XIN TRỞ LẠI VẤN ĐỀ
SONG VIẾT
Nguyễn Tài Cẩn*
1/ Nửa thế kỉ đã trôi qua, nhiều
nhà nghiên cứu đã lên tiếng, nhưng hai chữ SONG VIẾT mãi đến nay vẫn đang còn
là 2 chữ X + Y đầy bí ẩn, chưa được giải mã. Hiện vẫn chưa có được sự nhất trí
hai chữ X + Y đó xưa dùng để ghi kết cấu hay những kết cấu cụ thể nào?
Cách đây 30 năm, trong Văn học số 2.1974 chúng tôi đã đưa ra một giả thuyết, đề nghị đọc
là RÔNG VÁT, với cái nghĩa có thể tóm tắt là VUI THÚ NGAO DU ("dong chơi,
thơ thẩn, nhàn tản, phóng túng"), suy từ cách hiểu trong từ điển Huỳnh Tịnh
Của (HTC). Nhưng nghĩa đó hình như chưa bao quát được tất cả mọi văn cảnh. Sau
1975 xem được các tài liệu trong Nam, chúng tôi lại tiếp thu bổ sung thêm một
cách hiểu mới nữa: với nghĩa là TÀI SẢN và với âm đọc đúng như âm mặt chữ là
SONG VIẾT. Nhưng SONG VIẾT không có trong từ
điển như RÔNG VÁT nên quá trình tiếp thu mặt nghĩa của nó cũng phải kèm
theo một quá trình khá dài tìm hiểu lai
lịch của mặt âm. Thành thử chỉ gần đây, trong Ngôn ngữ số 1.2003, chúng tôi mới có thể sơ bộ đề cập đến thế phân
phối bổ túc giữa 2 kết cấu mà chúng tôi đều đồng thời chấp nhận đó là X1 + Y1 =
RÔNG VÁT và X2 + Y2 = SONG VIẾT.
Bài đưa ra đã đượс một số đồng nghiệp để ý đến
ngay: Nguyễn Đức Dương (ở Ngôn ngữ & Đời sống, số 7.2003), Cao Xuân Hạo
(ở Hồn Việt tháng 1.2004), Nguyễn Thị
Oanh (ở Văn học số 7.2003) và Nguyễn
Quảng Tuân (ở Hồn Việt, tháng
5.2004). Ở bốn đồng nghiệp chúng tôi thấy
ít nhiều đều có một sự phê phán hoặc tối thiểu là một sự nghi ngờ nào đó đối với điểm này hay điểm nọ trong cách hiểu của
chúng tôi.Vì vậy chúng tôi xin phép được trở lại vấn đề để có thể có thêm một
đôi lời trao đổi lại.
2/ Trước hết xin nói về hai bài có đề xuất cách đọc mới: bài về HÔM SỚM của
Nguyễn Thị Oanh và bài về SONG NHẶT của Nguyễn Quảng Tuân. Bài của chị Oanh viết
rất công phu nhưng không thuyết phục được chúng tôi vì hai lẽ:
a)
Cách đọc HÔM SỚM chỉ có thể tạm chấp nhận được – theo ý chúng tôi – trong khoảng 10 trường
hợp ; trong các trường hợp còn lại, nếu chấp nhận thì hoặc có sự gượng
ép về mặt tứ thơ (như ở 4 bài Ngư, Tiều,
Canh, Mục), hoặc có sự thiếu ăn khớp trong thế biền ngẫu như dùng HÔM SỚM để đối
lại HÔM DAO, HÔM MAI (trùng chữ HÔM !) hay đối lại ĐÔI CO, NẾT NA khác từ loại !) ;
b)
Hơn nữa, đọc SONG VIẾT thành HÔM SỚM là chấp nhận có một sự sơ ý, sai sót
trong tự dạng của cách ghi: không lẽ ở
hơn 20 trường hợp thuộc nhiều tác giả khác nhau lại ở những thời đại khá xa cách nhau mà hễ cứ đến hai chữ
HÔM SỚM là đồng loạt có sự sơ ý ngẫu
nhiên viết sai thành SONG VIẾT, nhất luật sai cùng một kiểu sai như nhau
! Đó là một điều khó có thể tin được về
mặt văn bản học.
3/ Bài
anh Tuân có một sự đóng góp rất quí: đó là cung cấp thêm một cứ liệu mới -
bài CỬA ĐẠT của Bùi Xương Tự
(1656-1728). Nhưng cách đọc SONG NHẶT mà Anh chấp nhận vẫn là một cách đọc khó lòng mở rộng phạm
vi ra toàn bộ các văn cảnh được. Nói
chung đó là một kết cấu ½ Hán (SONG) ½Nôm (NHẶT) nên đọc lên khó được
nhiều người đồng tình. Vả lại, đó là một
kết cấu:
- không
thể chuyển loại thành danh từ để có thể đối lại được với HÔM CHIỀU, HÔM MAI, CỬA
NHÀ ;
- không
có mô hình của một từ ghép láy nghĩa để có thể đối lại được với 3 trường hợp
trên đây cũng như để đối lại với NẾT NA ;
Thêm
vào đó, khả năng chuyển nghĩa của kết cấu tác giả lại mở rộng ra một cách quá dễ dãi, thiếu một nguyên tắc ngôn ngữ học cần
thiết, nên nhiều khi đã đưa đến những chủ trương khá lạ lùng, như cho rằng từ nghĩa gốc ĐỀU NHẶT
CẢ HAI có thể hiểu thành nghĩa phái sinh là TÀI SẢN, CỦA CẢI chẳng hạn.
4/
Những điểm anh Tuân phê bình chúng tôi như
"phiên Nôm không chính xác" hoặc "RÔNG VÁT không thể có nhiều
nghĩa như đã nghĩ" cũng đều trái với những tư liệu mà chúng tôi hiện có.
Chữ Nôm thường có nhiều cách viết, lối ghi RONG, RÔNG bằng thanh phù LONG không
phải là lối ghi duy nhất phải chấp nhận: xin xem từ điển N.Q. XỸ & V.V. Kính chẳng hạn. Ngay
cách đọc SONG thành RÔNG mà chúng tôi tán thành cũng đã được T.V.Kiệm chấp nhận
và thu thập vào từ điển. Mà chấp nhận là phải vì trong các văn bản xưa đã từng
có những ví dụ như thế. Chẳng hạn ở tiếng Hán có thành ngữ TẪN KÊ TY THẦN nói về
chuyện “Gà mái báo tin sáng mai, một chuyện được coi là điềm gỡ" (Hán Việt
Từ Điển - Đ.D.Anh): thành ngữ ấy đã được Chỉ
nam ngọc âm biến thành câu thơ TẪN KÊ GÀ CÁI BÁO RÔNG, với chữ RÔNG ghi bằng SONG !
5/ Còn
cứ liệu chứng thựcvề tính đa nghĩa của kết cấu RÔNG VÁT thì chúng tôi có hồ sơ
như sau:
a) RÔNG
còn có 3 biến thể RONG, DÔNG, GIONG ; và VÁT còn có biến thể VÁC. RÔNG VÁT,
RONG VÁT, GIONG VÁC được đưa ra định nghĩa, như 3 mục từ. Riêng DÔNG VÁT, RÔNG VÁC và 6 lần RÔNG VÁT còn được dùng
để giải thích cả những từ đồng nghĩa khác nữa.
b) nghĩa
của RONG, RÔNG là "xuôi giòng" (gốc Thái là /long/) ; không phải là
RÔNG với nghĩa là "nước lớn". Nghĩa của VÁT là "ngược gió"
(theo HTC là "chạy gió ngược, xiên xiên lá buồm" ; theo Génibrel, là louvoyer) [1].Vậy VÁT khác với
BÁT trong CẠY BÁT, vì khi cho thuyền ĐI
VÁT có thể - tùy lúc - dùng động tác BÁT thuyền sang bên phải hay dùng cả
động tác CẠY thuyền sang bên trái.
c) Nghĩa
chính của RÔNG VÁT là "lang thang xuôi ngược". Nghĩa chính đó đã được
HTC diễn đạt là "Đi chỗ này chạy chỗ
kia, không yên một chỗ". Nhưng ngoài ra, RÔNG VÁT còn được coi là đồng
nghĩa với khá nhiều cách hiểu cụ thể và chi tiết khác nữa:
1/ RÔNG VÁT /RÔNG VÁC = dạo
chơi, đi rểu, rểu qua rểu lại ;
2/ RÔNG VÁT = chơi nhởi, hứng vui, không làm
công chuyện, theo cuộc vui chơi ;
3/ RÔNG VÁT
/ DÔNG VÁT =
xàng xê, đi bá vơ, bậy bạ, vất mả
;
4/
RÔNG VÁT /DÔNG VÁT = vất vơ, bơ vơ, ngơ ngáo, không ai nhìn biết tới
; dông dài, rông rổi, lưu linh.
(Tra các chữ DẠO, RỂU, XÀNG, CHƠI, VƠ, DÔNG).
6/
Năm 1974 chúng tôi
chỉ phân tích cái ý VUI THÚ NGAO DU thành các khía cạnh "dong chơi, thơ thẩn,
nhàn tản, phóng túng" rồi để cho bạn đọc tự định đoạt. Năm 2003 chúng tôi
bổ sung những điểm điều tra сòn thiếu sót và vạch ra 3 quá trình đưa từ nghĩa gốc
trung tính đến các nghĩa biểu cảm phái
sinh, 3 quá trình đó có thể tóm tắt
thành đại để như sau:
- LANG THANG XUÔI NGƯỢC →
VUI THÚ NGAO DU ;
- LANG THANG XUÔI NGƯỢC →
CHƠI BỜI ĐÀNG ĐIẾM ;
-
Và LANG THANG XUÔI NGƯỢC → PHIÊU BẠT VẤT VƯỞNG.
Nhưng
trong bài năm 2003, sự giải thích còn vận dụng lối suy luận hơi chung chung,
chưa thật dựa vào những ngữ liệu cụ thể, nên có thể còn có những chi tiết không
đủ rõ hay thiếu chính xác, cần phải điều chỉnh.Vậy nay xin bám vào từ điển để
nói tỉ mỉ hơn về cơ sở ngữ nghĩa của 3 trường hợp phái sinh ấy:
a) Trường
hợp 1: RÔNG VÁT tương đương với CHƠI NHỞI mà CHƠI NHỞI thì lại tương đương với
"hứng vui", "không làm
công chuyện", "theo cuộc vui chơi".Vậy RÔNG VÁT có thể hiểu là
CHƠI NHỞI mà cũng có thể hiểu là HỨNG THÚ, VUI THÚ, NHÀN TẢN, NGAO DU; Và nghĩa đại diện có thể chọn
là VUI THÚ ;
b) Trường
hợp 2: RÔNG VÁT tương đương với XÀNG XÊ, VẤT MA, mà VẤT MÃ lại dùng để giải thích cho HOANG ĐÀNG (tra chữ
ĐÀNG). Từ điển Génibrel giải thích XÀNG
XÊ là "có những quan hệ đáng ngờ" (avoir des relations
suspectes), VẤT MÃ là "dâm đãng" (crapuleux), và HOANG ĐÀNG là
"hư hỏng, du thủ du thực, lông bông, phóng túng" (dépravé, débauché,
vagabond, libertin) ; vậy nói ĐI RÔNG VÁT cũng là nói đi đây đi đó, nhưng đi để
CHƠI BỜI, ĐÀNG ĐIẾM. Chữ libertin, từ điển Pháp-Việt của Đ.V.Tập vừa cho nghĩa
PHÓNG ĐÃNG, PHÓNG DẬT, vừa cho thêm nghĩa NGANG TÀNG, PHÓNG TÚNG: đây cũng là một
điểm cần lưu ý.
c) Trường
hợp 3: RÔNG VÁT thậm chí cũng сòn có thể có cả nghĩa là VẤT VƠ VẤT VƯỞNG, PHIÊU BẠT,CƠ CỰC vì RÔNG VÁT tương
đương gián tiếp với VẤT VƠ, và trực tiếp
với DÔNG DÀI, RÔNG RỔI, LƯU LINH, mà ở từ điển tiếng Việt (HP) VẤT VƠ được coi
như VẤT VƯỞNG ; ở từ điển Génibrel, RÔNG RỔI được giảng là "phiêu bạt,
không nhà không cửa, vô gia cư"
(errant, sans feu ni lieu) ; còn ở Tự vị Annam-Latinh DÔNG DÀI được giảng là LANG THANG và LƯU LINH lại được
giảng là CẦU BƠ CẦU BẤT (tra chữ LINH).
Rõ
ràng nếu cứ chịu khó theo dõi thật tỉ mỉ các bước định nghĩa theo lối dây chuyền
như trên thì chúng ta sẽ đang còn có thể
phát hiện thêm được khá nhiều sắc thái ý nghĩa khá tế nhị khác nữa (xin xem lại bài năm 1974). Nhưng -
như trong bài đó đã có gợi ý sơ qua - nói đến
các nhà thơ xưa mà nói CHƠI BỜI ĐÀNG ĐIẾM thì chắc sẽ có phần không phù
hợp.Vậy trước mắt chỉ xin giữ lại 2
nghĩa để đưa vào trắc nghiệm ở các văn cảnh cụ thể: đó là 2 nghĩa RÔNG VÁT =
VUI THÚ ; và RÔNG VÁT = VẤT VƯỞNG.
7/ Hai
bài của hai anh Cao Xuân Hạo, Nguyễn Đức Dương thì lại đặt ra một yêu cầu
khác hẳn: đó là dùng phương pháp kiểm
tra bằng văn cảnh, xét xem thử kết cấu RÔNG VÁT
và kết cấu SONG VIẾT bên nào hợp với văn cảnh nào, trong số hơn 20 câu hiện biết.
Anh
Cao Xuân Hạo có phê bình một lối diễn đạt thiếu chính xác của chúng tôi và nêu
lập luận rằng trong văn chương, lặp lại
3 lần một ý- hay một từ - như nhấn đi nhấn lại CỦA CẢI …CỦA CẢI...CỦA CẢI là một
điều hoàn toàn có thể chấp nhận được. Quả đúng như vậy, nếu chỉ nghĩ đơn thuần
đến mặt khả năng lí thuyết ! Nhưng ở mấy câu thơ của bài Tiều (và bài Canh) dưới đây, chúng tôi vẫn
tin rằng không có chuyện lặp lại đó. Xin so sánh 4 đoạn mở đầu bốn bài Ngư, Tiều, Canh, Mục trong Thơ
văn Lê Thánh Tôn (Nhà xuất bản KHXH, Hà Nội, 1986:
1-
NGƯ :
Một con thuyền mọn một
thằng chài
THONG THẢ (LƠ LẢNG )
nào hay tháng tiểu đài
2-
TIỀU :
DỌC NGANG ( NGHÊNH
NGANG) dặm liễu một con rìu
X + Y ai bằng
X + Y tiều
Một góc (đôi bó) yên hà là CỦA CẢI
3-
CANH :
Một cày, một cuốc phận
đà đành
X + Y
ai bằng X + Y canh
4-
MỤC :
Năm ba bầu bạn (đồng
tử) họp nhau CHƠI
Riêng THÚ yên hà mặc
THẢNH THƠI
(Nội cỏ rừng đào được THÚ
VUI )
Bốn bài tạo thành một hệ thống: xưa cả 4 bài thường
đặt dưới một cái tên đề mục chung là đề mục TỨ THÚ. Và hai câu mở đầu của mỗi
bài thường có nhiệm vụ phải đề cập xa gần đến
đề mục TỨ THÚ đó.
Nếu cho kết
cấu X + Y ở bài Tiều, bài Canh là SONG VIẾT ( = TÀI SẢN ) thì phá vỡ hệ thống vì không còn ăn khớp với đề mục chung
và với hai bài Ngư, Mục. Trái lại nếu cho X + Y là RÔNG VÁT (= VUI THÚ ) thì tình hình sẽ khác hẳn: các từ ngữ
THONG THẢ (LƠ LÃNG) ở bài 1 và CHƠI, THÚ
…THẢNH THƠI (hoặc ĐƯỢC THÚ VUI) ở bài 4 hoàn toàn phù hợp với RÔNG VÁT trong
hai câu thừa bài 2, bài 3. Và cả 4 câu thừa cũng hoàn toàn phù hợp với đề mục TỨ
THÚ. Thêm vào đó, mấy chữ DỌC NGANG (NGHÊNH
NGANG) trong câu 1 bài Tiều lại
càng ăn khớp hơn nữa với cái tứ VUI THÚ NGAO DU của câu 2.
Về
sau các quan đại thần có đặt thêm một bài NGƯ và một bài MỤC có thừa đề bắt chước
theo đúng 2 bài Tiều, Canh của L.T.Tôn: ở 2 bài mới thêm này chắc hẳn X + Y
cũng phải có nghĩa là VUI THÚ. Lại còn 3 bài họa nữa về đề mục NGƯ và 1bài về Hằng
nga nguyệt cũng dùng kết cấu X + Y: chắc
các quan muốn vui lòng vua nên dùng lại 2 chữ RÔNG VÁT mà vua hiểu là VUI THÚ
đó (Hồng Đức Q.Â.T.T.).
8/ Trắc
nghiệm bằng cách đặt nghĩa của từ vào văn cảnh để xét là một thủ thuật khá
quen thuộc. Thủ thuật đó khá thuận tiện
và khá khách quan. Nhưng phải cân nhắc thật cẩn thận, nhất là trong vấn đề của
chúng ta. Anh Cao Xuân Hạo chọn một bên là SONG VIẾT cùng 2 nghĩa của nó là TƯ
NGHIỆP, TÀI SẢN và một bên là RÔNG VÁT kèm thêm 2 nghĩa CHƠI NHỞI, CƠ CỰC và đem chúng thay vào kết cấu X
+ Y trong 20 câu để xem thử thế nào? Bề ngoài trông rất khách quan vì không
thiên vị bên nào! Nhưng xét kĩ thực tế thì thấy có điều chưa thực ổn, chúng ta cần phải cải tiến lại
cách trắc nghiệm vừa nói đó. SONG VIẾT đơn giản, chọn 2 nghĩa là thừa ; RÔNG
VÁT đa nghĩa chọn 2 nghĩa là thiếu! Mà trong nghiên cứu phải xét đủ các nghĩa có thể có! Vả lại,
nếu muốn chọn hai nghĩa đại diện cho RÔNG VÁT thì, như đã nói, chọn VUI THÚ và VẤT VUỞNG chắc có phần hợp lí hơn nhiều!
Vậy nay xin cải tiến bảng trắc nghiệm của
anh thành bảng trắc nghiệm như sau để bạn đọc cân nhắc chọn lựa:
1a/ − VUI THÚ ai bằng VUI THÚ tiều (L.Th.Tông)
b/− TÀI SẢN ai bằng TÀI SẢN tiều
2a/− VUI THÚ ai bằng VUI THÚ canh (L.Th.Tông)
b/− TÀI SẢN ai bằng TÀI SẢN canh
3a/− VUI THÚ ai bằng VUI THÚ ngư (Hồng Đức)
b/− TÀI SẢN ai bằng TÀI SẢN ngư
4a/− VUI THÚ ai bằng VUI THÚ mục (H. Đức)
b/− TÀI SẢN ai bằng TÀI SẢN mục
5a/ − Bốn mùa VUI THÚ một thuyền chài (H. Đức)
b/− Bốn mùa TÀI SẢN một thuyền chài
6a/− Phong nguyệt ít nhiều VUI THÚ đủ (H. Đức)
b/− Phong nguyệt ít nhiều TÀI SẢN đủ
7a/− Ngư hà VUI THÚ ngày hằng đủ (H. Đức)
b/− Ngư hà TÀI SẢN ngày hằng đủ
8a/− Năm hồ những lấylàm VUI THÚ (H. Đức)
b/− Năm hồ những lấy làm TÀI SẢN
9a/− VUI THÚ huống còn non nước cũ (Nguyễn Trãi)
b/− TÀI SẢN huống còn non nước cũ
10a/- VUI THÚ có nhiều, dân có khó (Ng.Trãi)
b/- TÀI SẢN có nhiều dân có khó
11a/- VUI THÚ lại toan nào của tích (Ng.Trãi)
b/- TÀI SẢN lại toan nào của tích
12a/- VUI THÚ bao nhiêu mặc bấy nhiêu (Ng. Trãi)
b/- TÀI SẢN bao nhiêu mặc bấy nhiêu
13a/- Đèn sách nhàn làm VUI THÚ Nho (Ng. Trãi)
b/- Đèn sách nhàn làm TÀI SẢN Nho
14a/- VUI THÚ hằng lề phiến sách cũ (Ng. Trãi)
b/- TÀI SẢN hằng lề phiến sách cũ
15a/- Khách đến hỏi nào VUI THÚ nữa (Nguyễn
B. Khiêm)
b/- Khách đến hỏi nào TÀI SẢN nữa
16a/- VUI THÚ hãy còn hai rặng quít (Ng.B. Khiêm)
b/- TÀI SẢN hãy còn hai rặng quít
17a/− VẤT VƯỞNG chớ rằng đã ngặt (Ng.B. Khiêm )
b/− TÀI SẢN chớ rằng đã ngặt
18a/− Mựa hiềm VẤT VƯỞNG nhà còn ngặt (Ng. Trãi)
b/− Mựa hiềm TÀI SẢN nhà còn ngặt
19a/− Con cháu chớ hiềm VẤT VƯỞNG tiện (Ng.Trãi)
b/− Con cháu chớ hiềm TÀI SẢN tiện
20a/− Con cháu mựa hiềm VẤT VƯỞNG ngặt (Ng.Trãi)
b/− Con cháu mựa hiềm TÀI SẢN ngặt
9/ Khi
làm trắc nghiệm anh Cao Xuân. Hạo để cho độc giả tự rút kết luận ; Anh Nguyễn Đức
Dương thì có nêu ý kiến riêng của mình. Anh Dương nghiêng về SONG VIẾT nhưng
cũng đồng ý rằng quả có những trường hợp
đáng nghi ngờ. Thế là rõ: phải chấp nhận đồng thời cả 2 kết cấu, dầu giữa hai bên có sự phân phối bổ túc theo
tỷ lệ như thế nào: 1/19, 2/18 hay 10/10 v.v. Theo ý chúng tôi không thể chỉ đưa ra cân nhắc một
cách sơ sài giữa SONG VIẾT và RÔNG VÁT mà còn cần phải cân nhắc một cách thật tỉ
mỉ giữa tất cả các nghĩa của RÔNG VÁT nữa! Có
thế chúng ta mới mong có ngày có thể hiểu đúng được các câu thơ hiện
đang tồn nghi. Khi cân nhắc nhất định phải
nghĩ đến mặt ngữ pháp. Nhưng nên nhớ rằng ngữ pháp trong thơ, nhất là trong thơ
cổ, không phải bao giờ cũng nhất định phải hoàn toàn giống như ngữ pháp chúng ta chấp nhận hiện nay. Ranh giới giữa
các từ loại rất uyển chuyển, các vị từ như VUI
THÚ, NHÀN TẢN, PHÓNG KHOÁNG v.v. rất dễ dàng danh từ hóa. Cú pháp trong
thơ rất thường linh động, vượt ra ngoài khuôn mẫu quen thuộc, có thế mới cho
phép Nguyễn Du viết được những câu hơi
lạ như MỘT HAI NGHIÊNG NƯỚC NGHIÊNG thành hoặc ĐÃ không DUYÊN TRƯỚC CHĂNG THÀ! Ở địa hạt từ tổ cũng vậy:
Huy Cận không chọn CAO CHÓT VÓT, SÂU
THĂM THẲM như thường lệ mà chọn SÂU CHÓT VÓT!
Thêm
một điều nữa là phải lưu ý đến tứ thơ chung: xét một từ phải nghĩ đến toàn
câu, nghĩ đến toàn bài, thậm chí có khi
còn cần phải nghĩ đến toàn cụm những bài cùng chung một đề mục. Cùng một từ tổ TA VỚI TA nhưng nghĩa
của nó có thể thay đổi khi đi từ văn cảnh
này sang văn cảnh khác, so sánh:
Một mảnh tình riêng TA VỚI TA
và: Bác
đến chơi đây TA VỚI TA
Anh
C.X. Hạo có ngạc nhiên vì sao chúng tôi hiểu câu của Cụ Nguyễn Hằng X+ Y
AI BẰNG X+Y TA hơi khác với những câu thừa
đề cùng mô hình trong 4 bài NGƯ, TIỀU,
CANH, MỤC. Xin thưa: vì chúng tôi xét đến toàn
bài, thấy tinh thần bài của Cụ Nguyễn Hằng
có khác 4 bài TỨ THÚ. Dầu chọn X+Y là TÀI SẢN, CỦA CẢI, TƯ NGHIỆP (=SONG VIẾT) hay là VUI THÚ, VẤT VƯỞNG, PHÓNG
KHOÁNG (=RÔNG VÁT) thì bài của Cụ Nguyễn Hằng vẫn có khía cạnh tự hào một cách
trào lộng, hay tự trào một cách đầy tự hào, nghĩa là vừa tự
trào vừa tự hào: tự trào về chuyện một vị 39 tuổi đỗ đăng khoa mà tiếp
đãi khách khứa một cách quá đạm bạc, nhưng tự trào về điều đó là cũng để đồng
thời tự hào về cái cá tính rất ngang
tàng, rất phóng khoáng của mình !
10/ Sau
khi đã trao đổi đôi điều với các đồng nghiệp như trên, chúng tôi xin phép được
đi đến một vài nhận xét chung. Theo ý
chúng tôi, kết quả nghiên cứu 50 năm vừa qua đủ để cho thấy:
a) Chuyện
chép sai có thể chấp nhận được nhưng chép sai bao giờ cũng là những chuyện sơ ý
có tính cách ngẫu nhiên, cá biệt, câu sai kiểu này, câu sai kiểu nọ. Còn nếu
cho rằng đã có một sự chép sai đồng loạt,
trước cũng như sau, ở tác giả này cũng như ở tác giả nọ, thì đó là một giả thuyết
khó đứng vững được về mặt văn bản học. Lẽ nào ở những nhà thơ khác nhau, sáng tác có khi cách nhau mấy thế kỉ,
mà hễ cứ đến những từ ngữ như nhau thì lại cứ lặp đi lặp lại cùng những sự sơ ý viết sai như nhau, không
có một lí do nhất quán nào để biện hộ.
b) Trường hợp cho là viết đúng, thì ai cũng thấy
là phải gắng tìm cho kì được những kết cấu X +Y thoả mãn đầy đủ mấy điều kiện
như sau:
-
Về mặt gốc tích, X+Y phải là loại kết cấu cổ, hiện không còn trong bộ nhớ của
người hiện đại nữa, vì vậy mới có hiện
tượng xưa nay không ai hiểu SONG VIẾT là gì. Cứ ngồi vắt óc cố tìm cho ra một
giải pháp có thể rõ nghĩa ngay được, đó là một sai lầm ;
- Về mặt cách đọc (phụ âm, vần,
thanh điệu), X phải suy ra được từ SONG và Y phải suy ra được từ VIẾT, theo qui luật ngữ âm lịch sử ;
-
Về mặt từ loại, X + Y phải là danh từ có thể vị từ hóa, hoặc là vị từ có thể
danh từ hóa. Việc vừa phải đối lại HÔM CHIỀU, HÔM MAI, CỬA NHÀ vừa phải đối lại
ĐÔI CO, NẾT NA đòi hỏi như thế.
- Về mặt cấu tạo từ, X + Y phải
là từ ghép láy nghĩa hoặc là từ ghép láy âm để có thể đối lại được các trường hợp vừa dẫn.
-
Và về mặt ngữ nghĩa, X + Y phải có nội dung thật ăn khớp với cái tứ chung toát
ra từ trong toàn thể các câu, các bài.
c) Hướng đi đại để là như vậy. Nhưng mãi đến
nay vẫn chưa ai tìm ra một kết cấu nào phù hợp hoàn toàn được với mọi văn cảnh!
Có thể suy ra: SONG VIẾT chắc là 2 chữ dùng không phải để ghi chỉ một kết cấu. Với các văn cảnh
hiện có chúng tôi tạm thời mới nghĩ đến
giả thuyết có 2 kết cấu X1 + Y1 và X2 +
Y2… Nếu nay mai có thêm những văn cảnh không ăn
khớp nữa thì lại phải cần tìm đến cả X3 + Y3, X4 + Y4..v.v.
Chúng
tôi hiện chọn: X1 + Y1 = RÔNG VÁT ; X2 +
Y2 = SONG VIẾT. Kết cấu SONG VIẾT (= TÀI
SẢN) có ngoại diên rất rộng nên có thể phù hợp với rất nhiều câu. Kết cấu RÔNG VÁT lại có nhiều nghĩa (=VUI THÚ, NGAO
DU, PHÓNG KHOÁNG, VẤT VƯỞNG …) nên nó
cũng có thể ăn khớp với rất nhiều văn cảnh.
d) Tình
hình đó đưa đến thực tế như sau:
- Сó những văn cảnh dứt khoát chỉ ăn khớp được với một kết cấu, như câu
Nôm trong kinh Phật thuyết… (chỉ ăn khớp với nghĩa SONG VIẾT, nếu đó đúng là 2
chữ SONG VIẾT) hay câu trong bài cụ Đỗ Xuân Đàm đã phát hiện được (chỉ ăn khớp với RÔNG VÁT) ;
-
Nhưng, như đã thấy, cũng rõ ràng là trong bảng 20 câu trên đây đang còn có một
sự nhập nhằng, hình như về mặt ngôn ngữ, ngả về phía kết cấu nào cũng tạm được
;
-
Vậy nổi lên một vấn đề: đứng ở mặt nghiên cứu thơ ca mà xét, thực ra nên chọn như thế nào?
● Ở câu nào nên chọn SONG VIẾT, ở câu nào nên
chọn RÔNG VÁT ?
● Và
nếu là trường hợp RÔNG VÁT thì lại phải tìm hiểu tiếp ở câu nào nên chọn nghĩa
nào: ở câu nào VUI THÚ? ở câu nào PHÓNG
KHOÁNG? ở câu nào VẤT VƯỞNG? v.v. và v.v.
đ) Chúng tôi trước nay đều thiên về RÔNG VÁT
trong tuyệt đại đa số trường hợp, vì cho rằng đó là một kết cấu đã được xác nhận
trong từ điển (HTC) và kết cấu đó có 2 nghĩa VUI THÚ hay VẤT VƯỞNG hợp với tứ thơ hơn cả,
nhưng sợ rằng chúng tôi còn chủ quan, chưa đủ nhạy cảm trong thưởng thức văn học.
Mong rằng đông đảo bạn đọc, nhất là các nhà nghiên cứu, các nhà văn, nhà thơ chịu
khó suy ngẫm thật kĩ càng về các câu thơ hiện đang còn nghi vấn, cố gắng vận dụng
tất cả sự tinh tế của mình trong nghệ thuật phân tích, để cuối cùng có thể đi đến
được những câu trả lời thích đáng nhất trong vấn đề tìm hiểu các bài thơ cổ điển này.
* Giáo Sư Đại Học Quốc Gia Hà Nội
Chú
thích
[1] Tuy
HTC định nghĩa VÁT = "chạy gió ngược, xiên xiên lá buồm (ghe thuyền)"
nhưng chúng tôi vẫn ngờ rằng nghĩa gốc của VÁT là "xiên, chéo, không thẳng"
(Việt Nam từ điển, Khai trí). Vì khi đi ngược gió thuyền phải CHẠY VÁT (= chạy
chéo xiên), nên VÁT mới được hiểu thêm
là "chạy gió ngược". Riêng nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh cho biết ở
đôi vùng Sông Mã, khi cho thuyền đi chéo
để ngược dòng nước, người ta cũng nói cả CHÈO
VÁT.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét