Trần Đình Hượu
BÀI 2
NGHIÊN
CỨU CÁC HỆ TƯ TƯỞNG NHO PHẬT ĐẠO
TỪ GÓC
ĐỘ LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG VÀ ĐẠO ĐỨC HỌC
…Nội dung chính tôi muốn trình bày hôm nay là
cách đặt vấn đề, cách quan niệm vấn đề Nho, Phật, Đạo trong việc nghiên cứu
lịch sử tư tưởng và lịch sử đạo đức học hay đạo đức học Việt Nam. Những vấn đề
nội dung ba hệ tư tưởng đó, nếu cần thì ta nói sau. Và tôi nghĩ có nói các vấn
đề đó thì mỗi vấn đề như thế cũng phải nói dài vì mỗi người chúng ta đều đã có
nghiên cứu các vấn đề đó nhưng hiểu khác nhau. Trình bày ý riêng thì phải có
biện giải. Vì anh Tương Lai muốn chúng ta hợp tác và phân công soạn thảo những
công trình chung cho nên việc nghe ý kiến của nhau, thảo luận với nhau là rất
cần thiết. Nhưng chuyện đó chưa phải là nội dung tôi định trình bày hôm nay.
Mấy vấn đề chính tôi định nói là:
· Vấn đề ý thức hệ truyền thống và việc nghiên cứu xã hội và con
người Việt Nam.
· Đặc điểm phát triển về ý thức hệ ở Việt Nam.
· Nho giáo ở vị trí chi phối trong ý thức hệ của ta trước đây.
· Vấn đề Tam giáo trong lịch sử tư tưởng.
· Vấn đề Tam giáo trong đạo đức học và lịch sử đạo đức học.
· Tìm tiền đề khoa học cho việc cải tạo, giáo dục để xây dựng con
người mới Việt Nam.
I - VẤN ĐỀ Ý THỨC HỆ TRUYỀN THỐNG VÀ VIỆC NGHIÊN CỨU
XÃ HỘI VÀ CON NGƯỜI VIỆT NAM
Lâu nay ta vẫn đặt ra
việc nghiên cứu tư tưởng Nho, Phật, Đạo, tư tưởng cha ông trong văn học dân
gian, nhưng là đặt ra để tìm hiểu quá khứ. Vấn đề là liệu những cái đó có phải
chỉ có ý nghĩa với lịch sử, với quá khứ? Còn đối với hiện tại ? Đối với tương
lai? Gần đây, không ít hiện tượng mang dấu hiệu "tái sinh" của xã hội
cũ, con người cũ. Hiện tượng "tái sinh" như vậy xuất hiện không chỉ ở
những người già nua, những người ít được giáo dục, có khi bắt ta nghĩ rằng công
phu giáo dục tư tưởng của ta là lớp sơn dễ "tróc" ở bên ngoài. Nói
cách khác, chúng ta chưa hiểu biết xã hội cũ, con người cũ để làm cho nội dung
giáo dục tư tưởng XÃ HộI CHủ NGHĨAvào sâu hơn, bền hơn. Những công trình Lịch
sử tư tưởng, Lịch sử đạo đức học về ý nghĩa thực tiễn có nhiệm vụ đáp ứng đòi
hỏi đó. Nhưng chúng ta phải làm gì ? Và làm được những gì ?
Ở các nước đã phát triển
khác, để xây dựng thế giới quan và phương pháp luận Mác - Lê nin, người ta
chống tư tưởng tư sản, hệ tư tưởng đối địch và có thật ở đó. Ở nước ta, trước
chủ nghĩa Mác, trong cả xã hội chưa lưu hành phổ biến tư tưởng tư sản. Không
chỉ ở nông thôn mà ở các thành phố, lối sống tư sản, tư tưởng tư sản cũng mới
chỉ là váng bọt nổi trên bề mặt. Trong cả xã hội, cái bền gốc, sâu rễ là lối
sống và tư tưởng của người nông dân, của nhà Nho. Phần kết tinh thành hệ tư
tưởng của nó là Tam giáo: Nho, Phật, Đạo. Chống tư tưởng Nho, Phật, Đạo thì ta
chưa làm gì và làm thì cũng không đơn giản. Trước hết, những thứ đó khá hỗn tạp
mà ta hiểu ít quá. Hơn thế, ta nhấn mạnh cái tốt của truyền thống, ít chú ý nói
cái dở của nó, mà truyền thống thì lại có quan hệ nhiều với Nho, Phật, Đạo. Cứ
xem trong các "vì sao đất nước", có đến mấy nhà Nho và trong những
con người đó, chúng ta ca ngợi những nét gì có dáng dấp Nho thì đủ rõ.
Nho, Phật, Đạo vốn là
cái được đưa từ ngoài vào. Cái gốc ở Ấn Độ, Trung Quốc thì có nhiều sách vở nói
đến. Nhưng cái Nho, Phật, Đạo thực tế phát triển ở Việt Nam, cái được người
Việt Nam nhận thức, cái ta cần biết, thì lại chưa ai viết, và gay hơn nữa là
không có mấy tư liệu để nghiên cứu. Không hiểu nó là thế nào thì cũng khó viết
lịch sử của nó, khó chống nó.
Trước đây ít người chú
ý, ít người theo dõi. Nay bắt đầu chú ý thì đâu cũng làm và làm như nhau. Ngay
ở đây, trong một Viện Triết học, Ban Lịch sử tư tưởng và Ban Đạo đức học đều
đặt nhiệm vụ nghiên cứu Nho, Phật, Đạo - và đặt như vậy là cần thiết, không đặt
không được. Nhưng cũng chừng ấy người, ngồi cùng chỗ này, liệu có lại nói chừng
ấy chuyện không? Lịch sử tư tưởng và lịch sử đạo đức học sẽ nghiên cứu Nho,
Phật, Đạo khác nhau như thế nào? Phải nói đến một cái khó của thực tế: trong
bản thân các hệ tư tưởng đó - nhất là trong Nho giáo - đạo đức hay triết học
cũng lẫn lộn, khó tách bạch rạch ròi. Cho nên những người viết lịch sử tư tưởng
ở Trung Quốc khi trình bày lịch sử các học thuyết chính trị, lịch sử các học
thuyết đạo đức, lịch sử tư tưởng cũng thường có chỗ dẫm đạp lên nhau, trùng lặp
với nhau.
Tình hình không tách
bạch rạch ròi như thế cũng có cơ sở từ thực tế phát triển kinh tế - xã hội.
II - ĐẶC ĐIỂM PHÁT TRIỂN VỀ Ý THỨC HỆ Ở VIỆT NAM
Tôi muốn nói về đặc điểm
lịch sử phát triển chứ chưa phải đặc điểm nội dung tư tưởng và cũng là những
nét chung nhất.
1. Việt Nam là một vùng
văn hóa cổ, tuy chưa có một nền văn minh rực rỡ - nhất là về tư tưởng - như các
vùng Ai Cập, Ấn Độ, Hy Lạp, Trung Quốc... Nếu có thì ta cũng chưa có đủ chứng
cứ để nói, nhất là về tư tưởng.
2. Sống trong những điều
kiện thiên nhiên khắc nghiệt, lại phải đối phó với nguy cơ thường trực là nạn
ngoại xâm từ phía Bắc. Mối lo hàng đầu là đoàn kết để tương trợ, để chống ngoại
xâm, là cự Bắc, bám trụ và Nam tiến. Không những cuộc sống là cực căng thẳng mà
việc định cư thành làng chặt chẽ và kiên cố làm cho con người quan tâm đến
những chuyện thiết thực, ít mơ mộng, bay bổng, không có hứng thú nhiều với các
vấn đề siêu nhiên, trừu tượng. Thần thoại, tôn giáo, triết học đều không phát
triển. Những vấn đề có tính triết học tự mình không đặt ra mà khi tiếp xúc cũng
không có hứng thú tìm hiểu, tiếp nhận.
3. Ở giữa hai nền văn
minh lớn là Ấn Độ và Trung Hoa, lại có điều kiện giao thông đường biển thuận
lợi nên tiếp xúc sớm, chịu ảnh hưởng sớm. Đầu tiên là với văn hóa Ấn Độ, nhưng
về sau quan hệ với Trung Quốc trực tiếp và thường xuyên nên ảnh hưởng Trung
Quốc lấn át ảnh hưởng Ấn Độ. Có thể nhìn điều đó như một sự chuyển vùng từ Đông
Nam Á sang Đông Á, trở thành đồng văn với Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản. Một
chứng cớ rõ nét là Phật giáo dầu là ảnh hưởng đến từ phía Nam và phía Tây nhưng
dần dần chỉ còn một xu hướng là Thiền tông (kết hợp với Tịnh độ và Mật tông) từ
phía Bắc.
Ảnh hưởng Trung Quốc khá
sớm, liên tục (kể cả thời độc lập) qua nhiều thời kỳ (không chỉ thời Bắc thuộc
mà cả từ Tổng, Minh, Thanh và sau đó). Đến thế kỉ XX, phong trào Duy tân chịu
ảnh hưởng Khang - Lương hơn là châu Âu, tư tưởng Mác - Lênin cũng có một phần
không nhỏ tiếp nhận qua sách báo Trung Quốc nhiều hơn là qua Liên Xô hay Pháp.
Tư tưởng Tôn Dật Tiên cũng không phải không có ảnh hưởng một thời.
Hình như về tư tưởng -
chứ không phải là tất cả (đặc biệt là cái đẹp) - thì nếu được chuyển dịch sang
hình thức Trung Quốc, người Việt Nam tiếp nhận có dễ dàng hơn. Điều đó tất
nhiên cũng không phải là bất biến đối với mọi thế hệ, nhưng lại rất có ý nghĩa
khi bàn về cung cách suy nghĩ của ta.
4. Các hệ tư tưởng ít
nhiều có hệ thống chặt chẽ như Nho, Phật, Đạo, Âm dương, Ngũ hành... đều từ
ngoài vào, nhưng chịu sự quy định của nhu cầu thực tế bản địa, được lựa chọn
cho thích hợp với nhu cầu thực tế bản địa mà ít nhiều biến dạng. Biến dạng theo
cách nào và đến mức nào thì còn là vấn đề (đơn giản hóa, bỏ những cái phiền
toái khắt khe... như chúng tôi đã có dịp nói hay cấu trúc lại như ý anh Hà Văn
Tấn). Cái có ý nghĩa chi phối là nhu cầu đoàn kết chống ngoại xâm và điều đó
tạo ra cái "sợi chỉ đỏ" là yêu nước, như ý kiến Giáo sư Trần Văn
Giàu.
Tình hình đó cùng với
thực tế kinh tế - xã hội, cùng với tình hình phát triển học thuật, kỹ thuật đẻ
ra một số đặc điểm hoặc về phương hướng phát triển, hoặc về nội dung tư tưởng.
a) Không có ai có hứng
thú đi vào những vấn đề tư tưởng triết học. Chưa có tác phẩm, tác giả chuyên về
tư tưởng triết học. Những người mà ta phải tính là các nhà tư tưởng như Nguyễn
Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm, Phan Bội Châu, Phan Châu
Trinh... đều là như vậy.
Loại hình chính là những
nhà hoạt động nhà nước, những người làm văn học, học thuật (chủ yếu là sử học),
trong hoạt động chính trị, học thuật hay nghệ thuật của mình đề cập đến những
vấn đề tư tưởng.
Những ông thầy khi giảng
kinh, sử cũng bàn những vấn đề tư tưởng, mà nhiều khi chính những ông thầy đó
lại nói tư tưởng nhiều hơn, nói nhiều nhưng là nói lại, có hay không sửa chữa
chút ít.
b) Ở đây chưa hình thành
mối quan hệ tác động tương hỗ giữa khoa học kỹ thuật và triết học, tức là triết
học làm cơ sở lý luận cho khoa học và phát triển theo sự phát triển của khoa
học. Khoa học kỹ thuật của một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu chưa có nhu cầu
xét duyệt lại cơ sở triết học, những cái du nhập từ ngoài vào. Có thay đổi thì
cũng chỉ là lấy, bỏ, thêm, bớt - lấy bỏ,thêm bớt từ những cái có sẵn trong và
ngoài từng hệ thống.
Cái có tác động đến tư
tưởng, triết học ở đây là cuộc sống. Cái bắt người ta suy tư nhiều là lẽ phải,
quy phạm sống, lý tưởng sống... Trong các bộ môn học thuật cũng chỉ có sử học,
trong các bộ môn nghệ thuật chỉ có văn học, là phát triển. Quan điểm trong các
vấn đề sử học, văn học cũng thành một đòi hỏi với tư tưởng.
Nhìn chung, tư duy lý
luận không phát triển. Những vấn đề nhận thức, lô gích, phương pháp không được
bàn bạc. Ở đây phát triển một cách tư duy thực tiễn nhằm không phải vào sự
chính xác mà sự hợp lý (phải khoảng). Cái ngự trị ở trong nhiều phạm vi là một
cái lý - lẽ phải thông thường.
Triết học không tách
khỏi tôn giáo, học thuật.
c) Tuy Nho giáo từ thế
kỉ XV đã có địa vị độc tôn nhưng không có hệ tư tưởng nào chi phối toàn diện và
triệt để. Không có hệ tư tưởng nào thật sự phát triển. Không có một người nào
theo triệt để, có tư tưởng nhất quán theo một hệ tư tưởng nào đó. Trong toàn xã
hội cũng như trong từng người, thường có tình trạng kết hợp, dung hòa. Thực tế
kết hợp, dung hòa đó đề ra những hệ quả có ý nghĩa quan trọng: phân công, phân
vùng, làm cho các vùng, các tầng lớp, các phạm vi chịu ảnh hưởng Nho, Phật,
Đạo, Âm dương, Ngũ hành... khác nhau. Tôi nói vùng, là chú ý sự phân biệt các
vùng văn hóa phát triển sớm hay chậm, như vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã,
vùng Hoan Diễn, vùng Thuận Quảng, vùng Gia Định, đất Đàng Trong và Đàng Ngoài...
Thực tế dễ thấy là ở miền Nam ảnh hưởng Nho giáo yếu hơn miền Bắc, ảnh hưởng
Phật giáo ở miền Nam mạnh hơn miền Bắc, và ảnh hưởng Nho giáo mạnh hay yếu kéo
theo những hệ quả nhất định. Các tầng lớp cũng chịu ảnh hưởng mạnh hay yếu khác
nhau: tầng lớp cầm quyền khác với dân, và trí thức khác với dân lao động. Sự
phân biệt ở đây có tính đẳng cấp hơn giai cấp, và nhà Nho không thuộc giai cấp
cầm quyền. Ảnh hưởng Tam giáo cũng khác nhau ở các phạm vi.Trong phạm vi chính
trị, xã hội, học thuật - nhất là chính trị - Nho giáo chi phối mạnh mẽ. Trong
phạm vi phương kỹ, Âm dương, Ngũ hành chi phối; tuy Âm dương, Ngũ hành đã nhập
vào hệ thống tư tưởng Nho giáo (Kinh Dịch), nhưng ảnh hưởng trong phương kỹ thì
hình như độc lập với tư tưởng Nho giáo. Trong phạm vi nghệ thuật và trong cách
sống thì cả các nhà Nho lớn nhất cũng dung hòa, có khi lại thích thú tư tưởng
Phật, Lão - Trang hơn cả tư tưởng Nho gia.
Tình trạng phân công,
phân vùng như vậy tạo ra trong thực tế thái độ khoan dung, không cuồng tín,
nhưng đồng thời cũng dễ nửa vời, không triệt để, ít nghi ngờ, tìm thỏa hiệp chứ
không tìm ra lẽ.
d) Lịch trình tiến hóa
của tư tưởng là một lịch trình trầm tích, cái mới được chất thêm vào kho chung
với cái cũ, không trải qua cách mạng tư tưởng, cái mới ra đời phủ định cái cũ,
tạo thành ranh giới rạch ròi giữa những giai đoạn phát triển tư tưởng. Tình
trạng từ đầu cho đến hết thế kỉ XIX là như vậy.
Thực ra trong lịch sử
cũng có ba lần có bước ngoặt:
- Từ những tín ngưỡng
bản địa tiếp nhận các hệ tư tưởng Trung Quốc.
- Nho giáo thay cho Phật
giáo (thế kỉ XIV - XV).
- Gia nhập vào thế giới
cận - hiện đại, tiếp nhận những hệ tư tưởng phương Tây.
Lần thứ nhất, do tác
động của việc xâm lược và đô hộ của phong kiến Trung Quốc. Lần thứ hai, việc
lựa chọn Nho giáo thay cho Phật giáo, xảy ra trong thời nước nhà toàn thịnh,
không phải bị đồng hóa vì áp lực mà là chủ động lựa chọn, phản ánh tình hình
quốc gia thống nhất, chính quyền tập trung, đi đến chuyên chế sau những chiến
thắng vang dội: thắng Tống, thắng Nguyên, thắng Minh. Lần thứ ba, do việc nước
ta biến thành thuộc địa nửa phong kiến, có cơ sở kinh tế - xã hội khác trước
(thành thị, công thương nghiệp, tư bản chủ nghĩa, thị dân...) và có sự tiếp xúc
trực tiếp với văn hóa hiện đại châu Âu.
Về căn bản, trong lịch
sử chưa xảy ra một sự thay đổi đến nền móng sự sản xuất, tổ chức xã hội, văn
hoá, học thuật. Tôi nói cả văn hóa, học thuật, vì khi còn học theo, bắt chước,
nói lại thì chưa gây ra tác động sâu từ khoa học sang triết học, không tạo ra
cách mạng trong tư tưởng. Đầu thế kỉ XX, do tiếp xúc với thế giới, do hoàn cảnh
bị kéo vào quỹ đạo chung của thế giới hiện đại mà chúng ta đi từ loại hình tư
tưởng phương Đông sang loại hình tư tưởng phương Tây, từ yêu nước mà những nhà
Nho chịu duy tân (Nguyễn Thượng Hiền, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh...), mà
Nguyễn Ái Quốc có thể trong những hoàn cảnh rất đặc biệt, đi từ chủ nghĩa yêu
nước đến chủ nghĩa Lê nin.
Từ những điều đã nói ở
trên, có thế kết luận:
1. Do những đặc điểm
hoàn cảnh hoặc là địa lý, hoặc là sản xuất, tổ chức xã hội, hoặc là ảnh hưởng
của các hệ tư tưởng được du nhập, nhất là do trình độ phát triển khoa học kỹ
thuật, ở ta chưa có cách mạng tư tưởng, ý thức hệ tồn tại ở dạng hỗn tạp
(trầm tích, dung hòa, không nhất quán, không triệt để). Điều này vừa có ý nghĩa
khi tìm hiểu lịch sử vừa có ý nghĩa khi bàn về cung cách tiếp thu, cung cách
suy nghĩ của người Việt Nam.
2. Cuộc sống và nền khoa
học kỹ thuật của ta trước đây chưa có nhu cầu đặt ra giải quyết nhiều vấn để,
lại bị ảnh hưởng của phương hướng "thiết thực" nên tư tưởng có xu
hướng bị đơn giản hóa. Đơn giản hóa có khi là tốt, nếu nó lược bỏ những cái
phiền toái, khắt khe, nhưng cũng có khi là dở, vì cái bị lược bỏ là những chỗ
sâu sắc, tinh vi, khó hiểu và một điều cũng thường thấy trong tư tưởng là ở
những chỗ phiền toái, khắt khe thường chứa đựng một vấn đề giải quyết chưa
đúng; vứt bỏ cái phiền toái cũng vứt bỏ mất cả vấn đề.
3. Nên chú ý đến vùng,
tầng lớp, phạm vi, mà nhìn hướng chủ đạo trong cái hỗn tạp.
Trong phạm vi tư tưởng
nói chung, trong tâm lý xã hội thì tư tưởng yêu nước chi phối khá mạnh mọi suy
nghĩ. Tư tưởng yêu nước thành một thứ đạo lý sống, như Giáo sư Trần Văn Giàu
nói. Nhưng trong phạm vi chính trị, trong phạm vi học thuật, trong phạm vi nghệ
thuật, phương kỹ, thì tư tưởng Nho, Phật, Đạo, Âm dương, Ngũ hành, dưới sự chỉ
đạo của Nho giáo, thành một thứ kết hợp làm cái lõi của tư tưởng. Ngay cả cách
ứng xử xã hội cũng chịu ảnh hưởng khá sâu của các hệ tư tưởng đó.
Cho nên, nói lịch sử tư
tưởng, Lịch sử Đạo đức học thì không thể lấy tư tưởng yêu nước trùm lên tất cả
mà có lẽ phải nghiên cứu hình thức Tam giáo trong môi trường của chủ nghĩa yêu
nước đó, nói cách khác, là những luận đề của Tam giáo được điều chỉnh thế nào để
thích hợp với thực tế đấu tranh ở nước ta. Đây không phải là chuyện "triêu
tam mộ tứ" và "mộ tứ triêu tam" mà là chuyện ta bàn ở phạm vi tư
tưởng học thuật chứ không phải ở phạm vi tâm lý xã hội, nơi phải làm rõ nội
dung những khái niệm, những phạm trù, những luận điểm, những tư tưởng thành hệ
thống, chứ không phải những thiên hướng, những nếp suy nghĩ...
Những đặc điểm ta vừa kể
còn đúng cho đến khi ta tiếp thu tư tưởng Mác - Lê Nin và ảnh hưởng đến cách
tiếp thu tư tưởng Mác - Lênin.
III - NHO GIÁO CHIẾM ĐỊA VỊ CHI PHỐI
Khi nói những đặc điểm
phát triển ở trên ta cũng có thể thấy xu hướng Nho giáo hóa và trong lịch
sử thì từ thế kỉ XV trở đi Nho giáo được coi là độc tôn. Tuy không phải là đi
lên theo một đường thẳng nhưng rõ ràng ở thế kỉ XIX, nó được đẩy đến mức cực
đoan hơn cả thời Lê sơ. Cho đến cuối thế kỉ XIX, trong chính trị, tư tưởng, học
thuật, vị trí hàng đầu vẫn thuộc về Nho giáo. Khi chỉ mới có Tam giáo, vị trí
chi phối vẫn thuộc về Nho giáo. Tôi không thể trình bày vấn đề này bằng nội
dung của sự chi phối đó, vì làm như vậy thực chất là trình bày cả lịch sử tư
tưởng Việt Nam. Cho nên dưới đây tôi chỉ đề cập một ít khía cạnh, chủ yếu là để
lưu ý trong sự định hướng.
1. Nhìn vào tài liệu
thành văn, dầu là chính trị, học thuật hay văn nghệ, tư tưởng Âm dương, Ngũ
hành không còn tồn tại độc lập mà nhập vào Kinh Dịch của Nho gia. Phật giáo, tư
tưởng Lão - Trang hay Đạo giáo, dầu là tôn giáo hay triết học cũng bị đẩy lùi
xuống hàng hai, có khi thành phụ thuộc, phụ gia cho tư tưởng Nho giáo.
2. Còn lại quan hệ giữa
Nho giáo và tư tưởng bản địa. Có người nói xu hướng tư tưởng của ta là phi Hán
hóa chứ không phải Hán hoá. Phi Hán hóa về tư tưởng cũng có nghĩa là phi Nho
giáo. Có người nói tư tưởng Việt Nam cũng là Nho giáo, nhưng Nho giáo Việt Nam
khác Nho giáo Trung Quốc, nhân nghĩa Việt Nam khác nhân nghĩa Trung Quốc.
Nho giáo từ Trung Quốc
vào đây đã bị Việt hóa, bị tư tưởng bản địa đồng hóa... Nhiều người hình dung
tư tưởng bản địa đó rất phong phú, rất mạnh và chỉ con đường tìm nó trong văn
học dân gian. Nói như vậy thì "thuận tai", dễ vừa lòng nhiều người,
tôi nghe cũng sướng bụng. Nhưng thực tế có đúng thế không?
Lịch sử của ta là lịch
sử chống xâm lược từ phương Bắc, nhưng khi giành được tự chủ thì phải tiếp thu
tổ chức hành chính có sẵn, lại không có mô hình tổ chức nhà nước, xã hội nào
khác ngoài mô hình Trung Quốc. Cứ nhìn quan chế, luật lệ, cách học hành thi cử
cho đến cả nghi lễ, thể thức giấy tờ... của các triều đại, từ Lý, Trần đến đời
Nguyễn - tôi kể những triều đại thực sự có tư thế độc lập - thì đủ rõ ảnh hưởng
văn hóa Hán lớn đến mức nào. Ta chống Trung quốc về mặt đó là kẻ xâm lược,
trong tâm lý xã hội, dân ta có ghét “chú chiệc”, nhưng đối với văn hóa Trung
Quốc thì vẫn coi là cao hơn, vẫn muốn học tập và mong ta sánh được với họ. Ta
vẫn coi chữ Hán là chữ ta, thánh hiền Nho gia là chung cho tất cả. Nho giáo đã
được các triều đại độc lập đưa lên địa vị chính thống, nó đi vào cuộc sống, đi
vào tâm hồn, từ triều đình đến làng xã, đến gia tộc, gia đình, từ chính trị đến
văn hóa.Ý thức hệ chính thống tác động không chỉ đến giai cấp thống trị mà đến
toàn bộ xã hội. Cho nên, không nên bỏ qua thực tế là, trong suốt thời kỳ độc
lập trước đây, lòng yêu nước, tự hào dân tộc không hướng vào chỗ đoạn tuyệt, cự
tuyệt Nho giáo mà cố gắng tham gia bình đẳng với Trung Quốc trong Tư văn, trước
thánh hiền của Nho giáo. Cứ đọc văn chương của ta từ Nguyễn Trãi đến hết thế kỉ
XIX thì đủ rõ xu hướng chung đó.Tất nhiên, cái Nho giáo ở Việt Nam có những chỗ
khác Nho giáo Trung Quốc, nhưng khác đến mức nào, theo cách nào? Được cấu trúc
lại hay chỉ đơn giản hóa? Đã thay đổi tinh thần, thực chất, hay vẫn giữ nguyên?
Đó là kết quả của quá trình Việt hóa hay là một chặng đường chưa thành thục của
Hán hóa? Cũng có khi Việt hóa mà là theo vết chân Hán hóa ?...
Tôi hoàn toàn không có ý
định lập dị, dại dột mà lập dị ở đây. Tôi muốn lưu ý đến một khía cạnh thực
tiễn của việc nghiên cứu Nho giáo, nghiên cứu Tam giáo ở ta: Nghiên cứu không
chỉ để hiểu quá khứ, mà còn để hiểu hiện tại, tương lai, một điều rất cần thiết
cho lịch sử tư tưởng và lịch sử đạo đức học.
Ai cũng thấy trong lịch
sử của nó, Nho giáo khá trường thọ, ít thay đổi và ít luận địch, có tài thu xếp
êm đẹp với các thuyết đối địch. Rõ ràng không phải vì nó cao sâu. Nho giáo muốn
học thuyết của mình nói cái giản dị, bình thường, trung dung chứ không phải cái
cao sâu.
Cái làm Nho giáo trường
thọ chính là ở chỗ nó có khả năng tổ chức nhà nước và xã hội cho chế độ chuyên
chế (quốc gia thống nhất trên cơ sở làng - họ và gia đình). Trật tự xã hội do
nó lập ra có vẻ đơn giản nhưng chặt và có sức thuyết phục, hấp dẫn, vì có dáng
vẻ hợp lý, tự nhiên (tam cương, ngũ thường). Nó xây dựng một thể chế kinh tế -
chính trị - xã hội, đào tạo những mẫu người (vua, quan, kẻ sĩ, dân) và một nền
văn hóa: tất cả những cái đó phát huy tác động tương hỗ mà bảo vệ chế độ chuyên
chế. Nếu ta dùng một khái niệm là xã hội Nho giáo hóa thì những cái mà Phan Châu
Trinh phê phán gay gắt trong bài “Đề tỉnh quốc dân ca” về những chỗ tệ hại của
xã hội Việt Nam, con người Việt Nam, như chuộng danh vị mà không chuộng thực
nghiệp, thích làm kẻ cả, làm học sĩ, văn nhân nhàn tản ưu du, chè chén mà không
lo làm ăn, bám lấy làng quê, không dám mạo hiểm... cũng như những ưu điểm mà ta
ca tụng như hiếu học, tình nghĩa, những nét tiêu cực mà ngày nay ta phàn nàn
như gia đình chủ nghĩa, ỷ lại vào nhà nước... đều là biểu hiện của xã hội Nho
giáo hóa. Tất nhiên, muốn hiểu những hậu quả như vậy, ta phải hiểu Nho giáo và
cách tác động của nó đến các mặt của đời sống xã hội và tư tưởng sâu hơn, cụ
thể hơn, không thể chỉ bằng lòng với việc tóm tắt những giáo điều của nó.
Bản thân Nho giáo vốn
chỉ là một học thuyết chính trị - đạo đức, nhiều vấn đề triết học vốn không
được thánh hiền Nho gia chú ý. Cho nên, học thuyết Nho gia đơn giản, thiếu hệ
thống, dễ bị các học thuyết khác vượt qua. Thế nhưng, trong quá trình tồn tại
của nó, cũng là quá trình tiếp xúc, tranh giành vị trí xã hội của nó, tư tưởng
Mặc gia, Pháp gia, Đạo gia... bách gia thời Chiến Quốc cho đến Phật giáo, Công
giáo sau này không đánh bại được nó. Nho giáo có một cách tiếp xúc với cái dị
kỷ. Trước hết, nó không tỏ ra hùng hố tranh chấp mà tỏ ra khoan dung kẻ cả. Nó
không biện luận, chứng minh để bác bỏ, không chấp nhận tranh luận. Tự mình lựa
chọn thái độ "trung dung", đứng ở chỗ "đúng mức" nhất, coi
ai cũng có nhược điểm "quá" và "bất cập" - quá mức về mặt
này hay mặt khác và chỉ ra những chỗ không thích hợp của cái đó với thể chế xã
hội có sẵn (chế độ chuyên chế, chế độ tông tộc). Ví dụ như cách chê Mặc là vô
phụ, Dương là vô quân, Phật là không quân thần phụ tử, tư tưởng phương Tây là
quá chú ý về vật chất... Như thế là, trong nhiều học thuyết khác có chỗ
"khả thủ" - có thể lấy được, chấp nhận được - và những lúc ở thế bí
thì nó "lấy" - vay mượn những chỗ khả thủ ấy bổ sung cho mình. Trước
đây nó đã vay mượn của Đạo gia, phái Âm dương, Ngũ hành nhiều thứ. Đối với Phật
giáo cũng vậy. Từ giữa thế kỉ XIX cho đến đầu thế kỉ XX, nó cũng đã dùng đối
sách đó với tư tưởng phương Tây (Đông học vi thể, Tây học vi dụng). Cung cách
chấp trung, điều hòa, thỏa hiệp như vậy dẫn đến hoặc là Nho giáo phình thêm một
bộ phận, có khi không thật gắn bó với bản thân học thuyết, hoặc là sắp xếp cho
học thuyết mới, đã được cải tạo theo yêu cầu của Nho giáo, một vị trí trợ lý,
hay giao cho tự quản trong một phạm vi nào đó. Với chế độ chuyên chế, Nho giáo
không mất vị trí chỉ đạo và trong xã hội con người do nó đào luyện sống thích
ứng với cả thể chế Nho giáo hóa. Trong tình hình như vậy, cái mới bị cô lập, dần
dần tha hóa và bị rút tỉa, bị Nho giáo nuốt, nếu trong đó có cái khả thủ. Ở đây
cần nói thêm là, cái quan trọng nhất làm cho Nho giáo trường thọ là trong thể
chế kinh tế - chính trị - xã hội mà Nho giáo lập ra đã tồn tại một khả năng bảo
hiểm mầu nhiệm: khả năng ngăn chặn có hiệu quả cái duy nhất phá hoại trật tự do
nó lập ra. Đó là thương nghiệp, đô thị, thị dân, cái dẫn đến phát triển kỹ
thuật, khoa học, tổ chức xã hội cách khác. Trong các nước chịu ảnh hưởng Nho
giáo ở Đông Á, Trung Quốc đã có những thời kỳ thương nghiệp, đô thị, khoa học
kỹ thuật phát triển cao; Trung Quốc tiếp xúc với phương Tây khá sớm, nhưng họ
chỉ tiếp nhận phần khả thủ trong khoa học kỹ thuật, nghệ thuật... còn tư tưởng
của phương Tây thì bị cô lập và triệt tiêu. Chỉ có ở Nhật Bản mới có kiểu đô
thị như Đại bản, có Lan học. Ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc, từ thế kỉ XVII
đã có sự tiếp xúc Đông Tây, cả ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, các chúa Trịnh,
Nguyễn cũng sớm nhận ra sự lợi hại của tàu và súng phương Tây, nhưng tư tưởng
thì cũng không bắt rễ được.
Theo tôi nghĩ, chú nghĩa
Mao chính là được hình thành theo cung cách Nho giáo, nuốt học thuyết Mác -
Lênin, lấy cái khả thủ.
Để kết kết luận phần này tôi muốn nhấn mạnh,
chúng ta đi từ Nho giáo đến chủ nghĩa Mác - Lê nin. Những hệ tư tưởng tư sản
chưa có tác dụng đáng kể trong tư tưởng của ta. Cung cách suy nghĩ của ta, lối
sống của ta cần phải đặt trong quá trình đó mới hiểu đúng (cách tiếp nhận triết
học duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, cách hình dung chủ nghĩa cộng sản theo
xã hội đại đồng...). Nghiên cứu lịch sử tư tưởng hay lịch sử đạo đức học về mặt
lý thuyết hay biện pháp cải tạo tư tưởng, giáo dục tư tưởng về mặt thực tiễn
đều cần lưu ý tới đặc điểm đó. Đặc điểm đó không chỉ là sự tồn tại lâu dài của
Nho, Phật, Đạo, mà là Tam giáo dưới sự chi phối của Nho giáo.
Hán hóa hay phi Hán hóa
về mặt tư tưởng không đồng nhất với xu hướng giành và giữ độc lập về mặt chính
trị, mà hình như có ý nghĩa ly tâm hay hướng tâm trong văn hóa vùng. Tư tưởng
bản địa phong phú đến đâu, phát triển theo hướng nào, và chịu tác động của xu
hướng chung thế nào cũng là điều cần bàn kỹ hơn.
IV - TAM GIÁO VỚI NHỮNG VẤN ĐỀ
CỦA LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG VIỆT NAM
Ở trên đã nói đến tính
hỗn tạp của tư tưởng và vị trí chi phối của Nho giáo trong sự phát triển của cả
khối hỗn tạp gồm Nho, Phật, Đạo, Âm dương, Ngũ hành, tín ngưỡng bản địa, cách
nghĩ dân gian ở ta. Đó là tình trạng tư tưởng từ thế kỉ XV đến XX, khi chúng ta
tiếp nhận tư tưởng tư sản rồi vô sản từ phương Tây. Tôi muốn nói thêm: cái Nho
giáo mà ta nói ở đây là Tống Nho. Có nhiều người nói ta tiếp thu cái Nho giáo
của Khổng - Mạnh chứ không phải cái Nho giáo thời Tống, không biết có phải vì
không muốn các nhà Nho cha ông ta mang lây cái tiếng "phản động" mà
nhiều học giả dùng để phê phán Tống Nho hay không. Tôi không bàn ở đây chuyện
đánh giá như vậy có đúng hay không mà cũng không trình bày lại lịch sử du nhập
Nho giáo và Nho giáo được đề cao từ Trần Anh Tông, những điều mà tôi đã viết
trong bài “Tư tưởng hay triết học…”, đăng trong tạp chí Triết học. Tôi chỉ xin
nhắc một điểm: Từ khi Nho giáo được ta vận dụng để tổ chức chính trị, xã hội,
học hành thi cử thì nó đã phát triển đến hình thức Tống Nho. Chỉ có sách vở
Tống Nho mới sang ta nhiều, được dùng để học hành thi cử. Trong sách vở còn lại
của ta, Trình Chu rất được tôn sùng. Tống Nho vốn là một hệ tư tưởng có tính
hỗn tạp, mang trong hệ thống của mình nhiều thành phần vay mượn từ Âm dương,
Ngũ hành, từ tư tưởng Phật giáo và Lão - Trang. Tống Nho không những thích hợp
với chức năng nhiều mặt của ý thức hệ chính thống trong xã hội chuyên chế phát
triển cao, mà còn là hệ tư tưởng có tính triết học. Những vấn đề con người, xã
hội mà Nho giáo đặt lên hàng đầu đến đây mới có màu sắc triết học rõ rệt. Cha
ông ta tiếp thu (bao gồm cả ý lược bỏ) Nho giáo, là với hình thức đã có sẵn như
vậy. Trong hệ tư tưởng đó, triết học, đạo đức và chính trị vẫn còn là hỗn độn.
Lịch sử tư tưởng hay lịch sử đạo đức học hầu như cùng chung một đối tượng.
Vấn đề mà lịch sử tư
tưởng, lịch sử triết học quan tâm hàng đầu là cuộc đấu tranh giữa duy tâm và
duy vật, cho nên phương hướng tìm tòi của nó trong Tam giáo phải khác với Đạo
đức học. Các học thuyết Nho, Phật, Đạo đều quan tâm chủ yếu tới con người, tới
xã hội, nhưng ở những mức độ quan trọng khác nhau họ đều có đề cập đến vấn đề
vũ trụ quan, nhưng hình như những vấn đề triết học đặt ra cách khác, liên quan
với vấn đề cơ bản của triết học cách khác, nên tâm hay vật không chi phối tất
cả, giống như các triết thuyết phương Tây. Ở phương Tây, vấn đề Thượng đế sáng
tạo thế giới và quyết định mọi việc, được tôn giáo khắc sâu vào tư tưởng, đè
nặng lên con người, thành hòn đá lấp lối mọi tự do. Cho nên quá trình duy tâm
triết học hóa Thượng đế hay duy vật phủ nhận sự sáng tạo thế giới cắm những cái
mốc cho việc mở rộng vương quốc của tự do, cho giải phóng con người, tìm ra bản
nguyên của thế giới, quy luật của thế giới... Ở phương Đông, Nho giáo cũng nói
đến Trời, Thiên Mệnh, cũng khuyên kính Trời, yên Mệnh... nhưng quan tâm chính
của nó là tu dưỡng đạo đức, là trị nước, cho nên lại nhấn mạnh con người chủ
động, hữu vi, lại khuyên "kính quỷ thần nhi viễn chi", khuyên con
người trước hết nghĩ đến chuyện sống chứ không phải chuyện (sau khi) chết, chuyện
người chứ không phải chuyện linh hồn, quỷ thần. Cái khuynh hướng thiết thực
trong cuộc sống, chăm lo nhiệm vụ làm người, làm dân đó, dồn cả Trời và Mệnh
vào một góc: Trời và Mệnh chỉ còn có ý nghĩa bảo vệ quyền làm vua của một dòng
họ, quyền hưởng phú quý cho kẻ giàu sang. Khuynh hướng đó tạo ra thói quen gạt
bỏ những cái "xa vời", khó hiểu, không những xa lánh quỷ thần, không
quan tâm nhiều đến thế giới linh thiêng, làm cho con người không bỏ mê tín
nhưng cũng không hứng thú cái thần bí và đồng thời tạo ra thói quen không tò
mò, ít hoài nghi, không say mê tìm hiểu những cái chưa biết, gạt bỏ những cái
khác, lạ. Chính vấn đề Tâm, vật - trước kia là vấn đề Lý, khí - cũng là thuộc
loại bị gạt ra ngoài như vậy. Cho nên, làm lịch sử tư tưởng ở ta cần phải hiểu
cách đặt các vấn đề, cách quan hệ giữa các vấn đề tư tưởng cụ thể với vấn đề cơ
bản của triết học. Một mặt, để hiểu đúng cái mà cha ông trước đây đã nghĩ và
mặt khác, để khai thông cách suy nghĩ của người Việt Nam ngày nay - vốn còn
chịu ảnh hưởng cách suy nghĩ xưa - để tiếp cận dễ dàng với triết học hiện đại.
Tôi nghĩ rằng trong cách ta quan niệm duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, chủ
nghĩa cộng sản, không ít chỗ ta nhận thức nó giống như chủ nghĩa duy vật, biện
chứng pháp và xã hội đại đồng xưa.
Khuynh hướng thiết thực
dễ làm chúng ta nghiêng về duy vật hơn duy tâm, biện chứng hơn siêu hình. Nhưng
thứ duy vật dễ được tiếp nhận là thứ duy vật chất phác, thô sơ, mà tư tưởng
biện chứng dễ được tiếp nhận cũng là thứ biện chứng tự phát. Với kinh nghiệm
sống và sự chiêm nghiệm trực quan trong tục ngữ của ta, đã có nhiều mầm mống tư
tưởng loại đó. Tư tưởng Âm dương, Ngũ hành, Kinh Dịch, tư tưởng Lão - Trang đều
giúp nâng cao chủ nghĩa duy vật và biện chứng pháp đó mà không đưa nó thoát
khỏi trình độ chất phác, trực quan. Ở trình độ đó, người vận dụng tha hồ tuỳ
tiện bàn chuyện của mọi phạm vi lớn nhỏ. Và không phải không có lúc có những
phát hiện cực sắc sảo. Tư tưởng của ta do những ảnh hưởng như vậy, vừa xa lạ
cái thần bí, vừa xa lạ cái duy lý.
Chủ nghĩa Mác - Lê nin
được đưa vào ta hầu như không gặp một phản kháng nào từ phía các hệ tư tưởng
truyền thống. Sự tiếp xúc này có phần lại còn êm đẹp hơn cả sự tiếp xúc với các
hệ tư tưởng tư sản trước đó. Mà chủ nghĩa Mác - Lê nin lại là một học thuyết
triết học vô thần, duy vật biện chứng triệt để, duy vật cả về xã hội và lịch
sử, nhất quán, toàn diện, dựa vào khoa học. Quan hệ dễ chịu đến khó hiểu như
vậy làm một số người không tin là thực. Sự thực là lúc chủ nghĩa Mác vào, Nho
giáo tuy đã thất thế nhưng còn nhiều ảnh hưởng, các nhà Nho nói chung, không kể
những người đang làm quan chống đối trên lập trường nhà nước thực dân, tỏ ra có
cảm tình, cho đến Cải cách ruộng đất, nhiều nhà Nho tuy đã rất già vẫn ủng hộ
sự nghiệp của Đảng và Chính phủ. Điều đó có thể cắt nghĩa: Nho giáo là học
thuyết quan tâm đến con người, cuộc sống, quan tâm cứu thế, xây dựng xã hội lý
tưởng, chủ trương con người sống có trách nhiệm, vì nghĩa, vì đời, nên dễ hoan
nghênh một học thuyết khác có chủ trương đấu tranh cải thiện đời sống chính trị,
cải tạo xã hội, xây dựng xã hội lý tưởng, mà lý tưởng cộng sản, theo cách nhìn
của các nhà Nho thì lại rất giống với lý tưởng Đại đồng của thánh hiền. Thực
ra, trong tài liệu tuyên truyền những năm 1926 - 1930, người ta dùng chữ thế
giới đại đồng để chỉ xã hội cộng sản. Nho giáo không bài xích mà lại có cảm
tình với chủ nghĩa cộng sản nên có thể nói nó tạo ra điều kiện thuận lợi cho
chủ nghĩa Mác đi vào tư tưởng của ta. Thế nhưng, nó hoan nghênh là hoan nghênh
lý tưởng xã hội của chủ nghĩa Mác - thực ra cũng không phải là được hiểu đến
nơi đến chốn - chứ không phải phần triết học duy vật biện chứng xa vời, khó
hiểu của nó. Điều đó dẫn đến hai hậu quả:
- Sơ lược hóa chủ nghĩa
Mác thành một thứ lý tưởng xã hội của những chính nhân quân tử tiên tri tiên
giác. Nội dung triết học, khoa học bị tước bỏ hoặc giải thích vong mạng theo
kiểu Nho giáo.
- Càng đi sâu vào thời
kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội càng bộc lộ những chỗ trái ngược giữa hai học
thuyết, ảnh hưởng Nho giáo trong tư tưởng, trong tâm lý xã hội tự phát, tạo
thành những hiện tượng tiêu cực, phi xã hội chủ nghĩa.
Cho nên, nghiên cứu Tam
giáo, về mặt lịch sử tư tưởng là tìm ra cung cách kết hợp ba hệ thống với tư
tưởng bản địa, chỉ ra những chặng đường đến duy vật, đến biện chứng, trình độ
triết học của từng chặng, thực chất đây là một công việc tự phê phán, tự ý thức
về cung cách tư duy của ta, giúp cho chủ nghĩa duy vật biện chứng mác xít chiến
thắng thực sự.
V - NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA ĐẠO ĐỨC HỌC
VÀ LỊCH SỬ ĐẠO ĐỨC HỌC
Hầu như cái gì nói cho
Lịch sử tư tưởng thì cũng là nói cho Đạo đức học. Tư tưởng có ý nghĩa triết học
là Đạo học cũng chỉ là tư tưởng đạo đức học có mở rộng. Trật tự xã hội ở ta -
một trật tự Nho giáo hóa - được duy trì bằng Đức và Lễ, bắt con người - những
mẫu người của xã hội Nho giáo hóa - luôn luôn phải suy nghĩ sống thế nào cho
phải (phải đạo, phải lẽ, hợp vị trí, đúng quan hệ...), ứng xử thế nào cho đúng.
Người ta đánh giá con người trước hết qua đạo đức, đạo đức quan trọng hơn tài,
và nếu căn cứ vào lý thuyết thì đức còn quan trọng hơn cả tước (địa vị xã hội).
Đạo đức, cách ứng xử quan trọng như vậy nên ca dao, tục ngữ dân gian nói nhiều
về nó, mà các nhà Nho làm thơ giáo huấn, viết gia huấn dạy con cái cũng đặc
biệt nhấn mạnh về nó.
Trong phạm vi này, ảnh
hưởng của Nho giáo cũng rất lớn. Nhưng hình như nếu về mặt tư tưởng (triết học)
ảnh hưởng Nho giáo đều khắp, ở vùng Đàng Trong trước đây cũng mạnh, thì về mặt
đạo đức ảnh hưởng đó ở miền Bắc mạnh hơn. Từ Huế trở vào, ảnh hưởng Phật giáo
trong cuộc sống mạnh hơn ở miền Bắc. Nho giáo vùng Thuận, Quảng phát triển chậm
so với vùng đất cổ từ Nghệ Tĩnh trở ra và về sau lại có quan hệ chặt chẽ hơn
với Nho học Minh - Thanh. Vùng đất mới đó tiếp nhận văn hóa châu Âu nhẹ nhàng
hơn đất Bắc. Nói tóm lại, vấn để “vùng” ở đây rõ nét hơn. Đạo đức học chưa chắc
có tìm ra những nét khu biệt, nhưng công việc cải tạo và giáo dục thì sự phân
biệt đó chắc có ý nghĩa thực tế.
Cái Đạo đức học quan tâm
trước hết không phải là vấn đề Tâm hay Vật, biện chứng hay siêu hình như trong
lịch sử tư tưởng. Nó quan tâm đến vấn đề con người, vấn đề nhân cách, vấn đề lý
tưởng sống. Nho giáo đặt con người trước Trời, trước Mệnh, bàn về Tâm, Tính...
cũng là nói về một con người nói chung, nhất là để nhấn mạnh tính cao quý khác
với vật của nó. Nhưng Nho giáo lại là học thuyết chính trị - đạo đức bàn về một
con người xã hội cụ thể, làm người, làm dân trong những quan hệ xã hội cụ thể.
Nó phân chia con người ra quân tử và tiểu nhân, người cầm quyền và người dân,
người giáo hóa và người được giáo hóa. Và mỗi người đều có quan hệ với vua (nhà
nước), với làng xóm, bè bạn (xã hội), với họ hàng, gia đình (cha con, vợ chồng,
anh em) trong một tổ chức xã hội tổ chức theo phận vị trên dưới rõ ràng. Phận
vị, những quan hệ cụ thể cho từng người xác định cho mỗi người một vị trí, một
chức năng, chức năng trong các quan hệ luân thường. Có đạo đức, tức là làm trọn
các chức năng đó (đạo làm con, làm tôi, nghĩa vợ chồng...). Đặt trong những
quan hệ như vậy, Nho giáo đề cao một con người làm điều thiện, có trách nhiệm,
vì nghĩa, khiêm nhường và hi sinh. Với những quan hệ trong một trật tự có vẻ
rất tự nhiên như vậy, ai cũng có trên có dưới, dễ nhận ra trách nhiệm, dễ thấy
làm điều thiện vì nghĩa, là cao cả. Cái bất công mà họ nghĩ là do Trời, do Mệnh
không thành một lý do để hành động chống đối. Tất cả những cái đó tạo ra ảo
tưởng về nhân cách, che lấp thực trạng mất nhân phẩm.
Chắc chắn là có chiều
hướng tìm lý tưởng sống ở nhiều loại người cụ thể. Phật giáo chỉ cho họ con
đường giải thoát, Lão - Trang chỉ cho họ con đường ưu du tự tại. Nho giáo chỉ cho
họ con đường nhân nghĩa vì đời. Những tìm tòi, theo tôi là đáng quan tâm nhất,
là những tìm tòi trong tầng lớp sĩ. Trong một vài bài báo tôi đã nói về tầng
lớp sĩ trong xã hội ta, nên ở đây tôi không nhắc lại là tầng lớp giữ văn hóa,
lại ở vị trí không phải là giai cấp cầm quyền, cũng không phải dân đen, họ luôn
luôn phải suy nghĩ về cách sống, nghĩ về những vấn đề trách nhiệm, hạnh phúc,
lạc thú, về ý nghĩa cuộc sống. Vấn đề làm day dứt các thế hệ nhà Nho là lựa
chọn "xuất, xử", ra làm quan hay rút lui ấn dật. Họ coi mục tiêu cao
nhất là giữ được đạo đức, không phải hổ thẹn với mình. Làm quan - và trong thể
chế chuyên chế và đào tạo con người theo Nho giáo, thì không có cách nào khác -
là vì nghĩa, tìm cơ hội để có ích cho đời. Nhưng làm quan mà không có ích, chỉ
chiếm được bổng lộc cho mình thì lại đáng xấu hổ. Ẩn dật là giữ được sự cao
khiết, nhưng cao khiết cho mình cũng chẳng ích gì cho ai. Như thế cũng đáng xấu
hổ. Cái băn khoăn day dứt giữa có ích (cho vua, cho dân) và thanh cao (cho
mình) làm nhiều nhà Nho dùng dằng cả đời. Cuộc đấu tranh tư tưởng lặp đi lặp
lại như thế ,tạo ra hai hình tượng văn học, hai mẫu nhà Nho: người hành đạo và
người ẩn dật. Người hành đạo chỉ tìm lẽ sống của mình trong học thuyết Nho
giáo. Nhưng người ẩn dật phải cầu viện đến học thuyết Lão - Trang hay Phật, tìm
ý nghĩa cuộc đời ngoài cái Nho giáo chỉ cho họ. Về sau, khi đô thị đã phát
triển mạnh, những nhà Nho - nghệ sĩ quen cuộc sống đô thị, tìm hạnh phúc và lạc
thú theo một hướng khác. Họ ý thức về cá nhân tìm lạc thú, hạnh phúc của cá
nhân, hạnh phúc vật chất, thú vui thanh sắc... và về lý thuyết họ đưa Tài đối
lập với Đức, Tình đối lập với Tính. Tôi gọi họ là "nhà Nho tài tử".
Tôi vẫn gọi họ là nhà Nho, vì về mọi mặt khác, họ không tỏ thái độ phản nghịch
với thánh hiền. Ba mẫu nhà Nho: hành đạo, ẩn dật và tài tử đã nói hết mọi tìm
kiếm của người trí thức về quan niệm sống dưới chế độ chuyên chế. Không ai hình
dung ra một cuộc sống nào khác. Không ai đặt con người trên những bình diện
khác, trong những quan hệ khác để hiểu nó cách khác. Họ chỉ quanh quẩn lựa
chọn, kết hợp những điều mà Nho giáo, Phật giáo, tư tưởng Lão - Trang cung cấp
cho họ.
Thế nhưng, cũng không
nhiều người triệt để theo một học thuyết nào. Những người muốn sống tốt đẹp, tự
do và trần tục, tự nhiên, hình như dừng lại ở một công thức:
GIỮ NGHĨA + VI
THIỆN + TỰ TẠI.
Họ không theo Phật giáo
tìm giải thoát, không tìm hạnh phúc ở kiếp khác, ở bên kia thế giới. Họ không
tuyệt đối hóa cái vui cao cả vì nghĩa, lạc đạo và an mệnh. Họ cũng không muốn
lạnh nhạt với quan hệ xã hội vốn là đầm ấm giữa những con người. Trong hướng
đó, họ hiểu nhân cách, hạnh phúc và lạc thú. Cũng trong hướng đó, họ hiểu trách
nhiệm. Con đường giải phóng, phát triển nhân cách, con đường của chủ nghĩa nhân
đạo ở ta phát triển trong những điều kiện như vậy và đại thể theo phương hướng
như vậy, dừng lại ở chỗ như vậy.
Về mặt đạo đức học, hình
như ta chịu ảnh hưởng đa phương của Nho, Phật, Lão - Trang. Ở đây hình như cha
ông cũng tìm tòi, suy nghĩ nhiều hơn. Chúng ta có thể hy vọng là việc nghiên
cứu Tam giáo về mặt này, cung cấp được những dữ kiện cho việc hiểu con người
Việt Nam và xây dựng con người Việt Nam mới.
Thời gian không còn
nhiều, vả lại tôi cảm thấy phần chuẩn bị của mình cũng chưa chu đáo để trình
bày phần thứ sáu “Tìm tiền đề khoa học cho việc cải tạo, giáo dục để xây dựng
con người mới Việt Nam”.
Tôi muốn đề cập đến
những cạnh khía liên quan đến việc nghiên cứu Tam giáo, những hệ tư tưởng có
ảnh hưởng đến việc hình thành tính cách Việt Nam, đến điểm xuất phát đi từ Nho
giáo, Phật giáo mà đến người cộng sản, đến quá trình tất yếu, đến những nhược
điểm và khả năng tái sinh những nét tiêu cực trong quá trình tự cải tạo, nói
tóm lại là đứng trên lập trường lịch sử tư tưởng, lịch sử đạo đức học mà bàn về
đối tượng cải tạo, giáo dục là con người Việt Nam, mà bàn những biện pháp xây
dựng con người mới.
Ở nước ta Nho
giáo, Phật giáo, tư tưởng Lão - Trang có ảnh hưởng nhiều mặt, nhiều cách. Không
giải quyết những vấn đề đại loại như chúng tôi vừa nêu thì việc xây dựng con
người mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội sẽ còn gặp những khó khăn không lường
trước, còn chịu tình trạng làm mò mẫm mất nhiều thời giờ.
Tháng 8 năm 1986
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét