Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2024

NHO GIÁO VÀ VĂN HỌC VIỆT NAM TRUNG CẬN ĐẠI

TRẦN ĐÌNH HƯỢU
NHO GIÁO VÀ VĂN HỌC VIỆT NAM TRUNG CẬN ĐẠI
LỜI NÓI ĐẦU
Năm 1972 tôi được Tổ Văn học Cổ Cận Dân (thuộc khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) giao cho giảng dạy phần văn học Việt Nam từ 1900 đến 1930, thay cho một đồng nghiệp được điều động đi công tác khác. Tôi trở lại với văn học sau hàng chục năm gián đoạn, theo đuổi một chuyên môn khác. Lúc đó văn học Việt Nam từ 1900 đến 1930 đang được gọi là văn học cận đại và nghiên cứu từng tác giả theo sự phân biệt viết bằng Hán - Nôm hay quốc ngữ, lưu hành công khai hay bí mật, có nội dung yêu nước hay nô dịch, nói cách khác là nhìn theo tiêu chuẩn chính trị hơn là văn học.
Cái làm tôi lưu ý trước hết trong văn học giai đoạn vừa nói là một tình hình gián đoạn, một sự chuyển hướng trong văn học thời đó. Biểu hiện bề mặt là văn học quốc ngữ thay cho văn học Hán - Nôm. Nhưng ở phía sau sâu xa hơn, là cách hiểu, cách thưởng thức văn học. Văn học đã là thơ, kịch, tiểu thuyết và đặc biệt là tiểu thuyết chứ không còn là văn, thơ, phú, lục như trước nữa. Người đọc mất đi một cách nhanh chóng khoái cảm nghệ thuật khi đọc Phan Bội Châu, Tản Đà, những nhà văn cách đó chỉ hơn mười năm đã được chào đón một cách cực nồng nhiệt. Chỉ quãng mười lăm năm sau khi ra đời, nền "văn học mới" - tức tiểu thuyết, kịch và thơ mới - đã hoàn toàn chiếm lĩnh văn đàn, có thể nói không quá lời là đã "thanh toán" văn thơ phú lục. Tôi dùng chữ "giao thời" đề định tính giai đoạn văn học 1900-1930 là nhằm phản ánh thực trạng vừa nói trên.
Gián đoạn, chuyển tiếp, giao thời là những chuyện có thể gặp trong bất cứ nền văn học nào. Vấn đề là chuyển hướng về đâu? Giao thời giữa cái gì và cái gì? Sự chuyển tiếp trong văn học Việt Nam đầu thế kỳ XX từ văn thơ phú lục sang thơ kịch tiểu thuyết không chỉ là sự thay đổi một trào lưu văn học, một chủ nghĩa văn học, sự thịnh suy của một thể loại văn học nào đó như tình hình ở các nước mà quan niệm văn học về cơ bản đã định hướng. Sự đổi thay ở đây mang ý nghĩa thời đại, ý nghĩa thế giới: một vùng văn hóa - vùng Đông Á - gia nhập vào thế giới, mà nét trội bật, cả về văn học, là đi theo văn minh Âu Mỹ. Văn học được quan niệm cách khác, đổi thay cả quan niệm thẩm mỹ và cả hệ thống thể loại, thành phần văn học. Tôi hình dung giai đoạn giao thời đó thành một quá trình từ A sang B. Mà A là nền văn học cổ truyền mang đặc sắc Đông Á, chủ yếu do các nhà nho viết và viết theo quan niệm văn học Nho giáo. Còn B là văn học châu Âu mà mẫu hình cụ thể là văn học Pháp từ thế kỷ XVII cho đến thế kỷ XIX, lúc bấy giờ trên thế giới và nhất là ở Việt Nam, có ý nghĩa là phổ biến của thế giới và tiền tiến của thời đại. Tôi chọn một phương hướng tìm hiểu văn học Việt Nam khác, độc lập với phương hướng của các nhà nghiên cứu đi trước xem nó là khẳng định hay phủ định chế độ phong kiến, yêu nước hay nhân đạo, hiện thực hay không hiện thực... Hình dung quá trình từ A sang B như vậy không chỉ phải xác định A - điểm xuất phát - là gì mà cũng phải hình dung con đường từ A sang B với những nẻo đường khác nhau. Có một điểm kết thúc của A, một điểm bắt đầu của B. Chọn điểm B thì tương đối dễ. Đó là lúc tiểu thuyết, kịch nói và thơ mới chiến thắng tức là vào quãng 1925 đến 1932. Nhưng điểm kết thúc của A - tùy thuộc vào cách hình dung A là thế nào - thì phải làm sáng tỏ không ít điểm quan trọng. Nói từ A sang B thì có cái A và cái B khác nhau, không thể lẫn lộn với nhau.
Nhưng trong quá trình chuyển hóa, thay thế nhau có lúc có cái là vừa A, vừa B, có cái là không A, không B. Và đến khi B đã tự khẳng định, thì những yếu tố của cái A đã bị phủ định, có cái mất đi, nhưng cũng có cái vẫn tồn tại, thậm chí chính những yếu tố đó lại là tiền đề, là cơ sở cho cái mới (tức cái B)có thể ra đời và tồn tại, phát triển.
Nếu hiểu A là văn học do nhà nho viết và viết theo quan niệm văn học Nho giáo, là văn thơ, phú lục, là văn học Đông Á... thì cũng cần làm sáng tỏ quan hệ giữa văn hóa và văn học giữa Việt Nam và Trung Quốc, quan hệ giữa Nho giáo với Phật giáo, tư tưởng Lão - Trang, nhà nho Việt Nam với tư cách là tác giả văn học, sự khác nhau không phải là ít trong thực tế và lịch sử giữa các nước Đông Á...
Hãy chưa nói đến các nhà sư đời Lý - Trần mà tính các nhà nho từ Chu Văn An, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm cho đến Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, cho đến Nguyễn Thượng Hiền, Phan Bội Châu, Tản Đà và cả Ngô Tất Tố nữa... Họ đều là nhà nho, nhưng họ thật khác nhau biết bao! Nói văn thơ, phú lục, nhưng ngoài ra còn có ngâm khúc, truyện nôm và hát nói, chưa kể là cũng khó có thể coi thơ Hồ Xuân Hương, Tú Xương hay Tản Đà là cùng loại dầu đó đều là tứ tuyệt, là thất ngôn.
Nói gián đoạn cũng không thể hiểu là tuyệt đối không liên tục. Nói gia nhập vào quỹ đạo chung của thế giới cũng không phải không kèm theo một xu thế tự biệt dị.
Cho nên để biểu đạt "tính giao thời" của văn học Việt Nam từ 1900 đến 1930, chúng tôi tập trung sự chú ý vào các điểm chuyển tiếp, các khâu trung gian, vào cung cách ra đời của cái mới, nhất là kịch và tiểu thuyết. Đó là phương hướng biên soạn cơ bản của giáo trình VĂN HỌC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN GIAO THỜI 1900-1930 (1) Và để thuyết minh rõ hơn sự lựa chọn phương hướng trên là một số bài báo và giáo trình chuyên đề NHO GIÁO, NHÀ NHO VÀ VĂN HỌC (2) do chúng tôi giảng dạy từ 1964 ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, trường viết văn Nguyễn Du và nhiều lớp nghiên cứu văn học khác.
Đi theo hướng nghiên cứu như vậy, chúng tôi phải khảo sát văn học trước giai đoạn giao thời, văn học do nhà nho viết, viết theo quan niệm văn học Nho giáo, nghiên cứu những tác giả, những thời điểm, những vùng đặc biệt "có vấn đề" nhằm xác định cái A khi bước vào thời đại mới, bước vào giai đoạn giao thời là gì.
Những bài viết tập hợp trong cuốn NHO GIÁO VÀ VĂN HỌC TRUNG CẬN ĐẠI VIỆT NAM này chính là một phần kết quả của công việc tìm tòi đó.
Các bài không phải được viết theo kế hoạch, đề cương dự định trước. Một phần rất lớn là viết theo nhu cầu của các cuộc hội thảo khoa học của rất nhiều cơ quan khác nhau trong quãng thời gian có đến hai mươi năm. Cho nên thứ tự trước sau, độ dài ngắn, vấn đề được đề cập nông sâu tùy thuộc vào thực tế của hoàn cảnh khi viết. Chỉ có phương hướng bao giờ cũng là nhất quán, cũng là kiên định.
Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu đối tượng từ Nguyễn Trãi. Trước Nguyễn Trãi vào cuối thế kỷ XIV đã có các nhà nho làm văn thơ phú lục như Chu Văn An, Trương Hán Siêu, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh... Nhưng đến Nguyễn Trãi - và qua nhiều mặt hoạt động của Nguyễn Trãi - Nho giáo mới được thể chế hóa trong chính trị xã hội và văn hóa Việt Nam, mở đường cho việc đưa Nho giáo lên địa vị chính thống. Hơn nữa Nguyễn Trãi là người viết nhiều, còn để lại nhiều tác phẩm đủ thể loại. Nguyễn Trãi, về mặt lịch sử là một nhà nho quá đặc sắc, sự nghiệp quá rộng lớn, ít người có thể so sánh, nhưng về mặt văn học thì lại là một nhà nho - nghệ sĩ hết sức tiêu biểu. Muốn hiểu Nho giáo, nhà nho, văn học nhà nho - với đặc sắc Việt Nam của nó - thì có lẽ ít có gương mặt nào tiêu biểu hơn Nguyễn Trãi.
Sự phát triển của văn học Việt Nam sau Nguyễn Trãi, nhất là từ thế kỳ XVII đến XIX cũng là văn học do các nhà nho viết, viết theo quan niệm Nho giáo, nhưng chứa đựng nhiều cái khác trước. Có những nhân tố rất quyết định chi phối sự thay đổi mà quan trọng nhất là sự thích ứng với thực tế chính trị - kinh tế - xã hội, là tác động của văn học dân gian đã phát triển cao hơn. Nhưng để tập trung sự khảo sát theo phương hướng đã định, chúng tôi cũng gác sang một bên cả những mặt quan trọng đó, chỉ dùng chúng để kiểm tra, để tham khảo.
Để hiểu rõ hơn nhà nho Việt Nam - với tư cách là người viết văn chương - chúng tôi thấy cần phải đánh giá sự tiếp xúc của họ với Nho giáo và văn học Trung Quốc. Không chỉ là với những cái có trong Kinh, Truyện, Sử Tử mà cả những cái có sau thời Đường Tống, thời phát triển của từ khúc, ca bản, kịch, tiểu thuyết, sự giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc xảy ra bằng sự tiếp xúc với cái đương đại. Đồng thời cũng phải lưu ý đến tình hình phát triển không đồng đều của các vùng đất nước, sự hình thành chậm, sớm của các vùng văn vật, sự đóng góp khác nhau của các vùng văn vật mới, cũ, Bắc, Nam vào tiến trình phát triển văn học dân tộc. Có lẽ nên xem xét tuồng của vùng Thuận Quảng, truyện nôm của Nguyễn Đình Chiểu một cách khác chứ không nên nhìn là nhất thể với tuồng miền Bắc, với truyện nôm thế kỷ XVIII-XIX ở miền Bắc (tôi không nói với ý nghĩa so sánh giá trị nghệ thuật mà với ý nghĩa tìm trong đó nội dung lịch sử, và truyền thống văn hóa).
Suốt trong thời gian tồn tại - ít ra là từ khi khoa cử thành một thể chế - các nhà nho ai cũng coi viết văn - văn thơ phú lục - là công việc của mình. Nhưng cũng không nên nghĩ những nhà nho viết văn đó cũng là những "thi sĩ", "văn sĩ" tức là những nghệ sĩ như ta hiểu ngày nay. Tất nhiên cũng không phải không có ai thuộc loại nghệ sĩ như vậy. Có những lúc, với những điều kiện nào đó của cuộc sống, có một số người đã vượt ra ngoài ranh giới chính thống của quan niệm văn học Nho giáo, ngoài cả Nho giáo nữa, viết những cái mà lúc đó không ai chấp nhận là văn chương. Họ tìm đến những cái đẹp khác không chỉ là đạo lý và từ táo. Nho giáo vốn gắn bó với thể chế chính trị - xã hội chuyên chế phương Đông, với cuộc sống nông thôn và cung đình. Khi đô thị phát triển, các tầng lớp thị dân thành đông đảo - một điều kiện không dễ có trong cơ chế chuyên chế - tạo ra được một công chúng văn học, một đội ngũ tác giả, một đời sống văn học bên lề của cuộc sống nông thôn - cung đình, thì loại văn học phi chính thống như vậy mới có đất sống. Viết thứ văn học phi chính thống đó cho đám thị dân cũng là các nhà nho, nhưng là những nhà nho ít nhiều "ly Kinh, bội Đạo". Cho nên không nên hiểu nhà nho chỉ là những người học chữ Hán, đọc sách thánh hiền, giữ đạo tam cương ngũ thường... mà còn phải nhìn nó như một tầng lớp xã hội, một đội ngũ có nhiều loại hình. Chúng tôi chia nhà nho - chỉ kể trong phạm vi sáng tác văn học - ra làm ba loại: nhà nho hành đạo, nhà nho ẩn dật và nhà nho tài tử. Nhà nho hành đạo không phải là tất cả những người thi đỗ, làm quan; nhà nho ẩn dật không phải tất cả các ẩn sĩ, nhất là không phải những người chủ trương thoát tục; Còn nhà nho tài tứ thì còn cần đến một thuyết minh phức tạp hơn; không nên lầm lẫn với khái niệm "tài tử" thường dùng mà cũng không đồng nghĩa với khái niệm "tài tử" mà Kim Thánh Thán dùng để đánh giá một số tác phẩm văn học Trung Quốc(3). Việc phân loại ba mẫu hình nhà nho là một điểm xuất phát quan trọng để chúng tôi định hướng trong việc tìm khâu trung gian, hình thức chuyển hóa và các thời điểm trong giai đoạn giao thời (4).
Nhiều bài được lựa chọn in vào tập sách này trước đây cũng đã công bố trên các tạp chí và in vào các kỷ yếu, các sách. Nhưng thường là vì lý do in ấn nên bị cắt xén, sửa lại đầu đề. Không ít trường hợp do đó bài thành "què cụt", nội dung thiếu rõ ràng, nhất là phương hướng nghiên cứu trình bày trong phần mở đầu, trong cách lập luận thường bị người biên tập coi là "dài dòng" có thể bớt nên ít khi được đăng tải trọn vẹn. Chưa kể vì các bài đăng tải nhiều nơi, nhiều lúc nên ít ai chú ý đến cả hệ thống.
Lần này được nhiều bạn bè cổ vũ, nhất là nhiều sinh viên cũ thúc giục, chúng tôi mới tập hợp lại để xuất bản.Viện nghiên cứu Đông Nam Á, trường viết văn Nguyễn Du, viện Văn học, Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh lại hết sức giúp đỡ cho cuốn sách ra đời nhằm cung cấp tài liệu cho sinh viên và các bạn nghiên cứu trẻ. Với một đối tượng như vậy, quan tâm hàng đầu, theo tôi nghĩ, không phải là ý kiến của tác giả đánh giá về một vấn đề cụ thể nào đó mà là cách nhìn, là phương hướng giải quyết các vấn đề văn học Việt Nam, chúng tôi lựa chọn cách sắp xếp các bài theo cách sau đây:
1/ In lại như nguyên tác, không sửa chữa. Những bài các tạp chí đã đăng trước đây, nếu có cắt xén thì nay in lại đúng bản gốc. Vấn đề không phải ở chỗ hay, dở, đúng, sai. Có đôi chỗ nếu ngày nay viết lại thì cũng có thể sẽ khác đôi chút. nhưng in lại nguyên văn thì mới phản ánh trung thực các suy nghĩ của tác giả theo phương hướng của mình vào thời điểm đó.
2/ Trình tự được sắp xếp lại, không theo thứ tự trước sau của việc viết hay công bố mà tập hợp thành những nhóm bài, nhằm làm cho người đọc tiếp cận dễ hơn với phương hướng suy nghĩ của tác giả.
Chúng tôi lựa chọn đưa vào tập sách 21 bài, có thể chia thành ba nhóm chính:
- Ba bài 1, 2, 3 có thể coi như là phần mở đầu, giới thiệu cách nhìn, giới thiệu phương hướng.
- Chín bài 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12 là phần khảo sát một số hiện tượng văn học, hoặc là tác giả, tác phẩm hoặc là vấn đề trong văn học Việt Nam từ thế kỷ XV đến XIX.
- Năm bài 12, 13, 14, 15, 16 thảo luận một số vấn đề về quan điểm lịch sử văn học vào thời gian cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỳ XX.
- Ba bài đánh số 13, 14, 15 viết về Phan Bội Châu và Tản Đà vốn là những phần viết trong giáo trình năm 1974, nhìn hai tác giả trong sự liên tục và chuyển hóa. Khi in thành giáo trình VĂN HỌC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN GIAO THỜI 1900-1930, vì phần trước năm 1900 và sau năm 1930 có đến hàng trăm trang, đưa vào sẽ là quá dài và có chỗ không hợp lý, nên chúng tôi cắt bỏ. Nhưng với nội dung Nho giáo hay nhà nho với văn học thì lại cần có. Do đó chúng tôi cũng đưa một phần vào coi như tiếp tục của nhóm bài thứ hai hay bổ sung cho nhóm bài thứ ba.
- Hai bài 16, 17 đề cập hai vấn đề quan trọng liên quan đến lý luận: dòng văn học yêu nước và chủ nghĩa hiện thực trong văn học trung cận đại Việt Nam.
- Hai bài đánh số 18, 19 có thể coi là kết luận mà cũng có thể coi là những đề nghị về nghiên cứu văn học Việt Nam trung cận đại.
Coi Nho giáo và nhà nho có ảnh hưởng lớn đến văn học Việt Nam thì nhiều người đã nói, đã viết. Vấn đề là ở cách hiểu Nho giáo, nhà nho và quan hệ giữa Nho giáo và nhà nho đến văn học không phải đều giống nhau. Tôi quan niệm Nho giáo gắn với chế độ chuyên chế phương Đông, gắn với cơ chế chính trị - xã hội tóm tắt là CHUYÊN CHẾ + LÀNG-HỌ + GIA ĐÌNH; vấn đề nhân bản, dân bản, con đường tìm tự do ở đây khác với phương Tây. Nho giáo gắn với cuộc sống nông thôn và cung đình, xung khắc với đô thị với thị dân như nước với lửa(5). Cho nên khi những đô thị, những tầng lớp thị dân - hình thành, ảnh hưởng đến văn học dẫn đến sự hình thành công chúng văn học, đời sống văn học và thị hiếu văn học đô thị, những yếu tố xa lạ mới gây ra những sự thay đổi cơ bản. Dưới chế độ chuyên chế phương Đông và sự độc tôn của Nho giáo, những yếu tố đô thị gặp những chướng ngại rất lớn, tuy đã ra đời nhưng tồn tại, phát triển rất khác ở phương Tây. Chúng tôi đề cập vấn đề nông thôn - đô thị đó trong nhiều bài khi bàn về sự ra đời của ngâm khúc, truyện thơ và hát nói, bàn về tuồng đường nước và tuồng đường bộ ở Quảng Nam, về thơ trào phúng, về văn chương Tản Đà. Chúng tôi đã nói đến màu sắc đô thị phương Đông trong mẫu "nhà nho tài tử". Những hình thức đô thị được gọi là kẻ chợ, là kinh kỳ hay thị tứ thì vẫn không có ý nghĩa của bourg như ở phương Tây. Nhà nho tài tử không phải là nghệ sĩ bourgeois. Bài "Tự lực văn đoàn nhìn từ góc độ tính liên tục của lịch sử, qua bước ngoặt hiện đại hóa trong lịch sử văn học phương Đông" đánh số 21 đưa vào tập sách bàn về văn học trung cận đại này có thể coi là một thứ "vĩ thanh" - dùng theo ngôn ngữ Tào Ngu trong cách kết cấu vở Lôi Vũ.
Trong cuốn sách, chúng tôi có đề cập đến nhiều tên tuổi, nhiều tác phẩm, nhiều hiện tượng văn học trung cận đại Việt Nam. Nhưng đây không phải là một bộ lịch sử văn học. Không phải vì lẽ còn có nhiều điều chưa được nói tới mà chính là vì tác giả không coi việc làm của mình là viết lịch sử văn học. Đây chỉ là những bài bàn về một số hiện tượng trong lịch sử văn học nhìn theo quan điểm cụ thể - lịch sử nhưng là từ một góc độ nhất định: ảnh hưởng Nho giáo và nhà nho đối với văn học và ảnh hưởng đó được nhìn tập trung vào quan niệm văn học. Thay đổi ít hay nhiều, chi tiết hay cơ bản ở chỗ đó mới là tiêu chí để tôi theo dõi, nhìn nhận sự diễn tiến của lịch sử văn học, để tìm con đường của văn học Việt Nam gia nhập vào văn học vùng Đông Á và sau đó, cùng với cả vùng gia nhập vào quỹ đạo văn học thế giới hiện đại. Nếu nó có ích cho sinh viên và những cán bộ nghiên cứu trẻ, như tôi vẫn mong muốn, thì không phải là ở những nhận định, những lời đánh giá hiện tượng này, hiện tượng khác mà ở cách nhìn, cách phát hiện từ một góc độ khác. Tôi nghĩ rằng phương hướng đó còn hứa hẹn nhiều phát hiện quan trọng hơn những điều tôi đã thu được.
Để cuốn sách ra đời được tôi chịu ơn rất nhiều những bè bạn đã cổ vũ tôi, những sinh viên cũ đã thúc giục tôi. Đặc biệt làm tôi xúc động là có những người tự coi là học trò mà chưa bao giờ đến nghe những giờ giảng của tôi cả. Chúng tôi cũng xin cám ơn Viện nghiên cứu Đông Nam Á, khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Viện văn học, trường viết văn Nguyễn Du, Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin đã giúp đỡ tôi rất nhiều để cuốn sách ra đời được.
Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 1991
TRẦN ĐÌNH HƯỢU




 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét