Gia đình đã
thành vấn đề như thế nào?
Nguyễn Đức Mậu
Ở Việt Nam, những năm 10 và
20 của thế kỷ này mới xuất hiện rõ nét xu thế gia nhập vào thế giới hiện đại,
đánh dấu bằng việc phát triển giao thông, mở rộng đô thị, sự tăng trưởng các lớp
thị dân, mà có ý thức nhất là các thanh niên Tây học, nhìn ra một trở ngại là
gia đình truyền thống với những nề nếp, những tục lệ, những mối quan hệ của nó
trong họ, ngoài làng. Họ đã mở một cuộc tấn công vào đó. Hành động của thị dân
và thanh niên Tây học lúc đó đã báo động xã hội cũ, gây thành một cuộc tranh
cãi xung quanh vấn đề gia đình. Báo chí và văn học đầu thế kỷ cũng đã phản ảnh
tình hình xung đột đó trong xã hội. Chúng tôi tìm hiểu thực tế đó trong báo chí
và văn học từ năm 1915 đến năm 1930, ở giai đoạn đầu của cục diện xung đột, lúc
vấn đề mới được nêu ra[1].
Đông Dương tạp chí, ra đời năm 1913,
nói đến các vấn đề gia huấn, nữ huấn, nữ tắc, còn hình dung gia đình thuần túy
theo quan niệm Nho giáo.
Trước đó các báo Gia định báo, Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân
văn, Đăng cổ tùng báo…phần lớn có
tính công báo, và hiện nay cũng không có đủ trong các thư viện ở Hà Nội. Chúng
tôi bắt đầu sự theo dõi từ báo Nam phong,
ra đời năm 1917, ngay từ số 2 đã nêu ra vấn đề gia đình, và dừng lại trước năm
1930, lúc Phan Khôi, nhà báo hăng hái nhất trong vấn đề này, đã viết trên Phụ nữ Tân văn những lời có ý nghĩa tổng
kết, và trong văn học Tự lực văn đoàn
đã đưa vấn đề gia đình thành vấn đề xã hội rộng rãi. Gia đình liên quan với các
thiết chế xã hội khác, với quan niệm vị trí con người trong xã hội với cách
quan niệm tổ chức xã hội nói chung. Trong thời điểm đổi thay, nó được phát hiện
từng điểm, từng cạnh khía chứ không phải toàn bộ. Chúng tôi cũng quan tâm đến quá
trình phát hiện, đặt vấn đề như vậy hơn là kiến giải, phản động hay tiến bộ của
người này hay người khác.
Nam
Phong là một tạp
chí học thuật. Chủ bút của nó là Phạm Quỳnh, viết trên đó nhiều bài về vấn đề
gia đình. Phạm Quỳnh lúc bấy giờ được coi là người học giả uyên bác, thông hiểu
cả hai nền văn hóa Đông Tây. Ông cũng có tham vọng gây dựng cuộc hôn phối giữa hai nền văn hóa Pháp – Việt đó.
Ảnh hưởng lối sống Âu hóa trong các đô
thị sau Đại chiến I chắc đã khá phổ biến. Phạm Quỳnh đã phải kêu lên: “Ngày nay gia đình ở ta thật không có kỷ
cương gì cả, đến nhà danh gia thế phiệt cách cư sử cũng thấy phóng túng hơn xưa”
(Nam phong số 21), “Lòng người khao khát tự do, hình như muốn
phá đổ cả những chế độ cổ thời trước” (Nam
phong số 2), “Nhiều người không lấy
chốn gia đình làm trọng nữa, không những thế, lại coi gia đình là một sự bó buộc
mình, chỉ muốn thoát ly cho khỏi. Làm con thì lấy cái quyền cha mẹ làm nặng, lấy
lời khuyên bảo làm phiền, không kể còn có kẻ vô loại đến ăn ở bất nhân, bất hiếu
với đấng sinh thành ra mình, đãi cha mẹ tệ hơn kẻ ăn người ở. Hạng ấy không phải
là không nhiều.” (Nam phong số
21). Gây ra “cái vạ” “luân thường đảo điên”, “gia đình tan nát” thì trách nhiệm thuộc
về cả đàn ông và đàn bà. Nhưng thủ phạm, thì theo cách nói của Nam Phong, là những người “con gái đời nay”, những người đòi nữ quyền,
đòi tự do, nhất là đòi tự do kết hôn, bất chấp quyền cha mẹ, quyền gia đình,
không chủ trì cái gia đạo, coi sóc trong việc nhà, mà thành “một vật trang hoàng để phô bày nơi đàn điếm”
(Nam phong số 21). Và trong gia đình
“Hiếu chẳng phải là nghĩa vụ rất tôn, rất
nghiêm, rất cao thượng, rất thuần túy dư?” (Nam phong số 4). Cái mà Phạm Quỳnh đưa ra để tránh cái vạ lớn gia
đình tan rã là bảo vệ đạo hiếu, là đàn bà chủ trì gia đạo, tức là không ra khỏi
buồng the để hoạt động ngoài xã hội. Trong bài “Nghĩa vụ là gì” (Nam phong
số 4) Thượng Chi (P.Q) viết: “Thậm chí
người đàn bà cũng bỏ chốn khuê phòng mà ra nơi công chúng yêu sách những quyền
bảo cử, quyền chính trị, thì xã hội có trật tự nào nữa, gia tộc còn có thể vững
bền sao được”. Trên Nam Phong dịch
đăng cả những sách Tây, sách Tàu để biện hộ cho chủ trương đó của ông Chủ bút.
Vậy thì làm gì có cuộc hôn phối giữa hai nền văn minh? Có nhưng hơi bất bình
thường. Một bên (cô dâu hay chủ rể?) phải cải tích, phải tùy tục theo bên kia.
Phạm Quỳnh cũng nói: “Tự do, bình đẳng là
những chữ hay” (Nam phong số 3) vẫn
tán thành “cái tư tưởng mới của thế giới
văn minh ngày nay, chủ trương của thuyết
đàn ông, đàn bà bình đẳng giục giã ta phải lưu tâm vào sự giáo dục đàn bà con
gái, khiến cho người đàn bà ở đời cũng được cái địa vị, cái nhân cách tương
đương với đàn ông” (Nam phong số
3). Giáo dục phụ nữ nhằm làm cho họ “giữ
phẩm hạnh, đủ tư cách và tự thủ, tự chủ”, các đẳng cấp có mục tiêu khác
nhau. Giáo dục “con gái thượng lưu không
vụ về lợi trước mắt mà vụ về nhân cách, con gái trung lưu thì chủ sự thực lợi,
thực học, thực nghiệp, nữ công buôn bán và dạy thêm tiếng Pháp. Con gái thượng
lưu thì trọng phần quốc văn, văn nghệ và phải học chữ Hán”. Không thấy nói
đến giáo dục con gái hạ lưu. Trong bài “Địa
vị người đàn bà trong xã hội nước ta” (Nam
phong số 82) Phạm Quỳnh cũng chê “phép
dậy đàn bà con gái gồm trong mấy thiên Nữ huấn, Nữ giới, Nữ tác, nghĩa lý lẩn
thẩn như truyện trẻ con, phiền toái, tỷ mỷ vụn vặt lôi thôi”, coi “mấy tập văn chương bã mía” đó “thật không khác gì thể lệ của sở cảnh sát, từ
đầu chí cuối chỉ suốt những điều nghiêm cấm cả, như giam người đàn bà vào trong
một cái lưới luật lệ, không còn để cho một chút tự do nào nữa”.
Phạm Quỳnh cũng nghĩ đến chuyện
phụ nữ tham gia vào sự đổi mới xã hội, tức là Âu hóa, nhưng là từ trong gia
đình, “Lấy gia đình mình làm gương”
và hoạt động “hội từ thiện, cứu tế, bảo ảnh,
sở hộ sinh, bệnh viện”,… và “lập các sa lông tiếp các danh sĩ đàm đạo việc
đời, việc nước”, mong từ đó “ảnh hưởng
đến cuộc tiến hóa của dân tộc Việt
Nam”.
Cái chủ trương lấy gia đình
làm cái “cửa bể” tránh phong ba, tức là duy trì trật tự xã hội, tránh khỏi sự đảo
lộn do lòng khát khao tự do bình đẳng của nữ giới gây ra và thuyết phục họ: “Gia đình là cái thế giới của bọn đàn bà
mình, là cái vũ trụ của chị em gái mình; trong thế giới đó mình là bậc chủ
nhân, trong vũ trụ đó mình là tay tạo hóa” mà Phạm Quỳnh đưa ra, chắc đã là
xa với thực tế lúc đó nhưng trên báo chí nó cũng chưa phải là tiếng nói xa lạ,
lẻ loi. Trên báo Hữu Thanh số 16, 17,
19, 21 năm 1922, Nguyễn Mạnh Bổng viết về “Vấn
đề chức nghiệp đàn bà con gái”. Đạm Phương nữ sĩ viết “Bổn phận con gái”, Trương Quý Bình viết “Việc giáo dục về nữ giới”,… tuy đều thừa nhận “để cho đàn bà con gái được tự do ra khỏi vòng áp chế”, đều tán
thành sửa đổi những chỗ quá khe khắt của gia đình, nhưng là với tinh thần: “không gì quý bằng sẵn có nề nếp cũ, lại thêm
tư tưởng mới, mỹ thuật mới, kỹ nghệ mới, ta nên điều hòa châm chước với nhau,
điều hay nên thuộc, lẽ dở nên chừa”. Nói chung thì họ đều nghĩ: “Chức vụ người đàn bà ở chốn gia đình là việc
kinh tế và nữ công. Nếu chốn gia đình không có cái vẻ êm đềm, hòa lạc, trật tự
hạnh phúc là lỗi ở người đàn bà”.
Ở một nước thuộc địa, phụ nữ
đòi giải phóng, đòi tự do bình quyền phải có một tiền đề là nước nhà giành được
độc lập. Vấn đề đó không ai viết lên được trên báo chí. Vả lại ở nước ta lúc
đó, cũng phải sau 1925, trong phong trào đòi thả Phan Bội Châu, để tang Phan
Chu Trinh, tư tưởng yêu nước mới có dịp công khai bộc lộ. Nhưng khi phong trào
giải phóng dân tộc nổi lên thì những vấn đề gia đình hầu như lại là nói không
phải lúc, không phải chỗ. Những nhà chí sĩ như Ngô Đức Kế, Chủ bút báo Hữu Thanh từ năm 1924 hay Huỳnh Thúc
Kháng, Chủ bút báo Tiếng dân nhìn vấn
đề này không có nhiều thiện cảm. Ngô Đức Kế đối lập với Phạm Quỳnh về chính trị
phê phán việc Phạm Quỳnh đề cao Truyện Kiều, đồng thời cũng cảnh cáo thanh niên
đừng vì chuyện yêu đương mà “lãng quên ý
nguyện cao xa”. Trong Tiếng Dân số
80 năm 1928 Như Ý viết: “trong trường
ngôn luận nước ta, bấy lâu nay đã thấy cái vấn đề phụ nữ: phơi bày ra đủ các
phương diện, nào là “nữ quyền”, “phụ nữ tạp chí” “nữ quốc dân giáo dục”. Nếu người ngoại quốc mới đến nước ta, mà chỉ
đọc những bài cổ động, hô hào của phụ nữ, thì có lẽ họ cho chị em mình đã bước
gần kịp chị em bên Âu Mỹ rồi vậy… Khốn thay, chỉ có tiếng chứ đã được miếng gì
đâu”… Các chí sĩ yêu nước, lớp cụ Huỳnh chưa thấy sự cần thiết gắn cách mạng
dân tộc với cách mạng xã hội. Và chăng, quan điểm các cụ về vấn đề gia đình lại
không phải là cấp tiến. Trên Tiếng dân
nhắc mọi người lưu ý tới giáo dục gia đình, chú trọng đến gia giáo. Phụ nữ vận
động đòi quyền tuyển cử, tham chính thì Tiếng
dân cũng nhắc khéo “Nỗi bất bình đẳng
và thống khổ mà còn đó thì quyền tuyển cử có giá trị gì không?” (Tiếng dân, số 31-1929).
Viết nhiều về các vấn đề gia đình là báo Phụ nữ tân văn của Phan Khôi. Phan Khôi là một nhà báo lão luyện của
đất “Quảng Nam hay cãi”. Năm 1937,
trên báo Đông dương tạp chí số 31 năm
1937 ông đã viết: “Nghĩ rằng một xã hội
muốn đổi mới mà còn dung dưỡng những tư tưởng cũ là không thể được, toan tảo trừ
nó, tôi dấn thân làm một tên lính tiên phong. Bắt đầu tôi chỉ trích Khổng giáo
trong báo Thần chung. Rồi trên Phụ nữ Tân văn,
Trung lập, tôi thống cáo cái thuyết tam cang đả phá cái chế độ đại gia đình.
Riêng về phụ nữ, tôi vì họ xóa cái luật nam tôn nữ tỳ, giảng lại cái nghĩa chữ
“trinh”, bênh vực sự cải giá là vô tội”. Trong Phụ nữ Tân văn,
Phan Khôi khôn khéo làm hai cuộc trưng cầu ý kiến về vấn đề gia đình và vấn đề
tam tòng. Tham gia vào việc trao đổi ý kiến đó là hầu hết các cây bút có tên tuổi,
thuộc về những xu hướng rất khác nhau. có những người đòi đổi mới dứt khoát như
Diệp Văn Kỳ: “Đối với vấn đề phụ nữ chỉ
còn chuyện giải phóng. Giải phóng ở phong tục, giải phóng ở gia đình, giải
phóng ở xã hội”. Nhưng cũng có người lại dè dặt, ôn hòa: “Tôi rất bất bình về chế độ trọng nam khinh nữ,
nhưng rôi không muốn cho ai cao xướng câu nam nữ bình quyền. Phàm trong một nước,
nếu có nhiều người tranh quyền thì nước phải nguy; trong nhà cũng vậy, vợ chồng
tranh quyền thì nhà phải nát” (Lê Thị Huỳnh Lan). Đại diện cho các xu hướng
chính trị cũng đã có những ý kiến khác nhau. Phạm Quỳnh chủ trương như trên đã
nói. Nguyễn Văn Vĩnh chủ trương đàn bà bình đẳng là sai lầm vì “Trong thật sự, ở đời chẳng hề có bình đẳng
bao giờ, có chăng cũng là ở trong lý thuyết”. Phụ nữ ít học tưởng đàn ông
làm sự gì thì đàn bà cũng làm được sự ấy, đến chỗ “đoạt cả quyền gia trưởng, thiệt là khó chịu lắm”. Ngược lại, Phan
Văn Hùm thì lại quá khích, chủ trương thủ tiêu gia đình: “Tôi quả quyết rằng xã hội không cần có gia đình, gia đình là cái biểu
chứng ngăn sự tiến bộ của xã hội … Có gia đình tất phải có tư hữu, có tư hữu
thì phải có cạnh tranh, có cạnh tranh thì phải có đàn áp bóc lột … Ai cũng
tranh đua lo cho gia đình mình đặng thê vinh tử ấm, còn để ý chi đến kẻ chiếu đất
màn trời; mạnh được yếu thua, có gì là nhân đạo?”. Cụ Phan Bội Châu cũng
lên tiếng. Cụ nói: “Cái họa áp chế gia
đình không bằng cái họa bùa mê ở giáo dục”, Cụ chê trách những người con
gái học ở các trường Pháp - Việt “Mua được
một lá bằng tốt nghiệp thời xem cha mẹ chú bác không đáng một xu, xem đất nước
quê hương không bằng một sợi tóc”. Ở một bài khác Cụ cũng lên tiếng chống
thuyết tam tòng, đặc biệt ở chỗ theo con và theo chồng. Nhà thơ Tản Đà cũng lên
tiếng về tình thế biến thiên trong sự hôn giá, tỏ ý không đồng tình với chủ
trương tự do kết hôn. Nhà thơ viết “Bố mẹ
không thuận gả, có lẽ tự mình cứ muốn lấy hay sao?”. Huy động được sự tham
gia của nhiều người như vậy, Phụ nữ Tân
văn đã làm cho vấn đề gia đình nổi lên và cũng đưa ra được nhiều vấn đề hoặc
quan trọng, hoặc cụ thể làm cho việc bàn cãi không còn trừu tượng xa xôi như
trước nhữa. Lê Thị Huỳnh Lan yêu cầu ban hành luật một vợ một chồng, Luật sư Trịnh
Đình Thảo phê phán sự bất công trong quyền làm chủ sàn nghiệp giữa vợ và chồng:
“Trong nhiều gia đình ta, người vợ lo lắng,
buôn bán, làm ăn cực khổ, còn anh chồng lêu lổng chơi bời. Vậy mà bao nhiêu sản
nghiệp của người vợ làm ra trong khi hai vợ chồng ăn ở với nhau thì anh chồng
làm chủ, chứ vợ không có quyền chi cả”. Có những bài nói về quan hệ bà gia
nàng dâu, về việc tiếp xúc bạn bè giữa nam và nữ, đòi phụ nữ được thu nhận vào
công sở, nữ sinh được đi nghỉ mát như nam học sinh. Phan Khôi đã phê phán quan
niệm gia đình của Tống nho. Một tác giả ký là A.C viết bài “Sự khủng hoảng của một gia đình hay là cái
tâm lý cũ, cái hoàn cảnh mới” (Phụ nữ tân văn(3) số 83) phân tích cái tâm
lý nuôi con để nhờ cậy lúc tuổi già, bắt con quanh quẩn sống trong làng, coi trọng
con trai hơn con gái, … của người làm cha mẹ và đề nghị thay đổi gia đình và
giáo dục gia đình cho thích hợp với thời đại mới.
Năm 1931, Phan Khôi nói: “Gia đình ở sứ ta, nay cũng thành ra vấn đề rồi”
và năm 1932, tổng kết cuộc trưng cầu ý kiến Phụ
nữ Tân văn đã có thể nói: “Tình thế
phụ nữ ở trong nước ngày nay quyết không phải như hồi trước, lấy khuê môn làm cửa
ngục cho đàn bà mà gánh vác non sông không phải là phần việc của con gái”.
Trong báo chí sự thật quả đã là như vậy.
Còn trong văn học, năm 1925 có một sự kiện lớn: Hoàng Ngọc Phách công bố tiểu
thuyết Tố Tâm làm náo động dư luận xã
hội một thời. Tố Tâm nói về một mối
tình say đắm nhưng vô vọng, về một người con gái hết lòng phụng sự ái tình và hết
vì ái tình. Trong xã hội thanh niên mê say đọc Tố Tâm, có nhiều người thất vọng trong trường tình đã tự tử. Dư luận
sôi nổi xung quanh cuốn tiểu thuyết, một phía cực lực tán dương, một phía cực lực
lên án. Thực ra Hoàng Ngọc Phách cũng chỉ mới ca tụng một tình yêu đẹp, chứ
chưa phát hiện được gì về gia đình. Nhưng những người nhiệt tâm bảo vệ gia đình
thì cấm con tìm đọc Tố Tâm, coi nó là
nguy hại cho phong hóa. Về sau tác giả đã nói rõ là mình không hề có chống gia
đình, và điều đó quả có thực trong tác phẩm (Tố Tâm hy sinh tình yêu, nghe mẹ
mà lấy chồng, Đạm Thủy quên tình yêu, theo lời anh mà theo đuổi sự nghiệp nam
nhi).
Vào những năm cuối thập kỷ hai mươi, đúng
như lời Tổng luận về trưng cầu ý kiến
của Phụ nữ Tân văn: “Từ cấp tiến như ông Phan Văn Trường cho tới
ôn hòa như ông Phạm Quỳnh, chẳng mấy ai khuyên bỏ gia đình, như nhiều thợ thuyền
Âu Mỹ cả” (Phụ nữ tâ văn số năm
1929). Nói cho đúng thì lúc đó dư luận xã hội đã rất sôi nổi về một vấn đề
khác, rộng hơn gia đình. Đó là vấn đề nữ quyền, và xu hướng chung đã là không
thể chấp nhận về sự đổi thay về vị trí quyền lợi của nữ giới. Nhưng gia đình với
những vấn đề của nó thì chỉ đang được bàn ở những cạnh khía dính líu với vấn đề
nữ quyền mà thôi. Những anh An bất an, những anh Hạnh bất hạnh, những nhân vật
của Gia đình,Thừa tự) trong mối quan hệ với gia đình, họ hàng trước nhiều chuyện
tuế toái và trong cảnh tù túng nơi bùn lầy nước đọng là nông thôn, chưa nói được
tiếng nói của mình. Tự do, hạnh phúc, cá nhân tuy đã được lớp thanh niên Tây học
ý thức, nhưng vẫn chưa thành một sức mạnh thôi thúc để đặt vấn đề gia đình, và
gia đình trong làng - họ ra trước dư luận. Vấn đề gia đình cũng chỉ mới được cảm
nhận như một trở ngại cho tự do cá nhân mà chưa được nhìn ở nhiều mặt chính trị,
kinh tế, văn hóa trong thể chế chung về xã hội.
Đó
là những năm đầu của thập kỷ ba mươi, lúc các tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn chưa chào đời.
Tạp chí Xã hội học, số 3(31), năm 1990
[1] Bài viết của chúng tôi đã
được Gs Trần Đình Hượu xem lại và sửa chữa. Xin tỏ lời trân trọng cảm ơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét