khi là mục đích sống cho cha mẹ.
Một người mẹ dồn tất cả tâm hồn mình vào các con, tất nhiên, hi sinh tính ích kỉ của mình, nhưng đồng thời cũng đánh mất cá tính của mình, còn ở các con, tình yêu của mẹ nếu bồi đắp cá tính của chúng thì cũng bảo toàn và thậm chí làm gia tăng tính ích kỉ.  Ngoài ra, trong tình mẫu tử vẫn không có sự thừa nhận ý nghĩa tuyệt đối ở người mình yêu, không có sự thừa nhận cái tính cá thể chân chính của nó, bởi vì đối với người mẹ, mặc dù đứa con là quý hơn tất cả, nhưng chỉ với tư cách đứa con đẻ của bà ta, không khác hơn ở những động vật khác, tức là ở đây, sự tưởng chừng thừa nhận giá trị tuyệt đối của người khác trong thực tế được quy định bởi quan hệ sinh lý học.
Những loại tình cảm quý mến khác lại càng không thể có tham vọng thay thế tình yêu hữu tính. Tình bạn giữa những người cùng một giới thiếu sự khác biệt toàn diện về hình thức của những phẩm chất bổ sung cho nhau, và nếu mặc dù như thế tình bạn ấy vẫn đạt một cường độ đặc biệt thì nó biến thành một thứ thay thế phản tự nhiên cho tình yêu hữu tính. Còn nếu nói về chủ nghĩa yêu nước và tình yêu nhân loại thì những tình cảm ấy, với tất cả tầm quan trọng của chúng, tự chúng không thể xoá bỏ được chủ nghĩa vị kỉ trong đời sống cụ thể, do tính không thể so sánh được của bên yêu với bên được yêu: cả nhân loại lẫn thậm chí dân tộc, nhân dân đối với một con người riêng lẻ không thể là một đối tượng cũng cụ thể như bản thân nó. Tất nhiên, có thể hi sinh cuộc đời mình cho dân tộc hoặc nhân loại, nhưng không thể tạo ra từ mình một con người mới, thể hiện và thực hiện bản ngã chân chính của con người trên cơ sở cái tình yêu quảng tính ấy. ở đây, trong trung tâm thực tế vẫn còn lại cái tôi cũ kĩ, vị kỉ của ta, còn dân tộc và nhân loại được đưa ra ngoại vi của ý thức như là những đối tượng lý tưởng. Cũng cái đó phải nói về tình yêu đối với khoa học, nghệ thuật, v..v...
Bằng không nhiều lời chỉ ra ý nghĩa thực thụ của tình yêu hữu tính và tính ưu việt của nó so với những tình cảm tương tự, bây giờ tôi phải giải thích vì sao tình yêu ấy lại được thực hiện yếu đến thế trong thực tại, và cho thấy bằng cách nào có thể thực hiện nó một cách đầy đủ. Việc ấy, tôi sẽ làm trong những bài viết tiếp theo.

Bài ba
I
ý nghĩa và giá trị của tình yêu như một cảm xúc là ở chỗ nó bắt ta quả thực bằng toàn bộ sinh linh ta thừa nhận ở người khác cái ý nghĩa trung tâm tuyệt đối  mà, do sức mạnh của chủ nghĩa vị kỉ, ta chỉ cảm thấy có ở bản thân ta. Tình yêu quan trọng không phải vì nó là một trong những cảm xúc của chúng ta, mà vì nó là sự chuyển vị toàn bộ mối quan tâm sống của chúng ta từ bản thân ta sang một cái khác, là sự định vị lại ngay cái  tâm điểm của cuộc sống cá nhân ta. Đó là thuộc tính của mọi tình yêu, nhưng đặc biệt của tình  yêu hữu tính*; tình yêu này khác với các loại tình yêu khác cả ở cường độ lớn hơn, tính cuốn hút sâu hơn, cả ở khả năng được đền đáp đầy đủ hơn và toàn diện hơn; chỉ có tình yêu ấy mới có thể đưa đến sự hòa đồng thật sự và không thể chia cắt hai cuộc sống làm một, chỉ về nó mà cả trong lời Chúa đã nói : hai người sẽ thành một xương một thịt,(11) tức là sẽ trở thành một sinh linh hiện thực.
Tình cảm đòi hỏi một sự giao hòa nội tại, đầy đủ và đến cùng như thế, nhưng thường thường sự việc không đi xa hơn cái yêu cầu và ý vọng chủ quan ấy, mà ngay cả cái đó cũng hóa ra chỉ là nhất thời. Trong thực tế, thay cho chất thơ của sự hòa đồng tâm đầu ý hợp và vĩnh viễn, chỉ diễn ra một sự nhích lại gần nhau dài hơn hay ngắn hơn, nhưng dẫu sao vẫn nhất thời, chặt chẽ hơn hay lỏng lẻo hơn, nhưng dẫu sao vẫn bên ngoài, hời hợt của hai sinh linh hữu hạn trong khuôn khổ chật hẹp của chất tạp văn đời thường. Đối tượng của tình yêu trong thực tại không giữ được cái ý nghĩa tuyệt đối mà trí mơ tưởng tương tư dành cho nó. Đối với con mắt người ngoài cái này rõ ngay từ đầu; thế nhưng sắc thái chế nhạo vô ý song tất yếu đi theo thái độ của người ngoài đối với các cặp uyên ương hóa ra chỉ là sự báo trước nỗi thất vọng chán chường ở chính họ. Nhanh chóng hoặc từ từ, cảm hứng tình yêu say đắm qua đi, và vẫn còn là tốt nếu cái năng lượng của những tình cảm vị tha biểu hiện trong tình yêu ấy không biến  mất một cách phí uổng mà chỉ mất đi tính tập trung và khí thế ngất trời xưa kia, chuyển vị dưới thể phân tán và pha loãng sang con cái được sinh ra và nuôi dạy để lặp lại cũng vẫn sự đánh lừa ấy. Tôi nói "đánh lừa" - xét từ quan điểm của cuộc sống cá thể và ý nghĩa tuyệt đối của ngã thể con người, song dĩ nhiên vẫn hoàn toàn thừa nhận tính thiết yếu và hợp đích của sự sinh con đẻ con cái và chuyển đổi  thế hệ cho sự tiến bộ của loài người trong cuộc sống tập hợp của nó. Nhưng đích thị tình yêu ở đây không liên can gì. Sự trùng hợp giữa tình yêu say đắm mãnh liệt với sự sinh con đẻ cái may mắn chỉ là một ngẫu nhiên, mà lại hiếm hoi; kinh nghiệm lịch sử và hàng ngày cho thấy quá rõ, là con cái có thể được sinh hạ may mắn, được thương yêu nồng nàn và được giáo dục rất tốt bởi cha mẹ chúng, mặc dù họ không bao giờ yêu nhau say đắm. Tức là những lợi ích xã hội và toàn thế giới của nhân loại, liên quan với việc chuyển đổi thế hệ, tuyệt không đòi hỏi một cảm hứng cao vời vợi của tình yêu. Trong khi ấy thì trong cuộc sống cá nhân, cái cuộc nở hoa rực rỡ nhất ấy lại hóa ra chỉ là hoa không kết trái. Sức mạnh ban đầu của tình yêu đánh mất hết ý nghĩa của mình, khi mà đối tượng của nó từ tầm cao siêu việt của  tâm điểm tuyệt đối, của một ngã thể được vĩnh cửu hóa rơi tõm xuống cấp bậc của một phương tiện ngẫu nhiên và dễ thay thế phục vụ cho sự ra đời một thế hệ người mới, có thể sẽ tốt hơn chút ít mà cũng có thể sẽ xấu hơn chút ít, nhưng trong mọi trường hợp đều là tương đối và nhất thời.
Như vậy, nếu chỉ nhìn vào cái thường tình xảy ra, nhìn vào kết cục thực tế của tình yêu, thì phải thừa nhận nó chỉ là một mơ ước chiếm lĩnh trong chốc lát sinh linh ta và biến mất, không chuyển hóa thành công việc nào hết (bởi lẽ sinh đẻ con cái thực ra không phải là công việc của tình yêu). Nhưng thừa nhận - do sự thật hiển nhiên - rằng ý nghĩa lý tưởng của tình yêu không được thực hiện trong thực tại, ta có nên xem nó là không thể thực hiện được hay không?
Căn cứ vào chính bản chất con người, mà nó, trong ý thức hữu trí, trong tự do tinh thần và năng lực tự hoàn thiện của nó, có những khả năng vô tận, ta không có quyền tiên quyết cho là không thể thực hiện bất kì một nhiệm vụ nào, nếu nó không mang trong mình một mâu thuẫn lôgic nội tại hay là một sự không phù hợp với ý nghĩa chung của vũ trụ và với tiến trình hợp đích của sự phát triển hoàn vũ và lịch sử.
Sẽ là hoàn toàn bất công phủ định tính khả thi của tình yêu chỉ trên căn cứ là cho đến nay nó chưa bao giờ được thực hiện: chẳng phải trước đây nhiều cái khác, thí dụ tất cả các khoa học và nghệ thuật, xã hội công dân, sự điều khiển các sức mạnh tự nhiên, đều đã ở trong tình trạng như thế? Ngay cả cái ý thức hữu trí, trước khi trở thành hiện thực ở con người, đã từng là ý vọng mơ hồ và không thành trong thế giới các động vật. Biết bao nhiêu thời đại địa chất học và sinh học đã trôi qua trong những cố gắng không thành tạo nên bộ óc có khả năng trở thành một cơ quan thực hành tư duy lý tính. Tình yêu trong loài  người hiện vẫn còn là cái y như trí tuệ trong thế giới động vật - nó mới chỉ tồn tại trong những phôi mầm và tiềm năng của nó, chứ chưa phải trong thực tại và nếu những thời kì khổng lồ của thế giới - những nhân chứng của trí tuệ không thành - đã không cản trở trí tuệ ấy cuối cùng vẫn cứ trở thành hiện thực, thì còn hơn thế, sự chưa được thực hiện của tình yêu trong tương đối không nhiều thiên niên kỉ mà nhân loại chính sử đã trải qua, lại càng không cho ta quyền kết luận một điều gì loại trừ sự thực hiện nó trong tương lai. Chỉ cần nhớ rõ rằng, nếu hiện thực của ý thức hữu trí đã xuất hiện ở con người, nhưng không từ con người, thì sự thực hiện tình yêu, như là bậc cao nhất trong sự sống của  nhân loại, sẽ phải diễn ra không chỉ ở trong nó, mà còn từ nó.
Nhiệm vụ của tình yêu là biện chính bằng thực tại cái ý nghĩa của mình, mà ban đầu chỉ được nhận thấy trong tình cảm; phải có một sự kết hợp  thế nào hai sinh linh hữu hạn nhất định để từ họ tạo nên một ngã thể lý tưởng tuyệt đối - nhiệm vụ ấy không chỉ không mang trong mình một mâu thuẫn nội tại nào và một sự không phù hợp nào với ý nghĩa của hoàn vũ, nhưng nó còn trực tiếp được đặt ra bởi bản chất tinh thần của chúng ta, mà đặc điểm của nó là con người, vẫn còn lại là người trong hình thái của bản thân, có thể chứa nạp một nội dung tuyệt đối, trở thành một ngã thể tuyệt đối. Thế nhưng để chứa đầy nội dung tuyệt đối(trong ngôn ngữ tôn giáo, cái đó gọi là sự sống vĩnh hằng hay là vương quốc của Chúa Trời), bản thân hình thái con người phải được phục hồi trong thể nguyên vẹn của nó (phải được tích hợp). Trong thực tại nghiệm chứng, con người như là chính nó tuyệt không tồn tại - nó chỉ tồn tại trong thể một mặt và hữu hạn nhất định, như là cá thể nam và cá thể nữ (và rồi trên cơ sở ấy mới phát triển những khác biệt khác). Nhưng con người chân chính trong đầy đủ tính ngã thể lý tưởng của nó, rõ ràng không thể chỉ là đàn ông hay đàn bà, mà phải là một thể thống nhất cao nhất của cả hai. Thực hiện sự thống nhất ấy, tạo nên con người chân chính, như là một thể thống nhất tự do của bản nguyên nam và bản nguyên nữ vẫn giữ sự riêng biệt về hình thức, nhưng đã khắc phục được sự dị biệt về bản chất và sự phân li của chúng - đó chính là nhiệm vụ nội tại gần nhất của tình yêu. Xem xét những điều kiện cần có để thực sự giải quyết nhiệm vụ ấy, ta sẽ thấy rằng chỉ sự không tuân thủ những điều kiện ấy mới dẫn đến thất bại hàng ngày của tình yêu và buộc người đời coi nó chỉ là ảo giác.
II
Bước đi đầu tiên đưa đến sự giải quyết đúng đắn bất cứ nhiệm vụ nào là đặt ra một cách có ý thức và đúng đắn nhiệm vụ ấy; thế nhưng nhiệm vụ của tình yêu chưa bao giờ được đặt ra một cách có ý thức, và vì thế mà chưa bao giờ được giải quyết một cách thoả đáng. Người ta đã và đương chỉ xem tình yêu như một thực tại nhất định, như một trạng thái (bình thường đối với một số người, bệnh hoạn đối với những người khác) mà con người trải nghiệm nhưng không bó buộc nó phải làm gì cả. Có hai nhiệm vụ thực ra được buộc nối vào đây: sở hữu sinh lý người yêu và liên kết cuộc sống với nó - trong đó, nhiệm vụ thứ hai có đặt ra một số nghĩa vụ - nhưng ở đây sự việc đã tuân phục một bên là những quy luật của sự sống sinh vật, bên kia là những quy luật của cuộc sống chung dân sự, còn tình yêu, từ đầu đến cuối bị phó mặc nó cho nó, biến mất như một ảo ảnh. Dĩ nhiên, tình yêu trước hết là một hiện thực tự nhiên (hay là một tặng phẩm của Thượng Đế), là quá trình tự nhiên phát sinh không phụ thuộc vào chúng ta; nhưng từ điều đó, không thể suy ra rằng ta không có thể và không được có thái độ hữu thức đối với nó, không thể và không được tự ý hướng quá trình ấy tới những mục đích cao nhất. Biết nói cũng là một thuộc tính tự nhiên của con người, tiếng nói cũng không được nghĩ ra, chẳng khác nào tình yêu. Tuy nhiên, sẽ đáng buồn vô cùng, nếu chúng ta ứng xử với ngôn ngữ chỉ như với một quá trình tự nhiên tự nó diễn ra trong ta, nếu chúng ta nói năng như là chim hót, giao mình cho những tổ hợp âm thanh và ngôn từ tự nhiên thể hiện những cảm giác và quan niệm vô tình đi qua tâm hồn ta, chứ không biến ngôn ngữ thành công cụ nhằm diễn đạt đến nơi một số tư tưởng nhất định, thành phương tiện để đạt tới những mục đích hữu lý và hữu thức.Với một thái độ hoàn toàn thụ động và vô ý thức đối với năng lực hành ngôn sẽ không thể hình thành cả khoa học, cả nghệ thuật, cả cuộc sống cộng đồng dân sự, và  ngay ngôn ngữ, do ứng dụng không đầy đủ năng lực này, cũng sẽ không phát triển được và sẽ mãi mãi ở lại trong những biểu hiện phôi thai của nó. Ngôn từ có ý nghĩa thế nào cho sự hình thành xã hội và văn hóa loài người thì tình yêu cũng có ý nghĩa như thế và còn to lớn hơn cho sự kiến tạo ngã thể chân chính của con người. Và nếu ở lĩnh vực thứ nhất (xã hội và văn hóa) ta nhận ra một sự tiến bộ tuy chậm chạp, nhưng không thể hồ nghi, trong khi cái cá thể của con người từ thuở khởi đầu lịch sử cho đến  nay vẫn ở lại bất di bất dịch trong những hạn chế thực tại của nó, thì nguyên nhân trước hết của sự lệch pha này là ở chỗ đối với hoạt động diễn ngôn và các tác phẩm ngôn từ, chúng ta có thái độ ngày càng hữu thức hơn và hữu ý hơn, còn tình yêu thì vẫn như xưa kia được để lại hoàn toàn trong khu vực tối tăm của những xúc cảm mơ hồ và những đam mê bất giác.
Giống như sứ mệnh của ngôn từ không phải ở chính quá trình nói, mà ở cái được nói - ở sự khải huyền cái lẽ của vạn vật thông qua các từ ngữ và khái niệm, cũng như thế, sứ mệnh chân chính của tình yêu không phải ở sự trải nghiệm đơn thuần cảm xúc yêu đương, mà ở cái được thực hiện thông qua cảm xúc ấy - ở cơ đồ của tình yêu: với nó, chỉ cảm thấy cho mình ý nghĩa tuyệt đối của đối tượng mến yêu là chưa đủ, mà cần phải trao cho hoặc truyền cho đối tượng cái ý nghĩa ấy trong thực tại, cần liên kết với nó để thật sự tạo ra một ngã thể tuyệt đối. Và cũng giống như nhiệm vụ cao nhất của hoạt động ngôn từ đã  được quy định trước trong ngay bản chất của từ ngữ - chúng tất yếu biểu thị những khái niệm chung và trường tồn, chứ không phải những ấn tượng riêng lẻ và nhất thời và vì thế mà, vốn là sự  quy tụ về một cái có nhiều, tự chúng khêu gợi ta tìm kiếm lẽ tồn tại chung của toàn thế giới - cũng tương tự như thế, nhiệm vụ cao nhất của tình yêu đã được chỉ trước ngay trong tình cảm yêu mến ; tình cảm ấy, đi trước mọi sự  hiện thực hóa, tất yếu dẫn đưa đối tượng của mình vào lĩnh vực ngã thể tuyệt đối, nó nhìn thấy đối tượng trong ánh sáng lý tưởng, tin vào giá trị tuyệt đối của đối tượng. Như vậy cả trong hai trường hợp (cả trong khu vực nhận thức bằng ngôn từ lẫn trong khu vực tình yêu) nhiệm vụ không phải là chế tác ra từ bản thân ta một cái gì đó hoàn toàn mới, mà chỉ là nhất quán thực hiện tiếp tục và đến cùng cái đã có ở dạng phôi thai ở ngay bản chất sự việc, ở ngay cơ sở của tiến trình. Nhưng nếu ngôn từ trong loài người đã và đương phát triển, thì trong lĩnh vực tình yêu, con người đã và đương ở lại với chỉ những phôi mầm tự nhiên, mà ngay những phôi mầm ấy trong ý nghĩa chân chính của chúng vẫn còn được hiểu rất tồi.
III
Ai ai cũng biết là trong tình yêu thường tất yếu có sự lý tưởng hóa đặc biệt đối tượng mến yêu, nó hiện ra trước người yêu nó trong một ánh sáng hoàn toàn khác cái ánh sáng mà trong đó những người ngoài nhìn thấy nó. Tôi nói ở đây về ánh sáng không chỉ theo nghĩa ẩn dụ, vấn đề ở đây không chỉ ở sự quý trọng đặc biệt về đạo đức hay trí tuệ, mà còn ở cái tri giác cảm tính đặc biệt: người đương yêu quả thật nhìn thấy, cảm thấy bằng thị giác cái mà những người khác không thấy. Có điều ngay với nó, ánh sáng tình yêu ấy cũng nhanh chóng biến mất, nhưng từ đó có được suy kết rằng ánh sáng ấy là hư ảo, rằng đó chỉ là một ảo tưởng chủ quan?
Cái bản chất chân chính của con người nói chung và của mỗi một con người không bị vắt kiệt bởi những hiện tượng nghiệm chứng của nó - để đối đầu với luận điểm này, thật khó có thể tìm ra những luận chứng hữu lý và vững chắc bất cứ từ quan điểm nào. Đối với nhà duy vật và nhà duy cảm, không ít hơn là đối với nhà duy linh và duy tâm, cái tưởng là có không đồng nhất với cái có thật và khi phải luận về hai kiểu "tưởng là", thì luôn luôn nảy sinh một câu hỏi  chính đáng :  kiểu nào trong hai kiểu ấy phù hợp nhiều hơn với cái có thật hay là thể hiện tốt hơn bản chất của các sự vật? Bởi vì cái "tưởng là" hay cái bề ngoài nói chung là hệ quả của quan hệ tương liên hay tương tác hiện thực  giữa cái nhìn thấy và cái được nhìn thấy và như vậy là được quy định bởi những thuộc tính hai bên của chúng. Thế giới bên ngoài của con người và thế giới bên ngoài của con chuột chũi - cả hai đều được cấu thành chỉ bởi những hiện tượng tương đối hay là những vẻ ngoài; tuy vậy thật khó có ai hoài nghi một cách nghiêm túc rằng một trong hai thế giới "tưởng là" ấy ưu việt hơn cái kia, nằm gần cận hơn với cái là chân lý.
Ta biết rằng con người, ngoài bản chất sinh vật của mình, còn có bản chất lý tưởng gắn kết nó với chân lý tuyệt đối hay là Thượng Đế. Ngoài nội dung vật chất hay là thực chứng của cuộc sống của mình, mỗi một con người mang trong mình hình ảnh Chúa Trời, tức là một hình thức đặc biệt của nội dung tuyệt đối. Cái hình ảnh Chúa Trời ấy được chúng ta nhận thức một cách lý thuyết và trừu tượng trong trí tuệ và thông qua trí tuệ, còn trong tình yêu thì nó được nhận thức cụ thể và bằng sự sống. Và nếu sự hiện diện của cái bản chất chân lý thường bị hiện tượng vật chất che khuất ấy không giới hạn trong tình yêu chỉ bằng cảm giác bên trong, mà đôi khi trở nên cảm nhận được cả bằng  các giác quan bên ngoài, thì chúng ta lại càng phải thừa nhận ở tình yêu một bước khởi nguyên cho sự phôi phục thấy được hình ảnh của Chúa Trời trong thế giới vật chất, bước khởi đầu cho sự hiện thân cái tính người lý tưởng, chân chính. Sức mạnh của tình yêu, chuyển hóa thành ánh sáng, cải biến và đưa tinh thần vào hình thức của những hiện tượng bên ngoài, bằng cách ấy khai mở cho ta thấy những tiềm lực khách quan lớn lao nơi ta, nhưng công việc tiếp theo đã là của ta: tự ta phải hiểu điều khải huyền ấy và vận dụng nó, để nó không mãi mãi chỉ là ánh lóe huyền bí  và thoáng qua của một bí mật nào đó.
Quá trình tinh thần - vật chất của sự khôi phục hình ảnh Chúa Trời trong nhân loại vật chất không thể tự nó diễn ra bên ngoài chúng ta. Khởi nguyên của nó, cũng như của tất cả những gì tốt đẹp nhất trong thế giới này,  hiện ra từ trong miền tối của những quá trình và quan hệ không được ý thức; nơi ấy là mần non và gốc rễ của cây đời, nhưng ta phải vun xới cho nó lớn lên bằng hàng động của chính ta. Để khai mào, một sự nhạy bén thụ động của tình cảm là đủ, nhưng tiếp theo, không thể thiếu vắng một niềm tin tích cực, một kì công tinh thần và sự khổ lao để giữ gìn trong mình, để củng cố và phát triển cái phú bẩm tình yêu trong sáng và sáng tạo, để mà thông qua nó làm hiển hiện ở mình và ở người khác hình ảnh của Chúa Trời và từ hai sinh linh hữu hạn và hữu tử tạo ra một ngã thể tuyệt đối và bất tử. Nếu sự lý tưởng hóa không thể tránh khỏi và là đặc tính vô thức của tình yêu cho ta thấy, sau cái bề ngoài nghiệm chứng, hình ảnh lý tưởng cao siêu của đối tượng, thì tất nhiên, không phải là để cho ta chỉ chiêm ngưỡng nó, mà để cho ta bằng sức mạnh của niềm tin chân chính, của trí tưởng tượng hoạt bát và của lao động sáng tạo thật sự cải hóa theo mẫu mực chân chính ấy cái thực tại không tương hợp với nó, nhập thân cái mẫu mực ấy vào hiện tượng thực tại.
Thế nhưng đã có ai bao giờ nghĩ một điều gì tương tự như thế về tình yêu? Các nhà thơ trữ tình và hiệp sĩ trung cổ, với đức tin mãnh liệt và trí tuệ yếu đuối của họ, đã yên tâm với sự đồng nhất hóa đơn thuần lý tưởng tình yêu với một con người thực chứng, nhắm mắt trước sự không tương hợp lộ liễu giữa chúng. Niềm tin ấy cũng rắn chắc, song cũng không thể đơm hoa kết trái, giống như tảng đá, mà trên đó, ‘’vẫn trong tư thế ấy’’, nhà hiệp sĩ trứ danh von Grunvalius ngồi lì bất tận bên cạnh lâu đài của nàng Amalie. (12)
Ngoài cái niềm tin bắt buộc chỉ chiêm ngưỡng tôn kính và ca ngợi hoan hỷ cái lý tưởng mà người ta tưởng là đã nhập thân, tình yêu trung cổ tất nhiên còn gắn bó với khát vọng kì công. Song những kì công hiếu chiến và hiếu sát ấy không có quan hệ gì với cái lý tưởng đã cổ vũ chúng, cho nên đã không thể đưa đến sự thực hiện lý tưởng ấy. Ngay cả chàng hiệp sĩ với nước da trắng nhợt đã hoàn toàn giao hiến mình cho ấn tượng về cái đẹp thiên giới hiện ra trước chàng, không lẫn lộn nó với những hiện tượng trần gian, -  chàng cũng chỉ được linh thị ấy cổ lệ lập nên những kì tích  làm hại cho những người dị tộc nhiều hơn là làm lợi và làm vẻ vang cho "nữ tính vĩnh hằng":
ánh sáng trời ! Bông hồng thánh thiện !
Chàng thốt lên, bạo liệt cuồng say,
Và những lời dọa nạt của chàng
Như sấm sét  quật chết lũ Hồi giáo. (13)
Để quật chết những người theo đạo Hồi, tất nhiên không cần thiết phải có "một linh thị trí khôn không hiểu nổi". Thế nhưng toàn bộ thế giới hiệp sĩ trung cổ đã bị đè bẹp  bởi sự lưỡng phân ấy giữa những linh thị về cõi trời của đạo Kitô và những sức mạnh "bạo liệt và cuồng say" của đời sống thực tại, cho đến khi nhà hiệp sĩ trứ danh nhất và cuối cùng - Don Quichotte ở Lamancha, sau khi đã đâm chết nhiều con cừu và làm gẫy cánh nhiều cối xay gió, nhưng vẫn không làm cho cô nông dân nuôi bò, dù chỉ chút ít, nhích lại gần lý tưởng Dulcinée, đã phải đi đến một nhận thức công bằng, nhưng chỉ phủ định về sự lầm lạc của mình; và nếu chàng hiệp sĩ điển hình kia vẫn trung thành đến cùng với cái linh thị của mình và "chàng đã chết như một kẻ điên", thì Don Quichotte từ điên rồ mất trí đã chỉ chuyển sang sự thất vọng và tuyệt vọng đáng buồn về lý tưởng của mình.
Nỗi thất vọng ấy của Don Quichotte là chúc thư của giới hiệp sĩ để lại cho châu Âu thời mới. Nó vẫn tác động trong chúng ta cho đến tận bây giờ. Sự lý tưởng hóa trong tình yêu, không còn là nguồn gốc của những kì công điên rồ nữa, giờ đây không cổ lệ bất cứ kì công nào. Nó hóa ra chỉ là cái mồi thôi thúc ta mong muốn một sự hữu sở sinh lý và đời thường và biến mất ngay tức thì, khi cái mục đích hoàn toàn không lý tưởng ấy đã đạt được. ánh sáng của tình yêu không phục vụ cho ai làm tia sáng soi đường tới thiên đường đã mất; người ta xem nó như một thứ ánh sáng kì ảo của "màn mở đầu trên trời"(14) diễm tình ngắn ngủi, mà thiên nhiên sau đó rất kịp thời dập tắt như một thứ tuyệt không cần thiết cho vở diễn tiếp theo trên mặt đất. Nhưng thực ra cái dập tắt ánh sáng ấy chỉ là sự yếu đuối và tính vô ý thức của tình yêu nơi ta, chính nó bóp méo bẻ cong cái trật tự chân chính của sự việc.
IV
 Sự kết hợp bên ngoài, trong đời sống và đặc biệt trong sinh lý, không có quan hệ nhất thiết với tình yêu. Nó có thể có mà không có tình yêu, và có thể có tình yêu mà không có nó. Nó là thiết yếu đối với tình yêu không phải như là một điều kiện nhất thiết và một mục tiêu riêng biệt, mà chỉ như là sự thực hiện đến cùng tình yêu.Nếu sự thực hiện ấy được đặt ra như một mục đích tự thân trước công việc lý tưởng của tình yêu, nó giết chết tình yêu. Mọi hành động hay sự việc bên ngoài tự chúng không là cái gì cả. Tình yêu là một cái gì đó chỉ nhờ ý nghĩa hay ý tưởng của nó, như là sự phục hồi thể thống nhất và toàn vẹn của bản ngã con người, sự kiến tạo một ngã thể tuyệt đối. ý nghĩa của những hành động và sự kiện bên ngoài liên quan đến tình yêu, mà tự chúng không là cái gì  cả, được quy định bởi quan hệ của chúng với cái đích thị là tình yêu và sứ mệnh của nó. Khi con số không được đặt sau số nguyên, nó làm cho số nguyên lớn lên gấp mười lần, còn khi được đặt trước số nguyên, nó làm cho số ấy bé đi cũng bằng ấy lần hoặc phân tán số ấy, tước đi của nó tính nguyên vẹn, biến nó thành phân số thập phân; và càng nhiều số không như thế đi trước số nguyên thì phân số càng bé hơn, càng tiến gần hơn tới số không.
Cảm xúc yêu đương tự nó chỉ là một thôi thúc, nhắc nhở chúng ta rằng ta có thể và có nghĩa vụ tái thiết thể toàn vẹn của sinh linh con người. Mỗi lần trong trái tim con ngưòi bừng lên tia sáng ấy, toàn bộ vật tạo đau khổ và rên xiết chờ lời khải huyền đầu tiên về sự hiển vinh của những đứa con của Chúa Trời. Nhưng không có tác động của tinh thần tự giác của con người, tia sáng của Chúa Trời tắt ngấm, và thiên nhiên bị đánh lừa lại tạo tác những thế hệ mới của những đứa con của loài người cho những hi vọng mới.
Những hi vọng ấy chưa thành, chừng nào ta chưa muốn thừa nhận toàn bộ và thực hiện đến cùng tất cả những gì mà tình yêu chân chính đòi hỏi, những gì ẩn chứa trong ý tưởng tình yêu. Song ngay cả khi ta đã có thái độ tự giác đối với tình yêu và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ của nó, xuất hiện trước hết hai thực tại ngăn cản, chúng hình như kết án ta khoanh tay ngồi không và biện hộ cho những ai coi tình yêu chỉ là ảo giác. Trong tình yêu, theo ý nghĩa cơ bản của nó, chúng ta khẳng định giá trị tuyệt đối của một cá nhân khác và qua đó cả giá trị tuyệt đối của cá nhân ta. Thế nhưng một ngã thể tuyệt đối không thể phù sinh và cũng không thể là trống rỗng. Cái chết không thể tránh khỏi và cuộc sống trống rỗng của chúng ta hoàn toàn không thể tương dung với cảm hứng khẳng định tăng cao giá trị cá thể của ta và của người khác nằm sẵn trong tình yêu. Tình cảm ấy, nếu nó mãnh liệt và hoàn toàn tự giác, không thể dàn hòa với sự tin tưởng chắc chắn là người mà ta yêu và bản thân ta sẽ già đi và sẽ chết. Trong khi ấy thì một hiện thực không thể hồ nghi là xưa nay tất cả mọi người đều chết ; hiện thực ấy được mọi người, hoặc hầu như mọi người xem là một quy luật tuyệt đối, bất di bất dịch (đến nỗi trong lôgic học hình thức, đã trở thành tập quán sử dụng niềm tin sắt đá ấy để lập ra một tam đoạn luận mẫu mực: tất cả mọi người đều chết; Kay là con người; do đó, Kay cũng sẽ chết). Có điều nhiều người tin vào sự bất tử của linh hồn; nhưng chính tình yêu cho ta thấy tốt hơn cả tính không thoả đáng tí nào của niềm tin trừu tượng ấy. Một sinh linh không có thân xác không phải là người, mà là thiên thần, nhưng chúng ta yêu con người, yêu cái cá thể toàn vẹn của nó, và nếu tình yêu là bước đầu của quá trình làm sáng và đưa tinh thần vào cái cá thể ấy, thì nó tất yếu đòi bảo toàn cá thể, đòi tuổi xuân vĩnh viễn và sự bất tử cho con người  ấy, cho cái thần sống đã nhập vào cơ thể thân xác ấy. Thiên thần hay một tinh thần thuần tuý không cần được làm sáng và được hấp thụ tinh thần; chỉ có xác thịt mới bừng sáng và mới nhuần thấm tinh thần, mà xác thịt là đối tượng không thể thiếu của tình yêu. Có thể tạo ra quan niệm về bất cứ cái gì, nhưng chỉ có thể yêu cái sống động, cái cụ thể, mà đã yêu nó thật sự thì không thể dàn hòa với sự biết chắc chắn là nó sẽ tử vong.
Nhưng nếu sự không thể tránh khỏi cái chết là không thể dung  hòa với tình yêu chân chính, thì sự bất tử cũng tuyệt không thể dung hòa với cuộc sống trống rỗng của chúng ta. Đối với đa số nhân loại, cuộc đời chỉ là sự đổi phiên giữa lao động nặng nhọc mang tính máy móc và những lạc thú nhục thể thô bạo, làm choáng váng ý thức. Còn cái thiểu số có điều kiện chăm sóc thiết thực cho không chỉ những phương tiện, mà cả những mục đích sống thì lại, thay vì cái đó, lợi dụng sự không phải lao động cơ bắp chủ yếu để giết thời gian một cách vô nghĩa và vô đạo đức. Thiết nghĩ không cần nói dài dòng về sự trống rỗng và vô đạo đức một cách vô ý và vô thức của toàn bộ cuộc sống giả tạo ấy sau khi nó đã được tái tạo tuyệt vời trong Anna Karenina, Cái chết của Ivan IlichBản xônat Kreutzer*. Trở lại câu chuyện của chúng ta, chỉ xin dẫn một ý kiến rất có lý là đối với một cuộc sống như thế, cái chết không chỉ không thể tránh khỏi,  mà còn đáng mong muốn: có thể nào hình dung sự tồn tại kéo dài vô tận của một quý bà thuộc xã hội thượng lưu, hay một vận động viên, hay một con bạc khát nước, mà chỉ sự hình dung thôi lại không gây cho ta một nổi sầu khủng khiếp ?
Sự bất tử không thể tương dung với kiểu tồn tại như thế, điều này là rõ ràng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng nếu để ý hơn, ta sẽ phải thừa nhận cũng sự không thể tương dung như thế cả đối với những kiểu tồn tại khác, rõ ràng giàu nội dung hơn. Nếu thay vì một quý bà thuộc xã hội thượng lưu hay một con bạc, ta lấy, ở cực đối lập, những vĩ nhân, những thiên tài đã cống hiến cho nhân loại những tác phẩm bất hủ hay là đã làm thay đổi số phận của các dân tộc, thì ta sẽ thấy rằng nội dung cuộc sống của họ và những thành quả lịch sử của nó có giá trị chỉ như cái đã có một lần và không trở lại và chúng sẽ mất đi mọi ý nghĩa, nếu sự tồn tại cá thể của những thiên tài ấy kéo dài bất tận. Sự bất tử của những tác phẩm, xem ra, tuyệt không đòi hỏi và thậm chí còn loại trừ sự bất tử vô tận của các cá nhân  đã tạo tác ra chúng. Lẽ nào có thể hình dung một Shakespeare sáng tác bất tận những vở kịch của mình hay một Newton tiếp tục nghiên cứu không bao giờ dứt cơ học bầu trời, không nói đến cái lố bịch của sự tiếp tục mãi mãi cái hoạt động đã làm lừng danh một Alexandre Đại đế hoặc một Napoléon. Rõ ràng, nghệ thuật, khoa học, chính trị, cung cấp nội dung cho từng ý vọng riêng lẻ của tinh thần con người và đáp ứng những nhu cầu lịch sử nhất thời của nhân loại, tuyệt không truyền cho các cá thể con người một nội dung tuyệt đối, tự nó thỏa mãn nó, và vì thế mà không cần đến sự bất tử của những con người ấy. Chỉ có tình yêu cần đến sự bất tử ấy, và chỉ có nó mới đạt tới sự bất tử. Tình yêu chân chính không chỉ khẳng định trong cảm giác chủ quan cái ý nghĩa tuyệt đối của ngã thể con người ở người khác và ở bản thân ta, mà còn thực hiện ý nghĩa ấy trong thực tại, thực sự giải thoát ta khỏi cái chết không thể tránh và làm cho cuộc sống của ta đầy ắp nội dung tuyệt đối.
Bài bốn
I
 "Dionysos và Hades là một" - nhà tư tưởng sâu sắc bậc nhất của thế giới cổ đại đã nói(15). Dionysos, vị thần tươi trẻ, đương thì của sự sống vật chất trong cường độ cao nhất của những sức mạnh sôi sục của nó, vị thần của thiên nhiên hưng phấn và đươm hoa kết trái - đồng nhất với Hades, chúa tể nhợt nhạt của vương quốc tối tăm và câm lặng của những vong hồn. Thần của sự sống và thần của sự chết chỉ là một vị thần. Đó là chân lý không phải bàn cãi đối với thế giới các sinh thể tự nhiên. Sự sục sôi những lực sống viên mãn trong sinh linh cá thể không phải là sự sống của bản thân nó, đó là sự sống của kẻ khác, của nòi giống thờ ơ với nó và không biết khoan nhượng nó, sự sống ấy là sự chết đối với nó. Trong những khu vực cấp thấp của thế giới động vật điều này là hoàn toàn rõ ràng; ở đây, những cá thể tồn tại chỉ để sản sinh ra hậu thế và sau đó chết; ở nhiều chủng loại, chúng không sống qua được hành vi sinh sản, chết ngay tại chỗ, ở những chủng loại khác, chúng sống thêm được rất ít thời gian. Nhưng nếu quan hệ ấy giữa sinh sản và chết, giữa bảo tồn nòi giống và tử vong cá thể là quy luật của thiên nhiên, thì cũng chính thiên nhiên trong sự phát triển đi lên của mình ngày một hạn chế và làm giảm yếu cái quy luật ấy.Việc cá thể làm phương tiện phục vụ sự duy trì của giống nòi và chết sau khi đã làm xong nhiệm vụ vẫn là một tất yếu, nhưng tác động của cái tất yếu ấy ngày càng bộc lộ một cách ít trực tiếp hơn và ít độc nhất hơn, cùng với quá trình hoàn thiện các hình thái hữu cơ làm gia tăng tính tự chủ và tính hữu thức của các sinh linhcá thể. Như vậy, quy luật về sự đồng nhất của Dionysos và Hades - của sự sống chủng loại và sự chết cá thể - hay cũng thế, quy luật về sự đối lập và đối kháng giữa chủng loại và cá thể tác động mạnh hơn cả ở những bậc thấp của thế giới hữu cơ, còn với sự phát triển của các hình thái cấp cao thì ngày một suy yếu đi. Và nếu thế thì, với sự ra đời của một hình thái hữu cơ cấp cao nhất thể hiện một sinh linh cá thể tự ý thức và tự hoạt động, một sinh linh đã tách rời mình khỏi thiên nhiên, quan hệ với nó như với một khách thể và vì thế mà có thể có được tự do nội tại khỏi những yêu cầu của chủng loại - với sự xuất hiện một sinh linh như thế, phải chăng ách thống ngự độc tài của chủng loại đối với cá thể sẽ phải cáo chung? Nếu thiên nhiên trong tiến trình sinh học cố gắng ngày càng hạn chế quy luật của sự chết, thì phải chăng con người trong tiến trình lịch sử sẽ phải xoá bỏ hoàn toàn quy luật ấy đi?
Có điều rõ ràng hết sức là chừng nào con người còn sinh đẻ như con vật, nó còn chết như con vật. Nhưng mặt khác cũng rõ không kém, là sự kiêng kị đơn thuần hành vi sinh dục cũng không giải thoát khỏi cái chết: những người giữ trọn chữ trinh vẫn chết, cũng như những người đã hoạn; cả hai loại người này thậm chí đều chẳng được hưởng sự trường thọ nào đặc biệt. Điều này thật dễ hiểu. Sự chết nói chung là sự phản tích hợp của sinh linh, sự phân rã các nhân tố hợp thành nó. Thế nhưng sự phân chia giới tính, mà sự kết hợp bên ngoài và trong phút giây trong hành vi sinh dục không xoá bỏ nổi - sự phân chia bản nguyên nam và bản nguyên nữ của sinh linh con người tự nó đã là trạng thái phản tích hợp và là khởi nguyên của sự chết. Tồn tại trong phân chia giới tính tức là tồn tại trên đường đến cái chết, và ai không muốn hoặc không thể bước ra khỏi con đường ấy, sẽ phải đi đến tận cùng. Ai nuôi dưỡng gốc rễ của sự chết, người ấy tất yếu sẽ nếm  trái của nó. Chỉ có con người nguyên vẹn mới có thể là bất tử, và nếu sự giao hợp sinh lý không thể khôi phục thật sự thể nguyên vẹn của sinh linh con người, thì có nghĩa là sự giao hòa hư ảo ấy phải được thay thế bằng giao hòa thực thụ, chứ tuyệt không phải bằng sự kiêng kị mọi sự giao hòa, tức là tuyệt không bằng cố gẵng giữ trong nguyên trạng cái bản chất bị chia cắt, bị phân li và do đó mà hữu tử của con người.
Thế thì sự liên kết chân chính hai giới là thế nào và thực hiện bằng cách nào ? Cuộc sống của chúng ta còn quá xa chân lý về phương diện này, đến nỗi ở đây cái được coi là chuẩn mực chẳng qua chỉ là cái bất chuẩn ít cực đoan hơn, ít trơ trẽn hơn. Cái này còn phải được giải thích, trước khi đi tiếp.
II
Gần đây trong sách báo tâm thần học của Đức và Pháp xuất hiện một số công trình chuyên khảo nói về cái mà tác giả một công trình gọi là psychopathia sexualis (bệnh lý tâm thần tính dục), tức là những sự lệch chuẩn khác nhau và  đa dạng trong quan hệ tính dục. Những công trình ấy, ngoài sự lý thú chuyên môn cho các nhà luật gia, cho y khoa và cho bản thân các bệnh nhân, còn thú vị từ một mặt khác, mà có lẽ cả các tác giả lẫn đa số độc giả đều không nghĩ đến. Cụ thể là, trong các chuyên khảo ấy được viết bởi những nhà khoa học rất khả kính và chắc có đạo đức không thể chê trách, cái khiến ta kinh ngạc là sự thiếu vắng mọi khái niệm rõ ràng và xác định về tiêu chuẩn của các quan hệ tính dục, về cái là và vì sao là thích đáng trong lĩnh vực này; do đó ngay sự xác định những lệch chuẩn, tức là bản thân đối tượng của những khảo cứu ấy, hóa ra cũng là một việc ngẫu nhiên và tuỳ tiện. Tiêu chuẩn duy nhất ở đây té ra là tính thường lệ hay bất thường của các hiện tượng: những ham mê và hành động nào tương đối hiếm hoi trong lĩnh vực tính dục thì được xem là những lệch chuẩn bệnh lý, cần chữa trị, còn những ham mê và hành động thông thường và phổ biến thì được định ước trước là hợp chuẩn . Sự lẫn lộn chuẩn với cái lệch chuẩn phổ biến, sự đồng nhất cái phải có với cái thường có ở đây đôi khi đạt mức khôi hài cao. Chẳng hạn, trong phần giải nghi học của một trong những công trình ấy, dưới mấy mục, ta thấy lặp đi lặp lại một liệu pháp sau đây: một phần bằng những khuyến dụ y học kiên trì, nhưng chủ yếu bằng ám thị thôi miên, người ta khiến bệnh nhân luôn luôn tưởng tượng ra hình ảnh phụ nữ khoả thân hay là những cảnh làm tình tuy thô bỉ, nhưng phổ biến, và sau đó cuộc chữa trị được thừa nhận là thành công và sự phục hồi sức khoẻ là đầy đủ, nếu do ảnh hưởng của sự kích thích nhân tạo ấy bệnh nhân bắt đầu chăm lui tới các lupanaria (nhà chứa) một cách đầy thích thú và có thành tích ... Đáng ngạc nhiên là các nhà học giả khả kính ấy đã không bị bắt đứng lại bởi một suy nghĩ đơn giản là cái kiểu liệu pháp ấy càng thành công bao nhiêu, thì bệnh nhân càng dễ bị đặt vào tình huống phải từ một bộ môn y khoa này cầu viện sự giúp đỡ của bộ môn khác, và thắng lợi vẻ vang của nhà tâm thần học có thể sẽ làm cho nhà da liễu học rất vất vả.
Những biểu hiện méo mó lệch lạc của tính dục được nghiên cứu trong các  sách y khoa quan trọng đối với chúng ta như một sự phát triển cực đoan cái đã đi sâu vào cuộc sống hàng ngày của xã hội chúng ta, cái vẫn được xem là bình thường, là được cho phép. Những biểu hiện bất thường ấy chỉ biểu thị sắc nét hơn cái tồi tệ xấu xa đã ăn sâu vào trong những quan hệ cuả chúng ta trong lĩnh vực này. Có thể chứng minh ý này bằng sự xem xét tất cả những sa đoạ tính dục riêng lẻ, nhưng tôi hi vọng trong việc này, người ta sẽ châm chước cho tôi sự luận chứng không đầy đủ và xin được giới hạn chỉ bằng một hiện tượng dị thường chung hơn và ít gây tởm hơn trong lĩnh vực tính dục. ở nhiều người hầu như chỉ thuộc giới nam, dục hứng được kích thích chủ yếu và đôi khi chỉ bởi một bộ phận này hay bộ phận khác trong con người khác giới (thí dụ: tóc, tay, chân), và thậm chí bởi những vật bên ngoài - những bộ phận xác định của y phục, v.v... Cái dị thường này được gọi là thói thờ vật trong tình yêu. Sự bất bình thường của thói thờ vật ấy chắc là ở chỗ một bộ phận được đặt vào vị trí của chỉnh thể, một thuộc tính - vào vị trí của bản chất. Nhưng nếu tóc hay chân kích thích người thờ vật là những bộ phận của thân thể phụ nữ thì chính cái thân thể ấy, với toàn bộ thành phần của nó, chỉ là một bộ phận của sinh linh nữ, nhưng tuy thế, biết bao nhiêu vị chuyên yêu thích thân thể phụ nữ không hề gọi mình là những kẻ thờ vật, không bị coi là mất trí và không phải điều trị gì hết. Thế thì nơi đây sự khác biệt là ở đâu? Chẳng lẽ chỉ ở chỗ tay hoặc chân có diện tích ít hơn toàn bộ thân thể?
Nếu, xét về nguyên tắc, quan hệ tính dục, mà trong đó bộ phận được đặt vào chỗ của chỉnh thể, là không bình thường, thì những người bằng cách này hay cách kia mua thân thể phụ nữ để thoả mãn nhục dục và bằng cách ấy chia cắt thân thể khỏi linh hồn, những người ấy lẽ ra phải được xem là bất bình thường về phương diện tính dục, là mắc chứng tâm thần, là những kẻ thờ vật trong tình yêu, và thậm chí là những kẻ yêu thích xác chết. Nhưng trong khi ấy thì những người yêu xác chết và đương chết trong khi còn sống ấy lại được coi là những người bình thường và hầu như toàn thể loài người đều đi qua cái chết thứ hai ấy!
Lương năng chưa bị dập tắt và cảm quan thẩm mỹ chưa chai sạn của ta, hòa hợp hoàn toàn với nhận thức triết học, rõ ràng lên án mọi quan hệ tính dục đặt trên cơ sở tách rời và biệt lập cái lĩnh vực cấp thấp, cấp động vật, của sinh linh con người khỏi những lĩnh vực cấp cao. Mà ngoài nguyên tắc ấy không thể tìm ra một tiêu chí vững chắc nào để phân biệt cái bình thường, cái hợp chuẩn với cái không bình thường, cái bất chuẩn trong lĩnh vực tính dục. Nếu nhu cầu về một số hành vi sinh lý nhất định có quyền được thoả mãn bằng bất cứ giá nào chỉ vì đó là nhu cầu, thì hoàn toàn cũng có quyền được thoả mãn như thế cả nhu cầu của anh “thờ vật trong tình yêu’’, mà đối tượng mong muốn duy nhất của y về phương diện tính dục chỉ là cái tạp dề treo trên dây, vừa mới giặt và còn chưa khô*.  Nếu cố tìm khác biệt giữa con người kì cục ấy và một vị khách thường kì của nhà chứa thì, dĩ  nhiên, sự khác biệt ấy sẽ có lợi hơn cho anh thờ vật: niềm ham mê cái tạp dề rõ ràng là tự nhiên, không giả vờ, bởi vì không thể nghĩ ra một động cơ giả tạo nào cho nó, trong khi đó thì nhiều người lui tới nhà chứa tuyệt không phải vì có nhu cầu thật, mà chỉ vì những lý do vệ sinh giả tạo, vì bắt chước những gương xấu, vì quá chén,v.v...
Người ta lên án những biểu hiện bệnh lý tâm thần của dục tính trên căn cứ chúng không ứng hợp với chức năng tự nhiên của hành vi tính giao, tức là sinh con đẻ cái. Tất nhiên sẽ là nghịch lý khẳng định rằng cái tạp dề mới giặt hay thậm chí chiếc giày đã mòn gót có thể phục vụ cho việc sản sinh con cái; nhưng chắc sẽ là không kém nghịch lý khẳng định rằng thiết chế gái điếm phù hợp với mục đích ấy. Sự trụy lạc " tự nhiên" xem ra cũng đối nghịch với sự sinh con đẻ cái như là cái truỵ lạc "phản tự nhiên", cho nên cả từ quan điểm này cũng không có căn cứ nào để cho một trong hai cái là hợp chuẩn, còn cái khác là phi chuẩn. Còn nếu, cuối cùng, đứng trên quan điểm cái có hại cho mình và cho những người khác thì, tất nhiên, một anh thờ vật, cắt trộm mớ tóc hay là đánh cắp mùi soa của những phụ nữ không quen biết, gây thiệt hại cho sở hữu của người khác và cho danh dự của chính mình, nhưng lẽ nào có thể so sánh thiệt hại ấy với cái hại được gây bởi những con người bất hạnh đương quảng bá cái bệnh truyền nhiễm khủng khiếp thường là hậu quả của sự thoả mãn "tự nhiên" một nhu cầu "tự nhiên"?
III
Tôi nói tất cả những cái đó không phải để biện hộ cho những phương thức phản tự nhiên, mà để lên án những phương thức giả tự nhiên trong sự thoả mãn dục tình.  Nhìn chung, nói về tính tự nhiên hay phản tự nhiên, không nên quên rằng con người là một sinh linh phức hợp và cái là tự nhiên cho một trong những yếu tố hay là phần tử cấu thành của nó có thể là phản tự nhiên đối với yếu tố khác và do đó là không bình thường đối với chỉnh thể con người.
Đối với con người với tư cách một động vật, hoàn toàn tự nhiên thoả mãn không giới hạn nhu cầu tính dục của mình thông qua một hành vi sinh lý xác định, nhưng con người như một sinh linh hữu luân thấy hành vi ấy là đối nghịch với bản chất cao cấp của mình và hổ thẹn nó... Với tư cách một động vật xã hội, là tự nhiên đối với con người hạn chế chức năng sinh lý có liên quan đến những người khác bằng những quy định của luật lệ đạo đức-xã hội. Luật lệ ấy giới hạn từ bên ngoài và khép kín hoạt động động vật ấy, biến nó thành phương tiện cho  một mục đích xã hội - hình thành liên minh gia đình. Nhưng bản chất vấn đề không vì thế mà thay đổi. Liên minh gia đình dẫu sao vẫn dựng xây trên sự liên kết vật chất bên ngoài giữa hai giới, nó để con người-con vật ở lại trong trạng thái phân hóa nửa vời trước đây, mà trạng thái ấy tất yếu dẫn đến sự tiếp tục phân hóa sinh linh con người, tức là đến sự chết.
Nếu mà con người, ngoài bản chất động vật của mình, chỉ là một sinh linh đạo đức-xã hội, thì trong hai yếu tố đối đầu ấy - tự nhiên như nhau cho con người - thắng lợi cuối cùng sẽ thuộc về yếu tố thứ nhất. Luật lệ đạo đức-xã hội và thể khách thể hóa của nó - gia đình - đưa bản chất động vật của con người vào trong đường biên cần thiết cho sự tiến bộ của chủng loại, chúng trật tự hóa cuộc sống hữu tử, nhưng không mở đường đến sự bất tử. Sinh linh cá thể cũng hao mòn và chết trong trật tự đạo đức- xã hội như giả sử nó ở lại mãi mãi dưới quy luật sự sống động vật. Con voi và con quạ hóa ra trường thọ hơn rất nhiều so với một con người đức hạnh nhất và quy củ nhất* . Nhưng ở con người, ngoài bản chất động vật và luật lệ đạo đức-xã hội còn có bản nguyên thứ ba, cao nhất - bản nguyên tinh thần, thần bí hay thần thánh. Cả ở đây, trong lĩnh vực tình yêu và quan hệ tình dục, nó cũng là hòn đá mà những người thợ xây đã bỏ đi, nhưng hóa ra nó lại là đá nền. Đi trước sự liên kết sinh lý trong tự nhiên động vật - sự liên kết  này dẫn đến sự chết, và đi trước sự liên kết hợp pháp trong trật tự đạo đức-xã hội - trật tự này không cứu khỏi cái chết - phải có sự liên kết trong Thượng Đế, nó đưa đến sự bất tử, bởi vì nó không chỉ giới hạn sự sống hữu tử của giới tự nhiên bằng luật lệ con người, mà tái sinh sự sống ấy bằng sức mạnh vĩnh cửu và bất hủ của thiên ân. Cái phần tử thứ ba ấy mà trong trật tự chân chính là thứ nhất, với những đòi hỏi của nó, là hoàn toàn tự nhiên đối với con người trong chỉnh thể của nó như một sinh linh dự phần vào bản nguyên thánh thần tối cao và làm môi giới giữa bản nguyên ấy và thế giới. Còn hai phần tử cấp thấp hơn - bản chất động vật và luật lệ xã hội - cũng tự nhiên ở vị trí của mình, chúng trở lên phản tự nhiên, khi bị  đặt tách rời khỏi phần tử cấp cao nhất ấy và thay thế nó. Trong lĩnh vực tình yêu hữu tính, là phản tự nhiên đối với con người không chỉ mọi sự thoả mãn những nhu cầu nhục thể một cách vô trật tự, thiếu ánh sáng thiêng hóa từ trên cao của tinh thần, y như những con vật (ấy là chưa nói đến những hiện tượng bệnh lý tâm thần tính dục quái đản ) mà còn không xứng đáng với con người và là phản tự nhiên cả những liên minh giữa những cá nhân được giao ước và duy trì chỉ trên cơ sở luật lệ dân sự, chỉ vì những mục đích luân lý-xã hội, với sự loại bỏ hay là vô hiệu hóa yếu tố đích thị tinh thần, yếu tố thần bí ở con người. Nhưng chính sự xếp đặt đảo ngược như thế những quan hệ hữu tính, phản tự nhiên từ quan điểm sinh linh con người toàn vẹn, lại thống ngự trong đời sống chúng ta và được xem là bình thường, hợp chuẩn, còn tất cả sự lên án thì trút xuống những con người bất hạnh, mắc bệnh thái nhân cách trong tình yêu, họ chỉ đẩy đến những cực đoan nực cười, quái dị, đôi khi đáng tởm, nhưng phần lớn tương đối vô hại cái lệch lạc méo mó cơ bản được người đời chấp nhận và thống ngự khắp nơi ấy.
IV
Những méo mó lệch lạc thiên hình vạn trạng của bản năng tính dục, mà các nhà tâm thần học nghiên cứu, chỉ là những biến tướng kì dị của sự méo mó lệch lạc chung, thẩm thấu tất cả của những quan hệ liên tính trong loài người - cái méo mó lệch lạc, mà bằng nó vương quốc của tội lỗi và của sự chết được duy trì. Mặc dù cả ba quan hệ liên tính hay là ba mối liên lạc tự nhiên đối với con người trong tổng thể của nó, tức là quan hệ trong cuộc sống sinh vật, hay là theo tự nhiên hạ đẳng, sau đó quan hệ luân lý - đời thường, hay là dưới pháp luật và cuối cùng quan hệ trong sự sống tinh thần, hay là sự giao hòa trong Chúa Trời, - mặc dù cả ba quan hệ ấy vẫn tồn tại trong nhân loại, nhưng chúng được thực hiện một cách phản tự nhiên, tức là tách biệt cái này khỏi cái kia, trong trình tự trái ngược với ý nghĩa và trật tự chân chính của chúng và không đồng đều.
Chiếm vị trí số một trong thực tại của chúng ta là cái mà lẽ ra phải ở vị trí cuối cùng - mối liên lạc sinh lý động vật. Nó được xem là nền móng của tất cả, trong khi ấy là đáng lẽ nó phải là sự hoàn tất cuối cùng. Đối với nhiều người, sự đặt móng ở đây trùng với hoàn thành công trình: họ không đi xa hơn những quan hệ động vật; với những người khác, trên nền móng rộng lớn này được dựng lên cái kiến trúc thượng tầng xã hội - đạo đức của liên minh gia đình hợp pháp. ở đây, cái trung bình đời thường được coi là đỉnh cao của cuộc sống, cái đáng lẽ phải là biểu hiện tự do, đầy ý nghĩa của thể thống nhất vĩnh hằng, trong tiến trình thời gian đã trở thành dòng chảy vô tình của đời sống vật chất vô nghĩa. Và sau đó, cuối cùng, như một hiện tượng hiếm hoi ngoại biệt, còn lại cho không nhiều người đặc tuyển cái tình yêu thuần tuý tinh thần mà toàn bộ nội dung hiện thực của nó đã bị cướp đi bởi những quan hệ khác, cấp thấp hơn,và nó phải tự vừa lòng với chất tình cảm mơ tưởng vô hiệu quả, thiếu mọi nhiệm vụ thực tế và mọi mục tiêu sống còn. Cái tình yêu tinh thần bất hạnh ấy giống như những thiên thần bé nhỏ trong hội hoạ cổ, chúng chỉ có đầu và cánh  nhỏ xíu và ngoài ra không có cái gì khác. Những thiên thần ấy không làm gì cả, vì không có tay, và cũng không thể chuyển động lên phía trước, bởi vì bộ cánh tí xíu của chúng chỉ đủ lực để giữ chúng bất động trên một độ cao nhất định. Tình yêu tinh thần cũng ở trong trạng thái cao thượng, nhưng cực kì không thoả đáng như thế. Cái dục vọng sinh lý có trước mình một công việc nhất định, mặc dù đáng xấu hổ; liên minh gia đình hợp pháp cũng thực hành một công việc vẫn còn là thiết yếu, tuy phẩm chất xoàng xĩnh. Nhưng tình yêu tinh thần, như nó vẫn xuất hiện cho đến nay, tuyệt không có một công việc nào cả, cho nên không lấy làm lạ, là đa số những người sành sỏi việc đời glaubt an keine Liebe oder nimmts fur Poêsie. (16)
Tình yêu chỉ là tinh thần ấy xem ra cũng là một dị thường như tình yêu chỉ là sinh lý hay hôn ước chỉ để sống chung. Chuẩn mực tuyệt đối là khôi phục thể toàn vẹn của sinh linh con người, cho nên dù chuẩn mực ấy bị vi phạm về phía này hay phía kia, kết quả trong mọi trường hợp vẫn là bất chuẩn, vẫn là phản tự nhiên. Tình yêu tinh thần hư mạo là một hiện tượng không những bất chuẩn, mà còn hoàn toàn vô đích, bởi vì sự tách rời tinh thần khỏi nhục thể, mà nó hướng tới, không có nó thì vẫn được sự chết thực hiện một cách mỹ mãn. Tình yêu tinh thần chân chính không phải là sự bắt chước yếu ớt và sự báo trước cái chết, mà là sự chiến thắng cái chết, không phải là sự tách biệt cái bất tử khỏi cái hữu tử, cái vĩnh cửu khỏi cái nhất thời, mà là sự cải hóa cái hữu tử thành bất tử, sự thu nhận cái nhất thời vào cái vĩnh hằng. Tính tinh thần hư mạo là sự phủ định xác thịt, tính tinh thần chân chính là sự tái sinh, sự cứu độ, sự phục sinh xác thịt.
V
‘’Ngày mà Chúa Trời tạo ra con người, Ngài tạo nó theo hình ảnh của Chúa, tạo ra chồng và vợ’’. (17)
‘’Mầu nhiệm này thật là cao cả, tôi muốn nói về Đức Ki Tô và Hội Thánh’’. (18)
Hình ảnh khởi thuỷ bí ẩn của Chúa Trời, mà theo nó con người được sáng tạo, liên quan không phải với một bộ phận nào riêng biệt của sinh linh con người, mà với thể thống nhất chân chính của hai mặt cơ bản của nó, mặt nam và mặt nữ.  Chúa Trời quan hệ thế nào với vật tạo của mình, Đức Ki Tô quan hệ thế nào với Hội Thánh của mình, thì người chồng cũng phải quan hệ như thế với người vợ của mình. Những lời ấy phổ thông ở mức nào, thì cũng ít được hiểu thấu ở mức ấy. Chúa Trời sáng tạo vũ trụ thế nào, Đức Ki Tô tạo lập Hội Thánh (giáo hội) thế nào thì  cũng như thế, con người phải kiến tạo phần bổ sung nữ tính của mình. Người giới nam là bản nguyên chủ động, người giới nữ là bản nguyên thụ động, người thứ nhất phải ảnh hưởng tạo tác tới trí khôn và tính cách của người thứ hai - cái đó dĩ nhiên là những điều sơ đẳng, nhưng chúng tôi muốn nói về không phải cái quan hệ bề ngoài ấy, mà về cái "mầu nhiệm cao cả", mà vị tông đồ đã nói đến. Cái mầu nhiệm cao cả ấy là một tương đồng quan trọng, tuy không phải là sự đồng nhất, giữa quan hệ nhân tính và quan hệ thần tính. Bởi lẽ ngay sự tạo lập Hội Thánh bởi Đức Ki Tô đã khác sự sáng tạo vũ trụ bởi Chúa Trời như chính Ngài. Chúa Trời sáng tạo hoàn vũ từ hư không, tức là từ tiềm năng tồn tại thuần tuý, hay là từ cái trống không được rót đầy một cách có trình tự, có nghĩa là nó thu nhận từ hành động của Chúa những hình thể hữu thực của các sự vật được trí hội, trong khi ấy thì Đức Ki Tô kiến tạo Giáo Hội từ nguyên liệu đã thành hình, muôn màu muôn vẻ, sống động và tự hoạt động trong những bộ phận của nó - từ nguyên liệu, mà chỉ cần truyền cho nó khởi nguyên của một cuộc sống tinh thần mới trong lĩnh vực nhất thống mới, cao nhất. Cuối cùng, con người để thực thi tác động sáng tạo, tìm thấy ở người phụ nữ một nguyên liệu bình đẳng với nó về mức thực tại hóa, mà trong tương quan nó chỉ có ưu thế tiềm ẩn của sáng kiến, chỉ có quyền và nghĩa vụ thực hiện bước đầu tiên trên đường đi đến sự hoàn hảo, chứ không phải đã có sẵn sự hoàn hảo. Chúa Trời quan hệ với vật tạo như cái tất cả quan hệ với cái hư không, tức là như cái tồn tại viên mãn tuyệt đối quan hệ với tiềm năng tồn tại thuần tuý; Đức Ki Tô quan hệ với Giáo hội như cái hoàn hảo thực tại quan hệ với tiềm năng hoàn hảo được cải hóa thành cái hoàn hảo thực sự, còn quan hệ giữa chồng và vợ là quan hệ của hai tiềm năng tác động khác nhau, nhưng đều không hoàn hảo như nhau, chúng chỉ đạt được tính hoàn hảo bằng quá trình tương tác. Nói một cách khác, Chúa Trời không nhận cho mình một cái gì ở vật tạo, tức là nó không bổ sung gì cho Ngài, mà chỉ Ngài cho nó tất cả; Đức Ki Tô không nhận từ Giáo hội một bổ sung gì cho sự hoàn hảo của Ngài, toàn bộ sự hoàn hảo là Ngài cho nó, nhưng Ngài nhận được từ Giáo hội sự bổ sung theo nghĩa tính viên mãn của thân thể tập hợp của Ngài; cuối cùng, con người và alter ego (cái tôi khác) nữ tính của nó bổ sung cho nhau không chỉ theo nghĩa thực tại, mà cả theo nghĩa lý tưởng, đạt tới hoàn hảo chỉ thông qua tác động qua lại. Con người có thể khôi phục một cách sáng tạo hình  ảnh Chúa Trời trong đối tượng sống của tình yêu của mình chỉ bằng cách đồng thời khôi phục hình ảnh ấy ở trong mình; song để làm cái đó, nó không có lực ở bản thân, vì giả sử có, thì nó đã không cần được khôi phục; không có ở mình, nó phải nhận được ở Chúa. Như vậy, con người (người chồng) là bản nguyên sáng tạo, tạo tác đối với phần bổ sung nữ tính của mình không phải với tư cách tự thân, mà với tư cách người trung gian hay người dẫn truyền lực thánh thần. Kì thực, cả Đức Ki Tô tạo dựng Giáo hội cũng không bằng sức mạnh  nào đó của riêng Ngài, mà bằng vẫn sức mạnh sáng tạo ấy của thần tính; song bản thân vốn là Chúa Trời, Ngài có sức mạnh ấy theo bản thể và theo thực tại (actu), còn chúng ta thì có nó theo thiên ân và theo mức độ tiếp thụ, còn tự ta chỉ có ở ta cái khả năng (tiềm năng) tiếp thụ thiên ân ấy.
Chuyển sang trình bày những yếu tố cơ bản của quá trình thực hiện tình yêu chân chính, tức là quá trình tích hợp sinh linh con người hay khôi phục trong nó hình ảnh của Chúa Trời, tôi thấy trước sự ngỡ ngàng của nhiều bạn đọc: việc gì phải leo trèo lên những tầng cao bất cập và hư ảo đến thế vì một chuyện đơn giản như tình yêu? Nhưng nếu tôi cho tiêu chuẩn tôn giáo của tình yêu là hư ảo thì tất nhiên, tôi đã không kiến nghị nó. Cũng đúng như thế, nếu tôi muốn nói chỉ về tình yêu đơn giản, tức là về những quan hệ nam nữ thông thường và tầm thường  - về cái vẫn hay có chứ không phải cái phải có - thì, dĩ nhiên, tôi đã kiêng kị mọi bình luận về đề tài này bởi vì, không nghi ngờ gì nữa, những quan hệ đơn giản ấy thuộc về những sự việc, mà một ai đó đã nói về chúng: làm cái đó là không tốt, nhưng nói về cái đó còn xấu hơn. Nhưng tình yêu, như tôi hiểu nó, ngược lại, là một việc rất phức tạp, bị che tối và làm cho rối rắm, nó đòi hỏi một sự phân tích và khảo cứu hoàn toàn hữu thức, và ở đây cần lo lắng không phải cho tính đơn giản, mà cho chân lý... Một gốc cây mục thối rõ ràng đơn giản hơn một cây đại thụ xanh tốt, xum xuê lá cành và xác chết cũng đơn giản hơn con người sống. Thái độ đơn giản đối với tình yêu kết thúc bằng sự đơn giản hóa triệt để và cực đoan, mà tên của nó là sự chết. Cái kết cục không thể tránh, song cũng không thể là thoả đáng như thế của tình yêu "đơn giản" thôi thúc chúng ta tìm kiếm cho nó một nguyên lý khác, phức hợp hơn.
VI
Cơ đồ của tình yêu chân chính trước hết đặt trên cơ sở niềm tin. ý nghĩa căn bản của tình yêu, như trên đã cho thấy, là sự thừa nhận giá trị tuyệt đối ở một sinh linh khác. Nhưng trong tồn tại nghiệm chứng, được tri giác trong thực tại bằng cảm tính, sinh linh ấy không có ý nghĩa tuyệt đối: nó không thập toàn về phẩm chất và nhất thời về kiểu tồn tại của mình. Do đó, ta chỉ có thể khẳng định ý nghĩa tuyệt đối ở nó bằng niềm tin, niềm tin là sự bố cáo cái hằng mong, là sự phát giác cái tàng hình. Nhưng niềm tin liên quan với cái gì trong trường hợp này? Quả thật, thế nào là tin vào ý nghĩa tuyệt đối và do đó mà vô tận của một con người cá thể nào đó? Khẳng định rằng nó tự nó, với tư cách chỉ là nó, trong tính cá biệt và  lẻ loi của nó, có ý nghĩa tuyệt đối, sẽ là vừa lố bịch vừa xúc phạm thần thánh. Tất nhiên, từ "sùng bái" rất thông dụng trong lĩnh vực quan hệ yêu đương, thế nhưng cả từ "điên rồ" cũng được áp dụng chính đáng vào khu vực này. Như vậy, tuân thủ quy luật lôgic học không cho phép đồng nhất hóa những định nghĩa mâu thuẫn nhau, cũng như theo lời khuyên răn của tôn giáo chân chính cấm thờ bái thần tượng, ta phải hiểu niềm tin vào đối tượng tình yêu của ta là sự khẳng định đối tượng ấy tồn tại trong Chúa Trời, và theo nghĩa ấy, nó có giá trị tuyệt đối. Tất nhiên, thái độ siêu nghiệm ấy đối với cái tôi thứ hai của ta, sự chuyển vị nó trong ý tưởng vào lĩnh vực của thánh thần đòi hỏi cũng một thái độ như thế đối với bản thân ta, ta cũng chuyển vị mình và khẳng định mình như thế ở trong lĩnh vực cái tuyệt đối. Ta có thể thừa nhận ý nghĩa tuyệt đối của con người nào đó hay là tin vào nó (không có cái đó thì không thể có tình yêu thực thụ) chỉ bằng cách khẳng định nó trong Chúa Trời, tức là tin vào chính Chúa Trời và tin vào bản thân ta như là kẻ có ở trong Chúa trung tâm và cội nguồn của sinh linh của mình. Niềm tin hợp tam ấy đã là một hành động nội tại nhất định, và hành động ấy đặt cơ sở đầu tiên cho sự tái hợp nhất đích thực con người với cái tôi khác của nó và cho sự khôi phục trong nó (hay là trong họ) hình ảnh của Chúa Trời tam - nhất. Hành động của đức tin trong những điều kiện hiện thực của thời gian và không gian là nguyện cầu (theo nghĩa cơ bản, chứ không phải kĩ thuật của từ này). Sự liên kết không tách rời mình với người khác ở hành động này là bước đầu tiên tiến tới sự hòa đồng đích thực. Tự nó, bước ấy bé nhỏ, nhưng không có nó thì không thể có cái tiếp theo và cái to lớn hơn.
Vì đối với Chúa Trời vĩnh hằng và thống nhất, tất cả đều tồn tại cùng nhau và cùng một lúc, cho nên khẳng định một sinh linh cá thể nào đó trong Chúa - tức là khẳng định nó không trong thể đơn lập của nó, mà trong tất cả hay, nói đúng hơn, trong thể thống nhất của tất cả. Nhưng bởi vì sinh linh cá thể ấy trong thực tại nghiệm chứng của nó không hòa nhập thể thống nhất của tất cả mà tồn tại đơn lập, như một hiện tượng vật chất cá biệt, cho nên đối tượng của tình yêu mang đức tin nơi ta tất yếu phải khác cái khách thể nghiệm chứng của tình yêu bản năng của ta, mặc dù gắn bó không thể tách rời với nó. Đây vẫn là một con người dưới hai dạng thức khác nhau hay là ở hai lĩnh vực khác nhau của sinh tồn, lĩnh vực lý tưởng và lĩnh vực thực tại. Con người thứ nhất hãy còn là ý tưởng. Nhưng trong tình yêu chân chính, tình yêu có đức tin  và có mắt, ta biết rằng ý tưởng ấy không phải là hư cấu tuỳ tiện của ta, mà là chân lý của đối tượng của ta, có điều chân lý ấy chưa được hiện thực hóa thành hiện tượng thực tại bên ngoài.
Cái ý tưởng chân xác ấy về đối tượng mến yêu, mặc dù cũng hiển lộ qua hiện tượng thực tại trong những khoảnh khắc hứng khởi cao độ của tình yêu, nhưng ban đầu nó xuất hiện rõ hơn  trong trí tưởng tượng. Hình thức cụ thể của cái được tưởng tượng ấy, hình ảnh lý tưởng của khuôn mặt được ta mến yêu trong lúc này, tất nhiên, do ta tạo ra, nhưng nó được tạo ra không phải từ hư vô, và tính chủ quan của hình ảnh ấy, như nó hiện ra giờ đây và ở đây trước mắt của hồn ta, tuyệt không chứng tỏ tính chủ quan, tức là tính tồn tại chỉ cho ta, của bản thân đối tượng. Nếu đối với ta, bên này bờ thế giới siêu tại, một đối tượng lý tưởng nào đó hiện ra chỉ như một tác phẩm của trí tưởng tượng , thì cái đó vẫn không ngăn trở tính hiện thực đầy đủ của nó trong lĩnh vực khác, cao hơn của sinh tồn. Và mặc dù cuộc sống thực tại của ta nằm ngoài lĩnh vực ấy, trí tuệ ta không hoàn toàn xa lạ với nó, và ta có thể có một khái niệm trí hội xác định về những quy luật tồn tại của nó. Và đây, luật đầu tiên, luật cơ bản: nếu trong thế giới chúng ta sự tồn tại đơn lập và cô lập là sự thật và thực tại, còn thể thống nhất chỉ là khái niệm và ý tưởng, thì nơi ấy, ngược lại, hiện thực thuộc về thể thống nhất, hoặc nói đúng hơn, thể- nhất- thống - của - tất- cả, còn tính đơn lập và biệt lập chỉ tồn tại trong tiềm năng và trong chủ quan.
Từ đó có thể suy ra rằng sự sống của con người trong lĩnh vực siêu tại không phải là sự sống cá thể theo nghĩa thực tại nơi đây. Nơi ấy, tức là trong chân lý, khuôn mặt cá thể chỉ là một tia sáng, sống động và thực tại, nhưng là một tia sáng không thể tách rời của một mặt trời ý tưởng - một bản thể nhất thống của tất cả. Cái khuôn mặt lý tưởng ấy, hay là cái ý tưởng đã nhập thể, chỉ là sự cá thể hóa thể thống nhất của tất cả, thể thống nhất ấy tồn tại không chia cắt trong mỗi một thể cá thể hóa của mình .Như vậy, khi ta tưởng tượng ra hình thức lý tưởng của đối tượng mến yêu thì dưới hình thức ấy, chính cái bản thể thống nhất của tất cả đã được báo cho ta. Thế thì ta phải ý niệm nó thế nào?
VII
Chúa Trời nhất thể vừa phân định khỏi mình (cái thể khác ) của mình (svoje drugoje), tức là tất cả cái không phải là chính Ngài, vừa đồng thời liên kết tất cả cái đó với mình, ý niệm tất cả cái đó tồn tại cùng nhau và cùng một lúc dưới hính thức hoàn hảo tuyệt đối, tức là như một thể thống nhất. Cái thể thống nhất khác ấy, khác biệt tuy không thể tách rời thể thống nhất nguyên thuỷ của Chúa, trong quan hệ với Chúa là thể thống nhất thụ động, nữ tính, bởi vì ở đây cái trống không vĩnh hằng (tiềm năng thuần tuý) tiếp nhận sự sống viên mãn của Chúa. Nhưng nếu cơ sở của nữ tính vĩnh hằng ấy là cái hư không thuần tuý, thì đối với Chúa, cái hư không ấy được che khuất bởi hình ảnh hoàn hảo tuyệt đối được tiếp nhận từ chính Ngài. Cái tuyệt hảo mới bắt đầu được hiện thực hóa cho ta ấy, đối với Chúa, tức là trong chân lý, đã là thực tại. Thể thống nhất lý tưởng ấy, mà thế giới chúng ta hướng về nó và nó là mục đích của tiến trình hoàn vũ và tiến trình lịch sử, không thể chỉ là một khái niệm chủ quan của ai đó (bởi vì nếu thế thì nó là của ai?) mà đích thực là đối tượng vĩnh hằng của tình yêu của Chúa, là cái thể khác vĩnh hằng của Ngài.
Lí tưởng sống động ấy của tình yêu của Chúa, đi trước tình yêu của chúng ta, ẩn chứa trong mình bí mật của sự lý tưởng hóa trong tình yêu. ở đây, sự lý tưởng hóa một sinh linh cấp thấp hơn đồng thời là bước đầu hiện thực hóa một sinh linh cấp cao hơn,và chân lý của cảm hứng hay là khí thế của tình yêu chính là ở đây. Còn sự hiện thực hóa đầy đủ, sự hóa hình một sinh linh nữ cá thể thành một tia sáng không tách rời nguồn sáng của mình - Nữ tính Vĩnh hằng Thánh thần - sẽ là sự tái hợp hiện thực, không chỉ chủ quan, mà cả khách quan, của con người cá thể với Chúa Trời, sự khôi phục trong nó hình ảnh sống và bất tử của Chúa.
Đối tượng của tình yêu chân chính không đơn giản, mà lưỡng phân: thứ nhất, chúng ta yêu một sinh linh lý tưởng (không theo nghĩa trừu tượng, mà theo nghĩa thuộc về một lĩnh vực sinh tồn khác, cao hơn), mà chúng ta phải đưa vào thế giới thực tại của ta; và thứ hai, chúng ta yêu một sinh linh con người tự nhiên, nó cho ta nguyên liệu sống cá thể cho sự  hiện thực hóa nói trên và nhờ đó mà được lý tưởng hóa không phải theo nghĩa tưởng tượng chủ quan của ta, mà theo nghĩa khách quan của sự biến đổi thực sự, hay là sự tái sinh của nó. Như vậy, tình yêu chân chính vừa là thăng thượng vừa là giáng hạ không thể tách rời (amor ascendens và amor descendens, hay là hai Aphrodite, mà Platon đã phân biệt tốt, nhưng phân ly tồi - Aphroditê Urania và Aphroditê pan  demos (19) ). Đối với Chúa Trời, cái thể khác của Ngài (tức là vũ trụ) vĩnh viễn mang hình ảnh nữ tính tuyệt hảo tuyệt mỹ, nhưng Ngài muốn cho hình ảnh ấy  tồn tại không chỉ cho Ngài, mà được thực hiện hóa và hiện thân cho từng sinh linh cá thể có năng lực liên kết với Ngài. Và bản thân Nữ tính Vĩnh hằng cũng hướng tới sự hiện thực hóa và sự hiện thân như thế, bởi vì nó không chỉ là hình ảnh bất động trong trí tuệ của Chúa, mà là một sinh linh tinh thần sống động, hoàn toàn có đầy đủ sức mạnh và năng lực hành động. Toàn bộ tiến trình hoàn vũ và tiến trình lịch sử là tiến trình hiện thực hóa và hiện thân cái Nữ tính Vĩnh hằng ấy trong muôn vàn hình thái và cấp bậc.
Trong tình yêu hữu tính được hiểu chân chính và được thực hiện chân chính, bản thể thần thánh ấy nhận được một phương tiện cho sự hiện thân đến cùng, đến đích, của mình vào trong đời sống cá thể của con người, một phương thức liên kết với con người vừa sâu xa nhất lại vừa ngoại tại nhất, dễ cảm nhận như là thực tế nhất. Từ đó mà có những ánh lóe của hạnh phúc siêu phàm, có hơi thở phảng phất của niềm vui sướng không ở nơi đây, chúng đi với tình yêu, ngay tình yêu không hoàn hảo, và chúng biến nó, mặc dù không hoàn hảo, thành một lạc thú lớn nhất của loài người và của cả thần linh - hominum divomque voluptas.(20) Cũng từ đó mà có nỗi đau khổ sâu sắc nhất của tình yêu không giữ gìn được đối tượng chân chính của mình và càng ngày càng rời xa nó.
ở đây, cũng nhận được vị trí chính đáng của mình cả cái yếu tố sùng bái và trung thành vô hạn, nó là thuộc tính điển hình vô cùng của tình yêu và nó cũng có ít ý nghĩa vô cùng, nếu nó chỉ thuộc về đối tượng trần gian của tình yêu, cách biệt hoàn toàn đối tượng thiên giới.
Cơ sở thần bí của tính lưỡng diện hay, nói đúng hơn, tính song chiều của tình yêu giải quyết cả vấn đề về khả năng tái hiện tình yêu. Đối tượng trên trời của tình yêu của chúng ta chỉ có một, mãi mãi và đối với mọi người là một - Nữ tính Vĩnh hằng của Chúa. Nhưng vì nhiệm vụ của tình yêu chân chính không chỉ là tôn thờ cái đối tượng cao nhất ấy, mà là hiện thực hóa và nhập thể nó vào một sinh linh khác cấp thấp hơn, thuộc cũng hình thức nữ ấy, nhưng có bản chất trần gian, mà sinh linh ấy lại chỉ là một trong nhiều sinh linh, cho nên ý nghĩa độc nhất vô nhị của nó đối với người yêu mến nó, đương nhiên, cũng có thể là nhất thời. Nhưng có nên là thế hay không và vì sao, điều này được quyết định trong từng trường hợp cá thể và không phụ thuộc bởi cơ sở thần bí thống nhất và bất biến của tình yêu, nhưng  lệ thuộc vào những điều kiện tinh thần và vật chất thực tế của nó, mà chúng ta cũng phải xem xét.
Bài năm
I
Cảm giác trực tiếp và vô thức khai mở cho ta ý nghĩa của tình yêu như là một biểu hiện cao nhất của sự sống cá thể đã tìm thấy trong thể kết liên với một sinh linh khác cái bản chất vô tận vô biên của chính mình. Một khải huyền trong chốc lát như thế đã chẳng là đủ? Lẽ nào là ít dù chỉ một lần trong đời thực sự cảm thấy ý nghĩa tuyệt đối của mình?
Và thỉnh thoảng ngước mắt nhìn trời sao, anh biết
Anh với em đã từng thưởng lãm chúng như những thần linh. (21)
Một cái đó chưa chắc đã là đủ cho cảm quan thơ ca, còn ý thức về chân lýý chí sinh tồn thì quyết không thể dàn hoàn với nó. Sự vô tận chỉ trong chốc lát là mâu thuẫn không chịu đựng được đối với trí tuệ, hạnh phúc chỉ trong quá khứ là nỗi khổ cho ý chí. Có những ánh lóe của một ánh sáng khác mà sau chúng:
Bóng tối đời thường càng đen tối hơn,
Như sau chớp nguồn rực rỡ đêm thu. (22)
Nếu chúng chỉ đánh lừa, thì trong ký ức chúng chỉ có thể để lại hổ thẹn và thất vọng cay đắng; còn nếu chúng không lừa dối, nếu chúng vén mở cho ta một hiện thực nào đó, mà sau đấy đã đóng lại và đã biến mất đối với chúng ta, thì vì sao ta lại cam chịu sự biến mất ấy? Nếu cái đã mất là chân chính thì nhiệm vụ của ý thức và ý chí không phải là thừa nhận sự mất đi ấy là vĩnh viễn, mà là hiểu cho được và xoá bỏ đi những nguyên nhân của nó.
Nguyên nhân gần nhất (như một phần đã nói trong bài trước) là sự đọa lạc của bản thân quan hệ yêu đương. Cái này bắt đầu rất sớm: cảm hứng ban đầu của tình yêu vừa mới kịp cho ta thấy một bến bờ của hiện thực khác, tốt đẹp hơn - với nguyên tắc và quy luật sống khác, thì ta đã lập tức cố gắng lợi dụng sự sung túc sức lực do cái khải huyền ấy đem lại không phải để đi tiếp đến nơi nó mời gọi ta, mà chỉ để bắt rễ bền chặt hơn và thu xếp cho mình vững chắc hơn trong cái thực tại cũ, tồi tệ mà tình yêu vừa mới nâng chúng ta lên bên trên nó; tin lành từ thiên đường đã mất - tin về khả năng lấy lại nó - chúng ta lại lĩnh hội như là lời mời nhập quốc tịch mãi mãi ở đất lưu đầy, tiếp quản thật nhanh và cai quản cha truyền con nối không chia với ai cái mảnh đất nhỏ của mình với tất cả những cỏ dại và bụi gai của nó; sự phá vỡ tính hữu hạn của cá thể vốn là dấu hiệu của tình yêu say đắm và, là cái lẽ cơ bản của nó, trong thực tế chỉ dẫn đến chủ nghĩa ích kỉ tay đôi, rồi tay ba,v.v...Dĩ  nhiên, cái đó dẫu sao vẫn tốt hơn sự ích kỉ cho một mình ta, song binh minh của tình yêu đã mở ra những chân trời hoàn toàn khác.
Lĩnh vực tồn tại của liên kết yêu đương càng di chuyển nhanh chóng vào thực tại vật chất, như nó có, thì chính trật tự của sự liên kết ấy càng nhanh chóng bị bóp méo. Cái cơ sở ‘’không ở đây’’, huyền bí của tình yêu, cho thấy mình mãnh liệt đến thế trong tình cảm đắm đuối ban đầu, bị quên đi như là một phấn khích trong phút giây; từ nay cái mong muốn nhất, mục đích quan trọng hàng đầu và đồng thời điều kiện thứ nhất của tình yêu hóa ra lại là cái mà đáng lẽ phải là biểu hiện cuối cùng được quy định của nó. Cái cuối cùng ấy - sự liên kết sinh lý, được đặt vào chỗ của cái đầu tiên và bằng cách ấy bị lấy đi ý nghĩa nhân tính của nó, bị đưa trở về với ý nghĩa động vật - làm cho tình yêu không chỉ trở nên bất lực chống lại cái chết, nhưng bản thân nó tất yếu trở thành mồ chôn tinh thần của tình yêu, trước khi mồ mả vật chất thu nhận những người yêu.
Chống lại trực tiếp, bằng hành động của từng người, cái trật tự ấy là việc khó khăn hơn một sự nhận thức đơn thuần, mà có thể chỉ ra bằng đôi lời. Để giải thể cái trật tự tồi tệ ấy của các hiện tượng đời sống, trước hết cần phải công nhận nó là lệch chuẩn, bằng cách ấy ta khẳng định rằng có con đường khác, hợp chuẩn, ở đấy tất cả những cái bên ngoài và ngẫu nhiên phục tùng ý nghĩa nội tại của sự sống. Sự khẳng định như thế không thể là chung chung; kinh nghiệm của các cảm giác bên ngoài phải được đối lập không phải với một nguyên tắc trừu tượng, mà với một kinh nghiệm khác - kinh nghiệm của niềm tin. Cái sau khó hơn cái trước đến mức không thể so sánh, bởi vì nó được quy định bởi hành động nội tại nhiều hơn bởi sự tiếp thụ từ bên ngoài. Chỉ bằng những hành vi có trình tự của niềm tin hữu thức, ta bước vào tương quan đích thực với lĩnh vực cái tồn tại chân chính, và qua đó - vào quan hệ tương liên đích thực với "tha nhân" của chúng ta; chỉ trên cơ sở ấy mới có thể bảo toàn và củng cố trong ý thức ta cái giá trị tuyệt đối của người khác cho ta (và, từ đó, cả giá trị tuyệt đối của sự liên kết giữa ta với nó) mà trước đó đã khai lộ trực tiếp và vô thức trong  cảm hứng tình yêu, bởi lẽ cảm hứng ấy đến và qua đi , nhưng đức tin của tình yêu thì còn lại.
Nhưng đức tin ấy, để không ở lại như một niềm tin vô sinh, phải không ngừng bảo vệ mình chống lại cái môi trường thực tại, nơi mà cái ngẫu nhiên vô nghĩa tạo lập ách thống trị của mình trên sự tung hoành của những dục vọng thú vật và những dục vọng con người còn tồi tệ hơn thú vật. Đối đầu với những thế lực thù địch ấy, tình  yêu-đức tin chỉ có một vũ khí tự vệ - kiên nhẫn đến cùng. Để xứng đáng với hạnh phúc của mình, nó phải vác lấy cây thập tự khổ nạn của mình. Trong môi trường vật chất của chúng ta, không thể bảo toàn tình yêu chân chính, nếu không hiểu và không chấp nhận nó như một kì công tinh thần. Không phải ngẫu nhiên mà Giáo hội Chính thống trong thánh lễ hôn nhân của nó tưởng niệm các vị thánh tuẫn đạo và đặt ngang hàng với những vòng hào quang của họ những vòng hoa trên đầu các cặp vợ chồng tân hôn.
Đức tin tôn giáo và kì công tinh thần giữ cho con người cá thể và tình yêu của nó khỏi bị môi trường vật chất thu hút khi nó còn sống, nhưng chưa cho nó chiến thắng cái chết. Sự tái sinh nội tại tình cảm yêu đương, sự sửa đổi những đoạ lạc trong quan hệ tình ái không sửa đổi nổi và không giải thể nổi cái luật tồi tệ của sự sống vật chất không chỉ trong thế giới bên ngoài, mà cả ở con người. Con người thực tế vẫn là một sinh linh hữu hạn, bị cái tự nhiên vật chất chi phối. Sự liên kết bên trong - liên kết thần bí và tinh thần - với một cá thể bổ sung cho nó không thể khắc phục tính biệt lập khép kín của hai người, cũng như sự phụ thuộc chung của họ vào thế giới vật chất. Lời cuối cùng vẫn thuộc về không phải kì công tinh thần, mà cái luật không biết xót thương của sự sống và sự chết hữu cơ, và những người đã bảo vệ đến cùng lý tưởng vĩnh hằng chết đi với phẩm cách của con người, nhưng với nỗi bất lực của con vật.
Chừng nào kì công cá nhân còn tự giới hạn bằng đối tượng gần nhất của mình - bằng sự sửa đổi quan hệ cá nhân sai lệch giữa hai sinh linh - nó tất yếu không đạt được thành công cuối cùng ngay trong sự nghiệp trực tiếp của nó. Bởi vì cái ác mà tình yêu chân chính phải đối đầu, cái ác của sự biệt lập vật thể, của sự khép kín và đối lập bên ngoài của hai sinh linh bổ sung cho nhau bên trong - cái ác ấy chỉ là một trường hợp cục bộ, mặc dù điển hình, của sự đoạ lạc chung chi phối cuộc sống của chúng ta, và không chỉ của chúng ta mà còn của cả hoàn vũ.
Thật sự cứu thoát mình hay là tái sinh và vĩnh cửu hóa cuộc sống cá thể của mình trong tình yêu chân chính - việc ấy con người đơn nhất chỉ có thể làm được một cách hợp lực hay là cùng với tất cả mọi người. Nó có quyền và bổn phận bảo vệ ngã thể của mình khỏi quy luật cào bằng tồi tệ của cuộc sống chung, nhưng không tách rời lợi ích của mình khỏi lợi ích chân chính của tất cả các sinh linh. Nếu biểu hiện sâu sắc nhất và mãnh liệt nhất của tình yêu thể hiện trong quan hệ tương liên giữa hai sinh linh bổ sung cho nhau, thì vẫn tuyệt không có nghĩa là  quan hệ tương liên ấy có thể tách rời và biệt lập mình khỏi tất cả như thể một cái gì đó tự túc và tự đủ; trái lại, sự biệt lập như thế sẽ là cái chết của tình yêu, bởi vì tình yêu hữu tính tự nó, với tất cả ý nghĩa chủ quan của nó, trong thực tại khách quan vẫn mới chỉ là một hiện tượng thực chứng, nhất thời. Cũng đúng như thế, từ thực tại là sự liên kết hoàn hảo hai sinh linh đơn nhất sẽ mãi mãi là hình thái cơ bản và chân chính của sự sống cá nhân, tuyệt không thể suy kết rằng cái hình thái sự sống khép kín trong thể hoàn hảo cá thể của nó phải là trống rỗng mãi mãi trong khi, do chính bản chất của con người, nó có khả năng và nhiệm vụ chứa nạp đầy đủ nội dung phổ kết. Cuối cùng, nếu ý nghĩa tinh thần của tình yêu đòi hỏi tái hợp cái bị chia cắt một cách bất chính, đòi hỏi đồng nhất hóa ta với một người khác, thì tách rời nhiệm vụ hoàn thiện cá nhân của ta với tiến trình tích hợp toàn thế giới sẽ là đi ngược lại ngay cái ý nghĩa tinh thần ấy của tình yêu, giả sử một sự tách rời như thế có là hữu khả về phương diện vật chất.
II
Như vậy, mọi cố gắng cô lập và biệt lập tiến trình phục sinh cá thể trong tình yêu chân chính vấp phải ba trở ngại không thể khắc phục, do cuộc sống cá thể của chúng ta với tình yêu của nó, bị ngăn cách khỏi tiến trình sự sống hoàn vũ, tất yếu hóa ra, thứ nhất, không có cơ sở vật chất, bất lực trước thời gian và sự chết, sau đó trống rỗng về tâm thức, không có nội dung, và cuối cùng không xứng đáng về mặt đạo lý. Nếu trí tưởng tượng vượt qua được những trở ngại vật chất và lôgic, thì cả nó cũng phải dừng lại trước nỗi bất khả về đạo lý.
Ta hãy giả định một điều hoàn toàn huyễn hoặc, giả định rằng một con người nào đó đã tăng lực tinh thần của mình bằng kì công khổ hạnh đến mức đã đích thực khôi phục được (cho mình và cho ‘’người khác’’ bổ sung cho mình) thể nguyên vẹn chân chính của ngã thể con người, đã đạt được sự nhuần thấm tinh thần triệt để và sự bất tử. Vậy thử hỏi cái cá thể phục sinh ấy có vui sướng được với hạnh phúc cô đơn của mình trong môi trường, nơi mà, vẫn như xưa, tất cả đều khổ đau và đều chết ? Nhưng ta hãy đi xa hơn nữa. Hãy để cho cặp người đã tái sinh này có được năng lực truyền cho tất cả mọi người cái trạng thái cao nhất của họ; điều này tất nhiên là không thể có được, bởi vì nó là kết quả của kì công đạo đức cá nhân, nhưng cứ để cho nó sẽ là một cái gì đó tựa như đá luyện đan hay thuốc trường sinh. Và thế là tất cả mọi sinh linh trên mặt đất được giải thoát khỏi mọi tai hoạ và bệnh tật của mình, tất cả đều tự do và bất tử. Nhưng để cho họ có được hạnh phúc, họ cần có thêm một điều kiện nữa: họ phải quên đi cha ông của họ, quên đi những người đã thật sự làm nên cuộc sống tốt đẹp này cho họ, bởi vì dù có gán ghép ý nghĩa huyễn hoặc đến đâu đi nữa cho kì tích cá nhân, thì dẫu sao vẫn cứ cần có hàng ngàn và hàng ngàn thế hệ bằng lao động hợp lực của mình đã tạo nên cái nền văn hóa, những cấu trúc đạo lý và trí tuệ, mà không có chúng thì nhiệm vụ tái sinh cá nhân sẽ không những không thực hành được, mà còn không thể được đặt ra.Và hàng tỷ người đã cống hiến đời mình cho những người khác ấy sẽ tiếp tục thịt nát xương tan dưới mồ  còn những hậu duệ nhàn rỗi của họ thì sẽ thờ ơ tận hưởng cái hạnh phúc cho không! Nhưng điều này sẽ định ước một sự man rợ hóa tinh thần và thậm chí còn tồi tệ hơn nữa, bởi lẽ ngay những người man rợ cũng thờ cúng tổ tiên và giữ gìn sự giao lưu với tổ tiên. Làm sao một trạng thái cao nhất và vĩnh viễn của nhân loại lại có thể được dựng xây trên bất công, trên vô ơn bạc nghĩa và quên lãng? Con người đã đạt độ hoàn hảo cao nhất sẽ không thể chấp nhận một tặng phẩm không xứng đáng như thế; nếu nó không thể cướp từ tay thần chết toàn bộ chiến quả của tử thần,thì nó thà chối từ sự bất tử.
"Hãy đập vỡ cốc quý ấy, trong đó ẩn giấu chất độc ác hiểm." (23)
May thay, tất cả cái đó chỉ là sự hoang tưởng tuỳ tiện và nhàn tản, và sự việc sẽ không bao giờ đi đến một thử thách bi kịch đến thế cho tình kết đoàn đạo lý trong nhân loại, do sức mạnh của mối liên kết tự nhiên của chúng ta với toàn thể hoàn vũ, nó làm cho việc giải quyết riêng lẻ nhiệm vụ cuộc đời của từng con người riêng biệt hay từng thế hệ riêng biệt trở nên bất khả về cơ sở vật chất. Sự tái sinh của chúng ta gắn bó khăng khít với sự tái sinh cuả toàn thể vũ trụ, với sự biến hóa những hình thức thời gian và không gian của nó. Cuộc sống chân chính của cá nhân trong ý nghĩa đầy đủ và tuyệt đối của nó được thực hiện và được vĩnh cửu hóa chỉ trong sự phát triển tương ứng của sự sống hoàn vũ, mà chúng ta có thể và phải tham gia vào đấy một cách tích cực, nhưng nó không được tạo ra bởi chúng ta. Cơ nghiệp cá nhân của ta, vì nó chân chính, cũng là cơ đồ chung của toàn thế giới - hiện thực hóa và cá thể hóa ý tưởng thống hợp tất cả và tinh thần hóa vật chất. Nó được chuẩn bị bởi tiến trình hoàn vũ trong thế giới tự nhiên và được tiếp tục thực hiện bởi tiến trình lịch sử trong nhân loại. Sự không biết của chúng ta về quan hệ toàn diện của các bộ phận cụ thể trong thể thống nhất của chỉnh thể cho chúng ta một sự tự do hành động mà, với tất cả các hậu quả của nó, từ khởi thủy được đã đưa vào kế hoạch tuyệt đối bao quát tất cả.
ý tưởng thống hợp tất cả có thể được hiện thực hóa đến cùng, hay là hiện thân đến cùng chỉ như là thể sung mãn tự tại của các ngã thể hoàn hảo, có nghĩa là mục đích cuối cùng của toàn bộ cơ đồ là sự phát triển cao nhất từng cá thể trong sự thống nhất hoàn toàn của tất cả; điều đó tất yếu bao hàm cả mục đích sống của từng người chúng ta, do đó ta không có lý do và khả năng nào tách rời và cách biệt nó khỏi mục đích chung. Chúng ta cần cho thế giới như nó cần cho chúng ta; vũ trụ từ khởi thuỷ quan tâm giữ gìn, phát triển và trường cửu hóa tất cả những gì thực sự cần thiết và đáng mong muốn cho ta, tất cả những gì chính diện và xứng đáng trong bản ngã của ta, và việc còn lại cho ta chỉ là tham gia thật tự giác và tích cực vào tiến trình lịch sử chung - vì chính ta và vì tất cả những người khác không tách rời.
III
Đối nghịch với kiểu sinh tồn chân chính hay là ý tưởng thống hợp tất cả là kiểu tồn tại vật chất trong thế giới của chúng ta - chính nó với tính ngoan cố vô nghĩa của nó đè nén cả tình yêu của ta, không cho tình yêu thực hiện ý nghĩa của mình. Thuộc tính chính của kiểu tồn tại vật chất ấy là hai sự không thể thẩm thấu đi đôi: 1/ không thể thẩm thấu trong thời gian, do đó mà bất cứ khoảnh khắc sau nào của sinh tồn cũng đều không bảo toàn trong mình khoảnh khắc trước, mà loại trừ nó và bằng chính mình hất đẩy nó ra khỏi hiện hữu, cho nên mọi cái mới trong môi trường vật chất đều diễn ra thay vì cái trước hoặc làm tổn hại cái trước, và 2/ không thể thẩm thấu trong không gian, do đó mà hai bộ phận của vật chất (hai vật thể) cùng một lúc không thể chiếm một chỗ, tức là một phần của không gian, mà tất yếu hất đẩy nhau. Như vậy, cái làm cơ sở cho thế giới của chúng ta là kiểu tồn tại trong trạng thái phân rã, đây là cái tồn tại đã vỡ vụn thành những phần và những khoảnh khắc loại trừ lẫn nhau. Đấy, chúng ta phải chấp nhận một địa tầng sâu đến thế và một nền móng rộng đến thế cho sự phân li oan khốc các sinh linh, tất cả tai họa của cả cuộc sống riêng của ta cũng là ở đấy.Chiến thắng tính không thể thẩm thấu hai lần ấy của các vật thể và các hiện tượng, làm cho môi trường thực tại bên ngoài ứng hợp với tính nhất thống tất cả nội tại của ý tưởng - đấy là nhiệm vụ của tiến trình hoàn vũ, đơn giản bao nhiêu trong khái niệm chung, thì cũng phức tạp và khó khăn bấy nhiêu trong thực hiện cụ thể.
Thế mạnh trông thấy của cơ sở vật chất của thế giới chúng ta và của sự sống chúng ta to lớn đến nỗi nhiều bộ óc thậm chí nhiệt thành, nhưng hơi phiến diện nghĩ rằng ngoài kiểu tồn tại vật chất này, dưới những biến tướng khác nhau của nó, nói chung không còn lại cái gì hết. Tuy thế, chưa nói đến việc cái quan điểm coi thế giới hữu hình này là duy nhất chỉ là một giả thuyết võ đoán mà có thể tin, nhưng không thể chứng minh, và không ra ngoài phạm vi thế giới này, xét đến cùng vẫn cứ phải công nhận rằng, chủ nghĩa duy vật không có lẽ phải, xuất phát ngay từ quan điểm thực tế. Bởi vì thực ra, cả trong thế giới hữu hình của chúng ta vẫn tồn tại nhiều cái không phải là biến tướng của tồn tại vật chất với tính bất khả thẩm thấu trong thời gian và không gian của nó, mà thậm chí là sự phủ định trực tiếp và sự xoá bỏ chính tính bất khả thẩm thấu ấy. Là như thế, thứ nhất, hiện tượng vạn vật hấp dẫn, mà trong đó các bộ phận của thế giới vật chất không loại trừ nhau mà, ngược lại, như muốn bao hàm chứa nạp lẫn nhau. Vì một nguyên tắc được định trước, người ta có thể xây dựng nhiều giả thuyết khoa học, hết cái này đến cái khác, nhưng để có được một nhận thức hợp lý hợp lẽ, không bao giờ có thể, từ những giới thuyết về vật chất có quán tính, giải thích được những nhân tố đối lập trực diện với chúng: không bao giờ có thể quy lực hấp dẫn về quảng tính, từ tính không thể thẩm thấu suy ra niềm ham thích và hiểu ý vọng như là sự trơ ì. Trong khi ấy, nếu không có những nhân tố phi vật chất ấy thì không thể có ngay cả cái tồn tại vật thể đơn giản nhất. Bởi vì vật chất tự nó chỉ là một tập hợp vô định và rời rạc của các nguyên tử, mà người ta giả tưởng gán cho chúng cái thuộc tính vận động một cách rộng lượng nhiều hơn  là có đầy đủ căn cứ. Trong mọi trường hợp, để có kết cấu xác định và thường hằng của những hạt vật chất hợp thành những vật thể, điều không thể thiếu được là tính bất khả thẩm thấu hay, cũng thế, tính rời rạc tuyệt đối của chúng phải được thay thế bằng sự tương tác ít hay nhiều chính diện giữa chúng. Như vậy, toàn bộ vũ trụ của chúng ta, chừng nào nó không phải là một khối hỗn mang của những nguyên tử rời rạc, mà là một chỉnh thể thống nhất và có kết cấu - vũ trụ ấy định ước trước, ngoài chất liệu phân tán của nó, một hình thức nhất thống nữa (và cả một sức mạnh tích cực, chinh phục các phần tử chống lại sự nhất thống ấy). Thể thống nhất của thế giới vật chất không phải là thể thống nhất mang tính vật chất - cái đó nói chung không thể có, cái đó là contradictio in adjecto(24) . Được cấu thành bởi quy luật hấp dẫn mang tính phản vật chất (mà theo quan điểm duy vật chủ nghĩa, thì như thế tức là phản tự nhiên), thân thể hoàn vũ là một chỉnh thể thực tại-lý tưởng, tâm-thể hay, nói thẳng ra (theo ý tưởng của Newton về sensorium dei (25) ) nó là một thân thể thần bí.
Ngoài hiện tượng vạn vật hấp dẫn, tính nhất thể lý tưởng của tất cả còn được hiện thực hóa bằng phương thức tinh thần-thể xác trong hoàn vũ, thông qua ánh sáng và những hiện tượng gần gũi với nó (điện lực, từ tính, nhiệt), mà tính chất của chúng tương phản hiển nhiên với những thuộc tính của vật chất kín mít và trơ ì đến nỗi khoa học duy vật chủ nghĩa cũng bị cái hiển nhiên ấy bắt buộc thừa nhận có ở đây một thực thể bán vật chất, mà nó gọi là ête. Đó là thứ vật chất phi trọng lựơng được thẩm thấu toàn bộ và thẩm thấu toàn bộ - tóm lại là thứ vật chất phi vật chất.
Thế giới thực tại của chúng ta được bảo tồn bởi những hiện thân ấy của ý tưởng thống hợp tất cả - lực hấp dẫn và chất ête  - còn vật chất tự thân tự kỉ, tức là cái tập hợp chết của những nguyên tử trơ ì và kín mít, chỉ được ý niệm bởi lý trí trừu xuất, chứ không được phát hiện trong một thực tại nào cả. Chúng ta không biết một khoảnh khắc nào mà ở đó hiện thực chân chính lại thuộc về cái hỗn mang vật chất, còn ý tưởng hoàn vũ lại là một cái bóng không có thân thể và bất lực. Chúng ta chỉ giả định có một khoảnh khắc như thế như một điểm xuất phát của tiến trình hoàn vũ trong phạm vi vũ trụ thấy được của chúng ta.
Ngay trong thế giới tự nhiên, tất cả đã là của ý Tưởng, nhưng bản chất chân chính của nó đòi hỏi sao cho không chỉ tất cả thuộc về nó, hội nhập nó và được nó bao quát, mà còn sao cho cả nó cũng thuộc về tất cả, sao cho tất cả, tức là tất cả các sinh linh riêng lẻ và cá thể, và như vậy là từng sinh linh, thật sự có được tính thống nhất của tất cả, thu nạp nó vào trong mình. Thể thống nhất hoàn hảo của tất cả, theo đúng quan niệm về nó, đòi hỏi sự cân bằng hoàn toàn, sự bình đẳng giá trị và bình quyền giữa một và tất cả, giữa chính thể và các bộ phận, giữa cái phổ biến và cái đơn nhất. Tính viên mãn của lý tưởng đòi hỏi sao cho sự thống nhất lớn nhất của chỉnh thể được thực hiện trong trạng thái tự chủ và tự do cao nhất của các phần tử cục bộ và đơn nhất - ở trong bản thân chúng, thông qua chúng và vì chúng. Theo chiều hướng ấy, tiến trình hoàn vũ đã đi đến sự tạo tác kiểu cá thể động vật, mà đối với nó bản tính thống hợp của ý tưởng tồn tại dưới hình ảnh chủng loại và được cảm nhận với đầy đủ sức mạnh trong phút giây ham mê tính dục, khi mà tính thống nhất nội tại hay tính cộng đồng với "cái khác" (với ‘’tất cả’’) tự thể hiện cụ thể trong quan hệ với một cá thể khác giới đại diện cho cái ‘’tất cả’’ bổ sung ấy - trong một thân thể. Bản thân sự sống cá thể của cơ thể động vật đã ẩn chứa một sự tương đồng nhất định, tuy hữu hạn, với thể nhất thống của tất cả, bởi vì ở đây có sự đoàn kết và tương tác đầy đủ của tất cả các cơ quan và các phần tử cục bộ trong thể thống nhất của một thân thể sống.  Thế nhưng nếu tính kết đoàn hữu cơ ấy trong con vật không vượt ra ngoài thành phần thân xác của nó, thì cũng như thế, với con vật, hình ảnh của ‘’cái khác’’ bổ sung cho nó bị giới hạn toàn bộ bởi cũng một thân thể đơn nhất như thế, với khả năng chỉ có được sự liên kết vật chất và một phần; và vì thế mà tính vô tận siêu thời gian, hay là tính vĩnh hằng của ý tưởng, tác động trong sức mạnh sống và sáng tạo của tình yêu, thâu nhận ở đây hình thức thẳng tuyến tồi tệ của sự sinh sôi nảy nở bất tận, tức là của sự tái hiện cũng một cơ thể ấy trong vô số những sinh tồn đơn nhất và nhất thời thay thế nhau một cách đơn điệu.
Trong cuộc sống con người, tuyến thẳng của sự sinh sôi nảy nở chủng loại mặc dù được bảo tồn về cơ bản, nhưng nhờ sự phát triển của ý thức và của sự giao lưu hữu thức, nó được tiến trình lịch sử lôi cuốn vào những vòng ngày càng rộng lớn của các cơ thể xã hội và văn hóa. Những cơ thể ấy được tạo ra cũng bởi cái lực sống và sáng tạo của tình yêu mà trước đó đã sản xuất ra những cơ thể vật chất. Sức mạnh ấy trực tiếp tạo ra gia đình, mà gia đình là yếu tố cấu thành của mọi xã hội. Song mặc dù có mối liên hệ di truyền ấy, quan hệ của cá thể con người với xã hội khác biệt về bản chất so với quan hệ của cá thể động vật đối với chủng loại: con người không phải là một tiêu bản nhất thời của xã hội. Thể thống nhất của cơ thể xã hội  cùng tồn tại thật sự với từng thành viên cá thể của nó, nó có sự tồn tại không chỉ trong và thông qua, mà còn từng thành viên, nó ở trong liên lạc và tương quan xác định với từng thành viên: cuộc sống xã hội và cuộc sống cá nhân từ mọi phía thẩm thấu nhau. Do đó, ở đây ta có một phương thức thể hiện ý tưởng thống hợp tất cả hoàn hảo hơn rất nhiều so với trong cơ thể vật chất. Đồng thời ở đây từ bên trong (từ ý thức) bắt đầu tiến trình tích hợp trong thời gian (hay là chống lại thời gian). Mặc dù trong nhân loại vẫn tiếp tục diễn ra sự chuyển đổi thế hệ, nhưng đã có những bước khởi đầu cho sự vĩnh cửu hóa cá thể trong tục thờ cúng tổ tiên - cơ sở của mọi nền văn hóa, trong truyền thống - cái ký ức của xã hội, trong nghệ thuật và cuối cùng trong khoa học lịch sử. Tính bất hoàn hảo, tính phôi thai của những cách vĩnh cửu hóa như thế ứng với tính bất hoàn hảo của bản thân cá thể con người và của xã hội. Nhưng sự tiến bộ là không thể hồ nghi, và nhiệm vụ cuối cùng ngày một trở nên rõ hơn và gần hơn.
IV
Nếu cái gốc của tồn tại sai trái là sự bất khả thẩm thấu, tức là sự loại trừ lẫn nhau của các sinh linh, thì sự sống chân chính là sống trong người khác cũng như trong mình, hay là tìm thấy ở người khác cái bổ sung chính diện và tuyệt đối cho sinh linh của mình. Cơ sở và kiểu mẫu của tình yêu chân chính ấy vẫn là và mãi mãi sẽ là tình yêu nam nữ hay là tình vợ chồng. Nhưng, như ta đã thấy, không thể thực hiện tình yêu ấy mà không cải tạo tương ứng toàn bộ môi trường bên ngoài, tức là sự tích hợp đời sống cá thể tất yếu đòi hỏi cũng sự tích hợp như thế trong các lĩnh vực đời sống xã hội và hoàn vũ. Sự khác biệt nhất định, hay là sự phân định các lĩnh vực sống, cá thể cũng như tập thể, sẽ không bao giờ bị xoá bỏ và không được xoá bỏ, bởi vì kiểu hòa đồng toàn thể như thế  sẽ dẫn đến sự bất phân và trống rỗng, chứ không phải sự sung mãn của sinh tồn. Sự liên kết chân chính định ước trước một sự phân định chân chính các thành phần liên kết, tức là sự phân định, mà nhờ đó chúng không loại trừ nhau mà đòi hỏi có nhau, mỗi người tìm thấy ở người khác sự sống sung mãn của mình. Giống như trong tình yêu cá thể hai sinh linh khác biệt nhưng bình quyền và bình đẳng về giá trị không sử dụng mình làm biên giới phủ định nhau, mà chỉ bổ sung chính diện cho  nhau, cũng cái đó phải có trong tất cả các lĩnh vực cuộc sống tập thể; mọi cơ thể xã hội đối với từng thành viên của nó không thể là giới hạn hoạt động, mà phải là điểm tựa và sự bổ sung tích cực: nếu trong tình yêu hữu tính (trong lĩnh vực đời tư) "người khác" đơn nhất đồng thời là tất cả,  thì cái tất cả xã hội, về phía nó, do tính kết đoàn chính diện của các phần tử của nó, phải xuất hiện đối với từng phần tử  như một thể thống nhất thực thụ, tựa như một sinh linh khác bổ sung cho nó (trong lĩnh vực mới, rộng lớn hơn).
Nếu quan hệ qua lại giữa các thành viên cá thể của xã hội phải mang tính anh em (và tính con cháu đối với các thế hệ đã qua và những đại diện xã hội của chúng), thì mối liên lạc của họ với tất cả các lĩnh vực xã hội - địa phương, dân tộc và cuối cùng toàn thế giới - cũng phải là nội tại, toàn diện và giàu ý nghĩa hơn nữa. Quan hệ giữa yếu tố chủ động của con người (cá nhân) và ý tưởng thống hợp tất cả đã hóa thân thành cơ thể xã hội (một kiểu cơ thể tinh thần-thân xác) phải là quan hệ giao hòa sống động. Không khuất phục lĩnh vực xã hội của mình và không thống trị nó, mà ở trong sự tương tác trìu mến với nó, làm yếu tố vận động tích cực, đơm hoa kết trái cho nó và tìm thấy ở nó đầy đủ những điều kiện và khả năng sinh tồn - quan hệ giữa ngã thể chân chính của con người không chỉ với môi trường xã hội gần nhất của mình, không chỉ với dân tộc mình, mà với cả toàn thể nhân loại là như thế. Trong Kinh Thánh, các thành đô, quốc gia, dân tộc Israel, và sau đó toàn thể nhân loại phục sinh hay là Hội Thánh toàn thế giới đều mang hình ảnh các cá thể nữ tính, và đây không phải là một ẩn dụ đơn thuần. Nếu hình ảnh thể thống nhất của các thân thể xã hội là không thể cảm hội đối với các giác quan bên ngoài của chúng ta, thì cái đó tuyệt không có nghĩa là nó tuyệt nhiên không tồn tại: bởi lẽ cả hình ảnh thân thể của chính ta cũng là tuyệt không thể cảm hội và không thể biết được đối với từng tế bào não riêng lẻ hay từng huyết cầu; và nếu chúng ta, như những cá thể có năng lực tồn tại sung mãn, khác những cá thể sơ đẳng không chỉ ở ý thức hữu trí sáng rõ hơn và rộng lớn hơn, mà còn ở sức mạnh lớn hơn của trí tưởng tượng sáng tạo, thì tôi không thấy lý do phải chối từ nét ưu việt này. Dẫu là thế nào đi nữa, có hình ảnh hay là không có hình ảnh, thì điều đòi hỏi trước hết là sao cho chúng ta quan hệ với môi trường xã hội và hoàn vũ như là với một sinh linh sống động thật sự, mà với nó ta không bao giờ hòa đồng đến bất phân, nhưng luôn ở trong sự tương tác mật thiết nhất và đầy đủ nhất. Sự mở rộng quan hệ giao hòa sang các lĩnh vực sinh tồn tập thể và hoàn vũ hoàn thiện bản thân ngã thể, truyền cho nó một nội dung sống thống nhất và sung mãn và bằng cách ấy nâng cao và vĩnh cửu hóa hình thức cá thể cơ bản của tình yêu.
Không thể nghi ngờ, tiến trình lịch sử diễn ra theo hướng ấy, từng bước phá vỡ những hình thái giả dối hay không đầy đủ của những liên minh con người (những hình thái gia trưởng, độc tài, cá nhân chủ nghĩa một chiều) và ngày một tiến gần hơn tới không chỉ sự hợp nhất toàn nhân loại, như một chỉnh thể kết đoàn, nhưng còn cả tới sự thiết lập kiểu thức giao hòa thực thụ của sự thống nhất toàn nhân loại ấy. Cùng với việc ý tưởng nhất thống tất cả được hiện thực hóa đích thực thông qua củng cố và hoàn thiện các thành phần cá thể - con người của nó, tất yếu sẽ suy yếu và tan biến đi những hình thức phân li sai trái, hay là những hình thức bất khả thẩm thấu của các sinh linh trong không gian và thời gian.  Nhưng để xoá bỏ hoàn toàn những hình thức ấy và để vĩnh cửu hóa mãi mãi tất cả các cá thể, không chỉ hiện sinh, mà còn đã qua, cần làm sao cho tiến trình tích hợp vượt ra ngoài ranh giới sự sống xã hội hay là sự sống của riêng loài người và thu nạp vào trong nó cả lĩnh vực vũ trụ mà trước đây nó đã thoát ra khỏi. Trong cuộc tạo tác thế giới vật chất (tiến trình vũ trụ), ý tưởng thần thánh mới chỉ phủ lên bên trên vương quốc của vật chất và của sự chết một tấm vải phủ của cái đẹp tự nhiên: thông qua nhân loại, thông qua tác động của ý thức hữu trí  phổ quát của nó, ý tưởng ấy phải thâm nhập vào bên trong vương quốc ấy, để làm sống thiên nhiên và vĩnh cửu hóa cái đẹp của nó. Theo nghĩa ấy, cần phải thay đổi quan hệ của con người với thiên nhiên. Cả với nó, con người cũng cần thiết lập thể thống nhất giao hòa - kiểu thống nhất quyết định cả sự sống chân chính của loài người trong lĩnh vực cá nhân và xã hội.
V
Xưa nay, thiên nhiên mới chỉ là hoặc một người mẹ chuyên quyền và độc đoán của nhân loại ấu thơ, hoặc một nô tì xa lạ, một vật dụng của con người. Trong thời đại thứ hai này, chỉ có các nhà thơ còn giữ được và nuôi dưỡng cái tình cảm vô thức và rụt rè đối với thiên nhiên như một sinh linh bình quyền, có hoặc có thể có sự sống ở trong nó. Các thi nhân chân chính xưa nay vẫn là những nhà tiên tri của sự khôi phục sự sống và cái đẹp trong hoàn vũ, như một nhà thơ đã nói khá hay với những bằng hữu của mình:
Chỉ nơi các bạn những giấc mơ chốc lát
Ngó vào hồn ta như bè bạn lâu năm,
Chỉ nơi các bạn những bông hồng thơm ngát
Muôn thuở lung linh nước mắt hân hoan.
Từ chợ đời nhạt mờ, ngột ngạt
Sung sướng sao được thấy muôn sắc màu tinh vi,
Nhìn những cầu vồng lâng lâng trong vắt của các bạn
Tôi cảm tưởng được trời thân yêu âu yếm. (26)
Thiết lập mối quan hệ trìu mến, hay là giao hòa giữa con người với không chỉ môi trường xã hội, mà cả môi trường thiên nhiên và hoàn vũ của nó - mục đích ấy tự nó là rõ ràng. Không thể nói điều đó về những đường hướng thực hiện mục đích ấy trong quan hệ với từng con người riêng biệt. Không sa vào những chi tiết quá sớm và vì thế mà khả nghi và bất tiện, vẫn có thể, căn cứ vào những loại suy vững chắc của kinh nghiệm vũ trụ và lịch sử, khẳng định một cách tin chắc rằng mọi thực tại hữu thức của con người, được quyết định bởi ý tưởng giao hòa hoàn vũ và theo đuổi mục đích thể hiện lý tưởng tổng hòa hợp trong lĩnh vực này hay lĩnh vực khác, bằng cách ấy đang tạo ra hoặc giải phóng những luồng năng lượng tinh thần-thể xác hiện thực, chúng từng bước chiếm lĩnh môi trường vật chất, làm cho nó nhuần thấm tinh thần và làm nhập thân vào nó những hình ảnh này hay hình ảnh kia của thể thống nhất của tất cả - những hình tương tự sống động và vĩnh hằng của nhân tính tuyệt đối. Còn sức mạnh của cuộc sáng tạo tinh thần-thể xác ấy ở con người chỉ là sự biến hóa hay là sự hướng nội cũng cái sức mạnh sáng tạo mà trong giới tự nhiên, do hướng ngoại, đã tạo ra cái vô tận tồi tệ của sự sinh sôi nảy nở của các cơ thể vật chất.
Nối liền, trong ý tưởng giao hòa hoàn vũ, tình yêu (cá thể hữu tính) với bản thể chân chính của sự sống phổ biến, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ trực tiếp của mình – xác định ý nghĩa của tình yêu, bởi vì dưới ý nghĩa của một đối tượng nào đó ta hiểu chính cái quan hệ nội tại của nó với chân lý phổ biến. Còn về một vài vấn đề chuyên biệt, mà tôi đã phải đề cập đến, thì tôi dự định sẽ còn trở lại với chúng.

1893 – 1894
                                                          Phạm Vĩnh Cư dịch





* Tôi trình bày bản chất chung của quan niệm mà tôi phản bác, không dừng lại ở những biến tướng thứ yếu, như ở Schopenhauer, Hartmann và v.v... Trong cuốn sách mỏng mới ra Động cơ cơ bản của tính di truyền (M. 1891), Walter cố gắng chứng minh bằng những dẫn chứng lịch sử rằng hết thảy các vĩ nhân đều là sản phẩm của tình yêu mãnh liệt được đền đáp.
* Ở đây và tiếp theo, tôi minh hoạ cho lập luận của mình chủ yếu bằng những thí dụ lấy từ những tác phẩm văn thơ vĩ đại. Chúng đáng được chọn hơn là những thí dụ từ đời thật, bởi vì chúng không phải là những hiện tượng riêng lẻ, mà là những kiểu mẫu điển hình.
* Trong ngôn ngữ nhà thờ, người ta gọi là như thế chủ yếu hai thánh Joakim và Anna, nhưng các tổ tiên khác của Đức Thánh Mẫu đôi khi cũng được các văn sĩ của Giáo hội gọi bằng tên này.
** Có lẽ điều này phải được loại trừ bởi cuộc phiêu lưu nổi tiếng ở Ai Cập, mà với tình yêu lứa đôi mãnh liệt sẽ không thể có được.
* Nếu người ta bảo những lời ấy được Thượng Đế khêu gợi, thì đó sẽ không phải là sự  phản bác, mà là sự chuyển dịch ý của tôi ra ngôn ngữ của thần học.

* Tôi gọi là tình yêu hữu tính (vì không có tên gọi nào tốt hơn) sự gắn bó đặc biệt (cả từ hai phía lẫn từ một phía) giữa những cá nhân khác giới có thể trở thành vợ chồng của nhau, tuyệt không quyết định trước vấn đề về vai trò của yếu tố sinh lý trong việc này.

* ‘’Xã hội’’ của chúng ta, trong đó có cả các qúy bà thuộc giới thượng lưu, đã trầm trồ tán thưởng những tác phẩm ấy, nhất là Bản xônat Kreutzer ; thế nhưng vị tất có quý bà nào đọc xong lại chối từ lời mời tới dự hội khiêu vũ – chỉ bằng một luân lý, mặc dù dưới hình thức nghệ thuật hoàn mỹ, thật khó làm thay đổi tác động thực tế của môi trường xã hội.

* Xem Binet.Le Fétichisme en amour (thói thờ vật trong tình yêu) và Kraft Ebing. Psychopathia Sexualis (bệnh lý tâm thần tính dục).

* Nhân những bàn luận gần đây về cái chết và nỗi sợ chết, cần nhận xét rằng ngoài sự sợ hãi hay thờ ơ - không xứng đáng như nhau đối với một sinh linh biết nghĩ và biết yêu - còn có thái độ thứ ba - đấu tranh và chiến thắng sự chết. Vấn đề không phải ở sự chết của mình, mà về nó những người lành mạnh về tinh thần và thể chất ít quan tâm, mà ở sự chết của những sinh linh khác, yêu quý, mà thái độ bàng quan với nó là không thể có ở người đương yêu (xem Phúc âm của Jean XI, 33 - 38).
Thái độ cam chịu về phương diện này sẽ là yêu cầu của lý trí chỉ trong trường hợp, nếu cái chết của con người là kết cục tuyệt đối không thể tránh khỏi. Nhưng người ta chỉ giả định là thế, chứ chưa bao giờ chứng minh và không phải không có lý do, bởi vì cái đó không chứng minh được. Trong những điều kiện nhất định sự chết là tất yếu, về cái đó, tất nhiên không phải bàn cãi, nhưng cho rằng những điều kiện ấy là duy nhất có thể có, rằng không thể thay đổi được chúng và do đó sự chết là tất yếu tuyệt đối - mảy may không có một căn cứ hữu lý nào cho quan niệm ấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét