DÂN TRÍ VÀ DÂN KHÍ
Trần Đình Hượu
I – Trong
giới lãnh đạo và giới hiểu biết ở ta hiện nay thường nói đến “dân trí”, coi đó
là một giải pháp cơ bản để giải quyết tình hình. Cách nhìn nhận thực tế và hình
dung cách giải quyết tuy khác nhau, nhưng đều xuất phát từ một cơ sở thực tế .
Quy trách nhiệm cho “dân trí” và coi chìa khoá để giải quyết khó khăn là “khai
dân trí” cũng là chỗ được nhất trí rộng rãi.
Thực tế làm cơ sở cho những suy nghĩ đó là những khó khăn
chồng chất, là nhiều tệ nạn trong xã hội, là tình trạng nghèo nàn lạc hậu, là quãng cách xa vời
với các nước ... Làm mọi người sốt ruột nhất là sự khắc phục kém hiệu quả, là tốc
độ phát triển chậm chạp.
Phải chăng nguyên nhân là ở dân trí? Về mặt chiến lược lâu
dài thì dân trí quả là khâu quan trọng nhất . Nhưng liệu đó có phải là biện
pháp tình thế? Dân trí hay Dân khí?
II – Vấn đề Dân trí cũng được đặt ra một cách nóng bỏng đầu
thế kỷ này, do các nhà Nho duy tân, tiêu biểu nhất là Phan Bội Châu và Phan
Châu Trinh. Trong tình hình nước mất độc lập, dân sống khổ cực, nô lệ, nghèo
đói, dốt nát, rã rời bên cạnh các nước Âu Mỹ văn minh, bên cạnh Nhật Bản và
Trung Hoa bừng bừng khí thế cải cách đổi mới, các nhà Nho yêu nước của ta cũng
đề xướng duy tân để giành độc lập và theo kịp các nước văn minh. Chỗ vướng mắc
lớn các cụ cũng nhìn ra là Dân trí và biện pháp chìa khoá, các cụ cũng cho là
Dân trí. Bên cạnh Dân trí, các nhà Nho duy tân còn nói đến Dân khí, Dân sinh và
Dân quyền. Các nhà Nho yêu nước đã không thực hiện được những mục tiêu đã định.
Đến Hồ Chủ Tịch và Đảng Cộng sản Việt Nam mới thực hiện được các mơ ước độc
lập, dân chủ, mới thực hành các biện pháp mở mang dân trí, chấn hưng dân khí,
cải thiện dân sinh, thực hiện dân quyền. Không phải mọi việc đều đã đâu vào
đấy. Hai vấn đề Dân sinh, tức là phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân
dân, lo toan hạnh phúc cho nhân dân, và vấn đề dân quyền, tức là thực hiện
quyền tự do, dân chủ thì đã rõ. Chúng tôi cũng không định bàn ở đây. Chúng tôi
chỉ bàn về dân trí và dân khí. Hai khái niệm này có chỗ nhập vào nhau, khi giải
quyết hai vấn đề trong thực tế, nếu không phân biệt để dẫn đến bao quát một
phạm vi quá rộng, chọn giải pháp tình thế không thiết thực và biện pháp không
thích hợp.
Dân trí là nói về sự hiểu biết, từ chỗ không mù chữ đến mức
cao hơn là có tri thức về văn hoá, về khoa học kỹ thuật... Dân khí là nói về
tinh thần chung: nhất trí hay rã rời, theo đuổi mục đích chung hay mục đích
riêng, quan tâm đến người khác, hợp tác hay ích kỷ hại nhân... cả hai đều thuộc
văn hóa tinh thần, đều được nâng cao bằng giáo dục nhưng Dân trí thiên về tri
thức, học và biết; Dân khí thiên về phẩm đức, tu dưỡng rèn luyện để có ý thức.
Hai cái có liên quan đến nhau tuỳ thuộc vào trình độ dân trí cao hay thấp, vào
sự giáo dục tốt hay xấu. Nhưng cũng không phải hoàn toàn tương ứng; có khi dân
trí cao hiểu biết nhiều nhưng phẩm chất tinh thần vẫn không cao. Dân khí tuỳ
thuộc vào tư tưởng, vào lý tưởng cuộc sống.
Đầu thế kỷ này, sau khi thực dân Pháp chiếm được nước ta và
đặt xong nền thống trị thì đất nước rơi vào tình trạng đen tối nhất. Các nhà
Nho yêu nước đã nhìn ra nhược điểm của dân tộc và của chính mình , tức là của
chính caca nhà Nho – tầng lớp có vai trò hướng đạo tinh thần nhân dân. Họ đã đề
xuất khai dân trí, chấn dân khí. Chính quyền thực dân và phong kiến không để
cho họ làm được gì nhiều về khai dân trí. Nhưng các nhà duy tân đó, đặc biệt là
Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đã làm được rất nhiều về mặt chấn dân khí .
Phan Châu Trinh đã vạch không thương xót những chỗ yếu hèn của con người Việt
Nam, xã hội Việt Nam, làm cho mọi người thấy không thể cứ sống như thế được. Phan Bội Châu đưa mọi
người thoát khỏi tinh thần tự ty, sống cam chịu, trả lại cho người Việt Nam
lòng tự tin, tự hào dân tộc, sẵn sàng hy sinh cứu nước. Hai cụ Phan đã trực
tiếp bàn giao thành quả đó cho thế hệ kế tiếp, tức là những người cộng sản đầu
tiên.
Đảng Cộng sản từ khi thành lập đến làm Cách mạng tháng Tám,
xây dựng chế độ Dân chủ Cộng hòa thì bước ngay vào ba mươi năm kháng chiến. Nhà
nước cách mạng đã có nhiều chủ trương khai dân trí nhưng trong hoàn cảnh vừa
nói thì cũng chưa được nhiều. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đã làm được những
việc tuyệt vời về mặt chấn dân khí .
Những tư tưởng Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”, đoàn kết dân tộc và đoàn kết
quốc tế, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”... đi vào nhân dân và trở thành
khí thế của toàn dân tộc, không có gì có thể khuất phục nổi. Chưa bao giờ người
Việt Nam đạt đến nhân phẩm cao như vậy và cũng chưa bao giờ người Việt Nam tự
hào về cộng đồng của mình như trong những năm kháng chiến.Trong những năm cách mạng
và kháng chiến đó, chúng ta đã có dân khí cao chứ chưa có dân trí cao.Nếu không
nói đến thực tế dân khí cũng đã chuyển thành dân trí, thành sức mạnh vật chất
nữa, thì có thể nói chúng ta giành được thắng lợi bằng dân khí chứ chưa phải
bằng dân trí.
Phải chăng ngày nay chúng ta có thể nói chỉ bằng nâng cao
dân trí là chúng ta có thể vượt được mọi khó khăn, có thể cất cánh?
III – Sau đỉnh cao năm 1975 giành được độc lập và thống nhất
khí thế và phẩm chất dân tộc đạt đến cực thịnh thì tình thế chuyển biến. Hậu
quả nặng nề của 30 năm chiến tranh, thực trạng nghèo nàn lạc hậu và bị tàn phá
của cơ sở vật chất , sự tan rã của phe Xã hội Chủ nghĩa trên thế giới... Cùng
với những mặt tiêu cực của cách quản lý quan liêu bao cấp, với sự hủ hoá của
nhiều cán bộ cách mạng nắm được quyền hành thúc đẩy cả dân tộc đến một sự lựa
chọn: không thể không đổi mới. Những nét lớn của sự đổi mới là thực hiện khoán
trong nông nghiệp, cho phát triển năm thành phần kinh tế, mở rộng kinh tế thị
trường, mở cửa giao lưu rộng rãi với thế giới, kêu gọi nước ngoài đầu tư. Sự
thừa nhận cá nhân, kinh tế tư nhân và khuyến khích kinh doanh làm giàu cùng với
tâm trạng mất lòng tin, ham mê những cái mới phương xa đến (từ hàng hoá kỹ
thuật đến văn hoá tư tưởng) làm thay đổi khá lớn bộ mặt tinh thần và xu hướng
của một số rất đông người. Dân trí thì không khác, thậm chí có những mặt được
nâng cao hơn (ví dụ : hiểu biết về kinh doanh, quản lý, sử dụng kỹ thuật hiện
đại, quen với môi trường thế giới hơn). Nhưng dân khí thì ngược lại. Ngày nay
không nhiều người giữ được lòng tự hào dân tộc, phẩm chất anh hùng, vinh dự
được làm người Việt Nam ,
hy sinh vì sự nghiệp chung, hy sinh vì người khác...những phẩm chất một thời là
phổ biến, làm nền tảng cho dân khí. Vì những cái đó mà tuy dân trí chưa cao,
kinh tế lại rất thấp kém mà chúng ta vẫn chiến thắng, vẫn lập được nhiều kỳ
tích. Cho nên về chiến lược lâu dài, chúng ta cần phải mở mang dân trí mà về
biện pháp tình thế thì phải chấn hưng dân khí.
IV – Dân khí biểu hiện tinh thần chung, cao đẹp, phổ biến
của một cộng đồng, cộng đồng quốc gia, cộng đồng dân tộc. Khi cộng đồng có
việc, dân khí biểu hiện thành sự gắn bó, sự nhất trí, cá nhân đặt lợi ích riêng
dưới lợi ích chung. Chỉ khi các thành viên thấy một cách hiển nhiên có một mục
đích chung, một chính nghĩa, một lý tưởng mà lợi ích của mình phụ thuộc vào đó
thì họ mới cảm nhận được danh dự, lòng tự hào, ý thức trách nhiệm để sẵn sàng
hy sinh cho cộng đồng . Chấn hưng dân khí ở ta ngày nay không phải là dễ.
1. Không kể tình trạng mất lòng tin và những khó khăn của
đời sống thực tế. Một đổi thay rất cơ bản là chuyển hướng từ đấu tranh giành
độc lập thống nhất sang phát triển kinh tế. Những phương hướng lựa chọn sáng suốt
để đổi mới như kinh tế thị trường, khuyến khích làm giàu, chấp nhận cạnh tranh,
khẳng định cá nhân, kinh tế tư nhân... đều là những nhân tố làm tan rã sự gắn
bó, sự nhất trí. Xu thế đó là tất yếu nhưng không phải là không có cách tránh. Lịch
sử dần tộc đoàn kết, truyền thống làng – họ đùm bọc tương trợ nhau, nếp sống
kháng chiến vừa qua là những nhân tố thuận lợi ít có.
2. Dân trí gắn với dân tộc, quốc gia. Xu thế thời đại và môi
trường hoạt động ngày nay có tính thế giới. Với tư tưởng quốc gia hẹp hòi, dân
tộc hẹp hòi thì không thể hoà đồng được với cuộc sống. Phải có một cách kết hợp
quốc gia và quốc tế, nhà nước và xã hội, cá nhân và cộng đồng thì mới khơi dậy
được một dân khí thích hợp. Có đưa nội dung kinh doanh, làm ăn xoá đói giảm
nghèo , làm giàu, làm cho nước giàu nước mạnh lên thành một mục tiêu tập hợp ví
như đưa dân tộc cất cánh chẳng hạn thì mới có sức mạnh tập hợp chung như giành
độc lập tự do từng người mới thấy danh
dự, quyền lợi của mình phụ thuộc vào mục tiêu chung của cộng đồng.
3. Dân khí ngày nay cũng đòi hỏi người Việt Nam có những
phẩm chất khác trước, biểu hiện cách đặt lợi ích của cá nhân dưới lợi ích cộng
đồng khác trước. Tôi muốn dùng một từ khác: người Việt Nam cần phải có
một “bản lĩnh” trước tình hình đã thay đổi. Trước hết là tự giác thấy mình gắn
bó với dân tộc : đất nước có cất cánh được, có hoà nhập được vào đà phát triển
chung của thế giới thì mỗi người mới thật sự có khả năng hạnh phúc. Thứ hai là
có lòng tự trọng. Không phải tự ty mà cũng không phải là tự hào vô căn cứ, chỉ
lấy truyền thống anh hùng, quá khứ vinh quang mà không thấy được nhược điểm cố
hữu đang kìm bước chân tiến lên phía trước. Không biết tự trọng thì không biết
dừng lại trước những hành vi tàn bạo, đê hèn, dối trá khi làm thế thì kiếm được
lợi. Người tự trọng không bao giờ chịu sống bằng cách ngửa tay ăn xin, xu phụ
kẻ quyền thế, dửng dưng trước sự bất công.
Thứ ba là có trách nhiệm, dám làm và làm kỳ có kết quả. Vì
điều đó mà không cẩu thả, cầu an, chịu khó, chịu khổ. Người Việt Nam
giỏi chịu đựng nhưng lại dễ thoả mãn, ít dám phiêu lưu mạo hiểm, hay dừng lại
nửa chừng.
Dân khí không phải để thành gàn bướng mà để hành động có
hiệu quả. Bản lĩnh không chỉ là có tinh thần, phẩm chất đạo đức mà phải kể cả
trí tuệ, năng lực hành động...
Trở lại bàn vấn đề dân khí,
chúng ta cần phải thấm thía bài học của Phan Bội Châu, Phan Châu
Trinh và Hồ Chí Minh, ba nhân vật lớn
tiếp sức nhau chấn hưng dân khí nước ta để có thắng lợi ngày hôm nay. Cả ba đều
là những nhân cách lớn. Khai dân trí thì có lẽ cân đến những đầu óc uyên bác, một
đội ngũ trí thức giỏi. Còn chấn dân khí lại cần đến những con người “đặc biệt”
mà nhân cách có sức chinh phục, gây lòng tin cho mọi người. Có dân khí mới làm
cho dân trí phát huy được sức mạnh, đồng thời tránh được những chao đảo trước
hoàn cảnh hiện nay.
Trong hoàn cảnh đổi mới ngày nay chúng ta cũng gặp những vấn
đề tương tự như những vấn đề đầu thế kỷ. Chỉ có dân khí chắc chắn chưa phải là
đã tìm được phương thuốc bách bệnh. Cũng lại phải nhìn như các nhà Nho yêu nước
duy tân: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh và giành dân quyền.
19/5/1993
TRẦN
ĐÌNH HƯỢU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét