Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2016

MẪU HÌNH NHÀ NHO TÀI TỬ NGUYỄN CÔNG TRỨ

MẪU HÌNH NHÀ NHO TÀI TỬ NGUYỄN CÔNG TRỨ
                                                                  NGUYỄN ĐỨC MẬU
T
rong văn học Việt Nam trung cận đại hình thành mẫu hình nhà nho tài tử, xuất sinh từ đô thị kiểu thị tứ, kẻ chợ, không mấy phát triển, mang yếu tố cá nhân phi Nho, phi Trang. Tên đầy đủ “nhà nho tài tử” được ghi bằng tiếng Việt có lẽ đầu tiên từ Trương Tửu trong công trình về Nguyễn Công Trứ. Trần Đình Hượu trong Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại nói rằng ông quan niệm nhà nho tài tử  của ông khác “khái niệm “tài tử” thường dùng mà cũng không đồng nghĩa với khái niệm “tài tử” Kim Thánh Thán dùng để đánh giá một số tác phẩm văn học Trung Quốc(1). Ông xác định nhà nho tài tử trong ba mẫu nhà nho: nhà nho hành đạo, nhà nho ẩn dật, nhà nho tài tử, và để khi giải thích hiện tượng ba thể loại hát nói, ngâm khúc, truyện nôm thì mẫu nhà nho tài tử là một giả thuyết khoa học có thể cắt nghĩa thích hợp. Chúng tôi sử dụng khái niệm nhà nho tài tử theo quan niệm của Trần Đình Hượu và xét từ một trường hợp - Nguyễn Công Trứ.
Nếu nhìn theo chiều dài lịch sử của mẫu hình nhà nho tài tử có thể thấy một quá trình từ Phạm Thái, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, đến Tản Đà. Các sáng tác của họ biểu hiện xu hướng phi chính thống, hướng đến tự do phóng khoáng của con người cá nhân, thị tài, đa tình, khác với các nhà nho hành đạo hay ẩn dật coi trọng đạo đức khuôn phép. Nguyễn Công Trứ là hiện thân đầy đủ của mẫu hình này, cũng khác với Tản Đà, người tài tử đã mang sắc thái chuyển hoá của buổi giao thời Âu Á.
Nguyễn Công Trứ ( 1778- 1858) là người có nhiều tài, cái tài nào cũng để lại dấu ấn trong lịch sử, trong dư luận, trong các giai thoại: tài khai khẩn, tài tổ chức công việc, tài quân sự, tài văn chương nghệ thuật,... Thị tài, đa tình là đặc điểm tính cách đã hiện ra trong thực tế cuộc sống của ông. Văn học Việt Nam phát triển đến thế kỷ XIX, với Nguyễn Công Trứ, thì  xuất hiện đậm đặc danh xưng tài tử, kẻ tài bộ, bậc tài hoa, đấng anh hùng, đấng phi thường,... kiểu tôn xưng của tính cách thị tài. Biểu lộ đức, giữ đức độc thiện kỳ thân hay “kiêm thiện thiên hạ” là nỗi canh cánh, niềm hãnh diện của nhà nho chính thống chứ không phải là tài. Nghĩa quân thân, tinh thần trách nhiệm xã hội được nhắc đến ít ỏi lại bị tinh thần thị tài, bị ước nguyện làm nên một sự nghiệp “lẫy lừng đâu đấy tỏ” áp đảo. Hành động “trí quân trạch dân của người tài tử cũng nhằm để khẳng định cái tài của mình, để khoe tài nhiều hơn khẳng định lòng nhân.
Tài theo quan niệm của Nguyễn Công Trứ đã là hoạt động trí tuệ. Cũng có khi chữ tài được thay bằng chữ “thông minh” trong câu “Thông minh nhất nam tử. Yêu vi thiên hạ kỳ''. Sự phô diễn tài và tình như vậy vừa biểu hiện phát triển ý thức về mình, ý thức cá nhân, vừa biểu hiện một thái độ thách thức, một thái độ chống phá lễ giáo.  Nó không còn là thái độ thụ động tiêu cực “Dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng” mà là tính chủ động tích cực của sự khẳng định cá nhân. Sự khoe tài cũng trái với các nhà nho chính thống thường tự nói rằng mình bất tài, vụng về, lười biếng trong các tên hiệu Ngu ông, Chuyết ông, Lãn ông. Cái tài nào ông cũng nói đến với giọng điệu đầy tự hào, kiêu hãnh của người thị tài chứ không phải nói với ý thức phận vị, trách nhiệm quân thân. Tài kinh luân được ông nói đến như là mục đích của sự trổ tài: Kinh luân khởi tâm thượng/ Binh giáp tàng hung trung/ Vũ trụ chi gian giai phận sự/ Nam nhi đáo thử thị hào hùng (Cách xếp đặt việc nước đã định sẵn trong long. Đồ binh giáp để đánh giặc đã xếp sẵn trong bụng. Việc trong trời đất là phận sự của mình. Làm trai đến thế mới tài giỏi).
Ý nghĩa cuộc đời là phải làm nên một sự nghiệp to lớn, kỳ lạ, nếu không sẽ vô nghĩa, sẽ “tiêu lưng ba vạn sáu”. Ý thức về sự vô nghĩa của cuộc đời, để cuộc đời khỏi vô nghĩa, là một băn khoăn, một ý thức cá nhân. ý thức về mình, vì mình, vì sự tồn tại một giá trị độc lập chứ không phải là một băn khoăn mang tính trách nhiệm “trí quân trạch dân”... Mục đích, thái độ sống này xa lạ với thái độ “an bần lạc đạo” “khắc kỷ, phục lễ, thành ý, chính tâm tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Nó xa lạ với sự lựa chọn “nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư”, hay một sự lựa chọn thụ động: “dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng”, “cùng, tắc độc thiện kỳ thân; đạt, tắc kiêm thiện thiên hạ”. Nó cũng không hoàn toàn chấp nhận nguyện vọng sống “tắm mát ở sông Nghi, hóng gió ở đền Vũ Vu” như cách sống của Hứa Do, Sào Phủ. Người tài tử bộc lộ tài kinh luân với thái độ chủ động và không giới hạn trong “điều kiện khách quan”, không phụ thuộc vào việc dụng hay không dụng của đấng chí tôn, hay nói đúng hơn, việc được “dụng” trong ý nghĩ của họ, là tất cả bởi “Thiên địa sinh ngô nguyên hữu ý”. Ước vọng, tham vọng làm nên một sự nghiệp lớn để vừa thoả danh, vừa thoả tài, nó biểu lộ trong các từ “chí nam nhi”, “chí làm trai”, “nợ tang bồng”, “nợ anh hùng”, “chí anh hào” thành một niềm canh cánh nhưng cũng là chỉ để thoả danh, thoả tài và để thoả tình, kiểu “chỉ hướng quân vương mịch ái khanh”, chứ không phải là mục đích cuộc đời bởi sau khi đã mãn nguyện danh vọng thì: Đường mây rộng thênh thang cử bộ. Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo, Thảnh thơi thơ thập rượu bầu. Ông “trượng phu kềnh, kẻ tài tử tự cho mình nhiều tài và đa tình, và có lẽ vì thế, mà cũng tự cho rằng mình có nhiều nợ, nợ nào cũng được nói lên với thái độ kiêu hãnh: tình trái (nợ tình), nợ phong lưu, nợ tang bồng, nợ anh hùng,... Bởi tự thấy, tự cho mình đa tài mà người tài tử tự thấy, tự cho mình có một vai trò, một chức phận tất nhiên trong vũ trụ, trong cõi trời đất.  Phận sự trong vũ trụ cũng là một tất yếu, nó không phải gắn với ý thức xã hội mà gắn với ý thức về tài, danh, ý thức khẳng định mình.
Hình mẫu của người tài tử có tài kinh luân, kinh bang tế thế không phải là mẫu hiền nhân quân tử, mẫu nhân giả hay trí giả như tiêu chí làm người lý tưởng của nho giáo, mà là mẫu người có hoài bão, dục vọng mang những giá trị thực của cuộc sống. Đó là văn nhân và tráng sỹ, tay bút nghiên, tay cung kiếm. Dường như những giá trị này đáp ứng người tài tử hơn những tiêu chí của mẫu hiền nhân quân tử về phương diện tự do, không ràng buộc nhiều trong quan niệm nên hình ảnh người tráng sỹ, người anh hùng thư kiếm luôn luôn được nhắc đi nhắc lại như là hình ảnh lý tưởng với nhiều khoái cảm. Sự thị tài đẻ ra ước nguyện về một mẫu người mang các ưu điểm của các loại người, mà thông thường được quan niệm là đối lập, như vừa văn, vừa võ, văn nhân và tráng sỹ. Đó cũng là mẫu hình thời đại trong “chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt, xếp bút nghiên theo việc đao cung” - một hình mẫu hào hoa, phong nhã (Đã xông pha bút trận thì gắng gỏi kiếm cung; Đường thư kiếm vẫy vùng cho hết đất).
Hình mẫu lý tưởng này không phải là sản phẩm của quan niệm đạo đức mà là sản phẩm của con người trong đời sống thực tế. Loại người có tài văn võ là có giá trị xã hội thực tế hơn loại hiền nhân quân tử. Đó là loại người hành động, chủ động hành động. Có tài kinh luân, tài văn võ và hiện thực hoá được những tài ấy trong cuộc sống thì cũng chỉ mới thoả mãn được danh vọng, người tài tử còn cần thể hiện cái tài cầm, kỳ, thi, hoạ. Nếu như tài kinh luân, tài cầm quân là những loại tài năng cần cho đời sống thực tế, nó mang lại danh vọng đáng kể cho con người trong cộng đồng của xã hội thứ bậc, xã hội “luân thường” thì loại tài “nhả ngọc phun châu” như cầm, kỳ, thi, hoạ lại là những thứ tài cần cho đời sống tình cảm, nó mang lại sự hãnh diện cho đời sống tinh thần của cá thể. Nguyễn Công Trứ, trong một bài thơ, đã tự đắc về cái tài cầm kỳ thi tửu: “Trời đất cho ta một cái tài. Dắt lưng để dành tháng ngày chơi. Dở duyên với rượu khôn từ chén. Chót nợ cùng thơ phải chuốt lời”. Đã là khách phong lưu phải đủ cả cầm, kỳ, thi, tửu (có nhiều lúc lại nói thi hoạ). Mẫu hình khách phong lưu này dường như là mẫu hình mang tinh thần thời đại bởi các nhân vật được lý tưởng hoá trong văn học cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX thường nói đến các tài cầm, kỳ, thi, tửu như những phẩm chất nổi trội, như những giá trị bậc cao, kể cả ở nhân vật nữ (như trong Cung oán ngâm khúc). Nguyễn Công Trứ nhiều lần tự xưng là khách thi tửu, cầm, kỳ. Tài cầm kỳ thi tửu hay thú cầm kỳ thi tửu ở Nguyễn Công Trứ thông thường gắn với sắc, với môi trường hành lạc.
Cầm, kỳ, thi, tửu trong hát nói Nguyễn Công Trứ được sử dụng, được tìm đến ở trong hai trạng thái tinh thần: khi muốn túng dục, thích thú phong lưu (trạng thái này nhuốm sắc thái vật dục) và khi muốn thanh cao, tiêu dao ngoài cõi tục (trạng thái này nhuốm sắc thái triết học). Cả hai trạng thái tinh thần ấy đều nằm trong quan niệm nhân sinh quí thích chí và đều muốn được phô bày trước xã hội. Cái năng lực cầm, kỳ, thi, tửu vừa được khoe như một cái tài đủ để hãnh diện với bên ngoài, vừa là một thú vui đủ để tự thoả mãn chính mình. Sự chủ động khẳng định mình về danh vọng, thể hiện mình về tài đã là một đặc điểm khác với tư tưởng an mệnh, thì sự so đo hưởng thụ, thoả mãn cái “bầu nhân dục”, “Cuộc nhân sinh bảy tám chín mười mươi, mười lăm trẻ năm mươi già không kể”, cũng khác với tư tưởng an bần lạc đạo, khắc kỷ, phục lễ. Nhiều lần Nguyễn Công Trứ trực tiếp nói cái đa tình của mình, tự nhận mình là người đa tình với thái độ tự hào, có khi mang tính cường điệu, và gợi chút dục tính: Xưa nay mấy kẻ đa tình. Lão Trần  là một với mình là hai. Càng già càng dẻo càng dai. Tính chất hoan lạc được đưa ra có thể xem là với mục đích khoe sự hưởng thụ nhục thể, được nói đến không bao hàm ý dưỡng sinh của Dương Chu mà thuần tuý là một hành vi mang tính xã hội, biểu hiện trong nó sự tự do, ngất ngưỡng như ông tự khoe, sự thách thức xã hội như ông muốn. Cái đa tình được quan niệm như là sở hữu riêng của người có tài. Người có tài được gặp minh quân cũng không bằng, hay còn dễ hơn được gặp giai nhân.
Trước Nguyễn Công Trứ rất lâu Dương Chu đã triết lý về chất lượng sống. Ở Dương Chu, cái thú thanh sắc là ở quan niệm, là tư tưởng, là không túng dục, được thể hiện ở các biện luận triết học, tư tưởng còn ở Nguyễn Công Trứ là các hành vi mang tính quan niệm được thể hiện bằng thơ, phát biểu bằng thơ. Nguyễn Công Trứ sử dụng các triết lý của Dương Chu, Trang Tử để biện luận, biện chính cho các hành xử phi nho của mình. Sử dụng các tư tưởng như vậy chủ yếu cho các mục đích “thiết thực’’ thuộc loại hưởng thụ, hưởng lạc như đòi hỏi thoả mãn các dục vọng, các cảm giác của con người tự nhiên mà ít sử dụng theo hướng triết học, lý luận rộng lớn hơn, phức tạp hơn của thuyết vị ngã. Có thể nói các thành tố Trang tử trong Nguyễn Công Trứ đã biến thành “cái Trang tử đa dục(2), không còn là cái Trang tử triết học trong nguyên nghĩa của nó. 
Nguyễn Công Trứ đặt việc hành lạc quan trọng hơn sống lâu. Và nội dung quan trọng nhất của cuộc sống là hành lạc. Nhận thức như vậy sẽ giúp chúng ta lí giải được rằng tại sao ông vừa quyết liệt khẳng định danh, vừa bất cần trước sự thăng giáng chức vị. Danh phải làm cho ông được khẳng định tài và thiết thực với niềm vui, cái gì không tạo ra niềm vui thì sẽ trở thành xa lạ với tư tưởng hành lạc của ông (Tế suy vật lí tu hành lạc. Hà dụng phù danh bạn thử thân). Người tài tử khẳng định danh là để khoe tài, tỏ tài và đchỉ hướng quân vương mịch ái khanh”. Trong trường hợp cụ thể, danh không đáp ứng các yêu cầu đó thì danh trở thành danh hão hay nếu phải chịu lựa chọn giữa danh và hành lạc thì người tài tử lựa chọn hành lạc. Cái đa dục của Nguyễn Công Trứ chứa đầy sự tương khắc, giữa cái đa dục của con người cá nhân và cái tính chức năng của con người phận vị, đa dục và nhàn. Đa dục là biểu hiện cụ thể của tư tưởng hành lạc, nhàn cũng là một biểu hiện của hành lạc nhưng giữa đa dục và nhàn ẩn chứa mâu thuẫn, Nguyễn Công Trứ cũng từng nghị luận, lập luận về nó như một vấn đề để từ đó tìm hướng giải pháp “tối ưu” trong cân bằng tinh thần (Người nhân thế muốn nhàn sao được…Khi ái ân, khi ai lạc, lúc sân si. Chứa chi lắm một bầu nhân dục).
Trong quan niệm của Nguyễn Công Trứ, sống lâu cũng sẽ bị xem như là chết yểu, nếu cuộc đời không được hành lạc. Nhà nho hành đạo không nói đến hành lạc, và nhiệm vụ, nghĩa vụ là điều họ quan tâm hàng đầu và duy nhất, ngược lại, nhà nho tài tử có hành đạo nhưng hành lạc là cái họ lấy làm mục đích, cả khi hành đạo họ cũng hướng đến mục đích thoả mãn tinh thần thị tài hơn là thực hiện nghĩa quân thân, mặc dù họ có tuyên bố một cách mạnh mẽ cho loại nghĩa vụ này. Họ là người không băn khoăn, day dứt về nghĩa vụ. Nguyễn Công Trứ hướng đến công danh, nhưng đấy là loại công danh với núi sông.  
Một loạt khái niệm mới được Nguyễn Công Trứ đưa ra để nói cái tư tưởng hành lạc, đó là: cuộc hành lạc, cuộc làm vui, chơi, nghề chơi, đường ăn chơi, thú phong lưu, đồ thích chí, thú ăn chơi... Đưa ra nột loạt khái niệm mới để nói hành lạc, vừa lặp lại nhiều lần, vừa nói rất thích thú về nó, chứng tỏ tư tưởng nhân sinh quí thích chí của Nguyễn Công Trứ đã hằn lên các khái niệm, thúc đẩy sự hình thành các khái niệm mới. Sự xuất hiện các từ “cuộc” trong “cuộc hành lạc, cuộc làm vui” rồi “nghề” trong “nghề ăn chơi”, thêm nữa “đường ăn chơi, thú ăn chơi” tạo ấn tượng như những đơn vị tính của lạc thú. Điều đó khác với nhà nho chính thống, coi trọng cương thường, chỉ quan tâm đến nghĩa vụ, đến phụng sự mà không mấy quan tâm đến hưởng thụ với ý thức cá nhân. Các khái niệm “ăn chơi”, “thú ăn chơi”, “chơi”, “nghề chơi”, “ ồ ăn chơi”,... thường không nằm trong diễn ngôn của những nhà nho chính thống.  
Nội dung của hành lạc của Nguyễn Công Trứ là cầm kỳ thi tửu, là thanh sắc. Lý do hành lạc hay cội nguồn của tư tưởng này không phải xem cuộc đời là không thực, là vô nghĩa mà là thấy cuộc đời  ngắn ngủi, phải lĩnh cho đủ, cho chất lượng trong quãng thời gian trời cho, để “kịp thì” cái thời gian mà trời hạn định (Năng đắc kỷ thời khai khẩu tiếu, Cư chư hoàn phụ thử quang âm - Dễ được mấy lần mở miệng cười, Lần nữa là phụ với thời giờ). Thời gian có ý  nghĩa chính là thời gian bản thân được hành lạc. Sự tính toán kiểu trừ phần đầu, những phần cuối cuộc đời, phần không sử dụng, không đắc dụng cho việc hành lạc, còn thời gian ít ỏi cho sự ăn chơi ở “tuổi ăn chơi” như vậy được lặp đi lặp lại nhiều lần chứng tỏ đó là tư tưởng thu hút thời gian và tâm trí Nguyễn Công Trứ khá nhiều. Tư tưởng niềm vui sống của Dương Chu là hướng tới cho mình, vì mình, gạt bỏ con người xã hội, còn tư tưởng hành lạc, ăn chơi của Nguyễn Công Trứ đã hướng tới xã hội qua sự khoe mình, phô trương: “Chơi cho đài các cho người biết tay. Và cách chơi của Nguyễn Công Trứ cũng hướng đến xã hội, hướng đến chuẩn mực sang trọng được công nhận trong hệ quy ước xã hội: “Chơi cho lịch mới là chơi”. Dương Chu quan niệm rằng nếu không được hưởng lạc thú thì không khác gì bị gông cùm, Nguyễn Công Trứ không quan tâm khía cạnh bị ràng buộc, mất tự do, mà ông nghĩ đến “thiệt” hay “lãi”: “Nếu không chơi thiệt đấy ai bù và “Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy”. Như vậy Dương Chu nói đến ảnh hưởng tiêu cực của xã hội đến tự do hưởng thụ của con người nói chung, con người tự nhiên, còn Nguyễn Công Trứ nói đến được, mất, thiệt, lãi của cá nhân và là của chính mình. Cùng xuất phát một gốc mà sự suy luận đi theo hai hướng khác nhau. Một bên hướng đến chống lại con người xã hội, thoả mãn tự do cho con người tự nhiên, một bên hướng đến con người cá nhân xã hội.
Nguyễn Công Trứ từ chỗ ý thức đời người ngắn ngủi và  nhu cầu hành lạc, hưởng lạc mà nghĩ đến giải pháp gấp gáp, “lần lữa là phụ với thời gian”, và vì vậy đặt vấn đề tự do trong ràng buộc, vấn đề giải quyết cách để tự do. Cái thời gian cuộc đời mà trời cho mỗi người thì không ai có thể đòi thêm. Đó là mệnh, sự sống ngắn ngủi của con người mà trời cho như thế là “bất nhân” mà cũng là “chí nhân”  bởi trời cho ít để biết mà sử dụng cho tốt nhất “Hạn lấy tuổi để mà chơi lấy”. Bởi trời giới hạn tuổi như thế nên không thể “bỏ phí’’ thời gian, nên phải biết mà gấp gáp. Con người chủ động, con người hướng tìm tự do trong sự hành lạc, sự hưởng thụ, đó cũng là sự giành giật với mệnh trời. Dương Chu chưa đặt vấn đề như vậy. Nguyễn Công Trứ đã dùng chữ “tiêu” trong “tiêu dùng, tiêu xài” để nói việc sử dụng thời gian cuộc đời (Nhân sinh ba vạn sáu nghìn thôi, Vạn sáu tiêu nhăng hết cả rồi). Chữ “tiêu” được đặt trong “tiêu nhăng”, vừa nói lên một cách nhìn khác về cuộc đời, lại nói lên tính chủ động sử dụng nó. Tư tưởng hành lạc đẻ ra các khái niệm “lãi”, “thiệt”, “tiêu” như vậy, và đẻ ra đơn vị tính cuộc đời là ngày chứ không dừng ở tuổi, ở năm.
Nguyễn Công Trứ xác định và khẳng định cuộc đời là hành lạc, và chỉ hành lạc thì cuộc đời mới có ý nghĩa, nhưng phương tiện và điều kiện hành lạc không có nhiều. Trong xã hội trung đại chỉ có thể hành lạc bằng cầm kỳ thi tửu và tình. Hành lạc cũng là một cách, là một sự tự khẳng định cá nhân. Khẳng định cá nhân bằng hành lạc, hướng tới xã hội và cộng đồng bằng khoe mẽ, thị tài thì không còn là nhà nho chính thống, hướng nội để tự kiểm điểm, trau dồi đạo đức, không quan tâm đến bên ngoài, càng không phải là cá nhân cô đơn kiểu ông nhàn tự tại hay cá nhân riêng tây tiểu tư sản. Nhưng hành lạc ở đây dẫu có tuyên ngôn, tuyên bố, khoe khoang bằng ngôn từ và bộc lộ bằng các hành vi, dẫu nói đến thú chơi thanh sắc và cái khổ tương tư thì sự hoà trộn nó trong thú chơi cầm kỳ thi tửu đã cân bằng giữa sự hưởng thụ vật dục mang sắc thái tục với thú chơi thanh nhã thoát tục, thú chơi hào hoa.                        
Trong sáng tác, đặc biệt ở hát nói, Nguyễn Công Trứ hay nói về mình, về các quan niệm sống, về những băn khoăn suy nghĩ, về các hành xử,... Ông cũng là người dùng nhiều khái niệm như danh, thân, nhân dục, hành lạc, tri túc, tri nhàn, rồi khí hạo nhiên, chính khí, kiến tính, xuất tính và cùng với hệ thống khái niệm được huy động được từ Nho, Phật, Lão, là các khái niệm lấy từ đời thường như chơi, ăn chơi, rồi ngông, ngất ngưởng, ngang tàng. Đồng thời việc sử dụng nhiều các khái niệm thường dùng ở những kiểu người khác nhau, một mặt cho thấy ông tự do, mặt khác cho thấy đó là một biểu hiện, một chỉ dấu của sự hình thành một kiểu người khác truyền thống.
Một trong những triết lí hay sự lựa chọn được Nguyễn Công Trứ biện luận, so sánh, lập luận nhiều, suy tư nhiều là triết lí nhàn:
               - Chữ nhàn là chữ làm sao?
               - Quý nhân tưởng bất như nhàn nhân quý
                - Trốn đường danh mua lấy cuộc nhàn.
Có thể do nhàn là triết lí từ cuộc sống, gắn với đời sống, quan niệm sống, một khái niệm tồn tại trong đời sống thực tế hơn là một khái niệm mang tính kinh viện, và vì thế thích hợp với người Việt. Nhàn cũng là một nhận thức nằm trong những suy nghĩ thường trực, một hành xử trong lựa chọn của trí thức, của tầng lớp tinh hoa trong xã hội quân chủ Nho giáo, nó được hiểu trong sự lựa chọn đã được đúc kết thành hành, tàng, xuất, xử. Với Nguyễn Công Trứ nhận thức về nhàn vốn không xa lạ gì, cái khác là một con người hành động, một người muốn khẳng định danh đến mức danh được xem như một giá trị của con người như thế, lại nói nhiều về nhàn, nói một cách triệt để và không hòa lẫn trong quan niệm chung của nhiều người về nhàn. Vậy nhàn được ông nói đến với nội dung gì, mục đích gì? Qua xem xét quan niệm nhàn, hành xử nhàn của Nguyễn Công Trứ có thể thấy ở đây không có sự giản đơn khi lựa chọn thái độ sống này. Nhàn được lựa chọn hay không, vì sao, cũng có lúc Nguyễn Công Trứ không thể không trải qua lao lung trong nhận thức về nhàn và cũng có khi  ông đưa ra cân nhắc nhàn trước các lợi ích – loại lợi ích thuần túy mang giá trị tinh thần. Nó khác nhiều người lựa chọn nhàn là tránh vòng danh lợi, vì danh lợi là cái mà đạo đức nho gia không chấp nhận, hay tránh mọi sự phiền toái do danh lợi tạo ra. Nhàn của Nguyễn gắn với nhu cầu tự do cá nhân, ông ít nói đến lợi, tránh lợi (ở nghĩa vật chất) khi nói về nhàn, khi lựa chọn nhàn. Trước sự ảnh hưởng đến tự do cá nhân ông chọn nhàn (Trầm tư bách kế bất như nhàn) nhàn nằm trong sự so sánh lựa chọn. Nói về nhàn Nguyễn Công Trứ đặt ra trong các chiều hay, dở, đúng, sai, được, mất, vừa thế này, vừa phải thế kia. Nó có khi là trạng thái cân bằng tinh thần, có khi lại là cách hành xử chính trị. Nghĩa là không còn một sự lựa chọn đơn giản, nó vừa nằm trong cái đa dục mà muốn có nó phải triệt tiêu cái khác hay đồng tồn, nó vừa nằm trong thế hành xử trong xã hội chuyên chế - nghĩa không chỉ là chuyện của trạng thái tinh thần thuần túy mà còn là hành vi xã hội.
Đây là kiểu băn khoăn giữa cái tôi hành động, cái tôi hoạt động, cái tôi trách nhiệm với những đối lập với các tính cách này, nó không giống kiểu băn khoăn của ông nhàn Nguyễn Bỉnh Khiêm và các nhà nho ẩn dật khác, họ trốn xã hội nhiễu nhương đạo đức, tránh danh lợi mà họ cho là xấu xa. Ông cũng thấy có sự đối lập giữa làm người “anh hào” mà ông “trót đa mang” với cái ông gọi là “cuộc nhàn”, và đối lập giữa “việc chưa xong” với nhàn.  Sự lựa chọn, nhận thức nhàn của Nguyễn Công Trứ là khác, cả điểm xuất phát và cả định hướng nhàn, thụ hưởng nhàn. Cách hiểu và thái độ Nguyễn Công Trứ về nhàn xuất phát từ chính mình với các lợi ích, với các triết lí, hoàn toàn từ các khía cạnh tinh thần của mình và khác với cách hiểu, cách lựa chọn có sự gợi ý từ các hình mẫu giá trị cổ xưa kiểu Đào Tiềm như ở Nguyễn Bỉnh Khiêm, hay Nguyễn Khuyến. Nhàn Nguyễn Công Trứ mang ý nghĩa là một lựa chọn  được đặt ra từ thực tế của cá nhân, nó trả lời cho chính mình. Không dựa trên cơ sở các hình mẫu giá trị được xem là bất di, bất dịch trong các sách vở cổ xưa, nghĩa là không hướng đến học tập, noi gương cũng như ông không nhằm nêu gương.  Một con người của tự do, không noi gương ai và cũng không nhằm nêu gương cho ai.
Nhàn biểu hiện một liệu pháp cân bằng, nó đối lập danh lợi, được, mất, khen, chê, thị phi, cân bằng nhân dục. Trên nhiều phương diện ông thể hiện đủ các mặt đối lập: con người đa dục, con người nhàn. Ông khẳng định công danh như là một giá trị không thể không có, nhưng không bị ràng buộc, nô lệ bởi nó, nghĩa là hoàn toàn tự do. Ông thuộc loại người quan niệm nhàn hướng về phía nhàn tâm, không nhàn dật, không lánh đời, trốn đời, không thoát khỏi xã hội, không khoe nhàn như một người khoe thanh cao, cao đạo mà hướng về phía tự do, tự tại, tự cân bằng. Nhàn được quan niệm, nhận thức như vậy, dẫu đứng trong trường danh lợi vẫn không bị chi phối. Nhàn nhân hơn quý nhân, như ông từng nói “quý nhân tưởng bất như nhàn nhân quý”. Nhàn là hướng đến tự do, tự nhiên, không phải bởi sự ràng buộc của quan niệm đạo đức.
Con người ngang tàng bất chấp sự câu thúc của phận vị, lễ giáo không chỉ là không “an phận lạc thiên” mà còn là vượt phận một cách có ý thức, không chịu đựng sự ràng buộc của thiên mệnh: Lúc tuổi xanh chi khỏi cậy tài. Sức bay nhảy tưởng ra ngoài đào chú”. Ngoài sự chống đối lễ giáo bằng hành lạc, chống chuyên chế bằng thái độ và sự ngông nghênh của ông “ngất ngưởng, Nguyễn Công Trứ còn phản kháng bằng tư tưởng nhàn. Trong bài Con tạo ghét ghen, sau khi tự kiểm điểm, tự triết lý về sự đè nén, giày vò bởi con tạo ghét ghen, ông mới tính chuyện: “Trốn đường danh mua lấy cuộc nhàn”. Nhàn đối với ông là “cuộc nhàn” chứ không phải là một quan niệm nhân sinh thành “ông nhàn” như Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nhàn của Nguyễn Công Trứ là thái độ phản kháng, một sự bất đắc dĩ bởi đã “Trót dở đem thân thế hẹn tang bồng”, bởi “Ngang tàng lạc ngã tính thiên” nên có lúc tự vấn, tự kiểm điểm (Trót đa mang một tiếng anh hào. Lại muốn chút cuộc nhàn sao phải). Một người thị tài, ưa hoạt động, tìm cái thú vui hành lạc hướng vào xã hội, hướng vào con người,... trái hoàn toàn với tư tưởng nhàn dật hướng đến cảnh cô độc “độc thiện kì thân”, tìm cái vui của tâm, tìm cái vui ở thiên nhiên, tránh chỗ lao xao, tìm nơi vắng vẻ. Cũng tìm lạc thú, không hướng tới nghĩa vụ, không hướng đến con người trách nhiệm, nhưng ông nhàn, như Nguyễn Bỉnh Khiêm, quan tâm tới lạc thú phi vật chất “nội đắc tâm thân lạc” (bên trong cái được cái vui của tâm, của thân) còn lạc thú của người tài tử trong thú vui thanh sắc mang sắc thái vật dục.
Triết lý nhàn của ông nhàn xuất phát từ việc tránh danh và lợi của chế độ chuyên chế, triết lý nhàn của người tài tử do chỗ bị ghen ghét bởi danh lợi, bị làm khổ bởi danh lợi. Điểm đến và điểm đi của ông nhàn và người tài tử đối với nhàn khác nhau khá lớn, mặc dù cả hai cũng đều thích tự do, thích lạc thú và chống chuyên chế. Người tài tử không tránh danh lợi và không ngần ngại công khai nói đến danh lợi (Thuỳ năng thế thượng vong danh lợi. Tiện thị nhân gian nhất hoá công - Ai mà quên được danh lợi ở trên đời. Người ấy là ông trời ở thế gian). Trong các triết lí của Nguyễn Công Trứ thì nhàn là triết lí khiến Nguyễn phải biện luận nhiều, đặt nhiều câu hỏi hướng vào chính mình với tính chất tự vấn và hướng ngoại mang tính tranh luận. Ai quên được danh lợi là ông trời ở thế gian, quý nhân không bằng nhàn nhân, việc chưa xong đâu dám mong nhàn, đã mang tiếng anh hào thì mong nhàn sao được. Triết lí nhàn đụng độ với triết lí công danh, danh lợi.
*
Nhà nho tài tử, con người cá nhân đa dục, muốn làm người anh hùng hào kiệt, thị tài, làm nên nghiệp lớn, làm người phong lưu đa tình, làm khách văn nhân cầm, kì, thi, tửu và tất cả phải được làm người tự do phóng túng. Đó là mẫu hình con người mới mang màu sắc đô thị thời trung đại, phát triển trong văn học, đặc biệt là trong thể loại hát nói mà Nguyễn Công Trứ là một trường hợpq
___________________
(1) Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, tr.13. Xem thêm Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900-1930. Nxb Đại học và THCN 1988. Chương VI, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, các trang 251, 252, 253, 254, 255.

(2) Khái niệm của Trần Đình Hượu trong bài: Tản Đà- Đấng trích tiên, cái Trang tử đa dục chán đời và lạc lõng trong xã hội tư sản ( Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội 1995).
                                                                                                                        Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 10/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét