Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2017

ĐỌC CUỒNG VÂN TẬP CỦA THI TĂNG NHẤT HƯU (phần 2)          狂雲集 Đi tìm chân thực trong hư cấu      Biên soạn: Nguyễn Nam Trân

ĐỌC CUỒNG VÂN TẬP CỦA THI TĂNG NHẤT HƯU (phần 2)

         狂雲集
   
   Đi tìm chân thực trong hư cấu
         
Biên soạn: Nguyễn Nam Trân


1)    Thơ vịnh mỹ nhân thời xưa và tình cảm đối với người mẹ bạc mệnh:

Bên cạnh người cha như thế, Ikkyuu còn có một người mẹ bạc phước mà ông đã phải chia tay từ bé.Tuy vậy, hình như bà vẫn theo dõi cuộc sống của ông. Bằng cớ là khi không hiểu vì cớ gì vào năm 21 tuổi Ikkyuu đâm ra tuyệt vọng và tìm cách lao xuống cầu tự sát thì một nguời đầy tớ trai bà phái đi theo canh chừng đã cản lại được.

Trong thi tập của Ikkyuu, ông viết nhiều bài thơ vịnh mỹ nhân. Đó cũng là chuyện thường làm của văn nhân đời xưa. Tuy nhiên, những nhân vật cổ điển Ikkyuu nhắc tới thường là những người đẹp bị ruồng rẫy hay bỏ rơi, nghĩa là chịu sự khắc nghiệt của số phận. Người ta tự hỏi những Trần A Kiều, Ban Tiệp Dư, Dương Quí Phi, Vương Chiêu Quân, Nga Hoàng và Nữ Anh... có là hình ảnh, dù một phần nào, của người mẹ bị đuổi ra khỏi hoàng cung đó hay không. Xin đọc những vần thơ “cung oán” sau đây (bà Sonja Arntzen đã khéo léo dịch sang tiếng Anh thành “boudoir lament”):

Trường Môn xuân thảo

Thu hoang Trường Tín mỹ nhân ngâm,
Kinh lộ vô môi thượng uyển âm.
Vinh nhục bi hoan mục tiền sự,
Quân ân thiển xứ thảo phương thâm.

Cỏ xuân cung Trường Môn

Quạnh hiu Trường Tín mối tình câm,
Vườn chẳng ai qua, rủ bóng thầm.  
Vinh nhục khóc cười bày trước mắt,
Ơn vua ghẻ lạnh, cỏ xanh thâm.

Bài thơ trên được biết làm ra vào năm Ikkyuu 13 tuổi. Thật là một tài năng chín sớm. Đề tài nói về truyện nàng A Kiều tức Trần Hoàng Hậu bị Hán Vũ Đế bỏ rơi chịu lạnh lùng trong cung Trường Môn. Câu khởi nhắc đến cung Trường Tín, nơi Ban Tiệp Dư đến hầu hạ Thái Hậu sau khi tình yêu nồng nàn của Hán Thành Đế đã chuyển qua cho chị em Triệu Phi Yến và Triệu Hợp Đức. Câu thừa “Kinh lộ vô môi” lấy tứ thơ Đỗ Mục (có thuyết cho là Hứa Hồn) trong “Tống ẩn giả nhất tuyệt” (Thơ tuyệt cú tiễn đưa người đi ở ẩn) nhưng tác giả đã chuyển cảnh ẩn sĩ không người tiến cử (vô môi) nên vua không dùng sang cảnh nàng cung phi bị vua chẳng đoái hoài.

Mã Ngôi (tam thủ kỳ nhất)

Thiên tuế Mã Ngôi tàn nguyệt hồn,
Hoàng kim dụng tận thụ quân ân.
Hải đường thụy ổn xuân phong diện,
Do thị thi nhân thiêm lệ ngân.

Gò Mã Ngôi

Hồn nương trăng xế gò nghìn năm,
Ơn vua hoang phí của bao lăm.
Hải đường say giấc trong hương gió,
Để khách thơ thêm giọt lệ xuân.

Dĩ nhiên đây là thơ nói đến cảnh người đẹp Dương Thái Chân bị quân đội gây áp lực khiến Đường Huyền Tông quay mặt làm ngơ cho nàng bị treo cổ ở nhà trạm Mã Ngôi trên đường lánh giặc vào đất Thục.

Vương Chiêu Quân
          
Quân vương tại chẩm mộng hồn tàn,
Xuất tái càn khôn phong sắc hàn.
Duy hữu tỳ bà thân bạn thiếp,
Kim tiêu nhất khúc hướng thùy đàn.

Quốc gia an nguy thiếp nhất thân,
Vũ thanh phong sắc lệ ngân tân.
Quân ân thiên tuế thâm ư thảo,
Hồ lỗ hòa thân thanh nhãn xuân.

Nàng Vương Tường

Mộng tàn trên gối nhớ vua hoài,
Ngoài ải đất trời gió lạnh dài.
Chỉ có tỳ bà làm bạn thiếp,
Đêm nay dạo khúc, hỏi cho ai?

Một thân chống đỡ nước non nhà,
Gió táp mưa sa mắt lệ nhòa.
Cỏ dày muôn thuở ơn sâu ấy,
Khiến gượng hòa thân đất rợ xa.

Chiêu Quân Vương Tường làm vật hy sinh để Hán Nguyên Đế có thể củng cố ngoại giao với các bộ tộc phương bắc cũng là một chủ đề về sự bội bạc của người đàn ông và sự rẻ rúng của thân phận phụ nữ.

Hoàng Lăng miếu (tứ thủ, kỳ tam kỳ tứ)

Cổ miếu Hoàng Lăng trúc nhất tùng,
Giai nhân hà xứ động thanh phong.
Trùng Hoa chân thị phong lưu chủ,
Thiên Bảo Minh Hoàng đế nghiệp không.

Hà xứ ngư thê chu tự khinh,
Thiến quần nhị nữ xướng ca thanh.
Dâm phong Thiên Bảo cổ phong Thuấn,
Triều thủy, Ly Sơn vô hạn tình.

Miếu Hoàng Lăng (bài 3 và 4)

Miếu cũ Hoàng Lăng trúc một lùm,
Nghe như trong gió mỹ nhân rung,
Thuấn kia mới thật vua tài đức,
Rõ khổ Minh Hoàng đại nghiệp không.

Vợ chài lướt sóng hỏi về đâu,
Váy xanh hai ả hát đôi câu,
Khúc xưa đứng đắn, mới, bôn phóng.
Tương thủy, Ly Sơn tình xiết bao.

Hai bà cung phi vua Thuấn tuy không bị vua ruồng bỏ nhưng cũng lẽo đẽo theo chồng khi ông xuống miền Nam dẹp loạn Xí Vưu rồi chết ở đất Thương Ngô. Cuối cùng hai bà đã tự trầm trên dòng sông Tương và đó cũng là một hình ảnh đau lòng khác của thân phận phụ nữ. Miếu Hoàng Lăng là nơi thờ hai bà. Trúc vùng sông Tương được biết có chấm chấm như ngấn nước mắt.

Mượn đề tài Đỗ Mục để nói về Dương Quí Phi:

Tán Đỗ Mục (đệ ngũ thủ)

Thiên Bảo triều đình vô thị thần,
Hàn nho đáo xứ ký ngâm thân.
Vong quốc Dương phi kim ngọc cảnh,
Hải đường thụy thục Mã Ngôi xuân.

Vịnh Đỗ Mục (bài thứ năm)

Cả triều Thiên Bảo có ai chầu?
Qua đó hàn nho cám nỗi đau.
Xuân Mã Ngôi Pha hờn mất nước,
Hải đường giấc quạnh đến thiên thâu.  

Tuy xót thương Dương Quí Phi nhưng cũng ngầm chê đạo đức thời Thiên Bảo. Khác với Nga Hoàng Nữ Anh trung trinh tiết liệt, Thái Chân dù sao vẫn là một “ác nữ” đã làm sụp đổ đế nghiệp của Huyền Tông. Nàng nào có khác chi Bao Tự (bài U Vương) hay Trương Quý Phi, Khổng Quí Tân (bài Mỹ nhân khuynh thành) đã nhảy xuống giếng tự tầm với Trần Hậu Chủ... là những nhân vật lịch sử khác. Đặc biệt, qua đó, Ikkyuu đã chĩa mũi dùi gián tiếp công kích phu nhân Hino Tomita, vợ Shôgun Yoshimasa, người đàn bà đam mê quyền lực và của cải, đầu mối cho cuộc đại loạn Ônin.

Ngoài ra, về việc người mẹ đáng thương của ông, nhà nghiên cứu Kino Kazuyoshi còn kể lại rằng năm Ôei 25 (1418) trong thời gian ông theo học Kasô Sôdon, một hôm có nhà sư mù đàn biwa đến Hưng Thiền Am chơi và diễn tấu trước mặt Kasô cũng như chư đệ tử một biến khúc từ Truyện Heike. Đến đoạn Nàng Giô xuất gia (Giô shukke) rất bi ai, bỗng dưng Shuuken (Ikkyuu) lúc đó khoảng 25 tuổi, ôm mặt khóc ròng. Ông phải chạy ra ngoài bãi lau để tiếp tục khóc một mình. Ai đọc Truyện Heike đều biết nàng Giô là một người con hát, xinh đẹp tài giỏi nhưng bị quyền thần Taira no Kiyomori thất sủng sau khi chán nàng vì đã nếm được của lạ khác. Chính Hotoke, cô gái đến sau, do Giô thương hại đưa vào, không ngờ trở thành đầu mối của sự bạc phước của nàng. Khi đến lượt Hotoke chịu số phận hẩm hiu, nàng đã tìm đến thảo am nơi Giô tu hành để xin được tha lỗi. Có phải chăng Shuuken đã chạnh lòng nhớ đến người mẹ đã bị đuổi khỏi cung son, tìm nơi sinh nở hòn máu hoàng gia ở khu ngoại thành là Sagano trong nhà dân dã.

Mỹ nhân thất sủng

Cựu thì hảo cảnh chỉ vinh hoa,
Dụng tận hoàng kim lao quốc gia.
Hoa diễm ngọc nhan linh lạc tịch,
Không ngâm ngọc ảnh chiếu hàn nha.

Người đẹp bị bỏ rơi.

Vàng son một thuở đã trôi qua,
Tán tận của tiền, khổ quốc gia.
Nhan sắc tàn phai, bước lưu lạc
Ngậm ngùi vóc ngọc hóa hàn nha.

2)    Thơ đánh dấu những chặng đường khoắc khoải đi tìm lẽ đạo:

Sau khi từ giã mẹ để đi từ chùa này đến chùa khác tìm đường tu học, Ikkyuu đã sáng tác nhiều bài thơ đánh dấu các chặng đường này. Trong đó có những bài như sau:

Tú cú hàn nga (tên đặt tạm)

Tú cú hàn nga ngũ thập niên,
Quý nê nhưng tổ Động Tào thiền.
Thu phong hốt sái tiểu thời lệ,
Dạ vũ thanh đăng bạch phát tiền.

Thơ đẹp thơ buồn

Tuy tìm thi hứng đã bao thu
Nào dám thơ mình sánh tổ đâu.
Gió vàng ráo lệ thời trai trẻ,
Mưa tối đèn xanh tóc trắng màu.

Bài thơ trên Ikkyuu làm ra vào năm 1463, lúc ông 70 tuổi, có thể xem như một hồi ức với biết bao cảm khái về chặng đường nửa thế kỷ tu hành và làm thơ. Thơ có nguồn gốc gần là 2 câu nổi tiếng của Động Xuân Ông tức Biệt Nguyên Viên Chỉ, một thiền gia lớp trước thuộc tông Tào Động (Thu phong bạch phát tam thiên trượng, Dạ vũ thanh đăng nhị thập niên) mà Ikkyuu tôn kính với nguồn gốc xa hơn nữa là thơ Lý Bạch thời Thịnh Đường (Bạch phát tam thiên trượng, Duyên sầu tự cá trường. Bất tri minh kính lý, Hà xứ đáo thu sương).

Xuân y túc hoa

Ngâm hành khách tụ kỷ thời tình,
Khai lạc bách hoa thiên địa thanh.
Chẩm thượng hương phong mỵ da ngộ,
Nhất trường xuân mộng bất phân minh.

Mặc áo mát, đêm xuân xem hoa

Xuân sang giục khách lại lên đường,
Vui hoa phất phới, đất đưa hương.
Trên gối tình ai vương mộng lẻ,
Hư thực không sao nhận tỏ tường.
.
Ngược lại với bài trước, đây là một bài thơ tương truyền ông làm lúc mới có 15 tuổi, thời là một chú tiểu. Lời tựa viết “Chu Kiến khát thực[1], Giáp Tý thập ngũ tuế”. Chu Kiến là tên ông ngày bé. Hai câu cuối trong bài phỏng theo thơ Hàn Hoành đời Thịnh Đường: Cấp quản trú thôi Bình Lạc tửu, Xuân y dạ túc Đỗ Lăng hoa. Ý nói cuộc sống phong lưu hưởng lạc chỉ biết uống rượu và thưởng hoa. Qua bài thơ này, Ikkyuu ca tụng niềm vui lúc xuân về cũng như cái đẹp của mỹ nhân (chẩm thượng hương phong). Câu cuối giữ nguyên văn thơ thi nhân Trung Đường Trương Đỉnh trong bài Ký Nhân thấy trong Tam Thể Thi: Khốc liên phong nguyệt vị đa tình, Hoàn đáo xuân thì biệt hận tình. Ỷ trụ tầm tư bội trù trướng, Nhất trường xuân mộng bất phân minh. Tuy nhiên, phải nói đây là một bài đạo ca xem mọi cái đẹp xuân thì như là mộng huyễn (hoa khai hoa lạc, mỵ da ngộ, nhất trường xuân mộng). “Hương phong” ý nói hơi thở thơm tho của mỹ nhân, như ý từng thấy trong Điện tiền khúc cũng của Vương Xương Linh.

Trung thu vô nguyệt

Thị vô nguyệt chỉ hữu danh minh,
Độc tọa nhàn ngâm đối thiết kềnh     ,
Thiên hạ thi nhân đoạn trường tịch,
Vũ thanh nhất dạ thập niên tình.

Đêm Trung Thu không trăng

Mang tiếng trung thu chả thấy trăng,
Riêng mình đối bóng ngọn hàn đăng.
Đoạn trường thi sĩ trong thiên hạ,
Gió mưa một tối, chuyện mười năm.

Bài thơ tương truyền làm ra vào năm 17 tuổi. Còn trẻ như thế mà thấy rõ Ikkyuu đã có cái nhìn bi quan về cuộc đời. Đêm trung thu mà không thấy trăng, chỉ có nỗi đoạn trường, ngồi đếm hạt mưa rơi, tưởng đến mười năm nuôi mối hận trong lòng. Tâm tình độc tọa giống như Vương Duy trong Thu dạ độc tọa. Thiết kềnh là đế đèn bằng sắt, vẽ nên khung cảnh vô cùng lạnh lẽo. Thơ Lý Nguyện: Dục ngữ nhân duyên khủng đoạn trường. Hoàng Sơn Cốc lại có câu: “Ngã cư bắc hải quân nam hải, Ký nhạn truyền thư tạ bất năng. Đào lý xuân phong nhất bôi tửu. Giang hồ dạ vũ thập niên đăng (Phục ký Hoàng Cơ) cũng là tâm trạng bên đèn riêng bóng, nhìn mưa rơi nhớ chuyện bạn bè xưa.

Cửu kệ đệ nhị thủ

Tàm ngã danh thanh do vị thao,
Tham thiền học đạo trường trần lao.
Linh Sơn chính pháp tảo địa diệt,
Bất ý Ma vương thập trượng cao

Bài kệ số hai trong chín bài

Thẹn nỗi tên mình ai biết đâu,
Học Thiền lâu lắc, khổ là bao.
Linh Sơn chính pháp vừa vùi đất,
Đã thấy yêu ma chục trượng cao.

Bài thơ nói về sự khó khăn lao khổ của việc tu học. Lúc ấy vào năm 1447, có một tăng sĩ ở Daitokuji tự sát. Việc báo quan và năm bảy tăng chúng trong chùa bị nhà nước bắt giam. Tinh thần Ikkyuu suy sụp.

Văn nha hữu tỉnh

Hào cơ sân khuể thức tình tâm,
Nhị thập niên tiền tại tức câm.
Nha tiếu xuất trần La Hán quả,
Nại hà nhật ánh ngọc nhan ngâm.

Nghe quạ kêu, tỉnh ngộ

Tình yêu đánh thức hận lòng xưa,
Hai chục năm trôi, giờ chẳng ngờ.
Nghe tiếng quạ cười, phiền não dứt.
Hỏi người, mặt ngọc sáng ra chưa?

Bài này tương truyền được làm ra lúc ông 27 tuổi,khi nghe tiếng quạ kêu mà ngộ đạo. Trước kia, trong Trường Môn xuân tảo (làm vào năm 13 tuổi), ông tỏ ra đồng cảm với tâm sự Ban Tiệp Dư mà Vương Xương Linh (698-757) đã khai triển trong Trường Tín Thu Từ (Phụng trữu bình minh kim điện khai. Thả tương đoàn phiến cộng bồi hồi. Ngọc nhan bất cập hàn nha sắc, Do đới Chiêu Dương nhật ảnh lai). Trong bài thơ cũ, ông chia sẻ tình cảm ghen tuông của Ban Tiệp Dư khi gọi tình địch là “con quạ lạnh”. Nay thì thay vào Hàn nhaNha tiếu, trước kia còn so đo ngọc nhan, nay thì nại hà nhật ánh  ngọc nhan ngâm, chứng tỏ ông đã khắc phục được tâm trạng sân si trước đó. Yanagida Seizan giải thích “thức tình tâm” là “dục tình sống lại”. La Hán ở đây nói về Địa Tạng Vương, một vị bồ tát trong tiểu thừa đã dẹp hết được phiền não. “Người ngọc” ám chỉ nàng Ban Tiệp Dư, giờ đây như đã tươi tỉnh vì thấy lại ánh mặt trời (nhật ánh, chiêu dương tức tình yêu của nhà vua).

Tự sơn trung qui thị trung

Cuồng Vân thùy thức thuộc cuồng phong,
Triêu tại sơn trung mộ thị trung.
Ngã nhược đương cơ hành bổng yết,
Đức Sơn Lâm Tế diện thông hồng.

Từ trong núi đi vào chợ

Cuồng Vân ai biết tựa cuồng phong,
Sáng trong núi thẳm chiều chợ nhong.
Nếu như tớ quát và vung trượng,
Đức Sơn Lâm Tế thẹn mà trông.

Sơn lộ Nhượng Vũ

Thôn thanh thấu quá quỷ môn quan,
Báo hổ tung đa cổ lộ gian.
Ngâm trượng chung vô phong nguyệt hứng,
Hoàng tuyền cánh tại mục tiền sơn.

Đường núi Yuzuriha

Cửa quỷ im hơi lánh thật xa,
Bao nhiêu hổ báo vết chân qua  .
Nương gậy, gió trăng đà cạn hứng,
Suối vàng: núi ấy chứ đâu xa.

Cảnh hổ báo tung hoành giống như những gì Tứ Tổ Đạo Tín đã gặp phải trên đường đi gặp Ngưu Đầu Pháp Dung ngày xưa (chữ dùng trong Tổ Đường Tập). Ngâm trượng là chống gậy (ý buồn vì thời thế suy vi) không còn hứng thú thưởng thức thanh phong minh nguyệt nữa. Bài thơ này làm trong giai đoạn khó khăn và tuyệt vọng của Ikkyuu (năm 1442, ông 49 tuổi). Để tránh loạn Kakitsu (xảy ra nhân vì tướng Akamatsu ám sát Shôgun Yoshinori), ông phải vào ẩn trong núi Yuzuriha (Nhượng Vũ Sơn).

Tuy nhiên, trong cuộc đời đi tìm lẽ đạo, cũng có những giây phút sảng khoái, cao hứng như cuộc gặp gỡ giữa ông và người con hát mù, sau là thị giả Mori:

Trú Cát Dược Sư Đường tinh tự

Ưu du thả hỷ Dược Sư Đường,
Độc khí tiện tiện thị ngã trường.
Quý tàm bất quản tuyết sương mấn,
Ngâm tận nghiêm hàn thu điểm trường

Ức tích Tân viên cư trú thì,
Vương tôn mỹ dự thính tương tư.
Đa niên cựu ước tức vong hậu,
Cánh ái ngọc giai tân nguyệt tư.

Bài tự đề Dược Sư Đường ở Sumiyoshi

Dược Sư thong thả ghé chùa này,
Khí độc còn sôi một bụng đây,
Quản chi tóc ngả màu mây bạc,
Thơ suốt đêm thu giá lạnh đầy. 

Nhớ xưa Xóm Củi mình nằm không.
Nghe danh công tử, nàng hằng mong.
Bao năm tưởng đã quên lời ước,
Thềm ngọc trăng non ý lại nồng.

Hai bài thơ trước tiên nói về việc lần đầu nghe Mori đàn tỳ bà và hát ở Dược Sư Đường vào mùa đông năm Bunmei thứ 2 (1470), Ikkyuu cảm động trước nhan sắc của nàng. Sau đó nói về cái duyên giải cấu tương phùng khiến cho hai người gặp lại nhau khi ông về ngụ ở Shôsaian (Tùng Thê Am) vùng Sumiyoshi (Trú Cát). Nhân đó, nàng trở thành thị giả và nguồn cảm hứng cho cuộc đời ông.

Sau đây là một trong những bài thơ giã biệt cuộc đời được truyền lại nhưng thử hỏi một danh tăng như ông thì còn mơ mộng những gì? Đâu phải là được tiếp rước về Tây thiên!

Từ thế thi

Thập niên hoa hạ lý phương minh,
Nhất đoạn phong lưu vô hạn tình.
Tích biệt chẩm đầu nhi nữ tất,
Dạ thâm vân vũ ước tam sinh.

Thơ lúc lìa đời

Mười năm kết ước dưới đài hoa,
Sao vẫn còn chưa thỏa mộng ta.
Tiếc nỗi đùi nàng đầu hết gối,
Mây mưa kiếp tới thỏa chăng là.

Đây là một bài kệ nữa làm ra lúc từ giã cuộc đời, chỉ thấy chép trong Kyôunshuu bản nhà in Minyuusha (Dân Hữu Xã). Phương minh tức là ước hẹn vợ chồng. Đối tượng của lời giao ước này chắc là thị giả Mori, người mà ông tỏ ra rất quyến luyến. “Nhi nữ tất” là đầu gối (đùi) người đàn bà mà ông tựa đầu. Dạ thâm tức đêm sâu, còn có ý nói thế giới bên kia, kiếp mai sau.

3)    Thơ vịnh tán chư tôn sư và văn nhân tài tử:

Ikkyuu để lại nhiều thơ vịnh tán.

Phật đản sinh

Tam thế nhất thân dị hiệu đa,
Hà nhân kim nhật định ngao ngoa.
Ta bà lai trú bát thiên độ,
Mã phúc lư thai hựu Thích Ca.

Phật ra đời

Danh hiệu nhiều, tam thế nhất thân.
Ai nay tìm Phật chẳng phân vân.
Ta bà thế giới tám ngàn lượt,
Mượn bụng ngựa lừa xuống cõi trần.

Trước tiên là tán Phật. Bài này ca tụng công đức của Phật Thích Ca. Bảo Phật trở lại thế gian không biết bao nhiêu lần (bát thiên độ) là theo lời chép trong Kinh Phạm Võng.  Nhưng theo đó mà cho rằng Phật đã mượn cả hình thù lừa ngựa (mã phúc lư thai) thì có thể bị chê trách là phạm thượng đối với bậc tôn quí. Tuy nhiên đấy là ngôn ngữ nhà Thiền vốn dùng cách ăn nói mạnh bạo để chứng minh “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính” mà hình tượng “tai lừa mặt ngựa trở về từ cõi súc sinh” mới chính là hình ảnh đích thực của bậc chân nhân vô vị.

Tán Ngư Lam Quan Âm

Đan kiểm thanh hoàn từ ái thâm,
Tự nghi vân vũ mộng trung tâm.
Thiên nhãn đại bi khan bất kiến,
Ngư thê giang hải nhất sinh ngâm.

Vịnh Quan Âm xách giỏ cá

Tóc đen má đỏ bao từ ái,
Mây mưa trong mộng hãy ngờ lòng.
Nghìn mắt đại bi sao chẳng thấy,
Vợ chài một kiếp hát bên sông.

Quan Âm xách giỏ cá là một trong 33 cách biến hoá của Quan Âm bồ tát (Avalokistesvara), lúc ấy mang hình ảnh vợ một người thường dân. Theo truyện kể của Trung Quốc thì Quan Âm hiện ra như người đàn bà đẹp nên nhiều đàn ông chết mê chết mệt. Có chàng họ Mã thắng cuộc thi đọc kinh, được chọn làm chồng, nhưng anh ta lại chết trong đêm tân hôn. Bài thơ này không thấy có mối liên hệ với câu chuyện đó. Ở đây họa chăng Ikkyuu muốn cho rằng không có biên giới giữa sự thánh thiện (Quan Âm) và phàm tục (vợ người dân chài).

Tán Đạt Ma đại sư bán thân

Đông thổ Tây thiên đồ lộng thần,
Bán thân hình tượng hiện toàn thân.
Thiếu Lâm trung tọa thành hà sự,
Hương Chí vương cung mai liễu xuân.

Vịnh tượng bán thân của Đạt Ma

Đông tây hành đạo khắp đường trần,
Bán thân mà hiện được toàn thân.
Thiếu Lâm ngồi bệt thì sao tỏ,
Hương Chí cung xưa đẹp sắc xuân.

Bài này ca tụng Đạt Ma sư tổ đã từ Tây thiên đến Đông độ rao giảng chính pháp. Ông ngụ ở Thiếu Lâm Tự (Tung Sơn, Hà Nam) và đã để lại những giai thoại như Cửu niên diện bích, Huệ Khả đoạn tý. “Lộng thần” 弄神có nghĩa là “nỗ lực tu hành”. Hương Chí tức Hương Chí Quốc ở Ấn Độ và Đạt Ma được xem như hoàng tử thứ 3 của nước ấy. Thế nhưng theo Ikkyuu thì nỗ lực tu hành chỉ có thể đem đến kết quả tốt đẹp khi bôn ba bên ngoài giảng đạo chứ không phải lúc ngồi bệt một chỗ (như việc cửu niên diện bích). Trong bài này, có lẽ Ikkyuu chỉ mượn chuyện Đạt Ma để trách móc sư sải Thiếu Lâm và xa hơn nữa là tăng nhân Nhật Bản cứ cố thủ ôm cột chùa.

Ikkyuu làm bài tán này khoảng năm 1467, lúc ông 72 tuổi.

Thần tượng số một của Ikkyuu có lẽ là Hòa thượng Phổ Hoá, nhà sư điên cuồng đời Đường, một kỳ tăng, quái tăng! Từ khi Phổ Hóa ra đời hành đạo, Thiền tông không còn giữ khuôn mặt ngày xưa nữa.

Tán Phổ Hóa

Đức Sơn Lâm Tế nại đồng hành,
Nhai thị phong điên quần chúng kinh.
Tọa thoát lập vong đa bại khuyết,
Hòa minh ẩn ẩn bảo linh thanh.

Vịnh Phổ Hoá

Đức Sơn Lâm Tế khó theo cùng,
Giữa chợ dân kinh cái lão khùng.
Sống chết bày trò đều thất bại,
Còn rung chuông báu giữa không trung.

Phổ Hóa hoà thượng

Nghị luận minh đầu hựu ám đầu,
Lão thiền tác lược sử nhân sầu.
Cổ vãng kim lai phong điến hán,
Tông môn niên đại nhất phong lưu.

Nói về hòa thượng Phổ Hoá

Bàn luận lúc mờ lúc rõ ràng,
Lão thiền lắm kế, tớ bàng hoàng.
Xưa nay cứ tưởng anh rồ dại,
Nào biết người phong vận nhất làng.

Tương truyền, Phổ Hoá (Trấn Châu Phổ Hóa, ? – 860) là học trò của người pháp tự Mã Tổ Đạo Nhất tức Bàn Sơn Bảo Tịch (712-814). Phổ Hoá Tông sau được nhà sư đi du học Trung Quốc là Shinchi Kakushin (Tâm Địa Giác Tâm, 1207-1298) truyền sang Nhật vào thời Kamakura. Đó là tông phái của những vị tăng du hành, thường đội nón che úp mặt và thổi sáo. Họ được goị là kyomusô (hư vô tăng).

Trong bài đầu, “tọa thoát lập vong” là chữ trong Tọa Thiền Nghi nói về dạng thức thiên hóa của người tu thiền. Theo đó thì lối chết trong khi ngồi kiết già trong tư thế hoa sen là đẹp nhất[2]. “Bại khuyết” là hỗ thẹn. Trước khi Phổ Hoá mất, ông đã có những hành tung kỳ dị như vác quan tài đi rao mình sắp chết, thế rồi vào quan tài nằm đóng kín, khi mở ra lại không thấy xác, rung chuông trên không vv... tựa hồ muốn tung hỏa mù làm kinh động dân chúng ở bốn cửa thành Trấn Châu. Bài thứ hai có nói đến “nghị luận” thì chữ ấy ám chỉ cuộc tranh luận giữa Lâm Tế và hai trưởng lão Hà Dương và Mộc Tháp. “Phong điến hán” là gã điên khùng nhưng dĩ nhiên ở đây phải hiểu với ý nghĩa “con người thoát tục, đáng tôn kính”. Đó là cách Hoàng Bá gọi Lâm Tế, Ikkyuu gọi Phổ Hóa nhưng cũng là tự xưng về mình.

Là học trò đàn cháu của Hư Đường Trí Ngu, Ikkyuu rất hâm mộ ông này. Điều đó được chứng tỏ qua bài thơ sau:

Tán Hư Đường hòa thượng

Dục Vương trú viện thế gian quai,
Phóng hạ pháp y như phá hài.
Lâm Tế chính truyền vô nhất điểm,
Nhất thiên phong nguyệt mãn ngâm hoài.

Vịnh Hoà thượng Hư Đường

Trú chân thiền viện, thế gian xa,
Coi như dép rách tấm cà sa.
Lâm Tế chính truyền không muốn nhắc,
Một trời trăng gió đẹp lòng ta.

Dục Vương Viện tức chùa Quảng Lợi Tự (Triết Giang) nơi Hư Đường Trí Ngu (1185-1269) tu hành. Ông viên tịch năm 85 tuổi. Pháp của ông được Đại Đăng truyền sang Nhật. Lúc ở Dục Vương Viện (từ 1258), vì liên lụy vào một việc gì đó mà có lần bị hạ ngục, đoạt mất tăng y. Ikkyuu nghĩ về chuyện bị đầu ngục đó khi dùng chữ “ngâm hoài” để nói về tâm sự của chính mình bởi vì Ikkyuu cũng có thời gặp khó khăn với chính quyền. Ông có người học trò bị lao ngục, đã muốn nhịn đói mà chết nhưng được chính Thiên hoàng Go Kameyama (Hậu Quy Sơn) viết thư can ngăn mới thôi.

Ông cũng rất kính mến tôn sư Tông Phong Diệu Siêu tức Đại Đăng Quốc Sư:

Đề Đại Đăng quốc sư hành trạng mạt

Khiêu khởi đại đăng huy nhất thiên,
Loan dư cạnh dự pháp đường tiền.
Phong xan thủy túc vô nhân ký,
Đệ ngũ kiều biên nhị thập niên.

Thơ đề cuối bản tiểu sử quốc sư Đại Đăng

Đèn lớn thầy soi một góc trời,
Tranh nhau kiệu liễn ghé chùa chơi.
Bên cầu hai chục năm xưa đó,
Sương gió ai hay dáng tả tơi!

Năm 1426, Zenkô Shunsaku (Thiền Hưng Xuân Tác) chùa Daitokuji có soạn bài viết về hành trạng của Hòa thượng Shuufuu Myôchô (Tông Phong Diệu Siêu) tức Daitô kokushi (Đại Đăng quốc sư). Tuy được phong quốc sư và triều đình công khanh tranh nhau đến chùa hỏi đạo, Daitô đã từng sống trong đám người khất thực, chịu đói chịu lạnh suốt hai mươi năm[3] ở bên cầu Gojô (Ngũ Điều đại kiều) trong thành phố Kyôto. Đó là bài thơ bày tỏ cảm tưởng mà Ikkyuu đã đề ở cuối bài viết.

Ngoài Phật Thích Ca, Đạt Ma hay những tôn sư Trung Hoa và Nhật Bản trong chốn thiền lâm (Hàn Sơn, Thập Đắc, Tùng Nguyên, Viên Ngộ, Động Sơn, Triệu Châu, Nam Tuyền, Lâm Tế, Nham Đầu, Quy Sơn, Bách Trượng, Bàng cư sĩ, Đại Ứng, Đại Đăng, Hư Đường, Huyền Sa, Linh Sơn, Quan Sơn, Hoa Tẩu...), Ikkyuu cũng ca tụng những văn nhân thi sĩ như Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Đào Uyên Minh, Liễu Tôn Nguyên, Đỗ Mục, Bạch Cư Dị, Tô Đông Pha, Vương An Thạch, Hoàng Đình Kiên...):

Đoan Ngọ

Thiên cổ Khuất Bình tình khởi hưu,
Chúng nhân thử nhật túy du du.
Trung ngôn nghịch nhĩ thùy năng hội,
Chỉ hữu Tương giang giải thuận lưu.

Thơ ngày mồng năm tháng năm

Khuất Nguyên tâm sự những vơi đầy,
Trần thế xưa kia lắm kẻ say.
Lời phải chối tai đời ngoảnh mặt,
Riêng dòng Tương đó hiểu cho ai.

Bài thơ này có ý điếu Khuất Nguyên ( 343 TCN? – 277 TCN), trung thần nước Sở, vì lời dèm pha phải bỏ triều đình ra đi và cuối cùng tự trầm ở sông Mịch La (một nhánh của sông Tương (Hồ Nam). Khuất Nguyên (hay Khuất Bình) là tác giả của Sở Từ và Ly Tao. Ông mất vào ngày mùng 5 tháng 5 Âm Lịch, gọi là tiết Đoan Ngọ.

Khán Đỗ Phủ Phu châu dĩ hậu thi hữu cảm

Viễn khách ngụ cư hà xứ qui,
Nhất thân tiều tụy yểm sài phi.
Phu châu nhật mộ chung yên địa,
Tranh nại ngâm tì nhiên tận vi.

Cảm hoài khi đọc thơ Đỗ Phủ từ thời ở Phu châu

Cái thân khách trọ biết về đâu,
Cửa sài phong kín, dáng tiêu tao.
Phu châu trạm cuối đêm dần xuống,
Thương nỗi râu cằm sớm rụng mau.   

Ikkyuu yêu mến phong cách giản dị nhưng sâu sắc của Đỗ Phủ, nhà thơ gần gủi dân chúng.Họ Đỗ cũng là một thiền khách nhưng đã sống cuộc đời đầy phẫn khái như Đỗ Mục, Liễu Tôn Nguyên... Phu châu (biên giới Hồ Bắc và Tứ Xuyên, thượng lưu sông Trường Giang, nơi ông đến ngụ vào mùa xuân năm Đại Lịch nguyên niên, 766) tưởng đó là trạm cuối (chung yên địa) đoạn đường đời của mình, nơi ông có nhiều sáng tác nhất. Chẳng ngờ ông lại để vợ con ở đó, đơn thân xuống Hồ Nam nhưng rốt cuộc chỉ luẩn quẩn ở Hành châu và Đàm châu rồi chết trong cô độc, bệnh hoạn trên một chiếc thuyền con bên Hồ Động Đình lúc mới 59 tuổi. Thơ Trương Tịch có 2 câu thơ hay nói về viễn khách (Viễn khách du du bệnh nhiệm thân, Ly gia trì thượng hựu phùng xuân), Yểm sài phi là chữ Lão Đỗ dùng trong thơ mình (bài Khương thôn). Tiều tụy thấy ở  thiên Ngư phụ (Sở Từ) nói về hình dáng Khuất Nguyên lúc bị phóng trục.

Tán Đỗ Mục (ngũ thủ kỳ nhất)

Tài điệu phong lưu cánh tuyệt luân,
Đỗ thư ký nghiệp ngụy trung chân.
Thi tình nho nhã dâm ư sắc,
Bất thuyết thương sinh thuyết mỹ nhân.

Vịnh Đỗ Mục

Sống kiếp phong lưu, tài tuyệt luân,
Anh chàng Đỗ Mục ngụy mà chân.
Thơ tình nho nhã, yêu nhan sắc,
Không nhắc dân đen, nhắc mỹ nhân.
.
Đỗ Mục là nhà thơ của nòi tình, sống đời bạc hãnh như từng tự thú trong Bạc Tần Hoài (Lạc phách giang hồ tái tửu hành, Sở yêu triêm tế chưởng trung khinh). Thế nhưng trong lối sống phóng túng đó có hàm chứa một sự chân thực (ngụy trung chân). Ngoài ra, câu cuối bắt nguồn từ một bài tứ tuyệt của Lý Thương Ẩn. Khi Lý vịnh cuộc gặp gỡ giữa nho sinh kỳ tài Giả Nghị và vua nhà Hán có lần trách Hán Văn Đế là bậc quân chủ mà chẳng lo cho dân, chỉ thích hỏi Nghị việc bói toán (Khả liên dạ bán hư tiền tịch, Bất vấn thương sinh vấn quỷ thần). Ở đây, Ikkyuu có ý khen Đỗ Mục hơn là chê vì ông xem đó là bản chất (nghiệp) của Đỗ.

Bạch Lạc Thiên

Lưu đắc từ hoa bách ức xuân,
Thiên ngôn vạn cú dữ cư tân.
Cổ kim độc chứng chi vô lão,
Thế hứa xuất đầu thiên ngoại nhân.

Vịnh Bạch Cư Dị

Hoa gấm văn chương tụ vạn đời,
Viết bao tác phẩm, sống nhiều nơi.
Xưa nay nổi tiếng thông minh sớm
Thi bá thanh danh vượt cõi người.

Bạch Cư Dị là tác giả ảnh hưởng đến văn học Nhật Bản nhiều và lâu dài hơn cả, từ thời Heian (Truyện Genji ) cho đến Muromachi (văn học Gozan). Ông có đến 75 văn tập, bị tá thiên khắp nơi (Giang châu, Hàng châu, Tô châu, Hà Đông), sau lập thảo đường ở Hưong Sơn và Lô sơn, kinh lịch cũng nhiều. Tương truyền chưa đi học ông đã phân biệt được hai chữ “chi” và “vô” nên được gọi là Chi vô lão. Ông cũng là một thiền khách, tính bình dân, yêu thơ yêu rượu. Ikkyuu vô cùng khâm phục nhân cách, kiến thức và tài năng của ông.


6)Thơ phúng thích, đối kháng với giáo hội và xã hội:

Ikkyuu và sư huynh Yôsô của ông đều thuộc dòng Daitokuji. Yôsô trở thành người cầm đầu , gánh vác việc chùa, trong khi Ikkyuu chỉ là kẻ sống bên lề.

Kyôto là bản sơn của 7 chùa thiền. Trong đó 5 chùa có một thiền phong riêng và gần gủi với chính quyền quân nhân. Ba chùa Kenninji (Kiến Nhân Tự), Tôfukuji (Đông Phúc Tự), và Nanzenji (Nam Thiền Tự) đều đã được xây dựng từ thời Kamakura. Đến thời Mạc phủ Muromachi, nhà nước mới viện trợ cho việc xây dựng 2 chùa mới là Tenryuuji (Thiên Long Tự) và Shôtokuji (Tướng Quốc Tự). Là quan tự, họ cấu kết với chính quyền, bảo đảm tính chính thống của quyền lực, chia chác của cải thu lượm được từ tín đồ và hệ thống kinh doanh của nhà chùa cho những người này để đổi lấy chức vị và sự che chở.

Xin mở ngoặc ở đây để có một đôi dòng nói về liên hệ giữa các chùa Gozan Jissetsu (Ngũ sơn thập sát) với chính quyền Mạc Phủ. Trước tiên, chư tăng ở đó là những người học rộng, đi ra nước ngoài nhiều, có tri thức thâm sâu, có tài ngôn ngữ nên đóng được vai trò cố vấn về chính trị, ngoại giao lẫn ngoại thương cho các Shôgun Ashikaga. Hai nữa là qua mậu dịch với các nước như Trung Quốc, chùa chiền dĩ nhiên được hưởng huê lợi. Họ cũng được ban tặng hay mua lại nhiều đất đai thành thử thâu thập địa tô từ nông dân tá điền. Với số tiền ấy, họ đem cho vay hay gián tiếp đầu tư vào quán rượu và tiệm cầm đồ. Nhà chùa đã trở thành “ngân hàng”, cho Mạc phủ vay và bù lại, nhận thêm nhiều ân huệ từ những người này. Điều đó giải thích được tại sao khi có cuộc loạn Ônin hay các cuộc Ikki của nông dân thì các chùa Gozan Jissetsu là cái đích nhắm đầu tiên cho những hành động đốt phá và bạo lực.

Riêng hai chùa Daitokuji (Đại Đức Tự) và Myôshinji (Diệu Tâm Tự) thì tu theo lối khác 5 chùa trên. Như đã nói, người khai sơn của Daitokuji là Đại Đăng quốc sư Shuuhô Chôshô. Ông cũng là thầy học của Kanzan Egen (Quan Sơn Huệ Huyền), người khai sơn Myôshinji. Quốc sư Đại Đăng là bậc cao đức, được người lãnh đạo của hai chi nhánh khác nhau là Thiên hoàng Go Daigô (Hậu Đề Hồ) của dòng Daikakuji (Đại Giác Tự) lẫn Thái thượng hoàng Hanazono (Hoa Viên) của dòng đối lập đều kính trọng một cách sâu sắc. Đến khi giấc mộng trung hưng thời Kiến Vũ (Kenmu), tự mình nắm chính quyền, không để Mạc Phủ qua mặt, không thành, Thiên hoàng Go Daigo phải bỏ trốn vào vùng rừng núi Yoshino lập ra Nam Triều thì Đại Đăng vẫn được sự che chở của Thiên Hoàng Hanazono ở Kyôto nên tiếp tục trụ trì ở chùa mình. Daitokuji duy trì được phong cách tu hành đạm bạc và nghiêm ngặt của vị khai tổ. Ikkyuu cho rằng đấy mới là phong cách tu thiền chính thống. Trong khi đó sư huynh Yôsô của ông chỉ muốn làm kinh tế nghĩa là chủ trương phải tăng con số thiện nam tính nữ (khách hàng) và có thu nhập dồi dào để Daitokuji trở thành một đại tự viện. Do đó Ikkyuu mới chỉ trích thậm tệ Yôsô chỉ biết chạy theo danh lợi.

Đường lối của Ikkyuu là người đi tu phải lao động để sống như hình ảnh Bách Trượng Hoài Hải (749-814): Nhật nhật bất tác, nhất nhật bất thực (Một ngày không làm, một ngày không ăn), điều mà thầy của hai người, Kasô Sôdon, thường nhắc đến. Ông nhắc nhỡ sư huynh Yôsô rằng tôn sư Tettsuô Gikô từng cấm các trò chạy theo tiền bạc và danh lợi. Ông còn trách Yôsô đã bãi bỏ hình thức tham thiền (sanzen) hỏi đạo trong chùa. Trong Jikaishuu (Tự Giới Tập), một tập thơ ngắn của mình, Ikkyuu kết án Yôsô và môn phái bằng những bài thơ hầu hết viết theo vần sen (thuyền), sen (tiền) và Zen (Thiền). Thuyền ở đây muốn phúng thích thuyền buôn với nhà Minh bên Trung Quốc.

Chê bai hiện tượng chạy theo danh lợi đó, Ikkyuu mượn bài thơ ca tụng Ma Kha Ca Diếp sau đây để đả kích những con người đi tu một cách giả dối đầy dẫy trong thiên hạ thời đó kể cả sư huynh Yôsô:

Niêm hoa vi tiếu

Thế tôn niêm xuất nhất chi hoa,
Nhất đại thiền tông ý khí xa.
Kim sắc đầu đà độc truyền pháp,
Cận niên tri thức nhược sa hà.

Chìa hoa mĩm cười

Đức Phật chìa ra một cánh hoa,
Pháp môn bán rẻ giúp anh Ca.
Kim sắc đầu đà một mình hưởng
Chứ nay tri thức tựa Hằng sa.

Hoa ở đây nói về tinh túy của Phật giáo sau một đời tu hành (nhất đại) mới tìm ra mà Thích Ca muốn truyền thụ cho môn sinh (Ngô hữu Chính pháp nhãn tạng, Niết Bàn diệu tâm, Thực tướng vô tướng, vi diệu pháp môn). Khốn nỗi, trong tăng chúng chỉ có Ma Kha Ca Diếp lĩnh hội được. Xa có nghĩa xa xỉ, đem đồ tốt đi bán rẻ. Còn gọi Ca Diếp là Kim sắc đầu đà vì có thuyết tiền thân ông là thợ kim hoàn giàu đạo tâm nên khi mới sinh ra trên đầu đã lấp lánh hào quang. Theo Ikkyuu, pháp môn mà Ca Diếp được độc truyền mới là chính đạo. Còn như gần đây (thời của ông), tri thức thì đầy dẫy như cát trên sông (sa hà) nhưng toàn là đồ giả mạo.

Sự tức bực đối với sư huynh còn được bày tỏ qua việc ông bỏ am Như Ý, rứt áo ra đi.

Như Ý Am trong khuôn viên Daitokuji là nơi có tháp (chôn cất) một vị trụ trì của Daitokuji, Hòa thượng Gongai Sôchuu (Ngôn Ngoại Tông Trung, 1315-1390), trong hệ phổ theo thứ tự Đại Đăng à Triệt Ông à Ngôn Ngoại à Hoa Tẩu à Dưỡng Tẩu và Nhất Hưu. Năm 1440, nhằm ngày kỵ lần thứ 13 của sư phụ Kasô (Hoa Tẩu), Ikkyuu được cử về trông coi Như Ý Am. Chỉ được 10 hôm, tức giận vì hành động của sư huynh Yôsô (Dưỡng Tẩu) mà ông cho trái với đạo phong, Ikkyuu đã để lại mấy bài thơ như sau rồi xách gói ra đi.

Đề Như Ý Am hiệu cát mạt

Tương thường trú vật trí am trung,
Mộc thược khoa ly quải bích đông.
Ngã vô như thử nhàn gia cụ,
Giang hải đa niên thoa lạp phong.

Thơ viết cuối bản chuyển giao tài sản am Như Ý

Thói thường phật cụ giữ bên trong,
Thìa gỗ nậm bầu giắt chái đông.
Nhưng ta nào phải đồ chưng ngắm,
Tơi lá sông hồ[4] kiếp ruỗi rong.

Như ý Am thoái viện ký Dưỡng Tẩu hòa thượng

Trú am thập nhật ý mang mang,
Cước hạ hồng y tuyến thậm trường.
Tha nhật quân lai như vấn ngã,
Ngư hàng tửu tứ hựu dâm phường.

Từ chức trụ trì am Như Ý gửi Hòa thượng Yôsô

Giữ am mười bữa nghĩ loanh quanh
Tu vụng đường tu, chỉ vướng chân.
Mai mốt nếu huynh mà kiếm tớ,
Chẳng hàng rượu cá cũng lầu xanh

Bài thứ nhất ông đề trên tờ báo cáo chuyển giao lại tài sản cho người kế nhiệm trước khi ra đi. Nào là gáo gỗ, nào là bầu nậm lích ca lích kích ...Ông cho rằng tu không phải ngồi yên chiếm chỗ như kiểu những phật cụ treo trên tường đông ở trong am, thỏa mãn với giáo lý của chùa mình như vậy mà phải mang áo tơi nón lá ra ngoài chốn giang hải giao lưu với các tông phái khác.

Bài thứ hai bày tỏ cùng một thái độ nhưng ngôn từ gây choáng hơn. Hồng tuyến là sợi chỉ đỏ vướng chân người tu hành, đã từng thấy trong Tùng Nguyên tam chuyển ngữ[5]. Ông bảo sư huynh muốn tìm mình thì hãy đi đến những chỗ cấm kỵ đối với một tăng nhân: ngư hàng, tửu tứ, dâm phường. Thế nhưng ngư hàng đã từng thấy trong Thập Ngưu Đồ với nhà sư Bố Đại thỏng tay vào chợ, dâm phường tửu tứ lại là một trong ba nơi tương truyền Văn Thù Bồ Tát đã sống qua mùa kiết hạ: Kỳ Viên tinh xá, Đồng tử học đường và dâm phường tửu tứ. Nói chung, Ikkyuu cho rằng nhà tu hành khi bài bác chuyện sắc dục là sai lầm vì như thế là cắt đứt với cõi người. Còn như nếu không thỏng tay vào chợ để chung đụng với bàn dân thiên hạ thì dù thành đạo rồi chỉ giữ được sự giác ngộ cho riêng mình. Những kẻ cần được giáo hoá (kỹ nữ, đồ tể, tội phạm, con bạc, con buôn) thì lấy ai để hướng dẫn?

Có khi ông trách cả bản thân đã không tránh nổi sự thỏa hiệp:

Đại Đăng môn đệ

Đại Đăng môn đệ diệt tàn đăng
Nan giải ngâm hoài nhất dạ băng.
Ngũ thập niên lai thoa lạp khách,
Quý tàm kim nhật tử y tăng.

Học trò cửa Đại Đăng quốc sư

Học thầy, để lụn tắt đèn thầy
Đêm lạnh than dài, dạ chẳng khuây.
Tơi nón một đời quen phóng lãng,
Thẹn mình áo tía mặc hôm nay

Không giữ được truyền thống tu hành nghiêm cẩn và đạm bạc của Đại Đăng mà ông là học trò đàn cháu, lúc cuối đời, Ikkyuu đã chấm dứt năm mươi năm sống đời tự do bằng cách vào trong khuôn khổ khi trở thành trụ trì Daitokuji và nhận tử y (áo tía) – vinh dự hạng nhất của một nhà tu - do triều đình ban cho. Bài thơ này nói lên sự phản tỉnh của ông.

Ông từng phê phán những kẻ sống đọa lạc, xa vời đạo lý, ngoảnh mặc làm ngơ trước sự đau khổ của chúng sinh:

Đại phong hồng thủy

Đại phong hồng thủy vạn nhân ưu,
Ca vũ quản huyền thùy dạ du.
Pháp hữu hưng suy kiếp tăng giảm,.
Nhiệm tha minh nguyệt há Tây lâu.

Lụt to bão lớn

Lụt to bão lớn khổ muôn người,
Tiệc tùng lắm kẻ sáng đêm chơi. 
Đạo có hưng vong, kiếp dài ngắn,
Lầu Tây nguyệt lặn, luống buông xuôi.

Hai câu đầu nói lên những cảnh đời trái ngược. Hai câu sau như một tiếng than dài, ngậm ngùi phó mặc cho vận mệnh luân hồi chuyển sinh. Câu thơ cuối cùng Nhiệm tha minh nguyệt há Tây lâu vốn là một câu thơ tình của Lý Ích, thi nhân đời Đường. Thi sĩ đã làm một cuộc hành trình dài để gặp người yêu (Lý Quần Ngọc) nhưng khi đến nơi thì nàng đã chết. Ikkyuu chuyển ý thành một câu thơ hàm ý tôn giáo.

Những đồng đạo trong Thiền môn cũng không ai hiểu mình và ông cảm thấy cô đơn:

Xích bát

Nhất chi xích bát hận đa nhâm,
Xuy nhập hồ già tái thượng ngâm.
Thập tự nhai đầu thùy thị khúc,
Thiếu Lâm môn hạ tuyệt tri âm.

Tiếng sáo Shakuhachi

Sáo dù một ngấn hận khôn cùng,
Vào tiếng khèn hồ, ải lạnh lùng
Giữa chợ đông người, ai biết khúc?
Thiếu Lâm đồng đạo có bằng không!

Bài này vịnh tiếng sáo Nhật Shakuhachi (Xích bát) não nùng bi ai nhưng ông muốn qua đó bày tỏ nỗi lòng. Theo Ikkyuu, không thấy trong đám môn đệ Thiền tông (Thiếu Lâm môn hạ) có lấy một nhà tu thiền đáng kính. Tri âm vốn mượn tích Bá Nha Tử Kỳ trong sách Liệt Tử.

Cũng nói lên tâm sự cô độc ấy:

Bệnh trung

Đa bệnh nan vi an lão thân,
Thế gian thế ngoại cộng phong trần.
Lãnh trường tịch mịch thanh cao khách,
Lâm hạ hà tằng kiến nhất nhân.

Trong khi nằm bệnh

Lắm bệnh không yên được tuổi già,
Trong ngoài cuộc thế lắm phong ba.
Để khách thanh cao buồn quạnh quẽ,
Rừng thiền nhìn lại mỗi mình ta.

Già nua và đang nằm bệnh (sắp chết) mà vẫn phê phán sự tục hoá của thiền lâm. Câu cuối “Lâm hạ hà tằng kiến nhất nhân” mượn của tăng Linh Triệt trong bài Đông Lâm Tự thù Vi Đan thứ sử (Tiếp đón Thứ sử Vi Đan ở chùa Đông Lâm). “Tuổi già trăm sự đã an bài, Thân nhàn nệm cỏ áo tơ gai, Gặp nhau chuyện vãn, quan về nghỉ. Trong núi tôi chưa gặp một ai”. (Nguyên văn như sau: Niên lão tâm nhàn ngoại sự vô, Ma y thảo tọa diệc dung thân. Tương phùng đạo tận quan hưu hảo, Lâm hạ hà tằng kiến nhất nhân). Tuy nhiên theo ý thơ Ikkyuu thì Lâm hạ không phải là trong rừng như Linh Triệt viết nhưng là “chốn Thiền Lâm”, nơi mà ông không thấy có ai xứng đáng là tri kỷ.
                
4)    Thơ triết lý Thiền tông:

Ikkyuu có nhiều bài thơ trực tiếp khai triển đề tài triết lý Thiền tông:

Triệu Châu tam chuyển ngữ: nê Phật bất độ thủy, mộc phật bất độ hỏa, kim Phật bất độ lô.

Thi thành Tiểu Diễm thuật sầu tình,
Nhất chẩm đa niên dạ vũ thanh.
Trường địch mộ lâu thùy thị khúc,
Khúc chung giang thượng sổ phong thanh.

Ba câu nói dẫn đến giác ngộ của Triệu Châu: Phật bùn không qua được sông, Phật gỗ không qua được lửa, Phật sắt không qua được lò.[6]

Tiểu Diễm làm thơ kể nỗi lòng,
Gối đêm mưa lạnh mấy năm ròng.
Khúc sáo bên lầu tên chẳng biết,
Chiều về duy gió thoảng trên sông.

Nguyên lý này được nói đến trong Bích Nham Lục thoại 96. Ý của nó là “Chân Phật tọa ốc lý” nghĩa là Phật thực sự không phải ở ngoài ta nhưng đang ở chính trong nhà tức ngay bản thân ta. Những Phật đất, Phật gỗ Phật sắt chỉ là những vật “vô thường bại hoại”, dễ bị biến chất và dễ bị tiêu diệt.

Hòa thượng Triệu Châu Tùng Thẩm (778-897) là một đại sư trong cửa Thiền trấn ở phiá bắc, giỏi về ngôn từ (khẩu thần bì gia phong), đối đầu được với Tuyết Phong Nghĩa Tồn phương Nam.

Câu đầu nhắc đến nàng Tiểu Diễm. Bài thơ nói về nàng Tiểu Diễm (Tiểu Diễm chi từ trong Đại Huệ vũ khố) đã giúp thiền sư Viên Ngộ giác ngộ. Nguyên văn: Nhất đoạn phong quang họa bất thành. Động phòng thâm xứ thuật sầu tình. Tần hô Tiểu Ngọc nguyên vô sự. Duy yếu đàn lang nhận đắc thanh. (Hình ảnh người thương vẽ được sao. Tường cao kín cổng dạ riêng sầu. Không can chi cũng kêu con Ngọc. Đánh tiếng chàng hay em ở đâu). Ý nói cô nàng Tiểu Diễm cô đơn vì nhớ người yêu nên không có duyên cớ cũng ơi ơí gọi con hầu Tiểu Ngọc để đánh tiếng với chàng trai, cho anh ta biết mình đang ở đâu[7].

Hai câu 3 và 4 lấy ý và chữ của Triệu Hổ (Triệu Ỷ Lâu) trong Trường An thu tịch (Tàn đăng sổ điểm nhạn hành tái. Trường địch nhất thanh nhân ỷ lâu). Câu cuối cùng Khúc chung giang thượng sổ phong thanh là một danh cú của Tiền Khởi làm được ở đầm Vân Mộng. Hai ông đều là danh sĩ đời Đường.

Phải chăng tất cả những biểu hiện bên ngoài chỉ là cơn gió thoảng vì không đích thực trừ có nỗi niềm thương nhớ phát xuất tự đáy lòng Tiểu Diễm. Cũng vậy, đưa ra ba ông Phật gỗ, Phật sắt, Phật bùn nhưng chỉ để nói đến ông Phật thứ tư trú ngụ trong bản thân thì Triệu Châu thật khúc mắc, chẳng khác gì nàng Tiểu Diễm. Bài thơ kết nối với điển cố với ngôn từ của danh sĩ thật là đẹp nhưng cũng khá khó hiểu cho tục nhân.

Hương Nghiêm kích trúc

Đàm thủy bắc hề Tương thủy nam,
Trúc Chi khúc lý khầu nam nam
Tôn tiền lạn túy hào gia khách,
Bất thức sầu nhân dạ vũ đàm.

Hương Nghiêm nghe tiếng đá chạm thân trúc

Tương Đàm hai phía bắc và nam,
Trúc Chi khúc ấy hát nghe nhàm.
Biết chăng, hỡi khách nồng men rượu,
Có kẻ đêm mưa dạ xốn xang.

Bài thơ liên quan đến Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn ( ? – 898). Ông lúc đầu là học trò của Bách Trượng Hoài Hải. Tuy rất thông minh, học một biết mười nhưng có lẽ vì quá nhiều tri thức, lúc thầy còn sống, không sao ngộ đạo được. Sau theo học sư huynh là Quy Sơn Linh Hựu. Quy Sơn mới bảo: Nếu ngươi nói được một câu về bản lai chân diện mục của ngươi (Nhữ vị xuất bào thai, vị biện đông tây thì, bản phân sự) thì ta sẽ thay mặt tiên sư chứng minh cho. Bao lần ông đưa ra lời giải đều bị Quy Sơn phủ nhận. Tuyệt vọng, Hương Nghiêm bèn bỏ Quy Sơn đến lập am bên mộ Huệ Trung Quốc Sư ở Nam Dương, tập trung suy nghĩ. Một hôm, khi đang cắt cỏ trong núi, nhân quẳng ngói và mấy hòn sỏi chạm vào thân cây trúc, phát ra tiếng, bèn cất tiếng cười lớn và ngộ đạo. Tiếng động của ngói sỏi vào thân trúc như một cơ duyên, cho nên trong một sát na, Hương Nghiêm bừng tỉnh, thấy được “chân thực tự kỷ” của mình tức con người bản lai trước khi cha mẹ sinh ra. Ông bèn tắm rửa, xông hương, ăn mặc tề chỉnh đến gặp Quy Sơn để bái tạ. Trường hợp Hương Nghiêm ngộ đạo là vì ông đã nhất thiết bỏ quên tất cả những phân biệt đến từ trí tuệ và học vấn (ngũ quan + tư duy) để đi vào trạng thái “trực hạ vô tâm” “vô tướng tự kỷ”. Để diễn tả tâm cảnh trống không (bần) đó, ông đã có bài kệ: Khứ niên bần vị thị bần, Kim niên bần thủy thị bần. Khứ niên bần do trác chùy địa, Kim niên bần chùy hựu vô. Năm ngoái nghèo, chưa thể gọi đâu, Nghèo đấy, dùi còn cắm đất sâu. Năm nay mới thực nghèo xơ xác. Cả cái dùi không chẳng thấy nào.[8]

Tương Đàm là điển cố Trung Quốc, có liên quan đến đầm Vân Mộng thời thái cổ, đến  Nhị phi của vua Thuấn và cả Khuất Nguyên. Còn Trúc Chi Từ là khúc hát dân dã nói về chuyện Nhị phi nhập thủy đã từng thấy trong thơ Lưu Vũ Tích đời Đường. Theo lời giải thích của Yanagida Seizan thì hai chữ Tương Đàm đã có trong thơ của Hòa thượng Đam Nguyên vịnh cuộc vấn đáp giữa Nam Dương Trung Quốc Sư và Hoàng đế Đại Tông về tháp Vô Phùng (cái tháp tự nhiên, không do con người xây nên, ở đây ám chỉ người đệ tử chân chính có thể kế nghiệp thầy). Nam Dương Huệ Trung (675?-775?) là môn đệ xuất sắc nhất của Lục Tổ Huệ Năng và là người đầu tiên được ban danh hiệu quốc sư. Tương Đàm có thể xem như biểu tượng của phần mộ quốc sư (được ví với nguồn cội của đạo pháp). Tiếng đá đập vào thân trúc Hương Nghiêm đã nghe phải chăng là tiếng gọi của quốc sư giúp ông ngộ đạo (vì những hào khách khác còn mãi say sưa túy lúy, không ai ý thức Tương Đàm chính là nơi thánh địa vì có mộ của Quốc Sư).
 
Linh Vân đào hoa

Phong lưu ngộ đạo thoại đầu tân,
Đài nhược hiền Sa hư tả chân
Lưu Lang độc khí thư hoàng khẩu,
Hoa trán Huyền Đô quán ngoại xuân.

Linh Vân thấy hoa đào

Phong lưu ngộ đạo, mới nghe xong,
Chân ngụy Huyền Sa định thử ông.
Văn vẻ chàng Lưu lời tráo trở,
Huyền Đô đào quán đã phai hồng.

Bài thơ nói về hoàn cảnh ngộ đạo của thiền sư Linh Vân Chí Cần (năm sinh và mất không rõ) người Phúc Châu, nhìn thấy hoa đào nở mà ngộ đạo, chép trong Cát Đằng Tập, tắc 8). Linh Vân sau đó có bài tụng: Tam thập niên lai tầm kiếm khách. Kỷ hồi diệp lạc hựu trừu chi. Đào hoa nhất kiến thử thời hậu, Trực chí như kim cánh bất nghi. để đưa lên cho thầy mình là Quy Sơn Linh Hựu. Trạng thái của Linh Vân là đã tự giác về bản thân (nhìn hoa đào với tâm cảnh “trực hạ vô tâm” như cách nói của Hoàng Bá). Từ sau “nhất kiến” ấy, ông không còn nghi ngờ gì nữa (chính niệm tương tục). Có người  giải thích rằng lúc đó không phải Linh Vân nhìn thấy hoa đào mà hoa đào đã nhìn thấy Linh Vân. Đời sau, nhà thơ Bashô của Nhật Bản có viết bài haiku giản dị nhưng khá được yêu chuộng: Yoku mireba / Nazuna hana saku / Kakine kana = Nhìn kỹ, dưới bờ dậu. Nở một cánh hoa tim[9]).

Lưu Lang tức Lưu Vũ Tích (dù ám chỉ Lưu Thần Nguyễn Triệu trong Đào hoa nguyên ký). Ông có thơ về hoa đào ở đạo quán Huyền Đô rất nổi tiếng. Tương truyền ông đã viết về đề tài này đến hai lần (lời tráo trở). Một lần ở Lãng Châu để phúng thích quan lại trong triều. Lại bị biếm sang Bá châu. Hiền Sa ám chỉ Huyền Sa Sư Bị (835-908), một cao tăng đức độ nhưng mù chữ, nhờ vấp chân phải đá, đau điếng người mà ngộ đạo.

Ngưu

Dị loại hành trung thị ngã tằng,
Năng y năng dã cánh y năng.
Xuất sinh vong khước lai thời lộ,
Bất thức đương niên thùy thị tăng.

Trâu

Lẫn trong muông thú, dạy cho câu.
Ta là chi, vốn đến từ đâu?
Mới sinh sao vội quên nguồn gốc.
Có biết xưa từng kiếp áo nâu.

Bài thơ bắt nguồn từ một công án của Quy Sơn. Theo một giai thoại, Ikkyuu chỉ một con trâu và hỏi các đệ tử của mình rằng nếu một trăm năm sau, có người bắt gặp một con trâu bên hông có ghi chữ “Tăng Quy Sơn” thì người đó phải gọi nó là con trâu hay là Quy Sơn. Câu thứ hai phải thoát dịch vì nguyên văn hơi hiểm hóc: Năng y cánh dã cánh năng y đại ý nói: Cái mà anh có thể làm được tùy thuộc vào việc anh là cái gì, chỗ mà anh có mặt tùy thuộc vào việc anh có thể làm được gì. Theo Ikkyuu thì con trâu chính là Quy Sơn đã hóa kiếp. Giai thoại đi xa hơn một chút. Đêm đó, con trâu lăn đùng ra chết và chủ nhân con trâu mới dằn vặt Ikkyuu: “Chính bài thơ của thầy đã giết mất con trâu của tôi”.

Bệnh trung

Phá giới sa môn bát thập niên,
Tự tàm nhân quả bát vô thiền.
Bệnh bì quá khứ nhân quả quả,
Kim hành hà tạ kiếp không duyên.

Trong khi mang bệnh.

Thầy chùa phá giới tám mươi năm,
Thẹn lối thiền không quả chẳng nhân.
Lâm bệnh mới hay nhân tạo quả,
Hỏi làm sao dứt nghiệp tiền thân.

Bài thơ này muốn làm sáng tỏ công án Bách Trượng dã hồ (Con chồn hoang của Bách Trượng) nói về một thiền sư vì chấp nhất vào chuyện có nhân quả hay không mà bị đọa làm kiếp chồn hoang suốt 500 năm (trả lời khẳng định hay phủ định nhân quả đều bị đọa, rõ khổ!). Tắc này có chép trong Vô Môn Quan của Triệu Châu[10]. Qua bài thơ nói trên, Ikkyuu tỏ ý e ngại rằng tu Thiền kiểu ông là không lý đến nhân quả trong khi mắc bệnh mới biết phải có nhân nào đó trong quá khứ mới có quả như hôm nay.

Mặt khác, Ikkyuu cũng có thơ trình bày về khái niệm triết học Tứ liệu giản của dòng Lâm Tế. Khi tổ sư của Ikkyuu là thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền nhân có tăng hỏi “Tứ liệu giản là gì?”[11] đã dùng hai câu thơ để trả lời về vế thứ nhất của nó (Đoạt nhân bất đoạt cảnh).

Câu nhật phát sinh phố địa cẩm,
Anh hài thùy phát bạch như ti.

Nắng hửng, vườn xanh ra tựa gấm,
Hài nhi, tóc xỏa bạc như tơ.

Ý Lâm Tế muốn nói thiên nhiên trường cửu lúc nào cũng đẹp song đứa trẻ thơ sinh ra mới đó đã già vì cuộc đời vốn ngắn ngủi.

Bài kệ giải thích khái niệm đó của Nhất Hưu cũng được chép trong Cuồng Vân Tập. Ta thấy nó độc sáng và tài hoa hơn hai câu của tổ sư Lâm Tế vốn là người nghiêm khắc, thích quát tháo, không có tinh thần thi ca là mấy:

Đoạt nhân bất doạt cảnh (giả đề)

Bách Truợng Quy Sơn danh vị hưu,
Dã hồ thân dữ thủy cô ngưu.
Tiền triều cổ tự vô tăng trú,
Hoàng diệp thu phong cộng nhất lâu.

Thầy Bách thầy Quy danh chửa vơi,
Thân trâu thân cáo chuyện luân hồi.
Chùa bao đời trước tăng đâu thấy,
Tháp quạnh, thu phong, lá úa thôi.

Dĩ nhiên 2 câu thơ đầu tóm tắt ý nghĩa của các công án nổi tiếng về Bách Trượng và Quy Sơn đã được giải thích bên trên. Ý nói con người khó thoát vòng luân hồi chuyển sinh. Nó tương xứng với “đoạt nhân” trong ngữ cảnh của Tứ Liệu Giản. Hai câu thơ sau như muốn đặt câu hỏi không biết các nhà sư các đời trước chết di có thành trâu thành cáo hay không chứ nhìn mà xem, dù con người khuất bóng nhưng cảnh chùa xưa vẫn còn y nguyên đó với ngôi tháp quạnh quẽ, lá vàng trong ngọn gió thu. Hai câu sau tương xứng với “bất đoạt cảnh” vậy.

Hai câu đầu có tính triết lý, trừu tượng, hai câu thơ sau có tính cảm giác cụ thể. Chúng trở thành một cặp đối chiếu. Đó là một thủ pháp mà Ikkyuu cũng như bao thi nhân Nhật Bản hay dùng. Nó khác với thủ pháp trên dưới nhất quán của thi nhân Trung Quốc (tuyệt cú Đường Tống, ví dụ bài Giang tuyết của Đỗ Phủ hay Giang Nam Xuân của Đỗ Mục) nên người ta tự hỏi có phải chăng đây có thêm một bằng chứng nữa về việc người Nhật tuy chịu ảnh hưởng sâu sắc nhưng lúc nào cũng muốn thoát ra khỏi khuôn mẫu Trung Quốc.

Không ngừng lại ở tầm cỡ tổ sư Lâm Tế, nghị luận triết học của Ikkyuu leo lên tận đại tôn sư Thích Ca. Hãy đọc bài thơ sau đây thì rõ:

Phá tỉ dụ thị bệnh tăng

Cung ảnh hào manh tại tửu trung,
Độc xà ảnh lạc khách bôi cung.
Phong lâm hoàng diệp Thục giang cẩm,
Nhiễm đắc tâm đầu mãn mục hồng.

Dạy học trò mắc bệnh chớ tin vào tỉ dụ

Chén rượu in hình cong cánh cung,
Mà ngờ rắn độc sợ vô cùng.
Rừng phong đất Thục sông như gấm,
Nhuộm hết toàn thân một sắc hồng.

Bài thơ như thể viết vội, không đầu đuôi, hai câu trên và hai câu dưới chẳng dính dáng với nhau. Tích “bôi cung xà ảnh” và “lá phong đỏ trên sông Cẩm giang” đất Thục có liên hệ gì chăng? Thực ra ý nghĩa của nó rất cao siêu.

Hai chữ “bệnh tăng” trong đầu đề là để chỉ những tăng sĩ có thắc mắc về đạo muốn tham vấn. Bởi vì nhà Phật có câu “ứng bệnh dữ dược” và Thích Ca thường dùng tỉ dụ (ám thị) để giải tỏa thắc mắc cho họ chứ không hề nói thẳng. Tỉ dụ nhiều vô số, nó trở thành phương tiện để dẫn dắt chúng sinh. Thế nhưng tỉ dụ không phải là Phật pháp, nó chỉ là phương tiện để nắm bắt Phật pháp. Bệnh tăng lại “chấp” vào tỉ dụ và tin đó như Phật pháp nên thành ra lầm đường.  

Hào manh có nghĩa là bệnh không trị được. Có kẻ đến chơi nhà bạn, thấy bóng cây cung trên tường in vào chén rượu mình mà ngỡ ra rắn độc đang phun nọc. Đó là bệnh nghi ngờ. Hoàng diệp (hồng diệp) còn là tỉ dụ của hoàng kim. Phong lâm cũng là một thứ mê hoặc lòng người (Thơ Đỗ Mục: Đình xa tọa ái phong lâm vãn, Sương diệp hồng ư nhị nguyệt hoa). Đỗ Phủ và Bạch Cư Dị cũng đều có thơ nói về vẻ đẹp của Thục giang (Cẩm giang). Chớ thấy cảnh rừng phong đất Thục đẹp mà để cho màu đỏ của nó nhuộm khắp người mình (tâm đầu mãn mục). Như thế, tác giả khuyên người học đạo chớ “chấp” vào tỉ dụ, vì nếu như thế, sẽ có tỉ dụ về tỉ dụ, chúng sinh sôi nẩy nở khôn cùng và làm ta ngày càng đi xa bản chất của đạo.  




[1] Khát thực (喝食katsujiki) là chú tiểu lo việc cơm nước trong chùa.Tóc hãy còn để dài. Khi thành sa di ( sami) mới gọt tóc
[2] Nhất nhật nhất thiền, Akidzuki Ryômin có thoại nói đến việc Đại Đăng bẻ gảy chân nhập thiền rồi chết ngồi (tọa vong) trong khi Quan Sơn Huệ Huyền chết đứng dưới gốc cây (lập thoát) lúc đang truyền y bát cho pháp tự của mình.
[3] Kỳ thực, giai đoạn này chỉ có 7 năm (xem Lịch Sử Thiền Tông Nhật Bản ) của Ibuki Atsushi, Nguyễn Nam Trân biên dịch. Tư liệu mạng. Có thể hiểu 20 năm như quãng đời tu tập mà thôi.
[4] Hình ảnh tự do phóng túng của Ngư phụ (Lão chài), người đã cảnh cáo Khuất Nguyên.
[5] Của Tùng Nguyên Sùng Nhạc (1139-1209) , thiền sư nhà Tống dòng Dương Kỳ. Xin tham khảo Vô Môn Quan, tắc 20 Đại lực lượng nhân, bản dịch Nguyễn Nam Trân, tư liệu mạng.
[6] Nhất nhật nhất thiền, Akidzuki Ryômin, thoại 193, cùng nhan đề, trang 210.
[7] Xem phần Thấy trâu (Kiến Ngưu) trong Tìm hiểu nội dung và xuất xứ Thập Ngưu Đồ do Nguyễn Nam Trân dịch Yanagida Seizan. Tư liệu trên mạng.
[8] Nhất nhật nhất thiền, Akidzuki Ryômin, thoại 152, “Văn thanh ngộ đạo”, trang 173.
[9] Hoa Nuzuna, một loài hoa dại có hình giống quả tim.
[10] Nhất nhật nhất thiền, Akidzuki Ryômin, thoại 144, trang 343. “Bất lạc nhân quả, bất muội nhân quả”. Vô Môn Quan tắc số 2.
[11] Tứ liệu giản là cơ sở lý luận của dòng Lâm Tế với những mệnh đề đối lập để trình bày chân lý dưới hình thức một ma trận (matrix) Nó có 4 yếu tố: nhân, cảnh, đoạt và bất đoạt. Muốn hiểu thêm xin xem các bản Việt dịch Lâm Tế Lục hay Lịch sử Thiền Tông Trung Quốc của Ibuki Atsuki, Nguyễn Nam Trân dịch có trên mạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét