Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

QUAN NIỆM VỀ THẾ GIỚI VÀ CÁC GIAI CẤP XÃ HỘI


Quan niỆm vỀ thẾ giới và các giai cẤp xã hỘi

                                                                                              L.Goldmann
Phần thứ hai trong công trình của chúng tôi sẽ khác hoàn toàn với phần trước, và đó không phải chỉ bởi bản chất của các sự kiện mà nó đề xuất phác thảo nghiên cứu, mà đặc biệt là bởi mức độ kiến thức và sự chuẩn xác của nó đã đạt đến trong quá trình khám phá.
Chúng tôi cho là có ích khi bắt đầu bằng một chương chỉ ra những lý do về mặt phương pháp luận mà chúng tôi không tin là có thể áp dụng từ trong các con đường tiếp cận quen thuộc: nghiên cứu các tác phẩm không có sự quy chiếu nghiêm túc nào với các sự kiện kinh tế, xã hội, và chính trị của thời đại hoặc là kèm theo nghiên cứu của họ một sự lắp ráp ít nhiều hấp dẫn, thậm chí là gây ấn tượng, gợi nên như một vài hình ảnh nào đấy của các sự kiện, hình ảnh dựa trên một sự lựa chọn võ đoán, không hề xây dựng trên một nghiên cứu khoa học nghiêm túc nào, hình ảnh của một vài dữ liệu được ưu tiên hơn. Chương này đề xuất việc suy xét trên cơ sở nghiên cứu thực chứng được thể hiện ở hai chương tiếp theo mà mục đích chính là trước hết chỉ ra những thiếu hụt và chỉ ra những lĩnh vực còn cần phải khám phá bằng công việc nghiên cứu lâu dài và tỉ mỉ để có thể làm quen với tác phẩm của Pascal và kịch của Racine trên cơ sở thật vững chắc.
Trên thực tế, có một giả thiết khái quát trên cơ sở của công trình này là cần thiết phải xác lập điều đó một cách rõ ràng, nhất là khi chúng ta coi vấn đề là nghiêm túc một cách chuẩn xác, đồng thời chấp nhận tất cả các hậu quả về phương pháp luận xuất phát từ đó: đó là các hiện tượng  nhân văn bao giờ cũng có đặc điểm của những cấu trúc hàm nghĩa mà chỉ có nghiên cứu phát sinh mới có thể đưa lại đồng thời sự lý giải và giải thích: sự lý giải và giải thích không thể tách rời đối với bất kì nghiên cứu thực chứng nào của các sự kiện này.
Có lẽ cũng là cần thiết phải bổ sung ngay lập tức rằng cũng như cuộc thách đố đối với Pasal, đối với tất cả những định đề thực tiễn của Kant và đối với chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa của Marx, những lý lẽ khiến chúng tôi xuất phát từ giả thiết này vừa có tính chất lý luận vừa mang tính thực tiễn.
Lý luận, bởi đối với chúng tôi đó là giả thiết duy nhất cho phép xác lập nhận thức tùy theo hiện thực khách quan của ý nghĩa và dãy sự kiện, thực tiễn trong chừng mực nó cho phép chứng thực khoa học bởi chức năng nhân văn của nó và cho phép suy xét con người bởi hình ảnh đem lại cho chúng ta về nó một sự nhận thức cũng chính xác và chuẩn như chúng ta có thể đạt đến.
Thế nhưng nói rằng giả thiết này là trên cơ sở của tư duy mác xít, là khẳng định rõ ràng đặc điểm sai với thực tế của cả một loạt những giải thích của lý thuyết phân biệt lý luận và thực tiễn, sử dụng những quan điểm mà chúng tôi coi là mâu thuẫn giữa đạo đứcxã hội học mác xít.
Trong chừng mực mà thuật ngữ “đạo đức” có nghĩa là một tổng thể các giá trị được chấp nhận một cách độc lập với cấu trúc của hiện thực và thuật ngữ “xã hội học” là một tổng thể - có hệ thống hoặc không - những phán xét sự kiện độc lập với những phán xét giá trị, bất kì đạo đức nào và bất kì xã hội học nào cũng trở nên xa lạ và đối lập với tư duy khẳng định rằng không có giá trị nào cần được nhận biết và chấp thuận trong chừng mực sự công nhận này được xây dựng trên kiến thức thực chứng và khách quan của hiện thực, cũng như bất kì kiến thức nào có giá trị của hiện thực chỉ có thể được xây dựng trên thực tiễn - và điều đó muốn nói về sự công nhận, rõ ràng hay ngầm ẩn của một tổng thể giá trị  - phù hợp với những tiến bộ của lịch sử. Không thể có ở đây một “đạo đức học”  hay “xã hội học” mác xít đối với lý lẽ đơn giản rằng những nhận định mác xít về giá trị muốn trở thành khoa học và khoa học mác xít mong muốn có tính thực tiễn và cách mạng.
Có nghĩa là khi nói về nhận thức thực chứng về cuộc sống con người, cũng là nói về hành động chính trị hoặc xã hội, những quan điểm về “khoa học” và về “đạo đức học” trở thành những khái niệm trừu tượng phụ  – trong chừng mực người ta thử tách cái này khỏi cái kia – và làm biến đổi thái độ tổng thể mà chúng ta cảm thấy chỉ nó mới có giá trị và nó đồng thời bao gồm trong một tổ chức thống nhất sự tìm hiểu hiện thực xã hội, giá trị để đánh giá hiện thực đó và hành động biến chuyển hiện thực đó.
Để chỉ rõ thái độ tổng thể này, chúng ta có cảm tưởng rằng người ta có thể, đồng thời với việc tôn trọng tính thiết yếu của ý nghĩa hiện thời, sử dụng thuật ngữ đức tin, đương nhiên với điều kiện là giải phóng nó khỏi những ngẫu nhiên thuộc về cá nhân con người, thuộc về lịch sử và xã hội, những ngẫu nhiên này gắn nó với một tôn giáo cụ thể nào đó, hay thậm chí là các tôn giáo thực tế nói chung. Trong thực tế chúng ta chưa biết đến thuật ngữ khác chỉ ra một cách chính xác như vậy việc xây dựng những giá trị trong hiện thực và đặc điểm đã được phân biệt và sắp xếp ngôi thứ của bất kì hiện thực nào so với các giá trị.
Chắc chắn là việc sử dụng thuật ngữ “đức tin” bao hàm những mối nguy hiểm hiển nhiên, do việc chủ nghĩa xã hội theo kiểu mácxít, phát triển từ thế kỉ XIX, thường xuyên chống đối với bất kì tôn giáo nào khẳng định sự tồn tại của sự siêu việt siêu nhiên hoặc siêu lịch sử, và vừa vượt qua vừa sáp nhập không chỉ Giáo lý Thánh Augustin mà cả chủ nghĩa duy lý của các nhà Ánh sáng, trong thực tế, đã gần như luôn nhấn mạnh truyền thống duy lý của các nhà Ánh sáng, những người đúng ra là người thừa kế và tiếp tục của sự phát triển của đẳng cấp thứ ba và những cuộc cách mạng của nó còn rất gần, và về sự đối lập của nó - chắc chắn là hiện thực - với giáo lý Cơ Đốc.
Bởi thế vì sao mà khi nói tới “đức tin”, thuật ngữ cho đến nay được dành cho các tôn giáo thần khải của sự siêu việt siêu nhiên, người ta đưa lại gần như một ấn tượng không thể tránh khỏi là từ bỏ kiểu giải thích truyền thống và mong muốn Cơ Đốc hóa chủ nghĩa mác xít, hay ít nhất là đưa vào đó những yếu tố của tư duy siêu việt này.
Trong thực tế, chẳng có gì cả. Đức tin theo kiểu mác xít là một đức tin vào tương lai của lịch sử mà chính bản thân mọi người gây dựng nên, hoặc một cách chính xác hơn là chúng ta cần phải gây dựng bởi hoạt động của chúng ta, một “sự thách đố” về thành công từ hành động của chúng ta; sự siêu việt là đối tượng của đức tin này không phải là siêu nhiên, cũng không phải là siêu lịch sử, mà là siêu nhân. Thế nhưng điều đó đủ để tư duy mác xít gắn với sáu thế kỉ của chủ nghĩa duy lý của Thomas d’Aquin và Descartes với truyền thống giáo lý Thánh Augustin; và rõ ràng sự khác biệt giữa chúng trở nên triệt để không phải trên điểm siêu việt đó, mà trong sự khẳng định của hai giáo lý mà các giá trị được xây dựng trong hiện thực khách quan không tuyệt đối, mà là tương đối (Thượng Đế đối với Thánh Augustin và lịch sử đối với Marx) và nhận thức khách quan nhất mà con người có thể đạt đến từ bất kì sự kiện lịch sử nào đề xuất sự nhận thức của hiện thực này – siêu việt hay siêu nhân – như giá trị tối cao.
Cần phải nêu ra một sự khác biệt cơ bản khác giữa hai quan điểm này: Thượng Đế của Thánh Augustin tồn tại độc lập với tất cả ý chí và hành động của con người, trái lại, tương lai của lịch sử là sự sáng tạo của mong muốn và hành động của chúng ta. Giáo lý của Thánh Augustin là đức tin về sự tồn tại, chủ nghĩa Marx là sự thách thức về một hiện thực mà chúng ta cần phải sáng tạo, quan điểm của Pascal nằm ở giữa hai quan điểm này: là cuộc thách đố về sự tồn tại của Thượng Để siêu nhiên, độc lập với ý chí của con người.
Thế nhưng việc chủ nghĩa Marx đặt sự thách đố trước tất cả các nghiên cứu thực chứng các sự kiện thuộc về con người, và việc nó nhìn thấy trong sự thách đố này điều kiện cần thiết của tất cả các tiến bộ của việc nghiên cứu, không cần phải gợi nên quá nhiều ngạc nhiên cho các nhà tư tưởng gần gũi với công việc khoa học. Bản thân nhà vật lý, hóa học phải chăng không xuất phát từ sự thách đố về tính hợp pháp của một lĩnh vực trong thế giới mà họ nghiên cứu? và sự thách đố này của khoa học vật lý và hóa học phải chăng không phải ở thế kỉ XVII và hơn thế nữa ở thế kỉ XVIII hoàn toàn mới mẻ và khác thường?
Vậy là không phải vấn đề xuất phát từ một cuộc thách đố ban đầu mà đã có thể tạo nên một sự bác bỏ nghiêm túc như thế đối với phương pháp biện chứng với tư cách là một phương pháp thực chứng, mà là bản chất đặc thù của cuộc thách đố này, nó phân biệt cuộc thách đố này với cuộc thách đố ở nền móng của các khoa học vật lý và hóa học, có nghĩa là:
a/ Đặc điểm của nó không phải thuần nhất lý thuyết, mà đồng thời vừa lý thuyết vừa thực tiễn (trong khi đó thì trong các khoa học vật lý và hóa học sự đánh cuộc ban đầu có vẻ là hoàn toàn thuộc lý thuyết, tính thực tiễn chỉ gắn vào bằng cách trung gian, với tư cách là sự áp dụng kĩ thuật).
b/ Yếu tố mục đích mà nó có (trong khi đó thì đối với các khoa học vật lý và hóa học sự đánh cuộc ban đầu kết thúc bằng việc được quyết định, bằng cách thống kê hay hoàn toàn là hợp pháp trong tất cả các trường hợp đều là sự loại trừ của bất kì tính mục đích nào).
Trong thực tế, vật lý học và hóa học có những nguyên tắc cơ bản của các phương pháp của chúng từ thế kỷ XVII và XVIII, và những nguyên tắc này nhờ vào những thành công không đếm xuể về mặt kỹ thuật đã trở thành khối kiến thức xác định của tư duy đương thời, không có gì ngạc nhiên trong việc là những thử nghiệm đầu tiên trong nghiên cứu khoa học trong cuộc sống xã hội thường đã và đang được lấy cảm hứng từ các phương pháp của chúng và đã chấp nhận sự phân chia chặt chẽ giữa những nhận xét về sự kiện và những nhận xét về giá trị như một sự loại trừ của bất kì tính mục đích nào.
Thế nhưng, sự hợp thức của quan điểm này không hề có trước đó và sự thành công trong lĩnh vực khoa học vật lý và hóa học chỉ có thể tạo ra – trong trường hợp tốt nhất của các trường hợp - một sự phỏng đoán tạm thời thoáng qua chiếu cố đến sự tồn tại của những sự kiện thuộc về con người của những phương pháp đã được áp dụng - chắc chắn là một cách thành công – trong một lĩnh vực hoàn toàn khác. Cuộc thảo luận về điểm này chỉ có thể trở nên rõ ràng nhờ vào những nghiên cứu cụ thể. Cũng còn cần phải cho phép những phân tích khoa học luận tiên quyết để gạt bỏ một số định kiến và cũng để giải tỏa phạm vi hoạt động.
Mặt khác cũng là đủ để dõi theo phương pháp tiến hành của những nhà tư tưởng vĩ đại về bi kịch (như Pascal và Kant) hoặc các nhà biện chứng như Marx và Lukacs). Thực tế, đầu tiên chúng ta nhận thấy rằng Pascal và Kant trước hết gắn với việc chỉ ra rằng không có gì trên phương diện những nhận xét theo lối trình bày không cho phép khẳng định đặc điểm sai lầm cũng như đặc điểm có giá trị của cuộc thách đố ban đầu.
Xuất phát từ cuộc thách đố này hay cuộc thách đố kia về sự tồn tại của Thượng Đế, họ dựng nên sự kiện là chẳng có gì trên lĩnh vực thuần lý thuyết – trên lĩnh vực của “khoa học” vật lý và hóa học – cho phép khẳng định là Thượng Đế có tồn tại hay không. Cũng như vậy, chính Marx và Lukacs cũng biết rằng người ta không làm chứng được sự tồn tại của tiến bộ và nhất là sự tiếp tục của nó trong tương lai trên bình diện loại trừ những nhận xét về sự việc và ngoài những nhận định về giá trị, một cách chính xác bởi vì hai giá trị cơ bản này - sự tiến bộ và chủ nghĩa xã hội – có liên quan đến những hành động của con người, đến hành động của chúng ta.
“Vấn đề biết được phải chăng tư duy của con người có thể có một chân lý khách quan không phải là vấn đề lý luận mà là một vấn đề thực tiễn. Chính là trong thực tiễn mà con người minh chứng chân lý, có nghĩa là hiện thực và sức mạnh, phía bên kia của tư duy. Cuộc tranh luận về hiện thực hoặc không phải hiện thực của tư duy, tách rời khỏi thực tiễn là hoàn toàn có tính chất kinh viện”. “Cuộc sống xã hội về cơ bản là thực tiễn. Tất cả những điều khó hiểu xoay quanh lý thuyết về chủ nghĩa thần bí đều tìm thấy giải pháp hợp lý của chúng trong thực tiễn của con người và trong sự tìm hiểu thực tiễn này”. “Các nhà triết học không chỉ giải thích thế giới mà còn cải tạo thế giới”. Đối với Pascal và Kant, việc khẳng định hoặc phủ nhận sự tồn tại của Thượng Đế căn cứ vào nhận định nào đó về sự tiến bộ và bước đi của lịch sử về phía chủ nghía xã hội cũng sẽ là phi lý. Những lời khẳng định dựa trên hành vi của trái tim (đối với Pascal) hoặc dựa trên lý lẽ (đối với Kant và Marx) vượt qua và sáp nhập đồng thời lý luận và thực tiễn trong cái mà chúng ta gọi là hành động của đức tin.
Cũng như vậy, chẳng có gì trong các phương pháp đã xác định của khoa học vật lý và hóa học có thể khẳng định hay phủ nhận sự tồn tại của Thượng Đế hay sự tồn tại của sự tiến bộ của lịch sử. Những khoa học này chỉ có thể xác định rằng trong lĩnh vực của chúng hai quan điểm này là không cần thiết. Một nhà vật lý hoặc nhà hóa học giỏi không nói trong công việc khoa học của họ về Thượng Đế hay sự tiến bộ của lịch sử. (Đương nhiên trừ khi vấn đề nói về lịch sử của vật lý hay hóa học, lịch sử không còn thuộc về khoa học vật lý hoặc hóa học mà thuộc về khoa học nhân văn).
Nhưng vấn đề là tư duy lý luận không thể nào chứng minh đặc điểm sai lầm của cuộc thách đố ban đầu của tư duy bi kịch hoặc biện chứng, cũng không chứng minh những cuộc thách đố này, hoặc người ta thích hơn, những giả thiết ban đầu này là cần thiết khi liên quan đến nghiên cứu cuộc sống, đến con người, lịch sử hoặc xã hội. Phải chăng là người ta không thể tiến bộ trong nhận thức về con người bằng những phương pháp giống như các phương pháp mà khoa học vật lý và hóa học đã sử dụng? Chính là ở đây sau khi thiết lập mà cuộc thách đố về một cấu trúc nào đấy của hiện thực không đối lập với những điều nhận xét về mặt lý luận, các nhà tư tưởng bi kịch và biện chứng mới phản công. Pascal và Kant mải mê chỉ ra việc không thể tính đến của hiện thực nhân văn bên ngoài cuộc thách đố về sự tồn tại của Thượng Đế và những định đề thực tiễn, Marx và Lukacs sẽ đi xa hơn khi khẳng định rằng bất kì sự xác nhận về mặt lý luận nào về cấu trúc của hiện thực - mặc dù nó thế nào – cũng kéo theo một giả thiết ban đầu có ý thức hoặc không – cái mà chúng ta gọi là sự đánh cuộc – khi vấn đề nói về những sự kiện nhân văn thì bất kì sự đánh cuộc ban đầu nào về một cấu trúc được xác định một cách chặt chẽ hoặc đơn giản là hợp pháp (theo nghĩa của các định luật khoa học) của hiện thực cũng trở thành mâu thuẫn và không thể thực hiện theo kiểu hệ quả.
Như vậy cuộc tranh luận xung quanh phương pháp về khoa học nhân văn cần phải gắn với việc làm sáng tỏ hai điểm sau:
a/ Bởi vì bất kì khoa học nào cũng xuất phát trên thực tế một cách có ý thức từ một cuộc thách đố thực tiễn ban đầu, cần phải thực hiện việc đó một cách rõ ràng hoặc tốt hơn là để cuộc thách đố này ở tình trạng không ý thức, ngầm ẩn, đồng thời thực hiện một nghiên cứu có tính chất bộ phận và độc lập với tất cả các  nhận xét về giá trị.
b/ Trong trường hợp người ta lựa chọn phương sách đầu tiên trong hai phương sách, sự “cuộc thách đố” cho phép sự nhận thức khách quan hơn và hợp lý hơn của hiện thực nhân văn thì sẽ là như thế nào.
Câu trả lời cho điểm a/ dường như là đi từ chính nó nếu việc từ chối xây dựng khoa học về “cuộc thách đố” không trở lại thường xuyên như thế dưới ngòi bút của các nhà tư tưởng duy lý và thực chứng như sự bác bỏ tất cả tư duy bi kịch và biện chứng. Nhà tư tưởng bi kịch đã làm một việc “không phải sự lựa chọn này, mà là một sự lựa chọn; bởi người này đã tin tưởng và người kia cũng mắc lỗi như thế, cả hai người đều mắc khuyết điểm: Đúng ra, không nên đánh cuộc một tí nào”. Pascal đã trả lời: “Đúng như vậy, nhưng cần phải đánh cuộc. Việc này không phải là tự nguyện, mà là các anh bị dính vào cuộc”. Cũng như vậy trong tác phẩm nổi tiếng Luận cương về Feuerbach Marx đã chỉ ra rằng thái độ thực tiễn là hoàn toàn không tránh khỏi trong các tất cả các công việc của nhận thức, rằng “chúng ta bị dính vào cuộc” ngay từ cảm giác sơ đẳng nhất; “Feuerbach, không hài lòng với tư duy trừu tượng, đã gọi là cảm giác cảm nhận được, nhưng ông không coi chức năng cảm xúc như là hoạt động thực tiễn của các cảm giác của con người. Vậy là thực tiễn có tính chất cấu thành của tất cả các công việc của nhận thức ngay từ khâu cảm giác sơ đẳng nhất luôn luôn gắn với một mục đích, hoặc để nói như Piaget, với một sự cân bằng mà thực tiễn hướng tới, và điều đó muốn nói, - khi mà nó trở nên có ý thức - tới sự chấp thuận ngầm ẩn hoặc rõ ràng của bậc thang giá trị.
Chúng ta chỉ còn việc đề cập tới điểm b/ để chỉ ra rằng bất kì sự đánh cuộc nào về tính hợp lý hoàn toàn hợp pháp hoặc có tính chất nhân quả - loại trừ bất kì mục đích nào – trong lĩnh vực các sự kiện thuộc về nhân văn đều không thực hiện được và đầy mâu thuẫn. Thế mà điều đó khiến chúng tôi cảm giác là hệ quả của sự kiện là các khoa học nhân văn đang ở trong tình trạng đặc biệt của sự đồng nhất có tính bộ phận của chủ thể và đối tượng nghiên cứu, đến mức bất kì quy luật chung nào được thiết lập bởi một nhà sử học hoặc bởi một nhà xã hội học thì cũng phải được áp dụng trước hết ở chính nhà nghiên cứu. Phủ nhận ý nghĩa, sự tồn tại của một cái đích trong lĩnh vực của các sự kiện nhân văn, có nghĩa hoặc là phủ nhận một cách ngầm ẩn bất kì ý nghĩa và bất kì cái đích nào trong bản thân tư duy khoa học, hoặc là - điều này cũng không ít nghiêm trọng hơn - tạo ra một ưu đãi đặc biệt  và chẳng hề có lý do đối với nhà bác học. Trong khi hướng vấn đề này dưới góc độ hành động (bởi vì chúng ta đã nói, bất kì một tư duy nào cũng gắn liền với một hành động nào đấy và trong lĩnh vực nhận thức những sự việc nhân văn, nó chính là một thành tố cấu thành của hành động), trong Luận cương thứ ba về Feuerbach Marx đã nhận xét như sau liên quan đến thuyết quyết định luận: “ Học thuyết duy vật muốn rằng con người là sản phẩm của hoàn cảnh và của giáo dục, và do đó, những con người đã thay đổi là sản phẩm của những hoàn cảnh và của một nền giáo dục khác cũng đã thay đổi, học thuyết này quên rằng chính là con người thay đổi hoàn cảnh và bản thân nhà giáo dục cần được giáo dục. Chính bởi vậy mà nó có khuynh hướng không tránh khỏi là phân chia xã hội ra làm hai bộ phận trong đó có một bộ phận là ở bên trên xã hội.
Sự gặp gỡ giữa thay đổi các hoàn cảnh và hoạt động của con người chỉ có thể được xem xét và thấu hiểu một cách hợp lý khi mà thực tiễn biến đổi thành hiện thực về mặt định tính”.
Chúng ta đi đến kết luận một cách ngắn gọn rằng nếu ta muốn xuất phát từ một giả thiết chung về bản chất của đời sống xã hội, thì cần phải cho giả thiết này cũng có thể bao gồm nhà nghiên cứu và hoạt động nghiên cứu của anh ta, có nghĩa là nó phải kèm theo: a) hành động thực tiễn của con người, b) đặc điểm có ý nghĩa của hành động đó và, c) khả năng để nó đạt được thành công hoặc thất bại, ba tính chất có thể và cần phải trải qua các khoa học lý, hóa, bởi vì không những bản thân nhà nghiên cứu không phải là một bộ phận của đối tượng mà chúng (các khoa học lý hóa) nghiên cứu, mà đối tượng này được tạo ra bởi sự trừu tượng hóa của tất cả những gì trong vũ trụ có thể trở thành chủ thể của tư duy hoặc hành động.
Vậy là để đi đến một nhận thức thực chứng về con người cần phải khẳng định ngay từ đầu về đặc điểm có ý nghĩa của lịch sử và điều đó muốn nói – trong ý nghĩa đã chỉ ra ở phần đầu chương này - xuất phát từ một hành động xác tín Credo ut intelligam, đó là cơ sở chung của nhận thức luận Augustin, Pascal, mác xít, mặc dù vấn đề ở đây là trong ba trường hợp của một “xác tín” về cơ bản là khác biệt (sự hiển nhiên của cái siêu nghiệm, cuộc thách đố về cái siêu nghiệm, cuộc thách đố về ý nghĩa nội tại).
Vậy là, khi dừng lại ở phương diện phương pháp luận biện chứng, cuộc thách đố ban đầu về ý nghĩa của lịch sử kéo theo một số lượng nào đấy những hậu quả về phương pháp luận mà chúng ta sẽ dành cho chúng một kiểm tra nhỏ. Chắc chắc là ta có thể nhằm vào khả năng có thể xảy ra mà tổng thể của lịch sử có thể có ý nghĩa, những thành tố cấu thành của nó sẽ hoàn toàn không có ý nghĩa nếu như người ta tách rời riêng rẽ chúng thậm chí chỉ là tạm thời khỏi hoàn cảnh của chúng. Giả thiết này, một cách tiên nghiệm có thể là đúng, thế nhưng lại không thúc đẩy được nhiều cho các khoa học nhân văn bởi lẽ nó khẳng định một cách ngầm ẩn việc không thể thực hiện tiến bộ đối với các khoa học này. Trên thực tế, sẽ là không thể việc con người nhận thức được tổng thể của lịch sử và điều đó không chỉ là - cũng như trong lĩnh vực của các khoa học lý và hóa - bởi lý do sự đa dạng không thể khai thác được về mặt thực tiễn của hiện thực đang nghiên cứu, mà còn bởi lý do kép đặc biệt ở các khoa học nhân văn, một mặt, bởi tổng thể đối tượng của chúng bao gồm một tương lai ngẫu nhiên khác về mặt định tính với quá khứ và hiện tại, và mặt khác, bởi các khoa học này không thể hướng đối tượng của chúng từ bên ngoài, chủ thể nhận thức được đặt từ bên trong của chính đối tượng mà nó muốn nhận biết. Vậy thì nếu như đối tượng của các khoa học nhân văn có ý nghĩa trong tổng thể của nó được tạo thành từ các thành tố hoàn toàn không có ý nghĩa, việc nghiên cứu của chúng chỉ có thể được thực hiện với những phương pháp giống như những phương pháp mà các khoa học lý hóa đã sử dụng, và đối với những lí do mà chúng ta đã chỉ ra, chúng không thích hợp để nắm giữ những hiện tượng xã hội và lịch sử.
Vậy là trong các khoa học nhân văn, cần phải xuất phát từ cuộc thách đố kép về đặc điểm có ý nghĩa của tổng thể lịch sử và về đặc điểm có ý nghĩa tương đối của những tổng thể tương đối tạo thành lịch sử.
Một quan hệ tương tự giữa các bộ phận và toàn thể đã khiến có thể tưởng tượng theo những cách khác. Thế nhưng, trong thực tế, (và đây là chìa khóa của nhận định ban đầu của chúng tôi khẳng định tính không thể tách rời giữa việc giải thíchlý giải trong các khoa học nhân văn), có một sự tiến bộ, chắc chắn là không liên tục, nhưng thường xuyên, trong việc lý giải cũng như trong việc giải thích theo lối phát sinh ở chừng mực là người ta đạt đến việc gắn nối tất cả những cái tương đối mà người ta nghiên cứu vào những tổng thể lớn hơn bao chứa cả chúng và trong đó chúng là những thành tố cấu thành. Bất kì đối tượng nào cũng có giá trị trong các khoa học nhân văn và điều đó muốn nói là bất kì tổng thể có ý nghĩa tương đối nào cũng được hiểu trong ý nghĩa của nó và được giải thích trong xuất xứ của nó bởi việc gắn nó vào trong một tổng thể không-thời gian mà nó là một bộ phận.
Thế nhưng chính là khi đi đến nhận xét này mà các vấn đề phương pháp luận quan trọng và khó khăn nhất đã được đặt ra. Bởi vì nếu chúng ta xuất phát từ cuộc thách đố như vậy về sự tồn tại của cả loạt các thành phần của những cấu trúc có nghĩa, chẳng có gì đảm bảo cho chúng ta rằng (thậm chí trong trường hợp giả thiết xuất phát này có giá trị) bất kì sự phân chia nào miễn nó là đối tượng của nghiên cứu cũng cho phép phát hiện ra tính giá trị (tính có thể chấp nhận được) của nó. Rõ ràng là nếu như để nhận biết được cấu trúc thực tế của đời sống con người và lịch sử, cần phải phân chia cấu trúc đó ra thành những cấu trúc có nghĩa, trước mắt nhà nghiên cứu có nhiều khả năng thực hiện sự phân chia cả đống dữ kiện theo chủ nghĩa kinh nghiệm một cách sai lầm có nguy cơ làm xuất hiện một thực tế bị mất đi ý nghĩa, đồng thời mang cấu trúc hoàn toàn có tính nhân quả hay hợp pháp tương tự như cấu trúc đã tạo thành thế giới của những khoa học lý hóa. Đến mức mà nếu như một mặt chúng ta đã được đưa tới đây để nói rằng sự phân chia hiện thực nhân văn mà người ta đề nghị nghiên cứu trong tổng thể ngày càng rộng hơn cần kéo theo một sự tiến bộ tiếp tục trong sự lý giải và sự giải thích, giờ đây chúng ta cần phải nói thêm rằng đối diện với số luợng lớn những phân chia sai lầm có khả năng của đối tượng và số ít những phân chia có giá trị, chính là việc nghiên cứu chuyên biệt những tổng thể có nghĩa tạo ra cho nhận thức của chúng ta chỉ dẫn duy nhất cho người nghiên cứu.
Chúng tôi thấy cần thiết phải bổ sung thêm một điểm là một trong những điều nguy hiểm lớn nhất của nghiên cứu thực tế những sự kiện nằm chính ở sự tiếp nhận không phê phán cách phân chia theo kiểu truyền thống đã được hình thành ổn định nhất sẽ đẩy nhà nghiên cứu vào việc nghiên cứu một đối tượng sau đó được xác nhận là không có nghĩa, thậm chí đối với nghiên cứu cẩn thận và kỹ lưỡng nhất. Trong cuốn Tu bản vốn là một bản Phê phán kinh tế chính trị, Marx đã chỉ ra những nguy hiểm của việc phân chia đối tượng theo kiểu truyền thống của khoa học này khi mà nó hướng tới nghiên cứu nền sản xuất, sự lưu thông, và phân phối của cải và không phải nghiên cứu những giá trị trao đổi, với tất cả những sự biến đổi về mặt ý thức hệ mà nó gây ra. Thế nhưng khi hạn chế chúng ta trong một đối tượng gần nhất với công việc hiện tại, sẽ là đủ để chỉ ra những đối tượng không tồn tại bởi vì rằng chúng được phân chia không đúng, thế nhưng lại được giảng dạy ở phần lớn các trường đại học hiện đại, chúng là lịch sử triết học, lịch sử nghệ thuật, văn học, thần học v.v…
Chúng ta sẽ dừng lại lĩnh vực đầu tiên trong số ấy, bởi vì chúng ta muốn nói đến triết học đầu tiên. Phần lớn các học thuyết triết học chắc chắn đã tạo thành những tổng thể nghĩa, thế nhưng toàn bộ các học thuyết ấy, thậm chí tập hợp một số học thuyết không có đặc điểm này nữa. Như vậy chúng tôi chỉ có thể hoàn toàn đồng ý với những kết luận của ngài Gouhier khi ông phê phán những thành tố mâu thuẫn của quan điểm về “lịch sử triết học”.
Thế nhưng điều đó không hoàn toàn có nghĩa là nhà lịch sử nghiên cứu triết học có thể hài lòng với việc nghiên cứu hiện tượng học, miêu tả nó như một cấu trúc có nghĩa. Chắc chắn đó là một công việc có ích, nhưng mang tính bộ phận và chưa đầy đủ. Chỉ có điều, để thúc đẩy việc lý giải và giải thích đối tượng nghiên cứu, anh ta cần phải gài lồng nó không phải vào một đối tượng không tồn tại và được phân chia một cách không hợp lý về một “lịch sử triết học”, mà vào trong tổng thể mang nghĩa của một khuynh hướng tư tưởng hoặc của cuộc sống xã hội, kinh tế, hệ tư tưởng của một nhóm xã hội tương đối đồng đẳng.
Dù nguy hiểm đến như thế nào những sự tương tự có tính chất hữu cơ (và các nhà mác xít luôn luôn nhấn mạnh sự hiểm nguy của chúng) thì người ta cũng cho phép chúng ta sử dụng ở đây một thứ mà dường như đối với chúng ta đặc biệt khơi gợi. Một nhà nghiên cứu sinh lý học có thể nghiên cứu chức năng của một cơ quan – ví dụ nghiên cứu não – như một cấu trúc thuộc về sinh học. Việc nghiên cứu, một khi chỉ giới hạn ở đối tượng này thì sẽ hoàn toàn là chưa hoàn thiện. Nếu như anh ta muốn tiếp tục nghiên cứu nó, chắc chắn anh ta sẽ phải gắn việc nghiên cứu não vào một tổng thể lớn hơn. Vậy là việc nghiên cứu sẽ có giá trị và có hiệu quả nếu anh ta có ý định gắn việc nghiên cứu não vào tổng thể của hệ thống thần kinh và tiếp theo là cả hệ thống trong tổng thể của cơ thể; sẽ là không thú vị nếu anh ta gắn việc nghiên cứu não duy nhất mà anh ta đang nghiên cứu trong một nhóm bốn, năm hoặc sáu bộ não tương tự hoặc khác nhau, tách rời khỏi toàn bộ cơ thể và toàn bộ hệ thống thấn kinh. Đối tượng của anh ta trong trường hợp này không phải là một cấu trúc sinh lý học, mà là một tập hợp những cấu trúc giống nhau. Ví dụ này có vẻ võ đoán, dĩ nhiên là chẳng bao giờ có nhà sinh học nghiêm túc nào lại chấp nhận một tư tưởng phi lý đến thế. Cũng như vậy, chúng tôi tưởng tượng ra sự việc chỉ để nêu rõ một số nhược điểm của các khoa học nhân văn đương thời. Bởi vì điều có vẻ phi lý là khi đề cập đến câu chuyện của nhà sinh lý học lại là chuyện trở nên quá thường xuyên đối với nhà nghiên cứu lịch sử triết học truyền thống. Một khi anh ta nghiên cứu chỉ một hệ thống triết học, chắc chắn anh ta sẽ đứng trước đối tượng có giá trị, nhưng nếu như từ hệ thống này, anh ta chuyển sang một hệ thống khác, thậm chí là rất gần về thời gian, thế nhưng lại không gắn một trong hai hệ thống này vào trong một tổng thể lớn hơn bao chứa cả hai hệ thống, anh ta sẽ rơi vào tình trạng gần như của nhà sinh lý học muốn theo dõi và tìm hiểu sự chuyển đổi của một bộ phận này sang bộ phận khác mà không tính đến sự thay đổi của toàn bộ cơ thể. Để làm được điều ấy, cần thiết phải bao quát cả cuộc sống nghệ thuật, văn học, những trào lưu tư tưởng và nhất là cuộc sống kinh tế và xã hội. Công việc của anh ta tất yếu dẫn đến thất bại, hoặc chính xác hơn nó sẽ chỉ hạn chế ở việc liệt kê những hệ thống độc lập nhiều hay ít được miêu tả hoặc giải thích trong cấu trúc của nó. Chính bởi vậy cần phải có và hiện đang có khá nhiều nhà lịch sử triết học đang giảng giải cho chúng ta theo cách ít nhiều giá trị về cấu trúc của những hệ thống khác nhau được đặt riêng rẽ, nhưng rất ít -thậm chí có thể không có -  người đạt được việc thiết lập một mối quan hệ hữu cơ, một sự tiếp theo giữa những hệ thống khác nhau này và điều đó là để cho lý do đơn giản là nếu như mối liên hệ này tồn tại, nó thống nhất không chỉ những hệ thống triết học như vốn thế, mà còn cả các nền văn minh trong tổng thể của chúng, và nó chỉ có thể nắm được vấn đề từ một lịch sử của tổng thể cuộc sống xã hội.
Thế nhưng, lịch sử triết học chỉ có thể xuất phát từ một tập hợp văn bản, một sự nghiệp cá nhân. Chúng tôi đã nói ở chương I và chúng tôi đã nhắc lại rằng toàn bộ tổng thể các tác phẩm của một cá nhân chưa phải đã là một cấu trúc nghĩa như vậy. Nó chỉ có đối với một số rất ít các tác phẩm đặc biệt, nếu chúng thực sự đặc biệt, các tác phẩm ấy sẽ tạo nên - một cách chính xác nhờ vào sự gắn kết - những tác phẩm triết học, văn học, nghệ thuật có giá trị. Ở đây chúng tôi sẽ không nhấn mạnh quan niệm về thế giới và về những khả năng mà nó đưa lại để rút ra cấu trúc có tính gắn kết và hàm nghĩa của một tác phẩm triết học hoặc văn học nào đó bởi vì chúng tôi đã nói đến điều đó ở Chương I và chúng tôi sẽ có cơ hội trở lại vào dịp khác, công trình hiện tại chính xác là để dành cho hai phân tích theo kiểu này. Chúng tôi chỉ lưu ý rằng trong nghiên cứu cụ thể, công việc mà người ta có thể định tính danh một cách chặt chẽ từ những miêu tả hiện tượng học sẽ vô cùng dễ dàng và thậm chí có thể hoàn toàn đơn giản tạo ra khả năng bởi sự giải thích có tính chất phát sinh. Vấn đề khẩn thiết đặt ra cho nhà nghiên cứu lịch sử là phải biết được phương cách tiến hành cần thiết để gắn kết đối tượng có giá trị, cấu trúc nghĩa mà tác phẩm triết học hoặc văn học thể hiện mà anh ta dự định nghiên cứu, gắn vào một tổng thể lớn hơn, mà tổng thể này cũng là một đối tượng có giá trị và có thể tính đến xuất xứ của những thành tố tạo thành. Vậy mà, kinh nghiệm chỉ ra rằng đối với những lý do chúng tôi đã nhắc đến ở Chương I, tổng thể này chỉ có thể có trong một số trường hợp đặc biệt, một cuộc sống cá nhân, và rằng sự lựa chọn đầu tiên nhà nghiên cứu thường dừng lại nhiều hơn là việc tập hợp những trào lưu tư tưởng và cảm xúc (cái chúng ta gọi là ý thức nhóm, và trong trường hợp chính xác đối với những lý do mà chúng tôi sẽ nói tiếp đây, là ý thức giai cấp) mà hệ thống triết học hay tác phẩm văn học thể hiện tối đa sự gắn kết và có thể giải thích một cách chính xác xuất xứ của nó.
Thế nhưng, chúng tôi bổ sung thêm rằng mặc dù có những thành kiến trái ngược, tập hợp những xu hướng tinh thần và cảm xúc chắc chắn đã tạo nên một đối tượng, một cấu trúc mang nghĩa, là một trong những cấu trúc ít tự trị nhất và đồng thời khó khăn nhất trong việc khám phá và miêu tả trong số những cấu trúc theo kiểu này. Xét từ quan điểm người nghiên cứu lịch sử, cấu trúc này tạo nên một nấc thang không tránh khỏi, chắc là vậy, nhưng hoàn toàn không đủ cho công việc của người nghiên cứu; đến mức mà ý thức nhóm xã hội chỉ có thể được tìm hiểu và giải thích hoàn toàn trong chừng mực mà người ta gắn nó trong một tổng thể rộng lớn hơn, được tạo nên bởi tập hợp cuộc sống kinh tế, xã hội, chính trị và tư tưởng của nó.
Một điểm cuối cùng trước khi kết thúc chương dẫn nhập khi chỉ ra những căn nguyên - đã khá rõ - sẽ xác định phần thứ hai của chúng tôi. Chúng tôi đã thử phác thảo trong phần trên những căn nguyên mà đối với chúng việc nghiên cứu thực chứng một tác phẩm văn học hay một hệ thống triết học chúng tôi cảm thấy cần đòi hỏi sự gắn kết với cuộc sống tinh thần, chính trị, xã hội, và kinh tế của nhóm mà nó có quan hệ. Thế nhưng chúng tôi còn chưa nói gì về bản chất của nhóm này, và về nguyên tắc chúng tôi có thể bỏ mặc việc này cho công việc nghiên cứu cụ thể, trong mỗi trường hợp cụ thể, công việc này cần phải thiết lập nhóm xã hội phù hợp với tác phẩm mà người ta muốn nghiên cứu.
Thế nhưng trong thực tế, người ta có thể nói ngay từ bây giờ rằng, khi đề cập đến các tác phẩm triết học hoặc văn học có giá trị, chúng nhất thiết phải bao gồm tổng thể cuộc sống con người, các nhóm mà các tác phẩm có thể gắn kết là những nhóm mà ý thức và hành động hướng tới việc tổ chức tổng thể đời sống xã hội, có nghĩa là tất cả, ít nhất là trong xã hội hiện đại từ thế kỷ thứ XVIII, tất cả các tác phẩm văn học, nghệ thuật và triết học đều gắn kết với các giai cấp xã hội, và gắn chặt chẽ hơn với ý thức giai cấp.
Từ những dòng trên, người ta hiểu một cách dễ dàng hơn tại sao chúng ta có cảm giác nghiên cứu thực chứng có giá trị của tác phẩm Tư tưởng và của kịch Racine không chỉ ở sự phân tích cấu trúc nội tại của các tác phẩm đó, mà trước hết là ở sự gắn kết của chúng vào các trào lưu tư tưởng và tinh thần gần gũi nhất với chúng và điều đó có ý nghĩa, trước hết, trong tổng thể của những gì mà chúng ta gọi là tư duy và đời sống tinh thần của giáo phái Jansen, và sau đó, trong tổng thể đời sống kinh tế, và văn hóa của nhóm, hoặc là, nếu như người ta muốn nói chính xác, của giai cấp xã hội mà ý thức và đời sống tinh thần này gắn kết, điều đó phù hợp trong trường hợp cụ thể các nghiên cứu của chúng tôi về tình hình kinh tế, xã hội và chính trị của nhóm quý tộc áo dài.  Cần phải bổ sung thêm ở đây ba giai đoạn của nghiên cứu: văn bản - quan niệm về thế giới; quan niệm về thế giới - tổng thể cuộc sống trí tuệ và tinh thần của nhóm; ý thức và cuộc sống tâm lý của nhóm - đời sống kinh tế và xã hội, chúng chỉ tạo nên một sơ đồ cơ bản của hiện thực phức tạp nhất chịu ảnh hưởng từ nhiều quan hệ nhân quả khác tác động lên các cấu trúc mang nghĩa đồng thời làm biến đổi chúng, mà người nghiên cứu lịch sử không bao giờ được phép quên lãng và trong chừng mực khả năng có thể anh ta cần phải nhằm vào những điều quan trọng nhất. Hơn thế nữa - điều này là tự nó – đời sống kinh tế, xã hội và chính trị của giai cấp mà anh ta đang nghiên cứu chỉ có thể được tìm hiểu qua những cứ liệu trong đời sống kinh tế, xã hội và chính trị của toàn bộ xã hội.
Chắc chắn là chúng tôi đã xây dựng một chương trình làm việc rất thú vị, thế nhưng, rất tiếc là nó lại có hai điểm mâu thuẫn: cùng lúc chúng thuộc xu hướng biện chứng, cần thiết và thực tế không thể thực hiện ngay lập tức – và cũng như thế với một sự phỏng chừng mà người ta chỉ có thể xác định một cách đầy đủ tạm thời. Trong thực tế chỉ có một khó khăn, ngày càng lớn và khó hơn phải vượt qua ở mỗi một trong ba giai đoạn mà chúng tôi đã chỉ ra sự cần thiết rút ra một cấu trúc mang nghĩa cho phép giải thích và lý giải giai đoạn nhỏ hơn theo kiểu phát sinh.
Phương pháp biện chứng không phải là một phương pháp cấu trúc, mà là phương pháp nghiên cứu thực chứng, dự án rút ra sơ đồ chủ yếu của một cấu trúc mang nghĩa đòi hỏi trước hết sự nghiên cứu nghiêm túc, mang tính chất toàn bộ và chi tiết nhiều nhất có thể những hiện tượng cá nhân theo kiểu kinh nghiệm chủ nghĩa mà ở bước khởi đầu, dường như đã thiết lập nên cấu trúc ấy. Chỉ xuất phát từ một nhận thức nghiêm túc và sâu sắc từ những hiện tượng trừu tượng này mà người ta có thể đạt đến độ cụ thể hóa về mặt khái niệm. Vậy hiển nhiên là mỗi một trong số giai đoạn đã nêu: các văn bản, đời sống tâm lý - trí tuệ và cảm xúc của nhóm, đời sống xã hội và kinh tế, các sự kiện ngày càng trở nên nhiều hơn và ngày càng khó nắm bắt hơn, nó làm cho việc nghiên cứu trở nên khó khăn và thậm chí là không thể đối với một người trong một thời gian hạn chế.
Chắc chắn là người nghiên cứu không thể xuất phát trước sự thiếu hụt tuyệt đối về kiến thức và có lẽ là anh ta bắt buộc phải đi từ số không. Ở mỗi một trong ba nhóm sự kiện cá nhân trừu tượng, anh ta tìm thấy một số lượng ít hay nhiều quan trọng của các công trình khoa học – đôi khi với một khối lượng rất lớn công việc và một ý thức chuyên nghiệp rất cao - đã được kiểm tra và lựa chọn tùy theo các góc nhìn của các sự kiện tạo thành lĩnh vực mà anh ta có ý định nghiên cứu.
Chỉ có điều, khó khăn nằm trong mấy từ: tùy theo góc nhìn náo đó. Bởi điều mà nhà lịch sử biện chứng tìm kiếm – rời bỏ việc tìm thấy nó hay không (điều này là vấn đề hoàn toàn khác với sự thành công hay thất bại của cuộc thách đố ban đầu của anh ta) – đó là sơ đồ cấu trúc hàm nghĩa mà một trong ba tổng thể có tính chất tương đối mà chúng tôi vừa nêu thể hiện. Vậy là, hầu như tất các công trình khoa học trước đó – dù cho chúng là những công trình lớn và mang tính hàn lâm – đã đứng ngoài mối quan tâm theo trật tự này. Điều đó đã có giá trị lớn đối với các công trình nhằm vào các văn bản và đặc biệt – được nhìn nhận bởi các phương pháp nghiên cứu lịch sử truyền thống của thế kỷ thứ XVII – đối với đời sống trí tuệ, kinh tế và xã hội. Có nghĩa là – trong trường hợp nghiên cứu của chúng tôi - vấn đề không chỉ là đọc một số lượng nào đấy các tác phẩm lịch sử và xem xét lại những sự kiện đã được nêu ra ở đó, mà là quay trở về chính các nguồn gốc xuất xứ và kiểm tra chúng lại một lần nữa trong một cách nhìn mới và hoàn toàn khác với những công trình trước đó.
Thật may là việc quay về các xuất xứ được thực hiện ở mức độ của các văn bản đã tạo nên đối tượng thực tế của công trình hiện thời; trái lại, công việc đã khó khăn hơn khi nghiên cứu đời sống tinh thần và cảm xúc của nhóm Jansen.
Điều quan trọng nêu ở đây là giả thiết có tính định hướng về sự tồn tại của một cấu trúc hàm nghĩa đã giúp chúng tôi phát hiện một tổng thể các sự kiện và các tư liệu mà chúng tôi đã từng công bố và đã thay đổi một cách đáng kể hình ảnh truyền thống về tư tưởng của “Những người bạn của Port – Royal”. Đó là phát hiện mà chúng tôi cảm thấy đã tạo nên không chỉ là một bằng chứng có tính chất quyết định, mà ít ra cũng là một suy đoán chắc chắn có lợi cho phương pháp của chúng tôi. Về phần giai đoạn thứ hai, chắc chắn còn phải thực hiện để nghiên cứu một cách nghiêm túc đời sống và tư tưởng của nhóm Jansen.
Thế nhưng, nói gì đây về tình hình kinh tế, xã hội và chính trị của nhóm quý tộc áo dài và về đời sống tinh thần và tình cảm của họ? Về điểm này, giờ đây không phải là vấn đề - mặc dù là rất xa – của một nghiên cứu nghiêm túc và có hệ thống các xuất xứ, thế nhưng việc nghiên cứu sẽ tạo ra một bước đầu tiên cần thiết nếu như người ta muốn tìm hiểu gốc rễ tác phẩm của Pascal và Racine.
Không muốn che đậy và bỏ qua một cách im lặng một thiếu sót không tránh được của công trình cũng như không muốn chấp nhận các kết quả của các công trình đáng quan tâm đã từng tồn tại nhưng là các văn bản trong một cách nhìn nhận hoàn toàn khác, từ nay chúng tôi đã quan tâm hơn việc gắn kết trong nghiên cứu của chúng tôi thêm phần thứ hai trong đó chương IV đã dành để nghiên cứu nhóm quý tộc áo dài chỉ là một giả thiết giản đơn được phác thảo sau một số sự kiện được thu lượm trong các công trình trên và một số công trình khác trong các hồi ký được công bố ở thời ấy.
Thế nhưng có vài lời về khả năng của giả thiết – chúng tôi xin nhấn mạnh một lần nữa – mà về nó một phán xét có tính chất quyết định chỉ có thể thực hiện vào ngày mà nó sẽ được khẳng định hoặc bác bỏ bởi những nghiên cứu  nghiêm túc về các xuất xứ.
Trước hết giả thiết dựa trên sự kiện là nó được tính đến bởi chính sự  giải thích của tổng thể các dữ liệu các cá nhân – được xem xét bởi các tác giả mà nó hoàn toàn không quen biết – các dữ liệu dường như cho đến nay là độc lập và không có mối quan hệ. Cấu trúc của tư tưởng chắc chắn là không thắng được mối quan tâm về chân lý và chẳng có gì quan trọng hơn là một lý luận cho rằng hiện thực phụ thuộc vào cách thức của sự giải thích; nhưng, một khi vấn đề chỉ là xây dựng một giả thiết của công việc, trái lại, chúng tôi cảm thấy cấu trúc này của tư tưởng thiết lập nên một cơ sở hợp pháp của một định kiến có lợi. Trong thực tế, cho đến một trật tự mới, hoàn toàn có khả năng công nhận một sự kiện mà người ta không tính tới trong các nghiên cứu trước đó - ở đó tác động của sự thay đổi cân bằng của các giai cấp đối với tư duy thần học và triết học và đối với sáng tạo văn học – cho phép thấy được các mối quan hệ đã tránh khỏi sự chú ý của các nhà nghiên cứu.
Hơn thế nữa, nếu các sự kiện mà giả thiết cho phép gắn chúng vào chỉ một cấu trúc mang nghĩa vốn rất nhiều và được khai thác trong các nghiên cứu hoàn toàn xa lạ với giả thiết có ý định tính đến điều đó, ít nhất là người ta có thể nói là nó xứng đáng trước hết được ghi dấu (đó là tất cả những gì chúng tôi có thể làm trong chương VI) và được kiểm tra sau đó (nhiệm vụ mà các nhà lịch sử biện chứng đã có thể làm trong tương lai, nếu như họ quan tâm đến vấn đề chúng tôi đang nghiên cứu ở đây). Còn về phần chương VII, chúng tôi hy vọng rằng, nó không hề làm cạn kiệt chủ đề, nhất là nếu như người ta tiếp cận thư từ của Barcos mà chúng tôi đã từng công bố, nó soi chiếu một ánh sáng nào đấy đối với cuộc sống của nhóm “Những người bạn của Port – Royal” và một cách ngầm ẩn đối với xuất xứ của tác phẩm Tư tưởng và các bi kịch của Racine.
Trước khi kết thúc chương này, người ta cho phép chúng tôi thấy trước ở đây một sự phủ nhận đã từng dành cho một trong các công trình trước đây của chúng tôi. Người ta đã chê trách chúng tôi đã tư duy giản đơn và sơ lược trong nghiên cứu về lịch sử tư duy triết học phương Tây trong đó chúng tôi đã thử xem xét lại tư duy triết học của Kant. Vậy mà đó đã và đang là một giai đoạn không thể tránh khỏi của bất kỳ nghiên cứu biện chứng nghiêm túc nào. Bởi vì, để nghiên cứu một tổng thể mang nghĩa của các sự kiện ở mức độ mà cảm thấy là có thể, nhà lịch sử biện chứng bắt buộc phải gắn kết vào trong một tổng thể mà anh ta có thể vất vả thu thập được bằng cách theo sơ đồ. (Nếu anh ta biết rõ, chính là tổng thể mà anh ta có thể lấy làm đối tượng nghiên cứu và khi đó vấn đề sẽ được đặt ra ở cấp độ cao hơn). Thế  nhưng ở đó chẳng có gì mâu thuẫn và nhất là chẳng có gì là đáng chê trách. Bởi vì sự phác thảo có tính sơ đồ này không hề là tùy tiện. Chính việc xuất phát từ đặc điểm cấu trúc hàm nghĩa của các sự kiện mà nhà lịch sử biện chứng đề nghị nghiên cứu và chính là cấu trúc hàm nghĩa này mà anh ta đề nghị gắn kết trong một cấu trúc khác bao chứa trong thời gian và không gian và với nó anh ta muốn và cần phải thấy một mối quan hệ mang nghĩa, tất cả những cái đó hạn chế ngay tức khắc những khả năng của những phác thảo giản đơn mà anh ta có thể vạch ra. Hơn thế, từ bên trong của các hạn chế này, nhà nghiên cứu lịch sử gặp một vật cản khác mà anh ta cần phải vượt qua và là tay vịn quý báu đáng kể. Đó là những sự kiện – từ góc nhìn của anh ta chắc chắn là được lựa chọn bằng một cách ngẫu nhiên và tùy tiện – nhưng từ nay những sự kiện đó sẽ nhiều vô số và được đặt dưới ánh sáng bởi các công trình được viết ra dưới quan điểm khác. Một phác thảo có tính sơ đồ của cấu trúc thiết yếu cũng có thể dựa trên một nghiên cứu nghiêm túc về một trong số các cấu trúc cấu thành và mặt khác trên nhiều sự kiện đã được biết, chúng tôi cảm giác chỉ một điểm xuất phát có thể của một công trình nghiên cứu về sau này có thể làm biến đổi nó và trong trường hợp này đòi hỏi những thay đổi trong các kết quả mà dường như thu được từ cấu trúc mang nghĩa có tính chất bộ phận mà người ta đã xuất phát.
Nhưng sự mô tả các tiến bộ của nghiên cứu hoàn toàn là đơn giản, một khi vấn đề là sự nhận thức cuộc sống của con người chỉ có thể đi bằng đường xoắn ốc đồng thời tự điều chỉnh xen kẽ giữa các bộ phận của các bộ phận và có sự tiến bộ đồng thời trong nhận thức của các bộ phận này và các bộ phận kia.
Chính là từ trong một cách tiếp cận như thế, với tất cả những gì mà cách tiếp cận này đã không thể tránh được và có tính quyết định một cách tạm thời mà công trình này đã muốn tiếp nhận nó.

        Lộc Phương Thuỷ dịch
        từ bản tiếng Pháp: L. Goldmann, Thượng Đế ẩn giấu (Le Dieu caché), Nxb Gallimard, Paris, 1975, tr. 97-114.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét