TẢN ĐÀ THỰC PHẨM
(Những món ăn của
Thi-sĩ Tản-Đà)
Nguyễn-Tố biên soạn, Hanoi: Duy-Tân thư-xã, 1943.
Trăm năm thơ túi, rượu vò
Nghìn năm thi-sĩ, tửu-đồ là ai?...
(Tản-Đà)
CÙNG
BẠN ĐỌC
Sao tôi có thể viết
được Tản-Đà Thực phẩm?
Thưa các bạn: tôi
được cái may là đệ tử của Tản-Đà Tiên-sinh. Tôi được ở hầu gần Tiên-sinh từ năm
1928 đến năm 1938. Trong mười năm đó tưởng tạm đủ thì giờ để nhận xét Tản-Đà về
mọi phương diện.
Trước hết tôi xin
viết về các món ăn của Tiên-sinh.
Những món ăn này không
tốn tiền, tôi có thể nói chưa món nào phải tiêu quá số hai đồng bạc, và không
bao giờ phải dùng đến các thức gia-dảm (gia giảm) của Tầu, của Tây như rượu
vang, hay hạt sen, phù chúc.
Viết Tản-Đà Thực-phẩm, tôi có ý tặng hết thẩy
các bạn bình-dân, nhất là bọn nghệ-sĩ biết uống rượu, biết ăn ngon nhưng không
có nhiều tiền.
Trong 10 năm còn
sinh-thời Tản-Đà đó, không những tôi chỉ được ngồi hầu rượu, mà có khi còn được
đóng vai một Hoả-đầu-quân, được Tiên-sinh ngồi bên chỉ, bảo từng tý.
Bởi ngoài nghệ-thuật
làm Thơ, viết Văn, tiên-sinh chú trọng nhất về sự ăn. Tiên-sinh đã nói: Ăn cũng là một nghệ-thuật, mà nghệ-thuật ăn
khó hơn nghệ-thuật viết văn.
Chẳng thế mà khi
đàm-đạo với các bạn ngoài phạm-vi văn-chương, Tiên-sinh thường hay triết-lý về
sự ăn.
Cách ăn của tiên-sinh
phần nhiều ở công-phu tỉ-mỷ và nhất là phải ăn khi còn rất nóng. Cho nên tiên-sinh
thường có thói quen là khi ngồi ăn thường đặt một hay hai cái hoả-lò bên cạnh để
nấu lấy. Mặc dầu lúc đó có các bạn hay bà con thân-thuộc cùng ăn.
Một
ngọn đèn xanh cái hoả lò
Trên
bàn chai bé lại chai to
Trăm
năm mộng thế hoài say tỉnh
Bốn
bể tri-âm uổng hẹn hò…
Điều cốt-yếu nữa
là lúc nào tiên-sinh ngồi vào bên mâm rượu, bên những hoả-lò, những chai nậm
cũng phải có một thằng bộc (thằng nhỏ) – tiếng của tiên-sinh thường dùng – để
sai vặt.
Điều thứ hai là
cách bầy trong mâm phải có mỹ-thuật ở màu sắc. Thí dụ một món rau sống xanh
(salade) thì phải bầy đối với một đĩa thịt quay có bì đỏ hay một đĩa tôm rang.
Các thức gia-vị
như rau húng, mùi, tỏi, chanh, ớt, hồ-tiêu vân vân: tuỳ mùa, tuỳ thứ phải có.
Dù bạn thết tiên-sinh
một bữa tiệc mổ cả một con bò non đấy mặc lòng. Song, trên mâm thịnh-soạn đó
không có một đĩa rau húng Láng, vài nhánh tỏi thì thà để Tiên-sinh uống rượu với
một xu lạc rang hay một quả ổi ương còn hơn.
Người ta vẫn phàn-nàn
về cái đức ăn quá cầu-kỳ của Tiên-sinh. Nhưng, các bạn thử nghĩ ngoài Tiên-sinh
ra có ai là người để tâm đến vấn đề này đâu? Một vấn đề cốt-yếu của sự sống con
người ta. Có ăn mới sống, có sống mới làm được việc. Như bộ Comédie Humaine của H. de Balzac, chẳng
phải kết quả của những bữa ăn vĩ-đại là gì?
Với chúng ta, sau
những giờ làm việc mệt-nhọc được ngồi vào bàn ăn hay bên mâm cơm có những món
ăn ngon lành vừa ý mình mà tiêu vào đấy hết ít tiền, chẳng là một điều rất thú
hay sao?
Tuy nhiên, sự ăn của
tiên-sinh nó đã chiếm mất nhiều thì giờ trong đời văn của tiên-sinh, bởi vậy
chúng ta cũng vì nó mà thiệt mất ít vần tuyệt tác. Nhưng, tiên-sinh đã đền vào
cho chúng ta cái nghệ-thuật trong sự
ăn. Chúng ta sẽ biết ăn cho ngon miệng, chứ không đến nỗi cứ nhồi vào cho đầy
cái dạ dầy vô để nọ.
Dẫu rằng chúng ta
không nên dùng nhiều thì-giờ vào sự ăn như Tiên-sinh. Song, cứ chủ nhật, những
ngày lễ rỗi-rãi chúng ta họp anh em, bạn hay cả gia-đình lại làm một bữa chén
theo các món ăn của Tiên-sinh sau đây để tập ăn cho ngon. Hơn nữa để kỷ niệm lại
một bực tiền-bối đáng kính, đáng mến, chẳng hay ư?
Nguyễn
Tố
1940
- 1942
CÁ
CHÉP ĐỐT
Các bạn hãy mua
con cá chép độ bốn, năm hào, cá tươi mới ngon. Đem về mổ sạch-sẽ. Cứ để cả con,
lấy lá chuối tươi (khô cũng được) quấn kín bên ngoài, lấy lạt buộc chặt. Làm
xong cá rồi, bạn chất củi đốt một đống lửa to ở giữa bếp (Nếu ở nhà quê thì
ngoài hè, ngoài sân cũng được). Khi đống lửa đó đã tàn, đem quét hết tro than
đi rồi đem cá đặt vào chỗ đất (hay gạch) nóng đó.
Rồi lấy một cái nồi
đất (nồi rang cũng được) miễn là phải úp kín con cá. Úp xong, lại chất củi xung
quanh đốt và đổ trấu cho âm-ỷ cháy. Như lối nhà quê ta đốt đống rấm vậy.
Chừng nửa ngày các
bạn đem cá ra chấm muối hồ tiêu ăn sẽ thấy cá không có xương mà có một vị thơm,
ngọt thật tuyệt.
Lối này TẢN-ĐÀ tiên-sinh
thường gọi là lối nướng cá của Chuyên-chư đời Ngô-việt xuân-thu.
ỐC
VẶN NHỒI VỊT
Các bạn hãy mua độ
ba xu ốc vặn, đem về ngâm nước gạo hai hay ba hôm (mỗi bữa vo gạo lại thay nước
cho ốc). Xem chừng ốc đã nhả hết rêu bùn, các bạn đem rửa sạch-sẽ cả vỏ ốc. Rồi
các bạn dã (giã) nhỏ một ít vừa nghệ, vừa gừng và nửa thìa sứ muối trộn đều với
ốc. Ốc đó các bạn đem nhồi vào bụng một con vịt đã làm lông sạch-sẽ, mổ lấy bộ
lòng ra để đánh tiết-canh và lấy lạt quấn chặt mình vịt cho ốc không thể rơi
ra. Rồi các bạn cho vào chõ đồ như đồ sôi (Luộc cũng được, nhưng hấp ngon hơn)
đun vừa lửa độ 2 tiếng đồng hồ là được. Khi ăn, các bạn sẽ không ngờ rằng những
vỏ ốc đã mềm nhũn. Ốc đó sẽ ăn được cả vỏ, bùi ngon hơn thịt vịt nhiều. Còn thịt
vịt các bạn cũng ăn như thịt vịt luộc thường chấm nước mắm tỏi vắt chanh.
GỎI
CÁ CHÉP
Về mùa nóng, Tản-Đà
tiên-sinh thường hay ăn gỏi cá. Có lẽ gỏi cá là một thức nhắm rượu mà tiên-sinh
ưa nhất.
Khi thằng bộc mua
được con cá chép thật tươi về; việc trước nhất tiên-sinh bắt nó lấy ngay một chậu
xành (sành) to, rửa sạch, múc đầy nước, thả con cá vào cho nó bơi.
Trong lúc đó, thằng
bộc phải đi lau dao, thớt, sắp đĩa bát, giấy bản và dọn rượu sẵn. Xong rồi. Nó
phải đi ra vườn hái các thứ rau thơm: Tía-tô, kinh-giới, húng láng, lá mơ tam
thể, lá sung, lá đinh-lăng, lá cúc-tần, lá lộc-vừng vân vân… (Thường thường
trong vườn tiên-sinh có trồng đủ các thứ cây, lá đó), đem về lấy khăn sạch lau
sạch từng thứ lá (không rửa vì sợ rửa nước lã thấm vào khi ăn tanh, mất ngon).
Một đằng tiên-sinh
pha một ấm chè tầu rất đặc rót vào một liễn nhỏ, trong đó đã có sẵn tỏi dã, vừng
dã, ớt dã, dấm, nước giềng và đường, thứ này tiên-sinh gọi là dấm ngũ-vị.
Mọi thứ đã đủ rồi,
bấy giờ thằng bộc mới rửa sạch cá đem ra thớt, lạng ngay lấy hai bên lườn, cái
nầm và lách lưỡi dao lột bỏ da. Rồi lấy giấy bản thấm khô máu. Lúc ấy mới lót một
mảnh lá chuối lau sạch trên thớt và thái mỏng cá bầy vào một hay hai chiếc đĩa
to đã có sẵn giềng dã nhỏ.
Cá lạng đã đặt
lên, tiên-sinh ngồi bên mâm rượu nhặt đủ các thứ lá, gắp cá chấm vào bát mắm
tôm chanh ớt rồi mới ăn, và khi nhai cẩn thận rồi, mới húp một thìa nước dấm
ngũ-vị (Thìa dấm ngũ vị này làm tăng sự ngon nhiều lắm).
Mỗi bữa gỏi như thế
tiên-sinh uống rất nhiều rượu, và ngồi lâu đến hàng ba tiếng đồng hồ không biết
mỏi.
GỎI
CUA
Tuy rằng Tản-đà tiên-sinh
thích ăn những món ăn trong lúc còn nóng bỏng để nhắm rượu, song, về mùa hè
nóng-nực, thỉnh-thoảng tiên-sinh cũng đổi sang ăn những món ăn rất mát.
Tiên-sinh cho mua
cua đồng ở chợ về, bắt thằng bộc thả vào cái chậu có nước một lát cho cua nhả hết
đất bẩn. Rồi tiên-sinh bảo chọn lấy những con cua đực (Vì về mùa này, cua cái
con nào cũng có trứng nên gầy). Những con cua đực đó được vặt chụi (trụi) càng
đi, bóc yếm, và xé ra đặt vào một rổ con cho ráo nước, rồi đem chộn (trộn) với
rau hoa chuối thái nhỏ, thịt ba-chỉ thái rối, khế, tỏi, ớt, vừng dã vào và trộn
ít dấm cho chua.
Khi ăn, chấm với mắm
tôm chanh rất ngon.
Các bạn hãy theo
cách đó để nhắm rượu, không những mát, mà Tản-Đà tiên-sinh còn nhận thấy món
này ăn khỏi được bệnh đau lưng nữa.
TÁI
NGỖNG
Ngỗng mổ xong, rửa
sạch-sẽ. Lấy hai cái đùi, và hai cái thăn cả da đem nướng thật cao trên than hồng
cho vàng. Khi nướng nhớ phiết vào vài lượt mỡ nước lợn, và vài lượt nước mắm tỏi
cho thơm. Rồi đem ra thái mỏng, lạng lấy toàn thịt nạc, bỏ gân đi, chộn vào một
thìa dấm tây.
Khi ăn, chấm nước
mắm cà-cuống, hoặc mắm tôm chanh rất ngon.
GAN
NGỖNG HẤP
Trong con ngỗng
ngon nhất buồng gan. Khi mổ ngỗng, nhớ lách khéo lưỡi dao vào lấy buồng gan ra
(phải cẩn thận cho khỏi vỡ mật, rách lòng). Đừng để buồng gan phải rửa lại. Đem
băm nhỏ, cho chút hạt tiêu bột, ít muối vừa phải và băm mấy nhánh tỏi bóc trắng
vào rồi lấy mấy lá mỡ bóc trong con ngỗng ra, thái dài như hai đốt ngón tay, chộn
lẫn vào (Phần nhiều con ngỗng nào cũng có mỡ). Đoạn cho vào một cái bát hay liễn
có nắp đạy kín và để vào chõ hấp, hay nồi nước rồi đun cách thuỷ, nhỏ lửa, độ nửa
giờ. Lúc bắc ra nhớ tưới vào một thìa mỡ nước, ăn rất ngon.
Món này dùng để nhắm
rượu cũng được mà ăn cơm cũng được. Có phần còn ngon và thơm hơn món “Paté
foie”[1]
của tây.
Mổ một con ngỗng,
thường Tản-Đà tiên-sinh chỉ ăn có hai món: tái và gan hấp, còn cả con, người
nhà muốn làm thế nào ăn tuỳ ý, tiên-sinh không biết đến.
NEM
CHIM SẺ
Thỉnh thoảng tiên-sinh
cho thằng bộc lên chợ Đồng-Xuân mua độ ba chục hay năm chục con chim sẻ người
ta đã làm lông rồi. Tiên-sinh không cho mua chim sống vì sợ lúc đập chết hay rúng
(nhúng) vào nước sôi, mắt phải trông thấy chúng dẫy dụa (giẫy giụa) thì khi ăn
mất ngon, và thấy là mình tàn-nhẫn. Khi chim chết đem về, Tiên-sinh bắt đun nước
làm lông lại một lượt, thui qua và rửa lại một lần nước nóng cho thật sạch. Mổ
bỏ hết ruột, rồi lọc lấy hai cái thăn đem thái nhỏ ra làm đôi, làm ba đặt lên
đĩa rồi bóp vào một chút thính gạo nếp đã giã sẵn với tí muối rang.
Món này thường chỉ
được một đĩa con là nhiều, thế mà có hôm tiên-sinh uống hết nửa chai văn-điển một
lúc.
Tiên-sinh đã nói:
“Món ăn ở đời đến thanh mà bổ mà ngon, có lẽ nem chim sẻ là nhất”.
GIẢ
NEM CÔNG
Vặt lông khô một
con gà mái tơ béo. Khi cắt tiết rồi đem thui qua trên lửa cho cháy hết lông tơ;
sát (xát) muối để một chốc, đem rửa thật sạch, để cho ráo, đoạn lọc lấy hai cái
thăn đem thái nhỏ, bì lợn luộc cũng thái nhỏ. Xong, đem trộn với thính gạo nếp
đã có muối rang dã nhỏ, lấy lá sung non, lau sạch, bọc ra ngoài từng quả nem một
rồi gói bằng lá chuối tươi đã hơ nóng, lau kỹ.
Những quả nem đó
được treo lên để độ ba hôm cho chua, đến khi ăn chấm muối tỏi dã lẫn (đừng chấm
nước mắm vì sẽ trôi hết thính).
Món này với cá mực
nướng là lương-thực của tiên-sinh để uống rượu trong những đêm khuya viết văn
mà đói.
Tiên-sinh đã được
ăn nem công thật một vài lần nên nhận thấy nem công giả của mình cũng không
kém. Nhưng, tiên-sinh chỉ buồn là mình phải ăn một món giả vì đời không ai bán công; Mà tiên-sinh thì không có súng.
LÁ
LÁCH NƯỚNG CHẢ
Mua lấy hai hay ba
cái lá lách lợn về, đem băm nhỏ, cho muối, hạt tiêu, băm lẫn một củ tỏi vào. Rồi
lấy lá giâu (dâu) non quấn ra ngoài. Hoặc muốn ngon hơn thì mua mỡ chài lợn về
quấn thay lá giâu, rồi đem nướng trên than hồng.
Thường khi bắt đầu
nướng chả hay đặt món ăn lên hoả-lò trước mặt, là lúc tiên-sinh ngồi lại bên
mâm uống rượu xuông (suông) để đợi. Tiên-sinh đã nói:
- “Nhắm rượu bằng
sự “đợi chờ” một món ăn cũng có cái thú riêng. Và trong lúc ấy mũi mình được hưởng
cái mùi thơm của chả hay một món ăn, thì mình cứ tưởng mình là một vị thần, hay
một hồn ma mà đang được người ta cúng bái”.
GIÒ
LỤA, NEM THÍNH
Tản-đà tiên-sinh
đã thường nói: “Cái rất thanh phải chấm vào cái rất thô mới ngon” nên Tiên-sinh
ăn giò lụa bao giờ cũng chấm mắm tôm chanh. Nếu không có mắm tôm chanh, tiên-sinh
cho là vô vị. Mà thực vậy, các bạn hãy thử ăn coi xem có thấy mắm tôm chanh làm
cho miếng giò ngon hơn lên không? Còn ăn nem thì tiên-sinh chỉ chấm muối, vì tiên-sinh
cho rằng nem chỉ ngon ở cái thính bao ngoài, có thính bao ngoài thịt mới gọi là
nem. Bởi vậy, tiên-sinh không chấm nước mắm, vì tiên-sinh sợ chấm nước mắm,
thính trôi đi bớt thành ra không có vị gì là nem nữa. Mà ăn nem bao giờ tiên-sinh
cũng có kèm thêm với một nhánh tỏi sống. Và ăn tỏi sống xong ta chỉ có cách súc
miệng bằng mấy ngụm nước lã mới có thể hết hôi mồm, tức là cái lý đem “nước lã”, cái vô vị để chữa “tỏi sống”, cái rất có vị. Cũng vì thế mà
tiên-sinh đã ăn giò lụa chấm mắm tôm vậy.
Đó các bạn xem một
sự ăn nem và giò lụa của Tản-đà tiên-sinh cũng đủ thấy rằng tiên-sinh rất chịu
suy-xét về sự ăn.
ĂN
RÚNG
Về mùa rét, có khi
một vài người bạn tri-kỷ đến chơi, thường tiên-sinh hay giữ lại uống rượu với
món này:
Tiên-sinh đưa cho
thằng bộc đã thuộc tính hai đồng bạc, bảo nó đi mua các thức “ăn-rúng”. Thế là
nó biết.
Độ hơn một giờ sau
thì thằng bộc của tiên-sinh đã đặt lên giữa bàn một cái hoả lò than hồng, trên
đặt một soong nước dùng sườn lợn, đầu và xương cá băm viên. Rồi nó xuống bếp
bưng lên một mâm các thứ đã thái thành miếng được bầy riêng ra từng đĩa:
Một đĩa bồ dục
thái khía (để sống).
Một đĩa sách bò sống
rửa sạch sẽ có vờn lên mấy cái lá chanh thái chỉ.
Một đĩa thịt bò
non thái miếng (để sống).
Một đĩa đậu phụ
thái từng thoi nhỏ.
Một đĩa gan lợn (để
sống thái từng miếng).
Một đĩa lườn cá quả
(để sống thái từng miếng).
Một đĩa cuống rau
cải mụp thái ngắn như hai đốt tay.
Một đĩa cải cúc
thái ngắn.
Một đĩa hành củ để
nguyên cả lá, bỏ rễ.
Một đĩa tỏi tươi
thái ngắn.
Một đĩa rau cần
thái ngắn.
Một đĩa hành hoa
và thì là thái ngắn.
Bốn quả trứng gà để
nguyên (nếu có bốn người ăn).
Bắt đầu uống rượu
thì tự tay mỗi người được đập một quả trứng thả vào soong nước dùng rồi lấy
thìa vớt ra bát để nhắm. Rồi cứ gắp mỗi thứ một miếng dúng (nhúng) vào soong nước
sôi cho tái đi và đem ra ăn với các thứ rau, ai muốn ăn rau chín thì rúng vào “soong”.
Tuỳ ý – chấm với nước mắm cà cuống có pha mỡ nước dấm, hay mắm tôm tranh
(chanh), ớt.
Ăn món này phải ba
bốn người mới vui. Và có lẽ nó tăng cái ngon lên ở sự người nào cũng phải tự
“làm” lấy mà ăn. Tiên-sinh lúc say rượu cao-hứng thường gọi món rúng là món “Tay làm hàm nhai”.
THỊT
VỊT NỘM
Lấy cái nạo nạo đu
đủ xanh độ 2 đĩa tây. Mổ vịt sạch-sẽ, lạng lấy hai cái thăn đem nướng chín,
thái nhỏ, độ ba xu lạc rang đập nhỏ, cho rau húng láng hay rau mùi (Tuỳ mùa),
cho dấm tây đánh lẫn với một thìa đường, ớt thái nhỏ, nước mắm ngon, hạt tiêu,
rồi trộn đều các thứ vào với nhau.
Món này ăn lạ miệng
rất ngon.
VỊT
HẤP HOA SEN NON
Hồi gia-nghiêm còn
ở Phủ-lý, Tiên-sinh về chơi ít lâu. Nhà lại có ao sen, lại là bắt đầu mùa hoa. Tiên-sinh
thường sai kẻ viết tập này chở thuyền đi hái vài chục búp hoa sen non. Đem về cắt
sát núm và bóc vài cánh xanh bên ngoài bỏ đi, đem chặt thịt làm lông sạch-sẽ, bỏ
hoa sen xuống dưới chõ, đặt thịt vịt ướp nước mắm, muối lên trên rồi đậy vung
kín lại, đồ như đồ sôi (xôi).
Đun vừa lửa hơn tiếng
đồng hồ. Đem ra, chặt thịt bầy lên đĩa, dưới lót bằng các bông sen đã chín nhừ
đó. Khi ăn miếng thịt vịt rất thơm ngon. Cả những hoa sen đó cũng rất béo và ngọt.
Tiên-sinh gọi chữ
món này là món liên-áp, và bảo: “Người ta ăn món Liên-áp mà cứ đi ninh vịt bằng
hạt sen, củ sen là dại, cái tinh hoa của sen chỉ là ở bông hoa mà thôi!”.
RAU
SẮNG NƯỚNG
Kính dâng rau sắng chùa Hương
Đỡ ai tiền tốn con đường ngại xa
Không đi, xin gửi lại nhà
Thay cho dưa khú cùng là cà thâm.
Đỗ
tang nữ bái tặng
Tháng hai, tháng
ba là người ta chảy hội chùa Hương nô nức (Hội chùa Hương giữa mùa rau sắng).
Mà rau sắng sản xuất ra nhiều nhất ở dẫy núi Hương-Sơn. Tuy nhiên, nhiều nơi
khác cũng có rau sắng, nhưng thứ rau sắng ngon vẫn là rau sắng vùng chùa Hương
vì nó mọc ở những kẽ núi đá.
Ăn nó, chúng ta
thường thường nấu canh sườn, giò lụa sống, chứng (trứng) cáy, chứng cua, hay là
nấu suông với muối. Nhưng, với Tản-Đà tiên-sinh, ông không nấu canh, ông đem cặp
gắp nướng như nướng chả; trong khi nướng những ngọn rau đó được luôn luôn phiết
mỡ lợn vào bằng một chiếc lông gà. Và các bạn chú ý: rau sắng có hai thứ: lá,
và rồng rồng (rồng rồng tức cái ngồng hoa của cây rau). Ăn cái rồng rồng này
ngon hơn lá nhiều. Phiết mỡ lợn tức là để làm cho ngọn rau không khô đi và rỏ mỡ
xuống than cho khói bốc lên thành ra được cả mùi thơm.
Tản-Đà tiên-sinh
đã nói: “Khi ăn, không những ta ăn bằng miệng mà còn cần phải được ăn cả bằng
mũi và bằng mắt”.
Một lát sau, lúc
rau đã hơi vàng vàng rồi, các bạn đem ra chấm muối hồ tiêu ăn, sẽ không khác chả
chim sẻ mấy.
(Món này Tản-Đà tiên-sinh
cũng sáng chế ra trong thời kỳ tiên-sinh bị điên. Hồi đó không ở Ấp Cổ-đằng
(Sơn-tây) nữa. Nên tiên-sinh vào chơi vị Tăng-trưởng ở chùa Hương. Lúc bấy giờ
tức là hồi Tản-Đà tiên-sinh làm ra bài Văn
tế Chiêu-quân ở chùa Tiên mà các bạn làng thơ đều mến-phục.)
Về sau này, tiên-sinh
cũng thường ăn món rau sắng nướng đó và tiên-sinh hay nói rằng: Những bài thơ
hay của tiên-sinh mà được xã-hội ca-tụng phần nhiều là những bài thơ đã làm ra
trong thời kỳ tiên-sinh ăn uống thanh đạm như thế cả.
Nếu thực như vậy
thì sự ăn uống ảnh-hưởng cho tâm hồn người ta nhiều lắm.
RAU
MUỐNG SỐNG
Rau muống sống –
Ba tiếng thông thường đó ai còn lạ gì, nhất là người Việt-nam ta. Ấy thế mà với
Tản-Đà tiên-sinh, nó là một món ăn rất đặc biệt để thết bạn.
Bởi vì một tháng
chỉ có thể được ăn hai bận. Tản-Đà tiên-sinh đã mệnh danh cho nó là rau “lò so
(xo)”. Sao lại gọi là rau “lò so”?
Tôi xin thưa, rau
“lò-so” ăn cũng không ngon hơn rau muống thường chẻ mấy, và có lẽ đọc tới đây,
các bạn tưởng rau muống thường rồi đem chẻ và ngâm nước cho nó quấn lại theo
hình “lò so” hẳn! Thưa không phải. Đằng này không chẻ một nhát dao nào, mà nó
công trình ngay từ lúc trồng rau.
Nếu các bạn có một
mảnh vườn độ bằng hai cái chiếu, các bạn hãy cấy rau muống cạn, và các bạn mua
lấy độ một hào ốc nhồi to con về luộc ăn, hay làm gì tuỳ ý, nhưng cốt-yếu nhất
là giữ lấy vỏ ốc cho nguyên-lành; Rồi các bạn cho đem ngâm vào nước vôi độ nửa
ngày rồi súc rửa sạch để cho những vỏ ốc đó không còn một tí ruột bẩn nào nữa.
Xong, các bạn cho đem phơi bằng cách cheo (treo) những vỏ ốc đó vào đầu những
cành khô, hay cụt ở hàng rào độ một hai hôm. Đợi khu vườn rau muống của bạn kia
đã có những ngọn non đâm ra chua chủa, lúc đó bạn thu hết lấy những vỏ ốc đã
phơi và đem ra từng chiếc một úp lồng vào từng ngọn non một.
Mươi mười lăm hôm
sau, các bạn đã có một rổ rau muống lò so rất trắng, rất non, trông rất đẹp mắt
mà không phải chẻ, bằng cách các bạn cứ lần lượt nhẹ tay nhấc từng vỏ ốc một
lên. Trong mỗi con ốc, bạn đã có một ngọn rau nõn nà trắng tinh như hình một
cái “tia-rê-bu-sông”[2]
bằng lụa. Các bạn hái những ngọn rau đó đem về rửa sạch và ăn trộn dầu dấm hay
canh, riêu rất ngon, vì nó ngọt hơn rau thường và non hơn nhiều.
(Tản-đà tiên-sinh
đã sản-xuất ra món rau muống này từ ngày tiên-sinh còn thuê một căn nhà ở làng
Văn-quán Hà-đông; Các bạn đã biết rau muống Sơn-tây là ngon, nhưng các bạn hãy
trồng thử rau muống bằng cách này (nếu có vườn và ao) thì sẽ thấy ngon lắm.
(Cái ngon ở đẹp mắt và công trình)
HOA
ĐẠI ĂN GHÉM
Các bạn hãy hái những
hoa đại nở (độ một rá con, một rá con mới được một đĩa tây, vì sau khi trần (chần)
rồi nó ngót đi nhiều), đem rúng vào một sanh hay nồi nước mới sôi lăn tăn độ 2
phút; nhắc ra đem bỏ vào thau nước lạnh, bóp nhẹ tay cho sạch hết phấn vàng (nếu không sạch phấn này khi ăn nó hắc kém
ngon).
Xong rồi, các bạn
có thể chộn dầu dấm như salade của
Tây để ăn với “bít tết” hay đem chộn
với bì lợn thái mỏng và các thứ gia-vị như khế, tranh, vừng, tỏi, đường, ớt, lạc
theo lối ta làm nham hoa chuối. Nhưng
hoa đại nó có một vị béo và thơm riêng, ngon hơn hoa chuối và các thứ rau nhiều.
(Món này Tản-Đà tiên-sinh đã sáng chế ra
trong thời kỳ tiên-sinh bị điên ở ấp Cổ-đằng (Sơn-tây). Khi đó tiên-sinh chán đời
muốn tịch cốc cho hết sống, nhưng sót (xót) ruột quá mà nơi đó là đất đồi sỏi đỏ,
quanh vùng toàn Mường Mán cả, không có thứ rau gì khác là cây chuối và cây Đại (vì
người Mường Mán vùng đó không biết cách trồng rau như đường suôi (xuôi) ta). Mà
nhân khi đó dữa (giữa) mùa hoa đại, trong ấp có đến hai chục cây đại hoa nở trắng
tinh, mùi thơm phảng phất. Không biết thơ thẩn thế nào tiên-sinh thử ngay cách
trên. Tuy bấy giờ không có dầu dấm, song tiên-sinh đã dùng mỡ nước và chanh
thay vào.
Từ
đó, tiên-sinh chỉ dùng món hoa đại, hết ăn ghém chộn rồi lại nộm để làm thứ nhắm
rượu. Đến hai tháng trời tiên-sinh chỉ sống bằng rượu và hoa đại, như thế cho
mãi đến khi mùa hoa đại tàn mới thôi.
Về
sau này, lắm lúc cao-hứng nhớ đến món ăn ngày xưa, tiên-sinh thường sai thằng bộc,
có khi cả kẻ viết mục này nữa đến các chùa, đền gần quanh hỏi nhà sư hay ông từ
để mua hoa đại (Vì ở suôi ta phần nhiều chỉ có ở đình,
chùa mới trồng nhiều cây hoa đại).
RAU
BÍ SÀO (XÀO)
(Đa
tình con mắt Phú-Yên
Hữu
tình rau bí ông quyền Thuận-An)
Thú ăn chơi (T.Đ.)
Mùa hoa bí, Tiên-sinh
thường bắt thằng bộc đi mua độ dăm xu rau bí, ngọn bí non. Đem về, tước hết
lông và sơ (xơ) đi (nhớ tước kỹ kẻo ăn vào ho), đem bóp muối để một lát, rồi rửa
sạch.
Hành với tỏi cho
vào soong mỡ phi cho thơm, cho rau bí vào sào, rồi cho tí nước mắm cho vừa.
Món này Tiên-sinh
cũng tự tay xào lấy.
Mỗi khi ăn món đó,
tiên-sinh không quên nhắc tới “Ông quyền gác ở Đài-Thuận-an” vì một lần tiên-sinh
ra chơi viếng cảnh bị đói, mà quanh vùng không có gì để uống rượu được. Nhân
sân nhà có giàn bí, ông quyền gác Đài liền làm món này dâng tiên-sinh.
Tiên-sinh gật gù
ngồi trên Đài Thuận-an uống rượu với rau bí xanh non, và ngắm những làn sóng bạc
đầu ngoài biển cả.
HOA
BÍ NỘM
Cũng mua hoa bí
non về tước hết lông, bỏ nhị vàng đi, đừng bóp. Cho vào trần qua một lần nước
sôi. Đem ra trộn với vừng dã nhỏ, mỡ nước, chanh, tỏi, ớt, cà cuống, mắm tôm.
Món này ăn ngon
cũng không kém rau câu.
NỘM
RAU CÂU
Rau câu tức là một
thứ rong dưới bể. Ăn cũng như xứa (sứa).
Hồi ở Quảng-yên, Tản-Đà
tiên-sinh thường ăn món này.
Mua độ một hai hào
rau câu, đem về nhặt rác, vỏ ốc, rễ trắng non đi, chỉ lấy những cái xanh đem trần
nước nóng và rửa một lần nước gừng cho thơm. Rồi cũng làm như nộm xứa. Nhớ cho
thêm tí mắm tôm.
NỘM
CỦ CẢI KHÔ
Lấy độ một bát củ
cải đã phơi khô, đem ngâm vào nước nóng một lúc cho nó nở ra, rửa thật sạch.
Rồi cũng trộn với
các thứ gia-vị như nộm xứa, nộm rau câu.
Món củ cải khô
này, Tiên-sinh chỉ dùng đến khi nào ở những nơi không mua được xứa, hay rau
câu. Nhưng tiên-sinh nhận thấy rằng nó có một vị thơm và thanh hơn xứa và rau
câu.
XỨA
TƯƠI
Năm nào, cũng cứ
vào khoảng tháng ba, tháng tư ta thì đã có những người gánh hai cái nồi đinh đi
bán rong phố. Tiên-sinh thường cho thằng bộc mang một cái liễn to ra mua một miếng
xứa chân hay xứa ria, xứa chân hay ria cứng và ròn (giòn) ngon hơn chứ không
nát nhèo như các chỗ khác. - Khi đã mua được xứa về rồi, tiên-sinh mới lại sai
đi mua các thứ gia vị như: mắm tôm chanh, ớt, rau riếp (diếp), rau thơm, rưa (dưa)
chuột, đậu phụ nướng và thịt ba chỉ về luộc, thịt quay càng ngon.
Đến lúc ăn, phải gắp
đủ các thức rau vào bát; bấy giờ tiên-sinh mới bảo cắt xứa lên một cái đĩa úp sấp
trên một bát loa để cho nước thoát đi (như lối bát ta bầy bồ-dục trần – xin nhớ
là chỉ cắt xứa bằng một con dao nứa, hoặc xé tay chứ dùng dao sắt thì ăn rất
tanh, mất ngon – Rồi, khi đó tiên-sinh mới gắp những miếng xứa đã ráo nước chấm
vào mắm tôm, chanh ớt và ăn lẫn với các thứ rau quả trong bát để nhắm rượu.
Món này về mùa
nóng dùng để uống rượu rất thú, vì tính chất nó mát. Ăn xứa xong, bạn có cảm
giác như vừa uống một chai bia ngâm nước đá.
XỨA
NỘM
Xứa nộm thì bạn lại
phải dùng xứa khô. Bạn hãy đến các hiệu khách mua độ một cân hay nửa cân xứa –
ta quen gọi sứa tầu – đem ngâm nước một lúc, rửa sạch cát cho khỏi sạn và bóc hết
màng đen đi. Đoạn đem trần vào nước nóng già, rồi đem thái bằng nửa quân bài một
– thái to thế nó mới quấn được, và khi ăn mới thấy là mình ăn xứa.
Làm xong xứa, bạn
để vào một cái rổ con cho thật khô hết nước, rồi đem trộn với đu đủ nạo, rừa (dừa)
nạo, cà rốt nạo, dưa gang, dưa chuột thái chỉ, hai ba thìa nước tranh quả vắt bỏ
hột đi – Tuỳ người ăn chua mà cho nhiều ít – Rồi trộn lẫn với ớt thái nhỏ, độ
hai thìa đường, một ít nước mắm ngon cho vừa rồi đánh tan đường đoạn đổ cả vào
một cái soạn to, trộn thật đều thì lúc ăn mới ngon.
Lúc ăn, nhớ kèm
thêm với một vài ngọn rau mùi và rẩy vào nộm một chút cà cuống cay cho nổi vị.
Món này Tản-Đà Tiên-sinh
thường dùng để nhắm rượu vì tiên-sinh thích nhất cái dòn (giòn) trong lúc nhai
của xứa.
BÓNG
BÌ TRẦN
“Về mùa rét, Tản-đà
tiên-sinh thường ăn những món dưới đây, chứ không hay ăn những món nộm, gỏi nữa.”
Mua độ ba lạng
bóng về, phải trọn (chọn) thứ bóng trắng và dầy. Đem ngâm vào nước gạo có đánh
một tí phèn chua cho bóng sẽ dòn. Một lúc vớt ra, bóp rửa cho sạch. Xong lấy một
ít gừng dã nhỏ và rượu tẩm vào cho đều, để một lát rồi lại đem rửa lại một lần
nước nóng âm ấm cho hết khét. Bóng đó đem thái cho vừa miếng, bầy vào một cái
đĩa tây để lên mâm.
Trong lúc đó, bên mâm
rượu, tiên-sinh đã cho đặt sẵn một chảo nước dùng thật ngọt (hoặc nước ninh gà,
hoặc nước ninh sườn lợn trên hoả lò). Tới khi ăn, Tiên-sinh sẽ thả dần bóng vào
soong nước dùng và vớt dần ra để nhắm rượu. Như lối người tầu rúng “mằn thắn”.
Tiên-sinh có một lối
ăn giản tiện và lập-dị như vậy. Chứ ít khi ăn theo lối mọi người nấu bóng bầy
bát với các thứ độn.
Một lần Tiên-sinh
nói: “Đến cái ăn mà người ta còn dả dối.
Bảo ăn bóng mà chỉ có vài miếng bóng lèo tèo ở bên trên, còn dưới toàn su-hào,
bắp cải nhiều gấp mười. Thì thà cứ gọi thẳng là ăn su-hào, bắp cải có thú hơn
không?”.
CÁ
MỰC SÀO
Mực Bắc-Hải ngon
hơn mực Nghệ-An. Mỗi lần ăn tiên-sinh dùng độ ba con. Đem ngâm vào nước nóng
cho mềm, bóc da bỏ sống đi và đem thái hình chữ nhật dài độ bằng hai đốt ngón
tay cho vừa miếng. Mực thái đó được đem rửa qua vào nước gừng và tẩm một chút
rượu cho khỏi tanh.
Trên hoả lò đã sẵn
một soong mỡ đang sôi. Tiên-sinh tự tay cho mực vào sào lẫn với mấy miếng cùi
mướp xanh, ít nấm hương, ít hành tây (hành hoa cũng được) và độ nửa lạng thịt
ba chỉ thái nhỏ.
Thấy mực quăn lên
thì cho nước mắm, hạt tiêu và bắc ra để nguyên cả “soong” lên mâm.
Khi ăn nên kèm với
mấy cái rau mùi mới ngon.
MỰC
NƯỚNG
Những đêm khuya,
hay đương lúc bất thường có các bạn thân lại chơi, Tiên-sinh thường chỉ dùng mực
nướng để nhắm rượu.
Tiên-sinh chỉ dùng
đầu mực và những con mực nhỏ và dày. Khi nướng mực, tiên-sinh sai nướng rất
thong thả. Con mực được để vào một cái phên nướng chả, đặt rất cao trên hoả lò
cho nóng vừa phải, để mực chỉ vàng mà đã chín, chứ không nướng gần than quá, sợ
mực cháy mà trong vẫn còn sống.
Mực chín rồi, đập
sạch bụi phấn ngoài, sé (xé) ngang ra,
ăn mới không dai.
Tiên-sinh thường
chấm mực nướng đó vào một bát nước mắm có dã tỏi và hoà đường.
CÁ
TRƠN OM
Con cá độ bốn năm
hào là vừa (cá chiên, cá lăng, cá quất thì ngon hơn cá nheo cá bò). Đun nước
sôi dội vào cho cá chết, lấy do (tro) với dơm (rơm) tuốt hết nhớt, chặt bỏ ngạnh,
vây, đuôi, rửa sạch sẽ rồi, để ra thớt mổ. Bắt đầu từ lúc mổ thì không nên lại
rửa nước lã nữa kẻo tanh. Phải mổ rất cẩn thận cho khỏi vỡ mật, rách ruột (Ruột
bỏ đi). Lấy rao (dao) khía chéo hai bên lườn cá rồi, thái miếng nhỏ cho vào một
cái liễn có sẵn mẻ lọc đặc, nước nghệ, tương, muối hay mắm tôm ướp độ mười lăm
phút.
Trong lúc đó, thằng
bộc phải đi tước chuối xanh thái chéo ngâm vào chút nước phèn chua cho hết rựa
(nhựa) (Dọc sơn-hà cũng được), cà chua và thái sẵn một đĩa các thứ rau: tía tô,
sương (xương) sông, lá lốt, hành hoa, tỏi lá.
Khi hành mỡ thơm,
cho cá ướp vào xào qua, xúc ra bát. Rồi lại cho lượt mỡ, hành khác vào xào cà
chua, đậu phụ, chuối hay dọc sơn hà, các thứ này chín thì lọc nước mẻ vào độ
hai hay ba bát “loa” (nước dấm bỗng rượu cũng được). Đun sôi vài rạo (dạo) thì
cho bát cá ướp đã sào rồi vào, đun sôi một lúc nữa.
Trước khi ăn, cho
tía tô, sương sông, lá lốt, hành hoa và tỏi lá.
Thường những món
này, tiên-sinh cứ vừa đun trên hoả-lò vừa nhắm rượu. Bởi tiên-sinh rất thích được
ăn nóng như thế.
Ai cùng ngồi ăn với
tiên-sinh mà lại để cho những món đó nguội đi mới ăn thì tiên-sinh cho là rất dại
và bận sau không muốn cùng ngồi ăn.
CÁ
THIẾT-LINH, CÁ NHỆCH
Hai thứ cá này chỉ
ở các vùng nước mặn mới có. Cá thiết-linh mình tròn, mà ngắn. Còn cá nhệch dài
hơn và đuôi bẹt như một lưỡi kiếm. Nếu người mua không sành có khi nhầm thứ nọ
ra thứ kia.
Cá thiết-linh rất
béo, ít xương, nấu nó không phải cho mỡ lợn. Cá nhệch thì không béo bằng, kém
ngon.
Mổ cũng như làm cá
trơn khác. Rồi cũng bóp mỡ, tương nghệ (cần nhất là nhiều nghệ) vì nó rất tanh,
cách nấu với các thứ gia-vị cũng như cá trơn om.
Nhưng, cá thiết-linh
và cá nhệch này mà lọc lấy hai cái lườn đem bóp mẻ, mắm muối như nấu rồi đem quấn
lá xương sông hay lá lốt ra ngoài mà nướng chả, ăn rất ngon.
Con cháu, hay bạn
hữu ở xa đến mà làm quà cho tiên-sinh một con, thì tiên-sinh rất quý và nhất định
giữ ngay người đó ở lại cùng uống rượu.
CHẢ
CÁ
Mua cá trơn về. Mổ
sạch sẽ, cũng thái miếng ra ướp nghệ, mẻ, mắm tôm hay tương như cá om; những miếng
nầm cá để riêng, cặp gắp nướng riêng.
Tản-Đà tiên-sinh
chỉ thích ăn toàn thứ nầm cá này và phải là cá Chiên, Lăng hay cá Quất.
Lúc nướng chả, vừa
nướng vừa phiết mỡ nước (mỡ chó càng tốt) vào cá bằng một chiếc lông gà cho miếng
chả không khô. Tiên-sinh vừa ăn vừa nướng lấy chả để được ăn nóng. Ăn với các
thứ: Hành tây (hành ta cũng được, thái nhỏ ngâm rấm), thìa-là, sương sông,
húng-láng, rau mùi, lạc rang, bánh đa, bún.
Khi ăn, chấm chả
nóng đó vào mắm tôm chanh, cà-cuống, ớt rất ngon.
Muốn ăn lối dản
(giản) tiện đỡ phải nướng lâu thì chả chỉ hơ quá lửa, rồi gỡ vào “soong” sào với
mỡ và đập vài quả chứng gà rồi đổ lên các thứ rau chộn đều.
Tản-Đà tiên-sinh
chỉ ăn theo lối hoàn-toàn nướng chả như trên, không ăn lối sào này. Vì Tiên-sinh
cho như vậy là ăn cá “đảo mỡ” – lời của
Tiên-sinh – chứ không gọi được là ăn chả cá.
CÁ
NẤU ÁM
Tiên-sinh đưa cho
thằng bộc độ một đồng bạc, bảo nó đi mua một con cá chép, hay cá gáy. Cá quả
hay cá chuối ăn kém ngon.
Con cá mua về, đem
đánh vẩy, chặt bỏ vây đuôi, mổ bỏ hết lòng đặt vào một cái rổ bóp qua muối để một
lúc.
Trong khi ấy, lấy
một cái nồi đất mới, cho vào độ một lẻ gạo tẻ, thêm một dúm gạo nếp cho sếnh
(sánh), đun tới khi gạo rừ (nhừ). Nhớ cháo nấu loãng thôi rồi cho cá vào đun với
cháo độ hai mươi phút (Muốn cháo ngọt thì thêm vào độ hai hào sườn lợn) vớt cá
ra đĩa, đoạn rúng rau cần thái ngắn, hành củ bỏ bớt một nửa dọc thìa là thái ngắn,
cải cúc thái ngắn, các thứ này đều đã rửa sạch và bó lại từng túm cho dễ dùng.
Duy các thứ rau đó rúng cho chín tới, vớt ra để riêng từng đĩa.
Nồi cháo vẫn luôn
luôn để trên hoả lò cho sôi. Lúc ăn gắp các thứ rau vào bát, sắn (xắn) một miếng
cá chấm vào mắm tôm chanh, ớt, cà cuống đặt lên trên rồi ăn. Nhai kỹ cá và các
thứ rau rồi lại múc vài thìa cháo nóng húp.
Mùa rét, Tản-đà tiên-sinh
thường hay ăn món này.
CÁ
RÚNG
Cá quả hay cá rô
to mua về đánh vẩy sạch sẽ mổ bỏ ruột, lạng thịt lườn lấy giấy bản thấm cho khô
máu rồi, thái bầy ra đĩa.
Trên chiếc hoả lò
than bên mâm đặt một “soong” mỡ nước cho thật sôi. Gắp các thứ rau thơm: hành, thìa
là, tỏi tươi, cải cúc vào bát, rồi gắp dần cá rúng vào soong mỡ cho tái đem ra
chấm vào mắm tôm chanh, ớt, cà cuống đặt lên các thứ rau trong bát để nhắm rượu.
CÁ
NẤU HOA CÚC
Mua một con cá chắm,
cá chép, cá song càng ngon. Đánh vẩy, mổ rửa sạch sẽ, sắt (xắt) khúc ra đặt vừa
đĩa, cho vào hấp trong nồi, pha một ấm chè tầu đặc đổ lên săm sắp cá rồi lấy độ
năm sáu cái hoa cúc đại đoá trắng, trần qua nước sôi, để cả cái trên cá. Bịt
kín nồi một lượt lá chuối và đậy vung, đun nhỏ lửa độ hơn tiếng đồng hồ.
Cá và hoa cúc rừ rồi,
cho mắm, muối, hạt tiêu vào bắc ra. Khi ăn, mỗi miếng cá lại kèm mấy cánh hoa
cúc rất thơm, ngon.
Về mùa thu, mùa
nhiều hoa cúc, Tản-Đà tiên-sinh thường hay ăn món này vì tiên-sinh nhận thấy có
một hương vị riêng: Hương vị mùa thu!
ỐC
NƯỚNG
Ở những nơi không thể
mua được sò huyết, Tản-Đà tiên-sinh thỉnh-thoảng lại nhắm rượu bằng món này.
Ốc mua về, chọn những
con vỏ vàng vàng, to vừa phải. Ban ngày cho vào một cái dọ (rọ), gác lên gác bếp;
Tối lại đem xuống ngâm vào nước gạo vo đặc, độ vài ba hôm như thế. Cách này của
tiên-sinh dùng để nuôi ốc được lâu không chết lại sạch sẽ và béo.
Lúc nào muốn ăn,
chỉ phải quạt một hoả lò than hồng. Hái sẵn các thứ rau thơm. Nước mắm gừng dấm
để chấm, một cái dùi để khêu ốc.
Ốc rửa sạch để ở một
cái rổ con rồi, tiên-sinh cứ nhặt vài con một để nó ngửa mồm lên trên than hồng.
Một lát, ốc sôi lên phì phì và bong yếm ra, tiên-sinh dội vào một cái cùi dìa
con mỡ nước rồi đem ốc ra khêu, chấm vào bát nước mắm gừng dấm để uống rượu. Một
lần, rượu đã ngà say, tiên-sinh trỏ vào con ốc đang sôi trên bếp nói: “Ở đời,
có lẽ cái giống dại nhất là con ốc. Đeo vào mình cái vỏ làm gì để cho người ta
tiện dùng ngay làm cái nồi để luộc mình!”.
TÔM
NƯỚNG, LUỘC
Thỉnh-thoảng tiên-sinh
cũng ăn tôm, nhưng hoặc là ăn nướng, hoặc là ăn luộc. Chứ không như phần nhiều
chúng ta ăn tôm theo lối rang mặn ăn cơm.
Những con tôm mua
về đó là tôm cờ, tôm giảo (rảo) to độ bằng ngón tay út.
Nếu nướng thì rửa
sạch, để nguyên vỏ cặp gắp nướng khi ăn bóc vỏ đi chấm nước mắm, vắt chanh, hồ
tiêu và rau thơm.
Nếu ăn tôm luộc
thì bóc vỏ đi cho vào luộc, rồi chấm muối, tranh, hồ tiêu.
CUA
BỂ LÙI
Tiên-sinh cho thằng
bộc đi mua độ hai con cua bể (cua gạch, cua thịt). Đem về bắt lấy bàn chải phải
rửa cho sạch hết đất bẩn, chọc hai mắt cho chết. Cứ để nguyên càng, chân. Lấy
lá chuối non quấn thật kín, rồi lấy đất ướt nhào, đắp bao ở bên ngoài như lối
người Tầu muối trứng. Đem cua đặt vào giữa lòng bếp than, do nóng phủ lên trên.
Độ hai tiếng đồng hồ, thấy cái đất ở ngoài gói cua đã khô nứt ra là cua đã
chín.
Đem đập bỏ đất đi,
sé cua ra, ăn chấm muối tranh rất ngon.
Ăn cua lùi thế này
ngọt và thơm hơn cua luộc nhiều.
CÁ
NHỒI CÁ
Mua lấy hai con
cá, cá chép to, cá trắm, hay cá chầy đỏ mắt ở suối càng ngon. Đem đánh vẩy, mổ sạch
sẽ, bỏ lòng đi. Lạng lấy lườn một con để riêng rồi băm đầu xương, lẫn với ít nấm
hương, mộc nhĩ chộn muối, hồ tiêu, hành tỏi thái nhỏ. Nhồi cả vào bụng con cá
kia. Lấy hai cái lườn đã lạng ấp ra ngoài rồi lấy lạt quấn như cuốn giò.
Đặt vào đĩa tây,
tưới lên vài thìa mỡ nước và bầy mấy củ hành hoa (để cả dọc) lên trên. Cho vào
xanh đậy vung đun cách thuỷ độ một giờ đồng hồ.
Lúc ăn cho ít hồ
tiêu rất ngon.
ỐC
NHỒI
Ốc nhồi mua về
ngâm nước gạo vài hôm cho sạch và béo ra, rồi đem chặt núm chôn (trôn) ốc, lấy
chiếc đũa vót nhọn khoáy lưỡi ốc ra, bóc bỏ yếm, tước bỏ đất và ruột ốc đi. Đem
bóp vôi, muối, để một lúc rồi rửa cho thật sạch. Ốc để ráo nước, đem thái hạt lựu
thật nhỏ, chộn với lá gừng non, thịt dọi thái nhỏ, mắm muối cho vừa. Cho vào mấy
chục chén hạt mít xứ (sứ), đặt vào chõ để hấp. Đun sôi nước độ nửa giờ thì được.
Đem ra, rắc vào một
ít hạt tiêu bột ăn rất ngon.
Tản-Đà Tiên-sinh cứ
vừa uống rượu vừa lấy dần từng chén ốc ở trong chõ ra.
Người ta thì lại
nhồi ruột vào trong vỏ ốc. Nhưng Tiên-sinh đã có riêng một bộ chén, và một cái
chõ như cái quả bằng kẽm để ăn ốc hấp.
ỐC
NẤU MẺ NGHỆ
Ốc làm sống, bóp
vôi, do để một lúc, rửa sạch sẽ. Con nhỏ để nguyên, to thái làm đôi, làm ba.
Phi hành mỡ cho
thơm, đổ ốc vào sào qua. Chuối xanh, hay hạt mít, thịt dọi, đậu phụ thái con
chì, cho vào nước nghệ, lọc mẻ vừa chua, đun kỹ vài dạo. Một lát sau cho ốc đã sào
vào, cho mắm muối, lá gừng, sương sông, tía tô, hành hoa, tỏi tươi thái nhỏ.
Chúng ta, khi ăn
múc ra từng bát bầy vào mâm. Nhưng với Tản-Đà Tiên-sinh thì ông cứ để nguyên soong
ốc trên hoả lò than đỏ, và múc ốc ra nhắm rượu dần cho được thật nóng.
BA
BA NẤU
Mua con ba ba độ bằng
cái đĩa tây về. Tiên-sinh sai thằng bộc đem cắt tiết, dội nước sôi cạo cho hết
da màng và hết nhớt. Rồi thằng bộc phải đem một con dao nhọn mũi và cái thớt ra
thềm để Tiên-sinh ngồi trông bảo cách mổ. Vì mổ ba ba rất khó, hễ vụng một tí
đánh vỡ ruột, dù rửa kỹ đi ăn vẫn đau bụng như thường.
Trước hết tiên-sinh
bảo chặt bỏ đầu, lọc bốn chân ra trước. Rồi lựa mũi dao nhọn vào xung quanh chiếc
mai, cắt nhẹ tay, chỉ vừa đủ đứt thịt ba-ba. Lấy mai ra, cầm con ba ba lật ngửa
ra ngoài thớt, sẽ lấy mũi dao cắt qua màng, khấu đuôi trên bụng ba ba thì tự khắc
cả bộ lòng nổi ra. Lòng và đầu bỏ đi.
Lúc bấy giờ thịt
con ba ba mới được thái ra ướp nghệ, mẻ, tương như cá om. Và cũng cho vào nấu với
các thứ độn và gia-vị như om cá, nấu ốc.
Duy còn bốn bàn
chân ba ba được dần kỹ cho nhừ xương. Cũng ướp mẻ, nghệ, mắm muối như nấu, rồi
đem cặp gắp nướng chả.
Trong con ba ba Tiên
sinh cho là ngon nhất có bốn cái chân nướng chả này.
ẾCH
NẤU MĂNG
Ếch mua về đem chặt
đầu cho chết, chặt bỏ bốn bàn chân. Bổ dọc lưng, lột da, đem bóp vôi muối để một
lúc. Bỏ ruột, chỉ lộn lấy một chiếc dạ dày (Tù và). Thịt ếch chặt ra cũng đem ướp
nghệ, mắm muối. Sào qua mỡ, nấu với măng tươi đã thái nhỏ luộc bỏ một lần nước
đi rồi.
Bốn con thì cho độ
hai bát loa nước. Đun ếch chín, bấy giờ mới rửa thật sạch da ếch, tù và, cho
vào đạy vung lại một lát rồi bắc ra.
Da ếch và tù-và ếch
để vừa chín đến ăn rất béo, ngon. Nếu không biết làm mà cùng cho vào nấu kỹ như
thịt ếch thì dai như cao-su không ăn được.
ẾCH
OM
Ếch cũng làm sạch-sẽ
rồi chặt ra đem ướp mẻ, nghệ dã, mắm tôm hay tương. Sào mỡ qua, cho vào nồi lọc
nước mẻ, chuối xanh, hay giọc sơn-hà (giọc sơn-hà bóp muối rửa qua, kẻo ngứa). Ếch
nấu giọc sơn-hà ngon hơn nấu với chuối xanh. Đun sôi kỹ vài dạo, cho da ếch,
tù-và cùng các thứ gia-vị: tía tô, xương sông, lá lốt, tỏi dã vào bắc ra.
Tản-Đà tiên-sinh rất
thường hay nhắm rượu bằng món ếch om này. Hồi nào phong lưu tiên-sinh cho thằng
bộc mua về hàng răm ba chục con rồi nhốt vào một cái vại để thỉnh-thoảng lại
làm chén, như người ta nhốt sẵn gà, vịt.
ẾCH
NẤU MIẾN
Mổ ếch rửa sạch sẽ
như nấu. Chặt lấy đùi và những chỗ nạc, đem xào hành mỡ rau răm cho thơm. Rồi
cho vào “soong” độ hai bát nước nấu với ếch. Một lát sau nếm nước dùng đã ngọt
thì cho miến vào.
Khi ăn, cho mấy lá
hành hoa và chút hồ tiêu cho thơm.
Món này Tản-Đà tiên-sinh
thường ăn thay cơm. Vì rất ít khi uống rượu xong mà tiên-sinh còn ăn cơm.
LƯƠN
BUNG
Lươn mua về, tiên-sinh
sai thằng bộc chuốt do rửa thật kỹ, lấy dao nứa mổ, bỏ đầu, bỏ lòng đi. Lươn đã
mổ không được rửa nước lã nữa, vì rửa nước sẽ tanh.
Đặt lươn lên thớt
lấy dao lạng lấy hết xương sống để nướng chả. Rồi lấy một chiếc chầy gỗ dần thật
kỹ cho lươn bẹt hẳn ra cắt vừa miếng, đem ướp nghệ, mẻ, mắm muối rồi lấy lá nghệ
non gói lại từng gói với thịt dọi cho vào nồi lọc nước mẻ nấu với hạt mít, chuối
xanh hay giọc sơn-hà. Trước khi ăn cũng cho xương sông, lá lốt, tía tô, tỏi dã.
Còn xương sống
cũng dần kỹ, bóp nghệ, mẻ, mắm, muối, đem cặp gắp nướng, nướng thật kỹ, vừa nướng
vừa phiết mỡ nước vào. Nếu nướng kỹ sẽ ăn được hết cả xương, rất thơm ngon.
LƯƠN NẤU CHÁO
Lươn
cũng làm cho sạch sẽ, luộc chín gỡ lấy nạc, sào mỡ, hành cho chín súc ra. Khi
cháo rừ rồi đổ lươn đã sào vào quấy đều đem ra cho rau răm, hành hoa, hạt tiêu
ăn rất ngon và bổ. Người ốm dậy ăn món này tốt lắm. Hay không nấu cháo thì nấu
miến cũng được.
RƯƠI
BUNG
Chúng ta thường ăn
rươi rán chả với chứng, nhưng Tản-Đà tiên-sinh không ăn thế bao giờ. Ông chỉ ăn
lối bung.
Mua độ ba bát rươi
về nhặt hết rác bẩn, cho vào cái rổ con đun nước sôi rội kỹ. Rồi đổ rươi vào sào
mỡ, hành, vỏ quít cho thật thơm súc ra. Lại cho niễng thái nhỏ vào sào. Khi niễng
chín mới cho rươi đã xào vào trộn đều. Đun sẵn một siêu nước nóng già lúc đó mới
cho vào. Đun sôi kỹ độ hai dạo nữa rồi cho các thứ rau lá lốt, gấc non, có lá gấc
ăn mới ngon, xương sông, tía tô, hành, tỏi và đập vào hai quả trứng gà.
Thường cũng như
các món ăn khác, tiên-sinh cứ đặt cả soong lên trên hoả lò than cho nóng để nhắm
rượu.
RƯƠI
HẤP
Rươi nhặt hết rác
bẩn, giội nước sôi làm lông cho sạch. Đổ rươi vào một cái rổ mau lấy thìa sát kỹ
cho bột rươi rơi xuống một cái bát to, còn bã rươi bỏ đi.
Lấy thịt nạc, nấm
hương thái nhỏ, vỏ quýt, hành hoa, lá gấc thái chỉ và đập vài quả trứng gà vào
đánh lộn với rươi. Rồi để rươi vào trong soong nước, đạy vung đun cách thuỷ độ
một giờ đồng hồ thì được. Khi ăn, dưới lên thìa mỡ nước, rắc chút hạt tiêu cho
dậy mùi và ăn kèm với mấy ngọn rau mùi.
CÁ
ĐUỐI
Mua cá đuối về chặt
bỏ đầu, đuôi đi, mổ bỏ ruột. Cũng bóp mẻ nghệ, nấu với chuối xanh hay hạt mít
như ếch, hay ba ba.
TRAI
SÀO
Mua trai về, cũng
ngâm vài lần nước gạo như ốc để chai nhè hết đất bẩn. Cho vào nồi, đổ săm sắp
nước luộc. Thấy trai hé miệng, bắc ra cậy lấy ruột, mổ bỏ các chất bẩn, rửa sạch.
Cho trai vào sào mỡ
với củ đậu, hành dăm, thì là, ăn cũng lạ miệng và rất giải nhiệt.
Vì uống nhiều rượu
trong người nóng, nên thỉnh thoảng Tản-Đà tiên-sinh lại ăn những món này.
SÒ
HUYẾT
Đi chơi vùng bể về
bao giờ Tiên-sinh cũng có sách về một rọ hà, nếu về mùa nực. Hay một rọ sò huyết
nếu về mùa rét. Trước hết Tiên-sinh bắt thằng bộc lấy một chậu nước đầy, đổ sò
vào, lấy một chiếc bàn chải cọ rửa cho thật sạch, để lên một cái rổ cho ráo nước.
Rồi thằng bộc phải
đi dọn rượu, đốt một cái hoả lò than hồng đặt lên bên mâm rượu, một đĩa hành
hoa tước nhỏ, với đĩa rau mùi.
Tiên-sinh tự tay
nâng niu từng con sò đặt lên lò than để nướng. Khi sò đã sôi và há miệng, gắp
ra để từng con, nậy bỏ một bên vỏ, nhớ để nghiêng cho huyết khỏi đổ ra, gắp
hành, rau mùi chấm nước mắm chanh, hồ tiêu đặt lên trên sò rồi ăn, húp cả huyết
(Nhớ phải ăn rất nóng mới ngon).
Cứ ăn gần hết những
con sò chín trên hoả lò than rồi, Tiên-sinh lại nhặt dần từng con sống lên.
HÀ
TƯƠI
Hà
tươi cửa biển Tua-ran
Long-xuyên
chén mắm Nghệ-an đĩa cà
(T.Đ.)
Chắc các bạn ở xa
vùng bể ít biết đến con hà. Giống này cũng thuộc loài ốc, sò, nhưng vỏ nó xù xì
như đá vôi. Nó sống bám vào những tầng đá rìa biển. Hà nhiều nhất về vùng Quảng
Yên, vịnh Hạ Long và cửa bể Tourane.
Hà thì chỉ ăn sống
là ngon và phải công phu hơn ăn sò, nhưng ăn nó rất mát và có một vị ngon rất lạ.
Nhất là dùng mà uống rượu thì thú lắm. Nó ở trong những vỏ như hòn đá vôi. Có
khi bốn năm con ở xung quanh một hòn đá. Phải tìm khía có hình con hà dùng dao
nậy miệng há ra, lấy tí chanh và hồ tiêu cho vào, ăn kèm với tí gừng, rau mùi
không phải chấm, và ăn rất vừa.
Uống rượu với hà, Tản-Đà
tiên-sinh thường ngồi lâu đến 3 giờ đồng hồ mới xong bữa.
Đã có lần Tản-Đà tiên-sinh
vận một cái quần vải Tây cõng thắt lưng lụa, một bên sườn đeo bầu rượu, một bên
sườn đeo một con dao nhọn, bơi ra một chỗ xa bờ tới 300 thước ngoài biển, nơi gần
vịnh Hạ-long để cậy hà uống rượu tại chỗ cho được ăn hà tươi.
Uống hết rượu và gần
như ăn no hà, Tiên-sinh mới lại bơi vào bờ.
THỊT
MÈO NINH NẤM HƯƠNG
Mua một con mèo đen
(chỉ mèo đen ăn mới ngon). Cắt bỏ tiết cho chết, đun nước sôi làm lông kỹ rồi lấy
rơm thui thật vàng. Mổ lấy ruột ra làm kỹ để thuôn hành, răm ăn bún rất ngon.
Còn thịt cho vào nồi với nấm hương đã ngâm rửa sạch, tỏi tươi, hành tươi, muốn
dòn, cho thêm vài cái măng chua. Cho săm-sắp nước, đạy vung kín, đun nhỏ lửa độ
hai giờ đồng hồ, cho mắm, muối vào, rồi bắc ra uống rượu.
Thịt thỏ làm theo
cách này ăn cũng rất ngon.
THỊT
THỎ RÁN
Thỏ cũng làm lông
và thui như mèo. Rửa, mổ sạch sẽ, lạng lấy những chỗ nạc. Cho vào chảo dán với
mỡ tỏi, nhớ cho nhiều mỡ, đun nhỏ lửa, đậy vung kín. Đem ra uống rượu với rau riếp
trộn dầu dấm và các thứ rau thơm. Chấm muối hồ tiêu, cà cuống. Còn các chỗ
xương có thể ninh măng với nấm hương. Hay hầm rựa mận như thịt chó cũng rất
ngon.
THỊT
CHÓ HẦM RỰA MẬN
Mua chó vàng (chó
vàng ăn béo và không hôi) về trói lại, cắt tiết vào bát nước mắm hãm để đánh tiết
canh. Rồi cũng làm lông và thui như thỏ, mèo. Thui thật vàng, mổ lấy bộ lòng ra
cho đem ra sông hay ao, hồ làm cho sạch để về làm dồi.
Thịt chó đem chặt
miếng (những chỗ ít xương) bóp riềng mẻ, mắm muối cho một củ xả giã vào, lấy lá
chuối bịt nồi kín, đậy vung đun sôi kỹ rồi bời than để trên bếp thật lâu. Ở nhà
quê sẵn rơm, rạ thì có thể để ra giữa sân, chất rơm, rạ ra ngoài đốt rồi cứ vùi
trong than do, cho tới khi đống tro nguội (như lối đốt đống dấm) đem ra ăn rất
ngon.
TIẾT
CANH CHÓ
Cuống họng, buồng
gan luộc chín, thái hạt lựu thật nhỏ (đừng băm, có thể rây mùn thớt). Tiết đã
hãm, đem quấy đều, vớt bỏ những tiết dây, cho thêm vào vài thìa nước dùng để
nguội, đánh đều rồi tưới lên bát nhân trộn đều, dàn phẳng để lên chỗ bằng cho
đông, rồi rẩy vào chút cà cuống, bày lên mấy nhánh lạc rang, mấy miếng gan, và
vài lá húng quế cho đẹp.
Thường thì ở các
hàng thịt chó người ta có cho thêm dừa nạo lên, nhưng Tản-Đà tiên-sinh cho thế
là tanh, tiết canh ăn kém ngon.
TÁI
CHÓ
Lạng lấy những chỗ
nạc có bì, thui vàng. Đem thái mỏng, bóp nước giềng, thính gạo. Khi ăn chấm muối,
chanh, hồ tiêu hay tương gừng. Kèm với mấy cái rau húng quế, rau ngổ càng ngon.
SÁO
CHÓ
Bao nhiêu chỗ xương
chặt nhỏ bóp giềng mẻ, tương, mắm, muối, củ sả giã nhỏ cho vào nối với ít mỡ lợn
đảo qua rồi lọc nước mẻ vào đầy nồi, đun kỹ, cho vào ít tiết cho ngọt. Thêm
chén rượu vào cho thơm.
Đun thật kỹ, bắc
ra ăn với bún rất ngon.
LÀM
DỒI CHÓ
Thái hạt lựu cho
nhỏ gan, bồ dục, lá phổi, mỡ chài (vì chó con nào cũng có nhiều mỡ chài), ít lá
mần tưới, đỗ xanh ngâm, húng quế, củ sả, dã riềng, mẻ, mắm muối chộn đều cho
vào nhào với tiết rồi nhồi vào trong bộ lòng đã làm sạch sẽ. Buộc chặt hai đầu
cho vào nồi luộc. Vừa luộc vừa lấy kim tiêm cho đều. Luộc chín đem ra, quấn vào
một ống tre hay ống nứa rồi nướng vàng một lần lửa ăn mới ngon.
CHẢ
CHÓ
Lọc lấy chỗ nầm
chó có sụn và các chỗ vừa nạc vừa mỡ đem bóp mẻ, riềng, mắm tôm cho vừa rồi cặp
gắp nướng kỹ, ăn với các thứ rau thơm, hành hoa, ăn lúc nóng mới ngon, chấm nước
mắm, hồ tiêu, cà cuống.
SÀO
CHÓ BÓP TIẾT
Thịt chó sống ướp
như ướp chả, cho thêm ít tiết vào chộn đều. Cho vào chảo sào với hành tây, cần
tây. Đem ra cho vào chút hạt tiêu và ăn với các thứ hành, rau thơm.
THỊT
CHÓ LUỘC
Thịt chó luộc thì
phải chọn các chỗ nạc. Ăn chấm mắm tôm chanh cà cuống, hay muối chanh hồ tiêu.
Kèm với các thứ rau thơm, hành hoa và tí riềng sống.
CHẢ
CHÓ BĂM
Thái hạt lựu thịt
chó, gan chó, lá lách chó cùng chộn đều với riềng, củ sả, mắm muối rồi viên lại
bèn bẹt như bao diêm, lấy mỡ chài ở trong con chó bọc lại đem cặp gắp nướng, ăn
với các thứ rau thơm rất lạ miệng. Món này Tản-Đà tiên-sinh còn gọi là “chả ba
họ” mà tôi quên không hỏi vì sao lại có cái tên ấy.
THỊT
DÊ
Dê cũng cắt tiết
vào một cái liễn, vừa cắt tiết vừa đổ độ 1 chai rượu văn-điển vào rồi lấy vải lọc
cho khỏi vướng lông rồi cho vào chai, gọi là rượu “hồng hoa” và ta gọi nôm là
rượu tiết dê.
Còn dê cũng đun nước
sôi, làm lông, sát kỹ vài lượt sà phòng cho hết hôi rồi cũng lấy rơm thui vàng.
Đem mổ bỏ bộ lòng
đi. Vì lòng dê không ngon.
Nấu sáo, nướng chả,
hầm rựa mận, chả bóp tiết cũng như thịt chó.
TÁI
DÊ
Thịt dê, có lẽ
ngon nhất là món tái. Lạng lấy những chỗ nạc có bì đã thui vàng, thái nhỏ bóp riềng
rã nhỏ, thính đỗ tương – Cần nhất thính đỗ tương mới ngon – Khi ăn chấm tương gừng,
và chỉ ăn với rau mùi và húng láng chứ đừng ăn với húng quế không phải vị.
Tản-đà tiên-sinh
thích uống rượu “hồng-hoa” và nhắm với tái dê lắm. Không những nó ngon mà còn rất
bổ.
ĐÙI
DÊ QUAY
Chặt lấy một đùi
dê sống dần cho mềm. Khía sâu vào, dã tỏi, muối, hồ tiêu bóp vào. Rồi để lên một
cái đĩa to cho vào lò quay.
Quay độ một giờ là
chín. Đem ra thái ăn với các thứ rau thơm, rau chộn rầu rấm rất ngon.
THỊT
DƠI NƯỚNG CHẢ
Nếu dơi còn sống
đem đập chết, lấy nước đun sôi dúng vào làm lông như làm lông gà. Đừng lột da,
vì lột da thế nào cũng bị dính lông vào thịt - Đem mổ bỏ ruột, chặt bỏ đầu,
chân, cánh rồi đem bóp hành nướng chả, vừa phiết mỡ lợn. Ăn chấm nước mắm hồ
tiêu.
THỊT
DƠI HẦM MĂNG NGÂM DO
Măng tươi đem thái
nhỏ bằng hai ngón tay một cho vào cái chậu, lấy do sàng lên cho kín măng rồi
cho săm sắp nước vào ngâm đem trộn đều lên để ngâm độ dăm bảy ngày vớt ra rửa sạch.
Dơi cũng mổ sạch sẽ,
nhỏ thì để cả con, to thì chặt đôi, để măng xuống dưới đặt dơi lên trên. Nhớ
cho vào một ít lá sả non cho thơm. Liệu đun vừa lửa độ nửa giờ cho mắm muối vào
là bắc ra ngay kẻo rừ hết thịt rơi. Khi ăn ta sẽ được một đĩa hầm dơi rất sếnh,
béo và lạ miệng.
THỊT
RẮN RÁN
Bất cứ thứ rắn gì
cứ to bằng cổ tay trở lên là đều có thể ăn được.
Đánh chết, lột da,
chặt bỏ đầu đuôi, mổ bỏ ruột. Đem băm thật kỹ, cho hành, muối, hạt tiêu, ớt cho
đều. Viên bằng đồng hào đôi, đặt vào sanh rán. Lúc rán không phải cho mỡ lợn. Cứ
để những viên đó vào sanh đun nhỏ lửa tự nó khắc chảy đủ mỡ rán nó – Đừng cho mỡ
lợn vào, tanh không ăn được.
Tản-Đà Tiên-sinh
cũng đôi khi ăn món thịt rắn này. Vì ông nhận thấy nó rất bổ lại có một vị ngon
riêng, mà còn đỡ được bệnh đau lưng.
THỊT
THẰN LẰN SÀO
Bắt độ hai con thằn
lằn, đập chết cho vào bếp lùi do nóng. Đem ra bóc da, bóc lấy hai cái thăn trên
lưng còn bỏ hết. Đem thái mỏng xào với cải làn, củ đậu. Khi ăn cho một chút dấm
và hồ tiêu vào.
Thịt thằn lằn nấu
canh rau cải cũng rất ngon, còn ngon hơn thịt cá rô.
THỊT
BÒ QUAY
Các món thịt bò
thì nhiều lắm, chắc ai cũng biết. Ở đây tôi chỉ xin trình bày mấy món mà Tản-Đà
hay ăn thôi.
Mua một cái bắp thịt
bò độ ba bốn hào về, khía khắp, bóp tỏi dã, hồ tiêu. Cho vào soong, dội lên mấy
thìa mỡ nước, đậy vung lại để nhỏ than, thỉnh thoảng lại lật đi lấy lại cho
vàng khắp, khi đã vàng đều, đem ra thái miếng ăn với rau trộn dấm rất ngon, rất
bổ.
XÁCH
BÒ CHẦN
Mua xách bò về rửa
lại cho thật sạch, thái miếng ngâm vào bát nước do lọc chong một lúc, rồi đem rửa
lại một lần nước âm ấm cho hết do. Để vào bát, thái chỉ vài cái lá chanh rắc
lên trên, dội nước dùng ngọt vào. Ăn chấm tương gừng, rất ngon.
Nước dùng phải nấu
bằng sườn lợn, sườn bò và vài con tôm he, nhớ cho mấy nhát gừng và chút hành
hoa cho thơm.
THỊT
BÒ TÁI
Mua thịt bò thui về,
thịt bò thui mới có bì và ăn ngọt hơn thịt bò lột. Đem thái ra bóp qua một chút
thính gạo hay thính vừng. Khi ăn chấm tương gừng, tỏi và kèm vài cái rau húng
láng.
GÂN
BÒ NINH CÀ CHUA
Mua lấy bốn chân
bò về. Lọc lấy toàn gân, rửa sạch thái ngắn bằng hai đốt ngón tay, cho vào nồi
đổ vài thìa mỡ sào qua với hành, rồi đổ một gáo nước vào đun sôi kỹ độ nửa giờ.
Lấy độ mươi quả cà chua, cắt đôi bổ hột đi, cho vào trộn đều, đậy vung lại thật
kín, đun nhỏ lửa đi một lát nữa. Cho mắm muối vào cho vừa, đem ra nhắm rượu rất
ngon.
MŨI
BÒ LUỘC
Mua cái mũi bò,
đem về làm sạch lông, cho vào nồi luộc, nhớ cho vào một ngọn măng tươi, không
có măng thì cho vào tí vôi cho chóng rừ. Đun độ 2 giờ đồng hồ, siên đũa vào thấy
mềm là được. Vớt ra rửa lại một lần nước sôi cho hết mùi vôi. Thái nhỏ ăn chấm
với mắm tôm chanh và kèm với lá tỏi tươi.
CHẢ
SƯỜN SỤN LỢN
Sườn sụn lợn mua về
dần qua, thái miếng, ướp hành nước mắm, cặp gắp nướng thật kỹ. Khi ăn cho thêm
chút hồ tiêu và kèm với các thứ rau thơm. Ăn với bún thì thành bún chả.
Món này Tản-Đà tiên-sinh
rất ưa trong lúc có bạn hữu lại mà cần chóng được uống rượu.
TÁI
CHÂN GIÒ
Mua một chân giò độ
bốn năm hào về, tiên-sinh bắt thằng bộc nhặt hết lông, đem đốt cho thật vàng, cạo,
rửa lại một lần nữa cho thật sạch. Rồi đem thái miếng mỏng cả bì. Bóp qua một
lượt thính gạo. Ăn chấm muối chanh kèm với lá xung và lá mơ tam thể.
NEM
LỢN
Mua bì lợn những
chỗ sạch lông về luộc chín thái rất mỏng. Thịt nạc thăn lợn mua về cứ để sống
thái nhỏ. Dã thính gạo cho tí muối rang vào trộn đều với bì và thịt thăn, bóp một
lúc cho thính thấm đều vào thịt. Khi ăn chấm muối chanh và kèm với lá đinh
lăng, tỏi tươi.
CHẠO
LỢN
Chạo lợn cũng làm như
nem. Cũng mua bì lợn về luộc, thái nhỏ. Nhưng chỉ khác là dùng mỡ gáy lợn pha
thỏi thái thay vào thịt thăn rồi cũng bóp thính, muối.
Cứ hai phần mỡ một
phần bì là vừa khéo.
Ăn ngay thì cứ để
nguyên, ra đĩa ăn với lá sung và các thứ rau thơm, ăn kèm với bánh đa nướng nữa
rất ngon.
Nếu muốn để ăn dần
thì nắm lại từng quả bằng cái chén, bọc lá sung non ra ngoài, rồi lấy lá chuối
tươi gói, chằng lạt cẩn-thận treo lên.
Độ hai hôm ăn, nem
lại có thêm một vị chua ngon ngon…
CHÂN
GIÒ LỢN NẤU GIẢ CẦY
Giả cầy là nấu
“như thịt chó”. Mua một cái chân giò lợn về đốt lông, thui vàng đều, chặt ra từng
miếng to, chặt thấu cả xương. Đem bóp mẻ, diềng dã, tương, mắm muối, cho vào nồi
xào qua. Rồi lọc nước mẻ vào đun kỹ là được.
Món này làm thức
nhắm rượu cũng ngon mà ăn cơm cũng tốt. Khi ăn kèm với rau muống chẻ hay rau riếp
và các thứ rau thơm.
THĂN
LỢN ĐỐT
Tiên-sinh sai thằng
bộc đi mua hai cái thăn lợn về rửa sạch, để nguyên đem bóp nước mắm tỏi ra
ngoài miếng thăn cho kỹ. Lấy mấy cái bẹ cây chuối đem vào đặt thăn lợn vào giữa
nồi rồi ập hai cái bẹ chuối lại với nhau. Ngoài quấn lạt tre tươi thật kín. Rồi
đem để lên bếp đốt lửa. Bao giờ cái bẹ chuối bên ngoài cháy đen sém đi độ một nửa
thì thịt chín.
Đem ra tháo bẹ chuối,
lấy miếng thịt ra (nhớ đừng rửa nữa) thái ăn.
Món này ăn rất
thơm ngon, chứ không như thịt luộc. Tản-đà tiên-sinh cho rằng: “Bất cứ một món ăn gì nếu đốt được mà ăn thì
thế nào cũng ngon hơn luộc. Bởi, luộc cái nước ngọt nó thôi ra mất cả. Và nếu
đã ăn luộc thì phải ninh rừ rồi ăn cả nước như lối người Pháp ăn soupe, thì mới
là sành ăn”.
THỊT
LỢN SẤY
Mua độ hai cân thịt
lợn, lấy toàn chỗ thịt ba chỉ. Đem về cạo lại, rửa cho thật sạch, bóp muối hồ
tiêu, tẩm qua một chén rượu trắng. Để một lúc, lấy một cái ống tre tươi độ một
gióng để cả tinh tre đem ấp bụng miếng thịt vào ống tre, bì quay ra ngoài. Lấy
độ ba bốn vòng giây thép quấn thật chặt. Đem sấy lên bếp than phủ do. Sấy thật kỹ,
khi nào bấm thấy bì ròn, thái ra uống rượu, cặp với rưa giá chua rất ngon. Có
thể nói ngon hơn thịt quay.
THỊT
BỎ ỐNG NỨA ĐỐT
Thịt dọi mua về,
thái to miếng. Đem bóp mắm muối, diềng mẻ, cho vào ống nứa tươi có mắt phía dưới,
lấy lá chuối khô đút nút miệng ống thật chặt để đựng vào bếp lửa thật lâu.
Độ một giờ đồng hồ,
ống nứa cháy xém đi, quắt bé lại là thịt ở bên trong đã chín.
Đem ra cho ít hạt
tiêu và ăn kèm với các thứ rau thơm.
Món này Tản-Đà Tiên-sinh
học được của một người Mán ở Châu Dương-Quý, Lao-kay.
Nguyên một lần Tiên-sinh
qua chơi vùng đó, đêm vào ngủ nhà một người Mán thổ-hào. Lại nhân ban ngày, nhà
đó mới có ít phần thịt lợn cỏ săn chia được. Người Mán liền đem bỏ ống nứa đốt
dâng Tiên-sinh uống rượu. Tiên-sinh lấy làm ngon mãi, nên về sau này Tiên-sinh
thường bắt thằng bộc làm món đó, khi mua được nứa tươi.
THỦ
LỢN LUỘC
Thường những ngày
nhà có giỗ, Tản-đà tiên-sinh hay dùng một cái thủ lợn, hay con gà thiến mâm sôi
để làm lễ. Hoặc những ngày đặc biệt như ngày dằm tháng tám chẳng hạn, Tiên-sinh
cũng hay cho mua thủ lợn về đánh chén.
Trước hết tiên-sinh
sai thằng bộc nhặt lông thật sạch sẽ cái thủ lợn đã mua về, cạo lại một lần nữa
cho không còn một cái lông nào. Rồi cho vào một cái xanh đồng to, đổ ngập nước,
đập vào một củ gừng, mấy củ hành khô và đun sôi vài rạo. Bao giờ xiên cái đũa
vào thấy bì đã mềm, là chín. Thủ lợn vớt ra để vào một cái rổ sạch cho khô nước
rồi đem bày vào một cái đĩa tây thật to, bày vào mâm với một đĩa muối hạt tiêu,
con dao nhọn và một đĩa các thứ rau thơm.
Ăn món thủ lợn
này, Tản-đà tiên-sinh không dùng đũa. Dùng dao nhọn cắt dần từng miếng chấm muối
hạt tiêu nhắm rượu.
Nếu bữa rượu đó có
một hai ông bạn nữa thì các ông bạn đó cũng phải ăn đúng như lối của tiên-sinh.
Nghĩa là cũng cầm dao nhọn cắt lấy từng miếng thịt ở cái thủ lợn mà nhắm rượu.
LÀM
LẠP XƯỜNG LỢN
Nếu nhân dịp nhà mổ
lợn thì làm lạp xường mới tiện. Lấy lòng lợn rửa kỹ bàn ra thớt nạo cho thật mỏng.
Khéo tay kẻo rách – lòng đã nạo mỏng rồi đem thổi phồng lên buộc kín hai đầu
phơi khô.
Rồi cứ hai phần mỡ
thì một phần thịt nạc thái nhỏ. Cứ một cân thịt vừa nạc vừa mỡ thì chộn vào ba
đồng cân muối rang tán nhỏ và một cốc con rượu mai quế lộ.
Bóp rượu, muối, thịt
mỡ cho thật đều rồi đem nhồi vào trong lòng lợn đã phơi se se. Muốn làm thành
đôi ngấn một thì chỉ việc thắt lòng lại từng đoạn một, treo lên giây thép ở sân
phơi, vừa phơi vừa lấy kim tiêm vào cho hả hơi và chóng khô.
Khi ăn thì muốn
rán, hay hấp cơm đều rất ngon. Món này lại rất tiện dụng khi đi đường xa.
Hồi còn sinh thời Tản-Đà
tiên-sinh. Mỗi khi Tiên-sinh sắp sửa đi đâu xa. Thằng bộc đã phải sắp sẵn vào
chiếc rỏ mây một chai rượu hoặc Rhum, hoặc rượu ngang ngâm thuốc bắc, chục quả
nem, vài đôi lạp sường đã nướng chín, một chiếc bánh mì.
Đó là lương thực của
Tiên-sinh trong những cuộc lữ-hành như từ Hà-nội vào Huế chẳng hạn.
GAN
LỢN CHẦN
Tiên-sinh cho thằng
bộc đi mua độ hai ba hào gan lợn sống về rửa thật sạch. Thái miếng nhỏ, cho vào
một cái bát to, đập vào một nhánh gừng và thái vào mấy lá hành hoa.
Đun nước sôi đổ
vào, lấy một cái đĩa đạy lên một lúc.
Khi ăn gắp gan trần
đó chấm vào mắm tôm chanh, ớt, kèm với mấy lá rau thơm nhắm rượu rất ngon.
BỒ
DỤC LỢN TRẦN
Mua độ hai đôi bồ
dục lợn về, rửa sạch, bổ mỗi quả ra làm hai, lọc bỏ cái bạc nhạc trăng trắng ở
giữa đi cho khỏi gây. Lấy dao khía khắp rồi thái miếng. Cho vào bát rội nước
sôi, xong vớt lên để vào chôn một cái đĩa úp sấp lên một cái bát to cho thoát hết
nước. Ăn cũng chấm mắm tôm chanh ớt như ăn gan chần. Bồ dục ăn bổ hơn và ngon
hơn.
THỊT
LỢN NINH MĂNG
Mua măng khô về
ngâm rửa sạch. Cho vào nồi luộc một lúc lâu. Đổ ra rá, bỏ nước đi.
Chân giò làm sạch sẽ
bổ đôi ra, lọc hết xương, hay thịt khổ để cả lần bì thái vuông bằng ba ngón tay
một. Cho măng xuống chôn nồi, đặt thịt lên trên, đổ nước đun thật rừ cả thịt lẫn
măng, rồi mới cho mắm muối – nếu cho mắm muối ngay từ đầu thì thịt và măng
không thể rừ được – Nhớ cho miến đã ngâm, mấy cái mộc nhĩ, vài củ hành để cả lá
lên trên. Lại đạy vung đun một lát nữa đem ra ăn, khi ăn cho vào chút hạt tiêu.
NEM
CHUA
Nem chua cũng làm
như nem lợn, chỉ khác thịt nạc phải dã như dã giò lụa. Bì phải thái chỉ, cho ít
bì lợn nghĩa là năm phần thịt nạc thì cho một phần bì, cho ít thính hơn nem thường
mà bắt phải giây thật nhỏ.
Làm xong cũng nắm
lại từng quả, lấy lá vông hay lá chuối hơ qua lửa lau thật sạch gói nem, ngoài
quấn lạt rõ chặt như quấn giò.
Đem cheo lên độ
hai ba hôm thì nem sẽ chua. Lấy bánh đa sống dúng qua nước, dở nem ra quấn lẫn
với rau muống chẻ hay rau riếp. Ăn chấm với nước mắm rấm tỏi ớt. Món này dùng để
nhắm rượu rất mát.
NEM
THỦ-ĐỨC
Thịt thăn lợn mua
về đem dã nhỏ. Viên lại từng viên bằng quả táo to, ướp qua hành, nước mắm ngon
rồi sâu vào xiên đem nướng.
Khi ăn phải ăn
nóng – cặp với các thứ rau thơm, hành hoa, khế chua, chuối xanh, lạc rang, bánh
đa và chấm vào với tương bần chưng đường và mỡ. Muốn ăn cặp với ít bánh đa sống
như nem chua cũng được.
CHẢ
SÀI GOÒNG
Thịt lợn cả mỡ lẫn
nạc, đem băm nhỏ với miến, mộc nhĩ, thịt cua bể gỡ, hành củ, vài cái nấm hương,
cho vào cái bát to đập vài quả trứng vịt vào trộn đều. Lấy bánh đa sống dấp nước,
súc nhân đặt vào giữa quấn lại đem cho vào chảo mỡ đầy đang sôi rán kỹ. Bao giờ
cái chả ròn là được. Muốn cho chả rán được đỏ đẹp thì trước khi rán phiết ra
ngoài bánh đa một lượt sì-dầu.
Cũng như ăn nem
chua, cắt chả ra ăn cặp với rau muống chẻ hay rau riếp, các thứ rau thơm và chấm
nước mắm dấm tỏi ớt. Có thêm ít dưa góp ngâm rấm ăn kèm càng ngon.
CHẢ
CHÌA
Chả chìa tức là chả
xương xườn lợn. Xương xườn mua về róc ra từng rẻ một. Mỗi cái chặt làm đôi, róc
hết thịt về một đầu, lấy lạt nhỏ quấn thật chặt rồi ướp hành, nước mắm, đường,
hạt tiêu một lát rồi đem nướng.
Khi ăn, cầm từng
chiếc một gặm nhắm rượu rất thú.
ĂN
CUỐN
Mua một mớ tôm cờ
hay tôm giảo (to bằng ngón tay), lấy kéo cắt bỏ đầu, đuôi, chân đi. Cho vào chảo
hành mỡ rán chín.
Mua thịt ba chỉ về
luộc thái miếng.
Hành củ một bó bỏ
rễ để cả lá luộc chín.
Bún con bừa cắt ngắn.
Đậu phụ rán hay nướng.
Củ cải phơi khô
ngâm dấm.
Bỗng rượu chưng với
lạc rang dã nhỏ cho mắm tôm và đường hay mật cho thật ngọt.
Rau húng láng, mùi
nhặt sạch rễ.
Khi ăn lấy một lá
rau riếp, cuộn mỗi thứ một miếng vào trong. Chấm nước mắm cà cuống pha dấm. Món
này Tản-Đà Tiên-sinh thường ăn về mùa xuân khi có vài ba ông bạn đến chơi.
MỌC
LỢN
Thịt lợn nạc mua về
dã nhỏ như dã giò. Trộn lẫn bì lợn thái nhỏ dài bằng ngón tay, vỏ quýt, mộc nhĩ
thái chỉ, nước mắm, hạt tiêu. Rồi đem nặn từng viên to bằng đồng bạc đồng để
vào cái đĩa tây to đặt vào chõ hấp, đun cách thuỷ cũng được.
Nước dùng lợn luộc
cho hành hoa, mắm muối vào cho vừa, miến cắt ngắn độ một gang cho vào đun sôi bắc
ra.
Mọc bày ra bát,
múc nước dùng đổ vào và bày mấy sợi miến lên trên và xung quanh miếng mọc.
Tản-Đà tiên-sinh gọi
lối này là bánh “Tỉm sắm nước” của
An-nam.
TIẾT
CANH VỊT
Mua con vịt bầu thật
béo về. Món đầu tiên là tiết canh mà Tản-đà tiên-sinh quý nhất.
Tiên-sinh bắt thằng
bộc lấy một cái bát to, lấy cái thìa xứ đong hai thìa nước sôi để nguội và một
thìa nước mắm đánh đều lên với nhau để hãm - Hãm tiết bằng chanh cũng được
nhưng tiết sâm kém đỏ - Cắt tiết cổ vịt, bỏ ít tiết đầu có hơi dao đi rồi cho
chảy vào bát, khi gần hết bỏ ít tiết cặn đi. Cứ để nguyên như thế lấy đĩa đạy
lên cho khỏi bụi.
Khi vịt mổ xong,
luộc rồi, lấy bộ lòng ra thái hạt lựu thật nhỏ, thêm hai cái chân vịt và cái cổ
đem nướng vàng cho thơm băm lẫn vào. Chộn đều nhân với nhau, đặt vào đĩa tây để
lên một chỗ bằng.
Lúc đó mới lại lấy
độ ba thìa nước dùng vịt để nguội cho vào bát tiết hãm đánh tan đều rồi đem rưới
khắp lên đĩa nhân, lấy đũa se sẽ dặt cho tiết phủ khắp nhân.
Để nguyên chỗ một
lúc cho đông. Rắc lên độ su lạc rang bóc vỏ rồi, mấy miếng gan thái mỏng. Sắp
ăn, rẩy vào tí cà cuống cho thơm. Khi ăn kèm với rau húng chó, rau mùi và cắn
tí hột rổi càng ngon.
THỊT
VỊT OM MẺ TỎI
Con vịt làm lông sạch
sẽ. Lọc lấy cổ, cánh dọc xương xống, lấy dọng dao dần cho mềm ra, bóp mắm muối
cho vào sào qua hành mỡ rồi đun nước lọc mẻ cho vào. Đun sôi kỹ vài dạo cho một
củ tỏi dã vào bắc ra. Món này dùng chấm rau sống rất ngon.
TÁI
VỊT
Đùi vịt, thăn vịt
bỏ bì, thái thật mỏng bóp thính hạt tiêu cho đều.
Ăn kèm với mấy lá
tỏi tươi chấm nước mắm chanh cà cuống. Ngon cũng không kém gì tái ngỗng.
CHẢ
VỊT
Cổ, cánh, nầm vịt
đem thái miếng dần kỹ, bóp hành, nước mắm cho đều, lấy lá xương sông, lá sói
hay lá giâu non quấn ra ngoài từng miếng cặp gắp nướng. Vừa nướng vừa phiết vào
ít mỡ lợn cho miếng chả không khô. Ăn chấm nước mắm tỏi, cho tí chanh.
Thường Tản-Đà Tiên-sinh
vừa uống rượu vừa nướng lấy chả để nhắm cho được nóng.
Tuy rằng thịt vịt
còn có thể làm nhiều món. Nhưng ở đây tôi chỉ xin viết ra mấy món mà Tản-Đà tiên-sinh
thường ưa dùng thôi. Mong bạn đọc lượng biết cho!
SÂM-CẦM
ĐỒ SÔI
Sâm cầm tức là con
cuốc bèo. Mua về, tiên-sinh sai thằng bộc vặt lông khô thật kỹ, đem thui cho hết
lông tơ. Rửa sạch, mổ bỏ lòng chỉ lấy cái mề băm nhỏ với hành mắm muối nhồi vào
bụng sâm cầm, buộc lại.
Lấy độ hai bơ gạo
nếp vo cho vào chõ. Đặt cả con sâm cầm lên trên bịt kín lại đồ thật kỹ. Chín rồi
đem ra chấm muối chanh nhắm rượu. Còn sôi ăn rất ngon vì tất cả nước ngọt và
béo của con Sâm cầm đã thấm vào sôi. Trong những cuộc lữ-hành, Tản-Đà tiên-sinh
thường có món này mang theo làm lương thực.
CHIM
SẺ RÁN
Mua độ vài chục
chim sẻ làm lông rồi, đem về mổ bỏ lòng, chặt bỏ mỏ, chân, sẽ lấy dọng dao dần
cho bẹt con chim ra. Ướp qua hành, nước mắm, hạt tiêu. Cho vào chảo mỡ đun rất
nhỏ lửa, đạy vung kín, thỉnh thoảng lại dở.
Khi chim đã vàng đều,
đem ra ăn với rau trộn dầu dấm rất thơm ngon.
CHIM
CÂU NON NẤU CHÁO
Những đêm nào cần
làm việc nhiều, mà người mệt, Tiên-sinh cho thằng bộc mua một hai con chim câu
non về làm lông, thui lại sạch-sẽ cho vào nồi nấu cháo. Khi chim đã rừ, thằng bộc
phải vớt chim ra một đĩa tây bầy ở mâm với đĩa muối hạt tiêu. Còn cháo vợi vào
cái soong đặt lên cái hoả lò bên mâm rượu.
Vừa uống rượu, vừa
gỡ thịt chim ăn vừa múc cháo húp vừa viết văn – Tản-đà tiên-sinh có lối làm việc
trong lúc ăn. Mà vừa ăn vừa viết thì tiên-sinh viết cả đêm được, không biết mỏi.
CHIM
CÂU NINH ĐỖ XANH
Chim câu vặt lông,
thui sạch sẽ. Mổ moi bỏ lòng. Lấy một bơ đỗ xanh kháp vỡ đôi, chộn với mấy củ
hành đập rập, muối, nhồi vào trong bụng con chim, rồi quấn lại thật chặt bỏ vào
nồi, đổ độ hai bát nước. Đun kỹ, còn độ một bát nước là được.
Món này nhắm rượu
rất bổ. Khi ăn miếng đỗ xanh nhồi ở trong con chim béo như mỡ và rất ngon.
CHẢ
LE LE
Le le tức là một
giống vịt giời bé. Thỉnh thoảng có người đánh lưới được đi bán giong, mua về cắt
tiết ra bát, không phải hãm vì giống này ít tiết lắm. Lọc lấy những chỗ nạc, ướp
nước mắm hành, cho chỗ tiết đã cắt vào bóp đều cho đậm vị. Cặp gắp nướng vàng,
khi ăn, dắc vào chút hạt tiêu cho thơm.
LE
LE THUÔN HÀNH DĂM
Những chỗ nạc lọc
ra nướng chả rồi. Còn xương le le đem băm rất nhỏ, viên lại bằng những quả táo,
đổ nước vào đun kỹ. Cho mắm, muối vừa rồi cho hành răm vào bắc ra chan bún ăn rất
ngon.
CHIM
HÉT NẤU RAU RIẾP
Chim hét mua về
cũng làm như le le. Thịt nạc nướng chả. Duy xương băm ra nấu canh với lá rau riếp
thái nhỏ ăn rất lạ miệng.
RẼ
RUN QUAY
Mua độ mười con rẽ
run về, vặt lông, thui rửa sạch, mổ bỏ lòng, đem đặt lên thớt lấy dọng dao dần
cho kỹ, rồi cho vào chảo mỡ đang sôi, đạy vung lại đun rất nhỏ lửa, thỉnh thoảng
lại cho đũa vào giở đi giở lại cho vàng đều. Gắp rẽ ra đĩa, cho độ nửa củ hành
tây, một quả cà chua vào mỡ rồi cho hai thìa nước lã đun sôi dội lên rẽ cho mềm
– Tây thì gọi là nước sauce.
Khi ăn cho chút hạt
tiêu, và kèm với rau sống trộn dầu dấm rất ngon.
CÒ
SÁO MĂNG
Cò mua về, vặt
lông khô, thui mổ sạch sẽ. Lọc thịt nạc thái miếng, còn xương băm viên cho vào
xào qua hành mỡ, nấu với măng chua. Trước khi bắc ra cho mấy ngọn rau dăm thái
nhỏ.
CHIM
CÂU NHỒI BÍ
Mua quả bí đao
mình tròn mà ngắn về. Bổ đôi, nạo bớt ruột đi.
Thịt chim băm với
nấm hương, mộc nhĩ hành hoa, mắm muối cho vào giữa quả bí, lại đậy hai mảnh lại
với nhau. Để vào chõ hấp, đun cách thuỷ cũng được. Đem ra cởi lạt, gọt bỏ vỏ bí
rồi thái khoanh bày ra đĩa.
Khi ăn cho thêm ít
hạt tiêu, và kèm với mấy ngọn rau mùi.
THỊT
CUỐN BẮP CẢI
Thịt vai lợn băm
nhỏ với nấm hương, hành củ, hạt tiêu, tí muối. Lá bắp cải bỏ xống, dọc đôi chập
làm một, gói nhân thịt vào trong, lấy lạt buộc cho vào nồi ninh rừ. Lúc ăn múc
ra bát với vài thìa nước.
Món này ngon hơn
ăn mằn thắn của tầu.
ĐẬU
HOÀ-LAN
Mua đậu hoà-lan đừng
non quá, đừng già quá, tước bỏ xơ cạnh, chần qua nước sôi.
Bồ dục, lá lách lợn
khía thái miếng cho vào xào hành mỡ, tai tái thôi.
Khi ăn, cho ít hạt
tiêu, kèm với mấy ngọn rau mùi.
HOA
CẢI SÀO TÔM
Mua hoa cải đem về
thái cắt ra từng hoa nhỏ một, rửa sạch, bỏ những cuống già đi.
Cho vào xào với
tôm he, tôm cờ, chim, thịt lợn, dò, đều ngon.
Cần nhất là hoa cải
sào tái thôi thì mới ngon.
ỚT
PHẬT THỦ NHỒI
Mua độ hai chục quả
ớt phật thủ về. Cắt núm to như chũm cau, nạo hết ruột và hột ớt đi.
Thịt vai lợn băm
nhỏ với nấm hương, mộc nhĩ, hành củ, tí muối, nhồi vào, lại lấy nắp ớt đậy lên.
Đặt vào cái bát đun cách thuỷ. Theo lối nhồi cà chua.
Ai ăn được cay,
thì rất thích món này.
NÚC
NÁC
Mua quả núc nác
non về đốt cháy hết vỏ. Cho vào rửa nước gạo cho thật sạch. Rồi lại treo lên,
ráo nước đem khía, thái ngang bầy ra đĩa.
Khi ăn cặp với thịt
ba chỉ luộc, chấm mắm tôm, chanh, ớt rất ngon.
Về mùa nực, Tản-Đà
tiên-sinh thường ăn món này.
MƯỚP
ĐẮNG
Mướp đắng bổ đôi,
nhồi nhân thịt băm với nấm hương mộc nhĩ, hành hoa vào rồi đun cách thuỷ như bí
nhồi.
Mướp đắng cứ để sống,
ăn chấm mắm tôm chanh, ớt, cặp với thịt ba-chỉ, luộc cũng ngon và rất mát.
CÀ
RÁN
Cà rừa rửa sạch, sắt
khoanh, bóp qua một tí muối, ngâm rửa cho hết rựa sám vớt ra rổ cho ráo nước.
Đập hai quả trứng
gà vào bát cho vài lá hành hoa thái nhỏ.
Bỏ cà vào soong mỡ
rán vàng, gắp ra dúng vào bát trứng ngay. Ăn chấm nước mắm tỏi. Cần ăn nóng mới
ngon.
CÀ
OM
Mua cà rừa non,
thái miếng, ngâm vào chậu nước cho hết rựa. Vớt ra để ráo nước.
Thịt ba chỉ thái
miếng, đậu nghệ thái miếng, cà chua thái miếng cho cả vào sào hành mỡ mắm muối.
Rồi lọc nước mẻ vào đun kỹ. Sắp ăn, cho thêm tía tô, sương sông, hành hoa thái
nhỏ và dã một củ tỏi vào.
OM
TRÁM ĐEN
Mua thứ trám đen
nhọn hai đầu. Đổ chám vào một cái chậu, sàng do lên, cho thêm tí nước đủ ướt do,
lấy hai tay sát kỹ cho trám sạch phấn, rồi đem ra rửa sạch chám, đổ vào cái vại
con.
Đun nước muối hơi
mằn mặn, để còn nóng vừa vừa giội lên chám. Nên nhớ nếu nước nóng già thì chám
dắn, mà nguội quá thì chám nát ăn không ngon. Để sau hai mươi bốn tiếng đồng hồ
thì ăn được. Đêm phải làm việc khuya, Tản-Đà Tiên-sinh cũng thường hay uống rượu
với món chám này.
Chám bổ đôi đem nhồi
thịt như mướp đắng, rồi hấp cơm ăn cũng rất thơm ngon.
GIÒ
THỦ
Vào dịp tết, chúng
ta nhà ai cũng cần phải gói giò. Mà giò là một món ăn rất tiện, vừa để được
lâu, vừa không phải dùng đến củi lửa, khi ăn, lại ngon nữa. Món giò của ta này
thực không khác các món Jambon, Saucisson của Tây mấy.
Tản-Đà Tiên-sinh
cũng rất sành về cách làm các thức giò này. Vậy tôi xin viết ra đây để tặng các
bạn đọc thân-ái.
GIÒ
THỦ
Giò thủ là giò gói
bằng thịt đầu lợn. Mua cái thủ lợn về, nhặt hết lông, rửa sạch, thái miếng ra,
to độ bằng ngón tay một: cho hành, mắm muối, hạt tiêu, mộc nhĩ vào sào lên cho
chín.
Lấy lá chuối tươi,
hơ qua, lau cho sạch. Súc giò ra gói tròn, lấy lạt giang quấn cho thật chặt rồi
để cái giò vào hai cái mảnh tre buộc xếp lại cheo lên. Để từ sớm đến chiều thịt
giò quấn lại với nhau rồi sắt ra ăn rất thơm ngon.
GIÒ
LỤA
Cần nhất chầy, cối
dã giò phải rửa thật sạch, lau thật khô. Và phải dã lúc thịt tươi. Nếu thịt ôi
giò sẽ bã, không ngon.
Lấy toàn thịt vai,
thịt mông lợn, lọc hết gân và bạc nhạc đi. Thịt thái thành những miếng nhỏ cho
vào cối dã, dùng một chầy dã tới lúc thịt đã dập nát hết rồi dùng hai chầy, phải
dã luôn tay đừng nghỉ thì sau giò mới quánh.
Khi không còn hình
miếng thịt nào hãy cho một ít muối rang vào, lại dã cho thật mướt rồi cho thêm độ
hai thìa nước mắm ngon vào thúc cho đều và dã nhanh tay một lúc nữa.
Đem súc giò dã đó
ra lá chuối đã hơ khô, lau sạch gói lại – gương giò càng to càng đẹp – ngoài quấn
lạt giang thật chặt. Rồi lăn đi lăn lại cho kỹ.
Cho vào nồi đổ ngập
nước đun to lửa cho nước sôi mạnh một lúc rồi rút hết củi, chỉ để than do âm ỷ
độ bốn tiếng đồng hồ thì vớt ra. Cheo lên cho ráo nước.
GIÒ
HẠT LỰU
Bì lợn sạch lông,
thái nhỏ giài như nửa chiếc đũa một. Lúc thịt nạc dã kỹ như giò lụa rồi thì cho
bì vào thúc lẫn với giò nạc, cho bì loáng thoáng thôi. Cũng buộc như giò lụa.
GIÒ
MỠ
Thịt nạc giã kỹ
như giò lụa. Thái mỡ mông, mỡ gáy lợn từng thoi một cho vào thúc đều. Nhớ cho
ba phần thịt nạc thì trộn một phần ba mỡ thì mới ngon. Xong cũng luộc như luộc
giò lụa.
GIÒ
LÁ ĐỀ
Giò lá đề là giò
khi cắt ra đĩa trông thành hình lá đề. Bất cứ là giò lụa, giò bì, giò hạt lựu,
khi vớt ở nồi ra lấy hai miếng tre chẻ sẵn, ép sát hai cạnh về một phía cái
giò. Rồi lấy lạt chằng thật chắc cheo lên. Để một đêm, mai sắt khoanh giò ra sẽ
được như ý. Hay bạn muốn có giò vuông, giò hình lục lăng hay bát giác cũng được.
Chỉ phải thay cái ép ở ngoài. Nhưng phải ép ngay lúc vừa ở trong nồi bắc ra.
GIÒ
BÌ
Cũng làm như giò hạt
lựu, nhưng cứ một phần nạc, một phần mỡ thì phải ba phần bì. Giò bì này, người
ta hay ép thành giò lá đề.
GIÒ
CUỐN
Khổ thịt pha ra bằng
tờ giấy, cứ để nguyên quấn lại. Đem gói bỏ luộc như luộc giò lụa. Cần nhất là
quấn lạt bên ngoài cho chặt thì khi sắt miếng giò ra nó mới không vỡ.
GIÒ
HOA MAI
Giò nạc dã kỹ. Súc
ra gói. Trứng vịt tráng chín quấn mọc nhĩ rửa sạch vào trong, lăn tròn lại như
ngón tay, đặt một lượt vào giữa cái giò rồi gói lại. Phải gói khéo, đừng để cho
chứng và mộc nhĩ chạy sang một bên. Luộc xong, lấy bốn miếng ép cong lòng bốn
góc sẽ thành ra bốn cánh hoa.
GIÒ
LÒNG
Lòng non lợn bổ
đôi ra cạo, rửa thật sạch. Cổ hũ lợn cũng cạo rửa thật sạch. Đem thái ra dài độ
bằng ngón tay một. Sào với hành, nước mắm ngon cho vừa chín đến.
Súc ra lá chuối
gói cho thật chặt lại, rồi lấy hai mảnh tre ép chặt hai bên. Để cách một đêm cho
lòng siết lấy nhau, khi ăn, giò lòng mới không vỡ ra từng miếng.
CHẢ
QUẾ
Giã thịt nạc cho kỹ
như giã giò lụa. Mắm muối cho vừa, tán quế chi dây bột cho vào, giã lại một lúc
cho thật đều. Súc thịt ra chát xung quanh ống nứa đã rửa sạch và nướng than cho
thật vàng.
Lúc ăn nên thái
theo hình ống nứa như thanh quế, nhỏ một.
CHẢ
NHÁI
Nhái thuộc loại ếch,
nhưng bé hơn. Nhái đem lột da mổ như ếch. Chỉ lọc lấy những chỗ nạc cho vào cối
dã rất kỹ rồi cho hạt tiêu, nước mắm ngon vào thúc thật đều. Súc ra nặn từng
cái bằng ba ngón tay một, đem nướng vàng.
Món này ăn cũng rất
ngon. Mà còn đỡ được bệnh đau lưng. Tản-Đà tiên-sinh đã nghiệm thấy như vậy.
RUỐC
THỊT LỢN
Mua cái thăn lợn về
pha thành thoi nhỏ, đặt vào nồi cơm hấp thật chín. Đem ra xé nhỏ tơi. Muối rang
tán thật nhỏ. Cho vào vài thìa nước mắm trắng ngon. Chảo gang đánh thật sạch.
Cho ruốc vào rang thật khô súc ra cho vào chai hay lọ bịt kín ăn dần. Nhớ lúc
rang chỉ để than thôi kẻo cháy ruốc và bịt kín cho ruốc khỏi ướt.
RUỐC
TÔM
Tôm to con, mua về
rửa sạch cho vào luộc. Đem ra gỡ bỏ vỏ, đầu đuôi, chân đi. Chỉ lấy toàn nạc,
cho vào cối sạch dã bông ra, rồi cho nước mắm ngon, muối. Và cũng rang như ruốc
thịt lợn.
RUỐC
CÁ QUẢ
Cá quả to mua về,
nhào đất ướt bọc kín ra ngoài, cho vào bếp than lùi, bao giờ đất khô lại, nứt
khe thì đem đập lấy cá ra. Bóc bỏ da, chỉ lấy nạc, bóp hết xương. Ướp muối, nước
mắm ngon rồi cho vào chảo rang như rang ruốc lợn. Cứ đảo mãi bao giờ cá tơi hết
là được.
RUỐC
GÀ
Thăn gà luộc xé nhỏ.
Ướp muối rang, nước mắm trắng ngon rồi cho vào chảo rang như rang ruốc thịt lợn.
CÁCH
ĐỂ THỊT, CÁ TƯƠI
Thịt, hay cá tươi
muốn để được hàng tháng chỉ việc đem ngâm ngập vào một nồi mật mía.
Tản-đà tiên-sinh
biết được cách này do một tình cờ. “Ngày tiên-sinh ở quê nhà: Khê-Thượng. Tiên-sinh
có nuôi một đàn gà thiến bẩy con. Mà nhà ông cháu ở chung sân, có ruộng mía
đang kéo mật. Ngoài thềm nhà ông cháu có để đến một chục chum mật, lúc đạy lúc
bỏ ngỏ.
Thế rồi một hôm giữa
ban ngày đàn gà thiến của tiên-sinh bỗng thiếu mất một con. Cũng tưởng hàng xóm
có kẻ tham bắt thịt mất nên cũng thôi.
Tới một hôm, đến
hơn hai tháng nhà ông cháu dỡ cái chum mật thứ mười ra bán thì thấy con gà thiến
của tiên-sinh chết chìm trong đó. Lôi con gà ra, vẫn thấy như gà mới chết. Thằng
bộc của tiên-sinh tiếc rẻ đem vặt lông mổ luộc, ăn vẫn còn như gà tươi.
Tiên-sinh biết
chuyện, mới thử để cá thịt vào mật, quả nhiên không bị hỏng.
PHỤ-TRƯƠNG
CÁC
CÁCH LÀM DƯA, CÀ, TƯƠNG, MẮM, DẤM, TRỨNG MẶN
Tặng
hết thẩy các bạn nữ-lưu tân-tiến
N.T.
Trong thời kỳ ở
quê nhà: Khê-thượng (Sơn Tây), ngoài sự làm văn, viết báo, Tản-Đà tiên-sinh rất
để tâm đến vấn đề giáo-dục phụ-nữ trong họ. Mà Tiên-sinh chú trọng hơn hết về
việc nội trợ: bếp nước của phụ-nữ.
Mỗi lần có dịp Tiên-sinh
ngồi trông cho thằng bộc làm mắm, làm
rưa là Tiên-sinh cho đi gọi hết đàn
bà, con gái trong họ, dù là các vai trên, kẻ dưới đến để học cách thức của Tiên-sinh
làm.
Tiên-sinh dậy ngay
bằng cách thực-hành. Cũng bởi Tiên-sinh rất khéo và lễ-độ nên mọi người đều mến
phục.
Cũng nhờ Tiên-sinh
mà từ bấy tới nay, đàn bà, con gái trong họ kẻ viết tập này, không đến nỗi như
hai câu thơ của Đỗ-tang-Nữ dưới đây,
người bạn gái của Tản-Đà Tiên-sinh gửi tặng Tiên-sinh kèm với gói rau Sắng chùa
Hương từ 18 năm về trước:
…………..
…………..
Không đi xin gửi lại nhà
Thay cho dưa khú cùng là cà thâm…
Tản-Điệt
Nguyễn Tố
- 1942 -
RƯA CẢI MUỐI SỔI
(Muốis nghĩa là muối xong một lúc ăn
ngay)
Mua rau cải già về rửa sạch, thái ngắn
độ một đốt rưỡi tay. Đun nước âm ấm, cho muối vào đánh cho tan. Cho rau cải vào
vại con, đổ nước muối vào lấy cái vỉ đậy lên, lấy cái lọ đựng nước hay hòn đá
chẹn lên.
RƯA CẢI CÂY (Ăn tết)
Trước tết độ nửa tháng, mua cải cây
to về bấm gốc, chỗ già cắt bỏ đi. Rửa sạch, cheo lên giây thép phơi nắng một
ngày cho héo đi.
Lúc muối, cầm từng cây một, đặt lên
cái mâm, rắc muối vào lăn lăn cho muối nhận vào cây rau rồi xếp dần từng lượt một
vào vại to – liệu cho vừa muối.
Sếp hết rau có muối vào. Lấy một cái
vỉ đan cứng để lên rồi lấy cái cối đá con chẹn lên, đừng cho nước.
Độ mươi hôm thái bày vào đĩa ăn với
thịt mỡ, bánh chưng rất ngon.
RƯA HÀNH
Mua hành già về, cắt bỏ hết dọc, cắt
bỏ rễ, chỉ cắt rễ thôi, đừng cắt vào thịt hành, kẻo khi muối bị nát.
Đem ngâm do độ ba hôm, rửa sạch sẽ,
cho vào vạid muối từng lượt lên trên.
Một vại to hành thì cho độ ba bát muối.
Lấy vỉ đạy lên hành, chẹn đá lên thật
nặng, độ nửa tháng ăn được. Khi ăn bóc bỏ lần vỏ già và cắt núm rễ đi.
RƯA GIÁ
Mua độ một hào giá về rửa sạch, nhặt
bỏ mũ và rễ đi, cho vào cái liễn to.
Lấy độ hai bát nước lã, cho nửa thìa
muối, ít bột tẻ, chút đường, một miếng phèn chua nhỏ, chộn đều cho với giá. Đậy
một cái đĩa to lên, chẹn hòn đá con cho giá ngập nước. Độ hai hôm thì ăn được.
RƯA KHOAI
Cắt lấy giọc cây khoai sọ, bỏ chỗ già
đi, chỉ lấy những chỗ non, cắt 2 đốt tay. Đem ngâm nước gạo một đêm. Rồi rửa sạch,
cứ một rá con dọc khoai thì trộn một thìa muối. Muối cho vào một bát nước lã
đánh cho tan. Tưới đều vào dọc khoai, cho vào vại đậy vỉ lên chẹn đá.
Độ nửa tháng ăn mới hết ngứa. Chấm
tương hay mắm tôm chanh rất ngon.
RƯA BẮP CẢI
Mua bắp cải già về rửa sạch thái nhỏ,
đánh nước muối, cho vào muối như muối dưa cà xổi. Độ ba hôm ăn được.
RƯA HOA CHUỐI
Hoa chuối tức là cái bì chuối mua về
thái nhỏ vào chậu nước có đánh chút phèn chua cho hết rựa, vớt ra rửa sạch, cứ
3 cái hoa chuối thì cho nửa thìa muối vào bóp đều, cho vào cái liễn to lấy vỉ đậy
lên, chẹn một chai đựng nước lên.
Hai hôm thì ăn được.
RƯA KIỆU
Kiệu mua về cũng ngâm do như hành.
Song lúc muối cho ít muối hơn muối
hành.
Kiệu muối độ năm hôm đã ăn được.
RƯA CẦN
Rau cần già mua về, nhặt hết rễ, rửa
sạch cắt bỏ gốc, bỏ ngọn, bỏ lá. Thái vào ít dọc hành, vài ngọn rau răm. Cho
vào cái liễn bóp muối, đạy cái đĩa con lên trên, có thể ăn ngay được sau một giờ
đồng hồ.
RƯA RAU RIẾP
Rau riếp già, cắt bỏ chỗ cuộng đi. Rửa
sạch phơi se se. Để cả cây đem nhận muối và muối như rưa cải cây, cho ít muối
hơn.
Độ năm hôm ăn rất chua ngon.
RƯA GÓP
Đu đủ gọt vỏ thái miếng. Dưa chuột
thái miếng. Dưa gang thái miếng. Củ cải đỏ thái khoanh. Cuống bắp cải thái khoanh.
Hoa cải thái miếng. Đem chộn đều với muối, đường, tỏi dã, cho thêm tí dấm
thanh.
Độ một hôm ăn được.
RƯA GANG MUỐI
Rưa gang mua về rửa sạch, để nguyên cả
quả cho vào vại xếp từng lượt. Mỗi lượt lại rắc lên một lượt muối. Chẹn thật nặng,
không phải cho nước.
Cứ ngày đem để ra sân phơi nắng. Đêm
lại xếp vào vại muối.
Độ mười hôm như thế liền khi quả rưa
quắt mỏng lại đem ngâm tương. Lúc nào ăn lấy ra từng quả rửa bỏ tương đi thái
ra đĩa.
Nếu khi được phải ngâm vào tương, kẻo
không khí vào nhiều rưa sẽ nát hỏng.
HÀNH TÂY MUỐI
Mua những củ hành nhỏ, không phải
ngâm do. Lấy kim tiêm đều chung quanh. Cho vào cái liễn rắc muối đều từng lượt.
Đạy vỉ, rồi chẹn đá nặng lên trên.
Độ nửa tháng đem thái ăn, rất ngon.
CỦ CẢI
Mua củ cải về, cắt hết rễ, rửa sạch,
bổ đôi, để ngửa lòng miếng củ cải lên, mỗi miếng củ cải cho vào giữa độ một đồng
chinh muối. Xếp lần lượt vào vại, không phải chẹn.
Độ năm hôm ăn được. Đem ngâm tương
càng để được lâu, và ngon không kém cà-la-thầu của tầu.
CUỘNG BẮP CẢI
Lấy cuộng bắp cải, tước bỏ lần vỏ già
đi. Cắt răng cưa xung quanh cho đẹp. Cắt khoanh tròn như đồng tiền, dã gừng cho
vào, bóp muối cho vào bát. Để từ sớm đến chiều ăn là được.
SU-HÀO MUỐI
Su-hào mua về, cắt bỏ dọc, gọt rửa sạch.
Bỏ khía một đầu phía trên ra làm tư, dúm muối cho đầy vào bốn khe và lồi lên một
ít muối nữa (su-hào phải mặn muối khi ăn mới ròn, không bị nát).
Su-hào cho muối rồi cứ xếp từng củ một
vào vại, hết lượt nọ đến lượt kia không phải cho nước. Trên đạy cái vỉ thật cứng,
lấy cái cối đá nặng chẹn lên.
Độ một tuần lễ ăn được. Đem ra ngâm
vào lọ tương càng để được lâu.
MUỐI CÀ PHÁO
Hà
tươi cửa bể Tua-ran,
Long-xuyên
chén mắm, Nghệ-an đĩa cà.
(Thú ăn chơi, T.Đ.)
Cà pháo mua về, cắt hết cuống – cắt
cuống thôi, đừng cắt núm, vì cắt núm nhỡ sát vào thịt cà, khi muối sẽ nát và
khi chẹn đá hột cà sẽ phùi ra thì cà sẽ hỏng – Cứ mười đấu cà thì một bát rưỡi
con muối. Nếu muốn cho cà sẽ chua thì muối nhạt hơn: chỉ cho bát con muối vào
nước hơi âm ấm, đánh tan muối, đổ cả vào đạy vỉ, lấy đá chẹn nặng cho nổi nước
lên.
Độ tuần lễ đã ăn được.
Cà pháo Nghệ-An ròn, ngon nhất.
SUNG MUỐI
Lấy sung bánh tẻ về cắt hết cuống, rửa
sạch, muối cho vào nước ấm đánh tan, đổ sung vào, đạy vỉ chẹn đá nổi nước lên
như muối cà pháo.
Độ ba hôm đã ăn được. Ăn xung muối có
một vị bùi bùi rất ngon.
Muối nhạt có thể dùng nhắm rượu được.
MUỐI CÀ RỪA
Cà rừa mua thứ xanh vỏ, cầm quả cà thấy
nặng ngon hơn. Lấy tay bóc bỏ núm, đừng dùng dao sợ cắt vào thịt cà, quả cà nào
bị thủng thịt sẽ nát hỏng. Đem rửa sạch, để ráo nước. Bốc muối để đầy vào chỗ
lõm tai cà, xếp lần lượt vào vại. Không phải đổ nước. Lấy vỉ đạy lên, lấy cối
đá chẹn thật nặng. Muốn cho cà mặn thì cứ ba quả cà một thìa muối, muốn cà nhạt
và chua thì năm quả cà một thìa muối.
Độ mười lăm hôm trở đi thì ăn được.
LÀM TƯƠNG GẠO
(Tương phải làm vào tháng sáu ta mới ngon)
Lấy mười đấu gạo nếp cái, cho vào chõ
đồ sôi. Sôi chín dở ra cái nia có lót lá chuối lau sạch, để một hôm cho sôi thật
nguội, hôm sau mới dặt mỏng ra khắp nia, lấy một cút rượu trắng phun vào. Lấy
lá sen, lá nhãn đậy kín lên trên.
Mười đấu gạo thì ba đấu đỗ - Đỗ ngâm
nước độ nửa ngày, cho vào chõ đồ chín, để khô rồi đổ vào nồi rang rang nhỏ lửa
cho vàng – Rang ngay đỗ sống cũng được, nhưng có khi vì rang vụng, đỗ sống thì
tương sẽ kém ngon.
Đỗ rang rồi để nguội, cho vào chum đổ
nước lã (nửa chum) ngâm, tối đậy, ngày mở nắp ra phơi nắng.
Sôi dặt ủ độ bảy, tám hôm, phải thăm
luôn, khi thấy thứ mốc vàng vàng lên như hoa hoè là được. Nếu nếm nước đỗ chưa
ngọt thì đem sôi mốc cho vào một cái chậu, cho vào một hai bát nước muối, chắt
vài bát nước đỗ sang bóp đều để phơi nắng.
Độ tám chín hôm, khi nếm nước đỗ đã
ngọt thì chộn lẫn cả chậu mốc vào bóp đều với nước đỗ. Rồi trong cứ mười bát Tương
thì cho hai bát muối. Nhớ trừ số muối đã cho vào chậu mốc trước, kẻo mặn quá mất
ngon.
Mốc mà muối kỹ, tương có thể ăn ngay
được. Nếu mốc không muối thì năm hôm sau mới ăn được.
Muốn làm Tương sát như lối tương bần
thì chỉ việc vớt cái Tương (cả đỗ lẫn sôi mốc) sát vào một cái rá thưa, bỏ bã
đi rồi cũng đong mười tương, hai muối.
TƯƠNG NGÔ
Tương ngô làm khéo, ăn ngon hơn tương
gạo. Nhưng trước khi đồ sôi, phải đem say ngô nhỏ ra, ngâm nước một đêm rồi mới
cho vào chõ đồ. Đỗ cũng rang và ngâm như tương gạo. Cũng mười bát tương hai bát
muối.
Tương ngô sát kỹ trông đẹp hơn tương
gạo, nhưng phải để độ nửa tháng trở đi ăn mới ngon. Chum tương phải để ngoài
sân.
NƯỚC MẮM CÁY
Mua con cáy về, cho vào cái chậu nước
to, ngâm cho cáy nhả hết nước bẩn. Bóc bỏ hết yếm và mồm cáy cho khỏi hôi. Vớt
ra rổ, để ráo nước, rồi cho vào cối dã thật nhỏ, bốc vào các chĩnh. Cứ mười bát
cáy dã, cho bốn bát muối, chộn đều, để một tháng, cho nước lã vào quấy lên, đổ
cả bã vào nồi đun sôi kỹ. Lọc, cho vào chai, càng để lâu ăn càng ngon.
NƯỚC MẮM SƯỜN
Sườn lợn mua về chặt nhỏ, cho vào
rang thật ròn cả xương lẫn thịt, đem ra giã nhỏ, đổ nước sôi vào ngâm với muối.
Độ dăm hôm cho vào cái chảo và cho độ nửa bát nước hàng. Đun sôi kỹ, lọc cho
vào chai. Nước mắm sườn làm khéo, ăn ngon, thơm hơn nước mắm cá mua ngoài.
MẮM CÁ THU
Ở vùng bể, mới mua được cá tươi. Cá
tươi mới làm mắm được. Mua cá về mổ sạch sẽ, bỏ đầu đuôi, xương sống, pha ra từng
miếng, ướp muối, rượu, thính cho vào cái chĩnh, bịt kín, chôn xuống đất độ ba
tháng đem lên mới ăn được.
MẮM THUỶ TRẦN
Thuỷ trần tức là con duốc, vùng bể mới
có. Người ta vớt ở nước mặn lên, trông như cám. Chỉ tháng một ta mới là mùa. Cứ
để nguyên không phải rửa lại. Đong mười bát duốc thì cho hai bát muối, một cút
rượu trắng, một bát thính trộn đều.
Có tên là thuỷ trần vì nó nhỏ như bụi
nước.
Để độ một tháng mắm đỏ như phẩm hồng,
đem ra ăn với các thứ rau thơm, giềng khế, thịt dọi luộc… như các thứ mắm khác.
Người ốm không nên ăn vì rất độc. Ăn vào có thể thành bệnh phù ngay.
MẮM RƯƠI
Rươi mua về, mua nước rươi thứ hai,
làm mắm mới ngon. Nhặt hết rác bẩn, rửa qua một lần nước lã, để cho ráo.
Vỏ quýt thái nhỏ, giềng giã nhỏ, một
bát thính. Rồi cứ đong mười bát rươi thì cho hai bát rưỡi muối. Đổ vào cái liễn,
lấy đũa cả đánh thật kỹ. Cho vào lọ bịt kín, đặt cạnh bếp do, nắng thì đem cả lọ
ra sân phơi.
Để độ tháng rưỡi thì ăn được.
MẮM TÔM RẢO
Tôm rảo là tôm to bằng ngón tay. Mua
về lấy kéo cắt hết râu, đuôi, chân. Bóp bỏ cái đốm đen ở đầu đi. Rửa sạch để
ráo nước.
Mười bát tôm thì cho một bát muối. Nửa
bát thính, một miếng giềng bằng ngón chân cái giã nhỏ, nửa cút rượu trắng, chộn
đều cho vào lọ, lấy vài cái lá mít tươi phủ lên đạy cái vỉ ép xuống.
Cho vào lọ bịt kín, để bên bếp. Độ nửa
tháng ăn được.
MẮM TÔM RIU, TÔM GẠO
Tôm riu, tôm gạo là thứ tôm con, người
ta còn gọi là tép (bé như cái tép).
Mua về nhặt hết các con bọ nước, cất
vó, niễng con, cá con đi. Rửa sạch.
Cứ mười hai bát tôm con thì cho hai
bát muối. Một cút rượu, một bát thính, trộn đều cho vào lọ bịt kín.
Độ một tuần lễ ăn được. Ngoài hai
mươi hôm mà ăn chưa hết, mắm sẽ sác, kém ngon.
MẮM CÁ LÀNH-CANH
Cá lành-canh hơi giống cá mương, mình
mỏng và dài hơn. Mổ bỏ ruột, chặt bỏ đầu đuôi, đánh vảy kỹ, rửa sạch (Cần bỏ đầu,
vì để đầu mắm sẽ sạn).
Để ráo nước, đong mười bát cá, cho một
bát muối, một xu giềng dã nhỏ, một bát thính, trộn đều. Cho vào lọ bịt kín,
chôn xuống đất.
Độ một tháng mắm ngấu mới ăn được.
MẮM CÁ NGẦN
Cá ngần cũng bé con như lành-canh.
Nhưng nó trắng và trong xuốt, bóp ruột, rửa sạch. Cũng muối như cá lành-canh. Độ
mười lăm hôm ăn được.
MẮM CÁ RÔ
Cá rô con bằng hạt bưởi. Đánh vảy kỹ,
mổ bỏ ruột, để cả đầu. Cũng mười bát cá một bát muối; thính, giềng rượu, như muối
cá ngần. Cho vào lọ bịt kín chôn xuống đất để độ ba tháng, thì ăn được.
Khi ăn, xương cá sẽ mềm y như ăn cá hộp.
TƯƠNG MƠ
Mua mơ về rửa sạch, cho vào chõ đồ
chín như đồ sôi. Mơ đã chín, đem ra sát lên một cái rá mau, cho nước bột mơ xuống
cái liễn, bỏ bột và bã đi.
Cứ trong mười bát nước mơ cho nửa bát
muối, đánh cho đều. Để cả liễn phơi nắng độ mươi hôm, đem cho vào chai, nút kỹ,
cất đi ăn dần.
TƯƠNG: SẤU, DỌC, CÀ CHUA
Tương sấu, dọc, cà chua cũng làm đúng
như tương mơ.
Sấu, dọc, cà chua cũng xát bỏ hột, vỏ
đi. Mỗi khi xào hay nấu riêu cho vào một tí, rất ngon.
CAO CHANH
Mua chanh to về, bổ đôi, vắt ra bát,
lọc qua một lần vải cho hết hột, hết tép múi đi. Cứ mười quả chanh thì cho nửa
thìa muối. Đổ ra đĩa tây phơi nắng. Khi đặc lệt sệt lại, đem đổ vào chai, nút
kín ăn dần. Nhớ cho vừa muối. Nếu cho nhạt muối quá cao chanh sẽ mốc, hỏng
không ăn được.
TRỨNG MẶN MUỐI NƯỚC
Mua trứng, cần lắc quả nào không úc-ắc
muối mới tốt.
Một trăm quả trứng thì cho ba đấu muối
vào nồi đun sôi. Bắc ra, để nguội nước.
Trứng sếp vào vại, đổ nước muối lên
trên; đổ nước muối ngập trứng, nếu cạn hở trứng thì lại đun thêm độ một bát muối
đổ vào. Trứng hở nước muối sẽ hỏng. Độ một tháng trở đi đem luộc ăn cơm rất
ngon.
TRỨNG MẶN MUỐI DO
Cũng phải trọn trứng cẩn thận. Lấy
cái sàng, sàng do nhỏ vào cái chậu. Nếu một trăm quả trứng thì cho vào bốn đấu
muối; đổ tí nước ngào muối tan ra với gio, lệt sệt như bùn, rồi đem nắm ra
ngoài kín quả trứng. Xếp vào cái nồi hay cái chậu để hai tháng mới ăn được.
LÀM DẤM BÚN
Lấy một liễn nước luộc bánh chôi về,
mua độ hai xu bún thả vào ngâm, độ mươi hôm đem lọc ra ăn, dấm sẽ chua như dấm
thanh.
LÀM DẤM VẢI
Quả vải ngon bóc lấy múi, độ hai chục
quả, thả vào liễn nước lã ngâm, cho thêm vào một cốc con rượu. Đạy kín, để một
chỗ, cứ hai hôm lại cho vào một cốc con rượu.
Độ một tuần lễ, dấm sẽ ăn được và
ngon không kém gì dấm Tây.
DẤM CHUỐI TIÊU
Bóc vỏ độ ba quả chuối tiêu chín kỹ,
cho vào liễn nước lã ngâm, mỗi ngày cho một cốc con rượu vào, đạy kín. Độ mươi
hôm thì ăn được.
1940 – 1942
NGUYỄN TỐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét