Thứ Hai, 8 tháng 6, 2020

Tình dục và ức chế ở xã hội man dã


Tình dục và ức chế ở xã hội man dã
Bronislaw Malinowski



Bronislaw Kaspar Malinowski (1884–1942), người Anh gốc Ba Lan, là một trong những nhà nhân học nổi tiếng nhất của thế kỷ XX. Ông sinh ngày 7 tháng 4 năm 1884 tại Kraków (Ba Lan). Là người con duy nhất của gia đình. Malinowski được thừa hưởng sự giáo dục tuyệt vời từ người cha, giáo sư của trường Đại học Jagiellonian tại Kraków.
Năm 1908, Malinowski nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Triết học tại trường Đại học Jagiellonian. Từng say mê toán học và vật lý, nhưng sau khi đọc quyển sách The Golden Bough (Cành vàng) của James Frazer, ông quyết định trở thành nhà nhân học. Ông xin vào Đại học Leipzig để nghiên cứu, dưới sự chỉ dẫn của nhà kinh tế học Karl Bucher và nhà phân tâm học Wilhelm Wundt. Năm 1910, Malinowski đến Anh học và học tại Trường Kinh tế và Chính trị London (LSE) dưới sự hướng dẫn của các giáo sư C. G. Seligman và Edvard Westermarck.
Bấy giờ, nhân học phòng giấy của Tylor và Frazer đã bắt đầu nhàm chán, do không có những tư liệu sống nơi thực địa. Vì thế, năm 1914, Malinowski đến quần đảo Trobriand, thuộc Melanesia, để nghiên cứu văn hóa xứ này. Chuyên khảo đầu tiên của ông, The Natives of Mailu (Những người thổ dân Mailu, 1915), thể hiện rõ ràng lý thuyết và phương pháp dân tộc chí. Những công trình tiếp sau như: Argonauts of the Western Pacific (Những kẻ phiêu lưu ở Tây Thái Bình Dương, 1922), Crime and Custom in Savage Society (Tội ác và phong tục ở xã hội man dã, 1926), The Sexual Life of Savage in Northwestern Melanesia (Đời sống tình dục của người man dã ở Tây Bắc Melanesia, 1929) và Coral Gardens and Their Magic (Những khu vườn san hô và ma thuật của chúng, 1935), tiếp tục phát triển phương pháp miêu tả và diễn giải nhân học văn hóa. Ở những tác phẩm này, Malinowski đã có nhiều khái quát lý thuyết, thoát khỏi dân tộc chí và đứa chúng trở thành những tác phẩm dân tộc học/nhân học văn hóa hoàn chỉnh.
Trong công trình về quần đảo Trobriand, Malinowski mô tả thiết chế phức tạp của vòng Kula, tập tục này cùng với potlatch trong Khảo về quà tặng của M. Mauss, trở thành cơ sở cho những lý thuyết về tặng biếu và trao đổi hàng hóa sau này. Ông cũng được coi là một nhà nghiên cứu thực địa xuất sắc, và những bài viết của ông về phương pháp điền dã là cơ sở đầu tiên của nhân học, ví như thuật ngữ “quan sát tham dự” của ông đã nhanh chóng trở thành một phương pháp cơ bản cho các nhà nghiên cứu nhân học đến tận ngày nay. Cách tiếp cận của Malinowski đối với lý thuyết xã hội là kiểu chức năng luận tâm lý nhấn mạnh những thiết chế xã hội và văn hóa phục vụ những nhu cầu cơ bản của con người, một quan điểm đối lập với chức năng luận cấu trúc của Radcliffe-Brown vốn nhấn mạnh những cách mà thiết chế xã hội vận hành trong mối quan hệ với xã hội tổng thể.
Năm 1916, ông kết hôn với Elsie Rosaline Masson. Một năm sau đó, họ rời Úc đến Anh sinh sống, đến năm 1921, Malinowski giảng dạy tại trường LSE. Năm 1927, ông trở thành nhà nhân học đầu tiên của LSE. Ông thu hút rất nhiều học viên và có sức ảnh hưởng lớn đến sự phát triển trường phái nhân học xã hội Anh. Học trò ông trong giai đoạn này đều là những nhà nhân học nổi tiếng như Raymond Firth, E. E. Evans-Pritchard, Hortense Powdermaker, Edmund Leach, Audrey Richards và Meyer Fortes.
 Malinowski trở thành một trong những nhà nhân học quan trọng ở châu Âu khi xuất bản cuốn Argonauts of the Western Pacific (1922). Ông đã đóng góp cho sự phát triển ngành nhân học xã hội của nước Anh. Và có ảnh hưởng đến một thế hệ nghiên cứu nhân học Mỹ khi ông sang Mỹ giảng dạy tại Đại học Yale trong thời điểm chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra. Có thể nói, trường phái nhân học Mỹ đứng đầu là Franz Boas và các học trò nổi tiếng của ông như Ruth Benedict, Margaret Mead… ít nhiều đều chịu ảnh hưởng của Malinowski. Ông sống ở Mỹ cho đến cuối đời. 
Bronislaw Malinowski đã để lại một khối lượng đồ sộ tài liệu liên quan đến cuộc sống và công việc của ông, trong đó đặc biệt quan trọng là những tư liệu điền dã, những bài giảng của ông ở các trường đại học như LSE, Yale và nhiều trường khác; những bài viết chưa được in thành sách hoặc chưa được công bố, và cả những giấy tờ cá nhân như nhật ký và thư từ của gia đình. Có khoảng 1000 hình ảnh được chụp trong những chuyến điền dã của ông trên đảo Trobiand vào những năm từ 1915 đến 1918.
Trong những công trình khoa học mà Malinowski để lại, thì Tình dục và ức chế ở xã hội man dã (Sex and Repression in Savage Society, 1927) là một tác phẩm giàu tính sáng tạo và độc đáo. Ở công trình này, tác giả đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn hóa trong phát triển xã hội và con người. Bởi vậy, ông cực lực phê phán lý thuyết phức cảm Oedipus được Freud trình bày trong cuốn Vật tổ và cấm kỵ (Totem and Taboo) như là nguồn gốc của tôn giáo và văn hóa. Sự đối lập các xã hội nguyên thủy mẫu hệ với các xã hội phụ hệ Tây Âu được Malinowski coi là nguồn gốc của phân tâm học. Bởi vậy, ông cho rằng phức cảm Oedipus không có tính phổ quát với mọi con người và mọi xã hội. Cái mà có vẻ như phức cảm Oedipus trong xã hội mẫu hệ chỉ là sản phẩm của cấu trúc gia đình, của văn hóa. Ông muốn thay thế phức cảm này của Freud bằng phức cảm hạt nhân gia đình. Thực ra, phức cảm Oedipus tồn tại phổ quát trong vô thức của con người, còn khi nó đã biểu hiện ra trong các xã hội người cụ thể thì nó có những khác biệt do khác biệt văn hóa. Freud hẳn đã nghĩ đến trường hợp này khi ông đề ra nguyên tắc chuyển vị: vai trò của ngôi cha trong xã hội mẫu hệ có thể chuyển sang ngôi cậu, ngôi mẹ sang ngôi chị em gái… Có điều dù phủ nhận phức cảm Oedipus, nhưng Malinowski luôn kêu gọi sự kết hợp giữa phân tâm học và văn hóa học ở các nhà nhân học nhằm nâng cao tính sáng tạo của các công trình nghiên cứu của mình.
Trước đây, Tủ sách Văn hóa học đã có dịp giới thiệu các nhà nhân học xã hội và văn hóa Anh, như James Frazer (Cành vàng, Những huyền thoại về nguồn gốc của lửa), Edward Burnett Tylor (Văn hóa nguyên thủy), những nhà nhân học ghế bành. Các tác phẩm của họ được bạn đọc Việt Nam, nhất là các nhà nghiên cứu chuyên ngành đón nhận nồng nhiệt. Lần này, chúng tôi giới thiệu một nhà nhân học Anh kiểu khác, nhà “nhân học chân trần,” Malinowski, qua tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, Tình dục và ức chế ở xã hội man dã do Phạm Minh Quân dịch. Đọc lại Malinowski, bạn đọc sẽ thấy một nhà nhân học khác, một “thế giới sống” vừa khắc nghiệt vừa thơ mộng được biểu đạt bằng một văn phong chính xác và bay bổng, mở đầu cho lối viết văn hay của các nhà dân tộc học hay nhân học văn hóa. Tôi rất hân hạnh được là người trao cuốn sách này vào tay bạn đọc.
Đỗ Lai Thúy

 

Chương V

TÍNH DỤC ẤU THỜI

Đi ngang qua lĩnh vực của Freud và các nhà phân tâm học, tôi vẫn chưa tìm cách để loại ra ngoài vấn đề tính dục, một phần nhằm nhấn mạnh cạnh khía xã hội học trong mô tả của tôi, một phần nhằm tránh những sự khác biệt lý thuyết có thể gây tranh luận về bản chất của sự gắn kết người mẹ và đứa trẻ hoặc ‘libido’ (ham muốn). Nhưng ở giai đoạn này, khi đứa trẻ bắt đầu chơi đùa độc lập và hình thành một mối quan tâm tới công việc và mọi người xung quanh, tính dục lần đầu xuất hiện dưới những hình thức có thể được quan sát xã hội học bên ngoài và trực tiếp tác động vào đời sống gia đình.[1] Một sự quan sát kỹ lưỡng về những đứa trẻ châu Âu, và một người không hề quên lãng tuổi ấu thơ của mình, phải nhận ra rằng ở một độ tuổi ban đầu, ví dụ như giữa khoảng ba đến bốn tuổi, ở trong chúng trỗi dậy một mối quan tâm và tò mò đặc biệt. Bên cạnh thế giới bình thường, đầy trật tự với những thứ ‘tươi đẹp,’ cũng mở ra thế giới của những ham muốn xấu hổ, những mối quan tâm giấu nhẹm cùng những thôi thúc thầm kín. Hai phân loại, những thứ ‘đứng đắn’ và ‘không đứng đắn,’ ‘trong sáng’ và ‘không trong sáng’ bắt đầu được kết tinh, những phân loại sẽ tồn tại xuyên suốt cuộc đời. Ở một số người thứ ‘không đứng đắn’ sẽ trở nên bị tiết chế hoàn toàn, và những giá trị đứng đắn được bành trướng thành phẩm chất cực đoan của đạo đức khắt khe, hoặc thứ đạo đức giả ghê tởm của đạo đức thông thường. Hoặc thứ ‘đứng đắn’ bị dập tắt thông qua sự đắm chìm vào thỏa mãn khiêu dâm, và loại còn lại phát triển thành một thứ nhục dục hoàn toàn của tinh thần, ghê tởm chẳng kém gì thứ ‘phẩm chất’ đạo đức giả.
Ở giai đoạn thứ hai của tuổi ấu thơ mà chúng ta đang xem xét, theo như sự sắp xếp của tôi là từ khoảng bốn đến sáu tuổi, thứ ‘không đứng đắn’ xoay xung quanh những mối quan tâm về những chức năng bài tiết, phô bày bộ phận sinh dục và những trò chơi bộc lộ không đứng đắn, thường gắn với sự tàn nhẫn. Rất khó để phân biệt giữa hai giới, và cũng rất ít quan tâm đến hành động sinh sản. Bất kỳ ai đã sống một thời gian dài trong tầng lớp nông dân và hiểu rõ về tuổi ấu thơ của họ sẽ nhận thấy tình trạng này tồn tại rất bình thường, nhưng không công khai. Ở trong những tầng lớp lao động dường như tương tự.[2] Ở trong những tầng lớp cao hơn ‘không đứng đắn’ bị kìm nén nhiều hơn, nhưng không khác biệt mấy. Những quan sát trong các giai tầng xã hội này, sẽ khó khăn hơn quan sát ở trong tầng lớp nông dân, tuy vậy, chúng nên được thực hiện vì những lý do sư phạm, đạo đức và ưu sinh, và những phương pháp nghiên cứu phù hợp cần được nghĩ ra. Tôi nghĩ rằng, những kết quả sẽ xác nhận ở mức độ tuyệt vời hơn một vài những khẳng định của Freud và trường phái của mình.[3]
Vậy liệu sự phát sinh của tính dục ấu thời hay không đứng đắn sơ sinh có tác động đến mối quan hệ tới gia đình? Trong sự phân loại giữa những thứ ‘đứng đắn’ và ‘không đứng đắn,’ cha mẹ, và đặc biệt là người mẹ, hoàn toàn nằm trong phân loại thứ nhất, và tồn tại trong tâm trí đứa trẻ hoàn toàn không bị ‘không đứng đắn’ đụng vào. Cảm giác rằng người mẹ có thể biết được bất kỳ trò chơi sơ sinh không lành mạnh nào là cực kỳ khó chịu đối với đứa trẻ, và có một sự miễn cưỡng mạnh mẽ để ám chỉ trước sự hiện diện của mẹ hoặc để nói với mẹ về bất kỳ vấn đề tính dục nào. Hơn thế nữa, người cha, người cũng được hoàn toàn đặt ngoài phân loại ‘không đứng đắn’ cũng được coi là thứ quyền lực đạo đức mà những suy nghĩ và trò giải trí này sẽ gây xúc phạm. Bởi vì ‘không đứng đắn’ luôn mang theo cùng nó mặc cảm tội lỗi.[4]
Freud và trường phái phân tâm học đã đặt rất nhiều trọng tâm vào sự ganh đua tính dục giữa người mẹ và con gái, người cha và con trai. Quan điểm của tôi là sự ganh đua giữa người mẹ và con gái không bắt đầu ở giai đoạn sớm này. Trong bất cứ trường hợp nào, tôi chưa hề bao giờ quan sát được bất kỳ dấu vết nào của nó. Những mối quan hệ giữa người cha và con trai phức tạp hơn. Mặc dù, như tôi đã nói, cậu bé không hề có những suy nghĩ, ham muốn hay thôi thúc hướng tới người mẹ mà cậu ta có thể cảm thấy thuộc về phân loại ‘không đứng đắn,’ không hoài nghi rằng một cá thể trẻ trung sẽ phản ứng tính dục đối với sự va chạm thân thể gần gũi với người mẹ.[5] Một lời khuyên nổi tiếng được đưa ra trong những câu chuyện tầm phào tới những người mẹ trẻ trong những cộng đồng nông dân rằng những đứa trẻ trên ba tuổi nên ngủ tách riêng khỏi mẹ. Sự xuất hiện của sự cương cứng sơ sinh rất phổ biến trong những cộng đồng này, và nó cũng bởi thực tế là đứa bé trai bám lấy mẹ theo cách khác đứa bé gái. Rằng người cha và đứa bé trai có yếu tố ganh đua tính dục dưới những điều kiện hoàn cảnh trên dường như có thể xảy ra, ngay cả đối với một người quan sát xã hội học bên ngoài. Các nhà phân tâm học dứt khoát duy trì nó. Ở trong những tầng lớp giàu có hơn những xung đột thẳng thừng hiếm khi xảy ra, nếu có, chúng chỉ trỗi dậy trong tưởng tượng và tế nhị hơn thông qua những hình thức có lẽ không hề kém quỷ quyệt.
Phải lưu ý rằng ở giai đoạn này khi đứa trẻ bắt đầu thể hiện một cá tính và tính khí khác dựa trên giới tính, những cảm xúc của cha mẹ cũng khác nhau giữa con trai và con gái. Người cha nhìn nhận được con trai sẽ là người kế tục mình, người sẽ thay thế vị trí của anh ta trong dòng dõi và trong gia đình. Vì vậy anh ta sẽ trở nên nghiêm khắc hơn, và điều này tác động vào cảm xúc của anh ta theo hai hướng: nếu cậu bé thể hiện sự khiếm khuyết về tinh thần hay thể chất, không đáp ứng được tuýp lý tưởng của người cha, cậu ta sẽ trở thành một nguồn cơn của thất vọng và thù địch. Mặt khác, ngay ở giai đoạn này, một sự ganh đua đáng kể, oán trách về sự thay thế trong tương lai, và muộn phiền về một thế hệ sắp tàn lại lần nữa dẫn đến thù địch. Bị ức chế ở cả hai trường hợp, sự thù địch này làm cho người cha cứng rắn với con trai và bị kích động phản ứng bởi một phản hồi những cảm xúc thù địch. Trái lại, người mẹ, không hề có chỗ cho những tình cảm tiêu cực, và có sự ca tụng khi đứa con sắp trỏ thành một người đàn ông. Cảm xúc của người cha hướng tới con gái - một sự tái lặp lại anh ta trong hình hài nữ giới - không khó để gợi lên một cảm xúc dịu dàng, và có lẽ cũng để thỏa mãn lòng tự cao tự đại của anh ta. Do đó những tác nhân xã hội kết hợp với sinh học khiến cho người cha gắn bó gần gũi với con gái hơn với con trai, trong khi nó là ngược lại với người mẹ. Nhưng cần phải lưu ý rằng sự thu hút tới đứa con ở giới tính khác là bởi vì sự khác biệt vì giới, chứ không nhất thiết là thu hút tính dục.
Ở Melanesia, chúng ta tìm thấy một kiểu phát triển tính dục hoàn toàn khác biệt ở đứa trẻ. Những thôi thúc sinh học về cơ bản không khác biệt, dường như vượt qua cả những hoài nghi. Nhưng tôi đã thất bại trong việc tìm kiếm bất kỳ dấu vết nào về cái gọi là những thứ không đứng đắn tuổi sơ sinh, hoặc một thế giới thầm kín mà những đứa trẻ tự cho phép mình chơi những trò bí mật xung quanh các chức năng bài tiết hoặc phô bày bộ phận sinh dục. Đối tượng này đương nhiên mang lại những khó khăn cho việc quan sát, bởi vì rất khó để có thể tham gia vào bất kỳ giao tiếp cá nhân nào với đứa trẻ man dã, và nếu có một thế giới của những thứ không đứng đắn như ở chúng ta, sẽ là vô ích trong việc điều tra nó từ một người thổ dân trưởng thành như ở một người mẹ, người cha hay người bảo mẫu truyền thống ở xã hội chúng ta. Nhưng có một trường hợp mà khiến cho mọi chuyện hoàn toàn khác biệt ở những người thổ dân mà không có mối lo gây ra sai sót: nghĩa là đối với họ không hề có sự ức chế, không có sự khiển trách, không có sự bài xích đạo đức về tính dục ấu thời kiểu dạng sinh dục khi nó xuất hiện ở một giai đoạn sau giai đoạn mà chúng ta đang nói tới - vào năm hoặc sáu tuổi. Bởi vậy nếu có bất kỳ một sự không đứng đắn trước đó, có thể được quan sát dễ dàng như giai đoạn sinh dục sau này của những trò chơi tính dục.
Vậy làm cách nào chúng ta có thể lý giải tại sao giữa những người man dã không có thứ giai đoạn mà Freud gọi là mối quan tâm ‘tiền sinh dục,’ ‘tính dục hậu môn?’ Chúng ta sẽ có thể hiểu được điều này tốt hơn khi bàn luận về tính dục ở giai đoạn tiếp theo của sự phát triển của đứa trẻ, một tính dục mà ở những đứa trẻ thổ dân Melanesia cơ bản khác biệt với những đứa trẻ ở chúng ta. 
           Nguồn : Tình dục và ức chế ở xã hội man dã, Bronislaw Malinowski, (tên gốc: Sex and Repression in Savage Society, 1927), Phạm Minh Quân dịch, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2019, tr 58-65.




[1] Người đọc quan tâm tới tính dục ấu thời và tâm lý học trẻ em nên tham khảo Das Sexualleben des Kindes (Đời sống tình dục của đứa trẻ, 1908) của A. Moll; Studies in the Psychology of Sex (Những nghiên cứu về tâm lý học tình dục, bản 1919, tr.13 và những trang kế tiếp, vol. i, bản 1910, tr.36 và những trang kế tiếp và tr.235 và những trang kế tiếp và xuyên suốt cuốn sách) của Havelock Ellis. Những tác phẩm của Ploss-Renz, Das Kind in Brauch und Sitte der Völker (Đứa trẻ trong thói quen và phong tục của các quốc gia, Leipzig, 1911-12); Charlotte Bühler, Das Seelenleben des Jugendlichen (Đời sống tinh thần của thiếu niên, 1925); và những công trình của William Stern về Tâm lý học Trẻ em cũng rất quan trọng.
[2] Zola, nhà xã hội học tận tâm, đã cung cấp cho chúng ta những tài liệu phong phú về vấn đề này, hoàn toàn tương đồng với những quan sát của tôi.
[3] Luận điểm của Freud về sự diễn ra bình thường của tính dục sớm, về rất ít khác biệt giữa các giới, về tính dục hậu môn và thiếu vắng sự quan tâm đến sinh dục, theo quan sát của tôi, là đúng. Trong một bài viết gần đây (Zeitschrift für Psycho-Analyse, Tạp chí phân tâm học, 1923), Freud đã có phần thay đổi quan điểm trước đó của mình, và khẳng định mà không đưa ra luận cứ rằng những đứa trẻ ở giai đoạn này, sau cùng, đã có mối quan tâm đến ‘sinh dục.’ Điều này tôi không thể tán thành.
[4] Thái độ của người đàn ông và đàn bà hiện đại đang thay đổi chóng mặt. Cho tới thời điểm hiện tại chúng ta chăm chỉ ‘khai sáng’ con cái của mình, và duy trì ‘tình dục’ được chuẩn bị kỹ càng cho chúng. Tuy nhiên, trên hết chúng ta phải nhớ rằng thứ mà chúng ta đang giải quyết ở đây chiếm thiểu số ngay cả ở trong ‘giới trí thức’ Anh và Mỹ. Thứ hai, tôi không hoàn toàn chắc chắn rằng liệu thái độ rụt rè và ngượng ngùng của những đứa trẻ hướng tới cha mẹ của chúng về vấn đề tính dục sẽ được vượt qua ở bất cứ mức độ nào bởi cách giải quyết này. Dường như tồn tại một xu hướng chung ngay cả ở những người lớn để tận diệt những yếu tố cảm xúc gây ấn tượng sâu sắc, lúng túng và bí hiểm trong bất kỳ mối quan hệ bền vững nào trên cơ sở trao đổi tình cảm hàng ngày. Ngay cả ở trong những người Trobriand về bản chất ‘không bị ức chế’ cha mẹ không bao giờ là người bạn tâm tình về vấn đề tính dục. Đáng chú ý rằng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu đưa ra những thổ lộ thầm kín và xấu hổ với bạn bè và người quen, những người không liên hệ quá mật thiết với đời sống hàng ngày của chúng ta.
[5] Kể từ lần đầu viết vào năm 1921, tôi đã thay đổi quan điểm của mình về vấn đề này. Phát biểu ‘một cá thể trẻ trung phản ứng tính dục đối với sự va chạm thân thể gần gũi với người mẹ’ giờ đây với tôi thật ngớ ngẩn. Tôi mừng rằng mình có thể sử dụng từ ngữ nặng nề này, vì chính bản thân mình đã viết ra phát biểu ngớ ngẩn trên. Tôi đã trình bày một phân tích đầy đủ phù hợp về giai đoạn này trong tâm lý học sơ sinh ở phần sau, Phần IV, Chương IX.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét