Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2017

ĐỌC CUỒNG VÂN TẬP CỦA THI TĂNG NHẤT HƯU          狂雲集 Đi tìm chân thực trong hư cấu      Biên soạn: Nguyễn Nam Trân


ĐỌC CUỒNG VÂN TẬP CỦA THI TĂNG NHẤT HƯU (phần 1)

         狂雲集
   
   Đi tìm chân thực trong hư cấu
         
Biên soạn: Nguyễn Nam Trân


               

                
Nhật Bản, quốc gia có truyền thống Phật giáo lâu đời, là quê hương của những bậc tu hành nổi tiếng như Kuukai, Saigyô, Dôgen, Daitô, Nichiren, Shinran, Rennyo, Eisai, Hakuin, Takuan... Tuy nhiên, có thể nói trong số các nhân vật ấy, chưa thấy vị nào giàu cá tính đến độ gây tranh cãi và ảnh hưởng đến văn hoá nước này một cách sâu rộng như Hòa thượng Ikkyuu (Nhất Hưu), tác giả Kyôunshuu (Cuồng Vân Tập), tác phẩm được xem như một thiền ngữ lục bằng thơ.

I)                 Ba cách nhìn Nhất Hưu:

Ikkyuu (Nhất Hưu, 1394-1481?), tăng nhân Nhật Bản tông Rinzai (Lâm Tế), thụy hiệu là Sôjun (Tông Thuần), được biết đến với nhiều biệt hiệu khác như Muukei (Mộng Khuê), Kyôunshi (Cuồng Vân Tử), Katsuro (Hạt Lư)... Ngoài ra, ông còn tự xưng mình là đồ tôn đời thứ bảy tăng Hư Đường (Kyodô shichise no mago) hay đồ tôn đời thứ năm tăng Đại Đăng (Daitô gose no mago), danh hiệu đặt theo hai tôn sư yêu kính. Ikkyuu sinh ra và sống vào giữa thời Muromachi (1392-1573), một thời đại nhiều biến loạn.

Ngày nay, ông được xem như một nhân vật lịch sử độc đáo vì có 3 đặc điểm.  

Một, ông là vai chính của các truyện tếu hết sức thú vị mang tên Ikkyuu-tonchi banashi. Tonchibanashi 頓知咄ở đây có nghĩa là truyện hài hước (comic story) với nội dung ứng đối ranh mãnh. Kể từ thời Edo trở đi, người ta đã lục lọi từ các tư liệu của thời Muromachi liên quan đến ông để tạo ra một nhân vật Ikkyuu đầu óc thông minh và đóng khung hành trạng của ông trong những câu chuyện làm cho đông đảo đại chúng thích thú. Ikkyuu mang hình tượng một thiếu niên hay một lão già, có những hành động vượt ra ngoài khuôn phép sinh hoạt của thời kỳ Mạc phủ Edo[1]. Nhân vật đó với tài năng và cơ trí đã thoát ra được biết bao cảnh hiểm nghèo, tháo gỡ cứu giúp cho người gặp cảnh hoạn nạn, đấu lý làm im miệng những nhà sư có địa vị cao, dẫn dắt các cô gái buôn hương bán phấn về với lẽ đạo. Con người ấy còn sáng tác những bài đạo ca dễ hiểu để khai nhãn cho người đời.

Qua hình tượng Ikkyuu mà họ tạo ra, ta thấy người thời Edo là những kẻ yêu chuộng tự do, không thích bị câu thúc trong lễ nghi, chống đối lại quyền lực của truyền thống. Không những thế, tinh thần chống đối ấy được thể hiện bằng sự lanh lợi, ứng biến, dí dỏm. Trong chiều hướng đó, hình tượng Ikkyuu trong các truyện tếu thời Edo không khác gì hình ảnh của một nhân vật hư cấu Việt Nam: Trạng Quỳnh thời Lê Trịnh, vốn cũng “sống” trong một giai đoạn chẳng xa gì với thời Muromachi và cũng hay bỡn cợt chính quyền lẫn người đời. Thế nhưng, chúng ta không thể dựa vào các truyện tếu thời Edo mà ngày nay manga và phim ảnh tiếp tục khai thác để có một cái nhìn trung thực và lịch sử về Hòa thượng Ikkyuu.

Hai, Nhất Hưu được biết như một vị cao tăng đạo mạo và đáng chán nếu đem so sành với nhân vật trung tâm các truyện tếu nói trên. Hình ảnh ấy đã được dựng lên trong niên biểu về ông: Tôkai Ikkyuu Ôshô Nenpu (Đông Hải Nhất Hưu Hòa Thượng Niên Phổ) mà từ đây xin gọi tắt là Nenpu年譜. Tư liệu này có lẽ do một số đệ tử của ông soạn ra khoảng 10 năm sau khi tôn sư qua đời (1481). Thế nhưng chúng ta không thể nào tin tất cả những gì đã chép trong Nenpu. Chẳng hạn về ngày sinh tháng đẻ . Họ bảo ông sanh nhằm ngày Tết Nguyên Đán (chính nguyệt nguyên nhật) năm Ôei (Ứng Vĩnh nguyên niên, 1394). Tập quán “đánh bóng” nhân vật bằng ngày sanh tháng đẻ như thế thường thấy ở thời xưa khi người ta kể tiểu sử vua chúa, cao tăng hay anh hùng. Ngoài ra việc Nenpu quả quyết rằng người kình địch của Ikkyuu và sư huynh của ông, hoà thượng Yôsô Sôi (Dưỡng Tẩu Tông Di), không hề nhận được ấn khả từ sư phụ của hai người (Hòa thượng Kasô Sôdon, Kesô Sôdon, Hoa Tẩu Tông Đàm, chùa Daitokuji) là một điều chưa chắc đã thỏa đáng. Những tư liệu đáng tin cậy đã trưng bằng cớ ngược lại. Còn câu chuyện khi Kasô truyền ấn khả cho Ikkyuu thì mấy lần ông đều không nhận và vứt xé đi cũng có khả năng là chuyện bịa đặt để tăng uy tín thầy mình và qua đó, uy tín của chính mình. Lý do là nó đi ngược lại với những lời Ikkyuu phát biểu lúc sinh tiền.

Cũng trong cùng một mục đích, thay vì thêm vào, họ đã bớt đi. Ví dụ, Nenpu không cho chúng ta thấy được chữ “dâm” (dâm sắc) nổi bật trong sinh hoạt của Ikkyuu. Cùng lắm, nó chỉ thể hiện bằng một cách nói gián tiếp như có đoạn bảo, thường ngày để bông đùa, tôn sư của họ có khi làm thơ nói về xóm lầu xanh.

Đối với người soạn Nenpu, tôn sư không hề là kẻ tinh nghịch ranh mãnh nhưng là nhà tu giác ngộ hoàn toàn. Ông không thể là ông sư phóng đãng mà chỉ là một kẻ đã siêu việt mọi dục vọng.

Tuy Nenpu gợi cho chúng ta nhiều thắc mắc về tính cách xác thực của nó nhưng cho đến nay, các nhà nghiên cứu khi viết về Ikkyuu không làm cách nào khác hơn là dựa vào Nenpu như nguồn tư liệu chính. Kyôunshuu tuy là một nguồn tư liệu khác nhưng vì mang tính cách tác phẩm văn học, nó không thể nào tránh được tính hư cấu. Thành thử khi viết về Ikkyuu, công việc tách bạch đâu là thông tin kiểm chứng được chắc chắn, đâu là điều có thể tin cậy, đâu là ngộ nhận, sai lầm...là một việc rất khó.


Ba, Ikkyuu còn có một hình ảnh khác là nhà thơ tài hoa, người đã viết Kyôunshuu (Cuồng Vân Tập). Những bài thơ đậm màu sắc tình (erotic) qui ra hành vi sư phá giới của ông có thể được nhận ra nơi đây. Tuy nhiên, ông không chỉ làm thơ thuần túy dưới khía cạnh ấy mà thôi. Trong thi tập, người ta còn thấy có những bài với màu sắc siêu hình, đậm đà triết lý Phật giáo Thiền tông và những bài chỉ trích phong tục đồi phế trong các tự viện đương thời. Đặc biệt mũi dùi công kích của Ikkyuu thường chĩa về phía sư huynh Yôsô Sôi (Dưỡng Tẩu Tông Di) và môn đệ của ông ta. Nhiều khi lời lẽ nặng nề đi đến chỗ thoá mạ. Nhưng nhìn chung, Kyôunshuu có lẽ là một tác phẩm có một không hai trong văn học Nhật Bản. Nói theo kiểu Việt Nam, thì tác giả của nó, Ikkyuu, có thể là một nàng Hồ Xuân Hương trong trang phục nam nhi. Thực vậy, về tính dục chẳng hạn, có những bài thơ bày tỏ một cách trực tiếp, cực kỳ lộ liễu. Điều đó như chứng tỏ một sự tự tín về việc giác ngộ lẽ đạo, vừa nói lên tình cảm phẫn nộ, chán ghét cùng cực trong lòng người viết ra nó mà ta khó lòng tìm thấy trong ngôn ngữ thi ca ở đâu khác.

Tuy nhiên, qua tác phẩm, đôi chỗ nhà thơ của Kyôunshuu nhiều khi cũng tỏ ra bất nhất, tự mâu thuẫn. Do đó, rốt cuộc là việc tìm ảnh đích thực của Ikkyuu vẫn là một vấn đề nan giải cho những nhà nghiên cứu.

Trong Kyôunshuu, không chi tiết nào giúp ta biết thêm về cuộc sống trong đời thường của Ikkyuu. Thế nhưng, nó có thể cho thấy được phản ứng của ông đối với những tác động đến từ thực tế cuộc đời. Những phản ứng tuy đơn lẽ có thể kết hợp để đem đến cho ta hình ảnh thế giới của nhà thơ. Một câu như: Ngư hàng tửu tứ hựu dâm phường
chưa chắc đã giúp ta quả quyết rằng trên thực tế, Ikkyuu có lui tới các cửa hàng bán cá (ngư hàng), quán rượu (tửu tứ) và xóm lầu xanh (dâm phường). Ông có thể từng đến mà cũng có thể không, nhưng nó cho ta biết rằng ít nhất ông có lui tới những nơi đó “trong tưởng tượng”.

Để hiểu Ikkyuu lúc đó sống thế nào mà làm thơ như vậy, chắc cần nhìn lại thời đại của ông và những chi tiết trong truyện ký của ông do người xưa để lại. Theo Nenpu (Niên phổ), Ikkyuu sinh vào năm 1394 nhưng vì những lý do về tính xác thực đã trình bày bên trên, ta không thể tin hẳn nhưng có lẽ nó không xa sự thực là bao nhiêu. Ông sống trên 80 tuổi, nghĩa là mất vào khoảng năm 1481.

Đặc biệt vào thời điểm này, ở Nhật Bản, giữa các vũ sĩ đoàn không ngừng có những cuộc tranh chấp quyền lực. Nội loạn, đói kém, dịch lệ xảy ra không ngừng, đó là chưa kể các Ikki (nhất quĩ) tức là những cuộc nổi loạn của nông dân. Nội loạn thì đến cuối đời Ikkyuu, nó đã lan rộng ra đến qui mô toàn quốc. Đó là Loạn Ônin (Ứng Nhân, 1467-77). Hai đạo hùng binh của vũ sĩ Đông Tây đối mặt nhau, dày xéo kinh đô. Người thắng đem kẻ bại ra chặt đầu ở bãi sông Kamo (gọi là Kawahara bên cầu Rokujô) và cứ thế, cảnh thê thảm ấy diễn qua diễn lại. Ikkyuu thoát khỏi Kyôto về thôn Takigi và trú tại Shuu.on.an (Thù Ân Am). Thôn Takigi bị ngọn lửa chiến tranh lan đến, ông phải chạy loanh quanh các vùng lân cận như Yamato và Izumi. Nạn đói lại hoành hành khắp nơi, con số người chết lên đến hàng chục vạn (1461). Chính vào năm đó, Ikkyuu đã viết ba bài thơ nhan đề Gashi (Ngạ tử), có những câu: Cực khổ cơ hàn bách nhất thân, Mục tiền ngạ quỷ, mục tiền nhân.

Loạn Ikki tràn đến Kyôto (1457). Thế rồi chiến cuộc xảy ra ngay ngoài đường phố. Có thời kỳ, trạm canh, cửa ải cũng bị phá tan (1480). Không ai có thể chận đứng được họ, ngay các binh đoàn vũ sĩ. Ikkô ikki (Nhóm tôn giáo Nhất Hướng) nổi dậy ở Kaga vào năm 1474 cũng hoạt động mạnh vào thời này và chính quyền Mạc phủ Ashikaga quá yếu vì chia rẽ, không thể lập lại trật tự. Điều này khác hẳn với thời Tokugawa khi thế lực trung ương vững mạnh nên áp chế được tất cả. Phải chăng, hoàn cảnh chiến loạn  như vậy là điều kiện thuận lợi để tôi luyện cá tính mạnh mẽ nơi con người Ikkyuu.


Chiến tranh xảy ra ở kinh đô cũng làm cho văn hoá tràn về địa phương theo bước chân của những người lánh nạn. Chính ra trước đó, kể từ thế kỷ 14 - như ghi lại trong quyển 7 của Taiheiki (Thái Bình Ký) - thể thơ renga (liên ca) đã được lưu hành trong dân chúng, từ giới quí tộc thượng lưu hay vũ sĩ cấp cao cho đến các vũ sĩ cấp thấp. Inryôken Nichiroku (Âm Lương Hiên Nhật Lục, tập nhật ký ghi chép sự việc trong khoảng 1435-66 và 1484-93 ) vào thế kỷ 15 cũng đã nhắc đến việc Shôgun và thường dân hay đến xem các cuộc trình diễn Sarugaku (Viên Nhạc, tiền thân của Nô) trên bãi sông Kamo ở Kyôto. Đó là một việc không hề thấy vào thời Heian về trước mà cũng không hề thấy vào thời Tokugawa về sau. Tsukubashuu (Trúc Ba Tập, 20 quyển, 1356) với thơ renga do quí tộc Nijô Yoshimoto và tăng Kyuusai thu thập và Shinsen Inu Tsukubashuu (Tân Tuyển Khuyển Thố Cửu Ba Tập, 20 quyển, 1495) thơ renga bình dân do Ôuchi Masahiro và Sôgi tuyển chọn, đã tiếp xúc và giao hòa với nhau. Các diễn viên Sarugaku biết đã phối hợp Nô sơ khai theo truyền thống của thời Heian với Kyôgen (Cuồng Ngôn) vốn là sản phẩm của thời đại.

Ikkyuu là người giao du rộng rãi trong giới thầy dạy renga và diễn viên tuồng Nô. Chắc chắn ông không xa lạ gì với tác phẩm Inu Tsukuba và thế giới của Kyôgen. Thế giới này cũng liên kết với thế giới dân ca (311 bài kouta = tiểu ca) thấy trong Kanginshuu (Nhàn Ngâm Tập, 1 quyển, tác giả vô danh, 1518).

Rõ ràng là Hán Thi của văn học Gozan (Ngũ Sơn, năm chùa Thiền lớn) không có những bài nào có chủ đề nhục cảm như thơ của Ikkyuu trong Kyôunshuu. Tuy nhiên, ngoài đời, vào thời đại của ông, người ta vẫn bàn về nhục cảm. Cả Kyôgen, cả Inu Tsukubashuu, cả Kanginshuu, lâu lâu đều có nói tới nó một cách trực tiếp. Điều này chứng tỏ văn hóa đại chúng đương thời khá thoáng về vấn đề bày tỏ về tình dục. Điểm đặc biệt của Ikkyuu không phải là việc ông trình bày vấn đề đó một cách lộ liễu nhưng là ông đã trình bày nó dưới dạng thơ “đáng kính” là thể thất ngôn tứ tuyệt. Trong ý nghĩa đó, trên còn đường tìm đến với đại chúng, là một người ở giữa Thiền lâm vốn có một khoảng cách với đại chúng, Ikkyuu phải có những vần thơ phá cách nghĩa là “vượt ra khỏi hình thức có sẳn” (katayaburi).  

Nói về Thiền Tông Nhật Bản thời Kamakura thì có hai nhánh lớn là tông Sôtô (Tào Động) do Dôgen (Đạo Nguyên) mở ra và tông Rinzai (Lâm Tế) do Eisai (Vinh Tây) khai sáng. Sôtô lấy zazen (tọa thiền) làm gốc, hoạt động mạnh ở các địa phương. Trong khi ấy, Rinzai tập trung vào việc đón các nhà sư Trung Quốc trốn khỏi sự đàn áp của triều Nguyên sang Nhật. Như vậy Thiền Lâm Tế thừa kế được văn hoá Thiền truyền thừa từ đời Tống, có ảnh hưởng lớn đối với chính quyền vũ sĩ ở trung ương. Quyền lực mạc phủ sau đó đã tổ chức hệ thống năm ngôi chùa lớn gọi là Ngũ Sơn. Các chùa Rinzai trở thành chùa nhà nước (quan tự). Các chùa Ngũ Sơn có “tự cách” (ranking) cao hơn cả, dưới nó là Thập Sát, sau mới đến Chư Sơn. Chư Sơn không phải là các chùa nhà nước. Tiền bán thế kỷ 14, tăng Musô Soseki (Mộng Song Sơ Thạch, 1275-1351) đi song đôi với chính quyền của Ashikaga Takauji, người khai sáng Mạc phủ Ashikaga, đã mở được Tenryuuji (Thiên Long Tự). Cùng lúc, Shuuhô Myôchô (Tông Phong Diệu Siêu, 1282-1337) cũng nhờ mối quan hệ với Thiên hoàng Go Daigo mà nâng chùa Daitokuji (Đại Đức Tự) của mình lên, cùng với Tenryuuji thành hai ngôi chùa quan trọng vào bậc nhất trong hệ thống. Thế nhưng sau đó, chỉ mỗi phái Musô Soseki phát huy tiềm lực chính trị của mình để đạt đến quyền lực tối cao trong nhóm Ngũ Sơn. Đến cuối thế kỷ 14 (năm 1374) thì có chế độ “tăng lục”. Tăng quan gọi là tăng lục có quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm các tăng trụ trì chùa nhà nước. Người cháu của Musô là Shunoku Myôha (Xuân Ốc Diệu Ba, 1311-1388) đã đạt đến địa vị này. Trong khi đó, Daitokuji bị giáng cách, cuối thế kỷ 14, nó chỉ đứng vào hạng chót của các quan tự (vai thấp nhất trong thập sát, 1386). Đến đầu thế kỷ 15 (năm 1431) thì nó trở thành một chùa tư nhân không hơn không kém.

Ikkyuu nằm trong hệ thống Daitokuji cho nên có thể xem ông thuộc thành phần đối lập với hệ thống chính tức là các quan tự. Ông không còn được sự thư thái vật chất mà phải sống cuộc đời đạm bạc vì không còn được chính quyền bảo trợ. Có lẽ mang tâm tình đó mà ông đã đề nghị một lối sống Thiền mà màu sắc tôn giáo được coi trọng hơn màu sắc thế tục. Trong nội bộ thiền lâm, tinh thần đối kháng lại các quan tự không chỉ có nơi  Daitokuji. Tông Sôtô (Tào Động) cũng chống. Bên ngoài thiền lâm thì phải nói còn thêm Jôdo Shinshuu (Tịnh Độ Chân Tông) của tăng Rennyo (Liên Như, 1415-1499), người kế thừa sự nghiệp của các tổ Hônen (Pháp Nhiên) và Shinran (Thân Loan). Trước đây, ta có dịp nói đến cuộc nổi dậy của tông Ikko (Nhất Hướng). Rennyo từ sau khi rời bỏ Ikki đã đi xây Honganji (Bản Nguyện Tự) và sự kiện này cũng đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của Ikkyuu. Kyôunshuu không tỏ ra đặc biệt quan tâm đến giáo lý Sôtô nhưng ông cho thấy có sự đồng cảm với tổ Hônen và Jôdo Shinshuu (Tịnh Độ Chân Tông). Điều này ta sẽ còn có dịp trở lại sau. Tuy nhiên có thể nói ở đây rằng sự đồng cảm ấy một phần là do lập trường đối kháng chia sẻ bởi Daitokuji và giáo đoàn Hônen đứng trước quyền lực của các đại tự viện theo chính phủ. Hơn nữa, tình hình đương thời đã khiến cho thái độ phản kháng và phê phán của Ikkyuu trở thành một điều tất nhiên và không chỉ là kết quả của tương quan đối lập giữa Daitokuji và các quan tự trong nhóm Gozan mà thôi đâu.     

Hệ thống của Daitokuji (Đại Đức Tự) phát nguyên từ dòng Thiền của cao tăng Kidô Chigu (Hư Đường Trí Ngu, 1185-1269) bên Trung Quốc. Như ta đã biết, Kidô xuất thân đồ tôn đời thứ 10 chi phái Yôki Hôe (Dương Kỳ Phương Hội, 992-1049). Yôki Hôe vốn là học trò lớn của Rinzai Gigen (Lâm Tế Nghĩa Huyền,  ? - 866/867). Cao tăng Nhật Bản Nanpo Jômin (Đại Ứng Quốc Sư Nam Phố Thiệu Minh, 1235-1308), qua bên đó, thụ pháp của dòng Thiền Kidô rồi về nước tu hành ở Kenchôji (Kiến Trường Tự). Pháp tự (kẻ được thừa kế chính thức) của Nanpo chính là Shuuhô Myôchô (Đại Đăng Quốc Sư Tông Phong Diệu Siêu), người đã gầy dựng Daitokuji thành một ngôi chùa nổi tiếng. Môn hạ của Đại Đăng có hai người. Tettô Gikô (Triệt Ông Nghĩa Hưởng, 1295-1369) thì đã thế tập thầy mình ở Daitokuji còn đồng môn của ông là Kanzan Egen (Quan Sơn Huệ Huyền, 1277-1360) đi khai sơn Myôshinji (Diệu Tâm Tự). Người kế tiếp Tettsuô Gikô ở Daitokuji là Gongai Sôchuuu (Ngôn Ngoại, Tông Trung,  ? – 1390). Pháp tự của Gongai là Kasô Sôdon (Hoa Tẩu Tông Đàm, 1352-1428). Ông này lại tu hành ở vùng Katata (Ômi) bên hồ Biwa và rốt cuộc không vào Kyôto để trở thành trụ trì Daitokuji. Kasô cũng có hai cao đồ. Một người là Yôsô Sôi (Dưỡng Tẩu Tông Di, 1379-1458) được nhắc đến bên trên. Còn người kia không ai khác hơn Ikkyuu Sôjun (Nhất Hưu, Tông Thuần) nhân vật chính của bài viết này. Yôsô là pháp huynh của Ikkyuu, lớn hơn ông độ 15 tuổi.

Tuy nhiên, giữa Yôsô và Ikkyuu là một sự đối đầu không khoan nhượng. Điều đó đã được bộc lộ rõ ràng qua hai tác phẩm của Ikkyuu là Kyôunshuu (Cuồng Vân Tập) và Jikaishuu (Tự Giới Tập). Hình như Yôsô đã nhận được ấn khả của Kasô vào năm 1414 và đến năm 1445, vào trụ trì ở Daitokuji và thành công trong việc vận động sự ủng hộ của các đàn việt có thế lực để đưa Daitokuji lên hàng một ngôi chùa tiêu biểu. Thế rồi từ đó về sau, học trò Yôsô là Shunpo Sôki (Xuân Phố Tông Hy) và lớp đồ tôn sẽ tiếp tục trụ trì ở đấy. Mặt khác, Ikkyuu thì - như tài liệu Nenpu (Niên phổ) đã cho biết - nhiều lần xé bỏ ấn khả trạng do Kasô ban cho. Chẳng những thế, ông không sống ở Daitokuji và cũng chẳng bao giờ ban ấn khả cho học trò. Ông chỉ ca ngợi nếp sống tu hành thanh cảnh đạm bạc của Shuuhô (Đại Đăng / Tông Phong Diệu Siêu), hay dẫn ra những lời giảng (pháp ngữ) của Tettsuô (Linh Sơn / Triệt Ông Nghĩa Hưởng) công kích sự xa xỉ trong thiền lâm và đi theo đường lối triệt để không thỏa hiệp của Kasô (Hoa Tẩu), thầy mình. Ông tự xem mình như tiến thẳng tắp giữa truyền thống của Kidô (Hư Đường) đã vạch ra từ bảy đời trước cho nên hoàn toàn đứng ở một vị trí đối lập với pháp huynh Yôsô (Dưỡng Tẩu), người có vẻ tháo vát trong kinh doanh, đã đem đến sự giàu có cho Daitokuji. Sự khác biệt trong tính tình hai người đã thấy rõ. Một bên là thiên tài thi ca, một bên là ông “chủ xí nghiệp” mưu lược có công cứu Daitokuji đang đứng mấp mé bên bờ vực phá sản. Có thể hiểu rằng Yôsô không ngần ngại bán rẻ ấn khả trạng để có tiền nhanh và a dua theo lớp người quyền thế. Dưới con mắt của Ikkyuu thì đây là một hành động khinh sư bội đạo, trát tro trát trấu vào mặt Kasô. Thế nhưng, biết đâu trước kia, Kasô đã hiểu tính nết hai người học trò của mình hơn ai hết nên đã trao cho Yôsô (chứ không phải Ikkyuu) trách nhiệm vực Daitokuji dậy. Đời trước, Shuuhô (Đại Đăng / Tông Phong) cũng chả đã đem Tettsuô đặt vào Daitokuji và kêu gọi một người học trò siêu tục đang đi ở ẩn - Kanzan - đi mở ngôi chùa khác là Myôshinji (Diệu Tâm Tự) là gì! Phải chăng Kasô đã theo tiền lệ ấy mà giao cho Yôsô trách nhiệm phục hưng Daitokuji và mong đợi Ikkyuu nối tiếp dòng thiền chính thống của mình? Tuy nhiên, không có tư liệu nào đủ sức chứng minh ý đồ đó của Kasô và lập luận nói trên đến nay chỉ có giá trị của một giả thuyết.

Dù sao, cuộc đối đầu giữa Ikkyuu và Yôsô trở thành một yếu tố quan trọng để tìm hiểu về cuộc đời ông.

                              *

Sau đây là khái lược về thân thế và hành trạng của Hòa thượng Ikkyuu dựa theo bài viết của nhà nghiên cứu Hirano Sôjô (Bình Dã, Tông Tĩnh). Ông đã soạn nó bằng cách dựa trên những tư liệu “chính thức” như hai tập Tôkai Ikkyuu Ôshô Nenpu (Đông Hải Nhất Hưu Hoà Thượng Niên Phổ) gọi tắt là Nenpu (Niên Phổ): 


II) Thân thế và hành trạng Hòa Thượng Nhất Hưu:

1394 (1 tuổi):

Con tư sinh sinh ra trong đại tộc Fujiwara vào đúng ngày 1 tháng giêng.

1399 (6 tuổi):

Xuất gia ở chùa Ankokuji (An Quốc Tự), theo học Zôgai Shuukan (Tượng Ngoại Tập Giám) cũng gọi là Zôgai Kankô (Tượng Ngoại Giám Công), một cao tăng tđời thứ 3 thuộc hệ phái Musô / Mộng Song Sơ Thạch). Thời này, Ikkyuu có tên hiệu là Shuuken (Chu Kiến).

1406 (13 tuổi):

Vào chùa Đông tức Kenninji (Kiến Nhân Tự), học với Motetsu Ryuuhan (Mộ Triết Long Phàn). Ryuuhan là học trò Kurin Seimu (Cổ Lâm Thanh Mậu), nhân vật số một của văn phái Gozan (Ngũ Sơn). Ikkyuu tập làm thơ.

1410 (17 tuổi):

Mùa đông, đến Saikonji (Tây Kim Tự) theo hầu Kennô Sôi (Khiêm Ông Tông Vi, còn đọc là Ken.ô Sôi) tức học trò của Muin zenshi (Vô Nhân thiền sư, phái Kanzan / Quan Sơn đời thứ 4) chùa Myôshinji. Tương truyền Khiêm Ông là người rất khiêm tốn,, cương quyết không chịu nhận cả ấn khả thầy ban cho.

1412 ( 19 tuổi):

Đến chùa Sen.yuuji (Tuyền Dũng Tự) được một nhà sư của Ryuuhôzan (Long Bảo Sơn, một cách gọi khác khi nói về Daitokuji) cho biết đến đạo danh của Kasô Sôdon (Hoa Tẩu Tông Đàm) lần đầu tiên.

1414 (21 tuổi):

Tháng 12, thầy ông là Kennô Sôi viên tịch. Ông cũng không nhận ấn khả từ thầy mình vì thầy mình vốn chưa có.

1415 (22 tuổi):

Gặp cảnh mẹ chết. Đi đến vùng Katata (hay Katada), theo hầu Kasô Sôdon. Kasô là thiền tăng thuộc dòng Daitokuji của người khai sơn là Shuuhô Chôshô (Tông Phong Diệu Siêu), có lối tu hành nghiêm ngặt. Tương truyền về già, Kasô bị chứng đau lưng ngồi một chỗ, mọi việc phục dịch vệ sinh nhơ nhớp, khó khăn cho thầy, ông đều không từ nan.

1418 (25 tuổi):

Dưới sự chỉ đạo của Kasô, thấu triệt công án “Động Sơn tam đốn” (Ba hèo đòn của Động Sơn)[2]. Nhận danh xưng Ikkyuu (Nhất Hưu). Ikkyuu có nghĩa là dừng một chút để nghỉ ngơi (tiểu hưu chỉ)) nhưng cũng có thể hiểu là ngừng luôn. Trong một thế giới không phân biệt, ngừng lại có nghĩa là ở trong trạng thái trống không, đạt được tự do hoàn toàn, không cần làm gì nữa và đấy là con đường ngắn nhất để đến với đạo.

1420 (27 tuổi):

Ngày 20 tháng 5, nghe tiếng quạ kêu bỗng đại ngộ.

1422 (29 tuổi):

Giỗ lần thứ 33 Gongai Sôchuu, thầy của Kasô Sôdon và là trụ trì đời thứ hai Daitokuji.

1424 (31 tuổi):

Gặp gỡ Kigaku Myôshuu (Kỳ Nhạc Diệu Chu).

1425 (32 tuổi):

Tháng 3, Zenkô Shunsaku (Thiền Hưng Xuân Tác) chùa Tokuzenji (Đức Thiền Tự) soạn “Triệt Ông hòa thượng hành trạng” nói về Tettsuô Gikô.
.

1426 (33 tuổi):

Zenkô Shunsaku lại soạn “Đại Đăng quốc sư hành trạng” nói về Shuuhô Myôchô.

1428 (35 tuổi):

Ngày 27 tháng 6, thầy của Yôsô và Ikkyuu là Kasô Sôdon viên tịch.

1432 (39 tuổi):

Đi chơi vùng Izumi với Nankô Sôgan (Nam Giang Tông Nguyên).

1436 (43 tuổi):

Giỗ lần thứ 100 Đại Đăng Quốc Sư.

1442 (49 tuổi):

Vào ẩn cư trong núi Nhượng Vũ Sơn (Yuzuriha).

1447 (54 tuổi):

Mùa hạ, có vấn đề xảy ra ở Daitokuji. Lại lui vào núi Nhượng Vũ Sơn.

1448 (55 tuổi):

Ở lối ra vào của tăng phường Vĩnh Xương, lập Mãi Phiến Am (Am bán quạt).

1452 (59 tuổi):

Phía nam Mãi Phiến Am lại lập Hạt Lư Am (Am lừa mù, Katsuro-an). Hạt Lư hay Katsuro là biệt hiệu của Ikkyuu, lấy ý từ một câu phát biểu của Lâm Tế, tổ sư tông phái ông: “Sau khi ta chết, đạo của ta sẽ rơi vào tay một lũ lừa mù”.

1455 (62 tuổi):

Viết Jikaishuu (Tự Giới Tập), tác phẩm có nội dung khích bác sư huynh Yôsô Sôi.

1456 (63 tuổi):

Lập lại chùa Myôshôji (Diệu Thắng Tự) ở Takigi, nơi có tháp (chôn) Đại Ứng quốc sư tức Nampo Jômin (Nam Phố Thiệu Minh, 1235-1308), một tổ của dòng Lâm Tế Nhật Bản.

1458 (65 tuổi):

Sư huynh Yôsô Sôi nhập diệt.

Giữa năm 1459-1462 bão tố và lũ lụt tàn phá vùng Kyôto. Trên bờ sông Kamo, xác chết chồng chất. Ikkyuu làm nhiều bài thơ nói về nổi khổ người dân.

1460 (67 tuổi):

Giỗ lần thứ 33 của Kasô Sôdon.

1467 (74 tuổi):

Tháng 6, chiến tranh nổi lên trong các thành phố. Đó là cuộc Loạn Ônin (Ứng Nhân). Nó sẽ kéo dài 10 năm (1467-77). Ikkyuu phải về Shuuon.an (Thù Ân Am) lánh nạn. Mùa đông năm ấy, có hai tỳ khưu ni đến viếng.

1468 (75 tuổi):

Giỗ lần thứ 100 của Linh Sơn Triệt Ông tức Tettsuô Gikô.

1469 (76 tuổi):

Tháng 7, lửa chiến tranh lan đến cả Takigi. Ikkyuu lánh về Ôtsu bên hồ Biwa.Tháng 8, lại theo đường Nara đi đến Izumi, ngụ ở Shôsaian (Tùng Thê Am) ở Sumiyoshi.

1470 (77 tuổi):

Tháng 11, có dịp nghe cô con gái mù xinh đẹp tên là Mori tấu đàn tỳ bà ở Yakushidô (Dược Sư Đường) ở Sumiyoshi.

1471 (78 tuổi):

Mùa đông, tặng danh hiệu Gyokuen (Ngọc Viên) cho thị giả Tổ Tâm Thiệu Việt.

1474 (81 tuổi):

Ngày 22 tháng 2, được sắc chiếu cho vào Daitokuji. Điều đó xảy ra nhờ sự tiến cử của Hòa thượng Juuchuu (Nhu Trung) chùa Kôtokuji (Quảng Đức Tự) ở Amazaki.

1475 (82 tuổi):

Dựng Từ Dương Tháp trong Shuuon.an (Thù Ân Am) ở Takigi thuộc Kyôto. Đây là thọ tháp (sinh phần) của ông. Tháng 12, theo lời yêu cầu mọi người, viết “tam chuyển ngữ” (ba châm ngôn với lời lẽ sắc bén giúp người nghe khai ngộ) để thị chúng. Cũng trong năm này, bậc thầy trong ngành Renga là Sôchô (Tông Trường) đến Takigi thăm ông.

1477 (84 tuổi):

Mùa hạ, cho dựng Đa Hương Hiên ở phía nam Sàng Thái Am. Tháng 9, chạy loạn về Kojima thuộc Izumi. Tháng 10, trú chân ở Sumiyoshi.

1478 (85 tuổi):

Tháng 3, trở lại Takigi. Cuối mùa hè, ở Shuuon.an, khoác pháp y của Kidô (Hư Đường) và đọc kệ.

1481 (88 tuổi):

Từ tháng 4 đến tháng 7, cho sửa sang lại sơn môn Daitokuji. Gia đình thương gia giàu có ở thị trấn Sakai cũng là đệ tử của ông là Owa Sôrin (Vĩ Hòa Tông Lâm) tiến cúng cho chùa. Ngày 21 tháng 11, Ikkyuu nhập diệt ở Shuuon.an. Có để lại di giới (lời răn) và di kệ (thơ vĩnh biệt khi nhập diệt).

1485 (4 năm sau khi Ikkyuu mất):

Người tên Đại Minh Kim Thực viết lời tựa cho Kyôunshuu (Cuồng Vân Tập)

1491 (10 năm sau khi Ikkyuu mất):

Daitokuji cho dựng Shinju u.an (Trân Châu Am). Ikkyuu là khai tổ của am.

1494 (13 năm sau khi Ikkyuu mất):

Tôbôjô Kazunaga (Đông Phường Thành Hòa Trường) ghi chép việc Ikkyuu là dòng dõi đế vương.

Hai cái tên đáng cho chúng ta ghi nhớ ở đây.

Một là Motsurin Shôtô (Một Luân Thiệu Đẳng, xin gọi tắt là Shôtô), tác giả Nenpu. Ông là đệ tử thân cận của Ikkyuu, cũng là một nghệ sĩ tạo hình với biệt hiệu là Bokusai (Mặc Trai), từng tạc mộc tượng và vẽ chân dung cho thầy mình. Trong Nenpu, ông viết về Ikkyuu một cách quá chân phương cho nên được xem là không thành thực với người đời sau.

Hai là nhân vật Tôjôbô Kazunaga, dòng dõi công khanh tên thật là Sugawara Kazunaga (Quản Nguyên Hòa Trường, xin gọi tắt là Kazunaga). Ông làm quan Thiếu Nạp Ngôn tước tùng tứ phẩm, Đại Nội Ký văn học bác sĩ. Sau ông theo học Hòa thượng Jôtei (Thiệu Trinh), nhận được ấn khả của thầy mình và được ban pháp danh là Sôhô (Tông Phượng). Ông đã viết Tôbôjô Kazunagakyô ki (Đông phường thành Hỏa Trường khanh ký, 1494). Trong tập bút ký đó, ông có đề cập nhiều lần đến Ikkyuu. Cái nhìn của Kazunaga về Ikkyuu ít lý tưởng hoá hơn Shôtô. Chẳng những thế, ông còn vén lên một số bí mật về Ikkyuu phù hợp với thông tin đến từ Kyôunshuu. 


III) Đọc Cuồng Vân Tập:

1)    Cuồng Vân Tập là tác phẩm như thế nào?

Về tác phẩm, Nhất Hưu đã để lại:

1)      Cuồng Vân Tập (Kyôunshuu, 1 quyển).
2)      Tự Giới Tập (Jikaishuu, 1 quyển). Truyện ký. Nội dung bài bác hành vi của sư huynh Yôsô Sôi. Văn thể pha lẫn Hán văn với Hòa văn. Có lẽ thành hình vào khoảng năm 1455, lúc Ikkyuu 62 tuổi.
3)      Hài Cốt (Gaikotsu). Pháp ngữ có kèm theo tranh vẽ, dĩ nhiên nói về...hài cốt. Có lẽ đã viết vào khoảng năm 1457. Rất được phổ biến.
4)      Phật Quỷ Quân (Hotoke Kikun, 1 quyển). Pháp ngữ có kèm theo tranh vẽ. Được khắc ấn vào khoảng năm Genroku 10 (1697) và năm Bunsei 6 (1823) dưới đời Edo.
5)      Truyện thật về A Di Đà (Amida Hadaka Monogatari, 1 quyển).
6)      Truyện hai nữ tỳ khưu (Futari Bikuni, 1 quyển).
7)      Gương trong (Mizukagami, menashigusa, 1 quyển).
8)      Pháp ngữ viết bằng chữ kana (Kana hôgo, 1 quyển).
9)      Giải nghĩa Kinh Bát Nhã (Ma Kha Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh Giải, 1 quyển). Sách có kèm theo tranh vẽ để giải thích.  

Kyôunshuu là quyển sách có tính cách văn học duy nhất mà Ikkyuu để lại ngoài những cuốn sách ngắn viết theo lối văn dễ hiểu có mục đích khuyến giáo. Bản tối cổ gọi là bản Okumura vì gia đình Okumura ở thành phố Nishinomiya còn giữ lại được. Người chấp bút chép lại có lẽ là Soshin Shôetsu (Tổ Tâm Thiệu Việt, 1444-1519), từng là thị giả (ngưòi hầu cận) của Ikkyuu và chắc cũng là nhà biên tập. Dĩ nhiên, trải qua các đời từ Muromachi đến Edo, việc Kyôunshuu có nhiều dị bản là điều đương nhiên. Phải có đến 10 dị bản nhưng giới nghiên cứu có khuynh hướng tin cậy bản Okumura hơn cả. Bản này đã được những người chủ của nó chụp ảnh vào năm Shôwa 41 (1966). Sau đó nhà xuất bản Iwanami đã in ra cho đại chúng đọc trong bộ Tư tưởng thiền tông thời trung cổ (Chuusei zenka no shisô) năm Shôwa 47 (1972).

Qua các công trình khảo sát các dị bản còn giữ lại, người ta đã thu thập được tất cả 1.060 bài thơ. Tuy nhiên, vì số lượng đồ sộ của nó, các học giả chỉ giới hạn công trình nghiên cứu của họ trong phạm vi một số bài tiêu biểu. Ba trăm bài đã được học giả Yanagida Seizan tuyển chọn và chú thích trong Nihon Zengoroku 12: Ikkyuu (Nhật Bản Thiền Ngữ Lục tập 12: Nhất Hưu) do nhà xuất bản Kôdansha in vào năm 1978. Nhà nghiên cứu người Gia Nã Đại, bà Sonja Arntzen, học trò của Katô Shuuichi ở Đại học British Columbia (Vancouver) đã dịch sang tiếng Anh 144 bài vào năm 1986. Theo thông tin của Katô Shuuichi trong lời tựa viết cho cuốn sách của học trò mình, một bản dịch thơ Ikkyuu qua tiếng Đức (nhan đề Ikkyuu: In Garten der schonen Shin) của Eva Thom đã được ông góp ý. Ông còn từng làm việc chung với René de Berval để ra mắt một bản dịch Ikkyuu sang tiếng Pháp. Dĩ nhiên kể từ khi Katô Shuuchi nhắc tới điều đó (1986) đến nay, bao nhiêu nước chảy qua cầu, nhưng nói chung, thơ Ikkyuu vẫn chưa được phổ biến rộng rãi ở nước ngoài.  

Trở lại với Yanagida Seizan. Ông đã phân chia quyển nội dung tác phẩm thành 4 chương: chương Thuần tạng chủ (gồm những bài thơ đánh dấu cuộc sinh hoạt của Ikkyuu), chương Hạt Lư [3](thơ tán thán các vị cao đức trong thiền lâm), chương Mộng Khuê[4] (thơ sắc tình) và chương Cuồng Vân (thơ hiện thực). Còn Sonja Arntzen thì chia thơ Ikkyuu thành 4 loại: thơ chủ đề thuần túy triết học, thơ trữ tình liên quan đến cuộc đời tình ái của ông, thơ bộc lộ những cảm hứng cá nhân và thơ bài báng, phúng thích.


2)    Hư cấu và hiện thực trong Kyôunshuu:

Nếu Kyôunshuu có pha trộn hư cấu với hiện thực và pha trộn nhiều nữa thì cũng không có gì đáng kinh ngạc. Tác phẩm ấy đã do một người (Ikkyuu) tự xưng là Kyôununshi (Cuồng vân tử) làm ra. Cuồng có nghĩa là điên loạn. Đã là điên loạn rồi thì lúc say lúc tỉnh, lúc thực lúc hư, lúc hành thiện lúc hành ác, ai mà phân biệt được bản chất. Còn như Vân cũng hàm chứa nhiều ý nghĩa khác nhau:

1)      Vân cẩu: những chòm mây không định hình. Lúc là giải mây trắng mờ nhạt hiền hòa bên triền đồi, lúc là mây đen cuồng nộ khi mưa bão đến (bạch y / thương cẩu). 
2)      Vân thủy: như bước đường tự do như mây nước của nhà tu hành đi tìm lẽ đạo.
3)      Vân vũ: như cảnh tượng diễm tình mây mưa trai gái (Vu Sơn / Cao Đường).

Mặt khác, cách hành thiền của các bậc sư phó đời xưa nói chung cũng rất kỳ quặc, cực đoan và đầy bạo lực. Chữi rủa, quát tháo, đánh đập, chém chặt, xỏ xiên, ăn nói ngược ngạo vv... Cái hèo của Động Sơn, tiếng quát của Lâm Tế! Với người đã đành, còn khi ở một mình cũng vậy: Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư (thơ Thiền Việt Nam) cơ mà! Bởi vì không làm như thế thì không đi dến tận cùng ranh giới của hành động và không diễn tả được cực ý.

Để có thể hiểu Kyôunshuu, chúng tôi tạm thời làm công việc thu vén sắp xếp theo một số chủ đề nói đến trong thơ cho độc giả dễ tiếp cận thơ và người Ikkyuu dù biết rằng còn quá sơ sài, chưa thỏa đáng.

3)    Thơ tôn quân và huyễn tưởng về nguồn gốc đế vương của người cha:

Theo Nenpu thì cha của Ikkyuu là dòng dõi nhà võ (vũ môn), mẹ là con gái đại tộc Fujiwara đi theo Nam triều. Bà này được nạp vào hậu cung Thiên hoàng Go Komatsu (1377—1433, trị vì 1382-1412, thứ 100). Ông là vị thiên hoàng lên ngôi thời Nam Bắc Triều thống nhất. Công nương họ Fujiwara này (có lẽ là bà Iyo no Tsubone thuộc gia đình Hino) được nhà vua sủng ái cho nên chuốc lấy sự ghen tức của hoàng hậu. Có lời dèm pha là lúc nào bà cũng thủ đoản đao trong tay để mưu sát thiên hoàng nên sau đó bà đã bị đuổi ra khỏi cung trong lúc đang có mang ông. Ikkyuu đưọc sinh ra trong một ngôi nhà thường dân. Tương truyền từ lúc bé, ông đã có phong thái rồng phượng.

Tuy né tránh nói thẳng nhưng Nenpu cũng gợi ý Ikkyuu là dòng dõi hoàng gia. Đến khi Kazunaga viết bút ký thì mọi sự đã được trình bày một cách rõ ràng hơn. Đương thời, người ta đã tin vào thuyết ấy rồi. Ngày nay thì ngôi mộ của Ikkyuu trong khuôn viên Shuu.on.an (Thù Ân Am) vẫn được ty giữ lăng thuộc Cung Nội Sảnh (Kunaichô) của hoàng gia Nhật Bản chăm sóc và có ghi trên một tấm biển lớn rõ ràng là “Hậu Tiểu Tùng thiên hoàng hoàng tử Tông Thuần vương chi mộ”.   

Việc Ikkyuu lúc mới 6 tuổi đã đi vào chùa tu có thể giải thích khả năng ông bị các Shôgun họ Ashikaga mưu ám sát để diệt cho tuyệt mầm mống của Nam triều (qua người mẹ). Bởi vì như ta dã biết, cánh Nam triều (đóng ở Yoshino) là những thiên hoàng có chí độc lập tự cường trong khi các thiên hoàng Bắc triều (Muromachi) nằm dưới sự bảo hộ của chính quyền quân nhân.

Tuy chuyện Ikkyuu là con tư sinh của Thiên hoàng Go Komatsu hãy còn là đề tài tranh luận nhưng điều ta muốn tìm hiểu ở đây là bản thân Ikkyuu có tin vào điều đó hay không và thái độ của ông như thế nào.

Trên thực tế, Ikkyuu không bao giờ xác nhận rõ ràng nguồn gốc. Có thuyết cho rằng ông đã gặp mặt Thiên hoàng Go Komatsu 2 lần, có trao đổi thư tín với Thiên hoàng Go Hanazono (Hậu Hoa Viên,1419-1470, trị vì 1428-1464, thứ 102) và được sự ủng hộ của Thiên hoàng Go Tsuchimikado (Hậu Thổ Ngự Môn, 1442-1500, trị vì 1464-1500, thứ 103) để trở thành trụ trì của Daitokuji lúc đã về già. Cũng có khả năng ông đã được gọi về làm vua sau khi Thiên hoàng Shôkô (Xứng Quang, 1401-1428, trị vì 1412-28, thứ 101) mất sớm nhưng ông đã chối từ (?).

Dù vậy, qua thi ca, ta thấy Ikkyuu rõ ràng là một người tôn quân. Ông hết sức ưu ái và tỏ ra lo lắng cho hoàng tộc. Có thể ông đứng ở lập trường một tăng nhân xem “vương pháp tức Phật pháp” nhưng cũng có thể ông đã cảm thấy có mối liên hệ huyết thống với hoàng gia, qua “người cha mà hai bên đều không thừa nhận” là Go Komatsu.

Ông đã bày tỏ tình cảm của mình đối với hoàng gia giữa khi xảy ra một cuộc nội loạn :

Loạn lý nhị thủ

Quốc nguy gia tất hữu dư ương,
Phật giới thoái thân ma giới trường.
Lâm thời sát hoạt nạp tăng lệnh,
Quân khán trung thần tùng bá sương.

Độc tọa tần mang đãng hối tâm,
Thùy nhân trung nghĩa thử thì thâm.
Hiểu thiên nhất thụy chẩm đầu hận,
Triêu nhật tam can mộng lý ngâm.

Hai bài thơ làm giữa thời loạn

Nước nguy nhà khó tránh tai ương,
Vừa rời cõi Phật, lụy ma vương.
Là lúc nhà tu nên góp sức,
Kìa những trung thần dãi gió sương.

Năm tàn canh cánh mãi trong tâm,
Ai người nghĩa khí lòng vì dân.
Một đêm chợp mắt buồn trên gối,
Sáng rõ rồi nhưng vẫn mộng thầm.

Qua đó, ta thấy ông xem biến cố nói trên như bằng chứng của sự suy thoái của Phật pháp (mà cũng là vương pháp) trước những sức mạnh yêu ma (tranh chấp trong gia đình Shôgun Ahikaga Yoshimasa và giữa những thế lực vũ sĩ đông tây). Lúc ấy, chiến tranh xảy ra khắp nơi, loạn từ bên trên khiến gia đình thường dân mang vạ. Ai là gian tặc, ai là trung thần, không phân biệt được, làm cho người đi tu cũng phải nổi giận. Ikkyuu tuy nung nấu hoài bão cứu dân giúp nước nhưng chỉ biết độc tọa nghĩa là mang mối hận lòng trong sự cô đơn. Ở một chỗ khác, ông có nhắc nhở rằng tài bảo, mễ tiền, những thứ lợi lộc, là đầu mối của triều địch. Lòng mình thì những rối bời: Bàng hữu trung thần tâm loạn ti (bài Kính thượng thiên tử giai hạ). Chữ “Triêu nhật tam can” của câu cuối cùng lấy ý thơ vịnh Thập Ngưu Đồ bức thứ bảy nhan đề Đáo gia vong ngưu (Về nhà quên trâu: Hồng nhật tam can do tác mộng, Tiên thằng không đốn thảo đường gian (Trời mọc ba sào còn ngủ nướng, Roi giây vứt mặc giữa nhà ngang), thơ Khuếch Am Sư Viễn.

Ông ký thác tình cảm tôn quân bảo hoàng trong những bài thơ soạn lúc làm pháp yếu để chúc lành cho các thiên hoàng (tuy nhiên nhân đó cũng phúng thích sư sải chùa Tướng Quốc không thể hiện được tinh thần của khai tổ Mộng Song Sơ Thạch ngày xưa):

Thánh chúc

Hải nội thái bình cánh hiện tiền,
Thanh phong minh nguyệt bích vân thiên.
Vạn Niên thất bách cao tăng lệnh,
Khán khán thiên long chính giác truyền.

Chúc phúc Thiên hoàng

Đất nước thanh bình hiện rõ sao,
Gió lành trăng sáng, biếc tầng cao.
Bảy trăm đại đức truyền chư pháp,
Nào thấy thiên long chính giác đâu!

“Vạn niên thất bách” là chữ dùng trong lúc thượng đường của Hoàng Long Huệ Nam để nói về cảnh tượng Hoàng Mai Sơn có bảy trăm cao tăng mà kẻ truyền được chính pháp là Lư hành giả (sau là Lục tổ Huệ Năng), một người phụ việc không chữ nghĩa. “Khán khán” ý nói “Kìa, xem đi nào...” với ngữ ý phủ định. Chính Giác còn là thụy hiệu của quốc sư Mộng Song Sơ Thạch. Vạn niên ám chỉ Vạn Niên Sơn Tướng Quốc Tự, nơi Shunnoku Shôha (Xuân Ốc Thiệu Ba) và chư đệ tử, những người nối nghiệp Mộng Song, tu hành.

Giữa thời chiến loạn và khi hòa bình lập lại, hình ảnh thánh vương còn được gợi ra một cách mạnh mẽ trong hai bài thơ sau đây:

Loạn trung Đại Thường Hội

Đương kim thánh đại bách vương tung,
Ngọc thể kim cương bình ổn dung.
Phong xuy bất động ngũ vân nguyệt,
Tuyết áp nan thôi vạn tuế tùng.

Lễ Nếm Lúa Mới giữa thời loạn

Theo dấu trăm đời đức thánh hoàng
Kim cương ngọc thể dáng bình an
Trăng cao nào sợ gió vùi dập
Tùng vững muôn năm dẫu tuyết tràn.

Văn Minh loạn hậu

Trường Bình tứ thập vạn quân vong,
Kim nhật Phù Tang ngưỡng thánh vương.
Chẩm đầu nhàn mộng Bắc Mang vũ
Dạ dạ xuân khuê lệ vạn hàng.

Viết sau cuộc loạn năn Bunmei

Chiến chinh bốn chục vạn quân tàn,
Giờ cả non sông hưởng thánh nhan.
Đêm đêm gối chiếc, phòng loan vẫn,
Nhớ kẻ không về lệ chứa chan.

Ông vẽ nên hình ảnh của một vị thánh vương theo các vua trong thần thoại (Thần Nông, Hoàng Đế, Nghiêu Thuấn) vững chắc như kim cương để vượt qua cảnh loạn lạc. Thế nhưng đó chỉ là một hình ảnh thường sáo mà ông đã rơi vào. Đại Thường Hội là một cuộc lễ mừng mùa màng nên trong một xã hội nông nghiệp, nó được xem như cuộc lễ lớn nhất hằng năm. Còn loạn năm Văn Minh ám chỉ cuộc đại loạn 10 năm (1467-1477) kéo từ năm Ônin (Ứng Nhân) sang đến năm Bunmei (Văn Minh) dưới đời Thiên hoàng Go Tsuchimikado. Trường Bình (địa danh ở Cao Bình, Sơn Tây) chỉ việc tướng nhà Tần là Bạch Khởi từng ra lệnh tàn sát và chôn sống 45 vạn quân Triệu đã đầu hàng vào thời Xuân Thu Chiến Quốc. Hình ảnh này tượng trưng cho sự thiệt hại nhân mạng khổng lồ do chiến tranh gây ra. Còn Bắc Mang Sơn là nơi có mộ phần ở ngoài thành Lạc Dương kể từ đời Hậu Hán Hậu Ngụy trở đi, ở đây ý nói số người chết đông đảo.

Bài thơ dưới đây than thở cho sự suy thoái của vương quyền và vai trò của triều đình để kết thúc bằng nguyện vọng mãnh liệt là dùng Phật giáo làm phương tiện “trấn hộ quốc gia” như Mật tông của thiền sư Kuukai (Không Hải) thuở nào, diệt hết nghịch tặc, chuyển nguy thành an:

Thán nhật kỳ lạc địa

Cẩm kỳ nhật chiếu động long xà,
Thánh vận xuân trường cứu quốc gia.
Hoá điện thương sát ngũ nghịch bối,
Thệ vị triều đình tác ác ma.

Than lá cờ nhà vua rơi xuống đất

Cờ gấm hào quang đuổi rắn rồng,
Cứu nước hưng nhà ý những mong.
Nguyện gây sấm chớp trừ gian tặc,
Dù hóa ma vương cũng toại lòng.

Vẫn là những từ hoa đầy chất lãng mạn mà trong đó, hình ảnh thánh vương lồng trong hình ảnh người cha thấy trong hai bài làm ra khi viếng mộ Thiên hoàng Go Komatsu:

Tuyền Dũng Tự Vân Long Viện Hậu Tiểu Tùng Viện miếu tiền cúc

Cổn long cẩm tụ bích vân thiên,
Duệ tín tông môn liệt tổ tiên.
Sinh thiết chú thành hoàng cúc ý,
Thu hương vị lão ngọc giai tiền.

Hoa cúc trước mộ Thái thượng hoàng Go Komatsu ở viện Vân Long chùa Tuyền Dũng

Áo gấm rồng bay lượn đỉnh trời,
Lòng tin Phật pháp vững bao đời.
Thép đúc nên vàng hồn cúc ấy,
Hương thu bên bệ ngát không thôi.

Thái thượng hoàng Go Komatsu - người cha không nhìn nhận của Ikkyuu - mất năm 1433, được chôn ở Tuyền Dũng Tự ở Higashiyama (Kyôto). Năm năm sau, lúc 40 tuổi, đi ngang qua mộ phần của nhà vua, chạnh niềm hoài cảm. Hoa văn cúc 16 cánh là biểu tượng của hoàng gia.

Tuyền Dũng tự Vân Long Viện Hậu Tiểu Tùng Viện cổ miếu xuân du

Tam hoàng nhật nguyệt nhất càn khôn,
Ngũ thập dư niên bách đế tôn.
Vạn lý Vân Long môn hạ khách,
Từ tâm thâm xứ tự quân ân.

Chơi xuân ở miếu cũ Thái thượng hoàng Komatsu viện Vân Long chùa Tuyền Dũng

Truyền tự trăm đời mãi đến đây,
Năm chục năm dư nối nghiệp dài.
Dưới mái Vân Long, rồng ở trọ[5],
Nhớ xưa từ ái đến thân này.

Lần ấy, nhân làm một chuyến chơi xuân, Ikkyuu trở lại thăm mộ Thái thượng hoàng Go Komatsu, ca tụng nghiệp đế vương dài lâu từ thời thái cổ (tam hoàng nhật nguyệt) và vai trò đặc biệt trong lịch sử Nhật Bản của ông. Đặc điểm của Thiên hoàng Go Komatsu là trị vì, giữ viện chính hơn 50 năm trời (ngũ thập dư niên) và là vị thiên hoàng đời thứ 100 (bách thế tôn). Mộ của ông chôn ở Sennyuuji (Tuyền Dũng Tự). Ikkyuu đã lặn lội từ xa để tới viếng miếu thờ và dù trời đã về chiều, vẫn không muốn rời: Đình tiền tri hữu vương tôn thảo, Do đáo tà dương bất đắc qui . Câu 4, Ikkyuu như mượn lời một cung nhân (có thể là mẹ mình) để phát biểu tình cảm (Từ tâm thâm xứ tự quân ân).




[1] Ví dụ Ikkyuu bắt cọp trong tranh, Ikkyuu cởi trần phơi bụng (kinh điển) dưới nắng, Ikkyuu đút cơm cho tử y (pháp y màu tía) ăn...
[2] Theo Vô Môn Quan, trong công án này, hòa thượng Động Sơn đòi đánh đòn một anh học trò đến tham vấn vì muốn tu thiền mà lại cứ đi lang bang khắp giang hồ, không biết dừng lại một chỗ để nghỉ ngơi tu tập. Xem Nhất nhật nhất thiền của Akidzuki Ryômin, thoại 356, trang. 353. “ Phóng nhữ tam đốn bổng”, Vô Môn Quan tắc 15. Độc giả Việt ngữ có thể tham khảo Nhất nhật nhất thiền qua bản dịch nhan đề “Mỗi ngày một câu chuyện thiền” của dịch giả Tàn Mộng Tử (nhà xuất bản Thuận Hóa, 2003).
[3] Hạt Lư : con lừa mù. Đến từ cách gọi học trò mình của tăng Lâm Tế.
[4] Mộng khuê phòng. Hơi lạ đời đối với một nhà tu. Đời ấy có những cao tăng đứng đắn lấy tên bắt đầu bằng chữ Mộng như Mộng Song Sơ Thạch.
[5] Unryuuin (Vân Long Viện) là nơi thờ 6 vị thiên hoàng (Lục Đại) thời Bắc Triều, trong số đó có Thiên hoàng Go Komatsu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét