Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

BÀI THƠ CỦA CỤ PHẠM QUÍ THÍCH ĐƯỢC VIẾT KHI NÀO ? SAU KHI ĐỌC NGUYỄN DU HAY SAU KHI ĐỌC THANH TÂM TÀI NHÂN ?


             

              BÀI THƠ CỦA CỤ PHẠM QUÍ THÍCH ĐƯỢC VIẾT KHI NÀO ?
 SAU KHI ĐỌC NGUYỄN DU HAY SAU KHI ĐỌC THANH TÂM TÀI NHÂN ?

-- Nguyễn Tài Cẩn --

1/Trong VĂN HÓA NGHỆ AN  số 78 , in tháng 06 năm 2006 , chúng tôi có viết mấy trang  về bài thơ THÍNH ĐỌAN TRƯỜNG TÂN THANH HỮU CẢM của cụ Phạm Quí Thích .Trong bài , chúng tôi cũng có cung cấp một vài cứ liệu mới  ( như cách hiểu  chữ LÍ trong MÔNG LÍ  chẳng hạn ) , nhưng nhìn chung  thì chúng tôi vẫn chủ yếu trình bày  những khía cạnh chúng tôi đang còn băn khoăn ,  nghi vấn ,mong   đưa ra để giới Kiều học giúp đỡ , cùng nhau  tiếp tục tìm hiểu . Đáp ứng sự chờ đợi  của chúng tôi , một bạn đọc đã gửi cho chúng tôi một câu hỏi với nội dung như trong đề bài đã nêu : “Cụ Phạm Quí Thích làm bài thơ này sau khi đọc Nguyễn Du xong hay sau khi đọc Thanh Tâm Tài Nhân ?” Câu hỏi quá đột ngột nên hồi đó chúng tôi không thể trả lời ngay được , chúng tôi đành ghi nhận , lưu lại để  có thời gian thu thập thêm cứ liệu , suy nghĩ thêm về khía cạnh này ,khía cạnh nọ .

2/ Đầu năm nay chúng tôi may mắn  nhận được  cuốn CON ĐƯỜNG GIẢI MÃ VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM mà  Tiến sĩ  Nguyễn Đăng Na đã gửi tặng chúng tôi từ trước,  nhờ bà con chuyển hộ . Bài “ Đoạn trường tân thanh --một mã khóa vào thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du “ in trong cuốn sách này là một tài liệu hết sức quí , liên quan đến đề tài này. Nó đã cung cấp cho chúng tôi những sự hiểu biết hết sức cơ bản sau đây :
---Bốn chữ ĐỌAN TRƯỜNG TÂN THANH --ngoài  cách hiểu thông thường --còn có một cách hiểu rất chuyên môn : đó  là một tên gọi gồm có hai phần ,mỗi phần giới thiệu cho chúng ta biết  một mặt chính của tác phẩm :
    ***Hai chữ ĐỌAN TRƯỜNG ở phần đầu  cho chúng ta biết mặt chủ đề;
    ***Hai chữ TÂN THANH ở phần sau  lại cho chúng ta biết mặt  thể lọai .
---THANH cũng có thể có cả  nghĩa là “ thơ ca, ngâm vịnh “. TÂN THANH chỉ thể lọai thơ ca viết theo lối “tân nhạc phủ “. Phương pháp sáng  tác của thể loại này  là viết về những đề tài mới, viết về thời sự . Đặc điểm của thể lọai này là hết sức coi trọng nhạc điệu , đề cao nhạc điệu . Tất nhiên đó là định nghĩa gốc lúc ban đầu. Về sau , từ đời Tống đời Nguyên trở đi thì TÂN THANH  thường dùng với nghĩa có phần rộng rãi hơn :nó chỉ chung cả thể lọai thơ ..
---Hai chữ TÂN THANH với nghĩa như trên đã được dùng ngay trong KIM VÂN KIỀU TRUYỆN , ít nhất là 5 lần , theo sự thống kê sơ bộ của T.S.Nguyễn Đăng Na..Để nói chuyện Thúy Kiều có tài đàn và giỏi về văn thơ , ta thấy 3 lần  nàng được khen là
NĂNG TÂN THANH ,THIỆN HỒ CẦM  và 2 lần lại được khen là NĂNG HỒ CẨM, THIỆN  TÂN THANH.  “Năng “ cũng như “Thiện “ đều có thể tạm dịch là “thạo”, “giỏi”
--- Còn  ở Việt Nam, hai cụ Ng. Đức Vân , N. Khắc Hanh  cũng khi thì để nguyên TÂN THANH , khi thì dịch là “thơ phú “ ( như ở hồi 12) .  Hai chữ  “văn thơ” trong câu 2892 của Nguyễn Du --theo N.Đăng Na -- cũng xuất phát từ TÂN THANH trong nguyên truyện tiếng Hán .

3/ Như vậy hai chữ TÂN THANH trong hai câu kết bài thơ của cụ Phạm Quí Thích
                         Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy
                         TÂN THANH đáo để vị thùy thương
 mà thời Trần Trọng Kim đã dịch là
             (Thế mới hay ) :     Một mảnh tài tình là cái lụy chung muôn đời
             ( Vậy thì )  :            Quyển TÂN THANH  này cốt để thương xót ai  ?

không thể dùng để chỉ  tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân được : bởi vì tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân thuộc về thể lọai “truyện “, --thể lọai văn xuôi mà ngày nay chúng ta thường gọi là “tiểu thuyết “-- trong khi  hai chữ TÂN THANH đòi hỏi rõ ràng một thể lọai khác : TÂN THANH  phải là  một tác phẩm thuộc về thể lọai thơ .

4/ Nhưng trong KIM VÂN KIỀU TRUYỆN   cũng có đến 14  hồi ( trên tổng số 20 hồi )  Thanh Tâm Tài Nhân cho nhân vật Thúy  Kiều của mình làm thơ. Bên cạnh những bài thơ ngắn viết ra để ứng phó với hoàn cảnh (như thơ vịnh quạt ,thơ vịnh chiếc gông), hoặc để tức sự ( như thơ viếng Đạm Tiên, thơ vịnh cảnh Ngưng bích ) v.v. cũng có những bài thơ cực dài , bao gồm từ 6 đến 9, 10 đoạn nhỏ. Đây là những bài đi sâu vào tâm tư , tình cảm , cảnh ngộ của Cô Kiều ( như 10 bài TIẾC ĐA TÀI , 8 khúc KINH MỘNG GIÁC, 9 bài GẶP PHẢI ĐỨA VÔ LOÀI , 10 bài CHẲNG CÙNG NHAU ,gần 60 câu KHÓC TRỜI, 10 bài ĐÊM NÀY LÀ ĐÊM GÌ, 6 bài TỪ CHÀNG RA ĐI  v.v.).Vậy một câu hỏi có thể đặt thêm :phải chăng cụ Phạm Quí Thích đã bị những bài thơ này của nhân vật Vương Thúy Kiều làm xúc động , nên đọc xong Cụ  phải viết  16 câu “Hữu cảm” , 8 Hán, 8 Nôm ? Giả thuyết này cũng phần nào  có cơ sở , bởi vì :
---Khi nói khả năng làm thơ của Cô Kiều , theo sự thống kê trên đây của Nguyễn Đăng  Na ,Thanh Tâm Tài Nhân cũng đã nhiều lần dùng THIỆN hay NĂNG (=thạo, giỏi ) trước 2 chữ TÂN THANH ;
---Và vì trong thơ của Cô Kiều đã có khá đủ những từ ngữ cần thiết ( như GIAI NHÂN, TIỀN ĐƯỜNG , BẠC MỆNH , ĐỌAN TRƯỜNG , MỘNG v.v.) để sau Phạm Quí Thích đưa vào bài “ Hữu cảm” của mình .

5/  Nhưng có ba lẽ sau đây chống lại giả thuyết đó :
---Thơ Cô Kiều tuy được một số  người khen , nhưng dầu sao đó vẫn chỉ là những bài ứng tác nói lên cái tài nhanh nhảu của Cô mà thôi; trong thơ của Cô không có cái cốt cách của những đại thi gia Đường Tống  mà Phạm Quí Thích đã từng học , từng ngưỡng mộ ;
---Cách gieo vần của Cô nhiều lúc chịu ảnh hưởng của Bạch thọai , đi ngược lại những luật lệ chính thống của  Vận thư mà  sỉ tử , nhất là  những nhà khoa bảng như Cụ  suốt đời phải  tôn trọng ..
---Hơn nữa trong thơ Cô Kiều chỉ có lòng thương cảm của Cô đối với bản thân Cô là chính : mà Cô chủ yếu tự nói về mình ở ngôi thứ nhất ,chứ không phải Cô khóc thương người khác  rồi mới  ngụ  ý nói đến mình !  Còn trong  2 câu kết của cụ Phạm Quí Thích
                 Một mảnh tài tình là cái lụy chung của muôn đời
                 Quyển TÂN THANH này cốt  để thương xót ai ?
thì  rõ ràng có 2 con người khác biệt nhau : có  người được  thương cảm (tức Cô Kiều ) và   có ai đó là người tỏ lòng thương cảm (tức người đã viết quyển TÂN THANH ).Mà câu đặt với thể nghi vấn  lại còn tạo ra những khả năng hàm ý có thể sâu xa hơn  !

Vậy  khi  hạ bút viết câu kết bài thơ của mình 
                  TÂN THANH  đáo để vị thùy thương
rõ ràng không phải cụ Phạm Quí Thích  đã nghĩ đến  các bài thơ của Cô Kiều mà T.T.Tài Nhân cũng đã gọi là TÂN THANH !

6/ Đến đây , chỉ cần làm một phép lọai trừ đơn giản là lòi ra ngay tác phẩm mà chúng ta cần tìm  . Nhưng ngay trước khi chúng ta làm phép lọai trừ nói trên  thì chỉ với  cái tên bài thơ THÍNH ĐỌAN TRƯỜNG TÂN THANH HỮU CẢM  cụ Phạm Quí Thích cũng đã báo trước cho mọi người biết rõ  cái  kết luận mà  chúng ta vừa đi đến đó : tác phẩm  viết theo thể loại TÂN THANH để khóc than cho nỗi ĐỌAN TRƯỜNG của cô gái đẹp vừa nhảy xuống sông Tiền Đường mà cụ Phạm Quí Thích vừa nghe (//thính )  và  có xúc xảm ( //hữu cảm )  là tập thơ lục bát  ĐỌAN TRƯỜNG TÂN THANH  của  Tố Như tử Nguyễn Du.

    Cái  kết luận vừa rút ra ở trên , nói chung ,rất ăn khớp với cái hướng   mà lâu nay chúng ta thường suy nghĩ : có tác phẩm của cụ Nguyễn Du rồi mới có bài thơ của cụ Phạm Quí Thích . Hai tác phẩm quan hệ với nhau mật thiết đến nỗi bài THÍNH ĐỌAN TRƯỜNG TÂN THANH HỮU CẢM thường được các bản Phường ,bản Kinh đặt lên ở đầu Truyện Kiều với tư cách là một  “Đề từ “ hay một bài “Tổng vịnh “., tuy rằng cả hai cụ Nguyễn Du  và  Phạm Quí Thích đều không ai có ý  định đó .
   Cái kết luận đó  cũng đưa đến nhiều hệ quả :
---Hệ quả thứ nhất --đúng như cụ Hoàng Xuân Hãn đã đề xuất -- là phải xét lại thời điểm sáng tác của Truyện Kiều .Bài “Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường “có mặt sớm nhất là năm 1802 và chậm nhất là năm 1811 ( cần phải khảo sát thêm ), vậy Truyện Kiều không thể sáng tác sau khi cụ Nguyễn Du đi sứ về.
---Hệ quả thứ hai  là có sự ăn khớp hoàn toàn giữa kết luận này với rất nhiều  cứ liệu khác , ủng hộ  giả thuyết  ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH  đã được căn bản hoàn thành vào những năm 1787--1790  dưới thời Lê Trịnh  :
   *** như  việc Nguyễn Lượng  vẫn dùng nguyên chữ CHỦNG ,không né tránh tên húy của Gia Long,  trong 4 chữ BÁCH CHỦNG HOAN NGU .Bốn chữ này   Nguyễn Lượng đã viết chậm nhất là trước năm 1807 , vì năm đó ông bị giết .Mà có chứng cớ
chắc chắn là  ông viết khi bàn về bản Nôm của cụ Nguyễn Du chứ không phải bàn về nguyên truyện của TTT Nhân : ví dụ  khi ông bàn về câu  1148  sau đây mà nội dung không có trong truyện Tàu 
                       “ Chút lòng trinh bạch  từ sau cũng chừa “                
   *** hoặc như  việc kị húy  hai chữ BỒNG (tên chúa Trịnh ) và KI  ( tên vua Chiêu Thống )  trong  hai câu
                                     2627 :   Cửa BỒNG vội thác rèm châu
                                     2230 :   Gió mây bằng đã đến KÌ dặm khơi
    Ở câu 2627 các bản Phường đổi BỒNG thành PHÒNG, bản LNP đổi BỒNG thành BUỒNG . Ở câu 2230 KÌ bị thay bằng THÌ trong các bản  QVĐ,TMĐ, VNB-60, bị thay bàng LÌA  trong  KOM,LNP và có thể bằng RÌA trong  DMT , LVĐ.   Rõ ràng đó là những  sự thay đổi từ ngữ  đã  làm mất giá trị văn chương của tác phẩm : thử nghĩ mà xem , trong thuyền thì chỉ có CỬA BỒNG  chứ làm gì có CỦA BUỒNG ,CỬA PHÒNG ! Nhưng những sự thay đổi đó   lại  được dùng  vì chúng nhằm một mục đích khác :tìm cách né tránh tên  húy của hai ông vua Lê ,chúa Trịnh mới lên cầm quyền .
   *** Thêm một cứ liệu nữa :năm 1820 cụ Nguyễn Du mất, các quan trong triều có câu đối viếng  và cháu Cụ là Nguyễn Hành có thơ khóc chú, ai cũng tiếc cho “ một đời tài hoa” của Cụ.Nhưng riêng Nguyễn Hành có nói rõ Cụ đã nổi tiếng từ 19 năm trở về trước tức vào khoảng 1801 ! Mà theo  TỪ ĐIỂN VĂN HỌC (1983-1984), trong mục do Nguyễn Lộc viết , thì thơ chữ Hán của Cụ chỉ hay nhất trong các giai đọan sau . Vây khoảng1801 sở dĩ Cụ đã nổi tiếng tài hoa chắc là nổi tiếng nhờ ĐỌAN TRƯỜNG TÂN THANH . Vậy câu thơ của Nguyễn Hành
                        Thập cửu niên tiền Tố Như tử
                        Nhất thế tài hoa kim dĩ hỉ
cũng là một cứ liệu rất ăn khớp với những điều vừa nói ở trên .
                                                              

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét