Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

VĂN HOA TIÊN VÀ VĂN KIỀU


VĂN HOA TIÊN VÀ VĂN KIỀU
        Nguyễn Khắc Hiếu
Cụ Cao Bá Quát là vị danh nhân thuở xưa đề tựa (Hán văn) cho quyển truyện Hoa tiên ở cuối có câu rằng:
“Sử Kim Vân Kiều xanh hồ kỳ hậu giã”, nghĩa là: “Khiến cho quyển Kim Vân Kiều đờ mắt theo ở sau”. Như lời ấy, thời quyển Hoa tiên hơn quyển Kiều. Ngoài cụ Quát, cũng có nhiều người bình luận về quyển truyện Hoa tiên, hoặc cho là hay, hoặc cho là giá trị tương đương với Truyện Kiều; mà cái hay và cái chỗ tương đương như sao, thời chưa thấy chỉ nói đến rõ. Những lời bình luận ấy, xét ra như đều có lấy về tính chất của quyển truyện, mà không phải chuyên luận về văn chương. Nay xin chuyên theo văn chương, phê bình hai quyển truyện đó.
Trong Truyện Kiều có câu:
Dễ dàng là thói hồng nhan,
Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều.
Trong Hoa tiên có câu:
Phận đàn bà ngỡ là chơi,
Một đời tăm tiếng, muôn đời mắt tai.
Hai câu đó đều nói về đàn bà, đều là câu văn tuyệt có giá trị, lời và ý nghĩa cùng hay; mà các bổn sách của hai truyện khác nhau, cũng có thể coi đó làm biểu. Nghĩa là văn Truyện Kiều quý ở tình-tính; văn Hoa tiên trọng ở luân lý. Nguyên tự cái gốc của văn chương đã khác nhau như thế, lại thời đại, cảnh ngộ và tài khí của tác giả đều khác, cho nên văn hai quyển ấy khác nhau xa.
Văn Truyện Kiều là văn chương; văn Hoa tiên tựa ở luân lý. Văn Truyện Kiều rất là bạo lời; văn Hoa tiên giữ ý cẩn thận. Văn Truyện Kiều nhiều giọng lịch lõi, văn Hoa tiên toàn vẻ trang nhã. Văn Hoa tiên như mợ ấm khuê các; văn Truyện Kiều như bà lớn tân thời. Văn Hoa tiên những câu hay, hay một cách bằng phẳng; văn Truyện Kiều những câu hay có nhiều ý tứ xôi xốc. Văn Hoa tiên những câu hay, không thể chỉ rõ từng chữ; văn Truyện Kiều những câu hay, có thể chỉ rõ từng chữ hay.
Nay lược dẫn mỗi truyện ít nhiều những câu hay, để chúng thực sự so sánh.
Những câu trong Hoa tiên như:
- Đồng say, khách lạ, canh dài;
Một trăng, một bóng, một người, hóa ba.
- Cuộc tiên đôi ả má đào,
Riêng làn xiêm trắng, đưa vào mắt xanh.
- Đào trên mây hạnh trên trời,
Nghĩ chi cho nát dạ người như tươm.
- Vủng va miệng nói chân dời,
Vườn khuya mặc đó, một người đứng trơ.
- Trước lan so bóng ngán lời,
Trăng mờ gương lạnh, dế dời khúc ngâm.
Những câu đó thực đều là hay, mà đều hay về vẻ trang nhã, hay một cách bằng phẳng. Nay muốn xét ở trong câu, kiếm chữ nào có vẻ hay riêng, biểu bạch nói ra, thời không thể kiếm được cho có.
Trong Truyện Kiều những câu như:
- Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
- Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng, cồn nọ, bụi hồng dặm kia.
- Canh khuya thân gái dặm trường,
Phần e đường sá, phần thương dãi dầu.
Các câu đó cũng đều hay một cách bằng phẳng như Hoa tiên, nghĩa là không thể chỉ rõ như chữ nào là hay đặc biệt. Còn đến những câu hay mà hay ở xôi xốc, thời như:
Chẳng ngỡ gã Mã Giám sinh,
Vẫn là một đứa phong tình đã quen.
Chữ “gã” đã già lời, chữ “đứa” lại càng bạo đặt. Tay văn non quyết viết không tới.
Lão kia có dở bài bây,
Không đâm vào mặt, mà mày lại nghe.
Câu đó thời toàn câu già lời, mà chữ “lão” chữ “đâm” lại rất là đanh đá. Đọc lên, như thấy thực có một chị Tú già san sát ở trước mặt vậy.
Phòng không lặng ngắt như tờ,
Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh.
Câu này, tám chữ dưới thực có giá trị ở sự ngâm đọc. Nguyên văn lục bát là thể văn chẵn, cho nên như câu tám ở dưới phi hai chữ đi với nhau, thường bốn chữ đi với nhau. Cũng bởi thế, cho nên thường thấy có nhiều người kể truyện, ngâm truyện cứ hai chữ một lần ngắt hơi; mà nhất là đến chữ thứ sáu ở câu tám, thời ngừng hơi một cách bỏ lửng, như thể đương đi mà ngồi phịch xuống đất, rồi mới lại đứng lên. Cách kể truyện như thế, rất là không thanh lịch, mà nghe thường thấy buồn; nhất là những người đàn bà con gái đã sẵn có cái tính tình ai oán, mà kể truyện, ngâm truyện đến chữ thứ sáu ở câu dưới, thật như gẩy khúc đoạn trường vậy. Câu tám đây, hai chữ “lờ mờ” đặt đi luôn với nhau, bắt cho người ngâm truyện đến chữ thứ sáu đó không được ngừng hơi, nếu ngừng hơi thời không có nghĩa, như thể kéo cái xe xuống dốc mà cần phải luôn cẳng, nếu không thế thời té đổ xe vậy. Câu đó thật xôi xốc mà cũng thật thanh lịch, khắp thảy văn lục bát ít có, không cứ là so với một Hoa tiên.
Mày ai, trăng mới in ngần
Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa
Câu này, cái giá tuyệt thanh quí, chỉ ở một chữ “ai”. Ai, tức là người ở trong tưởng nhớ vậy. Trông thấy trăng mới in ngần, tựa như cái lông mày, mà nhận là như lông mày của người ấy. Vậy không cần có chữ “nhớ” mà cái tinh thần sự nhớ hoạt hiện ở trong câu. Mỗi câu sáu chữ đó, tức như văn Tàu câu: “Phù dung như diện, liễu như my”. Chữ “ai” đó, tức là chữ “như”. Mà chữ “như” kia trong văn Tàu còn tục, đến chữ “ai” đây, mới là tuyệt thanh.
Giọng sỗ sàng thời như: “Không đâm vào mặt mà mày lại nghe”. Giọng thanh lịch thời như: “Mày ai trăng mới in ngần” đều là những câu hay có vẻ đặc biệt.
Cứ cái tài Tác giả quyển Kiều mà làm vào truyện Hoa tiên thời có thừa; tài Tác giả Hoa tiên mà nếu làm sang truyện Kiều có khi không đủ. Cho nên thuyên cứ văn chương mà bình luận, thời trong các truyện lục bát, nhất Kiều, mà Hoa tiên cũng là một quyển có giá trị vậy.
(Phụ nữ tân văn, số Xuân 1934)


Bài này đưa vào đây làm tư liệu. Bản này do tôi chép tay năm 1986, từ báo Phụ nữ tân văn của Thư viện quốc gia VN