Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020

Khoa học về Phong tục Ruth Benedict Phạm Minh Quân dịch

 

 Khoa học về Phong tục

                                                                          Ruth Benedict

                                                                          Phạm Minh Quân dịch

 

Nhân học là việc nghiên cứu những cá thể người với tư cách là sinh vật xã hội. Nó tập trung vào những đặc trưng thể lý và phương thức kỹ nghệ, những tục lệ và giá trị, mà phân biệt một cộng đồng này với tất cả các cộng đồng thuộc về một truyền thống khác.

Dấu ấn chỉ rõ nhân học với những ngành khoa học xã hội khác là nó bao gồm việc nghiên cứu nghiêm túc các xã hội khác bên cạnh xã hội của chính chúng ta. Bởi vì những mục đích của nó, bất kỳ những quy tắc xã hội nào về tính giao và sinh sản đều quan trọng như đối với chúng ta, cho dù nó có thể là của người Dyak, và không hề có những mối liên hệ lịch sử tới nền văn minh của chúng ta. Đối với nhà nhân học, những phong tục của chúng ta và của một bộ lạc ở New Guinea là hai mô hình xã hội khả thi để cùng giải quyết một vấn đề chung, và cho tới khi nào vẫn còn là một nhà nhân học anh ta phải tránh rơi vào thiên vị một phía. Anh ta quan tâm tới hành vi con người, không phải bởi vì nó được định hình bởi một truyền thống, của chúng ta, mà bởi vì nó đã được định hình bởi bất kỳ một truyền thống nào đó. Anh ta cũng quan tâm vào toàn bộ các phong tục được tìm thấy ở nhiều nền văn hóa, và nhiệm vụ của anh ta là phải hiểu được cách mà mỗi nền văn hóa này biến đổi và khác nhau, những dạng thức khác nhau mà thông qua đó chúng được biểu hiện, và cách thức mà những phong tục của bất kỳ người nào đóng góp cho cuộc sống của những cá nhân sáng tạo nên chúng.

Ngày nay phong tục không thường được coi là đối tượng của bất kỳ giai đoạn vĩ đại nào. Sự vận động bên trong của bộ não mà chúng ta cảm nhận được là một vấn đề đáng được nghiên cứu, nhưng về phong tục, chúng ta có một cách nghĩ, tức là hành vi tầm thường nhất. Thực tế là ngược lại. Phong tục truyền thống, bao trùm thế giới, là một tổng thể hành vi chi tiết đáng kinh ngạc hơn bất cứ những gì một ai đó có thể phát triển trong những hành động cá nhân, cho dù chúng khác thường tới đâu. Nhưng đó lại là một khía cạnh không mấy đáng kể của vấn đề. Tầm quan trọng lớn nhất là vai trò ưu trội của phong tục trong trải nghiệm và niềm tin, và những biến thể đa dạng mà nó biểu hiện.

Không một ai nhìn nhận thế giới qua đôi mắt nguyên thủy. Hình ảnh chúng bị chi phối bởi một tập hợp rõ ràng các phong tục, thiết chế và cách nghĩ. Ngay cả trong sự luận suy triết học của mình anh ta không thể vượt qua khỏi khuôn mẫu đó; ngay những ý niệm về đúng và sai sẽ luôn có sự liên hệ tới những phong tục truyền thống nhất định của anh ta. John Dewey đã nghiêm túc mà nói rằng vai trò của phong tục trong việc định hình hành vi của một cá nhân không giống như mọi sự tác động của anh ta đến phong tục truyền thống, như một phần của từ vựng tiếng mẹ đẻ không giống như những tiếng kêu lúc sơ sinh của anh ta đã được đưa vào ngôn ngữ của gia đình. Khi một người nghiêm túc nghiên cứu trật tự xã hội có cơ hội để phát triển độc lập, vấn đề này chỉ đơn thuần là một quan sát chính xác và đơn giản. Lịch sử cuộc đời của một cá nhân trước hết là một điều chỉnh đối với những mô thức và tiêu chuẩn được trao truyền trong cộng đồng của anh ta. Từ lúc anh ta sinh ra những phong tục đã có định hình trải nghiệm và hành vi của anh ta. Cho tới khi anh ta biết nói, anh ta là một sinh vật bé nhỏ của văn hóa, và cho tới khi anh ta lớn lên và có thể tham gia vào các hoạt động của nó, những tập quán của nó là của anh ta, những niềm tin của nó là của anh ta, những giới hạn của nó cũng là của anh ta. Mọi đứa trẻ được sinh ra sẽ được chia sẻ những điều này bởi nhóm của mình, và không một đứa trẻ nào sinh ra ở hai phía đối diện của địa cầu có thể đạt được phần thứ một nghìn. Không có một vấn đề xã hội nào buộc chúng ta phải lĩnh hội nó hơn là vai trò của phong tục. Trừ khi chúng ta đã đủ thông hiểu về quy luật và những biến thể của nó, những thực tế chủ yếu phức tạp nhất của đời sống con người vẫn chưa thể lý giải được.

Nghiên cứu phong tục chỉ có hiệu quả sau khi một vài định đề cơ bản đã được chấp nhận, và một số định đề này đã bị phản ứng dữ dội. Trên hết bất kỳ một nghiên cứu khoa học nào đều đòi hỏi không có sự thiên vị một đối tượng này hay đối tượng khác trong chuỗi đối tượng nghiên cứu được lựa chọn. Trong các lĩnh vực ít tranh cãi hơn như nghiên cứu về cây xương rồng hay con mối hoặc bản chất của tinh vân, phương pháp nghiên cứu cần thiết là tập hợp lại những tài liệu liên quan và lưu ý tới mọi dạng thức và điều kiện khác nhau có thể. Bằng cách này chúng ta đã nắm được tất cả những gì chúng ta biết về những quy luật thiên văn, hay về những tập tính của các loài côn trùng xã hội, đại loại như vậy. Chỉ duy nhất trong việc nghiên cứu bản thể con người mà những ngành khoa học xã hội chính đã thay thế việc nghiên cứu một biến thể sở tại, tức nền văn minh phương Tây.

Nhân học vẫn được coi là bất khả thi khi mà những khác biệt giữa chúng ta với con người nguyên thủy, giữa chúng ta với người man dã, giữa chúng ta với người ngoại giáo, vẫn còn thống trị tâm thức con người. Quan trọng tiên quyết là phải đạt được mức độ thông thạo mà chúng ta không còn đặt niềm tin của chúng ta đối lập với những mê tín của các tộc người láng giềng. Cần thiết phải thừa nhận rằng những thiết chế này, vốn được dựa trên tiền đề tương tự, ví dụ như siêu nhiên, cần phải được xem xét cạnh nhau, như của chúng ta với tất cả phần còn lại.

Trong nửa đầu thế kỷ XIX, định đề cơ bản về nhân học này không thể xuất hiện ngay cả ở những người thông sáng nhất ở văn minh phương Tây. Con người, ngay từ buổi đầu lịch sử, đã luôn bảo vệ tính độc nhất của mình như một vấn đề danh dự. Ở thời đại Copernicus, sự khẳng định uy thế này bao trùm đến nỗi nó thâu tóm cả địa cầu nơi chúng ta sống, và trong thế kỷ XVI bác bỏ một cách mãnh liệt quan niệm về hành tinh này chỉ là một tiểu hành tinh trong hệ mặt trời. Cho tới thời của Darwin, khi đã đạt được cái lý về hệ mặt trời, con người lúc này đấu tranh bằng mọi vũ khí trong tay để giành lấy sự độc nhất của linh hồn, một thuộc tính bất khả tri được Chúa ban cho bằng cách bác bỏ ý kiến là nguồn gốc loài người đến từ vương quốc động vật. Không thiếu tính bền vững cho luận điểm, không hoài nghi gì về bản chất của ‘linh hồn’ này, ngay cả thực tế rằng, thế kỷ XIX họ không quan tâm đến việc ít nhất bảo vệ tình ái hữu với bất kỳ nhóm ngoại lai nào - không một thực tế nào trong số trên gây bất lợi cho sự phấn khích tột đỉnh diễn ra, khi đưa ra tiến hóa luận phủ nhận chống lại quan điểm con người độc nhất.

Cả hai mặt trận này chúng ta có thể coi là giành thắng lợi - nếu chưa, thì sẽ sớm thôi; nhưng việc đấu tranh đã lan rộng ra một mặt trận khác. Chúng ta hiện nay đã sẵn lòng thừa nhận rằng việc trái đất quay xung quanh mặt trời, hay nguồn gốc động vật của con người, không liên quan gì tới sự độc nhất của những thành tựu nhân loại. Nếu chúng ta sống ở một hành tinh ở bên ngoài vô số hệ hành tinh, để tự hào hơn, và nếu tất cả chủng loại người lẫn lộn đều được xâu chuỗi lại bởi sự tiến hóa từ động vật, sự khác biệt có thể chứng minh được giữa chúng ta và những chủng người khác càng trở nên cực đoan, và sự độc nhất của những thiết chế của chúng ta càng đáng chú ý hơn. Nhưng những thành tựu của chúng ta, những thiết chế của chúng ta là độc nhất; chúng có một trật tự khác so với những chủng tộc nhỏ hơn khác và phải được bảo vệ bằng mọi giá. Bởi vậy ngày nay, cho dù là vấn đề chủ nghĩa đế quốc, hay sự phân biệt chủng tộc, hoặc một sự so sánh giữa đạo Kitô và ngoại giáo, chúng ta vẫn bận tâm về tính độc nhất, nhưng không phải tính độc nhất của những thiết chế con người trên thế giới nói chung, điều mà chưa ai từng quan tâm cả, mà là những thiết chế và thành tựu của chúng ta, của nền văn minh chúng ta.

Nền văn minh phương Tây, bởi vì những hoàn cảnh lịch sử ngẫu nhiên, đã bành trướng hơn rất nhiều so với bất kỳ một nhóm bản địa nào được biết đến từ trước tới nay. Nó đã tự tiêu chuẩn hóa bản thân trên phần lớn địa cầu, và chúng ta đã được dẫn dắt tới chấp nhận một niềm tin về tính đồng bộ của hành vi con người, mà trong những hoàn cảnh khác sẽ không xuất hiện. Ngay cả những con người nguyên thủy có lúc tự ý thức được về những đặc điểm văn hóa hơn nhiều so với chúng ta, và có lý do xác đáng. Họ có những trải nghiệm sâu sắc với nhiều văn hóa khác nhau. Họ đã chứng kiến tôn giáo, hệ thống kinh tế, những cấm kỵ hôn nhân của mình phải gục ngã trước người da trắng. Họ đã ban hành chúng rồi chấp nhận một thứ khác, thông thường không thể hiểu nổi, nhưng họ rất rõ ràng về những sự sắp đặt khác nhau trong đời sống con người. Đôi khi họ sẽ gán một vài đặc trưng vượt trội của người da trắng cho sự cạnh tranh về thương mại, hay việc tổ chức chiến tranh của anh ta, giống như cách của một nhà nhân học.

Người da trắng có một trải nghiệm khác biệt. Anh ta chưa bao giờ gặp một người ngoại lai, có lẽ trừ khi người ngoại lai này đã được Âu hóa. Nếu anh ta đã xê dịch, rất có thể anh ta đã đi quanh thế giới mà chưa bao giờ ở bên ngoài phạm vi khách sạn. Anh ta biết rất ít về những lối sống khác ngoài lối sống của mình. Tính đồng bộ của phong tục, hay quan niệm, mà anh ta nhìn thấy ở bản thân mình dường như là đã đủ thuyết phục, và nó che giấu anh ta một thực tế là sau cùng nó chỉ là một biến cố lịch sử. Anh ta không chần chừ gì chấp nhận sự tương đồng giữa bản chất con người với những chuẩn mực của văn hóa mình.

Tuy vậy sự bành trướng của văn minh phương Tây không phải là một bối cảnh lịch sử ngoại lệ. Nhóm Polynesian, trong so sánh gần đây, đã lan tỏa từ Ontong, Java, đến đảo Phục sinh, từ Hawaii đến New Zealand, và từ những bộ lạc nói tiếng Bantu tới vùng Sahara và Nam Phi. Nhưng ở cả hai trường hợp chúng ta không coi những tộc người đó là một biến thể bản địa lớn quá mức của các chủng tộc người. Sự lan tỏa vĩ đại của văn minh phương Tây là nhờ những sáng chế trong phương tiện di chuyển và phát triển thương mại có tầm vóc rộng lớn, và dễ dàng để hiểu được lý do lịch sử của chúng.

Những hệ quả tâm lý của sự bành trướng văn hóa da trắng quá lớn so với quan điểm duy vật. Sự khuếch tán văn hóa toàn cầu đã bảo vệ chúng ta khi mà con người chưa từng bao giờ được bảo vệ trước việc phải nhìn nhận nghiêm túc về văn minh của những người khác; nó đã cung cấp cho văn hóa chúng ta một tính phổ quát lớn mà đã từ lâu chúng ta đã không coi là lý do về mặt lịch sử, mà chúng ta thể hiện như một hiển nhiên và không thể tránh khỏi. Chúng ta lý giải sự độc lập của mình, trong nền văn minh, dựa trên sự cạnh tranh kinh tế, như một bằng chứng rằng đây là động lực chính mà bản chất con người có thể phụ thuộc vào, hoặc chúng ta thể hiện hành vi của những đứa trẻ như thể nó được hun đúc từ nền văn minh chúng ta và lưu giữ lại trong phòng khám nhi, với tư cách là tâm lý nhi khoa hoặc cách mà sinh vật người non nớt phải ứng xử. Nó đều tương tự cho dù là vấn đề về đạo đức hay về tổ chức gia đình của chúng ta. Không thể tránh khỏi việc mỗi một động lực gia đình mà chúng ta bảo vệ, luôn luôn tìm cách nhận diện cách thức ứng xử cục bộ của chúng ta bằng hành vi, hay những thói quen xã hội bằng bản chất con người.

Ngày nay con người hiện đại đã biến luận điểm này thành một trong nhưng vấn đề tồn tại trong suy nghĩ của anh ta và trong những hành vi thực tiễn, nhưng nguồn gốc của nó phải truy nguyên lại từ khi nó xuất hiện, từ sự phân phối phổ biến giữa những người nguyên thủy, một trong những đặc trưng sớm nhất của con người, sự khác biệt giữa nhóm khép kín ‘của tôi’ và kẻ ngoại lai. Mọi bộ lạc nguyên thủy đều đồng thuận trong việc phát hiện phân loại những kẻ ngoại lai này, những người không chỉ nằm ngoài những quy tắc đạo lý có phạm vi trong giới hạn một nhóm người, mà còn là những người không có chỗ ở bất kỳ nơi đâu trong thế giới loài người. Một số lượng lớn tên gọi những bộ lạc thường được sử dụng, như Zuni, Dene, Kiowa và số còn lại, là những cái tên mà những người nguyên thủy hiểu về bản thân họ, và là những thuật ngữ bản địa duy nhất dành cho ‘cá thể người,’ tức là, chính bản thân họ. Bên ngoài nhóm khép kín này không có cá thể người. Và điều này bất chấp thực tế là từ một góc nhìn khách quan mỗi bộ tộc được vây quanh bởi những người chia sẻ nghệ thuật và sáng tạo vật chất, trong thực tiễn rằng họ lớn lên nhờ sự cho-và-nhận lẫn nhau hành vi từ người này sang người khác.

Con người nguyên thủy chưa từng tìm kiếm khắp thế giới và thấy ‘nhân loại’ với tư cách là một nhóm và cảm nhận được động cơ chung với chủng loại của mình. Kể từ khởi nguyên anh ta vốn là một con người thô kệch đã tự xây lớp rào cản quá cao. Cho dù nó là vấn đề về chọn vợ hay lấy đầu một ai đó, sự phân biệt đầu tiên và quan trọng chỉ là giữa nhóm người anh ta và những người không được chấp nhận. Nhóm của anh ta, cùng tất cả cách quy cách hành vi, là độc nhất.

Do đó con người hiện đại, phân biệt thành Những Người Được Lựa Chọn và những kẻ ngoại lai nguy hiểm, các nhóm nằm trong văn minh của anh ta có sự liên quan về mặt di truyền và văn hóa với nhau như bất kỳ bộ lạc nào ở thảo nguyên Úc trong cộng đồng của họ, có lý do là sự tiếp nối lịch sử đằng sau thái độ của anh ta. Người Pygmy cũng có những khẳng định tương tự. Chúng ta không có khả năng dễ dàng làm rõ một đặc điểm con người cơ bản, nhưng ít nhất chúng ta có thể tiếp thu cách để nhận ra nguồn gốc và vô vàn biểu hiện của nó.

Một trong những biểu hiện này, và thường được cho là chủ yếu và có động lực bởi những cảm xúc tôn giáo thay vì sự khái quát hóa địa phương, là thái độ đã tồn tại phổ biến trong văn minh phương Tây và vẫn phổ biến cho tới khi nào tôn giáo vẫn là một vấn đề còn tồn tại. Sự khác biệt giữa bất kỳ một nhóm khép kín nào với những người bên ngoài, trở thành sự khác biệt trong phạm trù tôn giáo giữa những tín đồ thực thụ và người ngoại đạo. Giữa hai nhóm này đã trải qua hàng nghìn năm không tìm được điểm chung. Không có một ý niệm và thiết chế ở nhóm nào có giá trị ở nhóm còn lại. Thay vào đó mọi thiết chế bị nhìn theo quan điểm đối lập bởi vì chúng thuộc về một hay một vài tôn giáo khác biệt khác: một bên là vấn đề Chân lý của Thượng Đế và những tín đồ ngoan đạo, của mặc khải và của Chúa; bên kia là vấn đề đại tội chúng sinh, những truyền thuyết, về những linh hồn bị đọa đày và quỷ dữ. Không có khả năng cân bằng thái độ của những nhóm đối lập và bởi vậy cũng không có khả năng lĩnh hội từ những dữ kiện nghiên cứu khách quan về bản chất của đặc trưng quan trọng này của con người, đó là tôn giáo.

Chúng ta cảm nhận được một sự ưu trội chính đáng khi chúng ta đọc một mô tả như trên về chuẩn mực thái độ tôn giáo. Ít nhất chúng ta đã bỏ qua được sự vô lý nhất định, và chúng ta đã chấp nhận nghiên cứu so sánh các tôn giáo. Nhưng cân nhắc về phạm vi của một thái độ tương tự đã có trong văn minh của chúng ta với dạng thức là định kiến chủng tộc, ví dụ, chúng ta có lý do chính đáng để có một chút hoài nghi về liệu sự thông thạo của chúng ta trong vấn đề tôn giáo là vì thực tế là chúng ta đã vượt qua sự ấu trĩ của trẻ con, hay đơn thuần chỉ vì thực tế là tôn giáo đã không còn là một mảng của cuộc sống mà trong đó những đấu tranh quan trọng hiện đại được bày ra. Trong những vấn đề đang tồn tại ở văn minh chúng ta, dường như chúng ta còn lâu mới chạm tới được sự suy xét khách quan đã đạt được trong lĩnh vực tôn giáo.

Có một trường hợp khác đã khiến cho việc nghiên cứu phong tục một cách nghiêm túc chậm trễ và thường là không đến nơi đến chốn, và ở một mức độ khó khăn để vượt qua hơn những gì chúng ta đã trình bày. Phong tục không thách thức sự chú ý của các nhà lý luận xã hội bởi vì nó là sản phẩm của suy nghĩ chính họ: nó là lăng kính mà nếu không có họ không thể nhìn thấy được gì. Chính xác đến tỷ lệ như thể nó là cơ bản. Nó có sự tồn tại bên ngoài phạm vi chú ý của ý thức. Không có điều gì thần bí về sự mù quáng này. Khi một học viên đã tập hợp dữ liệu rộng lớn cho một nghiên cứu về tín dụng thế giới, hay quá trình học tập, hoặc ái kỷ như là một tác nhân trong bệnh loạn thần, thì thông qua và trong bản thân chỉnh thể dữ liệu này nhà kinh tế học hay nhà tâm lý học hoặc nhà tâm thần học tiến hành công việc. Anh ta không tính đến thực tế là những sắp đặt xã hội nơi mà các tác nhân, có thể, được sắp xếp khác nhau. Anh ta không tính đến điều kiện hóa văn hóa. Anh ta nhìn đặc điểm mà mình đang nghiên cứu là một biểu hiện đã được biết đến và hiển nhiên, đồng thời anh ta coi chúng là tuyệt đối bởi chúng là tất cả những tài liệu mà anh ta cần nghĩ đến. Anh ta nhận diện những thái độ cục bộ của thập niên 1930 với bản chất con người, mô tả của chúng với Kinh tế học hoặc Tâm thần học.

Trên thực tế, nó thường không có nghĩa lý lắm. Con cái của chúng ta phải được giáo dục bằng sư phạm truyền thống, và việc nghiên cứu quá trình học tập ở trường học chúng ta có tầm quan trọng bậc nhất. Có một sự biện hộ tương tự đối với cái nhún vai mà chúng ta thường gặp phải khi bàn luận về những hệ thống kinh tế khác. Suy cho cùng, chúng ta phải sống trong khuôn khổ của mình và của họ trong những thiết chế văn hóa.

Điều này đúng, và thực tế là nhiều loại văn hóa sẽ được bàn luận hiệu quả nhất khi chúng tồn tại trong không gian cung cấp sắc thái cho sự thờ ơ của chúng ta. Nhưng nó chỉ là sự giới hạn của các tài liệu lịch sử ngăn cản việc rút ra ví dụ thay vì từ sự nối tiếp của văn hóa theo thời gian. Sự tiếp nối này cho dù muốn chúng ta cũng không thể tránh khỏi, và khi nhìn lại thậm chí một thế hệ ta nhận ra quy mô mà sự sửa đổi đã diễn ra, đôi khi trong hành vi cá nhân nhất. Bởi vì những sự sửa đổi này không rõ ràng, nên kết quả của hoàn cảnh chúng ta chỉ có thể vẽ lại từ hồi cố. Ngoại trừ cho sự không sẵn lòng đối diện với biến đổi văn hóa trong những vấn đề gần gũi nhất cho tới khi chúng buộc chúng ta phải chấp hành, sẽ không có khả năng lựa chọn một thái độ thông minh và chi phối hơn. Sự kháng cự trong một phạm vi rộng lớn là kết quả của sự nhầm lẫn của chúng ta về những tục lệ văn hóa, đặc biệt là sự đề cao những gì xảy ra thuộc về quốc gia và thập niên chúng ta. Một ít quen thuộc với những tục lệ khác, và một kiến thức về sự đa dạng của chúng, sẽ góp phần rất nhiều cho việc đẩy mạnh một trật tự xã hội lý tính.

Việc nghiên cứu các nền văn hóa khác nhau có một tầm quan trọng khác tới suy nghĩ và hành vi ngày nay. Cuộc sống hiện đại ngày nay đã đưa rất nhiều nền văn minh tiếp xúc với nhau, và lúc này phản ứng mạnh mẽ đối với bối cảnh trên là chủ nghĩa dân tộc và tự tôn chủng tộc. Chưa có thời điểm nào mà văn minh lại cần đến những cá nhân có ý thức văn hóa chân thật, người có thể khách quan nhìn thấy hành vi được xã hội điều kiện hóa của những người khác mà không dè dặt và sợ bị buộc tội.

Sự coi thường ngoại lai không phải là giải pháp duy nhất cho sự tiếp xúc với nhiều chủng tộc và quốc gia ngày nay. Nó thậm chí không phải là một giải pháp có căn cứ khoa học. Thành kiến truyền thống của người Anglo-Saxon là cục bộ và là đặc điểm văn hóa tạm thời như bất cứ tính cách nào khác. Ngay cả những người có dòng máu và văn hóa gần gũi với người Tây Ban Nha cũng không có nó, và định kiến chủng tộc ở những quốc gia có người Tây Ban Nha định cư là một thứ hoàn toàn khác biệt so với các quốc gia bị chi phối bởi Anh và Mỹ. Ở quốc gia này, không có một thành kiến hướng tới sự hợp huyết của các chủng tộc tách biệt nhau về sinh học, thậm chí ở một số nơi còn tạo ra sự sôi nổi nhiệt huyết cao như người Ailen theo Công giáo ở Boston, hoặc người Ý ở những thị trấn xí nghiệp ở New England, hay người Á Đông ở California. Trong sự phân biệt cũ kỹ về nhóm trong và nhóm ngoài, nếu chúng ta tiếp nối truyền thống nguyên thủy trong vấn đề này, chúng ta không hơn gì những bộ tộc man dã. Chúng ta đã phát triển, đã tự hào về sự tinh thông của mình. Nhưng chúng ta đã thất bại trong việc hiểu được tính tương đối của các tập quán văn hóa, và vẫn cấm cản những lợi ích và niềm vui trong các mối quan hệ con người của chúng ta với những người thuộc về những tiêu chuẩn khác, và không đáng tin tưởng trong việc ứng xử với họ.

Việc thừa nhận nền tảng văn hóa của định kiến chủng tộc là cực kỳ cấp thiết trong văn minh phương Tây ngày nay. Chúng ta đã đạt đến mức mà ấp ủ sự định kiến chủng tộc với những người anh em kết nghĩa Ailen, và khi Nauy và Thụy Điển nói về sự thù địch giữa họ như thể họ đại diện cho những dòng máu khác nhau. Thứ gọi là ranh giới chủng tộc, trong cuộc chiến mà Pháp và Đức ở hai bên đối địch, được kéo ra để phân biệt người Baden ở Alsace, cho dù hình thức của họ giống với tiểu chủng Alpine. Trong thời điểm mà những cuộc dịch chuyển tự do tùy ý của con người và hôn phối hỗn hợp trong dòng tộc là một trong những yếu tố đáng mong muốn nhất của cộng đồng, chúng ta chủ trương không nao núng trước giáo điều về một chủng tộc thuần chủng.

Đối với vấn đề này nhân học đưa ra hai câu trả lời. Câu trả lời thứ nhất dành cho bản chất của văn hóa, và câu trả lời thứ hai dành cho bản chất của sự kế thừa. Câu trả lời cho bản chất của văn hóa đưa chúng ta trở lại những xã hội trước khi có loài người. Ở đó có những xã hội nơi thiên nhiên duy trì cách thức hành vi đơn giản nhất của các cơ chế sinh học, nhưng đó không phải là xã hội loài người mà là của côn trùng xã hội. Kiến chúa, được đưa đến một tổ biệt lập, sẽ tái tạo lại từng đặc điểm của hành vi tính giao, từng chi tiết của tổ. Côn trùng xã hội đại diện cho Mẹ Thiên nhiên trong tâm thế mà bà không thể có rủi ro. Mô thức của toàn bộ cấu trúc xã hội bà dành cho hành vi bản năng của loài kiến. Sẽ không có cớ nào mà những tầng lớp xã hội của một xã hội kiến, hay những mô thức canh tác của chúng, sẽ bị đánh mất bởi sự cô lập của một con kiến ra khỏi nhóm của nó, trừ khi thất bại trong việc tái tạo lại hình dáng râu hoặc cấu trúc của bụng nó.

Dù tốt hay xấu, giải pháp của con người nằm ở cực đối lập. Không một bộ phận nào của tổ chức xã hội bộ lạc, của ngôn ngữ, hay của tín ngưỡng bản địa của anh ta, được chứa đựng trong tế bào gốc. Ở châu Âu, sau một vài thế kỷ khi những đứa trẻ thường được phát hiện đã bị bỏ rơi và phải tự duy trì sự sống trong những khu rừng, tách biệt khỏi những cá thể người khác, chúng đều giống nhau đến nỗi Linnaeus phân loại chúng như một chủng loại khác, Homo ferus, và giả định chúng là một loại người lùn mà con người hiếm khi gặp phải. Ông không thể tưởng tượng rằng những sinh vật khờ dại này từng được sinh ra là con người, những sinh vật này không quan tâm đến chuyện gì đang diễn ra đối với chúng, nhảy lên nhảy xuống nhịp nhàng như loài thú hoang dã trong vườn thú, với cơ quan nói và nghe không thể có khả năng huấn luyện được, chịu đựng thời tiết lạnh cóng trong quần áo tả tơi và vớt khoai tây từ trong nước sôi mà không hề hấn gì. Hiển nhiên, không hoài nghi gì, chúng là những đứa trẻ bị bỏ mặc khi còn sơ sinh, và tất cả những gì chúng khuyết thiếu là sự gắn kết với đồng loại của mình, thông qua đó khả năng của con người được gọt giũa và định hình.

Chúng ta không thể bắt gặp những đứa trẻ hoang dã trong nền văn minh nhân văn hơn mình. Nhưng vấn đề tương tự rõ ràng trong mọi trường hợp nhận nuôi một đứa trẻ sơ sinh từ một chủng tộc và văn hóa khác. Một đứa trẻ phương Đông được nuôi dưỡng bởi gia đình phương Tây học tiếng Anh, thể hiện thái độ với bố mẹ nuôi tương tự với thái độ với những đứa trẻ mình chơi cùng, và lớn lên với những nghề nghiệp được họ quyết định. Cậu ta học được toàn bộ tập hợp những đặc điểm văn hóa của xã hội nuôi nấng mình, và những đặc điểm văn hóa của nhóm cha mẹ ruột không còn có vai trò gì nữa. Quá trình tương tự xảy ra trên một quy mô lớn khi toàn bộ con người trong một vài thế hệ từ bỏ văn hóa truyền thống và tuân theo những phong tục của một nhóm ngoại lai. Văn hóa của những người Mỹ da đen ở những thành phố phía Bắc đã gần như giống hệt với những người da trắng ở cùng thành phố. Một vài năm trước, khi một điều tra văn hóa được thực hiện ở Harlem, một trong những đặc điểm riêng biệt của người da đen là cái cách họ đặt cược vào ba con số đơn vị cuối cùng của vòng quay hàng tồn kho ngày hôm sau. Ít ra nó bớt tốn kém hơn so với sở thích tương tự của người da trắng trong việc đặt cược vào hàng hóa, và không hề kém phần may rủi và hấp dẫn. Nó là một biến thể của mô thức người da trắng, cho dù không hề quá khác biệt. Và phần lớn những đặc điểm ở Harlem vẫn gần gũi với dạng thức đang tồn tại ở những nhóm người da trắng.

Trên khắp thế giới, kể từ khởi nguyên lịch sử loài người, có thể thấy được rằng con người đã có khả năng thích nghi với văn hóa của những người khác dòng máu. Cấu trúc sinh học của con người không tồn tại thứ gì gây khó khăn cho việc đó. Con người không bị ràng buộc bởi kết cấu sinh học của mình tới bất kỳ đa dạng hành vi nào cả. Sự đa dạng phong phú của những giải pháp xã hội mà con người đã thực hiện trong nhiều văn hóa khác nhau về hôn phối, hay trao đổi, đều khả thi như nhau dựa trên cơ sở năng lực bẩm sinh vốn có. Văn hóa không phải là một phức hợp được di truyền sinh học.

Thứ đánh mất trong sự đảm bảo an toàn của thiên nhiên được thay thế bởi lợi thế về tính thích ứng lớn hơn. Sinh vật người không hề giống gấu, tự mọc cho mình một lớp lông choàng chịu rét để bản thân thích nghi với miền địa cực sau vài thế hệ. Anh ta học cách tự may cho mình chiếc áo khoác và xây một chiếc nhà tuyết. Từ tất cả những gì chúng ta học được từ lịch sử trí tuệ của xã hội trước loài người lẫn xã hội loài người, tính thích ứng này đã là nền tảng cho tiến trình phát triển của loài người bắt đầu và tự duy trì. Trong kỷ nguyên của những loài khổng lồ, những chủng loài không có tính thích ứng lần lượt xuất hiện, cực thịnh rồi suy vong, tuyệt chủng bởi chính sự phát triển của những đặc điểm sinh học chúng sản sinh để thích nghi với môi trường. Những loài thú săn mồi và cuối cùng là linh trưởng dần dần thay vì phụ thuộc vào sự thích nghi sinh học, mà từ những nền tảng của sự thích ứng sau này, từng bước một, phát triển trí tuệ. Có lẽ, như quan niệm phổ biến, loài người sẽ tự diệt vong bởi chính sự phát triển trí tuệ này. Nhưng chưa ai từng nghĩ rằng bằng một cách nào đó, chúng ta có thể quay trở lại với cơ chế sinh học của loài côn trùng xã hội, và chúng ta không còn có một lựa chọn nào khác. Di sản văn hóa của nhân loại, dù như thế nào, không được trao truyền một cách sinh học.

Hệ quả trong nền chính trị hiện đại là không hề có cơ sở cho luận điểm, rằng chúng ta có thể giao phó những thành tựu văn hóa và tinh thần cho bất cứ một mầm mống sinh học mang tính di truyền nào. Ở nền văn minh phương Tây, quyền lãnh đạo đã được lần lượt trao truyền qua nhiều thời đoạn khác nhau tới người nói tiếng Semitic, rồi người Hamitic, cho tới phân nhóm Địa Trung Hải của chủng tộc da trắng, và tới người Nordic. Không hoài nghi gì về sự tiếp nối văn hóa của nền văn minh, bất chấp người lưu giữ văn hóa lúc đó là ai. Chúng ta phải chấp nhận tất cả những hàm ý của di sản nhân loại, một trong những hàm ý quan trọng nhất trong đó chính là một phạm vi nhỏ các hành vi được trao truyền sinh học, và vai trò khổng lồ của quá trình văn hóa trong sự trao truyền truyền thống.

Câu trả lời thứ hai của nhân học dành cho luận điểm của những người theo khuynh hướng chủng tộc thuần khiết về bản chất của sự di truyền. Người theo khuynh hướng trên là nạn nhân của thần thoại. Cái gì gọi là ‘di truyền chủng tộc’? Chúng ta chỉ hiểu cơ bản di truyền là từ cha tới con. Trong một phả hệ thì tầm quan trọng của di truyền rất lớn lao. Nhưng di truyền chỉ là một vấn đề của những phả hệ. Vượt qua nó là thần thoại. Trong những cộng đồng nhỏ và bất biến như một ngôi làng Eskimo hẻo lánh, sự di truyền ‘chủng tộc’ và sự di truyền giữa con cái và cha mẹ trên thực tế là tương tự nhau, và nhờ vậy di truyền chủng tộc có ý nghĩa. Nhưng nếu coi nó là một phạm trù áp đặt cho những nhóm phân bổ trên một diện tích rộng lớn, giả dụ, người Nordic, thì nó không hề có cơ sở trong thực tế. Thứ nhất, mọi quốc gia Nordic đều tồn tại những phả hệ xuất hiện ở những cộng đồng ở dãy Alps và Địa Trung Hải. Bất kỳ một phân tích nhân dạng sinh thể của dân cư châu Âu nào đều thể hiện sự trùng lặp: người Thụy Điển mắt và tóc màu tối đại diện cho phả hệ tập trung nhiều hơn ở phía Nam, nhưng anh ta cần được nhận diện trong mối quan hệ với những nhóm cộng đồng thứ hai. Di truyền của anh ta, dựa trên những thực tế về sinh thể, là vấn đề của phả hệ anh ta, vốn không chỉ giới hạn ở Thụy Điển. Chúng ta không thể biết những kiểu dạng hình thể có thể đa dạng tới mức nào chưa kể đến trộn lẫn. Chúng ta biết rằng đồng huyết sẽ mang lại một kiểu dạng địa phương. Nhưng đó là một trường hợp hiếm khi tồn tại trong nền văn minh da trắng trên thế giới hiện tại, và khi ‘di truyền chủng tộc’ được dẫn ra, như mọi khi, để tập hợp một nhóm các cá nhân tương đồng về địa vị kinh tế, cùng tốt nghiệp từ một trường, và cùng đọc một tờ báo tuần, một loại mà đơn thuần chỉ là một biến thể của những nhóm gần gũi và nhóm đối chứng, và không hề đề cập đến tính đồng nhất sinh học thực tế của nhóm đó.

Thứ thực sự kết nối con người lại với nhau chính là văn hóa của họ - những tư tưởng và chuẩn mực mà họ có chung. Nếu thay vì lựa chọn một biểu tượng như sự di truyền huyết thống tương đồng và đặt khẩu hiệu về nó, quốc gia đã không hướng sự chú ý của mình tới nền văn hóa đã đoàn kết những con người trong nó lại, nhấn mạnh những giá trị chính và nhận diện những giá trị khác biệt có thể hình thành nên một văn hóa khác, thay vào đó thay thế suy nghĩ duy thực cho một loại biểu tượng mà vốn dĩ rất nguy hiểm bởi vì nó gây hiểu lầm.

Hiểu biết về những dạng thức văn hóa là cần thiết trong tư duy xã hội, và trong chương này chú trọng đến vấn đề này của văn hóa. Như chúng ta vừa thấy, hình thể, hay chủng tộc, được tách rời khỏi văn hóa, và được bỏ sang một bên ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt chúng trở nên có ý nghĩa. Yêu cầu quan trọng nhất trong một cuộc bàn luận về văn hóa là nó nên dựa trên một sự lựa chọn đa dạng các dạng thức văn hóa có thể. Nhờ vào những thực tế như vậy mà chúng ta có thể phân biệt giữa những điều chỉnh thích ứng của con người được văn hóa điều kiện hóa, và những điều chỉnh thông thường, như chúng ta đã thấy, không thể tránh khỏi ở nhân loại. Chúng ta không thể khám phá chỉ bởi nội quan hay quan sát bất kỳ một xã hội nào mà hành vi mang tính ‘bản năng,’ tức là, được cơ thể quyết định. Nhằm mục đích phân loại bất kỳ hành vi nào là bản năng sẽ tốn nhiều công sức hơn rất nhiều so với chứng minh nó là vô thức. Phản ứng có điều kiện là vô thức giống như được cơ thể quyết định, và những phản ứng được văn hóa điều kiện hóa chiếm một số lượng lớn hơn nhiều trong kho tàng những hành vi vô thức của chúng ta.

Bởi vậy nguồn tài liệu soi sáng nhất dành cho một cuộc thảo luận về hình thái và tiến trình văn hóa chính là xã hội trong lịch sử mà càng ít liên hệ tới xã hội chúng ta và với những xã hội khác càng tốt. Với mạng lưới rộng lớn những tiếp xúc lịch sử đã trải dài khắp các nền văn minh vĩ đại trên một khu vực khổng lồ, những văn hóa nguyên thủy giờ trở thành một nguồn mà chúng ta có thể hướng tới. Chúng là một phòng thí nghiệm mà trong đó chúng ta có thể nghiên cứu sự đa dạng của những thiết chế con người. Với sự cô lập tương đối, rất nhiều khu vực nguyên thủy đã trải qua nhiều thế kỷ để phát sinh những chủ đề văn hóa mà họ biến thành của mình. Chúng dễ dàng cung cấp cho chúng ta những thông tin cần thiết về những biến thể lớn khả thi trong sự điều chỉnh thích ứng của con người, và một sự xem xét phản biện chúng là quan trọng đối với bất kỳ sự hiểu biết nào về những quá trình văn hóa. Đó là phòng thí nghiệm duy nhất về những dạng thức xã hội mà chúng ta đang có hoặc sẽ có.

Phòng thí nghiệm này có một lợi thế khác. Những vấn đề bắt đầu đơn giản hơn ở những nền văn minh phương Tây. Với những sáng chế giúp thuận tiện hơn cho việc đi lại, dây cáp và điện thoại quốc tế, cũng như tín hiệu radio, giúp đảm bảo sự thường trực và phân phối ấn phẩm rộng khắp, sự hình thành của những nhóm chuyên môn cạnh tranh, các hội nhóm và tầng lớp cũng như sự tiêu chuẩn hóa của họ trên khắp thế giới, văn minh hiện đại đã phát triển quá phức tạp để có thể phân tích đầy đủ, ngoại trừ khi nó được chia nhỏ theo chủ kiến thành những bộ phận nhỏ, nhân tạo. Và những phân tích bộ phận này không đầy đủ bởi vì rất nhiều những tác nhân bên ngoài không thể kiểm soát. Một điều tra về bất cứ một nhóm nào sẽ bao gồm nhiều cá nhân đến từ những nhóm không đồng nhất, với những tiêu chuẩn, mục tiêu xã hội, quan hệ gia đình, và đạo đức khác nhau. Mối tương quan của những nhóm này quá phức tạp để có thể đánh giá trong chi tiết cụ thể. Trong xã hội nguyên thủy, truyền thống văn hóa là vừa đủ để nằm trong phạm vi tri thức của cá nhân trưởng thành, và những ứng xử và đạo đức của nhóm được hun đúc thành một mô thức chung được xác định rõ ràng. Là khả thi để ước lượng được mối tương quan giữa những đặc điểm trong môi trường đơn giản này theo cách mà vốn dĩ bất khả thi giữa những tư tưởng đối lập trong nền văn minh phức tạp của chúng ta ngày nay.

Những lý do nhấn mạnh những dữ kiện về văn hóa nguyên thủy trên không liên quan gì tới việc sử dụng nguồn tài liệu này. Việc sử dụng phải liên quan tới một sự tái cấu trúc của những nguồn gốc. Các nhà nhân học thuở ban đầu tìm cách để sắp đặt mọi đặc điểm của những văn hóa khác nhau theo một chuỗi tiến hóa từ dạng thức xuất hiện sớm nhất cho tới sự phát triển hoàn thiện của chúng trong văn minh phương Tây. Nhưng không có lý do gì để giả định rằng bằng việc bàn luận tôn giáo của người Úc thay vì của chúng ta, nghĩa là chúng ta đang phát lộ một tôn giáo nguyên thủy, hoặc bằng việc bàn luận về tổ chức xã hội người Iroquious mà chúng ta đang quay trở về những thói quen giao phối của tổ tiên loài người.

Bởi vì chúng ta đang buộc phải tin rằng chủng tộc người là một loài, nó dẫn đến con người ở khắp nơi đều có một lịch sử lâu dài phía sau họ. Một số bộ tộc nguyên thủy có thể đã duy trì tương đối gần gũi với những dạng thức nguyên thủy của hành vi hơn con người văn minh, nhưng điều này chỉ là tương đối và những phỏng đoán của chúng ta có thể sai hoặc đúng. Không hề có sự bào chữa cho việc nhận diện một phong tục nguyên thủy đương đại nào đó với một kiểu hành vi con người nguyên bản. Bằng phương pháp luận chỉ có duy nhất một phương thức, mà nhờ đó chúng ta có thể có một hiểu biết gần đúng về những khởi nguyên đó. Đó là nhờ việc nghiên cứu sự phân bố của một vài đặc điểm mà phổ quát hoặc gần như-phổ quát trong xã hội loài người. Có một vài ví dụ phổ biến. Như mọi người tin vào hồn linh luận, và sự cưỡng chế ngoại hôn trong hôn nhân. Những quan niệm, đa dạng như chúng thể hiện ra, về linh hồn con người, hay thế giới bên kia, đặt ra nhiều câu hỏi hơn. Những niềm tin gần như phổ quát như vậy chúng ta có thể coi là vượt quá những phát minh cũ của con người một cách có cơ sở. Điều này không đồng nghĩa với việc coi chúng được quyết định bởi sinh học, bởi vì chúng có thể là những phát minh từ rất sớm của loài người, những đặc điểm ‘khởi sinh’ vốn đã trở thành cơ sở cho mọi tư duy con người. Trong một phân tích chúng có thể được xã hội điều kiện hóa như bất cứ phong tục địa phương nào. Nhưng đã từ rất lâu chúng trở thành vô thức trong hành vi con người. Chúng đã có từ rất lâu, và chúng là phổ quát. Tuy vậy, tất cả điều này, không khiến cho những dạng thức mà có thể quan sát được ngày nay là những dạng thức nguyên bản phát sinh trong thời đoạn nguyên thủy. Cũng như không có cách nào để tái cấu trúc những nguồn gốc này từ việc nghiên cứu các biến thể của chúng. Ai đó có thể cô lập hạt nhân phổ quát của niềm tin và phân biệt từ chúng những dạng thức địa phương, nhưng vẫn có khả năng rằng đặc điểm xuất phát từ một dạng thức địa phương rõ ràng và không ở trong nguyên bản hay ít nhất là những mẫu số chung của mọi đặc điểm quan sát được.

Bởi vì lý do này việc sử dụng những phong tục nguyên thủy để thiết lập nguồn gốc mang tính chất tư biện. Có khả năng xây dựng một luận điểm cho bất cứ nguồn gốc nào mong muốn, những nguồn gốc mà loại trừ nhau cũng như những nguồn gốc bổ sung cho nhau. Trong mọi hoạt động sử dụng tài liệu nhân học, đây là một lĩnh vực mà tư biện đã tiếp nối tư biện một cách nhanh chóng nhất, nơi mà trong bản chất trường hợp nghiên cứu không thể đưa ra một luận chứng nào cả.

Lý do cho việc sử dụng các xã hội nguyên thủy nhằm bàn luận về các dạng thức xã hội không hề có mối liên hệ bắt buộc với sự trở về với nguyên thủy. Có rất nhiều cách mà trong đó văn hóa của người này hoặc người kia hấp dẫn mạnh mẽ chúng ta trong một thời kỳ của những chuẩn mực không đồng nhất và sự ồn ào rối trí của máy móc. Nhưng nó không phải là sự trở về với những quan niệm được giữ gìn cho chúng ta bởi những người nguyên thủy rằng xã hội chúng ta sẽ tự chữa lành những tệ nạn. Chủ nghĩa không tưởng hướng tới xu hướng nguyên thủy đơn giản hơn, cho dù đôi khi nó rất thu hút, và thường trong nghiên cứu dân tộc học, một sự cản trở lại là sự giúp đỡ.

Việc nghiên cứu tỉ mỉ những xã hội nguyên thủy ngày nay rất quan trọng, như đã nói, bởi vì chúng cung cấp trường hợp nghiên cứu cho việc nghiên cứu những dạng thức và quá trình văn hóa. Chúng giúp ta phân biệt giữa những phản ứng đặc trưng đối với một vài dạng văn hóa địa phương với những phản ứng phổ biến đối với nhân loại. Hơn thế nữa, chúng giúp ta phán đoán và thấu hiểu vai trò cực kỳ quan trọng của những hành vi được văn hóa điều kiện hóa. Văn hóa, với những quá trình và chức năng của nó, là một đối tượng mà chúng ta cần mọi sự khai sáng mà ta có thể đạt được, và không hề có một phương hướng nào mà chúng ta có thể đạt được những phần thưởng lớn hơn là thông qua các dữ kiện của những xã hội tiền văn tự.

Nguồn: Chương 1: Khoa học về Phong tục, trong sách Các mô thức văn hóa (tên gốc: Patterns of Culture, 1934), Ruth Benedict - Phạm Minh Quân dịch, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2018, tr 21-40.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét