Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2016

Việt Nam từ nho giáo đến chủ nghĩa cộng sản( chương 2)- Trịnh Văn Thảo.


Việt Nam từ nho giáo đến chủ nghĩa cộng sản( chương 2)- Trịnh Văn Thảo.
Chương Hai
Biến số tiểu sử và hành trình xã hội
của trí thức ba thế hệ lịch sử
1.Thế hệ 1862
     1.1. Tuổi tác
Hậu quả ban đầu công cuộc chinh phục thuộc địa không có ảnh hưởng trực tiếp đến định mệnh của nhà nho vào thời buổi này. Thực vậy, thế hệ 62 “nhập cuộc” lúc đã đến tuổi trưởng thành : 48% có giữa 21 đến 40 tuổi và hơn… trong khi 22% còn đang thời thanh thiếu niên. So với thế hệ 1925 thì họ già giặn hơn nhiều.
Nó cũng không có ảnh hưởng đến việc học tập của họ như thế hệ 1907. Nói chung, họ đỗ đạt theo tuổi tác như thời bình : 40% đỗ Tú tài, Cử nhân hay Tiến sĩ vào tuổi 25 hay trẻ hơn, 50% giữa 26 và 40 tuổi, 10% sau 40 tuổi. Người lớn tuổi nhất có lẽ là Hoàng Văn Tuấn đỗ Cử nhân lúc 55 tuổi, sau có hai ông Nghè Nguyễn Xuân Ôn  (39 tuổi) và Nguyễn Văn Siêu (38). Trẻ nhất có Hoàng Cao Khải đỗ Cử nhân năm 18 tuổi trước Phan Văn Trị (19), Đào Tấn (20).
Ngược lại, dấu ấn của thời thế thấy rõ qua tuổi thọ của họ: 12% chết trước tuổi 39, 60% giữa 40 đến 69, chỉ 20% hưởng thọ thất tuần. Đó là hậu quả trực tiếp của cuộc kháng chiến Cần Vương : 10% chết trong lúc đang lưu vong xứ ngoài như Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn… bên Trung Quốc, Kỳ Đồng trên đảo Marquises…, 28% hy sinh lúc tham gia trận mạc hay bị hành hình, 8% tự vẫn vì lý do chính trị, 13% không biết rõ, chỉ có 41% chết vì tuổi già hay bệnh tật … Đó là chưa nói đến hoàn cảnh những người chết sớm vì chiến tranh hay loạn lạc như Đoàn Hữu Trừng (21 tuổi), Lê Khắc Tháo (29) và Lê Ninh (cũng thế).
1.2. Quê quán
Cả xứ đều có người đại diện : 36% miền Bắc, 45% miền Trung và 18% miền Nam. Sĩ phu cựu đô và chung quanh vùng chiếm phần đông : Nam Định (13%), cận Hà Nội và Hà Nội (15%). Miền Trung chia hai nhánh: Thanh Nghệ Tĩnh đứng đầu với 23% trước Bình Trị Thiên (13%). Gia Định đứng đầu trong Nam với 8%, 10% còn lại phân chia cho 5 tỉnh còn lại. Các tỉnh nổi bật trong phong trào kháng Pháp cũng là những “vùng văn vật”. Vị trí khiêm nhường của miền Nam đứng về mặt khoa bảng do hoàn cảnh lịch sử, sinh sau đẻ muộn vì chỉ bắt đầu Minh Mạng (1820-1840) nhà Nguyễn mới cho mở mang trường học, tổ chức thi Hương tại Gia Định dù sách vở thư viện chưa được phổ biến rộng rãi.
1.3. Gốc gác xã hội
Qui luật “tái tạo” giai cấp xã hội được cụ thể hóa với hơn 2/3 con cháu nhà nho, chỉ có 1/5 đại diện tầng lớp nông dân thôi qua tiểu sử  32 người trên 60. Tuy nhiên, nếu hiểu giai cấp xã hội truyền thống theo nghĩa rộng (phối hợp chiều dọc thông qua nhiều thế hệ với chiều ngang theo vai vế bà con dòng họ hay thông gia cùng một thế hệ), sĩ phu còn đông hơn nữa. Điều đó chứng tỏ rằng văn học thi cử ở Việt Nam  không những là nghề mà còn là nghiệp nữa.
-         Con cái nông dân
Theo Bố chính Nguyễn Thông, có thể xem Hồ Huấn Nghiệp xuất xứ từ thành phần nông dân mặc dù ông nội có lúc làm ký lục[1]. Mồ côi cha rất sớm, ông bỏ dở nghiệp văn để được gần với mẹ. Hoàn cảnh gia tư của ông không khỏi nhắc tới Đồ Chiểu cũng bỏ thi sau khi hay tin mẹ mất trên đường đi thi Hội. Cử nhân Bùi Hữu Nghĩa may mắn hơn đỗ Hương thí năm 1835. Theo Từ điển Văn học, gia đình cụ Bùi làm nghề chày lưới trong khi bố mẹ của Thượng thư Đào Tấn lại được xếp vào hàng “phú nông” (sđd)[2].
-         Con nhà nho
Trong ba người xuất thân nho học chỉ có Tú tài Nguyễn Đình Chiểu là con nhà thư lại phục vụ triều đình tại tỉnh Gia Định. Nguyễn Trường Tộ là con nhà nho theo Công giáo và nhờ thế mới có dịp đi ra xứ ngoài. Nguyễn Xuân Ôn lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo. Ông đỗ Tú tài năm 18 tuổi, Cử nhân 24 (!) năm sau và Tiến sĩ năm 1871. Ông tóm tắt trường hợp hiếm có của một đại khoa con nhà nghèo.


-         Con cái đại quan tôn thất
Trong hệ thống quan quyền thời nhà Nguyễn phải lên hàng tứ phẩm mới được qui chế Đại quan và con trai (ấm sinh) học giỏi mới được nhận vào Quốc Tử Giám học chung với con cái tôn thất (tôn sinh). Đó là hoàn cảnh những người như Nguyễn Lộ Trạch, Trần Bích San, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương[3] hay Tôn Thất Thuyết.
1.4. Con đường học vấn
Trong thời này, hầu hết trí thức đều đi theo hệ thống giáo dục truyền thống ngoại trừ vài ba nhân vật đã bắt đầu lệch hướng: Nguyễn Trường Tộ và Kỳ Đồng ngoài Bắc, Paulus Huỳnh Tịnh Của và Pétrus Trương Vĩnh Ký trong Nam. Nếu Nguyễn Trường Tộ đã học chữ Hán trước khi được Cha Gauthier mời đi chu du Âu - Á thì ba người sau phải mượn con đường Tây học qua giáo sứ và các trường Thầy Dòng. Không có gì làm lạ nếu sau này họ trở thành những nhà ngữ học đầu tiên của nước ta và tác giả những bộ từ điển lớn. Riêng Kỳ Đồng (Nguyễn Văn Cẩm) là nhân vật lịch sử có một không hai. Hồi nhỏ, ông đã nổi tiếng học giỏi (thần đồng) nhưng hơi “bướng bỉnh”, ưa khiêu khích hàng thôn hàng xã và chính quyền thuộc địa. Họ tìm cách mua chuộc ông bằng học bổng gửi đi du học bên An-giê-ri (Bắc Phi). Đỗ Tú tài xong, ông về nước lại tìm cách móc nối với Đề Thám nên bị Toàn quyền Paul Doumer đưa lưu đày vĩnh viễn bên Đảo Marquises. Tại đây, ông kết bạn với họa sĩ Paul Gauguin. Ông cưới vợ trên đảo và mất năm 59 tuổi.
Trong giới nho sĩ, gần 18% không chịu đi thi vì nhiều lý do khác nhau: gia cảnh như trường hợp Hồ Huấn Nghiệp hay Cao Bá Nhạ (vì ông chú Cao Bá Quát làm loạn bị giết) hay chính trị như việc Nguyễn Lộ Trạch, Lê Ninh, Vũ Công Tự… đề nghị công khai bỏ hẳn chế độ thi cử trong tinh thần “chính giáo” để thay thế một chính sách đào tạo nhân tài bắt đầu cũ kỹ. Tuy nhiên, tại Việt Nam khẩu hiệu “tẩy chay trường thí” không được sĩ phu hưởng ứng nồng nhiệt ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố bãi bỏ chế độ thi cử năm 1905 dưới ảnh hưởng của lãnh tụ Tân nho Trương Chi Động!
1.5. Sự nghiệp sĩ phu 1862
Muốn có một cái nhìn tổng quát và chính xác về thân phận sự nghiệp tầng lớp quan lại nhà Nguyễn tại Bắc kỳ từ thời Minh Mạng đến Khải Định (1820-1920) nên tìm đọc luận án tiến sĩ của sử gia Pháp E.Poisson vì tác giả đã tham khảo khá đầy đủ hồ sơ hành chính của Khâm sai Bắc kỳ còn lưu trữ. Trong số tiểu sử những người thi đỗ ra làm quan trong thời loạn này số ngoại quan hành sự nơi quận huyện các tỉnh lớn nhỏ có hơn 38% trong khi nội quan phục vụ trong Triều hay các Bộ chỉ có 15%. Hiện tượng rạn nứt phát hiện dưới hình thức từ quan về nhà ẩn dật hay sự kiện một số người đỗ đạt mà không được bổ nhậm (23%); rút cục chỉ có 7% đi cộng tác với chế độ thuộc địa. Sự kiện những đại đăng khoa không ra làm quan như Bảng Nhãn Võ Duy Thanh tự nó đã nói lên thái độ chính trị của một số sĩ phu trong nước.
Như E.Poisson nhấn mạnh, nói chung sự nghiệp quan trường dưới thời Nguyễn - Pháp (1885-1945) diễn tiến một cách gần như bình thường với những định luật cố hữu về quan hệ giữa phẩm hàm và học hàm ( trường hợp các ông Ngụy Khắc Đãn, Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ…), yếu tố quê quán trong cơ chế thăng quan tiến chức, ảnh hưởng chính trị địa dư và lập trường cá nhân trước thời cuộc (Hòa hay Chiến, Duy Tân hay Bảo thủ…). Tuy nhiên, không ai phủ nhận thực tế dấn thân hành đạo của sĩ phu thời loạn qua thân phận thăng trầm của Phan Thanh Giản, Phan Đình Phùng, Nguyễn Quang Bích, Hoàng Diệu… nếu ta chỉ nói đến những lãnh tụ lớn. Nó làm nổi bật tình trạng phân hóa hàng ngũ giữa ba xu hướng quan lại đối với chế độ Bảo hộ: cộng tác mà Phụ chính đại thần Hoàng Cao Khải là nhân vật điển hình, cương quyết chống đối đến cùng với Hoàng Diệu hay  Phan Đình Phùng, xa lánh chính trường tìm nơi tỵ địa, ẩn dật như Nguyễn Khuyến hay Đồ Chiểu.
2. Thế hệ 1907
Trước khi giới thiệu sĩ phu Trung học và Tây học thời Duy Tân, thử phát họa chân dung nhân vật của hai thế giới qua vài đoạn trích trong Tự truyện của Huỳnh Thúc Kháng. Cũng như hai cụ Phan, tuy đỗ Tiến sĩ nhưng ông nhiều lần từ chối không ra làm quan; hơn nữa ông tham gia tích cực phong trào Duy Tân miền Trung bên cạnh Phan Châu Trinh, bị kết án 13 năm đày đi Côn đảo, về lục địa lại đứng ra sáng lập tại Huế nhà in và báo Tiếng Dân, đắc cử Đại biểu và được bầu làm Viện trưởng Viện Đại biểu Trung kỳ, nhận chức Bộ trưởng và Quyền Chủ tịch Chính phủ Liên Hiệp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong lúc Hồ Chủ tịch cùng phái đoàn sang Pháp tham dự cuộc đàm phán Fontainebleau (1946).
Đây là vài đoạn trích rút trong Huỳnh Thúc Kháng tự truyện: “Tôi sinh tháng mười năm Tự Đức 29 (Bính Tý 1876 quên ngày). Ông bà ở Bắc vào Nam (khoảng Trần, Lê) chuyên nghề nông… Ông tổ tôi (húy Văn Lập) kế theo thành nhà nông hào trong làng, vào hàng vọng tộc. Cha tôi húy Phương danh Tấn Hữu; mẹ huý Tình người làng Hội An, cư ngụ làng Phú Thị, em ông Tế Tửu Nguyễn Đình Tựu[4], sanh 5 trai, tôi thứ ba. Anh và em đều bất hạnh mất sớm, chỉ còn tôi và chị em gái trưởng thành, đều có gia thất. Nhà tôi là vọng tộc trong làng, trải mấy đời, nhưng thuần nhiên nhà nông khuôn mẫu (… kế sau đó có người Minh hương tên Lê Vĩnh Khanh di dân đến có một đời mà đỗ Phó bảng thời Thiệu Trị làm quan đến Tri phủ… ý chí theo đuổi khoa hoạn mới nhen nhún trong làng và người cha xin ông nội cho đi theo nghiệp cử dưới sự chỉ dạy của ông Cậu. Sau nhiều phen thất bại thì quay về cày ruộng làm dân biết chữ trong làng. Sau khi người anh cả qua đời vì bệnh đậu mùa hồi mới 19 tuổi thì) Từ ấy cái gánh cử nghiệp của nhà tôi, thêm nỗi thúc giục của cha tôi, đều trút vào tôi, trải trên hai mươi năm như một ngày, theo khuôn khổ nghiêm huấn không lúc nào sai[5]. Và, gánh cử nghiệp: “(…) thuở nhỏ theo đình huấn, ngoài việc đọc sách và du học các nơi xa, không ham muốn gì khác. Nhà nghèo không sách nhưng nhờ có tính hơi thông minh, đọc sách nào thì nhớ quyển ấy. Năm lên tám, bắt đầu đi học, 13 tuổi đã biết làm văn; 16 tuổi (Tân Mão) đi thi Hương vào trường B, tuổi nhỏ đầu còn chừa chóp, đến ngày yết bảng, người xem như hội. Trong học giới biết có Huỳnh Hanh và vì cái hư danh làm lụy tôi, thiệt khởi đầu từ đó. Năm 20 (khoa Canh Tý) đi Hương thí; năm 29 tuổi (Giáp Thìn) đỗ Tiến sĩ; 31 tuổi bắt đầu học Quốc ngữ[6].
Không cần dài dòng về cuộc đời chính trị của Huỳnh Thúc Kháng và qui chế người “bạn đồng hành” của Hồ Chí Minh trong Chính phủ Liên Hiệp cho đến ngày từ trần, đây là vài đoạn trích dẫn có liên hệ đến quá trình xã hội hóa qua những khúc quanh lịch sử: đột khởi phong trào Cần Vương tại kinh đô Huế, Duy Tân, Mặt trận Bình Dân và Đảng Cộng sản Việt Nam… “Mười tuổi (…) Hàm Nghi nguyên niên (Ất Dậu 1885) Ngày tháng sáu, Kinh Thành thất thủ, vua Hàm Nghi xuất giá. Lúc bấy giờ anh cả và anh chú bác của tôi theo cậu Nguyễn công tại Quốc Tử Giám đúng vào kỳ thi Hương (ngày thi vào tháng sáu), con em thí sinh xúm nhau đông vô số tại Kinh sư nhưng chưa kịp khai trường thì binh hỏa đã bùng phát (…) Cảnh Kinh Thành rối loạn không thể nói. Con em thí sinh ai nấy tự mình lo chạy nạn. Hai anh tôi từ Kinh Thành chạy về, bà con tới hỏi, bảo thuật lại cảnh ấy, tôi đứng gần nghe, trong lòng cảm động, in sâu vào não cho đến ngày nay không thể quên được (…)”[7].
2.1. Nhân vật chính của Duy Tân
Hai mươi chín tuổi (Thành Thái thứ 16-1904, năm Huỳnh Thúc Kháng đỗ Tiến sĩ cùng với 10 người khác): “Thời bây giờ tại Trung Quốc sau cuộc Mậu Tuất chính biến và Canh Tý liên binh, sĩ phu hơi tỉnh ngộ, có phong trào hoan nghinh Âu học chuyển động toàn quốc, sách báo của Khương Hữu Vi, Lương Khải Siêu (phái lãnh tụ Duy tân) dần dần du nhập vào nước ta, tin Nga - Nhật chiến tranh đến tận bên ta, không như thời bế tắc trước” (ông ghi chép lại những gặp gỡ và chân dung các người đồng thời đồng chí như Thân Trọng Huề, Đào Nguyên Phổ, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Tiểu La Nguyễn Thành và một năm sau với nhóm Quảng Nam, Phan Thiết)” (tr.29 và tiếp theo).
Và cái giá phải trả sau biến cố Mậu Thân (1908) : bị bắt vì chính quyền qui tội xúi dân biến, đi đày Côn Đảo cùng với nhiều người khác. Ông ghi chép cuộc đời tù tội vui có (thời O’Connel  hay “ông Ô” làm giám đốc), buồn có (sau khi Ô bị triệt về Sài Gòn) suốt 13 năm bị giam cầm cho đến ngày được tha về do lệnh của quan Bảo hộ Pháp (1921): “Mười ba năm cách biệt, nay đường đột bướt về, người nhà trông thấy, phát hoảng như nằm chiêm bao; kẻ nghe nói sững sờ! Bài thi của Đỗ Thiếu Lăng đến nhà, không ngờ đã tả rõ được cảnh tình của mình lúc nầy!”(tr.41) để chứng kiến cảnh Tây Hồ từ trần: “Bảo Đại nguyên niên (Bính Dần 1926). Tháng 2, được tin Tây Hồ bệnh nặng, thúc giục tôi vào Nam, nhưng vì phải làm thủ tục lấy căn cước dần diên mấy ngày, khi đến Saigon thì bệnh Tây Hồ đã trầm trọng, không ngồi dậy được, chỉ ngó nhau cười, nhưng nhân khi nói chuyện mà có lời vĩnh quyết: Hai ta được thấy nhau trên trần gian nầy một khoảng ngắn ngủi cũng đủ rồi; can trường bình sinh đã soi dọi nhau, không cần bàn nhiều!. Từ đêm ấy Tây Hồ qua đời” (tr.47).
Kinh nghiệm làm Dân biểu rất ngắn ngủi, chỉ trải qua hai hội đồng thường niên cũng đủ rõ chân tướng một phòng tư vấn không có thực quyền, ông bèn từ chức cùng với vài đồng chí. Ông giữ thái độ cương nghị bất khuất của nhà nho trước phong trào “xích hóa” đang lên của “lớp thiếu niên” Cộng sản: “Nhâm Thân 1932, Bảo Đại hồi loan. Trong mấy năm ấy, phong trào xích hóa của Nga ở ngoài tràn vào, ngày càng bành trướng, phái thiếu niên phù hiêu trong nước theo mù, sở tại lại trăm phương cổ xúy, nhưng Tiếng Dân một mực cự tuyệt. Vì thế từng lớp thiếu niên trách móc, lại gửi thư nặc danh chửi rủa hăm dọa, nhưng tôi không để ý. Có kẻ trực tiếp tôi, tôi khéo lời từ khước (…) Bảo Đại năm thứ 10 (Ất Hợi 1935 sic). Năm nầy, Chính phủ Bình Dân Pháp nắm chính quyền, các thuộc địa cũng bị ảnh hưởng ấy chi phối :công nhân đình công biểu tình kế tiếp xuất hiện. Tại Nam kỳ có Đông Dương Đại Hội, đa số thiếu niên hưởng ứng, riêng tôi giữ thái độ lãnh đạm” (tr.51).
Tuy nhiên, trước hiểm họa trở lại Đông Dương của quân đội Pháp năm 1945, ông đã gia nhập Chính phủ Liên hiệp và đảm nhận đến giờ phút chót trách nhiệm của một vị nguyên thủ dân tộc. Cái chết của Huỳnh Thúc Kháng không khỏi nhắc người ta nhớ đến giờ phút lâm chung của cụ Tây Hồ!
2.2. Số phận nhà nho những năm 1907
2.2.1. Tuổi
Các nhà nho thế hệ 1907 tương đối lớn tuổi so với thời Cần Vương. Quá trình xã hội hóa cũng phức tạp hơn về chuyện học vấn cũng như về đời sống sự nghiệp sau này. Đất nước bị người xứ ngoài cai trị đã thay đổi cơ chế, trở thành một thực tại chính trị địa dư hỗn hợp (thuộc địa, bảo hộ) xen lẫn cái mới với cái cũ khiến cho sự so sánh nhiều khi bất cập. Thời thế đảo lộn, thời cơ chính trị và nhu cầu thuộc địa đưa một số người xuất thân trường Thông Ngôn, trường Trung học phổ thông (hay Cao đẳng Tiểu học) lên hàng đầu chính sự. Ngược lại, một số không ít khoa bảng (Đào Nguyên Phổ,  Huỳnh Thúc Kháng, Dương Bá Trạc…) bị loại hay tự loại ra khỏi chính quyền. Ngày xưa, ít người đỗ Tiến sĩ hay Phó bảng trước tuổi 30, thế hệ 1907 thấy người ra trường Thông Ngôn lúc còn niên thiếu như Nguyễn Văn Vĩnh (14), Phạm Quỳnh (16), Nguyễn Văn Ngọc (17), Phạm Duy Tốn (18)…
So với thế hệ Cần Vương, họ sống lâu hơn (tuổi trung bình là 60) và lớp tuổi đông đảo nhất là giữa 40 đến 70, 40% thọ thất tuần trở lên so với 12% thế hệ 1862 ! Lý do hy sinh mất mát vì chính cuộc vẫn tồn tại với chính quyền Bảo hộ (35%) : lưu đài, tù tội, bị giết hại sau vụ khủng bố “trắng” ở miền Trung năm 1907-1908, … tuy đa số (60%) sinh tử bình thường ![8]
               2.2.2. Quê quán
Trên mặt địa dư, có thay đổi rõ rệt: miền Nam tụt hậu với 13% (so với 18% hồi 1862), hai tỉnh Gia Định và Biên Hòa nhường chỗ cho các tỉnh miền Hậu Giang (hậu quả của hiện tượng tỵ địa ?), miền Bắc tăng trưởng với 60% (Hà Nội và vùng lân cận 42%), miền Trung 27% (Thanh Nghệ Tĩnh chiếm 20%). Truyền thống làng văn vật vẫn còn với các huyện Hoan Long, Phương Vũ, (Bắc) hay Nam Đàn (Nghệ An)…
Gương mặt xã hội thật cũng không có gì thay đổi giữa thế hệ Cần Vương và Duy Tân. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ thấy xuất hiện một ít con cái tầng lớp điền chủ Nam Kỳ xuất thân nhà trường Pháp.
               2.2.3. Gốc gác xã hội
-         Gốc nông dân
Tình trạng chuyển tiếp của xã hội thể hiện trong lớp người nửa sĩ nửa nông như trường hợp nhà văn miền Nam Hồ Biểu Chánh. Ông sinh tại làng Tiên Hiền, tỉnh Gò Công, học trường Trung học Sài Gòn trước khi thi đỗ vào ngạch hành chính thuộc địa. Tuy nhiên, trước khi vào trường Pháp ông đã được người cha (một Hương chủ) khai tâm Hán học cẩn thận. Cùng với ông phải kể đến Cử nhân Lương Văn Can gốc Hà Đông (Nhị Khê) là người cầm đầu trường Đông Kinh Nghĩa Thục hay Tiến sĩ Trần Quí Cáp tại Quảng Nam.
-         Nhà nho
Con em nhà nho chiếm đa số tuyệt đối trong đó một ít là con cái khoa bảng như Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh), Lương Trúc Đàm hay Võ Liêm Sơn, phần đông là nho sĩ hay nửa nông nửa sĩ như Huỳnh Thúc Kháng. Một ít nữa là con cái quan lại.
Học trình các nhân sĩ 1907 càng làm lộ rõ sự hiện diện của hai chế độ nhà trường: 17% theo hệ thống trường Pháp, 8% nửa Pháp nửa Việt, 75% theo học chính Hán Việt pha lẫn một ít tiếng Pháp (cải lương 1906). So sánh học vị cũng vậy:  11% đỗ Tú tài Hán Việt, 19% Cử nhân, 26% Tiến sĩ  mà hầu hết (6/7 người) lãnh đạo phong trào Duy Tân. Còn phía Tây học có một người tốt nghiệp Trung học, 5 người  ra trường Thông ngôn, 5 người tốt nghiệp Cao đẳng Đại học bên Pháp.
2.2.4. Sự nghiệp  
Trong số nhà nho không khoa bảng có ba hình loại: nhóm Duy Tân, nhóm sáng lập Đảng Cọng sản Việt Nam và nhóm đứng đầu Tạp chí Nam Phong. Trong nhóm nho học đi theo phong trào Duy Tân phải kể Nguyễn Phan Lãng, tác giả bài thơ Thiết Tiền Ca và một trong những giáo viên của trường Đông Kinh Nghĩa Thục và Ký lục Hồ Tá Bang một trong những nhà nho đóng vai trò quan trọng trong việc sáng lập Công ty Nước Mắm Liên Thành tại Phan Thiết.
Trong nhóm sau có hai nhân vật trọng yếu trong phong trào Cộng sản Đông Dương : Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh và Hồ Tùng Mậu. Khác với Hồ Chí Minh, Hồ Tùng Mậu tượng trưng sự tiếp nối giữa Nho giáo châu Á và Chủ nghĩa Cộng sản trải qua các đoàn thể như Quang Phục Hội, Tâm Tâm Xã, Thanh niên Cách mạng Đồng chí (tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương sau này)[9].
Đối với những nhà nho viết báo cho Tạp chí Nam Phong, chính sách bắt tay với trí thức nho học người Việt dưới chiêu bài “Đề huề hợp tác” sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và Cách mạng Bôn sơ vích bên Nga là một cơ hội nối cầu liên lạc hai nền văn hóa Đông - Tây mà đồng thời tạo cho nhà nho ngày càng bấp bênh trong cuộc sống điều kiện vật chất để hội nhập chế độ thuộc địa. Qua tạp chí của Phạm Quỳnh (người duy nhất với Nguyễn Bá Trác dùng Nam Phong làm bàn đạp thăng quan tiến chức), họ lại được gặp gỡ với những nhà khoa bảng nhưng không phục vụ quan trường như Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Hữu Tiến… Bằng cách dịch thuật truyện cổ Hán văn (Tây Sương ký, Đông Châu Liệt Quốc…) sang Quốc ngữ, dùng lối hành văn trong sáng dù có lúc còn biền ngẫu, họ tiếp tục sự nghiệp phong trào Duy Tân trên phương diện văn học và ngôn ngữ.
Sau khi Duy tân bị chính quyền dập tắc, chỉ có một ít nhà nho khoa bảng đi làm quan trong triều trong đó Cao Xuân Dục hay Thân Trọng Huề… là những người có công cải tạo chế độ thi cử năm 1906. Xuất thân từ hai nền giáo dục Âu - Á, Bùi Kỷ và Nguyễn Văn Ngọc là gương mặt tượng trưng buổi giao thời, Âu - Á lưỡng toàn. Trong khi Phó bảng Nguyễn Can Mộng đi cộng tác với chính quyền Thuộc địa Bắc Kỳ thì Đốc phủ (hàm) dân Tây Gilbert Trần Chánh Chiếu ủng hộ ra mặt phong trào Duy Tân trong Nam, trong lúc kỹ sư Bùi Quang Chiêu và Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh “chơi” lá bài Lập Hiến với người Pháp thì Đốc phủ sứ Hồ Văn Trung (tức Hồ Biểu Chánh) giành ít thời giờ rảnh rổi ngồi viết gần 60 chuyện dài xã hội, lấy miền Nam làm bối cảnh, người dân Việt muôn hình muôn sắc làm diễn viên.
Như vậy làm sao dám quả quyết “luật tiền định” giai cấp ?
3. Thế hệ 1925
3.1. Sống và chết của người trí thức mới
So sánh với hai thế hệ trước, thế hệ 1925 chịu ảnh hưởng trực tiếp của thời cuộc vì lớn lên trong  cao trào đấu tranh thành thị năm 1925 - 1926 và “trưởng thành trong chiến đấu” sau Cách mạng tháng Tám 1945.
Phần đông lớp trí thức Tây học - sản phẩm của chế độ học chính Nhà trường Pháp ở Đông Dương (1917-1918) - lao mình vào hành động rất sớm : hơn 70% chưa đến tuổi 21 so với 17% năm 1907 và 22% năm 1862 và số người bị tử vong lúc còn trẻ cũng không ít : 16% mất trước[10] tuổi 40 so với 6% năm 1907 và 12% năm 1862 ! Trừ một ít người chết sớm vì bệnh hoạn hay nghèo khó (Vũ Trọng Phụng, Hàn Mạc Tử, Thạch Lam, Bích Khê, Nguyễn Nhược Pháp…), một số khác làm nạn nhân cuộc chiến và thanh toán nội bộ giữa người Việt trong việc tranh chấp chính quyền (1940-1946).
Thật là một nghịch lý khi chứng kiến hiện tượng lưu vong vì lý do chính trị (16%) đã không bớt đi mà lại còn gia tăng dưới thời “tự chủ” ! Nó có bốn hình loại : trốn sang Thái Lan hay sang Tàu còn nằm dưới quyền kiểm soát của Tưởng Giới Thạch (1945-1949), di tản trong xứ theo con đường Bắc - Nam sau khi Hiệp định Giơ neo cắt đôi xứ sở và hành trình ngược lại (1954-1955), bỏ ra xứ ngoài khi miền Nam thua trận (1975). Nạn nhân chiến tranh Pháp - Việt cũng có nhiều hoàn cảnh, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Hơn nửa thế kỷ sau, sử gia cũng chưa nắm rõ lý do, bối cảnh và đoàn thể mang trách nhiệm tiêu diệt hàng loạt lãnh đạo các tổ chức Quốc Gia (nhóm La Lutte, Đại Việt, các giáo phái) chống Pháp những năm 1945-1946. Đó là chưa nói đến những người bị bắt nhốt và chết oan trong tù trước và sau năm 1975.
3.2. Miền Bắc đóng vai trò chủ đạo trong hàng ngũ trí thức 1925
Với 28%, Hà Nội và vùng lân cận xứng đáng là thủ đô chính trị Liên Bang Đông Dương. Theo sau có vùng Bắc Hưng Hải (19%) và tỉnh Nam Định (8%). Tuy Thanh Nghệ Tĩnh (7%) còn giữ phong độ ngày xưa, miền Nam với 21% vượt qua Trung Kỳ (20%) nhờ lớp thanh niên Tây học. Thành phố Sài Gòn (8%) trở thành một trong những đô thị văn hóa quan trọng chỉ đứng sau Hà Nội. Không khí chính trị khá tự do và tình trạng kinh tế khá phồn thịnh giải thích hiện diện của sách vở báo chí trong Nam. Trái với thiên kiến vô căn cứ, phần đông trí thức thuộc địa Nam Kỳ không xuất thân từ giai cấp địa chủ Đồng bằng Sông Cửu Long mà từ tầng lớp trung lưu thành thị.
Cuối cùng hiện tượng tập trung trí thức vẫn tồn tại : làng Từ Sơn có bốn nhà văn Ngô Tất Tố, Hoàng Tích Chu, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Hà Tĩnh có Trần Trọng Kim, Hoàng Ngọc Phách, Hoàng Xuân Hãn, Hoài Thanh và Cù Huy Cận…, vùng Sài Gòn - Chợ Lớn, Trần Văn Thạch, Phan Văn Hùm, Nguyễn An Ninh…, Hà Tiên, hai nhà thơ Đông Hồ, Mộng Tuyết. Riêng vùng Quảng Bình đã có ba nhân vật lớn : Võ Nguyên Giáp, Ngô Đình Diệm và Lưu Trọng Lư.
Nếu phối hợp tiêu chuẩn chức phận nghề nghiệp (catégorie socio-professionnelle) với thành phần xã hội, ta có thể đi đến kết luận là xã hội giai cấp không thay đổi căn bản. Ba giai cấp truyền thống vẫn còn đó : 62% trí thức 1925 xuất thân tầng lớp trung lưu trí thức (sĩ), 23% thượng lưu trong xứ, 15% gốc bình dân (nông - công). Chỉ có thay đổi về tương quan giữa nông thôn và thành thị và vị trí chính yếu của thành thị bắt đầu từ đây.
Tuy nhiên, yêu tố quan trọng nhất là học trình thế hệ gần như bị Tây hóa toàn bộ: 19% thuộc chế độ Đại học Cao đẳng Pháp (22 người trong đó có 4 người bị trục xuất vì hoạt động chính trị), 23% Cao đẳng Hà Nội (28 người trong đó có 5 bỏ học), 10% theo chế độ Hán học (12 trong đó có 7 dang dở), 43% trình độ Trung học và tương đương (20 chưa xong trong tổng số 43), v.v…
Nói chung, thế hệ này có hai đặc tính:
-         thắng thế của chế độ giáo dục hiện đại (Pháp và Pháp - Việt) trước giáo dục truyền thống dù ảnh hưởng Hán học vẫn tồn tại (phần đông trí thức Tây học vẫn còn nhiều người học chữ Hán)[11].
-         thắng thế của xu hướng học ngắn vì thực dụng hay vì lý do tài chính
Sự kiện học chăm và học giỏi của sinh viên du học bên  Pháp “hiển nhiên” - số học sinh thi đỗ vào các trường nổi tiếng của “mẫu quốc” như Sư phạm, Bách khoa, Công nghệ Paris, Mỹ nghệ, Nội trú Y khoa Paris, v.v… nhưng không có thống kê đầy đủ để xác nhận. So với sinh viên tốt nghiệp bên Pháp về, các đồng môn học trường Đại học Hà Nội không được hưởng qui chế thuận lợi bằng trong sự lựa chọn môn học và uy tín bằng cấp tốt nghiệp (trừ ngành Y Dược). Sự kiện bỏ học nhất là cấp Trung học chứng tỏ ảnh hưởng tiêu cực của khủng hoảng kinh tế và chính trị giữa năm 1930 và năm 1945. Nói chung, chế độ giáo dục thuộc địa kích thích tinh thần hiếu học của người dân Việt hơn là tìm cách thỏa mãn nhân  sinh cụ thể ! Cuộc diện chỉ thay chiều đổi hướng bắt đầu khi Mặt Trận Bình Dân lên nắm chính quyền ở Pháp và nới rộng chính sách đối với các thuộc địa (1936).
Trong số sĩ phu Hán học còn hoạt động trên chính trường văn hóa, giờ chỉ còn vài người như hai ông Cử Nguyễn Bá Trác (Nam Phong) và Trịnh Đình Rư (Hữu Thanh) và ông Tú Phan Khôi (Phụ Nữ Tân Văn).
Sự nghiệp “trí thức” trước Cách mạng tháng Tám rất phức tạp: 30%  làm công chức cho Nhà nước thuộc địa đủ nghành (giáo dục, hành chính, công sự… trung cấp trừ những người có quốc tịch Pháp), 23% viết báo, 20% dạy tư, 7% sống nghề viết văn, vài người (5%) hành nghề tự do (bác sĩ, luật sư..), 7% trở thành “cách mạng chuyên nghiệp” theo định nghĩa của Lê Nin (9 đảng viên trọng yếu trong Đảng Cộng sản Đông Dương). Trong số 122 nhân vật thế hệ chỉ có ông Nguyễn Minh Duệ, con trai của Nguyễn Quý Anh và hậu duệ của Bố chính Nguyễn Thông là người duy nhất tiếp tục kinh doanh xí nghiệp sản xuất nước mắm Phan Thiết - Liên Thành sau khi đỗ ra trường Cao đẳng Thương mại Paris.
Nói chung, hoàn cảnh trí thức sau năm 1930 gặp nhiều khó khăn trên mọi mặt: học vấn, nghề nghiệp và tinh thần. Hiện tượng thất nghiệp thấy rõ với 50% người đi tìm sinh kế trong nghề làm báo, viết văn và dạy tư. Không ít người phải phối hợp hai, ba nghề mới đủ sống. Tuy vậy, không có gì cho phép xem trí thức Việt Nam lúc đó như thành phần “phản thượng lưu” (D. Hemery) vì chính nhờ số đông làm nghề văn hóa tự do mà “xã hội dân sự” mới thành hình dưới dạng các nhà xuất bản, cơ quan ngôn luận có tính cách đại chúng, những văn đoàn nổi tiếng như Tự Lực, Hàn Thuyên, Thanh Nghị, Tri Tân, Tân Dân… Ngược lại, chính hoàn cảnh kinh tế xã hội khó khăn và hâm dọa “bần cùng hóa” thành phần trung lưu mới khiến cho người có ăn học thức tỉnh tìm về “cội rễ”  để chia xẻ đời sống  nông dân[12] nơi đồng quê bùn lầy, cảnh lầm than tối tâm của đám dân nghèo thành phố. Nó tạo điều kiện khách quan và chủ quan để liên hiệp dân tộc công, nông, trí thức trong một Mặt trận Việt Minh thống nhất.
4. Một biến số ít người để ý : hệ thống cấu kết dòng họ (gia phả các đại gia đình lãnh đạo Quốc gia và Cộng sản)
Bổ túc những biến số tiểu sử chỉ cho thấy “chiều ngang” thông qua vài nét chấm phá của thực tế xã hội nhất thời (réalité immédiate), nghiên cứu gia phả xuyên qua hai ba thế hệ mang lại cho sử gia một cái nhìn về “chiều dọc” lịch sử của từng gia đình trong quá trình tái tạo dòng họ và kết cấu thông gia giữa các đại gia như một chiến lược củng cố và chinh phục quyền lực theo nghĩa rộng (không chỉ giới hạn vào chính quyền).
4.1. Hệ 1 : Hành trình và gia thế cố Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm (nhóm quan lại Công giáo miền Trung, Huế)
Ngô Đình Diệm sinh ngày 3 tháng 1 năm 1901, tại Huế, trong một gia đình quan lại Công giáo. Ông lớn lên trong lúc người cha Ngô Đình Khả bị thất sủng và cho về hưu sớm sau khi người Pháp quyết định phế vua Thành Thái. Tổ tiên họ Ngô là một gia đình nghèo theo Thiên chúa giáo lâu đời tỉnh Quảng Binh (làng Xuân Dục, Quảng Ninh). Học chủng viện Penang (Malaysia) xong, ông đi làm thông ngôn cho Công sứ Pháp tại Huế trước khi thăng chức An Phủ Sứ. Bên cạnh Đại tá Duviller, ông đóng góp đắc lực vào công cuộc tiểu trừ quân đội Cần Vương. Với sự trợ đỡ của một người đồng đạo làm quan to trong triều (Nguyễn Hữu Bài), ông là gương mặt tượng trưng của nhóm áp lực đang lên vì phối hợp, dưới mắt người Pháp, hai lợi khí : theo đạo Thiên chúa và đấu tranh không nhân nhượng chống Nho giáo. Dưới ảnh hưởng của hai vị đại thần công giáo được người Pháp vị nễ, triều đình Huế bắt đầu cộng tác với chính quyền thuộc địa trong một chế độ Bảo hộ ngày càng giả tạo.
Học xong trường Thầy Dòng Pellerin với bằng Thành Chung, ông được vào Hậu Bổ để học ra làm quan theo chế độ giao thời. Được bổ nhậm Tri huyện Hương Trà vừa mới 23 tuổi, ông lên chức nhanh so với thời đó (Tri phủ Hải Lăng, Quản đạo Ninh Thuận, Tuần vũ Bình Thuận, chưa đầy 32 tuổi đã đứng đầu chính phủ Bảo Đại) một phần lớn nhờ uy tín cương nghị và trong sạch. Tuy nhiên, cũng như người cha, ông cảm thấy khá lạc lõng giữa những gia đình Đại thần cựu kinh trong một triều đại hoàng hôn vắng bóng Minh chủ (Xem Lược đồ thành phần lãnh đạo miền Nam (1954-1975) (phụ lục).
Theo Hồi ký của Tướng Đỗ Mậu, gia đình Ngô Đình Diệm có sáu trai hai gái. Ngô Đình Khôi là con trai cả cũng xuất thân Hậu Bổ như Ngô Đình Diệm đang làm Tổng đốc tỉnh Quảng Nam khi ông bị Phạm Quỳnh thải hồi vì tham nhũng (hay ganh ghét ?). Con ông (Ngô Đình Huân) sau này được bổ nhậm Thanh tra Lao động cho chính quyền Bảo hộ bị Việt Minh ám hại cùng với người cha năm 1945. Người anh kế là Hồng Y Giáo chủ Ngô Đình Thục là giám mục đầu tiên của Việt Nam tại Vĩnh Long. Ngô Đình Nhu là em kế của Ngô Đình Diệm và cũng là người Việt Nam đầu tiên thi đỗ vào Trường Chartres đào tạo chuyên viên cao cấp ngành Lưu trữ văn khố. Về nước, ông được đề bạt làm Giám đốc sở Lưu trữ  tại tòa Công sứ Huế. Với tư cách Cố vấn chính trị Ngô Đình Diệm, ông đóng vai trò chính yếu trong chế độ miền Nam. Vợ của ông là bà Trần Lệ Xuân (con gái của Luật sư Trần Văn Chương và cháu ngoại của Thượng thư Thân Trọng Huề). Ông Ngô Đình Cẩn tuy là người ít ăn học nhất trong gia đình sẽ thủ vai Đại thần khâm sai của chính quyền ở miền Trung. Cuối cùng trong sáu anh em trai, kỹ sư Ngô Đình Luyện là người có công đầu trong cuộc vận động đưa ông Diệm về nước làm Thủ tướng cho Bảo Đại. Hai người con gái trong gia đình họ Ngô, Ngô Thị Giao và Ngô Thị Hiệp cũng nổi tiếng có bản lĩnh kinh doanh to làm giàu lớn và kết thông gia với các đại gia miền Trung. Bà Giao là mẹ của Hồng Y giáo chủ Nguyễn Văn Thuận và con gái của bà Hiệp lấy chồng làm bộ trưởng Quốc phòng cho Tổng thống Diệm Trần Trung Dung.
4.2.         Hệ 2 : Hành trình Duy tân - Tả Đối lập nhóm Liên Thành (tài liệu tư nhân)
Nếu gia đình họ Ngô đại diện nhóm quan chức gần triều đình Huế thì những sáng lập viên Công ty Nước Mắm Phan Thiết Liên Thành là đồng chí và hậu duệ của phong trào Duy Tân theo Phan Châu Trinh ngay từ những ngày đầu của phong trào. Năm nhân vật cốt lõi của Liên Thành là cặp bài trùng Nguyễn Thông với Hồ Tá Hiếu (thế hệ 1862), bộ ba Nguyễn Trọng Lợi (hay Lỗi) - Nguyễn Quý Anh và Hồ Tá Bang (thế hệ 1907) và hai nhân vật hiện đại, Nguyễn Minh Duệ và Hồ Tá Khanh (thế hệ 1925).
Nguyễn Trọng Lợi là con trưởng của quan Bố chính Nguyễn Thông, mẹ của ông là cháu gái của Ngô Nhân Tịnh một trong nhóm Gia Định Tam Gia (cùng với Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định). Nhà nho không ra thi cử, ông là người quản lý đầu tiên của Liên Thành. Khi ông mất, người em kế tiếp Nguyễn Quý Anh giao trách nhiệm giám đốc cho người khác (Trần Lệ Chất) trước khi lên đường sang Pháp cho con đi du học. Con trai của ông (Minh Duệ) về nước sau khi học ra trường Cao Đẳng Thương Mại Paris, tiếp tục sự nghiệp quản lý Công ty của bác và cha cho đến ngày bị giặc Pháp giết chết. Một người con gái của Quý Anh tên Minh Nguyệt đỗ Cử nhân Luật lấy chồng là Bác sĩ Hồ Tá Khanh, con trai của ông Hồ Tá Bang, cháu nội của Hồ Tá Hiếu, anh em bạn rễ của quan Bố Nguyễn Thông, tóm tắt (xem lược đồ sau) hành trình phong trào nho giáo Trung Nam  từ  lúc kháng chiến Trương Công Định - Cần Vương (Trịnh Quang Nghị - Trà Quý Bình) đến Duy Tân và chặng đường cuối với nhóm Đối lập Tả phái (Bác sĩ Hồ Tá Khanh, bộ trưởng Kinh tế trong Chính phủ Trần Trọng Kim và bạn thân với nhóm La Lutte). (Xem lược đồ Hệ 2 phụ lục)
4.3.         Hệ 3 :Hành trình Tư sản Điền chủ miền Nam - Gia đình Trương Vĩnh Ký (tài liệu tư)
Trên một bình diện nào đó, có nhiều điểm tương đồng giữa hai người đương thời Trung Nam, giữa ông Ngô Đình Khả và Pétrus Trương Vĩnh Ký : theo đạo Công giáo lâu đời, gốc gác bình thường, vì thời cuộc mà trở thành nhân vật “chiến lược” cho công cuộc chinh phục thuộc địa, làm quan to trong triều rồi cùng bị cảnh thất sủng hiu quạnh. Tuy nhiên, Petrus Ký không được hưởng qui chế đại thần như ông Khả. Ông về Nam sau khi Paul Bert chết, đi dạy học, viết sách, làm báo, giáo dục gia đình, dâu rễ cũng có người làm dược sĩ, kiến trúc sư, viết văn như Nguyễn Trọng Quản. Sau này, người con thứ chín Nicolas Trương Vĩnh Tống làm bộ trưởng Ngoại giao dưới thời Bảo Đại. Khi ông cưới bà Elise Trần Thị Lộ, con gái Đốc phủ sứ Trần Bá Thọ và cháu nội của Tổng đốc Trần Bá Lộc thì hoàn tất sợi dây chuyền quyền lực trong Nam Kỳ kết hợp chính trị, tôn giáo với kinh tài vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Không có gì lấy làm lạ khi Tổng thống Diệm giao phó cho người cháu nội của Pétrus Ký, Trương Vĩnh Lễ, chức Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam Cộng hòa đánh dấu liên hệ hữu cơ giữa hệ 1 (Huế) và hệ 3 (Hậu giang). (Xem lược đồ Hệ 3, phụ lục)
4.4.         Hệ 4 : Hành trình Nho giáo - Tây học - Cộng sản Trung Bắc thành phần lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam
Hai nhân vật chính của Hệ 4 là hai nhân vật lich sử miền Trung Bắc có liên hệ trực tiếp đến phong trào Cần Vương - Duy Tân - Đảng Cộng sản Việt Nam nghĩa là đại diện chính quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa từ 1975 đến nay. Ai cũng biết tiểu sử và đại sử của tướng Võ Nguyên Giáp và vai trò của ông trong hai cuộc chiến nửa sau thế kỷ XX. Trong lược đồ 4 chỉ cần lưu ý sự gặp gỡ và quan hệ thông gia giữa hai trí thức Tây học cùng chia sẻ di sản Nho giáo qua thế hệ cha ông và quá khứ phong trào Cần Vương. Xuất thân Đại học Hà Nội, Đặng Thai Mai (Sư phạm) cùng Võ Nguyên Giáp (Luật) cùng đi dạy tư tại Trường Trung học tư thục Thăng Long. Cả hai đều gia nhập tiền thân đảng Cộng sản Đông Dương (Đảng Tân Việt) sau phong trào thanh niên năm 1925. Sau Cách mạng tháng Tám, cả hai được bổ nhậm làm Bộ trưởng trong chính phủ Liên Hiệp trước khi chia tay, kẻ trở về nghiên cứu văn học người chỉ huy quân đội. Quan hệ thông gia giữa họ Đặng và họ Võ tóm tắt hành trình của Hệ 4 và tượng trưng sự tiếp nối lịch sử cận đại Việt Nam từ Nho giáo đến Cộng sản. (Xem hệ 4, phụ lục).
4.5.         Hệ 5 : Hành trình Nho giáo - Cộng sản châu Á - Việt Minh theo gia phả họ Hồ Bá (Nghệ An)
Hệ 5 phản ánh con đường khác Hệ 4 (không thông qua Tây học) đi đến chủ nghĩa Cộng sản qua những chặng đường đấu tranh trong nước và ngoài nước chống thực dân : Cần Vương, Quang Phục, Tâm Tâm Xã, Thanh Niên, Đảng Cộng sản Đông Dương. (Xem hệ 5, phụ lục, tài liệu : Hồi ký Giọt nước trong biển cả của Hoàng Văn Hoan).





[1] Xem Thơ văn yêu nước, sđd, tr.127.
[2] Cách xếp đặt thành phần xã hội nhiều khi không có gì chắc chắn trong các Từ điển sau 1945 vì một người như Đào Tấn có khi làm “cố nông” lắm lúc được đề bạt “phú nông”!
[3] Theo gương Bắc triều, nhà Nguyễn rất trọng văn, xem văn học như mực thước hay dở của chế độ như qua  hai câu thơ của vua Tự Đức:
Văn như Siêu Quát vô tiền Hán,
Thi đáo Tùng Tuy nhất thịnh Đường”!
Nên nhắc lại vua Thiệu Trị chọn ông nối ngôi dù Tự Đức không phải là con cả cũng vì ông có tài văn học.
[4] Tức người đứng đầu trường Quốc Tử Giám.
[5] Huỳnh Thúc Kháng tự truyện (Hán văn), NXB Anh Minh dịch, Huế, 196, tr.10
[6] Huỳnh Thúc Kháng tự truyện, sđd, tr.10.
[7] Huỳnh Thúc Kháng tự truyện, sđd, tr.12.
[8] Sống lâu nhất có Nguyễn Đỗ Mục 82 tuổi, Cao Xuân Dục 81 và Hồ Chí Minh 79, còn hai ông Tú Xương và Trần Quý Cáp thì chết lúc 37 tuổi, người vì nghèo khó, kẻ bị quan ta giết hại!
[9] Xem G.Boudarel, “Nhóm Cực tả và chủ nghĩa dân tộc Việt Nam” trong Histoire de l’Asie du Sud Est, PUL, 1981.
[10] Do biến cố Yên Bái và thời cuộc trong nước từ năm 1940 đến năm 1946.
[11] Sư thực là vai trò Hán tự cũng chưa dứt hẳn nhất là vùng nông thôn Trung Bắc. Đến năm 1938, số người lớn tuổi theo Nho học còn biết đọc tiếng Hán vùng Thanh Hóa tương đối đông hơn lớp trai trẻ theo chế độ Pháp - Việt biết đọc Quốc ngữ ! (Xem Trịnh Văn Thảo, Nhà trường Pháp ở Đông Dương).
[12] Xem Ngô Tất Tố (Tắt đèn) hay Trần Tiêu (Con trâu), Khái Hưng và Nhất Linh (Bùn lầy nước đọng), Lan Khai (Lầm than)…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét