KHẢO CỔ TRI THỨC: GIỮA CẤU TRÚC DIỄN NGÔN VÀ SỰ NGẮT QUÃNG LỊCH SỬ
MICHEL FOUCAULT
Từ vài chục năm nay, các nhà sử học quan tâm nhiều hơn đến các giai đoạn dài, như thể đằng sau những biến cố chính trị và các giai đoạn liên quan, họ cố gắng làm sáng tỏ sự cân bằng không thể phá vỡ, những tiến trình không thể vãn hồi, những sự điều tiết liên tục, những hiện tượng mang tính xu thế cứ lên đỉnh điểm rồi đảo trở lại sau những sự tiếp nối qua nhiều thế kỷ, những lần tích tụ rồi từ từ bảo hoà, những bệ đá bất di bất dịch và lạnh lùng mà sự đan xen của nhiều câu chuyện truyền thống đã phủ lên bề dày của các sự kiện. Để phân tích được như thế, các nhà sử học có những công cụ mà một phần họ đã chế tác, một phần họ tiếp nhận được: mô hình tăng trưởng kinh tế, phân tích định lượng hoạt động trao đổi, diện mạo phát triển và diện mạo của tình trạng dân số sụt giảm, nghiên cứu khí hậu và sự thay đổi khí hậu, định vị các hằng số xã hội học, miêu tả sự điều chỉnh kỹ thuật, sự phổ biến kỹ thuật và sự tồn lưu của kỹ thuật.Các công cụ này đã giúp họ phân biệt được, trên bình diện lịch sử, các lớp trầm tích khác nhau; sự tiếp nối theo tuyến tính vốn là đối tượng nghiên cứu đã bị thay thế bởi trò chơi tháo móc theo chiều sâu. Từ biến động chính trị đến sự ì trệ đặc trưng “nền văn minh vật chất”, các cấp độ phân tích đã tăng lên: mỗi cấp độ có những ngắt quãng riêng, mỗi cấp độ có một sự phân cắt đặc thù; và khi người ta càng đào sâu thì những điểm nhấn càng lớn hơn. Đằng sau lịch sử đầy biến động của các chính thể, của các cuộc chiến tranh và của các nạn đói, những lịch sử gần như bất di bất dịch trong mắt mọi người hiện lên - những lịch sử thoai thoải dốc: lịch sử đường biển, lịch sử lúa mì hay lịch sử các mỏ vàng, lịch sử hạn hán và lịch sử thuỷ lợi, lịch sử luân canh, lịch sử về sự cân bằng giữa cái đói và sự tăng sinh. Những câu hỏi xưa cũ thường thấy trong sự phân tích truyền thống (có mối liên hệ nào giữa các sự kiện tạp nham? Làm sao có thể thiết lập được sự tiếp nối cần thiết giữa các sự kiện đó? Tính liên tục giữa các sự kiện là gì, từ đó có toát ra một ý nghĩa chung không? Có thể xác định một tổng thể hay không hay chỉ nên giới hạn ở việc tái tạo các liên kết?) giờ được thay thế bởi những nghi vấn kiểu khác: những phân tầng nào cần tách rời ra, cần thiết lập những loại xâu xâu chuỗi nào? Trong mỗi xâu chuỗi nên có các tiêu chí phân kỳ nào? Có thể thiết lập hệ thống quan hệ nào giữa các phân tầng (thứ bậc, thống trị, tầng lớp, quyết định đơn phương, quan hệ nhân quả xoay vòng)? Nên thiết lập chuỗi các xâu chuỗi nào? Và trong bảng biểu nào, trên một niên đại rộng, chúng ta có thể xác định những sự tiếp nối riêng biệt giữa các sự kiện?
Thế mà gần như vào thời kỳ đó, trong những chuyên ngành mà người ta gọi là lịch sử tư tưởng, lịch sử khoa học, lịch sử triết học, lịch sử tư duy và cả lịch sử văn học nữa (lúc này lúc khác, tính đặc thù của những chuyên ngành này có thể không được chú ý), trong những chuyên ngành phần đa nằm ngoài phạm vi công việc và phương pháp nghiên cứu của sử gia, sự quan tâm đã chuyển từ những đơn vị lớn mà người ta thường gọi là “thời kỳ” hay “thế kỷ” sang những hiện tượng ngắt quãng. Trong mạch tiếp nối dài lâu của tư tưởng, dưới những biểu hiện dày đặc và đồng bộ của tư duy và tâm tính tập thể, trong viễn cảnh ương bướng của một nền khoa học đang cố tồn tại hoặc tự hoàn chỉnh ngay từ đầu, trong sự dai dẳng của một thể loại, một hình thức, một chuyên ngành, một tư duy lý thuyết, giờ người ta đang tìm cách dò tìm tác động của những sự ngắt quãng. Vị trí và bản chất của những sự ngắt quãng này thường rất đa dạng. Hành vi và ngưỡng khoa học luận đã được G. Bachelard miêu tả: chúng trì hoãn sự tích lũy kiến thức một cách vô định, làm hỏng quá trình trưởng thành chậm chạp của tri thức và đưa tri thức vào một thời kỳ mới, cắt đứt nguồn gốc kinh nghiệm và những động cơ ban đầu của nó, tẩy sạch những sự phức tạp tưởng tượng; chúng đòi hỏi nghiên cứu sử học phải xác định một kiểu tư duy khác và những tác động đa dạng của nó chứ không còn là việc tìm kiếm những giai đoạn đầu yên tĩnh, không còn là việc trở về với những tiền thân. Dịch chuyển và biến đổi các khái niệm: Phân tích của G. Canguilhem có thể được sử dụng như những mô hình kiểu mẫu; những phân tích này chỉ ra rằng lịch sử một khái niệm không phải nhất nhất là lịch sử quá trình một khái niệm trở nên tinh tế hơn, không phải là lịch sử của tư duy dần được khẳng định, không phải là lịch sử của quá trình mà nó được trừu tượng hoá, mà là lịch sử của các phạm vi hình thành và hiệu lực khác nhau, lịch sử của các quy tắc sử dụng tiếp nối nhau, của các môi trường lý thuyết đa dạng nơi mà quá trình xây dựng đã được tiếp tục và hoàn thành. Sự phân biệt, cũng do G. Canguilhem đưa ra, giữa những bậc thang nhỏ và những bậc thang lớn của lịch sử các nền khoa học trong đó các sự kiện và hậu quả của các sự kiện không được phân bố như nhau: thành thử một phát hiện, việc hoàn thiện một phương pháp, công trình của một học giả và cả những thất bại của ông ta nữa hoàn toàn không tác động như nhau, và không thể được miêu tả một cách như nhau ở các bình diện vi mô hay vĩ mô; không phải là cùng một lịch sử sẽ được kể lại đây đó. Sự tái phân phát đệ quy làm xuất hiện nhiều lớp quá khứ, nhiều hình thức chuyển tiếp, nhiều thứ bậc quan trọng, nhiều hệ thống quyết định, nhiều thuyết mục đích, cho một và chỉ một khoa học theo chừng mực mà hiện tại của nó biến đổi: đến mức việc miêu tả lịch sử phải được sắp xếp theo tính thời sự của tri thức, nhân rộng ra theo sự biến đổi của thời sự và không ngừng đoạn tuyệt với những sự biến đổi đó (M. Serres vừa đề xuất lý thuyết về hiện tượng này trong lĩnh vực toán học). Đơn vị kiến trúc của các hệ thống, như đã được M. Guéroult phân tích, và vì những đơn vị đó, việc miêu tả ảnh hưởng, truyền thống, dòng chảy văn hoá là không thích đáng, có chăng là việc miêu tả sự liên kết chặt chẽ nội tại, các tiền đề, mạch suy diễn, sự tương thích. Cuối cùng, hẳn những sự ngắt nhịp cơ bản nhất là những sự cắt xén được thực hiện bằng công việc chuyển đổi lý thuyết khi công việc này “xây nền móng cho một khoa học bằng cách tách nó ra khỏi hệ tư tưởng trong quá khứ và làm sáng tỏ quá khứ này như thể nó mang một tư tưởng nào đó”. Dĩ nhiên, chúng ta cần thêm vào đó phân tích văn học, phân tích văn học giờ đây về thể thống nhất không phải là biểu hiện của tâm hồn hay cảm tính của một thời kỳ, không phải là các “nhóm”, “trường phái”, “thế hệ” hay “trào lưu”, thậm chí không phải là nhân vật tác giả trong cuộc trao đổi đan xen cuộc đời và “sự nghiệp sáng tạo” của anh ta, mà là cấu trúc riêng của một tác phẩm, một quyển sách, một văn bản.
Và thế là vấn đề quan trọng liên quan đến kiểuphân tích lịch sử như vậy sắp được đặt ra -và đang được đặt ra ở đây – không còn là việc biết được qua những ngả đường nào sự tiếp diễn đã được thiết lập,bằng cách nào một và cùng một ý đồ đã được duy trì và tạo thành một tầm nhìn duy nhất, trong các đầu óctư duy khác nhau và nối tiếp nhau, phương cách hoạt động nào, phương tiện nào bao hàm trò chơi truyền chuyển, tái tục, lãng quên, lặp lại, thế nào mà nguồn gốc có thể mở rộng bờ cõi của mình vượt qua biên giới của mình cho đến lúc hoàn thành - vấn đề không còn là truyền thống hay chủng tộc mà là sự cắt xén và giới hạn; không còn là vấn đề nền tảng vĩnh tồn, mà là vấn đề biến đổi có giá trị như là quá trình đặt nền móng và việc đổi mới quá trình đặt nền móng. Thế là chúng ta thấy xuất hiện cả một cụm vấn đề được đặt ra, trong đó có một số vấn đề đã trở nên quen thuộc và qua những vấn đề này, hình thức sử học mới này cố gắng đề xuất môt lý thuyết riêng: làm thế nào để xác định đặc thù của những khái niệm khác nhau, những khái niệm cho phép tư duy về sự đứt quãng (ngưỡng, ngắt quãng, cắt xén, chuyển hoá, biến đổi)? Chúng ta có thể phân tách các đơn vị liên quan bằng những tiêu chí nào: Khoa học là gì? Tác phẩm là gì? Lý thuyết là gì? Khái niệm là gì? Văn bản là gì? Làm thế nào để đa dạng hoá các cấp độ mà chúng ta có thể tự xác định cho mình và mỗi cấp độ có những sự phân cắt và hình thức phân tích riêng: cấp độ hình thức hoá hợp lệ là gì? Cấp độ diễn giải là gì? Cấp độ phân tích cấu trúc là gì? Cấp độ phân định quan hệ nhân quả là gì?
Tóm lại, lịch sử tư tưởng, tri thức, triết học, văn học hình như đang gia tăng các sự ngắt quãng và tìm kiếm tất cả những biểu hiện nổi lên của sự đứt quãng, trong khi mà lịch sử đúng nghĩa, lịch sử trơn có vẻ như đang xoá bỏ sự đột hiện của các sự kiện để hướngtới những cấu trúc không phải là không bền vững.
Nhưng sự chồng chéo này không được tạo ra ảo tưởng. Không nên tưởng tượng qua bề ngoài rằng một số chuyên ngành sử học đã đi từ sự liên tục đến sự ngắt quãng, trong khi mà các chuyên ngành khác đi từ vô số các sự ngắt quãng đến những sự thống nhất tầm cỡ và liên tục; chớ nên tưởng tượng rằng trong nghiên cứu chính trị, thể chế, hay kinh tế, người ta ngày càng mẫn cảm với những quyết định mang tính tổng thể, mà trong việc phân tích tư tưởng và tri thức, người ta ngày càng quan tâm đến các lối chơi về sự khác biệt; chớ có tin rằng, một lần nữa, hai hình thức miêu tả này đã giao nhau mà không nhận ra nhau.
Thực ra, đó cùng là những vấn đề đã được đặt ra đây đó, nhưng trên bề mặt đã tạo ra những hiệu ứng ngược lại. Những vấn đề này có thể được thâu tóm bằng một cụm từ: bàn về vấn đề sử liệu. Không nên nhầm lẫn: rõ ràng, từ khi chuyên ngành lịch sử tồn tại đến giờ, người ta đã dùng đến sử liệu, người ta đã tra cứu sử liệu, tra vấn sử liệu; không những tìm hiểu sử liệu muốn nói gì, người ta còn tìm hiểu xem sử liệu có nói đúng sự thật hay không, nhân danh gì người ta có thể dám chắc như vậy, những sử liệu đó có trung thực không hay là dối trá, đầy đủ thông tin hay vô giá trị, thực hay biến dạng. Những mỗi câu hỏi này và sự lo lắng mang tính phê phán này hướng về cùng một cứu cánh: tái tạo quá khứ từ các sử liệu – và đôi khi nửa vời – sử liệu vốn xuất phát từ quá khứ và giờ quá khứ đã bị vùi lấp trong các sử liệu; sử liệu vốn được xem như ngôn ngữ phát ra từ một giọng nói giờ đây đã quy giảm thành sự im lặng, - dấu ấn mong manh nhưng may mắn là có thể giải mã của nó. Thế nhưng, qua một sự chuyển hoá không phải hôm nay mới có nhưng hẳn vẫn chưa kết thúc, lịch sử đã chuyển chỗ so với sử liệu: nhiệm vụ đầu tiên của lịch sử không phải là diễn giải sử liệu, không phải là việc xác định xem sử liệucó nói đúng hay không và giá trị biểu cảm của sử liệulà gì, mà là khai thác sử liệu từ bên trong và soạn thảo sử liệu: tổ chức, cắt xén, phân phát, sắp xếp, phân bổ thành nhiều cấp độ, thiết lập các xâu chuỗi, phân biệt cái gì là thích đáng và cái gì không thích đáng, định vị các yếu tố, xác định các đơn vị, miêu tả các mối quan hệ. Như thế, đối với lịch sử, sử liệu không còn là cách trơ ì mà lịch sử cố tái tạo những gì con người đã làm hoặc nói, những gì đã qua và chỉ còn lại dấu vết: lịch sử tìm cách xác định trong mớ tư liệu về các đơn vị, về các tổng thể, xâu chuỗi, về các mối tương quan. Phải tách lịch sử ra khỏi hình ảnh trong đó nó tự mãn trong một thời gian dài và qua hình ảnh đó nó tìm thấy các lý giải nhân học của mình: hình ảnh của một ký ức ngàn đời và tập thể, một ký ức sử dụng sử liệu cụ thể để tìm lại sự tươi mới của những kỷ niệm; ký ức này là công việc, là quá trình thực thi tính vật chất của tư liệu (sách, văn bản, truyện kể, ghi chép, văn tự, cơ cấu, thể chế, quy định, kỹ thuật, đồ vật, phong tục, v.v…), ở khắp nơi, trong mọi xã hội, tính vật chất của tư liệu thường có những hình thức hoặc mang tính tự phát, hoặc được tổ chức bằng những tồn dư. Sử liệukhông phải là công cụ mỹ mãn của lịch sử, lịch sử tựnó và đương nhiên là ký ức; lịch sử, đó là cách mà xã hội công nhận vị thế của sử liệu, xây dựng sử liệu, xã hội và sử liệu không bao giờ tách rời nhau.
Không dài dòng, chúng ta có thể nói rằng, lịch sử theo truyền thống thường “ghi nhớ” các công trìnhcủa quá khứ, biến các công trình đó thành sử liệu và làm cho các dấu vết đó nói lên nhiều điều, các dấu vết này tự thân không được thể hiện bằng lời nói, hoặc nói thầm cái khác với điều mà chúng muốn nói; ngày nay, lịch sử là cái biến sử liệu thành công trình; nơi mà người ta giải mã được những dấu vết mà con người đã để lại, nơi mà người ta cố gắng nhận ra một cách gián tiếp bản chất trước đây của con người, lịch sử trình bày toàn bộ các yếu tố cần tách biệt, cần tập hợp lại, cần làm cho có tính thích đáng, cần đưa vào các mối quan hệ, cần tạo thành những thể thống nhất. Đã có thời khảo cổ học, với vị thế là một chuyên ngành nghiên cứu những công trình câm, những dấu vết trơ ì, những thứ ngoài bối cảnh và những thứ do quá khứ để lại, đã hướng về lịch sử và chỉ có nghĩa khi tái tạo lại diễn ngôn lịch sử; chúng ta có thể nói, bằng cách dùng lối chơi chữ, rằng ngày nay, lịch sử hướng về khảo cổ học, - hướng về việc miêu tả nội tại công trình.
Và điều đó kéo theo nhiều hậu quả. Trước hết là hiệu ứng bề mặt mà chúng ta đã đề cập: số ngắt quãngtrong lịch sử tư tưởng tăng lên, những thời kỳ dài trong lịch sử đúng nghĩa được làm sáng tỏ. Trong dạng thức truyền thống, lịch sử có nhiệm vụ xác định các mối quan hệ (quan hệ nhân quả đơn giản, quan hệ quyết định vòng tròn, quan hệ đối kháng, quan hệ biểu đạt) giữa các sự việc hoặc các sự kiện có xác định ngày tháng: khi đã có xâu chuỗi rồi thì phải xác định cụ thể vùng lân cận của từng yếu tố. Từ đây, vấn đề là phải tổ chức thành xâu chuỗi: xác định các yếu tố cho mỗi xâu chuỗi, xác định phạm vi cho mỗi xâu chuỗi, làm sáng tỏ loại quan hệ của từng xâu chuỗi, đưa ra quy luật của mỗi xâu chuỗi và vượt qua đó để miêu tả các mỗi quan hệ giữa các xâu chuỗi khác nhau, để thiết lập các xâu chuỗi của các xâu chuỗi, hoặc là “những bức tranh”: thế nên mới có sự nhân rộng các phân tầng, việc tháo gỡ các phân tầng, tính đặc thù của các thời kỳ và của các niên đại của phân tầng; do đó không những cần phải phân biệt các sự kiện trọng đại (với một chuỗi dài các hậu quả) với các sự kiện không đáng kể, mà còn phải phân biệt các loại sự kiện với cấp độ hoàn toàn khác (có những sự kiện xảy ra chóng vánh, có những sự kiện diễn ra trong thời gian trung bình, như sự phát triển của kỹ thuật hay sự hiếm dần của tiền mặt, cuối cùng là các sự kiện khác diễn ra chậm chạp chẳng hạn như sự cân bằng dân số hay việc nền kinh tế tự điều chỉnh dần theo sự biến đổi khí hậu); thế nên mới có khả nằng làm xuất hiện các xâu chuỗi với những điểm mốc dài được cấu thành bằng những sự kiện hiếm khi xảy ra hoặc các sự kiện lặp đi lặp lại nhiều lần. Sự xuất hiện các thời kỳ dài trong lịch sử ngày nay không phải là sự trở về với các nền triết học trong lịch sử, với các thời đại lớn của thế giới, hay trở về với những giai đoạn mà số phận đã định ra cho các nền văn minh; đó là hiệu ứng của việc xây dựng các xâu chuỗi một cách có phương pháp. Thế mà trong lịch sử tư tưởng, tư duy và các khoa học, vẫn là chuyển biến ấy nhưng đã tạo ra hiệu ứng ngược lại: nó đã tách chuỗi dài bao gồm sự tiến bộ của ý thức, hay thuyết mục đích về tư duy, hay sự phát triển của tư tưởng con người; nó bàn lại các chủ đề về sự đồng nhất và quá trình thực hiện; nó tra vấn khả năng tổng hóa. Nó kéo theo quá trình cá thể hóa các xâu chuỗi khác nhau, những xâu chuỗi này kề cạnh bên nhau, kế tiếp nhau, đè lên nhau, chồng chéo nhau, không thể nào quy giản chúng thành một sơ đồ tuyến tính. Như vậy, thay vì một niên đại tư duy liên tục mà người ta thường đưa về cội nguồn bất khả tiếp cận của nó, về thời kỳ khai lập của nó, đã xuất hiện những thước đo đôi khi rất ngắn, những thước đo khác biệt nhau, kháng cự với một quy luật chung, thường xuyên chứa đựng một loại hình lịch sử riêng biệt, không thể quy giản thành một mô hình ý thức chung, một mô hình luôn luôn tiếp nhận, phát triển và hồi nhớ.
Hậu quả thứ hai: khái niệm ngắt quãng chiếm một vị trí quan trọng trong các chuyên ngành sử học. Đối với sử học cổ điển, sự ngắt quãng vừa là cái đạt ngayvừa là cái không thể tư duy: cái thường được trình bàydưới dạng các sự kiện phân tán - quyết định, biến cố, sáng kiến, phát hiện; cái mà qua phân tích chắc hẳn bị lẩn tránh, bị quy giản, bị xóa nhòa để cho xuất hiện sự liên tục của các sự kiện. Sự ngắt quãng, đó là vết nhơ của sự phân tán thời gian mà nhà sử học có nhiệm vụ phải triệt tiêu để lịch sử không bị vấy bẩn. Giờ sự ngắt quãng đã trở thành một trong những yếu tố cơ bản trong nghiên cứu lịch sử. Nó xuất hiện với ba vai trò. Trước hết, đó là thao tác chín muồi của nhà sử học (chứ không còn là sử liệu cần xử lý mà nhà sử học bất đắc dĩ phải tiếp nhận); bởi vì, chí ít là để đưa ra một giả thuyết có hệ thống, nhà sử học phải phân biệt các cấp độ phân tích tiềm năng, các phương pháp đặc thù cho mỗi cấp độ và những cách phân kỳ thích hợp nhất.Sự ngắt quãng cũng là kết quả của việc miêu tả chính nó (chứ không còn thứ phải tự triệt tiêu dưới sự tác động của việc phân tích chính nó): bởi vì cái mà nhà sử học cố gắng khám phá, đó là những giới hạn của một quá trình, điểm uốn của một đường cong, sự đảo chiều của một động tác điều tiết, biên giới của sự giao động, là ngưỡng vận hành, khoảnh khắc rối loạn của quan hệ nhân quả xoay vòng. Cuối cùng, sự ngắt quãng là khái niệm mà người ta luôn tìm cách định rõ (thay vì coi thường nó như một khoảng trắng đồng dạng và phiếm định giữa con chữ); nó có hình thức và chức năng đặc thù tùy theo lĩnh vực và cấp độ màngười ta gán cho nó: người ta không nói về cùng một sự ngắt quãng khi miêu tả ngưỡng khoa học luận, sự dựng ngược lên của biểu đồ dân số, hay việc thay thế một kỹ thuật bằng một kỹ thuật khác. Khái niệm ngắt quãng là một khái niệm nghịch lý: bởi nó vừa là công cụ vừa là đối tượng nghiên cứu; bởi nó xác định phạm vi mà nó tạo nên; bởi nó cho phép cá thể hóa các lĩnh vực, nhưng người ta chỉ có thể xác lập khái niệm này bằng cách so sánh các lĩnh vực. Và bởi vì cuối cùng, có thể khái niệm này không chỉ là khái niệm duy nhất trong ngôn ngữ của nhà sử học, nhưng nhà sử học lạingấm ngầm đưa ra giả thuyết: ông ta có thể nói từ đâu, nếu không phải là từ sự ngắt quãng, một sự ngắt quãng đem lại cho ông ta đối tượng nghiên cứu là lịch sử - và lịch sử của riêng ông ta? Một trong những nét cơ bản nhất của sử học mới, hẳn là sự dịch chuyển của sự đứt quãng: sự đứt quãng đi từ chướng ngại vật đến thực hành; nó thâm nhập ngôn ngữ của nhà sử học, trong đó, nó không còn đóng vai trò của định mệnh từ ngoài áp vào, một định mệnh cần phải triệt tiêu, nó đóng vai trò của một khái niệm có hiệu lực mà người ta dùng đến; và qua đó sự nghịch chuyển của các ký hiệu nhờ đó mà sự đứt quãng không còn là khía cạnh tiêu cực của quá trình đọc lịch sử (mặt trái, sự thất bại, hạn chế của quyền lực) mà là một yếu tố tích cực, yếu tố này xác định đối tượng của sự đứt quãng và hợp thức hóa việc phân tích sự đứt quãng.
Hậu quả thứ ba: chủ đề và khả năng của Sử họctổng quát bắt đầu bị xóa bỏ và người ta thấy bức tranh hoàn toàn khác về cái có thể gọi là Sử học đại cươngbắt đầu được phác thảo. Dự phóng Sử học tổng quát, đó là dự phóng tìm cách tái tạo hình thức tổng thể của một nền văn minh, căn nguyên - vật chất hay tinh thần - của một xã hội, ý nghĩa chung cho tất cả các hiện tượng của một thời kỳ, quy luật giải thích sự gắn kết của các hiện tượng đó – thứ mà bằng phép ẩn dụ người ta gọi là “bộ mặt” của một thời kỳ. Một dự phóng như vậy liên quan đến vài ba giả thuyết: người ta giả thuyết rằng giữa tất cả các sự kiện xảy ra trên cùng một trục không gian - thời gian nào đó, giữa tất cả các hiện tượng mà người ta đã lần ra dấu vết, người ta có thể thiết lập hệ thống các mối quan hệ đồng nhất:mạng lưới quan hệ nhân quả cho phép tháo gỡ từng sự kiện, hiện tượng, quan hệ tương đồng qua đó người ta thấy được các sự kiện, hiện tượng biểu trưng nhau như thế nào, hay tất cả các sự kiện, hiện tượng đó thể hiện một và chỉ một hạt nhân ra sao; mặt khác, người ta đưa ra giả thiết rằng một và chỉ một hình thức lịch sử có thể mang theo những cấu trúc kinh tế, sự ổn định xã hội, tính trơ ì của tâm tính, các thói quen kỹ thuật, tập tính chính trị, và áp cho tất cả mọi sự kiện, hiện tượng một loại hình chuyển hóa duy nhất; cuối cùng người ta đưa ra giả thiết rằng bản thân lịch sử có thể được cấu tạo bằng nhiều đơn vị lớn – giai đoạn hay thời kỳ - , các đơn vị này có nguyên tắc liên kết riêng. Đó là những định đề mà sử học mới đem ra tranh luận khi đặt ra vấn đề xâu chuỗi, cắt xén, giới hạn, chênh lệch, đặc thù niên đại, các hình thức tồn dư riêng biệt, những loại quan hệ tiềm tàng. Nhưng sử học mớikhông hề tìm cách có được nhiều lịch sử đặt cạnh nhau và độc lập với nhau: lịch sử kinh tế bên cạnh lịch sử thể chế, và bên cạnh đó còn có lịch sử khoa học, tôn giáo hay văn học; lịch sử cũng không chỉ tìm cáchchỉ ra những sự trùng hợp về ngày tháng hay những sự tương đồng về hình thức và nghĩa giữa các lịch sử khác nhau này. Thế nên vấn đề đặt ra – và xác địnhxem thử quan hệ nào có thể tồn tại hợp lệ giữa những xâu chuỗi khác nhau này; hệ thẳng đứng nào những xâu chuỗi đó có thể hình thành; từ những xâu chuỗi này đến các xâu chuỗi khác, tương quan và trội tính vận hành như thế nào, hiệu ứng của sự chênh lệch, của các tính chất thời gian khác nhau, của các tồn dư khác nhau có thể ra sao; trong những tổ hợp riêng biệt nào một số yếu tố có thể đồng thời hiện diện; tóm lại, có thể tạo lập không những xâu chuỗi nào, mà còn “chuỗi các xâu chuỗi” nào – hay nói cách khác, những “bức tranh nào. Mô tả tổng quát trói buộc tất các các hiện tượng xung quanh một trung tâm duy nhất – nguyên lý, ý nghĩa, tinh thần, thế giới quan, hình thức tổng thể; Sử học đại cương, trái lại, sẽ phô diễn không gian của sự phân tán.
Hậu quả cuối cùng: sử học mới gặp phải một số vấn đề phương pháp, trong đó, không nghi ngờ gì nữa, một số vấn đề phương pháp đã tồn tại trước nó, nhưng một số khác hiện đang tạo lên đặc trưng của sử học mới. Trong số đó, chúng ta có thể kể ra: việc tạo lập một kho sử liệu gắn bó chặt chẽ và đồng nhất (sử liệumở hay khép kín, xác định hay chưa xác định), việc thiết lập một nguyên tắc lựa chọn (tùy theo việc chúng ta xử lý sử liệu một cách đầy đủ, chúng ta lấy mẫu theo các phương pháp thu thập số liệu thống kê, hay chúng ta cố gắng xác định trước các yếu tố tiêu biểu nhất); việc xác định cấp độ phân tích và các yếu tố thích đáng đối với cấp độ phân tích này (trong vật liệu được nghiên cứu, chúng ta có thể thu thập các chỉ dẫn về số lượng; các quy chiếu – tường minh hay không - về các sự kiện, về các thể chế, về các hoạt động thực hành; từ ngữ được dùng với những quy tắc sử dụng riêng và với những trường nghĩa mà chúng gợi ra, hay là cấu trúc hình thức của các mệnh đề và các loại liên kết giữa các mệnh đề); việc xác định đặc thù của một phương pháp phân tích (xử lý định lượng các dữ liệu, phân tích theo một số nét tiềm tàng, tìm hiểu sự tương quan giữa chúng, giải mã bằng phương pháp diễn giải, phân tích tần số và phân tích sự phân bố; xác định các tổ hợp và các tiểu tổ hợp cấu thành vật liệu được nghiên cứu (vùng, thời kỳ, quá trình đơn); việc xác định các mối quan hệ cho phép tìm ra đặc trưng cho cả tổ hợp (đó có thể là những mối quan hệ về số lượng hoặc về logic; các mối quan hệ chức năng, nhân quả, loại suy; đó cũng có thể là các mối quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt).
Từ giờ trở đi, tất cả những vấn đề này thuộc phạm vi phương pháp của lịch sử. Một phạm vi xứng đáng để chúng ta quan tâm vì hai lý do. Trước hết là bởichúng ta thấy phạm vi này đã vượt qua đến mức nào cái mà mới đây thôi người ta gọi là triết học lịch sử, và triết học về những vấn đề mà lịch sử đặt ra (liên quan đến lý tính hay liên quan đến thuyết mục đích về sự diễn tiến, về tính tương đối của tri thức lịch sử, về khả năng phát hiện hoặc tạo lập nghĩa cho sự trơ ì của quá khứ, và cho tổng thể dở dang của hiện tại). Sau đólà bởi phạm vi này ăn khớp ở một số điểm với những vấn đề mà người ta tìm thấy ở chỗ khác – chẳng hạn như trong lĩnh vực ngôn ngữ học, dân tộc học, kinh tế học, phân tích văn học, huyền thoại học. Chúng ta có thể gắn lên những vấn đề này phù hiệu cấu trúc luận.Cho dù với nhiều điều kiện: còn lâu những vấn đề này mới bao quát hết phạm vi phương pháp sử học, chúng chỉ chiếm một phần và tầm quan trọng của phần này thay đổi theo các lĩnh vực và các mức độ phân tích; loại trừ một số trường hợp tương đối hạn chế, còn lại chúng không được du nhập từ ngôn ngữ học hay dân tộc học (theo quy trình phổ biến hiện nay), nhưng chúng đã ra đời trong phạm vi lịch sử - chủ yếu trong lịch sử kinh tế và trong những vấn đề mà lịch sử kinhtế đặt ra; cuối cùng, chúng tuyệt đối không cho phép nói về việc cấu trúc hóa lịch sử, hoặc chí ít về ý đồ vượt qua một “cuộc xung đột” hoặc một sự “đối lập” giữa cấu trúc và sự diễn tiến (devenir): đã từ lâu lắm rồi, các nhà sử học định vị, miêu tả và phân tích cấu trúc mà không phải tự hỏi liệu họ có đang bỏ qua “lịch sử” sống động, mong manh, yếu ớt không. Sự đối lập giữa cấu trúc và sự diễn tiến là không thích đáng cả về việc xác định phạm vi lịch sử và có thể cả về việc xác định phương pháp cấu trúc.
Quá trình chuyển biến khoa học luận trong lịch sử giờ vẫn chưa hoàn tất. Dù thế, nó đã bắt đầu từ khá lâu, bởi vì chúng ta có thể cho rằng quá trình này khởi nguồn từ Marx. Nhưng nó mất thời gian khá lâu để có hiệu lực. Đến tận ngày nay, nhất là đối với lịch sử tư tưởng, quá trình này chưa được ghi nhận cũng như chưa được suy ngẫm nhiều, trong khi mà các quá trình biến đổi mới đây đã được ghi nhận và đầu tư nhiều - chẳng hạn như ngôn ngữ học. Như thể con người đã gặp quá nhiều khó khăn trong việc thuật lại lịch sử này bằng tư tưởng, kiến thức của mình, trong việc trình bày lý thuyết chung về sự ngắt quãng, về các xâu chuỗi, về giới hạn, thể thống nhất, về các trật tự đặc thù, về sự tự chủ và về sự phụ thuộc khác nhau. Như thể, nơi mà người ta đã quen với việc tìm về cội nguồn, lội ngược dòng chảy, tái lập truyền thống, theo biểu đồ diễn tiến, trù định thuyết mục đích, và không ngừng viện đến các ẩn dụ của cuộc sống, thì người ta lại cảm thấy vô cùng ghê sợ khi phải tư duy về sự khác biệt, miêu tả sự cách biệt và sự phân tán, tách hình thức ổn định ra khỏi cái đồng nhất. Hay nói chính xác hơn, như thể người ta gặp khó khăn trong việc biến những khái niệm như ngưỡng, chuyển biến, hệ thống độc lập, xâu chuỗi hạn chế - như các nhà sử học đã thực sự sử dụng – thành lý thuyết, trong việc suy ra từ những khái niệm đó những hậu quả chung, và thậm chí những mối quan hệ liên can. Như thể chúng ta sợ tư duy về Tha Nhân khi đang tư duy về chính mình.
Ở đây có một lý do. Nếu lịch sử tư tưởng có thể vẫn là nơi có sự liên tục liền mạch, nếu lịch sử tư tưởng thắt nối những sự chuyển tiếp mà không sự phân tích nào có thể tháo gỡ mà không trừu tượng hóa, nếu lịch sử tư tưởng thêu dệt xung quanh những gì con người đang nói và đang làm những kết luận tối tăm, những kết luận quá sớm về con người, chuẩn bị cho con người, dẫn dắt con người luôn hướng tới tương lai, thì lịch sử tư tưởng sẽ là nơi ẩn náu riêng cho ý thức tối thượng. Lịch sử liên tục là yếu tố tương quan không thể thiếu của chức năng đặt nền móng củachủ thể: bảo đảm rằng tất cả những gì đã vượt ra khỏi tầm với của chủ thể sẽ có thể được hồi lại cho chủ thể; đoan chắc rằng thời gian sẽ không xóa nhòa bất cứ điều gì mà không khôi phục nó lại trong một thể thống nhất đã được tái tạo; hứa hẹn rằng một ngày nào đó, chủ thể sẽ có thể lĩnh hội một lần nữa - dưới hình thức ý thức lịch sử - tất cả những thứ bị tách xa bởi sự khác biệt, khôi phục quyền làm chủ của mình và tìm thấy trong đó cái mà người ta có thể gọi là nơi trú ngụ. Biến phân tích lịch sử thành diễn ngôn về sự liên tục và biến ý thức con người thành chủ đề gốc của mọi động lực và của mọi hoạt động, đó là hai mặt của một hệ tư tưởng. Ở đó, thời gian được quan niệm như là quá trình tổng hóa và các cuộc cách mạng không bao giờ chỉ là sự nhận thức.
Dưới những hình thức khác nhau, chủ đề này đã đóng một vai trò ổn định từ thế kỷ XIX: chống lại tất cả mọi sự lệch tâm, bảo toàn quyền tối thượng của chủ thể, và cứu vớt song sinh nhân học và chủ nghĩa nhân bản. Chống lại sự lệch tâm mà Marx đã tiến hành – qua việc nghiên cứu lịch sử các mối quan hệ sản xuất, các quyết sách kinh tế và quá trình đấu tranh giai cấp– vào cuối thế kỷ XIX, chủ đề này đã kéo theo quá trình tìm hiểu Sử học tổng quát, trong đó mọi sự khác biệt của một xã hội sẽ có thể được đưa về một hình thức duy nhất, về quá trình hình thành một thế giới quan, về quá trình thiết lập một hệ thống giá trị, về một loại hình văn minh đồng nhất. Đối lập với sự lệch tâm của phả hệ học Nietzsche là việc tìm kiếm nền tảng gốc, nền tảng này biến lý tính thành cái telos(đích hướng tới) của nhân loại, và liên kết toàn bộ lịch sử tư tưởng với việc bảo tồn lý tính, duy trì thuyết mục đích và việc trở về với nền tảng ban đầu, một sự trở về luôn luôn cần thiết. Cuối cùng, mới đây nhất, khi mà các công trình nghiên cứu về phân tâm học, ngôn ngữ học, dân tộc học đã đã làm cho chủ thể lệch tâm so với ý nguyện, so với các hình thức ngôn ngữ, các quy tắc hoạt động, các cách sử dụng diễn ngôn huyền thoại hay huyền diệu, khi mà rõ ràng bản thân con người, khi được hỏi bản chất của mình là gì, lại không thể trình bày về bản năng giới tính của mình, về sự vô thức của mình, về các hình thức có hệ thống của ngôn ngữ mình sử dụng, hay về tính hợp thức của những điều mình tưởng tượng, thì một lần nữa, chủ đề về sự tiếp diễn của lịch sử đã được kích hoạt lại: lịch sử không phải là sự ngắt quãng mà là sự diễn tiến; không phải là hệ thống các mối quan hệ mà là một công trình về sự tự do vất vả lắm mới hoàn thành được; không phải là hình thức bề ngoài mà là nỗ lực không ngừng của một ý thức đang hồi phục và đang cố gắng gượng dậy với tất cả khả năng của mình: lịch sử vừa là sự kiên nhẫn lâu dài, liên tục vừa là tính sinh động của một sự vận động, sự vận động này rốt cuộc đã phá vỡ tất cả mọi giới hạn. Để phát huy chủ đề này, chủ đề thiết lập quan hệ đối lập giữa “tính bất di bất dịch” của các cấu trúc và hệ thống “khép kín” của chúng, và tính “đồng đại” cần thiết của chúng, vốn là sự cởi mở sinh động của lịch sử, thì đương nhiên chúng ta cần phải phủ nhận việc các nhà sử học sử dụng khái niệm ngắt quãng, xác định các cấp độ vàcác giới hạn, miêu tả các xâu chuỗi đặc thù và làm sáng tỏ trò chơi về sự khác biệt. Như vậy, chúng ta buộc phải nhân học hóa Marx, biến Marx thành một sử gia về tính tổng quát và tìm thấy ở bản thân Marx diễn ngôn về chủ nghĩa nhân bản; như vậy chúng ta buộc phải diễn giải Nietzsche bằng ngôn ngữ triết học siêu nghiệm, và hạ bệ thuyết phả hệ của ông về mặt nghiên cứu trạng thái gốc; cuối cùng, chúng ta buộc phải để sang một bên tất cả những vấn đề phương pháp luận mà sử học mới ngày nay đang chủ trương, coi như những vấn đề này chưa bao giờ được đề cập tới. Bởi vì, nếu như vấn đề về sự ngắt quãng, vấn đề về hệ thống và các quá trình biến đổi, vấn đề xâu chuỗi và ngưỡng, được đặt ra trong tất cả mọi chuyên ngành lịch sử (và trong các chuyên ngành liên quan đến tư tưởng hay khoa học cũng như các chuyên ngành liên quan đến kinh tế và các xã hội), thì thử hỏi làm sao chúng ta có thể cho rằng, với một sự hợp lý nào đó, sự “diễn tiến” đối lập với “hệ thống”, sự vận động đối lập với sự điều tiết vòng tròn, hay “lịch sử” với “cấu trúc”, như người ta thường nói cho qua chuyện?
Đó cũng chính là chức năng lưu giữ giờ rất thịnh hành trong chủ đề tổng thể văn hóa - người ta đã chỉ trích và xuyên tạc Marx ở điểm này -, trong chủ đề vềcuộc tìm kiếm căn nguyên - về vấn đề này, người ta đã cho rằng Nietzche có quan điểm đối lập trước khi có ý định xếp ông vào số những người chủ trương -, và trong chủ đề sử học sống động, liên tục và mở. Vì thế mà người ta sẽ kêu ca là lịch sử đã bị bức tử khi mà trong nghiên cứu sử học – và nhất là khi bàn về vấn đềtư duy, tư tưởng hay tri thức - người ta sử dụng quá lộ các phạm trù đứt quãng, khác biệt, các khái niệm ngưỡng, ngắt quãng, biến đổi, miêu tả về các xâu chuỗi và giới hạn. Người ta sẽ tố cáo rằng ở đây có ý đồ mưu sát quyền lực bất diệt của sử học và nền tảng của mọi tính lịch sử. Nhưng ở đây không nên nhầm lẫn: cái mà người ta đang khóc thương thảm thiết như vậy không phải là sự biến mất của sử học mà là sự biến mất của một hình thức lịch sử hũ nút nhưng được quy về hoạt động tổng hợp của chủ thể; cái mà người ta đang khóc thương, đó là sự diễn tiến, một sự diễn tiến có lẽ đang dành cho quyền tối thượng của ý thức một nơi ẩn náu yên ổn hơn, ít lộ hơn là các huyền thoại, các hệ thống quan hệ họ hàng, các ngôn ngữ, tính dục hay ham muốn; cái mà người ta đang khóc thương, đó là khả năng làm sống lại trò chơi về những quyết định vật chất, những quy tắc thực hành, nhữnghệ thống vô thức, những mối quan hệ nghiêm túc nhưng bồng bột, những mối tương quan thoát khỏi mọi kinh nghiệm sống; cái mà người ta đang khóc thương, đó là việc sử dụng sử học như một công cụ tư tưởng, qua đó, người ta cố gắng trả lại cho con người tất cả những gì thoát khỏi tầm với của con người từ hơn một thế kỷ nay. Người ta đã cất giữ tất cả các kho báu của ngày xưa trong thành trì cổ xưa của sử học; người ta cứ tưởng đó là một thành trì vững chắc; người ta đã thiêng hóa nó; người ta đã biến nó thành nơi trú ngụ cuối cùng của tư tưởng nhân học; người ta cứ ngỡ là có thể tóm gọn tất cả những kẻ tấn công thành trì đó, biến những kẻ đó thành những người lính gác có tinh thần cảnh giác cao. Nhưng thành trì cổ xưa đó đã bị các nhà sử học rời bỏ từ lâu rồi; họ đã đi làm việc chỗ khác; thậm chí người ta còn nhận ra rằng Marx hay Nietzche không thực hiện nhiệm vụ bảo vệ như đã được giao phó. Không nên dựa dẫm vào họ để bảo vệ đặc quyền đặc lợi nữa, cũng không nên trông cậy vào họ để khẳng định một lần nữa –cho dù có trời mới biết trong hoàn cảnh nguy khốn như hôm nay,người ta có cần đến hay không - rằng lịch sử, chí ít là lịch sử, vẫn luôn sống động và liên tục, về chủ đề này, lịch sử vẫn luôn là chỗ nghỉ ngơi, hòa giải, cái nôi của niềm tin – nơi có giấc ngủ an lành.
Về điểm này, chúng tôi có một dự phóng nghiên cứu trong đó Lịch sử về chứng điên, Sự ra đời của y học lâm sàng, Ngôn từ và Sự vật đã phác thảo một bức tranh toàn cảnh đang còn rất dở dang. Dự phóng qua đó chúng tôi cố gắng xác định chiều kích của sự chuyển biến thường diễn ra trong lĩnh vực sử học; dự phóng trong đó các phương pháp, hạn chế, các chủ đề đặc thù của lịch sử tư tưởng được đưa ra bàn luận; dự phóng qua đó chúng tôi cố gắng tháo gỡ những gò bó xung quanh vấn đề nhân học; dự phóng có tham vọng làm rõ quá trình hình thành những sự gò bó này. Những nhiệm vụ này đã được phác thảo hơi lộn xộn và sự liên kết giữa các nhiệm vụ không được rõ ràng. Đã đến lúc phải mang lại một sự liên kết chặt chẽ nào đó, chí ít cũng phải thử sức xem sao. Kết quả của nỗ lực này là cuốn sách này đây.
Một vài nhận xét trước khi bắt đầu và để tránh mọi sự hiểu nhầm:
- Vấn đề ở đây không phải là đưa vào lịch sử, và đặc biệt là lịch sử tri thức, phương pháp cấu trúc vốn là một phương pháp đã phát huy giá trị của mình trong các diện trường nghiên cứu khác. Vấn đề ở đây là trình bày các nguyên lý và hậu quả của một sự chuyển biến nội sinh đang được hoàn thành trong địa hạt tri thức lịch sử. Ở phương diện nào đó, hoàn toàn có khả năng là chuyển biến này, những vấn đề mà nó đặt ra, những công cụ mà nó sử dụng, những khái niệm được xác định trong đó, những kết quả mà nó đạt đượckhông xa lạ gì với cái mà người ta gọi là phân tích cấu trúc. Nhưng trong cuốn sách này, phân tích cấu trúc không được chúng tôi vận dụng một cách riêng biệt.
- Vấn đề ở đây càng không phải là sử dụng các phạm trù về tổng thể văn hóa (về thế giới quan, hình mẫu lý tưởng hay tinh thần đặc thù của các thời kỳ) để áp đặt cho sử học các hình thức phân tích cấu trúc một cách khiên cưỡng. Các xâu chuỗi được miêu tả, các giới hạn được xác định, các so sánh và mối quan hệ tương quan được thiết lập không dựa vào triết học lịch sử cổ xưa mà hướng đến mục đích là đặt lại vấn đề về thuyết mục đích, về quá trình tổng hóa.
- Nếu như vấn đề đặt ra là xác định một phương pháp nghiên cứu lịch sử thoát khỏi chủ đề nhân học, chúng ta thấy rằng lý thuyết mà tôi sắp trình bày nằm trong một mối quan hệ kép với những cuộc điều tra đã thực hiện. Lý thuyết này cố gắng trình bày một cách tổng quát (nhưng không phải không có nhiều sự chỉnh sửa, không phải không có sự gia công kỹ lưỡng)những công cụ mà những nghiên cứu này đã sử dụng hoặc đã sáng tạo. Nhưng mặt khác, lý thuyết này đủ cơ sở vững chắc, nhờ những kết quả đã đạt được, đểxác định một phương pháp phân tích riêng biệt, hoàn toàn đoạn tuyệt với nhân loại học. Mảnh đất lý thuyết này đang đặt chân là mảnh đất nó đã khám phá. Các cuộc điều tra về chứng điên và sự xuất hiện ngành tâm lý học, các cuộc điều tra về bệnh tật và sự ra đời của y học lâm sàng, những cuộc điều tra về các ngành khoa học về đời sống, về ngôn ngữ và về kinh tế đã là những cuộc thử nghiệm có phần mù quáng: nhưngnhững cuộc thử nghiệm này sáng tỏ dần dần, không chỉ vì phương pháp sử dụng dần được cụ thể hóa mà còn bởi vì chúng thấy được tiềm năng lịch sử của cuộc tranh luận về chủ nghĩa nhân bản và nhân học.
Nói tóm lại, công trình này, cũng như các công trình trước đó, không nằm trong cuộc tranh luận về cấu trúc (nói đến cấu trúc là so với quá trình hình thành, so với dòng chảy lịch sử và so với sự diễn tiến) cho dù đó là tranh luận trực tiếp hay tranh luận khơi mào đi chăng nữa; công trình này nằm trong phạm vi mà những vấn đề về con người, về ý thức, về nguồn gốc và về chủ thể bộc lộ, giao chéo nhau và định hình cụ thể. Song le, hẳn không sai khi cho rằng cũng chính chỗ này mà vấn đề cấu trúc được đặt ra.
Trong cuốn sách này, tôi không viết tiếp hay miêu tả kỹ hơn những gì đã viết trong Lịch sử chứng điên,Sự ra đời của y học lâm sàng, hay Ngôn từ và Sự vật.Cuốn sách này khác những cuốn khác ở nhiều điểm. Trong đó có khá nhiều sửa chữa và ý kiến tự phê phán. Nhìn chung, Lịch sử chứng điên hơi quá chú trọng, chú trọng một cách khó hiểu, những gì được coi như là “kinh nghiệm”, qua đó muốn nói rằng giờ người ta vẫn còn có xu hướng chấp nhận một chủ đề lịch sử chung chung, hời hợt; trong Sự ra đời của y học lâm sàng, khi nhiều lần viện đến phương pháp cấu trúc, tôi có thể đã tránh né tính đặc thù của vấn đề đặt ra và cấp độ riêng của khảo cổ học; cuối cùng, trong Ngôn từ và Sự vật, sự thiếu vắng những cột mốc phương pháp luận có thể đã khiến cho người đọc nghĩ đến những phân tích về tổng thể văn hóa. Những nguy cơ này làm cho tôi rất buồn nhưng không thể nào tránh khỏi: tôi tự an ủi bằng cách tự nhủ rằng chúng là một phần của dự phóng, bởi vì, để đưa ra những biệnpháp riêng, trong dự phóng này, tôi đã phải thoát ra khỏi những phương pháp khác nhau và những hình thức lịch sử khác nhau; và rồi, nếu như không có những câu hỏi đã được đặt ra cho tôi, nếu không có những khó khăn, những ý kiến bác bẻ, thì có lẽ tôi sẽ không bao giờ được chứng kiến sự hình thành của dự phóng mà kể từ đây, dù muốn dù không, tôi cảm thấy mình có sự gắn bó. Do đó mà cuốn sách này được viết một cách thận trọng và có phần loạn nhịp: nó luôn tạo khoảng cách, tự săm soi mình, mon men các giới hạn, đụng chạm đến những gì không muốn nói, đào rãnhthêm sâu để xác định đường đi. Nó thường xuyên lên án sự lẫn lộn có thể xảy ra. Nó mô tả bản sắc của riêng mình, cho dù vẫn nói trước: tôi không phải thế này, cũng không phải thế kia. Cuốn sách hầu như không mang tính phê phán; đó không phải cái cách để nói rằng tất cả mọi người đều sai ở bên này cũng như ở bên kia. Cuốn sách này xác định một chỗ đứng riêng biệt so với những cuốn khác; cố gắng xác định một khoảng trắng, cái khoảng trắng dần hình thành trong một diễn ngôn mà tôi cảm thấy còn rất bấp bênh, lưỡng lự chứ không phải có ý đồ bắt những người khác phải im lặng và cho rằng những gì họ nói là vô bổ.
*
- Bạn không tin vào những gì bạn đang nói ư? Một lần nữa bạn sẽ thay đổi, chuyển chỗ so với những câu hỏi được đặt ra, bạn sẽ nói rằng các ý kiến bác bẻ không thực sự hướng đến chỗ mà bạn muốn nói? Bạnđịnh nói một lần nữa rằng bạn chưa bao giờ như người ta đang khiển trách? Bạn đã chuẩn bị lối thoát cho riêng mình, lối thoát này sẽ giúp bạn tái hiện ở nơi khác trong cuốn sách sắp tới của bạn, cho phép bạn có thái độ khinh khi như bây giờ bạn đang khinh khi: không, không, tôi không phải đang ở chỗ mà bạn đang rình rập, tôi đang ở chỗ mà từ đó, tôi vừa nhìn các bạn vừa cười.
- Các bạn thấy không? Tôi sẽ viết và cố viết với rất nhiều khó khăn nhưng cũng không kém phần vui sướng nếu tôi không chuẩn bị tinh thần để dấn thân vào một mê cung trong đó tôi sẽ đi bâng quơ, nói chệch ý của mình, đào cho ý mình muốn nói những đường hầm, chôn sâu những gì mình nói để cho nó tách ra khỏi chính nó, tìm cho những gì mình nói những chỗ nhô ra, những chỗ thâu tóm và làm biến dạng hành trình của nó; tôi lạc lối trong đó để rồi xuất hiện trước những cặp mắt mà không bao giờ tôi phải bắt gặp nữa. Nhiều người, hẳn cũng như tôi, đang viết để không còn mặt. Bạn đừng hỏi tôi là ai, chớ bảo tôi hãy luôn là tôi: đó là đạo đức mang tính hộ tịch; nó chỉ quản lý giấy tờ tùy thân. Nó phải để cho chúng ta tự do khi chúng ta viết.
Nguyễn Duy Bình dịch
(Nguồn: L’Archéologie du Savoir, Gallimard, 1969)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét