Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016

Chữ Phận của Nguyễn Du, chữ Phận trong Truyện Kiều


    Chữ Phận của Nguyễn Du, chữ Phận trong Truyện Kiều
                                                                          Nguyễn Đức Mậu

       Truyện Kiều của Nguyễn Du có đến 42[1] lần nói đến chữ phận, còn chữ duyên 64[2], chữ thân 63 lần, chữ hiếu 6 lần, chữ tài 18, chữ mệnh 4 lần. Nghĩa là chữ phận chiếm số lượng khá cao, sau thân và duyên. Trong khi đó, các sáng tác còn lại của Nguyễn Du thì chỉ 3 lần chữ phận xuất hiện và ở trong một bài là Văn tế thập loại chúng sinh. Ba lần đó chữ phận gắn với lời than, mang sắc thái tiêu cực.
     Trong thơ chữ Hán trung đại, chữ phận cũng xuất hiện nhưng không nhiều, như định phận(tiệt nhiên định phận tại thiên thư) hay phận trung(Nguyễn Bỉnh Khiêm, bài 582).
       Đột nhiên chữ phận trong Truyện Kiều nổi lên mật độ cao nhất, nhiều và thành ấn tượng mạnh mẽ nếu đặt trong so sánh đó. Nhưng xuất hiện nhiều lần và nghĩa của khái niệm phận ở đây như tập trung vào những nội dung nhất định, nó dường như thống nhất trong cảm quan chung và quay chung quanh nhân vật nữ này. Chữ phận như vậy có liên quan nhiều đến quan niệm của tác giả, liên quan đến quan hệ cá nhân và xã hội lịch sử thời đoạn tác phẩm xuất hiện, có nghĩa là có hay không sự gửi gắm, ký ngụ, sự băn khoăn trong nhận thức và quan niệm sống, sự nhận thức lại được đặt ra ít hay nhiều.
       Có chăng chữ phận kết hợp với các chữ khác như là cách dung hợp tam giáo và các kết hợp khác trong đời sống, cho đời sống như duyên phận( phật giáo và nho giáo) số phận, phận số( kết hợp với dịch số) là một kết hợp khác, như phúc phận( kết hợp tinh thần nối với ông bà đời trước). Những kết hợp đó đều nhằm sử dụng cho những cắt nghĩa, lý giải đời sống, cuộc đời con người, thay cho những lý giải từ xã hội. Chữ phận có thể hình thành trong tâm lý của xã hội trật tự phận vị của nho giáo, nó mượn và thêm các kết hợp khác để duy trì ổn định trật tự này, mặt khác nó là liệu pháp tâm lý cho cá nhân trong an ủi hay là giải thích cho những khúc mắc khó giải của đời sống. Kiểu kết hợp này có thể mang tinh thần và đặc điểm Việt Nam trong tiếp nhận tư tưởng, trong việc kéo những khái niệm của tư tưởng về thành triết lí đời sống
         Nguyễn Du, tự trong sáng tác, khi trực tiếp phát ngôn mang tính triết lý cuộc sống mà không nói đến phận, dù hay nói( than vãn) về sự thay đổi, về tính vô nghĩa của tên tuổi trước vô hạn của thời gian. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng thường than vãn thế thái nhân tình, nhưng thơ chữ Hán của ông(582 bài) chỉ một lần nói đến phận với nghĩa số phận( Tuyệt vô hội chước phận trung an-Tuyệt không có chút tô vẽ mảnh tua mà yên theo số phận- bài 502) trong khi phận lại được ông nói đến khá nhiều trong thơ nôm[3], nhưng đó là an phận( 4 lần), phận khó, phận mới, dầu phận, phận nhàn, phận tự nhiên, phận tôi, đòi phận( 2 lần), giàu vì phận, có vì phận. Ông nhàn Nguyễn Bỉnh Khiêm, hay vị thế một trí giả, không nói về phận trong tư thế yếm thế, một người lánh xa nơi trần tục, về ẩn danh, ẩn tích tìm niềm vui của thân, của tâm một cách chủ động, không có cái nỗi niềm bị xô đẩy của phận vị. Ý thức về phận là ý thức mình trong trật tự xã hội phận vị, trên dưới bất bình đẳng của nho giáo, có thể vì vậy tâm thế yếm thế, tâm thế thua thiệt hay ý thức phận mình phải có vai trò, lại không thấy có trong tâm thức người ẩn dật. Trong ông nhàn ẩn dật, đó chỉ là yên phận, là phận khó, phận nhàn- nó ít ý nghĩa xã hội.
      Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du thì chữ phận không thế.  
      Trong hệ thống quy ước bất thành văn của xã hội nho giáo thì “Phận vạch ranh giới cho từng người, quy định chức năng cho mỗi người được ngồi đứng, nói năng, xưng hô, ăn ở…[4], nó cùng với Nghĩa tạo thành cái ràng buộc con người(“Nghĩa nhắc nhở mọi người trách nhiệm với người trên, kẻ dưới, với vua cầm quyền, với làng nước, họ hàng, làng xóm, với gia đình nội ngoại[5]  ). Phận trong cách hiểu như vậy, như là một biểu hiện của cái khung đạo đức, là hệ thống quy ước thể hiện của Lễ, tạo thành cái bảo vệ cái trật tự trên dưới nghiêm ngặt của xã hội Khổng giáo. Chữ phận thành quan trọng của xã hội quân chủ nho giáo, nó được kết hợp với chữ “vị” thành tên gọi: xã hội phận vị hay trật tự phận vị. Nhưng nó thành cái chức phận thiên định như phận mệnh, duyên phận, thân phận, số phận, vì thế, phận trở thành cái trở nên không thể phá vỡ bởi nó không chỉ là của xã hội, là sản phẩm của con người, nó còn được xem là thuộc quy định của thế giới siêu nhiên, mang chút linh thiêng, thiên phận( tố chất trời sinh). Khi không giải thích được bằng các nguyên nhân xã hội hay các nguyên nhân chủ quan của cá nhân thì người ta dùng chữ phận số, số phận, phận mình,..để an ủi, bấu víu, để lý giải. Nghĩa là phận trở thành công cụ tinh thần cho mỗi cá nhân trong những hoàn cảnh cùng tận, khó thay đổi.
    Nhìn từ góc độ xã hội, một loạt từ mang tính “pháp quy” bất thành văn dành cho phận: vượt phận, tiếm phận - nghĩa là những tội danh rất nặng nếu không ý thức về ranh giới, giới hạn của cá nhân trước lễ giáo, và: định phận, yên phận, đòi phận, chức phận, danh phận, cam phận-, trước hệ quy ước vừa pháp lý, vừa đạo đức, vừa mang yếu tố văn hóa ứng xử: phận làm con, phận làm tôi, phận làm cha, phận đàn bà,... Nó thành thứ bùng nhùng nhiều nhất của con người trong xã hội lễ giáo, không phải là xã hội pháp quyền. Phận cản trở sự hình thành cá nhân với nhân cách độc lập, tự khẳng định, và sự bình đẳng giữa các cá nhân, bình quyền trong xã hội.
         Như trên đã nói, chữ phận trong Truyện Kiều được Nguyễn Du dành nhiều nhất cho nữ nhân vật chính là nàng Kiều, nó theo suốt nhân vật này như bóng ma Đạm Tiên, như thiên bạc mệnh báo trước khúc đoạn trường của nàng. Nhưng phận ở Truyện Kiều thế nào?
    Trong bao nhiêu nghĩa của phận thì trong Truyện Kiều nghĩa than vãn vị trí, hoàn cảnh, điều kiện của con người cá nhân đã bị định vị, đành yên phận trong bổn phận, trong đặc thù giới, đặc thù tuổi tác, nghĩa là bao nhiêu cái ràng buộc và mặc nhiên phải thế. Đó là phận đàn bà, như là cái chung không thể khác, không thể gỡ, nó thuộc về phụ nữ như thuộc tính, giới tính tiên thiên.
      Hầu hết mấy chục câu nói về phận trong Truyện Kiều đều chỉ dành để nói về phụ nữ, riêng một câu duy nhất cho nam giới, đó là câu Từ Hải nhận định rằng về với triều đình là “bó thân”, là mất tự do, là đặt mình trước mắt bọn hàng thần lơ láo, nghĩa là tự đặt mình trong vị trí của hàng thần đồng đẳng, đặt mình trong tương quan, trong các quan hệ tòng thuộc, thì vấn đề phận( chức phận, danh phận, hay cam phận) được đặt ra để lựa chọn, để suy nghĩ và để quyết định:
                 Bó thân về với triều đình.
               Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu(2466)
Nghĩa là trong trật tự phận  vị đó mình sẽ không có chỗ đứng độc lập. Trong khi đang “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” thì phận không đươc đặt ra, không trở thành vấn đề. Phận chỉ đặt ra trong xã hội trật tự trên dưới bất bình đẳng được/bị định vị.
       Kiều khuyên Từ Hải ra hàng, tự lúc đầu cũng nghĩ về mình, rồi về nhà, sau đó biện luận là về nước: 
                  Nghĩ mình mặt nước cánh bèo
         Đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân
                  Bằng nay chịu tiếng vương thần
          Thênh thênh đường cái thanh vân hẹp gì
                  Công tư vẹn cả hai bề
                 ………………………………
                   Trên vì nước, dưới vì nhà
          Một là đắc hiếu hai là đắc trung
 Mình, cái tôi, con người cụ thể trong điều kiện nào đó mới đặt ra chữ phận, nhưng có lúc phận lại phải trở thành một công cụ. Phận thành một thứ tùy mục đích sử dụng, tùy lúc sử dụng. Khi ra hàng, Từ Hải chết đứng, Hồ Tôn Hiến dùng chữ phận để vấn an Kiều:
                            Rằng: “Nàng chút phận hồng nhan,
                    Gặp cơn binh cách nhiều nàn cũng thương”.
phận lại là một công cụ “tâm lý chiến”, một an ủi.
   Trong Văn tế thập loại chúng sinh và trong Truyện Kiều đều được Nguyễn Du dùng câu than vãn về phận, phận đàn bà và xem đó là kiếp, là bạc mệnh bất di dịch:
-         Đau đớn thay phận đàn bà
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu
               ( Văn tế thập loại chúng sinh)
Mở đầu lời than đầu tiên của Kiều trong Truyện Kiều là nói về phận, phận đàn bà, khi nói về Đạm Tiên, mở ra đã đau đớn, là lời giải thích cho sự bạc mệnh nằm sẵn trong phận đàn bà:
-         Đau đớn thay phận đàn bà
                 Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
                                     ( Truyện Kiều)
Sự lặp lại, hay nhắc lại này ở hai tác phẩm khác nhau, một là thể loại truyện, mang đặc điểm sáng tác hoặc ủy lời, ủy thác quan niệm cho nhân vật, qua nhân vật, một văn tế là lời nói trực tiếp của tác giả, cho thấy đây có thể là nhận thức, biểu hiện cảm xúc trực tiếp của tác giả. Phận đàn bà còn được nhắc lại trong một văn cảnh khác, một hoàn cảnh khác của nhân vật nữ:
                      -Rằng tôi chút phận đàn bà
                  Nước non lìa cửa lìa nhà đến đây
Rồi còn là phận gái nhưng trong một tư thế khác, tư thế “xuất giá tòng phu” mà ở đây là “trai anh hùng gái thuyền quyên” sánh đôi. Chữ phận gái ở đây đã mang một giọng nói khác. Duy nhất một lần chữ « phận gái » được dùng trong giọng cảm xúc không tiêu cực như phận đàn bà, phận hồng nhan, phận nữ nhi đầy rẫy trong suốt Truyện Kiều. Kiều tự nguyện trong tư thế tích cực:
                 -Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng( câu 2217)
           Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi
    Trong ám ảnh chữ phận nặng nề suốt cuộc đời thì lần duy nhất này chữ phận được giải phóng khỏi tiêu cực, nhưng lần ấy lại gắn với một anh hùng một cõi, biên thùy một cõi, không nằm trong một trật tự nào. Chữ phận được giải thoát khi được giải phóng khỏi trật tự hay khi nó nằm trong đỉnh cao quyền lực.
Phận thuyền quyên:
-         Xót xa chút phận thuyền quyên( 819)
             Cành hoa đêm bán vào thuyền lái buôn
-         Lỡ làng chút phận thuyền quyên(1881)
Bể sâu sóng cả có tuyền được vay?
Nhưng ngoài là phận đàn bà, phận gái, còn là phận hồng nhan:
-         Rằng nàng chút phận hồng nhan (2541)
                Gặp cơn binh lửa nhiều nàn cũng thương
-         Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan
Vô duyên là phận hồng nhan đã đành (2660)
Đang thơ dại cũng là phận, phận ngây thơ, non nớt:
-         Thưa rằng: chút phận ngây thơ
Dưỡng sinh đôi nợ tóc tơ chưa đền
-         Nàng rằng: “chút phận ngây thơ (2279)
Cũng may dây cát được nhờ bóng cây
Cũng là non nớt, ngây thơ nhưng được diễn đạt khác, phận tơ đào:
-         Hổ sinh ra phận tơ đào (877)
Công cha nghĩa mẹ kiếp nào trả xong
Phận hèn, phận bạc, như vậy phận là số phận, là sự quy định mang tính tiên thiên, không thay đổi được:
                    -Hạt mưa sã nghĩ phận hèn(619)
              Liệu đem tấc cỏ quyết đền ba xuân
-         Phận sao phận bạc như vôi(753)
              Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng
-         Phận sao phận bạc vừa thôi(1763)
              Khăng khăng buộc mãi lấy người hồng nhan
-         Bây giờ ván đã đóng thuyền
Đã đành phận bạc khôn đền tình chung(2802)
-         Nàng rằng: “Phải bước lưu li”
                Phận hèn vâng đã cam bề tiểu tinh(954)
-         Phận sao phận bạc Kiều nhi(791?)
Chàng Kim về đó, con thì đi đâu
Phận mỏng, phận bèo, phận hèn, phận thấp:
-         Sinh rằng: “Chút phận bọt bèo(1449)
               Theo đòi vả cũng ít nhiều bút nghiên
-         Phận bèo bao quản nước sa(2019)
Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh
-         Vẻ chi chút phận bèo mây(1343)
Làm cho bể ái khi đầy, khi vơi 
-         Chị sao phận mỏng thác dày(2715)
Kiếp xưa đã vậy, long này dễ ai
-         Bây giờ sự đã dường này
Phận hèn dù rủi, dù may tại người(2072)
-         Kiều nhi phận mỏng như tờ(1777)
Một lời đã lỗi tóc tơ với chàng
-         Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn(411)
Khuôn xanh biết có vuông tròn mà bay
Phận mình, tủi phận, phận tôi:
-         Giận duyên tủi phận bời bời(857)
Cầm dao nàng đã toan bài quyên sinh
-         Hoa trôi bèo dạt đã đành
                Biết duyên mình, biết phận mình thế thôi(220)
-         Nhưng tôi có sá chi tôi
                 Phận tôi đành vậy vốn người để đâu(1146)
-         Dù khi sóng gió bất bình
Lớn ra uy lớn, tôi đành phận tôi(1512)
-         Bó thân về với triều đình
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu?(2466)
Phận con:
                   - Cứ trong mộng triệu mà suy
                 Phận con thôi có ra gì mai sau(234)
-         Dặm nghìn nước thẳm non xa
                  Nghĩ đâu thân phận con ra thế này(1256)
      Phận như một thứ dùng để giải thích một định mệnh không thay đổi, bất biến, chỉ biết than vãn, chỉ biết dùng nó để an ủi, tuyệt không thấy có sự giải thích về phận để thay đổi, để đổi phận. Không giải thích cuộc sống con người về mặt xã hội, hay các mặt khác khiến nó phải chịu đựng mà cứ giải thích bằng phận. Không phải bản thân cá nhân chịu trách nhiệm trước cuộc đời của mình và xã hội phải chịu trách nhiệm trước cuộc sống thành viên của nó, mà lại là phận. Phận làm thay tất cả. Đổi phận là đổi vị trí xã hội, đổi « giới tính » kiểu « ví đây đổi phận làm trai được »( Hồ Xuân Hương), hướng đổi là bất khả, là vô vọng. Thay thân đổi phận là đổi vị trí, điều đó có thể xảy ra, nhưng đổi bậc lại có bậc cao hơn. Xã hội trật tự, phận vị là thế, nó không cho phép độc lập cho cá nhân.
    Kiếp đàn bà hay kiếp hồng nhan, thuyền quyên, phận ngây thơ, phận tơ đào,..thì cũng là đàn bà, nó cùng bậc với tiểu nhân trong thứ tự của đối tượng bị giáo dục : « Duy tiểu nhân nữ tử chi nan dưỡng, cận chi tắc hiệp, viễn chi tắc oán »( Chỉ có tiểu nhân và đàn bà là khó dạy, gần chúng chúng nhờn, xa chúng chúng oán). Trong cách nhìn của xã hội nho giáo, đó là định mệnh, là phận.
      Các loại phận khác được nói đến như một lời than, hay những lời than cùng gắn với phận:
-         Tháng tròn như gửi cung mây
Trần trần một phận ấp cây đã liều(328)
-         Phận sao đành vậy cũng vầy(679)
Cầm như chẳng đỗ những ngày còn xanh
-         Phận rầu dầu vậy cũng dầu(697)
Xót lòng đeo đẳng bấy lâu một lời
-         Phận đành chi dám kêu oan(1427)
Đào hoen quẹn má, liễu tan tác mày
-         Phận bồ từ vẹn chữ tòng(1477)
Đổi thay nhạn yến đã hòng đầy niên
-         Sớm khuya khăn mặt lược đầu
Phận con hầu giữ con hầu dám sai(1776)
-         Nàng rằng : « Chút phận hoa rơi(3035)
Nửa đời nếm trải mọi mùi đắng cay
-         Cùng là phận cải duyên kim(3067)
Cùng là máu chảy ruột mềm chớ sao
-         Nàng rằng : « Phận thiếp đã đành(3145)
Có làm cho nữa cái mình bỏ đi 
       Than thân, trách phận, suốt Truyện Kiều là lời than gắn nhiều với trách, và hai ba chữ thân, duyên, phận trở thành số nhiều hơn trong tương quan với các khái niệm khác( xem thống kê trang1). Ba chữ này dường như hầu hết gắn liền với cá nhân, với đàn bà. Nếu duyên còn có niềm vui thì phận lại khác. Duyên kết hợp với phận thành duyên phận cũng pha nỗi buồn đau. Đặc biệt thân, phận xuất hiện phần lớn trong những hoàn cảnh tiêu cực, trong tâm lí bất lực, trong nỗi đau của con người. Hễ nỗi đau buồn xuất hiện thì có tiếng kêu phận. Phận ở vị trí nào trong quan tâm của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Phận đã thành câu hỏi hay là một nỗi đau định vị, yên vị, không thay đổi? Rất có thể trong các tác phẩm thơ văn Việt Nam thì tiếng kêu về phận ở Truyện Kiều là nhiều nhất, đau đớn nhất, nhất là nó như mặc nhiên phải thế.
                                                             Times city tháng 12 năm 1025



[1] . Các thống kê ở đây theo Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh
[2] . Thống kê của Ts Lê Thị Thanh Tâm, xem Chữ duyên trong Truyện Kiều. Trong Từ điển Truyện Kiều ghi là 46, có lẽ bị người xếp chữ thời đó xếp ngược 64 thành 46?  
[3] . Văn thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm tổng tập, Nxb Văn học, H.2014.
[4] Trần Đình Hượu: Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, Nxb Văn hóa thông tin, H.1995, Tr146
[5] Trần Đình Hượu: Nho giáo và văn học Việt Nam trung cân đại, Nxn Văn hóa thong tin, H.1995, Tr146.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét