Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhất Hưu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhất Hưu. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2017

ĐỌC CUỒNG VÂN TẬP CỦA THI TĂNG NHẤT HƯU (phần 3)          狂雲集 Đi tìm chân thực trong hư cấu      Biên soạn: Nguyễn Nam Trân


ĐỌC CUỒNG VÂN TẬP CỦA THI TĂNG NHẤT HƯU (phần 3)

         狂雲集
   
   Đi tìm chân thực trong hư cấu
         
Biên soạn: Nguyễn Nam Trân



1)    Thơ tả tình tả cảnh :

Thơ Ikkyuu mượn chuyện tả tình tả cảnh để trình bày nhân sinh quan cũng như đạo tâm của mình khá nhiều. Từ Sen trắng trong ao nhỏ (Bồn trì bạch liên), Chuông con đón gió (Phong linh), Khóc chim sẻ bị chết (Tôn lâm, tước nhi hiệu), Đêm lạnh than cho con chim trên núi tuyết (Hàn dạ thán tuyết sơn điểu), Mở lồng thả côn trùng (Khai lung phóng trùng), Nghe tiếng sáo trên đường về (Qui lộ văn địch) cho đến Khóc lính tử trận (Điếu chiến tử binh), Thay lời tội nhân chết chém (Đại đoạn đầu tội nhân) vv....

Xin tuyển dịch thêm dưới đây một số bài vịnh Tiêu Tương bát cảnh, xem như tác phẩm tiêu biểu cho loại thơ này:

Động Đình thu nguyệt

Động lý minh minh nguyệt nhất luân,
Quảng Hàn cung điện thuộc ngâm thân.
Hằng Nga du dược tri hà xứ,
Lương dạ trung đình thu sắc tân.

Nhất luân minh nguyệt Động Đình thu,
Bất dạ thành trung kỷ dạ du.
Trường lãnh tây lâu độc ngâm khách,
Thanh thiên bích hải sự du du.

Trăng thu hồ Động Đình

Lũng sâu thắp sáng một vầng trăng,
Cung Quảng tình ai những giá băng.
Trộm thuốc chị Hằng nào thấy bóng.
Ngoài sân đêm tạnh sắc thu ngần.

Động Đình trăng bạc đã lên khơi,
Không ngủ, thành kia bày cuộc chơi.
Lạnh lẽo lầu Tây khách than thở,
Trời xanh bể biếc mấy năm rồi.

Bất Dạ Thành là xóm ăn chơi, nơi có những cuộc du hí thâu đêm suốt sáng. Người khách lòng se lạnh trên lầu Tây là Khuất Nguyên hay chính Ikkyuu với tâm sự cô đơn, nhìn “thế sự du du” vì có nói cũng chẳng ai nghe?

Sơn thị tình lam

Sơn đầu tử mạch tục trần hồng,
Náo thị hốt hốt lam tế phong.
Thương nữ hưu ca vong quốc khúc,
Ái tài gia nghiệp hứng nan cùng.

Nhai đầu thập tự tại sơn đầu,
Phong ngoại tình lam phú quý thu.
Vạn quán tiền vô nhất thiên mễ,
Thị nhân thương nữ hảo phong lưu.

Chợ núi giông tạnh

Qua lại đầu non khách bụi nhơ
Gió luồn ngang chợ nhạt sương mờ.
Gái buôn ngưng hát câu vong quốc,
Tiền bạc nghiệp nhà, cứ thế vơ.

Đường ngang lối dọc tại đầu non,
Gió tạnh trời trong, của cải dồn.
Một vạn quan tiêu, cơm một bữa,
Gái buôn khách chợ thảy xinh dòn.
  
Cho dù nước mất nhà tan (vong quốc = đạo pháp suy vi) thì con buôn tôn giáo (thị nhân, thương nữ) vẫn bình thản trục lợi.

Giang thiên mộ tuyết

Thủy thiên vạn lý tuyết phi phi,
Hà xứ hàn phong động tửu kỳ.
Hành nhân vô lộ Tương giang mộ,
Thụ thụ khai hoa bạch ngọc chi.

An tâm Nhị Tổ Thiếu Lâm thiền,
Danh biến giang hồ tượng cốt tiền.
Nguyệt mãn mai hoa xuân tín để,
Lĩnh Nam tiêu tức cựu gia duyên.


Chiều tuyết trên sông

Liền trời với nước, tuyết bay bay,
Gió lạnh đâu nơi cờ quán lay.
Chiều tối sông Tương không lối khách,
Trên cây bạch ngọc ngỡ ai bày.

Thiếu Lâm Nhị Tổ tu an tâm,
Danh chấn giang hồ Tượng Cốt thân.
Mai dưới nguyệt đầy báo xuân đến,
Cũng đưa tin bạn Lĩnh Nam gần.

Cảnh chiều tuyết trên sông thường nói lên tâm sự người tha hương. “Hàn phong động tửu kỳ” dĩ nhiên là danh cú để Ikkyuu biểu lộ lòng quí mến Đỗ Mục (Giang Nam xuân: Thủy thôn sơn quách tửu kỳ phong). Tương giang còn gợi nhớ Khuất Nguyên, Ngư phụ, Nga Hoàng Nữ Anh, Vu Sơn thần nữ, Nam Dương quốc sư, Tiền Khởi, Liễu Tôn Nguyên nữa chứ. Họ đều là những nhân vật quen thuộc với tác giả. Bạch ngọc không chỉ nói về tuyết mà còn nói về hoa mai nở sớm như trong thơ Trương Vị. Tảo mai: Nhất thụ hàn mai bạch ngọc điều. Hồi lâm thôn lộ, bàng khê kiều (Đường thôn quay gót bên cầu suối. Mai nụ đầy cây như ngọc giây).

Bài thứ hai nhắc đến một người đứng lì trong tuyết, chặt tay cầu đạo. Đó là Nhị Tổ Huệ Khả.[1] Vấn đáp giữa thầy trò Đạt Ma Huệ Khả có chép trong Truyền Đăng Lục 3. Tượng Cốt trong câu thừa ám chỉ Tuyết Phong Nghĩa Tồn vì đó là biệt hiệu của ông. Tăng Tuyết Phong có lần đến Hồ Nam (giang hồ) bị tuyết cản không đi được, nhờ Nham Đầu Toàn Hoát trợ lực mới đại ngộ (xem Bích Nham Lục 5). Câu thứ 4 nói về chuyện Lục Tổ Huệ Năng gốc tích là hành giả ở Hoàng Mai Sơn và chuyện ông thuyết phục được thượng tọa Huệ Minh, người tranh giành y bát của ông ở Mai Lĩnh (Đại Dữu Lĩnh)[2]. Ikkyuu nói chuyện tuyết để dẫn đến chuyện mai (tuyết trung mai) và ca ngợi thiền phương nam (Nam Tông) cũng như muốn nối kết nó với gốc tích phương bắc (Thiếu Lâm) qua hình ảnh một cành mai[3].
  
Thực ra toàn bộ Tiêu Tương bát cảnh Ikkyuu viết có tất cả 16 bài. Tiếp theo mấy bài trên thì vẫn là những đề tài cổ điển Viễn phố qui phàm, Viễn tự vãn chung, Ngư thôn tịch chiếu, Bình sa lạc nhạn, Tiêu tương dạ vũ...nhưng trong đó yếu tố tả cảnh chỉ là thứ yếu. Có chăng Tiêu Tương là một vùng đất huyễn tưởng như Đào Nguyên mà thi nhân Nhật Bản cũng như Ikkyuu mến mộ, nhớ về, và ông mượn bối cảnh đó để trình bày tư tưởng tôn giáo của mình.


2)    Thơ phản ảnh cuộc sống tình ái trụy lạc, đồi phế:

Ikkyuu thường định nghĩa về mình như Phá giới sa môn bát thập niên, hay Tội quá di thiên Thuần tạng chủ,...Vô lượng kiếp lai ác đạo chủ, hoặc là Ngã bản lai mê đạo chúng sinh, Ngu mê thâm cố bất tri mê, Sắc dâm, tửu dâm hựu thi dâm...rồi tiếp tục than thở Chúng sinh bản lai mê đạo tâm. Đối với ông, đó là một điều đáng buồn hơn nữa vì nó xảy ra cho cả mọi người trong xã hội chứ chẳng riêng mình.

Đông Phường Thanh Hòa tức Sugawara Kazunaga mà chúng ta đã nhắc đến ở trên như một trong hai người cùng thời đại đã giúp ta một số chi tiết về cuộc sống riêng tư của Ikkyuu. Theo đó, ông không những là con rơi của Thiên hoàng Go Komatsu (như đã trình bày) mà còn là cha đẻ của Hoà thượng Jôtei (Thiệu Trinh) và cũng là người truyền chính pháp cho ông này. Kazunaga biết rõ về Jôtei vì Jôtei chính là thầy của ông ta. Tokugawa Mitsukuni – lãnh chúa phiên Mito, người chú của Shôgun và cũng là nhà biên tập sử – đã cho ghi lại câu chuyện này trong 23 chỗ của phần liệt truyện ở quyển thứ 99 bộ Dai Nihonshi (Đại Nhật Bản Sử), vốn là một cuốn sử đứng đắn và dày công thực hiện. Theo đó thì Ikkyuu đã sinh ra Jôtei lúc ông khoảng 34 tuổi.

Nenpu cho ta biết Ikkyuu có những hành tung kỳ dị để tóc xõa, mang kiếm gỗ đi ngoài đường nhưng cho rằng hành động lạ lùng đó chỉ có tính cách phúng thích để giáo hoá chúng sinh về sự chân thực (mộc kiếm không phải là kiếm thực, không giết được người mà cũng chẳng cứu được người). Ngoài ra trong đó, tuyệt nhiên Sôtô (Thiệu Đẳng) tác giả Nenpu không cho ta thấy một hình ảnh tiêu cực nào về Ikkyuu cả. Thế nhưng chính Kyôunshuu có nhắc đến câu Ngư hàng, tửu tứ hựu dâm phường, ba nơi mà một nhà tu hành đứng đắn không có quyền lui tới. Đó lại là chỗ Ikkyuu tuyên bố mình hầu như đóng đô. Trong lời giải thích cho thơ mình viết trong Kyôunshuu, Ikkyuu có nhắc: “Các bậc tôn túc đồng môn răn ta không được ăn thịt hay phạm điều tà dâm, các tăng trong chốn tùng lâm cũng lấy chuyện đó làm tức giận”.

Trong Nenpu không cho biết Ikkyuu có tình nhân hay ái thiếp. Tuy vậy, trong chính tác phẩm Kyôunshuu, lại có bằng chứng hòa thượng ở bên cạnh mấy người tỳ thiếp. Nếu không thế thì sao lại có những bài thơ với đề tài như “Ký cận thị mỹ nữ”, “Ký thị thiếp” vv... Ngoài ra, theo tin tức trong “Tán ngự A Cô thượng lang sấu dung”, “Ký ngự A Cổ khai dục”, “Ngự A Cổ cách tịch” thì Ikkyuu còn có một nàng ái thiếp tên là Ako (A Cổ hay A Cô) nữa.   

Ký ngự A Cổ khai dục

Khỏa thể như hà kiến chúng nhân,
Hoa nhan thúy đại tẩy hồng trần.
Lão tăng quán mộc dục khai hậu,
Hành hạnh ôn tuyền Thiên Bảo xuân.

Ghi chép việc thị giả A Cổ đi tắm

Có thấy chăng ai dáng khỏa thân,
Mặt hoa mày biếc rửa màu trần.
Lão tăng xối nước cho người tắm,
Rồi ghé ôn tuyền thưởng sắc xuân.

Khai dục có nghĩa là đi tắm trong ngôn ngữ nhà Thiền. Hoa nhan vốn thấy trong Oán ca hành của Lý Bạch, có nghĩa khuôn mặt người đẹp phấn son như hoa. Thúy đại là mực vẽ lông mày biếc. Hồng trần là bụi bặm chốn trần thế. Quán mộc là tưới nước cam trà tắm Phật lúc ngài đản sanh. Lão tăng có thể chính là Ikkyuu ta nhưng cũng có thể ám chỉ Ngũ Tổ đời Đường. Câu thơ cuối cùng đến từ Trường Hận Ca nói về việc Minh Hoàng và Dương Quí Phi đi tắm suối nước nóng trong cung Hoa Thanh trên Ly Sơn vào năm Thiên Bảo. Tuy nhiên trước đời Thiên Bảo, tương truyền đã có chuyện Tắc Thiên Vũ Hậu ra lệnh cho cung phi thù tiếp Thần Tú và Huệ An đi tắm. Bà rất kính trọng các cao tăng Bắc Tông là Thần Tú và Huệ An (ngang hàng Lục Tổ Huệ Năng của Nam Tông).

Hạ Mộng Khuê Cổ thị giả qui tự

Tam nhật biệt ly vĩnh kiếp tâm,
Tương giang lệ vũ sái hung khâm.
Mộng Khuê liêm ngoại tùng tiêu nguyệt,
Sơn xá dạ thâm quân cộng ngâm.

Mừng thị giả Ako của Mộng Khuê trở về chùa

Xa có ba hôm, mấy kiếp mong,
Sông Tương mưa lệ đến khô lòng.
Tùng đơn am vắng kề trăng núi,
Muốn ghé bên ai tâm sự chung.

Thị giả Ako về quê 3 hôm thôi mà Mộng Khuê (Muukei) tức Ikkyuu của chúng ta đã thấy bứt rứt. Tương giang lệ vũ là nước mắt khóc thương vua Thuấn của nhị phi như mưa trên sông Tương. Ông cho biết vì nhớ nàng đã khóc đến khô nguồn lệ. Hạnh phúc của ông là được thủ thỉ một mình bên tai nàng trong gian nhà vắng trên núi. Tùng tiêu nguyệt hay trăng treo trên ngọn tùng tả cảnh chùa núi như trong thơ Trịnh Cốc (Dạ thanh tăng bạn túc, Thủy nguyệt tại tùng tiêu). Về Sơn xá dạ thâm thì thơ Hư Đường có câu: Sơn xá bán xuy hoàng lạc phong (Giang Hồ Tập, quyển thượng).

Ký cận thị mỹ nữ

Dâm loạn thiên nhiên ái thiếu niên,
Phong lưu thanh yến đối hoa tiền.
Phì tự Ngọc Hoàn sấu Phi Yến,
Tuyệt giao Lâm Tế chính truyền thiền.

Gửi người đẹp hầu cận

Dâm loạn thường hay khoái thiếu niên,
Phong lưu vầy tiệc với người tiên.
Màu mỡ Ngọc Hoàn, ốm Phi Yến,
Thiền chi Lâm Tế, tổ thêm phiền.
.
Tuy nhiên “dâm loạn” cũng có thể hiểu là loạn mạch, đi ra ngoài giáo lý của dòng Lâm Tế chính tông.Thiên nhiên ở đây chắc không phải là Đan Hà Thiên Nhiên đời Đường vì sử sách không hề thấy nói ông ta có khuynh hướng đồng tính luyến ái (ái thiếu niên) bao giờ. Thiên nhiên có thể hiểu là những kẻ ngoại đạo (có chữ thiên nhiên hay tự nhiên ngoại đạo). Hoặc giả “ thiên nhiên” chỉ có ý là “khuynh hướng thường thấy” và “thiếu niên” là tuổi trẻ”, bất luận trai gái. Còn “tuyệt giao” có thể hiểu Ikkyuu muốn thoát khỏi ảnh hưởng của Lâm Tế như vào đời Tấn, ẩn sĩ Kê Khang đã viết thư tuyệt giao với bạn là Sơn Đào vậy. Ngọc Hoàn là Dương Quý Phi và Phi Yến tức người đẹp “chưởng trung khinh” Triệu Phi Yến.

Chính ra có thuyết cho là trong đời hành đạo của Ikkyuu, đã có lần ông muốn bỏ rơi thiền Lâm Tế chính mạch để theo Tịnh Độ chân tông của Rennyo (Liên Như) vốn gần gủi với đại chúng bình dân hơn. Ông cũng từng có bài Tán Pháp Nhiên thượng nhân để ca tụng tăng Hônen (Pháp Nhiên truyền văn Hoạt Như lai, An tọa liên hoa thượng phẩm đài) nữa.

Đề Giang Khẩu mỹ nhân câu lan khúc

Kiến sắc văn thanh ngâm hứng trường,
Minh tâm ngộ đạo một thương lường.
Sầu nhân bất thức Phổ Hiền cảnh,
Ca xúy tôn tiền tổng đoạn trường.

Đề nơi nhà trọ của người đẹp Eguchi

“Kiến sắc văn thanh” vẫn nhớ đời,
Tìm ra lẽ đạo lọ cần lời.
Chán ai chẳng hiểu lòng bồ tát,
Nâng chén cao ca, buồn khôn nguôi

Mỹ nhân Eguchi (Giang Khẩu) là đề tài một vở tuồng Nô nổi tiếng của Konparu Zenchiku (Kim Xuân Thiền Trúc), trong đó, bồ tát Phổ Hiền đã hoá thân thành cô gái làng chơi trên bến sông (giang khẩu) để khai ngộ cho tăng Saigyô (Tây Hành). Chính ra vở tuồng đã bắt nguồn từ truyền thuyết trong tín ngưỡng dân gian ở vùng Ôsaka. “Kiến sắc văn thanh” dĩ nhiên là một trong hai công án nổi tiếng về việc ngộ đạo không qua lời nói trong thiền lâm đã trình bày bên trên. Câu lan có nghĩa là nhà trọ của gái làng chơi.

Đến cuối đời, cô con hát mù Mori (Shinjisha: Sâm thị giả) đã chiếm một chỗ lớn trong cuộc sinh hoạt của Ikkyuu. Mối giao tình giữa hai người rất sâu đậm và Ikkyuu đã viết nguyên cả một chùm thơ nhan đề “Sâm thị giả”. Ngay cả đến khi chết, ông đã để lại thơ từ biệt thế gian với nhan đề “Luyến pháp sư Thuần tạng chủ từ thế thì”. Đến lúc chết (88 tuổi) mà còn tự xưng là Thầy chùa biết yêu (luyến pháp sư) thì quả là một người quá bôn phóng và sung sức!

Sau đây xin trình bày một loạt bài với chủ đề tình ái và nhục cảm trong Kyôunshuu để hiểu vì sao, Ikkyuu mang hình ảnh một nhà sư dâm đãng:

Tự Tán,

Phong cuồng cuồng khách khởi cuồng tăng,
Lai vãng dâm phường tửu tứ trung.
Cụ nhãn nạp tăng thùy nhất tạt,
Họa nam họa bắc họa tây đông.

Tự vịnh

Cuồng khách như là trận gió lồng
Hết rời quán rượu ghé lầu hồng.
Muốn hiểu sư cuồng mau đến gặp,
Xin đừng múa bút vẽ lung tung.

Ikkyuu tự đề trên bức chân dung của chính mình bài thơ này. Bức họa về sau đã được nhà buôn lớn ở thành phố Sakai và cũng là đệ tử, Owa Shirôzaemon, tặng cho am Trân Châu (Shinjuuan) chùa Daitokuji. Theo ý trong bài thì Ikkyuu như muốn hỏi: Tuy vẽ vời khắp nơi đông tây nam bắc như thế nhưng hỏi thử thật ra các chú có ai đã đụng độ (nhất tạt) ta để biết rõ bản chất của ta chưa?

Đề dâm phường

Mỹ nhân vân vũ ái hà thâm,
Lâu tử lão thiền lâu thượng ngâm.
Ngã hữu bão trì xiếp vẫn hứng,
Ý vô hỏa tụ xã thân tâm.

Đề ở lầu xanh

Sóng tình người đẹp ngập dòng sâu,
Thiền khách ngâm chơi dưới mái lầu
Lòng lão còn nồng hứng ôm ấp,
Thác về hỏa ngục sá chi đâu.

“Lâu tử” là khách tìm hoa. “Bảo trì” tức ôm ấp và “xiếp vẩn” tức hôn hít. “Hỏa tụ” vốn chữ trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói về lửa địa ngục.

Tạ Sâm công thâm ân nguyện thư

Mộc điêu lạc diệp cánh hồi xuân,
Trường lục sinh hoa cựu ước tân.
Sâm dã thâm ân nhược vong khước,
Vô lường ức kiếp súc sinh thân.

Thư nguyện tạ ơn sâu thị giả Mori.

Cây tàn lá rụng lại hồi xuân,
Chồi đơm hoa nở, cựu thành tân.
Ơn cô sâu thế như không nhớ,
Chó ngựa trầm luân chịu một thân.

Thiền sư Ikkyuu ở đây đã thấy nơi thị giả Mori chân lý của đời mình. Nếu tin theo Kino Kazuyoshi, ta lại có thể hiểu một cách trần tục rằng hai chữ Sâm dã 森也có nghĩa là chỗ đó (âm hộ) của Mori, suối nguồn hạnh phúc tuyệt vời và thâm uyên của Ikkyuu. Ông bảo rằng nếu tôi quên ơn ấy của em thì xin làm thân chó ngựa.

Khán Sâm mỹ nhân ngọ thụy

Nhất đại phong lưu chi mỹ nhân,
Diễm ca thanh yến khúc vưu tân.
Tân ngâm trường đoạn hoa nhan yểm,
Thiên Bảo hải đường Sâm thụ xuân.

Nhìn mỹ nhân Mori ngủ trưa

Người đẹp phong lưu dễ mấy lần,
Tiệc vui ca ngọt khúc thanh tân.
Ngâm xong buồn nỗi nàng che mặt,
Say giấc hải đường như Thái Chân.

Sâm công ngọ thụy

Khách tán khúc chung vô nhất thanh,
Bất tri cực thụy kỷ thời kinh.
Địch diện đương cơ hồ điệp hý,
Thùy văn nhật ngọ đả tam canh.

Bà Mori ngủ trưa

Khách tan khúc vãn thảy im hơi,
Nàng vùi trong mộng, lúc nào thôi.
Đối mặt vờn nhau trò bướm lượn,
Đang trưa vẳng trống mấy canh rồi.

“Hồ điệp hí” dẫn tích Trang Chu mộng bướm để nói rằng không biết khung cảnh mộng hay thực. Câu cuối ý nói nàng ngủ thật say, mới giữa ban ngày mà giống như đã nửa đêm.

Dâm thủy

Mộng mê thượng uyển mỹ nhân Sâm,
Chẩm thượng mai hoa hoa tín tâm.
Mãn khẩu thanh hương thanh thiển thủy,
Hoàng hôn nguyệt sắc nại tân ngâm.

Nước tình

Người đẹp trong vườn mộng một đêm,
Cành mai trên gối, ước tình riêng
Miệng ứa làn hương giòng nước ngọt,
Chiều lên trăng mọc ngại ngâm thêm.

Mỹ nhân âm hữu thủy tiên hoa hương

Sở đài ưng vọng cánh ưng phàn,
Bán dạ ngọc sàng sầu mộng nhan.
Hoa trán nhất hành mai thụ hạ,
Lăng Ba tiên tử nhiễu yêu gian.

Chỗ kín của người đẹp thơm hương hoa thủy tiên

Đài Sở nhìn xong những muốn lên,
Nửa đêm giường ngọc nàng buồn tênh.
He hé dưới cành mai, một đoá,
Thủy tiên, hương tỏa giữa eo em[4].
  
Sâm công thừa liễn

Loan dư manh nữ thuộc xuân du,
Uất uất hung khâm hảo ủy sầu.
Già mạc chúng sinh chi khinh tiện,
Ái trước Sâm dã mỹ phong lưu.

Nàng Mori đi kiệu

Gái mù thường đáp kiệu du xuân,
Lòng tớ đang buồn bỗng nhẹ lâng.
Thiên hạ người người dù nhạo báng.
Cô kia ta thấy điệu vô ngần.

Hấp mỹ nhân dâm thủy (nhị thủ)

Mật khải tự tàm tư ngữ minh,
Phong lưu ngâm bãi ước tam sinh.
Sinh thân trụy tại súc sinh đạo,
Tuyệt thắng Quy Sơn tải giác tình.

Đỗ Mục lỗi trạ[5] thị ngã đồ,
Cuồng Vân tà pháp thậm nan phù.
Vị nhân khinh tiện diệt tội nghiệp,
Ngoại đạo ba tuần kỷ thất đồ.

Hút nước tình của người đẹp (hai bài)

Riêng tư chuyện thẹn, dấu cho giùm.
Ba kiếp phong lưu ước sống chung.
Đời nay đã đọa vòng trâu ngựa,
Nào đợi thân sau mới lộ sừng.[6]

Đỗ Mục buông tuồng giống tính ta,
Cuồng Vân tà giáo, thảy đều xa.
Cho người khinh miệt hòng tiêu tội,
Bao độ lầm đường, lạc lối ra.

Chính ra đầu đề (rất tục) và nội dung của hai bài thơ trên (rất thanh) không thấy có mối liên hệ rõ ràng. Chỉ biết Ikkyuu tự coi mình như kẻ vô lại, hoang đàng, yêu thích mỹ nhân giống nhà thơ Đỗ Mục đời Đường. Bài trên nói rằng cần gì phải đợi đến kiếp sau để thành “con trâu cò nằm trước nhà đàn việt bên kia núi” như trong ví dụ về thiền sư Quy Sơn Linh Hựu. Trong đời này ông cho biết đã làm bao nhiêu hành vi lầm lạc, đủ để trực tiếp sa vào súc sinh đạo rồi, nào phải đợi mai sau mới đầu thai thành loài vật. “Ước tam sinh” là cái hẹn “ba sinh hương lửa” giữa Đường Minh Hoàng và Dương Quí Phi. Bài sau trình bày quan niệm con người có thể nhẹ được tội lỗi mình gây ra trong kiếp trước nếu để cho kẻ khác khinh miệt trong kiếp này. Điều ấy đã được bàn đến trong Kinh Kim Cương. “Thất đồ” 失途 có nghĩa là lầm đường lạc lối.

Hoán ngã thủ tác Sâm thủ

Ngã thủ hà tự Sâm thủ,
Tự tín công phong lưu chủ.
Phát bệnh trị ngọc hành manh,
Thả hỉ ngã hội lý chúng.

Đổi tay ta lấy tay thị giả Mori

Tay mình sao sánh được tay em,
Chắc rằng tay đó thuốc nhà tiên.
Ngọc hành nhức nhối trị cũng dứt,
Các trò có thấu chút vui riêng?

“Đổi tay này lấy tay kia” là cách nói mà chúng ta nhớ đã từng thấy trong Vô Môn Quan do Triệu Châu Tùng Thẩm viết, phần phụ lục nói về Hoàng Long Tam Quan. Hòa Thượng Hoàng Long Huệ Nam là giáo tổ phái Hoàng Long thuộc dòng Lâm Tế. Bài tụng của ông có nghững câu như: Ngã thủ hà tự Phật thủ. Ngã cước hà tự lư cước. Nhân nhân hữu cá sinh duyên....(Tay ta nào giống tay Phật, Chân ta nào giống chân lừa. Trên đời ai cũng sinh ra. Từ một nhân duyên nào đó...). Đây là một công án nói về “Tân chủ giao hoán” tức “Khả năng tráo nhau giữa vai chủ và vai khách”, ta với mình tuy hai mà một, suy ra thì con người từ đầu phải quên cái ta (tự kỷ) thì mới hành thiền được.[7]

Qua bài thơ nói trên, có người sẽ hỏi giữa Ikkyuu và nữ thị giả Mori có liên hệ tính dục hay không. Về điều này, các nhà nghiên cứu chuyên môn về ông cũng không đi đến chỗ thống nhất ý kiến. Yanagida Seizan cho rằng cách biểu lộ như trên chỉ là hư cấu (fiction) trong khi Hirano Sôjô bảo là sự thực. Hirano bình thản giải thích rằng nếu Lâm Tế là một dòng thiền phủ định giới luật thì việc làm của Ikkyuu có gì mà khiến ta phải ngạc nhiên.

Thị Nam Phường Trinh

Dũng sắc hứng tận đối thê dâm,
Hiệp lộ Từ Minh nghịch hành tâm.
Dung dị thuyết thiền năng kỵ khẩu,
Nhiệm tha vân vũ Sở đài ngâm.

Dặn trò Nam Phường Thiệu Trinh (Nanbô Chôtei)

Hết hứng tình trai, ấp vợ nhà,
Hẻm vắng Từ Minh lại rủ qua.
Muốn dễ giảng thiền, nên kín tiếng.
Mây mưa nước Sở mặc người ta.

Nanpô Jôtei (Nam Phường Thiệu Trinh, 1428-1499) là học trò buổi vãn niên của Ikkyuu mà ông rất yêu mến. Đông Phường Thành Hòa còn cho biết người đó chính là con trai của Ikkyuu. Bài thơ trên được biết là bài thơ duy nhất Ikkyuu gửi cho Thiệu Trinh. Đây là một tác phẩm nói đến quan hệ đồng tính luyến ái, hơn thế nữa, đó là ấu dâm (pederasty) hiện tượng thông thường trong các chùa thiền và võ sĩ đoàn thời Trung Cổ (có thể xem trong các sách vở thời đó như Tsurezuregusa của Yoshida Kenkô[8] hay văn chương Ihara Saikaku[9], Tanizaki Jun.ichirô[10], cả Mishima Yukio[11] về sau nữa). Từ xưa, cung cấm, thiền viện, đạo quán, quân đội, nhà tù, tóm lại, những không gian bưng bít thường là nơi dễ nẩy nở ra những liên quan tính dục đồng phái. Thế nhưng ở đây, qua bài thơ trên, nó là một sự thật hay chẳng qua là ẩn dụ văn học? Thật khó lòng biết.

“Dũng sắc” được dùng như tiếng lóng để chỉ nam sắc (danshoku, homosexuality) vì “dũng 勇” và “nam” có tự dạng giống nhau. “Thê” (vợ) ở đây có thể hiểu là Thiệu Trinh. Còn Từ Minh thì được biết như đã từng “hẹn hò” với Dương Kỳ Phương Hội. “Nghịch hành” có nghĩa là “mời ngược”. Thường thì Phương Hội mới mời Từ Minh cơ. Nội dung câu thứ ba của bài thơ rất quan trọng vì “kỵ khẩu” là giữ bí mật”, “đừng nói cho ai hay” nhưng bí mật này là gì? Hoặc giả nó là lối truyền thụ trực tiếp “bất dụng văn tự”. Câu chót mượn ý thơ Lý Ích trong bài Tả tình. Khi người yêu của Lý Ích là Lý Quần Ngọc bị tử hình, ông sống như người điên rồ, giải bày tình cảm u uất qua câu Nhiệm tha minh nguyệt há Tây lâu. Nhiệm tha là “mặc người khác”. Ikkyuu tự ví mình đang mang tâm trạng thây kệ mọi sự như vậy.

Bà tử thiêu am (đề đặt tạm)

Lão bà tâm vị tặc qua thê,
Thanh tĩnh sa môn dữ nữ thê.
Kim dạ mỹ nhân nhược ước ngã,
Khô dương xuân lão cánh sinh đề.

Bà lão đốt am

Bà lão bắc thang cho trộm leo,
Sa môn trai giới gái sai đeo.
Thăm ta mỹ nữ đêm nay đến,
Sẽ thấy cành khô sống dậy theo

Bài thơ này dụng điển Bà tử thiêu am (Bà lão đốt am), một công án nổi tiếng. Theo Cát Đằng Tập, tắc 162, có một lão bà nuôi am chủ trong 20 năm, sau sai người con gái đẹp tuổi mới đôi tám (nhị bát = 16 tuổi) đến thử lòng. Cô vừa ôm lấy thầy vừa đặt câu hỏi: Chính dữ ma thì, như hà? (Gặp cảnh như vầy thì thầy thế nào ?) nhưng am chủ không động tình, còn lên tiếng ví von một cách hãnh diện, xem mình là: Khô mộc ỷ hàn nham, Tam đông vô noãn khí (Cây khô tựa ghềnh đá lạnh, Ba mùa đông không hơi ấm). Lão bà bèn mắng thầy một trận là đồ nuôi tốn cơm, đuổi thầy ta đi rồi đốt am. Thế nhưng Ikkyuu ra tuyên bố là nếu gặp trường hợp đó ông sẽ phản ứng tự nhiên như cành dương liễu khô queo sống lại (cánh sinh đề = lại nẩy mầm) chứ không khống chế dục tình như am chủ. Nhưng xin coi chừng! Bài tụng của Khuếch Am Sư Viễn (Nam Tống) trong Thập Ngưu Đồ đã thấy chữ: Trực giao khô mộc phóng hoa khai. Động Sơn Lục lại có câu: Khô mộc hoa khai kiếp ngoại xuân. Tiên hiền đã phát biểu như thế nên độc giả phải tự tìm hiểu Ikkyuu đang nói chuyện đời hay chuyện đạo. 

Luyến pháp sư Thuần tạng chủ từ thế thi

Bình sinh trường vịnh đoản ca trung,
Thị tửu dâm thi vĩnh nhật không.
Thân hậu tinh hồn hà xứ khứ,
Hoàng Lăng dạ vũ Mã Ngôi phong.

Thơ giã từ cuộc đời của Tông Thuần, thầy chùa biết yêu.

Cả đời câu ngắn lẫn câu dài,
Nát rượu mê thơ vịnh tối ngày.
Mai mốt linh hồn tìm bến đỗ,
Hoàng Lăng mưa tối, Mã Ngôi đài.
                   
3)    Đi tìm hiện thực giữa hư cấu:

Giữa mê và ngộ, Ikkyuu đứng ở đâu? Ông có thật là kẻ dâm ô hay chỉ là một vị bồ tát biết “thao hối” (ẩn dấu hào quang) như từng bày tỏ ra trong bài thơ “ La Hán du dâm phường đồ nhị thủ” với những câu: La Hán xuất trần vô thức tình, Dâm phường du hí dã đa tình (bài 254) hay Xuất trần La Hán viễn Phật địa, Nhất nhập dâm phường phát đại trí (bài 255). Cũng vậy khi bị các lão túc đồng môn chỉ trích về tội phạm dâm và thực nhục, ông đã làm một bài kệ thị chúng như sau:

Kệ thị chúng (giả đề)

Vị nhân thuyết pháp thị hư danh,
Tục hán tăng hình hà tự sinh.
Lão túc trung ngôn nhược nghịch nhĩ,
Tạc phi kim thị ngã phàm tình.

Kệ răn học trò

Thuyết pháp người ư ? chuyện rỗng tuênh,
Phân sao khách tục với tăng hình.
Lão nạp lời ngay nên điếc ráy.
Nói nhăng nói cuội cũng thường tình.

Đại Đăng kỵ túc kỵ dĩ tiền đối mỹ nhân

Túc kỵ chi khai sơn phúng kinh,
Huynh huynh nghịch nhĩ chúng tăng thanh.
Vân vũ phong lưu sự chung hậu,
Mộng Khuê tư sự tiếu Từ Minh.

Trước mỹ nhân khi túc trực ngày kỵ của Đại Đăng

Đêm trực giỗ thầy nghe tụng kinh,
Chúng tăng inh ỏi ngứa tai mình.
Mây mưa tớ cứ vầy xong cuộc,
Thì thầm bên gối, giễu Từ Minh

Năm 1436, nhằm ngày kỵ 100 năm của Đại Đăng quốc sư. Trong đêm cùng đồng đạo thức trắng để tưởng nhớ đến bậc tôn sư, giữa khi chúng tăng tụng niệm inh ỏi thì Ikyuu (Mộng Khuê) đi ra một chỗ và giao hoan với mỹ nhân, xong việc rồi lại thì thầm cười cợt với nàng về chuyện anh chàng Từ Minh. Bên trên cũng đã nhắc đến chuyện Từ Minh đàn đúm với Phương Hội. Vậy Từ Minh là ai?

Người này thực ra là Từ Minh Sở Viên ( 968-1039), cao tăng đời thứ 6 dòng Lâm Tế.
Tương truyền, Từ Minh đã kéo đệ tử là Dương Kỳ Phương Hội (992-1049), Lâm Tế đời thứ 7, ra một con đường hẻm (hiệp lộ, ám chỉ nhà thổ) để truyền “chính pháp”. Ngoài ra Từ Minh còn có một câu chuyện ô danh khác chép trong Gia Thái Phổ Đăng Lục là đã nuôi một “bà tử” ở gần chùa, dan díu với bà ta, có lần Dương Kỳ phải đi gọi về. Trong bài thơ này, mới nhìn qua thì thấy Ikkyuu xem hành động của Từ Minh và Dương Kỳ như “đồng tính luyến ái” và riêng ở đây, chính Ikkyuu đang làm một việc đồi bại là ngủ với gái ngay giữa ngày giỗ của đại sư cũng như Từ Minh háo sắc, dâm ô với bà tử[12].

Thế nhưng, đây là ngôn ngữ quái dị của nhà thiền. Giải thích sâu sắc hơn thì biết hai thầy trò Từ Minh và Phương Hội có thể đang “giáo ngoại biệt truyền” tức thầy truyền thụ đạo pháp cho trò không thông qua sách vở kinh kệ, còn “bà tử” kia không ai khác hơn là người mẹ già mà lúc mới xuất gia, Từ Minh vẫn còn lo lắng đến cho nên không biết làm cách nào hơn là lén chùa đi phụng dưỡng. Mặt khác, “mỹ nhân” mà Ikkyuu đang “vân vũ phong lưu” cũng được dùng để chỉ Đại Đăng, vị thầy lỗi lạc. Trong văn chương cổ điển Trung Quốc, mỹ nhân là nhà vua, là người hiền chứ không hẳn là gái đẹp (Vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương, Khuất Nguyên). Có thể (có thể thôi) Ikkyuu tự phụ, cho mình mới là người hiểu được đạo pháp của đại sư, có thể trao đổi một cách riêng tư (tư ngữ) niềm vui đạo với ngài, trong khi cười cợt (tiếu) chúng tăng ồn ào và cả Từ Minh đều...chưa đủ trình độ.

4)    Thi pháp ẩn dụ của Nhất Hưu:

Trong thi học (poetics) của Ikkyuu, cũng như bao nhà thơ cổ điển, ông hay tìm phương pháp ẩn dụ (allusion), nghĩa là để nói một điều nào đó, sẽ không nói một cách trực tiếp mà nói gián tiếp qua một điều khác. Trước tiên ẩn dụ có một hiệu quả trang trí (decorous effect) như mọi hình thức ngôn ngữ lễ độ (polite language) khác nhưng đồng thời nó cũng giúp cho ta tiết kiệm chữ nghĩa (saving effect) vì người đọc đã phải chuẩn bị về mặt kiến thức (conventional understanding between the poet and the reader). Lý do khác nữa là nếu khai triển ẩn dụ ra thành từng chi tiết, nó sẽ dài hơn ngôn ngữ ngày thường và đánh mất yếu tố thẩm mỹ nội tại. Một điều khác nữa là ẩn dụ sẽ làm độc giả mất thăng bằng. Anh ta phải xét lại những cảm xúc của mình trước khi đánh giá câu thơ hay câu văn. Nhất là khi ẩn dụ đưa vào trong câu một yếu tố có tính mâu thuẫn phá vỡ hệ thống qui chiếu sẳn có (the established system of reference).

Tất cả những điều vừa nói qua thuật ngữ tiếng Anh đã được trình bày trong tác phẩm The Crazy Cloud Anthology và cũng là luận văn tiến sĩ của Sonja Artnzen.

Bài Mai tử thục sau đây cũng vậy Người đọc trước hết phải hiểu cách nói ví von:

a)      Quả mai ý nói Đại Mai Pháp Thường, một môn đệ của Mã Tổ.
b)      Đại Mai Sơn là tên gọi hòn núi mà ẩn giả Mai Phúc ngày xưa từng sống.
c)      Mai chín nói ý đạo đã tới lúc chín muồi, đã giác ngộ.
  
Mai tử thục

Thục xứ niên lai do vị vương,
Ngôn trung hữu vị thục năng thường.
Nhân ban sơ kiến Đại Mai Lão,
Sơ vũ đạm yên thanh dĩ hoàng.

Quả mai đã chín

Mai chín ngày nao vị chửa quên,
Trong lời có vị chín cơ duyên.
Đốm sinh mới thấy mai già tới,
Theo khói mưa thưa, sắc ngả vàng

Hình thức ẩn dụ thứ nhất và là ẩn dụ chính này, xin tạm gọi là ẩn dụ thiền ngữ nghĩa là những ẩn dụ có nguồn gốc nội điển (kinh kệ, ngữ lục).

Học trò Mã Tổ có 800 người mà chỉ có 386 người được biết tên.Theo Truyền Đăng Lục, nghe thầy dạy giáo lý “Tức tâm tức Phật” mà một đời đem câu nói đó vào trong núi nghiền ngẫm lại chỉ có Pháp Thường. Nhân ở Đại Mai Sơn (theo tên ẩn giả đời Hán là Mai Phúc) nên mang danh hiệu Đại Mai Pháp Thường. Ông tu hành bất kể năm tháng, khi được hỏi tu được mấy năm rồi, ông chỉ trả lời đã thấy thời gian qua đi theo mấy lần màu núi xanh ngả vàng. Sau được biết Mã Tổ có đổi cách giải thích đạo pháp mới (thành “Phi tâm phi Phật”) ngược lại với lời dạy trước nhưng Đại Mai vẫn khăng khăng giữ chủ trương cũ không lay chuyển, còn mắng lại Mã Tổ là đồ tráo trở. Mã Tổ biết được chẳng những không giận còn khen rằng “Quả mai nay đã chín!” vì thấy người học trò là Đại Mai bây giờ đủ bản lĩnh, không còn chú trọng về hình thức diễn đạt của đạo pháp nữa[13].

Cận đại cửu tham

Cận đại cửu tham học đắc tăng,
Ngữ ngôn tam muội hoán vi năng.
Vô năng hữu vị Cuồng Vân ốc,
Chiết cước đang trung phạn nhất thăng.

Về những tăng sĩ chăm học đời nay

Mấy thầy tu mới học chăm sao,
Nói giỏi cho nên đạo tự hào.
Cuồng Vân tài mọn nhưng đầy vị,
Nấu cơm bếp sứt cũng ngon dào.

Bài thơ nói trên, ba câu đầu viết theo lối trực tiếp, có thể nói là giản dị dễ hiểu. Sang đến câu thứ tư thì mới nhìn qua, ta tưởng như Ikkyuu bày tỏ sự tự tin của mình trong sự tu học dù sống giữa cảnh nghèo. Thực ra, câu ấy làm hàm chứa một điển cố thiền môn (khác với điển cố văn học thông thường). Đó là lời kệ của Quốc sư Đại Đăng thị chúng trước khi chết: Nếu có một kẻ nào hành thiền đúng đắn cho dù phải nấu cơm rau mà ăn trong một cái nồi khập khiểng (đúng ra “đang” có nghĩa là cái xanh) thì kẻ đó có thể nhìn ta mắt trong mắt”. Như vậy thì “Chiết cước đang trung phạn nhất thăng” không còn là một câu nói về cảnh nghèo của mình nhưng là một câu nói có nghĩa bóng đầy tự hào: “Chính ta mới đi đúng truyền thống tu hành đạm bạc nghiêm cẩn của tôn sư Đại Đăng chứ không phải các anh lắm mồm, những kẻ hiện đang nắm quyền điều khiển chùa Daitokuji”.

La Hán cúc

Trà khát hoàng hoa thu sắc thâm,
Đông ly phong lộ xuất trần tâm.
Thiên thai ngũ bách thần thông lực,
Vị nhập Uyên Minh nhất phiến ngâm.

Cúc La Hán

Đậm màu hoàng cúc, khách thu tâm.,
Dậu đông sương gió thoát mùi trần.
Năm trăm La Hán Thiên Thai ấy,
Chẳng sánh ông Đào một khúc ngâm.

Ẩn dụ ở đây là màu hoa cúc vàng sẩm màu giống như cà sa của tăng sĩ. Đời Đông Tấn, Ngũ Liễu tiên sinh Đào Uyên Minh (365-427) đã từ chức huyện lệnh đất Bành Trạch để về quê hương di dưỡng tính tình (xem Quy khứ lai từ). Ông nổi tiếng là người yêu hoa cúc. Thái cúc đông ly hạ, Du nhiên kiến Nam sơn (Hái cúc dưới giậu đông, Thơ thới nhìn núi Nam) là hình ảnh thoát tục của ông mà theo Ikkyuu, một cử chỉ nhỏ có đạo lực hơn cả sức thần thông của năm trăm La Hán trên chốn Thiên Thai. Qua đây, có lẽ Ikkyuu có ý trách cứ những người học Phật tiếng là đạt đến chỗ giác ngộ (A La Hán) nhưng trên thực tế vẫn còn chưa đủ nội lực xuất trần tâm, phải mượn giác quan (tiếng trúc, hoa đào) để hiểu đạo nghĩa. Phải chăng họ chưa vứt bỏ hết bụi bặm cuộc đời lại phiá sau, kém xa một người không phải tu sĩ Phật giáo như Đào Uyên Minh, tự nhiên như không mà đã có cái tâm cảnh đại nhàn của thiền gia[14]?

Không trực tiếp như thế, trong bài Khiết tửu dưới đây, ẩn dụ lại gián tiếp (indirect) hơn và có tính cách đối nghịch (dialectic).

Khiết tửu (giả đề)

Túy lý chúng nhân nại tửu trường,
Tỉnh thời chi tận xuyết tào khang.
Tương nam lưu thủy Hoài Sa oán,
Dẫn đắc Cuồng Vân tiếu nhất trường.

Uống rượu

Say rượu, ai người sợ rượu say,
Tỉnh ra lại nhấp bã hèm ngay.
Tương Nam oán hận thân vùi cát,
Cuồng khách cười vang, mặc xác thầy.

Nếu như trong bài Mai tử thục tên của Đại Mai được nhắc đến trong câu thứ ba, trong bài La Hán cúc tên Đào Uyên Minh được nhắc đến trong câu thứ tư thì Khuất Nguyên, nhân vật chính của Khiết tửu, không được nói tới trực tiếp mà chỉ là gián tiếp qua những yếu tố từ ngữ phụ thuộc như Tương nam, Hoài sa. Hai nữa, trái với điều ta nghĩ,  Cuồng Vân Tử đã tỏ ra cảm thương thực sự chứ không khinh bạc đối với con ngưòi ôm một hận lòng vì bị phóng trục, đến nỗi tự trầm ở sông Mịch La. Tao khang là bã rượu, ý nói rượu đục. Ikkyuu có ý bảo Khuất Nguyên dù không muốn sống đục nhưng đã là rượu thì phải có bã hèm, như sông phải có cát, chúng giống như bản thể. Đã khó lòng tránh khỏi ảnh hưởng ô uế, cớ sao vùi thân trong sóng nước làm chi. Do đó, ông muốn “cười một trận” (tiếu nhất trường), tuy rằng đây chỉ là cách nói phản nghĩa để tăng cường độ diễn đạt.
  
Văn thanh ngộ đạo

Kích trúc nhất triêu vong sở tri,
Văn chung ngũ dạ tuyệt đa nghi.
Cổ nhân lập địa giai thành Phật,
Uyên Minh đoan đích độc tần mi.

Nghe tiếng mà ngộ đạo

Sáng nghe tiếng trúc quên tri thức,
Chuông vọng năm canh dứt mối ngờ.
Người xưa đứng đó cũng thành Phật,
Để lão Uyên Minh mặt ngẩn ngơ.

Chuyện “kích trúc” có chép trong Truyền Đăng Lục, truyện “văn chung” có chép trong Bích Nham Lục. Hai điển cố đó được dùng để chứng minh việc “cổ nhân thành Phật tại chỗ” nhưng những việc hàm hồ như thế không sao qua mặt được Đào Uyên Minh. Ikkyuu ở đây muốn nói gì ? Phải chăng ông chê Uyên Minh có thái độ không tin tưởng như thế làm sao thành Phật được? Hay ông tán tụng Uyên Minh chính là một vị Phật vì không muốn thành Phật? Hoặc giả, ông bảo cả hai trường hợp “tin” và “ngờ” của ba người đều đứng ngoài vòng đạo lý. Với câu thứ 4 của bài thơ Uyên Minh đoan đích độc tần mi với hai chữ “đoan đích” (just, correctly, rightly so) rất khó dịch. Tần mi là chau mày, ý nói nghi ngờ. Ikkyuu có thể làm cho độc giả ngạc nhiên vì biết đâu họ chẳng đã đoán lầm kết luận.
    
Thập mã xí tu ban trúc

Uy vu Lạn Tàn cựu thoại đề,
Bất cầu danh lợi dã phong lưu.
Tương tư vô khích thử quân vũ,
Phất lệ độc ngâm Tương thủy thu.

Nhặt phân ngựa để bón trúc

Chuyện cũ Lãn Tàn lùi khoai lang,
Không cầu danh lợi, thật cao sang
Thu này ngóng mãi ơn mưa móc,
Gạt lệ, sông Tương buồn thở than.

Bích Nham Lục có chép chuyện một hòa thượng hết sức lười biếng là Minh Toản biệt hiệu Lãn Tàn, người sống vào thời Đường Đức Tông (giữa thế kỷ thứ 8) trong một hang đá ở Hành Sơn. Lãn có nghĩa là lười. Khi sứ giả nhà vua đến mời ông ra tham vấn, ông đang lùi khoai lang trong đống chất đốt bằng phân trâu để khô, bị khói bay mờ làm chảy nước mắt nước mũi mà vẫn không thèm quệt.[15] Sứ giả không thuyết phục được phải ra về tay không.

Việc đem kết hợp “trúc” và “mã xí” và nhân đó với kỳ tăng Lãn Tàn là để nói đến cuộc sống giản dị cao khiết và tinh thần lao động của người tu thiền. Tương tư và Tương thủy ám chỉ hai bà Nga Hoàng và Nữ Anh, sau khi chết đã để lại những ngấn lệ trên lóng trúc sông Tương. Qua cách nói gián tiếp bằng ẩn dụ, Ikkyuu đã có thể trình bày tâm sự cá nhân. Tuy ngôi thứ nhất không hề có mặt trong thơ nhưng có nhiều sác xuất cho thấy nhà thơ muốn nói “Ta yêu cuộc sống tự nhiên bên những vật tầm thường (phân ngựa, lóng trúc) giống như Lãn Tàn khi ông dùng phân trâu lùi khoai, (hay như Vương Hi Chi không thể sống một ngày mà thiếu trúc vì chữ “quân” cũng có thể dùng để ám chỉ trúc như chép trong Tấn thư, truyện về Vương), như nhị phi tự trầm trên sông Tương để lại ngấn lệ trên thân trúc”. Câu thứ tư hàm ý “Ta cũng mang tâm sự cô đơn như hai bà phi tương tư vua Thuấn trong những ngày cuối đời hôm nay”. Như trên, nhờ ẩn dụ, bài thơ tả cảnh tả tình đã biến thành những vần thuật hoài.

Nam sơn khởi vân bắc sơn dạ vũ

Tiểu cô duyên để giá Bành lang,
Vân vũ kim tiêu mộng nhất trường.
Triêu tại Thiên Thai mộ Nam Nhạc,
Bất tri hà xứ kiến Thiều Dương

Núi Nam dậy mây, mưa trên núi Bắc

Tiểu cô duyên phận với Bành lang,
Vân vũ đêm nay, mộng lại càng.
Nhưng sớm Thiên Thai tối Nam Nhạc,
Hỏi làm sao thấy chốn Thiều Dương

Tiểu Cô (Cô dâu bé nhỏ) và Bành lang (chàng rễ họ Bành) thực ra không phải là hai con người. Tiểu Cô là tên một hòn đảo nhỏ trên sông Dương Tử, Bành Lang lại là tên một ghềnh đá lớn phiá nam sông và ở một vị trí thật xa nó. Cũng như vậy, buổi sáng núi Nam dậy mây mà đến đêm núi Bắc lại có mưa (một câu nói của Vân Môn). Những chuyện hầu như không có gì dính líu với nhau vẫn có thể kết hợp được nhu việc tượng Phật có thể nói chuyện với cây cột trong một công án khác. Dĩ nhiên đây là một sự kết hợp có tính sắc tình (vân vũ, triêu tại, mộ tại... đều là chữ của Cao Đường phú tả cảnh giao hoan giữa vua Sở và thần nữ núi Vu).Thiên Thai (nơi tu của Trí Khải, 538-597) và Nam Nhạc (nơi tu của Huệ Tư, thầy ông, 515-577) đều là thánh địa của Thiền Tông. Hirano xem Triêu tại Thiên Thai mộ Nam Nhạc là câu nói thấy trong Hư Đường Lục nhưng Yanagida nghĩ rằng nó lấy ý từ một lời của Vân Môn. Dù sao, nói chung, cả hai vẫn ám chỉ thái độ của một nhà tu hành tự cao về trình độ giác ngộ của mình hay dựa dẫm vào sức mạnh của một bậc đại giác.

Ẳn dụ của bài thơ này có thể đến một lượt từ 2 công án: một của Đại Đăng và một của Vân Môn Văn Yển (864-949), khai tổ phái Vân Môn bên Trung Quốc. Đại Đăng là tôn sư trong hệ phái của Ikkyuu và Đại Đăng tam chuyển ngữ của ông là một đề tài tu học của Ikkyuu, trong đó có câu hỏi như: “Tại sao cái cột trần sáng chiều cứ mãi mệt nhoài vì chạy qua chạy lại”. Cây cột chạy qua chạy lại ở đây cũng có thể giải thích theo nghĩa sắc tình (erotic). Tương truyền Đại Đăng đã giác ngộ nhờ một công án của Vân Môn và được thầy của mình đánh giá là là Vân Môn tái sinh. Ngoài ra, Thiều Dương (Thiều châu) là một trong những biệt hiệu của Vân Môn. 

Có thể hiểu Ikkyuu muốn nhắc cho chúng ta rằng giữa phàm tục và giác ngộ - những cái  xa lạ với nhau - vốn có một tương quan khắng khít cho dù không dễ dàng nhận ra, như tương quan giữa thầy Vân Môn và trò Đại Đăng, giữa Thiên Thai và Nam Nhạc, giữa Tiểu Cô và Bành Lang... Thế nhưng qua lối ẩn dụ đa dạng đó, Ikkyuu cũng cố tình tìm cách che dấu không cho độc giả nắm được bản ý của mình. Vừa mở cánh cửa ra, ông đã đóng sập nó lại.
  
Từ thế thi

Tu Di nam bạn
Duy hội ngã Thiền.
Hư Đường lai dã,
Bất trị bán tiền.

Bài kệ lúc lâm chung

Bên kia thế giới
Ai hiểu Thiền mình.
Hư Đường dù tới,
Chẳng đáng đồng trinh.

Đây cũng là một kỹ thuật từ hoa theo lối dùng phản nghĩa để thậm xưng.Tưởng là một câu nói ngạo nghễ, hàm ý dè bĩu, nhưng thực ra đó là một lời tán tụng không có gì cao vời hơn đối với sự nghiệp của tôn sư Hư Đường Trí Ngu mà ông mến yêu, người giữ được một Thiền phong chân chính Ikkyuu những muốn học tập.

Cũng nói về phương pháp tu từ, chúng ta thấy Ikkyuu đã vay mượn rất nhiều cổ văn (Lục Triều, Đường, Tống), nhất là thơ Đường. Những câu thơ ấy đã trở thành thiền cú, áp dụng vào cả những câu Haiku có thiền vị đời sau. Đó là hình thức ẩn dụ xin gọi là ẩn dụ ngoại điển vì nó không đến từ các tác phẩm trong làng thiền.

Và như chúng ta đều thấy, Ikkyuu đã dùng hai thứ ẩn dụ nội điển và ngoại điển hoặc riêng rẽ, hoặc kết hợp chúng với nhau.

Ở Nhật, việc “mượn đỡ” văn chương người khác không hề là một hình thức đạo văn nhưng là một cách tôn vinh tiền nhân. Các nhà thơ Waka cũng vậy. Họ đã vay mượn các honka (bài thơ gốc) từ Man.yôshuu (Vạn Diệp Tập, khoảng 759). Wakan Rôeishuu (Hòa Hán lãng vịnh tập, 1012) là chứng cớ hùng hồn của việc Nhật hóa thơ Trung Quốc.

Chúng ta có thể đưa ra nhiều ví dụ. Lúc thì Ikkyuu chỉ dùng một hai chữ, lúc thì câu, đôi khi dùng cả nguyên câu hay tóm tắt nhiều câu thành một:

1)      Một hai chữ:

-          Hành lộ nan nan tri kỳ cơ (Thoái Bình Nguyên phó Nại Lương). Nguyên văn Hành lộ nan, tựa một bài thơ của Lý Bạch)
-          Mã Ngôi thanh chủng cựu tinh hồn (Từ Dương tháp). Nguyên văn thơ Lý Nguyên và Viên Trạch: Tam sinh thạch thượng cựu tinh hồn).
-          Nhất triêu phân quyết lệ ngân tân (Thiếp họa). Nguyên văn Lý Bạch trong Oán tình: Đản lệ ngân thấp kiến, Bất tri tâm hận thùy).
-          Nhất phiến phi hoa kỷ đoạn trường (Lục đại mai hoa, kỳ nhị). Nguyên văn thơ Đỗ Phủ trong Khúc giang túy hậu: Nhất phiên phi hoa giảm khước xuân).

2)      Nguyên câu:

-          Nhất trường xuân mộng bất phân minh (Xuân y túc hoa). Nguyên văn của Trương Đỉnh trong Ký nhân).
-          Nhiệm tha minh nguyệt há Tây lâu (Đại phong hồng thủy). Nguyên văn của Lý Ích trong Tả tình).
-          Khúc chung giang thượng sổ phong thanh (Triệu Châu tam chuyển ngữ). Nguyên văn của Tiền Khởi làm ở đầm Vân Mộng).

3)      Tóm tắt hai hay nhiều câu thành một:

-          Giang hải đa niên thoa lạp ông (Đề Như Ý Am hiệu cát mạt). Nguyên văn của Liễu Tôn Nguyên trong Giang Tuyết: Cô châu thoa lạp ông, Độc điếu hàn giang tuyết.
-          Trường địch mộ lâu thùy thị khúc (Triệu Châu tam chuyển ngữ). Nguyên văn của Triệu Hổ trong Trưòng An thu tịch: Tàn tinh sổ điểm nhạn hoành tái, Trường địch nhất thanh nhân ỷ lâu.
-          Phu châu kim dạ nguyệt trầm trầm ((Mao lư, kỳ tứ). Nguyên văn Nguyệt dạ của Đổ Phủ: Kim dạ Phu châu nguyệt. Khuê trung chỉ độc khan.
-          Phì tự Ngọc Hoàn sấu Phi Yến (Ký cận thị mỹ nữ). Nguyên văn Tô Đông Pha trong Tôn Tân lão cầu Mặc Diệu đình: Đoản trường phì sấu các năng hữu, Ngọc Hoàn Phi Yến thùy cảm tăng.

Ngoài ra, cách dùng chữ của Ikkyuu cũng gây chú ý. Một chữ Ngâm chẳng hạn, ông có thể dùng với nhiều trường hợp cá biệt. Trong các từ ngâm trượng, túy ngâm, lâu thượng ngâm, ngâm thân, sầu ngâm, ngâm hành, nhàn ngâm, mạn ngâm, trầm ngâm, độc ngâm, không ngâm, ba thượng ngâm, ngâm hứng... tùy theo ngữ cảnh, mang ý nghĩa khác nhau nhưng nói chung, khó dịch được cho thỏa đáng.

Mở thêm một dấu ngoặc. Ikkyuu lại có vẻ có biệt nhãn với Đỗ Mục, một nhà thơ ông ngưỡng mộ vì phong cách tiêu sái, tâm tình phẫn khái và cũng vì Đỗ tài hoa rất mực. Đỗ Mục nổi tiếng là một “toán bác sĩ” vì dùng nhiều con số trong thơ (Thiên lý oanh đề lục ánh hồng / Nam triều tứ bách bát thập tự / Sương diệp hồng ư nhị nguyệt hoa / Thập niên nhất giác Dương châu mộng). Ikkyuu cũng thế (Đệ ngũ kiều biên nhị thập niên / Tú cú hàn nga ngũ thập niên / Vạn Niên thất bách cao tăng lệnh / Ngũ thập niên lai thoa lạp khách / Phong xuy bất động ngũ vân nguyệt. Tuyết áp nan thôi vạn tuyết tùng / Chẫm thượng thập niên vô dạ vũ. Nguyệt trầm Trường Lạc ngũ canh chung / Tam thập niên lai nhất cá tăng / Thiên xích ti luân khởi đắc thu. Nhất thiên phong nguyệt nhất giang chu) vv...

 IV) Kết luận:

Chúng ta đã cùng nhau làm một vòng chân trời Kyôunshuu dù chỉ với một số lượng thơ dịch nhỏ bé so với toàn phần sự nghiệp thi ca của thi tăng Ikkyuu (trên 1.000 bài). Đây chỉ là bước đầu trong hành trình của một con người cầu học, mong sẽ có cơ duyên nối tiếp[16].

Những người “chuyên trị” Kyôunshuu như Yanagida Seizan và Katô Shuuichi cho biết khi nghiên cứu tác phẩm, các ông đã gặp một số khó khăn đặc biệt. Trước tiên, các bài thơ ghi rõ về niên đại chỉ độ 20, phỏng đoán được niên đại là trường hợp của 50 bài khác. Kỳ dư đều không biết được viết ra thời gian nào và trong bối cảnh nào. Thứ đến, về mặt nội dung, quyển sách lại đầy mâu thuẫn. Có thể kể đến 4 loại mâu thuẫn khiến cho người ta không hiểu đâu là nhân cách đích thực của Ikkyuu:

1)      Mâu thuẫn giữa nhà tu giác ngộ và ông sư phá giới. 
2)      Mâu thuẫn giữa con người tự tin về mình và con người biết tự phê.
3)      Mâu thuẫn giữa con người hỷ xả và con người cố chấp độc miệng.
4)      Mâu thuẫn của nhà tu Thiền Tông bị lôi cuốn bởi giáo lý Tịnh Độ.

Từ đó suy ra 5 khả năng:

1)      Thơ Ikkyuu tự nó không có mục đích trình bày sự thực.
2)      Thơ Ikkyuu chỉ ròng là những tỉ dụ với mục đích giáo hoá chúng sinh.
3)      Thơ Ikkyuu không đặt chung chính giác với giới luật vào cùng một phạm trù.
4)      Thơ Ikkyuu khiêu chiến cái giáo đoàn hủ bại bằng cách tự coi thường giới luật.
5)      Thơ Ikkyuu chứng tỏ rằng ngay một cao tăng cũng là con người nên có nhược điểm.

Ý thức được những khó khăn nói trên và chấp nhận một số tiền đề như trên rồi, chúng ta mới có thể cùng nhau đi vào thế giới của Kyôunshuu vậy. Và dĩ nhiên phải biết thêm rằng Kyôunshuu chỉ trình bày được một phần nhân cách đa dạng của nhà sư cổ quái và cũng là nhà văn hóa lớn Nhật Bản. Từ soạn giả tuồng Nô Konparu Zenchiku, các nhà thơ renga như Sôchô, Sôki, trà sư Murata Jukô cho đến họa gia Sôami, Bokusai, Bokkei và Soga Jasoku đều tôn quí ông. Nổi tiếng như Sen no Rikyuu cũng chịu ảnh hưởng. Thù Ân Am đã có thời đóng vai trò một salon littéraire. Thiền từ vai trò tôn giáo, với Ikkyuu, đã được thế tục hoá để trở thành văn hóa và nghệ thuật

Dân chúng ở thành phố Sakai, nhất là giới kinh doanh, nhiệt tình ủng hộ ông từ lúc sống cho đến sau khi chết. Cũng phải nói Sakai là một thành phố tự do, trọng thương nghiệp, có một nền văn hóa thị dân. Những người ở đây không chấp nhận cái xã hội o ép của Gozan Jissetsu. Ikkyuu đã bày tỏ tình cảm của ông với những con người bình thường tứ anh con buôn, cô gái làng chơi, anh đóng dép, người đánh cá. Pháp ngữ của ông viết bằng chữ kana (kano hôgo) giản dị nên người quê mùa cũng đọc được. Mặt khác, phải nói là ảnh hưởng của Ikkyuu đã tồn tại lâu dài với thời gian. Mấy trăm năm sau ngày Ikkyuu mất rồi, trẻ em bây giờ vẫn say sưa thích thú đọc manga nói về ông.

Khi so sánh với Tây phương, học giả Katô Shuuichi trong bài tựa viết cho quyển sách của Sonja Arntzen đã xem Ikkyuu là tổ phụ của loại poètes maudits như Francois Villon (Pháp). Ông cho rằng ảnh tượng tình yêu trai gái trong thi ca của Ikkyuu chỉ là phương tiện cho ông tiếp xúc được với Tuyệt Đối trong tình yêu tôn giáo như trường hợp St John of the Cross (Tây Ban Nha). Giống John Donne (Anh), một chức sắc cao cấp trong hàng giáo phẩm, Ikkyuu vẫn phóng túng tung hoành nói về nhục thể dù khi đã trở thành người trụ trì ngôi chùa đẳng cấp là Daitokuji vào những năm cuối đời. Katô còn kết luận rằng những người như Ikkyuu và John Donne thì chẳng đợi gì đến khi có Freud mới hiểu được những chỗ sâu kín của lòng người.

Cho dù thơ Kyôunshuu có phản ánh hiện thực đi chăng nữa thì ta có thể nghĩ như Katô Shuuchi qua lời tựa viết cho tác phẩm Yanagida Seizan đã đưa ra kiến giải của Michel Foucault trong L’Histoire de la sexualité (Tính dục sử, Paris, 1976) khi ông bảo rằng: Đừng hỏi tác giả trên thực tế có hành động như thế không. Phải hỏi mục đích nào đã khiến ông ta đem vấn đề đó ra trình bày.

Các tôn giáo khi bàn đến tính dục thường có khuynh hướng bảo thủ hoặc chủ tâm tránh né. Một là ức chế, hai là thăng hoa chứ không dám trực diện. Thiền tông tiếng là phóng khoáng tự do cũng ít khi đế cập tới chủ đề đó. Hòa thượng Shido Munan (Chí Đạo Vô Nan, 1603-1676) thời Edo rất cảnh giác về quan hệ nam nữ của tăng chúng. Ông cho rằng sự tương giao gữa nam nữ là lẽ tự nhiên nhưng chỉ một khi mình đã giác ngộ, dẹp được cái tâm súc sanh.[17] Thế thì phải đợi đến bao giờ vì mấy ai dám cho mình là người giác ngộ! Trong bối cảnh xã hội như vậy và trước đó trên một thế kỷ, Kyôunshuu đã xuất hiện như một tảng đá lớn ném xuống mặt hồ tĩnh lặng. Ông có vẻ đủ tự tin về đạo tâm của mình để nói về nó một cách không che đậy.

Nhưng nếu ông thực sự đã làm những điều ông nói, chả lẽ triều đình lại đem tử y ban cho một kẻ huỵch toẹt nhận mình là sư hổ mang. Và dân chúng vùng Osaka-Sakai nữa, không lẽ có mắt như mù trước hành vi khiêu khích của một nhà tu đã ô danh thiền môn đến mức đó.

Chính ra khó thể nói Ikkyuu đã có ý muốn làm những chuyện sai lầm. Trong bức liễn với bút tích mà ông để lại ở am Trân Châu, có ghi: Chư ác mạc tác, Chúng thiện phụng hành諸悪莫作、衆善奉行. Điều đó chứng tỏ trong tâm hồn ông, nguyên tắc đạo đức chính vẫn là khuyến thiện trừng ác. Có điều quan niệm về thiện ác của ông rất rộng rãi, không theo cái nghĩa thường tình, một điểm chúng ta cần ghi nhớ. Trên bức liễn như thấy dưới đây, trong khi bên trên “chư ác” và “chúng thiện” được viết theo lối chữ khải chân phương thì phía dưới, mạc tác và phụng hành dần dần đá thảo bay bướm, tự do. Người ta bảo Ikkyuu đã vào với thiền bằng cánh cửa của Đại Đăng nhưng sau đó đã ra khỏi cửa của Đại Đăng là vì vậy.

VThủ bút (mặc tích) nói trên của Ikkyuu vốn có nguồn gốc từ cuộc đối thoại giữa nhà thơ Bạch Cư Dị và hòa thượng Đạo Lâm, còn gọi là Điểu Khòa (781-824) đời Đường[18]. Sư họ Phan, người Hàng Châu.Thụ pháp từ Kinh Sơn Quốc Nhất, ngồi tu trên một cành tùng ở Thái Vọng Sơn như làm tổ trên cây nên mới có tên là Điểu Khòa. Bạch Cư Dị, lúc đó làm Thái Thú trong vùng, có đến hỏi đạo thì ông khuyên nên theo nguyên tắc nói trên. Bạch phản ứng rằng điều này con nít mới lên 3 cũng biết nhưng Điểu Khòa nhấn mạnh: Chuyện con nít lên 3 cũng biết thì chưa chắc ông già sống đến 80 đã có thể thực hiện được. Tương truyền “Chư ác mạc tác. Chúng thiện phụng hành.Tự tĩnh kỳ ý. Thị chư Phật giáo” là câu trả lời của tôn giả A Nan cho người đến hỏi ông đâu là giáo lý của 7 đời cổ Phật trong quá khứ.

Thế mới biết, dù mang tâm không phân biệt nhưng Ikkyuu không hề rơi vào cái bẫy của “tà chính bất nhị” do một số người thò lò hai mặt, đánh lận con đen. Ông vẫn phân biệt thiện ác, khác với thiên kiến người ta có về ông.

Có người học thiền (Thanh Nguyên Duy Tín, pháp tự của Hối Đường Tổ Tâm) đã phát biểu: “Ba mươi năm trước đây, khi chưa tham thiền, lão tăng thấy núi là núi, sông là sông. Đến khi theo thầy tu học. lão mới thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông. Thế nhưng cuối cùng giác ngộ được chân như, không hiểu tại sao khi nhìn lại, lão thấy núi vẫn là núi , sông vẫn là sông”[19]. Duy Tín đi từ chỗ phân biệt sang đến trạng thái không phân biệt, để rốt cục, cuối con đường tu học, trở lại cái tâm phân biệt bình thường. Thế nhưng cái tâm bình thường đó đã được một lần tôi luyện.

Để tạm kết thúc, xin đọc với nhau bài thơ Ikkyuu vịnh Điểu Khòa:

Tán Điểu Khòa hòa thượng

Sào hàn thụ thượng lão thiền ông,
Tịch mịch thanh cao danh vị không.
Chư ác mạc tác thiện phụng hạnh,
Đại cơ tu tại túy ngâm trung.

Vịnh hòa thượng Điểu Khòa

Cành lạnh, thân chim, có lão ông,
Thanh cao, cô độc, chức danh không.
Tránh bao lối ác, chỉ hành thiện,
Ngâm loạn nhưng thiền cơ ở trong!
                                    
Bệnh viện Đại học Chiba 3/ 2014
                                       Nguyễn Nam Trân
                                       Cập nhật 02/05/2014

Tư Liệu Tham Khảo:

1)      Akidzuki Ryômin, 2003, Ichinichi ichizen (Nhất nhật nhất thiền), Kôdansha xuất bản.
2)      Akidzuki Ryômin, 2009, Kôan (Công Án), Chikuma Gakugei Bunko xuất bản, Tôkyô.
3)      Arntzen, Sonja, 1986, Ikkyuu and The Crazy Cloud Anthology, University of Tokyo Press, the second editiơn in 1988.
4)      Katô Shuuichi,Yanagida Seizan, 1978, Nihon no Zengoroku : Ikkyuu (XII). Nhật Bản (Thiền Ngữ Lục Tập 12: Ikkyuu), Kôdansha.
5)      Kino Kazuyoshi, 1999, Meisô retsuden (Danh tăng liệt truyện), Quyển1. Kôdansha xuất bản và tái bản lần thứ 7 năm 2004. (Trang 163-214 nói về Ikkyuu).
6)      Suzuki Daisetsu viết, Kitagawa Momoo dịch từ Anh ngữ, 1940, Zen to Nohon bunka (Thiền và văn hoá Nhật Bản), Iwanami Shinsho xuất bản, 1977, in lần thứ 37.
7)      Umehara Takeshi, 2009, Nihon Bukkyô wo yuku (Theo chân Phật Giáo Nhật Bản), Asahi bunko xuất bản (Trang 251-260: Ikkyuu).
8)      Uno, Naoto, Kanshi wo yomu (Đọc Hán thi), quyển 2, 10/2011-3/2012 (thời kỳ Kamakura đến Edo trung kỳ), NHK xuất bản, 2011.
9)      Yamaori Tetsuo, 1987, Nihon Bukkyô shisô no genryuu (Nguồn cội tư tưởng Phật giáo Nhật Bản), Kôdansha gakujutsu bunko, (trang  221-306, Ikkyuu).



[1] Chi tiết xem Vô Môn Quan của Triệu Châu. Tắc 41 Đạt Ma an tâm. Tích Huệ Khả đoạn tý.
[2] Chi tiết xem Vô Môn Quan của Triệu Châu. Tắc 23. Bất tư thiện ác. Tích Minh thượng tọa tranh y bát.
[3] Điểm mạnh của Thiền phương Bắc là kinh điển, của Thiền phương Nam là nghị luận, không thể thiếu một.
[4] Tuy thông thường, mai là hoa để chỉ đàn bà (mai thê hạc tử) như thơ Lâm Bô (Lâm Hòa Tĩnh) đời Tống. Thế nhưng, trong văn mạch này, có thể Ikkyuu đã dùng cành mai để chỉ đàn ông (ngọc hành) để đối chiếu với thủy tiên (âm hộ). Lăng ba tiên tử là một tên khác của hoa thủy tiên.
[5] Hai chữ Hán khó đọc, tạm phiên âm như thế. Ý nói vô lại, hoang đàng nhưng có sức thu hút của một người đàn ông con trai (theo Yanagida Seizan).
[6] Nht nht nhất thiền của Akidzuki Ryômin, thoại 89 (Sơn tiền đàn việt gia, Tác nhất đầu thủy cổ ngưu khứ, trang 113) có nói đến chuyện kiếp sau sinh ra thành con trâu nằm trước nhà đàn việt bên kia núi nhưng hai nhân vật chính trong cuộc đối thoại là Nam Tuyền và học trò ông là Triệu Châu. Lại có chuyện Tuyết Phong Nghĩa Tồn cũng tự xưng mình là thân trâu. Về Quy Sơn lại là một câu chuyện khác.
[7] Nhất nhật nhất thiền của Akiszuki Ryômin, thoại 361 (trang 357). Tắc này thuyết về “tự tha bất nhị”, “sinh tử nhất như”, “tự tha giao tham tự tại”.
[8] Tsurezuregusa, bản dịch Nguyễn Nam Trân (Buồn buồn phóng bút) có nói đến trò chơi của các chủ tiểu chùa Ninnaji (Nhân Hòa Tự). Tư liệu trên mạng.
[9] Ihara Saikaki, Kôshoku ichidai otoko (Một đời trai hiếu sắc), trong đó nhân vật hư cấu Yonosuke cho biết đã có quan hệ với hàng nghìn nam nữ.
[10] Bushukô hiwa (Vũ châu công bí thoại) Chuyện kín về lãnh chúa Musashi.Quan hệ giữa các vũ tướng và bọn tiểu đồng hầu cận đã được nêu lên.
[11] Kinjiku (Tình cấm), Kamen no kokuhaku (Lời thú tội của mặt nạ), Onnagata (Kép giả gái) vv...
[12] Trong sách vở, Từ Minh Sở Viên là một người tu hành nghiêm ngặt. Có giai thoại ông lấy dao đâm vào đùi để có thể tập trung tinh thần khi tọa thiền. Thế nhưng dưới cách nhìn của Ikkyuu ở đây thì Từ Minh thật không ra gì cả.
[13] Nhất nhật nhất thiền, Akidzuki Ryômin, thoại 349, trang 347. “Tức tâm tức Phật”. Vô Môn Quan  tắc 30.
[14] Nhất nhật nhất thiền, Akidzuki Ryômin, thoại 33, trang 62. “Thái cúc đông ly hạ. Du nhiên kiến Nam sơn” trong Uyên Minh thi tập.
[15] Nhất nhật nhất thiền, Akidzuki Ryômin, thoại 120, trang 141.. Khi sứ giả bảo ông chùi nước mắt nước mũi đi thì Lãn Tàn trả lời: “Ngã khởi hữu công phu vị tục nhân phất để da” (Ta đâu biết cách chùi nước mắt cho kẻ tục). Bích Nham Lục tắc 34.
[16] Chúng tôi xin lỗi đã không “cấy” được nguyên văn chữ Hán vào chùm thơ dịch của mình để nâng cao độ tin cậy. Lý do là trình độ vi tính thấp và không có thời giờ. Thêm nỗi có nhiều chữ Hán cổ. Ngoài ra các bài dịch thường là thoát dịch chứ không câu nệ việc dịch từng chữ vì thơ Nhất Hưu đa nghĩa, khó nắm trọn.
[17] Chi Đạo Vô Nan thiền sư tập, dẫn bởi Akidzuki Ryômin, Nhất nhật nhất thiền, thoại 28.
[18] Nhất nhật nhất thiền của Akidzuki Ryômin, thoại 30, trang 58, “Chư ác mạc tác, Chúng thiện phụng hành” là chữ được nhắc đến trong Thất Phật thông giới kệ.
[19] Nhất nhật nhất thiền của Akidzuki Ryômin, thoại 325, trang 325-326 “Niêm khởi trúc bề, hành sát hoạt lệnh. Bối xúc giao trì. Phật tổ khất mệnh”..