Thứ Ba, 1 tháng 10, 2024

VĂN HỌC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN GIAO THỜI, 1900-1930- TRẦN ĐÌNH HƯỢU

 

LỜI MỞ ĐẦU

 

 Trong lịch sử văn học Việt Nam, Giai đoạn 1900-1930 là một giai đoạn có tính chất giao thời. Nếu từ thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XIX văn học Việt Nam phát triển theo một hướng, xét về quan niệm văn học, tư tưởng mỹ học, hệ thống thể loại là cùng loại với văn học một số nước thuộc vùng Đông Á, chịu ảnh hưởng truyền thống văn học Trung Quốc, thì từ năm 1930 về sau văn học Việt Nam lại đã phát triển theo một hướng khác, cùng loại với văn học thế giới cận hiện đại, về nguồn gốc thuộc truyền thống văn học châu Âu. Trong quãng từ 1900 đến 1930 văn học Việt Nam chuyển từ loại hình này sang loại hình khác.

Với sự tiếp tục Âu - Á, với công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, nhiều thành phố tư bản chủ nghĩa xuất hiện, làm đổi thay cơ sở kinh tế và kết cấu xã hội của chế độ phong kiến phương Đông, tạo nên một cuộc sống khác trước, làm hình thành một công chúng văn học có thị hiếu khác trước. Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp, giải phóng dân tộc cũng chuyển sang có nội dung  mới, có hình thức tổ chức khác trước. Trước tình hình đó, văn học đã thay đổi khá cơ bản, không những phản ánh phong trào đấu tranh cứu nước của dân tộc mà cả xu hướng duy tân hiện đại hóa đất nước của thời đại. Văn học đầu thế kỷ XX đã ra đời cách khác, truyền bá theo cách khác; tác giả, tác phẩm, công chúng văn học đều đã thuộc loại hình khác.

Theo xu hướng của thời đại, văn học đi vào quỹ đạo chung của thế giới hiện đại nhưng lúc đầu nhân vật chủ yếu, có văn hoá nhất, có ý thức nhất, tiêu biểu nhất cho dân tộc vẫn là nhà nho. Trong văn học, nhà nho vừa là người sáng tác, là công chúng vừa là hình tượng văn học chủ yếu. Đầu thế kỷ các nhà nho đã đi đầu cách tân văn học cổ truyền để thích ứng với thời đại mới sau đó mới đến các nhà trí thức tân học, học tập viết văn theo lối châu Âu. Việc đổi mới văn học hoặc là do nhà nho làm hoặc là lấy văn học nhà nho làm xuất phát điểm cách này hay cách khác vẫn không thể thoát ly hẳn ảnh hưởng của nền văn học cổ truyền, vốn gắn với thế giới quan, quan niệm văn học, tư tưởng mỹ học Nho giáo.

Nhằm làm nổi bật nhất và diễn tiến cụ thể của giai đoạn văn học giao thời như thế, chúng tôi quan tâm hàng đầu đến sự vận động, sự biến chuyển: vận động, biến chuyển trong ngôn ngữ, trong hình tượng, trong thể loại, trong từng tác phẩm ngôn ngữ, tác giả, từng dòng văn học, vận động biến chuyển theo từ văn học cổ truyền sang văn học hiện đại. Quá trình đổi mới ở đây không thông qua việc ra đời một tác phẩm loại chủ nghĩa văn học mới mà thông qua sự cải tiến dần dần, ở người này một ít ở người khác một ít, nhưng nhìn chung, về thời gian là khá nhanh. Và vì nhịp điệu là khá gấp rút. Sự đổi thay biểu hiện tập trung ở hai thời điểm: về phía trước xung quanh năm 1905 và về phía sau xung quanh năm 1925, cùng nhịp với phong trào ‘phương Đông thức tỉnh’ trước thế giới hiện đại.

Nhằm trình bày quá trình vận động phát triển như thế chúng tôi phân bố giáo trình thành năm chương:

Trong chương I chúng tôi trình bày bối cảnh lịch sử nhằm nêu bật những nét mới trong cuộc sống, những sự đổi thay trong đời sống văn học và các vấn đề trong phương hướng phát triển của nó.

Chương II và chương V trình bày những sự kiện văn học đánh dấu sự chuyển biến đầu và cuối giai đoạn.

Chương III và chương IV trình bày diện mạo nền văn học của cả giai đoạn thành hai tuyến:

Văn học truyền thống cách tân để thích ứng với thời đại mới, cuối cùng bất lực trong nhiệm vụ phản ánh cuộc sống mới, lạc lõng trước công chúng nên đi đến tiêu vong.

Văn học mới theo con đường bắt chước văn học châu Âu ra đời ở thành thị, lúc đầu khá xa lạ, nhưng không ngừng thâm nhập vào cuộc sống, dần dần thành dành được công chúng và trưởng thành.

Những sự kiện văn học, các tác giả, tác phẩm, các chi tiết về nội dung hay nghệ thuật đều lựa chọn và phân tích về mặt có ý nghĩa tiêu biểu cho từng chặng đường trên quá trình phát triển đó. Cho nên đọan cuối cùng trong sáng tác của một số tác giả thuộc giai đoạn trước như Nguyễn Khuyến, Nguyễn Thượng Hiền và bước đầu của một số tác giả thuộc giai đoạn sau như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Ái Quốc cũng được nói đến, và nói ở những khía cạnh có ý nghĩa đối với quá trình biến chuyển đó. Phan Bội Châu và Tản Đà là hai nhà văn tiêu biểu cho giai đoạn 1900 - 1930. Cả hai người có sáng tác đến 1939 - 1940. Đoạn cuối trong sáng tác của họ đã là vào giai đoạn sau nhưng lại có ý nghĩa tiêu biểu cho bước kết thúc của giai đoạn 1900 - 1930. Vì ý nghĩa đó chúng tôi dành cho phần này một đoạn phân tích tỉ mỉ. Đặt vào quá trình phát triển chung chúng tôi nói đến các dòng văn học, các tác phẩm, tác giả và với phần đóng góp của nó vào sự nghiệp phát triển của nền văn học dân tộc ở giai đoạn mới, vừa là phát huy truyền thống, xây dựng văn học yêu nước ở bậc cao hơn, vừa là chuẩn bị cho sự ra đời của kịch nói, tiểu thuyết và thơ mới, cho một nền văn học mới có khả năng cao hơn để nói về một cuộc sống xã hội phong phú đa dạng. Về một con người phức tạp trong đời sống bình thường, phá bỏ thế giới của những quan niệm luân thường với cách nhìn theo lăng kính Đạo, Tâm, Chí là thế giới quan chật hẹp làm khuôn khổ cho cuộc sống và con người trong văn học cũ.

Vấn đề phân kỳ, phân loại và nhiều vấn đề cụ thể khác đề cập đến trong giáo trình đang ở giai đoạn chưa thành ý kiến ngã ngũ dứt khoát. Ý kiến của chúng tôi lại cũng chưa có thời gian cần thiết để khảo nghiệm. Tuy vậy, năm này sang năm khác sinh viên chính khóa và tại chức, học viên nhiều lớp ở các cơ quan ngoài trường cứ phải nghe giảng mà không có giáo trình để học, buộc chúng tôi phải cho in sớm. Chúng tôi rất mong được các nhà nghiên cứu, các bạn đồng nghiệp, các bạn sinh viên góp ý kiến giúp chúng tôi sửa chữa những chỗ sai sót, làm cho giáo trình phục vụ việc học tập của sinh viên được tốt hơn.

Trong khi trong khi biên soạn, chúng tôi được đồng chí Chương Thâu cho sử dụng toàn bộ tài liệu về Phan Bội Châu mà anh đã để công sưu tầm trong nhiều năm, đồng chí Tiên Sơn ( đã quá cố) giúp tài liệu về Tản Đà. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ quý báu đó. Chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn các bạn sinh viên các khóa, các bạn đồng nghiệp trong tổ văn học cổ đại, cận đại và dân gian Việt Nam trường Đại học Tổng hợp và các đồng chí ở nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp cổ vũ, thúc giục chúng tôi giúp rất nhiều cho việc hoàn thành bản thảo và xuất bản quyển sách.

 Hà Nội ngày 1 tháng 1 năm 1977   Trần Đình Hượu