Làng xã Việt Nam
và ảnh hưởng của Nho giáo trong xã hội Việt Nam hiện đại (phần 2/2)
Trần Đình Hượu
Ảnh hưởng của Nho giáo trong xã hội Việt Nam hiện đại
(tiếp)
Quan niệm của nhà Nho đối với việc tổ chức xã hội
Như chúng ta đã thấy trong lịch sử dân tộc, Nho giáo giữ một vị
trí quan trọng như thế nào và Nho giáo còn in những dấu ấn sâu đậm trong đời
sống chúng ta hôm nay ra sao. Trong lịch sử của nó, Nho giáo có ảnh hưởng chủ
yếu ở các nước Đông Á gồm Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam .
Hôm nay dù các nước Đông Nam Á đã khá phát triển thì vẫn chưa thể bằng các nước
Đông Á như Nhật Bản chẳng hạn. Trong giới nghiên cứu gần đây đang đặt thành vấn
đề trả lời câu hỏi là Việt Nam chúng ta vừa là Đông Á vừa là Đông Nam Á. Trong
thời hiện đại, các nước nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của Nho giáo do những
lý do lịch sử riêng mà phát triển theo hai xu hướng: từ Nho giáo đi tới Maoisme
và từ Nho giáo đi tới công nghiệp hóa. Với một loạt các yếu tố khác hẳn so với
mô hình phong kiến phương Tây, thậm chí khác cả mô hình các nước cùng chịu ảnh
hưởng của Nho giáo khác, phải chăng mô hình xã hội truyền thống của chúng ta
được cấu trúc theo nguyên tắc: vua – thần dân, trong đó vua đứng đầu một hệ
thống gồm vua – quan – lại – lệ, còn thần dân nông sĩ – nông – công – thương;
bộ phận sĩ trong thần dân là bộ phận duy nhất có một sự gần gũi nào đó với hệ
thống do vua đứng đầu. Tôi phác họa ra mô hình này vì muốn qua đây phân tích
tính chất quan liêu của bộ máy cai trị Nhà nước do vua đứng đầu. Nếu nói quan
liêu thì trước hết phải nói tới những người lấy giấy tờ làm phương tiện làm
việc chính, đó là những công thức, nhưng xưa kia chúng ta không có công chức.
Trong xã hội Việt Nam ngày trước, quan
là cha mẹ dân, họ không cần phải làm nhiều, công việc chính của họ là làm cho
yên dân, thu phục dân bằng các biện pháp tuyên truyền, dự bình văn, chủ tế lễ.
Quan không làm hại dân, không để thư lại làm bậy – được xem là quan thanh liêm.
Cũng có những ông quan không lo làm việc, không bày đặt việc phát triển kinh
tế, thậm chí không biết làm việc hành chính, không sành văn chương, không quen
bắt cướp – những ông quan như thế gọi là quan nhàn. Nếu quan phần lớn được
tuyển dụng từ thi cử thì “lại” lấy ở địa phương vì họ am hiểu địa phương, biết
thảo giấy tờ. Những người này thường lắm mánh khoé, chính họ là lớp người thao
túng việc quan, trở thành bộ phận chủ yếu sách nhiễu dân như kiểu “quan xa bản
nha gần”. Nguyễn Du nói “Một ngày lạ thói sai nha – Làm cho khốc hại chẳng qua
vì tiền”. “Lại” không được làm quan, “lại” biến quan thành cái bung xung cho
“lại” kiếm ăn. “Lệ” là anh lính không ra trận, ở lại hầu quan, chuyển thư tín,
truyền lệnh, giữ cửa quan. Anh này cũng có tý chút “quyền lực không thành văn”
nên cũng dở thói hạch sách, ăn đút lót. Cơ chế này hoàn toàn khác bộ máy cai trị
kiểu phương Tây với thủ tướng và bộ trưởng là chính khách, từ thủ trưởng trở
xuống là công chức, dù thay đổi thủ tướng và bộ trưởng thì bộ máy vẫn vận hành.
Mặt khác, ở phương Đông, do có khuynh hướng giữ yên ổn, Nhà nước phong kiến
chuyên chế chủ trương “ức thương”, thương nhân bị khinh bỉ, bị xếp vào hạng
người cuối trong xã hội. Lớp cuối cùng trong bộ máy quan liêu phong kiến phương
Đông là “hào cường”, đây là lớp đàn anh trong làng, giữ vị trí hào lý hoặc thân
hào. Lớp này thường liên mình với quan lại. “Hào cường” kiếm ăn bằng “phù thu
lạm bổ”, bớt xén, vu oan giá họa. Trong điều kiện làng xã được tổ chức như đã
trình bày ở trên, làng xã sinh ra “hào cường” là tất yếu. Tôi nghĩ tình trạng
tham nhũng, sách nhiễu dân ở một số làng xã hiện nay thực chất là sự mô phỏng
trỏ lại mô hình làng xã kiểu cũ. Người ta “chửi” thì dễ nhưng chỉ ra đâu là vấn
đề cơ bản phải sửa thì không biết ở đâu, phải làm gì, hoặc nghi ngại, có khi
còn nghĩ là người ta nói xấu. Thiết nghĩ đây cũng là một trong những vấn đề
then chốt của Việt Nam
và phương Đông.
Trước hết ta hãy xem, thái độ nhà nho đối với chế độ chuyên chế là như thế nào?
Tôi nhắc lại mấy đặc điểm của chế độ chuyên chế:
– Một là tập trung quyền vào một người: độc tài
– Hai là cha truyền con nối: dòng máu
– Ba là cai trị bằng bộ máy quan liêu
– Bốn là dùng một đội quân thường trực để thống trị.
Thế thì nhà nho tán thành cái gì và không tán thành cái gì?
Nhà nho không tán thành độc tài nhưng nhà nho cần xã hội thống nhất; nhà nho
chủ trương thống nhất vào một ông vua để đảm bảo tình trạng quy về một mối cho
xã hội. Vì vậy, nhà nho tôn trọng dòng chính thống nhưng lại phản đối độc tài.
Vua Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử: Có một câu nào nói ra có thể làm mất nước được
không? Khổng Tử trả lời: Nói ra mà để mất nước ngay thì cũng khó, nhưng nếu như
có một câu nói như vậy thì đó là “Anh hãy nghe ta”. Tức là vua mà bắt người ta
nghe mình thì mất nước. Mạnh Tử công kích các nhà vua dùng hiền tài mà lại bảo:
Anh hãy bỏ cái học của anh đi mà nghe.
Thế tức là nhà nho chủ trương thống nhất về một mối, nhưng nhà vua phải nghe
hiều tài. Nhà nho quan niệm rằng không phải họ chỉ giáo hóa dân mà họ còn giáo
hóa cả vua nữa. Mạnh Tử nói trách nhiệm của kẻ sĩ là “cách quan tâm chi phi”
(sửa chữa những sai lầm trong lòng vua). Nho giáo là học thuyết đặt ba ngôi
quân, sư, phụ (vua, cha, thầy) ngang nhau. Như thế có nghĩa nhà nho thấy độc
tài là cần thiết để thống nhất nhưng đồng thời nhà nho lại không muốn nền cai
trị độc tài, đó là một điều cần chú ý.
Thứ hai, nhà nho không ưng dòng máu; nhà nho chỉ ưng dựa vào tài năng, chứ dựa
vào dòng máu thì nhà nho không có phần gì cả. Cho nên nhà nho cũng không tán
thành dòng máu mặc dù tán thành dòng chính thống, nhưng cũng không tán thành
giàu sang. Phú quý mà dựa vào dòng máu thì nhà nho không tán thành.
Quan liêu chính là chỗ nhà nho thích, nhưng quân phiệt lại là cái nhà nho ghét.
Khi Khổng Tử sang nước Vệ. Vệ Linh Công hỏi Khổng Tủ về chiến tranh, sớm mai
Khổng Tử bỏ đi. Khổng Tử nói cái ông vua lần đầu tiên gặp người ta mà đã hỏi
chuyện chiến tranh thì ông vua ấy không có đức cho nên bỏ nước Vệ ra đi. Các
nhà nho về sau đều như vậy, hễ vua động binh là có vô số sớ can ngăn không nên
động binh. Thường thì nhà nho rất ghét chiến tranh và thường hay chế giễu quan
võ. Quan văn và quan võ ở ta luôn luôn trong tình trạng chê bai lẫn nhau. Nhân
tiện tôi đọc các anh nghe một bài thơ của Nguyễn Công Trứ rất thú vị. Đây là
giai thoại nên không biết đúng sai thế nào. Chuyện kể rằng khi Lê Văn Duyệt kéo
quân ra Bắc, là một vị tướng rất nghiêm khắc, nên hễ quân của Lê Văn Duyệt đi
đến đâu thì dọc hai bên lề đường một dặm ai nấy đều phải sơ tán. Người, chó,
mèo đều phải sơ tán. Thế mà Nguyễn Công Trứ không những không sơ tán mà lại nằm
dưới đường. Người ta bắt Nguyễn Công Trứ đến trước mặt Lê Văn Duyệt. Lê Văn
Duyệt hỏi, Nguyễn Công Trứ trả lời mình là học trò, ốm nên không đi được. Lê
Văn Duyệt bảo nếu là học trò thì phải làm một bài thơ về võ. Nguyễn Công Trứ có
bài thơ thế này: Đoái xem văn võ sắp hai hàng – Bên văn sang bên võ cũng sang – Dù tía lọng xanh văn đủng đỉnh – Gươm vàng thẻ bạc võ nghênh ngang – Văn dìu cánh phượng yên trăm họ - Võ thét oai hùm dẹp bốn phương – Gặp hội thái bình văn trước võ – Võ nào dám sánh khách văn chương. Từ đầu bài thơ đã
thấy văn – võ không ngang nhau (câu một, câu hai) bên võ “cũng sang” là thấp
hơn. Rồi thì buông câu tán (câu 3, câu 4): chữ “đủng đỉnh” với chữ “nghêng
ngang” thì “nghêng ngang” là kém hơn; câu 6 thì một bên đẹp, một bên không đẹp.
Hai câu cuối là tâm trạng nhà nho, cách nghĩ của nhà nho đối với văn, võ là như
vậy.
Vậy thì đối với chế độ chuyên chế, nhà nho tán thành tính thống nhất, tán thành
tính quan liêu của nó nhưng không tán thành tính độc tài của nó, tính dòng máu
của nó và tính quân sự của nó. Phải hiểu nhà nho là như vậy. Nhưng mà các bạn
nên biết nhà nho bảo vệ rất có hiệu quả chế độ chuyên chế là ở chỗ nào? Đó là:
1. Dòng thống nhất, 2. Sự thống nhất về tay vua, 3. Trung nghĩa. Dòng chính thống
là phải bảo vệ. Sự thống nhất của vua, cấm không được loạn, cấm không được tiếm
quyền vua. Coi trung nghĩa là một đạo đức lớn. Chỉ với ba điều đó mà nhà nho đã
bảo vệ được chế độ chuyên chế rất tốt. Ở đây phải nói thêm một điều nữa. Ta
thường nói nhà nho là “ngu trung”. Nhưng các bạn xem phim, các bạn sẽ thấy các
ông quan của các nước phong kiến phương Tây khi gặp vua thì quỳ xuống hôn gấu
áo của vua với một thái độ hèn hạ. Nhìn sẽ thấy thái độ hèn hạ. Còn ông nhà nho
đứng trước vua là cầm cái “hốt” (cái gương) nhìn mặt mình ở trong gương xem có
nghiêm chỉnh hay không nghiêm chỉnh chứ không có chuyện quỳ xuống hôn gấu áo,
đó là thứ nhất. Thứ hai, tôi kể chuyện Lý Trấn Quán tự chôn sống. Thử tưởng
tượng dễ gì chúng ta làm được như vậy? Khi chúa Trịnh Tông chạy ra khỏi Thăng
Long, đến Từ Liêm định sang bên kia sông thì xung quanh không còn ai nữa, mới
hỏi ở đây có ông tiến sĩ nào không? Người dân địa phương bảo rằng ở đây không
có ông tiến sĩ nào cả. Nhưng thực ra có một ông tiến sĩ là Lý Trần Quán, ông ấy
đang ở đây. Trịnh Tông cho mời lại và nói thật tình cảm. Lý Trần Quán là một
nhà nho nên ông không bảo vệ được nhà vua vì thế mới gọi một học trò của mình
là một tay đàn anh có thế lực, có tay chân và giao cho anh này bảo vệ chúa đi
qua sông. Anh này lại không bảo vệ chúa qua sông mà đem chúa nộp cho Tây Sơn.
Dọc đường đi, Trịnh Tông tử tự chết. Sự thật thì Lý Trần Quán không giết chúa,
bản thân ông không có ý định giết chúa. Nhưng vì học trò của ông giết chúa, vì
ông giao chúa cho người học trò. Thế nên ông bảo, ta không giết chúa nhưng
trách nhiệm chúa chết thuộc về ta, nếu ta không chết thì không rõ được tấm lòng
của ta trước hậu thế. Ông chọn con đường chết để tỏ ra ông không liên quan đến
việc giết chúa. Lý Trần Quán nhờ nhà chủ mua cho quan tài và vải rồi ông nằm
xuống cho người ta chôn sống mình. Xung quanh mọi người khuyên ông, nhưng
khuyên can thế nào cũng không được. Ông cảm ơn mọi người và khi nói lý do xong
rồi, Lý Trần Quán nằm xuống cho người ta chôn sống. Nhưng khi đã nằm xuống và
người ta bắt đầu đổ đất, ông lại bảo khoan đã, rồi ngẩng lên và bảo: đối với
chúa chuyện chết này là trọn nhưng đối với mẹ là chưa trọn bởi vì mẹ còn sống.
Ông ngoảnh về phía mẹ, lạy mấy lạy và làm một câu đối nói rõ chuyện mình chịu
vì việc chúa mà có lỗi với mẹ. Xong rồi, cảm ơn lần thứ hai, ông mới nằm xuống
quan tài cho người ta chôn.
Các bạn thử tưởng tượng ta làm có dễ đâu!
Không dễ mà làm được như vậy! Vì chỉ khi mình biết cái hành động của mình là
chính nghĩa thì mình mới làm được như vậy. Chính nghĩa, người ta gọi là “vằng
vặc như trăng sao” thì mới làm được như vậy, chứ các anh thử liệu xem ta có mấy
người bảo vệ sự nghiệp lớn của dân tộc được như vậy? Không dễ đâu.
Cho nên chuyện tin ở chính nghĩa mới là động lực của trung chứ không phải là
cái hèn hạ làm tay sai đâu. Biết bao người được các tỉnh và trung ương gọi là
“ngôi sao đất nước” là đúng đấy. Họ là ngôi sao đất nước thật mà họ là nhà nho
thật. Mặc dầu họ trung thành với vua. Và cũng phải nói thêm điều này, là lúc
nào họ thấy họ làm việc với nhà vua còn đắc ý, tức là họ làm việc được thì học
làm, nếu không là họ bỏ về, họ không làm nữa chứ họ không chống lại. Cái điều
này rất quan trọng. Ở những nơi khác, cá nhân không đồng ý thì chống lại. Nhưng
ở đây không đồng ý thì rút lui chứ không chống lại. Đa số các danh nhân mà ta
biết, họ chỉ làm quan một thời gian rồi họ bỏ về, không làm nữa bởi vì họ gặp
những chuyện không bằng lòng. Mà không bằng lòng thì về nhà chứ không chống
lại. Không có cuộc nổi dậy nào chống lại triều đình cả, chỉ có rút lui không có
chống lại. Nhà nho không bao giờ chống lại triều đình, cho nên nhà nho bảo vệ
chế độ chuyên chế rất vững, đó là một.
Nhà
Nho trong làng xã và gia đình
Nhà nho bảo vệ rất chắc tổ chức làng
họ, gia đình (nông thôn) ở chỗ nhà nho đề cao thờ cúng tổ tiên, đề cao họ hàng,
tôn tộc. Nho giáo là một học thuyết bảo vệ sự biết ơn tổ tiên, thờ cúng tổ
tiên, tình họ hàng và nề nếp gia đình. Đó là những điều nhà nho làm rất công
phu. Nhà nho là người sống tiết kiệm, bản thân sống cũng rất tiết kiệm. Nhưng có
hai việc dù xa xỉ đến mấy cũng được nhà nho hoan nghênh là: tang và lễ. Tức là
cha mẹ chết thì bỏ bao nhiêu tiền ra để làm việc tang cũng được hoan nghênh,
không tiếc gì với cha mẹ. Hai là tế, cúng tế tổ tiên thì xa xỉ mấy cũng được.
Nhà nho ngày xưa trong nhà làm thịt một con gà mà ăn cũng phải suy nghĩ, ăn gì
qua quýt thế thôi chứ không dưng mà làm thịt con gà để ăn, trừ khi có khách.
Nếu không có khách mà tự dưng làm thịt gà ăn thì nhà nho coi đó là xa xỉ, ít
làm. Nhưng mà cúng tế thì dù là làm lợn, làm bò, làm gì cũng được hết. Tức là
đối với hai chuyện tân khách và tang lễ là không tiết kiệm, không tiếc của. Cho
nên việc xây mộ, chuyện làm từ đường, chuyện làm tang, làm tế lễ, làm cho họ
hàng thì nhà nho rất là chú tâm, là một.
Thứ hai là tình nghĩa, tình nghĩa với bà con. Tôi nghĩ là có lẽ là không có
người nào chu đáo với bà con như là các nhà nho. Tôi xuất thân trọng một gia
đình nhà nho, gia đình tôi là gia đình nhà nho mười mấy đời. Tôi có một ông bố,
một ông cậu mà tôi nghĩ rằng mấy ai có thể sống được như thế. Bố đối với con
đến thế là cùng, không có cách gì hơn nữa. Và tôi cũng có cháu, tôi cũng có
con, nhưng tôi không bao giờ làm nổi những điều bố tôi đã làm cho tôi, cũng như
những điều mà cậu tôi đã làm cho tôi, không có đâu. Cực kỳ chu đáo. Các anh để
ý xem trong gia đình các anh những ông bác, những ông chú, những ông cậu, những
ông bố là nhà nho thì đối với ta rất chí tình. Cái đó nó ràng buộc, nó làm cho
tình cảm trong họ hàng là rất lớn.
Cái thứ ba
là nền nếp gia đình. Gia đình nhà nho bấy lâu nay ta tưởng nhầm, cho rằng gia
đình nhà nho là gia đình nam quyền, phụ quyền và đàn áp phụ nữ, đàn áp mọi
chuyện như vậy nên ta cho rằng gia đình nhà nho là gia đình tiêu cực. Nó là cái
đó, nhưng đồng thời nó cũng có những cái rất tốt mà ta không biết. Cái này thì
tôi không trình bày được đầy đủ. Các anh có thể đọc bài tôi viết Nho giáo và gia đình truyền
thống trên tạp chí Xã hội học số 2 năm 1989. Tôi cho rằng Nho giáo
đã để lại rất nhiều kinh nghiệm về vấn đề xây dựng gia đình, giải quyết quan hệ
giữa cha và con thế nào; giải quyết quan hệ giữa vợ và chồng thế nào; giải
quyết quan hệ giữa anh và em thế nào; giải quyết quan hệ giữa bố chồng và nàng
dâu, giữa mẹ chống và nàng dâu thế nào, giữa chị em dâu thế nào?… Tất cả những
cái đó họ đều có kinh nghiệm. Tất nhiên trong những gia đình, thực tế không
phải ai cũng làm được như vậy. Có nhiều cái sau này không làm được bởi vì quyền
lợi kinh tế, tính cách… chứ còn chính họ nghĩ rất chu đáo về tất cả các chuyện
này. Tôi sống với bố mẹ tôi, tôi biết, bố tôi là nhà nho, mẹ tôi cũng là con
nhà nho. Nhà tôi là nhà cực kỳ nghèo mà thực ra bố tôi cũng không làm được gì
cả, mẹ tôi làm hết. Thế nhưng tôi thấy trong cách đối xử giữa mẹ tôi và bố tôi,
không bao giờ tôi thấy mẹ tôi phàn nàn về bố tôi mà tôi biết. Mà tôi là con
một. Cũng như không bao giờ bố tôi làm một chuyện gì để con cái nghĩ rằng mẹ có
thế này, thế kia. Tất cả đều giữ để trong gia đình ai cũng có vị trí của người
đó và rõ ràng. Mà mẹ bao giờ cũng nói là làm thế này là làm cho chồng. Mặc dầu
tất cả mọi việc, bà ấy làm cả chứ ông bố có làm gì đâu. Nhưng bao giờ con cái
cũng hiểu rằng mẹ làm là làm thay bố chứ không phải là mẹ có quyền, quyền này
là quyền của bố nhưng mẹ lại làm thay hết. Cho nên chữ “nội tướng” của ta là có
ý nghĩa. Các bạn biết trong gia đình có nhường nhịn nhau thì mới êm ấm được,
tôn trọng nhau thì mới êm ấm được, chứ lấy cái bình đẳng ngoài xã hội đem áp
dụng vào gia đình là rất dở, không hay. Chỉ có một điều là trong gia đình như
thế thì thanh niên là dễ bị “hy sinh”. Thanh niên không phát triển được vì
trong quan hệ cha mẹ chú bác như vậy thì thanh niên bao giờ cũng bị hy sinh.
Giải quyết gia đình thế nào đó để thanh niên có tự do và đồng thời thanh niên
đến với xã hội một cách rộng lượng, chứ nếu không ở trong một gia đình quá êm
ấm thì thanh niên không muốn đi ra ngoài xã hội. Thế thì phải làm thế nào để
thanh niên được chuẩn bị vào xã hội, có tự do, có nhân cách? Có một điều, không
biết thế nào, cái này tôi chỉ nói sơ sơ để sau này các anh nghiên cứu kỹ. Có một
điều là tôi không bao giờ làm cái gì xấu, thì đó không phải vì cái gì khác mà
là vì tôi sợ bố mẹ tôi, tôi sợ làm ảnh hưởng tới bố mẹ tôi chứ không phải vì
cái gì khác. Không muốn làm cái gì để bố mẹ mang tiếng, đó chính là điều quan
trọng. Nếu như chúng ta biết tổ chức một gia đình như vậy và đồng thời giải
quyết một điều quan trọng nữa là làm thế nào để thanh niên được tự do thì tôi
cho rằng cái đó để lại rất nhiều kinh nghiệm.
Có một chuyện, cái này tôi nói cũng
chưa được đầy đủ, cần được nghiên cứu nhiều nữa. Các bạn biết ở các nước Tây Âu
và các nước Bắc Âu là các nước phát triển cao hiện nay, ba vấn đề khó khăn nhất
là người già bơ vơ, cha mẹ già rồi thì con cái mặc kệ, muốn đi vào câu lạc bộ,
vào dưỡng lão đường mà sống thì đi, chứ con cái không quan tâm, chỉ mươi mười
lăm ngày chúng mới gọi điện một lần thế thôi chứ đến thăm thì nó cũng không
đến. Vì vậy họ sống rất bơ vơ, đó là điều thứ nhất, không thiếu thốn nhưng mà
bơ vơ. Thứ hai là cháu không sống với ông bà. Mà người già khổ mấy thì khổ chứ sống
với cháu là sướng nhất, tôi có cháu tôi biết. Thế nhưng ở đấy, trẻ con lại
không ở với ông bà, mà bố mẹ chúng đi làm nên chúng thiếu tình cảm, cái đời
sống tình cảm của chúng nghèo chứ không phong phú, đó là cái thứ hai. Và cái
thứ ba là ly dị lung tung, lấy nhau rồi ly dị, thậm chí người ta tính ra ở các
nước đó 80% là lấy vợ đến lần thứ ba, ít có trường hợp sống với nhau chung
thủy. Cho nên đấy là sự hỗn loạn, vì rằng những đứa con không có tình cảm, sống
trong những gia đình không êm ấm thì về sau không thể nhân ái được. Cái quan
trọng là nhân ái, con người khó có thể nhân ái được trong cuộc sống như vậy.
Cho nên cái tàn bạo là khó tránh được. Cái vấn đề gia đình mà chúng tôi làm ở
Viện Xã hội học được nhiều nước hoan nghênh, được nhiều nước đầu tư chính là
giải quyết những vấn đề như vậy. Châu Âu thấy rằng không biết thế nào mà Nhật
Bản là ít có chuyện ly dị nhất, Việt Nam cũng ít. Nhưng Việt Nam
bây giờ đô thị bắt đầu có nhiều rồi đấy. Tôi nói không biết có đúng không chứ
Việt Nam
hay bắt chước cái xấu của người ta hơn là bắt chước cái tốt. Nhiều cái người ta
vứt đi thì mình học. Về chuyện xây dựng gia đình như thế nào, tôi cho rằng, Nho
giáo để lại rất nhiều kinh nghiệm, tất nhiên cũng có cái xấu, cái tốt chứ không
phải cái gì cũng tốt cả, nhưng điều đó để lại rất nhiều kinh nghiệm…
Như vậy Nho giáo vừa củng cố họ bằng
việc thờ cúng tổ tiên, vừa củng cố nề nếp gia đình, và bằng cái nghĩa tình bà
con họ hàng nên nó củng cố nề nếp gia đình rất có hiệu quả.
Đối với gia đình thì như vậy, đối với làng, nhà nho cũng góp phần củng cố sự
tồn tại của nó. Nhà nho ở trong làng, họ là một thành phần của cộng đồng, nhưng
là thành phần ưu tú vì họ là những người có chữ nghĩa, sống thanh bạch, không
tham gia bóc lột. Họ thường được dân làng kính trọng, gửi gắm con cái để dạy
bảo, tham khảo ý kiến khi gia đình có việc cần, nhiều người còn đứng ra giúp
giải quyết những khúc mắc trong quan hệ làng xóm. Nhà nho chính là tầng lớp
“sĩ” của làng xã, họ tham gia vào cơ cấu tuổi tác hàng giúp, ở đó họ có một
tiếng nói nhất định. Các nhà nho ở làng xã kiêm luôn việc dạy học, mà quan hệ
thầy trò xưa kia rất tốt, học trò kính trọng thầy thực sự, người thầy cũng là
tấm gương đạo đức đáng để học trò noi theo. Đi tết thầy, thăm viếng thầy không
chỉ là một thói quen mà còn là một hành vi đạo đức của học trò, ngay cả cha mẹ
học trò cũng ý thức khá nghiêm túc về việc này.
Không đỗ đạt hoặc đỗ đạt mà không ra làm quan, trở về làng xã, các nhà nho quen
sống ở nông thôn, không quen, không thích sống ở nơi thành thị. Họ không thích
hợp với đô thị hóa, công nghiệp hóa. Thái độ của họ với chế độ chính trị được
xác định tuỳ thuộc vào việc nhà nước bảo vệ ai, đó là nhà nước nào. Tôi thấy
trước đây các nhà nho từng có vai trò quan trọng trong khi góp phần tạo ra
những điều kiện để du nhập chủ nghĩa Mác vào Việt Nam, nhưng khi xây dựng chủ
nghĩa xã hội thì họ có thể là một lực cản vì các nhà nho dễ sợ tự do, dân chủ,
sợ đô thị và công nghiệp hoá.
Từ Hán Vũ Đế tức là khi Nho giáo được
phục hồi và tồn tại đến nay, lịch sử phương Đông đã trải qua những biến thiên
dữ dội và hầu như trong những biến thiên ấy dấu vết của Nho giáo hiện lên rất
rõ. Văn học thành văn ở Việt Nam
như chúng ta đã biết, đã trải qua mười thế kỷ phát triển. Trong nền văn hiến
của mình, trong truyền thống của mình, chúng ta có một tinh thần hiếu học rất
cao, nhưng dù sao trong một số lĩnh vực chúng ta vẫn còn chậm hơn so với Nhật
Bản, Trung Quốc. Đặc biệt người Nhật Bản đã biết tận dụng khá tốt tinh thần
hiếu học của truyền thống. Vì coi học là tu dưỡng, học để làm người nên Nho
giáo không quan tâm tới khoa học. Trong quá khứ, con người Nho giáo mong muốn
là trung với vua, ngoan ngoãn, nền nếp, điều này không sai nhưng không đưa lại
một nhân cách phát triển toàn diện. Tuy vậy vẫn cần học tập ở họ tinh thần hiếu
học, siêng năng, tiết kiệm. Ngay đạo đức Nho giáo cũng không phải là cái đáng
bị phủ định hoàn toàn. Những chuẩn mực đạo đức như biết nghe lời, có trách
nhiệm, biết vì nghĩa hy sinh cũng giúp cho con người hiện đại biết sống không
vô chính phủ, biết tự trách mình, biết xấu hổ khi tranh phần của người khác.
Mặt trái của việc học tập theo kiểu Nho giáo là nghèo nội dung, dễ đưa con
người tới động cơ chạy theo danh vị. Nhưng mặt khác có thể tiếp thu ở đó việc
học hành gắn với thi cử sẽ chọn được người tài, tránh được cái lối cha truyền
con nối.
Thực tế những năm gần đây làm cho tôi suy nghĩ và tự đặt ra câu hỏi phải chăng
người Việt Nam
có học nhưng nhiều người còn thiếu văn hoá? Trong giờ làm việc ở các nước công
nghiệp, có khát đến mấy họ vẫn làm việc đều, có nơi tôi thấy họ có thể làm việc
bốn giờ liền mà không hút thuốc, không đi vệ sinh. Tôi thấy trong xã hội có hai
nhân vật chính là nhà nho và nông dân. Về nhà nho tôi đã đề cập tới ở phần
trên, ở đây tôi chỉ xin nói thêm là nhà nho không coi trọng lao động sản xuất
nên thường không chịu làm lụng, chỉ chăm học, trồng hoa, quét nhà. Kẻ quân tử
không muốn làm bếp thì có ngày chết đói. Nhà nho ghét giàu sang, ghét bọn nói
bậy, đứng về phía nhân dân, tiếp dân vui vẻ, nhưng dân phải ngồi dưới, uống
chén khác; nhà nho coi dân là ngu chứ không coi họ chỉ là nghèo hèn. Mà dân thì
bao giờ cũng là lực lượng chủ yếu của một xã hội. “Dân là gốc” ở Kinh Thi đã
nói ba mươi bảy thế kỷ rồi: “chèo thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân” cũng
được Khổng Tử nói cách đây hai mươi hai thế kỷ. Khổng Tử thấy dân là người làm
ra tất cả, không bảo vệ dân là mất nước, nhưng ông lại xem dân không đủ tư cách
nên cần phải có người làm thầy để dạy dân, phải có vua cai trị dân. Mạnh Tử là
người rất thương dân mà ông vẫn cứ coi dân không đủ tư cách. Chúng ta thương
dân nhưng không thể quan niệm như các ông, điều quan trọng là phải làm cho dân
được ấm no, hạnh phúc.
Nhiều năm nay chúng ta hay nhắc tới vấn đề chống chủ nghĩa cá nhân, nhưng cái
quan trọng lại là trong xã hội đã có cá nhân hay chưa? Trong truyền thống và
cho tới cả ngày nay, chúng ta là con người của cộng đồng, là con người của gia
đình – họ – hàng. Cá nhân chỉ xuất hiện trong xã hội khi có đô thị. Đầu thế kỷ
XX, chúng ta mới có quốc dân chứ chưa phải là người công dân. Quan hệ của chúng
ta mới dừng lại ở quan hệ cha chú, anh em chứ chưa có quan hệ có tính Nhà nước,
nghĩa là chưa có con người độc lập. Tôi nghĩ thật ra chúng ta chưa có cá nhân
nhưng lại có tính ích kỷ, tiểu kỷ của người nông dân với cái tôi nhỏ bé. Xưa
kia người nông dân không có gì cả, thân thể của cha mẹ, tấc đất của cải thì của
làng, của nước, của vua, số phận thì do mệnh trời,… muốn tồn tại phải dựa vào
làng, vào cộng đồng để xin lòng thương của mọi người, ngõ hầu xà xẻo chút gì đó
của cộng đồng mà sống. Nhìn chung là xin sự cảm thông chứ có ai đòi được cái gì
đâu, không có nhân cách thì không nên đòi. Nỗi đau khổ của dân tộc là ở chỗ ấy.
Tôi thấy việc chúng ta cần hôm nay là phải có cá nhân và công dân thì mới có tự
do, dân chủ. Công dân là cá nhân về chính trị. Cá nhân ở phương Tây nó là nó,
nó có gì nó biết được nên nó dám mạo hiểm, nó dám làm. Cái dở của cá nhân
phương Tây là nó tự do quá trớn, nó tận dụng quyền cá nhân để làm những cái quá
giới hạn, nó tự làm hỏng nó. Còn anh tiểu kỷ thì không dám làm gì, tự sống hèn
mình đi, tự hào về cái đó là không đúng. Lúc này chính là lúc cần xem xét, đánh
giá kỹ lưỡng về mình để hiểu rõ mình hơn. Trước đây đã lâu, người Nhật Bản làm
một cuộc điều tra xã hội học rộng rãi xem trên thế giới người ta đánh giá người
Nhật Bản như thế nào. Số liệu thu được cho thấy có ba hiện tượng chủ yếu làm
thế giới không thích người Nhật Bản: Thứ nhất là người Nhật sống thu mình, ít
tiếp xúc. Thứ hai là chỉ biết làm kinh tế. Chỉ làm kinh tế thì chưa phải là con
người. Chỉ biết làm kinh tế như con vật (animal économique); không phải người,
khó chơi vì chỉ làm kinh tế. Và cái thứ ba là nói tiếng ngoại quốc dốt quá,
thậm chí không nói được. Vì ba cái lý do như vậy cho nên người Nhật đi ra nước
ngoài không được kính trọng. Các anh biết sau đó họ làm gì không? Họ đưa ra
phát thanh 24/24 giờ trong một thời gian dài các ý kiến của nước ngoài, của thế
giới đối với nước Nhật. Phổ biến cả ngày trên đài phát thanh những nhận xét của
thế giới về Nhật Bản và đề nghị người Nhật cần sửa chữa. Tác giả viết quyển
sách đó nói rằng, năm năm sau trở lại, tôi thấy có mấy đặc điểm: Thứ nhất là
trên các ga quốc tế ai ăn mặc sang trọng nhất đó là người Nhật, đi đứng oai
phong nhất là người Nhật. Va li, quần áo của người Nhật bây giờ đẹp, đàng
hoàng, không phải là animal, không ai là động vật nữa, mà là người đàng hoàng,
cho puốcboa rộng rãi chứ không bủn xỉn, đó là điểm thứ nhất người Nhật đã chữa
được. Thứ hai là nói tiếng Anh, tuy chưa giỏi nhưng đã nghe được. Và thứ ba là
bắt đầu nói đến văn hóa, đến hội họa, chứ không chỉ biết đến kinh tế. Bây giờ
các anh tiếp xúc với người Nhật, các anh biết là ngày nay họ đã rất khác với
trước kia. Gần đây các tác phẩm hội họa đấu giá trên thế giới thì hầu như người
Nhật mua hết. Như thế tức là người Nhật muốn làm con người văn hóa, muốn được
người ta kính trọng, chứ không phải là chỉ biết làm kinh tế.
Nhân dây tôi nghĩ rằng nước ta cũng nên tự ý thức về mình, chứ đừng tự hào một
cách lố bịch. Cái gì sai thì mình phải nhận là sai, kém thì mình phải nhận là
kém, chứ theo cái thói tự thổi phồng nhau lên, không ra làm sao cả. Tôi có nói
với sinh viên Khoa Văn: ta cứ nói là văn học của ta cực kỳ phong phú thế này, thế
kia; thế thì các anh đem tất cả sách văn học Việt Nam đem in cho hết đi xem có dày
bằng của Tônxtôi không? Văn học cả nước ta mấy thế kỷ cũng chưa chắc dày bằng
Tônxtôi thì làm sao mà nói là ta cực kỳ phong phú được? Không nên nói như thế.
Nhưng ta cũng đừng nói ta chả là cái gì cả, nói như thế cũng không đúng. Nhưng
vừa vừa thôi chứ đừng có nói quá đi. Tôi cho rằng những người tự trọng và những
người biết trọng người khác, biết mình và biết người thì con người đó mới lên
được. Ta không biết tự trọng nhiều người rất hèn, không biết tự trọng, nhiều
người gặp người ngoại quốc hay xin xỏ rất hèn, không biết tự trọng; và có nhiều
khi mình cứ nói về người ta những chuyện rất là ngu ngốc. Thực ra, người ta
không phải như vậy. Nhưng mình nói như thế là mình không biết tự trọng, không
biết trọng người ta. Mà các anh biết là người mà không tự trọng và không biết
trọng người khác thì không ai muốn nói chuyện. Tôi cho là có rất nhiều chuyện
về văn hóa, chính các anh làm việc về văn hóa phải lo. Làm sao cho dân tộc có vị
trí xứng đáng về mặt văn hóa.
Nho giáo là học thuyết hay là
tôn giáo?
Nhiều quyển sách viết về tôn giáo thì
cũng có viết về Nho giáo trong đó. Nhưng lại cũng có ý kiến cho rằng Nho giáo
đâu phải là tôn giáo, nên đưa vào đó là vô lý. Bây giờ người ta bàn chuyện dùng
chữ Nho giáo hay Nho học, Nho giáo có phải là tôn giáo không?… Đây là một vấn
đề cần bàn bạc.
Có một điều nên chú ý thế này: Nho giáo là học thuyết khuyên con người “kính
quỷ thần nhi viễn chi” (câu này của Khổng Tử), khuyên kính quỷ thần, nhưng mà
nên xa lánh quỷ thần chứ không nên mê tín quỷ thần. Khổng Tử là người nói: Việc
thờ cúng để mà cầu phúc là xiểm nịnh, cho nên Nho giáo không khuyến khích mê
tín và không lợi dụng mê tín. Nhưng trong thực tế thì Nho giáo tồn tại vừa là
một học thuyết vừa là một tôn giáo. Có người vin vào câu nói của Khổng Tử nói
với Tử Lộ để cho rằng Nho giáo là vô thần. Có lần Tử Lộ hỏi Khổng Tử: Xin thầy
cho biết về thờ quỷ thần. Khổng Tử bảo rằng chưa biết thờ người thì học thờ quỷ
thần làm gì. Tử Lộ lại hỏi: Xin thầy cho biết về chết. Khổng Tử lại bảo: Chưa
biết sống thì biết chết làm gì? Như thế có nghĩa là Khổng Tử khuyên con người
nên tập trung sự suy nghĩ về cuộc đời, cõi đời chứ không nên quan tâm quá đến
những chuyện viển vông ở thế giới bên kia. Thái độ của Khổng Tử đối với quỷ
thần là như vậy: không khuyên con người ta theo quỷ thần, mê tín quỷ thần; bảo
người ta không nên thờ cúng để cầu phúc. Các nhà nho đời sau cũng vậy. Thế
nhưng nói Nho giáo là vô thần thì cũng không đúng đâu. Khổng Tử chủ trương có
linh hồn bởi Khổng Tử nói thế này: “Phi kỷ quỷ nhi tế chi siểm dã” (không phải
hồn ma của người mà mình mà thờ cúng, đó là siểm nịnh). Kỳ là của mình, phi kỳ
quỷ tức là không phải hồn ma của nhà mình. Nói như thế có nghĩa là có linh hồn.
Thế nhưng, thế nào là của mình? Theo Khổng Tử, thiên tử được thờ Trời, thờ thần
núi và thần sông là lớn nhất; vua chư hầu được tế thần sông, thần núi trong địa
phương mình; còn dân thì thờ cha mẹ, tổ tiên mình. Đó là kỷ quỷ. Có thể nói,
Nho giáo là học thuyết khuyến khích thờ cúng tổ tiên, ai cũng thờ cúng tổ tiên,
tổ tiên là quỷ của mình. Cho nên việc thờ cúng tổ tiên là một đặc điểm về tôn
giáo của Nho giáo. Ngoài tổ tiên còn chủ trương chính thần. Nho giáo phân biệt
chính thần và dâm thần. Chính thần là những ông thần đáng thờ. Còn dâm thần là
những thần mà vì mê tín nên thờ bậy bạ. Những người anh hùng dân tộc, những
người có công với nước thì các triều đại Nho giáo đền thờ biết và có tự điển
hẳn hoi, tức là nhà vua quyết định thờ người này người kia, đó là chính thần,
những người có công được đề cao. Ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc, tất cả
đều có những cái đền thờ như vậy. Còn dâm thần là những thần mê tín, tự thờ bậy
thì nói chung là các triều đại hoặc là cấm không cho thờ, hoặc là phá đền. Các
anh biết Địch Nhân Kiệt đi kinh lý một vùng mà ông phá 800 dâm từ, 800 ngôi đền
thờ các thần như thần rắn, thần cây đa, cây đề, tất cả những thần mà ông cho
thuộc vào hàng dâm thần thì ông cho phá hết. Đứng về mặt tôn giáo mà nói thì
Nho giáo chủ trương thờ Trời, thờ chính thần, thờ thần sông, thần núi và thần
tổ tiên. Bởi vậy nói Nho giáo là vô thần là không phải đâu. Riêng Khổng Tử cũng
trở thành một chính thần. Trong Văn Miếu như Văn Miếu của ta là thờ Khổng Tử,
thờ học trò của Khổng Tử và những nhà nho nổi tiếng được đưa vào tế tại đó nữa,
gọi là bồi hưởng. Nhưng có điều đáng chú ý thế này: tế Khổng Tử một năm chỉ tế
hai lần chứ không có chuyện cúng lễ bái ngày rằm, mùng một, không có chuyện vào
cầu, đi xin. Đó là một thứ tôn giáo không khuyến khích mê tín, không khuyến
khích cúng bái và cũng không lập giáo hội, cử giáo hoàng gì cả. Tôi nói thêm
điều này. Nghe câu nói của Khổng Tử : “Chưa biết thờ người thì thờ quỷ thần làm
gì? Chưa biết sống thì chết làm gì?” ta thấy cực kỳ thú vị chứ gì? Tinh thần đó
là tinh thần rất hay phải không? Thì quả thật là như vậy. Thế nhưng trong đó
hàm chứa một điều rất nguy về tư tưởng. Các anh biết là phương Tây tôn trọng
thần linh, tôn trọng thượng đế; khi con người nghi ngờ thượng đế thì họ tìm lời
giải về thượng đế, từ đây, mới đẻ ra nhiều chuyện. Là vì sao? Là vì có rất
nhiều chuyện mình không biết cho nên mình gán hết cho thượng đế. Thượng đế,
thần linh chính là cái túi để đựng những cái mà con người không biết được. Cho
nên khi người ta đi phát hiện thượng đế thì người ta phát hiện được những chỗ
không biết, phải giải thích nữa, vì thế đẻ ra triết học và khoa học. Còn ở vụ
thiết thực, gạt nó đi thì đồng thời các vấn đề khác cũng bị gạt luôn, nên không
có cái gì là không biết cả, cái gì cũng chỉ thiết thực là xong hết. Do đó thiết
thực là một cái hay, nhưng thiết thực cũng là cái chết, chứ không phải thiết
thực là hay cả. Có nhiều cái không biết thì để nó đấy rồi chúng ta sẽ tìm biết
sau, chứ thiết thực mà vứt hết, thì chẳng bao giờ đẻ ra triết học và khoa học
được. Có nhiều cái hiện nay như vấn đề tử vi, tướng số… lấy óc duy vật mà gạt
đi tất cả thì rất thiết thực thôi, rất đơn giản thôi. Nhưng làm như vậy có hay
không thì chưa chắc đâu. Tôi nghĩ là đối với những cái đó chúng ta nên giữ thái
độ là để lại đó. Tôi thì không biết gì về những cái đó, ai hỏi, tôi cũng bảo là
tôi không biết. Còn gạt phăng đi tất cả mọi cái thì chưa chắc đã là thái độ
hay. Đó, vấn đề tôn giáo là như vậy. Nhưng đồng thời cũng nên nói thế này: các
nhà nho ở nông thôn thì lại sống như các giáo sĩ. Hôm trước tôi đã nói, người
ta đẻ con thì nhờ thấy lấy cho lá số, đặt cho cái tên, ốm thì thấy chữa thuốc,
sáu tuổi thì thầy phóng cho học, chết thì thầy xem cho ngôi mộ, xem cho cái
giờ… Vì lẽ đó cho nên nhà nho sống ở trong nông dân giống như một giáo sĩ và vì
vậy có vai trò “chăn chiên” ở trong nông dân. Thế nên, Nho giáo tồn tại như một
tôn giáo theo kiểu như vậy. Chứ còn bản thân nó thì không phải là một học
thuyết tôn giáo.
Những nội dung cần nói là Nho giáo tôi trình bày đến đây chưa phải là đã hết. Vẫn
còn nhiều thứ lắm. Nhưng tôi nghĩ cũng không thể nào nói hết mọi chuyện được.
Có một vấn để lớn mà lần này tôi không nói vì đã nói là phải nói đến nơi đến
chốn là vấn đề đi lên hiện đại thì Nho giáo làm thế nào. Chúng ta đứng trước
một thực tế là từ giữa thế kỷ XIX cho đến nay, phương Đông đi vào quỹ đạo của
thế giới hiện đại, tất cả các nước phương Đông đi vào quỹ đạo của thế giới hiện
đại từ sau năm 1945 có sáu con đường. Con đường Nhật Bản, con đường Bắc Triều
Tiên, con đường Nam Triều Tiên, con đường Trung Quốc, con đường Bắc Việt Nam , con đường Nam Việt Nam . Mấy con đường đó đều giải
quyết những vấn đề như nhau. Các nước xã hội chủ nghĩa trong khu vực này đẻ ra
Maoisme (Maoisme là ở Trung Quốc nhưng không phải không có những cái giống như
vậy ở Bắc Triều Tiên và ở Việt Nam) đồng thời cũng đẻ ra một con đường kinh tế
Nhật Bản. Và cũng không phải không có một cái giống như vậy ở Nam Triều Tiên và
ở Đài Loan. Thề thì chúng ta nên có một thái độ khôn ngoan, rút kinh nghiệm
trên tất cả những cái đó để tìm con đường cho ta. Tôi cho rằng ta có một nhược
điểm, một sai lầm rất lớn là bấy lâu nay cứ nghĩ ta là một nước xã hội chủ
nghĩa và bao giờ sửa cũng là sửa trên tư cách là một nước xã hội chủ nghĩa chứ
ta không nghĩ đến hai điều: một, ta là nước kém phát triển và hai, ta là một
nước Đông Á. Vì các anh biết rằng từ năm 1945 đến nay trên thế giới có bảy con
đường sửa chữa, bảy con đường đi lên cho từng loại nước: các nước Châu Phi Châu
Phi, các nước chây Mỹ La tinh, các nước vùng Đông Nam Á v.v… Người ta tính là
có bảy con đường như vậy. Ta tưởng ta là nước xã hội chủ nghĩa ta không thèm
chú ý đến kinh nghiệm của bảy loại nước đó. Bây giờ thì Thái Lan cũng đi lên
được. Mã Lai cũng đi lên được, rồi các nước Mỹ La tinh cũng đi lên được. Là vì
mỗi nước đều xuất phát từ chỗ mình là một nước kém phát triển và đi tìm con
đường đúng với mình mà đi. Vì vậy, họ đi được, còn ta không thèm chú ý đến họ. Ta tự nghĩ ta là nước xã hội chủ nghĩa, là
một. Hai là ta không biết ta là nước Đông Á, cho nên kinh nghiệm Nam Triều Tiên
ta cũng không biết; kinh nghiệm Trung Quốc ta cũng không biết; kinh nghiệm Nhật
Bản ta cũng không biết; kinh nghiệm Đài Loan ta cũng không biết. Tôi nghĩ rằng
vấn đề ảnh hưởng Nho giáo đến vùng Đông Á và những hậu quả mà nó để lại như thế
nào là phải giải quyết trên cơ sở ta phải tự ý thức rất rõ ta là một nước lạc
hậu, kém phát triển và ta là một nước Đông Á, cho nên ta phải học. Bây giờ học
Nhật Bản. Ta có nhiều người nói rất hăng về chuyện học Nhật Bản. Nhưng mà học
thế nào được, bởi vì bây giờ Nhật Bản tiến xa như thế, ngay cả các nước phát
triển như Đức, như Mỹ học Nhật còn khó nữa là. Nên vấn đề là nghĩ xem ta có học
được Nam Triều Tiên không, Nam Triều Tiên mới và có rất nhiều cái tôi cho rằng
Nam Triều Tiên giải quyết rất giỏi.
Năm kia, tức là năm 1989, tôi có một báo cáo bàn về con đường xã hội chủ nghĩa
ở phương Đông, trong đó tôi giải quyết các vấn đề như thế này trong thực tế
hiện nay. Khi phát triển cái đó thì anh Hoàng Tụy có nói với tôi một câu làm
tôi giật mình. Anh bảo với tôi thế này: Các nước Đông Á đều có ưu điểm là hiếu
học, cần kiệm, là dễ có kỷ luật và cái đó làm cho Nam Triều Tiên và Nhật Bản đi
lên. Cái đó đúng, thế giới người ta nói cả rồi. Nhưng anh nghĩ xem Việt Nam
ngày nay có như thế nữa không? Trước đây tôi đồng ý. Nhưng ngày nay có như thế
nữa không? Tôi thấy sinh viên của ta rất lười chứ không hiếu học, người Việt
Nam tiêu bậy tiêu hoang chứ không cần kiệm và vô chính phủ chứ không nghe trên.
Anh xem thử những thứ anh kết luận như vậy có đúng không? Thật là đáng sợ. Bởi
vì có những cái đã là truyền thống thật đấy nhưng ta phá mất rồi chứ không còn
nữa đâu, đó cũng là điều đáng suy nghĩ. Tất nhiên, khi nói như thế thì còn có
nghĩa là khi đã thành truyền thống thì còn có thể khôi phục được, mất đi nhưng
mà còn phôi phục được chứ không phải mất đi là mất hẳn. Con cái việc tự hào ta
là hiếu học, là cần kiệm… thì nên cẩn thận vì hiện nay quả thật những cái đó
hình như là không có. Đó là những vấn đề mà các bạn có thể suy nghĩ rất nhiều.
Tôi cho rằng đây là vấn đề lớn, có rất nhiều thứ để nói, rất nhiều thứ để quan
tâm. Còn giải quyết chúng là một việc cực kỳ khó chứ không phải dễ. Có lẽ cũng
còn có nhiều chuyện nữa, nhưng có khả năng hay không để trình bày tiếp thì tôi
không biết. Là vì hiện nay thời gian tôi không có nhiều.
Chúc các bạn cố gắng tìm đọc thêm và theo dõi thêm. Thế giới ngày nay người ta
nói những chuyện này còn nhiều lắm. Bởi vì Nhật Bản, Nam Triều Tiên ngày nay là
một sự uy hiếp đối với thế giới chứ không phải là đùa đâu. Chuyện thế kỷ XXI là
thế kỷ của vòng cung Thái Bình Dương mà vòng cung Thái Bình Dương là Trung
Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và đó là chuyện trước mắt của thế giới rồi chứ không
phải chuyện đoán mò. Cho nên bây giờ các nước phải lo đối phó với cái đó mà
muốn đối phó với cái đó là phải giải quyết cái này, chứ không coi thường được.
Bây giờ các nước viết về cái này nhiều lắm mà tôi cho rằng phương Tây viết hay
hơn ta. Ta đây có nghĩa là cả Trung Quốc, Trung Quốc viết kém. Nhật Bản thì họ
làm chuyện ấy dữ dội lắm. Tất nhiên tiếng Nhật thì ở ta ít người biết nhưng nếu
các bạn biết tiếng Anh thì nên theo dõi vì có nhiều thứ lắm. Mong rằng sau đây
các bạn dành thêm nhiều công sức tiếp tục nghiên cứu cùng tìm ra giải pháp
chiến lược đúng đắn đưa dân tộc ta đi lên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét