Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

GÓP Ý KIẾN VỀ TUYỂN TẬP PHAN CHÂU TRINH của nhóm nghiên cứu Phan Châu Trinh thuộc Trường Đại học sư phạm Huế


GÓP Ý KIẾN VỀ TUYỂN TẬP PHAN CHÂU TRINH của nhóm nghiên cứu Phan Châu Trinh thuộc Trường Đại học sư phạm Huế

                                                                        Trần Đình Hượu

Trước hết chúng tôi xin hoan nghênh nhóm biên soạn đã sưu tập, chỉnh lý, đối chiếu và dịch để hoàn thành tuyển tập. Trong một phần tư đầu thế kỷ này, Phan Châu Trinh cùng với Phan Bội Châu là hai nhà yêu nước có ảnh hưởng nhất trong nhân dân Việt Nam khắp cả ba kỳ. Hai cụ Phan tuy chủ trương đường lối chính trị cứu nước khác nhau nhưng lại đều là người cổ vũ, hướng dẫn, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước cho các thế hệ nối tiếp. Có điều đáng tiếc là tác phẩm của hai cụ tuy khá phong phú mà chúng ta ngày nay lại chưa có điều kiện để đọc đầy đủ. Về mặt đó, tác phẩm của Phan Châu Trinh lại còn được ít biết tới hơn là tác phẩm của Phan Bội Châu. Gần đây, viện sử học đã có kế hoạch xuất bản toàn tập Phan Bội Châu nhưng tác phẩm Phan Châu Trinh thì hầu như người ta chỉ được đọc một số bài trích trong các tuyển tập văn học. Thiếu sót đó không những làm cho chúng ta không hiểu hai nhà yêu nước lớn đó mà hơn thế còn làm chúng ta thiếu cả cái nhìn chính xác, toàn diện về cả một giai đoạn lịch sử, giai đoạn chuyển tiếp từ thời phong kiến sang thời cách mạng vô sản. Cho nên việc hoàn thành Tuyển tập giúp cho nhiều ngành nghiên cứu sử học, văn học, tư tưởng bổ khuyết thiếu sót trên. Đó là một cống hiến quan trọng, một việc làm đáng biểu dương đặc biệt.
Tuyển tập Phan Châu Trinh tuy là một tuyển tập nhưng vì có may mắn làm chủ được một kho tư liệu gốc, do gia đình Phan Châu Trinh cất giữ, các soạn giả cố gắng triệt để khai thác và công bố. Các soạn giả đã cung cấp rất nhiều tài liệu quý, trong đó có một số tài liệu quan trọng lần đầu tiên được công bố. Tuyển tập phong phú đến mức có thể coi như một toàn tập: hầu hết các tác phẩm đều được công bố và là công bố toàn văn (trừ Giai nhân kỳ ngộ). Làm như vậy, tuyển tập không tránh khỏi rườm rà, nhất là quá dày, gây khó khăn cho việc xuất bản. Có thể nói các soạn giả hơi tham, thế nhưng đây lại là cái tham rất đáng quý, rất đáng hoan nghênh. Không tranh thủ vơ vét thì tài liệu rất dễ bị tản mác, mai một.
Tóm lại, tuyển tập Phan Châu Trinh là một tập tài liệu quý, các soạn giả có cống hiến quan trọng cho nhiều ngành.
Sau đây, chúng tôi xin phát biểu một số ý kiến về tuyển tập. Chúng tôi chưa được đọc từ trước tác phẩm của Phan Châu Trinh cho nen không thể phán đoán về mặt chính xác của tư liệu. Với tư cách là người nghiên cứu chung về giai đoạn lịch sử cận đại, ý kiến của chúng tôi chỉ hạn chế ở những vấn đề chung, ở những đề nghị theo đòi hỏi của người nghiên cứu mong muốn có một tập tài liệu giúp cho việc đọc và hiểu Phan Châu Trinh dễ dàng, có khi không hạn chế ở đòi hỏi đối với một tuyển tập.
Phan Châu Trinh thuộc về thế hệ các nhà Nho lớn lên và hoạt động sau khi phong trào Cần Vương đã bị dập tắt, đọc tân thư và được cổ vũ bởi tư tưởng dân chủ giống như Nguyễn Thượng Hiền, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng. Không những chủ trương ban đầu của cụ khác Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền... mà về sau Phan Châu Trinh liên lạc sớm với hội nhân quyền, với các chính khách Pháp; Phan Châu Trinh ra tù sớm hơn, sang lưu trú ở Pháp đến 14 năm, nói cách khác, Phan Châu Trinh tiếp xúc với thế giới hiện đại với thực tế châu Âu mạnh dạn, sớm và nhiều hơn tất cả các nhà Nho kể trên. Phan Châu Trinh có ý thức làm nhà hoạt động chính trị kiểu mới, hoạt động công khai và không chỉ bằng báo chí; vì lưu trú ở Pháp, cụ có quan hệ với phong trào yêu nước của người Việt trên đất Pháp, có quan hệ với các nhà yêu nước và cách mạng lớp sau như Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh... là những xu hướng chính trị, những tên tuổi coý nghĩa lịch sử lớn ở giai đoạn sau. Trước bước ngặt lịch sử đầu thế kỷ, lúc tư tưởng chính trị diễn biến nhanh và phức tạp, Phan Châu Trinh đi xa hơn so với các nhà Nho khác. Vấn đề có ý nghĩa hàng đầu ở Phan Châu Trinh là tư tưởng dân chủ của cụ. Vì tư tưởng đó mà cụ nhìn tình hình đất nước khác Phan Bội Châu, chủ trương dựa Pháp tự trị, chủ động tiếp xúc với chính giới Pháp, chĩa mũi nhọn đả kích vào vua quan, cương hào, kịch liệt phản đối chủ trương bạo động chống Pháp, chủ trương cầu viện của Phan Bội Châu. Phan Châu Trinh là người có tư tưởng chính trị xác định và nhất quán từ Thư gửi chính phủ cho tới hai bài diễn thuyết cuối cùng. Nhiều chỗ Phan Châu Trinh nói về thái độ đối với Pháp và nói về Phan Bội Châu gây cho người ta thắc mắc. Không nên nghi ngờ ở chỗ Phan Châu Trinh là người yêu nước, là người dũng cảm bất khuất. Cũng không ai nghĩ là cụ bị thực dân Pháp mua chuộc. Thế nhưng trong ván cờ chính trị kéo dài có đến hàng chục năm với Sarraut - một tên trùm thực dân, nhà Nho Phan Châu Trinh có đủ sáng suốt, tỉnh táo? Nhà Nho Phan Châu Trinh dầu cực lực chống hủ nho, cực lực chống văn bát cổ vẫn cứ là nhà Nho (xem hai bài diễn thuyết cuối đời) và nhà Nho có cách hiểu, cách nghĩ của họ. Cũng như tất cả các nhà Nho, Phan Châu Trinh viết nhiều văn thơ, nhất là thơ. Điều đáng chú ý là cái mới của Phan Châu Trinh là ở văn chứ không phải ở thơ và tư tưởng Phan Châu Trinh bộc lộ rõ ràng cũng là ở văn chứ không phải ở thơ.Trong lịch sử, Phan Châu Trinh sẽ có một vị trí quan trọng hơn về mặt nhà chính trị, nhà chính luận hơn là nhà thơ, nhà văn. Soạn tuyển tập, cung cấp tư liệu cho việc học tập và nghiên cứu Phan Châu Trinh, cần lưu ý đến nhiều vấn đề mà nhiều ngành khoa học khác nhau đặt ra một cách khác nhau xung quanh Phan Châu Trinh và thời đại Phan Châu Trinh. Hình như các soạn giả khi lựa chọn, sắp xếp, biện giải, chú thích, giới thiệu đang bị chi phối bởi cách soạn văn tuyển, nhìn Phan Châu Trinh về mặt là nhà thơ, nhà văn, chưa quan tâm đầy đủ đến nhiều vấn đề đòi hỏi phải đọc tỉ mỉ tác phẩm Phan Châu Trinh mới hiểu được. Và tuyển tập nên chuẩn bị cho người đọc có thể thực hiện việc đọc soi xét tỉ mỉ như thế.
Ngoài việc đối chiếu, chỉnh lý văn bản, các soạn giả còn làm cả công việc giới thiệu, giới thiệu chung và giới thiệu từng tác phẩm. Đáng tiếc là phân này còn sơ lược, hơi thiên về bình giảng văn học, nói nhiều về tư tưởng yêu nước của Phan Châu Trinh hơn là phát hiện những vấn đề có tầm quan trọng lịch sử trong đó. Phan Châu Trinh sống vào thời kỳ tư tưởng chủ nghĩa xã hội được truyền bá rộng rãi, phong trào giải phóng dân tộc có xu thế tất yếu liên kết với cách mạng vô sản (Phan Bội Châu cũng viết về xã hội chủ nghĩa). Thời đại và hoàn cảnh tác động thế nào đến tư tưởng của Phan Châu Trinh? Những đoạn mà các soạn giả nói về thái độ của Phan Châu Trinh đối với Pháp, với phái bạo động, với Phan Bội Châu, với xu hướng xã hội chủ nghĩa... có liên quan đến việc xác định tư tưởng dân chủ, đến chủ trương dựa pháp tự trị của Phan Châu Trinh, lập luận làm thuyết khách với các tên đầu sỏ thực dân được viết vội vàng, thiếu biện luận cần thiết.
Tài liệu về Phan Châu Trinh rất quan trọng, các soạn giả làm chủ được một kho tư liệu vô giá vì là tài liệu gốc, thủ bút của tác giả, những tài liệu được chỉnh lý, công bố rất phong phú nhưng chưa phải đã đầy đủ. Chúng ta tin rằng còn có khả năng phát hiện nhieù tài liệu khác, nhất là ở Pháp. Các soạn giả có điều kiện phát hiện những chỗ trống và hướng tìm tài liệu bổ sung.
Để giúp cho việc nghiên cứu và tìm tư liệu chúng tôi đề nghị với các soạn giả:
1/ Lập một tiểu sử Phan Châu Trinh đầy đủ hơn.
2/ Lập một bảng nhân vật có quan hệ với Phan Châu Trinh
3/ Niên biểu nên có đối chiếu với các sự kiện quan trọng trong và ngoài nước.
Ngoài ra, nếu các soạn giả viết cho một báo cáo mô tả tỉ mỉ về mặt văn bản học giúp cho các nhà nghiên cứu chú ý đầy đủ những chỗ thêm bớt sửa chữa trong nguyên bản, cho biết về lai lịch của kho tư liệu thì là một sự giúp ích rất quý cho các nhà nghiên cứu Phan Châu Trinh.
Chúng tôi cũng đề nghị Bộ Giáo dục giúp đỡ cho nhóm nghiên cứu Phan Châu Trinh của trường đại học sư phạm Huế nhanh chóng xuất bản tuyển tập Phan Châu Trinh hoặc là toàn bộ hoặc là in thành nhiều tập và tiếp tục công việc nghiên cứu bước đầu đã có kết quả tốt đẹp.
Hà Nội ngày 9 tháng 4 năm 1983
TRẦN ĐÌNH HƯỢU



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét