Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2020

ĐI TÌM MỘT CHỦ NGHĨA QUỐC GIA


ĐI TÌM MỘT CHỦ NGHĨA QUỐC GIA
                                              PHẠM QUỲNH  
                                             Người dịch: Lại Như Bằng
                                    Nguyên tác chữ Pháp "Vers une doctrine nationale"
                                    trích từ tập: Nouveaux essais franco-annamites, Editions Bui Huy Tin, Hue, 1938, quy tụ một số bài báo, bài tham luận bằng tiếng Pháp của Phạm Quỳnh.
I. Sự cần thiết của một chủ nghĩa quốc gia An Nam
Gạt bỏ lớp vỏ bề ngoài để tìm hiểu sâu sắc xã hội An Nam ngày nay, ta sẽ thấy hiển hiện một xã hội khá rời rạc và hỗn loạn, trông như một đám người mất định hướng đang tìm đường, không còn biết rõ mình đang làm gì và phải đi về đâu.
Quần chúng chưa ra khỏi trạng thái tê liệt cảm tính lâu đời, và nếu thỉnh thoảng có thoáng thức tỉnh, nói chung vẫn không còn ý thức, không còn biết gì về vận mệnh của mình như thời xưa nữa. Trước đây, ít ra họ cũng cảm nhận được qua trực giác cái vận mệnh này, vận mệnh không tách khỏi con đường truyền thống của nòi giống, nên đã vững vàng tiến bước. Ngày nay, bị cuốn trôi trong giòng vận chuyển tiến hóa chung ngày ngày xáo trộn các thói quen tập tục, quần chúng hoàn toàn mất định hướng, nhất là họ không còn tìm thấy nơi tầng lớp ưu tú lãnh đạo những người hướng dẫn tự nhiên để giảng giải cho họ, hướng dẫn họ, chỉ cho họ con đường phải theo.
Thật vậy, trong giới trí thức trẻ vốn là thành phần tiên tiến, cũng như trong những tầng lớp gọi là lãnh đạo, là nền tảng của xã hội, người ta hối hả, khuấy động, lục lạo mọi nơi, thử nghiệm đủ mọi con đường, không bao giờ chịu theo một hướng đi nhất định, việc nào cũng như ngập ngừng do dự hơn là xuất phát từ một ý muốn có ý thức, có suy tính ; và dù ai có bỏ công quan sát cho thật kỹ cũng khó tìm được trong tất cả mọi hoạt động hời hợt và giả tạo này một đường lối đặc thù hay đôi ba nét của một lý tưởng chung nào đó.
Thật ra, trong chiều sâu lịch sử, dân tộc An Nam đã chứng tỏ có thể, dưới sự lãnh đạo của vua chúa mình, tự khép mình trong kỷ luật để thực hiện một nghĩa vụ cao cả mà ta có thể gọi là quốc gia, vì nghĩa vụ này được xem như một thứ sứ mạng lịch sử, chống lại áp lực xâm lăng của nước Tàu từ phía Bắc, tiến xuống phía Nam lấn chiếm đất của Chăm-pa. Cái ý thức có thể nói là tự bản năng của sứ mạng này hay của nghĩa vụ này tạo cho họ một tính thống nhất tinh thần luôn luôn tìm thấy lại sau mọi kỳ nội chiến hay nội loạn; nó gắn cho mỗi cố gắng của họ, cho hành động tập thể của họ một mục tiêu vượt lên trên mọi lo tính hàng ngày và áp đặt lên họ như là một lý tưởng chung của nòi giống.
Cái lý tưởng này được thể hiện khi vua Gia Long hoàn toàn thống nhất vương quốc, nó từ từ yếu mòn và mất dần tính năng động qua các triều kế vị.
Ngay dưới thời suy nhược của những vua Lê cuối cùng, cuộc chiến không ngừng giữa hai thế lực Trịnh và Nguyễn đã tiêu hủy lý tưởng lâu đời này. Vị khai nghiệp tài tình của triều đại ngày nay đã khôi phục lại lý tưởng và cho nó một sức sống mới qua một thứ "chủ nghĩa đế quốc" An Nam với mục tiêu gom lại, từ biên giới Tàu tới Vịnh Xiêm La, tất cả các mảnh đất mang dấu vết chinh phục và khai khẩn của người An Nam. Chúng ta đã thấy rằng các vua kế vị không đủ khả năng giữ vững lý tưởng này, để cho nó hoàn toàn suy sụp. Thực ra, thời thế lúc đó cũng không được thuận lợi. Ngoại trừ khoảng ba mươi năm dưới triều Minh Mạng và Thiệu trị lo tổ chức lại guồng máy nhà nước, ngay từ nửa sau thế kỷ 19, đất nước rơi vào tình trạng rối loạn nội bộ và ngoại giao, đan chéo chằng chịt không lối giải, loạn lạc không ngừng làm suy nhược hoàn toàn triều đại cùng nhân dân. Tiếp theo là sự can thiệp của người Pháp, với nhượng đất Nam Kỳ, và thiết lập thể chế bào hộ lên An Nam - Bắc Kỳ.
Lý tưởng bành trướng và thống trị, xưa kia nung nấu nhiệt tình của con dân An Nam qua bao thế kỷ, tắt dần khi đất nước không còn độc lập.
Một giai đoạn lịch sử mới mở ra cho đất nước này, đầu tiên mờ ảo, đầy sóng gió, hỗn loạn, tiếp theo là những cố gắng thu xếp, thích nghi luôn luôn trong khó khăn chật vật, rất nhiều khi vô hiệu, đôi lúc đưa đến thất vọng ê chề; cuối cùng là một thứ quân bình tạm bợ ngày hôm nay với một tình thế đủ ổn định để có thể hòa giải, nếu có đủ thiện chí, mọi lập trường của mọi phe phái.
Nhưng chính những thuận duyên của tình thế này ‒ thuận duyên mà mọi người An Nam có thiện chí đều phải công nhận ‒ lại cho phép ta thấy rõ những thiếu sót của chính nó. Chính thể hiện tại đem lại cho chúng ta hoà bình, an ninh, điều kiện sống ngày nay rõ ràng là tốt hơn thời trước. Nhưng về phương diện luân lý, phương diện tâm linh, và ngay cả chính trị nữa, đứng trên lập trường ý thức quốc gia vốn luôn luôn nằm trong tâm trí những thành phần ưu tú nhất của chúng ta, tình trạng hiện tại có đem lại thỏa mãn không, yên tâm không?
Hỏi tức là trả lời. Tình trạng hoang mang hiện nay của xã hội ta, chủ yếu là của những tầng lớp lãnh đạo, sự bối rối gia tăng cùng lúc với sự phát triển của nền giáo dục đang được mở rộng cho thấy tâm trạng người An Nam chưa được ổn định, chưa được thỏa mãn.
Đặc tính của con người ‒ con người "văn minh" của mọi thời mọi xứ ‒ là tìm cách giải thích hành động hay thái độ của mình bằng những mục tiêu cao thượng. Con người luôn luôn phải nương tựa vào một hệ tư tưởng, hay vào một lòng tin thần bí mầu nhiệm nào đó, để tạo cho đời mình một ý nghĩa. Thật vậy, thời nay, ta thấy mọi nơi trên thế giới nẩy nở tràn lan, một cách không bình thường, đủ thứ thần bí.
Người An Nam vốn không phải là thứ người dã man mọi rợ, đủ khả năng luận lý, đôi khi lo lắng tự hỏi, khi mà mọi dân tộc đang hồ hởi với những ý tưởng vốn là những nguồn sinh lực, không biết mình nên theo con đường nào, và không biết thân phận một dân tộc nhược tiểu và bị bảo hộ có thể tìm ra một lý tưởng nào không? Họ không thể nào định rõ được cho mình cái lý tưởng chập chờn khi ẩn khi hiện đó, và họ đau xót đến tận đáy lòng.
Nhưng, có người sẽ nói, hạng ngưòi An Nam đó không nhiều, và đa số người dân xứ này chẳng màng gì đến chuyện lý tưởng và càng xa vời hơn nữa với chuyện hệ tư tưởng. Người ta sống bằng cơm gạo, nào phải bằng những mơ mộng viển vông của các nhà lý thuyết.
Lập luận này không có gì là lạ. Nó không có một giá trị nào cả. Vì dù cho số người khao khát lý tưởng này không nhiều, nhưng nếu họ thuộc tầng lớp ưu tú, thì cũng chẳng thể coi thường. Tầng lớp ưu tú này không đông, nhưng nó xác định mẫu mực, "âm điệu chuẩn mực", cho toàn thể quốc gia. "Âm điệu" này có thể là "âm điệu" buồn nản, oán hận, bất mãn, hay ngược lại là "âm điệu" của sự can đảm, của tin tưởng, của hy vọng vào một tương lai tươi đẹp hơn. Khuynh hướng bi quan tạo ra trong trường hợp thứ nhất đương nhiên sẽ đưa đến một sự suy nhược tinh thần chung, tạo điểu kiện cho mọi luận điệu tuyên truyền nguy hiểm, trong khi một khuynh hướng lạc quan trong trường hợp thứ hai là giải pháp tốt nhất để ngăn chận mọi tư tưởng xấu xa, mọi chủ thuyết hiểm độc.
Người ta thường nói: chỉ có thần bí mới chống lại được thần bí. Chỉ có ý-lực (idées-forces) mới hóa giải được ý-lực. Không thể đem những lập luận dựa lên quyền lợi vật chất cụ thể nhất thời hay những tính toán có ít nhiều tính cơ hội để thuyết phục người An Nam bỏ ngoài tai những lập luận dối trá của chủ nghĩa cộng sản, của chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc, của chủ nghĩa phát xít hay của một thứ chủ nghĩa quốc gia rẻ tiền. Chỉ có một chủ nghĩa quốc gia kết cấu chặt chẽ, lô gích, hợp tình hợp lý, dựa lên một mặt là những sự kiện hiển nhiên và có lợi ích, một mặt là những ước mong sâu đậm nhất tiềm ẩn trong tâm thức họ, mới có thể tạo cho họ sức mạnh để sống và hành động một cách lành mạnh trong điều kiện sống hiện tại, chống lại mọi đe dọa từ trong ra hay từ ngoài đến.
Làm sao tìm ra một chủ thuyết như vậy? Những người An Nam nào chấp nhận chế độ hiện tại liệu có thể giải thích thái độ, cùng cung cách ứng xử của họ, bằng những lý do không phải chỉ có tính vụ lợi, bằng những mục tiêu cao thượng nảy sinh từ lòng thao thức thâm sâu của họ? Nói cách khác, một chủ nghĩa quốc gia An Nam có thể đi đôi với thể chế bảo hộ của Pháp không? Nếu có, phải quan niệm thế nào về chủ nghĩa quốc gia đó, dựa trên cơ sở luân lý, văn hóa, chính trị nào để không chỉ là một lý thuyết trừu tượng, một phóng ảnh của tâm trí, mà là một chủ thuyết sống động, một "ý lực" có khả năng tác động lên dân tộc này, cho nó lòng tin vào vận mệnh của nó, hướng dẫn nó trong trật tự và tiến bộ trên con đường thể hiện những sứ mạng phải hoàn thành?
Đó là vấn đề được đặt ra và chúng tôi xin đề nghị toàn thể độc giả và thân hữu cùng suy ngẫm. Chúng tôi nghĩ rằng đây là vấn đề quan trọng hàng đầu và lời giải đáp có thể là phương thuốc cho nỗi trăn trở hiện nay của tầng lớp ưu tú An Nam.
Chúng tôi sẽ cố gắng, về phần mình, đóng góp vài yếu tố cho câu giải đáp của vấn đề.
Chúng tôi không chỉ kêu gọi những người thuộc tầng lớp ưu tú trong đồng bào của chúng tôi, mà xin mở rộng lời kêu gọi đến cả các bạn Pháp, hầu giúp chúng tôi trong công cuộc này bằng cách cho chúng tôi những ý kiến, và những đề nghị cụ thể.
Vượt qua những tranh cãi cá nhân chỉ gây chia rẽ và giận hờn, nghiên cứu và thảo luận một vấn đề có tầm mức quan trọng quốc gia giúp ta đánh giá mức trưởng thành trí thức và chính trị của những ai trong chúng ta muốn tham gia vào tầng lớp thực sự ưu tú lãnh đạo đất nước.
II. Chủ nghĩa quốc gia An Nam và Thể chế bảo hộ của nước Pháp.
Chủ nghĩa quốc gia An Nam có xung khắc với thể chế bảo hộ của nước Pháp không?
Chúng tôi khẳng định rằng một chủ nghĩa An Nam khôn ngoan và ôn hòa hoàn toàn tương hợp với một thể chế bảo hộ phóng khoáng và cởi mở.
Dù sao, đây cũng là hai nhóm sự kiện cùng cần thiết như nhau, tương hợp với quyền lợi của cả đôi bên.
Do đó, chúng ta cần phải nhận định chính xác hai nhóm sự kiện đó.
Phải hiểu chủ nghĩa quốc gia An Nam như thế nào? Thể chế bảo hộ Pháp là gì? Có những chùm ý tưởng nào, tình cảm nào, thành kiến nào, khuynh hướng nào, yếu tố sinh lý nào tiềm ẩn trong hai cụm từ, thoạt nghe đã thấy chống đối nhau, mà chúng ta lại muốn gắn lại với nhau, kết hợp, đồng hóa thành một tổng hợp hài hòa?
Ta thử xét cụm từ thứ nhất. Cụm từ chủ nghĩa quốc gia thường là nạn nhân của một thành kiến. Người "quốc gia" mang hình ảnh một người yêu nước hung hăng, xem đất nước mình, nòi giống mình là nhất trên thế gian, và gắn bó với nền độc lập của đất nước mình đến độ có thể sẵn sàng làm đủ thứ chuyện, ngay cả khơi động một cuộc cách mạng, một cuộc chiến hay gây ra tội ác, để bảo vệ nó hay để dành lại nó. cụm từ này gợi cho ta hình ảnh của chủ nghĩa Phát Xít Ý, Nazi Đức, của đám thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ đệ tử của Kemal, của swarajiste Ấn Độ, của Wafdhiste Ai Cập, của thanh niên Tunisie thuộc xu hướng Destour, và gần chúng ta là đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng với dư ảnh đẫm máu của thảm kịch Yên Bái.
Nếu trong từ vựng chính trị có một từ không còn được người có lương tri trân trọng nữa thì đó chính là từ "quốc gia". Nhãn hiệu đó chỉ định một con người nguy hiểm, thâm tâm luôn luôn tìm cách lật đổ trật tự xã hội hiện có, một con người bài ngoại mù quáng căm thù mọi ảnh hưởng ngoại lai.
Chúng tôi muốn khôi phục giá trị của cụm từ này bằng cách trả lại cho nó ý nghĩa đáng lẽ nó phải có.
Đối với chúng tôi, một người theo chủ nghĩa quốc gia là một người hết lòng gắn bó với đất nước và nòi giống mình, có một ý thức cao về tình đoàn kết quốc gia và truyền thống lịch sử; là một người yêu nước, nhưng yêu nước không chỉ bằng tình cảm mà còn bằng lý trí, một người muốn nâng mức độ yêu nước của mình lên thành một chủ thuyết đạo đức và chính trị. Từ một tình cảm tự nhiên, tiềm ẩn trong thâm tâm của mỗi con người, người này muốn xây dựng thành luật sống hay một thái độ hoàn toàn có ý thức và có suy luận. Trong một thế giới mà mọi tôn giáo đã hoàn toàn sụp đổ, mọi triết lý bị lay động ngả nghiêng, chính trị từ từ bị kinh tế lấn áp hoàn toàn, đạo đức không còn dựa trên một nền tảng vững chắc nào và con người mỗi lúc phải tự hỏi sống để làm gì, người này thấy rằng chỉ còn một thực tế tồn tại giữa tất cả cái hỗn loạn này, đó là tập thể xã hội và dân tộc từ đó mình sinh ra, với những người giống mình, được nhào nặn bằng cùng chất liệu nhân cách, với những nỗi nhọc nhằn, đau xót, hy vọng như mình, gắn bó với mình bằng cả ngàn sợi giây vô hình, và cùng chung với mình một vận mệnh.
Như vậy, Tổ quốc đối với người ấy không còn là một khái niệm trừu tượng, nhưng là một thực thể sống động với những hình ảnh có thể thấy qua mọi sự vật, mọi sinh vật bao quanh họ. Người ấy cảm nhận thấy mình là một phần của một tổng thể sống động, mà mỗi nhịp tim rung động thâm sâu tâm hồn mình. Cảm giác có một sợi giây liên hệ mật thiết, có thể nói thêm là xuất phát tự đáy lòng, kết hợp người đó không những với tất cả những người còn sống tạo thành tổng thể này, mà còn với cả những người đã chết và những kẻ sẽ sinh ra. Người ấy cảm nhận mình là một hạt trong sợi giây chuỗi dài dặc mà đầu ngọn bắt nguồn từ chiều sâu vô tận của thời gian, và kết thúc cuối cùng không biết sẽ đi về đâu. Khi mà chung quanh mình, tất cả đều bị nghi ngờ xét lại không nương tay, khi mà lòng tin thái quá vào khoa học, thay vì kết hợp với "lương tâm", lại thành ra chống đối "lương tâm", anh ta thấy tổng thể này là thực tế duy nhất không thể chối cãi, một thực tế vừa lý tưởng, vừa cụ thể, bao bọc mình từ mọi phía, cùng lúc vượt lên trên, một thực tế mình có thể bám víu vào mà không bị cảm giác hụt hẫng. Đối với anh ta, cái thực tại này, hiển hiện trước mắt một cách thường trực và hàng ngày, đương nhiên là cơ sở duy nhất, vững chắc nhất cho đời sống của mình, cho sinh hoạt của mình. Vì tất cả gắn bó anh ta với tập thể con người mà anh ta là thành viên, anh ta không thể thờ ơ với vận mệnh của tập thể này; với cuộc sống riêng tư của mình, anh ta tham gia vào vận mệnh của nó, anh ta có trách nhiệm với sự thịnh vượng hay sự thoái hóa của nó. Anh ta không còn sống riêng rẽ, chỉ vì mình cho riêng mình, như một hòn đảo nhỏ chìm đắm giữa biển động sóng cao. Liên đới trách nhiệm với tập thể của mình, anh ta cũng sống nhờ nó và cho nó. Với tập thể này, anh ta cảm thấy có bổn phận, có trách nhiệm. Đời sống anh ta có một mục tiêu, một lý tưởng: hạnh phúc của tập thể vốn gắn liền với hạnh phúc của chính anh ta, sự thịnh vượng của quốc gia của anh ta, uy danh của tổ quốc mà anh ta muốn là một con dân có ý thức và đóng góp tích cực.
Suy rộng lý tưởng này dựa trên các bài học lịch sử và qua kinh nghiệm của các dân tộc khác, anh ta đương nhiên đi tới kết luận của sử gia nổi tiếng Camille Jullian sau khi suy ngẫm về quá trình hình thành của quốc gia Pháp: theo đó "quốc gia là hình thức lý tưởng của tập hợp xã hội", quốc gia là hình thái cao cả nhất của các tập thể xã hội con người.
Dựa trên khái niệm về tổ quốc và nòi giống, ta có thể dễ dàng xây dựng cả một hệ thống triết lý, một hệ thống đạo đức, một hệ thống chính trị. Chính vì vậy mà từ đó nẩy sinh các chủ thuyết hay huyền hoặc thuyết quốc gia chủ nghĩa. Các chủ thuyết này đương nhiên mang sắc thái của tâm tính, màu sắc của tâm hồn các dân tộc tạo ra chúng hay chấp nhận chúng. Nhưng tất cả đều dựa trên cái vốn liếng mà chúng tôi đã cố gắng định nghĩa và phân tích ở trên.
Cái vốn liếng này không hề vắng bóng trong tâm hồn người An Nam. Nó đã luôn luôn có mặt trong quá khứ. Ngày nay, nó mỗi ngày mỗi tự ý thức về mình rõ ràng hơn; tự định hướng lại, sắp xếp lại, và cố tìm cho mình một con đường trên đó nó có thể khẳng định nhân cách của mình, giãi bày tư tưởng, và tự do thăng hoa.
Chính cái vốn liếng được xây dựng lên từ những tình cảm, những tư tưởng, những thiên hướng đi đến tận cùng gốc rễ thâm sâu nhất của nòi giống, để tìm hình thái của mình, ngôn ngữ của mình, chính cái tổng hợp tâm lý đang mong muốn tự sắp xếp lại và trở thành hiện thực này được chúng tôi đặt tên là "chủ nghĩa quốc gia An Nam".
Mặc dù cái tổng hợp này thuộc lãnh vực tinh thần và tâm lý và vận hành trong nội tâm, không thể quan sát một cách hời hợt bề ngoài, không ai có thể phủ nhận sự hiện thực của nó.
Hơn nữa, nó còn là một sự kiện tự nhiên và, và như đã nói ở trên, cần thiết nữa. Nó có thể ít nhiều được ý thức và được suy tính. Nó luôn luôn nằm sẵn trong tận đáy lòng các dân tộc ‒ dân tộc An Nam và các dân tộc khác ‒ và là một trong những sức mạnh tự bản năng của nòi giống.
Một dân tộc không có cái ý thức tự bản năng về tập thể của chính mình, không cảm nhận được tình cảm đoàn kết nòi giống là một dân tộc đang trên đường phân tán và suy đồi. Hẳn đây không phải là trường hợp của dân tộc An Nam.
Tình cảm quốc gia An Nam như vậy là một sự kiện tự nhiên và cần thiết, sự hiện hữu của nó là chính đáng và sự phát triển là chuyện bình thường. Biết khéo dẫn dắt, theo đường hướng đúng đắn, nó có thể và sẽ phải là một thế lực có ích lợi, đem lại kết quả tốt. Bị ngăn chặn, "đè nén", nó có thể phát triển một cách không bình thường, hay còn nguy hiểm nữa.
Dù sao đi nữa, nó có đó, và ta không thể nhắm mắt làm ngơ không đếm xỉa tới.
Nhưng ‒ và tất cả vấn đề là ở đây ‒ cái tình cảm quốc gia An Nam đó đang trên đà phát triển, sắp xếp tổ chức lại, hiển hiện ra với sức mạnh của một thế lực thần bí, có đụng độ một thế lực khác có tổ chức, uy mãnh, đại diện cho sự giám hộ của một quốc gia ngoại lai, tức là nền bảo hộ của nước Pháp không? Cái thế lực có tổ chức này liệu có khuynh hướng muốn tiêu diệt cái thế lực kia không, hay ít ra cũng làm ngơ, bỏ qua không đoái hoài tới? Và thế lực bị "đè nén", không được cảm thông, bị dồn ép trong thế giới riêng của mình, thay vì phát triển một cách lành mạnh, liệu có sinh ra những tình cảm căm thù, mờ ám không?
Bây giờ chúng ta bước sang vế thứ hai của vấn đề là nền bảo hộ của nước Pháp.
Nếu ta bảo rằng chủ nghĩa quốc gia An Nam là một thế lực đang dò dẫm tìm đường hay chưa tự ý thức được mình, thì nền bảo hộ của Pháp là một thế lực hiển nhiên không cần bàn nữa. Tự nó, nó có đủ sức mạnh vật chất để khiến mọi người phải kiêng nể, và không cần bào chữa cho hành động của mình bằng bất cứ một lý do đạo đức hay lý tưởng nào. Tuy vậy, các lý thuyết gia, với những lập luận có ít nhiều tính thuyết phục, đã bỏ công ra để bào chữa cho chế độ thực dân, nghĩa là bào chữa cho sự kiện các dân tộc hùng mạnh có thể áp đặt nền thống trị của mình lên trên các dân tộc yếu kém hơn. Sự bào chữa này, có thể nói là đã đến sau khi chuyện đã rồi, dùng những lời lẽ đượm màu lý tưởng, hợp thức hóa một sự kiện chẳng cần phải giải thích. Tuy vậy, bản thân hiện tượng bào chữa này cũng đáng chú ý và báo hiệu một khuynh hướng mới đang thành hình trong tương quan giữa các dân tộc. Chúng tôi thấy không cần phải tóm tắt cài lý thuyết đã được Albert Sarraut trình bày không biết bao nhiêu lần về "quyền hạn của kẻ mạnh bảo trợ kẻ yếu". Quyền hạn cho phép kẻ mạnh thay thế kẻ yếu để thăng hoa giá trị những tài nguyên chưa được khai thác, thăng hoa giá trị chính bản thân kẻ yếu, được xem như là thành phần nhân loại còn chậm tiến, hay thăng hoa giá trị tài nguyên nhân lực.
Thuyết này mới đây đã được sự hỗ trợ, xác nhận đồng tình của uy quyền tâm linh cao nhất thế giới là Nhà Thờ Ca Tô Giáo. Mới đây, báo Osservatore romano, cơ quan ngôn luận của Vatican, xem khai thác thuộc địa là một "công trình vĩ đại đoàn kết nhân loại, tạo thành bằng tính kiên trì, lòng can đảm, quyết tâm và tình huynh đệ thân ái":
 "Không một dân tộc nào, nòi giống nào được quyền đứng ngoài sự vận hành tập thể và liên đới của đời sống các quốc gia. Những tài nguyên vật chất do quả đất hiến tặng không thể bỏ phí không khai thác, và những dân tộc nào có tài nguyên mà tự mình không biết khai thác, phải chấp nhận được giúp đỡ và hướng dẫn. Người khai thác thuộc địa ngày nay, được đào tạo trong các trường chuyên môn, xem sự khai thác thuộc địa như là một sự cộng tác giữa các nòi giống, chứ không phải là sự khai thác hung bạo nòi giống này bởi nói giống khác. Dân bản xứ, cảm nhận những lợi ích của sự khai thác thuộc địa theo nghĩa trên, và thường thường tỏ ra mãn nguyện. Nhà thờ luôn luôn khuyến khích và ủng hộ một công trình như vậy bằng một sự dấn thân bảo trợ toàn diện. Tóm lại, Nhà Thờ xem vấn đề khai thác thuộc địa trước hết là một vấn đề thuộc lãnh vực đạo đức và không thể chỉ được giải quyết bằng bạo lực. Vấn đề này luôn luôn và chủ yếu phải là một sự thẩm thấu trong hoà bình, qua thuyết phục, qua chinh phục liên tục và từ từ, bằng quyết tâm, bằng tấm lòng."
Những lý thuyết kiểu đó không khỏi có phần hình thức giả dối, tuy nhiên ta phải công nhận rằng lý thuyết của Nhà Thờ Ca Tô xem vấn đề chinh phục thuộc địa trước hết phải là vấn đề thuộc lãnh vực đạo đức. Dĩ nhiên, lập luận này phù hợp với chủ thuyết truyền đạo tất cả vì "tình huynh đệ". Nhưng đây cũng là thái độ đúng đắn để xét và giải quyết vấn đề thuộc địa, là vấn đề chính của chúng ta, với hai nhân vật chung sống trên cùng mảnh đất, người Pháp "chinh phục thuộc địa" và người An Nam "bị chinh phục". Nếu ta chỉ xem chuyện này như là vấn đề tương quan lực lượng, thị trường tiêu thụ, tài nguyên, nhân lực hay là uy thế quốc gia, thì ta sẽ không có lối thoát, nó sẽ đưa đến một cuộc đối kháng vĩnh viễn giữa kẻ chiến thắng, tự hào về sức mạnh của chính mình, bám chặt vào lợi nhuận, và kẻ chiến bại bị nhục nhã, khinh thị và uất ức. Dù bề ngoài có thế nào chăng nữa, thực ra chủ yếu đây là một vấn đề thuộc lãnh vực nhân đạo.
Dù sao, đây cũng là cách nhìn của nước Pháp, khi lấy luận đề này làm chủ thuyết chính thức cho công cuộc chinh phục thuộc địa.
Trong tất cả các dân tộc thực dân, nước Pháp chắc chắn là nước có lý tưởng sâu sắc nhất, có nhiều khả năng nhất để tạo cho công cuộc chinh phục thuộc địa một ý nghĩa nhân đạo nhất. Mẫu mực của nền bảo hộ Pháp tại xứ An Nam chứng thực cho điều này. Bị áp đặt bằng bạo lực cách đây khoảng năm chục năm, lúc đầu không tránh khỏi nhiều khó khăn ép buộc, ngày hôm nay nó được mọi người An Nam có lương tri nhất trí chấp thuận, kể cả những người vốn tỏ ra gắn bó sâu sắc nhất với chủ nghĩa quốc gia, vì mọi người đều công nhận qua thực chứng những thành quả tốt đẹp của nó. Mọi người đã hiểu rằng trong tình trạng tương quan phụ thuộc hiện tại giữa các dân tộc, vận mệnh của những dân tộc nhược tiểu như dân tộc An Nam là phải bám theo quỹ đạo của một nước hùng mạnh nào đó. Trong những điều kiện đó, xứ An Nam nên chấp nhận sự che chở của nước Pháp là nước mà chúng ta đã thấy rõ truyền thống hào phóng hơn là chấp nhận một quốc gia khác ít có lý tưởng hơn, có chính sách bảo hộ có thể sẽ hà khắc hơn. Bề gì cũng lệ thuộc, người An Nam lựa chọn sự lệ thuộc vào nước Pháp.
Như vậy, chủ nghĩa quốc gia An Nam một bên, nền bảo hộ Pháp một bên, hai vế của một thế nhị nguyên Pháp - An Nam không nhất thiết không thể thỏa hiệp. Hơn thế nữa, cái thế nhị nguyên này vẫn có thể biến thành một thế tổng hợp với khả năng hòa giải và điều hòa hai vế đối mặt.
Bên chủ nghĩa quốc gia An Nam, vì không chủ trương bất cứ một tư tưởng đòi độc lập nào, không che đậy bất cứ một ý định ly khai nào, không những thẳng thắn chấp nhận quyền bá chủ của nước Pháp và hơn thế nữa xem quyền hạn này là cần thiết như một thứ áo giáp che chở chống trả mọi nguy cơ đến từ trong hay ngoài nước. Nói tóm lại giới hạn mọi tham vọng của mình trong đường hướng sống và tự do phát triển trong cộng đồng Pháp Quốc rộng lớn. Như vậy thì chủ nghĩa quốc gia An Nam không có gì mâu thuẫn với chế độ bảo hộ, tức là một sự giám hộ có tổ chức của nước Pháp.
Về phía Pháp, sự giám hộ phải được thể hiện với tinh thần cởi mở và lý tưởng cao thượng vốn là truyền thống của nước Pháp, phải nhắm đến việc từ từ giải phóng dân tộc được bảo hộ chứ không phải đồng hóa và tiêu diệt nó; phải giúp cho dân tộc này ý thức được nhân cách của mình, tự tin nơi mình, yên ổn phát triển một cách toàn vẹn trong cái độc đáo của mình.
Thực ra, mục tiêu nhắm đến của cả đôi bên là thực hiện một công trình sáng tạo nhân bản và cao thâm: thể hiện một ý tưởng quốc gia đang dò dẫm tìm đường, cho nó một ý thức, một hồn thiêng; tóm lại, tạo ra một quốc gia An Nam, con của nước Pháp và phát triển lên trong khuôn khổ đế quốc Pháp.
Cái lý tưởng này, hoàn toàn thích hợp cho nước An Nam và nước Pháp. Cho nước An Nam vì nó thể hiện được giấc mơ lâu đời, đáp ứng được những ước muốn sâu sắc nhất của nòi giống. Cho nước Pháp vì nó phù hợp với vai trò giám hộ, phù hợp với sứ mạng lịch sử bảo hộ và giải phóng các dân tộc.
Hiểu như vậy, chủ nghĩa quốc gia An Nam và nền bảo hộ Pháp không mảy may xung khắc trong bản chất cũng như trên nguyên lý. Một bên sẽ là khuôn khổ bền vững, một bên là chất liệu sâu sắc của một công trình sáng tạo đặc biệt, một quốc gia An Nam với một hồn thiêng kết tinh tổng hợp tất cả những cái gì tốt đẹp nhất trong các lý tưởng Tây phương và Đông phương.
Một sáng tạo độc đáo, có thể nói là có một không hai, chắc chắn sẽ là một trong những thành quả tốt đẹp nhất của lịch sử; hay ít ra cũng là một công trình thật cao đẹp, lý thú được đề nghị cho hai dân tộc, và sẽ là sợi giây gắn bó vĩnh viễn hai dân tộc trên đất nước này do những tình cờ của lịch sử ‒ nếu không nói là quyết đoán của định mệnh ‒ khiến cho gặp nhau và sống chung từ năm mươi năm nay.
Ý thức được cái nhiệm vụ cao cả này, nhất trí trong việc thực hiện nó, đây là cái thần bí của sự hiệp tác Pháp - An Nam, cạnh một cái thần bí khác, cái biểu tượng của sự kết hợp Đông và Tây vẫn thường là giấc mơ của những nhà tư tưởng lớn nhất thế giới.
III. Chủ nghĩa quốc gia và chế độ quân chủ
Chúng ta đã thấy rằng chủ nghĩa quốc gia An Nam, không những không xung khắc với chế độ bảo hộ Pháp, lại còn hoàn toàn dung hòa với cái thể thức giám hộ chính trị khôn khéo tinh vi của nước Pháp, là gìn giữ bản sắc của dân tộc An Nam và bảo trợ cho dân tộc này có thể phát triển lên một cách toàn vẹn trong cái độc đáo của mình.
Nhưng nói đến thể chế bảo hộ là nói đến một chính phủ bản xứ "được bảo hộ", được hướng dẫn bởi thế lực giám hộ, nhưng vẫn giữ được quyền tự trị.
Chính phủ bản xứ này, ở đây là chính phủ của "Quốc vương An Nam, vẫn tiếp tục như trong quá khứ, nắm chính quyền các vùng đất của mình về mặt nội vụ", chiếu theo điều 16 của Hiệp ước Bảo hộ ngày 6 tháng Sáu 1884.
Chính phủ quốc gia được nước Pháp bảo hộ đối với chúng ta như vậy là chính phủ theo thể chế quân chủ.
Bây giờ chúng ta xét qua tương quan giữa chủ thuyết quốc gia An Nam và thể chế quân chủ đã từng có và còn tiếp tục tồn tại cho đến ngày hôm nay.
Khi xác định một chủ thuyết quốc gia An Nam, mục đích của chúng ta ‒ tưởng cũng nên nhắc lại điều này ‒ không phải là chủ trương những cải cách ít nhiều sâu đậm trong tổ chức chính trị hay xã hội của đất nước: cái đó là chuyện khác. Mục đích chính của chúng ta là tổng kết những tư tưởng, những tình cảm, những truyền thống, những ước vọng, những ý hướng hiện tại đang kết tinh trong tâm trí người An Nam quanh những khái niệm về tổ quốc, giống nòi, là cố gắng rút ra từ cái tập hợp này những nguyên tố của một chủ thuyết có khả năng tạo cho đồng bào của chúng ta một lý tưởng cho mọi sinh hoạt, một chuẩn mực cho đời sống. Chúng ta đi tìm một lý tưởng quốc gia, một chủ thuyết, một con đường thần bí ; chúng ta không đi tìm những phương thức cải cách, và do đó không muốn đề ra bất cứ một cuộc thảo luận lý thuyết nào về sự lợi hại của mọi hình thức tổ chức chính quyền.
Như vậy, chúng ta không thảo luận về nguyên lý của chế độ quân chủ An Nam cũng như chúng ta đã không thảo luận về nguyên lý của chế độ bảo hộ Pháp. Chúng ta khởi đi từ tình trạng hiện tại của các chế độ này, xem như là những sự kiện hiện thực.
 Nhưng trước khi tìm hiểu xem tình cảm dân tộc hòa hợp hay hơn thế nữa đồng hóa với nguyên lý quân chủ như thế nào, chúng tôi nghĩ ‒ để làm sáng tỏ cuộc thảo luận ‒ nên giải tỏa một ngộ nhận về chế độ quân chủ An Nam.
Người ta đã gán cho chế độ này tội làm mất nước. Người ta chê nó chểnh mảng trong công việc, bất lực trong khả năng, đôi khi với lời lẽ đắng cay, nhưng luôn luôn với giọng mỉa mai. Thậm chí có người còn nói rằng, tóm gọn trong vai trò hiện tại của nó, nếu nó có bị loại bỏ thì càng hay. Đã có người làm như nó không còn nữa, dù chưa biết rõ phải thay thế nó bằng cái gì.
Theo chúng tôi, nó không đến nỗi phải chịu nhận sự khinh khi cao độ hay sự đánh giá nghiêm khắc và bất công như vậy. Chế độ quân chủ không hề có lỗi với Tổ quốc. Nó đã tạo ra sự thống nhất quốc gia. Cái công đã cố gắng tạo dựng nên đất nước hiện tại cho giống nòi có thể chuộc lại những thiếu sót, những sai lầm, và hơn thế nữa, xứng đáng được nhận lòng mang ơn của mọi người yêu nước. Nếu về mặt "chính thức", ta cứ tạm gọi như vậy, nó đã để mất nước, ta cũng phải công nhận rằng dù có chế độ quân chủ hay không nước cũng sẽ mất, với những điều kiện có lẽ còn tệ hại hơn trong bối cảnh thế giới ngày nay.
Dù sao, dân tộc nào thì chính phủ đó. Trong năm mươi năm vừa qua, nền quân chủ An Nam là hình ảnh trung thực của dân tộc An Nam, một dân tộc đã để mất đi định hướng của vận nước mình, lặng nhìn các giá trị nền tảng xã hội mỗi ngày mỗi suy sụp, rồi tự bỏ mặc nổi trôi tới một bến bờ vô định.
Nếu một mình chúng ta không thể khiến cho chế độ này trở thành một thực thể chính trị chứ không chỉ là một hư cấu ngoại giao, ‒ một thứ dàn cảnh của sân khấu kịch trường, theo như một bộ trưởng Pháp đã từng tuyên bố giữa quốc hội Pháp ‒ chúng ta hoàn toàn có thể làm cho sống lại cái nguyên lý nền tảng của chế độ này, cho sống lại cái sức mạnh, nguồn sinh lực bằng cách hội nhập nó vào một hệ thống quốc gia, tổng hợp mọi truyền thống, mọi khuynh hướng, mọi mong đợi thâm sâu của dân tộc ta.
Chỉ cần xét xem cái nguyên lý này đã từng giúp ích và còn thích hợp với tâm lý hay tâm tính người An Nam hay không.
Cái tâm tính này đã được tạo thành qua hai mươi thế kỷ giáo dục Khổng giáo, được phát triển trong một môi trường tuyệt đối theo phụ hệ, tự nó, không thể hình dung một chính quyền nào khác hơn một chính quyền quân chủ, một thể chế nào khác hơn một thể chế quân chủ, mà lại còn là một thể chế quân chủ chuyên chế nữa. Và, không phải vì mới vừa du nhập được từ phương Tây một thứ lý tưởng dân chủ mơ hồ, một vài cơ chế có chút ít tính đại diện chỉ gây được chú ý nhờ có tính mới mẻ, ích lợi chưa có gì chắc chắn, nhưng việc điều hành vụng dại đã có hướng tạo ra vài tệ đoan nơi những người mới nhập môn, không phải cái lớp mỏng dính ít nhiều dân chủ đó có thể suy chuyển một tâm tính được đào tạo qua bao thế kỷ.
Trong bản năng, người An Nam đã và luôn luôn theo chủ nghĩa quân chủ. Mọi cuộc cách mạng xảy đến trong lịch sử của chúng ta để truất ngôi vua hay tiếm vị ngai vàng, khi nhân danh quyền chính thống của triều đại, khi lấy lý lẽ nương theo ý dân, nhưng luôn luôn dựa trên nguyên lý quân chủ, không bao giờ chống lại nguyên lý này.
 Truyền thống quân chủ bẩm sinh trong tâm trí, bám sâu trong tập quán, là khuôn mẫu trong ngôn ngữ văn chương cũng như thành ngữ dân gian, cả hai đều gắn liền quốc vương với quốc gia, khái niệm vương quốc với khái niệm tổ quốc.
Dù không đi sâu vào quan niệm cổ điển về luân lý với ba ấn quyết cơ bản của xã hội và đạo đức là : vua và tôi (quân thần), cha và con (phụ tử), chồng và vợ (phu phụ), ta có thể thấy rằng trong ngôn ngữ hàng ngày từ ái-quốc (yêu nước hay yêu tổ quốc) luôn luôn gắn chặt với từ trung-quân (trung thành với vua). Ngôn ngữ phản ánh tâm hồn một dân tộc: tiếng An Nam luôn luôn kết hợp hai khái niệm song hành hay song sinh này.
Trong thực tế, qua mọi thời, vua luôn luôn được xem là biểu tượng của quốc gia. Còn hơn thế nữa, vua được đồng hóa với quốc gia. Lòng ái quốc, trong một thời gian khá lâu, được hiểu như một thứ lòng trung thành với triều đại. Đất nước, quốc gia là của vua, được tạo ra cho vua, sự sùng kính này bắt nguồn từ lòng tin rằng đây là luật trời.
Đó là ý nghĩa của bài tứ tuyệt tướng Lý Thường Kiệt đã sáng tác năm 1076 trong lúc chiến đấu chống quân Tống xâm lăng:
Nam-quốc sơn-hà Nam-đế cư,
Tiệt-nhiên định phận tại Thiên-thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm-phạm ?
Nhữ-đẳng hành khan thủ bại-hư !
Sông núi nước Nam là của Vua Nam.
Điều này đã được ghi rõ trong sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Mưu toan của chúng bây sẽ chuốc lấy thất bại !

Phân tích khái niệm "mệnh trời", vốn là khái niệm cơ bản của nền quân chủ Hán Việt cổ xưa, sẽ đưa ta đi quá xa. Vả lại công việc chú giải triết học này cũng không cần thiết. Đọc lại lịch sử xét ra cũng đủ.
Lịch sử cho ta biết rằng nền quân chủ An Nam không thể tách rời khỏi quốc gia An Nam. Chính nền quân chủ đã tạo ra quốc gia với những đất đai xâm chiếm được qua bao thế kỷ kết thành lãnh thổ hiện tại. Qua ngót một ngàn năm, ngọn đuốc thiêng dân tộc được truyển tay tử triều đại này sang triểu đại kia, vận mệnh của đôi bên vẫn luôn luôn gắn liền.
Chúng ta đã nói đến một "sứ mạng lịch sử" đã bảo đảm sự thống nhất và sự trường tồn của nòi giống An Nam: đó là tự vệ chống Tàu ở phương Bắc và tràn xuống phương nam lấn chiếm Chăm Pa, tạo thành một lãnh thổ rộng lớn và đa dạng, vừa tầm cho một nòi giống siêng năng và đông đúc, một lãnh thổ bao gồm hai trong những châu thổ phì nhiêu nhất thế giới, với biểu tượng hai thúng gạo bắc kỳ và nam kỳ, được nối liền bằng đòn gánh trung kỳ không kém phần ý nghĩa.
Cái "sứ mạng lịch sử" này, chính nền quân chủ An Nam, được quốc gia An Nam ủy quyền, đã kiên trì thực hiện suốt mười thế kỷ qua. Nó đã thực hiện với nhiều nỗi thăng trầm, vượt qua những trở ngại khủng khiếp, giữa những xáo trộn khôn lường, nhưng luôn luôn với một sự bền bỉ và thành quả đáng nể, tất cả cho thấy nó đã tự đồng hóa đến mức độ nào với nòi giống và kết tinh những năng khiếu thâm sâu của nó.
Tác giả một sách mới đây viết về nền quân chủ An Nam (Robert Petit, La Monarchie annamite /Collection des Etudes sociologique et d'ethnologie juridiques du Professeur R. Mauniet, Paris, 1931. Pages 8-10/) đã tóm tắt lịch sử những nỗi thăng trầm của nó qua đó, thống nhất trong bản chất và đa dạng trong các triều đại kế tiếp nhau, nền quân chủ này luôn luôn tìm đường thể hiện ý chí duy nhất của nòi giống: bành trướng và khuynh loát các vùng dọc theo bán đảo Đông Dương:
Nền đô hộ của người Tàu bị Ngô Quyền lật đổ năm 938, khai sinh ra triều đại nhà Ngô. Triều đại này đã trị vì cho đến năm 963. Trong thời độc lập ban đầu, người An Nam cũng chẳng được hưởng một cuộc sống an lành, hạnh phúc hơn thời còn Bắc thuộc. Trước hết, họ phải đấu tranh chống lại nước Tàu để bảo tồn nền độc lập, chống các nước láng giềng để phát triển nòi giống. Vào cuối thế kỷ thứ 10, người An Nam kết hợp thành một quốc gia độc lập, lãnh thổ trải ra từ cực bắc Bắc kỳ cho đến quá vùng đất Huế. Họ tiếp tục tiến về phía Nam, không gì ngăn chận nổi. Vào giữa thế kỷ thứ 17, họ đã thôn tính xong vương quốc Chăm-Pa xưa, và biên giới phía Nam của họ đã tiếp cận với châu thổ sông Cửu Long của người Khmer. Họ vượt qua biên giới, xua đuổi người Căm-Bốt sang phía Tây, và vào giữa thế kỷ vừa qua hoàn tất cuộc bành trướng cho đến tận miền Nam Nam Kỳ. Song song với những trận chiến chống ngoại bang nhiều khi lại xảy ra những cuộc xâu xé nội bộ khiến các triều đại bị lật đổ, thay thế liên miên. Sau nhà Ngô, đến 938 là nhà Đinh, rồi triều đại này bị một vị quan đầu triều nhiều tham vọng lật đổ, tên là Lê Hoàn, người chiến thắng quân Chăm Pa và khai sáng nhà Tiền Lê từ 980 tới 1009, sau đó là nhà Lý (1009-1226), rồi nhà Trần cho đến đầu thế kỷ 15. Đến đây, nước Tàu trở lại xâm chiếm đô hộ người An Nam trong một thời gian ngắn, và sau mười năm kiên trì đấu tranh, một người kháng chiến anh dũng, Lê Lợi, giải phóng dân tộc mình và được hoàng đế Tàu phong tước vương, lập ra nhà Hậu Lê, triều đại trị vì từ năm 1428 đến năm 1527 thì bị nhà Mạc soán ngôi. Đến cuối thế kỷ thứ 16 nhà Hậu Lê khôi phục lại ngai vàng và ở ngôi cho đến nửa sau thế kỷ 18. Trong phần sau này của nhà Lê, một thể chế mới được ra đời, thể chế "chúa". Chúa là một vị quan đầu triều, nắm thực quyền cai trị, vua chỉ còn là bù nhìn. Đối với chúng ta, đây là thời điểm quan trọng nhất của lịch sử An Nam, vì từ đó trở đi là thời của các chúa Nguyễn, tiên tổ của các hoàng đế hiện nay. Nhà Lê đã khôi phục ngôi báu nhờ một vị tướng dũng mãnh, Nguyễn Kim. Vị tướng này có hai người con trai, và một người con gái, gả cho một trong những phó tướng của ông ta là Trịnh Kiểm. Khi vị này qua đời, Trịnh Kiểm tiếp thu quyền lực của ông ta bằng cách giết người con trưởng và đày người con thứ ra Thuận Hoá. Tại đây, người con thứ đã tạo ra một lãnh thổ riêng. Từ đó, hai thế lực kình địch được dựng lên, họ Trịnh, làm chúa tại Bắc kỳ và họ Nguyễn, làm chúa ở Nam Kỳ, và ngay từ năm 1620, trong suốt hai thế kỷ, hai phe với lực lượng tương đương đã chống đối lẫn nhau trước sự bất lực của nhà vua, chỉ còn vai trò như một pho tượng thờ trong thâm cung. Những thế kỷ sau là giai đoạn tạm yên giúp cho họ Trịnh có dịp tước đoạt nốt những quyền hạn cuối cùng của nhà Lê, và giúp cho họ Nguyễn cơ hội xây dựng nên một vương quốc thực thụ qua một cuộc nam tiến không ngừng, thôn tính những mảnh đất cuối cùng của người Chăm và xâm chiếm vùng Nam Kỳ Hạ (basse-cochinhchine) của Căm Pu Chia.
Cuối thời kỳ này, thế lực nhà Nguyễn gặp một tai biến khủng khiếp. Năm 1765, khi chúa Võ Vương qua đời, ngược với truyền thống, một người con thứ còn nhỏ tuổi, con của một thứ phi, được đưa lên nối ngôi chúa. Người kế vị chính danh bị quan nhiếp chính bắt giam và chết trong ngục, để lại hai con trai, một trong hai người tên là Nguyễn Ánh, tức là vua Gia Long sau này. Không lâu sau, chính sự hà khắc của quan nhiếp chính khiến lòng dân oán hận. Nhân có một đơn khiếu nại được gửi về Triều vua Lê, họ Trịnh lấy cớ tìm phương cách trừ cho tuyệt nọc lực lượng đối thủ. Năm 1775, sau một chiến dịch cướp phá, lực lượng Bắc Kỳ tiến chiếm thành phố Huế. Nhân dân phẫn nộ nổi dậy và gia nhập quân đội của một nhóm thủ lãnh giang hồ, là ba anh em Nguyễn Văn-Nhạc, Văn-Lữ và Văn-Huệ. Những kẻ nổi loạn, có tên gọi là Tây-sơn, sau khi bắt và giết chúa Nam Kỳ, xoay kiếm lại diệt Trịnh, rồi Nguyễn Văn-Nhạc tự xưng hoàng đế niên hiệu Thái-đức. Một triều đại mới được dựng lên. Nhà Lê đã chạy sang Tàu, họ Trịnh bị đánh bại và kẻ kế thừa họ Nguyễn, là người thanh niên Nguyễn Ánh, đã có lúc chiếm lại Sài Gòn nhưng rồi lại để mất, chỉ còn đường trốn chạy trước quân Tây-sơn. Chính trong thời điểm này mà giữa vị vua đang trốn chạy và Đức ông Pigneau de Béhaine, giám mục d'Adran, đã nẩy nở một tình bạn khắng khít dựa trên lòng kính trọng lẫn nhau, và tư tưởng cao siêu về một giải pháp liên hiệp nhằm giúp Nguyễn Ánh khôi phục lại đất đai đã mất, tiêu diệt quân Tây-sơn và thống nhất đế quốc An Nam, từ biên giới Tàu cho đến vịnh Xiêm.
Nền quân chủ An Nam là thế, từ những năm tháng đầu của nền độc lập quốc gia cho đến triều Nguyễn ngày nay. Cũng như mọi thể chế do con người tạo ra, nó có những khuyết tật và những yếu kém, nhưng nó đã luôn luôn gắn bó vận mệnh thăng trầm của mình với vận mệnh của đất nước, đem đến cho giấc mộng muôn đời của nòi giống là bành trướng và bá chủ, sự liên tục, sự bền bỉ, sự chăm sóc, sự sáng suốt, và nghị lực, gây kính trọng, tạo khâm phục ngay cả với những kẻ e ngại nó nhất. Chính sự bền tâm chung thủy với lý tưởng quốc gia đã tạo nên uy danh cho các triều đại An Nam, vì tất cả, ở những mức độ khác nhau, đã góp phần vào công cuộc thể hiện tư tưởng cao siêu của nòi giống.
Ta có thể nói rằng dù có nhiều thiếu sót, nền quân chủ An Nam đã tỏ ra xứng đáng trong trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc An Nam. Chủ nghĩa quốc gia An Nam, dù chưa thực sự được mang tên như vậy, đã luôn luôn được thể hiện qua nền quân chủ và bởi nền quân chủ, do đó có thể và phải được hòa hợp với nền quân chủ.
Trước hết, nền quân chủ là một sức mạnh to lớn của quá khứ, và, như triết gia nổi tiếng Bergson đã nói, con người phải luôn luôn "biết dựa lên toàn thể quá khứ của mình để nhồi thêm sức lực cho tương lai". Trong công cuộc khôi phục lại mọi giá trị quốc gia, vốn là mục đích của chủ nghĩa quốc gia như chúng ta chủ trương, không thể bỏ qua bất cứ một tiềm lực nào của quá khứ, và càng không thể quên nền quân chủ là hiện thân của truyền thống quốc gia. Nó phải được xếp hàng đầu trong một chủ nghĩa quốc gia An Nam nghiêm túc.
Thứ đến, nền quân chủ An Nam, dù tạm bị lu mờ do một số điều kiện nhất thời, vẫn còn nhiều tiềm lực đầy hứa hẹn cho tương lai. Do tình cờ hay do định mệnh, triều đại hiện nay vốn là người thực hiện sự thống nhất của Đế quốc, đã khởi đầu nắm quyền trong bối cảnh một sự hợp tác Pháp - An Nam, cùng với cái "tư tưởng cao siêu về chủ thuyết liên hiệp" theo cách nói của tác giả kể trên. Sự kiện này sẽ quy định đường hướng phát triển tương lai của đất nước. Những lời tuyên bố long trọng được nói lên khi Hoàng Thượng Bảo Đại rời Pháp trở về Ba Kỳ của mình cho thấy chính phủ Pháp gắn bó chặt chẽ với chính sách liên hiệp này, vốn đã được thể hiện bằng những hiệp ước ký kết nghiêm túc. Chúng đem đến cho ta mọi hứa hẹn cho tương lai.
Nếu ta muốn, chế độ quân chủ sẽ còn tồn tại lâu dài. Nó sẽ xứng đáng với nghĩa vụ quốc gia cao cả đã luôn luôn là của nó qua chiều sâu lịch sử mười thế kỷ.
IV. Chủ nghĩa quốc gia chính trị và chủ nghĩa quốc gia văn hóa
Để trở thành hiện thực, như chúng tôi đã chứng minh, chủ nghĩa quốc gia An Nam có thể một mặt dựa lên một nền tảng vững chắc, đó là nền bảo hộ Pháp, có khả năng bảo vệ nó chống mọi nguy cơ đến từ trong hay ngoài kể cả điều hòa tự kiềm chế không để đi quá đà; một mặt dựa lên sức mạnh dũng mãnh của quá khứ tức là truyền thống quân chủ, với khả năng phục vụ hữu hiệu đất nước cũng như nó đã luôn luôn từng làm qua bao thăng trầm của lịch sử.
Được yểm trợ và bao bọc như thế, lại dựa lên một quá khứ đã giữ cho nó không trật ra ngoài hướng đi truyền thống của nòi giống và được nâng đỡ, hướng dẫn trong hiện tại bởi một thế lực bảo hộ ngăn chặn mọi khiêu khích ngoại lai, chủ nghĩa quốc gia này chắc chắn sẽ không thể lạc đường; nó đang nằm trong những điều kiện thuận lợi nhất để phát triển một cách tự nhiên.
Nhưng sự phát triển này có nhiều tầng lớp khác nhau. Tầng lớp đầu tiên là tầng lớp chính trị. Nó chi phối hai tầng lớp kinh tế và xã hội. Nó dứt khoát là tầng lớp quan trọng nhất. Trong thực tiễn, nó cũng đem đến nhiều khúc mắc nhất: chủ nghĩa quốc gia, nền quân chủ, nền bảo hộ, chính ở đây mà những thực thể này, những thực thể mà chúng ta đã cố gắng dung hòa trên mặt lý thuyết, gặp nhau hằng ngày, chung đụng nhau thường trực, và những cọ xát này, thay vì giúp làm tròn trịa góc cạnh, đôi khi lại tạo ra những tiếng ken két khó chịu. Nói vậy có nghĩa là các thế lực này có thể đối chọi nhau, từ đó nảy sinh những khó khăn cần phải vượt qua hay phải giải quyết bằng mọi giá. Nhưng thực ra đó là chuyện thông thưởng trong chính trị, trong mọi phương sách chính trị. Vì chính trị là gì nếu không là nghệ thuật giải quyết những khó khăn luôn luôn nảy sinh trong việc cầm quyền, không phải bằng những giải pháp dứt điểm không thể tìm ra được, mà bằng những tương nhượng liên tục? Quả thật là giải pháp Bảo hộ đang được áp dụng ngày nay không dễ thực thi. Các nhà chính trị, những nhà cai trị ‒ nếu may mắn mà ta có được những người xứng đáng với danh nghĩa đó ‒ phải đủ thông minh, tế nhị, khôn ngoan, khéo léo mới có thể vận dụng được nó một cách nghiêm túc. Với thiện chí của mọi người, với quyết tâm không mệt mỏi, với sự kiên nhẫn bển bỉ qua mọi thử thách, chúng ta hẳn sẽ thành công.
Vả lại, tầng lớp chính trị chủ yếu thuộc lãnh vực thực thi hơn là nguyên lý, mà thực thi thì luôn luôn tùy thuộc vào những khả năng sẵn có tùy lúc, những hoàn cảnh tạm bợ, những bối cảnh đột xuất. Khẩu quyết nơi đây là: "Mỗi ngày chỉ một việc", và sai lầm lớn nhất là lý luận với cái nhìn tuyệt đối và vĩnh viễn.
Điều chính yếu là trong cái phức tạp của cuộc sống hàng ngày, ta không xa lìa các nguyên lý.
Như ta đã thấy, chủ nghĩa quốc gia chính trị, nếu không chỉ ngừng ở mức độ lý thuyết, đương nhiên phải đi đôi với một thứ cơ hội chủ nghĩa. Phải luôn luôn thỏa hiệp với những điều kiện nhất thời, và dù giỏi thỏa hiệp, nó không có khả năng định ra nguyên lý. Đôi khi, phải xa lìa nguyên lý, nó còn đi ngược lại chính bản chất của mình.
Nhưng bên cạnh tầng lớp chính trị, còn có tầng lớp văn hóa. Có một chủ nghĩa quốc gia văn hóa, tác động chậm hơn, nhưng sâu sắc hơn.
Cái chủ nghĩa quốc gia văn hóa này, trong bản chất, có khả năng sửa chữa những thiếu sót, vội vàng của chủ nghĩa quốc gia chính trị. Nó tạo cho chủ nghĩa quốc gia chính trị một chủ thuyết với các nguyên lý, và cùng lúc cho nó một nền tảng để neo móc tránh vận hành không định hướng.
Nhưng ta có thể có một ý niệm nào về chủ nghĩa quốc gia văn hóa An Nam? Muốn có một chủ nghĩa quốc gia văn hóa, thì phải có một nền văn hóa. Vậy có nền văn hóa quốc gia An Nam hay không?
Thoạt nghe, câu hỏi có vẻ kiêu kỳ.
Có một nền văn hóa Trung Hoa, có một nền văn hóa Pháp, và ngay cả có một nền văn hóa Nhật Bản. Nhưng chưa ai nghe nói tới một nền văn hóa An Nam. Muốn tạo dựng nên một nền văn hóa An Nam độc lập quả thực cần phải có một tinh thần quốc gia chủ nghĩa rất cao. Không một người khôn ngoan, thận trọng nào, và chúng tôi tự nghĩ mình thuộc hạng người này, có thể mảy may nghĩ tới làm chuyện đó.
Tuy nhiên, vấn đề chỉ là định nghĩa. Nếu hiểu "văn hóa dân tộc", một bên là toàn bộ những truyền thống trí tuệ và tinh thần kết thành cá tính của một dân tộc, một bên là những phương tiện, và những tiềm năng giúp dân tộc thăng hoa, thì bất kỳ dân tộc nào cũng có một nền văn hóa. Người An Nam có nền văn hóa của mình, cũng như người Ba Tư, người Xiêm, người Thổ Nhĩ Kỳ hay người Tiệp. Cái nền văn hóa này có thể và cần phải được phát triển bằng những vay mượn nơi những nền văn hóa cao hơn; nhưng không thể để bị hớp hồn cuốn hút, nếu không một ngày kia sẽ tan biến đi và lôi theo sự tan rã của dân tộc mà nó là phản ánh của hồn thiêng và diễn dịch của tâm tính. 
Hiểu theo nghĩa này, có một nền văn hóa An Nam thực sự hiện hữu, chính vì dân tộc An Nam đã tồn tại qua hai mươi thế kỷ với một vốn liếng phong tục và truyền thống đã giúp cho dân tộc này phát triển trên phương diện trí thức và tinh thần và tạo ra một bộ mặt đặc thù, giữa các dân tộc của vùng Đông Á. Nền tảng của nền văn hóa An Nam bắt nguồn từ nền văn minh Trung Quốc cổ xưa. Nền văn minh Trung Quốc này, đối với toàn cõi Viễn Đông, cũng tương tự như La Mã và Hy Lạp đối với các dân tộc phương Tây.
 Tuy nhiên trong cái vốn nền tảng chung này, dân tộc An Nam đã tự giành cho mình một không gian nhỏ để phát triển những đặc tính riêng của mình.
Thí dụ như về ngôn ngữ.
Nếu ngôn ngữ phản ánh tâm hồn của một dân tộc thì ngôn ngữ An Nam là thành quả sáng tạo đặc thù nhất của dân tộc An Nam. Đã từ rất lâu, giới nho sĩ An Nam chỉ chú tâm phát triển một thứ ngôn ngữ bác học là chữ Nho, bỏ bê coi thường ngôn ngữ An Nam (tương tự như thái độ của giới học giả thời trung cổ bên phương Tây). Nhưng ngôn ngữ An Nam đã tự do phát triển trong dân gian và tạo thành một một ngôn ngữ bình dân dồi dào muôn màu muôn sắc, có lẽ không thua bất cứ một thứ ngôn ngữ nào trên thế giới. Kinh nghiệm và trí tuệ của tiền nhân của chúng ta, qua năm tháng đã được cô đọng bằng những từ ngữ đậm đà vững chắc, những thành ngữ đẹp tươi, những lời văn đặc sắc, những tìm tòi âm điệu, những sáng tạo thi cú, những kết cấu đột phá. Và đến đầu thế kỷ 19, ngôn ngữ dân gian này được một nhà thơ thiên tài là Nguyễn Du, tác giả Kim Vân Kiều, nâng lên hàng ngôn ngữ văn học.
Các bạn Pháp hẳn sẽ khó thấm thía được hoàn toàn tuyệt phẩm này, vì nó phản ánh thiên tài đặc thù của nòi giống chúng ta, là đặc sản của quê hương ta. Khó có thể diễn dịch nó qua ngôn ngữ và tâm hồn người nước ngoài. Tuyệt phẩm này sẽ góp phần gìn giữ tiếng mẹ đẻ của chúng ta, tránh cho nó khỏi đi vào con đường thoái hóa và suy tàn, và như vậy cùng lúc bảo tồn lâu dài dân tộc chúng ta.
Nhân đây, chúng tôi xin trích lại một bài báo đáng chú ý được đăng cách đây một năm trong một tờ báo địa phương. Với tựa đề "Về một thí dụ Ba Tư cho người An Nam" (D'un exemple persan pour les Annamites) bài so sánh hai sách, sách Shahnameh (Sách Các Vua / Livre des Rois) của Firdousi được viết cách đây một ngàn năm và sách Kim Vân Kiều của Nguyễn Du, và đưa đến kết luận khẳng định "sứ mạng thiêng liêng bảo tồn dân tộc của các tuyệt phẩm quốc gia". Trong so sánh, tác giả đã đưa ra những nhận xét và những bình chú cao đẹp, và chúng tôi xin trân trọng vui mừng ghi nhận.
Tác giả viết:
Tôi vừa đọc, trong báo Les Nouvelles littéraires số ra ngày 30 tháng Décembre 1933, một thí dụ tuyệt vời về công cuộc phục hưng quốc gia và xin thân ái gửi đến độc giả để suy ngẫm. Ông Francis de Miomandre, khi bàn đến "vai trò không ngờ của các tuyệt phẩm" đã phát biểu như sau:
"Sau bao thế kỷ bị áp bức dưới các triều đại Ả Rập, dân Ba Tư đã vùng dậy, nhân danh một truyền thống vốn đã được ghi chép toàn bộ trong Sách Các Vua. Toàn bộ, gồm cả ngôn ngữ. Đây là điều đáng chú ý. Chính vì dựa lên ngôn ngữ cổ xưa Pehlevi, được nhà thơ Firdousi dùng để viết bản sử ca, mà các nhà yêu nước Ba Tư đã khôi phục lại được sự thống nhất dân tộc, tìm về được nòi giống của mình. Và thứ tiếng này, họ vẫn còn đang nói hàng ngày... Như vậy làm sao mà họ có thể chấp nhận ách thống trị ngoại bang? Để bảo tồn một ngôn ngữ chỉ cần ghi nó lại trong một tuyệt phẩm. "Mời quý vị đọc lại câu chót vừa thốt ra. Nó có gợi trong tâm ý quý vị điều gì không? Riêng tôi, tôi liên tưởng ngay tới Kim Vân Kiều của người An Nam. Dĩ nhiên, giữa Firdousi và Nguyễn Du, cũng như giữa Sách Các Vua và Kim Vân Kiều có rất nhiều khác biệt. Nhưng chuyện cần nêu lên chính là sứ mạng thiêng liêng bảo tồn nòi giống của các tuyệt phẩm quốc gia.
Tháng Chín 1924, nhân lễ kỷ niệm Nguyễn Du, Ông Phạm Quỳnh, một trí thức uyên thâm An Nam, đã hai lần thốt lên: ‒ Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn. Lời nói xúc động và đậm tình yêu nước của Ông Phạm Quỳnh xuất phát từ một lòng tin không giới hạn vào thiên tài sáng tạo của nhà thơ.
Rồi bỗng nhiên, qua ngòi bút của một ký giả vùng Paris, từ xứ Ba Tư, cái thí dụ thấm thía mãnh liệt này đến với chúng ta, hẳn khiến những người An Nam Quốc Gia suy ngẫm.
Phải chăng như vậy có nghĩa là người An Nam phải nổi lên chống lại nước Pháp, cũng như dân Ba Tư chống lại dân Ả Rập? Câu hỏi hóc búa cần được giải đáp trong tương lai tùy theo thái độ hiện nay của chúng ta.
Trí thức Đông Dương, một trách nhiệm nặng nề đặt lên vai chúng ta. Hãy nhìn vào hiện tại, hướng về tương lai. Tiến về hoà giải đòi hỏi phải quên một quá khứ mù mờ chẳng đẹp đẽ gì cho người Pháp cũng như người An Nam. Chỉ có một lý trí sáng suốt và một tấm lòng không thù hận mới có thể hóa giải được những âm mưu đen tối và những tàn khốc của các cuộc cách mạng sẽ xảy ra.
Không ít người An Nam, dù tỏ thái độ khinh khi đối với một vài người Pháp thô bỉ, vẫn thực lòng quý trọng nước Pháp, mẹ đỡ đầu những tư tưởng tự do. Dĩ nhiên, không có gì đáng trân trọng hơn, cũng không có gì là trở ngại cho lòng tưởng nhớ đất nước An Nam xưa của người An Nam. Nhưng, cũng như Prinzivalle, trong tác phẩm Monna Vanna của Maeterlinck, đã nói với lòng trung thực, "... Tôi không có tổ quốc... Nếu tôi có, dù nặng tình với ai đến đâu, tôi nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ bán tổ quốc vì mối tình đó...". ‒ Những ai có một tổ quốc nên suy ngẫm điều này ‒ Suy ngẫm thật chín chắn".
(Bài viết ký tên André Gaudbye, và được đăng trong L' Ami du Peuple Indochinois số ra ngày 16 Avril 1934).
Chúng tôi xin lỗi đã trích đoạn quá nhiều, lạc đề quá dài. Nhưng chính cái lạc đề này lại dẫn dắt ta tới chủ đề chính của chúng ta.
Khác với nhân vật của Maeterlinck, chúng tôi có một tổ quốc, chúng tôi yêu mến nó, và cùng lúc chúng tôi cũng quý trọng nước Pháp, mẹ đỡ đầu các tư tưởng tự do. Chúng tôi đã suy ngẫm kỹ về tình huống này. Chúng tôi nhất định không thể hy sinh một tình cảm này cho một tình cảm nọ, vì lòng gắn bó với tình cảm này không là trở ngại cho tình cảm kia. Chúng tôi muốn dựa vào tình cảm sau để đáp ứng tình cảm trước.
Không những sự hỗ trợ này không thể thiếu về mặt chính trị. Nó cũng còn cần thiết về mặt văn hóa.
Nếu vì muốn bảo tồn các giá trị tinh thần của quốc gia mà ta phải lưu giữ cái nền tảng bao gồm những nguyên lý, những truyền thống, những tập tục thường được gọi là nền văn hóa cổ An Nam, hiểu theo nghĩa rộng nhất, thì chỉ bảo tồn thôi dĩ nhiên là không đủ, mà còn phải phát triển, nói tóm lại là tiến hóa.
Ngôn ngữ, với tâm tính của nòi giống như hình với bóng, thâm sâu và mật thiết, không phải là một cái gì cố định như hình ảnh hay di vật; nó sinh động biến chuyển ngày ngày.
Để cho văn hóa An Nam, ngôn ngữ An Nam là một ngôn ngữ và một nền văn hóa thực sự dân tộc, chúng phải một mặt giữ được cái vốn cổ sơ đặc thù của chúng, bắt rễ từ cội nguồn nòi giống, một mặt phát triển và mở rộng đón nhận những cống hiến của những ngôn ngữ và những nền văn hóa khác hoàn mỹ hơn.
Trong trường hợp của chúng ta, những cống hiến này đương nhiên đến từ ngôn ngữ và văn hóa Pháp.
Nếu nền thống trị của nước Pháp đôi khi có thể gợi trong tâm tư chúng ta chút đắng cay thầm kín, chúng ta đón nhận không do dự ảnh hưởng tinh thần và trí tuệ của nước này. Vì chúng ta biết rằng ảnh hưởng này thật là bổ ích. Cái tạo ra giá trị khôn lường của văn hóa và ngôn ngữ Pháp, chính là tính phổ cập của chúng khiến mọi dân tộc đều có thể tiếp cận được. Dĩ nhiên, chúng diễn dịch những đặc thù của nòi giống và dân tộc Pháp, nhưng còn hơn thế nữa, và nhất là chúng diễn dịch một cách sáng sủa và sâu sắc ‒ hai tính này không hề mâu thuẫn nhau ‒ những tư tưởng, tình cảm, quan niệm chung cho toàn thể nhân loại. Chúng là những công cụ tuyệt vời của văn minh loài người.
Như vậy, có thể nói là chúng ta vô cùng may mắn được đón nhận vào vòng thân tình thâm sâu của ngôn ngữ và văn hóa này.
Chúng ta có thể khai thác triệt để kho tàng trí tuệ nhân loại này. Nhưng một lần nữa, cần phải nói lại cho rõ. Khi nói đến văn hóa Tây phương, nói chung, chúng ta muốn ám chỉ khoa học tân tiến, do Tây phương tạo ra, với những ứng dụng và kỹ thuật của nó. Dĩ nhiên, khoa học là một cống hiến quý báu cho chúng ta; nó là cái vốn các dân tộc Đông phương thiếu sót, một trong những lý do của sự yếu kém của họ. Chúng ta phải tiếp thu cho được khoa học tân tiến, điều kiện không thể bỏ qua, để tồn tại trong thời đại mới. Nhưng điều này tương đối dễ đạt.
Trong môt đoạn văn sâu sắc, Paul Valéry viết:
“Âu châu đã tạo ra khoa học. Khoa học đã cải biến đời sống và gia tăng thập bội sức mạnh của kẻ có nó trong tay. Nhưng ngay tự chính bản chất của nó, khoa học có khả năng được truyền bá. Nó đương nhiên phải được chuyển biến thành những phương pháp và những công thức phổ cập. Những phương tiện nó cho người này, tất cả mọi người khác đều có thể tiếp thu được ... Như vậy, thứ thực phẩm này sẽ được chế biến thành nhiều món càng ngày càng dễ cầm dễ ăn; sẽ được phân phối đến càng ngày càng nhiều người; sẽ thành món hàng mua bán, được sao chép và sản xuất khắp nơi”.
Tiếp thu cái khoa học được truyền bá rộng rãi trong các trường học, như vậy, không chỉ là cái lợi ích duy nhất mà chúng ta chờ đợi nơi ảnh hưởng trí tuệ của nước Pháp. Nói theo ngôn ngữ Phật giáo, cái đó chỉ là con đường "tiểu thừa" của văn hóa Tây phương. Văn hóa này còn một con đường "đại thừa" chứa đựng trong tâm trí Tây phương, nhất là trong tâm trí hay thiên tài Pháp, là kỷ luật và phương pháp, là hợp lý và sáng sủa, là vừa gẫy gọn vừa tinh tế, con đường hữu hiệu nhất để truyền bá những ý niệm phổ quát và hào phóng. 
Điều mà chúng ta trông mong nơi tinh thần Tây phương, nơi thiên tài nước Pháp, trước hết là đem lại sinh lực và phẩm cách cho nền văn hóa An Nam mà chúng ta quý mến, bằng cách khiến nó tự ý thức được giá trị của chính mình, rồi tự làm giàu thêm bằng những tiếp thu mới.
Đối với tinh thần An Nam, thiên tài Pháp phải đóng vai trò là nhân tố tác động. Hành động của nó phải mang tính "hộ sinh" giúp khai sinh các tâm trí, gọi ra đời, gợi ý thức các tài năng tiềm tàng, các khả năng, các tiềm năng trí tuệ.
Văn hóa Pháp không nên chỉ nhét đầy tâm não An Nam những phương thức khoa học, những công thức triết học, những khái niệm phương tây được ít nhiều thấu hiểu hay có thể thấu hiểu. Nó có một vai trò đẹp hơn, cao thượng hơn, tức là giúp nảy sinh hay hồi sinh một nền văn hóa quốc gia An Nam, tổng hợp vốn cổ học Hán Annam với những tiếp thu mới từ tư tưởng phương Tây.
Cái tác động bổ ích, thực sự sáng tạo của văn hóa Pháp đã bắt đầu ảnh hưởng lên ngôn ngữ. Cách đây nhiều năm, chúng tôi đã viết về đề tài này như sau:
“Xây dựng nên một thể loại văn xuôi An Nam đã là mối quan tâm chính của chúng tôi. Thể loại thơ đã đạt được đỉnh cao nhất với những tác phẩm như Truyện Kiều. Thể loại văn xuôi mới này rõ ràng rập khuôn theo nền văn xuôi Pháp, tiếp thu được vài đức tính: sáng sủa, chính xác, hợp lý, trang nhã, ý nhị và châm biếm. Nó cố tình gột bỏ mọi văn cách cũ có hơi hướng Nho phong: đối câu, vần điệu, rườm rà, hoa ngôn, màu mè hời hợt và trịnh trọng khuôn sáo. Nó trở nên bớt tính tổng hợp khi từ bỏ ví von, khuôn sáo, và tăng tính phân tích với sự miêu tả chi li môi trường và con người, ngoại thể và nội tâm. Nếu nó tiếp tục phát triển trong chiều hướng này, nó sẽ là thành quả rực rỡ nhất của sự hòa đồng giữa 2 nền văn hóa Pháp và An Nam, Pháp đem lại cho An Nam tính sáng sủa, lý luận gẫy gọn, và An Nam chỉ mất đi tính mơ hồ thiếu chuẩn xác, thiếu lý luận thiếu hợp lý, cùng lúc bảo tồn được bản sắc của mình: lương tri, hóm hỉnh, mực thước, đôi nét châm chích những thói hư tật xấu của người đời”,
Và hơn nữa, về văn hóa An Nam, chúng tôi viết như sau:
“Công cuộc hoàn thiện ngôn ngữ cần được triển khai sâu sắc hơn. Nhưng bước đầu đã đi, và nó cho ta thấy là ngôn ngữ cải thiện của chúng ta, với những tiếp thu mới, hoàn toàn có khả năng là một ngôn ngữ nền tảng văn hóa.
Công cụ đã có trong tay, bây giờ đến lúc phải bắt tay tạo dựng cái văn hóa quốc gia mà chúng ta còn thiếu. Cũng như ngôn ngữ được nó dùng làm phương tiện trao đổi, cái văn hóa này sẽ là thành quả của sự hòa đồng Đông và Tây.
Nội dung sẽ được lấy từ nguồn tư tưởng viễn đông: Đạo Khổng, đạo Phật, đạo Lão; Nó sẽ gồm nền học vấn Hán - An Nam và phải được tổ chức giảng dạy có hệ thống. Về hình thức nó sẽ lấy mẫu mực hình thức tư tưởng tây phương với tất cả những đặc tính như kỷ luật và phương pháp, luận lý vững chắc, khách quan rõ rệt, chính xác tuyệt đối với những quy luật nghiêm túc, cùng lúc không từ bỏ phần trực giác tiềm ẩn trong tri thức Đông phương, tri thức vốn vừa là khoa học vừa trí tuệ. Nói tóm lại, áp dụng hình thức của khoa học Tây phương lên nội dung của tri thức Đông phương, như một nhà phê bình có tài đã nói, đó là con đường phải theo để tạo dựng nền văn hóa quốc gia An Nam”.
                                                (Essais franco-annamites, pp. 232-233 et 203-205)

Góp phần tạo dựng một nền văn hóa quốc gia An Nam, đó là nội dung của quốc gia chủ nghĩa văn hóa, nền tảng của quốc gia chủ nghĩa chính trị, dựa lên nguyên lý của một sự cộng tác Pháp - An nam, sự cộng tác giữa thiên tài Pháp và tâm hồn An Nam, bên này "đem thông tin" đến cho bên kia, gây khích động, tạo ý thức và sinh động.
V. Mặt trận kết hợp tầng lớp ưu tú An Nam.
Chúng tôi đã cố gắng định nghĩa một chủ nghĩa quốc gia An Nam giả tưởng, và phải làm như thế nào để không trở nên một chủ thuyết chống đối vô bổ, nhưng là một chủ thuyết của sự cộng tác, của sự hòa giải, của hành động tích cực và thực tế. Chúng tôi đã nghiên cứu nó dưới khía cạnh chính trị và văn hóa, trong tương quan với nền quân chủ truyền thống và nền bảo hộ Pháp.
Chúng tôi cũng có thể, lý luận trong tuyệt đối, gác qua tình thế hiện tại, những khả năng biến chuyển và những sự kiện đột xuất, và xây dựng nên một chủ thuyết táo bạo và không tưởng không đếm xỉa gì đến thực tế. Nhưng chúng tôi đã lựa chọn giải pháp thành thật, dù có thể xem ra nhút nhát dưới mắt một số người. Hứa hẹn hão quá dễ; chỉ có "thực tế" mới bổ ích và hữu hiệu.
Chúng tôi đã đi từ thực tại hiện tiền, chứ không dựa lên những giả tưởng mong ước. Chúng tôi đã phân tích những yếu tố cơ bản: sự hiện hữu một tình cảm quốc gia đang ngày ngày phát triển, lên cao ;
‒ Chính sách bảo hộ không phải lúc nào cũng làm chủ được phương tiện và phương pháp của mình, thường thay đổi quá nhiều tùy người áp dụng, nhưng xét cho cùng vẫn trung thực với truyền thống phóng khoáng của nước Pháp;
‒ Nền quân chủ truyền thống do tình hình làm suy nhược, nhưng đại diện một sức mạnh vững bền của quá khứ và có khả năng hồi sức lại;
‒ Những truyền thống trí tuệ, luân lý, tâm linh đã tạo cho dân tộc này một nhân cách lịch sử cần phải được gìn giữ và phục hưng lại ;
‒ Khả năng tạo hài hòa những tư tưởng cũ này với thế giới hiện đại qua trung gian văn hóa Pháp, một nền văn hóa mà tính phổ cấp giúp cho việc tổng hợp được dễ dàng.
‒ Sự cần thiết cho tầng lớp ưu tú mới của An Nam có một lý tưởng chung để tránh phân tán sức lực và chú tâm vào một mục đích chính xác: chấn hưng lại xứ sở.
Từ cái tổng thể tạo nên "không khí" tinh thần trong đó chúng ta đang sống và cố gắng thích nghi không hấp tấp đưa nó quá sớm về hướng này hay hướng kia, chúng ta cố gắng tìm ra những đường hướng chính của một chủ thuyết đưa ra đề nghị với tầng lớp ưu tú của xứ sở xem như khuôn khổ sinh hoạt của họ, chuẩn mực cho đời sống của họ.
Một trong những nguyên nhân của sự mất định hướng hiện tại của tầng lớp ưu tú, là họ hoàn toàn bối rối, không biết dựa vào đâu, đi về đâu. Họ thiếu một cái nhìn sáng suốt và rõ ràng về một mục tiêu cần đạt tới, một lý tưởng để phục vụ. Mục tiêu này, lý tưởng này, chủ thuyết mà chúng tôi vừa phác họa muốn chỉ cho họ, không phải là xóa bỏ tất cả, nhưng đi từ thực tại và cố gắng khai thác tiềm năng của đất nước trong điều kiện hiện tại.
Tóm lại, vấn đề được đặt ra như sau: Một người An Nam yêu nước và muốn tham gia xây dựng đất nước mình giàu mạnh, thêm vào đó lại nhận định rằng đất nước mình không thể bỏ qua sự giúp đỡ và phò trợ của một nước hùng mạnh, và không muốn chơi trò tiêu cực bất mãn hay làm kẻ kinh niên chống đối, liệu người An Nam đó có thể, với ý thức rõ ràng, hết lòng tận tụy phục vụ đất nước trong khuôn khổ hiện có hay không?
Để trả lời câu hỏi này chúng tôi đã cố gắng chứng minh rằng khuôn khổ hiện có này không chật hẹp như thoạt nhìn và hoàn toàn phù hợp với một sinh hoạt có kỷ luật và sáng tạo, hướng về những ước mong chính đáng nhất vì dân tộc của chúng ta.
Tương lai sẽ nới rộng khuôn khổ này. Trong hiện tại xem như nó đã đầy đủ. Chúng ta phải thực hiện cho tròn.
Chủ nghĩa quốc gia ôn hòa và có lý luận chưa cần bàn hay dở ra sao. Ít ra nó cũng có lợi là không xa lánh thực tại, có chú tâm tới những gì sẵn có, nhìn sự việc như nó là và cố gắng dùng chúng hay uốn nắn chúng đề đáp ứng những mục tiêu lý tưởng đã vạch ra.
Thay vì để tình cảm quốc gia phát triển theo những chiều hướng nguy hại, nó sáp nhập tình cảm này trong một hệ thống mà tình cảm này chính đáng giữ một chỗ đứng hàng đầu, từ đó nó có được những điều kiện thuận lợi nhất để tạo ra những kết quả tốt đẹp nhất.
Thay vị loại bỏ thực tại bảo hộ nhân danh một giấc mộng độc lập không thể thực hiện, nó chấp nhận với khôn ngoan, trung thực, thành thực tình thế này, kết hợp nó vào hệ thống của mình đến mức độ xem như là một trong những nguyên tố chủ chốt.
Thay vì hạ thấp giá trị của một thực tế khác được đại diện bởi nền quân chủ truyền thống để đi tìm không biết những khái niệm đâu đâu ngoại lai không thể kết hợp với tâm tình An Nam, nó tìm cách khôi phục lại thể chế cổ xưa này, khiến nó phục vụ quốc gia cũng như đã từng làm trong quá khứ.
Sau cùng, thay vì loại bỏ những truyền thống đạo đức và tinh thần vốn là nền tảng tâm linh của nòi giống, tạo nguy cơ làm "vong bản" người An Nam, rơi vào chủ thuyết vô chính phủ, nó cố gắng khôi phục giá trị của những truyền thống này và khiến nó hòa đồng với nền tư tưởng tân tiến.
Lấy tất cả những nguyên tố, những lực lượng hiện có, hòa hợp hay hoà giải chúng để hướng chúng về cùng một mục đích, nó có ý muốn là một chủ thuyết đủ chặt chẽ và hợp lý để có thể được chấp nhận bởi tất cả những ai không mơ tưởng hão huyền mà muốn hành động dựa trên những thực tế thuận lợi.
Dù sao, chúng tôi xin giới thiệu nó cho độc giả và thân hữu, cho tất cả những ai xa gần đang tìm kiếm, như chúng tôi, một cơ sở liên kết những tấm lòng thiện chí muốn cùng nhau trung hưng lại tổ quốc chung.
Nếu các bạn đồng ý với những nguyên lý trên đó chủ thuyết chúng tôi đề nghị được xây dựng, chúng tôi sẽ nghiên cứu chung với các bạn một chương trình hành động.
 Nhưng để một phong trào toàn quốc có thể khởi động, điều kiện đầu tiên là phải có đoàn kết quốc gia, sự hoà hợp của mọi đồng bào kết hợp trong cùng một ý, cảm thông trong cùng một lý tưởng.
Điều đáng tiếc là sự hòa hợp này hiện nay còn yếu kém. Chúng ta còn quá chia rẽ, không phải trên những nguyên lý mà chúng ta đã và phải đồng ý, nhưng thường lại do những vấn đề cá nhân nhỏ nhoi. Chính điều này tạo ra sự bất lực, yếu kém của chúng ta. Sự bất hòa giữa đồng bào làm quên đi mục tiêu phải dồn sức nhắm tới.
Tầng lớp ưu tú An Nam không đủ đông để có thể tự cho phép chia rẽ trên những lý do nhiều khi chỉ là thứ yếu. Chúng tôi khẳng định là hiện nay không có lý do nào để người An Nam phải chia rẽ, cốt nhục tương tàn chống đối nhau. Mọi thủ thuật chính trị, mọi ganh đua bè phái, mọi tranh chấp cá nhân nhỏ nhen phải được gạt qua một bên trước trách nhiệm tối cao, quốc gia dành cho chúng ta, đang chờ đợi chúng ta. Để xứng đáng với trách nhiệm này, hãy quên đi thù hận, ganh ghét, mọi khác biệt chia cắt chúng ta, và cùng nhau đoàn kết trong một đảng phái duy nhất: đảng hòa giải hòa hợp quốc gia, đảng của tất cả những người có thiện chí muốn hiến mình cho công cuộc trung hưng tái sinh của nòi giống. Thời nay, tại xứ ta không thể có một đảng nào khác ngoài đảng này.
Cùng nhau chúng ta hãy xây dựng Mặt trận kết hợp tầng lớp ưu tú An Nam. Tầng lớp ưu tú này, vốn phải là người thợ chính trong công cuộc trung hưng quốc gia trên mọi mặt, như chúng tôi đã nói, không quá nhiểu để không thể nào liên hiệp, thỏa thuận. Giữa số người không đông này, khác biệt về chủ thuyết hay nguyên lý không nhiều đến nỗi không thể hợp tác được với nhau. Chỉ cần họ đặt quyền lợi của quốc gia lên trên những vấn đề tranh đua cá nhân. Họ có đủ sức làm chuyện cố gắng đó được không? Họ có thể sẵn sàng chấp nhận những hy sinh thực ra cũng không to tát lắm đối với những người thực lòng yêu tổ quốc?
Dù sao, đất nước sẽ đánh giá tầng lớp ưu tú của mình qua thử thách này. Nếu tầng lớp này còn tiếp tục chia rẽ, nếu nó không thực sự đủ sức thỏa hiệp được với nhau, thì nó không xứng đáng với trọng trách giao cho nó, và vận mạng của xứ An Nam sẽ không bao giờ có thể giao phó cho con dân mình.
Nhưng chúng ta không có quyền tỏ ra bi quan. Tầng lớp ưu tú An Nam đang qua cơn khủng khoảng. Khủng khoảng sẽ qua. Mọi hiểu lầm sẽ tan biến, và trước đòi hỏi cấp bách của bổn phận quốc gia, tất cả sẽ cùng nhau hợp sức, đồng tâm, sẵn sàng kiên quyết thực hiện công cuộc chung.
***
Đại chiến Âu châu đưa đến một kết quả tuyệt vời là giải phóng về vật chất cũng như tinh thần mọi dân tộc. Mọi dân tộc theo đúng nghĩa đã ý thức được cá thể của mình và cùng lúc mong muốn có một cuộc sống phóng khoáng tự do hơn. Tất cả cùng được những nguồn lực thần bí thúc đẩy giúp tự vượt sức vươn lên và tin tưởng vào định mệnh của mình.
Nước An Nam không ra ngoài nguồn lũ đang cuốn tràn toàn thế giới. Nhưng vì là quốc gia bị bảo hộ nên chủ nghĩa quốc gia của nó phải có giới hạn. Chúng tôi đã cố gắng minh định, trong những giới hạn đó, quy góp tất cả những yếu tố có lợi cho nó. Trong những điều kiện đó, theo ý chúng tôi, nó vẫn còn đủ tính năng động để giúp chúng ta tuần tự thể hiện, trong trật tự và hòa bình, sứ mạng của chúng ta.
Vì, cũng như mọi dân tộc đã có một lịch sử lâu đời, dân tộc ta cũng có một sứ mạng để hoàn thành. Dân tộc chúng ta hẳn là một dân tộc nhỏ bé, nhưng dân tộc nhỏ bé này có thể áp dụng cho chính mình những lời lẽ của vị thủ tướng hiền triết đáng trọng Masaryk đã nói về tổ quốc của ông ta, đất nước Tiệp-khắc mà mọi người đã xem như bị xóa hẳn trên bản đồ thế giới, lại được hồi sinh nhờ cố gắng của những con dân yêu nước. Vị chính khách già với cuộc đời có thể xem là một bài học đạo đức cho nhân loại, nói:
"Hãy suy ngẫm xem một tí: Lịch sử của chúng ta cảm động biết bao!... Hãy lấy bản đồ thế giới và nhìn xem đất nước chúng ta nhỏ bé là ngần nào, hãy nhớ lại chúng ta đã kiên trì đấu tranh bao nhiêu để tồn tại. Chỉ vậy thôi cũng đủ. Chỉ cần ý thức được lịch sử của chính mình. Trong thế giới, chúng ta vẫn sẽ là một nước rất nhỏ bé; nhưng một khi một quốc gia nhỏ bé hoàn thành được một công trình nhỏ bé với phương tiện ít ỏi của mình, cái công trình nhỏ bé đó có một giá trị tinh thần đặc biệt, rộng lớn, như số tiền bố thí của bà góa nghèo. Chúng ta không thua bất cứ một dân tộc nào trên thế giới, và trên một số điểm chúng ta còn hơn; người xứ khác đã bắt đầu thấy rõ. Chúng ta là một quốc gia nhỏ bé, điều đó không quan trọng; trái lại nữa là khác; điều đó lại có nhiều lợi điểm, chúng ta có thể hiểu biết nhau hơn và chung sống thân mật hơn; chúng ta có thể cảm nhận rõ ràng hơn ý niệm "nhà ta"… Nhưng thật là cao cả khi một nước nhỏ không núp sau đuôi các nước lớn và tham gia vào công cuộc hoàn thiện nhân loại."
Với những lời đầy tin tưởng và hy vọng mà chúng tôi xin chấm dứt bài khảo luận đã khá dài, sẽ vui mừng nếu được độc giả và thân hữu tham khảo với cùng tinh thần mà chúng tôi soạn ra nó, nghĩa là với cùng một niềm tin chân thực vào các sứ mạng của Tổ quốc, cùng mong muốn nhiệt tình sự hòa hợp và đoàn kết giữa mọi con dân./.
PHẠM QUỲNH
(1935)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét