Thứ Ba, 23 tháng 8, 2022

LIÊN VĂN BẢN

 LIÊN VĂN BẢN

I.P. Ilin
Đào Tuấn Ảnh dịch; in trong "CÁC TRƯỜNG PHÁI NGHIÊN CỨU VĂN HỌC ÂU-MỸ THẾ KỶ XX", Nxb. Đại học Quốc gia Hanoi, bản in lần hai, H., 2018, tr. 322-328.
Liên văn bản [Nga: Интертекстуальность; Pháp: Intertextualité; Anh: Intertextuality] ‒ thuật ngữ do nhà lý luận của chủ nghĩa hậu hiện đại J. Kristéva đưa ra năm 1967 [122], trở thành một trong những thuật ngữ cơ bản trong việc phân tích tác phẩm nghệ thuật hậu hiện đại. Thuật ngữ này được dùng không chỉ như phương tiện phân tích văn bản văn học, hoặc miêu tả đặc trưng sự tồn tại của văn học (mặc dù nó xuất hiện lần đầu tiên chính ở lĩnh vực này), mà còn để xác định cảm quan về thế giới và về bản thân của con người đương đại, đó là cảm quan hậu hiện đại.
Kristéva xây dựng quan niệm liên văn bản của mình trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng công trình của M. Bakhtin viết năm 1924: Vấn đề nội dung, chất liệu và hình thức trong sáng tác nghệ thuật ngôn từ, ở đó, khi miêu tả tính biện chứng của tồn tại văn học, tác giả nhận xét rằng ngoài cái hiện thực tồn tại bên cạnh nhà nghệ sĩ, anh ta còn có quan hệ với văn học trước đó và văn học cùng thời với mình, văn học mà anh ta luôn cùng nó “đối thoại”, và cuộc “đối thoại” này được hiểu như cuộc đấu tranh của nhà văn với những hình thức văn học hiện tồn. Tư tưởng “đối thoại” được Kristéva tiếp nhận hoàn toàn theo cách của chủ nghĩa hình thức, chỉ hạn chế trong lĩnh vực văn học, như là sự đối thoại giữa các văn bản, tức là liên văn bản. Ý nghĩa đích thực của thuật ngữ này của Kristéva chỉ trở nên sáng rõ hơn trong văn cảnh lý thuyết ký hiệu của J. Derrida, trong đó nhà nghiên cứu thử xóa bỏ chức năng biểu vật của ký hiệu (xem: khu biệt, vết tích).
Dưới ảnh hưởng của các nhà lý luận của chủ nghĩa cấu trúc và hậu cấu trúc (trong lĩnh vực nghiên cứu văn học trước hết là A.-J. Greimas, R. Barthes, J. Lacan, M. Foucault, J. Derrida và những người khác) vốn bênh vực một thứ phiếm ngữ luận của tư duy, ý thức của con người bị đồng nhất với văn bản viết như là phương thức duy nhất ít nhiều đáng tin cậy để ghi nhận nó. Rốt cuộc tất cả mọi thứ: văn học, văn hóa, xã hội, lịch sử, bản thân con người, đều được khảo sát như văn bản.
Luận điểm cho rằng lịch sử và xã hội là những thứ có thể “đọc” được như văn bản, đã dẫn tới chỗ coi văn hóa của nhân loại như một thứ “liên văn bản” mà đến lượt mình, nó đóng vai trò tiền văn bản của bất kỳ văn bản nào xuất hiện tiếp theo. Hệ quả quan trọng của việc đồng nhất ý thức con người với văn bản, đó là việc hòa tan theo kiểu “liên văn bản” tính chủ thể tự chủ của con người trong những văn-bản-ý-thức, chúng tạo ra “liên văn bản lớn” truyền thống văn hóa. Như vậy, tác giả của mọi loại văn bản -- văn bản nghệ thuật hay các loại văn bản khác -- “đều biến thành một không gian trống rỗng của dự phóng trò chơi liên văn bản” [111, tr. 8]. Kristéva nhấn mạnh tính chất vô thức của “trò chơi” này khi bảo vệ định đề về “tính năng sản phi cá nhân” của văn bản, vốn nảy sinh tự thân, không lệ thuộc hoạt động ý chí của cá thể: “Chúng ta gọi là LIÊN VĂN BẢN (tác giả nhấn mạnh) cái liên hành vi mang tính văn bản này, xảy ra bên trong mỗi văn bản riêng biệt. Đối với chủ thể nhận thức thì liên văn bản -- là khái niệm sẽ trở thành dấu hiệu của cách thức mà văn bản dùng để “đọc” câu chuyện (histoire) và hòa hợp với nó” [123, tr, 443]. Kết quả là trên thực tế, văn bản được phú cho cái quyền của một tồn tại tự trị, được phú cho cái năng lực “đọc” câu chuyện. Sau này ở các nhà giải cấu trúc luận, nhất là ở P. de Man, tư tưởng này chiếm vị trí bao quát.
Quan niệm liên văn bản gắn bó chặt chẽ với “cái chết của chủ thể” về mặt lý thuyết mà M. Foucault tuyên cáo [84] và sau đó gắn bó với “cái chết của tác giả” (tức nhà văn) do R. Barthes thông cáo [1] lại cũng gắn cả với “cái chết” của văn bản cá nhân, bị hòa tan vào các đoạn trích rõ ràng hoặc không rõ ràng, và cuối cùng là gắn với “cái chết” của độc giả mà ý thức “không tránh khỏi” mang tính “chắp vá trích đoạn” bất ổn và bất định tới mức không thể tìm ra nguồn gốc của những trích đoạn đã tạo nên ý thức anh ta. Vấn đề này được L. Perrone-Moisès trình bày rõ ràng hơn cả khi tuyên bố rằng trong quá trình đọc cả ba: tác giả, văn bản và độc giả đều trở thành “một trường thống nhất, vô tận cho trò chơi của sự viết” [143, tr. 383].
Các quá trình “xói mòn” ý thức con người và sáng tạo của nó được phản ánh trong những lý thuyết khác nhau do các nhà hậu hiện đại đưa ra, nhưng được khẳng định như những nguyên tắc được thừa nhận chung của “hệ hình nghiên cứu văn học” đương đại thì trước tiên phải cần đến uy tín của J. Derrida.
“Phi trung tâm hóa” chủ thể, xóa bỏ những ranh giới của khái niệm văn bản và bản thân văn bản, tách ký hiệu khỏi tín hiệu mô tả nó, -- những điều mà J. Derrida thực hiện, đã lược quy toàn bộ sự giao tiếp xuống hàng một trò chơi tự do của những cái biểu đạt. Điều này tạo ra bức tranh về một “thế giới văn bản”, trong đó những văn bản riêng lẻ phi cá nhân không ngừng dẫn dựa vào nhau ngay lập tức, bởi tất cả chúng đều chỉ là bộ phận của “văn bản chung”, mà đến lượt mình văn bản này trùng hợp với cái thực tại và câu chuyện vốn cũng đã luôn luôn bị “văn bản hóa”.
Trong không khí mang tinh thần hậu hiện đại và giải cấu trúc thuận lợi, quan niệm của Kristéva đã được thừa nhận và phổ biến rộng rãi trong giới nghiên cứu văn học có những định hướng khác nhau nhất. Trên thực tế nó làm dễ dàng cho việc thực hiện “nhiệm vụ tư tưởng tối cao” của chủ nghĩa hậu hiện đại cả trên bình diện lý thuyết lẫn bình diện thực tiễn, đó là “giải cơ cấu” tính đối lập giữa sản phẩm phê bình và sản phẩm nghệ thuật, cũng tương tự như đối lập “kinh điển” chủ thể với khách thể, cái của mình với cái của người ta, viết với đọc, v.v. Tuy nhiên nội dung cụ thể của thuật ngữ thay hình đổi dạng một cách cơ bản tùy thuộc vào những tiền đề lý luận và triết học vốn dẫn đạo mỗi nhà khoa học trong các công trình nghiên cứu của họ. Cái chung cho tất cả họ là định đề: bất cứ văn bản nào cũng là sự “phản ứng” đối với các văn bản có trước nó.
R. Barthes đã cung cấp cho khái niệm liên văn bản một định thức mang tính quy phạm hóa: “Mỗi văn bản là một liên văn bản; những văn bản khác có mặt trong nó ở các cấp độ khác nhau dưới những hình thái ít nhiều nhận thấy được: những văn bản của văn hóa trước đó và những văn bản của văn hóa thực tại xung quanh. Mỗi văn bản đều như là tấm vải mới được dệt bằng những trích dẫn cũ. Những đoạn của các mã văn hóa, các định thức, các cấu trúc nhịp điệu, những mảng vụn biệt ngữ xã hội v.v. -- tất cả đều bị văn bản ngốn nuốt và đều bị hòa trộn trong văn bản, bởi vì trước văn bản và xung quanh nó bao giờ cũng tồn tại ngôn ngữ. Với tư cách là điều kiện cần thiết ban đầu cho mọi văn bản, tính liên văn bản không thể bị lược quy vào vấn đề về nguồn gốc hay ảnh hưởng; nó là trường quy tụ những định thức nặc danh, khó xác định nguồn gốc, những trích dẫn vô thức hoặc máy móc, được đưa ra không có ngoặc kép” [41, tr. 78].
Thông qua lăng kính liên văn bản, thế giới hiện ra như một văn bản khổng lồ, trong đó mọi điều đều đã được nói đến rồi vào một lúc nào đó, chỉ có thể có được cái mới theo nguyên tắc kính vạn hoa: sự pha trộn những yếu tố nhất định sẽ tạo ra những tổ hợp mới. Bất kỳ văn bản nào đối với R. Barthes cũng là một “camera ghi tiếng vọng độc đáo” [38, tr. 78], còn đối với M. Riffaterre, -- là “một quần thể những giả định các văn bản khác” [154, tr. 496], bởi vậy “bản thân tư tưởng tính văn bản không những không tách khỏi tính liên văn bản, mà còn dựa vào nó” [153, tr. 125]. Đối với M. Gresset liên văn bản là một bộ phận hợp thành của văn hóa nói chung và là dấu hiệu không tách rời của hoạt động văn học nói riêng: bất cứ sự trích dẫn nào, cho dù nó mang tính chất gì đi nữa, nhất định phải đưa nhà văn vào phạm vi cái văn cảnh văn hóa, “ràng buộc” bằng “tấm lưới văn hóa” mà không một kẻ nào có khả năng thoát ra khỏi [112, tr. 7].
Vấn đề liên văn bản tỏ ra gần gũi với các nhà ngữ học nghiên cứu những vấn đề ngôn ngữ học văn bản. R. A. de Beaugrande và W. Dressler trong công trình Dẫn luận ngôn ngữ học văn bản (1981) xác định liên văn bản như “sự phụ thuộc giữa sản phẩm hoặc sự tiếp nhận một văn bản này và tri thức của những văn bản khác mà người tham gia giao tiếp được biết” [43, tr. 188]. Từ khái niệm văn bản hai nhà ngữ học này rút ra kết luận tất yếu phải “nghiên cứu ảnh hưởng của liên văn bản như phương tiện kiểm tra hoạt động giao tiếp nói chung” [43, tr. 215]. Như vậy văn bản và liên văn bản được hiểu như những hiện tượng quy định lẫn nhau để cuối cùng dẫn tới sự triệt tiêu khái niệm “văn bản” như một dữ kiện tồn tại tự trị được bộc lộ rõ ràng. Như nhà ký hiệu học và nghiên cứu văn học Ch. Grivel khẳng định: “Không có văn bản ngoài liên văn bản” [94, tr. 240].
Tuy vậy, không phải tất cả các nhà nghiên cứu văn học ở phương Tây trong các công trình của mình đều dùng và chấp nhận cách lý giải rộng rãi như vậy về khái niệm liên văn bản. Những đại diện của trường phái phân tích diễn ngôn giao tiếp (trần thuật học) cho rằng sự tuân thủ quá chi tiết nguyên tắc liên văn bản trong chiều kích triết học của nó làm cho mọi giao tiếp trở thành vô nghĩa. L. Dällenbach, P. Van den Heuvel đã lý giải liên văn bản cô đọng và cụ thể hơn, hiểu nó như sự tương tác giữa những dạng khác nhau của những diễn ngôn bên trong văn bản -- diễn ngôn của người trần thuật về diễn ngôn của các nhân vật; diễn ngôn của một nhân vật này về diễn ngôn của nhân vật khác; tức là họ cũng quan tâm tới vấn đề như Bakhtin từng quan tâm: tương tác lời “của mình” và lời “người khác”.
Nhà nghiên cứu người Pháp G. Genette cũng có những suy nghĩ tương tự khi trong cuốn Palimpsestes (*): văn học bậc nhì (1982) [89] đưa ra 5 loại tương tác khác nhau của văn bản: 1/ liên văn bản như sự cùng hiện diện trong một văn bản của hai hay nhiều văn bản (trích dẫn, điển tích, đạo văn v.v...); 2/ cận văn bản (paratextualité) như là quan hệ giữa văn bản với phụ đề, lời nói đầu, lời bạt, đề từ, v.v.; 3/ siêu văn bản (métatextualité) như sự chú giải hoặc viện dẫn văn bản trước đó một cách có phê phán; 4/ ngoa dụ văn bản (hypertextualité) như sự cười cợt hay giễu nhại của văn bản này đối với văn bản khác; 5/ kiến trúc văn bản (architextualité) được hiểu như mối quan hệ thể loại giữa các văn bản. Đó là những tầng lớp chính của liên văn bản mà trên cơ sở đó nhà nghiên cứu tiếp tục chia thành rất nhiều những dạng và kiểu nhỏ hơn và theo dõi quan hệ tương hỗ giữa chúng, tạo ra một cấu trúc thoạt nhìn rất ấn tượng, song khó có thể thực hiện được trên thực tế phân tích.
Nhiệm vụ đưa ra những hình thức cụ thể của liên văn bản văn học (vay mượn, sử dụng lại đề tài, cốt truyện, trích dẫn công khai hay kín đáo, dịch, đạo văn, điển tích, bắt chước, nhái lại, dựng thành phim hay kịch, sử dụng đề từ, v.v.) được đặt ra trong công trình tập thể của các nhà nghiên cứu người Đức U. Broich, M. Pfister và B. Schulte-Middelitzsch. Họ cũng quan tâm tới vấn đề ý nghĩa chức năng của liên văn bản -- tức là các nhà văn chú ý tới những tác phẩm cùng thời và quá khứ với mục đích gì, và để đạt hiệu quả ra sao. Bằng cách đó họ cố gắng đối lập liên văn bản với tư cách một thủ pháp văn học mà nhà văn chủ ý sử dụng, với cách hiểu liên văn bản theo tinh thần hậu hiện đại như một nhân tố của vô thức tập thể là cái quy định hoạt động của nghệ sĩ bất chấp ý chí, mong muốn và ý thức của anh ta.
Quan niệm liên văn bản động chạm tới khá nhiều vấn đề ở phạm vi rất rộng. Một mặt, có thể xem nó như sản phẩm phụ của những phản xạ tự thân của lý luận hậu hiện đại, mặt khác -- nó nảy sinh trong quá trình phê bình cắt nghĩa thực tiễn nghệ thuật rộng lớn suốt hai chục năm cuối cùng của thế kỷ XX, bao trùm không chỉ văn học mà còn các loại hình nghệ thuật khác. Kiểu “tư duy trích dẫn” là tiêu biểu cho những người sáng tạo ra trào lưu nghệ thuật này -- chủ nghĩa hậu hiện đại. B. Morrissette khi nêu định nghĩa của mình về văn nghiệp của A. Robbe-Grillet đã gọi sáng tác của ông này là “văn chương trích dẫn” [140, tr. 225].
Để có thể “xâm nhập sâu” vào văn hóa đến độ hòa tan trong nó, có thể sử dụng những hình thức khác nhau nhất, kể cả những hình thức hoạt kê. Thí dụ, nhà văn Pháp Jacques Rivais năm 1979 cho in cuốn “tiểu thuyết-trích dẫn” có tên Cô nương từ tỉnh A, trong đó có tới 750 trích dẫn, mượn của 408 tác giả. Nếu nói về những thí dụ nghiêm túc hơn của khuynh hướng sáng tác này, thì không thể không nhắc tới bài phỏng vấn nhà “tiểu thuyết mới” M. Butor năm 1969 đăng trên tạp chí Arc trong đó có đoạn viết: “Không có tác phẩm nào của cá nhân. Tác phẩm của một cá nhân luôn là một loại kết nút đánh dấu được tạo ra bên trong “tấm dệt” văn hóa và trong lòng cái nôi này, nó cảm thấy mình không chỉ chìm ngập vào, mà chính là được xuất hiện (tác giả nhấn mạnh). Cá nhân xét về xuất xứ của mình, chỉ là một yếu tố của tấm dệt văn hóa đó. Cũng như vậy, tác phẩm của anh ta bao giờ cũng là tác phẩm tập thể. Chính vì vậy mà tôi quan tâm tới vấn đề trích dẫn” [55, tr. 2].
Ý nghĩa của quan niệm liên văn bản vượt ra ngoài phạm vi những cắt nghĩa thuần lý thuyết đối với tiến trình văn hóa hiện tại bởi nó đáp ứng đòi hỏi sâu xa của văn hóa thế giới thế kỷ XX, với sức hút rõ ràng hoặc kín đáo của việc tích hợp về tinh thần. Có được tính đại chúng đặc biệt rộng rãi trong thế giới nghệ thuật, hơn bất kỳ phạm trù nào khác, liên văn bản ảnh hưởng đến chính thực tiễn nghệ thuật và sự tự ý thức của nghệ sĩ hiện nay.
I. P. ILIN
(Đào Tuấn Ảnh dịch)